trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
25.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Trong quyển Hành trình vào dân tộc học của giáo sư Lê Văn Hảo, tác giả cho rằng chủng Nam Mông Gô Lích là chủng của các dân ở Đông Nam Á. Nhưng các biểu chỉ số sọ nói trái lại. Đây cũng là một vị không dùng tài liệu chủng tộc học, khi nghiên cứu về chủng tộc học.

Các thứ dân ở Đông Nam Á đều đã được đo sọ và chỉ số sọ của họ khác xa chỉ số sọ của chủng Nam Mông Gô Lích là chủng của người Hoa Nam.


*


Chỉ số sọ của chủng Nam Mông Gô Lích là 79,14 (chỉ số trung bình), tức cao hơn Trung Mông Gô Lích 2,58 đơn vị.

Chúng tôi chỉ đưa ra vài con số vậy thôi, chưa nói lên gì nhiều hết. Khi các biểu đối chiếu được trình cả ra, thì quý vị sẽ thấy rằng sọ Việt, sọ Mã Lai, sọ Thái, sọ Cao Miên, sọ Miến Điện, sọ Nhựt Bổn là một, khác hẳn với sọ Hoa Nam hay Hoa Bắc, chỉ hơi giống sọ Sơn Đông mà thôi, và sự kiện đó phù hợp với cổ sử Tàu tả rợ Đông Di với những biệt sắc Việt.

Chương này, tới đây thì chấm dứt được rồi, nhưng còn một vấn đề phụ, nên xin trình bày thêm một cách sơ lược.

Chủng Nam Mông Gô Lích thành hình và đồng thời văn minh Trung Hoa chính hiệu cũng thành hình, tại đất tổ của Việt tộc, tức Kinh Cức.

Nền văn minh mà Trung Hoa hãnh diện và cứ khoe mãi, không phải là nền văn minh Hạ, Thương, Chu mà là nền văn minh Hán.

Nền văn minh Hán phát tích tại Hán Trung tức một vùng mà trung tâm là ngọn sông Hán. Đó là đất tổ của Hạng Vũ và Lưu Bang, trước khi họ Lưu lưu lạc ra Tô Châu. Nhưng dân mới thật sự là kẻ chế tạo nền văn minh, mà nhà Hán lấy dân Sở làm chủ lực, tức dân Kinh Nam, tức người Hoa gốc Việt.

Từ năm mà nước Sở bị nước Tần tiêu diệt đến năm nhà Hán lên ngôi, chỉ cách nhau có 21 năm mà thôi, chớ không phải là lâu đời như ta tưởng lầm. Người nhà Hán từ vua đến quan lính, đến dân chúng, thợ thuyền đều là dân Sở, mà yếu tố chủ lực của Sở là Việt.

Thật thế, cái sọ của người Hoa Nam gần cái sọ của người Việt Nam mà xa cái sọ của người Hoa Bắc.

Nước Sở không hề bị diệt. Họ chỉ thất một trận lớn. Tần không đủ thời giờ để diệt họ và nền văn minh của họ. Họ phục sinh với một cái tên khác: Hán, mà Hán đích thị là Việt lai Hoa Bắc.

Cho tới ngày nay mà vùng Hồ Quảng, tên cũ của hai tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam cứ còn là trung tâm văn hóa và kinh tế của Trung Hoa mà ba thành phố hạng nhì của họ ở đó: Hán Khẩu, Hán Dương và Vũ Xương, nằm sát nhau, trở thành thành phố to nhứt Trung Hoa, to hơn cả kinh đô của họ nữa.

Hai tỉnh đó ít núi, dưới đời Hạ gồm nhiều đầm lầy mà Kinh Thư nói đến nhiều nhứt là Đầm Văn và Đầm Mộng, nay những đầm lầy ấy đều biến thành đồng bằng, và bình nguyên Vân Mộng là một dãy đồng thượng đẳng điền của Trung Hoa ngày nay.

Vùng đó lại được bốn con sông lớn tưới mát với hàng trăm phụ lưu: sông Hoàng Hà, sông Dương Tử, sông Hán, sông Hoài và hàng ngàn cái hồ làm chỗ chứa nước, đến mùa mưa lũ, làm chỗ tích trữ nước cho thấm ra ngoài, vào mùa khô ráo, nổi danh nhứt là Động Đình hồ.

Hồ Động Đình chu vi 450 cây số, có nơi bề rộng tới 350 cây số. Vì hồ quá lớn, bằng cả bốn tỉnh lớn nhứt của ta, nên nó mang đến bốn tên: Động Đình hồ, Cửu Giang hồ, Ngũ hồ và Tràng hồ, tên nào cũng nổi danh trong lịch sử Trung Hoa cả.

Xứ đó ít núi, nhưng lại có núi lớn và cao vào bậc nhứt Trung Hoa, mà một trong ngũ Nhạc nằm ở đó, đó là núi Cửu Nghi. Nhờ vậy lại có thác lớn và đẹp.

Truyện thần tiên và tinh thần lãng mạn của người Tàu phát tích tại hồ Động Đình và núi Cửu Nghi này.

Hồ Quảng là cái rún của nước Trung Hoa vì nước Sở đã tổ chức chặt chẽ mọi việc ở đó. Nước Sở bị diệt, nhưng thật ra đó là vua Sở bị diệt, và mấy mươi năm sau thì dân Sở với cháu nội của tướng Hạng Yên là Hạng Võ và một công dân Sở khác là Lưu Bang lại nổi lên, lập ra nhà Hán và đưa văn hóa và phồn thịnh của Trung Hoa lên cao hơn bao giờ cả, không tiền, khoáng hậu.

Đành rằng Hoa chủng đã thiết lập nền văn minh của họ tại Sơn Tây, Hà Nam và Thiểm Tây, nhưng đó là thời khởi lập, thời hoàn thiện chỉ xảy ra ở một vùng đất tốt hơn, là vùng Hán Trung tức Kinh Man, tức Kinh Cức, tức châu Kinh, tức nước Sở, tức Hồ Quảng ngày nay mà thôi.

Và chủng Việt đã góp phần xây dựng nền văn minh đó.

Trong quyển “L’Art de la Chine” của nhà xuất bản Larousse, ta thấy được một tượng gỗ cổ đào được ở Tràng Sa. Sách ấy cho rằng đó là sản phẩm văn hóa Hoa Nam, nhưng người Pháp họ không biết cổ Tràng Sa là đất Việt nên họ mới nói thế.

Trong quyển “L’art du Việt Nam” của nhà xuất bản Somgogy Paris, ta cũng thấy một tượng gỗ đào được ở Bắc Việt. Hai tượng gỗ này khác nhau, nhưng đồng tánh cách với nhau.


*


Chỉ có từ nơi này đổ xuống phương Nam mà thôi, và chỉ có từ thời Sở quật cường mà thôi, ta mới có quyền nói rằng ta góp phần rất lớn vào việc kiến tạo nền văn minh Trung Hoa, chớ giành công cho ta ngay từ cổ thời và ở Hoa Bắc, như giáo sư Kim Định đã làm thì người Tàu có quyền không đồng ý.

Hơn nữa, ta chỉ góp phần rất lớn, chớ không có sáng tạo, bởi văn minh Hán kiện toàn văn minh Tần, Chu, Thương, Hạ, chớ không phải là một phát minh khác, mà văn minh Tần, Chu, Thương, Hạ thì ta không có đóng góp gì hết. Đã bảo Việt là Mã Lai, chúng tôi sẽ đưa bằng chứng như vậy, mà nền văn minh Hán, Tần, Chu, Thương, Hạ lại không có tánh cách Mã Lai nào hết thì nói ta đóng góp về sau thì có lý, chớ nói ta sáng tạo từ buổi đầu thì vô bằng.

Tại địa bàn thứ nhất của chủng Việt ở sông Bộc, tức Hoa Bắc, Việt còn kém lắm, thua là chạy đi ngay, bọn ở lại quá ít để đáng được gọi là kẻ dự phần to tát vào công việc của Tàu. Chỉ từ Sở xuống tới Quảng Đông thì Bách Việt mới là chiếm đa số trong Hoa tộc, một đa số tuyệt đối bị đồng hóa mà người Tàu không hay biết, hoặc cố ý giấu đi.

Nhưng ở một chương sau, ta sẽ thấy là Việt Nam lại càng khác hơn cái dân Hoa Việt này nhiều lắm. Ta đã chạy đi trước đó nhiều ngàn năm, khoa khảo tiền sử đã cho biết đích xác như vậy với nhiều chứng tích.

Nhưng cái “người anh em còn lại ở bên Tàu” mà giáo sư Kim Định đã nói đến, đã chịu văn hóa khác từ ba ngàn năm rồi, thì còn gì là anh em nữa? Ta chỉ đồng chủng với Hoa Nam (chớ không phải với Trung Hoa), có một phần mười thôi, vì họ bị lai đi lai lại với Hoa Bắc từ 3.000 năm, còn ta thì không. Thế nên sọ Hoa Nam mới khác sọ Việt Nam, và tâm hồn Tàu mới khác tâm hồn Việt.

Tâm hồn và hoài bão của “người anh em” đó rất khác xa ta, họ hãnh diện làm Tàu và cho tới năm nay họ vẫn còn khinh man di Việt, và ở Sài Gòn thì từ năm 1954 ta chỉ thấy có ba bốn anh con trai Việt được họ gả con cho, mà như vậy trong gần một phần tư thế kỷ rồi đó.

Đừng lẫn lộn vương triều và dân chúng, giáo sư Kim Định dạy như vậy. Nói một cách khác, vua Tàu mới là đế quốc còn dân chúng thì không? Còn ngờ! Dân Tân Gia Ba không hề là vương trào nào hết, thế mà họ cứ cướp đất của Mã Lai Á để dựng một tiểu quốc Trung Hoa thì bảo sao?

Đạo Nho là đạo của Việt? Còn ngờ, vì giáo sư chưa thành công trong việc chứng minh đó.

Mà cho dẫu là quả có thế đi nữa thì ta trọng Nho vì Nho hay ở mặt nào đó, chớ không nên trọng nó vì nó là của ta như giáo sư đã khuyên.

Vả lại không hề có ai chống đối văn hóa Tàu hết mà giáo sư khuyên ta đừng quên văn hóa đó “là của ta”. Ta không chống đối vì lẽ ta đã trót nhiễm nó từ hai ngàn năm rồi, muốn chống đối cũng không được, bởi nó ăn tận vào xương tủy ta. Không hiểu sao giáo sư lại sợ cái việc không thể xảy ra được ấy. Một anh hip-pi để tóc dài, mặc áo rằn ri, hút cần sa, nhảy tuýt, vẫn cảm nghĩ suy luận theo Tàu phần nào, vì anh ta thường tìm “đồ mát” để ăn, mà quan niệm nóng mát là quan niệm Tàu, chớ đối với Âu Mỹ thì tất cả các món thực phẩm đều được cơ thể ta đốt cho thành ca-lo-ri, không hề có món nào mát cả, chỉ có món nóng nhiều và nóng ít mà thôi.


*


Thế thì ta đã thấy chủng Bắc Mông Gô Lích là chủng Mông Cổ thật sự và hai phụ chủng Mô Gô Lích nữa, mà cả ba thứ đó, cái sọ cứ còn xa lạ với cái sọ Việt Nam thì lời quả quyết của giáo sư Nguyễn Phương rằng sọ Việt và sọ Hoa là một, thì thật là liều lĩnh. Ta sẽ thấy cái sọ Việt Nam ra sao.


*


Tới đây thì ta mới hiểu một đoạn sử Tàu mà cho chí cả người Tàu cũng không hiểu. Đó là cuộc tuần thú phương Nam của vua Thuấn. Cả Tàu lẫn ta đều ngộ nhận về thực chất của cuộc tuần thú ấy, đều không biết gì hết về mục đích của cuộc tuần thú và nhứt là người Việt Nam ta thì lại ngộ nhận rằng vua Thuấn đi xa gần tới Giao Chỉ vì sử Tàu chép rằng trong chuyến tuần thú đó vua Thuấn thăng hà tại Thương Ngô.

Địa danh Thương Ngô đã gạt gẫm Ngô Sĩ Liên, Nhượng Tống và hầu hết người Việt. Quả có một quận tên là Thương Ngô ở giữa Vân Nam và Quảng Tây, 1.800 năm sau vua Thuấn chết không là cái Thương Ngô đó, mà là núi Thương Ngô, tên xưa của núi Cửu Nghi ở miền Bắc của tỉnh Hồ Nam.

Và động từ tuần thú thì ai cũng lầm cả, lầm theo lối đọc quyển Xuân Thu của Khổng Tử.

Vua nhà Chu bị chư hầu Tần bức bách phải chạy trốn sang nước Tấn, vậy mà Khổng Tử nghiêm trang chép là “vua đi tuần thú”.

Vua Thuấn làm thế nào có quyền đi tuần thú phương Nam chớ, khi mà phương Nam là đất Việt, mà Trung Hoa chưa chinh phục vào thời đó?

Vua nhà Chu yếu quá không được các nước coi ra gì hết thì sao có quyền đi tuần thú ở nước Tấn?

Tuy nhiên, nếu ta bám sát theo tài liệu, ta vẫn giải thích được sự mâu thuẫn ngỡ đang có giữa khoa khảo cổ Âu Mỹ và sử Tàu.

Thật sự thì vua Thuấn không phải đi tuần thú như sử Tàu đã chép, mà ông chỉ xuất ngoại thôi.

Nhưng vua Thuấn xuất ngoại để làm gì, và làm thế nào ông ấy xuất ngoại được vào cái thời mà sinh ngữ các nước chưa được trao đổi với nhau như ngày nay.

Trước hết, ta nên biết nơi vua Thuấn bỏ mình. Đó là núi Thương Ngô. Địa danh Thương Ngô đó đánh lạc hướng ta, vì ta ngỡ nó nằm cạnh Giao Chỉ. Quả thật quận Thương Ngô đời Hán có ở gần Giao Chỉ, giữa Quảng Tây và Vân Nam, nhưng nó ăn lên tận mãi đến Hồ Nam, tức bằng y một tỉnh Trung Hoa ngày nay. Đất của quận Thương Ngô là một phần đất Quảng Tây, một phần đất Vân Nam, một phần đất Quế Châu và một phần đất Hồ Nam (xin xem chương định vị trí của Thương Ngô).

Riêng cái núi Thương Ngô thì người ta lại biết chắc chắn rằng là ở Hồ Nam, vì núi Thương Ngô là tên xưa của núi Cửu Nghi ngày nay.

Vậy vua Thuấn không có đi xa tận Giao Chỉ như vài sách ta đã để lộ cho thấy. Và cái phương Nam của ông, cũng không cách điểm xuất ngoại bao nhiêu. Ông chỉ có đi qua đất Kinh Man, tức tỉnh Hồ Bắc ngày nay mà thôi, tức một trong nhiều địa bàn của chủng Việt.

Sao vua Thuấn lại xuất ngoại được, vì ngôn ngữ bất đồng?

Dòng họ của vua Thuấn được phong ở đất của người Đông Di thì hẳn vua Thuấn phải thông ngôn ngữ Đông Di, mà Đông Di và Việt là một.

Tuy trong đại gia đình Việt, không phải ngôn ngữ của nhóm nào cũng giống ngôn ngữ của nhóm nào, nhưng đó là tình trạng của ngày nay, chớ không phải tình trạng của thời vua Thuấn mà họ chưa bị chia manh xẻ mún ra, chưa bị ảnh hưởng ngoại lai và ảnh hưởng của khí hậu lạ do sự phân tán của địa bàn tạo ra.

Cái vụ Đế Nghi tuần thú phương Nam, trước đó, cũng chỉ là một cuộc xuất ngoại mà thôi.

Lại hỏi sao, về sau, vua không thể được ra khỏi thành, còn vua xưa lại mạo hiểm đến thế? Cũng chẳng có gì là khó hiểu. Vua thuở xưa là nhà lãnh đạo thật sự, nhứt là về võ bị và kỹ thuật, ở nước nào cũng thế, vào lúc ban sơ kiến quốc. Chính các vua nhà Lý, nhà Trần đã cầm quân thật sự đi đánh Chiêm Thành, và đọc sử ta, ta thường ngạc nhiên sao các vua Chàm, vua Cao Miên cứ bị ta bắt mãi.

Đó là vì họ cầm binh thật sự, và hễ thua là bị bắt.

Họ khác hẳn vua của thời mà nước đã cường thịnh rồi, vua biến thành bù nhìn lần lần vì chế độ thế tập đưa lên ngôi toàn là những kẻ ươn hèn và quen hưởng thụ.

Đọc Hải ngoại kỷ sự ta thấy Thích Đại Sán kể chuyện chúa Nguyễn Phúc Chu đang đêm chạy đi chữa lửa.

Nhà sư trịch thượng ở ấy bèn chỉnh chúa Nguyễn sao có mạo hiểm liều thân bậy bạ như vậy, lỡ có kẻ nghịch hành thích thì sao.

Thích Đại Sán không biết rằng Nguyễn Phúc Chu đang sống trong giai đoạn kiến quốc mà nhà vua xông pha chẳng sợ gì hết, hưởng thụ ít mà làm nhiều, và nhứt là không nằm mãi trong cung cấm.

Đó là các nhà lãnh đạo thật sự, mặc dầu nước Việt Nam đã có vua chúa từ nhiều triều đại rồi. Cái xứ Đàng Trong là đất mới hoàn toàn, vua của Đàng Trong khác hẳn vua của Đàng Ngoài là vua Lê, vua Lê giống vua Tàu đời sau, còn chúa Nguyễn thì giống vua Tàu thời cổ, nhà sư thông thái ấy không biết gì về vua Tàu thời kiến quốc của y.

Nhưng vua Thuấn xuất ngoại để làm gì? Đó là một câu hỏi lý thú.

Nạn nhân mãn đã bắt đầu từ thời vua Thuấn chớ không phải tới đời nhà Hạ mới có, mà vua Thuấn thì chỉ cách nhà Hạ có một năm, bởi vua Thuấn nhường ngôi cho ông vua đầu đời nhà Hạ rồi thì đi “tuần thú” ngay. Ông ấy tình nguyện đi làm cái công việc dọ đường để nhà Hạ di dân mà chỉ có ông là làm được nhờ biết ngôn ngữ của dân Việt ở Kinh Man, thuở đó chưa khác xa ngôn ngữ dân Việt ở vùng sông Bộc quê hương của vua Thuấn. (Xin xem kể từ một chương sau, địa bàn của chủng Việt tại sông Bộc).

Cuộc dọ đường này là cuộc dọ dẫm lần thứ nhì, để rồi di cư ngay sau đó, chớ không còn là cuộc dọ dẫm tiền phong như dưới đời Đế Nghi nữa.


Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
  • Khổng Tử - Kinh Thi, Bản dịch Granet, Paris 1930
  • Khổng Tử - Kinh Thi, Bản dịch Legge, Paris 1950
  • Tả Khẩu Minh - Tả Truyện, Bản dịch Legge, Paris 1950
  • Tư Mã Thiên - Sử Ký, Bản dịch E. Chavannes, Paris 1927
  • Lưu An - Hoài Nam Tử, Đài Loan
  • Phạm Việp - Hậu Hán thư, Đài Loan N.T.N.S.
  • Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ, Hongkong
  • Phương dư kỷ yếu giãn lãm, Đài Loan
  • Độc sử phương dư kỷ yếu, Đài Loan
  • Nam Hoa Kinh, Bản dịch Nhượng Tống, Sài Gòn
  • R. Grousset: Histoire de la Chine, Paris
  • La chine ancienne et médiévale, Paris 1923
  • K. Maspére - La Chine antique, Paris 1952
  • Sở Từ - Các bản dịch của H. Maspéro
  • Peter Swann - L’Art de la Chine, Paris 1963
  • Ymré Patko - L’Art du Việt Nam, Paris 1967
  • H. Cordier - Histore générale de la Chine, Paris 1935
  • Dr. Huard, E. Saurin - Étal actuel de la crâniologie
  • Nguyễn Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Đức - Indochinoise, Hà Nội 1931
  • Dr. Huard - La médecine chinoise, Paris 1963
  • Dr. Huard - Ghi chú về một cuộc tranh luận giữa các y sĩ Trung Hoa
  • Mã Đoan Lãm - Ethnographie des peuples é trangers à la Chine, Bản dịch H. de St. Denys, Paris 1871
  • Marco Polo - Hành trình vào dân tộc học, Sài Gòn
  • Nguyễn Bá Trác - Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Sài Gòn
  • M.T. Synchronisme chinois, Changhai 1905


B. Ta không phải là Tàu, không hề có di cư ồ ạt

Năm 1964, trước khi cho in những quyển sử mà ông soạn, sử gia Nguyễn Phương có cho đăng một loạt bài ở tạp chí Bách khoa về phương pháp viết sử. Loạt bài ấy có nhiều đoạn rất hay, rất đúng.

Nhưng khi đọc sử cuả ông thì thấy sử gia không áp dụng được những phương pháp đúng và hay đó cho sách của ông. Chẳng hạn như ở những trang 232 và 233, sử gia đối chiếu hai sự kiện lịch sử này, người Tàu luôn luôn Nam tiến trong lịch sử của họ. Người Việt cũng thế.

Rồi ông kết luận rằng sở dĩ có sự kiện quá giống nhau như vậy chỉ vì ý chí Nam tiến đã nằm sâu trong tiềm thức của người Việt Nam bởi họ vốn là người Tàu đổi tên là Việt Nam.

Đây là một suy luận mà không sao khoa học chấp nhận được. Hai dân tộc hành động giống nhau không hề có nghĩa rằng họ là một, và dân tộc A làm giống dân tộc B không hề có nghĩa là A đã cóp B.
  1. Thứ nhứt, dân ta nhờ đất đai phì nhiêu của châu thổ Nhị Hà mà tăng lên quá mức. Để giải quyết nạn nhân mãn, ta phải bành trướng biên cương. Dân tộc nào ở trong trường hợp đó cũng đã làm như vậy, từ cổ chí kim, không cần phải cóp của ai hết.

  2. Thứ hai, phía Bắc nước ta là nước Tàu hùng mạnh, ta làm sao tiến về hướng Bắc được. Nhà Lý có thử làm, thành công đôi phần, nhưng rồi cũng phải bỏ cuộc. Và nhà Lý cóp ai đây, khi mà nhà Lý Bắc tiến chớ không Nam tiến? Hướng Đông là biển cả, cũng ngăn bước của ta, hướng Tây là đất Lào núi rừng, không phải là đất tốt. Như vậy ta có cần phải bắt chước ai khi ta Nam tiến hay không? Và nhứt là ta có cần mang dòng máu Trung Hoa mới biết Nam tiến hay không? Tưởng bất kỳ dân tộc nào mà ở trong hoàn cảnh của Trung Hoa và Việt Nam, cũng đều tự nhiên mà biết và phải Nam tiến vì đó là sinh lộ độc nhứt của họ. Bao nhiêu dân tộc khác cũng thế, mà thí dụ điển hình là dân tộc Thái. Bị người Tàu từ phía Bắc đánh đuổi, sao Thái không chạy ra phương Đông? Vì phương Đông là địa bàn của Chi Lạc. Phương Tây là Tây Khương địa bàn của Khơ Me đã bị Tàu cướp rồi, còn sau lưng Tây Khương là Tân cương đã bắt đầu sa mạc hóa cách đây ba ngàn năm, không phải là đất tương lai. Chỉ có phương Nam là địa bàn của một dân tộc yếu hơn, đất lại phì nhiêu. Người Tây Nhung, Nam tiến để lập ra nước Miến Điện, người Môn Cơ Me Nam tiến cũng vì lẽ ấy cả chớ không hề họ là người Tàu nên mang cái ý chí Nam tiến trong tiềm thức của họ.
Dùng luận cứ “ý chí mang sẵn trong tiềm thức Trung Hoa” đó của sử gia, thì Thái Lan, Miến Điện, Cao Miên đều phải là người Tàu hết thảy, mà đó là một chuyện sai sự thật một ngàn phần trăm.

Ở chương “Đời sống của dân Lạc Việt dưới thời Hán”, ông suy luận càng kỳ dị hơn.

Ông so sánh Hậu Hán thưGiao Châu ngoại vực ký thấy họ chép về hai chuyện sau đây:
  1. Hậu Hán thư kể chuyện Tích Quang dạy lễ nghĩa cho dân man di Giao Chỉ.

  2. G.C.N.V.K. chép rằng Giao Chỉ đã biết kỹ thuật làm ruộng khá giỏi.
Ông kết luận có mâu thuẫn giữa hai sách đó, và G.C.N.V.K. sai.

Không ai thấy có mâu thuẫn ở đâu hết vì một đàng viết về phong tục còn một đàng thì viết về kỹ thuật canh tác. Một dân tộc có kỹ thuật canh tác cao, không hẳn phải có lễ nghĩa tốt, và hai sách nói trên không hề nói nghịch với nhau bao giờ, bởi không thể lấy phong tục ăn ở để làm căn bản mà xét kỹ thuật nông nghiệp được. Ta có thể vừa làm ruộng giỏi mà cũng vừa không biết lễ nghĩa. Không hề có mâu thuẫn trong hai sách ấy.

Nhưng sử gia Nguyễn Phương lại quên mất rằng Tích Quang dạy dân ta lễ nghĩa của Trung Hoa, chớ không hề có sự kiện dân ta không có lễ nghĩa mà ông nói là dân “Giao chỉ thuở đó rất lạc hậu”. Ông cứ lên Cao nguyên mà xem, người Thượng họ chưa có nổi một nền văn minh trống đồng như Lạc Việt, nhưng họ vẫn có một nền đạo lý luân thường rất là tốt đẹp, và lễ nghĩa của họ cũng tốt, chỉ cái là khác của ta và của Tàu.

Không hề có ai chứng minh được rằng lễ nghĩa của Tàu là tốt đẹp hơn lễ nghĩa của các dân tộc khác thì sử gia không nên nói là dân Giao Chỉ lạc hậu, cho dẫu họ không phải là tổ tiên của ta đi nữa, như sử gia đã quan niệm.

Có bằng chứng chắc một trăm phần trăm là dân Giao Chỉ đã có lễ nghĩa riêng của họ rồi, vì sử Tàu có viết đích xác: “Đất Lĩnh Nam theo phong tục Trung Hoa bắt đầu từ hai vị thái thú đó”.

Nếu ta không có lễ nghĩa gì hết, họ đã viết: “Đất Lĩnh Nam có lễ nghĩa, đạo lý bắt đầu từ hai vị thái thú đó”.

Họ chỉ dám nói là ta theo họ còn cho rằng ta “không có luân lý” (nguyên văn) là chính sử gia Nguyễn Phương nói chớ họ không dám chép như thế bao giờ.

Người đọc V.N.T.K.S. tự hỏi không biết sử gia có vào các buôn Thượng nào chưa, lắm bộ lạc còn đóng khố mà vẫn có lễ nghĩa, luân lý rất là cao, thì không có lý do nào mà một dân tộc đã dựng nước với nhiều đời vua Lạc rồi, mà còn ở vào tình trạng chưa có luân lý.

Cho đến cuối thế kỷ XVII mà nhà sư Tàu Thích Đại Sán, sang Huế, còn cho rằng là ta không có lễ nghĩa luân thường, mặc dầu ta đã nhiễm Tàu nhiều lắm rồi, vào năm ấy, thì vào đời Hán, họ cho là không có lễ nghĩa luân thường, sao ta lại tin họ. Chính sử gia Nguyễn Phương đã dịch Thích Đại Sán, không lẽ ông không thấy nhận xét sai lầm của người Tàu ấy?

Nhưng vì sử gia chủ trương rằng Việt Nam là Tàu thuần chủng nên sử gia đã thấy mọi sự việc với con mắt của người Tàu. Chép việc Mã Viện đuổi theo tàn quân của hai bà Trưng, sử gia gọi đó là “dư đảng của Trưng Trắc”. Danh từ dư đảng, phiến loạn đích thị là danh từ của Trung Hoa. Đồng bào của hai bà chỉ nói “Dấy quân” (Ngô Sĩ Liên) và tàn quân (toàn thể các sử gia khác). Gọi đồng bào của hai bà Trưng, ông nói “Nam man” (trang 117).

Và ngộ nghĩnh thay, chính vì có hai lối nói mà ta biết chắc rằng dân Việt Nam không phải là Tàu, bởi nếu họ là Tàu họ đã dùng những danh từ nổi loạn và dư đảng của Tàu, đã gọi đồng bào của hai bà Trưng là Nam man như sử gia họ Nguyễn chớ không gọi là “Tổ tiên ta” như họ đã gọi.

Ở đây không có vấn đề yêu nước xen lẫn vào sử học như sử gia Nguyễn Phương hay nói. Đây là sự kiện lịch sử thật sự.
  1. Người Thượng đóng khố có lễ nghĩa, luân lý rất tốt, thì người Lạc Việt đã tiến hơn, như văn minh đồng pha đã cho thấy, thì không thế nào mà không có lễ nghĩa và luân lý.

  2. Hai lối dùng danh từ cũng cho thấy rõ rằng Việt không là Hoa.

  3. Sự kiện thờ hai bà Trưng mà người Tàu ở đây đã cho ý kiến đã chứng minh quá rõ, không thế nào mà họ quên gốc, để thờ anh hùng của dân Lạc Việt.
Người Tàu quên mình là Tàu, không thể có được. Sự đứng lên giành độc lập không có nghĩa là quên gốc. Họ vừa đòi ly khai độc lập, nhưng cũng cứ vừa nhớ rằng họ là Tàu và cứ nói tiếng Tàu. Mà họ có nói tiếng Tàu hay không, như sử gia đã quả quyết, ta sẽ thấy ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu.

Giữa G.C.N.V.K. và Hậu Hán thư, nếu có khác biệt (nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng không có khác biệt), nhưng sử gia Nguyễn Phương khẳng định rằng G.C.N.V.K. sai mà không đưa ra bằng chứng.

Đó cũng là một thái độ phản khoa học nữa. Ông không có quyền cho quyển nào ăn khớp với tưởng tượng của ông là đúng và bài bác suông quyển khác là sai.

Ông lại cho rằng tác giả N.V.C. lúng túng vì không hiểu tiếng Lạc có nghĩa gì, nên giải thích bối.

Có lẽ ông thiếu tài liệu về chữ Lạc. Điều đó không sao. Nhưng ông cũng lại dùng suy luận kỳ dị để đoán rằng tác giả N.V.C. lúng túng về chữ Lạc mà ông cho là tác giả đó không hiểu.

Nhưng ông chưa tìm được bằng chứng rằng tác giả N.V.C. không hiểu chữ Lạc, sao ông lại dựa vào phỏng đoán để suy diễn ra như vậy?

Mời ông xem Lạc là gì đối với hiểu biết của người Tàu thượng cổ ở các chương khác. Tác giả N.V.C. chỉ là kẻ sanh sau đẻ muộn lại là một tay viết sách, thì không có lý gì ông ấy không biết nghĩa của các chữ Lạc về phương diện chủng tộc học mà người Tàu đã biết từ trước đời nhà Hạ.

Riêng về quận Cửu Chơn mà chúng tôi nhìn cũng nhận là lạc hậu, Hậu Hán thư cũng viết láo khoét. Họ chỉ lạc hậu về kinh tế mà thôi, chớ sao lại có chuyện trai gái ngủ với nhau rồi trai bỏ đi mất, y như cầm thú.

Mã Viện đã kiểm tra dân số và ghi rằng dân Cửu Chơn có cất nhà. Đàn ông cất nhà làm gì nếu không để ở với vợ con?

Họ ám chỉ đến chế độ mẫu hệ ở đó mà gái làm chủ, nhưng họ không biết gì hết về chế độ mẫu hệ. Trong chế độ đó, đàn ông vẫn có quyền gia trưởng phần nào, và vẫn ở nhà.

Cũng nên nhắc rằng loài người chỉ mới hay rằng có chế độ mẫu hệ từ thế kỷ XIX đây thôi, chớ không lâu lắm, khi mà nhà bác học Bachofen khám phá ra rằng xã hội Hy Lạp theo chế độ mẫu hệ hồi buổi sơ khai của họ.

Bấy giờ giới khoa học kinh ngạc hết sức và mới tin những quyển sách du ký của các thương gia và cố đạo tả chế độ ấy ở nhiều bộ lạc, mà các nhà khác cứ ngỡ là các tác giả ấy bịa.

Tại sao loài người lại dốt đến thế? Là vì, mặc dầu họ theo mẫu hệ, luôn luôn đàn ông đánh giặc, thương thuyết với nhau, làm vua và viết sử, họ kể chuyện toàn nhơn vật đàn ông, và bỏ hết chi tiết về đời sống của dân chúng, người đời sau không làm sao mà biết sự thật được cả.

Chế độ mẫu hệ được người thời nay biết quá trễ, nhưng họ lại biết rất rành mạch, nhờ khoa dân tộc học. Họ nghiên cứu và thấy rằng tuy là con cái theo dòng mẹ, đàn bà hưởng gia tài, nhưng người đàn ông cứ thật sự làm chủ gia đình, chủ làng nước.

(Và như vậy thì lại không có vấn đề “Lịnh ông không bằng cồng bà” mà giáo sư Kim Định đã nêu ra. Chính người đàn ông Chàm tạo lập văn minh Chàm, chớ không phải đàn bà Chàm. Đó là điều mà chính mắt ta thấy).

Còn cái lễ cưới mà Nhậm Diên dạy dân Cửu Chơn áp dụng là lễ cưới theo tục lệ Tàu, chớ sao họ lại không có lễ cưới? Người Sơ Đăng nay kém hơn dân ta thuở ấy mà lễ cưới rất nghiêm trang thì tại sao thuở ấy ta lại không có lễ cưới? Người thổ dân Úc Đại Lợi được xem là lạc hậu nhứt thế giới hiện nay, vẫn có lễ cưới, thì không thế nào dân Cửu Chơn lại không có lễ cưới.

Chỉ vì họ không xem lễ của ta là lễ, xem lễ ta như là không có, xem như ta là vô luân thường đạo lý, làm đúng như họ mới gọi là có luân thường đạo lý, nên họ mới chép như vậy. Nhưng một người có óc khoa học như sử gia, sao lại tin điều họ chép?

Một dân tộc biết cất nhà rồi mà cất rất chắc chắn đến nỗi hai ngàn năm sau ông Pajot còn đào được một cái nhà thì hẳn không thế nào mà sống như cầm thú vào thời còn ở hang động.

Ở chương trước, chúng ta đã thấy sử gia Nguyễn Phương hoàn toàn sai lầm về chủng Mông Gô Lích, mà thật sự có đến ba phụ chủng Mông Gô Lích khác nhau, khác đến cái mức mà khoa chủng tộc học đã phải xem là 3 chủng chớ không phải một.

Trước khi học về chủng Việt, và trước khi đối chiếu sọ Việt, sọ Hoa, sọ Mã Lai, trước khi đối chiếu ngôn ngữ Việt, Mã, Hoa ta nên kiểm soát lại tất cả chứng tích khác của sử gia Nguyễn Phương, gồm có sử liệu, phong tục, ngôn ngữ, v.v.


Sử liệu

Trước hết, sử gia dựa vào Hoài Nam Tử của Lưu An, để cho rằng dân Lạc Việt chạy mất hết, bỏ đất đai lại cho người Tàu. Nhưng chúng tôi sẽ chứng minh hai điều:
  1. Lưu An nói chuyện ở Ngũ Lĩnh chớ không phải ở Cổ Việt, mà Cổ Việt thì không có nằm trong đất Ngũ Lĩnh.

  2. Lưu An chép sai sự thật vì sự kiện đó không có xảy ra một cách tuyệt đối như vậy, và đó là cố ý sai, vì Lưu An chống lại cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng, muốn nói rằng chiếm đất vô ích vì dân không đầu phục, không có lợi gì hết.
Mã Viện đã thực hiện được việc kiểm tra dân số tại cổ Việt Nam. Nội cái việc kiểm tra dân số thành công ấy cũng đủ cho thấy là dân Lạc Việt không có bỏ nước họ mà đi đâu hết.

Nếu dân Việt bất hợp tác, chạy lên rừng trốn thì họ chạy trốn ngay lúc xứ của họ vừa mới bị chiếm, chớ không thế nào nhận chịu sự kiểm tra xong, mới chạy đi trốn.

Ta đọc sử Tàu không kỹ. Khi Lưu An nói đến dân Việt ở Ngũ Lĩnh trong quyển Hoài Nam Tử thì ông vua họ Lưu ấy dùng một tự dạng Việt rất là kỳ dị, mà không có học giả Việt Nam nào chú ý đến cả. Đó là tự dạng thứ tư trong thư tịch Trung Hoa, mà trước Lưu An, không có ai dùng cả.

Trước đó người ta dùng Việt bộ Mễ để chỉ chi Âu tức người Thái, và Việt Vượt để chỉ chi Lạc.

Lưu An viết một chữ Việt thứ tư không là bộ Mễ, mà cũng không là Vượt của chi Lạc.

Lưu An rất có lý do mà làm như vậy, ông ấy rất ý thức mà làm như vậy và chúng tôi sẽ giải thích cái ý thức siêu đẳng đó ở một nơi khác.

Ta đọc sách Tàu nhưng không kỹ, hễ cứ thấy Việt là nghĩ ngay đến Việt Nam mà quên mất rằng có đến một trăm nhóm Việt.

Và cái vụ cháy trong rừng, bỏ đất, mà Hoài Nam Tử nói đến, vừa không đúng, vừa không chỉ dân Việt Nam bao giờ cả.

Kế đó sử gia nói đến việc Tần trồng người ở Nam Hải, vừa không đúng, vừa không chỉ dân Việt Nam bao giờ cả. Điều đó thì ai cũng nhìn nhận là có thật, vì có sử liệu về chánh sách ấy của nhà Tần.

Sử gia trích Tư Mã Thiên: “Triệu Đà đã phải sai sứ mang thư về triều xin gởi đến ba vạn con gái hoặc đàn bà góa để làm gả vợ binh sĩ”!

Đó là chuyện xảy ra ở huyện Long Xuyên, bên Quảng Đông, sử gia cũng biết thế, và ai cũng biết thế cả, nhưng sử gia trích ra để rồi nói thêm ở trang 232: “Công việc nhà Tần mới bắt đầu làm đó, nhà Hán đã tiếp tục xúc tiến, và các triều đại sau kiện toàn”.

Nhưng nhà Hán tiếp tục công việc đó tại vùng đất nào? Sử gia viết, trang 234: “Muốn biết rõ những gì xảy ra ở Cổ Việt… chúng ta thử nhìn kỹ (…) vào những gì đã xảy ra ở đợt trước (tức ở Long Xuyên và các cùng khác phía trên)”.

Vì không có sử liệu về trồng người và di cư ở Cổ Việt, nên sử gia Nguyễn Phương đã suy luận để chứng minh rằng có. Đó cũng là một phương pháp làm việc mà đôi khi, bất kỳ ai cũng phải làm. Đó là chứng tích gián tiếp.

Nhưng suy luận như vậy, hỏi có khoa học hay không? Những gì nhà Tần đã làm ở Nam Hải, nhà Hán có bắt buộc phải làm ở Cổ Việt hay không, và nếu muốn, có đủ khả năng làm hay không? Chúng tôi sẽ chứng minh rằng không.

Sự thật thì không có tài liệu nào nói đến chánh sách trồng người của nhà Hán tại Cổ Việt hết. Sử gia rất tin sử Tàu, cái gì sử Tàu bảo có là sử gia nói có, bảo không sử gia nói không. Trong trường hợp trồng người, tài liệu nhà Hán không có, sao sử gia lại tin rằng có, và cố tìm? Sử gia đã không tìm được, nên sử gia dùng tài liệu gián tiếp để suy ra sự kiện ấy.

Không thể nói sử viết về đời Hán kém hơn sử viết về đời Tần, thì sự vắng bóng của sử liệu đủ chứng minh rằng sự kiện không có xảy ra.

Hay là sử gia hiểu lầm về địa danh Giao Chỉ? Nên nhớ rằng địa danh ấy, dưới đời Hán trỏ một vùng đất lớn, gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Cổ Việt Nam. Nhưng dưới đời Tần thì không, bởi chúng tôi sẽ chứng minh rằng Tàu không có chiếm cổ Việt.

Có chánh sách trồng người ở cái vùng Giao Chỉ đó thật sự nhưng sự trồng người thật ra chỉ giới hạn trong huyện Long Xuyên, vì Triệu Đà muốn nhiều mà thực hiện được rất ít, bởi ba vạn phụ nữ thì không đủ cho toàn tỉnh Quảng Đông, tức quận Nam Hải, còn đâu để mà thành chánh sách trồng người ở Cổ Việt Nam.

Hàng trăm năm sau, vùng Giao Chỉ đó mới được tách làm hai, Quảng Đông, Quảng Tây gọi là Quảng Châu, còn Cổ Việt Nam thì gọi là Giao Chỉ (Bắc Việt), Cửu Chơn, Nhựt Nam (Bắc Trung Việt).

Cái Giao Chỉ thứ nhì này chẳng dính dáng gì tới cái Giao Chỉ thứ nhứt cả về dân tộc và địa lý.

Nhưng ta nên đi theo sử gia cho đến cùng để cùng xét những tài liệu gián tiếp ấy, xem có đúng không.

Sử gia trích Thủy Kinh Chú: “Năm Kiến Võ thứ 10, Việt Nam tâu trình vua rằng: Thần đã cẩn thận tiến vào Giao Chỉ với một toán binh Giao Chỉ là 12.000 người, hợp với đại binh 20.000”.

Sử gia bác lối giải thích của H. Maspéro. Ông ấy cho rằng 12.000 binh Giao Chỉ ấy là người mộ được trong tỉnh Quảng Đông vì địa danh Giao Chỉ thời ấy có hai nghĩa, đất Giao Chỉ thật sự và những quận khác do thứ sử Giao Chỉ cai trị.

Và sử gia cho rằng chỉ có một lối hiểu thôi. Đó là Người Tàu đang sinh sống tại xứ Giao Chỉ (Bắc Việt). Ý sử gia muốn chứng minh rằng ngay trước khi Mã Viện đến mà cũng đã có di cư nhiều lắm rồi nên mới mộ được 12.000 người Hoa kiều ở Giao Chỉ (Giao Chỉ thứ nhì).

Sự thật thì cả hai lối hiểu đều là những lối hiểu chủ quan, không hơn không kém, cứ hiểu như vậy, biên ra cũng không sao, nhưng dùng để làm chứng tích cho một giả thuyết quan trọng thì không được phép.

Người ta lại có thể hiểu theo lối thứ ba nữa thì bảo sao? Đó là những người Giao Chỉ phản quốc, phục vụ cho địch, vì lẽ này hay lẽ khác. Thuở ấy biên giới giữa các quận của Tàu ở đó không có đóng lại, nên dân Giao Chỉ sang Quảng Đông rất dễ dàng, thì sao Mã Viện lại không mộ được hạng người Giao Chỉ đó tại Quảng Đông?

Dẫu đó là người Tàu đã di cư đến Giao Chỉ hay người Giao Chỉ, thổ dân gì cũng phải có sự kiện vượt ranh giới Quảng Đông – Giao Chỉ, của những người ấy. Người Tàu di cư có thể vượt ranh thì người Giao Chỉ thổ dân cũng có thể vượt ranh. Bằng chứng có người mình phản quốc là người Tàu đã lập được một đạo thân binh, sau Lộ Bác Đức, gồm toàn người Giao Chỉ, y như vào năm 1945 Pháp đã lập ra lực lượng bổ túc gồm toán bạc-ti-dăng Việt Nam.

Dầu sao, lối hiểu thứ ba, cũng chỉ là một lối hiểu, chúng tôi chẳng dám cho đó là sự thật, nhưng hai lối trên, cũng chẳng là sự thật hơn. Không thể dùng một lối hiểu chủ quan để chứng minh cái gì hết.

Về việc di cư của người Trung Hoa sang Việt Nam vào thời cổ, sử gia Nguyễn Phương chỉ đưa ra được có bấy nhiêu chứng tích đó thôi, sử gia nói là rất nhiều và cứ nói mãi điều đó, nhưng không hề cho biết con số, vì cái lẽ dễ hiểu rằng không có con số đó, mà không có, nghĩa là không đáng kể, sử Tàu chẳng chép làm gì.

Sử gia cứ nói mãi về những “đợt sóng di cư liên tiếp”, về “các người Trung Quốc di cư sang Cổ Việt vẫn một ngày một đông” nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Chúng tôi sẽ đưa bằng chứng ngược lại.

Có hai con số mà ai cũng biết, lại không được sử gia Nguyễn Phương dùng mạnh trong chiến dịch chứng minh này, đó là một ngàn người quý tộc Trung Hoa lưu vong đến nương nhờ Sĩ Nhiếp, và vào đời nhà Trần của ta, 1.500 lính do một viên tướng Tàu đến xin tị nạn chánh trị.

Tại sao cả hai con số đó không được sử dụng, mà chỉ ám chỉ sơ đến con số thứ nhứt mà thôi? Vì nó cho biết rõ một cách quá đích xác mà những con số quá thấp ấy lại mâu thuẫn với thuyết của sử gia.

Tuy nhiên, ở đây, ta vẫn phải nhìn nhận rằng sử gia Nguyễn Phương có khoa học ở một điểm. Sử Tàu chép rằng Tần Thủy Hoàng đã thực hiện chánh sách trồng người tại Nam Hải, tức trong vùng Ngũ Lĩnh, nhưng sử gia không nói rằng nước ta cũng nằm trong vùng Ngũ Lĩnh, để mà lợi dụng sử liệu đó.

Toàn thể các sử gia Việt Nam đều sai lầm mà theo ông Aurousseau để nói rằng Tần Thủy Hoàng đã chinh phục được Cổ Việt, tức Cổ Việt nằm trong đất Ngũ Lĩnh.

Chúng tôi sẽ chứng minh rằng Cổ Việt không nằm trong đất Ngũ Lĩnh và cuộc chinh phục của Tần Thủy Hoàng chỉ đi tới biên giới Việt Hoa ngày nay mà thôi, và nước Tây Âu đã bị chinh phục, không hề là đất của ta, như toàn thể các sử gia đều nói.

Một chứng minh thứ nhì của sử gia Nguyễn Phương, cũng cứ lấy trong sử Tàu, đó là sự kiện hai bà Trưng chiếm được 65 thành có chép trong Hậu Hán thư.

Sử gia cẩn thận đếm các thành mà Trung Hoa lập ra ở các vùng nổi loạn thì chỉ thấy có 27 thành mà thôi. Sử gia cũng lại nói rằng chỉ có một cách hiểu: 38 thành kia là những nơi định cư của thường dân Trung Hoa ở Cổ Việt, họ tự đắp thành để tự vệ. Ý giáo sư là cứ muốn chứng minh đã có Tàu di cư rất đông, trước Mã Viện nữa.

Không hiểu tại sao sử gia cứ cho rằng chỉ có một cách hiểu những điều khó hiểu như vậy?

Trước hết sử Tàu nói hai bà đánh đuổi quan quân Tàu, mà không hề nói đến việc tàn sát Hoa kiều thường dân, nếu quả đã có Hoa kiều. Sự kiện ấy, nếu đã xảy ra, chắc Tàu mừng lắm mà không khỏi vội ghi chép để chánh nghĩa hóa cuộc xâm lăng của họ (Nam Chiến tàn sát Hoa kiều ở Đại La được họ ghi chép rõ ràng). Sử Tàu không chép hai bà Trưng tàn sát Hoa kiều, chỉ vì sự việc không có xảy ra. Mà như vậy thì sao Hoa kiều lại tự vệ lớn lao, đắp cả thành lũy?

Và nếu quả họ đã làm thế, chánh phủ Trung Hoa có gọi đó là thành hay không? (Hậu Hán thư là sử của nhà nước).

Trong lịch sử thế giới, khi nào mà chánh phủ võ trang quần chúng, là bị ngay cái quần chúng võ trang ấy lật họ. Đó là kinh nghiệm đau đớn mà Tàu đã phải gánh chịu nhiều lần, suýt mất nước, thì hẳn chánh phủ Trung Hoa không bao giờ dám nhìn nhận bọn nhân dân tự vệ ấy cả đâu.

Hơn thế khi mà bốn ngàn quân chiếm đóng đã thua chạy mất hết rồi thì thử hỏi thường dân Trung Hoa, không biết đánh giặc, có đủ can đảm tự vệ theo lối sử gia nghĩ ra hay không? Hẳn là không.

Trải qua lịch sử bành trướng của Trung Hoa, họ đã từng bị các thứ dân bị trị đánh đuổi, nhưng không hề có việc nhân dân tự vệ như thế. Những thành mà sử gia Nguyễn Phương biết là những thành lớn, huyện lỵ chẳng hạn, nhưng ngoài huyện lỵ ra, hẳn còn phải có nhiều thành nhỏ nữa, mà sử Tàu không có ghi vì nó quá nhỏ, nên họ chỉ đếm đầu khi các thành nhỏ ấy bị chiếm, mà không kể tên.

Lần mãi cho đến đầu đời chúa Nguyễn, sử gia mới thêm được các nhóm Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài và Mạc Cửu, nhưng đó là giọt nước trong đại dương vì dân ta đã non một triệu hồi cổ thời, lên đến hơn 10 triệu rồi thì ba ngàn người Tàu, kể ra làm gì?

Bất kỳ người nào muốn bác ức thuyết của sử gia Nguyễn Phương đều có thể đưa ra nhiều sự kiện rất vững, để chứng minh trái lại.

Chẳng hạn như cái tên Annam Đô hộ phủ. Nếu quả người Tàu sang đây càng ngày càng đông cho đến đỗi thành đa số tuyệt đối, thành “công dân duy nhứt ở đồng bằng sông Nhị và sông Mã”, thì hẳn dưới thời Đường, sự đa số tuyệt đối phải xảy ra rồi, vì đến đời sau, đời Tống, là người Tàu ở đó sẽ tách riêng ra mà tự lập (Đinh Bộ Lĩnh).

Như vậy thì tại sao dưới đời Đường người Tàu lại đô hộ người Tàu? Họ chỉ xem xứ Annam là một châu hoặc hai, ba châu của họ, chỉ có thế thôi, chớ sao lại có chuyện đô hộ? Bằng không đô hộ, sao lại đặt tên là ANNAM đô hộ phủ?

Tất cả các triều đại Trung Hoa đều nói xứ ta đầy sơn lam chướng khí, không thể ở được, đến đời Càn Long, xứ ta đã bớt độc rồi mà vua ấy cũng còn nói như vậy thì đất ta chỉ được họ xem là thuộc địa khai thác (colonie d’exploitation) chớ không là thuộc địa thực dân (colonie de peuplement). Vả lại, chúng tôi sẽ chứng minh rằng họ không có đủ dân vào thuở đó, để mà “thực” tại xứ ta.

Có phải chăng là Sử Ký của Tư Mã Thiên đã viết “Vua Hán Vũ Đế định xong nước Nam Việt rồi, cho là dân đất Mân thường mưu đầu tối đánh nên mới bắt cả dân chúng đem lên vùng sông Hoài còn đất thì bỏ không”.

Tại sao lại bỏ không? Là tại Trung Hoa không đủ dân để lấp chỗ trống ở đó. Đã bảo sau Chiến quốc, sau Hán Sở tranh hùng, dân Tàu sụt ghê lắm.

Triệu Đà đã xác nhận sự kiện lịch sử này khi viết rằng “Đất Mân Việt chỉ đóng có một ngàn người”. Đó là tình hình sau khi đất ấy bị vét dân.

Đến đời Hán rồi mà người Mân Việt bổn thổ vẫn còn chiếm giữ xứ họ thì cái việc nhà Tần di dân xuống, có thật hay là không? Có thể là có thật, nhưng di 5 ngàn người để cho ở tám tỉnh sau đây thì thử hỏi mỗi tỉnh nhận được mấy người: Triết Giang, Giang Tô, Phúc Kiến, An Huy, Hồ Nam, Quy Châu, Quảng Đông và Quảng Tây?

Mỗi tỉnh chỉ nhận có sáu mươi ngàn, Cổ Việt không có nhận ai cả, vì không hề có tài liệu nào nói về việc đó đối với Cổ Việt. Nhưng nếu cứ cố cho là có đi, thì 60 ngàn người, làm thế nào đẩy 9 trăm ngàn vào thế thiểu số? Nhưng Cổ Việt không hề có tiếp nhận một số người là 60 ngàn. Nếu có, cổ sử Trung Hoa hẳn đã có ghi. Bằng như vì quá ít mà không ghi, thì cái số quá ít ấy chẳng thay đổi được tình hình chủng tộc của non một triệu người.

Họ không đủ người, họ lại không có chánh sách “trồng người” ở Cổ Việt. Nội cái từ ngữ Ngoại Vực trong “Giao Châu ngoại vực ký” đủ nói rõ rằng họ không có ý muốn nhập Cổ Việt vào lãnh thổ Trung Hoa theo lối nhập Nam Hải. Đành rằng Cổ Việt cứ phải là thuộc địa của họ hoài, nhưng đó là một thứ thuộc địa trái độn mà quốc gia nào cũng cần.

Sự kiện họ không bao giờ chiếm đất Chàm, mặc dầu họ thừa sức chiếm (Đàn Hòa Chi và Lưu Phong đã hai lần san bằng kinh đô Chàm) chỉ rõ cho ta thấy rằng đế quốc Trung Hoa đã bước tới cái bước cuối cùng trên đất ta, ít lắm là vào thời đó.

Vì lẽ gì không biết, đế quốc nào trên thế giới cũng vậy, luôn luôn dừng chơn lại ở nơi nào đó, mà thường thì không phải là vì gặp một thứ địch thủ nào quá mạnh đâu. Hình như lập đế quốc là một nhu cầu, mà nhu cầu thì dĩ nhiên phải có lúc nào đó nó được hoàn toàn thỏa mãn. Nếu chỉ vì lòng tham thì hỏi sao các đế quốc lại dừng chơn vô cớ mà thí dụ điển hình nhứt là sự dừng chơn của Trung Hoa tại đất Chàm? Thấy rõ là có lý do khác hơn là lòng tham. Lòng tham chỉ là một yếu tố trong đó thôi.

Nhưng các đế quốc xưa phải cần một vùng trái độn (mà nay cũng thế), vùng ấy nằm giữa lãnh thổ của đế quốc và các rợ bên ngoài. Đó chính là vai trò mà Trung Hoa bắt Giao Chỉ phải giữ: trực trị, nhưng không nằm trong lãnh thổ Trung Hoa, không buông, không nhả ra, nhưng cũng không ôm sát vào lòng. Họ đã dùng một danh từ chuyên môn để gọi ta: Xứ Phiên Li hoặc Chu Li, rất rõ nghĩa. Phiên Li hoặc Chu Li có nghĩa là phên dậu, phên dậu che chở cho họ. Lính của họ không đủ đông vì bị rút về sau khi thắng trận, mà dân di cư cũng không đủ để cho họ bắt lính tại chỗ, nên khi người Pháp đã phải tuyển mộ bạc-ti-dăng ở đây năm 1946. Trong quyển L’Art Vietnamien, ông L. Bezacier có gom tài liệu để thử tả quân trang của đạo thân binh này.

Giới quý tộc Lạc Việt mà đại diện là hai bà Trưng, sở dĩ khởi nghĩa cũng vì đạo thân binh này và cũng vì ngạch quan lại nhỏ gồm người bổn xứ mà các thứ sử, thái thú đã lập ra với thâm ý thay thế các cán bộ Lạc Việt mà họ buộc lòng phải giữ lại để dùng từ non hai trăm năm rồi. Bọn cán bộ mới mà trưởng thành, thì cấp cán bộ cũ của Lạc Việt sẽ bị đào thải hết ráo vì Tàu không thể tin cậy được các Lạc Tướng.

Xem đó thì biết là họ không đủ người, thì không làm sao mà họ đẩy thổ dân Lạc Việt vào cái thế thiểu số không đáng kể được cả. Còn nói Lạc Việt rút lên rừng mà ở hết như Lưu An đã nói, thì lại càng không đúng, vì nếu thế thì người Tàu lấy đâu ra đạo thân binh ấy và ngạch quan lại nhỏ ấy? Vả lại, nếu không còn thổ dân thì cũng chẳng cần đạo thân binh đó và ngạch quan lại nhỏ đó làm gì. Để trị ai chớ?

Nhưng về sau, Tàu có sang đây đông hơn chăng?

Sử gia Nguyễn Phương cứ nói đến mãi những đợt sóng di dân kế tiếp nhau qua các trào đại, mà không hề chứng minh. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng không hề có di cư, mặc dầu cổ sử Trung Hoa ngậm câm về vấn đề ấy, và mặc dầu sự ngậm câm của họ đủ chứng minh rằng không hề có.

Về số nóc gia ở Giao Chỉ qua các trào đại, thấy trong các cổ thư Trung Hoa, thật là đáng ngạc nhiên vì sự giảm sút dị kỳ:

Theo Tiền Hán thư thì có 92.440 nóc gia
Tấn Thư: 12.000
Lưu Tống (Châu quân chí): [1] 4.232
Tuỳ: 30.056
Đường: 14.230
(Tài liệu lấy ở Phương Đình Dư địa chí)

Sự giảm sút này được sử gia cắt nghĩa rằng sau đời tiền Hán, người Trung Hoa không coi thổ dân Lạc Việt là dân nữa, nên không biên nóc gia của họ vào sổ. Số nóc gia được biên là nhà của Trung Hoa di cư, nên quá ít và càng năm càng ít. Thế là mâu thuẫn với chủ trương rằng Tàu di cư càng ngày càng nhiều.

Người Tàu có ngu dại hơn người Mông Cổ hay không? Xin nghe câu chuyện mà R. G. kể về cuộc xâm lăng Trung Hoa của người Mông Cổ đời Nguyên.

Quân Mông Cổ định tàn sát hết người Trung Hoa để lấy đất nuôi dê, nuôi ngựa, nuôi bò và họ đang thực hiện kế hoạch của họ. Nhưng có một người Mông Cổ lưu lạc xuống đất Tàu ăn học làm quan, ở trong đám tù binh đông hàng triệu người đó. Y cắt nghĩa cho người Mông Cổ hiểu rằng để dân Tàu sống, có lợi hơn là nuôi bò, vì một người dân đóng thuế nhiều hơn hoa lợi mà một con bò sẽ cho người nuôi.

Mông Cổ nghe xuôi tai, và nhờ thế mà bao nhiêu triệu người Hoa Bắc thoát chết.

Mông Cổ mà còn hiểu rằng người quý hơn bò, lẽ nào Tàu không hiểu được như vậy và không cho Lạc Việt là dân, dân hạng bét để cho họ sử dụng như là nô lệ.

Tại sao người của đời Tiền Hán xem Lạc Việt là dân, người của đời Hậu Hán, tiến bộ hơn (bằng chứng là Vương Mãng đã thử làm cách mạng xã hội) lại không xem Lạc Việt là dân?

Nhưng ta cứ tiếp tục noi theo luận cứ của sử gia. Ta nhìn lại bản đúc kết các cuộc kiểm tra dân số trên đây một lần nữa. Nếu quả đó là nhà của người Tàu thì rõ ràng là càng năm càng ít hơn, chớ bọn di cư không phải càng năm càng đông hơn như sử gia đã quả quyết.

Sử gia chỉ đoán liều vậy thôi, nhưng ta cứ nhận rằng sử gia đoán đúng đi, thì dưới đời Đường chỉ có 14.230 x 10 = 142 ngàn dân di cư (kể như họ đẻ nhiều, một nhà chứa 10 người, cho khỏi tranh luận về số khẩu trong một hộ).

Sách Đường Thư làm xong năm 946, tức chỉ còn có 20 năm nữa là Đinh Bộ Lĩnh giành quyền độc lập. Nhưng dân Tàu chỉ đông có 142 ngàn người thì giành độc lập được với ai kia chớ? Chỉ có một cách trả lời là dân Lạc Việt đã đông lắm nên họ Đinh mới dựa vào dân Lạc Việt để đòi độc lập. Hẳn họ phải đông nhiều triệu rồi mới được nhà Tống nể mặt phong vương cho họ Đinh.

Chắc chắn là có một số người đi lên núi, vào rừng, một số chạy xuống đất Chàm và theo ông O. Jansé và Willoquet thì một số chạy sang Phi Luật Tân, nhưng đó là quý tộc Lạc Việt chớ không phải dân, hay nói cho đúng hơn, không phải toàn dân, bằng cớ chắc chắn là họ đã lập được một đạo binh Việt gian với lính người mình, và để trị dân mình còn ở lại.

Sau hai bà Trưng, ta đã dấy quân nhiều lần, mà lần nào sử Tàu cũng nói là man di nổi loạn, chớ không nói là người Tàu di cư phản loạn đối với chánh quốc, mà man di nổi loạn được là vì họ chiếm đa số tuyệt đối.

Chính sử Tàu đã nói trái hẳn với sử gia Nguyễn Phương là người cả tin vào sử Tàu, nhưng khi ông muốn chứng minh một điều nó ám ảnh ông, thì ông lại bất kể sử Tàu.

Tấn thư (địa lý chí) có chép rất rõ rằng tại quận Nhựt Nam có huyện Tượng Lâm. Từ huyện Tượng Lâm trở về phía Nam (cũng cứ trong quận Nhựt Nam) có bốn động (tức bốn làng, động là làng của man-di) mà dân ở đó xưng mình là dòng dõi nhà Hán.

Tấn thư được soạn vào khoảng năm 311, tức Lạc Việt đã bị trực trị rồi từ 300 năm. Thế mà ở Nhựt Nam chỉ có 4 làng Trung Hoa ấy thôi.

Tấn thư chép câu chuyện này với tánh cách đưa ra một hiện tượng lạ lùng đã làm kinh ngạc người chép sử, là tại sao trong xã hội “man di” lại có 4 làng Hoa kiều thuần chủng được một cách bất ngờ như vậy.

Nếu ở đó có đông người Tàu di cư thì 4 làng nói trên không còn là một hiện tượng kỳ dị nữa, và người chép sử hoặc người cho tài liệu cho sử gia đời Tấn, đã không phải ngạc nhiên, và sử gia ấy đã không chép làm gì câu chuyện trên đây.

Về sự kiện lính Trung Hoa được rút về nước hay được giải ngũ tại chỗ để làm di dân, hợp với di dân thật sự, đẩy thổ dân vào thế thiểu số, ta nên mượn tài liệu của chính sử Tàu để nói chuyện.

Thời Đào Hoàng (tên một viên thứ sử vào năm 321) tại Giao Chỉ là thời đại thanh bình mà cũng chỉ có năm ngàn nóc nhà quy phục Bắc Triều, còn tới mấy vạn nóc nhà khác vẫn không chịu lệ thuộc.

“Mấy vạn nóc nhà” ấy, ta cứ lấy số tối thiểu là 2, hai vạn, tức là hai mươi ngàn nóc nhà. Như thế thì số gia đình quy phục chỉ là một phần tư của tổng số mà thôi. Làm một bài toán trừ đơn giản thì ta kết luận được rằng sau ba trăm năm đô hộ ta, Trung Hoa chỉ kết nạp được sự hợp tác của một phần tư dân số mà thôi. Mà trong cái phần tự quy phục ấy, chắc chắn không phải là người Tàu, vì với Hoa kiều thì đâu có vấn đề quy phục. Họ có phải là người lai căn hay không? Cũng chắc chắn là không, vì người lai căn với một dân một nước thống trị, đứng chung hàng ngũ với dân thống trị như Tây lai ở xứ ta về sau này chẳng hạn. Như vậy, đâu có xem là họ “quy phục”, họ được xem là người Trung Hoa ấy chớ. Tức trong năm ngàn nóc nhà quy phục ấy, không có người Tàu chánh gốc hay Tàu lai nào cả, mà chỉ có Lạc Việt thôi, toàn thể là Lạc Việt. Hai chục ngàn nóc nhà kia lại còn Lạc Việt mạnh hơn nữa.

Tổng số 25 ngàn nóc nhà này lại phù hợp với con số chính thức là 12 ngàn nóc nhà của Tấn Thư địa lý chí mà sử gia Nguyễn Phương và chúng tôi đã trích và dùng làm tài liệu suy luận mà chúng tôi nhắc đến trên kia. (25 ngàn là con số dưới thời Nam Bắc triều, một thế kỷ sau đời Tấn, có khác biệt nhau đến 13 ngàn, vẫn cho là phù hợp được, vì có sự so le thời điểm).

Thấy rõ là số nóc gia chép ở Tấn Thư là nóc gia của Lạc Việt, chớ không phải của Trung Hoa như sử gia Nguyễn Phương đã quả quyết.

Còn lại một thời gian là 8 thế kỷ đô hộ nữa. Trong tám thế kỷ sau này thì hẳn lính Trung Hoa càng ít tới đây hơn, bởi một thuộc địa đã được cai trị từ ba thế kỷ rồi, không ai gởi lính sang tới đây hơn là trong ba thế kỷ trước. Như vậy, tỷ số lai căn không thể tăng lên mà chỉ có giảm xuống mà thôi, không còn nói là trái lại được.

Bọn thương gia và phu phen, thợ thuyền có đến hay không? Không thấy sử có viết về điều đó, nhưng chắc chắn là họ có đến, nhưng năm ba ông thầy phong thủy, ông thầy thuốc du phương, vài người thợ, vài trăm tội đồ không hề làm nên đa số.

Còn như mà nói rằng nếu nhà dân bổn xứ là 25 ngàn, thì nhà dân Tàu còn đông hơn nhiều (đa số mà lại) thì đâu có việc viên thứ sử Đào Hoàng ấy sợ dân nổi loạn đến phải làm tờ phúc trình nói trên. Chính đó là một tờ phúc trình mà Đào Hoàng dâng lên để xin vua Trung Hoa đừng có rút quan chiếm đóng.

Người Lạc Việt không rút hết lên rừng để thành người Mường như nhiều người đã nói, trong đó có cả sử gia Nguyễn Phương. Họ ở lại rất đông và không bị đẩy vào cái thế thiểu số để người Tàu tràn tới, rồi tự xưng là dân tộc Việt Nam, bởi nếu Lạc Việt thiểu số thì thứ sử Trung Hoa đã không sợ họ nổi loạn.

Cho tới nay, không ai biết người Mường là ai cả, cứ phỏng đoán. Ở một chương sau ta sẽ biết đích xác họ là ai.

Còn như toàn dân là người Tàu ư? Thì sao họ lại nổi loạn kia chớ? Người Tàu vẫn có thể nổi loạn để tự lập à? Rất có thể, mà như vậy thì không có vấn đề ¼ quy phục toàn loạt. Chừng nào tới giờ phút muốn tự lập thì chừng ấy mới có việc nổi loạn, chớ tình hình căng thẳng không có xảy ra. Sở dĩ tình hình này mà có là vì có người thống trị và người bị trị ở cạnh nhau.

Sự kiện “rút quân về” lại chứng tỏ rằng những đợt sóng binh sĩ liên tiếp tới đây, không có ở lại. Có bọn di cư hay chăng mà sử gia cũng đã nói đến? Chắc chắn là không đáng kể gì hết. Sử gia René Grousset đã nắm được những con số của những lần kiểm tra dân số của Trung Hoa trải qua lịch sử của họ.

Nạn nhân mãn vào đời nhà Hạ ở ngã ba sông Vị và sông Hoàng Hà, đã được vua Thiếu Khang giải quyết rồi, bằng cách cho Vô Dư lãnh đạo bọn di cư xuống đất Kinh Việt, cái đất mà về sau, người Tàu lai Việt ở đó lập ra nước Sở. Chánh sách trồng người của Tần Thủy Hoàng không hề do nạn nhân mãn chi phối mà chỉ là một hành động đế quốc muốn đồng hóa man di. Nạn nhân mãn lớn (explosion démographique) thì mãi đến đời nhà Thanh họ mới mắc phải.



[1]Nhà Lưu Tống được sử gia Nguyễn Phương gọi là nhà Tống, gây lẫn lộn với nhà Tống thật sự sau nhà Đường.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.