trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
28.8.2007
Tiểu Linh
Hình tượng mẹ điếm trong ba truyện ngắn của Lynh Bacardi
 
Tìm thấy Lynh Bacardi, điều đó cũng giống như tìm thấy một người biết viết truyện ngắn thực sự phía sau mỹ từ ngày càng quen nhàm là nữ văn sĩ thế hệ 8x, một người biết quan sát, tưởng tượng và sáng tác chứ không đơn thuần là mơ mộng và bịa tạc, một người mà tác phẩm đem lại cho độc giả cảm giác đứng trước một cuộc sống khắc nghiệt, cay cực, mông muội và độc địa thay vì những tâm sự nhàn nhạt có thể gặp ở bất cứ blog nào. Không nói quá, trong khi những cây bút nữ cùng trang lứa đang tập viết truyện ngắn thì Lynh Bacardi đã trở thành một nhà văn thực sự, một người mà độc giả có thể tìm thấy rất nhiều vấn đề trong khi nghiền ngẫm, những vấn đề báo hiệu một phong cách văn chương độc đáo trong nay mai, và một trong những vấn đề đó là hình tượng Mẹ điếm trong các truyện ngắn của Lynh Bacardi.

Do Lynh Bacardi chưa có một tuyển tập truyện ngắn riêng, cho nên nguồn tư liệu người viết có được chủ yếu từ một số báo mạng như Tiền vệ, Da màu, talawas. Và trong năm truyện ngắn khá phổ biến: “Hắn lại vào Toilet, há hốc mồm xăm xoi”, “Con bé bị bịt mắt”, “Nghĩa trang đồng nhi” (tienve.org), “Hậu sản” (damau.org), “Tre rừng” (talawas.org), người viết lọc ra ba truyện ngắn thể hiện rõ nét nhất hình tượng người mẹ điếm, đó là “Con bé bị bịt mắt”, “Nghĩa trang đồng nhi” và “Tre rừng”, phạm vi khảo sát, phân tích sẽ tập trung chủ yếu vào ba truyện ngắn này.

Trước khi đi vào từ điển với định nghĩa khá ngắn gọn “là danh từ chỉ những người đàn bà làm nghề mại dâm”, từ điếm (với những từ đồng nghĩa khác là đĩ) đã tồn tại dai dẳng trong tâm thức dân gian, gắn chặt với thái độ và quan niệm đạo đức của cộng đồng. Điếm không chỉ là cách gọi những người đàn bà quan hệ tình dục vì tiền bạc, điếm là lời rủa xả, khinh miệt cùng cực của một xã hội bị trói buộc bởi quan niệm Nho giáo nặng nề dành cho những kẻ thuộc giống cái sống tự do và bản năng. Trái lại, hình tượng người mẹ luôn luôn là hiện thân của những gì cao đẹp, thiêng liêng và thánh thiện nhất. Cùng thuộc về đàn bà, nhưng điếm là phần đáng ném đá, còn mẹ là phần đáng tôn thờ. Có lẽ chính vì sự đối lập gay gắt ấy nên sự kết hợp giữa hai phần mẹ - điếm để trở thành hình tượng người mẹ điếm trong văn học không nhiều. Hình tượng mẹ điếm nổi tiếng nhất có lẽ là Fantine (Những người khốn khổ - V. Hugo), trong văn học Việt Nam, chị Dậu có cơ hội trở thành mẹ điếm nhưng gốc gác nhà nho đã ngăn Ngô Tất Tố lại. Nhà văn, đặc biệt là người trẻ viết nhiều về mẹ điếm, dường như chỉ có Lynh Bacardi (tính trên tỉ lệ số truyện ngắn phổ biến của cô: 3/5). Viết về mẹ điếm, Lynh đứng trước một thuận lợi, đó là khai thác hình tượng ít người chạm đến và hầu như chưa có ai viết thật sự hay, còn khó khăn, có lẽ rất nhiều, làm sao để thoát khỏi môtíp người mẹ cùng đường phải bán thân nuôi con và trong lòng vô cùng tủi hổ, làm sao để đánh động người đọc ngoài cảm giác xót thương ai oán thường thấy, làm sao để mang lại cho mẹ điếm một ý nghĩa ẩn dụ mới mẻ ngoài lớp nghĩa về thân phận khổ đau của người đàn bà, làm sao để tránh được lối viết xót xa cảm thông thường gặp khi xây dựng hình tượng này? Lynh Bacardi đã làm được điều ấy nhờ sự độc đáo đến ma quái của riêng mình. Người mẹ điếm hiện lên trong sáng tác của Lynh là sự dung hợp và thống nhất giữa những đối cực, cảnh ngộ phải sống và được sống, thái độ đĩ thoã dửng dưng và những đau đớn xác thịt quằn quại, cảm giác vừa thương xót vừa muốn nôn mửa, đặc biệt, tình mẹ da diết được thể hiện đồng thời với khoảnh khắc làm điếm, họ làm điếm để được làm mẹ, làm điếm vì làm mẹ, cả hai đều hiển nhiên như bản năng, như dưỡng khí, như định mệnh của người mẹ điếm nói riêng, người đàn bà trong truyện Lynh Bacardi nói chung.

Ba người đàn bà là ba thân phận, ba cảnh ngộ mẹ điếm khác nhau, đó là người mẹ làm tình với khách bên cạnh đứa con nhỏ bị bịt mắt qua lời kể của gốc cây trong truyện “Con bé bị bịt mắt”, là người phụ nữ sinh ra để làm điếm như một định mệnh trong “Nghĩa trang đồng nhi”, là người chị điếm vừa ngây thơ vừa đĩ thoã làm điếm với Quang và làm tình với em trai trong “Tre rừng” (riêng truyện “Tre rừng”, nhân vật chị gái tuy không sinh ra Thành nhưng nuôi dưỡng Thành từ nhỏ với tình cảm của một người mẹ, vì vậy tôi coi cô ta như một người mẹ). Một trong những biệt tài của Lynh Bacardi khi viết truyện ngắn đó là khả năng tạo ra những cảnh ngộ độc đáo, khắc nghiệt, dường như phi thực, một người đàn ông bỗng nhiên bị câm và vùng chạy qua những miền không gian kỳ ảo như một giấc mơ được sắp đặt (“Hắn lại vào toilet, há hốc mồm xăm xoi”), cô gái phải làm tình với gã anh nuôi tật nguyền nhầy nhụa năm này qua năm khác để sinh ra những đứa trẻ tàn khuyết, nhẹ dạ và chết yểu (“Hậu sản”), thằng bé dấu mẹ khỏi người cha bệnh bằng cách chôn mẹ xuống đất và giết chết bà bằng thuốc ngủ quá liều (“Độc thoại trên tháp nhà thờ”)... Mỗi câu chuyện, mỗi cảnh ngộ có phần phi thực ấy giống như một mảnh ghép để tạo nên bức tranh hiện thực trong sáng tác của Lynh, u ám, cùng cực, nhầy nhụa, một hiện thực đầy rẫy những kẻ tàn khuyết, bệnh hoạn, những áp chế và dối lừa. Dường như Lynh muốn dùng cái phi thực để diễn tả cái cực thực theo cách nhìn của mình. Và đây cũng là điểm khác nổi bật của Lynh so với nhiều cây bút nữ 8x, cô có ý thức xây dựng một hiện thực đặc trưng và có tính ẩn dụ ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, trong khi đó với nhiều bạn bè cùng trang lứa, viết giống như một nhu cầu để phơi mở những cảm giác, cảm xúc có phần riêng tư, giàu nữ tính. Sự khác biệt này có thể thấy rõ nếu đọc cả tập Vũ điệu thân gầy.

Điểm thứ hai đáng chú ý trong hình tượng người mẹ điếm chính là cách thức khắc hoạ phần điếm qua ngòi bút Lynh Bacardi. Với các nhân vật của Lynh, điếm không giản đơn là một thân phận, một cảnh ngộ, nó trầm luân dai dẳng như một định mệnh (“Nghĩa trang đồng nhi”) và hiển nhiên như một nghiệp mưu sinh (“Con bé bị bịt mắt”, “Tre rừng”, “Nghĩa trang đồng nhi”), nó là cuộc đời phải sống, là công việc phải làm. Điều này dẫn tới hai hệ quả, thứ nhất là thái độ ứng xử của nhân vật với nghiệp và nghề điếm mà mình mang, thứ hai là đặc trưng trong văn phong của Lynh khi miêu tả nghiệp điếm và nghề điếm. Kiều, cô điếm nổi tiếng trong văn học Việt Nam mỗi lần tiếp khách “Giật mình mình lại thương mình xót xa”, các nhân vật của Lynh không có tâm trạng xót xa ấy, nó dửng dưng: “3000 là đủ. Đó là câu nói thường xuyên của bà, câu nói mà tôi vẫn nghe được mỗi khi bà thì thầm với một gã nào đó đứng sát cận da thịt tôi. Không chỉ mình bà nói câu đó… tôi còn nghe những bà khác đứng gần đó nói y hệt như vậy. Nhưng giọng của một bà khách nọ, nó là một kiểu thẳng thừng mà lại chẳng kém phần van vỉ… Nó làm tôi thích thú với ý nghĩ mình đang thực sự có ích cho một kẻ chân thật, theo kiểu chân thật của riêng họ” (“Con bé bị bịt mắt”), toan tính: “Người đàn ông xìu xuống, nằm vật ra với những giọt mồ hôi nhễ nhãi trên khắp mặt và lưng. Ông đưa bàn tay đầy vết chai sần lên vuốt những giọt mồ hôi trên mặt. Ông đã tươi tỉnh hơn lúc mới đến đây. Những vết chai trong lòng tay của ông cũng có công dụng của riêng chúng, vì nhìn vào đó tôi chỉ lấy giá rất bình dân”, sửa soạn: “Tôi rã rời bật người đứng dậy... Mười lăm phút nữa sẽ lại có khách. Tôi cần phải sạch sẽ và tỏ ra tràn đầy sinh lực thì mới mong giữ được họ” (“Nghĩa trang đồng nhi”), thèm khát: “Trong suốt bữa ăn, tôi không ngừng nhìn lén xuống đũng quần Quang, chỗ gồ lên như một chiếc bánh. Tôi tưởng tượng nếu bóc lớp vải kaki kia ra, có khi sẽ có vài hạt nho khô ứa chất đường trên đó. Tôi đã lúng lúng đến nỗi ăn hết sạch một con cá rưỡi, thay vì ăn đúng phần của mình là một con. Dĩ nhiên những cái nhìn lén lút của tôi không qua được mắt Quang… hắn còn mỉm cười khi thấy tôi nhấp nhổm đứng lên ra vào toilet liên tục. Ðiều này thật tức cười, bởi tôi phát hiện mình tự dưng thèm hắn như thèm một chiếc bánh bông lan, miệng tôi ứa nước dãi liên tục khi nghĩ đến cái bánh, còn âm đạo thì ứa nước nhờn liên tục trong lúc tôi vừa nhai cơm vừa nhìn vào đũng quần hắn” (“Tre rừng”), thậm chí, điều duy nhất nó nghĩ được sau những tai nạn nghề nghiệp, đó là “Gã đàn ông gương mặt trắng muốt chạy đi với cái núm vú trong miệng… Bà ngơ ngác nhìn theo, sực nhờ mình vẫn chưa lấy 3000” (“Con bé bị bịt mắt”) và “Tôi cài cánh cửa lại. Bước vào buồng tắm. Một sự nháo nhào hỗn độn. Vậy là đi toi mấy tờ bạc của ông khách. Không biết ông ta còn đủ can đảm quay trở lại đây nữa không” (suy nghĩ của nhân vật trong “Nghĩa trang đồng nhi” sau khi bị bắt quả tang làm điếm). Không thuộc môtip những cô điếm thân dơ mà tâm trong (Kiều), những kiếp điếm cô độc đáng thương xót (hai cô gái trong truyện ngắn Đêm ba mươi - Thạch Lam) hay những nàng điếm tự do mơ mộng nâng khách bay lên bằng đôi cánh thân xác (gần nhất là cô gái điếm trong “Nước biển Venice mặn” của Ngọc Cầm Dương), điếm trong tác phẩm của Lynh là sự phản chiếu chân thực nhất hình tượng này, sự thẳng thừng ấy, toan tính ấy, tiếc nuối ấy, sửa soạn ấy thuộc về những người coi điếm như một nghề. Vấn đề ở đây có lẽ là mục đích miêu tả và khả năng hoá thân, cũng như sự táo bạo của ngòi bút. Lynh viết về điếm, trước hết để lột tả chân dung điếm, công việc điếm rõ nét, trần trụi chứ không đơn thuần là một tên gọi, một đối tượng có tính ước lệ chỉ là thành viên trong nhóm người hồng nhan bạc mệnh (Nguyễn Du), nhóm người những thân phận nhỏ bé (Thạch Lam)… Cả ba nhân vật trong ba truyện ngắn của Lynh đều không có tên, nhạt nhoà những chi tiết ngoại hình nhưng sắc nét ở công việc làm điếm, không chỉ vì những suy nghĩ đặc trưng, mà còn bởi những thủ thuật nghề nghiệp và đặc biệt những đau đớn đến quằn quại về thân xác mà họ phải chịu đựng “Bất chợt con bé ngưng tay không đào đất nữa. Nó đứng lên, không kéo dãi vải ra khỏi mắt. Cái đầu nho nhỏ quay lần tìm hướng phát ra tiếng hét của bà. Nó quên mất hai cục bông trắng muốt đang lún sâu trong tai như muốn tuột dần đến tận cùng. Gã đàn ông gương mặt cũng trắng muốt, cười nhăn nhở chạy đi với cái núm vú trong miệng. Vệt máu chảy dài dưới cằm khiến gương mặt trắng của gã thành một anh hề trên sân khấu phố huyện” (“Con bé bị bịt mắt”), “Quang chẳng trả lời. Hắn vừa lật mông tôi lên, cặp mắt vừa rảo liên tục tìm kiếm gì đó trên tờ báo lót bên dưới. Như chưa nhìn thấy thứ hắn muốn tìm, Quang lại túm lấy hai chân tôi giở hẫng lên ngó lom lom vào trong… hai bàn tay cứng như gọng kềm làm cổ chân tôi đau, tôi gồng người chịu đựng cho đến khi hắn thả bịch đôi chân thô của tôi xuống chiếu” (“Tre rừng”), “Những nốt ruồi li ti trên mặt ông Tài lại làm tôi hoa mắt. Tôi nhắm chặt mắt lại. Ông ấy vẫn loay hoay tìm cách thọc dương vật vào hậu môn tôi. Tôi cắn chặt răng vào cái gối. Sự đau đớn co giật ở các thớ thịt trên mặt tôi càng khiến ông khoái trá. Ông lè lưỡi liếm, thoa thoa nước bọt xung quanh, rồi lại ấn, nhấn dương vật vào. Tôi xé toạc bao gối, thò tay nắm mớ vải vụn nhét vào miệng. Tôi không nên kêu la, khó khăn lắm tôi mới dụ được ông vào nhà tôi. Khó khăn lắm tôi mới làm cho ông ấy hình dung rằng, làm tình với tôi sẽ sướng hơn với bà Hồng mập như thế nào. Tôi cảm nhận hậu môn đang rạn nứt. Tôi muốn vung cặp chân cụt ngủn đạp mạnh cho ông ấy lọt xuống gác. Tôi cắn chặt mớ vải. Tôi muốn hét lên, trời ạ, tôi muốn ngất lịm đi mất. Nhưng đau như vầy có giống đau đẻ không” (“Nghĩa trang đồng nhi”), liên tiếp những cảnh làm tình mang màu sắc khổ dâm, lối miêu tả chi tiết, kỹ lưỡng giống như thước phim được quay cận cảnh, tác giả đã tước bỏ những mặc cảm đạo đức trong nhân vật và những giới hạn trong ngòi bút của chính mình tái hiện hình tượng điếm một cách khách quan nhất. Miêu tả nhưng không phán xét, cảm giác xác thịt thay cho cảm xúc, lối viết của Lynh trước hết phơi mở trước mắt người đọc một hiện thực và rất nhiều suy nghĩ, tiếp đó nó đánh mạnh vào cảm giác của mỗi người tạo nên phản ứng sinh lý lan truyền: đau và buồn nôn. Biệt tài của Lynh, như Trần Vũ nhận định, đó là khả năng đánh đồng giữa tác giả với nhân vật, và theo người viết, đó còn là khả năng đánh đồng giữa nhân vật và độc giả. Cô lột tả được những suy nghĩ điếm, nỗi đau điếm và mang lại cho người đọc cảm giác điếm, trần trụi, bỏng rát, nhầy nhụa. Điều này, có thể xem như một thành công trong ngòi bút miêu tả của Lynh Bacardi.

Đọc truyện ngắn của Lynh nghĩa là đến với những điểm cực, những cảnh ngộ cực nhục, những nhân vật cực khổ, lối miêu tả cực thực, những chi tiết mang màu sắc kinh dị (Cảnh làm tình giữa tôi và Hữu trong Hậu sản, cảnh người khách cắn đứt đầu vú của bà mẹ trong “Con bé bị bịt mắt”). Sự dữ dội có phần ma quái ấy có lẽ là khí chất con người được chuyển hoá thành tài năng văn chương. Những xúc cảm nửa mơ hồ, những mơ mộng nửa vời hay chút xót thương nhè nhẹ không có đất trong sáng tác của Lynh, bất cứ hiện thực nào, tình cảm nào bước vào truyện của chị đều mang một vẻ đau đớn, nhọc nhắn, lấm láp, thậm chí man rợ dù là phận điếm hay tình mẹ. Một đặc điểm nổi bật của tình mẹ trong hình tượng mẹ điếm, đó là phần điếm và phần mẹ cùng song hành, nó không đối lập, triệt tiêu, nó không khiến nhau tủi hổ hay lẩn tránh. Làm điếm cũng hiển nhiên như bản năng và khát vọng làm mẹ, họ làm điếm trong khi làm mẹ, đó là điểm độc đáo nhất của hình tượng mẹ điếm trong truyện ngắn của Lynh Bacardi. Đó là người mẹ đêm đêm kiếm sống bằng thân xác: “Những cái quần vẫn tụt xuống vội vàng. Kéo lên vội vàng. Những cái miệng mệt mỏi vẫn chùn chụt vội vàng. Những giọt nước trắng đục vẫn bắn vào bức tường nồng mùi nước tiểu cũng theo kiểu vội vàng. Vẫn đúng với câu "3000 là đủ!", không một chút gia giảm khuyến mãi”, bên cạnh là đứa nhỏ ngây ngô chơi trò bịt mắt bắt dê (“Con bé bị bịt mắt”), là cô gái điếm trước giờ đón khách hằng đêm vẫn đi nhặt nhạnh từng bọc máu chưa kịp thành hình trên bãi biển đem về chôn cất (“Nghĩa trang đồng nhi”), là người chị trưa nào cũng ôm ấp “giấy tờ tuỳ thân” sống kiêm gã môi giới lao động rồi đêm đêm lại vuốt ve ru ngủ đứa em tật nguyền (“Tre rừng”). Và nhân vật tiêu biểu nhất cho đặc điểm này là cô gái trong “Nghĩa trang đồng nhi”, sinh ra với lời nguyền làm điếm, bị gia đình bỏ lại một mình vì định mệnh điếm, chưa một lần được làm mẹ cũng bởi vết nhơ điếm và sự ác nghiệt của số phận, khát khao làm mẹ của nhân vật hiện hình thành nỗi ám ảnh vừa ai oán vừa bệnh hoạn, vừa đau xót vừa rùng rợn như những thước phim kinh dị. Người mẹ điếm ấy mỗi lần tiếp khách đều ôm chặt chiếc hộp đựng hài cốt đứa con nuôi đã chết, do chính tay cô róc thịt, phơi khô xương tuỷ và cất giữ như một báu vật: “Tôi ôm chặt chiếc hộp gỗ vào ngực, trong khi ông giáo Hào cố hết sức thúc vào bên dưới. Từ ngày chuyển con qua chiếc hộp này, tôi có thể vừa ôm con vừa làm đủ thứ việc. Tôi có thể vừa dọn rửa vừa để con bên cạnh để trò chuyện. Vừa đeo con trên lưng ra nghĩa trang thăm những đứa con khác. Nhất là tôi có thể gối con lên đầu khi khách muốn tôi nằm ngửa. Tôi hoàn toàn yên tâm với đời sống của mình. Tôi không còn để ý đến những nét già nua trên thân thể. Không còn lo lắng sẽ xa con, cũng như không còn lo sợ nỗi cô độc. Tôi đã tháo từng phần cơ thể của con. Dùng dao róc từng mảng thịt úng rữa bỏ vào bịch ni-lon, xương thì ngâm vào chậu nước có pha muối. Từng khúc xương được tôi rửa sạch sẽ. Cái sọ làm tôi mất công nhất, nó đầy các chất nhão trong đó. Tôi phải lấy đũa thọc tới thọc lui mới moi hết được chúng ra. Hai hốc mắt cũng được tôi làm sạch. Bây giờ con tôi đã nằm gọn ghẽ trong cái hộp gỗ này. Thật không dễ dàng để những bà mẹ giữ được con, vì trước khi bỏ nó vào hộp, tôi còn phải đem phơi chúng. Những lóng xương sẽ còn sót tuỷ, mà còn sót tuỷ sẽ còn sót mùi hôi. Nắng có thể làm chất tuỷ khô nhanh được. Sau đó tôi còn xông khói cho những lóng xương, mùi khói át ngay cái mùi hôi ngoan cố… Chia tay ở cửa, ông Hải làm tôi hài lòng khi hỏi lần sau tôi muốn có món gì. Một cái lục lạc của trẻ con, tôi nói. Tôi bò lên gác lấy tấm khăn bông đỏ trải rộng xuống sàn. Mở cái hộp gỗ ra. Đêm nay tôi lại được yên ổn ngủ cạnh con. Tôi sẽ lại mơ những giấc mơ đầy thiên thần khoác áo choàng màu trắng. Thấy chúng ríu rít dành kẹo của tôi như những chú bồ câu nhỏ. Con gái ơi, mẹ sẽ tìm một cái tên thật duyên dáng để gọi con. Tôi tỉ mẩn xếp những khúc xương của con lên tấm khăn lông. Trên nền vải đỏ, hình hài con tôi lại dần hiện ra như mọi lần. Thứ tự là xương sọ trước, rồi xương cổ, xương bả vai, xương sống, xương sườn, xương tay chân, xương…”. Lối kể, tả tỉ mỉ, soi kỹ từng chi tiết, thuần một kiểu câu đơn trần thuật đủ kết cấu chủ - vị theo đúng chuẩn ngữ pháp thông thường, nhịp văn đều đặn, có phần buồn tẻ, mạch văn tuân theo sự tuần tự của hành động, không có sự đảo lộn về không gian, thời gian hay sự chen lấn của những suy nghĩ bất chợt, giọng văn bình thản đến vô sắc, người đọc đang được xem một bô phim tài liệu về trò thiêng hay một nghi lễ nào đó. Dường như tác giả muốn dùng cái bình thường nhất của câu chữ để xoá đi cái dị thường trong hành động và xúc cảm của nhân vật, nhưng tác dụng, có lẽ ngược lại. Trong cái vô sắc của câu chữ là cái đa sắc của cảm xúc nhân vật và cái đa sắc của tâm trạng người đọc. Một tình mẹ da diết, tuyệt vọng, cháy bỏng đến bệnh hoạn, được biểu hiện bằng những hành động man rợ (róc thịt, phơi xương), những ao ước dễ thương (đòi lục lạc cho con) và những mơ ước trong trẻo (thiên thần áo trắng), người đàn bà này là điếm, là quỷ, là kẻ tâm thần, là người cô độc, nhưng trước hết là mẹ, một bà mẹ điếm “Tôi ôm chặt chiếc hộp gỗ vào ngực, trong khi ông Hào cố hết sức thúc vào bên dưới… tôi có thể gối con lên đầu khi khách muốn nằm ngửa”, một bà mẹ quỷ “Tôi đã tháo từng phần cơ thể con. Dùng dao róc từng mảng thịt úng rữa bỏ vào bịch ni-lon, xương thì ngâm vào chậu nước có pha muối… cái sọ làm tôi mất công nhất, nó đầy các chất nhão trong đó. Tôi phải lấy đũa thọc tới thọc lui mới moi hết được chúng ra…”, một bà mẹ tâm thần “Tôi tỉ mẩn xếp những khúc xương của con tôi lên tấm khăn lông. Trên nền vải đỏ, hình hài con tôi dần dần hiện ra như mọi lần. Thứ tự là xương sọ trước, rồi xương cổ, xương bả vai, xương sống, xương sườn, xương tay chân, xương…”, một bà mẹ cô độc “Không còn lo lắng sẽ xa con, cũng không còn lo sợ nỗi cô độc… Mở cái hộp gỗ ra, đêm nay tôi lại được yên ổn ngủ cạnh con…”. Tình mẹ, có lẽ, chưa bao giờ nhọc nhằn, đau đớn, kỳ lạ và rùng rợn như trong truyện ngắn của Lynh Bacardi, nó khiến người đọc hoảng sợ, buồn nôn nhưng không ghê tởm, muốn gấp lại, muốn chạy trốn nhưng không muốn, hoặc không thể quên. Có lẽ, với một người trẻ, viết truyện ngắn để lại dư âm đã là một thành công, riêng Lynh Bacardi, mỗi truyện ngắn của cô là một nỗi ám ảnh. Hình ảnh mẹ điếm góp phần làm nên những ám ảnh về hiện thực, thân phận, tình mẫu tử cũng như lối viết luôn hướng tới những điểm cực trong văn xuôi Lynh Bacardi.

© 2007 talawas