Hết chiến tranh đã hơn ba mươi hai năm nhưng giữa người Việt Nam với nhau vẫn chưa có hoà bình. Thống nhất đất nước đã hơn ba mươi hai năm nhưng giữa chính quyền và người dân vẫn còn một khoảng cách lớn. Hoà hợp hoà giải dân tộc là một ước vọng lớn lao và chính đáng, tại sao chúng ta không thực hiện được? Từ lâu nay, chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc đã được nói đến. Thời gian gần đây, chuyện nầy lại được đề cập khá rôm rả, từ chính quyền cộng sản Việt Nam đến các phong trào đấu tranh đòi tự do-dân chủ, các nhà trí thức trong nước; từ các các đoàn thể, cá nhân đến những cơ quan truyền thông báo chí hải ngoại đều nói đến, nhưng cho đến nay (và có thể còn lâu), chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc vẫn khó được thành hình. Tại sao?
Ai cũng thấy rằng hoà hợp hoà giải dân tộc chưa có được vì giữa các thành phần dân tộc không có sự đồng thuận về cách thực hiện và ý nghĩa chính trị của nó. Sau chiến tranh, về địa lý, dân tộc Việt Nam chia thành hai khối: khối quốc nội và khối hải ngoại; về chính trị, chúng ta cũng tạm chia ra hai phía: phía Đảng Cộng sản Việt Nam cùng những người ủng hộ họ và phía những người Việt Nam không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, chống nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Sự khác biệt về địa lý không quan trọng bằng sự khác biệt về chính trị, và đây mới là vấn đề mấu chốt giải thích tại sao chưa có hoà hợp hoà giải dân tộc. Phải chăng vì người Việt chống cộng sản, đặc biệt là người Việt Nam hải ngoại, còn mang hận thù sâu sắc, quyết tiêu diệt cộng sản cho được và không chịu hoà hợp hoà giải với nhà cầm quyền trong nước dưới bất cứ hình thức nào? Hay mục đích hoà hợp hoà giải dân tộc của chính quyền và đại khối dân chúng còn quá khác biệt nên không thể dung hợp được?
Đúng là tại hải ngoại, có những phần tử chống cộng cực đoan, với chủ trương tiêu diệt cộng sản cho bằng được, không chấp nhận bất cứ một hình thức hoà hợp hoà giải nào với cộng sản Việt Nam. Với họ, ai nói đến hoà hợp hoà giải là “tay sai Việt cộng”, là “thân cộng”. Cùng hàng ngũ chống cộng nhưng ai không nói như họ, không làm như họ cũng đều bị họ chụp mũ cộng sản hết, và có khi họ dùng những lời lẽ rất thô tục, hạ cấp. Đây là một thực tế tệ hại tại hải ngoại không ai đủ khả năng giải quyết, nó đã làm cho sinh hoạt cộng đồng ngày càng tan rã và không tập hợp được sức mạnh để “nói chuyện” với cường quyền trong nước. Khi được hỏi: “Tiêu diệt Việt cộng bằng cách nào” thì không ai trong số họ trả lời được! Họ chỉ biết bày tỏ ý chí nhưng không có cách nào để biến ý chí ấy thành hiện thực và lại còn cản trở những nỗ lực chống cộng sản khả thi khác. Những người nầy không hề có ước vọng hoà hợp hoà giải dân tộc. Nhưng thành phần nầy chỉ thiểu số, đã già nua, tuy cũng là một trở ngại cho hoà hợp hoà giải dân tộc nhưng không đáng kể.
Trở ngại chính cho hoà hợp hoà giải dân tộc là đường lối, chính sách của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam! Điều kiện để có hoà hợp hoà giải dân tộc là chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của mọi thành phần dân tộc để cùng phục vụ đất nước trong tinh thần tự do, dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ có chủ trương như thế. Để giữ vững quyền lực tại Việt Nam, họ đã thi hành
những thủ đoạn chính trị và bạo lực, chưa bao giờ họ có
thiện chí và thực tâm với các thành phần dân tộc khác trong mọi việc liên quan đến đất nước. Vì thế, các thành phần Việt Nam thuần tuý chống chủ nghĩa cộng sản, chống thực dân Pháp, vì cả tin, lần lần bị họ tiêu diệt gần hết. Đây là một thực tế lịch sử, không cần phải liệt kê dài dòng. Từ Chính phủ Liên hiệp chống Pháp đầu tiên đến vụ Trăm hoa đua nở (Nhân văn-Giai phẩm)… ở miền Bắc; từ Mặt trận Giải phóng miền Nam đến chiến dịch lùa tất cả quân, cán, chính Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam vào tù sau 1975 đều thể hiện rõ thủ đoạn chính trị và bạo lực của họ. Khi hoàn cảnh bắt buộc, chính quyền cộng sản Việt Nam phải chấp nhận nói chuyện hay hợp tác với những ai không nằm trong tổ chức của họ, nhưng họ không thực tâm mà chỉ là chuyện "nín thở leo dốc". Mục đích tối thượng của họ là độc quyền, do đó, họ đến với ai chỉ là chuyện "lùi một bước để tiến ba bước", vừa hợp tác tạm thời qua cơn khó khăn, vừa để nhận diện kẻ thù để từ từ tiêu diệt hoặc sử dụng qua giai đoạn rồi giải thể hay vô hiệu hóa. Trong chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc hiện nay, có thể nói mà không sợ lầm lẫn rằng họ không hề có ước vọng hàn gắn mọi vết thương chiến tranh và hận thù mà chỉ tung ra những chiêu bài, những phủ dụ để quy tất cả về một mối dưới sự lãnh đạo của họ. Nghị quyết 36 của họ cũng chỉ nhằm mục đích xâm nhập và thâu tóm các cộng đồng Việt Nam hải ngoại, không phải là một thiện chí nhằm xoá bỏ mọi ngăn cách, dị biệt giữa họ và đồng bào hải ngoại. Như thế làm sao có được hoà hợp hoà giải dân tộc?
Nếu họ, những kẻ thắng trận, là một chính quyền vì dân vì nước (chứ không phải vì Đảng), coi mọi thành phần dân tộc khác, kể cả những người bại trận, như anh em một nhà, đừng dùng bạo lực để trừng trị, đừng lấy hận thù mà đối xử thì hoà hợp hoà giải dân tộc đã có từ lâu. Một việc xẩy ra trong trại tù cải tạo làm tôi nhớ mãi. Sau hơn ba năm vào trại, mọi tâm tư tình cảm đã tạm lắng đọng, mọi sinh hoạt đã có vẻ bình thường thì bỗng nhiên vào năm 1978, tại trại cải tạo An Điềm (Quảng Nam-Đà Nẵng) không khí sinh hoạt trở nên nghiêm ngặt khó thở. Cán bộ thì hằm hằm, súng đạn tua tủa, hạn chế mọi sự đi lại, lục soát và tịch thu tất cả thuốc men, thực phẩm, gia vị khô của tù. Tù thì lơ láo lo sợ, chẳng biết chuyện gì xẩy ra. Sau vài ngày có tin lọt vào: “Trung cộng đánh Việt cộng tại biên giới phía bắc”! Tù chuyền tai nhau tin nầy và tỏ vẻ “phấn khởi” lắm. Phấn khởi vì thấy phe cộng sản đánh nhau. Phấn khởi vì mình có thể được giải thoát. Nhưng chừng một tuần hay mười ngày sau, một cán bộ trung ương vào trại nói chuyện thì tình hình thay đổi hẳn. (Tôi không biết cán bộ nầy là ai, nhưng thấy cách tiếp đón và dàn chào của cán bộ trại, tôi đoán ông nầy cũng cao cấp lắm). Khi tất cả tù nhân đã ngồi răm rắp phía dưới, người cán bộ nầy và phái đoàn xuất hiện trên sân khấu trang trí ảnh ông Hồ, vải trải bàn, cờ, khẩu hiệu toàn màu đỏ. Việc đầu tiên cán bộ nầy làm trước mặt cả ngàn tù nhân là đuổi tất cả võ trang và quản giáo có nhiệm vụ giữ trật tự và bảo vệ ông đi chỗ khác chơi! Ông nói lớn (cốt cho tù nghe): “Các anh trại viên dưới kia cũng là anh em một nhà, đâu phải kẻ thù mà các đồng chí tập trung đông đảo và lằm lằm súng đạn coi dữ dằn quá vậy? Thôi, các đồng chí về nghỉ đi, tôi cần tâm sự riêng với anh em trại viên”! Ôi chao, đã hơn ba năm ròng rã bị kềm kẹp, bị sỉ nhục, bị hành hạ đủ thứ bây giờ nghe câu nói ngọt ngào ấy, thấy thái độ thân thiện ấy của cán bộ trung ương, anh em tù hết sức xúc động. Sau một hồi tâm tình toàn chuyện anh em một nhà, máu đỏ da vàng, con Rồng cháu Tiên… cán bộ đi thẳng vào vấn đề: “Báo cáo các anh rõ là bọn bành trướng Trung Quốc đang xâm lược nước ta. Chúng xua hàng chục sư đoàn vượt biên giới tàn phá đất nước ta, giết hại nhân dân ta. Quân và dân ta đang chống trả mãnh liệt, gây cho chúng tổn thất nặng nề… Chắc các anh cũng biết rồi, Tàu là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta, đã đô hộ dân tộc ta trên một ngàn năm, hiện nay chúng lại đang trắng trọn xâm lược nước ta thêm một lần nữa. Cùng là con dân Việt Nam, tôi nghĩ các anh cũng không thể tha thứ bọn bá quyền nầy. Bây giờ nếu Đảng cần, các anh có sẵn sàng cầm súng ra mặt trận chống ngoại xâm không?” Hội trường đang im ắng bỗng nhốn nháo như vỡ chợ. “Một cánh tay đưa lên, hàng ngàn cánh tay đưa lên…” lúc đầu còn rụt rè nhưng sau đó gần cả ngàn tù nhân đứng lên la lớn “Tôi tình nguyện”! “Tôi xung phong”! Biên giới giữa cán bộ và tù trong giây phút nầy gần như không còn. Làn ranh giữa kẻ chiến thắng và người chiến bại tiêu tan. Ý thức hệ giữa cộng sản và tự do biến mất... Mọi người Việt Nam có mặt hôm đó “bừng bừng khí thế” sẵn sàng cùng nắm tay nhau chống giặc Tàu xâm lăng! Nhưng, chuyện tù cầm súng chống ngoại xâm không bao giờ xẩy ra. Điều tôi muốn nói ở đây là tình yêu nước thương nòi luôn tiềm ẩn trong lòng mọi người Việt Nam bất luận chính kiến và thành phần xã hội, dân tộc. Tôi tin là chính quyền cộng sản Việt Nam cũng biết như thế. Nếu có thực tâm và thiện chí hoà hợp hoà giải dân tộc, họ đã khai thác điều nầy sớm, ngay sau ngày “giải phóng” miền Nam. Những người có kinh nghiệm với cộng sản giải thích rằng “cán bộ trung ương” nầy đã thực thi thủ đoạn chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đánh động lòng yêu nước của anh em tù nhân để tránh “nội công” có thể xẩy ra trong khi đang phải đối đầu với “ngoại kích” tại vùng biên giới. Sau khi tình hình ổn định, đa số anh em phải “đền tội” trên dưới một thập niên mới được “khoan hồng”. Đảng Cộng sản Việt Nam không cần lòng yêu nước thuần tuý của người Việt Nam. Họ chỉ lợi dụng nó để đạt mục đích riêng
. Với họ, chủ nghĩa cộng sản cao hơn tổ quốc, quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam quan trọng hơn quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam. Họ quyết duy trì một chế độ bạo trị, độc quyền độc đảng, không chấp nhận các thành phần Việt Nam khác, dù ưu tú, xuất sắc, hay yêu nước đến đâu. Đây là điều xúc phạm nặng nề đến tình cảm quê hương, dân tộc thiêng liêng nhất của tất cả người Việt Nam. Nếu chủ nghĩa cộng sản thật sự đem lại những gì tốt lành cho mọi người Việt Nam thì có thể chấp nhận được, nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Dù muốn hay không cũng phải công nhận kinh tế Việt Nam, so với hai thập niên trước, đã tiến bộ vượt bực. Do đâu? Do “đổi mới”! Không hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam giải thích hiện tượng nầy như thế nào, tại sao “đổi” thì khá, không “đổi” không khá? Người ngoài ai cũng thấy rằng “cộng sản pha loãng” ít độc hại hơn “cộng sản đậm đặc”, cái mới hiện nay phải tốt hơn hẳn cái cũ (chủ nghĩa cộng sản giáo điều) thì mới được như thế. Sự tốt đẹp và hay ho của chủ nghĩa cộng sản ở chỗ nào? Thế mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn “kiên trì” theo chủ nghĩa cộng sản, “quyết tâm xây dựng xã hội chủ nghĩa”! Theo tài liệu phổ biến công khai trên thế giới hiện nay, từ ngày xuất hiện trên trái đất, chủ nghĩa cộng sản đã cướp đi mạng sống của trên dưới một trăm triệu sinh linh. Nhân danh chủ nghĩa nầy, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tàn sát cỡ một triệu người Việt Nam vô tội! Tại Liên Xô và Đông Âu, nơi được coi là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản, người ta loại bỏ chủ nghĩa nầy vì tội ác diệt chủng và chống nhân loại của nó. Thế mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm vận dụng thủ đoạn chính trị và bạo lực để buộc dân tộc Việt Nam chấp nhận con đường đó. Đây là điều cực kỳ phi lý. Sự kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc của họ cũng theo điều kiện phi lý nầy nên các thành phần Việt Nam khác không thể chấp nhận được.
Trong bài viết
“Nan đề nào? Nan đề cho ai”?, nhà thơ, nhà văn, nhà đấu tranh cho tự do-dân chủ nổi tiếng trong nước Tiêu Dao Bảo Cự đã viết:
“Hoà giải hoà hợp dân tộc không phải là chuyện độc quyền của nhà nước cộng sản khi họ đề ra chủ trương này. Thời gian gần đây, ai nói đến hoà giải hoà hợp thường bị những người chống cộng quy ngay là tay sai cộng sản, ủng hộ cộng sản. Thế thì cộng sản đã chiếm thế thượng phong vì tự nhiên họ được thêm rất nhiều đồng minh trong khi người chống cộng lại thêm thù bớt bạn”. Tôi xin có ý kiến hơi khác: Để có được hoà hợp hoà giải dân tộc, mọi bên phải có thiện chí, nhưng không có thiện chí nào quan trọng, có tính quyết định, bằng thiện chí của giới cầm quyền. Hơn ai hết, nếu không nói độc quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là người tỏ thiện chí hoà hợp hoà giải dân tộc trước vì họ là thế lực chính trị mạnh nhất (có thể nói là không có đối thủ), đang nắm chính quyền, có đủ khả năng và điều kiện để kết hợp mọi thành phần dân tộc NẾU họ có thể làm cho người khác tin được chủ trương nầy của họ bắt nguồn từ tình cảm dân tộc, vì nhu cầu sinh tử của quốc gia, mà không phải là một cạm bẫy chính trị để khống chế và tiêu diệt những thành phần dân tộc khác. Trong nước, ngoài chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại đa số dân chúng đang mải mê kiếm sống, kiếm tiền bằng mọi cách; trí thức thì cầu an, cam phận; thông tin báo chí thì chỉ là công cụ của Đảng; một số lãnh đạo các tôn giáo, rất ít trí thức cùng các cựu đảng viên cộng sản thức thời và can đảm lên tiếng thì bị trù dập, bắt bớ tù đày… Ai đủ khả năng thực hiện hoà hợp hoà giải dân tộc? Hải ngoại, tuy là đối lực chính trị đáng ngại nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng ai đủ tư cách, khả năng và thẩm quyền để làm chuyện nầy? Hoà hay chiến là do kẻ đang thủ đắc vũ khí, chiếm thế thượng phong tỏ thái độ và thiện chí trước. Người tay không yếu thế mà tỏ thái độ cầu hoà trước là đồng nghĩa với sự đầu hàng! Có hai loại hoà hợp hoà giải dân tộc: trá hình và thật sự. Không hiểu ông Tiêu Dao Bảo Cự nói đến loại hoà hợp hoà giải dân tộc nào, loại cùng nhau quy phục dưới trướng chính quyền cộng sản Việt Nam hay loại bình đẳng dân tộc? Và loại nào thì chính quyền cộng sản Việt Nam “được thêm rất đông đồng minh trong khi người chống cộng lại thêm thù bớt bạn”?
Khi nói đến hoà hợp hoà giải dân tộc, không phải người Việt Nam chống cộng nào cũng tẩy chay. Ngoài một thiểu số chống cộng theo cảm tính, đại đa số người Việt Nam vẫn mong ước có hoà hợp hoà giải dân tộc, nhưng phải có sự bình đẳng dân tộc mới được. Nhóm chủ trương “không hoà hợp hoà giải với Việt cộng bất kỳ dưới hình thức nào” có thể bị chê là phi thực tế, nhưng khó mà trách họ khi họ không chấp nhận hoà hợp hoà giải theo kiểu đầu hàng. Điều kiện phải có trước khi nói chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc là chính quyền cộng sản Việt Nam buộc phải thay đổi chủ trương. Nếu họ vẫn duy trì những thủ đoạn chính trị để khống chế và tiêu diệt những thành phần dân tộc khác, sẽ không bao giờ có hoà hợp hoà giải dân tộc. Ngược lại nếu họ từ bỏ bạo lực, chấm dứt sự lật lọng, chứng tỏ thiện chí bằng những việc làm cụ thể, chấp nhận và tôn trọng những thành phần dân tộc khác thì hoà hợp hoà giải dân tộc sẽ đến. Hiện nay, có thể nói, vì đã có quá nhiều kinh nghiệm xương máu với Việt cộng nên không ai còn dám tin họ nữa. Muốn lấy lại niềm tin nơi mọi người, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tự mình trả lại cho dân tộc Việt Nam những thứ quyền, những thứ tự do mà họ đã tước đoạt bấy lâu nay. Một khi chính quyền đã tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, lập đảng…, nghĩa là có sinh hoạt dân chủ, đa nguyên thì mới có thể nói chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc trong tinh thần bình đẳng dân tộc được.
Vậy, chừng nào có được hoà hợp hoà giải dân tộc thật sự?
Nhìn về sinh hoạt chính trị trong nước, không khó khăn để nhận biết “thiện chí” của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Để tổ chức Hội nghị APEC, và để vào được WTO, họ “nuôi” những cá nhân, đoàn thể đấu tranh, làm như Việt Nam có tự do dân chủ để đánh lừa các chính khách quốc tế, kể cả Tổng thống Mỹ. Nhưng sau khi tổ chức thành công Hội nghị APEC và vào được WTO, họ ra tay “thịt” các thành phần yêu nước nầy! Thế mà, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đến Mỹ vào cuối tháng Sáu vừa qua lại không ngừng kêu gọi người Việt hải ngoại hãy xoá bỏ hận thù, đoàn kết để cùng nhau xây dựng đất nước! Làm sao “xoá bỏ hận thù” và “đoàn kết” khi mà người kêu gọi còn lắm thủ đoạn, chưa thể hiện thiện chí của mình? Cựu Thủ tướng cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt cũng nhiều lần đề cập vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc. Trước đây không lâu ông tuyên bố “Yêu nước có nhiều cách”, (không cần phải “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” như trước)! Nghe như cánh cửa thiên đường sắp mở ra cho dân tộc Việt Nam. Nhưng gần đây ông lại nói: “Hoà hợp hoà giải dân tộc không cần phải đa đảng”! Vậy nghĩa là gì? Nghĩa là, quanh đi quẩn lại, hoà hợp hoà giải dân tộc chỉ có thể xẩy ra dưới trướng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Những ai ước mơ có hoà hợp hoà giải dân tộc thực sự, và bao giờ ước mơ nầy sẽ thành hiện thực xin đừng hỏi ai khác, cứ hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
© 2007 talawas