trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
13.8.2007
Ngô Minh
Chuyện phía sau trang sách “Trăng Hoàng cung” và “Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung”
 
1. Là một người vô cùng yêu mến và kính trọng nhà thơ Phùng Quán, nên tôi rất xúc động khi nhận được cuốn sách Trăng Hoàng cung - tiểu thuyết tình 13 chương & Phùng Quán viết “Trăng Hoàng cung” - Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh”, do anh Nguyễn Đức Bình, giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ từ Sài Gòn gửi tặng. Anh Quán ơi, ở nơi chín suối, chắc anh đăng vuốt râu nâng chén mỉm cười mãn nguyện khi nhìn thấy cuốn sách của mình được in ấn đàng hoàng sang trọng ở trong nước, lại thêm những trang hồi ức thật thà của Nàng Thơ mà một thời anh yêu cuồng nộ với những bài thơ tài hoa tuôn chảy ào ạt như suối nguồn. Cuốn sách hấp dẫn đặc biệt bởi hai lẽ: Là cuốn tiểu thuyết tình bằng thơ thăm thẳm - Và điều lý thú là câu chuyện lãng mạn kể “thơ ấy” đã được sinh ra như thể nào !

Bản thân tôi là người chứng kiến từng ngày cuộc tình bùng cháy đó của anh. Từng dự nhiều cuộc tiệc bạn bè đãi anh sau khi nghe anh đọc thơ; từng ngắm anh đêm đêm bần thần thức sửa thơ, chép thơ bên chén ruợu Chuồn không bao giờ vơi cạn. Mùa hè 1984, sau 30 năm bị khổ đau, lăng nhục do án Nhân văn-Giai phẩm, và sau gần 40 năm trốn mẹ đi theo Vệ Quốc đoàn, anh mới trở về Huế quê hương. Dạo ấy anh Phùng Quán thường ngụ khi thì ở nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, khi ở làng anh ở Thuỷ Dương hoặc ở gian phòng tập thể 31 - Phan Bội Châu của vợ chồng tôi. Anh làm thơ gấp gáp không kịp ăn, không kịp thở. Làm xong chép lại một bản đàng hoàng rồi xỏ dép lốp, đạp xe cuốc Liên Xô về 26 - Lê Lợi để tặng Nàng. Anh gầy đi từng ngày. Tặng xong hơn chục bài thơ, ra Hà Nội anh sắp xếp, thêm thắt và đặt tên là Tiểu thuyết tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng. Anh chép nắn nót bằng bút mực tím học trò, trên loại giấy có kẻ ngang một bản, gửi vào Huế tặng tôi với dòng đề rất bè bạn: Yêu tặng thi hữu Ngô Minh. Sau đó, ở Hà Nội anh gửi thư báo cho tôi là anh đã viết thêm Lời đề từ vào 13 bài thơ, thành mỗi bài là một chương dày dặn và lấy tên Trăng Hoàng cung với câu chua “Tiểu thuyết tình 13 chương”. Năm 1993, sau khi NXB Thanh Văn (California) in Trăng Hoàng cung, anh chỉ nhận được 2 bản sách do bạn bè từ Mỹ mang về. Vào Sài Gòn chơi, ở nhà người bạn thân từ thuở thiếu sinh quân khu 4 là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, anh đi phôto rồi tự ngồi xếp trang, đóng chỉ thành nhiều bản. Sau đợt đi ngao du Đà Lạt, các tỉnh miền Tây cùng Nguyễn Trọng Huấn, “tư bản đỏ” Minh Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường ấy, cuối năm Con Gà (1993) anh ra Huế, đến nhà tặng tôi một cuốn Trăng Hoàng cung phô tô ấy và một bình rượu Tàu mà anh gọi là rượu Mao Đài do người quý anh ở Chợ Lớn tặng. Anh bảo: “Anh chỉ có 2 cuốn gốc. Một cuốn để lưu. Một cuốn để dành cho Nàng Thơ”. Đó là lần cuối cùng anh ở Huế. Năm 1994, anh phát bệnh xơ gan… (Xin mở ngoặc một chút: Trong hồi ức Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung, nhà văn Hà Khánh Linh viết: “tháng 12-1994, có dịp đi công tác Sài Gòn… gặp Phùng Quán ở Hóc Môn”, có lẽ chị nhớ nhầm, vì Phùng Quán điều trị bệnh trong thời gian gần 6 tháng, cuối 1994 anh đang bị bệnh rất nặng ở Hà Nội, ngày 22/1/1995 thì anh ra đi. Nên có lẽ cuối năm 1993 thì đúng hơn, vì lúc đó Phùng Quán mới ở Sài Gòn.)

Năm 2002, tôi tổ chức bản thảo và biên soạn cuốn Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ, 2003). Có rất nhiều bài viết của anh em văn nghệ sĩ cả nước gửi đến. Nhưng trong tôi vẫn đáu đáu về cái “sự tích Trăng Hoàng cung” ấy. Vì không có nó tập sách sẽ thiếu đi một phần đời thơ sáng láng cuối cùng của Phùng Quán. Tôi đến nhà năn nỉ chị Nguyễn Khoa Như Ý (tên thật của nhà văn Hà Khánh Linh): “Chị viết cho một vài hồi ức về Phùng Quán. Chuyện anh Phùng Quán ngày nào cũng làm thơ tặng chị ấy… Chẳng lẽ chị lại không có một dòng kỷ niệm nào về anh ấy?”. Nhà văn Hà Khánh Linh nhìn tôi mà như nhìn vào xa xăm: “Đến lúc giỗ 10 năm Phùng Quán mình sẽ có nén hương lòng tặng anh”. Năm 2004, chuẩn bị 10 năm giỗ Phùng Quán, tôi tập hợp bài vở, biên soạn tập bản thảo dày, cũng nội dung bạn bè viết về Phùng Quán, đặt tên là Chuyện Phùng Quán. Tôi lại đến nhà đề nghị Hà Khánh Linh viết kỷ niệm về Phùng Quán. Và lần này tôi thật sự vui mừng nhận từ tay chị tập bản thảo Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung viết tay 73 trang bằng bút bi xanh (có sửa chữa bằng mực bút bi đỏ) trên giấy A4 bằng lối chữ “gà mái mẹ” của chị. Vì chị tin tôi, nên đã đưa bản gốc và đến bây giờ tôi vẫn còn giữ. Có lẽ chị đã thuê đánh máy thành nhiều bản. Tập sách thứ ba về Phùng Quán do tôi biên soạn có phần hồi ức Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung, nhưng vì trục trặc sự vụ, không ra kịp 10 năm giỗ Phùng Quán (2005). Có lẽ cuối năm nay mới ra mắt bạn đọc, cũng do NXB Văn nghệ ấn hành với tên sách là Phùng Quán còn đây do chị Vũ Bội Trâm, vợ anh Quán đặt. Tiếc là Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung đã in rồi…

Tập bản thảo hồi ức của Hà Khánh Linh mà tôi đang có trong tay có một số chi tiết và câu văn không có trong phần hồi ức in trong tập sách vừa xuất bản. Năm 2004, khi tôi đang đọc bản thảo Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung của Hà Khánh Linh để đưa vào tập sách đang làm, thì chị Vũ Bội Trâm, vợ anh Quán, ở Hà Nội điện vào. Chị cho biết Nhà xuất bản Thanh niên yêu cầu chị thay mặt anh Phùng Quán phát biểu ý kiến nhận xét chính thức để họ in Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung của Hà Khánh Linh. Tôi hỏi, theo chị thì tập bản thảo ấy như thế nào? Chị Bội Trâm bảo: “Hà Khánh Linh có tặng chị một bản, chị đọc, thấy tác giả kể chuyện thật thà, nhưng nhiều chỗ chị thấy hình ảnh anh Quán tội nghiệp quá, thảm hại quá”. Thế rồi, Nhà Thanh niên không in được, vì thế mà Nhà Văn nghệ phải biên tập lại chút ít chăng? Trước anh linh Phùng Quán, tôi đồng ý với tấm lòng của chị Bội Trâm và sự biên tập đó của nhà xuất bản!

2. Nhưng cuộc tình ấy của Phùng Quán cũng đa đoan lắm. Nếu cắt gọt hết đi những chi tiết Phùng Quán “làm phiền” Nàng Thơ là không đúng với sự thật, là mất đi cái chất “xúc tác” để tạo nên những bài thơ bốc lửa và đầy minh triết. Thời gian đó, nhà văn Hà Khánh Linh đang bị “sốc đàn ông” vì cuộc lỵ dị chồng vừa diễn ra trước đó một năm (6-1983) - Em có con phải nuôi / Có chồng phải bỏ (Phùng Quán) - nghĩa là chị đang ở trong tâm trạng “chán đàn ông”; chị đang bị bệnh tim, lại phải nuôi hai đứa con nhỏ là Linh Kha và Linh Nguyên trong căn phòng 16 mét vuông chật chột, ẩm thấp ngột ngạt. Nhà thơ Võ Quê hay chơi chữ, ông đọc lái tên Nguyễn Khoa Như Ý thành Nguyễn Y Như Khoá cũng vì cái sự lãnh cảm đàn ông ấy. Đúng lúc đó thì Phùng Quán xuất hiện. Phùng Quán thì yêu say đắm, đúng hơn là cuồng si. Còn Hà Khánh Linh thì rất gìn giữ, chỉ ứng xử như một người em, người bạn. Cho đến những ngày gần đây một đạo diễn truyền hình ở Hà Nội vào hỏi thật lòng: Chị có yêu Phùng Quán không? Chị Như Ý trả lời ngay: “Ai bảo Hà Khánh Linh yêu Phùng Quán là không đúng!”. Rồi Phùng Quán đến nhà thường xuyên quá thành “quấy rầy”, ăn mặc thì lôi thôi áo mán quần bò, đội mũ lá, đi dép lốp, râu dài như ông lão miền núi, rồi những ánh nhìn “vượt quá phạm vi tình cảm”, nên rất nhiều lần nữ nhà văn từ chối, “xin lỗi vì bận việc”. “… Nhưng mỗi ngày phải tiếp chuyện thơ anh một hai lần thế này thì tôi thật… ngán! Tôi còn bao nhiêu việc phải làm, còn anh thì bao giờ cũng muốn ngồi lâu…” (bản thảo gốc). Có nhiều khi “người đẹp” còn đuổi nhà thơ, nhà thơ phải “van xin”: Em la lối phàn nàn/ Gian phòng tôi nóng thiêu như sa mạc / Anh đến ngồi quá lâu / Càng thêm nóng bức / Anh thở như một người chết khát / Chút khí trời ít ỏi của tôi !... Rồi Đứng trong xó nhà cũng không được đứng… đứng trước hiên cũng không được đứng… Đứng ở đầu đường cũng không được đứng !... (“Tôi yêu”). Tất cả những điều ấy là có thật. Nhà văn Hà Khánh Linh đã viết trong hồi ký, nhưng đa số đã bị lược bỏ. Nhưng dù không yêu, dù “ngán ngẩm”, dù nhiều ngày chịu đựng sự “quấy quả” của Phùng Quán, Hà Khánh Linh vẫn có công rất lớn trong việc tạo nên Trăng Hoàng cung, “người đã một thời khơi nguồn cảm hứng cho anh Quán làm thơ” (Vũ Bội Trâm).

Nhưng tôi lại nghĩ, chính mối tình cuồng si đơn phương, đau khổ vì không được “yêu lại” ấy đã sinh ra khoảng trống hay sự đột biến năng lượng tình cảm làm khơi dậy trong Phùng Quán nguồn mạch thơ mới. Bẵng đi một dạo, tôi không làm Thơ được nữa. Cái giếng Thơ tôi tưởng như bị tắc mạch, hoặc đã mức cạn đến gàu cuối cùng… Giờ bất hạnh đời tôi đã điểm! (tr. 14). Đã từ nhiều năm nay / Tôi sống mà như chết / Cơn khát thơ thiêu đốt trái tim tôi… (Chuơng hai - Cảm tạ, tr. 28). Cái khoảng trống nhận được sau tiếng sét ái tình ấy đã biến thành tình trường cực mạnh, khởi động lại năng lực sáng tạo của nhà thơ. Những nỗi niềm đắng cay muốn giãi bày cùng cuộc đời thông qua “mối tình đau khổ” ấy chính là những tứ thơ mạnh hình thành nên những hình tượng thơ ám ảnh, những triết lý nhân sinh sâu sắc. Trong bài thơ “Bi kịch” tặng Hà Khánh Linh không đưa vào Trăng Hoàng cung, Phùng Quán đã tổng kết được một triết lý: Cuộc đời là bi kịch. Văn chương cũng là bi kịch. Vì Nếu họ đặt bày? Những kết thúc tố đẹp / Không chia ly /Không chết / Ro-mê-ô lấy Juy –li-et? Ô-phê-li-a tóc cài hoa/ Không vừa hát vừa chết chìm trong suối / Mà nằm tênh hênh trên gường cưới… (tr. 98) thì sẽ không bao giờ có những áng văn chương bất hủ của nhân loại!

Phùng Quán đã bị vẻ đẹp đài các, dịu dàng của người phụ nữ Huế hớp hồn, không cưỡng lại được. Nhà thơ sống lơ ngơ như lần đầu được yêu. Bồn chồn. Thắc thỏm mong chờ. Sớm gặp. Chiều lại gặp. Tôi ngất ngưởng sống, ngất ngưởng thơ. Ngất ngưởng say… Và tôi ngất ngưởng gặp Nàng… (tr. 21). Chỉ một cuốn sổ lịch bìa ni-lon đen với các trang giấy có kẻ dòng - Một vật phẩm tầm phơ, nhàm chán, vụt hoá thành báu vật trong bàn tay có ngón dài thanh mảnh như thạch tượng Rô-đanh - cũng biến thành một tuyên ngôn thơ, một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn viết của người cầm bút vô cùng sâu sắc: Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng! Nghe Hà Khánh Linh bảo chị muốn dành thời gian để hoàn thành một kịch bản, chứ không thể tiếp anh lâu được, Phùng Quán cũng có ngay bài thơ “Bi kịch”. Anh khát thơ / và khát được nhìn em / Chuyện thường tình mà hoá thành bi kịch (tr. 96). Nghe Nàng nói “Em mệt tim một chút do thời tiết”, Phùng Quán cũng lẫy ngay ra được cái tứ bài thơ “Trái tim em không được bình yên” viết theo kiểu đánh điện tín. Nói dạt dột / Nếu một sớm mai nào đó em bỗng bay mất / Tôi sẽ tan ra thành mưa Huế những ngày đông! / Tôi sẽ xối xả xuống tất cả những nơi nào em đã đặt chân (tr. 38). Nàng thơ bảo “Cái mặt em như ri anh chộ (thấy) cả ngày mà không chán răng anh?”. Thế là đêm đó nhà thơ có ngay bài thơ “Chán chộ” với chất đồng dao rất dễ thương: Chỉ khi mô/ Con sông chán chảy / Ngọn gió chán thổi / Cây đờn chán giấy / Bàn tay chán ngón / Cái nón chán quai / Vừng trăng chán soi / Rễ cây chán đất / Đến bây chừ / Anh mới chán chộ mặt em (tr. 34). Tất cả các bài thơ hay trong Trăng Hoàng cung như “Mưa Huế”, “Trăng Hoàng cung”, “Đợi đò”, “Trái bí xanh”, “Tình tuyệt vọng”, Tôi khóc… đều xuất phát từ những sự “hắt hủi”, có khi mắng mỏ, từ chối của Nàng Thơ mà thành. Các nhà thơ thường bảo Tình Yêu làm nên thiên tài. Tôi xin nói thêm: Tình Yêu Cay Đắng mới là Thượng đế sinh ra các nhà thơ thiên tài!

3. Tuy nhiên Trăng Hoàng cung là một cuốn “tiểu thuyết”, có một cấu trúc hoàn chỉnh theo ý tưởng tác giả. Tác giả có quyền hư cấu, đưa vào tất cả những gì mình có để làm bật chủ đề. Cho nên trong Trăng Hoàng cung không phải bài thơ nào cũng tặng Nàng Thơ Hà Khánh Linh. Như bài “Lá khổ sâm” trong chương Đề từ, Phùng Quán viết từ thời đi tăng gia ở suối Linh Nham, Thái Nguyên. Hay bài thơ trong chương Hậu từ, bài thơ “Tôi có quyền gì?” cũng vậy. Tôi đã nghe anh đọc nhiều trong các cuộc tiệc do các quan chức chiêu đãi, trước khi gặp chị Linh: Tôi có quyền gì no hơn nhân dân tôi một miếng ăn / Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo... Cũng có bài thơ tặng Hà Khánh Linh nhưng không được nhà thơ đưa vào “tiểu thuyết tình” này, như bài “Bi kịch”.

Có một bài thơ viết trong “cơn lũ thơ Trăng Hoàng cung” ấy, cũng được đưa vào Tiểu thuyết tình 13 chương, Phùng Quán chép tặng Hà Khánh Linh thật, nhưng lại không phải thơ viết vì Hà Khánh Linh. Đó là bài “Nắng Cố Đô”. Phùng Quán viết: “Một hôm nàng khoe với những người ái mộ nàng một tấm hình màu cỡ lớn. Nàng đứng trước sân Đại Triều, mảnh mai, cân đối, tóc gió thổi bồng che kín khoảng mái ngói lưu ly Điện Thái Hoà rực rỡ mắng phía sau, nụ cười mê hồn, vô tư lự, cặp mắt lim dim vì chói nắng Cố Đô…”. Nắng Cố Đô nàng cười dim mắt? Ôi nụ cười nghiêng thành cổ hoàng cung /…. / Ta thương vua Hời nghèo mà ngốc / Ba trăm dặm nước tưởng là to ! / Chỉ riêng nụ cười Nàng dim mắt / Ta đặt dưới chân Nàng cả Vương-quốc-Thơ!... (tr. 42). Trong hồi ức Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung của Hà Khánh Linh cũng có chuyện Nàng cho Phùng Quán xem ảnh, nhưng là ảnh chụp ở Thuỷ Dương, bên hồ sen, chứ không phải chụp ở sân Đại Triều. Phùng Quán cũng khen ảnh đẹp, khen con mắt nheo. Sáng hôm sau nhà thơ cũng mang bài thơ “Nắng Cố Đô” đến tặng Nàng Thơ. Thực ra đây là bài thơ Phùng Quán viết tặng một người khác, cũng vào thời gian đó - Ấy là chị Hương Quân, người Hà Nội, hoạ sĩ, biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc (nay đã nghỉ hưu). Sự tình hơi dài dòng nên mong bạn đọc thông cảm. Hoạ sĩ Hương Quân là một phụ nữ Hà Nội xinh đẹp, lịch lãm, thân quen Phùng Quán từ thuở anh phải viết văn chui kiếm tiền nuôi con từ năm 1978. Hương Quân là người đặt hàng cho anh Quán viết truyện tranh cho Nhà xuất bản của chị, rồi chị vẽ tranh hoặc đặt hoạ sĩ khác vẽ tranh, rồi hai người bịa ra một cái tên tác giả. Chị bí mật đến nỗi trong cơ quan không ai hay biết. Khi xuất bản chị nhận nhuận bút đưa cho anh Quán. Chị là người duy nhất trên đời biết Phùng Quán có bao nhiêu sách in chui, có bao nhiêu tên bịa, bao nhiêu tên mượn của người khác. Chính chị đã cung cấp cho tôi những tư liệu quý đó để hoàn thiện bản “Tiểu sử Phùng Quán” in trong Nhớ Phùng QuánPhùng Quán - Ba phút sự thật. Ở trong cuốn sách đó chị cũng có bài “Nhớ về Phùng Quán” rất hay, mà theo chị thì “Mình nể Ngô Minh quá mới viết”. Chị chính là nguyên cớ để Phùng Quán phải lên “tăng gia” ở vùng núi Thái Nguyên, bên suối Linh Nham 3 năm liền. Chị Hương Quân đã thực sự trở thành một chỗ tựa tin cậy của Phùng Quán trong nhưng ngày đắng cay, vất vả của đời anh. Tất cả những điều này chị Bội Trâm đã biết từ lâu. Phùng Quán làm chòi ngắm sóng, Hương Quân cũng góp tiền mua lá gồi để lợp: Em đủ sức/ Che mát đời anh/ Nhưng kết cuộc / Em chỉ che một nửa / Nghe anh kể/ Dựng chòi ngắm sóng/ Em càng xót thương anh! / Em biết / Anh gào thét vậy / Nhưng anh chỉ là gió…/ Em lặng lẽ vậy / Nhưng em là bão tố… Tôi ra Hà Nội, anh Quán thường dẫn đến thăm nhà chị Hương Quân cũ ở đường Đinh Tiên Hoàng bên Hồ Gươm trước ga tàu điện. Anh Quán đứng ở ngoài, tôi vào nhà thăm chị. Bây giờ chị đã chuyển chỗ ở về đường Ấu Triệu. Có đêm tôi theo anh chị xuống Cầu Giấy thăm nhà thơ Trúc Cương. Tôi uống rượu say quá, đạp xe không vững đã va vào xe đạp của chị Quân, làm chị ngã nhoài trên phố, xây xát chân tay. Không biết do ai báo tin, Hương Quân biết Phùng Quán đang yêu say đắm một phụ nữ Huế xinh đẹp tên là Hà Khánh Linh. Thế là Hương Quân bay ngay vào Huế! Đợt ấy, chị rủ tôi cùng đi với chị và anh Phùng Quán về Thuỷ Dương quê anh thăm bà con. Anh chị còn vào thăm Đại Nội Huế, dắt nhau đi trên sân Đại Triều giữa ban ngày. Lần ấy hai người chụp ảnh. Chị Hương Quân còn đến cơ quan Hội Văn nghệ, nơi Nàng Thơ của Phùng Quán làm việc để xem mặt mũi như thế nào. Hãy nghe Hà Khánh Linh kể trong hồi ức (bản gốc), đoạn này rất dài, xin trích:

Nữ hoạ sĩ tự giới thiệu mình là H.Q., đi Huế chơi, tiện dịp ghé vào thăm Hội Văn nghệ, thăm chị Hà Khánh Linh. Trước mặt tôi là một người đàn bà còn trẻ, duyên dáng và đầy khí chất. Đặc biệt là đôi mắt của chị rất nồng nàn, như có hai ngọn lửa đang rực cháy…”

Hai hôm sau Phùng Quán đến nói cho tôi biết người phụ nữ có đôi mắt có lửa ấy là người tình của anh. Anh nói:

“Ở Hà Nội cô ấy nghe tin anh ngày nào cũng đến đọc thơ tặng em, bi luỵ vì em, cô tức giận quá nên tìm vào mắng mỏ anh cho hả giận, rồi tìm cách đi coi mặt em.”

Tôi nói:

“Anh thấy tai hại chưa? Anh đã có vợ, lại còn đèo bòng thêm cô hoạ sĩ này nữa, rồi giờ đây còn bày trò vớ vẩn si mê em…”

Anh có vẻ tức giận nói: “Anh muốn em dùng từ cho chính xác hơn. Xin em hãy cắt bỏ cụm từ ‘bày trò vớ vẩn’. Để anh kể cho em nghe, từ sau khi vợ anh qua cơn đại phẫu thuật (vì ung thư vú - NM), chị ấy đã giả lơ cho anh đi lại với Hương Quân. Vợ anh là một thế giới khác. Hương Quân là một thế giới khác. Em là một thế giới hoàn toàn khác. Em là thi ca, là niềm thao thức của anh…” Sau “vụ” ấy, Hà Khánh Linh nói với Phùng Quán trước đông đảo mọi người: “Tôi tuyên bố thẳng thừng rằng, từ này anh đừng có làm thơ tặng tôi nữa!” (Bản thảo gốc). Và Trăng Hoàng cung cũng kết thúc từ đó.

Vì tất cả những sự ấy, nên khi đọc bài thơ “Nắng Cố Đô” anh Quán khoe, vì quen biết chị Hương Quân nên trong linh cảm của một người làm thơ, tôi cảm nhận đây là viết về chị Hương Quân. Vì không người phụ nữ nào từng quen thân Phùng Quán mà tôi biết, có nụ cười “dim mắt” rất đẹp ngoài Hương Quân! Và đúng như thế thật. Bức ảnh Hương Quân bị dim mắt là chụp lúc anh chị dắt nhau vào Đại Nội buổi trưa nắng. Hương Quân chê ảnh xấu, Phùng Quán bảo đẹp quá rồi, anh sẽ đề thơ vào sau ảnh tặng em. Bài thơ đề sau tấm ảnh ấy là bài thơ “Nắng Cố Đô”. Bây giờ chị Hương Quân vẫn giữ tấm ảnh có thơ đề ấy. Chị còn cho biết, Phùng Quán sau đó còn in bài thơ ấy trên một tờ báo với lời tặng: Tặng giai nhân Bắc Hà vào thăm xứ Huế. Nếu như thế, thì việc Phùng Quán chép bài thơ ấy tặng Hà Khánh Linh có thể chỉ là một cách khoe thơ thôi, thâm tâm tôi không nghĩ Phùng Quán “ăn gian” dễ thương như vậy. Vì anh đang viết tiểu thuyết tình cơ mà, nên tất cả đều có thể…

4. Có thể nói, với Trăng Hoàng cung, Phùng Quán đã hồi sinh mạnh mẽ về thơ. Tinh diệu hơn, đằm thắm hơn, sâu sắc hơn trước nhiều. Có nhiều bài thơ tình viết như đồng dao, đọc lên thấm đẫm chất làng quê dân dã, da diết chất Huế như “Đợi đò”, “Chán chộ”… Một đò lên… / Hai đò lên… / Ba đò lên…/ Mà tôi chẳng thấy bóng em trong đò… (“Đợi đò”). Có nhiều hình tượng thơ đẹp lộng lẫy: Ôi, có lẽ nào / Tất cả những gì đêm nay là có thật?.../ Em với mái tóc đen dày che nửa mặt / Hồ sen như gấm trải quanh hoàng cung / Điện Thái Hoà? Cung Trường Sanh / Thái Bình Lâu… Hiển Lâm Các/ Sân Đại Triều mênh mông trăng… Tất cả đều do trăng bày đặt (“Trăng Hoàng cung”). Có những câu thơ tình thuộc vào loại “Những câu thơ tài hoa” của Việt Nam: Từ chất liệu gì mà trăng bày đặt ra em?.../ Một vùng tóc như một vùng biển tối / Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn / Những ngón tay ngón chân có mùi hoa đại. Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương (“Trăng Hoàng cung”); Tôi uống thơ từ đôi mắt em nhìn / Tôi vục môi uống không kịp thở (“Cảm tạ”) v.v… Có yêu đắm đuối mới viết được những câu thơ đẹp đến não lòng như thế!

Nhưng nhiều người đọc Trăng Hoàng cung cứ tưởng nhầm đây là những bài thơ tình yêu. Ngay lời giới thiệu của NXB Thanh Văn (Mỹ) khi in Trăng Hoàng cung: “Người viết lời giới thiệu dường như chỉ nhìn những dòng thơ trong tác phẩm như những bài thơ tình thuần tuý” (Hoàng Khởi Phong - talawas) Bài viết gần đây trên talawas ngày 1/8/2007 của Minh Đăng Khánh “Trăng Hoàng Cung tái ngộ bạn đọc với “điểm nhãn”mới: 29 trang bút tích viết trên giấy có kẻ dòng” cũng không hướng cái nhìn vào chiều sâu phía sau mỗi trang sách. Bài viết “thay lời bạt” của Nguyễn Thanh Trà in cuối sách Trăng Hoàng cung và Phùng Quán viết Trăng Hoàng cung cũng chỉ nói lướt qua một cách nhẹ nhàng tâm sự Phùng Quán qua Trăng Hoàng cung.

Không phải như thế! Mạch thơ chủ đạo của Trăng Hoàng cungnỗi niềm Phùng Quán trước cuộc đời hay nói cách khác, Trăng Hoàng cung là câu trả lời của Phùng Quán trước cuộc đời đen bạc. Với Phùng Quán, thơ mới là tất cả. Thơ là lý lịch là mạng sống đời tôi. Vì thế tình yêu chỉ là cái cớ, cái “từ trường” để anh giãi bày tư tưởng của mình về nhân cách người cầm bút, về triết lý sống, thái độ hành xử với con người. Mạch thơ Trăng Hoàng cung là mạch thơ khởi nguồn từ “Lời mẹ dặn” và “Chống tham ô lãng phí” 30 năm trước. Ngay trong phần “Khai từ”, nhà thơ đã nói rõ thái độ đó. Anh vẫn sắt son chung thuỷ với “Lời mẹ dặn”: Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo lá ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao doạ giết / Cũng không nói ghét thành yêu. Anh vẫn là người lính cầm khẩu-tiểu–liên-báng-gập-Thơ đánh vỗ mặt thói dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu tham nhũng… đang có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng, cao quý mà cả triệu người suốt thế kỷ qua không tiếc máu xương để tạo dựng, bảo vệ” (tr. 13). Chất lính ấy khi mới 24 tuổi đã viết bài thơ “Chống tham ô lãng phí” nổi tiếng: Như công nhân / Tôi quyết đúc thơ thành đạn / Bắn vào tim những kẻ làm càn / Vào lũ người tiêu máu nhân dân/ Như tiêu bạc giả!...(tr. 14). Dù 30 năm bị ném ra vỉa hè, 30 năm bị dìm trong bùn-nhơ-lăng nhục, dù phải trả giá cho Thơ bằng ba mươi năm tốt đẹp của đời mình, dù phải cạn chén rượu đời / Cất bằng lá khổ sâm… Phùng Quán vẫn là Phùng Quán 30 năm trước. Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã / Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá (“Lời mẹ dặn”). Chương mở đầu của Tiểu thuyết tình 13 chương là tuyên ngôn Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng. Là nhà văn Tôi yêu tha thiết / Sự ngay thẳng tột cùng / Sự ngay thẳng thuỷ chung / Của mỗi dòng chữ viết. Vì thực tế đã không ít nhà văn “chuyện đời lựa lời mà viết” (thơ Đỗ Hoàng); Đã không ít nhà văn Khi bàn tay đã đuối/ Khi tấm lòng đã mỏi/; Khi con mắt bớt trong/ Khi dũng khí đã nguội… (tr.24), lúc ấy ngòi bút của họ sẽ uốn theo nóng lạnh cuộc đời để kiếm bổng lộc, chức tước, mặc nhân dân đói cơm, rách áo. Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn? / Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?/ Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một mét vuông nhà ở? / Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa / Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?/ Dù tôi là thiên tài! Dù tôi là thi nhân? Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực! Tôi có quyền gì? / Tôi có quyền gì?/ Tôi có quyền gì? ("Không đề", tr. 61-62). Những câu thơ như là lời đay nghiến, nguyền rủa, như là tiếng gọi khẩn thiết gửi đến con người, đánh trực diện vào bọn tiêu máu nhân dân như tiêu bạc giả!

Cảm tạ Nàng Thơ đã cho mình hồi sinh thơ, Phùng Quán cũng không quên chuyện đời đau xót: Tôi đã đi rao cùng thiên hạ: / - Ai-đổi–thơ-lấy-máu!/ Không ai đổi. Vì máu tôi không cùng nhóm máu họ / Vì thơ họ không cùng nhóm thơ tôi ("Cảm tạ”, tr. 28). Vì nhóm máu, nhóm thơ Phùng Quán là một-mất-một-còn-với–thói-tham-nhũng-đạo-đức-giả. Viết về mưa Huế anh cũng có những câu thơ đã trở thành chân lý: Làm gì có chừng mực thơ/ Làm gì có chừng mực mưa!/ Làm gì có chừng mực yêu! / Làm gì có chừng mực thiên tài! / Làm gì có chừng mực khổ đau! (tr. 39). Không có chừng mực nào cả khi còn người tự do sống và viết vì thân phận kiếp người. Trong bài thơ say nhất, hay nhất được chọn làm tên sách, Phùng Quán cũng có một giấy phút tỉnh táo: Từ Tử Cấm Thành hoang tàn đổ nát / Tôi sắp phải trở lại cuộc đời cay cực / Qua của chính Ngọ Môn… (“Trăng hoàng Cung”, tr. 52). Đau lắm. Không thế mộng tưởng được. Cái cửa chính Hoàng Thành ấy dẫn tới một cuộc sống hoàn toàn khác, cuộc sống lầm than, cay cực của con người. Hay Và thời buổi ngày nay / Vào hoàng cung là chuyện quá dễ dàng / Cả con bò, con heo cũng đi trên trung lộ… (“Tôi khóc”, tr. 77). Nên Tôi khóc niềm tin yêu nát tan / Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng / Tôi khóc Trăng-Hoàng-Cung bị lấm bẩn / Tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch trăng… (tr. 78). Tiếng khóc của Phùng Quán là tiếng khóc của người có trách nhiệm trước nỗi đau của xã hội và con người. Tiếng khóc của lương tri hướng con người tới cái hoàn thiện. Đó là tiếng khóc của người có chí lớn!

Trong Trăng Hoàng cung có một chương thơ Phùng Quán nói về hoàn cảnh oái oăm, khốn khổ của mình. Đó là Chương 13 “Tình tuyệt vọng”. Mượn chuyện có thật là Nàng Thơ giận dữ la lối phàn nàn do ngồi quá lâu, nhà thơ muốn nói đến sự hắt hủi, vui dập của cuộc đời đối với mình và những người cùng ý chí. Quá đau khổ / Tôi hoá thành lì lợm/ Tôi xin em bớt giận… /Nếu không được ngồi / Thì tôi xin đứng/ Cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà/ Nếu không được thở/ Tôi sẽ nín thở! …Em giận dữ la lên:/ Đứng trong xó nhà cũng không được đứng/ Thì tôi xin ra đứng trước hiên…/ Đứng trước hiên cũng không được đứng! / Thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ/ Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng! Thì tôi xin ra đứng đầu đường/ Đứng đầu đường cũng không được đứng! Lời yêu thương cũng không được nói!/ Thì tôi xin chết/ Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt/ Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh/ Dù hoả táng/ Dù chôn xuống chín tầng đất / Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình! (tr. 87-88). Bài thơ quá đau buồn. Mỗi lần tôi đọc lại đều nổi da gà trước hình tượng thơ ám ảnh. Đích thị đây là chân dung Phùng Quán từ một anh bộ đội Cụ Hồ, một nhà văn trẻ được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1954 với tiểu thuyết Vựợt Côn Đảo nổi tiếng, sau vụ Nhân văn-Giai phẩm bị treo bút, bị đuổi khỏi Văn nghệ Quân đội, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, bị “dìm-xuống-bùn–nhơ-lăng-nhục”, phải “30 cá trộm, văn chui, rượu chịu”. Nhưng Phùng Quán vẫn trung kiên với con đường mình đã chọn, vẫn hồi sinh với bộ tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, Thơ Phùng Quán, Phùng Quán-Ba phút sự thật, Trăng Hoàng cung… Anh vẫn giành được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Quan trọng hơn cả là Phùng Quán và văn chương của anh vẫn sống mãi trong lòng người Việt Nam ở trong nước và trên khắp thế giới. Vì một lẽ giản đơn “trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình!”

Kết thúc chương 13, Phùng Quán viết: Nhưng điều khủng khiếp và cũng là tai hoạ thường trực đối với các nhà thơ là Sự thật còn lớn hơn cả tình yêu, lớn hơn cả trái tim. Chối bỏ Sự thật, ôi điều này vượt quá sức tôi, ngay cả khi miệng môi tôi đầy cát…. Có lẽ đây là lời nhắn gửi thiết tha cuối cùng của Phùng Quan đối với đồng nghiệp cầm bút.

Vâng, anh Quán ơi, Sự thật là thước đo độ trung thực, lòng dũng cảm của mỗi ngòi bút trên con đường văn chương thăm thẳm. Hãy sống và viết như thi sĩ họ Phùng: Đã đi với nhân dân. Thì thơ không thể khác. Dân máu lệ khốn cùng. Thơ chết áo đắp mặt… (“Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”)

Huế, 1-8-2007

© 2007 talawas