trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
29.9.2007
Tô Hoàng
Mùa len trâu: Những điều chưa nói…
 
Phim Mùa len trâu ra mắt báo giới lần đầu tại Liên hoan phim toàn quốc thứ 14 diễn ra tại Thành phố Ban Mê Thuột (2004). Thêm nhiều nhà báo đã xem phim này khi nó là ứng cử viên trong dịp xét tặng giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc đầu năm 2005 và túc tắc được chiếu giới thiệu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Qua những bài viết về phim, kết luận chung là ca ngợi bởi tạo hình đẹp, dàn dựng kỹ càng, câu chuyện cảm động... Nhưng chưa thấy nhà báo hoặc nhà điện ảnh chuyên nghiệp nào đụng chạm tới câu hỏi: Mùa len trâu đã cung cấp những đáp số nào cho hiện tình điện ảnh trăm ngàn mối rối của nước ta hiện nay?
Trước hết, phải can đảm mà cùng nhau công nhận điều này: Xem xong phim Mùa len trâu chúng ta thấy ngượng ngập vì tình trạng nghiệp dư hóa đến mức không còn chấp nhận nổi trong chất lượng phim ảnh của nước ta, từ những bộ phim được đầu tư lớn để phục vụ những yêu cầu chính trị đến những bộ phim giải trí xuất hiện gần đây đang được tung hô vì đạt doanh thu cao. Khỏi phải nhắc lại rằng Mùa len trâu kỹ càng về dàn dựng, về khâu tạo hình, khâu chiếu sáng, khâu tiếng động và âm nhạc. Chỉ nói riêng cốt truyện phim được triển khai trên một đề tài không mới nhưng đã khơi được cái tứ mới. Ðặc biệt cần nhấn mạnh đến sức khái quát của chủ đề Con người và Môi trường mà bộ phim đã vươn tới. Dàn diễn viên sắm vai những Kim, Ðẹt, Ban trong Mùa len trâu hoàn toàn là những gương mặt mới toanh, tuyệt nhiên không cần tìm tới hàng ngũ những ca sĩ ngôi sao, những người mẫu thời trang đã nổi danh, nhưng với cốt truyện ấy, với cách dàn dựng ấy, với cung cách tạo hình ấy… những người lần đầu xuất hiện trước ống kính lại tỏ ra rất chững chạc, rất có nghề, thực sự sống với vai diễn của mình.

Diễn tiến câu chuyện và sự phát triển tính cách của từng nhân vật trong Mùa len trâu thật tự nhiên, hoàn tòan hợp lý chứ không sắp đặt gượng gạo để thò lò cái đuôi thuyết giáo chủ quan của tác giả. Phim chân thực đến từng chi tiết mà lại bay bổng, vượt qua cái thực thường tình để đạt tới một tầm cao khác. Lâu lắm rồi, tiếp xúc với phim “nội”, người xem hầu như đã quên lãng thế nào là khái niệm “xi-nê-ma”, thế nào là “ngôn ngữ điện ảnh”. Chính Mùa len trâu đã khiến chúng ta giật mình thức tỉnh mà quay về với những gì hết sức cơ bản ấy!

Từ ngày đất nước bước vào thời kỳ Ðổi mới, với chất liệu Việt Nam, nhiều nhà làm phim trong nước và Việt kiều đều mong muốn tìm tới những thủ pháp mới mẻ trong cung cách biểu hiện; một cách nhìn nhận, xem xét mềm mại, thấu đáo, nhân bản hơn hiện thực đất nước này trong suốt mấy chục năm cách mạng và chiến tranh vừa qua. Không thể phủ nhận nhiều bộ phim đã đạt được ước muốn đúng đắn, chân thành đó. Nhưng lại phải nói luôn, cũng không thiếu những bộ phim vì cố muốn tỏ ra mới mẻ, hiện đại nên ngay trong cách thức dẫn chuyện, sắp xếp lớp lang tình tiết, nhân vật, trong thủ pháp dựng phim đã sa vào căn bệnh hình thức, trở nên lố lăng, khập khiễng, “đầu Ngô mình Sở”. Xét về nội dung, không khó khăn gì để nhận ra chỗ chưa thực sự thiện tâm; mang cái nhìn và cách định giá – nhẹ ra là sự hằn học, mỉa mai; nặng hơn là sự đả kích, xuyên tạc...

Phim Mùa len trâu bình tĩnh, lắng đọng hơn trong cảm nhận và phản ánh. Ðây có thể xem là một ví dụ rất đáng để những người làm phim suy nghĩ về một hướng khai thác mang đậm chất nghệ thuật, chất nhân văn về đề tài Việt Nam. Xét riêng ở phương diện biểu hiện, Mùa len trâu thể hiện rõ sự kết hợp khá nhuần nhuyễn, hữu cơ, có hiệu quả giữa yếu tố hiện đại và yếu tố truyền thống – điều mà lâu nay văn nghệ trong nước luôn cổ xuý, hô hào vươn tới. Riêng về mặt này, thiết tưởng cần có những công trình nghiên cứu, đề cập đầy đủ, sâu sắc hơn. Còn về ý tưởng và những gì tác giả gửi gắm qua phim, người xem nhận ra một cái tâm trong sáng, vị tha, không thù ghét, hằn học, biết hướng về cội nguồn để gạn chắt, nâng niu những gì là tốt lành, ấm áp, đáng trân trọng, đáng tự hào nhất trong tâm thức người Việt cũng như trong cuộc sống đầy thử thách nghiệt ngã mà dân tộc chúng ta đã và đang phải chiềng mặt hứng chịu.

Ðọc đến đây chắc có bạn tặc lưỡi: “Chuyện, tiền nào của ấy!”. Quả là Mùa len trâu đã được làm với kinh phí 1 triệu USD. Số tiền này quả là lớn so với tiền chi ra làm phim ở xứ mình; còn tại nhiều nước khác trên thế giới kinh phí sẻn so dành cho một bộ phim nhựa cũng phải vào khoảng 50, 60 ngàn USD. Nhưng cũng xin đừng quên, vài ba năm trở lại đây ở Việt Nam đã có những bộ phim “xài” tiền Nhà nước lên tới 16, 17 tỷ - tức cũng xấp xỉ cả triệu USD rồi!

Kể từ ngày tình hình sản xuất phim ở trong nước chịu tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường, tính đến nay đã 15, 16 năm trôi qua. Nhưng nền điện ảnh dân tộc vẫn đứng chênh vênh trên chiếc cầu bập bềnh giữa một đầu là cung cách làm phim theo kiểu bao cấp, lấy chính trị tư tưởng làm thước đo, coi nhẹ yếu tố giải trí, hấp dẫn; đầu bên kia là lọat phim nhắm tới số đông người xem thị hiếu thẩm mĩ tầm tầm, lấy doanh thu cao làm mục đích chính, coi nhẹ yếu tố nghề nghiệp và những yêu cầu nghệ thuật. Một câu hỏi nhức nhối đặt ra với những người làm phim có lương tâm là: Liệu có phim đạt yêu cầu nghệ thuật cao mà vẫn tìm được người xem (tức có doanh thu cao) không? Tiến xa hơn một chút, liệu có phim nào như thế mà lại bắc được cả nhịp cầu tới thị trường điện ảnh khu vực và thế giới không? Mô hình cụ thể của lọai phim ấy là như thế nào đây? Mùa len trâu là phim nghệ thuật, đạt tới những kích thước đáng nể trọng về ý tưởng và thẩm mỹ. Và cũng không ai phản bác, bộ phim này rất hấp dẫn, rất dễ xem, nếu công tác tuyên truyền, quảng bá làm thật tốt, nhất định phim sẽ cuốn hút người xem tới rạp, sẽ đạt doanh thu cao!

Vậy thì sao không dám thừa nhận Mùa len trâu là luống cầy đầu tiên khai phá thành công trên mảnh đất còn đang phải khổ công lần tìm, mầy mò một kiểu trồng cấy mới? Quanh bộ phim Mùa len trâu sao còn né ngại hoặc trù trừ không mở ra nhiều đợt tuyên truyền, cổ xuý thật rầm rộ, thật mạnh mẽ trên báo chí, trên truyền hình để nắn chỉnh lại cái gout thẩm mỹ của một bộ phận người xem, giúp họ hướng về những giá trị nghệ thuật và giải trí đích thực?

Vẫn còn chỗ ách tắc nào đây trong dòng mao mạch muốn được chuyển đổi để hội nhập!
Nguồn: Thể thao & Văn hóa số 58 ra ngày 14 tháng 6 năm 2005