trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
26.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Sự kiện nhà Hán cứ còn giữ các cán bộ bổn xứ là Lạc Tướng, tuy không chứng tỏ rằng họ thiếu cán bộ, nhưng lại chứng tỏ rằng thổ dân không phải là thiểu số, mà trái lại còn là đa số cần được trị an bằng chính đám quan lại đã có uy tín sắn. Về sau, thổ dân ấy lại càng ít thiểu số hơn vì chỉ có cuộc chinh phục ban đầu mới cần nhiều lính, còn di dân thì không có, như đã thấy.

Vào thế kỷ thứ XV T.K. Trung Hoa mới bắt đầu di dân ra biển Đông và xuống phương Nam. Nhưng mãi cho đến giữa đời Đông Chu lối năm 500 T.K. mà ở mạn biển Đông chưa có người, nước Thù, vào thời Chiến quốc là một nước chỉ gồm có 10 học tức cao lắm 10 ngàn nhân khẩu. Thế thì ba, bốn, năm trăm năm sau, họ lấy đâu cho ra người để di dân xuống Lạc Việt? Danh xưng Lạc Việt biến mất vào thuở đó là vì lẽ chánh trị chớ không phải lẽ dân số như sử gia Nguyễn Phương đã nói. Thực dân Trung Hoa khác với thực dân Pháp sau này, họ xóa hết cái gì là cố cựu của thổ dân với mục đích đồng hóa, chỉ có thế thôi. Danh xưng Lạc Việt mất một cách nhân tạo, mất trong sách vở, trong văn kiện Trung Hoa, nhưng không mất trên thực tế.

Về những con số này, không phải tìm tài liệu lạ cho mất công: Chúng tôi xin lấy ngay tài liệu của sử gia Nguyễn Phương. Ở trang 331, sử gia viết: (Năm … 858 (tức còn có 117 năm nữa thì ta độc lập vĩnh viễn với Đinh Bộ Lĩnh)… một vị cai trị có tài tên là Vương Thức… đến nơi ông liền nghĩ đến phòng thủ phủ thành… huấn luyện binh sĩ. Không lâu, có một bọn Nam Man kéo đến. Thức ung dung cho người giải dịch hơn thiệt cho họ, họ rút về”.

Còn có 1 trăm năm nữa thì “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh” tách rời xứ này ra khỏi chính quốc của y, thì hẳn quanh thành Đại La phải đông đặc người Tàu di cư rồi, nếu căn cứ trên thuyết của sử gia Nguyễn Phương. Thế thì làm thế nào bọn Nam Man tiến đến thành được? Họ có võ trang ư, còn người Tàu thì tay không? Nhưng vũ khí của họ cũng chỉ là dao, mác thôi, mà dân Tàu di cư, nhà nào cũng có dao, mác cả. Mà không phải Tàu chỉ ở quanh thành mà thôi, vì người bổn xứ đã bị thiểu số từ lâu đời rồi thì người Tàu di cư phải chiếm hết cả quận, huyện, tổng, làng. Không lẽ còn có một trăm năm nữa mà “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh” cầm đầu người Tàu di cư để ly khai, mà người bổn xứ lại còn ở gần họ được?

Cũng cứ lấy tài liệu của sử gia Nguyễn Phương.

Năm 930 (nghĩa là còn có 45 năm nữa là “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh” phản loạn với chính quốc của y) Lý Tiến sang làm thứ sử Giao Châu, Lưu Yểm căn dặn: “Dân Giao Chỉ thích làm loạn, chỉ nên tìm cách lung lạc họ mà thôi”.

Nếu dân Giao Chỉ là người Tàu di cư thì một ông vua người Trung Hoa không bao giờ lại ăn nói như vậy. Chẳng hạn, nói đến dân Trung Hoa ở huyện Cảnh Đức Trấn, ông ấy đã nói: “Con dân ta”, ở Cảnh Đức Trấn vừa tìm được một trái núi có đất tốt để chế tạo loại đồ sứ đẹp, tên là núi Cao Lĩnh. Ông ấy không bao giờ nói: “Dân Cảnh Đức Trấn”. Vì thói quen của các vua Tàu là như thế, khi nào nói đến dân ngoại chủng, họ mới chỉ dân ấy bằng tên nước của ngoại chủng đó.

Sử gia Nguyễn Phương đã chứng minh được rằng nhà Tống “Công nhận quyền độc lập của Cổ Việt giữa thời bình”. Nhưng trải qua mấy ngàn năm lịch sử của Trung Hoa, không bao giờ giữa thời bình mà con dân Trung Hoa lại đứng lên ly khai và nhứt là đòi hỏi ấy được thỏa mãn. Mà ở các nước khác cũng thế. Như vậy tại sao “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh” lại đòi ly khai giữa lúc thạnh trị? Chỉ có một lối trả lời độc nhứt mà thôi: Đinh Bộ Lĩnh không phải là người Tàu, hay ít lắm, dân của ông cũng không phải dân Tàu.

Sử gia Nguyễn Phương lại trích bài chế của vua nhà Tống: “Đinh Bộ Lĩnh có chí mến văn hóa của Trung Quốc…”. Nếu Đinh Bộ Lĩnh là người Tàu, hẳn vua nhà Tống phải biết, cũng như vua nhà Tần đã biết rằng Triệu Đà là người Tàu.

Mà người Tàu không bao giờ có chí mến văn hóa của Trung Quốc như một số người của nước khác. Họ sanh ra, sống giữa văn hóa ấy, thấy tự nhiên phải như vậy, theo văn hóa khác là không xong, văn hóa Trung Quốc đối với họ như cơm mà họ ăn, áo mà họ mặc, nó quá quen thuộc mà họ giữ, không ghét cũng chẳng mến, họ giữ nó một cách máy móc.

Vua nhà Tống mà nói như vậy thì hẳn ông ấy biết Đinh Bộ Lĩnh không phải là người Tàu, và Đinh Bộ Lĩnh khởi nghĩa để giành độc lập cho Lạc Việt chớ không phải để tách rời ra khỏi nước mẹ theo lối Huê Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan.

Sử gia Nguyễn Phương chắc cũng chưa tiêu hóa nổi chính cái thuyết của mình, nên chi ông mâu thuẫn trong lời nói. Có khi ông viết: “Ngô Quyền giành độc lập” có khi viết: “Nước Việt Nam… rụng ra khỏi cây mẹ”.

Sự tách rời ra khỏi nước mẹ, đã xảy ra trong lịch sử của nhiều quốc gia, nhưng nó khác việc tranh đấu giành độc lập, mặc dầu trong hành động trước cũng có tranh đấu; cũng có độc lập, nhưng trong hành động trước là đồng chủng với nhau, trong hành động sau là chống xâm lăng.

Có một chi tiết mà không thấy sử gia nào của ta nói đến, là mặc dầu đặt quận, huyện ở Giao Chỉ, người Tàu không bao giờ trực trị ta cả.

Bằng chứng không trực trị là các quan thứ sử phải nộp cống hàng năm, đến đời Đường, cũng còn cống. Đây là cống phẩm của Giao Chỉ, dưới đời Đường: chuối, cau, mặt chiên (?), lòng chim sã (Phỉ túy).

Sử nói đó là thổ cống, nghĩa là còn có những cống phẩm khác, không nói ra vì không đặc sắc: như vàng, bạc, chẳng hạn (trích Phương Đình Dư địa chí).

Hễ các quận, huyện bị trực thị thì dân ở đó phải đóng thuế, còn quan thì không có cống gì hết. Đằng này quan đầu xứ lại phải cống như là một phiên vương thì chắc chắn sự cai trị Giao Chỉ nằm lưng chừng giữa chế độ phiên thuộc vậy.

Mà tại sao lại thế? Là tại thổ dân quá đông mà lại không quen phải chịu sưu thuế nên không đóng thuế trực tiếp và Trung Hoa đành phải lấy thuế gián thu dưới hình thức cống phẩm, đến đời Đường, Giao Chỉ gần độc lập rồi, vẫn còn cống.

Những điều trên đây chứng tỏ rằng thổ dân chiếm đa số tuyệt đối, một đa số lớn cho đến đổi quan hệ chánh trị giữa Giao Chỉ và Trung Hoa phải mềm dẻo uốn mình theo. Nếu người Tàu là đa số thì chánh sách của Trung Hoa hẳn đã phải khác, thâu thuế, chớ không nhận cống phẩm.

Văn học sử Trung Hoa cho biết rằng thi hào Vương Bột đời Đường làm bài thơ Đằng Vương Các trong chuyến đi thăm cha làm quan huyện ở Giao Chỉ.

Mãi cho tới đời Đường mà quan Tàu còn không mang vợ con theo, mặc dầu họ được ở các thị trấn, tương đối ít chướng khí, thì hẳn thường dân không ham tự động được di cư cho lắm.

Nên nhớ rằng đến đời Đường người Tàu vẫn cứ còn sống theo chế độ đại gia đình, chớ không phải hễ biết làm thơ rồi như Vương Bột là được ra riêng.

Cuộc thăm cha xa xôi của thi sĩ Vương Bột chứng tỏ rằng quan Tàu thuở ấy không có mang gia đình theo. Họ liều thân một mình, để vợ con họ được an toàn, tránh cái khí hậu nhiệt đới của Giao Chỉ mà dân Hoa Bắc không chịu nổi.

Hạ chí Tuyến (tropique du Cancer) nằm ngay tại thành phố Quảng Đông ngày nay, và qua khỏi Hạ chí Tuyến là vùng bán nhiệt đới (sub-tropical), qua khỏi Cà Mau là vùng xích đạo nhiệt đới (équatorial), người Hoa Bắc không làm sao mà sống được ở hai vùng khí hậu đó, chớ thật ra thì nó không có độc gì hết như họ tưởng.

Cái huyền thoại Mã Viện thấy một con chim rơi rồi ngộ nhận là vì khí hậu quá độc mà cả chim cũng phải rơi, chỉ là vì Mã Viện trông gà hóa quốc. Y đã thấy một con chim bói cá, loại chim ấy không có ở Trung Hoa nên y không biết. Người Tàu gọi nó là chim phỉ túy, miền Nam nước Việt gọi là chim thằng chài, nó thường từ trên cao phóng xuống trông y hệt như là nó rơi đối với con mắt người Hoa Bắc.

Lưu An trong Hoài Nam Tử đã chép rằng nhà Tần đánh Ngũ Lĩnh chỉ vì tham lông chim phỉ túy, tức con chim bói cá mà Trung Hoa không có.

Không ai chối cãi rằng có di cư, nhưng không hề thấy có chánh sách dời người của nhà nước, thì cuộc di cư tự ý của cá nhân, nhứt định là rất yếu, không đáng kể. Sử Tàu xem ra thì không đến đỗi thiếu sót những biến cố quan trọng, chỉ có bốn động người Tàu ở Cửu Chơn mà họ còn ghi rõ thì làm thế nào họ không ghi sự kiện hàng vạn người tràn sang đây, nếu sự kiện ấy đã xảy ra. Từ Hán đến Tống, họ đã viết hàng chục bộ sử, sử gia này có quên mất vài việc, thì còn sử gia khác, nhưng không thể nói rằng ai cũng quên sự kiện di cư cả.

Xin trích dẫn ra đây bài Ý lữ văn của một bậc danh nho khét tiếng đời nhà Minh, triết gia Vương Dương Minh.

Vương Dương Minh làm quan tại triều nhà Minh, phạm tội khi quân, bị giáng đi làm quan hạng bét ở xứ Long Trường. Ông ấy kể một câu chuyện vừa bằng văn xuôi, vừa bằng thơ, đại khái như dưới đây:

“Năm Minh võ Tống (1515) ta đang làm quan nhỏ ở đất Long Trường thì một buổi chiều có một viên chức nhỏ làm lại mục, từ kinh đô được thuyên chuyển đến nơi nhậm chức, đi ngang qua Long Trường, có dẫn theo 1 con trai và 1 người tớ.

Không ai biết y tên gì. Ta ở trong nhà, nhìn qua hàng rào thưa, thấy y vào xin ngủ trọ ở nhà một thổ dân người Miêu. Sáng ra thì y tái khởi hành.

Nhưng gần trưa, có người ở gò Ngô Công về cho biết ở chơn núi có một người già chết, hai người khóc thảm thiết. Người chết là người lại mục. Gần lối lại có người cho biết dưới chơn núi có hai thây ma, người còn sống đang khóc lóc thảm thiết. Hỏi ra thì người chết sau đó là đứa con trai người lại mục. Sáng hôm sau nữa thì người ta cho biết người sống sót cũng chết nốt.

Ta buồn nên ta ca rằng:
Ta với ngươi đều là kẻ xa quê
Chẳng hiểu ngôn ngữ của man di

Bên đường mồ mả liên kế nhau
Phần lớn là của người Trung Quốc xa nhà”.

Qua bài văn của Vương Dương Minh, ta thấy gì? Là mãi cho đến năm 1515, tức tương đối rất gần đây, mà ở Hoa Nam còn hiếm dân Trung Hoa cho đến đỗi viên lại mục phải ngủ trọ ở nhà thổ dân.

Quan Trung Hoa thì có, nhưng cũng hiếm lắm, nên kẻ bạc phước mới không dè rằng có Vương Dương Minh ở Long Trường để mà tìm đến.

Ta lại thấy mồ mả người Tàu chết đường nhiều quá khi họ xuống phương Nam. Sự kiện ấy hẳn không làm cho họ ham di cư sang tận Giao Chỉ đâu, vì Giao Chỉ còn xa hơn nhiều.

Như vậy thử hỏi 8 trăm năm về trước, có thể có người Tàu di cư sang xứ ta đông đáng kể chăng?

Sử gia Nguyễn Phương có đưa ra một câu chuyện, không biết để làm gì, vì câu chuyện đó hoàn toàn vô ích đối với quyển sách của sử gia. Đó là chuyện quan Thứ sử Doanh Châu Lư Tổ Thượng đời Đường, từ chối đi làm Thứ sử theo chỉ định của vua Lý Thế Dân, nên bị chết chém.

Nhưng đó là gậy ông đập lưng ông, vì sử gia chép thiếu một câu quan trọng mà nay chúng tôi đưa ra đây: “Đi Giao Chỉ, thì không có về, thà là tôi chịu chết mà được chết ở quê nhà”.

Cho tới đời Đường rồi mà người ta còn sợ Giao Chỉ đến thế. Mà đó là nhơn vật cao sang nhứt Giao Chỉ, nếu ông ấy chịu đi. Điều kiện sống của ông sẽ giúp ông dễ chịu phần nào mà ông còn chọn cái chết chém thay cho việc đi Giao Chỉ thì hẳn thường dân không ham Giao Chỉ lắm đâu.

Trong cuộc xâm lăng của nhà Tống, sử Tàu thú nhận có 110.000 binh sĩ chết vì sơn lam chướng khí (không kể bọn chết trận), mà chuyện đó xảy ra 1.035 năm sau Mã Viện, thì đủ biết người Tàu không ở đất Giao Chỉ được mà nói đến những đợt di cư liên tiếp.

Ở đây tưởng nên trở lại vấn đề bất phục thủy thổ mà tất cả các sử gia Tàu đều nói đến, mãi cho tới đời nhà Thanh cũng còn nói.

Người ta tự hỏi nếu xưa Tàu ở Giao Chỉ không được, sao nay họ lại ở được, cả ở đường xích đạo (Anh Đô Nê Xia) nữa.

Nhưng ta cứ kiểm soát lại xem người Tàu sống ở Đông Nam Á ngày nay là ai. Đó là người Hải Nam, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hẹ. Ngoài 5 nhóm đó ra, tuyệt đối không còn nhóm nào khác nữa hết. Không bao giờ ai tìm gặp một người Hồ Nam, một người Triết Giang tại Đông Nam Á.

Mà 5 nhóm người ấy là ai? Đó là những người Thái (Tây Âu, Đông Âu, Hẹ, Hải Nam) và những người Lạc (Phúc Kiến, Triều Châu) biến thành Tàu.

Dưới những đời Hán, Tần, Đường, Tống, Minh, họ còn là man di, nên không giỏi để mà đi làm ăn xa, còn người Tàu thật sự, tức người Hoa Bắc và Hoa Trung thì chỉ chịu đựng nổi khí hậu Hạ chí Tuyến mà thôi (tuyến này nằm ngang thành phố Quảng Đông).

Cả đến “man di” Sở, gốc Việt, mà vẫn không dám xuống khỏi Hạ chí Tuyến.

Người Tàu di cư xuống Đông Nam Á hiện nay, sở dĩ di cư được, chính vì họ là những con người sống tại ranh giới Hạ chí Tuyến, có thể quen được với khí hậu bán nhiệt đới. Nhưng những con người ấy, khi xưa, còn kém cỏi lắm, không thể biết đi làm thợ, hoặc làm thương mại xa, còn bọn có khả năng là bọn ở trên thì từ xưa đến nay không di cư bao giờ.

Vấn đề sơn lam chướng khí của Giao Chỉ là chuyện huyền thoại mà họ đưa ra, khi họ không giải thích được một sự thật về phản ứng cơ thể đối với khí hậu lạ.

Tài liệu rõ ràng hơn cả là một câu sử trong Hậu Hán thư thiên Mã Viện truyện.

Mã Viện thắng trận rồi thì kiểm điểm lại để về nước. Binh sĩ tử trận không đáng kể, mà “Bất phục thủy thổ mà chết 10 phần hao hết 4 hoặc năm”. Đó là binh sĩ Trung Hoa, chớ không phải người Tây Âu ở Nam Việt hay đạo thân binh Việt phản quốc mà chúng tôi đã nói đến và sử gia Nguyễn Phương cho là người Tàu di cư tình nguyện đi lính.

Chúng ta tự hỏi có phải chăng sử gia Nguyễn Phương đã bị ông O. Jansé đánh lạc hướng? Quả thật vậy, trong danh sách những sách tham khảo của sử gia Nguyễn Phương thấy có quyển A.R.I.I. của ông O. Jansé, và trong quyển sách đó, ở chương kết luận, ngắn chỉ có một trang, ông O. Jansé có viết:

Vì cuộc lấn lần của người Trung Hoa mà dân Cổ Mã Lai rút đi xa, có lẽ về hướng Nam… (trước thời Triệu Đà).

Nhưng ông O. Jansé đã tự mâu thuẫn với ông vì trước đó mấy dòng, ông viết rằng quý tộc Lạc Việt rất ham gả con gái cho bọn phiêu lưu Tàu mà tài nghệ siêu quần. Đã mê Tàu như thế, sao lại bỏ nước mà đi?

Nhưng chẳng những không có bằng chứng ta ở đất cho Tàu, mà trái lại còn có vô số bằng cớ là ta không có bỏ đất, hay nói cho thật đúng, chỉ có một số người là bỏ thôi, đó là quý tộc Lạc Việt và tôi tớ, gia nhân, nô lệ của họ, mà việc đó cũng chỉ vào thời Mã Viện, chớ trước thì không có, sau cũng không có, đại đa số dân chúng vẫn ở lại, bằng cớ là khi Mã Viện đến, họ gặp toàn người Lạc Việt chớ không có gặp người Tàu nào đã di cư ở sẵn đó.

Cho tới thời Mã Viện mà cơ thể của người Tàu còn chưa chịu được khí hậu Giao Chỉ thì trước đó làm gì người Tàu di cư tới được như ông O. Jansé nói, và làm gì có di cư từ đó về sau được sử gia Nguyễn Phương nói.

Có một trang kết luận ngắn mà ông O. Jansé rối lên, mâu thuẫn lung tung. Ông nói chuyện dân bổn xứ bỏ nước là nói chuyện trước Mã Viện đấy. Bỏ nước vì bị lấn lần hồi. Nhưng nếu thế, thì lấy đâu cho ra hai bà Trưng để mà khởi nghĩa? Vả lại người ta chỉ có thể bỏ nước khi bị xâm lăng chớ không hề bỏ nước trước một cuộc di cư âm thầm.

Bằng như cho rằng việc bỏ nước xảy ra vào thời Mã Viện như sử gia Nguyễn Phương nói, thì họ Mã không thể kiểm tra dân số người thổ trước được mà sử Tàu đã chép là việc kiểm tra ấy đã được thực hiện khá chu đáo.

Không, Lạc Việt chỉ mới hợp chủng với Trung Hoa sau Mã Viện mà thôi. Sự có mặt của vài cái sọ Mông Gô Lích ở Bắc Sơn sẽ được giải thích rõ ở chương Mã Lai chủng. Không hề có lai với Tàu. Đó là sọ Việt Hoa Bắc, tức sọ Cửu Lê, lai với Mông Cổ.

Tất cả những nhà bác học Patte, Mansuy, Colan đều sai lầm ở điểm này, và tất cả sách ta đều cóp lại. Những cái sọ Mông Gô Lích ở làng Cườm là sọ Cửu Lê lai giống với Mông Cổ tại Hoa Bắc và di cư tới đó chớ không hề là sọ Trung Hoa. Rồi ta sẽ thấy bằng chứng.

Những ngôi mộ Trung Hoa đào được ở Bắc và Trung Việt, là mộ quan, mà quan Tàu xưa thì không có mang vợ con theo, như câu chuyện thi hào Vương Bột đi thăm cha làm quan ở Giao Chỉ mà chúng tôi đã kể khi nãy.

Việc tống táng các ông, hóa thành việc nhà nước, việc của các tùy viên, mà họ thì chỉ cần làm cho đúng lễ và đủ lễ, chớ không thể đưa hài cốt về Tàu được như gia đình của những người chết.

Còn thì Hoa kiều thường dân luôn luôn trở về cố thổ, sau khi nhắm mắt, hoặc ngay lúc còn sống, khi đã làm giàu rồi.

Một chứng tích ngộ nghĩnh mà ông O. Jansé, kẻ đào mồ cuốc mả thiên hạ lại không thấy, để cho người khác thấy. Người khác đó là ông L. Bézacler. Ông này viết: “Những ngôi mộ Tàu tìm thấy ở Bắc Việt và Bắc Trung Việt đều là mộ từ thời Hậu Hán về sau, trước đó không hề có”.

Mộ dân là mộ đất thì có hay không cũng chẳng ai biết. Mộ mà ông L. Bézacler nói đến là mộ quan. Nhưng nếu có mộ của rể các lãnh chúa như ông O. Jansé nói thì hẳn người ta cũng đã tưởng là mộ quan, và đã cho là có, vì rể lãnh chúa phải là những nhơn vật quan trọng không kém gì quan, và họ được tống táng theo Tàu chớ không theo Việt.

Cái câu chuyện các lãnh chúa ham gả con gái cho Tàu di cư của ông O. Jansé chỉ là huyền thoại của một nhà bác học kém tưởng tượng khi bịa càn.

Còn đây là một sự kiện nó đánh ngã thuyết của sử gia Nguyễn Phương bằng những vố nặng hơn bất cứ tài liệu nào.

Từ 1680 đến năm 1945, Hoa kiều ở miền Nam có lập ra hội Di hài, mỗi năm mỗi Hoa kiều nghèo, đóng một số tiền niên liễm, để sau họ qua đời, hội sẽ di chuyển hài cốt của họ về quê cha đất tổ họ bên Tàu.

Đó là cái hoài bão tha thiết nhứt của Trung Hoa di cư sang Việt Nam. Nhưng thuở xưa thì có như thế hay không? Đó mới là chuyện đáng kể.

Cụ Vương Hồng Sển nguyên là quản thủ Bảo tàng viện Sài Gòn, là một nhà chơi đồ cổ có tiếng, cụ có cho chúng tôi thấy một thứ hộp bằng sứ chế tạo bởi những lò sứ ở Thanh Hóa của người Hoa kiều đời Đường, đời Tống. Đó là hộp chế tạo riêng để dựng hài cốt Hoa kiều trong chiến dịch di hài nói trên.

Với cái tinh thần đó, với sự cẩn thận chế tạo cả dụng cụ cho công việc ấy, thử hỏi ý chí lập nghiệp lâu dài của người Tàu thuở đó ở xứ ta có hay không? Nếu quả có di cư đi nữa, như sử gia Nguyễn Phương cứ quả quyết rằng có, thì đó chỉ là những cuộc di cư để kiếm ăn vài mươi năm, chớ kẻ di cư không có ở lại để ly khai với chánh quốc và tự xưng là người Việt Nam đến.

Tại Chợ Lớn, hồi trước năm 1945, việc hốt cốt ở các nghĩa địa Hoa kiều và việc chế tạo hộp di hài là một kỹ nghệ lớn, nuôi sống hàng ngàn người, bởi Hoa kiều đông mà kỹ nghệ đồ sứ và hốt cốt cũng cần thợ đông lắm.

Từ năm bọn lưu vong nhà Minh đến Nam kỳ tới nay là ba trăm năm rồi, thế mà nghĩa địa của họ ở Chợ Lớn chưa đầy, mặc dầu hiện nay số Hoa kiều ở đây, kể cả những người mới nhập tịch, lên đến gần 9 trăm ngàn người (Tạp chí Bách khoa, tháng 2.1970).

Tại sao nghĩa địa nhỏ thế mà không đầy? Là tại họ không có ở lại. Kiếm được một số tiền là họ dông đi. Rồi chết bất thình lình, vợ con họ, hoặc Hội di hài cũng sẽ cho hốt cốt đưa về Tàu.

Đó là chuyện đời nay mà họ tìm được lạc thú ở đây với một cộng đồng Trung Hoa lớn, có đủ thứ đồ cần dùng cho họ, có đủ bạn bè thân hữu cho họ, chớ xưa kia, thiếu thốn tất cả, chắc họ không ham tới lắm đâu, và nhứt là có dại dột tới, họ không ham ở lại lắm đâu.

Tóm lại, không hề có người Tàu di cư đáng kể sang đây dưới thời Bắc thuộc. Nhiều quyển sử cũng đã nói như sử gia Nguyễn Phương nhưng không quyển nào chứng minh được sự kiện ấy cả. Có quyển lại chỉ nói mơ hồ mà không buồn chứng minh gì hết.

Mà nếu không có các cuộc di cư vĩ đại liên tiếp thì dân ở đây là dân Lạc Việt hết, không thể nào họ biến mất để cho Hoa kiều trá hình làm Việt Nam được.

Cái chuyện người Tàu di cư tự xưng là Việt Nam là một câu chuyện vô lý động trời.

Cứ viếng Tân Gia Ba thì biết. Họ cứ tự xưng họ là người Tàu đi lập quốc ở hải ngoại, chớ không hề tự xưng là người Mã Lai Á bao giờ hết.

Con người có bản chất thấy sang bắt quàng làm họ, chớ chưa hề có trường hợp bắt quàng làm họ với kẻ bị trị. Tàu giỏi hơn Việt, Tàu giỏi hơn Mã Lai Á, thì họ không mắc chứng điên mà phủ nhận nguồn gốc Tàu của họ để tự xưng là Việt, là Mã Lai Á.

Bọn Tàu di cư tới đất Kinh Man, tuy không tự xưng là Tàu, nhưng cũng không bao giờ tự xưng là Việt Kinh Man. Họ bày ra danh xưng mới là Sở, nhưng phong tục và kỹ thuật thì cứ là phong tục kỹ thuật Tàu, chớ dân Sở không theo phong tục man di ở Kinh Man, trừ vài trường hợp nho nhỏ. Thế nên rồi nước Sở mới được xem là một tiểu bang Trung Hoa một cách chính thức trong chánh phủ trung ương đời Đông Chu.

Việt không phải là danh tự xưng mới bày ra sau như Sở, mà nó là tên có đã từ lâu đời lắm mà Tàu cho là man di mọi rợ. Di cư Tàu ở Cổ Việt (nếu có) hẳn đã bày ra một danh xưng mới như Sở, chớ sao lại tự xưng là Việt mà họ hiểu là man di?

Bọn lai căn cũng quá ít vì bọn di cư vốn đã ít kia mà. (Nhiều sử gia khác cũng đã nói là có đông người lai căn lắm).

Lần này ta phải dứt khoát về vấn đề này mới được, chớ không thể bỏ qua như từ xưa đến nay, vì sử gia Nguyễn Phương đã mượn câu chuyện tưởng tượng đó để lập ra một thuyết động trời rất là tai hại.

Con số chính thức về những đứa con hoang mà lính Mỹ bỏ rơi ở Việt Nam, được công bố chính thức, đăng báo ngày 22.7.1971 là 5.000.

Những đứa con được thừa nhận là bao nhiêu? Đáng lý là phải ít hơn, vì kẻ can đảm, dám chịu trách nhiệm, ít hơn. Nhưng ta cứ cho là cũng 5.000.

Vậy tổng số là 10.000. Mà lính Mỹ thì đóng tới nửa triệu.

Như thế thì một triệu lính chỉ sản xuất có 20 ngàn trẻ lai. Ta thử tính xem bốn ngàn lính thú Trung Hoa cho ra đời bao nhiêu trẻ lai?

Một bài toán nhân sẽ cho thấy số lính Tàu tỉ suất có thể cho ra đời con lai:
4.000 x 60 = 240.000

240 ngàn thì ít hơn nửa triệu quá xa, và số trẻ lai Tàu chỉ bằng phân nửa trẻ lai Mỹ, tức 10 ngàn. Mười ngàn không thể làm nên đa số, bởi Tàu sản xuất con thì Lạc Việt cũng sản xuất con, và con số non một triệu dân Lạc Việt buổi đầu cũng tăng và cũng cứ làm đa số tuyệt đối ở xứ ta.

Có một sự kiện này mà sử gia Nguyễn Phương không chú ý tới. Đó là danh xưng mà người Việt Nam xưa ở miền Bắc dùng để gọi người Tàu. Ta luôn luôn gọi người Tàu là người Ngô, chứ không bao giờ gọi là Hán là Tần gì hết.

Nếu gọi theo trào đại của Trung Hoa thì hẳn danh xưng đó phải được thay đổi, có khi gọi là Ngô, có khi gọi là Tống, là Nguyên. Đằng này không. Như vậy chỉ có thể hiểu là ta gọi họ theo thói quen của ban đầu.

Và Ngô này chắc chắn là Ngô Tam Quốc chớ không phải Ngô Ngũ Đại vì dưới thời Ngũ Đại, ta bị kẹt với Nam Hán, còn Ngô thì ở trên xa lắm. Ngô Tam Quốc kiểm soát cả từ sông Dương Tử cho đến nước ta.

Nội loạn Tam quốc của Trung Hoa xảy ra vào những năm 213, 280 S.K.

Danh xưng mà ta để dành cho họ có thể đánh dấu với thời họ mới di cư tới, tức là quá xa về sau này, quá xa với cái vụ trồng người của Tần Thủy Hoàng.

Nhưng nói về Hoa kiều ở Việt Nam, có lẽ người miền Nam rất thạo bởi 9 phần mười Hoa kiều sống tại miền Nam, chớ không phải tại miền Bắc và miền Trung.

Tất cả những Hoa kiều ở miền Nam, cho dẫu tới đây dưới trào Minh, trào Thanh hay trào Trung Hoa dân quốc sau 1911, đều tự xưng là Thoòng dành tức Đường nhơn.

Hỏi họ tại sao không tự xưng là Hán dành vì thường thì họ hãnh diện về nhà Hán hơn (họ xưng với các nước khác rằng họ là Hán tộc) thì họ đáp rằng, khi họ ra đi, người trong nước họ, dặn phải tự xưng như vậy, không vì hãnh diện nào, mà chỉ để cho người Việt Nam dễ biết họ là ai, bởi những Việt Nam bắt đầu biết rõ họ dưới đời Đường.

Người Trung Hoa rất thích khoe khoang về nhà Hán của họ mà khi họ phải hy sinh cái nhà Hán vĩ đại đó thì hẳn ta phải tin rằng họ nói sự thật chớ không phải bịa chuyện, về cái vụ Đường ấy.

Và quả chúng tôi bắt được chứng tích không thể chối về sự kiện nói trên.

Trong sách Khâm Châu Chi có chép: “Tướng Trường Châu có quân mạnh, gồm được hết các quận Uất Châu (Quảng Tây) rồi đầu hàng nhà Đường. Từ đó nước Trung Quốc mới có đường thông thương với Giao Châu và Ái Châu”.

Thế là rõ. Trước đời nhà đường, tuy cũng có đường, nhưng là đường băng rừng của các đội viễn chinh, mấy trăm năm mới được sử dụng một lần, nên quân lính đi qua rồi thì thành rừng trở lại. Chỉ sau cuộc đầu hàng nhà Đường của tướng Trường Châu, kẻ đã mở mang Uất Châu, thì mới có đường đi thật sự và dân Tàu mới di cư đến được.

Thế nên bọn di cư mới quen tự xưng là Đường Nhơn (Thoòng Dành). Nhưng nhà Đường thì quá mới, vì man di Lạc Việt sắp thu hồi độc lập rồi, trước khi bị bọn di cư làm cho thiểu số.

Nhưng hễ họ thu hồi độc lập rồi thì họ hạn chế di cư và không bao giờ họ thiểu số cả.

Trên kia, chúng ta vừa nói đến danh xưng Ngô là xưng theo thói quen buổi đầu. Nhưng đó là thói quen của ta. Thói quen của họ là Đường. Ai nói đúng hơn ai?

Ta chỉ có thể hiểu là ai cũng nói đúng cả. Ngô là thời mà thường dân Tàu bắt đầu tới đây nhưng chỉ thưa thớt thôi và Đường là thời mà họ bắt đầu tới đông, nên mới nổi danh và được ta biết rõ, và được họ tạm dùng để chỉ căn cước của họ.

Dầu sao, cuộc di cư bắt đầu cũng chỉ mới xảy ra lối năm 240 S. K., còn sự kiện tới đông hơn thì còn quá mới, tức năm 720 (Trùng điệp nhà Đường).

Chính vào đời Đường ấy mà theo đối chiếu của ông H. Maspéro, mái nhà của người Trung Hoa bắt đầu cong quét lên y như mái nhà có hình khắc trong trống đồng Đông Sơn, và đó là lối kiến trúc đặc biệt của chủng tộc Mã Lai, chớ dân Trung Hoa từ đời Đường trở về trước, cất nhà y hệt như nhà Tây, thượng cổ sử nóc không oằn, mái không cong quớt lên (xin xem chương Dấu vết Mã Lai).

Nhưng cũng nên nhớ rằng sự “nhiều” đó, chỉ là tương đối với đời Ngô, chớ việc Lư Tổ Thượng, người đời Đường thà chịu chết chớ không đi làm quan đầu xứ ở Giao Chỉ cho thấy quá rõ rằng người Tàu chưa dám di cư vào đất Việt, cả dưới đời Đường ấy nữa. Chúng tôi lại trích Hải ngoại kỹ sự do chính sử gia Nguyễn Phương dịch, tài liệu này là tài liệu cuối thế kỷ XVII, tức mới đây thôi, và chúng tôi ưa dùng nó vì đó là dịch phẩm của sử gia họ Nguyễn, sử gia có thấy nó có giá trị nên mới dịch, thì không thể nói là sách ấy sai.

Xin trích một đoạn ngắn của bài khảo cứu của giáo sư Trần Kinh Hòa đăng sau các chương của quyển “Hải ngoại kỹ sự”:

“Trong thời gian lưu trú ở Hội An lần thứ hai, Đại Sán thấy trong bọn Hoa kiều có hai người kế nhau tạ thế. H.N.K.S. chép rằng “bản chất con người phương Bắc đến đây hay sanh bịnh…”. Tuy chết sống do mạng trời, nhưng người cũng có quyền di chuyển chẳng qua vì cớ Bắc Nam bất phục thủy thổ mà ra cả”.

Đó là chuyện xảy ra năm 1665. Thích Đại Sán lại là người Hoa Nam, sống ở Hạ chí Tuyến từ lúc lọt lòng, tức ông và những người chết đã quen được phần nào với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.

Chuyện gì xảy ra 1665 năm trước đó, năm mà Mã Viện sang xứ ta, nhứt là họ Mã và đại đội binh mã của y đều là thứ người nói tiếng Trung Hoa giọng Quan Thoại, tức người ở kinh đô Tàu mà đến, người của vùng khí hậu lạnh, nhứt là kinh đô Tàu thuở ấy lại là Lạc Dương, Trường An, toàn là những nơi có khí hậu lục địa, khác hẳn khí hậu lạnh mà có gió mùa ở Sơn Đông, tuy vẫn còn quá lạnh nhưng hơi giống phần nào với khí hậu Giao Chỉ, chớ khí hậu lục địa (climat continental) của các kinh đô Tàu xưa thì khác một trời một vực với khí hậu ở dưới Hạ chí Tuyến? Cái câu chuyện gì đó rất là dễ biết, là Tàu Hoa Bắc không sống được trong khí hậu bán nhiệt đới của Giao Chỉ, còn Tàu Hoa Nam thì mãi đến đời Nguyên (theo Marco Polo) thì chưa thành Tàu hẳn để mà giỏi công nghệ và thương mãi, dễ đi kiếm ăn xa được.


C. Bất tương đồng Hoa - Việt

I. Đối xử với các trào đại địch

Sử gia Nguyễn Phương cứ nhấn mạnh mãi về những tương đồng giữa Việt và Trung Hoa để kết luận rằng ta là Tàu. Đó là tương đồng vay mượn. Chúng tôi sẽ có một chương lớn về dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay. Nhưng trước khi trình các chứng tích đó và muôn ngàn chứng tích khác như là việc đo sọ, việc đối chiếu ngôn ngữ Hoa-Mã-Việt, chúng tôi nghĩ rằng cần thêm một chương cho những bất tương đồng lớn lao giữa Hoa và Việt để thấy rằng muốn tìm sự thật lịch sử thì cần khách quan chẳng những làm một biểu danh sách tương đồng, lại còn phải bổ túc công việc bằng biểu danh sách bất tương đồng nữa để mà cân nhắc.

Vả lại, như đã nói, những tương đồng mà sử gia nêu ra, toàn là tương đồng giả, tức nó chỉ là vay mượn mà thôi.

Riêng về những bất tương đồng, chúng tôi sẽ chỉ kể những điểm lớn, chớ chuyện vặt thì bỏ qua, chẳng hạn y phục của ta có bao giờ giống y phục của Tàu hay không, đó là điểm người khác thường đưa ra để cãi với sử gia nhưng chúng tôi bỏ qua hết vì sử gia có thể bảo rằng tại người Việt gốc Hoa họ ăn mặc khác người Hoa là để thích nghi với khí hậu.

Càng chứng minh được rằng Việt không là Trung Hoa, thì sự chứng minh Việt là Mã Lai, càng được củng cố hơn lên.

Chúng tôi chỉ còn những mối biểu tượng lớn lao, còn bao nhiêu cái khác nhau lặt vặt giữa Trung Hoa và ta, chúng tôi bỏ quên đi hết bởi một khi chủng tộc chia thành hai dân tộc thì họ có thể làm khác nhau chút ít, những sự khác nhau nhỏ mọn đó, không chứng tỏ được cái gì, chí như những thứ khác biệt căn bản thì lại là chuyện khác rồi.


*


Thắng xong Chiêm Thành lần cuối cùng vào năm 1633, ta không trực trị họ, biến xứ Panduranga thành trấn Thuận Thành, nhưng viên trấn thủ vẫn cứ là người Chiêm Thành. Đó là một người trong quý tộc Chiêm thành hợp tác với ta và lấy tên họ Việt Nam.

Tình thế đó cứ kéo dài như vậy trên hai trăm năm, có lần họ theo Tây Sơn để đánh lại chúa Nguyễn, nhưng sau đó, dẹp Tây Sơn rồi, chúa Nguyễn chỉ thay đổi quan trấn thủ mà thôi, cũng cứ là một người trong quý tộc Chiêm Thành thân Việt, chớ không hề trừng phạt dân chúng bằng cách trực trị. Cho tới năm Lê Văn Khôi nổi loạn tại Gia Định, viên trấn thủ Chiêm Thành theo Lê Văn Khôi, sau đó Khôi bị dẹp rồi, vua Minh Mạng mới trực trị trấn Thuận Thành. Vua Minh Mạng thấy rằng như thế là dòng Chiêm Thành bị dứt hẳn nên có lập đền thờ các vua Chiêm Thành bên bờ sông Hương, gần chùa Thiên Mụ, đúng theo truyền thống các vua chúa ta, hễ một trào đại diệt một trào đại khác rồi thì lập đền thờ ngay, đó là giữ đạo thờ cúng tổ tiên hộ kẻ bị tuyệt tự. Truyền thống này bên Trung Hoa chẳng những không có mà trái lại, bên ấy mỗi lần một trào đại lên là đốt cung điện và thái miếu, quật mồ của trào đại trước, họ cố ý mà làm thế, vì lý do tôn giáo: họ tin rằng làm như thế tức là phá cái phong thủy tốt của địch, phong thủy tốt ấy mà bị tàn phá rồi thì địch không bao giờ cất đầu lên được nữa cả.

Hạng Võ đã nói láo khi rêu rao rằng nhà Tần xa xỉ hại dân, nên cần đốt cung điện Tần. Nhưng đốt xong rồi thì Hạng Võ, rồi tới các vua nhà Hán lại xây cất cung điện khác, hóa ra dân mắc họa đến hai lần. Sự thật, đó là chiến thuật phá phong thủy của địch.

Ta không có làm như thế, đời vua nào cũng vậy, mà còn trái lại nữa. Nguyễn lập đền thờ các vua Lê, Lê lập đền thờ Trần, Trần lập đền thờ Lý, hơn thế Nguyễn còn lập đền thờ Chiêm Thành, là ngoại tộc nữa.

Ai cũng nói rằng các vua chúa ta nô lệ Trung Hoa về nghi lễ và phong hóa. Thật ra thì vua chúa ta xưa chỉ bắt chước tới mức nào đó thôi, nhưng vẫn làm khác, theo tình cảm của dân tộc và vấn đề đối xử với các trào-đại-địch nói trên là một bất tương đồng rất quan trọng, bởi ta cũng tin nhảm về phong thủy như Tàu, nhưng vua chúa lại không nỡ làm như vua Tàu thì hẳn ta không phải là Tàu, không còn cãi vào đâu được nữa.

Tới đây ta lại tự hỏi tôn giáo thờ cúng tổ tiên có thật quả là tôn giáo hay không, hay Tàu vay mượn của ta. Hiện miền Nam còn có một triệu người Tàu mà chúng tôi sống giữa một khu phố toàn là Hoa kiều ở Cầu Ông Lãnh, chúng tôi lại giao thiệp với người Tàu Chợ Lớn rất thường. Thế mà vào nhà họ, chúng tôi không bao giờ thấy họ có bàn thờ tổ tiên, trong khi đó thì trong các gia đình Việt, bàn thờ tổ tiên chiếm vị trí sang trọng nhứt, lại dùng đồ thờ cúng mắc tiền nhứt. Người nghèo dám hy sinh cơm áo để sắm bộ lư đồng, để đóng một cái bàn thờ bằng danh mộc khảm xà cừ, còn người Tàu thì tuyệt đối không có bàn thờ tổ tiên.

Họ cũng không có cúng kiến tổ tiên, không hề làm đám giỗ như ta, trong khi mỗi ngày họ cúng đến hai ba lần những thánh thần bá vơ nào đó, cúng cả mùa màng thời tiết nữa, như cúng Hạ chí, Đông chí, Xuân phân, Thu phân, thần cửa, thần bếp, thần cầu xí, thần tài, cúng cả một người đàn bà bá vơ là bà Thiên Hậu.

Đó là sự thật mà chúng tôi thấy tận mắt từ 50 năm nay, tại miền Nam nước Việt. Còn đây là sự thật tìm thấy trong sách Tàu.

Xét tôn giáo của Trung Hoa cổ thời, không thấy nói có việc thờ cúng tổ tiên trong dân chúng bao giờ. Sách Lễ ký, thiên Khúc lễ hạ chép: “Thiên tử thờ cúng trời đất, thờ cúng bốn phương (thần đất tại địa phương), thờ cúng ngũ tự; đại phu thờ cúng ngũ tự; kẻ sĩ thờ cúng tổ tiên”.

Không có nói đến lê thứ, tức lê thứ không có thờ gì hết mà cũng không được dạy cho thờ gì hết.

Ông H. Maspéro bắt được tài liệu cho biết rằng lê thứ cũng thờ thần đất đai với các lãnh chúa, cho tới cuối đời Chu thì các lãnh chúa diệt nhau, trở thành quá lớn về đất đai, quá xa dân chúng nên dân chúng cũng không còn đi theo các lãnh chúa được để mà tế lễ thần đất đai ấy. Thế rồi họ bỏ luôn việc thờ cúng, không có cái gì khác thay thế cho nữa cả, cho đến khi Lão giáo tổ chức hẳn với hệ thống tế lễ rồi thì dân chúng mới lại có tế lễ nữa.

Câu trên đây không có ý nói rằng thiên tử, chư hầu và đại phu không thờ cúng tổ tiên nhưng lại cho thấy rõ rằng dân chúng không thờ cúng tổ tiên.

Nhưng dân chúng Việt Nam lại thờ cúng tổ tiên, dân chúng Chàm cũng thế (nhưng không quá quan trọng như Việt Nam).

Việc đối xử với các trào đại địch của vua chúa ta, và việc thờ cúng tổ tiên cho thấy rõ hai điều:
  1. Tôn giáo thờ cúng tổ tiên là của ta chớ không phải của Tàu, và kẻ vay mượn là Tàu chớ không phải Việt.

  2. Ta không phải là Tàu, chính vì ta trọng cả tổ tiên của địch trong khi Tàu thì đào mồ cuốc mả của địch.

II. Không chôn sống người

Cuộc khai quật kinh đô Trào Ca của vua Trụ năm 1934 ở An Dương (Hà Nam) đã cho bằng chứng không thể chối rằng các vua chúa Trung Hoa chôn sống cung phi và nô bộc theo họ.

Có lẽ quan to của họ cũng đã làm như vậy. Tục ấy mãi cho tới đời vua Minh Hiếu Tông mới thấy sử nhà Minh nói là được bãi bỏ vĩnh viễn.

Vua chúa và quý tộc Việt Nam không hề tàn nhẫn như thế bao giờ.

Chỉ có một ông vua ta, vua Lý Nhân Tôn là đã chôn sống Hoàng hậu và 72 cung phi, nhưng không chôn theo ông ấy, mà chôn lúc ông ấy mới lên ngôi, chôn để trừng trị tội âm mưu của họ, bà Hoàng hậu ấy không phải là vợ của ông mà là vợ chánh của vua cha, còn ông là con của vợ thứ. Mẹ ông là Ỷ Lan phu nhân bị ngược đãi vì ghen tuông, bị đày ải, nên ông mới báo oán mạnh tay như thế. Nhưng kẻ bị chôn sống cũng chôn ở đất hoang dã nào chứ không phải là chôn chung trong mộ phần của vua cha là Lý Thánh Tôn. Đó là xử tử tội nhân chớ không phải chôn oan vì lý do tôn giáo như Tàu.

Nhưng đó là trường hợp độc nhứt, không tiền khoáng hậu trong sử ta.


III. Bí mật phòng trung

Hai chủng tộc khác nhau, có thể vay mượn đủ thứ của nhau, không trừ thứ nào hết, nhưng trừ một món. Đó là những bí mật phòng trung.

Chuyện bí mật phòng trung là chuyện mẹ nói với con, ngoài ra không ai có thể biết được hết, kể cả người trong họ.

Như vậy bí mật phòng trung là chứng tích chắc chắn hơn hết để phân biệt các dân tộc, họ giống nhau về gì thì giống nhưng cứ khác nhau về những việc mà họ không thể biết được để mà vay mượn.

Câu chuyện dưới đây, không lấy ở sách vở nào ra hết, nhưng quý vị có thể kiểm soát bằng một cuộc điều tra kín đáo.

Một bà đỡ thường đi tiếp sanh cho phụ nữ bình dân Tàu, có cho biết rằng họ luôn luôn ngồi để đẻ con vào trong một cái chậu bằng gỗ (lâm bồn), ngăn thế nào cũng không được. Họ chỉ rước bà đỡ lấy lệ để nhờ khai sinh cho con họ thôi, vì họ rất ngại chầu chực cửa công về thủ tục (dĩ nhiên là không kể phụ nữ theo lối mới, đi nhà hộ sinh, chịu theo phương pháp khoa học).

Người đàn bà Việt Nam quê mùa nhứt, cũng chẳng bao giờ đẻ như vậy, mà nhờ bà đỡ thật sự, không có bà đỡ thì họ nhờ các bà mụ vườn, dầu sao, họ cũng không hề để cho tạo hóa tự làm việc ấy, và họ nằm trên giường cho bà mụ tiếp sanh. Nhà nghèo rớt mồng tơi, ông chồng cũng bỏ công ra tạo cho vợ một cái giường đẻ bằng tre với một cái vạt giường hẳn hoi.

Xem ra thì sau non ba ngàn năm người Tàu chỉ tiến bộ có một bước rất ngắn mà thôi. Sử Tàu chép rằng mẹ của Khổng Tử cũng đã đẻ ra ngài y hệt như phụ nữ Trung Hoa ngày nay, tức ngồi mà tự đẻ trên một cái vịm (bồn) bằng đất nung.

Họ có tiến bộ là ngày nay họ đẻ trong nhà, trên một cái thùng gỗ, còn bà Khúc Lương Ngột thì phải vào hang núi mà đẻ vì người Tàu xưa cho rằng máu đẻ là xú khí làm ô uế ngôi nhà.

Và cái thùng gỗ cũng giúp cho đứa trẻ ít đau đầu hơn là vịm bằng đất nung của thời xưa.

Đó là bí mật phòng trung mà không nhà khảo cứu nào ngờ đến, và còn nhiều bí mật phòng trung khác nữa, mà chúng tôi không dám chép ra đây, tất cả đều chứng minh rằng ta và Tàu khác nhau quá xa về phong tục.

Hai chứng tích trên đây, có thể coi là chứng tích quyết định, bởi đó là chuyện kín mà dân tộc này khó lòng mà bắt chước dân tộc khác, bởi không thấy được phong tục kín của họ, không có tánh cách phổ biến, để người khác vay mượn. Đó là của riêng của một chủng tộc. Chủng tộc khác không thể có được.


IV. Cái gối

Người Trung Hoa nằm gối gỗ, gối tre, gối sành, nhà giàu thì nằm gối bằng sứ Giang Tây. Tưởng trên thế giới, không có dân tộc nào mà có thói quen gối đầu bằng vật cứng như vậy, giữa thành phố, giữa làng mạc. Người khác chỉ bắt buộc phải gối như thế khi nào lạc bước giữa rừng mà thôi.

Nhà nghèo của ta cũng được nằm gối rơm, tức gối may bằng đệm, bên trong dồn trấu.

Và đây là một bí mật phòng trung nữa, có thể nói ra được, là phụ nữ Trung Hoa dùng đến hai chiếc gối đầu chớ không phải một, vì mái tóc của họ búi quá công phu, và tốn tiền (phải nhờ thợ) nên các phụ nữ giàu có cũng sợ hư, luôn luôn để lọt búi tóc giữa hai chiếc gối đầu làm bằng vật liệu cứng, vì vật liệu mềm có thể bị đè bẹp, phình ra, lấn vào trong, chạm phải búi tóc.


V. Nuôi con

Người bình dân Trung Hoa cho con họ ăn cơm ngay sau khi sanh chúng nó ra, mà không nhai để mớm, không nghiền, không tán như ta, cứ để y nguyên hột cơm, đút từng hột cho một đứa bé mới chào đời chỉ có hai ngày thôi (dĩ nhiên là cứ không kể đến những phần tử theo vệ sinh Âu châu).

Người mình, có quê mùa dốt nát tới đâu, cũng chỉ cho con ăn cơm sau tháng đầu mà thôi, mà đó là cơm do các bà mẹ nhai rồi mớm cho con, chớ không phải cơm nguyên hột.


VI. Mặc quần, đội nón, dùng khăn

Người đàn ông Trung Hoa mặc quần trước đời Hán. Đàn ông Việt Nam thì cho đến đời Ngũ Đại, chưa mặc quần (theo Annam chí nguyện của Cao Hùng Trưng). Có lẽ họ mặc sà rong như hầu hết người Mã Lai ngày nay.

Nhưng cứ bằng vào thuyết của sử gia Nguyễn Phương thì vào thời Ngũ Đại, người Tàu đã tràn ngập xứ này rồi, không còn người Lạc Việt nữa, thì sao đám người Tàu ấy lại không mặc quần thì thật khó hiểu.

Nông dân Hoa kiều ở miền Nam luôn luôn đội nón đan bằng máy và từ chối nón lá của nông dân ta. Cái nón mây của họ cũng khác nón mây của phu phen Hoa kiều ở thành phố. Nón có khoét lỗ ở giữa, đầu người đội nón phơi gần trọn vẹn dưới nắng. Họ chỉ cần che mắt, che mặt, chớ không che đầu.

Họ vẫn có khăn như ta, nhưng không dùng để chít đầu mà dùng về đủ thứ việc. Đó là khăn ích bụ, hình chữ nhựt, ba tấc Tây, trên tám tấc. Dầu sao khăn cũng là một món y phục của họ, sự kiện ấy cắt nghĩa sự hiện diện của danh từ Cân trong ngôn ngữ của họ, nhưng lại đồng thời chứng minh rằng họ dùng khăn khác ta quá xa. Ta dùng khăn để chít đầu, còn họ thì dùng khăn như Tây dùng cái tablier.

Khoa dân tộc học ngày nay thiên về quan sát cảnh đang sống của các dân tộc hơn là nghiên cứu sách vở và những gì chúng tôi nói ra trong chương phong tục này, đều là những ghi nhận quan sát tại chỗ từ non nửa thế kỷ này, nhứt là về cái khăn của người Trung Hoa.

Có thế nào người Trung Hoa sang đây rồi nhiễm phong tục man di, bỏ mũ, chít khăn hay không? Về lý thuyết thì rất có thể, nhưng theo thực tế thì không, bằng vào những quan sát tại chỗ ghi chép trên đây.

Họ không nhiễm tục man di vì tự tôn mặc cảm văn minh hơn ta, mà cũng vì những tục ấy không đem lại cho họ tiện lợi nào hơn trong đời sống của họ hết. Chít khăn không lợi hơn đội mũ chút nào cả.


VII. Dâm phong

Cả hai bộ sách viết cách nhau 1.400 năm, Hậu Hán thư của Phạm Việp và Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán đều chê nước ta nhiều dâm phong. Mặc dầu họ dùng danh từ sai bét, sự kiện họ tả rất đúng sự thật, và sự thật đó chỉ xảy ra ở xứ ta chớ không xảy ra ở bên nước Tàu năm 1911.

Thầy chùa Thích Đại Sán viết: “Kinh Lễ định phu phụ hôn nhơn, nam lo việc ngoài, nữ lo việc trong. Phong tục nước Đại Việt lại trái hẳn, phụ nữ tự do qua lại mua bán, cha mẹ chồng con chẳng lấy thế làm xấu hổ, hiềm nghi”.

Y cho đó là dâm phong.

Trai gái lấy nhau, không theo nghi lễ Tàu, cũng bị Hậu Hán thư cho là dâm phong.

Dầu sao, đó cũng là bằng chứng ta khác họ. Cho tới năm 1911, bên Tàu, đi chợ mua ăn, cũng là đàn ông đi, còn nữ thì khuê môn bất xuất.

Họ gán sai cho ta phong tục dâm dật, đành thế; nhưng sự kiện hiển nhiên là phong tục ta khác họ quá xa, gái tự do đi đứng, không bị nhốt theo lời dạy của Kinh Lễ đời Chu, mặc dầu ta học Kinh Lễ rất thuộc bài.

Thế thì còn gì sự tương đồng giữa phong tục gốc của hai dân tộc?

Mãi cho đến ngày nay mà trong Chợ Lớn, kẻ đi chợ mua ăn cũng cứ là đàn ông Tàu, chớ không phải đàn bà, mặc dầu người ở đây đã chịu ảnh hưởng Tây phương nhiều lắm rồi.

Tưởng sử gia Nguyễn Phương nên đi du lịch ở nước Tân Gia Ba chuyến mới được. Ở đó dân Hoa kiều tới đông, đẩy người bổn xứ thành thế thiểu số, rồi dựng lên quốc gia Tân Gia Ba, y hệt như cái nước Giao Chỉ của Đinh Bộ Lĩnh mà sử gia đã tưởng tượng ra (nhưng thật ra thì không đúng sự thật).

Sử gia sẽ thấy rằng toàn dân Tân Gia Ba đều nói tiếng Tàu giọng Phúc Kiến.

Rồi sử gia về Sài Gòn, nghe lại xem dân Huế, dân Sài Gòn có nói tiếng Tàu giọng Phúc Kiến, Quảng Đông hay chăng. Sử gia quả quyết rằng dân Việt Nam cũng nói tiếng Tàu.

Rồi mời sử gia đọc chương Ngôn ngữ tỷ hiệu ở sách này mà xem, sử gia sẽ thấy rằng dân ta nói tiếng Mã Lai, kể cả sử gia cũng nói tiếng Mã Lai nữa.

Trong câu ngắn sau đây: “Ta lấy nỏ bắn chim, làm rụng lá”, cả tám tiếng đều là tiếng Mã Lai đấy, tiên sinh ạ!
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.