trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
13.9.2007
Stephen Prothero
Tôn thờ trong sự thiếu hiểu biết
Cao Ngọc Thạch dịch
Hoàng Đại Dương hiệu đính
 
Đôi nét về tác giả: Stephen Prothero là giáo sư, trưởng khoa Tôn giáo, Trường đại học Boston (Boston University), tác giả của cuốn Religious Literacy: What Every American Needs to Know-- and Doesn’t (HarperOne, San Francisco, 2007) mới xuất bản gần đây. Xem thêm về Giáo sư Stephen Prothero http://www.bu.edu/religion/faculty/bios/prothero.html
Trong suốt hai năm qua, tôi ra bài kiểm tra ngắn về kiến thức tôn giáo cho sinh viên các lớp nhập môn về nghiên cứu tôn giáo tôi dạy ở Trường đại học Boston (Boston University). Tôi yêu cầu họ liệt kê bốn sách Phúc âm, bảy phép bí tích của đạo Công giáo La Mã, và Mười Điều răn. Tôi cũng yêu cầu họ nêu tên cuốn kinh của đạo Hồi. Họ làm không được tốt.

Trong bài kiểm tra, các sinh viên của tôi bảo Ramadan là một ngày lễ của người Do Thái, sách Khải huyền [1] là một trong năm cuốn của Thánh kinh Hê-brơ, và Paul lãnh đạo dân Do Thái trong cuộc vượt thoát ra khỏi Ai Cập. Năm nay tôi có một sinh viên theo Ấn Độ giáo không thể nêu tên một quyển kinh của tôn giáo mình, một sinh viên theo phái Tin Lành Báp-tít không biết câu “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn” là từ Thánh kinh, [2] và những sinh viên Công giáo xa lạ với quy tắc vàng. [3] Suốt hai năm, chỉ có mười bảy phần trăm trong số các sinh viên của tôi trả lời được các câu hỏi.

“Sự hiểu biết về văn hoá” đã được thảo luận sôi nổi kể từ khi cuốn sách nổi tiếng [4] của E. D. Hirsch ra đời vào năm 1987 và thổi niềm hy vọng vào những xung đột văn hoá vào lúc ấy. Ngày nay, sự thiếu hiểu biết về tôn giáo tràn lan chí ít cũng bằng mức độ của sự thiếu hiểu biết về văn hoá, và chắc chắn là nguy hiểm hơn. Sự thiếu hiểu biết về tôn giáo nguy hiểm hơn vì tôn giáo là thành tố nhạy cảm nhất của văn hoá. Bên cạnh là một trong những thế lực hùng mạnh nhất đem lại cái thiện trong lịch sử thế giới, tôn giáo cũng đã là một trong những thế lực hùng mạnh nhất đem lại cái ác.

Tuy vậy, nguời Mỹ vẫn thiếu hiểu biết trầm trọng về các tôn giáo của chính mình và của những người khác. Theo những cuộc thăm dò gần đây, phần lớn người Mỹ trưởng thành không thể nêu tên dù chỉ một trong bốn sách Phúc âm, và nhiều học sinh năm cuối ở bậc trung học cho rằng Sodom và Gomorrah [5] là hai vợ chồng. Cách đây vài năm, không ai trong số các khán giả xem Tonight Show của Jay Leno có thể nêu tên của một trong số Mười hai Tông đồ (của Chúa Jesus), nhưng ai cũng có thể hô to tên bốn thành viên của ban nhạc Beatles.

Người ta có thể cho rằng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo chỉ đơn thuần là một vấn đề tôn giáo - đó là chuyện của các mục sư, linh mục, giáo sĩ, và thầy tế. Nhưng khi mà, ở nước Mỹ ngày nay, các vị tổng thống trích dẫn Thánh kinh trong các bài diễn văn nhậm chức, các vị dân biểu quốc hội trích dẫn chuyện “Người Samaria nhân lành” [6] trong các cuộc tranh luận về luật nhập cư, và các chính trị gia đủ mọi thành phần viện dẫn sách Sáng thế trong các cuộc tranh luận về môi trường, thì sự thiếu hiểu biết về tôn giáo còn là một vấn đề dân sự.

Trong một kỷ nguyên khi đời sống công cộng, dù đúng hay sai, bị tràn ngập bởi những mỹ từ tôn giáo, làm thế nào mà người ta có thể thực sự tham dự vào đời sống công cộng mà không biết một tí gì về Ki Tô giáo hay những tôn giáo lớn khác của thế giới? Làm sao mà biết được một “phác thảo thông minh” [7] là “tôn giáo” hay “khoa học” khi không có chút kiến thức về tôn giáo cũng như khoa học? Làm sao biết được cái cố gắng liên kết Ki Tô giáo với “những giá trị gia đình” có đem lại kết quả gì không khi không biết Jesus thuộc loại “người gia đình” nào? Có thể nào phân xử giữa một bên là sự mô tả của Tổng thống Bush về Hồi giáo như là một tôn giáo hoà bình và một bên là lời kết án của các nhà truyền giáo trên các đài truyền hình có khuynh hướng Ki Tô giáo rằng Hồi giáo là một tôn giáo của chiến tranh, khi mà chẳng biết gì về Muhammad và kinh Quran?

Điều đáng tiếc là các công dân Mỹ ngày nay thiếu những hiểu biết căn bản này về tôn giáo. Kết quả là, nhiều người Mỹ dễ bị hớp hồn bởi những chính trị gia mị dân. Ít ai trong chúng ta có thể thách thức lại những tuyên bố của các chính trị gia hay các bình luận gia về vị trí của Hồi giáo trong cuộc chiến chống khủng bố, hay về những gì Thánh kinh nói liên quan đến đồng tính luyến ái. Sự thiếu hiểu biết này làm cho đời sống công cộng của chúng ta lâm nguy, đẩy các công dân vào vòng nô lệ của các bình luận viên truyền hình, và tiếp tay chuyển quyền lực từ nhân dân về cho giới báo chí.

Suốt mấy tháng qua, các giảng viên và các nhà quản trị giáo dục ở Harvard xem xét coi có nên bắt buộc các sinh viên đại học phải học một môn về nghiên cứu tôn giáo không. Đến tháng 12 thì nhà trường thông báo là họ đã bỏ yêu cầu “lý trí và đức tin” đã đề xuất. Như vậy, Harvard đã từ bỏ ý định của mình. Sau 11/9/2001, tôn giáo trở nên một đề tài ngày càng được nhiều người quan tâm trong các khuôn viên đại học. Số lượng sinh viên ghi danh vào học các lớp về nghiên cứu tôn giáo ở trường tôi tăng nhanh. Nhưng hầu hết các trường đại học, kể cả Harvard, vẫn tiếp tục sản xuất hàng loạt những sinh viên tốt nghiệp mà không biết một tí gì về Ki Tô giáo hay Hồi giáo, về Thánh kinh hay kinh Quran. Đó không chỉ là một chuyện đáng xấu hổ mà còn là một vụ bê bối.

Thay vì theo đuôi Harvard và làm ngơ trước cuộc khủng khoảng của chúng ta về sự thiếu hiểu biết tôn giáo, các trường đại học Hoa Kỳ nên lên tiếng về vấn đề này và hãy làm điều mà Harvard đã không làm được: bắt buộc tất cả các sinh viên đại học phải học một môn về nghiên cứu tôn giáo.

Kể từ những năm 1960, việc nghiên cứu mang tính học thuật về tôn giáo đã tìm được chỗ đứng ở nhiều trường đại học công và tư ở Hoa Kỳ. Các chương trình và phân khoa nghiên cứu tôn giáo ở khoảng 800 khuôn viên đại học có chuyên ngành chính, và các môn học về Thánh kinh và tôn giáo thế giới được tính vào phần bắt buộc của chương trình giáo dục đại cương ở hầu hết các trường này. Đối với các sinh viên ở các trường Công giáo và Tin Lành theo phái Phúc âm thì các môn học nghiên cứu về tôn giáo là phần bắt buộc. Tuy nhiên hầu hết các trường đại học công và tư không theo tôn giáo thì không yêu cầu có bất cứ môn học nào trong chủ đề này. Vì vậy hàng năm các trường đại học trao bằng cử nhân cho hàng triệu sinh viên, những người không thể kể tên cuốn đầu tiên của Thánh kinh, cho rằng Jesus đã tách đôi Biển Đỏ [8] và Moses chịu khổ hình trong Vườn Gethsemane, những người không biết Hồi giáo huấn dạy gì về chiến tranh và hoà bình, và không biết đến sự khác nhau căn bản nhất giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Hãy nghĩ về hiệu ứng lan truyền nếu các sinh viên sắp nhận bằng cử nhân về truyền thông - các nhà báo, phát ngôn viên truyền thanh truyền hình, các nhà sản xuất chương trình truyền hình và các đạo diễn phim tương lai của chúng ta - biết một chút ít về các tôn giáo của thế giới. Hay nếu các sinh viên tốt nghiệp đại học đi vào lĩnh vực chính trị hay kinh doanh có biết chút ít về kinh Quran.

Những nhà tư tưởng nào cho rằng cần có sự chú ý nhiều hơn đến tôn giáo trong đời sống công cộng đều thường bị cho là có ý muốn tuyên truyền thần học. Điều đó thường đúng. Tuy nhiên mục đích của tôi lại có tính dân sự. Tôi không muốn làm cho các trường đại học hay các sinh viên Hoa Kỳ trở nên mộ đạo hơn. Giải pháp của tôi cho vấn đề thiếu hiểu biết về tôn giáo hoàn toàn dựa trên nền tảng thế tục. Tôi cho rằng không thể nói là người Mỹ được trang bị những kiến thức cần thiết để làm công dân nếu họ thiếu sự hiểu biết căn bản về Ki Tô giáo và các tôn giáo khác của thế giới. Những môn học tôi ủng hộ dạy ở bậc đại học sẽ dạy về tôn giáo, chứ không bắt sinh viên phải theo đạo.

Trong những năm gần đây, George M. Marsden, một sử gia ở Trường đại học Notre Dame (University of Nortre Dame), và Warren A. Nord, giảng viên triết học ở Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill (University of North Carolina – Chapel Hill), đã ủng hộ việc đưa “sự giảng dạy tôn giáo có tính quy phạm” trở lại các trường đại học và cao đẳng ở Hoa Kỳ. Họ muốn các giáo sư không chỉ mô tả các truyền thống tôn giáo mà còn phải đánh giá về những điều tốt xấu của các truyền thống này. Các học giả này cũng cho rằng cần thiết phải cho các sinh viên học về các “quan điểm tôn giáo” trong các lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo - học các phê phán thần học về kinh tế học cổ điển và “các diễn giải tôn giáo của lịch sử”. Nord viết, “phải có chỗ” cho cả sự phân tích khách quan về tôn giáo và “sự phản ảnh có tính quy phạm về tôn giáo”.

Điều mà dường như Marsden và Nord mong muốn là, một lần nữa, biến các trường đại học và cao đẳng (hay chỉ một số trường) thành các địa điểm tôn giáo - để làm phục hồi những câu hỏi lớn về Thiên Chúa, về sự sáng tạo, và tội không chỉ trong các phân khoa về tôn giáo mà còn trong các môn học về triết học, kinh tế, lịch sử, và khoa học chính trị. Đề nghị của tôi thì khiêm tốn hơn và ít gây tranh cãi. Tôi chỉ muốn thuyết phục các vị có trách nhiệm trong nền giáo dục đại học Hoa Kỳ rằng đừng có xem thường chủ đề này. Không có lý do gì mà không đòi hỏi các nhà lãnh đạo tương lai của nước Mỹ một sự hiểu biết tối thiểu về tôn giáo.

Sự hiểu biết thuộc loại này có thể được trau đồi trong nhiều môn học. Hiển nhiên nhất là môn học về tôn giáo thế giới, trong đó tối thiểu có Do Thái giáo, Ki Tô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, và các tôn giáo Trung Hoa. Trong suốt khoá học như vậy, sinh viên sẽ được học về các biểu tượng căn bản, những tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, và những chuyện kể về các tôn giáo đó. Đến cuối khoá học họ sẽ được trang bị tốt hơn để hiểu đâu là vấn đề sống còn của các tín đồ Hồi giáo, Ki Tô giáo, và Do Thái giáo ở Jerusalem, của các tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo ở Kashmir, và của những người theo Ấn Độ giáo và Phật giáo ở Sri Lanka.

Những người yếm thế có thể cho rằng như vậy là quá ít, quá trễ - rằng chứng lãng quên tập thể của chúng ta về tôn giáo đã quá trầm trọng. Nhà xã hội học người Pháp Daniele Hervieu-Léger cho rằng, nếu xem tôn giáo như một chuỗi ký ức, thì người Mỹ đã làm đứt gãy nó. Có lẽ đúng như vậy. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Thật ra tôi tin rằng điều kiện cho sự thay đổi trong nền giáo dục đại học Hoa Kỳ đã chín muồi.

Suốt dòng lịch sử nước Mỹ, sự thiếu hiểu biết về tôn giáo đã được tiếp sức bởi một chuỗi những cam kết đối với sự khoan dung tôn giáo đã làm xoá đi sự khác biệt giữa các truyền thống tôn giáo. Sau cuộc Đại Chấn hưng Tôn giáo lần thứ hai vào đầu thế kỷ 19, người Mỹ xoá nhoà sự khác nhau giữa các giáo phái Tin Lành để cùng nhau hợp tác trong việc bãi bỏ chế độ nô lệ, ủng hộ quyền của phụ nữ, và các cải cách xã hội khác. Trong cuộc chấn hưng tôn giáo theo sau Đệ nhị Thế Chiến, họ xoá nhoà sự khác biệt giữa Ki Tô giáo và Do Thái giáo để cùng nhau chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần. Gần đây hơn nữa, họ đã bỏ qua sự khác nhau giữa Hồi giáo, Ki Tô giáo và Do Thái giáo nhân danh truyền thống Abraham; trong khi người Mỹ các loại có khuynh hướng “tâm linh chứ không phải tôn giáo” lại bỏ qua sự khác nhau giữa Phật giáo và Ki Tô giáo, giữa Ấn Độ giáo và Do Thái giáo, nhân danh lòng từ bi.

Nhưng một xung lực đối nghịch dường như đang hình thành - sự hồi phục của tính đặc thù cả trong học thuật cũng như trong văn hoá đại chúng ở Mỹ. Đa số bây giờ xem sự hoà tan (về mặt văn hoá) chỉ như là một huyền thoại. Chúng ta, như nhà văn Công giáo Michael Novak nói, là “những nhóm nhân chủng không thể hoà tan vào nhau được”. Chúng ta không chỉ tự hào về cái chất Ái Nhĩ Lan, cái chất Phi châu, về màu da nâu hay đỏ. Chúng ta còn còn tự hào rằng chúng ta thuộc truyền thống Chính thống giáo Ai Cập và Phật giáo Tây Tạng, Do Thái giáo chính thống và Tin Lành theo phái Phúc âm. Những người nhập cư gần đây đến từ Ấn Độ báo cáo một vài áp lực bắt họ phải bỏ đạo; thực tế, những tín đồ Ấn Độ giáo thường trở nên mộ đạo hơn khi đến nước Mỹ, chứ không phải kém đi. Ngay cả những tín đồ Ki Tô giáo bảo thủ khi phê phán cái “đời sống công cộng trần trụi” cũng thường lồng nó vào sự đòi hỏi về tính đặc thù. Những tín đồ Ki Tô giáo đã được rửa tội xuất hiện càng đông khi những sinh viên và giáo sư nhận Jesus là Đấng Cứu thế và là Chúa.

Rõ ràng là có một khoảng cách ngày càng lớn ở Hoa Kỳ giữa những gì mà chúng ta thực sự biết về tôn giáo và những gì chúng ta cần phải biết. Nhưng cũng có một sự quyết tâm làm hẹp lại khoảng cách đó - một cảm giác hổ thẹn, hay ít ra là tội lỗi, về sự lãng quên của chúng ta, về việc làm đứt cái dòng ký ức đã từng gắn kết tổ tiên chúng ta lại với nhau, và gắn kết tổ tiên của chúng ta với những truyền thống tôn giáo đặc thù mà họ yêu mến. Người Công giáo than van về sự hiểu biết về Công giáo trong quá khứ là lệ thường, cũng giống như người theo phái Phúc âm than van sự thiếu kiến thức liên quan đến Thánh kinh và tín đồ Do Thái giáo khóc lóc về sự thiếu hiểu biết về Do Thái giáo.

Khi nói đến tôn giáo, chúng ta có những lý do chính đáng cho sự lãng quên tập thể này. Thường thì đó là sự khoan dung - trước hết là đối với những người Tin Lành khác, sau đó là những người Công giáo và Do Thái giáo, gần đây nhất là đối với những tín đồ Hồi giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo - đã khiến chúng ta vất bỏ thần học để lấy những tiêu chuẩn đạo đức, đem đổi những học thuyết và những chuyện kể trong những truyền thống tôn giáo của chúng ta để lấy lời hứa hẹn về trật tự xã hội. Chắc chắn có nhiều người Mỹ ngày nay lấy làm thích thú về cái thời đại không mấy hoàng kim này của các cuộc tranh chấp tôn giáo chua chát về việc rửa tội cho trẻ con và về lễ ban thánh thể, những người này tin rằng chẳng có gì tốt có thể đến từ việc biết bằng cách nào mà các nhà thần học đếm được số thiên thần nhảy múa trên đầu cây kim. Nhưng chúng ta phải trả cái giá quá cao vì sự thiếu hiểu biết kéo dài, trong một thế giới mà niềm tin tôn giáo di chuyển, nếu không phải qua các ngọn núi, thì qua các cuộc bầu cử và các đội quân. Chẳng có ích gì nếu giới tả khuynh thế tục cứ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước giới hữu khuynh tôn giáo, hay ngược lại. Và thật là nguy hiểm cho Hoa Kỳ nếu nó vẫn cứ không biết gì về cái xã hội Khổng giáo ở Bắc Hàn, Ấn Độ giáo ở Ấn Độ, và Hồi giáo ở Iran.

Trong các cuộc tranh luận về số phận của Trung Đông, tính hợp pháp của hôn nhân đồng tính, và chính trị Hồi giáo, cái giá phải trả cho việc nghe theo các chính trị gia và các bình luận gia là quá cao. Với sự thuyết giảng thường xuyên về tôn giáo trong đời sống công cộng ở Hoa Kỳ và quyền lực đại chúng của tôn giáo trong và ngoài nước, người Mỹ chúng ta - dù là tự do hay bảo thủ, là tín đồ hay không phải tín đồ - cần phải học về thuyết Phúc âm và về Hồi giáo để tự biết Thánh kinh nói gì về các giá trị gia đình, về đồng tính luyến ái, về chiến tranh, và án tử hình, và cũng phải ý thức được Hồi giáo nói gì về những thứ ấy.

Mỗi một tôn giáo lớn của thế giới đã vật lộn qua nhiều thế kỷ với những câu hỏi căn bản về sự sống và cái chết và cả những gì (nếu có) nằm ngoài hai cái đó. Mỗi tôn giáo đã phát triển những học thuyết thần học phức tạp để phân biệt với các tôn giáo khác, để điều hoà chiến tranh, và chống bất công. Nhưng chúng ta đang quên đi những học thuyết thần học đã được dày công gây dựng đó, trong nhiều trường hợp thay thế chúng với những liều thuốc an thần mà chỉ có kẻ quảng cáo thuê mới có thể tự hào - cũng nên lưu ý là những liều thuốc an thần này lại sẽ bị thay thế ngay khi có lời quảng cáo hấp dẫn hơn xuất hiện. Hơn nữa, có vô số các chính trị gia và bình luận gia rất mong khai thác những liều thuốc an thần đó cho các mục tiêu phe đảng - biến Thiên Chúa, Jesus, và Muhammad thành những con tốt trong những ván cờ chính trị và quân sự của họ.

Từ thuở lập quốc, người ta đã hiểu rằng, sự thành công của cuộc thể nghiệm Mỹ dựa trên nền công dân có giáo dục. Ngày nay thật là vô trách nhiệm khi dùng từ “có giáo dục” để chỉ những sinh viên tốt nghiệp đại học mà không biết gì những tín ngưỡng xưa, những chuyện kể và những lễ nghi tiếp tục là động lực thúc đẩy đức tin và cách hành xử của đại đa số dân số thế giới. Trong một thế giới có tính tôn giáo mạnh mẽ như của chúng ta, thật u mê khi cho rằng các sinh viên tốt nghiệp đó đã được chuẩn bị một cách đầy đủ để tham dự vào nền chính trị quốc gia hay các vấn đề của thế giới.

Ở Mỹ hiện nay việc chuyển công đoạn gia công phần mềm máy tính và dịch vụ khách hàng ra các nuớc đang phát triển rất phổ biến. Nhưng dân chủ thì không thể chuyển giao như vậy được. Tiếp tục tin theo các cuộc tranh luận trên truyền hình về những vấn đề quan trọng như thần học chính trị của Hồi giáo, quan điểm của Kinh thánh về hôn nhân, hay Jesus sẽ làm gì truớc vấn nạn môi trường là tự tách mình ra khỏi tinh thần dân chủ. Thay vào đó ta có thể chọn "đến" với tôn giáo – cung cấp cho các sinh viên đại học chúng ta những kiến thức căn bản về các tôn giáo của thế giới.

Việc giải quyết vấn đề thiếu hiểu biết về tôn giáo sẽ cần có sự thoả hiệp của cả giới tả khuynh thế tục và hữu khuynh tôn giáo. Trong cuốn Bị phân chia bởi Thiên Chúa, [9] vị giáo sư luật của Trường đại học New York (New York University), Noah Feldman, vẽ ra một con đường trung dung giữa những người theo phái Phúc âm kiên quyết đem những giá trị tôn giáo vào đời sống chính trị (“values evangelicals”) và những người theo chủ nghĩa thế tục cho rằng chính quyền phải có tính thế tục và luật pháp phải bảo đảm được điều đó (“legal secularists”). Với câu hỏi rộng lớn hơn về tôn giáo trong đời sống công cộng, ông đề nghị một sự thoả hiệp cho phép có nhiều sự thể hiện tôn giáo nơi công cộng hơn nhưng kiểm soát chặt chẽ hơn dòng chảy ngân sách quốc gia vào các cơ cấu tôn giáo.

Gác qua một bên giá trị của việc cố gắng thống nhất một quốc gia bị “phân chia bởi Thiên Chúa” thành xanh và đỏ này, Feldman đúng khi cảm nhận được sự ước muốn hoà giải. Hầu hết người Mỹ mệt mỏi bởi những xung đột văn hoá mà sự tồn tại kéo dài của nó hầu hết là do những chính trị gia và những bình luận gia có đầu óc phe đảng - nói cách khác, là do một thiểu số dân chúng kiếm miếng ăn và sự nổi tiếng qua các cuộc cãi vã đầy thiên vị. Không ai muốn làm sống lại những cuộc chiến liên quan đến việc chú giải Thánh kinh trong các trường công lập ở thế kỷ 19, tuy thế đại đa số người Mỹ muốn con cái họ học nhiều hơn về tôn giáo. Lấy một ví dụ, môn học bắt buộc về tôn giáo thế giới cho các học sinh lớp 9 ở một học khu có tính đa sắc tộc cao ở Modesto, California, gặp rất ít tranh cãi và nhận được sự ủng hộ của không chỉ các giáo viên và các nhà quản lý giáo dục mà còn từ phụ huynh học sinh. Chỉ có hai hay ba trong số 3000 học sinh ghi danh vào học lớp này mỗi năm quyết định không chọn môn này cho phần kiến thức bắt buộc.

Sự tiến bộ ở mức này rồi cũng sẽ nhận sự thoả hiệp. Giới tả khuynh thế tục sẽ phải từ bỏ cái tín điều cho rằng tôn giáo không có chỗ trong đời sống công cộng. Giới hữu khuynh tôn giáo sẽ phải từ bỏ ý muốn sử dụng các lớp học cho mục tiêu cải đạo. Con đường trung dung ở đây là việc giảng dạy phải nghiêm túc quan tâm đến các tín đồ, nhưng từ chối nói thẳng ra là ủng hộ hay chống đối điều mà họ tin, đẩy trách nhiệm về niềm tin đã khắc sâu về đúng chỗ của nó: gia đình và các đoàn thể tôn giáo. Nhưng con đường trung dung này không a tòng trong cái âm mưu im lặng đã làm cho người Mỹ thiếu hiểu biết về tôn giáo trong nhiều thế hệ. Nó mang đến cho cả tôn giáo và các sinh viên Mỹ điều mà họ đáng được nhận.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Revelation (cuốn cuối của bộ Kinh Tân Ước).
[2]Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy” (Matthew 5:3).
[3]Điều gì không muốn xảy ra cho mình thì đừng đem đến cho người khác”.
[4]E. D. Hirsch, Cultural Literacy: What Every American Needs to Know (Houghton, Boston, 1987).
[5]Sodom và Gomorrah là tên của hai thành phố bị Thiên Chúa phá huỷ vì tội lỗi của các cư dân ở đó; theo sách Sáng thế (Genesis) - cuốn đầu của bộ Kinh Cựu Ước.
[6]Một dụ ngôn trong Phúc âm thánh Luke (bộ Kinh Tân Ước).
[7]Intelligent design.
[8]Ông Moses phân đôi Biển Đỏ, đưa dân nô lệ Do Thái thoát khỏi đất Ai Cập.
[9]N. Feldman, Divided by God: America’s Church-State Problem-- and What We Should Do About It (Farrar, Straus and Giroux, New York, 2005).
Nguồn: The Chronicle Review (phụ bản của The Chronicle of Higher Education), số ra ngày 16/3/2007.