trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
17.8.2007
Nguyễn Hữu Vinh
Quyền lực và tri thức
 
Đó là hai "thế lực" tựa như hai đối cực âm-dương tạo nên sức mạnh hoặc gây ra đổ vỡ tùy theo mức gắn kết, xung đột, trong mỗi con người hay trong một tập thể, một xã hội. Một mối quan hệ ở tầm cao hàm chứa nhiều ý nghĩa triết học-chính trị-xã hội, có cả sự đan xen, pha trộn lẫn nhau từ hai phía, nhưng trong bài này chỉ xin khơi gợi, liệt kê một số điểm đặc trưng, nổi bật trong hai đặc tính của mối quan hệ này trong môi trường xã hội Việt Nam thời hiện đại. Đó là tính tương hỗxung đột giữa quyền lực và tri thức. Có thể có những nhận định dễ gây tranh cãi. Nhưng "tranh cãi" là cần thiết, nhất là với một chủ đề còn hầu như bị bỏ ngỏ (có lẽ do né tránh?), mà người viết lại chưa từng thuộc về tầng lớp đại diện cho hai đối cực này, tức giới trí thức và lãnh đạo chính trị, chỉ như kẻ đứng ngoài quan sát.

1. Khái niệm: phạm vi trao đổi ở đây là mối quan hệ vừa gắn kết tương hỗ, vừa đầy những xung đột hủy hoại giữa cái sự thích, cần quyền lực với nhu cầu, khả năng về tri thức ngay trong từng con người, và, giữa hai loại người đại diện cho hai "thế lực" đó - một trong giới lãnh đạo, một trong giới trí thức. Để thuận tiện cho việc bàn luận và sát với thực tế xã hội Việt Nam thời này, các khái niệm về quyền lực, tri thức, trí thức trong bài này sẽ không bó hẹp so với định nghĩa trong các từ điển tiếng Việt, nhưng cũng tương đối hơn so với những cách nhìn nghiêm khắc của xã hội.

- Quyền lực [1] có thể chỉ là cái tâm lý ham muốn và năng lực, điều kiện thành kẻ "đầu đàn" trong một con người; nhưng cũng để chỉ một lớp người đứng đầu từ một doanh nghiệp, đoàn thể cho tới cơ quan, địa phương, quốc gia (tức là người lãnh đạo, cầm quyền).

- Tri thức [2] vốn kiến thức cao về văn hoá, khoa học ở từng con người, có được bằng học hỏi, kinh nghiệm; cũng là nói tới những con người có tri thức, đồng thời làm việc trong môi trường văn hoá, khoa học thuần túy (giới trí thức [3]), nó không còn bó hẹp như xưa, nặng về "văn", mà nay rộng hơn rất nhiều, về triết học, kinh tế, khoa học tự nhiên, sản xuất, kinh doanh... và cả về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý.

2. Bối cảnh. Yếu tố hình thành, tác động tới mối quan hệ quyền lực-tri thức:

a. Tư tưởng:

Một xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo (nhưng hời hợt, méo mó, đang lúc suy tàn, nhiều xung đột với văn hoá, tín ngưỡng bản địa), giao thoa cùng triết lý Phật giáo, rồi Ki-tô giáo.

Vừa mới háo hức tiếp thu ánh sáng của nền văn minh, triết học phương Tây, lại đã bước hẳn qua hệ thống triết-chính trị-kinh tế học Marx đồ sộ (đã được tối giản, biến cải đi đáng kể); cố gắng "Việt hoá" nó nhưng kỳ thực là qua "lăng kính" phong kiến Nho giáo để diễn giải, "vận dụng".

Những ảnh hưởng trên lại rất khác nhau giữa nhiều vùng, đặc biệt hai miền Nam-Bắc.

b. Tập quán:

- Bế quan tỏa cảng, trọng nông, coi thường thương mại, mông muội về khoa học. Tri thức qua học vấn rất hẹp, cách lĩnh hội thụ động, lại thường để nhắm đạt được địa vị xã hội, có quyền lực (sẽ hạn chế nhiều đến việc tiếp cận tri thức).

- Đặc biệt nặng tư tưởng "trung quân", thói công thần, gia trưởng (sẽ ảnh hưởng rất xấu tới lối lãnh đạo).

- Nhận thức về dân chủ từ rất mơ hồ trong quá khứ tới lầm lẫn trong hiện tại.

- Việc hình thành một giới trí thức ưu tú, độc lập hẳn với quyền lực nhà nước chỉ mới (một thời) manh nha.

- Sợ, thù ghét sức mạnh của tri thức lại là bản tính ở những người cầm quyền còn mang nặng đầu óc tiểu nông. Ngược lại, trong dân chúng tầng lớp nho sĩ lại được trọng vọng.

c. Thiết chế:

- Đầy khó khăn, lúng túng do không có bước chuyển tiếp như nhiều quốc gia quân chủ chuyên chế khác (chuyển dần sang quân chủ lập hiến, đại nghị). Lại tổ chức một mô hình nhà nước, xã hội khép kín nhằm phục vụ chiến tranh, "nhiệm vụ quốc tế" và chiến tranh lạnh, kéo dài cả trong nhiều năm sau hoà bình. Bỏ qua hẳn giai đoạn phát triển TBCN, tàn phá cả những mầm mống của nó, để rồi phải quay lại xây dựng từ đầu.

- Cố công vừa thiết kế vừa vội ảo tưởng dựng đền đài rực rỡ, trong khi thực chất "đền đài" đó lại chỉ như một thứ chiến lũy kiên cố đã từng (và chỉ) thích hợp cho một xã hội thời chiến (mà thôi).

- Vừa chính trị hoá tôn giáo, lại vừa tôn giáo hoá học thuyết nên dễ lẫn lộn giữa chủ thuyết chính trị với niềm tin tôn giáo, giữa lý tưởng xa vời với thực tại. Tri thức văn hoá, khoa học èo uột bị "kẹt" ở giữa hai thứ pha trộn "thần quyền"-thế quyền.

- Lệ thuộc, gắn kết quyền lợi mà không có cơ chế độc lập giữa tri thức với quyền lực. Tri thức đã không được coi trọng, gần như thứ "trang sức" cho xã hội và giới quyền lực, nên nhìn chung trí thức chưa từng trở thành một "thế lực" thực sự, có phẩm chất đúng như nó phải có. Họ được "hưởng lương", cấp "kinh phí", chọn đi "dự hội thảo nước ngoài", xét "học hàm học vị"... tất cả đều từ nhà nước; nửa giống cái bóng, nửa như cây tầm gửi của quyền lực với đầy mâu thuẫn nội tại. Thậm chí có lúc trong giới lãnh đạo, thành phần xuất thân từ trí thức tinh hoa chiếm vị trí đáng kể, nhưng rồi vì nhiều lý do (đều có nêu trong bài này) đã không được tin dùng.

- Từ hệ thống luật, cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp, ngôn luận, cho đến hội đoàn quần chúng đều yếu kém, nặng về hình thức... hệ quả của lối "nhà nước hoá", "chính trị hoá" mọi mặt đời sống xã hội.

- Từng có những "thử nghiệm" cả hình mẫu nhà nước quân chủ lập hiến, lẫn nền cộng hoà khá hiệu quả, nhưng lại không được nghiên cứu để đúc rút cái hay, dở áp dụng cho sau này (thậm chí còn bị xoá sạch, phủ nhận hoàn toàn).

- Từ những bất bình thường trên, những khái niệm về giai cấp, tầng lớp, lực lượng, thành phần ... trong xã hội đã không đúng với bản chất thực của nó. Chỉ có ở đó những con người lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước, và những cá thể tuy đơn lẻ ngoài xã hội nhưng cũng phải chịu mối ràng buộc nhằng nhợ với chính quyền dưới nhiều hình thức.

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức luôn chịu ảnh hưởng rất không tốt (nhiều xung đột hủy hoại hơn là tương hỗ tích cực).

3. Xung đột: là chủ yếu khi những yếu tố nền tảng từ tư tưởng, tập quán, cho tới thiết chế đều có nhiều bất lợi. Tuy có cả những tác động kích thích phát triển, song, yếu tố hủy hoại vẫn là chính.

- Khao khát quyền lực và ham muốn hiểu biết (tri thức) là những bản tính tự nhiên, nhưng chúng không luôn "song hành". Càng văn minh hơn, loài người càng có nhu cầu hiểu biết hơn, nhưng xã hội lại ít đi cái nhu cầu phải có con người cùng bộ máy quản lý. Cũng vậy, trong nội tại một con người, vốn tri thức càng cao thì càng ít đi bản tính thích điều khiển kẻ khác. Còn ở người phát triển năng lực lãnh đạo hoặc nắm nhiều quyền lực thì thường có xu hướng coi thường, ngại học hỏi nâng cao vốn kiến thức văn hoá, khoa học, không nhận thức được chúng đóng vai trò rất quan trọng, bổ trợ cả cho phương pháp lãnh đạo (cũng là một thứ tri thức).

- Xung đột nguy hiểm nhất là ở trong cách nhìn nhận xuyên suốt được "chính trị hoá" tuyệt đối về bản chất và vai trò của giới trí thức, coi trí thức (nhất là diện "lưu dung", hay "tiểu tư sản", cả "Việt kiều" nữa) là lực lượng thiếu kiên định trong lập trường đấu tranh cách mạng, kém "chịu khó chịu khổ", thậm chí "nhiễm nọc độc tư bản", tư tưởng "diễn biến hoà bình" v.v… Quan điểm cách mạng này ngay từ đầu đã được "nhồi" vào tư tưởng của "giai cấp" công nhân và nông dân, để rồi bằng những biến báo sách lược từng lúc, nó có được nhiều cách che đậy thì vẫn không hề thay đổi bản chất. Còn sự kiên định của người trí thức chân chính trong lập luận, tranh đấu cho quan điểm học thuật thì đương nhiên là bị xem thường tựa như xem thường vai trò to lớn của họ đối với xã hội. Nếu nhìn vào sâu thẳm trong quan điểm giai cấp, được trang bị thêm bằng cả lối đố kỵ tiểu nông, thì trí thức chính là kẻ thổi hồn vào sức phát triển công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa thù địch, phát kiến ra những sản phẩm văn hoá tinh thần "sa hoa, đồi trụy" làm lung lạc thêm ý chí đấu tranh giai cấp.

Kết cục của việc nuôi dưỡng mối xung đột này là đã đem tới một thành quả mỹ mãn cho phép cai trị khôn ngoan, đó là tạo ra hố ngắn cách giữa hai thực thể sung mãn để tránh "mầm tai hoạ", một tựa như cơ bắp cường tráng, một là bộ óc thông tuệ.

Với cách nhìn này thì từ đây lại đẻ ra thêm những mâu thuẫn mới thuộc về hai mệnh đề đối nghịch, là "nền kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa". Giới trí thức sẽ buộc phải đóng một lúc hai vai, mang hai bộ mặt tương phản trong cái nhìn của quan điểm giai cấp kiên định - vừa phải là "tinh hoa" của thể chế xã hội chủ nghĩa, lại vừa gieo mầm sáng tạo cho nền kinh tế thị trường.

Trong mối xung đột này còn có mâu thuẫn nội tại của những trí thức và người có nguồn gốc trí thức tham gia cách mạng. Họ phải tự "gột rửa" tư tưởng, phỉ nhổ vào gia thế, đau đớn hoặc hồ hởi chối bỏ bản chất đáng tự hào của mình để được "dấn thân". Khi nhìn rõ thành quả của cuộc "dấn thân" đó, họ dễ thất vọng.

- Xung đột gây hậu quả tức thì và nặng nề ở ngay trong lòng giới lãnh đạo, đó là giữa những người có thể trải đời, thậm chí nhiều công trạng nhưng ít được học tới nơi tới chốn với những người có tri thức trội hơn hẳn, cụ thể là giữa người có chuyên môn với người không có chuyên môn trong lĩnh vực mình phụ trách. Đi liền đó là xung đột giữ hai nhóm này trong thái độ đối với giới trí thức và quan điểm phát triển văn hoá, khoa học, đường lối xây dựng đất nước (thậm chí cả đường lối tiến hành chiến tranh nữa).

- Xung đột dễ thấy nhất nằm ngay trong vị thế của mỗi bên. Với quyền lực, đó là hiện thân của sức mạnh, quyền sinh sát, định đoạn số phận của kẻ khác thông qua toàn thể bộ máy cai trị. Còn tri thức là hình ảnh của phụng sự, nương nhờ, yếu ớt và lệ thuộc với hệ thống, luật lệ cường quyền.

- Xung đột từ bản chất trái ngược trong sức mạnh đặc thù của mỗi bên: giới lãnh đạo suy nghĩ, hành xử rồi nhận được kết quả cho mọi quyết định thường là tức thì, rất rõ rệt, mang tính thực tế, hữu dụng và đặc biệt là chúng có tác động rất lớn lên đời sống xã hội (có thể gia ân hay là đày đoạ cả triệu con người). Ngược lại, thành quả đem tới từ giới trí thức có thể lớn (nhưng không đến nỗi đảo lộn xã hội), giá trị tốt/xấu trong lâu dài nhưng thường tản mát, ngấm dần, khó thấy rõ,... có thể trong cả thế kỷ, nhiều khi lại ẩn khuất ngay trong mỗi quyết định của giới lãnh đạo. Giới lãnh đạo thích hành xử bằng mệnh lệnh và đòi hỏi sự tuân phục theo khuôn phép để giữ quyền uy, trái ngược với nhu cầu đương nhiên cần được tự do tư duy sáng tạo, độc lập tìm tòi phát minh, khích lệ cảm hứng... ở giới trí thức.

- Kẻ có tri thức cao thường dễ coi khinh nhưng lại hay khiếp nhược, dè chừng kẻ nắm quyền lực. Trong môi trường tri thức trong sáng, họ khó hiểu được hậu trường quyền lực bí hiểm, tàn khốc để ít nhiều cảm thông với thân phận kẻ cầm quyền không phải lúc nào cũng được hành động theo đạo lý, nhất là dưới những thiết chế chứa nhiều nghịch lý; càng khó đánh giá bản chất thực con người. Nhạy cảm, cả tin, dễ tổn thương, họ thường phản ứng vội vã trước những quyết định cứng rắn của giới lãnh đạo trong khi chưa "giải mã" được sự việc có thực là dại dột, hoặc vụ lợi, hay đó chính là kết quả của một bài toán nan giải trên chính trường không dễ nói ra (là sự "đổi chác chính trị" giữa các xung hướng, phe phái, hoặc phải chấp nhận hy sinh lợi ích nhỏ, trước mắt, mang tiếng xấu để đạt mục đích lớn lâu dài). Mặt khác, họ ít khi ý thức được rằng trong mỗi con người cũng rất cần cái năng lực lãnh đạo (quản lý), để vừa hợp tác làm việc trong nghiên cứu, sáng tạo, vừa dễ cảm thông lẫn nhau với những người cầm quyền.

- Trong môi trường mà thông tin càng bị bưng bít, kém minh bạch thì điều kiện để có sự thông hiểu giữa hai bên càng khó khăn hơn. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn khi giới cầm quyền càng cố giấu kín các thủ đoạn, quyết định chính trị thì càng mất đi sự ủng hộ (cả tinh thần lẫn trí tuệ), thậm chí gây chống đối từ giới trí thức, kéo theo đó là dân chúng.

- Kẻ nắm quyền lực càng kém cỏi thì càng cố che đậy bản chất trước người có tri thức, coi họ như kẻ soi lưng nguy hiểm nhất, bằng lẩn tránh lắng nghe, sử dụng mánh lới lừa mị và bạo quyền độc đoán. Họ sợ tri thức hấp dẫn sẽ nâng cao dân trí, cùng giới trí thức giỏi dễ lôi kéo, tranh thủ và làm ngọn cờ phản kháng trong dân chúng (bởi có khả năng hơn để phát hiện bản chất của họ), hơn là nhìn thấy vai trò làm cầu nối giữa lãnh đạo với quần chúng, và tính hướng thiện lành mạnh cho toàn xã hội.

- Người có tri thức cao mà được đặt vào vị trí lãnh đạo thì thường có thiên hướng mềm dẻo, chịu lắng nghe thay vì cứng rắn, độc đoán trong xử lý tình huống chính trường. Nếu ở môi trường dân trí, văn minh dân chủ còn chưa cao, hay thiếu trợ thủ tốt, hoặc trong một xã hội thời chiến khắc nghiệt thì họ sẽ rất dễ thất bại, trở thành bù nhìn, đơn giản là thuật cai trị ở đây đôi khi cần sự tàn nhẫn, tinh quái. Họ không được tin cậy, dễ bị chèn ép, cô lập, vô hiệu hoá, chỉ được giữ vị trí ít trọng yếu, thậm chí còn có thể là "con mồi" của những âm mưu đen tối ngay trong giới quyền lực của mình (với kẻ nắm quyền lực: càng nghèo tri thức càng giàu thủ đoạn).

- Song quyền lực hấp dẫn tới độ từng được ví như một thứ ma tuý, nó tha hoá tri thức bằng cách lung lạc ngay cả những học giả đáng kính. Với họ, danh vọng, sự nể trọng cũng là một thứ quyền lực, một khi say mê, họ mất dần bản chất đáng quý, dễ bị sai khiến để trở thành kẻ đầu têu phá hoại cả môi trường tri thức trong sáng.

- Trái ngược về phương pháp làm việc: lãnh đạo cần được tập trung quyền lực, quyết đoán, cả độc đoán muốn mọi mệnh lệnh của mình (chứ không phải là luật pháp) phải được tuân thủ tuyệt đối, nhưng dễ trả giá rất lớn cho mỗi "thể nghiệm" nếu quá đề cao phương pháp này. Họ thường có xu hướng ra quyết định, mệnh lệnh, sau đó mới suy nghĩ, lắng nghe về tính đúng đắn và hệ quả, còn ở nhà khoa học, lối làm việc khoa học thì ngược lại. Giới trí thức rất cần không khí dân chủ, suy nghĩ độc lập và có ý kiến trái ngược, nhiều chiều, được chứng minh bằng thực nghiệm công phu hoặc đánh giá qua công luận. Không hiểu điều này, người lãnh đạo sẽ thiếu hẳn tính sáng suốt, đúng đắn nhờ các luận cứ khoa học cho mỗi quyết định của mình.

- Từ đó, thường nảy sinh mâu thuẫn lớn một khi giới lãnh đạo có những quyết định không dựa trên cơ sở khoa học, thực tế cuộc sống, nguy cơ gây tổn thất nghiêm trọng cho toàn xã hội. Người trí thức nhận ra điều này, nhưng có can gián không, tới mức độ nào, theo cách khéo léo ra sao ... là một mâu thuẫn khó giải. Kể cả khi đã thất bại, có kẻ chịu trách nhiệm không, đó là ai, nhận trách nhiệm theo cách gì, có rút kinh nghiệm cho sau này không ... cũng thường gây nên những xung đột từ hai phía và lại báo hiệu một tổn thất mới nữa bắt đầu, vì kẻ nắm quyền lực trong tay ít khi chịu thừa nhận sai lầm, nhất là sai lầm lớn.

- Mâu thuẫn trong ý thức về "công trạng" và vai trò đối với xã hội, nhất là trong một đất nước ở vào những giai đoạn chuyển tiếp. Giới quyền lực quen tự coi mình là "nhân vật chính" trong việc giành và giữ chính quyền; nhưng với xây dựng, phát triển đất nước thì lại không đơn giản như vậy. Thời chiến không thể như thời bình, "chính quyền" không đồng nghĩa với "đất nước". Tiếc thay, một khi phải trải qua cuộc chiến quá dài, quá khốc liệt, với công tích quá lớn, người ta dễ bỏ qua điều này.

- Mâu thuẫn trong cái nhìn, cách "sử dụng" trí thức của giới lãnh đạo. Một mặt vừa thấy tầm mức quan trọng của những sản phẩm trí tuệ với toàn xã hội, cần được khích lệ, đề cao. Nhưng lại lo sợ những tư tưởng văn minh tiến bộ, sức cuốn hút, tầm ảnh hưởng sâu rộng của trí thức trong dân chúng sẽ như một đối thủ nguy hiểm nhất tấn công tuy ngấm ngầm, êm ái nhưng trực diện vào dinh lũy u tối, bảo thủ, đe doạ tới "tính đúng đắn" không thể được phủ định trong mọi quan điểm của mình. Lúng túng này thể hiện rõ nhất khi giới lãnh đạo không có được đường lối sát hợp cho những khác biệt của từng giai đoạn lịch sử, họ (vô tình, hoặc có chủ tâm) lẫn lộn giữa thời chiến, với thời bình, giữa giai đoạn chính quyền còn non trẻ, thời còn "bế quan tỏa cảng", với thời đại thông tin, khoa học phát triển cao độ, giao thương quốc tế rộng mở. Giới quyền lực cũng hiểu rõ dần, nhưng vẫn có thể không chịu thay đổi (vì lo sợ, vì lòng tham), rằng "trói" những tư tưởng tiến bộ của người trí thức đương nhiên cũng sẽ "trói" luôn cả sức sáng tạo văn hoá, khoa học ở họ, kéo theo một xã hội không những lụn bại về kinh tế, mà còn tha hoá đạo đức, mất đi những truyền thống dân tộc tốt đẹp ... Nên thay vì tự nâng cao tri thức, năng lực của mình để tránh khỏi bị đào thải, họ lại chọn cách dìm dập trí thức để mong có cảm giác bình an trước mắt, bất chấp hành động đó sẽ kéo lùi bước phát triển xã hội, gây ra những mối hoạ lâu dài khó lường. Chỉ đến khi đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, hoặc với đe dọa của ngoại bang, họ mới cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, dễ buông xuôi, vì những trí thức tinh hoa, dân chúng nhiệt tâm đều đã phải ngoảnh mặt, im tiếng từ lâu.

- Mâu thuẫn ngay trong tâm thức của nhiều người lãnh đạo có tư tưởng tiến bộ, lối tư duy khoa học, song không thể vùng vẫy trong môi trường quá xa lạ với mình. Họ buộc phải lựa chiều, đưa ra những quyết định trái với lương tâm, song cho là không thể không làm, chỉ còn cách giảm bớt chút ít hậu quả xấu. Họ phải sống hai mặt, khi thoát ra khỏi môi trường đó, họ mới bộc lộ dần bản chất thực, nhưng lại không dễ lấy lại lòng tin dân chúng và giới trí thức. Dễ lẫn lộn với số này là những người có đủ khôn ngoan để nhận thức được mọi điều tốt xấu, nhưng bản chất xấu xa ích kỷ đã làm hỏng họ, rồi khi hết quyền lực mới có điều kiện để nhìn lại tất cả để thức tỉnh. Cô độc, chút cảm giác tội lỗi, sợ bị hậu thế nguyền rủa, họ tìm đến những hành động sám hối.

- Ngoài mặc cảm thiếu tri thức, giới quyền lực còn bị thứ mặc cảm kém đạo đức, vì kẻ có quyền đương nhiên có và dễ hám lợi, còn kẻ có tri thức cao thường là chuyên tâm "chữ nghĩa", sống cao ngạo. Trong con mắt đại chúng, hình ảnh của quyền lực cũng thường gắn liền với thói tham lam, tàn ác, với tư tưởng phong kiến bảo thủ lạc hậu; ngược lại, hình ảnh tri thức lại đi liền với sự hy sinh thánh thiện, với văn minh dân chủ tiên tiến. Đó sẽ là thứ mặc cảm thù ghét của kẻ mạnh, dễ phát triển những hành động cứng rắn để "tự vệ", xoá nỗi tự ti bằng tìm kiếm sự "tôn trọng" qua nỗi khiếp sợ bị trấn áp. Điều này lại dễ nhập nhằng với cái gọi là giữ "trật tự", "ổn định" chính quyền, ... Từ đây, người lãnh đạo càng có xu hướng xa rời giới trí thức và dân chúng. Để cứu vãn, họ bằng mọi cách tạo lối sống hai mặt và trang bị ít vốn liếng "tri thức" làm nền. Người có bản lĩnh không lẩn tránh nhìn nhận thực tế này và cố công để cải thiện tình hình một cách thực chất.

Song, mâu thuẫn cũng lại như một thứ xúc tác cho phát triển nếu biết điều hoà nó, cùng với xu hướng đi tới một xã hội văn minh dân chủ, những mâu thuẫn nêu trên sẽ giảm dần, ít đi tính đối kháng, còn lại những mâu thuẫn mang lại nhiều lợi ích.

4. Tương hỗ: thế nhưng quyền lực và tri thức lại có những nhu cầu và khả năng gắn kết; khi được vậy, nó tạo nên sức mạnh rất lớn (nhưng vẫn có tính hai mặt - tốt, xấu cho lợi ích chung).

- Trước hết, trong một con người, nếu vừa có vốn tri thức cao, lại có bản lĩnh cai trị sắc sảo thì đó chính là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Tuy nắm trong tay quyền lực, nhưng vẫn ý thức được cái sức mạnh của tri thức, để mà học hỏi, đồng thời quy tụ được những mưu sĩ giỏi quanh mình. Biết lắng nghe, chịu phê phán chỉ trích. Họ cũng có khả năng (và đôi khi buộc phải) sử dụng thủ đoạn chính trị, theo lối "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Tri thức cho họ cả cái khôn ngoan lẫn cái đạo lý trong mỗi quyết định chính trị. Quyền lực trong tay lại đóng vai trò làm kẻ bảo hộ cho những ý tưởng sáng tạo mới để được thực thi, cả trong văn hoá, khoa học lẫn chính trị.

- Một bộ máy dẫu có mạnh về nội trị, nhưng nếu không tập hợp được tri thức thì rồi cũng tự mục ruỗng vì những cách "trị" cứng rắn độc đoán chỉ tạo ổn định nhất thời, còn mặt trái là triệt tiêu sáng tạo văn hoá, khoa học, phung phí tài nguyên của cải, chất xám ..., làm tha hoá dần chính tầng lớp trí thức tinh hoa, nản chí dân chúng trong lâu dài. Giới trí thức chính là "cầu nối" tốt nhất (để có sự am hiểu, cảm thông) giữa giới cầm quyền và dân chúng.

- Ở những con người có tri thức, vừa biết độc lập suy nghĩ, nhưng lại biết cảm thông phần nào với giới lãnh đạo, tìm tiếng nói cho lợi ích chung thì không những phát triển được tri thức áp dụng cho cuộc sống, dự báo hướng đi xã hội, cảm nhận sớm những sai lầm, mà còn giúp nhà lãnh đạo có những phương pháp cai trị "có văn hoá" hơn (tức "giáo hoá", hạn chế bớt cái ác tâm trong họ, tăng thêm nhận thức về tự do, dân chủ trong thuật cai trị). Khi đóng vai trò là những cố vấn sát cánh bên nhà lãnh đạo, họ còn có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề.

- Nhưng một tập thể, một xã hội có đông đảo tầng lớp trí thức tài giỏi mà không có được sự dẫn dắt, tập hợp của người lãnh đạo anh minh, bằng đường lối sáng suốt thì rồi cũng dễ bị phân rã, mai một.

- Một xã hội được dẫn dắt bởi những con người có tầm hiểu biết văn hoá, khoa học sâu rộng sẽ có được những đường lối sáng suốt, không những hạn chế được thói xấu trong giới cầm quyền, mà còn khích lệ không khí ham học hỏi nâng cao dân trí, lối sống lành mạnh, thái độ tôn trọng tri thức trong toàn xã hội.

- Một người lãnh đạo kém cả tri thức văn hoá, lẫn nhân cách, nhưng nếu luôn nhận được trợ giúp của những trí thức giỏi và công tâm thì cũng sẽ có biến chuyển tích cực nào đó. Cũng tương tự, xu hướng trong giới cầm quyền cố gắng "trang sức" bằng chút vốn liếng tri thức, tuy có là giả tạo, nhưng cũng ít nhiều dần bớt đi những mặt tiêu cực trong họ ("... gần đèn thì rạng").

- Không có mấy vốn tri thức cần thiết, nhưng lại có thiện tâm, thái độ cầu thị thì vẫn có thể là người lãnh đạo tốt. Tính tương hỗ ở đây vừa là trong nội tại một con người, vừa là giữa người cầm quyền "ít học" nhưng biết dùng người, chịu lắng nghe với giới trí thức hậu thuẫn. Đây cũng có thể là tiền đề để dần có một chế độ mà những người lãnh đạo đều có vốn tri thức cao (những "nhà kỹ trị") thay vì toàn những "nhà chính trị" thuần tuý (ít "chữ" nhiều mưu).

- Một khi thất bại, mắc sai lầm trong đường lối, giới trí thức chính là chỗ dựa quan trọng nhất cho người lãnh đạo hiệu chỉnh lại, lấy lại lòng tin trong dân chúng.

- Tuy nhiên, tính tương hỗ cũng có những mặt trái. Đó là lối tương hỗ mang tính thỏa hiệp chịu khuất phục, chấp nhận dùng tri thức, uy tín của giới trí thức phục vụ cho tham vọng quyền lực ích kỷ của người lãnh đạo, bất chấp lợi ích của đông đảo dân chúng. Khi đã hoàn toàn "thuần hoá" được giới trí thức, dẫn dắt họ hướng mọi sản phẩm trí tuệ vào mục tiêu củng cố quyền lực, thì người thụ hưởng các sản phẩm đó là dân chúng ắt sẽ dễ bị điều khiển hơn. Điều này có liên quan tới bản chất thường là "phi chính trị", chịu lệ thuộc của tri thức, góp phần củng cố sức mạnh của quyền lực dù cho nó là loại quyền lực gì (chính đáng hay phi nhân tính).

- Mặt trái lớn hơn, đó là bằng vốn tri thức kha khá, có thể cả bằng hào quang của uy tín, công trạng sẵn có của mình, giới cầm quyền dễ giành được lòng tin tuyệt đối nơi công chúng và cả giới trí thức, để rồi mù quáng hoang tưởng mà mắc sai lầm lớn về đường lối, đưa cả xã hội xuống vực thẳm, vì không còn có kẻ đứng ngoài mà can gián.

- Cũng nguy hại không kém nếu như tạo ra được một thiết chế trói buộc, gắn kết chặt chẽ quyền lợi giữa hai "thế lực". Lúc đó, tính tương hỗ chỉ là giả tạo, tính xung đột bị triệt tiêu dần (mặt tích cực của nó cũng không còn). Thiết chế này càng có cơ bền vững trong hoàn cảnh chiến tranh, do hai "thế lực" tạm gác lại những xung đột, tìm sự tương hỗ để nhắm vào một mục tiêu chung.

- Một mặt trái khác ở giới lãnh đạo trong tính tương hỗ là khi có chút ít vốn liếng "chữ nghĩa" sẽ giúp họ có được lối cai trị tinh vi xảo quyệt, mị dân hơn, che giấu những dã tâm nấp sau những quyết định có vẻ hào hiệp.

- Ngay trong lòng giới lãnh đạo, có những người có tri thức cao nhưng không nắm thực quyền và những người kém học thức nhưng lại ranh mãnh, nhiều quyền uy. Nếu giữa họ có được sự tương tác thì sẽ tránh được xung đột gây đổ vỡ (song, tình trạng này cũng có cả hai chiều hướng tốt hoặc xấu cho lợi ích chung, lâu dài).

Tuy là hai đối cực, thì quyền chủ động giải quyết mâu thuẫn luôn nằm trong tay giới lãnh đạo, người nắm thực quyền, nhưng khả năng để phát hiện, cảnh báo và tìm ra cách điều hoà mâu thuẫn lại ở nơi giới trí thức, ở người trội hơn hẳn về học thức.

5. Những hệ quả xấu: trong một tập thể hay xã hội, khi mối quan hệ quyền lực-tri thức này không tốt, lại thiếu truyền thống hợp tác khăng khít thì sẽ nảy sinh nhiều rối loạn, nhiều biểu hiện xấu đến từ cả hai phía.

a. Lãnh đạo: có xu hướng khuyến khích những điểm yếu, tính xấu trong giới trí thức, vừa để dễ điều khiển, hạn chế chống đối, lại vừa vây bè kéo cánh phục vụ tham vọng tranh đoạt ngôi vị của mình. Họ càng nắm trong tay quyền lực lớn nhưng lại kém tri thức văn hoá thì càng dễ tha hoá đạo đức, nhiều thủ đoạn tinh vi, đê tiện. Họ đặt nặng sự ổn định hơn hẳn với yêu cầu phát triển.

+ Bản tính:

- Không thủy chung, lật lọng: khi chưa nắm được quyền lực thì tranh thủ bằng mọi cách, đến lúc có trong tay rồi thì lại coi rẻ, vùi dập người tài.

- Dối trá: coi như cứu cánh để tự vệ trong môi trường tranh giành quyền lực tàn khốc.

- Nịnh bợ và ưa nịnh, gia trưởng, thích mệnh lệnh để tỏ ra "quyết đoán", nại cớ phải "giữ ổn định" tình hình.
- Hèn đớn: không dám chịu trách nhiệm, xu thời, vây bè kéo cánh.

- Sợ học hỏi, nhưng lại cố trang sức cho mình những nhãn mác tri thức. Tìm đủ cách che giấu tính xấu (ích kỷ, đố kỵ, thù vặt ...), khiếm khuyết về năng lực.

- Sợ sự phát triển tri thức chung ắt sẽ tạo nên hệ thống kiểm soát khoa học, chặt chẽ, hạn chế quyền lợi, mất quyền lực, dễ bộc lộ điểm yếu.

- Tham lam: cả về vật chất lẫn uy quyền, danh vọng, cũng là nhu cầu để củng cố quyền lực.

+ Hành động:

- Hiểm độc hơn cả là dùng mọi thủ đoạn kìm hãm phát triển dân trí để dễ bề cai trị; từ hệ thống giáo dục cho tới mọi sinh hoạt văn hoá tính thần, rồi những biện pháp tinh vi o ép giới trí thức trong từng hoạt động sáng tạo, bắt dập theo khuôn mẫu chung cho mỗi "đứa con tinh thần" của họ, hướng mọi con người, sản phẩm của tri thức vào phục vụ việc củng cố quyền lực.

- Gom từng cá nhân, mọi hoạt động, các điều kiện đãi ngộ ... vào trong những mô hình tổ chức khác nhau thuộc bộ máy quyền lực để dễ bề kiểm soát, điều khiển. Tập trung hoạt động tri thức nhiều hơn vào những lĩnh vực "vô hại" (khoa học tự nhiên), hạn chế hoặc đặt ra những nguyên tắc cứng nhắc, vạch làn ranh bắt buộc cho các ngành bị coi là "nhạy cảm" (triết học, văn học, lịch sử, kinh tế ...). Từ đây hình thành một thái độ phổ biến tự cho mình là chủ nhân ông, coi trí thức như một thứ nô bộc, những kẻ làm công ăn lương, chịu sai khiến.

- Bưng bít, điều tiết thông tin để hạn chế ảnh hưởng; ràng buộc, tạo sự lệ thuộc về đời sống vật chất để dễ biều khiển.

- Phân biệt đối xử, kỳ thị, gây chia rẽ, nghi ngờ, kèn cựa danh tiếng, quyền lợi ngay trong giới trí thức (gọi là "chia để trị", cũng là cách làm tha hoá) để dễ kiểm soát.

- Kích thích tính sĩ diện, háo danh ("bệnh" của giới sĩ phu phong kiến) bằng đủ loại "phẩm tước", ban ân sủng bằng chức vị (có quyền lực), để vừa hạn chế được ý kiến trái chiều vừa tạo sức gắn kết, thêm "trang sức" cho bộ máy.

- Từ đó tìm cách "trí thức hoá" những hành động "phản trí thức" bằng sử dụng đội ngũ trí thức xu nịnh để làm cái việc gọi là "nâng tầm lý luận", ngụy trang cho những quan điểm bảo thủ, kìm hãm phát triển xã hội.

- Khuyến khích, nuôi dưỡng những kẻ xu nịnh vây quanh, vừa hạn chế, vô hiệu hoá tác động phê phán của giới trí thức vừa gây cảm giác uy quyền ... bằng cách định ra những tiêu chuẩn phi lý, nặng về hình thức, giả tạo, thậm chí phản khoa học để đánh giá con người, công việc . Từ đó làm cho những người càng thực tài càng dễ bị mắc lỗi vặt, rồi sinh mặc cảm, kìm hãm tài năng, khuyến khích bản tính dối trá, ươn hèn. Tạo ra bộ máy quan liêu, hệ thống kiểm soát rối rắm để vừa giảm bớt ảnh hưởng của trí thức trong quần chúng, cản trở phát triển, vừa ràng buộc lợi ích với mình.

- Lợi dụng nhiệt tình say mê khoa học, lòng vị tha, dễ tin người, để rồi gài bẫy, khống chế hay thanh trừng. Hoặc giả vờ có những tư tưởng tiến bộ để khích động, tạo điều kiện cho những người nhẹ dạ dễ bộc lộ suy nghĩ thầm kín, từ đó tìm cách phân loại để "xử lý".

- Tận dụng kiến thức của họ và uy tín sẵn có trong quần chúng để lôi kéo vào những cuộc đấu đá tranh giành ngôi vị, củng cố quyền lực.

- Đề cao lối "đóng cửa bảo nhau", "đoàn kết nhất trí", rồi thanh lọc kẻ có tư cách, năng lực nổi trội bằng chụp mũ cho "tội" kiêu căng, phá hoại đoàn kết...

- Tìm cách vùi dập những cá nhân nổi trội, kiệt xuất trong giới trí thức có thiên hướng lãnh đạo (hay đã được vào vị trí lãnh đạo) vì lo sợ đó là mầm lấn át, tiếm quyền mình, hoặc giợ giúp đối thủ.

- Bằng mọi cách làm mất chỗ dựa, mối liên kết của trí thức ngay trong giới lãnh đạo. Chỗ dựa này chính là những người biết cầu thị, có tư tưởng tiến bộ, người có vốn tri thức cao.

- Mua chuộc bằng chính sách "củ cà rốt", ban cho những chương trình nghiên cứu vô bổ nhưng dễ kiếm lợi lộc.

- Khi còn yếu thế, phạm nhiều sai lầm thì tranh thủ ve vãn, tới lúc mạnh lên lại coi rẻ, hành xử thô bạo.

Kết quả là hình thành nên một môi trường tri thức giả tạo, tưởng làm yên lòng dân chúng nhưng ngấm ngầm nguy cơ mục ruỗng sụp đổ trong lâu dài.

b- Trí thức: hình thành một lớp trí thức-công chức, mang chất hãnh tiến hám quyền lực, thực dụng tiểu nông, lẫn tính háo danh, xu thời của giới hủ nho phong kiến:

- Không dễ hiểu thấu những chủ thuyết lẫn môi trường chính trị đầy phức tạp, nhiều trí thức đặt vào đó niềm tin chân thành, cống hiến hết mình, để rồi tới khi nhận ra sự thật, rất khó khăn để họ tự thừa nhận đã sai lầm. Từ đó, một cuộc sống hai mặt, đầy mâu thuẫn giằng xé lại bắt đầu trong họ.

- Phổ biến nhất là tâm lý thụ động, cam phận "giá áo túi cơm", nhiều khi "nhắm mắt đưa chân" làm điều trái ý muốn để được yên thân tồn tại. Thay vì vạch ra cái phi lý thì họ lại phụ họa với những mệnh lệnh sai lầm của giới lãnh đạo, rồi tự vấn lương tâm bằng chính tư tưởng "trung quân" cũ kỹ.

- Hám danh lợi, mất đi niềm say mê khoa học. Sống đạo đức giả, hèn hạ để dễ bề thăng tiến.

- Tệ hơn thì dựa dẫm, xu nịnh, nấp bóng "bề trên" để làm "lính xung kích" thanh loại người tài, trung thực ngay trong giới của mình. Hy vọng thoát khỏi sự khinh miệt, lại có ích hơn cho sứ mệnh được giao, họ khôn khéo lớn tiếng "tranh đấu", đánh vào những điểm vô hại của giới quyền lực.

- Khuynh loát bộ máy lãnh đạo kém năng lực, từ việc ra chủ trương chính sách cho tới khâu điều hành.

- Nảy sinh tham vọng quyền lực, rồi khi có được thì chính họ lại trở nên lợi hại, hiểm độc, nghiệt ngã nhất với giới của mình. Biết rằng ít nhiều sẽ chịu miệng lưỡi chê cười của thế gian, nên khi hết quyền lực thì xoay sở tìm đường "trở lại" với giới trí thức.

Những "trí thức đổi ngôi" này thường rơi vào những người hạn chế về năng lực chuyên môn (văn hoá, khoa học), nhưng lại có "năng khiếu" cai trị, hoang tưởng tài năng hoặc khao khát hưởng thụ nên cố tìm lối rẽ để khẳng định vị thế, hoặc dễ bị lợi dụng làm công cụ cho giới quyền lực.

- Trong một môi trường đậm đặc không khí chính trị, có thể xuất hiện những trí thức hăng hái đi đầu, chấp nhận hy sinh quyền lợi, tạm quên thế giới tri thức thuần khiết của mình để lao vào giải quyết xung đột với giới quyền lực. Trong họ có những người nhiều tố chất chính trị, nên cũng rất dễ trở thành kẻ độc tài, công thần, háo danh... những thói phổ biến nơi giới quyền lực. Đơn giản vì họ thiếu bản lĩnh để chống lại sức hấp dẫn của quyền lực, mà chí ít danh vọng từ tiếng tăm cũng là một thứ (khởi đầu của) quyền lực.

Từ những hệ quả xấu này mà dần dần sự khác biệt căn bản giữa hai thứ quyền lực và tri thức sẽ không còn đáng kể nữa, chúng "hoà hợp", xoắn xuýt với nhau, sống cộng sinh, tạo vẻ bên ngoài êm ấm. Ở trong một con người, đó là kẻ cũng có chút vốn tri thức, nhưng chỉ cốt để "đánh bóng" mình, phục vụ tham vọng địa vị, quyền lợi. Ở một tập thể, hay một chính thể, đó là lối "chung lưng đấu cật" giữa người cầm quyền và giới trí thức, cùng tồn tại trong một mối lợi chung trên đầu dân chúng. Đó chính là lúc mặt trái của tính tương hỗ phát huy tác dụng. Lúc này, sức mạnh quyền lực được tăng lên, xã hội ổn định giả tạo, nhưng sức phát triển xã hội lại bị kìm hãm ghê gớm, nhìn về lâu dài có những nguy cơ khủng hoảng.

Như trong một cơ thể có sức vóc gân guốc, rất cần một bộ óc minh mẫn, hiểu biết, với trái tim nhân ái, nếu không, kẻ "vai u thịt bắp" kia rất dễ thành một thứ tội đồ, với lối sống bệnh hoạn, trước hết làm suy kiệt rồi tự hủy hoại chính mình.

Nếu lần giở những trang lịch sử Việt Nam chỉ trong 100 năm qua, sẽ thấy nuối tiếc biết chừng nào trong cái sự hoang phí, tàn phá ghê gớm tài năng tri thức, cả bỏ lỡ những cơ hội phát triển vô cùng quý giá. Để cho tới tận hôm nay phải xót xa lo lắng khi tận mắt rõ cái sự quáng quàng cho kịp đạt mục tiêu choáng ngợp là hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020 (tức chỉ còn có 13 năm nữa thôi); trong khi cứ thấy nhan nhản mọc lên nhiều khu công nghiệp "rỗng", để đến cái ốc vít đúng tiêu chuẩn quốc tế lại vẫn chưa tự làm được nổi. Cùng "toa rập" còn có những đô thị nối đuôi nhau "thăng hạng", mở rộng ra nham nhở, để đẩy khỏi ruộng vườn rồi lại "nuốt" vào trong mình hàng triệu nông dân lũ lượt kéo lên lay lắt kiếm sống, tìm lẽ công bằng vì mất đất, vì nghèo túng. Nông sản còi cọc trên những vuông đất tẻo teo của cuộc "cách mạng dồn điền đổi thửa" trong vô định, rồi đã lại loay hoay "hạn điền", vật vã với sâu rầy dịch bệnh liên miên, cõng trên lưng hàng chục khoản phí-lệ phí quái gở ... làm sao cạnh tranh nổi với nông sản Tây, Tàu sau "hội nhập"? Còn giáo dục mãi cứ như vùng vẫy trong vũng lầy, cung cấp ngàn vạn công chức bằng cấp rởm, nhiều vô kể đến đáng ngờ các quan chức có học hàm học vị tới giáo sư, tiến sĩ. Thêm nghịch cảnh bi hài khi giới trí thức bội thu chưa từng thấy những danh hiệu "ưu tú", "nhân dân", huân huy chương, có phải để làm vũ khí "tuyên chiến" trường kỳ với đủ thứ giặc dã lạ đời, nào là tham nhũng-"nội xâm", "bệnh" gian dối, thành tích, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...?

Trong khi đó thì vẫn có trăm ngàn trí thức người Việt ở ngoài đang đếm từng ngày mong những đổi thay, ít ra là được như những năm đầu đất nước độc lập, để trở về...

Tri thức bị mỉa mai, bôi nhọ. Quyền lực như đang diễn trò. Thế mà trớ trêu, nếu nhìn kỹ hơn thì hình như giờ đây hai đối cực này lại đang tương hợp, chứ không mấy xung đột, hơn bao giờ hết.

_________

Chú thích

[1] Quyền lực: quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2007)

[2] Tri thức: những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội

[3] Trí thức: người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2007)

© 2007 talawas