trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
4.9.2007
Jonathan D. London
Quản lý giáo dục dưới chế độ kinh tế-chính trị của Việt Nam - quốc gia ngoại vi trong hệ thống “xã hội chủ nghĩa”
Ðông Hiến dịch
 1   2   3 
 
Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích những mốc thay đổi quan trọng về mục tiêu, đường lối chỉ đạo và kết quả của những chính sách giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam từ thập niên 1940 đến nay. Những nghiên cứu gần đây về hệ thống giáo dục ở Việt Nam chủ yếu tập trung phân tích khía cạnh kinh tế học và dân số học từ những số liệu về giáo dục của Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90, khi ở Việt Nam bắt đầu một sự bùng nổ kinh tế chưa từng có, và cũng là lúc các số liệu về giáo dục tăng đáng kể về cả số lượng và chất lượng. Trong khi có sử dụng một số luận điểm của các nghiên cứu nói trên, và đồng ý với nhiều kết luận trong đó, những phân tích của tôi trong bài này thiên về góc độ xã hội học, lịch sử và tập trung phân tích về các định chế giáo dục.
Giới thiệu

Trong nhiều thập niên của thế kỷ 20, Việt Nam xuất hiện như một biểu tượng của sự tranh đấu chống bá quyền, một đất nước vừa trải qua hàng loạt cuộc chiến chống thực dân, nội chiến và chống bành trướng, đồng thời với những nỗ lực lâu dài nhằm phát triển nền kinh tế một cách bình đẳng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, Việt Nam trình làng một nền kinh tế thị trường do nhà nước quản lý đang phát triển với tốc độ nhanh, càng ngày càng dấn sâu hơn vào mô hình kinh tế-chính trị của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Vậy quá trình xây dựng rồi phá sản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở cấp quốc gia, và sự trỗi dậy của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tới các mô hình giáo dục như thế nào? Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích những sự kế thừa và thay đổi trong mục tiêu, thực hiện và kết quả của các chính sách giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1940 đến nay [1] , đặc biệt là sự kế thừa và thay đổi trong nguyên tắc và tổ chức bộ máy quản lý giáo dục phổ thông (từ lớp vỡ lòng đến hết lớp 12), trong đó khái niệm giáo dục bao gồm việc thành lập, cung cấp kinh phí hoạt động và phân bố các cơ sở giáo dục.

Những công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây về hệ thống giáo dục ở Việt Nam chủ yếu tập trung phân tích góc độ kinh tế lượng và dân số học trên các số liệu về giáo dục từ đầu thập kỷ 90 trở đi, khi Việt Nam khởi đầu một đợt bùng nổ kinh tế chưa từng có, cũng là lúc các tài liệu về giáo dục tăng đáng kể, cả về số lượng và chất lượng [2] . Xét những tiến bộ quan trọng về nền kinh tế cũng như giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn này, ta có thể hiểu được vì sao phần lớn các nghiên cứu gần đây giới thiệu hệ thống giáo dục Việt Nam như một “bài học về sự thành công” [3] , ngay cả khi những nghiên cứu đó có ghi nhận một số vấn đề còn tồn tại, ví dụ như sự chênh lệch dai dẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục và những mối lo về chất lượng và hiệu quả của chương trình giảng dạy. Dù có sử dụng một số luận điểm của những nghiên cứu nói trên, và bản thân tôi cũng đồng ý với nhiều kết luận trong đó, nhưng những phân tích của tôi trong bài này thiên về góc độ lịch sử và xã hội học hơn, và đặt trọng tâm vào các định chế giáo dục.

Trong phần một và phần hai, tôi xem xét những sự kế thừa và thay đổi về nguyên tắc và tổ chức quản lý hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam từ những năm 1940 [4] . Trong mỗi phần, tôi sẽ phân tích mối quan hệ giữa những tổ chức chính trị và kinh tế, các định chế quản lý ngành giáo dục và những tác động xã hội – chính là những mô hình tổ chức cụ thể của ngành giáo dục [5] . Tôi đưa ra nhận định là, các mô hình tổ chức của ngành giáo dục ở Việt Nam (và nhiều nước khác) có vị trí thứ yếu và lệ thuộc vào các định chế chính trị và kinh tế vốn được đặt vai trò cao hơn hẳn. Trong phần cuối, tôi sẽ phân tích những nỗ lực gần đây của Ðảng Cộng sản Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục phổ thông, thông qua các chương trình hỗ trợ người nghèo.

Tôi nêu lên hai luận điểm riêng. Một là, những thay đổi trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam trong 50 năm qua phải được đánh giá đúng là tình trạng “cải tiến ở thế bị động” chứ không phải một điển hình của quá trình cải tổ sâu rộng về tổ chức. Trong khi Việt Nam có trải qua những thay đổi cơ bản về tổ chức kinh tế, và dù cho mức tăng trưởng kinh tế đi kèm với những đổi mới về kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho Việt Nam thực hiện mở rộng ngành giáo dục với quy mô chưa từng có, chính sách giáo dục của Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn không giải quyết được rất nhiều sự bất công về giáo dục đã tồn tại dưới chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tình trạng bất công nói trên bao gồm sự phân biệt rõ nét giữa các đô thị với những vùng nông thôn, chế độ ưu tiên tầng lớp “tinh hoa chính trị”, hoặc có quan hệ gắn bó với Đảng, chính quyền so với số đông quần chúng. Bên cạnh đó, chính sách “tự hạch toán” đã gieo mầm cho những nỗi bất công mới nảy sinh trong nền kinh tế thị trường.

Luận điểm thứ hai của tôi là, những số liệu chính thức về sĩ số nhập học và những khoản kinh phí đầu tư của chính phủ đối với ngành giáo dục là chưa đủ để phân tích thấu đáo về ngành giáo dục Việt Nam. Trước những năm 1990, những số liệu về giáo dục và các mặt khác của xã hội Việt Nam còn thiếu, khiến phải dựa chủ yếu vào các con số thống kê chính thức - vốn không đủ độ tin cậy và không đủ thông tin về quy mô, định hướng và chất lượng giáo dục ở các cấp cơ sở. Cho đến hôm nay, trong bối cảnh hệ thống thông tin và báo cáo đã được cải thiện nhiều, những số liệu quan trọng nhất về hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam vẫn nằm ngoài tầm với của những người muốn tiếp cận bằng con đường chính thống. Một ví dụ nổi bật là sự bén rễ và lan tỏa của một “nghề phụ” đã và đang trỗi dậy trong thế cài răng lược với hệ thống trường công lập. Bất kể một người Việt nào cũng có thể nói cho bạn rằng hệ thống dịch vụ giáo dục không chính thức này - được gọi là “học thêm” – cũng quan trọng không kém, nhiều khi còn quan trọng hơn hệ thống trường lớp chính thức xét theo góc độ cơ hội và kết quả học tập. Xét cả trong quá khứ và trong bối cảnh hiện nay, để hiểu thấu đáo được các mô hình giáo dục ở Việt Nam, cần phải đi xa hơn là đơn thuần phân tích các số liệu thống kê chính thức và chính sách trên văn bản, tức là phải phân tích được động thái chính trị và tổ chức của ngành giáo dục ở cấp quốc gia và cơ sở.

Về tổng thể, tôi nhận xét rằng, thực tế ngành giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam cho thấy cơ chế tổ chức quản lý còn gây nhiều bất bình đẳng về giáo dục ở một quốc gia là biểu hiện của những sự kế thừa và thay đổi – đang tồn tại song song và hữu cơ với những sự kế thừa và chuyển đổi về đường lối kinh tế chính trị, về quan hệ giữa trung ương với địa phương.


Tình hình của ngành giáo dục dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bao cấp

Từ những năm 40, 50 ở miền Bắc Việt Nam, và trên quy mô toàn quốc kể từ sau năm 1975, Việt Nam xây dựng một chế độ phúc lợi xã hội theo hệ thống xã hội chủ nghĩa, với các đặc trưng của hệ thống chính trị quan liêu-toàn trị, một bộ máy kinh tế tập thể-áp đặt và hệ thống các cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội được định tính với cái đuôi của tên gọi “nhân dân”, hứa hẹn sự phục vụ bình đẳng cho mọi công dân, nhưng thực ra luôn dành đặc quyền cho tầng lớp “tinh hoa chính trị” và ưu tiên giới công nhân viên nhà nước ở các khu đô thị, hơn hẳn so với những thành phần dân chúng khác. Không thể tìm hiểu quá trình biến đổi của các mô hình tổ chức giáo dục ở Việt Nam nếu không nắm vững quá trình hình thành và giải thể của hệ thống tổ chức các cơ quan dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bao cấp trong những năm đầu thập kỷ 50 đến năm 1989, và những biến động trong nước và quốc tế trong giai đoạn này.


Các định chế kinh tế và chính trị dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bao cấp

Mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Ðảng Cộng sản Việt Nam theo đuổi cho đến tận cuối những năm 1980, được thiết kế để có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa trong thời gian ngắn nhất mà vẫn tránh được những cái bẫy đã lường trước - sự nảy nở ăn theo của chủ nghĩa tư bản. Trên thực tế, sự phát triển nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam diễn ra chậm chạp và đầy trắc trở do phải chịu sức ép không ngừng từ các nhu cầu quân sự và chiến lược của cuộc chiến tranh chống đế quốc và nội chiến, từ những lỗi hệ thống của mô hình kế hoạch hóa tập trung, và tình trạng nghèo khó về nguồn lực. Sau khi đã giải quyết được các nhu cần quân sự và chiến lược, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã thu được một số thành công nhất định trong việc triển khai các chính sách xã hội chủ nghĩa.

Về chính trị, nhà nước xã hội chủ nghĩa dựa vào một hệ thống quan liêu-toàn trị được xây dựng để quản lý tất cả các mặt của xã hội, từ chính trị và kinh tế cho đến văn hóa [6] . Trong thời chiến, hệ thống này có tác dụng thiết lập và bảo đảm trật tự xã hội, củng cố quyền lực chính trị của Ðảng Cộng sản Việt Nam, qua đó góp phần duy trì cuộc chiến trường kỳ. Ở miền Bắc Việt Nam trong thời chiến, Ðảng Cộng sản Việt Nam có được sự ủng hộ rộng lớn của dân chúng vì được coi là biểu tượng vô song về tinh thần dân tộc tự quyết và một trật tự xã hội công bằng. Ở miền Nam Việt Nam, sự ủng hộ yếu hơn nhiều, nên đã gây tác động tiêu cực tới ý định triển khai toàn phần chương trình xây dựng chủ nghĩa xã hội thời hậu chiến [7] .

Về các định chế kinh tế, yếu tố quan trọng nhất đối với chế độ xã hội chủ nghĩa là chính sách cưỡng chế tập thể hóa đối với mọi hoạt động kinh tế, và sự lệ thuộc của các hoạt động kinh tế vào các định chế kế hoạch hóa tập trung. Trên lý thuyết, việc nhà nước quản lý mọi hoạt động kinh tế sẽ cho phép vừa dành phần tích luỹ tài chính để đầu tư cho công nghiệp nặng, vừa cấp ngân sách cho các dịch vụ xã hội, ví dụ như giáo dục. Ở các vùng nông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận việc cấp kinh phí hoạt động cho các dịch vụ xã hội, trong đó có giáo dục. Ở thành thị, ngân sách giáo dục được rót từ nguồn của trung ương xuống các địa phương. Trên thực tế, các thành quả kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hết sức khập khiễng. Chính sách hợp tác hóa nông nghiệp đã mang lại tư liệu sản xuất cho những người nông dân trước đây không có đất canh tác, khiến sản lượng nông nghiệp ở Việt Nam trong những năm 1950 và 1960 tăng lên trông thấy. Tuy nhiên, xét về lâu dài, hệ thống chính sách cả về nông nghiệp lẫn công nghiệp đều không mang lại kết quả như đã hứa hẹn. Dù nhiều thập kỷ chiến tranh liên miên cũng góp phần gây nên tình trạng nghèo khó ở Việt Nam, nhưng các định chế kinh tế xã hội chủ nghĩa không đồng bộ và thiếu hiệu quả mới là yếu tố quan trọng, với các tác động trực tiếp và gián tiếp, gây nên tình trạng nghèo khó kéo dài ở Việt năm trong thập kỷ 1980 [8] .

Về bản chất, chế độ xã hội chủ nghĩa mang tính hai mặt, vì nó trói buộc và bóc lột những người làm nông nghiệp để phát triển công nghiệp hóa [9] . Ngoài ra, cũng còn nhiều yếu tố khác nữa khiến sự bất bình đẳng và bất công về quyền lợi công dân nảy sinh dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Cơ chế làm việc của hệ thống các cơ quan kinh tế và chính trị bảo đảm cho đảng viên và quan chức nhà nước được ưu tiên sử dụng những nguồn lực hiếm hoi. Trước năm 1975 ở miền Bắc, và sau năm 1975 ở miền Nam, những người dân có lý lịch hoặc quan hệ “có vết” thường bị mất quyền lợi chính trị, kinh tế và xã hội, đồng thời bị phân biệt đối xử. Đành rằng các chính sách kinh tế và chính trị của Ðảng Cộng sản Việt Nam hiển nhiên đã mang lại những thành quả trong việc phân phối lại ruộng đất và nguồn vốn, từ một xã hội cũ có quá nhiều bất công; nhưng nếu nhìn nhận Ðảng Cộng sản Việt Nam như một nhà vô địch mọi thời đại về công bằng xã hội - một xuất phát điểm của rất nhiều bài phân tích hiện nay – thì quả là đã đơn giản hóa bảng thành tích phức tạp của đảng.


Những nguyên tắc và cơ cấu chính thức của hệ giáo dục phổ thông dưới chế độ xã hội chủ nghĩa

Chính sách giáo dục được Ðảng Cộng sản Việt Nam áp dụng dưới thời xã hội chủ nghĩa, so với giai đoạn đó, thực sự mang tính cách mạng. Dưới thời phong kiến và thực dân đô hộ, số lượng những người có điều kiện đi học ở trường sở chính thức chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số dân. Ngược lại, Ðảng Cộng sản Việt Nam khuyến khích giáo dục phổ thông, để cuối cùng thể chế hóa quyền đi học phổ thông (từ vỡ lòng đến hết lớp 12) trở thành một quyền công dân [10] . Trước đó, ngay trong kháng chiến chống Pháp và sau khi giành dược thắng lợi, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và tìm cách phát triển giáo dục phổ thông [11] . Trong những năm 1940 và 1950, Ðảng Cộng sản Việt Nam triển khai những chính sách nói trên chủ yếu dựa vào những phong trào phát động quần chúng [12] . Trong những năm 1950, đảng triển khai một loạt các chương trình trong nỗ lực xây dựng một tổng thể hệ thống giáo dục chính thức ở miền Bắc. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, vì cùng lúc phải tuyển dụng và đào tạo hàng trăm, hàng ngàn giáo viên và xây dựng một cơ cấu tổ chức mới để quản lý và lo kinh phí cho giáo dục. Chính những nguyên tắc và bộ máy quản lý tài chính ngành giáo dục đã tạo nên những điểm khác biệt của hệ giáo dục phổ thông dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà nước (về nguyên tắc) chịu mọi kinh phí cho tất cả các hoạt động giáo dục. Ở các vùng nông thôn, hoạt động của ngành giáo dục phụ thuộc vào một số nguồn lực từ các đơn vị kinh tế địa phương (trước hết là các hợp tác xã nông nghiệp) kết hợp với ngân sách trung ương (chủ yếu cho cơ sở hạ tầng và, một phần, để hỗ trợ cho đồng lương ít ỏi của giáo viên). Ở các đô thị, giáo dục phổ thông phụ thuộc vào nguồn ngân sách trực tiếp của địa phương và trung ương. Với cơ chế như vậy, ngành giáo dục ở nông thôn đương nhiên bị lệ thuộc nhiều hơn vào sản lượng kinh tế địa phương. Một nguyên tắc quan trọng khác nữa, có tác động trực tiếp đến giáo dục phổ thông dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là sự thể chế hóa cao độ về tổ chức. Trên lý thuyết, nếu không nói là ngay cả trong thực tế, Bộ Giáo dục (sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định mọi tiêu chuẩn về kinh phí, hành chính và sư phạm [13] .


Kết quả: Mô hình ngành giáo dục dưới chế độ xã hội chủ nghĩa

Trong khuôn khổ một bài giới thiệu khái quát như bài viết này, chỉ có thể phác qua các nét chính để đánh giá kết quả của các chính sách giáo dục. Xét về sĩ số nhập học, lịch sử ngành giáo dục phổ thông ở Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thể hiện sự gia tăng nhanh chóng trong những năm 1950-1960, tăng chậm hơn trong những năm 1970 và sau chiến tranh, rồi khựng lại và khủng hoảng từ giữa đến cuối thập kỷ 80. Trong những năm cuối thập kỷ 1940 và 1950, Ðảng Cộng sản Việt Nam tiến hành mở rộng quy mô trường lớp công lập, dựa trên các trường làng dân lập đã tồn tại rải rác từ trước và một số ít các trường thuộc địa. Việc làm này mang lại kết quả rất đáng khâm phục. Đến năm 1957, sĩ số học sinh tiểu học ở miền Bắc cao gấp 3 lần so với số học sinh trong toàn quốc vào năm 1939. Vào năm 1939, chỉ có 2% số học sinh tiểu học tiếp tục học lên cấp cao hơn; năm 1957, con số này tăng lên 13% (Phạm, 1999, tr. 51). Điều đáng nói là, những cuộc sơ tán do Mỹ gia tăng ném bom miền Bắc từ năm 1965 cũng không gây rối loạn cho ngành giáo dục. Ngược lại, tình trạng khẩn cấp đi liền với quyết tâm theo đuổi cuộc chiến đã tạo những sức ép nội bộ khiến nhà nước mở rộng việc cung cấp giáo dục [14] . Các cơ sở giáo dục ở đô thị bị bom Mỹ phá được lập lại ở nông thôn, những nơi ít bị bắn phá hơn [15] . Từ năm 1965 đến 1975, tổng số học sinh nhập học và số lượng cán bộ, giáo viên biên chế ngành giáo dục tăng cao ở miền Bắc. (Bộ Giáo dục & Đào tạo, 1995a, tr. 7, 8).

Sau năm 1975, dưới ngọn cờ của một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa thống nhất, Ðảng Cộng sản Việt Nam thực thi các chính sách giáo dục nhằm đảm bảo điều kiện được đi học phổ thông cho mọi người dân Việt Nam và tăng cường đào tạo ở các bậc cao hơn nhằm phục vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Theo thống kê của chính phủ, Việt Nam tiếp tục gặt hái được những thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo giáo dục phổ thông cho người dân trong những năm 1980 [16] . Đến giữa thập kỷ 80, các chỉ số về giáo dục ở Việt Nam đạt mức tương đương với các quốc gia có mức thu nhập cao hơn gấp 10 lần.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ trên số liệu thống kê chính thức về biến động của sĩ số nhập học để tìm hiểu thực trạng ngành giáo dục dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thì quá sơ đẳng. Một dẫn chứng là các số liệu quốc gia về giáo dục không đề cập đến sự bất bình đẳng nghiêm trọng về sự phân bố địa lý của các cơ sở giáo dục xét theo vùng, hay những hạn chế về quy mô và chất lượng trường học, hoặc điều kiện học tập của các tầng lớp dân cư khác nhau. Có hai điểm cần nhấn mạnh. Thứ nhất, hậu quả tổng hợp của chiến tranh, tình trạng cô lập kinh tế kéo dài và sự yếu kém của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã tác động nặng nề đến quy mô và chất lượng các trường học. Ở hầu hết các vùng nông thôn, các buổi học chính thức kéo dài khoảng 3 tiếng, trong các lớp học nhà tranh vách đất. Thứ hai, dù các chính sách giáo dục của Việt Nam trên nguyên tắc là tiến bộ - và trên thực tế cũng công bằng hơn rất nhiều so với các xã hội khác – nhưng các chính sách đó cũng tạo ra và nuôi dưỡng những sự bất bình đẳng khi đảm bảo điều kiện giáo dục tốt hơn cho những người ở các vùng đô thị, và nhất là, cho những người liên quan đến đảng [17] . Sau năm 1975, chính trị ngày càng trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để cấm đi học, nhất là đối với miền Nam. Dù các quan chức chính phủ đương thời phủ nhận, nhưng có những bằng chứng riêng về việc nhiều gia đình, thậm chí cả một thôn có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa thường bị từ chối không cho đi học.


Khủng hoảng và hỗn loạn: Khi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa “hết thiêng”

Hầu hết các chỉ số về kết quả phát triển giáo dục phổ thông trong những năm 1980 đều không thể hiện sự yếu kém của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vốn là cái đòn gánh cho ngành giáo dục. Trong những năm 1980, cơ cấu các định chế cung cấp kinh phí cho giáo dục dần tan rã, song song với quá trình sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch [18] . Giữa những năm 1980 và 1990, số lượng học sinh nhập học gia tăng rất ít, dù số trẻ em đến tuổi đi học đã tăng thêm hàng triệu trong cùng thời gian đó. Về bản chất, sự tan rã của các định chế kinh tế xã hội chủ nghĩa là nguyên nhân trực tiếp của sự thay đổi về cơ chế phúc lợi xã hội, vì các nguyên tắc và bộ máy quản lý việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội, trong đó có ngành giáo dục, đã bị buộc phải thay đổi. Để tìm hiểu được nguyên nhân và cách thức của quá trình này, cần phải đánh giá đúng các động thái của sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam.

Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không đơn thuần là một sự thay đổi về chính sách; đó là quá trình kéo dài suốt một thập niên, từ sự ly khai của những người làm kinh tế ở cấp cơ sở nhằm thoát khỏi cái bóng áp đặt của kế hoạch chỉ đạo tập trung [19] . Trên lý thuyết, tất cả các thành phần kinh tế trong nền kinh tế kế hoạch – từ những người sản xuất nông nghiệp cho đến các cơ sở công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước - đều phải làm việc để thực hiện những mục tiêu kinh tế chính trị của đất nước. Thế nhưng, đến những năm 1980, trong bối cảnh của tình trạng nghèo khó đến cùng cực và một nền kinh tế xộc xệch, những người làm kinh tế (kể cả các cơ sở quốc doanh) bắt đầu áp dụng những sách lược, càng ngày càng táo bạo hơn để sinh tồn, ngược lại với những nguyên tắc và quy định chính thức của nhà nước. Cấp trung ương liền tìm cách hạn chế những cải cách “tự phát” này bằng cách thi hành hàng loạt những cải cách từ trên xuống, được thiết kế để quản lý, hạn chế và định hướng quá trình đổi thay đã và đang diễn ra. Những cải cách kinh tế vào cuối thập kỷ 1980 (ví dụ như khoán sản phẩm trong nông nghiệp và luật kinh doanh mới đối với các cơ sở quốc doanh) đã làm gia tăng đáng kể sản lượng kinh tế khi các cơ sở kinh tế được phép tham gia thị trường, phát sinh lợi nhuận hình thành động cơ thúc đẩy hoạt động kinh tế. Sự cởi trói một phần nói trên cũng có tác động làm chuyển dòng nguồn lực kinh tế từ ngân sách trung ương, khiến nguồn kinh phí dành cho giáo dục bị cắt sâu hơn. Sự rã đám của nền kinh tế kế hoạch đã làm yếu đi tương quan quyền lực của trung ương so với địa phương, và làm suy yếu hệ thống ngân sách trung ương, dẫn đến khủng hoảng tài chính kéo dài khiến cho cuối cùng phải bỏ toàn bộ các định chế cốt lõi của mô hình xã hội chủ nghĩa.

Cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, nền kinh tế vốn theo kế hoạch tập trung của Việt Nam ngày càng được phân cấp và các cơ sở kinh tế trở nên chủ động hơn trong chức năng hoạt động của mình. Theo thuật ngữ tài chính, sự gia tăng kinh tế thị trường hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương. Ở cấp địa phương, sự tan rã của các định chế kinh tế xã hội chủ nghĩa làm sụp đổ cơ cấu hợp tác xã vốn được thiết kế để cung cấp tài chính cho hoạt động giáo dục. Đây quả thật là một tình hình nghiêm trọng đối với ngành giáo dục ở nông thôn. Cụ thể, việc giải thể các hợp tác xã nông nghiệp vào cuối năm 1980 làm cạn kiệt nguồn tài chính vốn đã ít ỏi của địa phương dành cho giáo dục.

Xét về mặt kinh tế, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang quy mô hộ gia đình và mở cửa thị trường đã chứng tỏ hiệu quả có lợi. Tuy nhiên, đối với giáo dục, ít nhất xét về ngắn hạn, hậu quả thật tệ hại. Cuối những năm 1980, trong bối cảnh lạm phát phi mã và ngân sách nhà nước bị cắt giảm, kinh phí quốc gia và địa phương dành cho giáo dục sụt giảm nhanh chóng. Lương giáo viên và cán bộ gián tiếp bị cắt giảm, ở nhiều nơi (nhất là nông thôn), giáo viên bị thiếu tiền lương nhiều tháng liền. Trên toàn quốc, chất lượng giáo dục xuống cấp vì việc phân phối dụng cụ và tài liệu cho ngành giáo dục chậm chạp đến mức nhỏ giọt. Tinh thần của giáo viên cũng suy sụp, và nhiều người đã bỏ hẳn nghề dạy học để đi làm việc khác kiếm sống. Năm 1989, Ðảng Cộng sản Việt Nam đi bước đầu tiên để rời bỏ những nguyên tắc đã từng làm trụ cột cho chính sách phổ cập giáo dục phổ thông kể từ những năm 1940, khi Quốc hội Việt Nam (con dấu cao su) họp phiên đặc biệt để thông qua quyết định sửa đổi hiến pháp, cho phép thu học phí ở trường công lập. Trong thập kỷ đó, số lượng học sinh nhập học giảm và số bỏ học gia tăng. Từ năm 1989 đến năm 1991, số học sinh bỏ học tăng chóng mặt, lên đến 80% ở một số địa phương, trong khi tổng số học sinh nhập học trên toàn quốc giảm nhanh chóng, và cho tới mãi giữa thập kỷ 1990 mới phục hồi được về mức của năm 1985. Năm 1989, thử nghiệm của Việt Nam về mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa đã đi đến một kết cục ngoài mong muốn. Dù đạt được nhiều thành quả quan trọng về phổ cập giáo dục, cơ sở tài chính cho ngành giáo dục đã tan rã cùng với cơ cấu kinh tế xã hội chủ nghĩa.

(Còn 2 kì)


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Bài phân tích nhằm đánh giá các chính sách giáo dục và kết quả dưới chế độ của Ðảng Cộng sản Việt Nam, từ khi giành chính quyền ở miền Bắc (từ những năm 1940) và miền Nam (sau năm 1975).
[2]Xem thêm các tài liệu, như của các tác giả Võ, Trương, Đoàn và Nguyễn (2001) và Nguyễn (2002).
[3]Xem thêm tài liệu, ví dụ như Ngân hàng Thế giới (2004).
[4]Tôi đã kết luận trong một số tài liệu khác (London, 2003, 2004) rằng, để tìm hiểu lịch sử phúc lợi xã hội ở Việt Nam, có thể hình dung đó là một chuỗi các “chế độ phúc lợi” kế tiếp nhau - những giai đoạn ngắn được phân định bằng những thay đổi rõ nét về nguyên tắc, tổ chức và hình thức quản lý phúc lợi xã hội. Để hiểu thêm về cách tiếp cận này, xin xem các công trình của Espring-Andersen (1990, 1999) và Ian Gough (1999) trong nỗ lực áp dụng ý tưởng này vào các nước đang phát triển. Davis (2001) cũng đưa ra những ý kiến bình luận rất bổ ích.
[5]Để xem bản phân tích thực nghiệm đầy đủ, xem London (2004).
[6]Hệ thống hành chính và chính trị rất chặt chẽ được Ðảng Cộng sản Việt Nam áp dụng để điều hành xã hội dưới thời bao cấp vẫn còn khá nguyên vẹn đến hôm nay. Để hiểu thêm về cơ chế chính trị-hành chính của Việt Nam, xem Porter (1993), Phong và Bresford (1998), và Kerkvliet (2005).
[7]Ở miền Nam, sau chiến tranh, những nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm triển khai cải cách ruộng đất đã gặp phải rất nhiều hình thức chống đối (Ngô, 1991; White, 1986). Như Benedict Kerkvliet (2005) mới đây đã nêu, ngay cả trên miền Bắc vào những năm 1960, những cố gắng cưỡng chế hợp tác hóa của nhà nước cũng gặp phải khá nhiều hình thức chống đối.
[8]Xem thêm Beresford (1989a, 1989b, 1997); Fford (1999); Fford và de Vylde (1996).
[9]Đặc biệt là, nông dân phải bán nông sản với mức giá rất thấp, ảnh hưởng tới phúc lợi gia đình, thu nhập của địa phương, chất lượng và số lượng các dịch vụ xã hội ở các vùng nông thôn.
[10]Hiến pháp năm 1982 quy định mọi công dân có quyền đi học phổ thông (từ lớp vỡ lòng đến hết lớp 12).
[11]Đòi quyền lợi về giáo dục là một trong những khẩu hiệu của phong trào chống thực dân Pháp ở Việt Nam từ trước khi có Ðảng Cộng sản Việt Nam rất lâu, nhưng chính Ðảng Cộng sản đã sử dụng giáo dục một cách hiệu quả nhất để vận động và phát động quần chúng - bắt đầu từ những năm 30-40 và tiếp tục nhiều thập kỷ sau đó.
[12]Về vấn đề này, xem thêm Phạm (1999, tr. 51) và London (2003).
[13]Ngân sách giáo dục địa phương thường phải theo 1 loạt các công thức và nguyên tắc phân bổ do trung ương đưa ra, và về nguyên tắc, phải phù hợp với các điều kiện và nhu cầu riêng tuỳ theo vùng đô thị hay nông thôn.
[14]Theo lời đồn đại, những thanh niên bị gọi nhập ngũ thường được cấp bằng trung học phổ thông sau khi đi học 1 năm.
[15]Xem thêm Bộ Quốc phòng (1990).
[16]Ví dụ, từ năm 1975 đến 1980, tổng số học sinh nhập học các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt tăng 19%, 25% và 28% (Tổng cục Thống kê, 2001); trong khi từ năm 1981 đến 1990, số giáo viên tiểu học ở Việt Nam tăng khoảng 20%, trong đó tính riêng ở miền Nam tăng 35% (Bộ Giáo dục & Ðào tạo, 1992, tr.40).
[17]Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% dân số, và (ngoại trừ số Hoa kiều có khá giả hơn) điều kiện đi học rất khó khăn do chủ yếu sống tập trung ở vùng sâu, xa, do khác biệt văn hóa và các nguyên nhân khác.
[18]Ngoài sự yếu kém về hoạt động kinh tế, Việt Nam còn phải chịu sự cô lập về chính trị và kinh tế do lệnh cấm vận của Mỹ và Trung Quốc.
[19]Kết luận này được căn cứ trên công trình của Adam Fforte (1999) và Melanie Beresford (1997).
Nguồn: Asia Pacific Journal of Education, Vol. 26, No.1, May 2006.