trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
1.9.2007
Jason Gibbs
Quốc nhạc Việt Nam: Hành trình tìm kiếm bản quốc ca
Nguyễn Trương Quý dịch
 1   2   3 
 
Âm nhạc của Quốc gia

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Sông núi nước Nam vua Nam coi
Rành rành phận định ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Bay sẽ tan tành chết sạch toi

(Lý Thường Kiệt, 1077, bản dịch của Hoàng Xuân Hãn). [1]

Trong thời gian diễn ra cuộc thi năm 1981, một nhạc sĩ viết một bài xã luận về chủ đề quốc ca mới đã đưa ra ý kiến rằng bài thơ tứ tuyệt của Lý Thường Kiệt là một loại quốc ca độc nhất vô nhị, giống như một lời tuyên ngôn độc lập. [2] Đó quả là một sự tuyên bố về sự độc lập, tuy nhiên, nó chỉ có thể mọc lên trong thế kỉ 20 thông qua một cảm thức hiện đại về tinh thần dân tộc. Keith Taylor, khi nhận xét về bài thơ chữ Hán nguyên gốc, xác quyết rằng “’giọng’ của bài thơ không phải giọng của một con người; đó là giọng của trời”. [3] Nói cách khác, bài thơ soạn ra một sự công nhận rằng trời, chứ không phải ước định của con người, đảm bảo cho số phận của vương quốc. Tương đồng ý kiến đó, Kelley gợi ra rằng “sách trời (tức thiên thư)” nên được hiểu không chỉ là một chỉ dụ có tính siêu nhiên mà là một “thiên thư”, thứ vật thể mà con người có thể hiểu và dùng cho cơ hội tốt của họ thông qua cách hành xử đạo đức phù hợp. Ngay cả khi độc giả Việt Nam hiện đại của bài thơ có hiểu sai cảm xúc nguyên thủy của nó, họ vẫn nhận ra trong đó một biểu tượng đầy sức mạnh của tình cảm dân tộc mà họ muốn khẳng định. [4]

Anthony D. Smith trong The Ethnic Origins of Nations [Nguồn gốc dân tộc của các quốc gia] phân tích các chính thể (polity) tiền quốc gia và so sánh tương phản hai loại “phức hợp thần thoại / biểu tượng” - triều đình và công xã. Loại đầu có “những ngụ ý tôn giáo mạnh” và gồm có “tuyên truyền chính trị… để hợp thức hoá hành vi của nhà cầm quyền”. Loại sau “tập trung vào một hình ảnh của cộng đồng chung hơn là một dòng giống đặc quyền hay thiết chế nhà nước”. [5] Thêm vào với thần thoại và biểu tượng, lịch sử và địa lí cũng cho thấy rằng chúng có thể sử dụng vào việc sinh ra những lực đẩy mang tính cảm xúc nhằm duy trì những nhóm tộc người hoặc xây dựng một quốc gia.

Nhạc nghi lễ triều đình Việt Nam là một ví dụ rõ ràng của phức hợp thần thoại/biểu tượng về mặt tác phẩm. Hoàng đế là người hành lễ duy nhất có thể nhận được “thiên mệnh” thông qua những tiết mục nghi thức thích hợp thay mặt cho cả quốc gia và dân chúng. Phạm Quỳnh biện giải rằng nếu một người hiểu được lễ tế Nam Giao, họ có thể hiểu được tổ chức chính trị và xã hội Việt Nam. Ông gọi đó là “nghi thức tối cao của tín ngưỡng quốc gia… sự thăng hoa của ý niệm quốc gia”. [6]

Chắc chắn nhạc nghi lễ đã được đặt ra như một thiết chế trong xã hội Việt Nam trước thời hiện đại. Nhưng một nghi lễ đặc biệt hoá như lễ tế Nam Giao là thứ mang tính đặc quyền. Nó cực kì tốn kém, cần đến sự giàu có và uy thế của triều đình, và mặc dù được ban ra có tính chỉ định cho lợi ích của mọi thần dân của hoàng đế, lễ tế và âm nhạc của nó chỉ được một giới thượng lưu nhỏ bé biết đến. Khi lời ca viện dẫn đến sách trời được thêm vào bản quốc ca của hoàng gia “Đăng đàn cung” những năm 1930, tác động của nó đã bị hạn chế. Hơn thế nữa, quá trình thực dân hóa của Pháp ở Việt Nam đã kéo toạc tấm màn trang trí thần thánh của chế độ quân chủ. Dưới quyền lực của Pháp thì lễ nghi, mặc dù được cần mẫn bảo quản kể cả khi nó đã bị tất cả các nước Á Đông khác từ bỏ, đã hạ cấp xuống chỉ còn là thứ chủ nghĩa hương xưa địa phương, một phong tục cổ cổ là lạ của người An Nam mà những kẻ quyền thế thực dân có thể chia sẻ được. Thậm chí ban nhạc lính chơi bản “Đăng đàn cung” được thiết lập và thực hiện là do một người Pháp. Mặc dù sự hợp pháp hóa nhằm cho việc phục vụ nghi lễ trong triều, ban nhạc cũng phục vụ cả những tư tưởng Pháp đặt ra cho Việt Nam.

Sau năm 1945, nhạc cung đình Huế tiếp tục được duy trì qua nhiều chính quyền khác nhau ở miền Nam; tuy nhiên, nó đã bị phá vỡ đáng kể do sự phá hủy từ trận giao tranh ác liệt tại Hoàng thành Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Chỉ đến khi vào năm 1993, trong thời kì Đổi mới, loại nhạc này mới được nghe trở lại. [7] Trước Đổi mới, những nhà quản lí văn hoá cộng sản cho rằng âm nhạc và các ngành nghệ thuật phụng sự xã hội của Đảng và những mục tiêu chính trị, và âm nhạc như nhạc cung đình bị xem như một thứ tàn dư phong kiến xây dựng trên quan hệ bóc lột giai cấp. [8]

Ngày nay nghi lễ được nhìn trong một ánh sáng khác. Nhạc sĩ và học giả Việt Nam thừa nhận nhạc cung đình tức nhã nhạc, kể cả trong những năm suy tàn của triều Nguyễn, là quốc nhạc do trình độ nghệ thuật cao của nó. [9] Do tính nghệ thuật và độc đáo này, nhã nhạc Huế đã nhận được sự quan tâm trong những năm gần đây, trong đó có sự ủng hộ tài chính quan trọng của chính phủ Nhật Bản. Năm 2003 UNESCO đã công nhận loại nhạc này nằm trong số “Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. [10] Gần đây nhà nghiên cứu dân tộc học Tô Ngọc Thanh đã nhận xét loại nhạc này là “của cải xưa chỉ dành cho vua chúa nay phục vụ nhân dân và bạn bè năm châu”. [11]

Cách mạng tháng Tám 1945 là một cơn chấn động như Marr đã diễn đạt, đã cách mệnh cái thiên mệnh từng được tưởng gắn với hoàng đế Việt Nam. Nó cũng khởi tạo quá trình trở thành một quốc gia của Việt Nam. [12] Benedict Anderson khi viết về việc trị vì triều đình có lưu ý rằng “tính hợp pháp đến từ thần thánh, không đến từ dân chúng là những người mà sau hết chỉ là những thần dân phục tùng chứ không phải những công dân”. [13] Trong nửa đầu thế kỷ 20, nhận thức của người Việt Nam đã tiến triển từ việc là thần dân sang tư cách công dân. Sự tiến hóa này nhờ vào một phức hợp thần bí / biểu tượng cộng đồng công xã tồn tại mà những nhạc sĩ của trào lưu thanh niên-lịch sử hăng hái khai thác trong đầu những năm 1940. Sử dụng một “di sản vinh quang và thành tựu văn hoá” [14] như một nhiên liệu cho động cơ tinh thần dân tộc, những bài ca của họ hổi tưởng lại lịch sử và sự hiểu biết về những hình tượng anh hùng và những chiến công chống lại giặc ngoại xâm. Cái tên cổ xưa “Lạc Hồng” được dùng trong cả lời Việt cho bài “La Marseillaise” từ những năm 1920 (xem ví dụ 5) và trong những bản quốc ca của Lưu Hữu Phước, đã gợi lên một nòi giống tổ tiên cộng hưởng với tinh thần dân tộc Việt Nam (và điều đó gây rắc rối với nhà cầm quyền Pháp).

Khát vọng âm nhạc đối với tinh thần độc lập dân tộc tìm thấy chỗ đứng trong thể hành khúc, một hình thức Tây phương được sử dụng để tổ chức và dẫn dắt nhân dân của một nước Việt Nam độc lập. Hành khúc là một hình thức âm nhạc được xem như một phép biểu đạt của sự tiến bộ, có khả năng “nâng đỡ những thành viên yếu hơn trên đôi chân họ để họ có thể đi tới với sức mạnh đạt đến tầng cao hơn của đời sống trong suy nghĩ và hành động”. [15] “La Marseillaise”, với nhịp điệu nhanh mạnh của nó và lời kêu gọi hành động có phối hợp đã chứng minh đây là một hình mẫu âm nhạc tuyệt vời cho những tác giả đầu tiên của Việt Nam. “Tiến quân ca” của Văn Cao và “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước là hai trong số rất nhiều sự thể hiện cho yêu cầu này của toàn thể công dân và khát vọng độc lập cho nước nhà. Những bài hát này khẳng định, không dựa vào những sự sắp xếp của những thế lực siêu nhiên, con người phải nắm lấy vấn đề trong tay họ để đảm bảo sự tồn tại của đất nước.

Bài hát chính thức cho sinh viên của Lưu Hữu Phước đã trở thành bài “Tiếng gọi công dân”, bản quốc ca của miền Nam, là một bài hát phổ biến và gây cảm hứng khắp Việt Nam. Phẩm chất lịch sử của nó là đủ để hợp thức thành bài quốc ca của cả Việt Nam; tuy nhiên việc có quá nhiều bản lời và yếu tố liên quan khiến nó trở nên mù mờ đáng ngờ về tình trạng trong mắt Việt Minh và cách mạng. Mặc dù có sự phản đối của tác giả, bài hát vẫn được dùng làm quốc ca của những người Việt chống cộng trong và sau chiến tranh. [16] Khi một số người ở miền Nam tranh cãi rằng nó nên được thay thế, những người khác ủng hộ sự giữ lại bởi vì lời của bài hát gợi lên được sức sống và tích cực của thanh niên, và quan trong nhất, nó được viết vào lúc người viết ra đang có tinh thần yêu nước nhiệt thành. [17]

Chính sự thành công của “Tiếng gọi công dân” trong vai trò một bản quốc ca đã tạo ra hoàn cảnh cho bài quốc ca thứ hai của Lưu Hữu Phước, “Giải phóng miền Nam”, viết cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Bài hát này là một phần của chương trình đề xướng một lực lượng chính trị đối kháng với chính quyền VNCH do Mỹ yểm trợ trong bối cảnh trong nước và sân khấu quốc tế. Trọng tâm của bài hát giới hạn thu hẹp trong mục tiêu kết thúc - cổ vũ sự đoàn kết trong việc quét sạch quân Mĩ và đồng minh Việt của nó – và nhiệm vụ này kết thúc khi chính quyền của nó giải tán và sáp nhập vào nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Vì sao “Tiến quân ca” đã chứng tỏ mình là một mạch truyền dẫn hiệu quả nhất trong dự cảm về quốc gia Việt Nam, những cuộc đấu tranh diễn ra sau đó giành quyền tự chủ? Không lâu sau khi Hồ Chí Minh từ trần năm 1969, nhà thơ tham chính Tố Hữu viết bài thơ “Theo chân Bác” khắc hoạ lại lịch sử gần đấy của Việt Nam thông qua cuộc đời lãnh tụ của mình. Gợi lại cuộc cách mạng tháng Tám 1945, nhà thơ viết:

Ví dụ 10 - Tố Hữu – “Theo chân Bác”, trích đoạn – 1970

Già nào
Trẻ nào
Đàn ông nào
Đàn bà nào
Kẻ có súng dùng súng dùng súng
Kẻ có dao dùng dao.
Thấy Tây, cứ chém phứa
Thấy Nhật, cứ chặt nhào!

Ào ào ào… ào ào ào…
Đường tiến công, sông núi xôn xao
Bác đã về xuôi. Chào Đại hội
Tiến quân ca sôi nổi Tân Trào!

Tổng khởi nghĩa! Lệnh truyền đêm trước
Sáng quân ra giải phóng Thái Nguyên
Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước
Đứng lên ta giành hết chính quyền!

Như trong sự nhắc đến ở trên cho thấy, “Tiến quân ca” là một sức mạnh dường như đã trỗi dậy tự nhiên từ chiến khu, là một sức mạnh cổ vũ Quốc dân Đại hội, và của cả quốc gia trong cuộc đấu tranh tập thể đầy huyền thoại của họ. Bài hát này trở thành một trong những thứ “không thể diễn đạt hết được”, như Marr đã nêu ra, đã đóng góp vào hiệu quả thành công của Việt Minh. [18] Một tác giả đã viết: “Là sản phẩm của cuộc cách vĩ đại, tôi tin chắc là bài ca ấy phải tạo tác trong một trường đặc biệt không kém gì cái trường hợp đã gây hứng cho bài Mác-xây-e và quốc ca Mỹ”. [19] Hoạ sĩ Diệp Minh Châu nói rằng mỗi khi ông nghe “Tiến quân ca” ông “nhớ cái nôi cách mạng, nhớ Bác Hồ, và nhớ đồng bào đồng chí khôn nguôi”. [20]

Trong bài viết năm 1981 về việc viết quốc ca mới, Lưu Hữu Phước đã ghi lại một cách sâu đậm tầm quan trọng và dấu ấn của bài “Tiến quân ca” của Văn Cao. Bài ca: “có tác dụng đoàn kết, thúc giục nhân dân ta từ những bước đầu tiên của sự nghiệp Tổng khởi nghĩa háng Tám, qua những năm chiến đấu và xây dựng gian khổ nhưng quang vinh đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn và thống nhất đất nước ta, hoàn thành trọn vẹn giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. [21]

Điều này chứng tỏ vị trí của quốc ca trong lịch sử và giải thích sức lan toả của nó đối với một quốc gia vốn đặt ý nghĩa quốc gia trong những sự kiện như thế. “Tiến quân ca” là một thành tố quyết định của huyền thoại mới được tạo ra cho Việt Nam.

Nhưng ngày nay khi Việt Nam đã thống nhất và cách mạng đã qua, vậy quốc ca vẫn phục vụ cho những mục tiêu triều chính? [22] Như chúng ta đã thấy, những bài hát khác đã ganh đua để có vị trí này. Được viết để tham gia cuộc thi, bài “Việt Nam Tổ quốc ta” của Đỗ Nhuận kêu gọi một quyển sách trời hay thiên thư riêng. Nó khẳng định dân tộc Việt Nam, thông qua những nhà lãnh đạo của mình, đọc được đúng đắn tiến trình lịch sử. “Sao Mác Lê-nin” trên bầu trời soi sáng câu ghi tạc của “chiến công” trong “rừng núi” trên đất nước. Rút cục thì sự thúc bách của chính thể đã dẫn đến sự ưu tiên cho bản “Tiến quân ca” mang đầy sự trải nghiệm của công xã.

Dù vậy, luôn có một cuộc hôn phối giữa triều chính và công xã trong bất kì một nghi lễ hiện đại được nhà nước thừa nhận. Việc dùng quốc ca Việt Nam đã được điều lệ hoá theo những cách quen thuộc như những hình thức khác của nhạc nghi lễ. Sau khi giành được độc lập từ Pháp, thủ tướng ra sắc lệnh yêu cầu dùng quốc ca trong lễ chào cờ, vào lúc khai mạc và bế mạc những hội nghị và cuộc tập hợp quan trọng, vào lúc bắt đầu và kết thúc buổi phát thanh, hoặc khi duyệt binh. Ông cũng ra lệnh mọi người phải bỏ mũ, đứng nghiêm và nhìn thẳng lên lá cờ khi quốc ca được hát. [23] Ngày này nhiều người Việt Nam phàn nàn rằng những đồng bào của họ bỏ qua sự nghiêm túc cần thiết khi quốc ca được tấu lên hay được hát. Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, và cũng là một Đại biểu Quốc hội, khẳng định “hát Quốc ca vừa là nghĩa vụ, quyền lợi vừa thể hiện sự thiêng liêng, thể hiện kỷ cương phép nước” (Đỗ Nghiêng 2002). Là một thành tố của một “tín ngưỡng công dân tập thể”, quốc ca trở thành một thành tố của hệ thống đức tin thuộc xã hội rộng lớn hơn. [24] Nhiệm vụ thiêng liêng từng được dành cho hoàng triều nay được giao cho toàn thể công dân chung.


Tham khảo

Allen, Warren Dwight.
1943. Our Marching Civilization [Nền văn minh hành khúc của chúng ta]. Palo Alto, CA: Stanford University Press, 1943), vii.

Anderson, Benedict.
1991. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism [Cộng đồng mang tính hình ảnh : Phản ánh Nguồn gốc và Sự lan rộng của Chủ nghĩa dân tộc]. New York: Verso.

Arana, Miranda.
1999. Neotraditional Music in Vietnam [Nhạc truyền thống mới ở Việt Nam]. Kent, OH : Nhạc Việt, 41.

Bảo Đại.
1980. Le dragon d'Annam [Con rồng An Nam]. Paris: Plon.

Boudet, Paul.
1942. “Le 'Nam Giao' sacrifice au ciel et à la terre” [Lễ tế Nam Giao trên trời và dưới đất], Indochine (2 avril), I-VI.

Brocheux, Pierre.
1982. “’L’occasion favorable’ 1940-1945: Les forces politiques vietnamiennes pendant
la seconde guerre mondiale” [Thời cơ thuận lợi 1940-1945 : Những lực lượng chính trị Việt Nam trong thế chiến II], Indochine française 1940-5. Paris: Presses Universitaires de France, 131-176.
2003. “Une adolescence indochinoise” [Một thời thanh niên Đông Dương], phỏng vấn với Agathe Larcher-Gosha và Daniel Denis. De L’Indochine à L’Algérie: La jeunesse en mouvements des deux côtés du miroir colonial 1940-1962. [Từ Đông Dương đến Algeria: Thanh niên trong các phong trào ở hai phía của tấm gương thuộc địa 1940-1962] Nicolas Bancel, Daniel Denis and Youssef Fates, ed. Paris: Éditions la Découverte, 32-53.

Cadière, Léopold.
2004 (1915). “Le sacrifice de Nam-Giao”, Kinh thành Huế & tế Nam Giao: La merveilleuse capitale & le sacrifice du Nam Giao. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa, 147-192.

Chaigneau, Michel Duc.
1941 (1867). Souvenirs de Hué [Kỷ niệm Huế]. Shanghai: Editions Typhon.

Cook, Scott.
1995. “Yue Ji – Record of Music: Introduction, Translation, Notes, and Commentary” [Nhạc Ký: giới thiệu, dịch, ghi chú và dẫn giải], Asian Music 26/2 (Spring/Summer), 1-96.

Cù Huy Cận.
1982. “Về cuộc vận động sáng tác quốc ca mới”, Văn hóa Nghệ thuật #9 (129), 3-5.

De Rotalier, A.
1942. “Le Nam-Giao 1942”, L'Indochine hebdomadaire (16 avril).

Davis, Neil.
1976. “Letter from Saigon” [Thư Sài Gòn], New Yorker (October 6), 130-153.

DeWoskin, Kenneth J.
1982. A Song for One or Two: Music and the Concept of Art in Early China [Bài hát cho một hay hai người: Âm nhạc và Ý tưởng nghệ thuật ở Trung Hoa sơ khai]. Ann Arbor, Michigan: Center for Chinese Studies, 30.

Dương Quang Thiện.
1995. Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam. N.l: Viện Âm nhạc và múa.

Duiker, William J.
1989. Vietnam Since the Fall of Saigon [Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ]. Bản cập nhật. Athens: Ohio University Center for International Studies.

Đinh Ngọc Liên.
1987. Những chặng đời tôi: hồi ký. Hà Nội: Nhà xuất bản Âm nhạc và Đĩa hát.

Đoàn Thêm.
1964. “Quốc thiều, quốc kỳ, quốc huy”, Bách Khoa #174 (15 tháng 6), 3-9.
1967. Những ngày chưa quên: ký sử. Sài Gòn: Nam Chi Tùng Thư.

Đỗ Đằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề.
1968. Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam. Sài Gòn: Hoa Lư, 14.

Đỗ Nghiêng.
2002. “Hát Quốc ca”, Lao Động 321 (30 tháng 11).

Đỗ Quang Tuấn Hoàng.
2006. “Festival Huế 2006: Lần đầu tiên tái hiện toàn bộ Lễ hội Nam Giao”, Quân đội
Nhân dân điện tử (10 tháng 6).

Gibbs, Jason.
2003-4. “The West's Songs, Our Songs: The Introduction of Western Popular
Song in Vietnam before 1940” [Bài Tây, bài Ta: Sự có mặt của ca khúc phổ thông Tây phương ở Việt Nam trước 1940, Nguyễn Trương Quý dịch], Asian Music vol. 35, no. 1 (Fall/Winter), 57-83.
Nguyễn Trương Quý dịch
[chưa xuất bản]. “'Let's Go Forward Red Army': The Revolution's First Song” in
The Soviets of Nghe-Tinh [“Cùng nhau đi hồng binh: Bài hát cách mạng đầu tiên”, Xô viết Nghệ Tĩnh]. David Del Testa, Sophie Quinn-Judge, and Tobias Rettig, ed., Ithaca, NY: Cornell University Southeast Asia Program Publications.

Hammer, Ellen J.
1954. The Struggle for Indochina [Tranh giành Đông Dương]. Stanford, Cal.: Stanford University Press.

Hobsbawm, Eric.
1983. “Mass-producing traditions: Europe, 1870-1914”, The Invention of Tradition. [Truyền thống sản xuất hàng loạt: châu Âu 1870-1914, Sáng chế ra truyền thống] Hobsbawm, Eric and Terence Ranger, eds. Cambridge: Cambridge University Press: 263-308.

Hoàng Đình Quý.
1989. “Bài hát Tiến quân ca đã vang trên đường phố trong Tổng khởi nghĩa 25-8-
1945”, Sài Gòn Giải phóng (25 tháng 8), 2.

Hồng Chương.
1981. Tổng luận về Văn học Cách mạng (1925-1945), Tổng tập văn học, tập 31. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 632-661.

Hùng Lân.
2005 (1944-5). “Việt Nam minh châu trời đông”, Tuyển tập 100 ca khúc Tiếng xưa.
TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 232-233.

Hồ Bông.
1997. “Phác thảo chân dung ngành âm nhạc giải phóng 1961-1975”, Hồi ức 50 năm
âm nhc cách mạng miền Nam. Xuân Hồng chủ biên. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản
Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh: 96-112.

Hồ Trường An.
1998. Theo chân những tiếng hát. Arlington, VA: Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ.

Huỳnh Thúc Trâm.
1939. “Tế Nam-Giao không thích hợp với thời đại nữa,” Nước Nam (11 mars), 1.

Jennings, Eric.
2004. “Conservative Confluences, 'Nativist' Synergy: Reinscribing Vichy's National Revolution in Indochina, 1940-5,” [Hội tụ bảo thủ, khơi dòng ‘tinh thần bản địa’: Sự ghi dấu ấn của xu thế Vichy ở Đông Dương, 1940-5] French Historical Studies 27/3
(Summer), 601-635.

Kelley, Liam C.
2001. “Wither the Bronze Pillars? Envoy Poetry and the Sino-Vietnamese Relationship in the 16th to 19th Centuries” [Chôn vùi những cột đồng? Thơ đi sứ và quan hệ Việt-Trung từ thế kỷ 16 đến 19]. Luận văn tiến sĩ, University of Hawai’i, 121-124.
2005. Beyond the Bronze Pillars: Envoy Poetry and the Sino-Vietnamese Relationship. Honolulu: University of Hawai’I Press, 37.

La tribune indochinoise.
“Le Gouverneur Général assiste aux Fêtes du Nam-Giao” [Quan Toàn quyền tham dự Lễ Nam Giao], La tribune indochinoise, 17/4/1939.

Lam, Joseph.
1998. State Sacrifices and Music in Ming China: Orthodoxy, Creativity, and Expressiveness [Lễ tế và âm nhạc nhà nước trong triều Minh Trung Hoa: Chính thống, sự sáng tạo và tính biểu cảm]. Albany: State University of New York Press.

Lê Tuấn Hùng.
1991. “Music and Politics: A Socio-Musical Interpretation of Aspects of Dan Tranh Zither Compositions in Southern Vietnam Since 1975” [Âm nhạc và Chính trị: Một cách hiểu mang tính âm nhạc xã hội về các khía cạnh sáng tác cho đàn tranh ở miền Nam Việt Nam sau 1975]. New Perspectives on Vietnamese Music (New Haven: Council on Southeast Asia Studies, Yale Conter for International and Area Studies), 87.

Lê Thương.
1971. “Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938-1946)”, Tuyển tập Nhạc tiền chiến. Sài Gòn: Kẻ sĩ, 65-67.

Lockhart, Bruce McFarland.
1993. The End of the Vietnamese Monarchy [Sự kết thúc của chế độ quân chủ Việt Nam]. New Haven, CT: Council on Southeast Asia Studies; Yale Center for International and Area Studies.

Lưu Hữu Phước.
1945. Tráng sĩ ca, tập I. Hà Nội: Lửa Hồng.
1948. “Lời tuyên bố của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước về bài quốc ca của Chính phủ bù nhìn
Nguyễn Văn Xuân”, Văn nghệ #3 (tháng 6-7), 70.
1956. “Ngô Đình Diệm không có phép hát bài “Tiếng gọi thanh niên”, Nhân Dân (13
tháng 8), 3.
1981. “Về việc soạn quốc ca mới”, Nhân Dân (28 tháng 4), 3.
1988. Âm nhạc và cuộc sống. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành
phố Hồ Chí Minh.
2000 (1975). “Sự ra đời của bài hát Giải phóng miền Nam”, Hành trình với âm nhạc,
Phan Thanh Nam chủ biên. Ho Chi Minh City: Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh: 36-42.

Mai Văn Bộ.
1989. Lưu Hữu Phước: Con người và sự nghiệp. Nhà xuất bản Trẻ.
1993. “Bài Giải phóng miền Nam, một tác phẩm hoàn chỉnh tuyệt vời của cao trào đồng
khởi,” trong Chung một bóng cờ: Về mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Trần Bạch Đằng chủ biên. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 641-647.
1998. “Một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, độc đáo, đa dạng” trong Lưu Hữu Phước: Sự
nghiệp âm nhạc. Hoàng Phủ Ngọc Phan chủ biên. Ho Chi Minh City: Nhà xuất bản Trẻ,
65-93.

Marr, David G.
1971. Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925 [Lý thuyết chống chủ nghĩa thực dân của Việt Nam]. Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 157-184.
1995. Vietnam 1945: The Quest for Power [Việt Nam 1945: Công cuộc giành chính quyền]. Berkeley: University of California Press.

Miller, Terry.
1993. “Searching for Roots and Facts: A Field Report from Vietnam,” [Tìm kiếm cội rễ và sự thật: Một báo cáo điền dã từ Việt Nam] Nhạc Việt 2/2 (Thu 1993), 23-24.

Minh Tâm.
[Không ghi năm]. “Thời thơ ấu”, tư liệu gia đình Minh Tâm (Trần Phát Tài), bản thảo chưa xuất bản, 130.

Minh Tự.
2003. “Nhã nhạc: Bảo tồn thì ít, cải biên thì nhiềuTuổi Trẻ online (27 tháng 12).
Một người đi xem.
1933. “Tôi xem lễ tế Nam Giao,” Phụ nữ tân tiến (1 avril), 26-27.
Nam Kiều.
1925. “Ca nhạc Tây và ca nhạc ta,” Đông Pháp thời báo (4 mars), 1.

Nguiễn Ngu Í.
1967a. “Nhớ và nghĩ về bài quốc ca Việt I,” Bách khoa 244 (1 tháng 3), 33-39.
1967b. “Nhớ và nghĩ về bài quốc ca Việt II,” Bách khoa 245 (15 tháng 3), 35-40.

Nguyễn Hiến Lê.
1968. Đông Kinh Nghĩa thục. Sài Gòn: Lá Bối.

Nguyễn Khoa Toàn.
1942. “Le Nam Giao: Sa signification mystique et cultuelle,” [Lễ Nam Giao: Ý nghĩa thần bí và tín ngưỡng] L'Indochine hebdomadaire (16 avril), 4-9.
1953. “Le Nam Giao: Ses origines – son rite -sa signification,” [Lễ Nam Giao : Nguyên bản – nghi lễ - ý nghĩa] Journal of the Siam Society, 19-60.

Nguyễn Ngọc Huy.
1992. Tiến trình hình thành quốc kỳ và quốc ca Việt-Nam; Việt Nam và giải pháp trung
lập. San Jose, CA: Mekong-Tynan.

Nguyễn Tường Bách.
1998. Việt Nam một thế kỷ qua: Hồi ký cuốn một 1916-1946. [California]: Nhà xuất bản Thạch Ngữ.

Nguyễn Văn Tý.
2004. Tự họa. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ.

Nguyễn Xinh & Phan Thanh Nam.
2000. “Quốc tế ca” trong tập Hành trình với âm nhạc. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, 350-5. [bản in gốc trên Văn Nghệ #388 (19 tháng 3, 1971)]

Patti, Archimedes L. A.
1980. Why Vietnam: Prelude to America's Albatross [Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu cho sự mặc cảm của nước Mỹ]. Berkeley: University of California Press.

Phạm Duy.
1990. Hồi ký: thời thơ ấu – vào đời. Midway City, Ca.: PDC Musical Productions, 80.
1991. Hồi ký: thời phân chia Quốc Cộng. Midway City, Ca.: PDC Musical Productions, 86, 87.

Phạm Đình Sáu.
1982. "1420 bài dự thi sáng tác quốc ca mới," Nhân dân (25 tháng 7), 2.

Phạm Quỳnh.
1942. “Le grand rite du 'Giao',” [Đại lễ Nam Giao] L'Indochine hebdomidaire (16 avril), 1-3.

Phan Lạc Phúc.
2000. Bè bạn gần xa : Bút ký. Westminster, CA : Văn Nghệ, 17-20.

Phan Thanh Hải.
1999. “Những đàn tế ở Bắc Kinh và đàn nam giao Huế,” Văn hóa Nghệ thuật
(tháng 9), 103-107.

Phạm Văn Sơn.
1956. Việt sử tân biên: Thượng cổ và Trung cổ thời đại, quyển I. Sài Gòn: Khai Trí.

Phí Văn Bái.
1996. “Văn Cao và những nốt nhạc đầu”, Văn Cao: Cuộc đời và tác phẩm.
Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học, 167-172.

Quang Hải.
1998. “Lưu Hữu Phước: một tác giả hàng đầu của thể loại chính ca”, Lưu Hữu
Phước: Sự nghiệp âm nhạc. Hoàng Phủ Ngọc Phan chủ biên. Tp. Hồ Chí Minh: Nhà
xuất bản Trẻ, 50-52.

Quang Minh.
[Không ghi năm]. Cách mạng Việt Nam thời cận kim Đại Việt Quốc Dân Đảng. Westminster, CA.: Nhà xuất bản Văn Nghệ.

Shaw, Martin & Henry Coleman.
1960. National Anthems of the World. London: Pitman Publishing Corporation, 309-311.

Smith, Anthony D.
1988. The Ethnic Origins of Nations [Nguồn gốc Dân tộc của các quốc gia]. Malden, MA: Blackwell Publishing, 1988 [1986], 15.

Taylor, Keith Waller.
1983. The Birth of Vietnam [Sự ra đời nước Việt Nam]. Berkeley: University of California Press.
1990. “Will Over Fate: Nationalism’s Appropriation of a Poem” [Ý chí thắng định mệnh: Sự vận dụng chủ nghĩa quốc gia của một bài thơ], Tiếng Vọng, 4/1990, 12.

Thái Văn Kiểm.
1960. Cố đô Huế: Lịch sử cổ tích thắng cảnh. Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản.

Thành Tín.
1993. Mặt thật. Hồi ký chính trị của Bùi Tín. Irvine, Calif.: Saigon Press.

Thụy Loan.
1993. Lược sử âm nhạc Việt Nam. Hà Nội: Nhạc viện Hà Nội; Nhà xuất bản Âm
nhạc.

Toan Ánh.
1970. Cầm ca Việt Nam. Sài Gòn: Lá Bối.

Tô Đông Hải.
1991. “Tiến quân ca có hai tác giả?”, Tiền phong Chủ nhật #26 (18 tháng 8), 1-2; 5.

Tô Ngọc Thanh.
1999. “Tương đồng và dị biệt”, Tư liệu âm nhạc cung đình Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất
bản Âm nhạc; Viện Âm nhạc: 15-39.

Tô Vũ.
1996. Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản
Âm nhạc.

Tố Hữu.
1970. “Theo chân Bác,” Nhân Dân (6 tháng 2), 2-3.

Trần Huy Liệu.
1960. “Đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào,” Tập san Nghiên cứu Lịch sử 17
(tháng 8), 35-43.

Trần Kiều Lại Thủy.
1997. Âm nhạc cung đình triều Nguyễn. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hoá.

Trần Trọng Kim.
1969. Một cơn gió bụi. Sài Gòn: Vĩnh Sơn.

Trần Văn Khê.
1962. La musique vietnamienne traditionnelle [Âm nhạc truyền thống Việt Nam]. Paris: Presses Universitaires de Paris.

Truong Nhu Tang.
1985. A Vietcong Memoir [Hồi ký Việt Cộng]. San Diego, Calif. : Harcourt Brace Jovanovich.

Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh and Thái Phiên.
2000.
Âm nhạc mới Việt Nam: Tiến trình va thành tựu. Hà Nội: Viện Âm nhạc.

Tuohy, Sue.
2001. “The Sonic Dimension of Nationalism in Modern China: Musical Representation and Transformation,” [Khuôn khổ âm thanh của chủ nghĩa quốc gia ở Trung Hoa hiện đại: Sự thể hiện và biến đổi âm nhạc] Ethnomusicology 45, no.1 (Winter 2001): 109, 124.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
1954. Bán buồn mua vui. Vỹ Dạ – Huế: Tác giả.

Văn Cao.
1947. "Tiến quân ca", lời Đỗ Hữu Ích, in trong Vietnam: A New Stage in Her History [Việt Nam : Một giai đoạn mới trong lịch sử].
Bangkok: Vietnam News, 24. Item 2410207007 at Texas Tech’s Virtual Vietnam Archive.
1956. "Anh có nghe thấy không", Giai phẩm mùa xuân 1956. Hà Nội: Minh Đức – Thời
Đại, 10-12.
1958. "Tự kiểm thảo của nhạc sĩ Văn Cao", Văn học 3 (15 tháng 6), 3.
1981. “Cảm xúc về quốc ca”, Nhân dân (16 tháng 8), 2.
1987. “Bài Tiến Quân Ca”, Sông Hương 26 (tháng 7-8), 1-5.
1990. “'Tiến quân ca' ngày ấy”, Văn nghệ 34 (25 tháng 8), 1; 15.

Viễn Chi.
1933. “Ông trời phương Đông (cảm tưởng về lễ tế Nam Giao),” Tiếng dân (25
mars), 1.

Việt Sơn.
1994. “Văn Cao viết Tiền quân ca”, Nhân dân Chủ nhật #46 (13 tháng 11), 4.

Vũ Đình Hòe.
1995. Hồi ký tập 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hoá, 313.

Xuân Ba.
1991. “Vẫn chuyện tác giả Tiến quân ca: Những chấm lửng sau một chẩm hỏi...,” Tiền phong Chủ nhật #27 (25 tháng 8), 1; 14; 6.

Xuân Diệu.
1958. “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”, Văn nghệ #14 (tháng 7), 67-76.

Xuân Oanh.
1981.
“Vài ý kiến về một bài quốc ca mới”, Nhân dân (6 tháng 12), 2.



Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Thơ tứ tuyệt chữ Hán của Lý Thường Kiệt, viết năm 1077, Hoàng Xuân Hãn dịch. Dẫn theo Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên: Thượng cổ và Trung cổ thời đại (Sài Gòn: Khai Trí, 1956), 389.
[2]Xuân Oanh, “Vài ý kiến về một bài quốc ca mới”, Nhân Dân, 6/9/1981.
[3]Xem K.W.Taylor, Will Over Fate, 12.
[4]Xem Liam C. Kelley, Wither the Bronze Pillars?, 121-124.
[5]Smith dùng thuật ngữ mythomoteur hoán đổi cho phức hợp thần thoại / biểu tượng này, ông nhận định là “thần thoại cơ bản của chính thể”. Xem Anthony D. Smith, The Ethnic Origins of Nations, 15.
[6]Phạm Quỳnh, “Le grand rite”, 2-3.
[7]Terry Miller, “Searching for Roots and Facts: A Field Report from Vietnam,” Nhạc Việt 2/2 (Thu 1993), 23-24.
[8]Lê Tuấn Hùng, “Music and Politics: A Socio-Musical Interpretation of Aspects of Dan Tranh Zither Compositions in Southern Vietnam Since 1975,” New Perspectives on Vietnamese Music, 87.
[9]Tô Vũ, Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, 126.
[10]Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, “UNESCO hỗ trợ việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy Nhã Nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam” (28 tháng Hai 2005), xem tại http://www.unesco.org.vn/news/news_NhaNhac_Feb05.asp.
[11]Tô Ngọc Thanh, dẫn theo Minh Tự, “Nhã nhạc: Bảo tồn thì ít, cải biên thì nhiều”, Tuổi Trẻ Online, 27/12/2005. Sau 62 năm vằng mặt, năm 2004 lễ Nam Giao trở lại Việt Nam, với một thay đổi tế nhị trong hình thức từ một lễ tế sang một lễ hội, giống như nhiều làng quê và vùng miền có lễ hội của riêng mình. Lễ Nam Giao trở thành một phần của Festival Huế, một lễ hội nghệ thuật hai năm một lần với lần đầu vào năm 2000. Festival Huế 2006 đáng lưu ý vì đây là lần đầu tiên người tổ chức cố gắng tái tạo lại lễ Nam Giao với đầy đủ nghi thức của nó. Điều thú vị là chủ tế của buổi lễ, thay cho Hoàng đế là một nghệ sĩ sân khấu địa phương. Xem Đỗ Quang Tuấn Hoàng, “Festival Huế 2006: Lần đầu tiên tái hiện toàn bộ Lễ hội Nam Giao”, Quân đội Nhân dân, 10/6/2006.
[12]Xem Marr, Vietnam 1945, 347.
[13]Xem Benedict Anderson, Imagined Communities, 19.
[14]Xem Smith, Ethnic Origins, 191.
[15]Warren Dwight Allen, Our Marching Civilization, vii.
[16]Một nhà báo Mỹ đến thành phố Hồ Chí Minh năm 1976 đã kể lại khi nghe thấy quốc ca của miền Nam bại trận. Đang nửa như chờ đợi không biết liệu tiếp theo có là bài “Star Spangled Banner” (quốc ca Mỹ) không, nhưng ông nhận ra rằng lời của bài đang nghe đã trở lại hình thức cách mạng của nó là "Tiếng gọi thanh niên" do liên quan đến tác giả, hiện là đại biểu quốc hội. Xem Neil Davis, “Letter from Saigon,” New Yorker October 6, 1976, 142.
[17]Trần Trọng San, viết trên Văn nghệ tiền phong 12, 23/8/1956, và cũng dẫn theo Nguiễn Ngu Í trong “Nhớ và nghĩ”, phần 2, 38-39. Phan Lạc Phúc, một người Việt di cư sống ở Úc sau khi đã qua 10 năm đi cải tạo, viết khi tham dự một cuộc họp ở Nam California khi ông ta chào lá cờ cũ và hát bản quốc ca này lần đầu tiên sau mười bảy năm. Nhớ lại những đồng chí đã ngã xuống cả trong chiến trận và trại cải tạo, ông đã rơi nước mắt, nước mắt mà ông khẳng định chưa bao giờ rơi khi bị giam cầm. Tuy nhiên, ông từ chối để mình sống lại những kí ức như thế này, ông quả quyết rằng “Một xã hội năng động là một xã hội sống bằng hiện tại và hướng thẳng đến tương lai – không có thì giờ cho sự ngốc nghếch quá khứ”. Xem Phan Lạc Phúc, Bè bạn gần xa: Bút ký, 191.
[18]Marr, Vietnam 1945, 345.
[19]Tô Đông Hải, “Tiến quân ca”, 2.
[20]Diệp Minh Châu, dẫn theo Diệp Sơn, “Văn Cao viết Tiến quân ca”, Nhân Dân Chủ nhật, 13/11/1994.
[21]Lưu Hữu Phước, “Về việc soạn quốc ca mới”, Nhân Dân, 28/4/1981.
[22]Về khái niệm triều chính (dynastic) và công xã (communal), xin xem định nghĩa của Anthony D. Smith đã nhắc đến ở trước – N.D.
[23]“Điều lệ dùng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,” Nhân dân (17/8/1956), 3. Tương tự, một cuốn sách mỏng in lại “Tiếng gọi công dân” ghi rõ “phải nghiêm chỉnh, cất mũ, nón và không đùa giỡn khi nghe quốc thiều”. Xem “Quốc thiều”, Mịc 3590109041, Kho dữ liệu Virtual Vietnam Archive của Đại học Texas Tech University.
[24]Xem Smith, Ethnic Origins, 136.
Nguồn: “The Music of the State: Vietnam’s Quest for a National Anthem”. Bài viết đăng trên tạp chí Journal of Vietnamese Studies (số 2/2, tháng 8.2007). Má»™t bản ngắn hÆ¡n đã được đọc ở há»™i thảo năm 2000 của Há»™i Âm nhạc dân tá»™c học, Northern California Chapter, University of California, Berkeley. Tác giả xin cảm Æ¡n John Schafer, Liam Kelley và Peter Zinoman về những sá»­a đổi được họ góp ý. Đồng thời xin ghi nhận sá»± giúp đỡ của Văn Thao và cố bác sÄ© Nguyá»…n Thành Nguyên.