trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
25.9.2007
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Ngày 12 tháng 4 năm 1992

I. Cách mạng tại các quốc gia lạc hậu sau khi thắng lợi không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội

Hôm nay Triệu nói trước: ở những quốc gia phát triển kinh tế lạc hậu làm cách mạng chỉ có thể do đảng cộng sản đại biểu giai cấp vô sản lãnh đạo. Ở những nước loại hình này giai cấp tư sản yếu đuối, không thể làm được nhiệm vụ đó, nước Nga và Trung Quốc có khả năng thuyết minh vấn đề này. Điều này bảo đảm sau khi cách mạng thắng lợi có thể tiến lên theo phương hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng sau khi cách mạng thắng lợi ở một số nước này, do bị điều kiện kinh tế văn hóa ràng buộc, đã không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội, chỉ có thể tiến hành chuẩn bị chủ nghĩa xã hội hoặc gọi là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, tức giai đoạn chuẩn bị, cũng có thể gọi là giai đoạn chủ nghĩa dân chủ mới. Đúng như Chủ tịch Mao đã trình bầy trong cuốn sách “Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới”: Trung Quốc không nhiều thêm một chủ nghĩa tư bản, mà nhiều thêm một chủ nghĩa đế quốc, một chủ nghĩa tư bản quan liêu, một chủ nghĩa phong kiến; cũng có nghĩa là nói, phải phát triển hàng hóa, kinh tế thị trường mà sự phát triển hàng hóa, kinh tế thị trường lại là một giai đoạn dài dằng dặc.

Còn xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, làm thế nào mới có thể tiến vào chủ nghĩa xã hội? Triệu đã đưa ra câu hỏi như vậy. Ông nói tiếp: đó là một quá trình diễn biến tự nhiên, tiệm tiến dài dằng dặc. Trước đây, chúng ta chế định trước một mô hình do con người làm ra, phát huy tính năng động chủ quan, làm theo khuôn khổ của ý chí chủ quan, chỉ có thể làm cho chủ nghĩa xã hội biến hình, không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội chân chính. Nói đến đây, ông đứng dậy lấy trên giá sách cuốn lời nói đầu “Phê phán kinh tế chính trị học” của Marx, rồi đọc cho tôi nghe một đoạn:

“Bất kể loại hình thái xã hội nào, trước khi toàn bộ sức sản xuất mà chúng có thể dung nạp phát huy được thì quyết không bị diệt vong; còn quan hệ sản xuất cao mới hơn trong điều kiện vật chất nó tồn tại trong bào thai xã hội cũ trước khi chín muồi thì quyết không thể xuất hiện.”

Engels cũng chỉ ra: “đối với việc thực hiện xã hội chiếm hữu hết mọi tư liệu sản xuất” loại chiếm hữu khi điều kiện vật chất để thực hiện nó đã đầy đủ, thì mới thành khả năng, mới có thể thành tính tất yếu của lịch sử.

Triệu nói tiếp: trước đây chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội hoàn toàn trái với những luận đoán của Marx và Engels; không căn cứ vào sự phát triển kinh tế, trình độ sức sản xuất mà dựa vào phát động quần chúng, dùng thủ đoạn đấu tranh chính trị để thúc đấy chủ nghĩa xã hội, điều này tất nhiên phải nhấn mạnh đấu tranh hình thái ý thức, ra sức triển khai đấu tranh giai cấp, thực hiện chuyên chính vô sản lãnh tụ độc tài, cũng như tổ chức kỷ luật nghiêm khắc, áp dụng thủ đoạn sức ép cao thậm chí dùng biện pháp đàn áp. Hậu quả nghiêm trọng của nó là, biến thành chủ nghĩa xã hội dị hình, thành mặt đối lập với nhân dân.

Tôi nói: áp dụng biện pháp sức ép cao để thúc đẩy chủ nghĩa xã hội, cái giá phải trả là rất cao, cũng là bi kịch lịch sử. Do có ý kiến bất đồng nên ở Liên Xô, Stalin đã dùng các tội danh như “phần tử chủ nghĩa hữu khuynh”, “phái đối lập”, “gián điệp”, “kẻ thù của nhân dân” để xử tử hàng ngàn hàng vạn người bị án oan, án giả, án sai.

Tôi lại nói: ở Trung Quốc do bất đồng ý kiến với Nhẩy vọt lớn, Công xã nhân dân mà cũng có hàng ngàn hàng vạn người bị qui thành “phần tử chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”, cho đến cả Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ cũng vì thế mà bị bức hại đến chết.

Tôi còn nói: sau khi nông thôn thực hiện công xã nhân dân, tôi đã từng về quê tìm hiểu. Lúc đó ruộng đất đều vào đại đội, người người ăn nồi cơm chung, trong nồi toàn là cháo, canh rau cải trắng; người đói đến mức đi không nổi, uể oải lười biếng khi ra đồng, phần lớn núp trên bờ không làm việc, lại không tích trữ phân, có dại cao hơn lúa, dân chúng nói, nếu không dùng biện pháp mới [chia ruộng đến hộ] thì chỉ hai, ba năm nữa, mọi người đều chết đói. Lại thêm thị trường hồi đó khép kín, không có đường kiếm sống, không có hộ khẩu thành phố thì không có cửa vào thành phố xin cơm, chỉ có thể ngồi nhà đợi chết đói, thật là thảm kịch trần gian. Mấy năm đó chẳng ai nói rõ được rốt cuộc cả nước có bao nhiêu người chết đói. Tóm lại, những tai họa mà Công xã nhân dân mang lại và sự bần cùng mà nó tạo thành và sự phá hoại sức sản xuất, thực khiến người ta sợ hãi. Nhưng Mao Trạch Đông lại tự nhận là, tự ông ta đã tìm được ở Trung Quốc một Công xã nhân dân nhất thể hóa công, nông, binh, thương, học, vừa văn lại vừa võ, là hướng tới con đường lớn cộng sản chủ nghĩa, là một sáng tạo vĩ đại. Những vấn đề mà Marx, Engels, Lenin, Stalin đều chưa giải quyết được thì đã giải quyết ở Trung Quốc. Thế là ngang nhiên, quyết nhiên tiến hành làm thử trên mảnh đất Trung Quốc, để thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa nông nghiệp của ông.

Cuối cùng, tôi vô cùng cảm khái, nói: thực hiện biện pháp sức ép cao chuyên chính thực ra là bức hại nhân dân như vậy, rõ ràng là tội phạm. Không phải là nhân dân phản bội chủ nghĩa xã hội mà là chủ nghĩa xã hội hiện thực của người lãnh đạo độc tài phản bội lại nhân dân. Chủ nghĩa xã hội như vậy tất nhiên bị tan rã.

Triệu tiếp tục: “muốn đạt thành công gấp” là bệnh chung của những người cách mạng. Marx đã dự đoán cách mạng sẽ thắng lợi trước tại các nước tư bản châu Âu phát triển. Bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ XIX, trước tiên Marx để mục tiêu vào nước Anh, sau đó lại chuyển mục tiêu sang nước Pháp. Bởi vì năm 1848, nước Pháp bùng nổ cách mạng. Năm 1871, công nhân Paris lại tiến hành khởi nghĩa. Nhưng công xã Paris Pháp chỉ tồn tại có 72 ngày, là đã bị trấn áp. Sau đó, Marx, Engels lại tập trung sức chú ý vào nước Đức, sau lại chuyển sang Italia. Nhưng hy vọng của các ông hết lần này sang lần khác đều không thành. Triệu đã dẫn chứng một đoạn viết của Engels. Những năm 90 của thế kỷ XIX, Engels tự phản tỉnh nói: lịch sử chứng tỏ chúng ta sai, “quan điểm mà chúng ta giữ lúc đó chỉ là một ảo tưởng” và phân tích: “Lịch sử đã biểu minh rõ ràng, tình hình phát triển kinh tế đại lục châu Âu lúc đó, vẫn còn xa mới đạt được trình độ phương thức có thể loại bỏ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản vẫn còn có năng lực bành trướng rất lớn, mà bản thân giai cấp vô sản còn chưa chín muồi đến mức đủ để thực hiện cải tạo xã hội và có trình độ tiến hành thống trị chính trị.”

Triệu nói: cho dù sau “cách mạng tháng Mười”, Lenin cũng có kỳ vọng cách mạng vô sản phát sinh ở châu Âu; cho rằng chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn giãy chết. Stalin càng cho rằng chủ nghĩa tư bản đã bước vào tổng khủng hoảng tức thời kỳ sụp đổ. Ông lãnh đạo Quốc tế cộng sản hiệu triệu phải tiến quân vào cách mạng thế giới, mệnh lệnh đảng cộng sản các nước phải phục tùng đường lối này, phàm không hành động theo ý chí đó đều bị coi là “chủ nghĩa xét lại” là kẻ phản bội quốc tế cộng sản, đồng thời áp dụng chính sách đả kích đảng dân chủ xã hội và một số thế lực trung gian. Đương nhiên, để ứng phó với chiến tranh, trong tình hình đấu tranh khốc liệt Liên Xô bị chủ nghĩa tư bản bao vây, 14 nước đế quốc can thiệp lúc đó, chỉ có thể áp dụng thể chế nhất thể hóa tập trung cao độ, dùng thủ đoạn chuyên chính để tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Triệu tiếp tục: rõ ràng là, xã hội loài người trước sau đều phát triển theo hướng càng hợp lý hơn, còn nguyên tắc lý tưởng của chủ nghĩa xã hội cũng phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội loài người; cuối cùng chủ nghĩa xã hội phải thay thế chủ nghĩa tư bản, nhưng phải thay thế dần dần, điều này chỉ có thể căn cứ vào sự phát triển của kinh tế và trình độ sức sản xuất để quyết định, chứ không thể dựa vào mô hình ảo tưởng để thi hành một cách cưỡng chế theo ý con người.

Triệu nói: như sự xuất hiện chế độ cổ phần tại các nước tư bản phát triển là do sự thay đổi của chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa, còn sự xuất hiện của giai cấp trung gian, sự thu nhỏ tương đối của nhà tư sản và đội ngũ vô sản, sự gia tăng của công nhân cổ trắng, sự đang giảm nhỏ của công nhân cổ xanh đều là sự thay đổi cơ cấu giai cấp tại các nước tư bản, các nước tư bản thực hiện lần phân phối và nhà nước can thiệp lần thứ hai, qui định tiêu chuẩn tiền lương thấp nhất, nhấn mạnh chấp hành bảo hiểm xã hội và sự nghiệp phúc lợi xã hội đó là sự thay đổi chức năng của nhà nước tư bản; và về chính trị, nhà nước tư bản cũng đang phát triển theo hướng dân chủ hóa, điều này thuyết minh, chủ nghĩa tư bản đang phát sinh thay đổi, hơn nữa là phát triển hướng về phương diện chủ nghĩa xã hội.

Nói tới đây, Triệu đưa ví dụ: để thích ứng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới, chủ nghĩa tư bản hiện đại lại có thay đổi mới. Như áp dụng chế độ luân lưu, mười mấy người luân lưu lắp ráp ô tô trên một thiết bị, như thế là đã loại bỏ ranh giới giữa người lãnh đạo với công nhân, ranh giới giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Ông vô cùng tán thưởng quan điểm của Thiên Gia Câu [1] , cho rằng chủ nghĩa tư bản đang phát sinh biến đổi, chủ nghĩa xã hội cũng phải biến đổi, biến đổi là tiến bộ, vì thế không thể phản đối diễn biến hòa bình.

Cuối cùng, Triệu nói: sự tan rã của chủ nghĩa xã hội Đông Âu, Liên Xô là sự thất bại của mô hình Stalin, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ công hữu. Trước đây nước ta cũng bỏ qua giai đoạn, công hữu hóa “đi quá mức”, cải cách là uốn nắn những chỗ “quá mức” lại. Như vậy từ trên tư tưởng đã xác định rõ, thống nhất nhận thức, sức cản với cải cách sẽ nhỏ đi một chút, tiến trình cải cách cũng có thể thuận lợi hơn một chút.


II. Một số cách nhìn về những bài nói chuyện trong chuyến đi thăm miền nam của Đặng

Khi bàn đến những bài nói trong chuyến đi thăm miền nam của Đặng, trước tiên Triệu để tôi nói một chút về cách nhìn của mình.

Tôi nói: đó là bất đắc dĩ, là do cải cách xuất hiện trúc trắc, tình hình cải cách phát sinh chuyển ngược lại. Sau “4-6” trong một hội nghị của Quốc Vụ viện, Diêu Y Lâm tuyên bố: phải nhảy ra khỏi hai cái bẫy, một là cái bẫy cải cách do các nhà kinh tế tư sản phương Tây thiết kế; một là cái bẫy cải cách của Triệu. Lúc đó người ta đều bàn luận: chẳng lẽ cái mà Triệu chấp hành không phải là đường lối cải cách của Đặng Tiểu Bình ư? Hồ Kiều Mộc phát biểu bài viết, nói: “ từ khi cải cách mở cửa đến nay, hai Tổng Bí thư đều phạm sai lầm”. Điều đó cho thấy đường lối cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình là có vấn đề. Đặng Lực Quần phát biểu “phải tóm phái đương quyền đi con đường tư bản trong đảng”, đồng thời điểm tên Triệu. Bọn họ rêu rao: “sự kiện Thiên An Môn” trở thành một cuộc đấu tranh giai cấp, xã hội Trung Quốc đã phân hóa hai cực, đã sản sinh giai cấp, làm đấu tranh giai cấp, động loạn Thiên An Môn và bạo loạn phản cách mạng là kết quả của diễn biến hòa bình. Giang Trạch Dân phát biểu bài nói tại trường đảng, đề xuất phải ra sức chống diễn biến hòa bình, điều đó là muốn khôi phục lại cuộc đấu tranh hình thái ý thức trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Giang Trạch Dân nhấn mạnh có hai loại quan điểm cải cách, nói trên vấn đề cải cách trước tiên phải hỏi họ “xã” họ “tư” [2] , như thế là muốn trói chặt chân tay cải cách, khiến nó không dám cất bước.

Tôi lại nói: sau cơn sóng gió “4-6”, lại trải qua sự luận chứng của giới lý luận đương thời, phương châm chỉ đạo theo hướng thị trường hóa “nhà nước điều tiết khống chế thị trường, thị trường hướng dẫn doanh nghiệp” được đại hội đảng 13 chính thức thông qua đã bị đổi lại là “cùng kết hợp kinh tế kế hoạch và điều tiết thị trường”, như thế là muốn làm cho nhà nước tiếp tục đi vào quỹ đạo kinh tế kế hoạch. Diêu Y Lâm nói: thực hiện kinh tế thị trường, địa phương đòi phân quyền, Trung ương không thể tập trung thống nhất lãnh đạo, cũng khó thực hiện sự lãnh đạo của đảng; đề xuất cải cách đã kha khá rồi, bây giờ cần trị “loạn”, trị “phân tán”. Điều đó là muốn thu quyền của địa phương, thu quyền của doanh nghiệp, thực hiện lãnh đạo tập trung; về chính sách kinh tế họ nhấn mạnh kinh tế tập thể, muốn làm suy yếu kinh tế cá thể, tuyên truyền nào là cá thể làm tan rã tập thể gì gì đó, xí nghiệp hương trấn làm tan rã xí nghiệp quốc doanh. Giang Trạch Dân đề xuất đối với hộ cá thể vi phạm pháp luật, phải chỉnh cho họ khuynh gia bại sản. Trên vấn đề cán bộ, càng lấy “4-6” để vạch ranh giới, chỉnh đốn ban lãnh đạo các cấp.

Như vậy, công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc rõ ràng là đã xuất hiện cục diện thụt lùi chuyển động ngược lại. Tình hình chuyển động ngược lại ấy cũng đã thể hiện ra tại hội nghị nghiên cứu của “Ủy ban cải cách thể chế” triệu tập trong năm nay, như nhà kinh tế Vương Trác, tỉnh Quảng Đông đã đề xuất, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, khi bị hội nghị ngăn cản, đã rất không chịu phục nói với tôi: hiện nay có đấu tranh giai cấp hay không? Tôi nói: vẫn tồn tại đấu tranh giai cấp, nhưng đúng như Lâm Lăng, Viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên đã nói, hiện nay có người đề xuất tại đại hội, không có lợi cho vấn đề nghiên cứu, không có lợi cho việc đua tiếng của các loại quan điểm.

Tôi lại tiếp tục: cách nhìn của tôi là cục diện chính trị của Trung Quốc rõ ràng là do Trần Vân, Lý Bằng, Diêu Y Lâm đang nắm, Giang Trạch Dân đang thuận theo tình thế đó đi, bài nói của Đặng không nhất định nghe vào. Để cứu vãn cục diện đó, cộng thêm sức ép tăng trưởng kinh tế của bốn con rồng bên ngoài Đông Nam Á, Đặng không thể không đứng ra và đưa ra bài nói nhân chuyến đi thăm miền Nam.

Khi bàn đến nội dung bài nói trong chuyến đi thăm miền Nam, tại “Ủy Ban cải cách thể chế nhà nước” tôi nghe được tin đồn: Đặng phê bình Diêu Y Lâm, Đặng nói khuôn sáo đó của anh không được. Đặng còn rêu rao, báo cáo chính trị của Triệu tại đại hội 13, một chữ cũng không được được động đến, khi tiếp kiến người lãnh đạo quân chính địa phương tại Vũ Hán, Đặng lại nói, tiện thể báo cho Bắc Kinh một tin: ai không làm cải cách, người đó sẽ bị mất chức. Ở miền Nam, Đặng lại chỉ ra từ năm 1984-1988, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là tốt, khẳng định trong năm năm đó “của cải nước ta đã gia tăng một mức to lớn, toàn bộ nền kinh tế bước lên một bậc thang mới”, “phát triển với tốc độ nhanh trong năm năm này, công lao của Triệu không nhỏ, đó là sự đánh giá của tôi”. Đặng còn nói: dẫn đến Đông Âu thay đổi gấp, Liên Xô tan rã không thể đơn giản cho rằng nguyên nhân chỉ là diễn biến hòa bình của bên ngoài, hoặc có nhân vật cá biệt nào đó. Có một số nhà lý luận, nhà chính trị muốn mượn việc đó để đưa ra bài học, cho rằng mâu thuẫn giữa hai con đường, hai giai cấp hiện nay so với bất kỳ lúc nào cũng đều càng “rõ rệt”, “dữ dội”, “gay gắt” hơn, ý đồ đưa chống“diễn biến hòa bình” lên địa vị đột xuất, thay thế cái trung tâm xây dựng kinh tế. Điều này không chỉ là quấy rối đường lối cơ bản mà còn là muốn thay đổi đường lối đó, nếu như một mực nhiệt tình với tranh chấp họ “tư” họ “xã”, thì kết quả chỉ có thể là tặng cho chủ nghĩa tư bản một số cái tốt đẹp như giầu có, dân chủ, tự do, khiến chủ nghĩa xã hội chỉ còn lại nghèo nàn, lạc hậu, ngu muội.

Tôi nói với Triệu: thời gian gần đây người ta đồn là, Đặng đang suy tính tới việc ban lãnh đạo Trung ương có phòng tuyến thứ hai, đối với ban lãnh đạo hiện nay cũng sẽ có cách nói, cũng bàn luận việc trở lại của Triệu; còn luận chứng: năm đó, Chủ tịch Mao còn để cho Đặng Tiểu Bình mấy lần lên mấy lần xuống, vì sao Đặng Tiểu Bình không thể làm như vậy với Triệu?

Triệu nói: bài nói nhân chuyến đi thăm miền Nam của Đặng là một tuyên ngôn, đồng thời cũng là để thay đổi lần cuối cùng hình tượng của mình sau sự kiện “4-6” một chút. Còn về vấn đề ban lãnh đạo, Đặng không còn sức giải quyết. Cái gọi là “phòng tuyến thứ hai” là không có khả năng; bởi vì vấn đề này không thể một người nói là xong. Nhất định phải trải qua suy nghĩ chuẩn bị; nếu đồn ra ngoài sẽ loạn.

Đối với ban lãnh đạo hiện nay, Triệu cũng nói, không biết ai là phái cải cách, ông phân tích nói: trước mắt Lý Bằng là phái thực lực, trên thực tế Giang nghe Lý Bằng. Bởi vì ông ta vừa lên Bắc Kinh, là làm việc theo ý kiến của Lý. Còn giữa Kiều Thạch và Lý Bằng là có mâu thuẫn nhưng Kiều là người có kiến giải, tuy vậy ông ta tròn trịa không dám chịu trách nhiệm, Lý Thụy Hoàn có chút khôn vặt, khi công tác ở Thiên Tân chỉ nắm xây dựng thành phố; về kinh tế, nhất là về phương diện xí nghiệp chẳng làm cái gì cả. Còn về Hồ Cẩm Đào, đại khái tự cho rằng tư lịch của mình nông cạn, có chút người ta nói sao tào lao làm vậy. Vạn Lý còn có năng lực làm cải cách, nếu ông ta không đảm nhiệm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vị Quốc hội nữa, để nhận chức Chủ tịch nước thì cũng điều hợp lẽ.

Bàn đến đây, tôi nói xen: Đồng Đại Lâm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách thể chế đã từng nói với tôi: hiện nay Trung ương, cái ban lãnh đạo này nhìn không ra ai là phái cải cách, người nào là làm cải cách.

Triệu nói tiếp: cho dù sau này cải cách mở cửa xuất hiện tình hình khó khăn, Đặng cũng không thể giống như chủ tịch Mao, dùng lại tôi. Một là, Đặng định tính vấn đề “4-6”, khẳng định là ông ta sẽ không thay đổi; mà tôi thì cũng không kiểm điểm. Trên vấn đề kiểm thảo phản tỉnh, niềm tin của mình là: đã có hôm nay, hà tất có ban đầu? Hai là, Đặng không có uy vọng như chủ tịch Mao, ông ta cũng không thể tự mình làm chủ được, còn phải thương lượng với các ông già khác. Ba là, năm đó chủ tịch Mao và Đặng không có vấn đề ân oán, còn vấn đề “4-6” cuối cùng đã hình thành trên thực tế sự đối lập giữa tôi và Đặng Tiểu Bình, lại thêm cuộc nói chuyện giữa tôi và Gorbachov đã khiến Đặng nghi ngờ.

Tử Dương vô cùng cảm khái nói: từ nay trở đi chỉ cầu được hoạt động tự do.

Triệu lại nói: Đặng kiên quyết nắm chặt về chính trị, sẽ không mở cửa. Ở Hồng Kông, có người nói: trên vấn đề dân chủ không thể tranh với Đặng Tiểu Bình, chỉ có thể phát biểu kiến giải của mình về mặt cải cách mở cửa kinh tế. Bình luận này đúng là rất thực tế. Lần nói chuyện nhân chuyến đi thăm miến Nam này của Đặng, tính tích cực của địa phương sẽ tăng cao, nhất là vùng ven biển có hơn một trăm triệu dân có khả năng phát triển càng nhanh hơn. Như vậy, cùng kết hợp với bốn con rồng sẽ hình thành khu kinh tế, sau năm năm có thể đạt được trình độ kinh tế cao. Có người đã đề xuất “vòng kinh tế đại Trung Hoa”. Tóm lại sự phát triển của tương lai là rất khả quan. Tất nhiên như vậy, sự phát triển của miền Tây sẽ chậm một chút, nhưng nếu miền Đông phát triển lên sẽ thúc đẩy miền Tây phát triển, đưa vốn, kỹ thuật, nhân tài của miền Đông vào miền Tây, sẽ không giống như lo lắng của một số người rằng nhất định sẽ làm cho mâu thuẫn nội bộ lớn lên.

Triệu cho rằng vùng ven biển phát triển lớn là một xu thế không gì ngăn nổi; bài nói của Đặng đã cho địa phương một vũ khí để đối phó với Trung ương, để ép Trung ương, nếu Trung ương không đưa ra được biện pháp sẽ càng bị động; nếu không suy ngẫm lại sẽ bị rơi ngay xuống đầu mình. Tất nhiên nếu kinh tế phát sinh bành trướng, mục tiêu cũng sẽ chuyển vào Đặng, sẽ ép lên đầu Đặng.

Triệu nói: bất kể như thế nào, cục diện lớn miền ven biển phát triển lớn theo thị trường là không thể nghi ngờ.

Bàn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông nói tiếp: không cải tạo doanh nghiệp lớn và vừa là không có đường ra, doanh nghiệp quốc doanh chỉ có trong môi trường thị trường cạnh tranh mới có sức sống, từ nay trở đi doanh nghiệp quốc doanh thực hiện cổ phần hóa, tất cũng làm cho tư nhân chiếm được số cổ phần nhất định, còn các doanh nghiệp quốc doanh vừa và nhỏ thì phải áp dụng mạnh biện pháp thay đổi mô hình, thay đổi chế độ.

Khi trao cho ông cuốn sách Những năm đầu và những năm cuối đời của Mao Trạch Đông của Lý Nhuệ, tôi có nói đến cuốn sách đã đề xuất những phân tích về chủ tịch Mao là người thực hiện lý tưởng chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, Triệu đã rất tán thành. Đối với bài viết của Mao Dân Tiên được Ủy ban cải cách thể chế ủy nhiệm viết về Marx, trình bầy chủ nghĩa xã hội hiện thực có liên quan không phải là chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa vốn có của chủ nghĩa Marx, Triệu cho rằng là có giá trị, đề nghị tôi chuyển lời cho tác giả.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Thiên Gia Câu (1909-2001), người Triết Giang, nhà kinh tế, đã từng giữ chức Cố vấn Viện Khoa học Xã hội, Ủy viên Thường vụ Chính Hiệp, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Đồng minh.
[2]Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa (BT)
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tá»­ DÆ°Æ¡ng khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219