trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
21.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Rất nhiều người cho rằng Lê là Thái. Nhưng chúng tôi không tin rằng Lê là Thái.

Người Lê hiện tồn tại ở Hoa Nam, nhưng chỉ đông đảo ở Hải Nam mà thôi. Chính ông H. Maspéro bảo họ là Thái, nhưng ông V. Goloubew lại cho rằng họ có văn hóa giống hệt người Đông Sơn, và Lệ Đạo Nguyên trong Thủy Kinh Chú lại tả họ giống người Nhựt Nam.

Người Tàu chia thổ dân ở Hải Nam ra hai thứ: Sanh Lê, tức Lê sống, tức Lê còn dã man, ở trong rừng, và Thục Lê, tức Lê chính, tức Lê theo văn minh Tàu.

Tôi học ngôn ngữ của người Thục Lê là người Lê di cư đến Việt Nam với danh nghĩa là Tàu Hải Nam thì thấy rằng họ nói tiếng Tàu sai giọng, như bất kỳ nhóm Tàu nào, trừ nhóm Trung Nguyên, ở gần ba kinh đô ngày xưa của Tàu, và cũng như các nhóm Tàu khác, họ còn giữ được lối một trăm tiếng cổ của dân tộc xưa của họ, mà danh từ cổ của Hải Nam đó là danh từ Mã Lai Nam Dương, và chúng tôi sẽ chứng minh rằng đó là Lạc bộ Mã và đồng tông với người Chàm.

Thế thì Lê không phải là Thái mà là Mã Lai Nam Dương bị Hoa hóa. Theo chỗ chúng tôi biết chắc, bằng vào ngôn ngữ thì là như thế đó.

Hán thư lại cũng gọi thổ dân Hải Nam là Lạc Việt, thì cả ba nguồn V. Goloubew, Hán thư và quan sát của chúng tôi đều ăn khớp với nhau, là Lê là Lạc.

Người Chàm theo văn minh Ấn Độ, người Cao Miên, người Nam Dương cũng thế. Vậy mà mỗi lần trong nước của họ có biến lớn thì sử chép rằng họ di cư sang Hải Nam, thay vì đi vào Cao Miên, đi Nam Dương và đi Ấn Độ.

Ta cứ ngỡ rằng họ chạy bậy, nhưng không phải thế. Vào thời mà họ di cư sang Hải Nam thì người Lê ở đó còn đồng ngôn với họ, họ biết như vậy và đó là họ chạy đúng đường.

Huyền thoại bà chúa xứ Pô Nưga của họ lấy chồng Tàu cũng vì lẽ đó. Tàu trong huyền thoại là bọn Lạc bộ Mã bị Hoa hóa tức cũng là Chàm với nhau, và nếu trong trạm tiền sử Sa Huỳnh có dấu vết cổ vật Tàu đời Hán thì không có gì lạ hết.

Dưới đời Hán, dân Hoa Nam vẫn chưa thành Tàu hẳn, mà cứ còn là Mã Lai bằng chứng là cho đến đời nhà Nguyên mà Marco Polo còn cho biết rằng dân Hoa Bắc gọi dân Hoa Nam là Mandzi tức Mandi, tức việc Hoa hóa mãi đến đời nhà Nguyên vẫn chưa xong.

Chỉ có điều là cả Hán thư lẫn Hậu Hán thư đều tiền hậu bất nhứt, khi thì viết chữ Lạc với bộ Trãi, khi thì viết với bộ Mã, nhứt là Hậu Hán thư trong có một trang sách mà ông Phạm Việp viết hai chữ Lạc khác nhau để chỉ có một thứ dân là dân ta.

Rồi ta sẽ thấy rằng quả có hai thứ Lạc, chớ không phải là Tàu viết bậy bạ, còn Hán thưHậu Hán thư tiền hậu bất nhứt, cũng có lý do chính đáng lắm, vì ở Hải Nam và Việt Nam đều có hai thứ Lạc.

Thế thì Cửu Lê là chín thứ dân Lê, mà trong đó chắc chắn là có Lạc chứ không phải là các bộ lạc nào hết, và câu văn của giáo sư Kim Định lại làm cho ta hiểu rằng đó là các bộ lạc người Tàu cổ thời.

Chữ Lê này viết như họ tức có Hóa, một thứ lúa, có Nhơn, có Thủy. Có thể chiết tự mà hiểu rằng dân đó đã biết trồng trọt (Lúa Hóa) hay chăng?

Cứ làm, và cứ hiểu như thế thử xem. Nhưng nó nghịch lại với khoa khảo tiền sử. Khoa khảo tiền sử không tìm thấy bên cạnh sọ cổ 5 ngàn năm của bọn Cửu Lê dụng cụ nào để xay, giã hay nghiền, tán, nấu, bất kỳ loại mễ cốc nào hết.

Thật ra thì không ai biết rõ Hóa ra làm sao, nhưng dầu sao đó cũng là một thứ mễ cốc mà mễ cốc thì không thể ăn được nếu thiếu dụng cụ.

Vũ khí của họ bằng đá thì dụng cụ cũng phải bằng đá chớ không thể bằng gỗ, mà dụng cụ bằng đá thì phải còn. Nên biết rằng dụng cụ gỗ khó chế tạo hơn dụng cụ đá, mặc dầu gỗ mềm hơn đá. Đồ đá có thể đẽo bằng đá khác, còn đồ gỗ thì đòi hỏi dụng cụ kim khí. Vậy nếu họ có dụng cụ để xay, giã, nghiền, tán lúa Hóa thì dụng cụ ấy phải bằng đá và phải còn cạnh sọ của họ và cạnh vũ khí của họ. Nhưng không bao giờ thấy, mặc dầu các cuộc khai quật đã đầy đủ.

Nhưng người Tàu viết chữ, không phải luôn luôn chiết tự mà hiểu đúng được ngữ nguyên vì ba loại viết theo phương pháp Hài Thanh, Chuyển ChúGiả Tá rất là gạt gẫm.

Sử thuyết của giáo sư Kim Định dùng làm nền tảng cho triết thuyết của quyển sách nói trên là như thế này:

Người Tàu xâm nhập Trung Hoa (giáo sư không cho biết họ là ai, xâm nhập vào thời nào) là dân du mục. Dân ấy gặp Viêm tộc tức Việt tộc, đã biết canh nông, nhưng theo mẫu hệ chứ không theo phụ hệ như Tàu, rồi tù trưởng Hiên Viên của Tàu thắng Viêm tộc, cướp văn minh Viêm làm văn minh của họ, tự xưng là Hoàng đế.

Cửu Lê, ban đầu được trình bày như là các bộ lạc Tàu thượng cổ nhưng đột ngột biến thành 9 thứ dân khác chủng với Tàu, nhưng không biết là chủng nào, rồi thì lại được đồng hóa với Viêm Việt.

Giáo sư Kim Định chối bỏ sử Tàu và khoa khảo tiền sử, cho là sử Tàu bóp méo sự thật còn khoa khảo tiền sử thì mơ hồ. Nhưng cái vụ Hiên Viện, Cửu Lê này lại lật tẩy giáo sư, cho thấy là giáo sư dựa trên sử Tàu rõ rệt, chỉ có khác là giáo sư hiểu theo ý muốn của giáo sư.

Nếu không có sử Tàu thì trên đời này không hề có ai hay biết có một viên tù trưởng Tàu của thị tộc Hữu Hùng, tên là Hiên Viên, định cư ở Bắc Hà Nam, đã thắng 9 nhóm dân Lê dưới quyền chỉ huy của tướng Xy Vưu hết.

Theo sử Tàu thì Hiên Viên và Xy Vưu ngang hàng với nhau đều là Hậu, tức thị tộc trưởng (chefs de clans). Thuở ấy đã có một ông vua là vua Thần Nông, hiệu Viêm đế, và giáo sư Kim Định dựa theo Mộng Văn Thông cho rằng đó là vua của Viêm tức Việt.

Nhưng theo tự điển Từ Hải trích dẫn cổ thư thì Xy Vưu không là Hậu bao giờ hết mà là Vua. Xy Vưu cổ thiên tử, Xy Vưu bá thiên hạ.

Một dân tộc Việt có thể có hai vua chăng? Rất có thể, khi dân tộc ấy chưa thống nhứt và cả hai, Thần Nông và Xy Vưu đều là vua của một dân tộc Việt. Nhưng thật ra họ đã thống nhứt rồi, trong khối Cửu Lê.

Xy Vưu là vua của 9 nhóm Lê, điều đó thì rất khó cãi, vì Lê tồn tại cho tới ngày nay.

Chỉ còn phải biết Thần Nông là vua của Tàu hay của Việt. Việt đây phải hiểu là một chi Việt vì Việt gồm tới bốn năm chi và hàng trăm tiểu chi (Bách Việt).

Ở đây ta tạm dẹp khoa khảo tiền sử lại, để xét truyền thuyết xem ra sao. Người Tàu có truyền thuyết về vua Thần Nông là một trong nhiều vua cổ của họ, còn Việt Nam thì không. Lộc Tục chỉ là cháu của Thần Nông, nhưng lai căn hai ba đời rồi.

Mà câu chuyện cũng xảy ra ở Hoa Nam chớ không phải ở Hoa Bắc. Hoa Nam là đất mà Hoa tộc có sau Hoa Bắc đến hơn hai ngàn năm.

Vậy trong truyền thuyết cũng chỉ có Tàu Hoa Bắc là giành vua Thần Nông làm tổ trực tiếp còn ta thì chỉ giành làm cháu lai căn của ông ấy ở Hoa Nam mà thôi.

Đứng về mặt nào, khoa học hay truyền thuyết, Thần Nông cũng cứ là tổ trực tiếp của Tàu, và tại Hoa Bắc, còn ta, tại Hoa Bắc, nếu có thì ta không là hậu duệ của Thần Nông, bởi trí nhớ của ta cũng không kém của Tàu, mà ta không rành ông đó, tức là ông không có dính líu gì tới ta hết.

Triết thuyết chắc có đúng sự thật phần nào và giáo sư Kim Định đã cho truyền thuyết một địa vị lớn lao quá sức trong sách của ông, nhưng riêng về điểm này thì ông lại bất kể truyền thuyết, cứ theo Mộng Văn Thông và cho rằng Thần Nông là vua Việt.

Mộng Văn Thông có dụng ý chánh trị khi nối kết Việt vào Thần Nông.

Đã bảo khi thuyết:

Việt = Hoa

của giáo sư đại học Nguyễn Phương thất bại, bị phản ứng quá mạnh rồi thì phải có cái gì khác thay vào mà cứ giữ được quan niệm hai dân tộc là một.

Cái gì khác đó là thuyết của Mộng Văn Thông:

Hoa = Việt.

Sự nhượng bộ này chỉ làm cho ta hãnh diện mà thôi, nhưng ta sẽ chết với sự hãnh diện đó. Ta làm tổ của Tàu, Tàu không sao cả, vì đó chỉ là tổ giai đoạn, giai đoạn thôn tính bằng sử xuyên tạc. Thôn tính xong, quyển sách của Mộng Văn Thông sẽ bị phủ nhận là sai. Thế là ta sẽ rơi trở vào địa vị làm con.

Thật ra thì ta nghiên cứu sử, tức tìm sự thật thì làm con cũng chẳng sao, mà làm tổ cũng chẳng sao, miễn sự thật là thế. Nhưng cả hai môn, truyền thuyết và khoa khảo tiền sử đều cho thấy Thần Nông và Cửu Lê khác chủng với nhau, khác văn minh với nhau.

Theo truyền thuyết của hai dân tộc thì như thế đó, mà giáo sư Kim Định lại tin truyền thuyết hơn khoa học.

Dầu sao tin theo đàng nào cũng cứ có những sự kiện sau đây:

Mộng Văn Thông không đưa ra được chứng tích, còn khoa khảo tiền sử thì có chứng tích. Chứng tích đó lại ăn khớp với những gì xảy ra từ thời Hiên Viên đến nay (1970).

Thuyết Mộng Văn Thông chưa chi đã thấy sai là:

Viêm = Miêu + Việt.

Chúng tôi có một chương riêng cho Miêu tộc. Ở đây chỉ được tóm lược lại mà thôi. Sọ Miêu và sọ Việt khác nhau rất xa, ngôn ngữ cũng thế, mà cũng không hề tìm thấy một cái sọ lai căn Miêu Việt bao giờ hết ở Hoa Bắc, như đã thấy sọ lai căn Mã Lai + Mông Cổ ở Triều Tiên.

Sọ lai căn mang hai đặc thái của hai chủng lai giống với nhau, các nhà nhân thể học xem là biết ngay.

Theo khoa dân tộc học thì ngày nay Miêu tộc còn chăn nuôi giỏi hơn là làm ruộng và chưa tiến đến chế độ phong kiến giai cấp, tức là còn ở chế độ bộ lạc. Thế thì vào thời Hiên Viên, họ chưa biết nông nghiệp được đâu. Chữ Điền trong chữ Miêu không hề có nghĩa là họ biết làm ruộng, vả lại văn tự thì chỉ mới có về sau, lối đầu đời Thương, chớ vào thời Hiên Viên thì không có bằng chứng là có văn tự.

Còn chữ Hữu ở trước chữ Miêu, không có nghĩa là có ruộng như giáo sư nói. Theo tự điển Từ Hải thì chữ Hữu dùng trước các họ, các dân tộc, chỉ là trợ từ: Hữu Miêu, Hữu Sào, Hữu Hùng, Hữu Ngu.

Vậy có thể loại Miêu ra khỏi Viêm tộc, chỉ còn Lạc và Lê mà thôi.

Hình như là Mộng Văn Thông vẫn có biết kết quả của khảo tiền sử ở Á Đông, nhưng một là không thông ngoại ngữ, ông ấy đọc sách không vỡ nghĩa, hay là ông có mưu đồ chánh trị thì không rõ.

Quả thật thế, ông bảo rằng trước khi Hoa tộc đến thì Viêm = Miêu + Việt làm chủ toàn thể Hoa Nam ngày nay, rồi thì từ Hoa Nam họ tràn lên Hoa Bắc.

Khảo tiền sử cũng nói hơi tương tự như thế, nhưng lại khác xa, nếu ta hiểu được chữ nghĩa của họ.
  1. Miêu không bao giờ dính với Việt bất cứ về phương diện nào: Chủng tộc, ngôn ngữ, truyền thuyết, vật tổ.

  2. Việt Hoa Bắc không phải là Việt Hoa Nam tràn lên, bằng chứng là ngôn ngữ căn bản của họ có khác nhau, Việt Hoa Nam nói cái cẳng, Việt Hoa Bắc nói cái chơn, hai thứ Việt đó, Việt Hoa Nam không hề biết danh từ chơn, Việt Hoa Bắc không hề biết danh từ cẳng, chỉ có Việt Nam là biết đủ thứ vì là Việt hỗn hợp. Cả Nhựt, Chàm, Phú Nam cũng đều là Việt hỗn hợp nhưng họ chỉ biết cẳng mà không hề biết chơn.
Nói các ông ấy có âm mưu chánh trị hình như oan cho ông ấy chăng vì một câu khác của các ông chứng tỏ các ông đọc sách không vỡ nghĩa. Ông Vương Đồng Lĩnh mà giáo sư Kim Định có trích dẫn cho rằng dân ở Thiên San chia thành hai nhóm, một nhóm sang Tây làm thủy tổ da trắng, một nhóm sang Đông làm thủy tổ da vàng.

Nhưng khoa chủng tộc học thì dạy rằng chủng này không thể biến thành chủng khác được, trắng là trắng, vàng là vàng không kể chủng trung gian trắng vàng là Hoa chủng… Nhưng Hoa chủng là một chủng lai y hệt như Ấn Độ. Còn các chủng ở Âu Châu (mà thật ra thì có một chủng tộc độc nhứt, đó là chủng Ấn Âu) thì không phải là chủng lai.

Dĩ nhiên là da trắng còn hai chủng nữa là chủng Hamite và Sémite, nhưng hai chủng này thì chẳng liên hệ đến Tàu.

Có lẽ họ Vương ngỡ khí hậu biến dân da vàng thành ra Pháp, Đức, Nga được như chơi. Nói đến chủng lai thì có chủng độc nhứt đó là Hoa chủng. Người Aryen cũng lai, nhưng họ chỉ là một nhóm chớ không phải một chủng. Họ trắng nhưng lai với Mã Lai Dravidien, mà Dravidien là Mã Lai, tức vàng, nhưng trước khi lai với Aryen đã bị lai với Mê-la-nê, nên đã đen da, thành thử cái sọ, của người Ấn Độ mang đến ba yếu tố:

Ấn Âu: trắng
Dravidien: vàng
Mê-la-nê: đen

Người Cao Miên cũng thế nhưng ít lai với da trắng mà lại lai nhiều với da đen, thành thử họ xấu người hơn ta nhưng lại nói tiếng Tây giống Tây hơn ta.

Làm thế nào để biết Thần Nông là vua của Tàu hay vua của ta?

Chúng tôi không dám trèo đèo viết sách cho giáo sư đại học xem, vả lại giáo sư Kim Định không tin khoa học mà chúng tôi thì dựa vào khoa học thì đừng mong gì.

Vậy chúng tôi xin trao sách này cho những ai tin khoa học.

Muốn biết người xưa, khoa khảo tiền sử đào bới để tìm sọ, vũ khí và vật dụng của họ.

Đào xong, khoa đó cũng chưa biết cái gì hết. Cả đến nhà bác học Einstein cũng sẽ mù tịt khi ta đưa ra trước mặt ông ấy hai ba cái sọ, ông ấy cũng chỉ thấy đó là hai ba cái đầu lâu, không hơn không kém.

Nhưng có một khoa học kia thì biết rõ. Đó là khoa chủng tộc học (Anthropologie physique) mà trước đây ta gọi là nhân chủng học.

Vậy các nhà đào bới đã nhờ khoa đó tại Hoa Bắc và khoa đó đã tiết lộ những điều kỳ dị hết sức là các thứ sọ Hoa Bắc chỉ thuộc ba chủng còn để hậu duệ lại cho đến ngày nay:
  1. Sọ Trung Hoa
  2. Sọ Miêu
  3. Sọ Khuyển Nhung ở Tây Thiểm Tây, mà sọ Khuyển Nhung chỉ là sọ Miến Điện, mà sọ Miến Điện chỉ là sọ Mã Lai.
(Chúng tôi không thể kể những sọ không còn hậu duệ, chẳng hạn như sọ của thứ người gọi là người Bắc Kinh sống cách đây mấy trăm ngàn năm, y không phải là tổ tiên của người Tàu là kẻ mới đến sau).

Kỳ dị là không hề có sọ Cửu Lê, sọ Lạc, sọ Việt hay sọ nào khác để đặt tên là Viêm chẳng hạn.

Nhưng sử Tàu đã nói đến Cửu Lê đến Lạc và đến Lạc Lê, lại nói rõ địa bàn của họ nữa, về Lạc-Lê thì họ đích xác hơn về Miêu rất nhiều thì ta mới hiểu sao đây?

Không thể cho rằng sử Tàu dựng đứng lên Lê và Lạc, để làm gì chớ? Thế thì hẳn Lê và Lạc phải có.

Như vậy ta tạm hiểu rằng Lê và Lạc làm chủ Hoa Bắc không lâu là bị Tàu đánh đuổi, nên không có để dấu vết lại.

Giả thuyết này, sẽ thấy là đúng, qua những sự kiện về sau. Mà như thế thì vấn đề Thần Nông đã được giải quyết.

Thần Nông biết nông nghiệp còn Miêu thì không, như khoa dân tộc học đã chứng minh và như tự điển Từ Hải đã giải thích rằng Hữu Miêu không phải là có ruộng, mà Hữu chỉ là trợ từ.

Thần Nông cũng không phải là Khuyển Nhung vì Thần Nông ở tại rún địa bàn Hoa Bắc cổ thời còn Khuyển Nhung thì chỉ ở Tây Thiểm Tây.

Như thế thì Thần Nông chỉ có thể là Tàu cho dẫu y là vua hay là một đợt văn minh nông nghiệp bị Chu Nho ngây thơ theo lối Evhémère biến thành nhơn vật.

Còn Lê và Lạc thì cũng ở ngoài bìa nước Tàu thượng cổ ấy (Nam Hà Nam và Sơn Đông) chớ không có ở tại rún của quốc gia đó bao giờ.

Dầu sao thì vào thời thượng cổ Cửu Lê và Lạc đã làm chủ Hoa Bắc thật sự vì biến cố Hiên Viên, Xy Vưu là một biến cố lớn của thời ấy, không như vụ cầm tù lãnh tụ Miêu tộc là một sự kiện lặt vặt.

Nhưng lại không hề có sọ Cửu Lê và sọ Lạc ở Hoa Bắc thế nghĩa là làm sao?

Những cái sọ Lạc không tìm thấy ấy, rồi họ sẽ tìm thấy nơi khác, cạnh nước Tàu, nhưng ta vẫn phải nhìn nhận rằng ở Hoa Bắc có Cửu Lê và có Lạc, chỉ có điều là họ làm chủ chưa lâu là bị Hiên Viên đánh đuổi ngay.

Ở đây, sự suy luận phải thật gắt gao và siêu chính xác, vì sai một li là đi đời cả thượng cổ sử Hoa và Việt.

Theo sử Tàu thì Thần Nông làm vua được 8 đời mới bị Hiên Viên diệt. Tám đời vua thì phải lâu, và phải có để dấu vết lại.

Trong khi đó thì Cửu Lê không hề có để lại một tí dấu vết tại đất Hoa Bắc.

Như thế thì làm thế nào mà Thần Nông, là vua của dân Lê và Lạc được?

Bằng như nói Thần Nông thuộc Miêu, thì chúng tôi đã bác rồi là Hữu Miêu không có nghĩa là có ruộng và ngày nay họ còn giỏi chăn nuôi hơn là trồng trọt thì không làm sao mà cách đây 5.000 năm họ đã giỏi nông nghiệp hơn Tàu.

Viêm chăng? Không có cái sọ nào khác hơn là sọ Tàu và sọ Miêu để cho Mộng Văn Thông đặt tên là Viêm hết.

Khuyển Nhung chăng? Khuyển Nhung định cư ở Tây Thiểm Tây, không liên lạc được với Thần Nông vì Đông Thiểm Tây là của Tàu. Như vậy Khuyển Nhung cũng không thuộc Thần Nông. Khuyển Nhung lại có sọ Mã Lai.

Việt chăng? Không có cái sọ Việt nào ở Hoa Bắc hết.

Vậy Viêm tộc không bao giờ có trên đời này.

Viêm bang chỉ là danh xưng mà Tàu đã bày ra về sau, để chỉ nước ta vì nước ta viêm nhiệt, còn Viêm phương là danh từ mà Tàu đã bày ra trong đời Chu để chỉ mơ hồ phương Nam của Tàu. Chỉ có thế thôi.

Có lẽ quả thật Thần Nông là nhóm Tàu đã bày ra nông nghiệp còn Hiên Viên thì không, nhưng họ cũng chỉ là Tàu với nhau. Bằng chứng trong một nước có so le văn hóa, thấy rõ trong Hậu Hán thư tả Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng còn Cửu Chơn thì chưa biết nông nghiệp. Thần Nông và Hiên Viên có khác nhau về sinh kế là cũng ở trong trường hợp đó.

Còn ông ấy lấy hiệu là Viêm Đế là vì lý do nào không rõ, chớ không vì ông ấy là vua của chủng Viêm mà chúng tôi quả quyết là không có, hoặc nếu có thì cũng chỉ là một nhóm Tàu họ lấy tên là Viêm có thể vì nhóm đó biết lửa trước nhóm Hiên Viên. Mà như vậy là dân tộc chớ không phải là chủng tộc nữa.

Nhưng thật ra thì vua Thần Nông không bao giờ có, thế thì Viêm Đế cũng không bao giờ có. Giáo sư Kim Định cũng đồng ý với các nhà bác học Tây phương (mà ngày nay các nhà bác học Trung Hoa cũng đồng ý như vậy) là họ chỉ là một nhóm người Tàu văn minh trước các nhóm người Tàu khác, mà các Chu Nho ngây thơ theo tinh thần Evhémère đã biến thành một nhơn vật.

Không tin Thần Nông là một nhơn vật, nhưng giáo sư lại tin rằng kẻ không phải là một nhơn vật đó lại có vương hiệu là Viêm Đế, tức vua của dân Viêm.

Ông ấy có hay là không? Nếu không thì không sao mà có vương hiệu cả và cái vương hiệu là Viêm không có thì thế nào có dân Viêm mà ông bảo rằng Viêm Đế là vua của dân Viêm?

Không ai biết Cửu Lê là 9 thứ dân nào, và mỗi thứ tên là gì, nhưng có điều chắc chắn là cạnh dân Lê, sử Tàu đặt hai thứ dân khác là Lạc-Lê và Lạc.

Chúng ta thử tìm, nhưng không được. Hiện nay các thứ cổ dân làm chủ đất Trung Hoa đều còn đủ mặt ở bên Tàu. Người Tàu không biết chủng tộc học, nên sách giáo khoa của họ ngày nay cũng cứ tiếp tục đếm tên từng nhóm, như Ngũ Miêu, và sáu bảy thứ Thái khác nhau mà họ gọi là Bạch Di, Cần Di, Nông (Nùng) Thái, Lô Lô, Thổ, Đồng, Khát Lão, v.v. không phân biệt chủng tộc nào hết.

Nhưng khoa chủng tộc học và dân tộc học phân biệt như sau:
  1. Chủng Miêu gồm 5 thứ
  2. Chủng cổ Mã Lai gồm 4 thứ Lạc và 6, 7 thứ Thái
Tất cả những thứ ấy chỉ ở Hoa Nam, nhưng xưa kia đều làm chủ Hoa Bắc, trước khi người Tàu đến, nhưng không phải là Cửu mà nhiều hơn thế kia, hoặc chỉ có nhị nếu dựa vào chủng tộc.

Thế thì Cửu của Tàu chỉ dựa vào sự quan sát, có thể cũng đủ số cửu thật đó, vào cổ thời, những thứ khác vốn chỉ có mặt ở Hoa Nam, mà Hoa Nam thì họ chưa chiếm nên chưa biết.

Nếu dựa vào chủng tộc học, ta biết rằng họ chỉ gặp có hai chủng mà thôi là chủng Miêu và chủng Mã Lai nhưng Miêu thì chắc chắn không có mặt trong cái Cửu đó, vì cho tới ngày nay họ vẫn còn kém thì cách đây 5 ngàn năm họ chưa đủ sức đương đầu với Tàu.

Nếu dùng ức thuyết thì Cửu Lê là chủng Mã Lai, và gồm các nhóm Thái và Lạc, có mặt ở Hoa Bắc vào thuở đó (mà không có Miêu).

Nhưng khoa khảo tiền sử lại đào bới hoài mà không gặp sọ Mã Lai tại Hoa Bắc. Đó là một sự lạ, trái ngược với ức thuyết của chúng tôi, nhưng mà rồi sẽ giải thích được rõ ràng.

Vậy Xy Vưu là Cổ Thiên Tử của 9 nhóm dân Mã Lai. Đó là nói tiên tri trước vài mươi trang, chớ ta chưa thấy Thái và Lạc là Mã Lai bao giờ cả, nhưng rồi ta sẽ thấy.

Dân Cửu Lê ở đâu? Hiên Viên đánh thắng họ tại Trác Lộc (Bắc Hà Nam) ở trên sông Hoàng Hà. Có lẽ đó là trung tâm của họ.

Rồi họ có ở lại hợp tác sau khi vua họ là Xy Vưu bị hạ sát hay không? Đã bảo họ có sọ y hệt như sọ Mã Lai, mà ở Hoa Bắc lại không tìm thấy sọ Mã Lai.

Thế nghĩa là họ bị tàn sát hết hoặc chạy trốn hết. Nhưng cái việc tàn sát hết đó, không thể xảy ra được, khi mà đất trống còn quá nhiều để cho họ chạy trốn.

Sử Tàu có nói đến Vũ Xy Vưu. Có lẽ đó là vài mươi tên tù binh bị bắt mà không có khí giới, và làm nô lệ cho Tàu, múa (vũ) cho họ xem, chỉ có thế thôi, và chỉ có vài mươi tên, nên không còn sọ.

Không phải sọ nào cũng còn được sau 5 ngàn năm mà trong 10 ngàn cái chưa dễ có một cái chưa thành tro.

Khi mà khoa khảo tiền sử tìm được 5 cái sọ của chủng nào đó thì người ta đoán biết rằng chủng ấy có mặt đông ít lắm cũng tới 50 ngàn người.

Cạnh người Lê và ngăn Lê và Lạc làm đôi là dân Lạc-Lê, có lẽ là một nhóm lai căn giữa Lê và Lạc. Tuy cả hai Lê và Lạc đều đồng chủng Mã Lai với nhau, nhưng vẫn có khác, nên một cuộc hợp chủng mới cho đẻ ra nhóm Lạc-Lê, y hệt như trên Cao nguyên ta hiện nay, tất cả đều là Mã Lai. Nhưng Sơ Đăng khác Bà Na, Bà Na khác Giarai.

Ta không biết địa bàn của Lạc-Lê, nhưng địa bàn của Lạc thì được biết. Rợ Lạc bộ Trãi có địa bàn ăn khớp với rợ Đông Dị tức tỉnh Sơn Đông và ở trên nữa, tức tỉnh Hà Bắc.

Rợ Lạc này viết khác với rợ Lạc ở Thiểm Tây, Lạc ấy viết với bộ Chuy, còn Lạc này viết với bộ Trãi, cũng đọc là Trĩ, tức con sâu không chơn, và không có nghĩa gì cả, bởi thói quen của người Tàu là viết tên các thứ dân kém mở mang hơn họ bằng những bộ Trùng, bộ Khuyển, bộ Thỉ, v.v. Người Đao một chi của Miêu tộc đã bị viết với bộ Khuyển từ hơn ba ngàn năm nay, mãi đến nay mới được viết lại với bộ Ngọc.

Dầu sao họ cũng biết Khuyển Nhung và Đông Di là Lạc vì địa bàn Khuyển Nhung ăn vào địa bàn Lạc bộ Chuy, còn địa bàn Đông Di ăn vào địa bàn Lạc bộ Trãi.

Rồi ta sẽ biết Lạc-Lê và Lạc là ai, rồi họ đi đâu.

Nhưng tại sao họ không có mặt trong trận đánh với Hiên Viên? Không, không có bằng chứng là không có họ. Cửu Lê gồm có Lạc-Lê và Lạc mà Cửu Lê bị đánh thì Lạc và Lê cũng không thoát.

Ta sẽ biết Lạc là gì rồi, họ đi đâu, sau khi bị Hiên Viên diệt. Sự “đi đâu” của họ, phải có nguyên nhơn, mà nguyên nhơn đó là sự đánh diệt của Hiên Viên, vậy họ phải có mặt trong trận Trác Lộc, mặc dầu địa bàn của họ không phải ở Trác Lộc.

Theo sử Tàu thì Lạc bộ Trãi là rợ Đông Di, có địa bàn ở sông Bộc và cũng được gọi là Bách Bộc, mà sông Bộc chỉ cách Trác Lộc có 10 cây số. Thế thì Cửu Lê bị đánh ở Trác Lộc, phải có mặt Lạc.

Đã hết. Hoa chủng không còn gặp ai nữa cả, tại Hoa Bắc, theo khoa khảo tiền sử thì họ chỉ gặp có hai chủng: Miêu chủng và Mã Lai chủng.

Mã Lai chủng phương Tây là Khuyển Nhung thì đã rõ. Còn sọ Khuyển Nhung và đó là sọ Miến Điện, tức sọ Mã Lai. Lại có dấu vết Khuyển Nhung di cư đi Miến Điện.

Nhưng không hề thấy dấu vết của sọ và vũ khí của Lê và Lạc ở địa bàn của Lê và Lạc. Thật là phiền cho giáo sư Kim Định vì nó không ăn khớp với cái vụ ăn cướp văn minh Việt mà Tàu là thủ phạm.

Đã bảo một nền văn minh không bắt chước được khi thoáng thấy, mà phải học. Nhưng chủ nhân của nền văn minh đó lại biến mất, không để dấu vết lại thì phải làm thế nào?

Thế nên chúng tôi mới bác bỏ cái đám cướp tưởng tượng đó và chủ trương một lối thấy khác nữa là cái ông Cổ Thiên Tử Xy Vưu đó, đến làm chủ Hoa Bắc không tới 10 năm là đã gặp rủi ro, là sự xâm nhập của Tàu, chứ nếu ông ta đã làm vua ở đó lâu đời rồi thì thế nào sọ và vũ khí của dân Cửu Lê cũng còn sót lại, ít lắm là một cái.

Làm vua mới có 10 năm, hoặc 5 năm, chưa có ai kịp chết hầu để sọ lại, rồi thì bị đánh đuổi và chạy đi mất hết, nên mới không để dấu vết ở Hoa Bắc.

Và như vậy thì không có vấn đề Tàu ăn cướp văn minh nông nghiệp tại Hoa Bắc.

Họ có ăn cướp của Miêu chăng? Cũng không, vì cho tới ngày nay mà Miêu vẫn còn giỏi chăn nuôi hơn là trồng trọt thì cách đây 5.000 năm, họ không thể đã biết nông nghiệp trước Tàu.

Giáo sư Kim Định nói Hữu Miêucó ruộng đã bị từ điển Từ Hải đính chánh. Các nhà dân tộc học Âu Mỹ phỏng đoán Miêu làm ruộng rất dở vì có Thảo ở trong Điền. Làm ruộng mà để cỏ mọc trên ruộng là quá dở. Lối giải thích đó không chắc đúng, nhưng có vẽ đứng vững hơn.

Sự vắng bóng của sọ Lạc ở Hoa Bắc, nhưng lại có mặt tại Đại Hàn, Nhựt Bổn, Đài Loan, Hải Nam, Việt Nam vẽ ra lộ trình một cuộc di cư vĩ đại từ Hoa Bắc và chính vì thế mà chúng tôi mới kết luận rằng Lạc và Lê làm chủ Hoa Bắc có lẽ không tới mười năm thì bị Hiên Viên đánh đuổi đi.

Và Hiên Viên là thủ lãnh của bọn Tàu xâm nhập, chớ trước Hiên Viên không có Hữu Sào, Phục Hi, Toại Nhân gì cả đâu.

Quả thật thế, sử Hy Lạp cho biết rằng Nhục Chi và Mông Cổ đều đã biết lửa. Thế thì tại sao con cháu của Nhục Chi và Mông Cổ phải đợi Phục Hi và Toại Nhân nào đó vào nước Tàu rồi mới dạy cho làm lửa?

Truyền thuyết Tàu đã lầm lẫn địa bàn. Họ nói đến một nhơn vật Mông Cổ hay Nhục Chi ở ngoài nước Tàu. Nếu truyền thuyết Nhục Chi và Mông Cổ mà thọ như truyền thuyết Tàu, thì họ cũng có hai nhơn vật y hệt như thế, mà đó mới là Toại Nhân và Phục Hi thật sự.

Hoa tộc xâm nhập Trung Hoa là đã biết lửa rồi.

Thế nghĩa là Toại Nhân, Phục Hi, nếu quả là hai nhơn vật chớ không phải là hai đợt văn minh, thì đó là hai nhơn vật hoặc Nhục Chi, hoặc Mông Cổ, ở ngoài nước Tàu.

Hiên Viên mới đích thực là một trong hai lãnh tụ, lãnh tụ thứ nhì là Thần Nông. Hai nhóm đó diệt nhau, chỉ là một cuộc tranh chấp nội bộ giữa Tàu với nhau mà thôi, chẳng dính líu gì với ta cả.

Truyền thuyết Tàu đã lầm lẫn địa bàn, mà truyền thuyết của dân tộc nào cũng thế. Chúng ta sẽ thấy rằng truyền thuyết Việt cũng lầm lẫn địa bàn không kém Tàu chút nào hết.

Và nếu ta nhận ra rằng Lạc-Lê làm chủ nước Tàu không lâu, không hơn mười năm thì nhóm Thần Nông không thể đã truyền ngôi được 8 đời, như sử Tàu đã chép. Nếu Thần Nông là Việt như giáo sư Kim Định nói thì hai chủng tộc đó phải diệt nhau tức thì khi chạm trán với nhau, chớ cuộc giành giật đất đai suốt tám đời vua, nếu có, truyền thuyết Tàu đã có nói đến, và các cổ thư Tàu đã có chép truyền thuyết ấy.

Có lẽ vì thế mà Tư Mã Thiên chỉ bắt đầu từ Hiên Viên chăng? Nhóm Thần Nông có thể chỉ làm vua trên đường xâm nhập, bởi cũng nên biết rằng xâm nhập đất đã có chủ: Miên, Khuyển Nhung, Lạc-Lê, không phải đầu hôm sớm mai mà vào được mà phải mất hàng ngàn năm.

Về vụ Xy Vưu và Cửu Lê ta chỉ có thể lập ra ức thuyết mà không mong có cuộc khám phá nào mới lạ nữa, vì như đã nói, khoa khảo tiền sử ở Hoa Bắc đã được làm xong rồi.

Ta giả thuyết rằng Cửu Lê, từ đâu chưa biết, nhưng thuộc chủng Mã Lai, theo khoa khảo tiền sử, xâm nhập đất Hoa Bắc đã có chủ rồi là Miêu chủng.

Nhưng vì Miêu chủng quá kém, nên họ làm bá chủ ở Hoa Bắc cho nên Xy Vưu mới được gọi là Cổ Thiên Tử.

Nhưng họ chỉ mới làm chủ có 5, 7 năm gì đó thì bị Hiên Viên đánh đuổi. Họ bị tàn sát. Những kẻ còn sống sót di cư đi Đại Hàn, Nhựt Bổn, Đài Loan, Hải Nam, Việt Nam, nhưng lại vắng bóng ở Hoa Bắc.

Có thể nào mà họ từ Hoa Nam mới tràn lên đó chăng? Không, vì nếu thế thì khi bị Hiên Viên đánh đuổi, họ lui trở xuống Hoa Nam chớ không phiêu lưu mạo hiểm trong một cuộc di cư xa xôi và khó khăn như thế vào cái thời mà loài người chưa thạo đi biển mà cũng chưa có phương tiện hàng hải đáng kể.

Họ không lui về Hoa Nam mà cũng không xâm lăng Hoa Nam vì họ biết rằng Hoa Nam đã có chủ rồi, và chủ ấy là ai rồi ta sẽ thấy.

Khi tràn vào Hoa Bắc, kẻ tiên phong phải là Lạc bộ Trãi, vì như ta biết thì Lạc bộ Trãi có địa bàn ở cực Đông Hoa Bắc, tức là họ phải là bọn đi đầu mới tới biển trước 8 nhóm khác.

Những gì nói ra trên đây hơi sớm nhưng tại đã đến lúc phải nói. Nhưng rồi ta sẽ thấy rõ ở chương Mã Lai chủng.

Lạc là ai, ra thế nào, và tại sao được Tàu gọi là Lạc?

Chúng tôi chỉ có thể trình diện Lạc ở chương Mã Lai chủng nhưng ở đây cũng xin nói sơ qua rằng Lạc có địa bàn như trên và lâu lắm về sau mới nghe sách Tàu chép rằng rợ Đông Di xâm mình và nhuộm răng đen.

Có đến 5 thứ Lạc nhưng Tàu chỉ biết có ba thứ thôi, và biết vào ba thời đại khác nhau. Dưới thời Hiên Viên họ gộp Lạc vào Cửu Lê, nhưng có lẽ đến đời Hạ Thương thì họ biết rằng rợ Đông Di là Lạc, vì sau đó họ chép rằng Cơ Tử khi đi khai hóa rợ Tam Hán, mà họ biết rằng rợ Tam Hán là hậu duệ của Lạc bộ Trãi từ Đông Bắc Trung Hoa di cư sang Triều Tiên.

Họ cũng biết rằng Khuyển Nhung là Lạc bộ Chuy, nhưng họ không chắc lắm nên tự dạng Lạc bộ Chuy, về sau bị bỏ, và được một quyển sách đời sau dùng lầm để chỉ ta, đó là quyển Giao Châu ngoại vực ký.

Đến đời Chu thì họ biết rằng dân Việt ở Hoa Nam cũng là Lạc, nhứt là dân Thất Mân, và chỉ bọn Lạc đó bằng tự dạng Lạc bộ Mã.

Còn hai thứ Lạc nữa mà họ biết rất trễ, không rõ vào thời nào, có lẽ cuối Chu cũng nên, nhưng không có gọi hai thứ đó là Lạc bao giờ cả, có lẽ vì hai thứ đó tự xưng khác.

Đó là người Khơ Me mà họ phiên âm là rợ Khương ở tỉnh Tây Khương và người Thái mà họ gọi là Âu vào đời Tần.

Lạc là gì?

Là danh tự xưng được Tàu phiên âm và đọc là Ló mà ta thoáng thấy rằng danh tự xưng đó là Lai. Việc phiên âm của Tàu về các đời sau, khá đúng, nhưng vào thời thượng cổ, xem ra không đúng lắm.

Họ có âm Ai chớ không phải là không có mà bảo rằng vì thiếu âm nên phiên âm sai. Nhưng buổi ban đầu tiếp xúc, thường thì dân tộc nào cũng gọi sai các dân tộc khác, thí dụ ta đã gọi Pháp là Hòa Lan, rồi Hạ Lan, còn Âu Châu thì gọi Mã Lai Nam Dương là Ấn Độ.

Và cho đến danh tự xưng của họ, họ cũng làm thế, có nhóm chỉ tự xưng là Mã không mà thôi, chớ không có Lai. Có nhóm lại tự xưng là Mã Đa, thí dụ sử Chàm đã chép rằng họ đã diệt một tiểu bang tên là Mã Đa tại lối Phú Yên, tiểu bang đó cũng là Mã Lai như họ, và ở miền Nam có một nhóm Thượng tự xưng là Mạ và nói tiếng Mã Lai (nhưng các ông Tây lại sai lầm mà cho rằng Mạ nói tiếng Cao Miên).

Ta cứ ngỡ rằng sách Tàu viết chữ Lạc lộn xộn bậy bạ có khi với bộ Trãi, có khi với bộ Mã, có khi với bộ Chuy.

Nhưng cái sự lộn xộn của Tàu thật ra là sự trật tự đấy, vì khoa khảo tiền sử khám phá ra rằng quả có ba thứ Mã Lai, một thứ di cư từ Hoa Bắc xuống Việt Nam, một thứ nằm sẵn tại Hoa Nam, rồi cũng di cư đi Việt Nam. Còn Lạc bộ Chuy là Khuyển Nhung, một chi Mã Lai, sẽ thành Miến Điện về sau.

Hai thứ kia là Khơ Me và Thái thì họ chỉ mới biết cũng là Mã Lai gần đây thôi.

Phải phục các ông Tàu đời Chu là giỏi.

Cho tới nay, thiên hạ than phiền về ba tự dạng Lạc bể đầu ấy lắm, không biết tại sao Tàu viết lộn xộn đến thế. Nhưng rõ ra thì họ đã biết là có ba thức Lạc, ngay từ đời Chu rồi, và đáng sợ hơn nữa là họ chỉ đích xác người Phúc Kiến, tức Thất Mân, bằng chữ Lạc bộ Mã, luôn luôn như vậy, mà Thất Mân, theo khoa khảo tiền sử thì đích thị là Mã Lai đợt II, mà chúng tôi sẽ trình diện rõ hơn.

Ấy thế mà sử gia Nguyễn Phương của ta lại nói rằng sử gia Tàu không biết Lạc là gì, nên quá bối rối tìm cách giải thích liều lĩnh nhưng không xong.

Lần lần ta sẽ thấy rằng họ biết Lạc rõ cũng gần bằng khoa khảo tiền sử ngày nay.

Các bản đối chiếu ngôn ngữ sẽ cho ta thấy Việt ngữ gồm cả ba loại danh từ của cả ba thứ Lạc đó, họ có một số danh từ giống hệt nhau, nhưng cũng có một số danh từ khác nhau. Nhưng Việt Nam lại có đủ cả ba vì ta là Lạc hỗn hợp.

Người Tàu còn biết nhiều hơn nữa kia và ăn khớp với khoa khảo tiền sử, và lần lần, ta sẽ thấy rõ như ban ngày trong thượng cổ sử của ta.

Rồi chúng ta lại thấy bọn Lạc-Lê tái xuất hiện ở Việt Nam, cũng với tên xưng hơi giống giống Lạc-Lê.

Ta cứ ngỡ nhóm trung gian Lạc-Lê mà các cổ thư Trung Hoa nói đến, quá nhỏ nên bị tàn lụn rồi, nhưng họ còn có mặt ít lắm là vào thời Hùng Vương 16, 17, 18 và chúng tôi hồ nghi có căn cứ rằng người Hải Nam cũng là Lạc-Lê chớ không là Lạc thuần túy, bằng vào Thủy Kinh Chú trong đó Lệ Đạo Nguyên tả dân Hải Nam giống dân Nhựt Nam mà dân Nhựt Nam thì đích thị là Lạc-Lê, theo nước riêng của chúng tôi.

Như vậy là Lê thuần túy không còn nữa, vì sách giáo khoa mới nhứt của Tàu gọi dân Hải Nam là Lê, nhưng họ lại chỉ là Lạc-Lê, hoặc Lê là danh phiên âm tối cổ, trước khi có danh phiên âm Lạc cũng không chừng, và Cửu Lê, chỉ là Cửu Lạc mà thôi, bởi Lê thì Tàu đọc là Lỉa, mà Lỉa cũng không xa nhau cho lắm, bằng chứng là đời Hán đến đời Đường, họ phiên âm tên nước Cam-bu-chia đến ba cách khác nhau: Cam Bố Trì, Cam Phá Giá rồi Giản Phố Trại, mà đó là thời họ đã văn minh rồi, làm việc cẩn thận hơn vào đời Hiên Viên nhiều lắm rồi, mà họ còn phải mò mẫm như vậy gần mười thế kỷ mới phiên âm thật đúng danh tự xưng của một dân tộc.

Riêng Lạc bộ Trãi di cư đi Triều Tiên thì đến tới Tây Chu họ đã phiên âm thật đúng. Họ gọi rợ Tam Hán là Lai di. Họ đã mất hai ngàn năm mới lần dò từ Lạc đến Lai được.

Ông H. Maspéro là một nhà bác học chưa học khoa chủng tộc học, nên khi nghe Granet khám phá ra những tục dâm đãng của người Tàu qua những bài thơ trong Kinh Thi, mà chính người Tàu cũng không hề thấy sự kiện đó mà còn được Khổng Tử khen nữa, và khi thấy người Thái Thượng du Bắc Việt cũng có phong tục y hệt như vậy, ông kêu to lên: “Thái là người cổ Trung Hoa” (Pré-chinois).

Ông có biết đâu rằng dân tộc nào cũng trải qua các giai đoạn tiến hóa gần giống nhau và Tàu đời Thương, Chu, giống Thái thời nay, không hề có nghĩa là Thái là cổ Trung Hoa.

Giáo sư Kim Định cũng làm y hệt như vậy, đưa những đám hát trống quân, hát quan họ của ta rồi so sánh với Kinh Thi và cho rằng ta là cổ Trung Hoa.

Nên biết rằng những bài thơ trong Kinh Thi phần lớn là dân ca, được sáng tác trước thời dân Tàu có lễ giáo điệu nhà nho. Dân Tàu đã có dâm phong thật sự vào thời ấy và đó là sự dĩ nhiên không hề chứng tỏ Thái và ta là cổ Trung Hoa.

Cũng nên xét qua về hai lối định một câu nhận xét Kinh Thi của Khổng Tử. Ông Nguyễn Hiến Lê dịch là: “Không dâm”, nhưng ông Trần Trọng Kim dịch là: “Không nghĩ xằng”.

Ta xem nguyên văn thì thấy là “không nghĩ xằng”. Mà ai không nghĩ xằng? Không phải độc giả đâu nhé. Khổng Tử nói đến tác giả của những bài dân ca đó, họ chỉ tả đúng phong tục thời đó, chớ không có ý khiêu dâm. Tâm vô tà là tâm của tác giả các bài ca, chớ không phải là tâm người đọc, vì người đọc tuyệt nhiên không thấy sự thật ẩn trong đó, trước khi ông Granet khám phá ra, thì họ làm sao mà có tà tâm được.

Nhưng Khổng Tử vốn có thấy, y như Granet, vì thế mà nghĩ phải đưa ra nhận xét trên, để binh vực các tác giả đó, khi nào những bài ấy bị ai lên án mà ngài phải liên lụy. Nhưng không có chú Tàu nào thấy cả nên Kinh Thi không bao giờ bị lên án.

Nhiều học giả Tàu và ta cho rằng những bài dân ca Kinh Thi lượm lặt ở nước Vệ, nước Trịnh, nước Tề, được sáng tác vào đời Chu vì chính vào đời Chu mới có những nước ấy.

Nhưng không, vào đời Chu thì Tàu đã hết dâm phong rồi hay còn rất ít mà Kinh Thi thì đầy dẫy dâm phong.

Sự thu lượm ở các nước nói trên, không có nghĩa là được sáng tác vào đời Chu. Nó được sáng tác trước đó hai ba trào đại, vào đời Hạ cũng nên, cũng cứ tại những nơi đó, tuy chưa mang tên là nước Này, nước Nọ. Khi người ta thu lượm thì thu lượm tại những nước ấy vừa đã có tên là Vệ, là Trịnh, v.v, dĩ nhiên là phải thế, nhưng nơi chốn không phải luôn luôn là thời điểm sáng tác.

Thí dụ những bài dân ca dâm đãng nhứt được thu lượm tại nước Trịnh mà trước đời Chu thì không có nước Trịnh nhưng đã có quận huyện nào đó nằm tại nước Trịnh đời Chu và chính dân của các quận huyện ấy đã sáng tác rồi truyền miệng lại đến đời Chu thì người ta thu lượm, dĩ nhiên là tại nước Trịnh.

Giáo sư Kim Định đã đặt ra nghi vấn về mấy thiên đầu Kinh Thi:

Viết nhược kê cổ = Việt nhược kê cổ

và cho rằng chính một người Việt đã chép Kinh Thi (trước khi Khổng Tử san định).

Điều đó cũng có thể, vì có thể một người Việt hiếm hoi bị bắt và trở thành trí thức Trung Hoa.

Đành thế. Nhưng một vài cá nhân lọt sổ, ở lại hợp tác và thành trí thức Tàu, khác xa sự kiện toàn dân Việt ở lại để dạy Tàu văn minh của họ.

Người Việt thành trí thức Tàu quả có thực và chúng tôi thấy rằng 9 bài Cửu Ca của Sở Từ là do một người Việt viết ra, và cả sử Tàu cũng xác nhận là tướng Giám Lộc, kẻ phát minh ra canal à écluses, là người Việt.

Nhưng vẫn cứ là vài cá nhân lẻ tẻ, không hề có cuộc sống chung hòa bình, hoặc chinh chiến giằng co lâu năm tại Hoa Bắc mà bằng chứng không thể chối cãi là khoa khảo tiền sử tìm được dấu vết Cửu Lê tại Đại Hàn, nhưng dấu vết đó tuyệt đối vắng bóng tại Hoa Bắc.

Giáo sư Kim Định cho rằng Khổng Tử là người Việt, và là Việt gian, vì hợp tác với Chu (Tàu du mục), nhưng Việt gian đáng được tha thứ.

Nhưng trong chương Bất tương đồng Hoa Việt, ở tiểu mục Bí mật phòng trung, chúng tôi đã cho thấy những dị biệt giữa Tàu và Việt. Mẹ Khổng Tử đã “lâm bồn”, trong khi đó thì phụ nữ Việt từ cổ chí kim không hề có nhóm nào “lâm bồn” cả. Vậy Khổng Tử là Tàu hay Việt?

Giáo sư quả quyết rằng có quen với một người Việt, người ấy cha truyền con nối, còn nhớ văn tự của dân Việt thời Nghiêu Thuấn.

Nhưng sao trên trống đồng Lạc Việt không thấy có khắc chữ gì hết, trừ loại trống sau cùng có khắc chữ… Tàu?

Nếu dân Lạc Việt không thích khắc chữ trên trống thì cứ không thích hoài chớ sao trước không thích mà sao lại chịu ảnh hưởng Tàu, rồi mới thích khắc chữ là thế nào?

Chúng tôi cố tìm xem có những nét nào giống gần hay giống xa gì với văn tự của người Mường hay không, và tuyệt đối không thấy. Thế nghĩa là văn tự của người Mường cũng chỉ mới có đây thôi, không biết vào thời nào, nhưng chắc chắn là sau thời Thượng Hiệt.

Nhưng cũng nên biết rằng giáo sư chỉ nói đến một thứ Việt mù mờ nào đó, chớ không phải là dân ta. Nhưng rồi sau đó hình như giáo sư lại nối kết Việt mù mờ đó và dân ta một cách rất rõ ràng minh bạch. Vậy thì dân ta phải có chữ, trước khi học chữ của Tàu. Nhưng văn tự đó ở đâu? Sao không thấy giáo sư làm bản kẽm in ra xem thử ra sao?

Mộng Văn Thông cũng chỉ nói phất phơ vậy thôi vì kẻ không có chứng tích không bao giờ dám to tiếng quả quyết cái gì hết. Nhưng giáo sư Kim Định phát triển mạnh mẽ những điều đó ra, và cho rằng cái gì của Tàu cũng do ta sáng lập ra cả, mà ở tận Hoa Bắc lận kia.

Giành giật nền văn minh Đông Sơn thì không sao, chớ giành luôn Hồng Phạm, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh nào cũng dân Việt làm ra hết thì người Tàu sẽ buồn cười lắm.

Họ không cãi đâu, mà chỉ cười thôi.

Còn nhớ cách đây mười năm, nhân ngày lễ Hai Bà Trưng, tờ báo Tàu Phụ nữ của ông Lý Thu trong Chợ Lớn in hình một cô “Mọi” Cao nguyên to tướng ngay trong bài đó.

Tờ báo bị đóng cửa, dĩ nhiên là như vậy.

Nhưng như thế đủ biết “người anh em đồng bào còn ở lại bên Tàu” để tiếp tục cái văn minh mà Việt đã lập ra bên ấy (theo giáo sư Kim Định), “người anh em” đó nghĩ thế nào về Hai Bà Trưng của ta?

Họ nghĩ gần đúng vì quả hình người khắc ở trống Đông Sơn ăn mặc gần giống như người Thượng ngày nay. Nhưng vua Vũ, Khổng Tử, sống trước Hai Bà Trưng quá xa, sống trước vua Hùng Vương cũng quá xa, sau khi ta di cư, ta không mang theo món gì của vua Vũ hết cả, mà chỉ có cái lưỡi rìu có tay cầm mà vua Vũ không bao giờ có?

Nếu quả đúng nền văn minh Tàu do ta lập ra thì chúng tôi hãnh diện trước nhứt. Nhưng mà… không bao giờ có chuyện đó. Nó chỉ là huyền thoại mới đặt năm 1969.

Họ nghĩ gần đúng, chỉ phiền là họ thiếu tinh thần khoa học, quên mất rằng vào thời Hiên Viên, Tàu cũng chỉ văn minh đến thế là cùng.

Họ thiếu tinh thần khoa học và bức ảnh đó được đăng với tánh cách chế giễu và khinh khi “man di” không thể chối. Thế nên tờ báo ấy mới bị đóng cửa.

Giáo sư khuyên là đừng oán ghét “người anh em đó”. Ai mà oán ghét họ! Chỉ có họ là khinh bỉ ta thôi đó chớ.

Ông bảo Tứ Thư, Ngũ Kinh là của dân ta. Bảnh lắm. Nhưng rồi ông nói Ngũ Kinh tiếp nhận cổ huấn từ Tam phần, mà các bộ sách Tam phần thất truyền ấy lại là của Phục Hi, tức trước Thần Nông nữa.

Thế thì:
  1. Nếu Phục Hi là Tàu thì ta bất quá chỉ cóp theo Tàu, nếu quả Ngũ Kinh là của ta đi nữa.
  2. B. Nếu Phục Hi là Việt thì không bao giờ có Tàu trên đời này cả, vì cứ ngược nguồn hoài mà chỉ gặp toàn Việt không mà thôi, không hề gặp chú Tàu nào cả.
Thế thì có Tàu hay không có Tàu?

Chúng tôi cho rằng ký ức con người có hạn, mà ký ức Tàu không hơn gì ký ức Việt, họ nhớ tới đâu ta cũng nhớ tới đó.

Mà cả hai dân tộc thì xuất hiện tại Hoa Bắc cùng lúc với nhau, ta đi trước họ có mười năm là cùng.

Như vậy sao trong truyền thuyết ta lại không bao giờ có Phục Hi, còn họ thì có?

Không nên bắt quàng làm họ với người anh em đăng ảnh một cô Mọi ở truồng giữa bài nói về ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng.

Lạc là gì? Từ hai năm nay có rất nhiều học giả ta tranh giành Hà Đồ Lạc Thư với Tàu, cho rằng đó là sách của ta, làm tại sông Lạc là đất của dân Lạc.

Nhưng cổ sử Tàu lại cho biết rằng đất của dân Lạc là khu vực sông Bộc. Đó là thứ người mà đời Chu gọi là rợ Đông Di.

Có lẽ trước kia đất của họ là sông Lạc chăng? Có thể, nhưng Lạc đó là Lạc bộ Chuy, tức Miến Điện mà Miến Điện thì chẳng hề biết Kinh Dịch bao giờ, Lạc bộ Trãi thì biết nhưng họ không có ở sông Lạc bộ Chuy.

Sông Lạc này thì ngày nay viết với bộ Thủy, không biết vì lẽ gì chớ không phải sợ người Miến Điện giành Hà Đồ, Lạc Thư của họ đâu, vì văn minh Miến Điện không cần Hà Đồ, Lạc Thư lắm như Việt Nam trước năm bị Pháp chinh phục.

Nếu quả dân Lạc đã phát minh Hà Đồ, Lạc Thư thì Lạc đó là Lạc bộ Chuy ở Thiểm Tây, biến thành Miến Điện, chớ không phải là ta, vì ta là Lạc bộ Trãi biến thành Việt Nam, mà Lạc bộ Trãi là rợ Đông Di nhuộm răng đen, không bao giờ có địa bàn ở sông Lạc cả.

Người ta tự hỏi, sau khi nghe các ông giành Hà Đồ, Lạc Thư, tự hỏi tại sao cái thứ văn tự của Lạc đó, khi họ di cư, họ bỏ mất luôn, không còn nhớ lấy một nét, vì địa bàn Triều Tiên không xa địa bàn xuất phát di cư bao nhiêu mà tưởng rằng đường xa nên các người lớn biết chữ đã chết dọc đường.

Không, khi Chu diệt Ân thì các công thần Ân đưa người ra Triều Tiên để chinh phục bọn Lạc bộ Trãi di cư đến đó, và có mang chữ Tàu theo hẳn hòi, mà các công thần nhà Ân thì cũng đi từ đất Lạc bộ Chuy ra Triều Tiên, tức là đường còn xa hơn nhiều, thế mà họ cứ còn nhớ chữ Tàu.

Rồi thì từ địa bàn định cư Triều Tiên đó, đến các địa bàn định cư khác, thí dụ như Nhựt Bổn, Đài Loan và cổ Việt Nam, luôn luôn kế tiếp nhau, vì họ đi bằng đường biển thì không mấy hôm là tới nơi, mà cũng chẳng có dân định cư nào nhớ cái văn tự của Hà Đồ, Lạc Thư hết.

Bằng như nói là sách tâm truyền thì cũng được, nhưng chỉ phiền là hình như là quả họ đã có văn tự rồi vào thời vua Vũ, vì các nhà khảo cổ Pháp đã bảo rằng văn tự đời Thương đã được kiểu-thức-hóa khá sâu đậm, chớ không còn là hình vẽ như văn tự Ai Cập, thế tức là văn tự đó đã có, ít nhứt là từ đời nhà Hạ.

Nhận xét này, ta thấy được trên các mu rùa, xương thú chụp ảnh phóng đại trong quyển L’Art de la Chine và quả văn tự đời Thương, tuy không bằng chữ ngày nay, nhưng vẫn không phải là hình vẽ con ngựa con bò, cái nhà nữa.

Nhà Hạ đã bỏ ra 432 năm để kiểu-thức-hóa hình vẽ cho thành văn tự để nhà Thương hưởng, thì cái thời gian đó vô địch về mau chóng, chớ không phải là quá lâu mà không thể tin được đâu, vì Ai Cập văn minh nhiều suốt ngàn năm nhưng cứ còn vẽ hình hoài mà không kiểu-thức-hóa nổi.

Giáo sư Kim Định chủ trương rằng tất cả đều hẹp hòi, khoa nào cũng thế, chỉ có văn hóa là mở rộng cửa cho ta thấy một chơn trời mênh mông mà không khoa nào đủ khả năng cho ta cái nhìn tổng quát ấy được.

Câu trên đây rất đúng, nếu chỉ nói chuyện ảnh hưởng văn hóa giữa chủng này với chủng nọ.

Nhưng giáo sư lại lấy làm nền tảng cho cái ảnh hưởng có thể có đó, nhưng nó lại là sử sai.

Vì lấy sử sai, nên kết luận phải sai. Hoa Bắc không hề có chịu ảnh hưởng văn hóa Viêm, Việt nào cả. Ông nói đến ảnh hưởng nông nghiệp của Mễ và Hòa của Hoa Nam. Nhưng sự thật thì sau đời nhà Hạ khá lâu Hoa Bắc mới biết Mễ, tức Tàu đã chiếm Hoa Bắc và thiết lập văn minh của họ ở đó nhiều ngàn năm rồi, thì họ mới thấy cây Mễ lần đầu trong đời họ.

Thế thì làm thế nào mà Hiên Viên lại cướp cái văn minh nông nghiệp Mễ ấy được chớ? Ở chương sau ta sẽ thấy Tàu biết Mễ vào năm nào, có lẽ là năm Hùng Địch được phong.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.