trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
30.7.2003
Thường Quán
Ráp và Dịch
 
Hai bác Khuê Việt và Ðặng Hải kính,

Trong một bài thơ thì tất cả mọi chữ đều cần thiết một cách bình đẳng. Ngay cả những chữ tưởng là đệm thì thực chất nó có thể đặt lại một số vấn đề, ít nhất cho kẻ làm, tức kẻ đang say mê với nàng thơ. ["Nàng thơ" có là một khái niệm đã lỗi thời, như hiện đại chủ nghĩa từng đồ quyết ?]. Ðã kinh lại còn hãi, chẳng hạn. Những chữ ráp, chêm và đệm "đã", "lại", "còn" làm sáng thêm cho hai chữ "hãi" và "kinh". Ðó cũng là tinh thần của bài thơ ráp tôi đã tặng bác Lê Ðình Khoa và độc giả talawas hôm nào [chứ không phải để phản biện].

Trong một bài thơ thì những chữ đầu và câu đầu hồ như có báo trước một giòng chảy. Báo trước hồ như và phần nào thôi. Vì nếu ta có thể chấp nhận được cái viết bản thân là một tiến-trình thì những chữ tới, và câu tới - từ một khởi điểm đã dấy - hồ như cũng bất định, cũng chơi vơi, cũng mơ hồ lung linh ở đầu ngọn bút lông xưa, hay phím bàn chữ nay.

Bài ráp gởi bác Lê Ðình Khoa và quí bác (lúc ấy còn mơ hồ trong vóc áo chung "độc giả talawas") mở đầu với

Chữ trung thì đáng giá nghìn

rõ ràng là để bước vào với chuyện dịch chữ. Nó chắc là được dấy men từ một câu của một anh/chị gì trong ban biên tập talawas "Trong dịch, chữ trung đáng giá nghìn vàng". Ðáng giá nghìn vàng là nói theo thơ ngày trước, nay nghìn cân vàng thì so ra cũng phải cả vạn bảng Anh (?). Nhưng thay vì viết

Chữ trung thì đáng giá nghìn

mà viết

Chữ trung thì đáng giá vạn bảng Anh

lập tức bài thơ đã đi qua một hướng khác. Nó sẽ không đẩy tới

ráp và chêm không dạ giữ gìn

Và nếu không nghìn, không dạ giữ gìn thì chắc cũng còn lâu mới được tiếp

chữ T Trung cũng có lắm đường tình
đường phát thanh bê bê xê thính

Dừng ở " thính " ngang lưng trời [hay như bác Khuê Việt có lẽ sẽ nói là "dừng ngang xương"] như vậy thì chắc chắn là cụt nghĩa. Bài thơ mời gọi vồn vã ngay

giả đừng phiền boss không đụng
Trưởng Ban không kinh mà đuổi
về mình về đuổi gà đuổi ngan

Ðúng là chữ "trung" có lắm đường thể hiện. Dịch một bản tin BBC khác với dịch một bài thơ của Seamus Heaney, dịch Seamus Heaney lại khác với dịch Eminem. Dịch Eminem khác với dịch Virginia Woolf. Dịch Woolf thì khác với dịch Emily Dickenson.Vì sao như vậy? Vì tinh thần nguyên bản mỗi tác phẩm mỗi khác. Muốn dịch Heaney thì chí ít phải hiểu ông là người cẩn trọng với vần, âm vận và nhịp điệu. Muốn dịch Woolf thì nên đọc Am I a snob? của Woolf. Muốn dịch Eminem thì phải nghe rap, hip-hop. Bản tin của Laura Peek về mặt ngôn ngữ, như bác Lê Ðình Khoa đã có công trích lại nguyên bản tiếng Anh, nó không đặc sắc hơn các mẫu tin khác. Nó chỉ hơn mỗi một chữ ở đầu đề, ấy là chữ mà tôi cho tới nay vẫn xin đọc là Eminemtly [vì Eminem là đã đủ một cách sáng- giá-eminem rồi, vị tất phải dài dòng, nhưng đó là ý riêng]. Và chính đó là nguồn khởi đầu của cái hứng cho tôi đã ráp và chêm thành một bản- thế-vì bây giờ đâm hơi sôi nổi.

Các mẫu tin của BBC, hay các báo cáo thường niên của các công ty, thậm chí các luận án hàn lâm, vân vân, không có nhiều mời mọc thơ ráp trong ấy. Chúng không hàm chứa một triển vọng game gì, không tha thiết ôm một khả thể cho sự ráp, chêm, làm thơ nhiều nhặng là mấỵ Ở các bản tin dịch & thuật lại cho thính giả nghe của các đài ngoại, ở các báo cáo công ty thường niên, không có nhiều bản-thế-vì nào khác được chấp nhận trừ một văn bản mà đại để là a/ về mặt tự vựng nó phải đúng theo tự điển, b/ văn phạm phải đúng văn phạm qui ước, c/ dữ kiện phải chuyển lại chính xác. Nếu không, thì, phiền lắm: Board có thể bay, nhân viên phát thanh có thể về vườn, ngoại trưởng có thể bị triệu vào nhận kháng thư "Bút sa gà chết". Trường hợp nhà khoa học David Kelly tự sát ở Anh gần đây thì còn nghiêm trọng hơn, nó làm chao đảo cả BBC, lẫn Thủ Tướng Tony Blair, Bộ Trưởng Quốc Phòng Geoff Hoon, và spin doctor (thôi tôi chẳng muốn nhớ tên). Trong trường hợp ấy thì tin sa người chết, thế sự đảo điên.

Có các bạn ở các ban làm tin ở các đài ngoại làm chứng, dịch tin bê bê xê hay a bê xê (mà bản thân tôi cũng đã từng mười năm) thực ra cũng là một nghệ thuật. Nghệ thuật của cân nhắc. Của tưởng tượng tình thế và người nghe. Có lúc phải lên ban làm tin mà hỏi mà vấn "lũ Tây ấy" (lời của một phát thanh viên cao niên bạn). Ðã đành là từ trưởng ban cho tới nhân viên dịch dùng chung một tự điển, thì với người nghe, mặt trận người nghe ấy nó rộng lớn vô song, tự điển trong các gia đình, dưới các mái nhà, là tự điển nào đây: Lê Bá Kông, hay Nguyễn Văn Khôn, hay Ðào Ðăng Vỹ, hay là của công trình tập thể "Viện Khoa Học Xã Hội"? Dịch một mẫu tin cũng đòi hỏi cái khéo của người trong nghề để gia giảm, cho người nghe lọt lỗ tai, chứ đen một lấy một ( là "nô tế bồ" ( không có gì để bàn tiếp, như bác Khuê Việt hóm hỉnh mách lại một từ). Ngoài tin, đi vào các lĩnh vực khoa học, âm nhạc, văn chương, ... thì chúng ta lại du hành vào những vùng trời khác nữa. Ở khoa học và âm nhạc công việc dịch đòi hỏi kiến thức sâu đậm về những lĩnh vực chuyên đề. Trong tình trạng hiện nay các dịch giả sẽ đương đầu với những chữ chưa có một tương đương. Trong trường hợp ấy, sự góp công của một ban tu thư chắc chắn là cần thiết. Ở văn chương thì quan trọng là những cảm thức về chữ, lời. Sự bắt gặp giao thoa giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch nằm cuộn trong giao thoa của hai vùng trời sống. Gọi nó là "văn hóa" (một chữ đã bị dùng tới nhàm, tới chán chê, tới sáo, như bác Khuê Việt nhìn thấy) hay là gì thì hai vùng trời sống ấy nếu được người dịch kinh qua thì bản dịch mới "giữ cho trung" được bản gốc .

Trở lại trong bản tin của Laura Peek, có hai chỗ quan trọng liên đới tới dịch là câu thúc giục "keeping it real" giữ cho thực và một từ "vernacular".

Ngôn ngữ thay đổi không tới nỗi xoành xoạch như fashion nhưng mà nó đổi. Hàng năm tự điển Oxford ở Anh, và Macquarie ở Úc đều phải cập nhật với nhiều chữ mới, và nhiều cách dùng-chữ mới. Một bộ tộc thổ dân trên Bắc bộ Úc được tài tử xi-nê Russell "Maximus" Crowe mới viếng thăm, vui lắm, nhao nhao "He's deadly!" thì lời ấy chỉ có nghĩa là anh ấy "cool", "đằm (quá ta), "tuyệt dzời", chứ không có nghĩa là nguy hiểm chết người. Và những chữ dùng một cách bình dân hè phố (vernacular) như vậy thì sẽ khó lòng được ghi vào một tự điển [The Vernacular Republic là tựa đề một tập thơ của bác Les Murray, một nhà thơ tự nhận là thơ quê thứ thiệt, tức chân quê, thì phải, bên này nước Úc.]

Thơ là ngôn ngữ, là ngôn ngữ vượt tự điển, ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ sống. Ngôn ngữ thơ là tiếng nói của con người đang sống, đang sinh hoạt, đang ngồi cà phê, đang ăn cháo lòng

Sáng ra con mắt mơ mòng
Cà phê bên nọ cháo lòng bên kia

Chỉ riêng trong hai câu rất real, rất thực trên của thi sĩ Bùi Giáng, chữ" mơ mòng" chưa có trong tự điển. Chữ "cháo" có, chữ "lòng" có, nhưng chữ "cháo lòng" thì may ra tự điển gia chánh mới có [Việt Nam đã có tự điển gia chánh chưa, xin các dịch giả và các đầu bếp cùng tham gia đầu tư].

Giữ cho thực: lời thúc giục tưởng là giản đơn ấy đã không giản đơn một chút nào cả. Nó đã tốn của cộng-hoà-các- nhà-thơ một khoảng rất lâu. Rất lâu để làm chi? Dạ thưa để họ đi tới ý thức về sự cần thiết nên cho ngôn ngữ đời thường vào thơ. Giữ cho thực vốn là một tiêu chí, một ước mơ, chứ chưa chắc được là một thực tế. Bên Ý, quê hương của pizza, của Romeo và Juliet, & của bác Khuê Việt, nhà thơ Dante thực sự đã làm một cuộc cách mạng khi quyết định viết Hài Kịch Thiêng của ông bằng ngôn ngữ mà người dân Tuscany, người dân Ý đi trên đường phố Florence bấy giờ đang sử dụng, thay vì như bao nhà thơ trước đó đã sử dụng tiếng La-tinh khi đi kể chuyện đời - bất kể đời xưa đời nay. Bên quê nhà xưa của bác Ðặng Hải, của tôi, và phần tư nào của bác Khuê Việt, thì trong khoảng tam bách dư niên, tính ngược từ năm 2003, có một nhà thơ đã làm một cách tân tương tự khi quyết viết cho vui một truyện Kiều, sử dụng nôm, và một thể thơ sáu tám, không có bên tàu, cũng chẳng có bên Tây

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là đố nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Không phải là Dante không thông La-tinh. Không phải là Nguyễn Du không quí Hán tự. Ðọc Tố Như Thi, thơ tiếng Hán của Nguyễn Du, ta nghe một Nguyễn Du khác. Một Nguyễn Du nghiêm trọng và u ẩn, nhưng bù lại không rút ruột và không bay nhảy bằng như ở truyện Kiều (Mua vui cũng được một vài). Ngay chính đọc Quách Tấn dịch Tố Như Thi, tôi cũng bất ngờ mà thấy phần dịch nghĩa của cố thi sĩ có ngôi nhà bên Chợ Ðầm Nha Trang một thời tôi có ghé thăm, dạt dào và mây trắng e đậm đà viễn phương còn hơn cái phần chỉnh đốn lại bằng vần một cách qui củ của các dịch giả tiếp tay. Cho tới nay tôi vẫn tự hỏi không hiểu sao có cảm giác như vậy .

Bác Ðặng Hải, tôi không phản biện gì cả ở bài thơ tặng bác Lê Ðình Khoa và độc giả talawas. Thơ là thơ là thơ là thơ. Thơ mà phản biện thì ép [thơ] ghê, nó khó cho người làm, người nhận, lẫn người đọc. Muốn phản biện thì tôi thiết nghĩ câu chuyện sẽ đơn giản
lắm: bằng một lòng tương kính hằng như, tôi sẽ chỉ yêu cầu bác Lê bỏ giùm đi những chữ tô đậm và gạch dưới của bản ráp của tôi - như bác Lê đã công phu gạch dưới và tô đậm, rồi xem cái còn lại là cái gì, có hào hứng không, có vui không, thậm chí có đúng với tinh thần "chơi chữ" của Laura Peek không. Ở đây tôi cũng xin nói thêm là tôi không chắc là tựa đề của bài báo, mà xem ra đã chứa đựng tinh thần chơi chữ hơn cái bản tin khuôn khổ [tinh thần "chơi chữ"như bác Lê Ðình Khoa đã nhận thấy], có là của chính Laura Peek hay của một sub-editor, hay một editor - News, hay một editor-in-chief hôm ấy rỗi việc cùng nhào vào làm heading chung với staff-reporter cho vui cửa vui nhà. Khi đọc ráp của TQ, bác Khuê Việt đã tinh ý và bao la dong ruổi mà thêm vào cho ba chữ "hậu-hiện-đại". Quả nhiên, được lời như cởi tấm lòng, tôi ở đây mạnh dạn mời bác Ðặng Hải nhân thể click vào bài của bác Nguyễn Ước - "Một hồ sơ chủ nghĩa hậu hiện đại [kỳ hai]", sau click bác có thể lần xuống bản "Những dị biệt có tính hệ thống giữa chủ nghĩa hiện-đại và chủ nghĩa hậu hiện-đại", một bảng theo Nguyễn Ước tới từ nguồn sau: Hassan "The Culture of Postmodernism" Theory, Culture and Society, " Văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện-đại " Lý thuyết, Văn hoá và Xã hội. Vào đó xin bác Ðặng Hải chú ý đọc cột một, và cột hai của bảng này, hy vọng bác sẽ thấy bản dịch ráp Laura Peek của TQ hơi nghiêng và tinh thần thì khí thiên về cái cột bên phải (hơn là cột bên trái).

Dịch ráp, chêm thêm, để đáp ứng tinh thần mới của hậu hiện đại, hay để đáp ứng đúng tinh thần của nguyên bản? Cho câu hỏi này mỗi người dịch sẽ có một câu trả lời khác nhau. Khi dịch mẫu tin của tờ Times kia tôi thực sự mong ước là mình làm được cả hai

Thung dung đạo lý người hiền
Nguyệt Nga và cả Vân Tiên đều là

Tôi không dám bảo mình có là "original" mở đầu một sự tân trang trong chuyện này. Bác Khuê Việt nhắc tới phóng tác ở phương Nam, và tới Hồ Biểu Chánh, tôi xin thêm trong phạm trù tôi biết được, ở lĩnh vực dịch ở miền Nam người đi đầu là thi sĩ Bùi Giáng. Bác Giáng đã thung dung hậu hiện đại từ hồi những năm 1960 khi thong thả dịch và in ở Nhà Quế Sơn những Cõi Người Ta của Saint Exupéry, Kẻ Vô Luân của André Gide, Ngộ Nhận của Camus, Lá Hoa Cồn của Heidegger, Hamlet của Shakespeare bằng ngôn ngữ của Bùi Giáng, rất riêng và cũng vô cùng cẩn trọng. Những bản dịch ấy, đọc ở những ngày còn ở miền Trung và miền Nam nước Việt, đã cho tôi bao trời vui sướng. Tới về sau ra ngoài đọc nguyên tác tôi lại càng bồi hồi thâm cảm quả nhiên tài dịch ấy cũng chỉ có mình Bùi Giáng mà thôi. Vốn tiếng Anh, tiếng Pháp, và chữ Hán của con người ấy là trời bể.Tiếng Việt của thi sĩ ấy là vui vẻ thần sầu. Và tinh thần ôm cả Hy Lạp xa xưa lẫn nước Pháp hiện đại của BG là một kỳ lạ không hai. Ðồng cảm với từng mỗi tác giả: Gide, Camus, Shakespeare, Saint Exupéry ... cuả BG là một cái làm ta ngậm ngùi luống dạ.

Chia sẻ với hai bác đây như vậy là yên hoà một cõi cà phê cháo lòng buổi sáng đầy đủ thức điểm tâm và không khí thở. Sự e ngại "não trạng" gì của bác Ðặng Hải tôi xin trả lại cho bác đem về xứ Cali muà hè ngập nắng, nơi ấy những nhà văn chủ biên các báo Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, nếu bác chịu khó hỏi [và nhớ mua báo], các anh chị ấy sẽ nói cho bác nghe nghề báo văn học nó gay go là dường nào. Tinh thần thức-đủ-năm-canh, nhất là trước hôm đem báo đi in, của họ là có thực, như số người Pháp, Mỹ, Úc, Ý... biết tiếng Ta rất hiếm là chuyện có thực. Số nhà văn dịch giả các nước ấy biết rành đủ để dịch tác phẩm Việt ra tiếng của họ thì ôi thôi đếm được trên ba đầu ngón tay. "Não trạng nô lệ " dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp là sao, bác cho biết cùng. Tôi nhận được câu bác trả lời sẽ có thêm lời nữa cho vui [một bản-thế -vì nữa].


Trân trọng,
trong tinh thần yêu chữ, yêu người, yêu bầu trời cao rộng

Thường Quán
Melbourne, 28/7/2003


© 2003 talawas