trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
9.8.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Của hai mươi lăm năm trước và sau
 
Tiểu nhân chi quá dã tất văn." (Kẻ tiểu nhân thường dùng lời lẽ đẹp đẽ để che giấu lỗi của mình. Luận ngữ, XIX)


Ngày 15/8 này, vợ chồng chúng tôi đã lấy nhau đúng 25 năm. Theo tiêu chuẩn ngày trước của ông bà ta thì đây là chuyện chẳng có gì đáng để nói. Nhưng trong bối cảnh văn hoá và nhân sinh bây giờ, "chịu đựng" được nhau trong một phần tư thế kỷ là chuyện cũng khá dài. Hôn nhân là hành trình của duyên và nợ, của cân bằng, đối xứng, tương phản và thử thách. Như một ổ khoá của tâm hồn, người phối ngẫu là cái chìa khoá để mở cánh cửa ý thức và tâm linh - dù rằng ở thời nay người ta ít còn ai biết hay để ý đến điều này.

Tôi nhớ năm ấy là 1980, lúc tôi đang là chủ tịch Hội Sinh viên ở Đại học Texas, đang đọc bài diễn văn khai mạc đại hội thể thao liên trường, tôi nhìn xuống các phái đoàn sinh viên tham dự, trông thấy có một nữ sinh cao ráo và xinh đẹp, nét mặt và sống mũi giống như người Ấn Độ. Như là con gà trống, tôi gáy xong bài nói chuyện để rồi chạy ngay xuống làm quen với nàng ấy. Chuyện bắt đầu từ đó. Ngày 15 tháng 8, 1982, chúng tôi làm lễ cưới và dắt tay nhau qua California lập nghiệp. À ha! Mới đó rứa mà đã 25 năm. Mau thật!

Để thành hôn với ai, chúng ta phải có một niềm tin vô điều kiện về con người đó và tương lai vợ chồng. Phần lớn chúng ta đều "cũng liều nhắm mắt đưa chân" để bước qua một cánh cửa quan yếu vốn định nghĩa toàn diện bản chất và hình thái cho suốt cuộc đời này. Hôn nhân cần xẩy ra khi cá nhân còn dưới 30, khi mà niềm tin và lòng ngây thơ với con người, về tình yêu, về cuộc đời còn tương đối nhiều. Những ai đã một lần dang dở, hay đã trên tuổi 30, thì khó mà kiếm được người vừa ý, vì khi đó họ đã bắt đầu nghi ngờ, và cái hồn nhiên đã không còn. Hôn nhân là hành trình thay thế hồn nhiên tâm hồn bằng ý thức trưởng thành - trong kiên nhẫn, tha thứ khuyết điểm - và chấp nhận sự khác biệt lẫn nhau như là một phần khác của cuộc đời có nhiều lên xuống.

Khi nhìn lại 25 năm qua, nếu có quãng đường nào xuống thấp cho vợ chồng chúng tôi thì nguyên do là chỉ tại tôi - và chỉ tại tôi mà thôi. Vợ tôi, Hồng Vân, là người rất giản dị. Nàng gần như không bao giờ mua sắm áo quần hay nữ trang cho mình. Đi đâu, đám cưới hay tiệc tùng, Vân vẫn cứ mặc bộ áo quần cũ hồi mới lấy nhau. Mọi chuyện đối với nàng đều đơn giản. Còn tôi thì ngược lại. Tôi thường hay tổ chức tiệc tùng, ăn uống, bạn bè đầy nhà quanh năm để nàng phải nấu nướng, dọn dẹp, rửa chén bát nhọc nhằn. Tôi lại đi Việt Nam và khắp các nơi khác - đi một mình, mà ít khi cho vợ con biết trước. Tối nay ra phi trường đi Việt Nam, sáng nay mới cho nàng biết - là chuyện thường. Tôi không bao giờ, cho đến gần đây, gọi về cho Vân từ Việt Nam, dù rằng tôi đi cả tháng trời. Có lần tôi gọi từ Việt Nam về Mỹ nói với Vân rằng, "Ôi ba mày nhớ mẹ mày quá! Uống rượu hoài mà ly không vơi." Vân hỏi, "Sao vậy? Có cô nào chuốc rượu hay sao?" Tôi trả lời, "Không! Vì nhớ mẹ con mày mà nước mắt chảy như mưa, nên ly không vơi được." Nàng hỏi, "Thật không đó? Xạo đi ông ơi!" - mà lòng nàng nghe có vẻ rất là vui. Khi tôi về lại Mỹ, nàng ra đón ở phi trường, cằn nhằn vài câu. Tôi chỉ việc xoa tay nàng và ca bài con cá, "Thôi ba mày xin lỗi mẹ mày. Thôi mà!" Thế là xong. Đó là chưa kể tôi còn vi phạm nhiều điều khác trầm trọng hơn, rất trầm trọng trong chữ tín và tình nghĩa vợ chồng. Như là có đào, chẳng hạn. Cho đến nay, Vân vẫn tha thứ - trong bực tức, tôi biết.

Cách đây khoảng năm sáu năm, khi giáo sư Nguyễn Văn Trung từ Canada sang San Jose chơi, ghé nhà tôi. Tôi thì quý mến bạn bè và các bậc tri thức, lại tổ chức tiệc tùng. Giáo sư Trung nói riêng với tôi, "Liêm nên nghĩ lại đi. Chứ tiệc tùng suốt ngày mà bà xã phục vụ như thế thì ai mà chịu nổi?" Từ đó, tôi giảm gần hết các cuộc vui thâu đêm. Vân cũng không nói gì - và cũng chẳng để ý. Tôi không thể tin là nàng - và hàng xóm - lại có thể chịu đựng được một căn nhà đầy bạn bè, ca hát, xe cộ, khách khứa như là nhà tôi.

Mỗi lần tôi viết báo hay sách bằng Việt ngữ, tôi in ra, đưa cho Vân, "Mẹ mầy sửa giúp chính tả." Nàng là người gốc Bắc kỳ nên dấu hỏi, ngã rành hơn thằng Trung kỳ trọ trẹ như tôi. Nhiều lúc tôi đang viết bài trên lầu, hỏi vọng xuống dưới nhà thật to, "Mẹ mày, chữ 'có vẻ' là dấu hỏi hay ngã?" Nàng ta la lên, "Ôi trời ơi, cái chữ đó mẹ mầy đã sửa cho ba mày cả ngàn lần rồi. Dấu hỏi ông ơi!" Có lẽ Vân coi những khuyết điểm của tôi, của con người, của một người chồng, người cha, như là những khuyết điểm chính tả vậy. Dù là văn bản nó có sai sót trên phương diện ngôn ngữ - nhưng nội dung thì ai đọc vô cũng biết ý nghĩa của tác giả và bài văn. Chắc vậy.

Vợ chồng chúng tôi ít khi nói chuyện với nhau. Tôi thì suốt ngày ngồi trong phòng sách; Vân thì ở dưới bếp, hay ngoài vườn. Đôi khi cả ngày, hai đứa chỉ nói vài câu. Đến giờ cơm tối thì nghe Vân kêu vọng lên từ bếp, "Ba mày xuống ăn." Chúng tôi gọi nhau là "ba mày", "mẹ mày" và không xưng "anh, em" như vợ chồng người ta thường gọi nhau. Ăn xong, tôi bỏ đó, đi lên phòng sách, đóng cửa tiếp. Tôi gần như hoàn toàn không làm việc nhà. Vân thường hay nửa đùa nửa thật than với bạn bè, "Nhà này không có đàn ông!" Mà thực vậy. Từ vườn sau, sân cỏ, bếp núc, chén bát, áo quần, rác rến, con cái, đúng là nhà tôi "không có đàn ông".

Bà xã tôi là con người phụ nữ truyền thống ngoài Bắc cổ xưa. Cái tâm chất của phụ nữ là của người mẹ: Dù cho chồng con có hư, có khuyết bao nhiêu thì tình yêu của nàng lại càng nhiều - và bỏ qua tất cả. Tâm hồn phụ nữ là của trái tim. Khi lý trí từ óc não phán xét và phê bình tiêu cực thì trái tim lại phản ứng lại bằng yêu thương và tha thứ. Vân bảo tôi là "Ba mầy có làm gì, (đại ý là có bồ, vợ bé, con rơi) thì hãy giữ kín. Đừng cho mẹ mầy biết." Dù thế mà có khi tôi đã "bay bướm" tí ti vẫn cứ vụng về để "lòi đuôi chồn" ra cho nàng biết. Càng ngày Vân càng có khả năng để mà biết về sự thật của tôi nhiều hơn - cùng với sự gia tăng khả năng chịu đựng của nàng. Hy vọng là tôi không lợi dụng sự kiên nhẫn và tha thứ của Vân để mà tiếp tục ba cái chuyện tầy hây.

Ba năm trước, tôi và Vân cùng con cái về lại làng cũ Bích La ở Quảng Trị. Trong buổi họp mặt làng, các cụ già đề nghị với tôi rằng, cả Họ (Nguyễn Hữu) sẽ đứng ra làm lễ cưới nàng hầu cho tôi. Nàng hầu sẽ ở lại làng - và tôi chỉ về thăm hằng năm mà thôi. Cả họ hứa là sẽ giấu kín chuyện này không cho Vân biết - trong lúc Vân đang ngồi chình ình ra đó họp cùng làng. Vân cười tươi nói với cả họ, "Ôi mà tui biết hết rồi mà! Còn đâu nữa mà giấu kín!" Đây là bí quyết của một "bí mật hiển nhiên." Tôi nói với Vân sau đó, "Mẹ mầy đừng có lo. Nếu ba mày có vợ bé, ba mày sẽ giấu kín hơn nữa kia." Nàng cười tươi trước cái ngôn ngữ kỳ khôi của một ông chồng ngược đời. Nhưng tôi thì nghĩ rằng, "một khăn không thể trải hai bàn" mà coi cái chuyện vợ bé, nàng hầu chỉ là chuyện tào lao.

Gần đây mấy tháng, đi Việt Nam, tôi lại giở chứng cũ, lại có đào. Vân biết đến và nghiêm nghị nói với tôi rằng nàng sẽ li dị. Tôi nói, "Mẹ mày đúng là vớ vẩn. Đàn ông nào đi Việt Nam mà không có đào!" Nhưng nàng không cười. Chết cha rồi! Tôi chạy lên phòng sách, đứng trước bàn thờ Phật tổ, cầu xin có cuốn sách nào bày cách giải quyết vấn đề khó khăn này. Tôi rút cuốn Tân ước, chạy xuống nhà, nói với Vân ngồi đến gần, để tôi đọc. "Thế rồi Peter đến và hỏi Jesus, 'Ngài ơi, bao nhiêu lần nữa tôi phải tha thứ cho anh tôi nếu hắn cứ tiếp tục sai lầm như vậy? Vô lẽ đến bảy lần?' Jesus trả lời, 'Ta không nói bảy lần; Ta nói bảy mươi lần bảy kia.'" (Matthew 18). Vân đếm tay, "Ừ ba mày mới có đào hai lần. Liệu hồn không thêm lần nào nữa nghe." Tôi cầm tay nàng và cảm thấy tay Vân bóp nhẹ lại mình. Tha thứ!

Hai mươi lăm năm nữa ư? Dư sức qua cầu! Tôi và Vân cùng cười to.

© 2007 talawas