trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
10.9.2007
Lê Thiếu Nhơn
Gửi VB gửi gì cho Thơ?
 
Tôi chỉ hơi bất ngờ khi Phan Thị Vàng Anh in tập thơ Gửi VB, nhưng thật sự rất bất ngờ khi nghe tin tác phẩm này được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi xao xác tự hỏi: Gửi VB đã gửi gì cho thơ?

Thành tâm mà nói, tôi quý mến Phan Thị Vàng Anh từ khi chưa gặp chị, vì biết chị qua một số trang văn lôi cuốn và biết chị là con gái của nhà thơ Chế Lan Viên. Đối với tôi, nhà thơ Chế Lan Viên là một người thầy lớn. Tôi không chỉ học được ở ông những gì liên quan đến văn chương, mà còn học được ít nhiều cách hành xử với đời sống. Chế Lan Viên bắt đầu sự nghiệp bằng tâm trạng âm u “Điêu tàn”, rồi đột ngột vươn vai “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, bỗng cuối hành trình lại thâm sâu hết Di cảo I đến Di cảo II. Chế Lan Viên dạy tôi cách sống như một dòng sông, không bao giờ chảy tràn qua núi để bị núi chặn lại thành… một cái hồ vuông vắn, mà tìm lối chảy vòng qua núi, trở thành một dòng vạm vỡ tăm tắp. Chính Chế Lan Viên dạy con mình: “Học không phải để vui, mà để không ai giết được!”. Phan Thị Vàng Anh rất tạc dạ lời dạy này, và hơn một lần nhắc lại trong các bài viết về cha mình. Điều này khiến tôi lo ngại khi đọc thơ Phan Thị Vàng Anh, bởi cái tâm niệm sống duy lý đến mức cay nghiệt ấy không thể nào có chỗ trong thi ca!

Phan Thị Vàng Anh cho in Gửi VB dày 52 trang, có 21 bài thơ và nhiều minh họa. Tôi ra hiệu sách mua một cuốn, vì quý mến chị và muốn kiểm chứng suy nghĩ cá nhân về khả năng thơ Phan Thị Vàng Anh. Nghiêm túc đọc từ đầu đến cuối, tôi nhắn tin cho chị: “Tập thơ mỏng thế mà giá đến 15 ngàn. Đúng là tập thơ đắt nhất thế giới!”. Phan Thị Vàng Anh trả lời: “Bán tranh chứ không phải bán thơ!”. Tôi hài lòng với cách nói ấy, vì không cần phải xác định đùa hay thật, tôi chỉ chú ý đến thơ, liệu thơ chị có giống như giun dế khi đặt cạnh thơ cha mình không? Áp lực con gái một nhà thơ trứ danh không phải dễ vượt qua cho tác giả Gửi VB!

Không ai phủ nhận Phan Thị Vàng Anh rất thông minh và sắc sảo. Phẩm chất ấy không những thể hiện ở hai tập truyện ngắn Khi người ta trẻHoa muộn, mà còn bộc lộ rõ ràng hơn ở tập tạp văn Nhân trường hợp của chị Thỏ Bông. Đến hôm nay tôi vẫn thấy tiếc là lĩnh vực báo chí - xuất bản nước ta chưa có một giải thưởng nào cho thể loại tạp văn, để trao tặng Nhân trường hợp của chị Thỏ Bông. Tôi phục Phan Thị Vàng Anh viết tạp văn rất khéo, biết cách đưa đẩy tình huống và biết chọn văn cảnh thích hợp để tung ra những bình luận xác đáng. Nếu có chút luyến tiếc thì thưa rằng những tên bài nhỏ trong Nhân trường hợp của chị Thỏ Bông vẫn nằm ở dạng thường thường bậc trung, chứng tỏ năng-lực-chữ tác giả tương đối chừng mực. Một người năng-lực-chữ chừng mực thì rất khó có thể làm thơ hay!

Gửi VB phát hành chẳng bao lâu, hàng loạt lời khen nức nở trên các trang báo. Tiêu biểu nhất và gây chú ý nhất là nhận định của nhà thơ Nguyễn Duy: “Thơ Vàng Anh đơn giản như là không có gì, cảm xúc bình dị trong cõi thực nhỏ nhoi gần gũi mà từ tốn gợi mở những vu vơ, huyền ảo của suy tưởng. Cái suy tưởng từ riêng mình và cho riêng mình. Thơ ấy như nhật ký, như tự nhủ, chỉ để cho một mình mình đọc”. Ôi, đây là một lời khen ngợi đầy khôn ngoan, câu sau phủ nhận câu trước, nên không ai có thể bắt bẻ được gì, dù chỉ chứng minh bằng một câu thơ duy nhất “tất cả chim hót đều giấu mặt” trích từ bài “Trong Cúc Phương”. Tuy nhiên, nhà thơ cao thủ Nguyễn Duy vẫn hớ hênh khi đánh giá thơ Phan Thị Vàng Anh là “một giọng thơ không dễ dãi”. Nhầm lẫn rồi, tâm trạng của người làm thơ thì không dễ dãi, nhưng chuyển tải thành thơ thì hơi dễ dãi đấy. Hầu hết những bài thơ trong Gửi VB đều thể hiện theo lối thơ- văn xuôi hay nói cách khác là thơ- mặt-phẳng. Nghĩa là không có ý ngoài lời, tất cả đều phơi bày theo giá trị cơ bản nhất của chữ - giá trị truyền đạt thông tin! Do đó, nhìn ở góc độ người làm thơ chuyên nghiệp, Gửi VB dễ dãi với nung nấu sáng tạo chữ nghĩa, dễ dãi với cháy bỏng dâng hiến thi ca. Ví dụ, hai câu mở đầu bài “Ngủ” bông phèng ở thể lục bát: “Nào cần gì phải đi xa/ Lên giường nhắm mắt cũng là đi chơi”. Hai câu này quá ngây ngô, mà một nhà thơ có ý thức phải nhanh tay gạch bỏ ngay, dù nó gắn kết với bất kỳ đoạn nào trong bài thơ! Lối tư duy chữ nghĩa của một người viết văn xuôi đã áp đặt lên rất nhiều bài thơ Phan Thị Vàng Anh. Ngay cả bài thơ được chọn làm tên cho cả tập “Gửi VB” cũng chỉ đảm bảo giá trị thơ ở mấy câu cuối: “Hai cái đầu tưởng lạnh như băng/ Vào một ngày rất bình thường/ Bị làn gió nhẹ góc Hồ Gươm thổi cho xiêu vẹo”, còn cả khúc trên kể lể dông dài!

Một nhà văn tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh đột nhiên in thơ thì cũng là một sự kiện văn chương. Nhân Ban công tác Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Bàn tròn Văn chương, tôi đề nghị Phan Thị Vàng Anh: “Tọa đàm về tập thơ của chị đi. Tôi sẽ viết đề dẫn, chỉ ra cả ưu điểm lẫn khuyết điểm!”. Phan Thị Vàng Anh ôn tồn: “Chị làm chơi thôi, thảo luận làm gì!”. Tôi tin chị chân thành! Công bằng mà nói, khi những đơn vị uy tín như Nhà xuất bản Hội Nhà văn hay Nhà xuất bản Văn học cũng ùn ùn khai sinh những tập thơ kém cỏi, thì Gửi VB cũng là một tín hiệu đáng mừng, nhưng vẫn chưa phải là một tác phẩm nhất thiết phải khoác lên giải thưởng nào đó. Vì vậy, tôi khá bất ngờ khi Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cho Gửi VB với tuyên bố: “Cái mỏng về số lượng không nói lên chất lượng. 21 bài thơ trong một tập thơ thể hiện một quan niệm kiên quyết đề cao chất lượng, không chạy theo số lượng để làm cho tập sách dày dặn hơn. Ngắn gọn và chất lượng là một chủ kiến. Giản dị đến mức tối giản là một quan niệm. Tìm tòi, không bằng lòng với những gì sẵn có của thơ là một ý thức, được chuyển hóa thành tác phẩm. Ngôn ngữ tiết chế, chính xác, cảm xúc được huy động đủ độ, cấu trúc thơ đôi khi được làm mới một cách bất ngờ nhưng không sa vào khiên cưỡng”. Theo tôi, những khen ngợi trên xứng đáng được dành cho một tập thơ toàn bích. Tuy nhiên, dành cho Gửi VB thì hơi quá lời, dành riêng cho bài “Ngày thứ ba ở Hội An” thì có thể chấp nhận: “Trăng sáng/ Ngư dân ở nhà chơi với vợ/ Đợi đêm đen còn ra với phong ba/ Trăng sáng/ Nước ánh bạc, lưới không sao giấu mắt/ Cá băng băng tung tẩy từng đàn/ Ngộp thở/ Phố cổ oi, đèn lồng vàng và đỏ/ Người đi từng đàn, đổ về phía bờ sông/ Sực nhớ ra, thắt cả lòng: Lúc đi, đóng cửa, đã không bật đèn”. Thật hay, bài thơ đọng lại cảm giác tiếc nuối của người không được góp thêm một ngọn đèn vào đêm phố cổ lung linh, và bập bùng thức tỉnh cho những ai chưa biết hướng tới cái đẹp!

Giữa cái nền lý luận phê bình cả nể của chúng ta, viết về một tập thơ đoạt giải, nếu khen thì mang tiếng theo đóm ăn tàn, còn chê thì mang tiếng ganh ăn tức ở. Thế nhưng, tôi ghét cay ghét đắng cái thói ngồi lê hè phố chê bai bạt mạng của giới văn nghệ đương thời, nên nhắn tin chúc mừng Phan Thị Vàng Anh và bày tỏ: “Tôi muốn viết một bài về tập thơ của chị, nhưng không chỉ khen như những người khác. Chị có buồn không?”. Quả đúng như tôi dự đoán và vẫn luôn tin tưởng vào sự chuyên nghiệp của Phan Thị Vàng Anh, chị đã trả lời: “Sao lại buồn. Chị thấy nhiều người tội nghiệp lắm, được bài khen thì cảm ơn rối rít, được bài chê (dù đúng) thì coi người viết như kẻ thù muốn hại mình. Cho nên em cứ viết thoải mái đi nhé, đừng lo chị bực mình!”. Sở dĩ tôi phải thăm dò, vì một giải thưởng không làm tên tuổi Phan Thị Vàng Anh chói sáng hơn, mà một bài báo cũng không mang lợi lộc gì cho tôi. Tôi không muốn những lời nói thẳng nói thật lại làm tổn hại tình cảm đồng nghiệp giữa tôi và Phan Thị Vàng Anh, vốn lâu nay vẫn thân thiết như chị em! Hơn nữa, tôi viết về Gửi VB đã được trao giải, không khác gì phản biện Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi nghĩ, trong một xã hội văn minh và dân chủ, chúng ta không chỉ hoan nghênh những tiếng nói đồng thuận, mà còn phải chấp nhận những tiếng nói khác biệt, thậm chí phải tập lắng nghe cả những tiếng nói đối lập.

Gửi VB là một tập thơ lấy ý, chứ không phải lấy câu hay lấy tứ. Khi đọc Gửi VB, tôi phấp phổng mong chờ có những ý bùng nổ như tập Một chấm xanh của Phùng Khắc Bắc. Một tập thơ lấy ý thì phải ghi dấu bằng một ý vượt trội nào đó, để khi nhắc đến tập thơ là người đọc lập tức nhớ ngay. Trong bài “Ra đi”, Phùng Khắc Bắc viết về cảnh một người lính ngày tòng quân: “Cha tôi vắng mặt. Người đã tiễn tôi bằng cái nhìn như vuốt vào đôi mắt”, cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh và nỗi trắc ẩn của thân phận. Hơi tiếc, Gửi VB chưa có một ý nào tầm vóc như thế! Cũng xếp vào loại thơ lấy ý được trao giải thưởng, trước mắt Gửi VB đã khiêm tốn hơn khi so với Một chấm xanh. Hơn nữa, tôi nghĩ, một tập thơ khi được trao giải thưởng có nghĩa là tôn vinh khao khát làm thơ và tôn vinh vóc dáng nhà thơ. Có người nói rằng, đi tận cùng cái Tôi sẽ gặp nhân loại. Thơ Phan Thị Vàng Anh chưa đủ “gặp nhân loại” vì chỉ mới thể hiện được cái Tôi quẩn quanh, chứ không phải cái Tôi tận cùng. Soi qua cái Tôi trong thơ Phan Thị Vàng Anh, chưa thấy được nhiều người. Gửi VB giống như nhật ký, cứ để nó sống đời sống riêng tư, chứ đừng tung hô như lá ngọc cành vàng chốn đông người. Tôi thừa nhận Gửi VB bùi ngùi sự cô đơn, nhưng cái cô đơn chưa có tính biểu tượng để thấy thế sự hay thời cuộc. Tôi khá ấn tượng với bài “Ngày lạnh nhất Hà Nội” vì có sự chuyển động ngôn ngữ. Qua đó, Phan Thị Vàng Anh chứng tỏ một lần kỳ công với chữ: “Phố nhoen nhoét và mưa van vát”, một lối nói thông minh “Những chiếc taxi bỗng nhiên trở mặt gọi không dừng lại” và một đoạn thơ gây xao động “Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc/ Âm thầm thôi, trong đêm chỉ đôi mắt mèo động đậy/ Nhớ lúc phong phanh, áo mỏng rất gần tim/ Nhớ những con hẻm nhỏ ít tiếng nói, nhớ những con người lầm lũi”. Vậy mà câu thơ ẩn ý nhất “Buồn làm sao, chuyện gì cũng thành ấm áp” lại rơi ra khỏi nhịp đập của toàn bài. Tôi ngờ rằng, Phan Thị Vàng Anh đã viết câu thơ này khi chỉnh sửa lại bài thơ, vì lúc rung cảm thi ca trôi qua, chị trở về con người thật duy lý của mình. Không bao giờ xuất hiện trạng thái tâm lý một người lê đôi chân nặng nề từng bước thương nhớ, từng bước tủi thân, từng bước trống vắng lên mấy tầng chung cư mà lại cắc cớ nhân tình “Buồn sao, chuyện gì cũng thành ấm áp”. Ngược lại, nếu cảm hứng câu thơ cuối cùng này là chủ đạo thì sẽ trực tiếp tố cáo những xao động phía trên hoàn toàn giả tạo! Bài thơ là minh chứng rõ nhất cho cây bút văn chương sắc sảo đã thất bại khi muốn thử yếu mềm thi ca!

Chất lượng tập thơ Gửi VB rất đúng với tâm trạng Phan Thị Vàng Anh viết bài thơ “Tập làm thơ” in cuối sách: “Tôi phục kẻ thù tôi, nghĩ ra những câu co quắp, rợn người, thoát ra ngoài biên giới não”. Tập thơ Gửi VB chưa có một câu thơ nào đủ làm chứng-chỉ-thi-sĩ! Trao giải thưởng thơ cho một cây bút văn xuôi sắc sảo thì so sánh khập khiễng không khác gì trao giải siêu sao rửa bát cho một nghệ sĩ dương cầm. Đánh đàn rất hay là ưu điểm rạng ngời của nghệ sĩ dương cầm, nhưng khi nghệ sĩ dương cầm vụng về đánh rơi vài cái bát thì không nên vỗ tay ầm ĩ để khuyến khích trở thành người rửa bát chuyên nghiệp! Trao giải thưởng là quyền của Hội Nhà văn Hà Nội, nhưng khi biết Gửi VB vượt qua hai tập thơ Ngày rất dàiThế giới không còn trăng thì tôi hơi ưu tư. Gửi VB hơn hẳn Ngày rất dài thì đúng rồi, vì thơ Đoàn Mạnh Phương chữ cũ mà ý cũng cũ, chỉ có chút tài hoa điệu đà uốn lượn phù hợp với những ai thích son phấn. Riêng tập Thế giới không còn trăng của Nguyễn Trọng Tạo, thì chỉ cần bài thơ “Khủng bố” vỏn vẹn bốn câu: “Ai khủng bố ai ngoài trái đất/ Tôi nép bóng tôi sát chân tường/ Con ong cái kiến co mình lại/ Còn sống mà như đã tử thương” đủ sức khẳng định một vóc dáng nhà thơ!

Năm ngoái, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng lý luận phê bình cho tập Giăng lưới bắt chim gồm những bài báo hoạt ngôn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi đã thấy ít nhiều sự sùng bái cá nhân vượt qua giá trị tác phẩm. Năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thương thơ cho tập Gửi VB càng thấy “lịch sử lặp lại”. Tôi phấp phổng mong, Phan Thị Vàng Anh dùng sự chân thành lúc nói với tôi: “Chị làm chơi thôi, thảo luận làm gì” để nói với Hội Nhà văn Hà Nội: “Tớ làm chơi thôi, trao giải làm gì”. Tôi chỉ là một người làm thơ, lẽ ra cứ giữ im lặng cho đỡ phiền phức, nhưng chờ đợi mãi chẳng thấy nhà phê bình nào lên tiếng. Nếu tôi không viết bài này, tôi xót xa cho những đồng nghiệp trẻ của mình, họ bé nhỏ và bất lực, họ co cụm lại cũng không tìm ra cách nào để bảo vệ giùm nhau cái quyền sơ đẳng nhất dành cho những người hăm hở cầm bút, đó là quyền ngưỡng vọng giải thưởng văn chương. Nếu Gửi VB không phải của Phan Thị Vàng Anh, thì tôi e rằng tập thơ đã rơi tõm vào bạt ngàn thị trường sách năm 2006 mà không có một hồi âm tích cực nào. Một giải thưởng văn chương, nếu trao không đắn đo sẽ đe dọa thiên lương của những cây bút trẻ, khiến họ nghi ngờ giá trị sáng tạo đích thực. Nhiều năm qua, các giải thưởng văn chương dần dần bớt sức thuyết phục. Thực trạng ấy, mấy ai dám chắc rằng, các tác giả trẻ vẫn can đảm tin tưởng vào chính đam mê sáng tạo của mình, có thể họ lại vuốt ve người nọ hoặc lấy lòng người kia để được vào Hội, rồi xin phiếu để vào Ban Chấp hành mà tự do trao giải thưởng theo cảm tính như ban phát ân huệ. Thật lòng, tôi sợ hãi những giải thưởng văn chương ngọt lạt nửa vinh danh nửa hiếu hỉ!

© 2007 talawas