trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
8.9.2007
Thụy An
Chuyện bố, mẹ, bé và con búp bê
 
Bố chải tóc cho Bé xong, liền lấy cái gương giơ trước mặt Bé: “Con gái của bố soi xem này, có xỉnh xình xinh không nào!” Bé nhìn vào gương, lắc đầu bên phải, lắc đầu bên trái, ngoe nguẩy hai cái đuôi sam tí tẹo, ngọn thót như đuôi chuột, có buộc hai chiếc nơ đỏ, giống như hai cánh hoa rất to, đóng khuôn lấy mặt Bé. Bé nhoẻn miệng cười, vẻ bằng lòng lắm.

Bố vẫn chịu khó lồng ngón tay vào cái móc sau chiếc gương, giữ cho Bé soi. Bé nghĩ: “Phải vẽ con bé trong gương này. Một khoanh tròn to là mặt, hai chấm tròn nhỏ là mắt, một vạch dài xuống là mũi, một khoanh tròn vừa nữa là miệng. Con Bé nó lại cười, mình phải vẽ cả mấy chiếc răng. Còn hai cái nơ đỏ nữa, lấy gì mà tô màu?” Thò hộp bút chì nào mẹ mua cho, Bé cũng làm cùn cụt. Bé nhớ ra rồi. Bé bỏ gương chạy tót lên bàn, vớ cái bút chì đỏ to gộc của bố, thủ luôn vào nách rồi mới ra hỏi bố: “Cho Bé mượn chiếc bút chì đỏ bố nhé”. Bố ngần ngừ: “Ừ, nhưng mà để đấy, con đi chơi với bố kia mà”.

Lập tức Bé bỏ rơi cả cái bút chì và con bé trong gương định vẽ. Bé nhẩy cẫng lên bố: “Rồi bố mua kem cho Bé, bố nhớ.” Miệng Bé tắc lẻm, đánh choẹt một cái: Kem thì còn phải kể. Cắn khấc một cục, buốt lanh lưỡi, rụt cả đầu cả cổ, cục kem tan dần ngọt lự... Thật không gì bằng kem, vừa được ăn lại vừa được chơi với nó. Bố cũng thích kem lắm nhớ! Hai bố con, hai que kem ngồi ở ghế bờ Hồ, nhẩn nha... Chao, những lúc ấy sao mà Bé yêu bố thế. Bé không cần mẹ, mẹ cứ việc đi công tác, xa nhà bao nhiêu đêm, Bé cũng không cần, kem và bố là đủ rồi...

Mẹ thì ghét kem lắm. Mẹ bảo: “Bé ăn kem, chỉ tổ té re”. Nghĩ thế, mặt Bé đỏ đỏ. Thôi, thèm vào, chả nhớ chuyện xấu hổ ấy. Bé níu chặt bàn tay bố, thỏ thẻ: “Hôm nay bố mua kem xanh bố nhé!” Bố trả lời: “Bố mua cho bé một thứ còn thích hơn kem cơ. Đố bé biết là cái gì nào?” Trí khôn ngắn ngủn của Bé đoán làm sao được. Bé bảo: “Con chỉ thích kem thôi”. Bố quệt má Bé: “Con nhà khờ dại quá”.

Hai bố con lại ngồi trên ghế trông ra hồ. Bố cũng mua kem cho Bé như mọi khi, chiếc kem xanh mà Bé đang ao ước. Nhưng khác mọi khi, hôm nay bố không ăn. Bé nghĩ: hay tại Bé chọn kem xanh, bố không biết ăn chăng? Lập tức, Bé thẩy que kem giả chú bán kem: “Bé ăn kem “tắng” cơ, cho bố ăn mấy”. Bố hiểu lòng thảo của Bé, bố ấn lại que kem xanh vào tay bé, hôn chụt má Bé, hít hà: “Con gái tôi, con gái tôi, khôn láu quá!” Bé chẳng hiểu ra sao nữa. Hồi nãy bố vừa chê Bé dại khờ xong.

Bố ngồi bên cạnh Bé, không ngớt ngắm Bé, bố tư lự lắm. Bé có vẻ rất bằng lòng, rất sung sướng với chiếc kem. Bé không còn một đòi hỏi nào, một mơ ước nào khác! Vậy thì bố có nên cứ mua cho Bé cái mà bố bảo là còn “hơn cả kem không?” Bố bỗng thấy những nét phả phê hớn hở trên mặt Bé mờ dần, nhường chỗ cho nhũng nét phụng phịu thèm muốn hôm nào bố và mẹ dắt Bé đi xem búp bê Tiệp-khắc ở cửa hàng Mậu dịch Tràng–Tiền.

Lần thứ nhất Bé nhìn thấy những búp bê to và đẹp đến thế, biết thức biết ngủ. Bé thích nhất cái con bê có hai đuôi sam vắt vẻo như Bé. Nó cũng có áo mới bằng vải hoa như Bé. Bé bảo mẹ mở tủ lấy bê cho Bé mang về. Mẹ sùy: “Phải có tiền mua chứ”. Bé trỏ vào túi tay của mẹ: “Tiền trong ấy đấy thôi.” Bố bảo: “Ngần ấy không đủ, phải có nhiều hơn thế.” Bé đứng ngẩn người, gọi thầm bê: “Bê ơi! Bê ra đây với tôi... tôi cho ăn kem”. Bê bị nhốt trong tủ kính, không nhúc nhích. Bé thương bê quá, thèm bê hơn thèm kem. Nhưng phải nhiều tiền mới mua được bê thì… chịu thôi.

Những việc, những lời xẩy ra quanh Bé, lọt vào tai Bé đã làm cho Bé biết được rằng: những cái gì nhiều tiền thì bố, mẹ chưa mua được, còn đợi để chính phủ giàu đã, nhân dân giàu đã. Đến Bé muốn ăn hai chiếc kem, bố cũng bảo: “Hạn quà cho con chỉ có một trăm thôi, đợi chính phủ giàu, nhân dân giàu, con tha hồ ăn.” Bé quay lại hỏi bố: “Bố ơi! Thế bao giờ chính phủ giàu, nhân dân giàu hả bố?” Bố thuận miệng đáp: “Ít nữa thôi.”

Ít nữa thôi với Bé là lâu lắm. Bé thì muốn có bê ngay bây giờ. Bé cứ đứng thần ra ngắm. Bố mẹ giục không đi. Mẹ sốt ruột doạ: “Này người ta sắp đóng cửa hàng đấy. Hay Bé ở đây một mình với búp bê.” Bé yêu bê thật, nhưng ở đây một mình với bao nhiêu cái lạ này, lỡ bị nhốt vào cái tủ như bê thì Bé chịu thôi, sợ lắm. Bé đành thủi thủi theo bố mẹ đi. Chỗ lông mày giao nhau lửng đỏ, triệu chứng Bé chỉ chờ cơ hội là khóc.

Về nhà, Bé cũng còn ngơ ngẩn nhớ Búp-bê, ôm cái gối dài của Bé nựng nịu. Tối đi ngủ Bé không rời con búp bê tưởng tượng. Bố mẹ suy nghĩ lắm. Mẹ chép miệng: “Tội nghiệp, nó thèm con búp bê quá, chắc ngủ mê cũng thấy.” Vì chuyện con búp bê, bố, mẹ mới nhận ra một điều là lấy nhau chín năm rồi, đã có mụn con là bé đấy, lên bảy tuổi, đã biết về nhau tất cả mọi nỗi khổ cực vất vả, nhất là từ trong cuộc phát động quần chúng hồi đầu năm ngoái ở quê nhà, cả bố cũng được về phối hợp đấu tranh, thế mà vẫn còn một cái khổ mẹ chưa nói với bố.

Mẹ kể: “Chả phải bây giờ ra Hà Nội công tác, em mới được ngắm búp bê to như thế này đâu. Em nhìn thấy từ ngày xưa, em chỉ nhỉnh hơn cái Bé nhà ta một hai tuổi. Nhìn con búp bê của con lão chủ đồn điền ấy mà. Bố con nó về chơi đồn điền, búp bê để ngoài ô tô hòm, cửa kính đóng kín. Em trèo lên bệ xe nhìn vào. Con búp bê to như đứa bé mới đẻ. Em nghĩ giá được bế một cái, nhịn ăn cả tháng cũng được. Bất đồ, mải ngắm thì bố con thằng chủ điền ra, mở cửa xe đằng trước, leo lên. Em chỉ còn kịp ngồi thụp xuống bệ, chưa nhảy được ra thì thằng chủ mở máy cho xe chạy, hất em ngã sóng xoài xuống đường, đầu va vào đá toạc mảng to, còn cái sẹo đây này.”

Mẹ nhấc bàn tay bố, luồn qua tóc sau ót, sờ chiếc sẹo, tóc không bao giờ mọc nữa. Mẹ nghe tiếng ực ực, không biết có phải tiếng bố khóc hay tiếng Bé thổn thức trong mơ. Kết quả câu chuyện là gần về sáng, bố mẹ bảo nhau: “Thôi kỳ truy lĩnh này, hai vợ chồng thế nào cũng có hai phiếu mua hàng mậu dịch, sẽ nhịn một phần mua cho Bé con búp bê. Con đã có áo hoa, giày da, nơ buộc tóc. Con còn phải có búp bê chơi.”

Bố mẹ quyết định thì bên gối Bé thiêm thiếp giấc nồng. Nhưng càng gần ngày được nhận truy lĩnh, bố thấy mẹ hình như có vẻ giãn quyết định ra. Không hẳn là mẹ bảo không mua búp bê cho bé nữa, mẹ chỉ dáo lên nhũng thứ cần phải mua với hai phiếu mua hàng, đại để như vải, ấm nhôm, thau chậu. Mẹ bảo: “Rồi sắp một cái thau cũ không đủ đâu.” Tính nhũng thứ mẹ muốn mua thì đến bốn phiếu mua hàng cũng hết. Bố vốn tính tẩm ngẩm, cứ để cho mẹ toan tính. Bố cũng không nhắc gì chuyện con búp bê hai người đã ước hẹn thầm với Bé.

Cho đến chiều nay, bố về nhà với tấm phiếu mua hàng trong túi. Bố chải đầu làm dáng cho con gái, dắt con gái đi, lén mẹ. Thế nào bố cũng mua cho con gái bố con búp bê. Bố không sợ người khác mua mất. Chị bán hàng đã bảo bố: “Mậu dịch biết thế nào cũng có nhiều người bố mua búp bê cho con nên mậu dịch đặt mua bên Tiệp Khắc về nhiều lắm. Bố chợt mỉm cười: “Một nông dân Việt Nam mua búp bê của Tiệp Khắc cho con chơi. Du thật. Chuyện ấy ngày xưa có ai dám nghĩ đến không?” Bố bảo Bé: “Đi con!” Bé lơn tơn cạnh bố. Ăn hết que kem rồi, nghe chân đi kém dẻo dai. Bố nhấc bổng bé lên, như nhấc bổng chiếc ba-lô. Hai bố con vào Mậu dịch.

Bé nhẩy cẫng, trụt khỏi tay bố. Con búp bê của Bé vẫn ở trong tủ. Khác cái, lần này bê đứng mãi chắc mỏi chân, đã ngồi xuống rồi, chân duỗi dài ra như đang dở chơi nu na nu nống. Bé dán mũi vào cửa kính, tìm chuyện nói với búp bê. Chợt một bàn tay lạ kéo Bé lùi xa cửa kính, thò tay vào trong tủ, nhấc đúng bê của Bé ra và đặt vào tay Bé. Bé ôm lấy không chút ngỡ ngàng. Bé nhìn bố khoe: “Bố ơi! Cô này cho con búp bê”. Cô bán hàng cười: “Bố em mua cho em đấy!” Bé cuống quít dục bố: “Về bố, về bố, về khoe mẹ!”

Hai tay Bé khư khư ôm búp bê vào ngực. Có lúc Bé quên cả bố đi bên cạnh. Bé còn mải nói chuyện với bê. Rằng: “Bê về nhà phải ngoan nhé, đừng quấy mẹ, mẹ hay mắng lắm. Khi nào mẹ mắng thì túm lấy quần bố. Mẹ đi công tác đã có bố ở nhà, bố đi công tác đã có mẹ, cả mẹ cả bố cùng đi thì đã có các cô, các chú, nhiều cô nhiều chú lắm.”

Bé mới nói chuyện đến đấy thì đã lại đến Bờ Hồ rồi. Bố nói: “Nghỉ một tý, Bé ạ”. Bé đồng ý ngay, được dịp cho bê xem bờ hồ. Bê ở lâu trong tủ kính chắc nóng lắm. Bé đưa bê ra bờ cỏ sát hồ. Hai chị em ngồi giãi thẻ, ngảnh mặt ra hồ ngắm cảnh.

Bố ngồi xuống thì lấy tay vỗ đùi, một cử chỉ đã thành thói quen từ khi thương tích ở đùi của bố bị trong một cuộc xung kích đồn Tây được mổ ra lấy đạn đã lành. Vết thương cũng đồng thời đổi bố từ một chiến sĩ chiến đấu thành một thương binh chuyển ngành và làm cho bố đi một quãng đường là thấy mỏi mỏi. Nhưng bây giờ bố ngồi nghỉ, còn vì bỗng thấy ngại gặp mẹ, ngại nghe mẹ phê bình. Phê bình đúng hẳn chứ. Thực tế bố mẹ đã đến mức mua đồ chơi đắt tiền hàng vạn bạc cho con đâu. Kế hoạch 56 chưa xong, mọi người còn thắt lưng buộc bụng, nhà còn thiếu đồ thiết dụng... một vạn bạc là... hai yến rưỡi gạo. Bố nhìn Bé đang cười rúc rích với búp bê. Bố bèn nhẩm lại nhũng lý lẽ đanh thép để tự bào chữa: cái sẹo trên đầu mẹ, vết thương ở đầu gối bố, tất cả để cho Bé được sung sướng. Bố không ngại gặp mẹ nữa.

Bố vừa toan gọi Bé đi về, thì mẹ từ đâu ùa tới, đặt phịch một gói lên lòng bố, tíu tít:

“Về đến nhà không thấy bố con đâu, biết ngay lại chỉ ra đây. Anh mở xem..."

Chưa hết câu, lại gọi Bé:

"Bé ơi! Lại đây! Lại đây!"

Bé ôm con búp bê khệ nệ bước lại. Mẹ nhìn con búp bê trong tay Bé, đờ người, thốt tiếng: “Ơ hay!...” Bố mở gói ra thấy con búp bê cũng: “Ơ hay!” Duy chỉ có Bé không ngạc nhiên gì cả, reo một tràng dài: “A! Cả mẹ cũng mua búp bê cho Bé nữa!” Bé điềm nhiên dang tay ôm nốt con búp bê mẹ vừa mang lại, đi về chỗ cũ, đặt song song xuống cỏ. Con bố bên này, con mẹ bên này. Sao hai con giống nhau thế. Bé lầm rồi đây này. Bé thích con bê của bố hơn. Nó đã thân với Bé trước. Bé phải làm thế nào để khỏi lẫn với con của mẹ? Bé nghĩ nhạy lắm. Bé sẽ tháo nơ đỏ của Bé buộc sau lưng cho bê bố làm khăn quàng đỏ. Bé bảo con bê mẹ mua: “Còn mày đến sau phải quàng khăn đỏ sau nghe chưa?”

Bé liếc nhìn mẹ. Mẹ mà biết thì mẹ giận đấy. Mà mẹ đang giận thật, có điều là mẹ đang giận bố chứ không phải đang giận Bé. Mẹ nói lầm bầm. Bố cũng nói lầm bầm. Bé nghe loáng thoáng những lời gắt gưởi: lãng phí, đem giả đi, đừng trẻ con, mua rồi còn đem giả, trẻ con lắm vào.

Nghe đến câu chiều con thì Bé chán quá, không nghe nữa. Vì Bé nghe mãi rồi. Có lúc thì là bố cự mẹ thế, lúc thì mẹ cự bố thế, nguy hiểm là có lúc cả hai cùng nhận lỗi với nhau là đã chiều Bé. Thật làm Bé nghĩ phen này có dễ cả bố lẫn mẹ cùng sẽ ghét mình. Nhưng chỉ một lát, phi bố tất mẹ lại ôm bé nựng nịu, quà quà bánh bánh cho Bé. Người lớn, chịu, không hiểu họ ra sao cả.

Bố mẹ thôi không lầm bầm nữa nhưng lại thừ ra, mặt bố cau lại, mặt mẹ đỏ phừng phừng. Hai bê của bé mà cũng giống thế kia thì xấu quá. Bé không thích đâu. Bé nhìn hai bê thần người nghĩ ngợi: nếu hai bê mà cãi nhau thì Bé làm thế nào nhỉ?

Bé nghĩ một lát đứng phắt dậy ôm một con – bây giờ thì con của bố hay con của mẹ cũng chẳng hề gì. Bé phăng phăng chạy lại trước mặt mẹ, đặt vào lòng mẹ, nói một hơi:

Hai con bê này nó cứ cãi nhau con không dỗ được, con giả mẹ con này để mẹ cho em bé trong bụng.

Bố mẹ nhin nhau một giây rồi cùng phá lên cười.

Tiếng cười của bố mẹ làm sao gợn cả sóng Hồ Gươm... Mấy con chim trên cành vội cất cánh bay, đánh rơi lộp độp trên đầu Bé những đốm trắng trắng... Khách qua lại lây cái cười của bố mẹ cũng nhoẻn miệng cười theo.
Nguồn: Trăm Hoa, ngày 25 tháng 11 năm 1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.