trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
13.9.2007
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 2
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

Nhĩ lai rai - Bốn

1. Một cách nào đó, thiền là một cố gắng đi tìm lại cái cõi hồn nhiên vắng bặt ý niệm thuở nguyên sơ của trẻ con và muông thú

2. Khi chưa hiểu thì người ta còn nói. Một khi đã hiểu rồi thì người ta không còn gì để nói nữa.

3. Ngôn ngữ của con người là loại sương mù dày đặc nhứt thế giới.

4. Đọc tạp chí Hợp Lưu số 81 / 2005 thấy có một nàng (nữ quyền?) vô cùng hung hăng (con bọ xít) và chống đối tới cùng cái âm mưu đen tối Mỹ Ngụy của Nhà Nước-Xã Hội-Thị Trường ta nhằm lăm le bắt các nữ sinh phải bận áo dài trắng và quần trắng để đi học. Quả là tức tối (tức sáng) thiệt tình! Bần tăng bèn động não tư duy Mác Lê mà ngẫm ra thấy nàng hết sức hữu lý, bèn hồ hởi xổ nho y hịt như nàng: «Ai là người sáng chế, nghĩ ra nữ sinh Việt Nam phải bận áo dài trắng quần trắng, bó sát thân thể đang vươn sức sống? (…) Gợi lòng tham dục của đám đực rựa! Fuck cái trò rửa mắt hả hê của đám đực rựa tham dâm!»

Bần tăng lúc đó mới sáng mắt ra như Văn Vỹ sau ngày «giải phóng»! Và nhận thấy nàng đã đi đúng y chang cái phong trào «No Bra Look» bên Mẽo của các bậc đàn chị nữ quyền thập niên 60: «Ai là người đã sáng chế ra cái «bra» nịt vú? Bó sát đôi vú đang vươn sức sống? Tự do «lủng lẳng» phải bị băng bó! Fuck! Bà chửi thề!» Chửi xong nàng bèn tháo cái nịt vú mà liệng bỏ. Liệng xong nàng bèn lượm lên… mà nịt lại. Lý do: đôi vú của nàng nó phản lại phong trào nữ quyền để chạy theo sức hút của quả đất!

5. Gẫm lại cái thái độ chống nữ sinh nước ta mặc áo dài trắng quần trắng để đi học của nàng hết sức hợp lý, bần tăng xin rụt rè kín đáo gợi ý cho nàng hai cái biện pháp vô cùng lợi ích cho xã hội sau đây để nàng đạo đạt lên Nhà Nước-Xã Hội ta ban hành và áp dụng triệt để:

Biện pháp một: Xét vì xứ ta là xứ nóng. Bởi lẽ ấy, mùa nắng, các em nữ sinh bắt buộc phải mặc mini jupe, váy cực ngắn và áo thun mỏng có khoét lỗ tùm lum để mà tới trường… cho nó mát. Và nhứt là để bọn đực rựa tham dâm hết còn mong gì được rửa mắt Văn Vỹ trên chiếc áo dài bó sát của mấy em (nhục chưa?) Bà fuck con mắt Văn Vỹ cho nó mù luôn!

Biện pháp hai: Xét vì xứ ta mưa nắng hai mùa. Bởi lẽ ấy, mùa mưa, các em nữ sinh bắt buộc phải mặc string, quần lót dây và mình thì che sơ miếng vải cao su để đi học, phòng khi mưa đến mấy em khỏi bị ướt áo và đỡ mục cái quần. Kế đến, để cho cái quần trắng khỏi gợi lòng tham dục của bọn đực rựa (nhục chưa?) Và trên hết: Cho «tự do khỏi bị băng bó»! Bà fuck luôn cái băng bó!

Các em có mặc string như thế mới tiết kiệm được bột giặt, vừa đỡ làm ô nhiễm môi sinh, vừa bớt tốn tiền cha mẹ, vừa tiết giảm được ngân sách quốc phòng của Nhà Nước. Nhờ đó các em sẽ tích cực tiếp tay đẩy mạnh chính sách «giảm nghèo xóa đói» của Đảng ta một cách hoành tráng và có cơ sở, đầy đủ tư duy Mác Lê và chất lượng cao cấp. Và cuối cùng, cho Cha Già Dân Tộc vĩ đại của chúng ta được ngậm cười (khúc khích) nơi chín suối (Lồ Ồ). Nếu như thế mà vẫn còn ngoan cố ọ ẹ thì bà sẽ hạ bệ luôn Cha Già Dân Tộc! Đừng có ỷ vào cái văn hóa truyền thống «Chống Mẽo Kíu Nước». Bà fuck cái văn hóa! Và fuck luôn cái truyền thống!

6. Nhìn chung chung, triết học Tây Phương là một trò vọc giỡn ý niệm và quăng bắt chữ nghĩa. Một trò thôi miên và ảo thuật mà rất nhiều người, nhứt là các môn đồ của giáo phái «Đỉnh Cao Trí Tuệ» da vàng của ta vô cùng thán phục và thường đem ra để mà hù thiên hạ.

7. Hỡi những người chống đối tình dục! Nếu không có tình dục thì làm gì có mấy bà và mấy cha nội xúm xít ở đây để mà gân cổ lên chống đối tình dục?

8. Truyện Kiều: «Khúc nhà tay lựa nên chương / Một thiên bạc mạng nghe càng não nhân»

Lẩy Kiều: «Khúc nhà tay lựa nên hôi / Một thiên bạc mạng nghe rồi… bạt tai!»

9. Cái địa ngục bên ngoài ta trốn được. Còn cái địa ngục trong đầu, ta biết trốn nó ở đâu bây giờ?

10. Một mình nó, trí thông minh không giải quyết được gì hết. Nó tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết.

Khi nó giải quyết một vấn đề gì thì trí thông minh lại tạo thêm nhiều vấn đề khác còn lớn hơn thập bội. Rồi lại giải quyết, lại tạo vấn đề… Chung cuộc, trí thông minh đã thực sự giải quyết được vấn đề gì chăng? Thử nhìn lại các vấn đề lớn mà trí thông minh đã từng tìm cách giải quyết từ hơn mấy ngàn năm nay. Giải quyết nghèo đói? Nghèo vẫn còn đó. Đói vẫn còn đó. Giải quyết chiến tranh? Chiến tranh vẫn còn đó, và càng ngày lại càng khốc liệt hơn xưa. Hơn nữa, những hoạt động (kinh tế, kỹ nghệ, chính trị, quân sự…) mà trí thông minh của con người bày đặt ra đã tạo nên nhiều đại nạn ô nhiễm nan giải. Và trái đất đang bị giết chết dần mòn vì cái gọi là «trí thông minh» (mẹ rượt!) của con người.

Trộm nghĩ, trí thông minh cần phải được dìu dắt bởi lòng tốt (thực sự muốn đem tới hạnh phúc cho kẻ khác), bởi hiền triết (sagesse / wisdom) và bởi lẽ thường (bon sens / common sense). Như vậy, may ra trí thông minh sẽ đỡ lầm lạc hơn chăng?


Nghĩ lai rai - Năm

1. Cái ngã tạo nên muôn ngàn khổ đau. Để diệt khổ đau, Phật dạy chúng sanh diệt cái ngã (để thành Phật?). «Dễ ợt!» Vậy mà làm cho tới trọc đầu, cho tới ngày nhắm mắt xuống lỗ cũng chưa xong. Thế nhưng, trong cái đầu trọc mê muội của mình, bần tăng vẫn còn «théc méc»: cái ngã diệt rồi thì biết lấy cái gì mà thành Phật đây?

2. Sau khi thuyết pháp hơn bốn mươi năm, Phật kết luận: «Ta không nói một chữ». Nghe xong, chúng sanh bèn xúm lại mà nói mà bàn mút mùa về câu nói đó. Riết rồi không biết đường đâu mà rờ!

3. Giải thích là sa vào mê cung. Rời mê cung này chỉ để dấn mình vào một mê cung khác.

4. Một bữa nọ, bần tăng ngồi mạn đàm với một ông bạn từ phương xa ghé thăm. Ông bạn một chén trà, bần tăng một chén rượu. Bàn chuyện trời trăng mây nước, rượu vào lời ra, bần tăng bèn phát ngôn bừa bãi: «Theo tại hạ nghĩ, thuận lẽ Trời thì sống, nghịch lẽ Trời thì chết».

Tưởng là cho thiên hạ sợ chơi vậy thôi. Dè đâu ông bạn bỗng cau mày ném vào mặt và cái đầu trọc của bần tăng một cái nhìn rất là dùi cui (ui da!) và hết sức thông minh, mà rằng: «Thế nào là lẽ Trời và thuận lẽ Trời? Trời nào? Giê Su hay Allah? Thích Ca hay Khổng Tử?» Bị phản kích bất ngờ, bần tăng đành ngậm miệng ú ớ - tuy rằng trong bụng đã tính phang cho bạn hiền ta một câu xanh dờn: “Cha nội này đã bị triết Tây ăn rỗng hết cái sọ đầu và rỗng hết ruột non ruột già nên mới hỏi một câu hết sức ngớ ngẩn như vậy. Bởi lẽ khi nói “Trời” thì bà con ta, từ đức vua cho tới dân ngu khu đen, từ một thằng bị hăngđicáp nặng cho tới một đứa con nít ke, ai ai cũng đều biết hết là cái gì!" Còn lúng túng chưa biết giả nhời xao cho vừa lòng bạn hiền thì bỗng «Ầm!» May quá Trời chợt gầm lên một tiếng lớn, đồng thời xẹt một tia sáng nhỏ chói lọi trúng ngay cái trán thông minh le lói của ông bạn quý khiến cho bạn hiền ta té ngửa xuống đất một cái «bịch»!

Gẫm ra mới biết: «Lẽ Trời tuy không ai thấy mà nó huyền diệu khôn cùng!» Tuy nhiên, bần tăng vẫn không dám bảo đảm là bạn hiền ta đã thấm ý được cái «Lẽ Trời» là gì. Khi tỉnh lại, có thể cha nội sẽ còn hỏi thêm: «Lẽ Trời là lẽ của Khổng Tử? Của Bush Con? Của Bin Laden? Của Cocteau? Của Gide hay của Cha già Dân tộc?» Trời cao có thấu! Cúi xin người ban phước cho đời con!

5. Tuy nhiên, mặc dầu (và luôn cả mặc mỡ) thị hiện rành rành như vậy mà Lẽ Trời vẫn còn nương tay kỳ diệu. Dù có té chổng gọng dưới đất nhưng bạn hiền ta không sao, trán chỉ bị nám một điểm nhỏ bằng đầu ngón tay. Bạn ta bèn lồm cồm bò dậy phủi đít và ngồi trở lại bàn để tán phét với bần tăng. Bàn về vấn đề tình dục, bần tăng lại phát ngôn bừa bãi: «Từ thuở tạo thiên lập địa cho tới ngày hôm nay, muôn loài đều giao hợp với nhau một cách tự nhiên và bình thường»

Tưởng là nói chơi cho vui câu chuyện vậy thôi. Dè đâu bạn ta lại cau mày và ném lên cái đầu trọc của bần tăng một cái nhìn vô cùng sắc bén (ui da! rát! rát!) và vô cùng thông minh, mà rằng: «Giao hợp một cách tự nhiên và bình thường là sao? Bình thường và tự nhiên như chó mắc lẹo ngoài đường?»

Bị phản kích bất ngờ, bần tăng chới với, vội vàng khoát tay lia lịa rồi đâm hoảng (nói Quảng nói Tiều): «Dĩ nhiên… dĩ nhiên… Chó mắc lẹo ngoài đường là không bình thường. Chó bình thường thì phải mắc lẹo trong khách sạn… năm sao

Bạn ta thu hồi cái nhìn sắc bén và thông minh lại cất vào túi khỉ rồi cầm chén trà lên nhắp một cái «trót», gật gù mỉm cười khoái trá. Bần tăng cảm thây yên bụng. Tuy nhiên, bần tăng cũng thầm tư duy lén trong cái đầu trọc của mình ngõ hầu chuẩn bị mà đối đáp với bạn ta cho phải đạo.

Nhắp một ngụm trà xanh, bạn ta lại hỏi tiếp: «Giao hợp tự nhiên và bình thường là sao? Như gà đạp mái trong sân?» Bần tăng lật đật đáp liền: «Không ạ! Gà đạp mái trong sân là không bình thường. Gà bình thường thì phải đạp mái trong khách sạn… bốn sao

Lại một ngụm trà khoái trá, bạn ta lại hỏi tiếp: «Giao hợp tự nhiên và bình thường là sao? Như hai người đàn ông giao hợp với nhau trong phòng kín?» Bần tăng lật đật đáp liền: «Vâng ạ! Thời ăn lông ở lỗ, hai người đàn ông giao hợp với nhau trong hang động là không bình thường. Nhưng trong thời văn minh hậu-hiện-đại bi giờ thì hai người đàn ông giao hợp với nhau trong phòng kín có gắn máy lạnh thì là rất bình thường. Hơn thế nữa, hai người còn ăn ở với nhau có rất nhiều mặt con, hạnh phúc lâu bền như trong truyện Cô bé Lọ Lem và Hoàng tử đẹp zai. Cũng rất là bình thường thôi ạ!».

Vẫn chưa vừa lòng, bạn ta lại nhắp một ngụm trà thơm và ném lên cái đầu trọc của bần tăng một cái nhìn rất là rong rêu sỏi đá (ui da!) và rất là hằn lên nỗi đau (ui da! đau bỏ mẹ!) rồi chiếu bí: «Giao hợp tự nhiên và bình thường là sao? Như người đàn ông và người đàn bà giao hợp với nhau trong khách sạn quèn… không có sao?» Đã có tư duy từ trước nên bần tăng liền đáp liền tù tì: «Không ạ! Thời ăn lông ở lỗ, đàn bà và đàn ông giao hợp với nhau trong hang động là bình thường. Nhưng thời văn minh hậu-hiện-đại bi giờ, đàn ông và đàn bà giao hợp với nhau ở khách sạn quèn không có gắn máy lạnh và cũng «không có sao» (no stars where!) thì là không bình thường và rất là «có sao». Vì có thể bị lính bắt vì tội… ngoại tình đấy ạ!»

6. Lại lạm bàn qua cái thời sự tsunami ở biển Chà Và cách đây vài năm. Bần tăng là người mộ đạo rất biết sợ và biết thờ phượng Trời Phật ở trên cái đầu trọc của mình, và hơn nữa vốn đại kỵ cái lũ hiu hiu có «Đỉnh (cứt) cao trí tuệ» nên lại thêm một lần nữa, phát ngôn bừa bãi: «Theo một vị lãnh tụ Hồi giáo ở Anh Đô Nê Xi thì trận tsunami vừa qua là hình phạt của Trời Đất để cảnh cáo lũ có cứt trong đầu và hay quậy

Một lần nữa, ông bạn quý lại trừng mắt ném lên cái đầu trọc của bần tăng một cái nhìn cay nghiệt có lửa (ui da! nóng! nóng!) và vô cùng thông minh, mà rằng: «Trận tsunami vừa qua không là hình phạt của Trời Đất để cảnh cáo lũ có cứt trong đầu hay quậy, và không để cho những kẻ sống thuận lẽ Trời vỗ tay reo mừng. Trời đất vô tâm. Trời đất khi nổi trận lôi đình chỉ tru diệt một cách mù quáng không phân biệt hư kiểu / tốt kiểu / sống thuận lẽ Trời / giao cấu lộn mèo / đúng chó gì hết ớ!»

Và cũng như những lần trước, bần tăng lật đật khải tấu: «Huynh phán như vậy là rất đúng ớ! Bởi vô tâm nên Trời đất không thiên vị một ai hết ớ. Tuy nhiên, theo tại hạ nghĩ thì Trời đất không có tâm mà cũng chẳng vô tâm. Thứ nữa, cũng may mà Trời đất không phân biệt hư kiểu / tốt kiểu, không phân biệt tốt / xấu theo cái «tiêu chuẩn - lỗ rún» hoặc theo cái «tiêu chuẩn - lỗ ỉa» của loài có cứt trong đầu cũng như cái tiêu chuẩn của một loài nào hết ớ. Vì thử tưởng tượng: Ào một cái! Tsunami cuốn hết mọi người và mọi loài ra biển Chà Và mà tắm biển cưỡng bách. Nhưng đặc biệt, và rất phân biệt, chỉ chừa lại loài rắn độc trên bãi biển. Bảo đảm thiên hạ và muôn loài sẽ kiện Trời đất lên tới… Trời. Khi đó Trời đất sẽ ú ớ, và rồi mới biết phân xử ra làm sao? Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì Trời đất không mắc mớ cái đếch gì tới ngôn ngữ và ý niệm «nổi trận lôi đình, có tâm / vô tâm, phân biệt / không phân biệt» trong cái đầu «cứt cao trí tệ» của con người chó gì hết ớ! Trời đất vận hành! Thế thôi! Hiểu chưa? Pigé? Anhđượcxítten? Compờrenđô ớ?» Ớ!

7. Một trong những tài mọn khủng khiếp nhứt của con người: Biến tài sản trái đất thành giấy bạc để cất vô nhà băng.

8. Đại hội múa nón

Như đã hứa ở Sự đời – Bài 1, bần tăng xin trở lại tiết mục Múa nón trong bức Tâm thư của Em Nhỏ gởi nhà zăn Kiệt Tấn. Sau khi trình diễn được bốn điệu múa nón vô cùng ngoạn mục, giờ đây xin cho Em Nhỏ múa tiếp để bà con ta cùng thưởng ngoạn: “Hầy lá! Tả lồ lên coi chơi há!”

Nón năm: Đàn bà xác thịt

Xin chia điệu múa này ra làm hai phần cho bà con ta dễ tiếp thu nghệ thuật múa nón:

Phần một: Tâm thư than thở: “Nhưng cuối cùng thì sự đam mê nào, lúc đầu thì có thể rất đẹp, nhưng cuối cùng chỉ là một cơn sốt tình ái, một lối thoát tạm thời, và đối tượng đàn bà chỉ là một phương tiện, không phải là chân lý cho cuộc sống”. À za thế! Nhờ đèn zời xoi xáng mà bi giờ bần tăng mới sáng mắt ra như sư phụ Văn Vỹ: Từ xưa đến nay, trong vòng tay học trò của mình, đàn bà chỉ là phương tiện chớ không phải là chân lý! Vậy mà tự bấy lâu nay bần tăng cứ tưởng bở là không có cái chân lý hay cái cẳng lý mẹ rượt gì hết trong cái cõi đời ô trọc này. Bần tăng cũng chưa hề dám lấy Thượng Đế làm chân lý. Bỗng nhiên bi giờ phát thinh lấy đàn bà làm “cẳng lý” sợ bà xã nghi ngờ là bần tăng... thay lòng đổi dạ nọ kia. Kẹt lắm!

Thử hỏi Em Nhỏ và các bà nữ quyền, có nàng nào đã từng “lấy đàn ông làm chân lý” bao giờ chưa? Nếu có xin cho biết để bần tăng mở tiệc ăn mừng. Bởi lẽ nếu được như thế í thì trên đất nước ta, hễ bước xuống phố là gặp... chân lý! Và gặp luôn cả “cẳng lý” nữa, dĩ nhiên.

Phần hai: Sau khi khóc than khôn xiết sự tình, Tâm thư viết tiếp: “(...) những đam mê của ông (KT) chỉ là phù du, bọt biển, nó không vượt khuôn khổ xác thịt, xã hội, màu da, hay ngôn ngữ” Úi zào! Nghe như thể là “trùng dương nổi sóng, tùm lum bọt biển, lắc lư con tàu đi”! Quá hay! Đúng là bài học thuộc lòng Quốc văn giáo khoa thư, trong bất cứ trường hợp nào cũng tung ra được – như chỉ cần bấm nút là con búp bê Barbie nó khóc thét! Nếu như Em Nhỏ liệu có thể vượt qua được hết những thứ mà Em Nhỏ vừa lên án thì Em Nhỏ cứ tự nhiên mà bóp kèn qua mặt bần tăng đi! Please! No problem!

Từ xưa đến những nay, bần tăng vẫn đinh ninh khi mình đam mê một người đàn bà nào đó là vì bởi nàng có một nhục thể đình huỳnh. Bần tăng chưa hề dám có ảo tưởng là mình đam mê đàn bà giống như mình thờ phượng Đức Mẹ hay thờ phượng Nữ thần Shiva không có nhục thể. Vả lại, nếu đàn bà không có xác thịt hoặc xác thịt đàn bà không mang tới cho thằng đực rựa một chút khoái cảm nào hết mà chỉ có toàn là mệt bở hơi tai, thì bảo đảm thằng đực rựa sẽ trốn vợ nhà đi nhậu với bạn bè dài dài. Sướng hơn và vui hơn là cái chắc! Thêm nữa, một điều hềt sức quan trọng: khi hành dục, người đàn bà cũng biết rên ào ào và lên tới tột đỉnh (đôi khi rất nhiều đỉnh, lên tận chín từng mây!) chớ có phải nàng nào cũng bất mãn tình dục kinh niên đâu. Sao khi mở miệng ra lại cứ chửi ra rả bọn đực rựa là “lợi dụng” (?) xác thịt đàn bà?

Giả thử bây giờ có một nàng nữ quyền nào đó vụt đổi giống thành thằng đực rựa, chưa chắc gì sẽ hành xử khác hơn là một thằng đàn ông “bình thường”, khoái gần gũi nhục thể người nữ. Tự muôn đời, thân thể đàn bà vẫn luôn luôn là loại “vũ khí” hiệu quả nhứt mà người nữ sử dụng để trị bọn đực rựa tham dâm - nhứt là mấy ông vua háo sắc, sẵn sàng vì mỹ nhân mà làm mất ngai vàng như bỡn! Em Nhỏ và các bà nữ quyền còn phàn nàn nỗi gì nữa? Và giả thử như rủi ro thằng đực rựa của Em Nhỏ nó “chết máy”, liệu Em Nhỏ có mời chàng đi chỗ khác chơi dể cho người ta yên tâm mà làm việc “nghiêm chỉnh” hay không? Nếu không thì cũng sẽ cắm dài dài cho nó một cặp sừng có đủ nhánh cành hoa lá xum xuê. Có dám đánh cá với bần tăng về cái vụ cắm sừng này hay không?

Nhưng biết đâu chừng trên cõi đời ô trọc này vẫn còn có được những người đàn bà “thiên thần”, thích yêu cao thượng và khoái những người đàn ông không có “cái đó”. Hơn nữa, các nàng lại còn yêu rất... rât là cao thượng hơn cái bọn đực rựa tham dâm xa lắc: “Em yêu anh bằng tất cả linh hồn. Còn xác thịt của em thì em... để dành cho thằng Mễ. Và em xin hứa chắc với anh là lần sau em sẽ để dành xác thịt của em cho... thằng Tây đen, vì em không phân biệt màu da (khác hẳn với cái ông Kiệt Tấn còn kỳ thị da màu)”. Như vậy đã vừa lòng Em Nhỏ chưa? Em Nhỏ có muốn bắt chước lối sống tình dục “táo bạo trâng tráo” như một vài bực đàn chị nữ quyền của mình đã làm hay không? Da màu hay da không màu nôcôno gì thì bà đây cũng “mời ngài lên ngựa” tuốt hết ráo!

9. Nón sáu: Tự ti

Sau khi cho bần tăng đội cái nón “tham dâm phàm tục”, Tâm thư bèn rọi thêm “Ánh sáng (Phúc âm) phân tâm học lên bọn nình ông: “Tôi không nghĩ họ (các nàng) làm như vậy với mục đích kiểm điểm “cu dài cu ngắn” để mạt sát nam giới – vì nhận xét như vậy vừa hẹp hòi, vừa đầy mặc cảm tự ti từ phía đàn ông”!

Thôi rồi! Phen này thì quả thiệt “Toang hoang ngoài phố chợ”! Ai biểu dại dột đem cái của mình ra mà so đo với cái của “thằng Mễ”! Bắt buộc phải tự ti “thân phận da vàng nhược tiểu” là cái chắc! Hồi mới khởi đọc Tâm thư mấy dòng đầu, bần tăng cứ ngỡ là Em Nhỏ “zất hãy còn nà thơ ngây chong chắng”. Dè đâu Em Nhỏ cũng đã rành hết sáu câu về cái chuyện “cu dài cu ngắn” của nình ông! Đã có thiệt sự trắc nghiệm cái vụ “ngắn dài” hay chưa? Giỏi quá nhỉ! Quả thiệt là hậu sinh khả úy!

Trở lại cái mặc cảm tự ti. Chỉ mới có so với thằng Mễ thôi mà đã tự ti sát mặt đất rồi. Nói chi tới cái ước mơ hão huyền đem “hén” roa mà “đấu xảo” với mấy ông Tây đen - dẫy đầy mấy trăm triệu cái “của lọa” gồ ghề trên cả một lục địa Phi châu rộng lớn! Khi đó chắc chỉ còn có nước mua vài trăm cây số dây luộc về mà thắt họng dài dài từ năm này qua năm khác cũng chưa chắc đã xóa hết được cái tự ti “nỗi buồn nhược tiểu” (còn nói chi tới cái chuyện “xóa đói giảm nghèo”!) Rồi đây các nàng sẽ đá đít hết cái lũ da vàng nhược tiểu đầy mặc cảm tự ti để mà chạy theo cái “của lọa” king size của mấy ông Mễ và Tây đen hết ráo! Thôi rồi! “Thương nữ bất tri vong quốc hận / Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”! Buồn năm phút!

Viết tới đây, bần tăng bỗng giựt mình chới với và hết sức lo ngại cho đời huê của dân tộc Á-nàm-dành ta: “Nếu bi giờ toàn thể phe nữ của dân tộc ta chợt có sáng kiến đem cái “lủng lẳng” của mình ra mà thi đua (công tác) với cái “bự tổ chảng” của nàng Ma ri lỹnh Hồ ly vọng?” Bần tăng dám đánh cá là sẽ có rất nhiều nàng nữ quyền tự ý gieo mình xuống Niagara Falls mà thác theo dòng thác. Cũng vẫn cái tự ti “da vàng nhược tiểu” dĩ nhiên. Phen này thì chẳng những chỉ có Toang hoang ngoài phố chợ mà sẽ còn banh luôn cái “xà rông” và đứt luôn cái xú chiêng... là cái chắc! Bảo đảm Phố Chợ sẽ chẳng còn sót lại một món gì hết ráo. Y chang như hai cái Twin Towers sau khi bị khủng bố bởi hai chiếc Boeing 747 vậy đó. Sập tiệm!

10. Nón bảy: Đạo đức giả

Tâm thư vẫn tiếp tục “cung oán ngâm khúc” và phàn nàn: “Trong bước khai phá đầu tiên, những nhà văn phụ nữ này nên được sự cổ võ và khuyến khích tận tường, thay vì bị hứng những lời dè bĩu không bằng chứng, thiếu thẩm mỹ và phẩm cách, hay sự cô lập hóa, đạo đức giả và voyeurism của những nhà văn đàn ông Việt hiện thời

Nữa! Vẫn lại cái trò «rửa mắt hả hê» của bọn đực rựa tham dâm nữa. Các nàng nữ quyền trách cái thằng đực rựa sao nó “ham ngó”, sao nó tham dâm thì chẳng khác nào trách tại sao đàn bà thích làm đẹp, thích chưng diện, tại sao con chó nó sủa, con gà nó gáy vậy. Tự bản chất của nó vốn là như vậy thì trách cái nỗi gì? Sao mà các nàng làm chi cái chuyện chó cắn ruồi bu lẩm cẩm vậy?

Theo cái đà này, bần tăng e rồi đây có ngày thừa thắng xông lên, các bà nữ quyền Giao chỉ ta (trong đó có Em Nhỏ) nửa đêm kéo tới các hộp đêm strip-tease ném ớt bột vô mắt bọn đực rựa Giao chỉ voyeuristes cho cả lũ theo chân sư phụ Văn Vỹ mà quay về cố quận chạy Hông đa ôm. Xong các bà còn đốt luôn cửa tiệm thoát y của người ta. Chừng đó, nếu các bà nữ quyền và Em Nhỏ có bị mấy em vũ nữ sexy vú lớn “cuổng trời” nó đục cho phù mỏ thì phải rán mà chịu. Bần tăng sẽ không dám đổ thủy quân lục chiến xuống can thiệp vào cuộc nội chiến.

Tuy nhiên, khi nghĩ lại thái độ của các bà nữ quyền và Em Nhỏ sao cứ chửi hoài cái trò rửa mắt hả hê của bọn đực rựa, bần tăng không khỏi lấy làm théc méc! Các nàng mặc áo khoe vú (thấy khát sữa!), mặc váy khoe đùi trắng tươi (thấy mà ham!) nhưng lại cấm bọn đực rựa dòm. Các nàng vọc con chem chép đùng đùng vô cùng bắt mắt, nhưng lại cấm bọn đực rựa ngó. Rất hết sức là hợp lý duy vật biện chứng Mác Lê vậy! Hơn nữa, các nàng thừa biết (từ khuya) là thằng đực rựa nó khoái dòm khoái ngó. Đừng có ở đó mà tiếp tục giả đò ngây thơ (bà cụ) nữa. “Em chả! Em chả! Em khoe mặc em! Việc gì tới các anh!” Bộ không biết mắc cỡ hả, mấy em (giả đò) trinh nữ? Trong tình cảnh như vừa nói, thì giữa “người khoe vọc” và “người dòm ngó”, ai mới thực sự là người đạo đức giả? Tuy nhiên, mặc dầu (mặt mỡ) các nàng cự nự cái chuyện “rửa mắt / voyeurism” của bọn đực rựa như vậy đó, nhưng rủi thời bọn đực rựa bỗng dưng mắc bệnh “lọa” mà trở thành Văn Vỹ hết ráo, thì chừng đó các nàng có tha hồ mà “cuổng trời” và đánh trống dộng chuông ì xèo cũng sẽ chẳng có con ma nào nó ngó. Lúc đó, có lăn ra mà khóc thét lâm ly hay nằm vạ thúi đất thì cũng đã muộn rồi! Hu hu hu...

Bần tăng mà đạo đức giả ư? Thiệt tình mà nói thì “bần tăng không đạo đức giả mà cũng chẳng đạo đức thiệt. Bần tăng không có đạo đức gì hết ráo. Nhưng chẳng phải vì vậy mà không có đạo đức” Nhưng về phần mình, Em Nhỏ lúc nào cũng vẫn luôn luôn thấy mình rất là “đạo đức thiệt” dĩ nhiên. Có soi gương mỗi ngày cũng không hề biết mắc cỡ một chút nào hết.

Nhân nói về cái chuyện “thiệt / giả”, bần tăng xin kể lại lần nữa cái hoài niệm thương động mà bần tăng đã có dịp nói phớt qua trong bài “Xúc cát trước bàn thờ”: Một đêm nọ, trong bóng tối mờ mờ của tiệm karaôkê, một em nhỏ bia ôm xinh như mộng đã gục đầu lên vai của bần tăng mà trách móc não nùng: “Ối anh ơi là anh ơi! Lúc trước chưa quen nhau và chưa có dịp tới gần anh, em cứ tưởng rằng là anh đểu giả. Giờ quen nhau rồi và có dịp tới gần anh, em mới biết là anh... đểu thiệt!” (Trong hoàn cảnh này thì nên (đểu) thiệt hay nên (đểu) giả?) Bần tăng bèn rút cái khăn kleenex còn mới tinh ra lau lệ cho em nhỏ rồi nhẹ nâng khuôn mặt u sầu chưa ráo lệ lên mà nhìn sâu vào mắt em nhỏ. Bần tăng giựt mình chới với: “Mắt em là bể oan cừu”!

Một lần nữa, bần tăng xin tạm ngưng tiết mục Múa nón ở đây. Em Nhỏ sẽ còn “Bần nữ thán” dài dài nữa chăng? Ông Thầy Chùa sẽ bị điểm huyệt và phế hết võ công hay không? Muốn biết chuyện sau thế nào, xin bà con đón xem hồi kết cuộc của thiên tình sử kiếm hiệp “Cô gái còi lông” sẽ rõ.


Nghĩ lai rai - Sáu

1. Cái đặc biệt trong cách hành xử (hành động và xử trí, comportement / behaviour) của con người, khiến cho con người khác hẳn với con thú: Cái Ác.

2. Con người cũng có làm điều thiện. Nhưng than ôi! Cái điều thiện đó không bù kịp cái ác mà con người hùng hục tạo ra mỗi ngày. Cái hành thiện của Mẹ TêRêZa làm sao bù kịp quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima ở Nhật Bản? Cái bố thí của Sơ Emmanuelle làm sao bù kịp những cuộc thảm sát hằng chục triệu người do Công giáo gieo rắc hoặc bao che ở Nam Mỹ ngày trước? Một khi thiện ác mất quân bình quá trớn, thế giới con người sẽ sụp đổ.

3. Vũ trụ, muôn vật, muôn loài đâu đợi gì tới con người giải thích và ban cho ý nghĩa mới có đó, mới hiện hữu. Tất cả đều có từ khuya, từ lúc con người chưa có mặt trên trái đất này.

Chớ cho rằng mình giải thích (chắc gì đã đúng?) và khai thác được một số hiện tượng trong Trời Đất mà vỗ ngực thùm thụp «Ta đây»! Rồi hách cái bản mặt lên trời hiu hiu tự đắc, coi Trời bằng vung. Rồi cứ tưởng bở rằng Ta đây đã «rành hết sáu câu vọng cổ» mọi chuyện trong Trời Đất. Rằng Ta đây có cái «Đỉnh (cứt) cao trí tuệ» trong đầu! Coi chừng chết không kịp ngáp đó nghe em Hai. Nên nhớ kỹ điều này: không có con thú nào, không có một vật nào cần đến con người để hiện hữu. Nhưng ngược lại, con người tối cần đến muông thú và mọi vật khác để hiện hữu trên mặt đất này.

4. Để khép thế giới vào đầu óc bẩn chật của mình cho dễ hiểu, con người chia cắt và đặt tên cho sự vật. Và cái thế giới dựa trên nhãn hiệu đó, chính nó là thế giới giả hiệu và hỗn mang tột bực của con người.

5. Mọi người ai ai cũng đều biết phân tích cái khổ ải của con người và chung chung mọi người đều đồng ý phải đi tới giải pháp công bình bác ái. Nhưng than ôi! Không một ai thành thật mong muốn và thực hiện giải pháp ấy vì nó bất lợi cho mình và bè đảng mình. Cái lối hành xử đó của con người, chính nó là đạo đức giả và đểu ác / cynisme.

6. Yêu cao thượng: «Em yêu anh bằng tất cả tâm hồn. Còn cái xác thịt của mình thì em để dành cho… người khác».

7. Ca dao cổ truyền: «Của phi nghĩa có giàu đâu / Ở cho ngay thật giàu sau mới bền»

Ca dao cách tân: «Của phi nghĩa có giàu đâu / Ở cho ngay thật… nghèo lâu thấy bà»!

8. Đại hội múa nón

Thiên tình sử kiếm hiệp “Cô gái còi lông” sắp đến hồi kết thúc. Sân khấu về khuya càng lúc càng gay cấn, những màn Múa nón kết thúc chương trình càng lúc càng huyền ảo ly kỳ và lâm ly ngoạn mục.

Nón tám: Phản động

Thấy mình đã đội cho ác tăng không biết bao nhiêu là cái nón mà ông Thầy Chùa vẫn cứ trơ trơ, vô cùng Mỹ Ngụy ác ôn, ngoan cố và phản động, Em Nhỏ bèn trổ tuyệt chiêu: Làm Kách Mệnh!

Phải, Em Nhỏ phất cờ cách mạng mà khởi nghĩa. Không phải cách mạng đỏ (vô sản), không phải cách mạng xanh lục (môi sinh), mà là cách mạng... Xanh Dờn. “True Blue”! Ý nghĩa của cách mạng “xanh dờn” là thế nào, bần tăng cũng bù trất. Tuy nhiên, nhìn thấy lá cờ xanh dờn phất phới trong gió lộng, hơn nữa dưới bóng cờ xanh lại có thêm hai Bà (Trưng) Phạm Thị HoàiDương Thu Hương cỡi voi, khí thế vô cùng hùng dũng và rất ư là “Chống Mẽo Kíu Nước”, bần tăng hoảng quá nên cũng lật đật mở kho báu lôi cây cờ từ lâu bỏ quên của mình ra mà phất loạn xị: Cờ Cách Mạng Không Màu. Nô cô-no! Phát âm đúng giọng Mẽo là “No colors”!

Cờ “Cách Mạng Không Màu” vô cùng đặc biệt. Người phàm mắt tục không bao giờ nhìn thấy được. Có đeo kiếng mát Ray Ban (registered) loại cao cấp vô rồi ngước lên mà “nhắm mắt ngó (cũng) chỉ thấy một chân trời tím ngắt”, kỳ dư không thể trông thấy được cờ: Quả thiệt là Cách Mạng “True no colors” chính cống! Bèn gỡ kiếng Ray Ban ra lau chùi cẩn thận rồi “nhắm mắt... nhắm mắt (bỗng) rờ trúng một cái gì cứng ngắt!” nàng thoắt nhiên rụng rời, tim đập trật nhịp mà... thở dài sườn sượt.

9. Nón chín: Chậm tiến

Rồi cuối cùng, việc gì phải đến! Tâm thư hạ lệnh: “Đã đến lúc chúng ta phải ra khỏi hang tối của huyền thoại Plato!” Khẩn trương lên! Khẩn trương lên! Sao bỗng nhiên Em Nhỏ đem cái hang tối Plato của ông Hy Lạp (xưởng) ra mà hù bà con ta làm chi vậy? Bởi lẽ bà con ta chỉ biết tới cái Hang Thánh Hoá của bà Hồ Xuân Hương là cùng: “Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp / Lách khe nước rỉ mó lam nham”. Thấy mà ham!

Nghe Em Nhỏ hét lớn, bần tăng bỗng giựt mình! Phải ra khỏi hang? Vậy hả? Mà hang nào mới được? Bấy lâu nay, bần tăng những tưởng là mình đã ra khỏi cái hang tối từ khuya, và đang ở trong một cái hang khác... còn tối hơn nữa. Những tưởng cuộc đời mình đã “lên hang” (ông nội ta tên Hương nên kỵ húy), dè đâu mình vẫn còn kẹt ở trong hang, cho nên cuộc đời mình vẫn chưa thể... lên hang nghi ngút được. Chừng giác ngộ mới biết mình hãy còn chậm tiến hơn Bush Con mấy mươi thế kỷ. Nhưng hãy đề phòng cẩn thận đó Em Nhỏ ! Nhiều lúc loài người cứ tưởng bở rằng một khi mình đã ra khỏi cái hang động tiền sử thô sơ để chui vào cái hang động văn minh có gắn máy lạnh thì chắc chắn là cuộc đời mình đã “lên hang” (thấy rõ)! Nhưng hãy nhìn kỹ lại mà coi: cái hang nào dã man hơn cái hang nào? Cái hang trong đó người ta đánh nhau bằng chày đá hay cái hang trong đó người ta đánh nhau bằng vũ khí nguyên tử?

Tuy nhiên, bần tăng cũng xin lưu ý bà con ở một điểm vô cùng quan trọng: Em Nhỏ nói cái hang tối ở đây là cái hang của Plato, chớ không phải cái hang của Pluto, con ông Oảnh Đít Nây. Bởi lẽ nếu hiểu lầm như thế í thì chỉ còn ước mong sao cho mình ra khỏi được cái chuồng “Cờ Tây” của mấy ông Bắc kỳ răng đen mã tấu, tưởng cũng đã nà quý nắm zồi! Nhưng nói gì thì nói, dân Giao chỉ đực rựa ta vẫn khoái ở lại tử thủ trong cái hang Thánh Hoá của Bà Hồ Xuân Hương hơn hết: “Đến mới biết rằng hang Thánh Hoá / Chồn chân mỏi gối vẫn còn ham!” Là cái chắc!

10. Nón mười: Điếc không sợ súng!

Nhưng một khi đã đến mức ăn thua rồi thì Tâm thư cũng đành phải dứt điểm: “Họ (nình ông) phải đi theo ánh sáng và tiếng thét vỡ không gian của người đàn bà để gặp tương lai đang chờ đón bên ngoài”! Ghê chưa! Có đi theo “Bà” hay không thì bảo?

Bớ các chiến hữu nình ông! Những Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, những Nguyễn Văn Lục, Trần Nghi Hoàng, những Nguyễn Hưng Quốc, Cổ Ngư! Có nghe chăng “tiếng thét vỡ không gian” của người nình bà để mà chuẩn bị “xếp bút nghiên lên zường chanh đấu”? Sao không nghe ừ hử gì hết vậy? Bộ điếc hết rồi hả mấy cha nội? Cứ để nàng thét khơi khơi một mình hoài không sợ nàng khan cổ mà tắt tiếng hay sao? Orange juice, please!

Hồi ở Việt Nam trong thời chiến quốc, đã có người nình ông đòi “đâm nổ mặt trời”. Bần tăng hoảng quá bèn di tản chiến thuật, đóng thuyền vượt biên. Giờ ra tới hải ngoại, lại đụng độ với người đàn bà “thét vỡ không gian”. Quả thật là phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Theo cái điệu này, riết rồi bần tăng không biết có còn chỗ nào an ổn để cắm dùi dựng chùa đất thanh tịnh, ngõ hầu có thể rút vô đó tịnh tâm mà tu hành không sợ nghe ai la hét, cho mau mau thành chánh... quỷ. “Trời cao có thấu! Cúi xin người ban phước cho đời con.”

Em Nhỏ xúi bần tăng đi theo ánh sáng (Phúc Âm) và “tiếng thét vỡ không gian” (bốn chiều) của người đàn bà theo kiểu này hại cả một cuộc đời tu hành vất vả và vô cùng đạo hạnh của bần tăng đó biết không? Bởi lẽ ngày nào bần tăng cũng nghe đều đều “tiếng thét vỡ màng nhĩ” của bà xã yêu dấu để kịp thời đánh kiệu hoa ra đón rước nàng trọng thể ở siêu thị không đèn. Bao nhiêu đó mỗi ngày cũng đủ mệt ngất ngư rồi! Nay lại chợt nghe từ đâu vẳng tới “tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng / hàng cờ bay trong bóng phất phơ” của Em Nhỏ, bần tăng bỗng nghẹn ngào tê tái con tim và vô cùng kinh tâm bạt vía! “Lên voi túc một tiếng còi / Thương con nhớ vợ, lịnh đòi phải đi!” Đi nhưng không biết mình sẽ về đâu khi bóng hoàng hôn phủ kín chân trời tím. Biết đi về đâu, khi không gian đã bị Nữ chúa thét vỡ mất rồi! Nhưng cũng phải đành nhắm mắt nhắm theo hướng Ánh Sáng Phúc Âm đi đại. Chết bỏ! “Đánh liều nhắm mắt đưa chân / Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nghe theo lời xúi giục của Em Nhỏ và nghe theo “tiếng thét vỡ không gian” của Nữ chúa để đi gặp gỡ tương lai theo kiểu này thì bần tăng xin dằn cơn hồ hởi xuống mà khải tấu thiệt tình: “Thà đi... ăn phở sướng hơn!”

Tuy nhiên, nếu không đi thì làm sao mà gặp gỡ được tuơng lai vô cùng xán lạn như Em Nhỏ hứa hẹn. Một lần nữa, lại đành phải “giã nhà ôm cái áo màu / thét roi Cầu Khỉ ào ào thây ghê" mà đau lòng ra đi. Và thêm một lần nữa, lại đành phải hẹn Em sơn nữ Phà Ca ngày giải phóng quê hương dưới chưn đồi sim tím... có con cù lần màu xanh ngơ ngác đạp trên lá vàng khô queo... (Đèn xanh phựt đỏ. Đèn đỏ phựt xanh. Màn từ từ hạ...) Music! Please!

Bái bai Em Nhỏ!

“Đến đây là chấm dứt... chương trình của ban Tùng Lâm...” Nếu sau khi coi cho tới hết tuồng Đại hội múa nón ly kỳ ngoạn mục mà bà con ta vẫn còn bất mãn (tình dục) đòi trả vé lấy tiền lại thì xin chịu khó xếp hàng làm cơ chờ tới phiên mình. Vì bởi mười màn Múa nón có chất lượng hoành tráng do Em Nhỏ tận lực thi công pỉu diễn trước dân tộc Rồng Tiên còi lông tróc vảy anh hùng của ta đã làm ngứa mắt vô cùng cao cấp và “rất có cơ sở” của 99,99 phần trăm khán giả!

© 2007 talawas