trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Sách của nhà xuất bản Tri Thức
 1   2   3   4   5   6   7 
18.8.2007
Đinh Tuấn Minh
Hayek và Việt Nam
(Lời giới thiệu cho cuốn Friedrich Hayek, Cuộc đời và sự nghiệp của Alan Elbenstein, Lê Anh Hùng dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 6.2007)
 
Song song với Karl Popper, Friedrich Hayek được coi là triết gia quan trọng hàng đầu của thế kỉ 20 trong việc phê phán các xã hội độc tài và cổ vũ cho các xã hội mở. Ảnh hưởng của Hayek trong kinh tế và chính trị, đặc biệt là từ sau những năm 80 của thế kỉ 20, thật sâu rộng đến mức "hầu như không quá khi nói rằng, thế kỉ 20 là thế kỉ của Hayek". Tuy vậy, mãi gần đây tên tuổi của ông mới dần được nhắc đến trong giới nghiên cứu Việt Nam. Đầu tiên phải kể tới tác phẩm Con đường dẫn tới xã hội nông nô qua bản dịch của Nguyễn Quang A và sau đó là loạt tiểu luận do Đinh Tuấn Minh dịch và giới thiệu: Chủ nghĩa cá nhân: Chân và giả; Sử dụng tri thức trong xã hội; Dân chủ đi về đâu?; Giới trí thức và chủ nghĩa xã hội. Tháng 6.2007, Nhà xuất bản Tri thức cho ra mắt cuốn Friedrich Hayek - cuộc đời và sự nghiệp của Alan Ebenstein do Lê Anh Hùng dịch, một cuốn sách được đánh giá là "Cuốn tiểu sử hoành tráng về triết gia tự do vĩ đại nhất thế kỉ 20" (Milton Friedman). Nhân dịp này, chúng tôi xin đăng lời giới thiệu của Đinh Tuấn Minh cho cuốn sách và trích đăng 3 chương của tác phẩm.

talawas
“Một bức tranh xã hội lí tưởng..., hay quan niệm mở đường về trật tự xã hội chung mà con người hướng tới, không chỉ là điều kiện tiên quyết cần thiết của bất kì chính sách duy lí nào. Nó còn là đóng góp chủ yếu mà khoa học có thể dành để giải quyết những vấn đề chính sách thực tiễn.”

(F.A. Hayek, Luật, luật pháp, và tự do, tập. 1, tr. 65.)


Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, đang hướng tới một xã hội phát triển bền vững trên cơ sở tự do và dân chủ, đang hội nhập vào một xã hội mở. Đấy là những sự thực không thể bác bỏ qua những sự kiện kinh tế – chính trị gần đây như cho phép tư nhân được tự do kinh doanh không hạn chế, quyết tâm xây dựng một nhà nước pháp trị, trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tổ chức hội nghị APEC tại Hà Nội.

Nhưng có một nghịch lí là các triết lí cũng như lí thuyết nền tảng về nền kinh tế thị trường, về xã hội tự do và dân chủ, về xã hội mở lại gần như thiếu vắng trong bầu không khí trí tuệ ở Việt Nam. Chúng có vẻ đi chậm hơn so với quá trình phát triển của thực tiễn.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua lịch sử phát triển của nhân loại thì điều này tưởng như lại không phải là một nghịch lí, rằng trong xã hội loài người thực tiễn phải đi trước lí thuyết. Có hẳn một thời kì người ta còn đưa ra triết thuyết chủ động tiến hành các thử nghiệm xã hội để thu được kinh nghiệm thực tiễn nhằm phát hiện cũng như hoàn thiện các lí thuyết về xã hội. Chỉ sau Thế chiến thứ II, khi một số ít các học giả nhận ra tính phi nhân của việc can thiệp trực tiếp cũng như tiến hành thử nghiệm cải tạo xã hội của các chính quyền, thì những nghiên cứu lí thuyết về kinh tế - chính trị - xã hội cho một xã hội tự do mới được đẩy đi trước một bước so với sự phát triển tự nhiên của thực tiễn. Friedrich A. Hayek là một trong số ít những người đó. Ông không những chỉ bác bỏ một cách thuyết phục vì sao khi chính quyền can thiệp trực tiếp cũng như tiến hành thử nghiệm cải tạo xã hội lại dẫn đến thảm họa, mà còn xây dựng được một nền móng lý luận vững chắc để xây dựng một trật tự xã hội tự do tự tiến triển.

Chỉ khi hầu như mọi phương án can thiệp cũng như cải tạo xã hội được đem ra thử nghiệm trên toàn thế giới và tỏ ra hoàn toàn thất bại trong thực tiễn thì những đóng góp của F.A. Hayek mới thực sự được chú ý. Trung Quốc, nơi chính sách cải tạo xã hội dẫn đến những thất bại cay đắng nhất, lại chính là nơi phát hiện ra Hayek sớm hơn cả. Cuốn Con đường tới nô lệ của Hayek, vốn đã được một số học giả Trung Quốc dịch và trao đổi âm thầm trong thập niên 60 của thế kỉ trước, có lẽ đã có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng đường lối chính sách mở cửa của Trung Quốc cuối những năm 1970. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận ra được một sự thật là chính phủ không thể và không nên trực tiếp điều khiển nền kinh tế nếu muốn nó hoạt động hiệu quả hơn [1] . Các tác phẩm của F.A. Hayek dần được dịch ra tiếng Trung. Và đến thập niên 1990 chúng chính thức được trao đổi sôi nổi trong giới học giả, sau đó được xuất bản và tái bản đến tay hàng triệu độc giả Trung Quốc [2] . Chính sách dứt khoát mở cửa nhưng từ từ, lựa theo sự tiến triển của các thiết chế văn hoá xã hội của Trung Quốc chẳng khác gì hơn là nội dung của một trong những triết lý quan trọng nhất của F.A. Hayek về giải pháp giúp con người duy trì được sự phát triển của xã hội tự do trong trật tự tự phát.

20 năm qua, Việt Nam đã có những bước đi tương tự như Trung Quốc, một phần từ tiếp thu kinh nghiệm đi trước của nước này, nhưng phần lớn hơn có lẽ từ những bài học lịch sử xương máu của dân tộc. Tuy nhiên, nền tảng văn hoá xã hội của Việt Nam khác với Trung Quốc. Việt Nam nhỏ hơn, cởi mở hơn và dễ chấp nhận sự khác biệt hơn. Vì thế, Việt Nam có nhiều điều kiện để tiến vào xã hội mở dễ hơn và nhanh hơn Trung Quốc. Điều duy nhất có lẽ còn thiếu ở Việt Nam hiện nay là một hướng đi nhất quán dựa trên một hệ thống triết lý ủng hộ việc tiến vào một xã hội mở.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, không hiếm trường hợp có những từ ngữ khác nhau, được sử dụng ở những vùng khác nhau, nhưng lại chỉ cùng một thứ, chẳng hạn người miền Nam dùng từ “cái chén” để chỉ cái mà người miền Bắc gọi là “cái bát”. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp không biết bao trường hợp những người thoạt nhìn tưởng rất gần gũi với ta thực ra lại là những người không có mấy thiện ý với ta, trong khi những người thoạt nhìn tưởng là khó chịu với ta thì thực ra lại ngược lại. Triết lí “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam hiện nay có lẽ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nếu xem xét kỹ nội dung của nó thì chúng ta dễ dàng phát hiện ra rằng nó gần gũi với cái triết lí “chủ nghĩa tự do” (libertarianism) và “cộng đồng hợp tác” (communitarianism) mà F. A. Hayek muốn các xã hội hướng tới hơn bất kỳ triết thuyết xã hội nào hiện nay. Chẳng phải ước muốn giải phóng các cá nhân khỏi sự cưỡng bức của kẻ quyền thế, chẳng phải ước muốn xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên pháp trị, chẳng phải phương thức phát triển xã hội lựa theo sự tiến triển của các thiết chế văn hoá xã hội nội tại, chẳng phải ước muốn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong sự đa dạng của các cộng đồng xã hội trên thế giới là những nội dung chủ đạo của định hướng phát triển chung của Việt Nam hiện nay hay sao? Đã đến lúc chúng ta cần phải từ bỏ thành kiến với những khái niệm tưởng như đối nghịch với chúng ta để có thể tìm được những người bạn đồng hành đích thực, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách, để sải những bước chân tự tin và vững chắc vào một thế giới rộng lớn đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy bất trắc này.

Các học giả Việt Nam cần phải chủ động giúp nước nhà làm điều này hơn bất cứ ai khác. Cuốn sách Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp mà các bạn đang cầm trên tay thực ra mới chỉ chứa đựng một phần rất nhỏ những đóng góp của ông. Bên cạnh những tác phẩm của F.A. Hayek, tất nhiên chúng ta cũng cần giới thiệu nhiều tác phẩm của các học giả hàng đầu trên thế giới khác nữa, những người cũng đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng nền tảng triết lý cho một xã hội tự do dựa trên trật tự tự phát. Các học giả Việt Nam cần hội thảo, trao đổi và tranh luận để chắt lọc những gì thực sự hữu hiệu cho Việt Nam trong thời gian trước mắt và những gì sẽ cần cho mai sau. Họ cần gắng hết sức mình để làm cho hệ tư tưởng chính thống của nước nhà trở thành một hệ tư tưởng thực sự tự do và dân chủ, luôn luôn sống động và luôn đi trước một bước so với các hành động thực tiễn của chính phủ. Có thể họ không chỉ ra được đường đi nước bước cụ thể cho chính phủ, nhưng họ dứt khoát phải làm thế nào đó để giúp chính phủ tránh sa vào những con đường sai lầm. Chỉ có như thế, chính phủ mới tự tin đưa ra những quyết sách nhanh chóng và dứt khoát nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn liên tục phát sinh. Và chỉ có như thế, từng người dân Việt Nam hôm nay và mai sau mới thực sự có được một cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc.

Bạn đọc nên lưu ý một chút về cách đọc tác phẩm. Đây là một tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân khoa học lỗi lạc. Tuy nó chứa đựng một số nội dung khá trừu tượng liên quan đến tư tưởng của F.A. Hayek nhưng tác giả của nó, Alan Ebenstein, viết rất khéo giúp cho hầu hết mọi độc giả đều có thể nắm bắt được. Hơn nữa, độc giả cũng không nhất thiết phải đọc tuần tự từ đầu đến cuối tác phẩm. Bạn có thể xem từng chương riêng lẻ cách quãng mà vẫn có thể tìm thấy được trí tuệ và nhân cách sáng ngời của Hayek. Những ai bận rộn có thể bắt đầu từ những chương 12, 13, 16, 17, từ 25 đến 30, 33, 37, và 39. Khi có thời gian rảnh rỗi thì mở rộng sang các chương còn lại để có thể nắm bắt được toàn bộ sự nghiệp trí tuệ của ông và cảm nhận được bầu không khí trí tuệ gắn với ông xuyên suốt thế kỷ XX.

Hà Nội, tháng 11 năm 2006



[1]Xem Yergin D. và J. Stanislaw, Những đỉnh cao chỉ huy, NXB Tri thức, 2006.
[2]Xem phỏng vấn Mao Vu Thức, giám đốc học viện Unirule ở Bắc Kinh, qua bài “China Rediscovers Hayek” (Trung Quốc khám phá lại Hayek), Wall Street Journal, 12 tháng 6, 1998.
Nguồn: Lời giá»›i thiệu của Đinh Tuấn Minh cho cuốn Friedrich Hayek, cuá»™c đời và sá»± nghiệp, Lê Anh Hùng dịch, Nxb. Tri thức, 6.2007. Đăng lại trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.