trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Từ năm 1918 đến nay, các nhà học giả bàn cãi với nhau không thôi về nước Tây Âu và Tượng Quận, không bao giờ mà hai nơi chốn lịch sử ở Á Đông, lại được các nhà bác học tìm tòi nhiều cho bằng Tây Âu và Tượng Quận, không phải chỉ là tò mò của những người hiếu học, mà hai nơi đó là hai nơi then chốt, hai cái chìa khoá mở cửa cho thấy rõ những sự kiện lịch sử về trước và về sau, nếu định vị trí sai về hai nơi đó thì những gì xảy ra về sau sẽ hỗn loạn, không còn biết đâu mà theo dõi nữa.

Chung quy chỉ vì các ông không thuộc sử và nhứt là không biết gì hết về địa lý cổ thời, như chúng tôi đã nói. Giờ muốn biết sự thật chúng ta cần nhắc sử lại, và cần viết lại địa lý cổ thời, bằng vào những tài liệu tản mác đó đây, viết cho thật đúng, không được phép mơ hồ nữa.

Ta cần ngược dòng thời gian, đi về lối Khổng Tử, rồi từ đó thả xuôi dòng cho đúng nẻo, mới mong khỏi lầm lạc.

Ở đây, chúng tôi trích một câu Xuân Thu của Khổng Tử, câu này sẽ được khai thác lại ở chương khác, cho một vấn đề khác.

Theo Xuân Thu thì năm 317 T.K. Ngô Khởi, một phản tướng của nước Nguỵ, xuống đầu nước Sở, nước này bấy giờ đã nuốt mất nước Ngô và nước Việt Cối Kê rồi. Tướng họ Ngô thực thi một chánh sách mới là ký hiệp ước thân hữu với các quốc gia Bách Việt ở phía nam Cối Kê.

Đó là những quốc gia nào, ta chưa cần biết ngay tức thì và ta cần xét lại việc khác nữa, cấp bách hơn.

Bẵng đi 99 năm, sử Tàu không buồn nói đến các quốc gia Bách Việt đó nữa.

Sự rối loạn bắt đầu, sau 99 năm im lặng ấy, chỉ rối loạn ở phía vùng Bách Việt chớ chuyện bên Tàu thì rất rõ: Chư hầu Tần lớn mạnh, nuốt cả Hoa Bắc, rồi nuốt luôn Sở trong lòng nước Sở vốn đã có nước Ngô, nước Việt, binh Tần chỉ đánh tới huyện Cối Kê rồi thôi.

Khổng Tử viết sử có đúng hay không? Nếu không, ta cũng chẳng làm sao được, vì đó là tài liệu độc nhứt, và phụ đề của Tả Khâu Minh cũng là tài liệu độc nhứt. Nhưng nếu cho rằng Khổng Tử bóp méo sự thật thì ngài bóp méo các việc khác, chớ chẳng bóp méo làm gì biên giới cực Nam của nước Trung Hoa vào thời đó.

Thế thì ta có thể tin rằng Khổng Tử viết đúng.

Vậy vài quyển sử Tàu mà sử ta cóp lại viết rằng Dương Việt ăn xuống tới Phú Kiến (có người viết rằng ăn xuống tới Giao Chỉ) đều sai.

Khổng Tử mà có sai, chúng tôi cũng ít lắm có dựa vào Khổng Tử, còn những quyển sách khác thì không có dựa vào đâu hết, hoặc dựa vào những quyển sách đời Tống về sau, những tác giả ấy không làm sao mà biết sự thật lịch sử thời Xuân Thu cho bằng Khổng Tử.

Vì đây là biên giới thật đúng ở cực Nam Trung Hoa dưới đầu đời Tần. Đó là Ngũ Lĩnh, tên của năm dãy núi lớn và cao, có đèo (passes). Năm dãy núi đó ở đâu và tên gì?

Ông H. Maspéro, L. Aurousseau và R. A. Stein với một ông Việt là sử gia trào Nguyễn, Nguyễn Siêu, đã phải dày công làm con mọt sách mới tìm được vị trí của năm dãy núi đó, vì sử Tàu xưa lộn xộn như một trận thế tru tiên. Mặc dầu có vài quyển cổ thư Trung Hoa viết sai quá xa, các ông trên đây vẫn loại lần để tìm biết đúng sự thật. Nhưng nếu chúng tôi kể lại đây, chắc người đọc sẽ chóng mặt và nhức đầu lắm trong mớ bòng bong hỗn độn mà sử Tàu xưa chồng chất lên nhau.

Thế nên chúng tôi nhờ một hoạ sĩ cóp theo hai quyển sách địa lý, một của Pháp, một của Trung Hoa dân quốc, và quý vị nhìn vào là thấy ngay. Năm dãy núi đó, chạy từ Đông sang Tây Nam, từ Ninh Phố đến Nam Tứ Xuyên, và tên là Ngũ Lĩnh.

Trong Việt Nam Văn Học toàn thư, tác giả là ông Hoàng Trọng Miên, có cho vẽ một bức dư đồ Ngũ Lĩnh. Theo bức dư đồ đó thì Ngũ Lĩnh là một dãy núi độc nhứt có năm đèo, trong khi sự thật nó là năm dãy núi kế tiếp nhau, và chỉ có bốn đèo thôi.

Lĩnh là núi, ngũ lĩnh là năm núi, không thể là năm đèo được. Mà giữa năm núi, chỉ có thể có bốn đèo mà thôi.

Làm thế nào để có năm đèo được giữa năm dãy núi kế tiếp nhau? Làm một bài toán nhỏ thì đủ thấy là chỉ có bốn đèo. Hoặc cứ vẽ ra một bức hoạ thô sơ, thì ta cũng thấy được là chỉ có bốn đèo chớ không thế nào mà có năm đèo.

Đất ở phía Nam của năm dãy núi ấy cũng lại được đặt tên là đất Ngũ Lĩnh.

Nhưng đất Ngũ Lĩnh có biên giới phân minh, chớ không phải là vô bờ bến như các sử gia Pháp và Việt hiểu lầm.

Phía Bắc là nước của Tần Thỉ Hoàng, phía đông là biển cả, phía Tây là Ba Thục, tức cũng là đất của nhà Tần, phía Tây Nam là đất Chơn (Vân Nam), phía Nam vô cùng quan trọng, vì sự ngộ nhận xảy ra ở đó, và sự rối loạn bắt đầu ở đó.

Phía Nam là một thứ Ngũ Lĩnh loại bỏ túi, tức là những dãy núi tại biên giới Hoa Việt ngày nay mà quý vị thấy rõ trong bức dư đồ, những dãy núi này tuy không quá hiểm trở như Ngũ Lĩnh chớ cũng là một chướng ngại đáng kể và được người xưa xem là biên giới tự nhiên cho một vùng đất: vùng Ngũ lĩnh (xin xem lại dư đồ nước Tàu).

Thấy rõ là đất Ngũ Lĩnh đích thị là địa bàn của những quốc gia Bách Việt mà Khổng Tử đã nói đến trong Xuân Thu, nhưng không có cổ Việt Nam, tức không có Âu Lạc.

Bức dư đồ cho thấy như vậy, sách địa lý Tàu ngày nay cho biết như vậy, mà cổ sử Tàu cũng xác nhận như vậy. Quả thật thế, trong quyển thứ ba của Đại Việt Sử Ký toàn thư ngoại kỹ, Ngô Sĩ Liên viết “Năm Bính Tý (136 S.K.), năm đầu hiệu Vĩnh Hoà đời Hán Thuận Đế, Thái thú Chu Xưởng cho Giao Châu là ở xa 9 châu, ở ngoài Bách Việt, dưng biểu xin lập ra Phương Bá.

Thế là thật rõ, về mặt chủng tộc học, ta cứ là Bách Việt, nhưng người Tàu từ Ngô Khởi cho tới Chu Xưởng, hiểu Bách Việt theo lối khác. Bách Việt đối với họ thuở đó, là dân của đất Ngũ Lĩnh, không có cổ Việt Nam trong ấy.

Tần không kể Cổ Việt vào Bách Việt không phải vì ngỡ rằng Cổ Việt là dân khác, mà vì nó quá xa, chưa liên lạc với Tàu, Tàu không thèm biết tới nó là một cõi giang san riêng, cách Ngũ Lĩnh bằng cái tiểu Ngũ Lĩnh loại bỏ túi nói trên.

Đất Ngũ Lĩnh được xem là một vùng đất có biên giới rõ rệt ở cả phía Nam nữa.

Thế mà rồi vì vài quyển sách Tàu, vì vài ông Tây lầm mà rồi bao nhiêu sử gia ta đều cho rằng nhà Tần đã đánh chiếm ta, Tây Âu và Tượng Quận gì cũng đều nằm trong nước ta cả thì thật khó chấp nhận.

Danh xưng Bách Việt, nghe tưởng nhiều lắm thì có thể có ta trong đó. Mà quả thật có ta trong đó về mặt khoa học. Nhưng nhà Tần chỉ đánh chiếm được có đất Ngũ Lĩnh mà thôi. Chúng tôi sẽ có nhiều chứng minh vững hơn chứng minh trên đây nhiều lắm, rằng nước ta không nằm trong đất Ngũ Lĩnh và nhà Tần không hề có đánh chiếm nước ta, vì họ đuối sức, hay vì lẽ gì không rõ. Có vài quyển sử Tàu viết rằng vì An Dương Vương đầu hàng nên được để yên. Nhưng có lẽ vì Tần đuối sức và sự đầu hàng của An Dương Vương chỉ là một dịp để Tần rút quân mà không mất mặt, chỉ có thế thôi.

Nhưng riêng chúng tôi lại hiểu hơi khác. Hạ Chí Tuyến (tropiques du Cancer) nằm ngang Phiên Ngung. Dân Tàu chưa chịu đựng nổi khí hậu ở dưới Hạ Chí Tuyến là khí hậu nhiệt đới, thế nên họ mới bằng lòng nhận sự đầu hàng của An Dương Vương và dừng bước lại ở Tây Âu mà không tiến xuống nữa, chớ không phải vì họ đã thật kiệt quệ sau khi bị Tây Âu đánh rát quá.

Cứ theo vào Hoài Nam Tử thì dân Tây Âu đã giết hết 100 ngàn quân Tàu, nhưng họ vẫn còn tới 400.000 quân, tức thừa sức đánh hoài, nhưng họ không đánh vì họ biết là lính Hoa Bắc chịu đựng không nổi khí hậu ở dưới Hạ Chí Tuyến.

Ba quốc gia Bách Việt ở đó mà Khổng Tử đã chép 99 năm trước, cũng được sử nhà Hán kể tên thật rõ, đó là Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu mà bức dư đồ của ông Hoàng Trọng Miên lại bỏ Đông Âu và Mân Việt ở trên Ngũ Lĩnh, trong khi sử Tàu chép rằng đánh Ngũ Lĩnh xong họ mới cướp được cả ba nước Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu. Cho đến tên vua của ba quốc gia ấy cũng được chép, và những cuộc rối loạn nội bộ của họ, thì quân, chúa gì, đều được Tàu biết rõ và ghi chép đủ cả, trong khi đó thì họ tuyệt đối không biết gì hết về đất Âu Lạc, trừ cái tên An Dương Vương, và hoàn toàn mù mịt về Văn Lang, trừ nhà vua mà họ không biết cả quốc hiệu, chỉ gọi là vua của dân Lạc (Lạc Vương).

Sự kiện mù tịt của Tàu về Cổ Việt thời đó đã cho thấy rằng Tần không có đánh Cổ Việt, vì cái lẽ giản dị rằng không có đạo quân xâm lăng nào mà lại dám đánh một nước mà họ không thạo sử địa và tình hình dân chúng, địa hình, địa thế cả.

Tuy bao nhiêu đó đã đủ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chứng minh để không còn ai cãi được nữa cả.

Biết địa lý ở đó rồi, biết sử thời đó rồi, thì tưởng không còn làm sao mà cho rằng cổ Việt Nam đã bị chiếm và được đặt tên là:
  1. Tượng Quận

  2. Tây Âu
Xin nhấn mạnh một lần nữa rằng sử chép rõ là binh Tần đánh đất Ngũ Lĩnh, chớ không có nói mơ hồ là đánh phương Nam. Và sử lại chép rõ rằng Tần chỉ chia thành quận huyện có ba quốc gia mà ai cũng biết, chớ không có chia một quốc gia thứ tư nào hết.

Đây là một điều kỳ dị đến khiến ta muốn phát khùng. Sử Tàu chép rõ ràng là họ đánh chiếm được có ba quốc gia, và chia ba quốc gia ấy thành quận, huyện. Cả ba quốc gia đó đều có tên, và không có tên nào trùng với quốc gia của ta cả, thế mà rồi hàng trăm sử gia Tàu đời sau, và Tây, Nhật, Việt đều cứ hiểu là có ta trong đó là thế nào?

Tuy nhiên, sự ngộ nhận của họ, xét kỹ ra, cũng có căn cứ chớ không phải là họ điên khùng và hiểu bậy bạ như kẻ mất trí đâu. Ngộ nhận xảy ra là vì vụ Thục Phán xuất binh từ Tây Âu đến diệt quốc Văn Lang, rồi đặt quốc hiệu của Văn Lang lại là Âu Lạc.

Họ tưởng Âu Lạc bị sáp nhập với Tây Âu, mà sở dĩ họ tưởng như vậy vì Tư Mã Thiên đã viết liều là có một nước tên là Tây Âu Lạc, cái địa danh không bao giờ có, được Tư Mã Thiên bịa ra, khiến cho thiên hạ ngỡ là có sáp nhập.

Nhưng nếu học sử thật kỹ về đoạn đó rồi thì ta thấy ngay là Tư Mã Thiên đã viết liều, địa danh ấy không bao giờ và sự kiện sáp nhập Tây Âu với Âu Lạc không bao giờ có xảy ra.

Đây là dịp mà ta cần biết Thục Phán là ai, mà từ xưa đến nay không sử gia nào tin là tên Phán ấy là con của vua Thục, mặc dầu thiên hạ tôn kính sử Tàu đến mê muội, nhưng trường hợp này, sử Tàu viết đúng lại bị họ nghi ngờ.

Cách đây không lâu, một nhà bác học Trung Hoa, ông La Hương Lâm, có nghiên cứu một nhóm người thiểu số ở Quảng Tây mà Tàu gọi là Khách Gia và khám phá ra rằng Khách Gia đích thị là người Ba Thục di cư xuống nước Tây Âu, sau khi bị Tư Mã Thác diệt quốc.

Chúng tôi không có tài liệu đó để xem ông ấy trưng bằng chứng cách nào, nhưng đồng thời với ông ấy, chúng tôi cũng nghiên cứu về người Khách Gia, ngay tại Chợ Lớn.

Từ Quảng Tây sang Chợ Lớn, người Khách Gia (Quảng Đông đọc là Hạc Cá) được Pháp gọi là Hakkas, nhưng Nam Việt gọi là Hẹ, vì họ tự xưng là Hẹcka, tức họ nói tiếng Tàu sai giọng, Hẹcka bị thu lại thành Hẹ.

Như đã nói, để làm chương Ngôn ngữ tỷ hiệu, chúng tôi phải học tất cả ngôn ngữ Á Đông. Ban đầu chúng tôi ngỡ họ là người Tàu ở Quảng Tây, tức người Tây Âu xưa bị đồng hoá, nhưng hỏi họ, và tra lại sử Tàu, thì không phải thế, mà lại đúng y như nhà bác học Trung Hoa trên kia đã nói. Họ còn nhớ là tổ tiên của họ đã từ Ba Thục đi xuống, mặc dầu câu chuyện đã cũ hơn hai ngàn năm rồi.

Hiện họ nói tiếng Tàu, sai giọng cố nhiên, nhưng y như người Quảng Đông, người Mân Việt, người Triết Giang, họ còn giữ được non một trăm danh từ của họ mà ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu chúng tôi còn gọi là cổ ngữ Ba Thục. Cổ ngữ Ba Thục, xem ra chỉ là ngôn ngữ Mã Lai, y hệt như cổ ngữ Tây Âu, cổ ngữ Mân Việt, kim ngữ Chàm chớ không có gì lạ hết.

Cái nhóm Hẹ này tưởng phải được nghiên cứu tỉ mỉ hơn các nhóm khác, vì họ có dính líu với cổ sử của ta và ta đã ngộ nhận rối ren về đoạn sử nước nhà, chỉ vì bọn này.

Cho tới ngày nay, không ai tin rằng con của vua Thục (Thục vương tử) lại đi xa đến thế để đánh chiếm nước Văn Lang và tự xưng là An Dương Vương, mặc dầu sử Tàu có chép như vậy.

Nhưng sau cuộc khám phá của các nhà chủng tộc học Tây phương rằng cổ Ba Thục là dân Thái, rồi tiếp theo đó, nhà bác học Trung Hoa La Hương Lâm xác nhận khám phá trên, không còn chối cãi được rằng quả An Dương Vương là con vua Thục.

Nhưng tưởng cũng nên nói rõ thêm vài chi tiết mà các ông Tây và La Hương Lâm không biết, khiến có người còn hồ nghi.

Những sự kiện lịch sử trên đây không phải là do La Hương Lâm khám phá ra được. Chính ta cũng biết, nếu ta đọc kỹ cổ sử của Tàu.

Quả thật thế, Tả Truyện chép rằng sau khi Tư Mã Thác diệt nước Thục thì dân Thục (có lẽ chỉ là quý tộc Thục) bỏ xứ, sang nước Ba, rồi tràn vào nước Sở, nhưng không phải là xâm lăng, mà là để đi đâu nữa đó không biết.

Nước Ba đồng chủng Thái với họ, tuy đã bị Tàu trị rồi, nhưng đa số dân chúng chưa bị Tàu đồng hoá vào thuở ấy, vả lại nó quá nhỏ nên không có ngán (hay ngăn không được) cuộc đi qua ấy. Nhưng Sở thì ngăn quyết liệt, đánh bật họ ra.

Sở, vào thuở đó, hết là Kinh Man rồi, tự xưng là nước Sở, tức là bị đồng hoá sâu đậm và đã văn minh cao rồi. Một nước văn minh và cường thịnh thì không thể chấp nhận một cuộc đi qua ngoại chủng.

Hẳn đó là một cuộc đi qua, chớ không cố ý xâm lăng, vì họ quá ít, Sở chỉ phái một toán quân nhỏ là đánh bật họ ra được rồi.

Nhưng họ đi đâu?

Dĩ nhiên là họ đi ở trọ với một cường quốc đồng chủng với họ là nước Tây Âu chớ không phải là đi Quý Châu, mặc dầu ở Quý Châu cũng là đất của người Thái, vì Quý Châu là đất núi non nghèo khó, khí hậu lại xấu.

Sử Tàu chép chuyện Con của vua Thục cướp nước của vua Lạc Vương, sử ta xưa chép lại nhưng không tin là con của vua Thục lại có thể đi xa đến thế, từ Tứ Xuyên xuống Cổ Việt Nam, nhứt là nước Thục đã bị diệt hàng trăm năm rồi, còn làm sao mà còn con vua Thục được. Chép lại nhưng không tin, các ông (như Ngô Sĩ Liên) cho rằng ông ấy họ Thục chớ không phải con vua Thục ở đâu dó, phía Bắc nước ta.

Ta còn nghi ngờ, vì cái sự kiện quá xa, và sự so le thời điểm gần một trăm năm. Nhưng cả hai yếu tố ấy đều có thể giải thích rõ ràng.

Ta đã và sẽ thấy rằng dân Thái có địa bàn liên tục từ Tứ Xuyên đến Quảng Đông và Quý Châu, vì đất xấu, nên chỉ được xem là một hành lang liên lạc giữa hai đại quốc đồng chủng: Thục và Tây Âu.

Khi mất nước, người Thục hẳn phải chạy xuống Tây Âu chớ không thể chạy vào một quốc gia khác chủng được. Mà muốn tới Tây Âu họ chỉ phải đi qua có hành lang Quý Châu, chớ không có quá xa như ta tưởng tượng. Mà họ cũng khỏi phải đi bộ, nhờ con sông Tường Kha, sông này dùng được từ Quý Châu tới biên giới Quảng Đông nay. Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sỹ thì khi bà Lữ Hậu muốn đánh Triệu Đà, bà không biết làm thế nào để tiến quân vì không có con đường đi, con đường mà quân của Tần Thỉ Hoàng đã dùng, không tiện và rất là mạo hiểm.

Một ông vua Thái ở Vân Nam, tên là Đường Mông vốn ghét Triệu Đà đã cướp đất Thái Tây Âu, bèn mách cho bà ấy con sông nói trên.

Các sử gia ta cứ nói Tứ Xuyên và Việt Nam quá xa, không thể đi được vào thời đó, nhưng thật ra thì con vua Thục đâu có đi thẳng từ Thục tới Văn Lang, mà ông ấy chỉ đi từ Thục tới Quảng Tây, qua hành lang Quý Châu nhờ sông Tường Kha.

Sở dĩ thoạt tiên họ mượn đường của nước Sở để bị đánh bật ra là vì hành lang Quý Châu có những nơi phải đi bộ, trèo núi cực nhọc, chứ không phải sông Tường Kha là con sông suôn sẻ từ đầu đến cuối. Nhưng rốt cuộc rồi họ cũng phải dùng cái hành lang Quý Châu đó vì bị Sở ngăn cản.

Rồi từ Quảng Tây đến Cổ Việt Nam tình hình chỉ là chuyện vượt biên giới.

Nhưng phải tốn thời gian, năm bảy mươi năm, và cái thời gian này làm cho các sử gia ta không hiểu được tiếng con vua Thục của sử Tàu, bởi năm bảy mươi năm qua thì con vua Thục phải đã chết già rồi.

Khi chúng tôi đi học cổ ngữ Ba Thục để viết chương Ngôn ngữ tỷ hiệu cho sách này, chúng tôi càng thấy rõ hơn là An Dương Vương quả đúng là con của vua Thục, vì Thục ngữ, Thái ngữ, Việt ngữ đều do Mã Lai ngữ mà ra cả.

Xin nhắc lại rằng nước Thục rất văn minh, ít lắm cũng bằng Trung Hoa vào thuở đó và có vài nét, họ hơn hẳn Trung Hoa vì thuở mất nước, họ đã biết nghề sơn mài, còn Trung Hoa thì chưa biết món tương Tàu, thật ra là phát minh của dân Thục đất Cao nguyên của họ là quê hương của đậu nành chớ không phải đất Tàu.

Di cư đến Huyện, họ hoạt động rất mạnh, lập ra một thành phố lừng danh vào thuở ấy là Đại Phố, và hoạt động được nhờ sự kiện đồng chủng đồng ngôn ngữ với dân Tây Âu.

Họ tài ba lắm, nhưng không lấy nước lại được bao giờ vì khí hậu của Thục hợp với người Trung Hoa thuở ấy nên Hoa chủng di cư vào Thục rất đông, nên ảnh hưởng Trung Hoa ở đó quá mạnh, địa phương bị diệt quá nhanh chóng.

Ở Sài Gòn, họ cũng tài giỏi hơn tất cả các nhóm Trung Hoa khác, nhứt là về văn hoá. Trong 10 tờ báo hằng ngày, có đến sáu bảy tờ là của người Hẹ và tờ báo mạnh nhứt ở Chợ Lớn là của người Hẹ.

Muốn hiểu Con vua Thục, ta cần lập ra giả thuyết sau đây:

La Hương Lâm nói chuyện tổng quát, chớ thật ra thì chỉ có quý tộc Thục mới di cư còn dân Thục thì không. Một dân tộc đã văn minh cao, không hề bỏ nước khi bị xâm lăng. Họ ở lại để chờ dịp khởi nghĩa. Chỉ có dân kém mở mang mới tự thấy bất lực, bỏ nước đi tìm đất mới mà thôi.

Tả Truyện có chép chuyện đám di cư này bị nước Sở đón đánh tại Hồ Nam là đất Nam Sở. Đó là tài liệu cổ nhứt về con vua Thục di cư nhưng ít ai chú ý tới. Họ chọn đường Hồ Nam cho dễ đi. Nhưng gặp người Tàu lai Việt ở đó là Sở, khác giống, họ bị đánh bật ra, mà đành phải dùng con đường khó đi hơn là đường Quý Châu.

Quý tộc Thục hẳn đông hàng ngàn lại có thê tử và nô bộc và một mớ quân sĩ trung thành nữa, thành thử họ tuy không phải là dân, họ cũng có thể đông đến vài ba ngàn.

Nhưng Vua, Hoàng hậu, Hoàng tử và các Thế tử Thục đều bị tướng Tư Mã Thác của Tần giết chết rồi thì làm sao mà còn con vua Thục được?

Ta giả thuyết rằng một bà thứ phi Thục thoát nạn. Thứ phi thì dễ thoát, không như Hoàng hậu. Bà phi ấy đang mang thai. Tới Tây Âu một ít lâu, bà hạ sanh một đứa con trai.

Đó là con người rất quý báu mà quý tộc Thục rất cần để dựng lại cơ nghiệp về sau. Vì thế mà chú bé ấy không được xem là Con Vua Thục mà được tôn làm Vua Thục trong cộng đồng lưu vong Thục. Đó là Vua lưu vong bé tí hon.

Mặc dầu tài giỏi, bọn lưu vong vẫn chưa đủ sức vẫy vùng, nhứt là Tần lại quật cường, làm bá chủ Trung Hoa và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Vậy họ âm thầm đợi. Ông vua Thục lưu vong ấy chết đi, có thể để lại một đứa con trai, có thể quả thật tên là Phán như Ngô Sĩ Liên đã chép, nhưng không phải họ Thục như họ Ngô đã lầm. Hắn ta đích thị là con vua Thục, một từ ngữ có vẻ bí hiểm của cổ sử Tàu mà ta không tin, vì biết cha con của vua Thục đã bị giết từ năm 316 T.C. rồi. Nhưng vua đây, chỉ là ông vua lưu vong, chớ không phải là ông vua vong quốc và con là con của vua lưu vong đó, tức cháu nội của vua vong quốc.

Thế thì mấy tiếng “Thục Vương tử” đã được giải thích ổn thoả.

Năm mà kẻ tên Phán ấy 23 tuổi là năm 268 trước Tây lịch. Mười một năm sau, tức năm ông ấy 34 tuổi, ông ấy mới cất quân đánh Hùng Vương thứ 18. Đó là vào năm 257 T.K.

Năm ấy nhà Chu chưa bị diệt và chư hầu Tần vừa bị thua một trận lớn do Tin Lăng Quân của nước Nguỵ chủ phá.

Nhưng thời cuộc ở nước Tàu thật ra thì không liên hệ tới thời cuộc của vùng dưới này.

Do đâu mà Thục Vương tử mộ quân Tây Âu được? Bọn quý tộc có thoát được đông hàng ngàn, cũng chỉ là sĩ quan. Lính phải là người bản xứ.

Sự kiện những vua lưu vong được các nước tiếp khách giúp đỡ cho, không thiếu, trong lịch sử thế giới. Phương chi như đã nói, dân Thục lưu vong lại tài ba, hoạt động nhiều để được sự giúp đỡ ấy bằng cách giúp cán bộ cho cái nước Tây Âu ở Lưỡng Quảng. Nước Thục là nước phát minh nhiều thứ công nghệ như đã nói thì hẳn họ có nhiều cán bộ để cho vua Trạch Hu Tống mượn hầu đổi lấy quyền mộ binh.

Sự giúp đỡ của Tây Âu thật ra chỉ là việc nhắm mắt cho họ mộ quân bằng vàng mà họ mang theo.

Thục Vương tử đánh Hùng Vương để chi?

Nói nước Thục văn minh và hùng cường, nhưng dầu sao họ cũng đã bị Tần cướp nước, tức Tần còn giỏi hơn họ nữa. Trong tình thế đó, họ không hy vọng khôi phục lại cơ đồ thì chỉ còn cách cướp nước khác, vẫn hơn là ở trọ nước Tây Âu mãi. Cũng nên biết rằng người Hẹ được người Hoa Nam gọi là Khách từ thuở ấy cho tới bây giờ. Đó là khách được ưu đãi, nhưng vẫn cứ là Khách, không có quyền như chủ nhà.

(Dân ta cũng có danh từ “Khách” nhưng chắc chắn là danh từ của ta trỏ người Tàu mới đến sau khi Đinh Bộ Lĩnh thu hồi độc lập, còn người Khách của Tây Âu thì đã đến xứ ta với tư cách kẻ xâm lăng mà có lẽ tổ tiên ta phải gọi họ là chủ chớ không phải khách).

Vậy Thục Vương tử đã mộ quân được và sử liệu về sự thù hiềm hỏi vợ thất bại của Thục Phán, cũng là sự thật… ở bên ngoài. Kẻ tên Phán ấy chỉ mượn cớ đó để đánh Hùng Vương mà thôi.

Đó là một cuộc xâm lăng, nhưng kẻ xâm lăng, từ thủ lĩnh (Thục) đến lính (Tây Âu) đều đồng chủng với ta, chủng Mã Lai tức Âu, tức Thái, thế nên kẻ xâm lăng thắng trận rồi, không diệt Lạc Hầu, Lạc tướng hai cấp cán bộ của vua Hùng Vương, vì họ cũng có chế độ y như vậy và rất cần hai cấp đó. Họ cũng không đặt tên nước một cách mới lạ, mà đặt là Âu Lạc, tức nước mà dân Âu lãnh đạo dân Lạc, chớ không phải nước Tây Âu nhập với dân Lạc Việt. Nhưng chỉ có họp tên mà không có sáp nhập đất như H. Maspéro đã viết vì ông Phán không dại mà đi cướp đất để dâng cho Trạch Hu Tống hưởng.

Nếu có sáp nhập đất đai thì chỉ có một ông vua là vua Trạch Hu Tống, còn tên Phán thắng trận chỉ là tướng mà thôi. Nhưng sử Tàu chép rằng có hai ông vua cai trị song song với nhau vào thời ấy thì không làm sao có sáp nhập đất đai được.

Các sử gia, bắt đầu từ Tư Mã Thiên, đều hiểu lầm một cách vô lý rằng có sự sáp nhập đất đai, nhưng nếu có sáp nhập thì làm sao mà có hai ông vua cai trị song song với nhau tại hai nơi, và ông An Dương Vương vẫn toàn quyền độc lập chớ không hề là phó vương của Trạch Hu Tống.

Cổ sử Tàu xét ra thì rất rõ, chỉ tại các ông sử gia về sau suy luận tầm ruồng nên mới tưởng tượng ra sự sáp nhập đó, và Tư Mã Thiên lại đi xa hơn, tưởng tượng xong, họ Tư Mã lại bịa thêm một địa danh là Tây Âu Lạc để ngầm nói là có sáp nhập (nhưng lại bịa sai nguyên tắc là lấy tên một nước ghép với tên một dân tộc, chớ nếu bịa đúng thì phải là Tây Lạc mới được).

Có lẽ họ Tư Mã cho đó là đất man mọi, đã thành các quận huyện của Tàu rồi thì viết sao cũng được, có sai chút đỉnh cũng chẳng việc gì, bởi những nơi ấy sẽ là đất của Tàu một trăm phần trăm với các tên khác, chẳng ai buồn biết tới sử của các nơi ấy mà chi. Không dè nó lại không thành đất Tàu, và trái lại, nó có tham vọng biết chắc về nguồn gốc của nó, nó tò mò, lần dò, lục lạo tỉ mỉ, và làm cho lòi ra cái sự viết liều của ông ta.

Cũng xin nhắc lại rằng trong chương đó Tư Mã Thiên cũng chỉ dùng có một lần cái danh xưng bịa kỳ khôi ấy mà thôi, còn thì ông tiếp tục gọi đất phía Tây của Triệu Đà là Âu Lạc, chớ không nói lần thứ nhì là Tây Âu Lạc nữa, vì lẽ gì thì chúng tôi đã giải thích rồi: ông ta chợt thấy mình ghép chữ sai, nhưng không thể bôi xoá được mà cũng lười bỏ cả để viết lại trọn quyển.

Và cũng xin nhắc rằng Ban Cố thì lại khác, gọi phía Tây của Triệu Đà là Tây Âu. Nhưng hai ông đó không có sai, cũng không có mâu thuẫn với nhau.

Họ chỉ hai nơi khác nhau chớ không phải một.

Tư Mã Thiên: “Kỳ Tây, Âu Lạc…”

Ban Cố: “Tây hữu Tây Âu…”

Họ nói đến các vùng phía Tây của quận Nam Hải, các vùng đó giống nhau về phong tục, về y phục, Tây Âu và Âu Lạc đều có thói ăn, nếp ở như nhau, thì chỉ nước nào cũng được, cũng đúng cả, chớ không phải là họ xem hai địa danh đó đồng nghĩa, cùng chỉ một nước.

Và cũng xin nói rõ là Triệu Đà chỉ chiếm được có quận Nam Hải. Phần đất còn lại của nước Tây Âu được chính dân Tây Âu quật cường, quản trị và lãnh đạo. Ban Cố gọi các phần đất còn lại đó là Tây Âu, là gọi đúng chớ không phải sai. Như ở nước ta hiện nay ta mất hết miền Bắc, nhưng phần còn lại ở miền Nam cũng cứ được ta và các nước khác gọi là Việt Nam.

Mà cả ở miền Bắc họ cũng xưng họ là Việt Nam và các nước bạn của họ cũng gọi miền Bắc là nước Việt Nam.

Nhiều sử gia không hiểu cái lẽ đó nên quá bối rối về địa danh Tây Âu. Tây Âu đã bị Tần diệt rồi, rồi lọt vào tay Triệu Đà, cớ sao lại cứ còn Tây Âu mãi, khiến họ nghĩ Tây Âu là nước khác, mà cái nước khác đó chỉ có thể là Cổ Việt Nam.

Họ quên mất rằng Tây Âu của Tàu chỉ lọt vào tay Triệu Đà có 1/3, 2/3 còn lại được chính dân Tây Âu quật cường và lãnh đạo hoặc bị hai ông quận trưởng (Giám) ở đó lãnh đạo, cũng đồng cách với Triệu Đà là nổi loạn với chính quốc của họ, và cũng cứ còn được gọi là Tây Âu, vì Triệu Đà không có cướp địa danh, mà lấy địa danh khác là Nam Việt, tại huyện Long Xuyên.

Vì Tư Mã Thiên tiền hậu bất nhứt nên H. Maspéro thấy rằng danh xưng Tây Âu Lạc của Tư Mã Thiên không thể dùng làm chứng tích được, nên ông phải viết chữ nho kỳ dị:

Kỳ, Tây Âu Lạc…

để cho danh xưng đó xuất hiện một cách mà ông ấy tưởng là ổn thoả hơn.

Nhưng nếu ổn thoả tạm thì Tư Mã Thiên mới là ổn thoả, họ Tư Mã đưa ra cái danh xưng không có ấy là nói tắt theo Tàu rằng có sự sáp nhập đất đai của hai nước đó, sự kiện đúng hay sai không chưa biết, nhưng lối nói tắt của Tàu là như thế đó.

Người Tàu không ưa cắt nghĩa dài dòng. Đưa ra một danh xưng mới là đã nói thầm lên rất nhiều việc, không riêng gì Khổng Tử đã làm như vậy trong Xuân Thu, mà tất cả các tác giả Tàu xưa đều làm như vậy hết. Cả dân chúng cũng làm như vậy nữa.

Chẳng hạn dân chúng có lối tả kỳ dị như sau đây: Tỵ ẩm = Uống bằng mũi. Nhưng làm thế nào để uống bằng mũi được kia chớ?

Đó là họ tả người man di chưa biết dùng chén bát, cúi mặt xuống dòng nước để uống bằng… miệng, nhưng mũi chạm phải nước luôn luôn.

Kể ra thì họ cũng giỏi lắm, bởi không thể diễn cách nào khác hơn được để nói ra 24 tiếng mà chỉ phải dùng có hai chữ.

Ông H. Maspéro không biết lối ăn nói co rút như vậy nên ông không dám dùng danh xưng mà Tư Mã Thiên đã đưa ra, nhưng họ Tư Mã có đầy đủ lý do để tạo một danh xưng, chỉ có điều là lời giải thích thầm lặng, chứa đựng trong đó, không đúng với sự kiện mà thôi.

Đây là một điểm sử cần được phanh phui, vì có quá nhiều cuốn sử của Tàu và ta nói rằng có sự kiện sáp nhập đất đai giữa Tây Âu và Âu Lạc. Nhưng hai lý do mà chúng tôi đã đưa ra, đính chánh mạnh sự ngộ nhận đó. Xin nhắc lại hai lý do:

A. Tên Phán không dại mà chinh chiến khó nhọc để dâng kết quả cho Trạch Hu Tống, khi y chỉ là thường dân ở trọ, chớ không hề là quan là tướng của Trạch Hu Tống.

Sử Tàu nói là y xưng Vương và toàn quyền độc lập, không hề là phó vương của Trạch Hu Tống như vậy thì không có thể có một cuộc sáp nhập lỏng lẻo nào hết.

Ta lại cần phanh phui điểm sử này vì bao nhiêu ngộ nhận về Âu Lạc và Tây Âu đều do danh xưng bịa càn Tây Âu Lạc của Tư Mã Thiên mà ra cả.

Nếu không có danh xưng bịa đó thì đâu đã ra đấy, ông H. Maspéro, ông L. Aurousseau, ông Trần Kinh Hoà, v.v. sẽ không hiểu lầm Tây Âu là Âu Lạc, là Tây Vu, là Thượng du Bắc Kỳ, v.v, và v.v.

Nhưng Tư Mã Thiên không là chánh phạm, tại các sử gia ấy thiếu tinh thần khoa học đó thôi, vì sử Tàu chép rõ rằng họ chỉ chinh phục được có ba nước chớ không phải bốn, rõ như ban ngày, thế mà các ông lại đưa một quốc gia thứ tư vào là Âu Lạc.

Mà cũng có ông hiểu rằng Tây Âu đích thực là Âu Lạc mới chết chớ. Nhưng hiểu như thế làm sao được, nước Âu Lạc chỉ nhỏ bằng bàn tay (nguyên văn của vua trào Trần) thì làm sao mà chứa nổi ba quận, mỗi quận lớn hơn cả toàn quốc Việt Nam ngày nay nữa.

(Một vài sử gia ta và Pháp cho rằng sử Tàu bịa ra An Dương Vương. Thử hỏi các sử gia Trung Hoa bịa ra An Dương Vương để làm gì? Và một nhơn vật chỉ xuất hiện một vài năm, còn có thể bịa được chớ một nhơn vật đã cai trị nửa thế kỷ thì không sao bịa mà khỏi bị người đồng thời hoặc các sử quan khác tố cáo.

Hơn thế, cái nhơn vật An Dương Vương đó không hề giúp cho Trung Hoa hãnh diện chút nào về phương diện nào hết thì họ không có lý do bịa ra ông ấy).

Thuyết về An Dương Vương trên đây không ổn nếu tin theo Tư Mã Thiên. Tác giả Sử Ký viết rằng Triệu Đà diệt An Dương Vương năm 180 T.K.

Thế thì vua An Dương Vương đã 100 tuổi rồi vào năm đó, thì còn làm sao mà đánh giặc được? Nhưng Tư Mã Thiên đã viết sai sự thật. Quả thật thế, Triệu Đà đã qua đời năm 137 trước Kitô kỷ nguyên. Ông ta ở ngôi được 70 năm. Đó là hai điểm chắc chắn. Như vậy năm ông ta diệt An Dương Vương và lên ngôi phải là: 137 + 70 = 207 trước Kitô kỷ nguyên. Năm 180 thì Triệu Đà chưa làm tri huyện (Uý).

Sai lầm rõ ràng này của Tư Mã Thiên, cho thấy rằng không phải luôn luôn Sử Ký viết đúng sự thật như nhiều sử gia đã tin và lấy Sử Ký làm tài liệu căn bản.

Xin “biên niên” lại tất cả mọi sự kiện để kiểm soát thử xem:

Nước Thục bị diệt năm 316 trước T.K.

Thục Vương tử lưu vong thứ nhứt sanh năm 315 –

Thục Vương tôn mà cũng cứ được gọi là Thục Vương tử, tên là Phán sanh năm 290 –

Phán hưng binh để diệt Hùng Vương 18 năm 257 –

Phán lên ngôi lấy hiệu An Dương Vương 257

An Dương Vương bị Triệu Đà diệt năm 207 –

Nhưng không nên quên sự kiện này là Phán chỉ đặt lại tên của nước Văn Lang mà không bao giờ có sáp nhập Văn Lang vào Tây Âu.

Ta nên thử tưởng tượng ra điều này. Sau khi An Dương Vương diệt Hùng Vương 18 rồi thì chưa có danh xưng Âu Lạc mà cũng cứ chỉ có danh xưng Văn Lang mà thôi, và trong giây phút mà An Dương Vương nghĩ ra một danh xưng mới, cũng chưa có danh xưng Âu Lạc thì làm sao mà có được Tây Âu + Âu Lạc.

Trong cái giây phút đó thì An Dương Vương nghĩ đến hai giải pháp:
  1. Nhập tên hai nước lại. Mà như vậy thì phải là Tây Văn hoặc Tây Lang.

  2. Nhập tên hai dân lại. Như vậy thì: Âu + Lạc.
Ông đã chọn giải pháp thứ nhì vì giải pháp thứ nhứt ông không có quyền dùng cũng không được phép lạm dụng tên của một cường quốc đã cho ông ở trọ.

Không thể có giải pháp thứ ba là Tây Âu + Âu Lạc vì trong giây phút đó chưa hề có danh xưng Âu Lạc kể cả trong ý nghĩ thầm kín của ông ấy nữa.

Có thế nào mà cải Văn Lang lại thành Âu Lạc rồi mới có việc sáp nhập tên hay chăng? Không. Vì không có lý do, vả lại nếu có thì phải:

Tây Âu + Âu Lạc = Tây Lạc

chớ không không làm sao mà Tây Âu Lạc được cả.

Chúng tôi còn nhớ khi làng của chúng tôi là làng Tân Uyên nhập với làng quá nhỏ ở liên ranh, tên là làng Hiệp Hưng, hương chức hội tề của hai làng đã cãi nhau đến một năm mới xong cái tên mới của làng, khiến hành chánh tỉnh đã phải sốt ruột và thúc giục, cảnh cáo nhiều phen.

Người ta chọn năm tên tất cả:
  1. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Tân Hiệp

  2. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Tân Hưng

  3. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Hiệp Tân

  4. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Hưng Tân

  5. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Hiệp Uyên
Rốt cuộc danh xưng Uyên Hưng ra đời, từ 40 năm nay, vì dân làng Tân Uyên bám níu vào chữ Uyên quan trọng, nó tả địa hình của làng cạnh bên bờ vực cao của sông Đồng Nai.

Nhưng Hiệp Uyên thì không ổn vì dân làng Hiệp Hưng bám níu vào chữ Hưng của họ. Các tên khác thì quá xoàng như Tân Hiệp, Tân Hưng, v.v.

Tên của một làng tăm tối mà còn như thế đó, thì tên nước không phải muốn đặt sao thì đặt mà không kể đến quá nhiều yếu tố chống chọi với nhau. Phương chi Trạch Hu Tống lại là vua của một đại cường quốc đã hạ sát được tổng tư lịnh của đạo binh viễn chinh của Tần Thỉ Hoàng, thì ông ta hẳn có nhiều đòi hỏi, còn An Dương Vương vừa thắng trận, vừa có nước, không phải là dễ sai khiến.

Chỉ vào lúc Triệu Đà diệt An Dương Vương rồi thì mới có sáp nhập, nhưng lại sáp nhập dưới một cái tên mới lạ hoàn toàn: Nam Việt.

Ở đây, vấn đề Tượng Quận lại bỗng hoá ra hết quan trọng nếu chứng minh được rằng Tần không có chiếm Âu Lạc thì thuyết Tượng Quận là Cổ Việt Nam tự nhiên phải đổ vỡ, bởi hễ không chiếm Âu Lạc thì không làm sao mà biến Âu Lạc thành Tượng Quận được cả.

Nếu Âu Lạc có đầu hàng nhà Tần như vài quyển sử đã nói và An Dương Vương chịu làm quan Giám quận để được yên thân thì hẳn sử có chép đến quan Giám An Dương Vương, cai trị Tượng Quận, đằng này sử cứ tiếp tục gọi ông là vua nước Âu Lạc thì cũng không có vấn đề Tàu biến Âu Lạc ra Tượng Quận, không bằng chiến tranh, mà bằng sự ưng thuận của An Dương Vương.

Tưởng như thế, đủ chứng minh rằng Tây Âu hay Tượng Quận gì cũng không hề dính líu đến cổ Việt Nam.

Nhưng, như đã nói, Lão Cán đã trưng ra đầy đủ văn kiện cổ để chỉ Tượng Quận là ở đâu rồi thì suy luận nữa cũng bằng thừa.

Chúng tôi chỉ đưa thêm chứng tích để củng cố thêm tài liệu của Lão Cán mà thôi, vì tài liệu đó ít ai có để mà đọc, nhưng đọc chứng tích của chúng tôi tưởng cũng đủ, hơn thế nó lại mới lạ hơn của Lão Cán, Lão Cán chỉ chép tài liệu cổ trực tiếp còn chúng tôi thì trình tài liệu cổ gián tiếp, tuy là gián tiếp, nhưng rất vững.

Chúng tôi lại đi xa hơn Lão Cán là chứng minh được về sự kiện Âu Lạc và Tây Âu là hai nước kh ác nhau, và Tần không có bao giờ đánh Âu Lạc cả, trong khi Lão Cán chỉ chứng minh được về Tượng Quận mà thôi.


Bằng chứng thứ nhứt

Trước khi tìm được tài liệu cổ kim đính chánh Tượng Quận là cổ Việt Nam, và Tây Âu là Âu Lạc, chúng tôi có thử tìm, bằng toán pháp, và nay so lại thì kết quả của sự tìm tòi của chúng tôi ăn khớp với sự thật lòi ra ở những bằng chứng sử liệu Tàu.

Chúng ta nên viết tắt các tên quận đời Tần và các quận đời Hán đợt đầu như sau đây, các quận này đều ở Hoa Nam và trong đó có nước Tây Âu.

Nam Hải = NH
Tần Quế Lâm = QL
Tượng Quận = TQ
Hán đợt I
Nam Hải = NH
Uất Lâm = UL
Thương Ngô = TN
Giao Chỉ = GC
Cửu Chơn = CC
Nhựt Nam = NN
Hợp Phố = HP

Nói đời Hán đợt đầu vì ở đợt đầu, Hán chưa chinh phục Hải Nam và chưa có hai quận Châu Nhai, Thiềm Nhĩ, nên mới có 7 quận thôi, chớ không phải 9 như Ngô Thì Sĩ đã chép sai.

Ta đặt ra phương trình sau đây:

TẦN
NH + QL + TQ =

H Á N
NH + UL + GC + CC + NN + HP + TN

Ta loại lần các quận trùng nhau ở cả hai vế. Vòng loại đầu, ta bỏ Nam Hải và Quế Lâm ở cả hai bên vì hai quận đó giống nhau ở cả hai đời Tần và Hán. Ta còn:

TQ = GC + CC + NN + HP + TN

Ta lại bỏ GC + CC + NN là đất cổ Việt vừa được tướng Hán là Lộ Bác Đức mới chiếm, đời Tần chưa có, ta còn:

TQ = HP + TN

Biết rằng Hợp Phố là quận đặt sau, cắt bởi đất Giao Chỉ và Nam Hải mà lập ra, ta bỏ HP. Vậy ta còn:

TQ = TN

Tượng Quận = Thương Ngô

Bài toán trên đây rất phù hợp với sử liệu đời Hán, vì sau cuộc thắng trận của Lộ Bác Đức thì Tượng Quận biến mất ở vùng đó mà Thương Ngô lại xuất hiện. Nếu không ai biết Tượng Quận và Thương Ngô ở đâu thì Thương Ngô là tên mới của Tượng Quận rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Đành rằng Giao Chỉ, Cửu Chơn, Nhựt Nam cũng mới xuất hiện, nhưng ai cũng biết đó là đất mới chiếm và ta biết vị trí, còn Thương Ngô thì tại không biết ở đâu thì Thương Ngô là Tượng Quận vậy. Hán không có chiếm đất nào mới hơn là Giao Chỉ, Cửu Chơn, Nhựt Nam, thì một danh xưng mới, phải là tên mới của một đất cũ mà danh xưng biến mất.

Lại xin nhắc rằng cái Tượng Quận bị cắt làm hai nhập vào Uất Lâm và Tràng Sa về sau đó là Tượng Quận đời Hán, không dính líu gì đến Tượng Quận đời Tần là Thương Ngô. Nhưng cả hai Tượng Quận này đều không khác nhau bao nhiêu như ta đã thấy ở ám chỉ về nghiên cứu của Lão Cán.

Nay truy ra thì Thương Ngô nằm giữa Vân Nam và Quảng Tây ở sát Hạ chí Tuyến; về mặt Bắc của Hạ chí tuyến.

Thương Ngô sản xuất rất nhiều voi, mà nếu quả Tượng Quận là quận có nhiều voi thì Thương Ngô không trái với sự kiện voi.

Toàn thể các nhà bác học đều bị ám ảnh vì loài voi, nhưng chưa chắc nhà Tần đặt tên như thế là vì loài thú đó. Dưới thời Xuân Thu, ở nước Vệ có Tượng Ấp, nhưng nước Vệ ở mãi tận Hoa Bắc, nơi đó không có con voi nào cả thì bảo sao?

Nhưng nếu muốn voi, cứ được voi, vì dầu sao Thương Ngô cũng vẫn là nơi sản xuất voi chớ không riêng gì “Bắc Kỳ”, mà còn trái lại nữa. Bắc Việt chưa bao giờ có nhiều voi, từ cổ đến kim, nơi đó không hề nổi danh vì voi.

Nhưng một tài liệu cổ Trung Hoa mà chúng tôi moi ra, cho biết Tượng là gì. Đó là một điều mà không ai chú ý đến cả.

Sách Lễ Ký, chương Vương Chế, cho biết rằng người Tàu các đời Hạ, Thương, Chu, gọi phương Đông là Kỳ, phương Nam là Tượng, phương Tây là Đích Đề, phương Bắc là Dịch.

Lễ Ký lại còn cho biết thêm rằng dưới đời Chu có một chức quan tên là Tượng , quan ấy có nhiệm vụ trông nom việc bang giao với các man di ở phương Nam.

Vậy Tượng Quận chỉ có nghĩa là một quận ở phương Nam, chớ chẳng liên hệ gì tới voi cả mà bao nhiêu học giả cứ nói đến voi mãi.

Còn cái huyện Tượng Lâm của quận Nhựt Nam (Huế) thì mới có thể là huyện Rừng Voi, vì quả ở đó có voi nhiều và nghĩa cũ của chữ Tượng = Phương Nam cũng đã mất rồi vào năm nhà Hán đặt tên cho huyện Tượng Lâm.

Tới đây thì các ông quả quyết rằng Tượng Quận là Nhựt Nam, vì ở đó có huyện Tượng Lâm, là những ông quả quyết liều.

Viết sử bằng cảm giác Tượng là voi không có gì nguy hiểm bằng.

Danh từ Tượng bị hiểu lầm là voi, giống tiếp đầu ngữ Austro bị hiểu lầm là Úc Châu, nhưng cả hai chỉ có nghĩa là Phương Nam.


Bằng chứng thứ hai

Bằng chứng này của ông L. Bézacier, nguyên quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho tới năm 1944: “Tất cả những ngôi mộ cổ của quan Tàu ở Đông Dương, toàn là mộ đời Hậu Hán về sau (tức từ sau Mã Viện). Không hề có một Trung Hoa cổ từ thời Mã Viện về trước”.

Thế nghĩa làm sao? Rất dễ thấy sự thật. Từ đời Tần cho đến Mã Viện, không có quan Tàu sang nước ta. Nếu nước ta là Tây Âu, là Tượng Quận như các ông nói thì họ đã có chiếm, đã có quan của họ chết và được chôn ở đó, và mộ quan phải còn.

Cũng không hề có dân Tàu di cư như các ông O. Jansé và Nguyễn Phương đã quả quyết rằng có, mà đừng tưởng rằng vì dân di cư nghèo làm mộ đất mà không có dấu vết. Chính ông O. Jansé đã quả quyết rằng họ là rể của Lạc Tướng, Lạc Hầu, thì họ phải là những nhơn vật Hoa Kiều rất quan trọng.

Suy luận viển vông, dựa vào sử liệu gián tiếp không sao thắng nổi khoa khảo cổ. Nhưng buồn cười lắm là chính ông O. Jansé làm công việc đào mồ cuốc mả, nhưng ông lại không biết thấy sự thật lịch sử ở đó, để cho người khác thấy là ông L. Bézacier, ông O. Jansé đã không thấy lại còn kết luận ngược lại là từ đời Chu đã có người Tàu đến làm rể của các lãnh chúa (chefs féodaux) ở cổ Việt Nam rất đông. Có lẽ là Thi Sách, chồng bà Trưng chăng?


Bằng chứng thứ ba

Bằng chứng này lại càng mạnh hơn vì đó là sử của Tư Mã Thiên.

Chúng tôi thấy là Tư Mã Thiên viết sai sự thật rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có vài điểm họ Tư Mã viết đúng, chớ không phải điểm nào cũng sai hết.

Về việc Tần đánh Ngũ Lĩnh tới đâu thì ta có thể tin Tư Mã Thiên được vì ta kiểm soát chặt chẽ thì thấy ở đoạn đó Tư Mã Thiên không vô lý ở điểm nào hết.

Thế nên vừa công kích mạnh Tư Mã Thiên ở các trang trước ở đây chúng tôi lại đưa Tư Mã Thiên ra để làm nhân chứng với tinh thần vô tư và không thành kiến với sử gia đó, cái nào ông ấy sai thì cứ công kích thẳng tay, nhưng cái nào ông ấy đúng thì cần nghe theo ông ấy, không sợ bị mắng là khen chê bất nhứt.

Một người viết một bộ sử dày hàng ngàn trang, tất nhiên cũng viết đúng được chút ít, ta không nên thấy người ấy sai nhiều điểm quá rồi gạt quyển sử của người ấy ra một cách bất công.

Câu sử quan trọng chỉ đích xác Tượng Quận ở đâu, do chính ông L. Aurousseau tìm ra, nhưng ông lại không dùng câu ấy được, đúng theo nghĩa của nó, vì ông không hiểu câu đó muốn nói gì.

Sử Ký của Tư Mã Thiên có một câu ngắn khẳng định về biên giới cực Nam của Ngũ Lĩnh dưới đời nhà Tần. Theo Sử Ký thì sau khi chiếm xong Ngũ Lĩnh, biên giới cực Nam của nhà Tần là nơi mà thiên hạ cất nhà day cửa về hướng Bắc.

Tư Mã Thiên đã dùng từ ngữ bí hiểm là “Bắc Hộ” để diễn cái ý trên đây. Ông L. Aurousseau là giáo sư chữ Nho, ông hiểu “Bắc Hộ” là cất nhà day cửa về hướng Bắc, nhưng ông lại không biết cái thiên văn sai lầm mà Tư Mã Thiên đã biết. Hơn thế, ông không hề nghe nói có một nơi nào mà dân chúng cất nhà kỳ dị như vậy, nên ông cho là Tư Mã Thiên bịa, nên ông bỏ qua, đi phỏng đoán cho sai sự thật.

Theo khoa thiên văn thật đúng thì trên trái đất, vào những giờ trưa và vào vài ngày nào đó trong một năm, nói đích xác là vào những ngày Hạ chí (Soistice d’été) có những nơi mà con người thấy mặt trời nằm ở hướng Bắc của họ.

Người Tàu đã biết điểm thiên văn ấy rồi, vào thuở đó. Nhưng những nơi ấy là những nơi nào thì người Tàu chỉ bắt đầu biết chắc vào đời Tần mà thôi, bằng cách đặt Nhật Khuê (Ngomon) tại Phiên Ngung, sau khi chiếm trọn Ngũ Lĩnh. Có lẽ đó là lý thuyết thiên văn của Hy Lạp mà người Tàu học được, nhưng họ có kiểm soát lại, không biết họ bắt đầu kiểm soát từ thời nào, nhưng họ chỉ thành công sau cuộc chinh phục của Tần Thỉ Hoàng mà thôi và họ thấy rằng lý thuyết ấy đúng, vì khi đặt nhật khuê tại Phiên Ngung thì họ thấy hiện tượng đó xảy ra.

Đó là nơi mà ngày nay khoa thiên văn gọi là Hạ chí Tuyến Bắc (Tropiques Nord du Cancer). Hạ chí Tuyến Bắc chạy ngang thành Phiên Ngung, ở dưới Quảng Đông tỉnh lỵ ngày nay chừng một cây số.

Tư Mã Thiên chỉ mới biết tới đó mà thôi rồi ông chết đi. Những kiểm soát về sau, do Mã Viện thực hiện, ông không được hưởng.

Đám trí thức Tần nằm nhà, nghe tin sự thành công khoa học ấy, bày ra cái huyền thoại này là dân ở đó cất nhà day mặt hướng Bắc vì họ suy luận theo lối Tàu rằng hễ khi mà mặt trời nằm ở hướng Bắc của con người thì hẳn con người phải day cửa hướng Bắc để hưởng mặt trời. Họ không biết rằng hiện tượng ấy chỉ xảy ra có vài ngày trong một năm, và có vài giờ trong vài ngày đó, thì dân không dại gì mà cất nhà như vậy.

Huyền thoại “Bắc Hộ” chắc không phải do Tư Mã Thiên bịa ra, nhưng ông đã dùng huyền thoại đó trong Sử Ký.

Tư Mã Thiên không phải là một người nằm nhà, ông đã đi nhiều nhứt trong các sử gia Tàu, nhưng ông tự thú rằng về phía Nam, ông chỉ đi tới Giang Hoài (Sử Ký). Như vậy, ông dùng huyền thoại là chuyện dĩ nhiên, bởi ông không thấy cảnh vật Phiên Ngung.

Soạn giả Sử Ký chết đi với cái huyền thoại thứ nhứt đó.

Rồi Mã Viện lớn lên, đi viễn chinh, kiểm soát lại, và một huyền thoại thứ nhì lại ra đời.

Xin nhắc rằng sử nhà nước của Tàu chép rằng Mã Viện đuổi theo tàn quân của hai bà Trưng đến Cư Phong diệt được họ rồi thôi.

Nhưng những quyển sử không chính thức, thí dụ quyển Thuỷ Kinh Chú, thì lại chép tỉ mỉ rằng Mã Viện còn đi nữa, đi cho tới cực Nam của quận Nhựt Nam mới thôi, cái phần sau đó Thuỷ Kinh Chú viết rất dài, chớ không phải chỉ có 6 chữ như Hậu Hán thư.

Tác giả Thuỷ Kinh Chú, Lệ Đạo Nguyên, là một thứ sử Giao Chỉ. Suốt nhiệm kỳ của ông ấy, ông không có làm gì quan trọng cả, mà dân ta cũng không có nổi loạn, nên sử Tàu không hề nói đến tên ông, sau sắc phong thứ sử. Nhưng ông có viết một quyển sách rất quan trọng đối với dân ta, đó là quyển Thuỷ Kinh Chú, trong đó việc Mã Viện đi xa xuống phương Nam, được ghi chép tỉ mỉ từng li, từng tí, khó có thể nói rằng ông bịa. Sở dĩ sử nhà nước không chép đoạn sử ấy vì một bí mật quốc gia của Tàu sẽ được tiết lộ ở chương Bí mật Mã Viện.

Mã Viện không có đánh ai cả, từ Cư Phong đổ xuống, nhưng ông có hai sứ mạng khoa học mà chúng tôi chỉ kể ra đây sứ mạng thứ nhứt mà thôi, là đặt nhật khuê để kiểm soát thêm về lý thuyết thiên văn nói trên.

Mã Viện đã đặt thêm hai nhật khuê, một ở Giao Chỉ và một ở Huyện Tỵ Ảnh, quận Nhựt Nam.

Vài quyển sử ta viết về phong tục người Chàm, thường nói đến vụ cất nhà day mặt hướng Bắc của người Chàm. Họ viết theo các sử gia Tàu sai lầm, chớ sự kiện ấy không hề có bao giờ.

Sự thật khoa học này, Mã Viện chỉ biết có 1 phần 10, vì hiện tượng ấy kéo dài cho đến đường xích đạo, tức cách Phiên Ngung 5 ngàn cây số, cách Nhựt Nam 4.000 cây số.

Mã Viện rất cẩn thận, và ông biết rằng hiện tượng mặt trời ở hướng Bắc của con người vào buổi trưa, chỉ xảy ra có vài giờ trong vài ngày của một năm mà thôi.

Thấy rõ là sự hiểu biết về thiên văn của người Tàu vào thuở đó còn thô sơ lắm; và chính vì thế mà ông L. Aurousseau cho rằng Tư Mã Thiên bịa nên không dùng câu đó làm tài liệu, bởi trên thực tế, không ai lại dại mà cất nhà day mặt hướng Bắc để chỉ hưởng lợi được có mấy tiếng đồng hồ trong vài ngày của mỗi năm.

Mà cũng tại ông L. Aurousseau không biết cái trình độ kém về thiên văn của Tư Mã Thiên, chớ nếu ông biết, ông đã cố tìm hiểu Tư Mã Thiên.

Mã Viện chợt thấy Tư Mã Thiên sai:
  1. Không có ai cất nhà day mặt về hướng Bắc cả, bất kỳ ở đâu.

  2. Nhiều nơi khác cũng đồng tánh cách với Phiên Ngung. Họ Mã đã đặt Nhật Khuê ở Giao Chỉ và Tỵ Ảnh. Vì thế mà chỗ đó mới được đặt tên là huyện Tỵ Ảnh. Tỵ Ảnh là trốn hình bóng của mình hoặc bóng của mình trốn mất, hoặc mình che bóng của mình vào giờ Ngọ vì ở Hoa Bắc vào giờ Ngọ thì bóng của con người ngã dài ra về hướng Bắc tức mặt trời ở hướng Nam con người chớ không có tình trạng Đứng bóng như ở Việt Nam. Tỵ Ảnh dịch thật đúng từ ngữ Đứng bóng của ta.
Cái quận Nhựt Nam (gồm huyện Tỵ Ảnh) sở dĩ trước kia được Lộ Bác Đức đặt tên như vậy vì họ Lộ nghe đồn ở đó con người ở phía Nam của mặt trời còn nhiều hơn ở Phiên Ngung nữa.

Lộ Bác Đức cũng là một viên tướng nằm nhà. Diệt Triệu Bà xong, ông ta tiếp tục chánh sách của Triệu Đà, tức gởi đại diện Tàu xuống cai trị vùng dưới, vùng Cổ Việt, mà không hề dám ra khỏi thành Phiên Ngung vì sợ cái nóng nhiệt đới.

Thế nên đặt tên quận, huyện, ông ta phải căn cứ trên lời đồn. Ông nghe đồn rằng ở dưới Cửu Chơn, hiện tượng mặt trời lại còn ở phía Bắc con người nhiều hơn ở Phiên Ngung nữa, nên ông tách quận Cửu Chơn quá dài thành hai quận, phía dưới là Nhựt Nam, có nghĩa là mặt trời của phương Nam rất độc đáo, chớ không phải là mặt trời nằm ở phía Nam con người, vì như đã nói, càng đi xuống, mặt trời càng ở phía Bắc của con người vào mùa Hạ chí.

Tóm lại, Tư Mã Thiên chỉ biết có tình hình khí tượng Phiên Ngung là nơi mà nhà Tần đã thí nghiệm xong. Nhưng nếu họ Tư Mã biết nhiều hơn thì ông ấy cũng sẽ nói Phiên Ngung là nơi “Bắc Hộ”, vì biên giới là một lằn mức mỏng như sợi chỉ, chớ không thể là một phần đất dài 5.000 cây số được. Như vậy muốn lấy thiên văn để chỉ cái lằn mức đó, người viết sử chỉ có thể dùng hai nơi là nơi bắt đầu và nơi cuối cùng vì hai nơi đó có tánh cách tiêu biểu, tánh cách tượng trưng. Nơi cuối cùng là đường xích đạo, nơi bắt đầu là thành Phiên Ngung.

Ngày xưa ở Trung Hoa (mà cho cả ở Địa Trung Hải cũng thế) những nhà sử địa thường dùng thiên văn để định vị trí của những nơi xa xôi đối với xứ của tác giả.


Như vậy Tư Mã Thiên không có làm việc trái đời chút nào hết, mà làm đúng theo phương pháp thuở đó khi lấy hai tiếng “Bắc Hộ” để chỉ biên giới cực Nam của nước Tàu dưới đời Tần, sau trận Ngũ Lĩnh.

Chỉ rắc rối là cái khoa thiên văn ấy chỉ mới được kiểm soát lần đầu vào nơi bắt đầu của vùng nhiệt đới dài mười ngàn cây số mà thôi, vùng này chạy từ Phiên Ngung cho đến đường xích đạo là lên tới cực điểm rồi hạ xuống lần lần cho tới Nam Chí Tuyến (tropiques du Capricorne), chạy ngang từ xứ Úc Đại Lợi, tổng cộng là 10 ngàn cây số là hết và phiền nữa là sự kiểm soát ấy lại bị huyền-thoại-hoá với vụ “Cất nhà day mặt hướng Bắc” ly kỳ ấy.

Chúng tôi nói rằng chỉ có thể dùng hai nơi là Hạ Chí Tuyến Bắc (tropiques Nord du Cancer) và đường xích đạo để làm nơi tiêu biểu cho lằn ranh giới. Nhưng có thế nào mà Tư Mã Thiên lại làm sai phương pháp, lấy một lằn mức ở Giao Chỉ hay không?

Không, bởi vì sử Tàu chỉ nói đến việc đặt nhựt khuê tại Phiên Ngung dưới đời Tần mà không nói đến việc đặt ở nơi khác như đã nói vào thời Mã Viện.

Câu sử trên đây giải quyết một lượt đến hai vấn đề: Tượng Quận và Tây Âu. Khi biên giới cực Nam của Tàu mà nằm tại Hạ chí tuyến Bắc thì Tần không có chiếm Âu Lạc, vì Hạ chí Tuyến Bắc là Phiên Ngung.

Người đặt tên cho quận Nhựt Nam cũng bí hiểm không kém Tư Mã Thiên vì Nhựt Nam cũng gây ngộ nhận.

Thứ nhứt, hai tiếng Nhựt Nam đã làm cho nhiều người hiểu sai rằng ở đó mặt trời ở phía Nam con người, mà thật ra thì ở đó mặt trời ở phía Bắc của con người vào mùa Hạ chí.

Đã bảo Nhựt Nam là Mặt trời phương Nam độc đáo. Nhưng làm sao mà hiểu như vậy cho được chớ?

Các ông Tàu dùng chữ quá bí hiểm như vậy đó. Chính ở Hoa Bắc thì hiện tượng Nhựt Nam mới xảy ra hằng ngày, nếu hiểu theo nghĩa thông thường Nhựt Nam là mặt trời ở phía Nam của con người.

Cũng như hiện tượng ban ngày mặt trời bị mặt trăng che, họ gọi là Nhật thực tức Mặt trời ăn. Sự thật thì chính Mặt trăng ăn mặt trời ấy chớ, và phải gọi là Nguyệt thực mới đúng cho. Còn như muốn dùng chữ Nhật thì phải nói Nhật bị thực mới ổn.

Lại còn Tỵ Ảnh nữa. Thật ra thì chỉ có tại đường Xích đạo mới có thể đặt tên là Tỵ Ảnh, còn đứng về mặt tương đối thì chính huyện Tượng Lâm tỵ ảnh nhiều hơn huyện Tỵ Ảnh, bởi huyện Tỵ Ảnh ở trên Tượng Lâm khá xa, tức ít Tỵ Ảnh hơn Tượng Lâm nhiều lắm.

Thấy rõ là họ đặt địa danh bậy bạ hết, và ai tin rằng Việt Thường là đất của dân Việt Thường đời Chu Công Đán là lầm to.

Thứ hai, lối đặt tên bậy bạ như vậy đã gây ngộ nhận cho vua Tàu một cách buồn cười và ngộ nghĩnh.

Sử Tàu chép rằng một ông quan ở Nhựt Nam được sang Tàu, được chầu vua, và vua Tàu hỏi có phải ở Nhựt Nam thiên hạ cất nhà day cửa hướng Bắc hay không? Người Nhựt Nam trả lời rằng làm gì có cái việc kỳ lạ như vậy, mỗi người day cửa theo hướng tiện lợi thôi chớ, như ở gần sông day cửa xuống sông, gần biển day cửa ra biển mà biển thì ở hướng Đông.

Ở đây sự ngộ nhận lại chạy sang nẻo khác nữa và người mình lại hoan hô ông Nhựt Nam ấy dữ lắm. Nguyên vua Tàu có tục bắt các phiên thần day về hướng Bắc để tỏ ý thần phục vì hướng mà Trung Hoa cho là tốt, là đáng nhìn, là hướng Nam. Vì vậy mà người mình ngỡ câu hỏi của vua Tàu có ẩn ý muốn biết người Nhựt Nam quả có thần phục nước Tàu đến mức mà cả toàn dân đều thực hiện cái lịnh day mặt hướng Bắc hay không, còn câu đáp của ông Nhựt Nam cũng có ẩn ý rằng dân Nhựt Nam không thần phục Trung Hoa.

Đó là một ngộ nhận, chớ thật ra, vua Trung Hoa chỉ hỏi thật tình vì kém thiên văn và địa lý, còn ông Nhựt Nam cũng chỉ đáp thành thật mà thôi.

Ta lại ngộ nhận một lần thứ ba nữa, ta khen người Nhựt Nam đó biết binh vực cho tinh thần bất khuất… Việt Nam. Nhưng thật ra thì Nhựt Nam là đất Chàm, mà ai cũng cứ tưởng là đất Việt. Ta sẽ thấy rõ ở chương Chàm. Nếu có kẻ nào binh vực cho nước nào thì cái nước được binh vực là nước Chàm chớ không phải là nước Việt.

Nhưng không có ai binh vực ai cả, vì kẻ đó là người Tàu.

Cái ông Nhựt Nam đó tên là Trương Trọng, không phải là người Việt Nam hay người Chàm. Ông ta là người Tàu và được bổ nhiệm làm quan ở Nhựt Nam. Có dịp về Lạc Dương chầu Tàu, nên mới có câu chuyện trên đây.

Như vậy thì không có vấn đề “ái quốc”, vấn đề “binh vực thể thống quốc gia” như vài nhà học giả ta đã đưa ra để ca ngợi Trương Trọng. Đó chỉ là một ngộ nhận của vua Tàu, cả vua Tàu và Trương Trọng đều thành thật. Chỉ có ta là ngộ nhận thêm rằng vua Tàu quá tin nơi sự thần phục của “man di”, còn “man di Trương Trọng” thì lại biết binh vực màu cờ xứ sở Việt Nam. Trương Trọng là người Tàu đi trị man di, còn Nhựt Nam cũng không phải là đất của Việt Nam vào thuở đó, hay nói cho đúng ra đó là thuộc địa mới của vua Hùng Vương, người Chàm còn đông đặc ở đó.

Người Tàu Trương Trọng binh vực màu cờ Việt Nam làm gì, khi ông là người Tàu di cư đến Hợp Phố và đi trị Chàm?

Kết luận: Nhà Tần không bao giờ có đánh chiếm đất Bắc Việt ngày nào hết, câu sử của Tư Mã Thiên đã đính chánh mạnh tất cả mọi thuyết.

Chúng tôi không hề nhắm mắt mà tin Tư Mã Thiên như có một số sử gia đã tin, nhưng riêng câu sử trên kia thì Tư Mã Thiên phải được tin bằng lời bởi chúng tôi đã đưa ra nhiều sự kiện khác để chứng minh rằng nhà Tần không hề có chiếm Cổ Việt, tức Tư Mã Thiên bị kiểm soát cẩn thận.

Theo Ngô Sĩ Liên thì vào đời Đường và đời Tống, Trung Hoa lại kiểm soát lại một lần nữa tại Giao Châu và Lâm Ấp. Và đây là nguyên văn họ Ngô:

“Tống dựng nêu (ngomon) tại Lâm Ấp thì nhìn thấy mặt trời ở phía Bắc cây nêu 9 tấc 1 phân. Ở Giao Châu thì bóng ở phía Nam cây nêu 3 tấc 3 phân.

Nhà Đường đo bóng mặt trời ngày Hạ chí. Ở Giao Châu thì bóng ở phía Nam cây nếu, y như vào đời Tống”.

Nên biết rằng Ngô Sĩ Liên viết chữ Tàu nên phần trên của câu chuyện này có thể gây ngộ nhận, vì chữ Tàu là một thứ văn tự nói không rành mạch. Làm thế nào mà người đời Tống có thể thấy mặt trời ở phía Bắc cây nêu 9 tấc 1 phân được? Nói như ở phần sau là thấy bóng mặt trời (ở phía Nam) tức thấy bóng cây, thì ai cũng hiểu được hết.

Hễ bóng cây ở phía Nam (theo đoạn sau) thì mặt trời phải ở phía Bắc, nhưng sự kiện mặt trời ở phía Bắc không thể thấy được thì không nên viết như thế ở đoạn trước. Mà Tàu thì lại viết như thế về đủ cả vấn đề, khiến ta đọc sách Tàu nhức đầu lắm.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.