trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
1.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Một địa bàn Âu nữa ở phía Tây nước Tàu xưa. Đó là Tứ Xuyên ngày nay và Cổ Thục xưa. Các nhà chủng tộc học cho biết rằng người Tàu Tứ Xuyên là người Hoa gốc Thái. Chúng tôi học cổ ngữ Ba Thục và cũng thấy như vậy. Đó là không kể địa bàn Vân Nam mà ai cũng biết.

Thế thì địa bàn của Thái liên tục và lớn hơn địa bàn Lạc, nhưng chỉ toàn vùng núi rừng.

Lúc mới đi học cổ ngữ Ba Thục tại Sài Gòn, chúng tôi thấy danh từ Cổ Thục quá giống danh từ Việt, chúng tôi ngỡ họ là hậu duệ của lính của An Dương Vương, nhưng xét kỹ ra thì không phải.

Người Hẹ di cư tới Sài Gòn là di cư thẳng từ Quảng Tây chớ không phải là hậu duệ của lính An Dương Vương. Hơn thế, cổ ngữ Ba Thục, cổ ngữ Tây Âu và kim Việt ngữ đều giống kim Mã Lai ngữ. Như vậy là đồng gốc Mã Lai mà ra, chớ không phải Khách Gia bên Tàu nhờ là hậu duệ của An Dương Vương nên biết tiếng Việt, hậu duệ này của An Dương Vương ở lại Cổ Việt để thành Lạc Việt hoặc để thành Thái thượng du, trước cuộc xâm lăng Thái đời Đường. Khách Gia đó là con cháu thẳng dòng của dân nước Ba và nước Thục.

Ta cần đặt ra câu hỏi này: “Khi An Dương Vương bị Triệu Đà diệt, có thể nào mà lính của ông ta chạy thối lui về Quảng Tây để hai ngàn năm sau di cư tới Chợ Lớn hay không?”.

Ta trả lời dễ dàng rằng không có, vì sử chép rằng ông ấy trị vì tới 49 năm. Sau 49 năm không còn người lính nào mà còn tại ngũ được cả. Ông ta đã thu nạp các Lạc Tướng của Hùng Vương được rồi thì hẳn ông ta cũng không có mộ thêm người Ba Thục trẻ di cư xuống Tây Âu để bổ sung cho lính già mà có vấn đề chạy thối lui.

Như vậy người Khách Gia ở Chợ Lớn không hề biết tiếng Việt Nam trước khi di cư tới Nông Nại Đại phố hay Chợ Lớn và họ không phải là con cháu của lính An Dương Vương.

Nếu có những người lính quá già còn sống sót vào đời Triệu Đà, họ cũng không chạy đi đâu cả vì cái lẽ là họ đã quá già, đã thành người Lạc Việt rồi.

Con cháu của họ cũng đã bị đồng hoá với Lạc Việt nên chẳng chạy đi đâu hết.

Thế thì Ba Thục là Âu tức Thái, mà Thục, Âu, Lạc gì cũng là Mã Lai tuốt hết.

Nếu việc đối chiếu sọ không nói lên gì được đối với những người không chuyên môn thì chương đối chiếu ngôn ngữ sẽ cho thấy cổ ngữ Ba Thục, cổ ngữ Tây Âu là một với kim ngữ Việt Nam, tất cả đều là Mã Lai.

Chúng tôi lại tìm ra một địa bàn khác của cái chi Âu này vào thời Chiến quốc, ở dưới sông Dương Tử một chút. Tả Khâu Minh có nói đến một nước La, một dân tộc La dưới đời Chiến quốc, lập quốc đối diện với một nước của dân tộc Bộc Việt, tại cái nơi tên là bình nguyên Vân Mộng, ở gần hồ Động Đình.

Danh xưng La ấy, ngày nay cũng còn và Tàu dùng để chỉ dân Lô Lô, tức cũng là dân Âu, tức Thái (xin xem chương sau về địa bàn cổ thời của chi Lạc).

Địa bàn Quý Châu thì khỏi phải thắc mắc vì Nam Quý Châu hiện nay là địa bàn của dân Thái. Một ông cố đạo Pháp cho rằng dân Thái ở Nam Quý Châu là lính Thục của Tần Thỉ Hoàng, họ tàn sát hết đàn ông Miêu ở đó, rồi lấy đàn bà Miêu, sanh con đẻ cháu đến ngày nay.

Đó là một ức thuyết sai hoàn toàn. Quý Châu là địa bàn Lạc Thái từ thời thượng cổ, bằng vào một quốc gia mà sử nhà Thương, cho biết tên là nước Quỹ Phương.

Sử Tàu cho biết nước Quỹ Phương ở phương Nam của họ, cái phương Nam đó, rất là đích xác, nhưng các sử gia của ta chỉ giữ có một chữ Nam, rồi phỏng đoán lung tung.

Nước Quỹ Phương này được họ nói đến hồi thời nhà Thương, chớ không phải về sau này, mà như thế thì cái phương Nam ấy là phương Nam của địa bàn thứ nhứt của Hoa chủng ở đất Việt đời Hạ mà chúng tôi đã có trình bày rõ ở chương “Nguồn gốc Hoa chủng” tức chương “Chủng Trung Mông Gô Lích”, đó là phương Nam của đất Kinh Man, nơi mà đến đời Chu người Tàu lai Việt ở đó lập ra nước Sở.

Tuy nhiên, vẫn chưa biết nước Quỹ Phương ở đâu.

Sử Tàu chép rằng họ có đánh giặc với nước Quỹ Phương đó dưới đời nhà Ân, tức mạt diệp của đời Thương. Không nghe thắng bại sao cả, Tuy nhiên, cuộc chiến tranh đó cũng cho ta đoán biết rằng nước Quỹ Phương hẳn phải văn minh và tài giỏi, vì có bằng chứng rằng sau chiến tranh, họ còn y nguyên là một nước, chớ không có bị Trung Hoa tiêu diệt y như bất kỳ nước nào đã đánh nhau với Trung Hoa, trừ Đại Hàn và Việt Nam.

Quả thật thế, đền đời Chu thì sử Tàu lại chép rằng một dòng quý tộc Trung Hoa đã cưới con gái nước Quỹ Phương làm vợ, sanh con, và cháu của y, về sau là Hùng Dịch, được vua nhà Chu phong cho ở nước Sở.

Sử Tàu không hề nói phong cho Hùng Dịch về quê ngoại hay quê cố ngoại y, tức nước Quỹ Phương không phải là nước Sở. Đó là bằng chứng Quỹ Phương không ở trong đất Việt Kinh Man, mà ở dưới nữa. Và đó là dấu hiệu văn minh thứ nhì của nước Quỹ Phương; vì quý tộc Trung Hoa hẳn đâu có cưới gái Miêu quá xấu xí để làm vợ.

Kể ra thì cổ sử Tàu có nói đến hàng trăm nước mà nhiều nước nay không biết ở đâu, nhưng ta thích tìm biết Quỹ Phương vì nước đó bị tình nghi là nước Việt Nam cổ thời, bởi trong truyền thuyết của ta, có chuyện Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân, và có triuyền thuyết nói tên nước ta xưa là Xích Quỷ.

Sách địa lý Tàu Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ ngày nay, khẳng định rằng nước Quỹ Phương đích thị là tỉnh Quý Châu, Quỷ biến ra Quý.

Xét ra thì không đúng. Bên Tàu có câu tục ngữ tả tỉnh Quý Châu, na ná như thế này: “Xứ đi ba thước thì gặp núi, đã ba ngày không thấy mặt trời một lần”.

Một vùng đất như vậy, khó lòng mà giúp cho một dân tộc nào đó dựng lên một nước khá văn minh được tại nơi ấy.

Bắc Quý Châu, hiện nay là địa bàn của người Miêu, mà có lẽ xưa kia cũng thế. Người Tàu không sống nơi đó được, trừ ở tỉnh lỵ và các huyện lỵ, thì họ không giành làm gì với người Miêu, và nhờ thế mà cho đến nay, qua năm ngàn năm rồi mà Miêu tộc cứ còn đất rất nhiều.

Đó cũng là đất của chủng Thái nữa, Thái, Miêu sống lẫn lộn ở đó.

Dầu sao, nước Quỹ Phương cũng không thể là của Miêu tộc vì theo các cuộc nghiên cứu dân tộc học thì cho đến ngày nay mà người Mèo vẫn còn bán du mục, chăn nuôi giỏi hơn là làm ruộng, thì cách đây trên ba ngàn năm, họ không thể đánh giặc với Trung Hoa mà còn giữ được nước, cũng không thể có con gái gả cho quý tộc Trung Hoa được.

Nước Quỹ Phương không thể là của người Mèo, mà cũng không thể nằm tại Bắc Quý Châu, vì hầu hết các sử gia đều truy ra được rằng dưới đời Tần tỉnh Quý Châu tên là đất Dạ Lang, đất chớ không phải nước, như vài sử gia đã viết.

Quả đúng là Dạ Lang không phải là tên nước và mãi cho đến hồi nào không thấy sử Tàu chép, mà chỉ còn đất không có tổ chức và bị Tàu đặt tên là quận Kiện Vi?

Quả đúng Dạ Lang không phải là tên nước và mãi cho đến cuối thế kỷ XVII, Trung Hoa mới vào được vùng ấy, không phải vì ở đó có một nước rất mạnh mà vì nơi đó là núi rừng nhiều sơn lam chướng khí, đất lại quá xấu nên người Tàu không nỗ lực quân sự ở đó làm gì, với lại nó nằm trọn vẹn trong lãnh thổ Trung Hoa, không phải ở biên giới nên họ không vội.

Có thể nào mà là một nước của người Thái hay không? Chắc là không vì Thái không có truyền thuyết đánh giặc Ân như ta, truyền thuyết thì ngày nay, đến cả nhà bác học cũng không dám xem thường. Truyền thuyết ấy lại ăn khớp với sử Tàu là nhà Ân tức nhà Thương quả có đánh nhau với nước Quỹ Phương.

Cảm giác của người Việt rằng nước Quỹ Phương là nước của ta, có căn cứ chớ không phải là không, vì truyền thuyết của dân tộc, luôn luôn chứa đựng ít nhiều sự thật trong đó.

Còn tại sao Quỹ Phương lại biến thành Xích Quỷ trong truyền thuyết của ta thì ta sẽ biết ở một chương sau, chỉ có điều là những học giả không tin truyền thuyết của dân tộc nói rằng lẽ nào tổ tiên ta lại đặt tên nước xấu đến thế: “Con quỷ đỏ” (Nhượng Tống).

Nhưng chúng tôi có bằng chứng rằng nhiều quốc gia lấy quốc hiệu 10 lần xấu hơn Xích Quỷ nữa, chẳng hạn như nước Xiêm.

Xiêm là biến thể Việt Nam của Syăm. Mà Syăm là tiếng Mã Lai có nghĩa là binh, đúng ra là Săm bu.

Tại sao ngày xưa người Thái Lan lại đặt tên nước họ là nước “Tù Binh” thì chúng ta sẽ thấy ở một chương sau. Dầu sao sự kiện ấy cũng cắt nghĩa được tại sao ta lại có tên nước là “Quỷ đỏ” rất xấu xí.

Như vậy nước Quỹ Phương có thể là một quốc gia Thái Việt ở Nam Quý Châu, ở đó, đất ít núi rừng hơn Bắc Quý Châu, và ta đã mất nước đó trong tay người Thái hiện tồn tại ngày nay ở đó, không rõ vào thời nào.

Hoặc nước Quỹ Phương có lẽ tự diệt. Trong lãnh thổ Việt Nam có hai nước tự diệt đó là nước Xá của người Giarai và nước của người Mạ. Họ đã thống nhứt các bộ lạc rồi thì vì một lẽ gì không ai biết, lại tan rã và trở lại chế độ bộ lạc như cũ.

Trở lại giả thuyết của ông cố đạo khi nãy.

Nước Sở bành trướng ra phía Đông chớ không có ăn xuống đất Quý Châu, và tướng nước Tần là Vương Tiễn, diệt Sở ở Hồ Bắc và Hồ Nam rồi thì rượt tàn quân của Sở ra An Huy, không bao giờ có xuống Quý Châu cả. Đành rằng trong quân đội Tần Thỉ Hoàng hẳn phải có người Thục bị bắt đi lính, nhưng lính đó không bao giờ bị đưa xuống Quý Châu, vì Quý Châu ở nhiều địa bàn của nước Sở, mà dân Mèo chưa lập quốc nên nhà Tần không có bao giờ đánh vùng núi rừng mà Tàu ở không được ấy làm gì.

Dưới đời Hán, Trung Hoa gọi nơi đó là đất Dạ Lang chớ không phải nước Dạ Lang. Có lẽ nước Quỹ Phương ở phía Nam địa bàn Miêu tộc, đã bị diệt rồi, không biết vì sao.

Nhà Hán có đánh chiếm Dạ Lang, nhưng rồi cũng bỏ vì người Tàu không ở được vùng núi rừng, và thổ dân ở Quý Châu giữ được một thứ độc lập trên thực tế cho tới năm Mao Trạch Đông lên cầm quyền, nỗ lực triệt để để trị họ, bằng cách ban cho họ một chế độ đặc biệt mệnh danh là tự trị, nhưng không rõ thực trạng ở đó nay ra sao.

Như vậy thì chi Âu có địa bàn liên tục từ Tây Bắc đến Đông Nam và Tây Nam nước Tàu, sát với địa bàn của chi Lạc.

Xem cái địa bàn liên tục của Cửu Lê ra sao:

Âu Thục: Tứ Xuyên

Lạc Lê: Hồ Nam

La: Hồ Bắc, Hồ Nam

Dạ Lang: Quý Châu (Âu + Lạc + Miêu)

Đông Âu: Nam Triết Giang, Bắc Phúc Kiến

Tây Âu: Quảng Tây, Quảng Đông

Điền: Vân Nam

Địa bàn ấy liên tục và chiếm đến 8 tỉnh của Trung Hoa ngày nay.

Địa bàn của chi Lạc nằm sát đó, nhưng chi Lạc chiếm các đồng bằng phì nhiêu và các vùng ven biển, còn chi Âu thì chỉ chiếm các vùng núi non hiểm trở.

Xem địa bàn của chi Lạc ở chương sau, ta thấy chi Lạc chiếm đến 12 tỉnh rưỡi của Tàu, mà toàn là đất tốt không mà thôi, nhưng diện tích thì nhỏ hơn.

Nhưng địa bàn của chi Lạc bị chi Âu ngăn làm đôi, tại cái quốc gia tên là Đông Âu (Nam Triết Giang và Bắc Phúc Kiến). Ta nên nhớ rằng (chương III) dân Phúc Kiến, tức dân Mân, cũng là “rợ Lạc”. Thế thì chi Âu đã thọc ra bờ biển, ngăn đôi Lạc Cối Kê với Lạc Thất Mân. Có lẽ đó là một nhóm Âu đi lập quốc riêng, nhưng âm thầm vâng lệnh một ý chí tiềm ẩn của dân tộc là tìm một con đường ra biển Đông, mặc dầu họ cũng đã có bờ biển rồi ở Quảng Đông. Nhưng bờ biển giữa U Việt và Mân Việt giúp họ giao thương với Trung Hoa tiện hơn là bờ biển Quảng Đông, bọn Âu ly khai đi dựng nước Đông Âu, có lẽ chỉ ly khai vì bất đồng quan điểm chánh trị với toàn khối nhưng sự thật bên trong thì đó là bản năng tiềm tàng của cả toàn khối, cố tìm một đường sống tốt hơn.

Hai chi Âu và Lạc lập quốc gần với nhau và chi Lạc hùng cường hơn, nhưng văn minh thì như nhau. Thí dụ nước Thục và nước U Việt ở Cối Kê có mặt cùng lúc dưới thời Chiến quốc, nhưng nước U Việt được làm Bá, còn nước Thục thì bị diệt quá sớm. Nhưng nước U Việt không có phát minh nghề sơn mài như nước Thục. Trái lại U Việt giỏi nghề đúc đồng pha và nổi danh về kỹ thuật đúc gươm và đúc trống.

Chi Lạc nổi danh giỏi thuỷ vận chỉ nhờ chiếm được địa bàn có nhiều sông ngòi nhứt ở Trung Hoa, và chính họ phát minh ra kỹ thuật dẫn thuỷ xuất điền và nhập điền cho toàn cõi Á Đông gió mùa (Asie des mossons) mà cổ sử Trung Hoa nhìn nhận rằng đã phải học với họ (H. Maspéro).

Và cả hai địa bàn đều có biên giới chung với nhau ít lắm cũng từ Hà Nam, Sơn Đông cho tới Phúc Kiến.

Tới đây ta mới thấy tài của trí thức Trung Hoa vào cổ thời. Họ làm việc rất là ý thức, mặc dầu sách của họ có vẻ hỗn loạn lắm. Nhưng ta phải biết dùng tài liệu rắc rối của họ, mới thấy được sự thật.

Đã nói rằng chữ Việt nguyên thỉ là cái đuôi của chữ Việt bộ Nguyệt mà ta gọi là bộ Mễ.

Chữ Việt thứ nhì là Việt bộ Mễ, dùng để chỉ dân Việt ở nước Sở, tức là thứ dân Việt hỗn độn trong đó có chi Âu mà cũng có chi Lạc.

Nhưng đến thời Việt Câu Tiễn thì họ biết rõ là có hai chi, nên lại dùng chữ Việt thứ ba là Vượt, để chỉ dân Câu Tiễn.

Lúc đánh dẹp hai bà Trưng, họ cũng lại biết dân ta thuộc chi Lạc, tức chi ở Cối Kê, nên lại dùng chữ Việt thứ ba cho dân ta. Còn với dân Âu ở Quảng Đông thì họ dùng chữ Việt thứ nhì là chữ Việt xô bồ, với mục đích phân biệt chi Lạc với chi Âu.

Sự phân biệt ấy không cho phép ta lầm lẫn nước Nam Việt của Triệu Đà với nước Âu Lạc của ta vì Việt Quảng Đông viết với bộ Mễ ngay từ thuở đó, chớ không phải mới được sửa đổi từ ngày vua Quang Trung đòi hỏi cái đất Nam Việt ấy mà nghi rằng họ sửa đổi để dễ chối cãi.

Việt và Thái cùng một gốc mà ra, là hai chi của Mã Lai chủng thì có tương đồng giữa Việt và Thái, không cần phải cắt nghĩa, hơn thế, không nên cắt nghĩa sai như các nhà bác học Âu Châu. Thấy ngôn ngữ Việt và Thái giống nhau, họ cứ nói là ngôn ngữ ta do gốc Thái mà ra, trong khi đó thì sọ của ta lại gần gốc tổ Mã Lai hơn là sọ của Thái thì đáng lý ra họ phải nói ngược lại. Và như thế thì cuộc sắp loại các ngôn ngữ Á Đông của các nhà ngôn ngữ học quốc tế đã sai cả, phải thay tên “Nhóm ngôn ngữ Thái” bằng tên “Nhóm ngôn ngữ Việt Nam” mới đúng.

Chủ trương của chúng tôi chỉ vì sự thật khoa học mà thôi chớ không có mục đích tranh ăn trên ngồi trước với một dân tộc đồng chủng làm gì

Vả lại, như sẽ chứng minh, Âu hay Thái hay Việt Nam gì cũng đều là Mã Lai hết thì không có ai ở trên ai cả.

Nhưng các ông không biết điều đó, ngỡ Thái và Việt Nam thuộc hai chủng riêng thì cũng cho qua đi, nhưng tại sao họ cứ bắt ta làm học trò của Thái, của Cao Miên, mà không bắt trái ngược lại trong khi Thái và Cao Miên còn ăn cơm bằng tay, mà ta thì đã dùng đũa từ lâu đời lắm rồi.

Các nhà bác học Âu Châu quả có ăn hiếp dân Việt Nam thật sự về khoản này. Tổng số dân Thái ở Đông Nam Á hiện nay thấp hơn tổng số dân Việt Nam, thế mà họ lại nghĩ Việt Nam từ Thái mà ra, mà không hề nghĩ Thái từ Việt Nam mà ra. Chẳng qua là hồi tiền 1945 ta bị trị, còn Thái thì có một đại diện độc lập là nước Xiêm. Họ được cầm cờ vì họ có đời sống quốc tế, ta phải chịu làm đàn em vậy. Mà như thế là phản khoa học.

Việt Nam đồng ngữ vựng và ngữ pháp với Thái vì cùng một gốc mà ra, chớ không phải là ta vay mượn như các nhà ngôn ngữ học đã nói, mà lại nói rằng vay mượn của Thái Vân Nam nữa (sao lại đích xác quá thế trong khi không có bằng chứng, hơn thế, có bằng chứng ngược lại). Lá cây, cổ Thục, cổ Tây Âu và hiện nay Khách Gia và Quảng Đông đều nó là La, , còn Thái Vân Nam thì nói là Bai.

(Người Quảng Đông dùng song song hai danh từ, danh từ Tàu đọc sai là Dịp, tức Diệp của Hán Việt, và danh từ cổ Tây Âu là ).

Địa bàn Thái ở Quảng Tây và Bắc Việt liên tục với nhau, còn địa bàn Thái ở Vân Nam không được liên tục suôn sẻ như Quảng Tây và Bắc Việt chút nào. Thái Bắc Việt và Thái Quảng Tây chớ không phải Thái Vân Nam.

Sự kiện có nhiều cổ vật bằng đồng ở Vân Nam vì có dịp tìm kiếm ở đó, họ chưa hề tìm kiếm ở Quảng Tây nhiều được.

Nhà bác học ngôn ngữ danh tiếng Benedict, vì không biết chủng tộc học, nên đã lầm, gọi Miêu tộc ở Hoa Nam là Indonésien. Theo quan niệm của ông, hễ ai kém mở mang là ông bỏ vào cái bị Indonésien chớ không riêng gì Miêu tộc. Vài nhà bác học khác cũng thế.

Vì vậy mà ông P. Benedict mới chủ trương rằng Thái Hoa Nam có lai giống với Indonésien!!!

Hẳn ông không biết rằng Indonésien là Cổ Mã Lai và hẳn ông cũng không biết Thái thuộc Cổ Mã Lai. Nếu ông biết mà còn nói thế thì hoá ra Thái có lai giống với Thái là nghĩa làm sao?

Sọ và ngôn ngữ Miêu khác hẳn sọ và ngôn ngữ của Mã Lai, không nên thấy Miêu kém mở mang mà gọi họ là Cổ Mã Lai được.

Tóm lại, đọc sách của các ông Tây ngày nay, ta vẫn phải cẩn thận y như đọc sách các ông Tàu có đã hai ngàn năm vì cả hai ông thầy ấy của ta đều ăn nói lộn xộn.

Tác phẩm của Benedict được giới khoa học xem là một khám phá quan trọng về chủng Thái, nhưng tác giả chỉ đúng về mặt ngôn ngữ để làm cái việc khám phá đó. Công của ông có lớn thật, nhưng ông cứ còn gây ngộ nhận với danh xưng Indonésien mà ông biến thành danh từ với cái nghĩa “man di”.

Riêng nhà bác học G. Coedès thì dùng danh xưng Indonésien để chỉ Lạc trong câu: “Người Thái và người Indonésien, trước khi Nam thiên, bị chủng Cơ Me chọc thủng vào giữa khối và chia họ ra làm hai, một cánh đi về phía Bắc đến Quý Châu, đó là cánh Thái, một cánh đi về phía Nam, đó là cánh Indonésien.

Ở đây danh xưng Indonésien của ông G. Coedès rõ ràng là ám chỉ chi Lạc không còn ngờ gì nữa. Tuy nhiên, ông vẫn sai về sự kiện, vì thật ra thì không hề có việc Cơ Me chọc thủng cái khối đó. Cơ Me, từ Tây Khương tiến ra ngoài, rồi thì rẽ ngay tay phải, xuống Vân Nam để tràn vào xứ Lào ngày nay mà lập quốc ở đó, chớ không có bao giờ ra tới Quảng Tây nữa, chớ đừng nói là ra tới biển thì việc tách hai cái khối Thái Việt đó không bao giờ có xảy ra. (Nước Chơn Lạp ban đầu nằm tại đất Lào ngày nay).

Nhóm bác học Viễn Đông Bác Cổ gồm người nghiên cứu văn minh Cao Miên đông hơn nghiên cứu văn minh Trung Hoa, vì người Âu Châu có khuynh hướng mê say kiến trúc đồ sộ mà họ cho là dấu hiệu văn minh cao, còn cơ cấu tế nhị của văn minh Trung Hoa, họ không thấy. Mặc dầu vậy, sử Việt vẫn được biết rõ hơn sử Cao Miên, ít lắm cũng từ năm 330 T.K. cho tới nay.

Ông G. Cocdès chỉ là người chuyên môn về Ấn học (Indianiste) chớ không là Hoa học (Sinoloque) nên mới lầm như thế.

Sự thật thì Quý Châu là đất của Thái từ cổ chí kim, và họ không hề bị Cơ Me đẩy lên đó. Và sự thật thì nếu tiếng Việt có giống tiếng Cao Miên là vì lý do đồng chủng Mã Lai, y hệt như nó giống tiếng Thái, tiếng Miến Điện, tiếng Tây Tạng, tiếng Thượng Cao nguyên chớ không có gì lạ hết. Ta sẽ thấy như vậy ở các biểu đối chiếu trong chương ngôn ngữ.

Theo lời cụ Vương Hồng Sển, nguyên quản thủ Bảo tàng viện Sài Gòn, thì chính các nhà bác học phái Sinologie đã than rất tiếc rằng đa số các ông Tây đều nhảy sang phái Indianisme vì mê chuyện ngoạn mục, trong khi môn Sinologie cần người hơn vì văn minh Trung Hoa tuy kém ngoạn mục, nhưng trái lại sâu sắc tế nhị hơn và vì thế mà khó nhọc hơn, cần phải đông người, mà than ôi, lại chỉ có quá ít người.

Khi khai quật những ngôi cổ mộ bằng gạch ở Lạch Trường, nhà khảo cổ O. Jansé rất ngạc nhiên mà thấy mộ ấy giống mộ cổ ở Tứ Xuyên, cả hai đều cổ lối 2 hoặc 3 trăm năm T.K., tức không phải là mộ Trung Hoa rồi vậy.

Thế nên rồi ông O. Jansé gọi “Việt Nam là cái ngã ba của dân tộc và các nền văn minh”. Ông O. Jansé đã lầm to, chỉ vì ông không biết những đẳng thức sau đây mà quý vị sẽ thấy qua các chương sách này:

Tứ Xuyên = Thục

Thục = Âu

Âu = Việt

Như vậy nếu cổ mộ Tứ Xuyên giống hệt cổ mộ Lạch Trường thì còn là lạ nữa, và có gì đâu mà là “Ngã ba của các dân tộc và nền văn minh”?

Chúng tôi đã đề cao tài quật thám của ông O. Jansé, nhưng ngoài cái tài đó, ông đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Đó cũng là một nhà bác học không tinh thông môn Hoa học, nhưng lại bị biệt phái oan uổng sang khu vực ảnh hưởng Trung Hoa.

Thái và Việt giống nhau cho đến đỗi trông cứ như là một.

Bốn tượng đồng gắn trên nắp bình đồng Đào Thịnh cho ta thấy những Cổ Việt mặc sà rong, một thứ sà rong ngắn của nông dân Lào ngày nay, sà rong mặc tạm để làm việc trong nhà hoặc ngoài đồng, khác với sà rong đi chùa hay đi chơi.

Còn người Việt Khê thì thổi kèn, một cây kèn giống hệt cây Khène của Lào và KènKhène chắc chắn là hai danh từ đồng gốc mà ra, chỉ có khác là người Đông Sơn bịt khăn, còn người Thái thì không.


*


Tới đây thì truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của dân tộc phải được hiểu lại. Đó là chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra 100 cái trứng, nở ra 100 người con, 50 theo cha xuống biển, 50 theo mẹ lên rừng.

Cho tới nay, người ta cứ xem đó là sự ám chỉ đến sự ly khai giữa Việt Nam và Mường + Thượng. Nhưng thật ra thì không phải thế.

Truyền thuyết này ăn khớp với hai danh tự xưng Âu và Lạc và đặc điểm của hai chi đó. Chi Âu chiếm toàn địa bàn (Âu Cơ là tiên, đem con lên rừng mà ở) còn chi Lạc thì chiếm toàn địa bàn sông ngòi ở ven biển (Lạc Long Quân là rồng nên đem con xuống biển).

Truyền thuyết này không cho thấy dây liên hệ nào của người Mường và người Thượng với hai nhơn vật của truyền thuyết, mà chỉ có sự kiện lên núi rừng, mà sự kiện này cũng ăn khớp với chi Âu, nhưng với chi Âu thì nó lại ăn khớp hơn vì còn dây liên hệ ở danh tự xưng Âu và Lạc.

Như ta vừa thấy, địa bàn của chi Âu của chủng Mã Lai toàn là địa bàn núi rừng, còn địa bàn của chi Lạc thì toàn là địa bàn sông biển. Lạc Long Quân ở đây là chi Lạc, còn Âu Cơ là chi Âu, cả hai đều ở trong chủng Mã Lai.

Và ta có thể đoán được thời điểm ra đời của truyền thuyết. Truyền thuyết ra đời từ ngày dân Cửu Lê tách ra làm hai chi rõ rệt, chi Âu và chi Lạc. Sự ly khai ấy có lẽ xảy ra sau khi Cửu Lê bị Hiên Viên đánh đuổi, toàn thể Âu vượt sông Hoàng Hà, nhưng Lạc thì chia hai, một số vượt Hoàng Hà, một số theo đường biển sang Đại Hàn, Nhựt Bổn, Đài Loan, Hải Nam và Đông Nam Á lục địa, tức Đông Dương. Ta sẽ thấy khoa khảo tiền sử chứng minh như vậy.

Rời đồng bằng Hoa Bắc rồi thì Âu chiếm địa bàn núi rừng ở Hoa Nam cho tới ngày nay, còn Lạc thì vừa chiếm địa bàn sông ngòi Hoa Nam vừa chiếm địa bàn sông ngòi ở các đất mới.

Và danh xưng Âu có lẽ xuất hiện ngay từ thời Hiên Viên đó.

Truyền thuyết trên đây bị ai đó không rõ, hệ thống hoá quá rõ ràng đích xác, làm như đó là sự thật, và Âu Cơ lại hoá ra là cháu năm đời của vua Thần Nông là vua Tàu.

Nhưng trong thư tịch Trung Hoa cũng có ghi chép về thế phả Thần Nông, lại không hề có cái tên Âu Cơ này. Sự kiện đó không có nghĩa là họ sai, vì họ có thể chỉ chép con trai mà bỏ con gái.

Nhưng truyền thuyết của ta, bị lịch-sử-hoá, thấy rõ là sai. Ở hai châu Kinh và Dương có hàng trăm ông vua vừa Tàu vừa Việt chớ không hề có một ông vua độc nhứt là Tàu lai Việt mà ta gán cho cái hiệu là Kinh Dương Vương và tên là Lộc Tục.

Tóm lại, truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của ta chỉ là truyền thuyết, đừng tưởng rằng đó là sử. Nhưng cũng nên nhớ rằng truyền thuyết luôn luôn chứa đựng sự thật nào đó, nó chỉ chiếm một phần trăm của toàn truyện mà thôi.

Cái sự thật đó là LạcÂu sống chung với nhau, Âu chiếm địa bàn núi rừng, Lạc chiếm địa bàn sông ngòi, ven biển, hai nhóm đó xưa kia là một, được Tàu gọi là Cửu Lê, và họ tách ra làm hai, chính từ ngày mà Lạc làm cách mạng, theo phụ hệ, còn Âu thì giữ mẫu hệ cố hữu.

Tách hai xong, họ vẫn còn sống cạnh nhau hoài cho đến ngày nay.


*


Dưới đây là bản đồ hệ thống hoá do Ngô Sĩ Liên ghi ra trên giấy.

Truyền thuyết của Tàu cho rằng Thần Nông, sáng lập nông nghiệp, là vua trực tiếp của họ. Truyền thuyết Việt Nam lại chỉ nhận Thần Nông là ông tổ lai căn xa xôi mà thôi. Cháu ba đời của Thần Nông là Đế Minh.

ĐẾ MINH (Tàu)
ĐẾ NGHI (Tàu)
Mẹ Tàu
LỘC TỤC (Tàu lai)
Mẹ là Vu Tiên Nữ (Việt)
ĐẾ LAI (Tàu)
LẠC LONG QUÂN (Tàu lai)
+ cháu gái họ là Âu Cơ
TỔ BÁCH VIỆT
ÂU CƠ (gái Tàu)

Truyền thuyết của ta cũng nhiêu khê lắm. Cứ theo truyền thuyết đó thì Lạc Long Quân lấy cháu họ của mình vì bà Âu Cơ là con Đế Lai.

Theo chế độ mẫu hệ kia thì được, vì con theo hệ của mẹ chớ không theo hệ của cha, và anh em, chị em nhà chú nhà bác có thể lấy nhau.

Nhưng dầu sao, tước bỏ hết những huyền hoặc trong đó, cũng còn lại Việt có lai Tàu rất là xa xôi, chớ không là hậu duệ trực tiếp của Tàu.

Nhưng điểm đó lại mâu thuẫn với khoa khảo tiền sử là Mã Lai Hoa Nam lúc di cư là thuần Mã Lai.

Như thế thì ta phải tin khảo tiền sử hơn. Nhưng truyền thuyết đã kể như vậy thì ta cũng không thể bỏ qua. Ta giả thuyết rằng kẻ lãnh đạo của Mã Lai đợt II di cư đến Cổ Việt có thể là Tàu lai thật sự, một đứa con rơi không được Tàu chấp nhận nên làm Việt, hoặc làm Việt vì đã nắm được quyền lãnh đạo một nhóm Việt.

Mà như vậy thì đó là truyền thuyết của Mường là Mã Lai đợt II gốc Hoa Nam, chớ không phải truyền thuyết của ta vì ta đa số là Mã Lai đợt I.

Dầu sao Mã Lai đợt II ở Cổ Việt cũng đã hợp tác lớn lao với vua Hùng Vương và chính họ đã đưa trống đồng tới, thì ta cũng xét tới cùng về truyền thuyết của họ mà ta cũng xem là của tổ tiên ta, vì hiện nay không còn người Việt Nam nào mà biết mình thuộc đợt I hay II nữa cả. Người Mường chỉ bất hợp tác với Mã Viện mà tách riêng ra chớ trước đó, trong nhiều trăm năm, họ đã hợp tác chặt chẽ với vua Hùng Vương, đã lai giống đợt I tại Giao Chỉ rất nhiều, bằng chứng là ngôn ngữ ta đầy dẫy danh từ của Mã Lai đợt II, còn ngôn ngữ Mường thì cũng chứa đựng khá nhiều danh từ của đợt I.

Nhượng Tống không biết rằng ta là Mã Lai hỗn hợp nên đã mắng Ngô Sĩ Liên tắt bếp khi Ngô Sĩ Liên đưa truyền thuyết Mường vào sử ta (ta sẽ biết rõ người hơn ở chương Làng Cườm).

Nhưng Ngô Sĩ Liên đã có lý hẳn hòi mà làm như vậy vì sự hợp tác quá lớn lao giữa đợt I và đợt II ở Giao Chỉ, trước khi Trung Hoa đến nơi.

Họ Nguyễn hay họ Trần là con cháu Hùng Vương, họ Lê hay họ Phạm là con cháu của Mường, thật không còn ai biết nữa cả.

Trái lại các nhà ngôn ngữ học biết rằng Việt ngữ tách rời khỏi Mường ngữ không lâu lắm. Họ nói không minh bạch, chớ đáng lý gì phải nói Việt ngữ tách khỏi Mã Lai ngữ đợt II không lâu lắm và riêng chúng tôi sẽ có bằng chứng là tới thế kỷ XVII ta vẫn còn dùng Mã Lai ngữ chưa biến dạng và cho đến thời Minh Mạng, tức đến thế kỷ XIX, ta vẫn còn gọi Thuận An là cửa Eo. Eo là danh từ Mã Lai đợt II mà ta dùng không có biến một âm nhỏ nào hết.

Vậy truyền thuyết Mường có giá trị như là truyền thuyết của ta và xin trở về với ông Tàu lai Việt là Lạc Long Quân.

Sự lai giống đó là vua Việt lai giống chớ không phải là dân Việt. Ngay ở chương sau đây, nghiên cứu về chủng Mã Lai, khoa khảo tiền sử cho ta biết rằng Mã Lai không hề có lai giống với Tàu trước khi di cư xuống Cổ Việt.

Một người ngoại quốc, nhảy lên làm vua của một dân tộc nào đó, rất thường xảy ra trong lịch sử nhứt là, mà chuyện mới nhứt là chuyện của đồng bào Thượng trên Cao nguyên, bị Pháp hạ, anh ta mới xuống, không thôi anh làm vua ở đó và truyền ngôi cho con cho cháu mấy trăm năm cũng chưa thôi.

Nhưng, đừng ngộ nhận, đừng lầm lẫn vua và dân. Ông vua có thể là hậu duệ của Thần Nông, nhưng dân thì không. Chớ nên quên điều đó. Phương chi Lạc Long Quân đã bị lai tới ba đời, mẹ ông ta là Việt thuần chủng, còn cha ông ta là Tàu lai Việt, thì còn gì là máu Tàu trong người của ông ta?

Tưởng cũng nên nói rằng chữ Âu, các nhà nho ta đọc là Âu, nhưng Quan Thoại đọc là Ngê U, và khi kể truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, người Mường đọc là Ngu Cơ chớ không là Âu Cơ như ta. Thế nghĩa là người Mường còn nhớ lối gọi cổ thời.

Chúng tôi không biết danh xưng Âu là danh xưng hay là tên mà Tàu đã đặt để gọi dân đó.

Nhưng bằng vào lối gọi của người Mường, họ đọc chữ Âu là Ngu, gần giống Tàu Quan Thoại là Ngê U, ta có thể suy đoán rằng Âu là danh tự xưng.

Quả thật thế, người Mường không có chịu ảnh hưởng của Tàu, nhưng họ lại đọc cái danh xưng đó giống người Tàu, vậy thì họ đọc theo sự nghe Âu tự xưng, Tàu cũng thế. Nếu họ đọc qua trung gian của người Tàu như ta, thì họ phải đọc sai, và sai y hệt như ta, vì họ là ta. (Ta sẽ thấy như vậy ở một chương sau) nghĩa là họ phải đọc Âu chớ không là Ngu.

Chỉ phiền là trong truyền thuyết đó người Mường lại cho rằng bà Ngu Cơ là bà thánh tổ của họ. Thế thì không còn gì chất Âu tức Thái trong vụ Âu Cơ cả.

Thế nên ta mới hiểu rằng truyền thuyết ám chỉ sự tách rời ta với Mường.

Có lẽ người Mường không giải thích được sự kiện tách rời đó, và nhân thấy họ và ta quả có tách rời và họ lên núi rừng, nên họ tự đồng hoá với Âu, và đó chỉ là một lầm lẫn mà thôi, vì ở chương người Mường chúng tôi sẽ trình chứng tích rằng họ là Mã Lai đợt II, tức là Lạc bộ Mã.

Nước Tây Âu thành lập vào thời nào, không ai biết cả, và đó là nước của người Thái chớ không phải là của người Lạc. Chúng tôi sẽ chứng minh điều đó khi xét lại sai lầm của bao nhiêu là cuốn sử cho rằng Tây Âu = Cổ Việt Nam.

Dầu sao nó cũng thành lập cùng lúc với nước Thục và Văn Lang, và rồi ta sẽ thấy rằng khi Thục bị mất nước thì quý tộc Thục chạy xuống nước Tây Âu đồng ngôn và đồng chủng.

Tây Âu thu hút tất cả các dân Âu ở Hoa Nam bị Tàu đánh đuổi, nên Âu không hề có di cư đi đâu cả, cho tới ngày bị Tần Thỉ Hoàng diệt quốc. Sau ngày đó họ cũng không có di cư. Chỉ từ thế kỷ thứ VIII, IX, X tới XIII sau Tây lịch, bị Tàu lấn đất dữ quá, họ mới di cư đến thượng du Bắc Việt mà thôi.

Đó là một quốc gia Âu hùng cường bậc nhứt trong các quốc gia ở phía trên chạy xuống, và khi Tàu vất vả diệt xong họ, kiểm tra dân số thì thấy Tây Âu 10 lần đông đảo hơn Mân Việt. Âu Lạc, Đông Âu, v.v.

Nước ấy hùng cường và bất phục Tàu nên Tần Thỉ Hoàng mới gọi dân ta là Lục Lương, tức dân du côn.

Ta có thể tưởng tượng rằng sau khi Cửu Lê vượt Hoàng Hà thì có một nhóm Âu chạy xa nhứt đến Lưỡng Quảng để về sau lập ra nước Tây Âu, và nhờ chạy xa như vậy nên họ mới tồn tại đến đời Tần, khác với các quốc gia Âu và Lạc khác ở Hoa Nam đều bị Sở diệt tất cả.

Nhưng học ngôn ngữ Thái, chúng tôi thấy có một số danh từ Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã, tức Mã Lai Nam Dương. Thế nghĩa là cái nước của chi Âu đó cũng có chứa dân Lạc Hoa Nam, chớ không thuần Âu, y hệt như cũng không thuần Lạc bộ Trãi tức không thuần Mã Lai đợt I.

Hơn thế, ngôn ngữ của họ lại dung túng nhiều danh từ của chủng Mê-la-nê hơn ngôn ngữ Việt Nam, thì hẳn họ đồng chủng với Mê-la-nê nhiều hơn ta.

Mê-la-nê là cái chủng đã làm chủ Hoa Nam và Đông Nam Á lục địa, liền trước chủng Cổ Mã Lai.

Lạc Việt còn chạy xa hơn họ nữa, nhóm tổ tiên ta chạy bằng đường thuỷ thì đã khác rồi, còn họ thì chạy bộ nên chúng tôi mới bảo đó là nhóm chạy xa nhứt, nghĩa là xa nhứt trong đám chạy bộ.

Hơn thế họ lại là Âu chớ không phải Lạc, tức là xa nhứt của đám chạy bộ và của chi Âu, còn xa nhứt của đám chạy bằng đường biển và của chi Lạc là dân của đảo Célèbes, chớ cũng chẳng phải là dân Cổ Việt Nam, như khoa khảo tiền sử đã cho thấy.

Tóm lại, Mã Lai đợt I, là Cửu Lê, và chia hai rõ rệt thành Âu và Lạc, sau khi bị Hiên Viên đánh đuổi. Họ thành lập nhiều quốc gia rất cổ, có lẽ đồng thời với nhau là Thục, Tây Âu (chi Âu) và Văn Lang (chi Lạc), còn các quốc gia Việt danh tiếng khác ở Hoa Lạc nằm sẵn tại Hoa Nam Lạc bộ Trãi và Âu cũng có lập quốc ở Hoa Nam, nhưng không thọ, trừ một quốc gia độc nhứt là Tây Âu, nhờ ở xa Tàu nhứt.

Chúng tôi đi gần lạc đường ở đoạn sau của chương này. Nhưng tiện dịp phải nói luôn cho xong, chớ phần chánh yếu của chương sách là chứng minh mấy điều sau đây:
  1. Nước Tây Âu là một trong ba quốc gia Thái lớn nhứt trước Tây lịch kỷ nguyên: Ba Thục, Tây Âu và Ai Lao, tức tên xưa của một nước mà nay là tỉnh Vân Nam. Nước này mang tên ấy vì trung tâm của nó nằm tại Lao Sơn. Đó là danh xưng mà Tàu đặt ra để gọi nước ấy, chớ nó phải tự xưng khác, nhưng ta chưa truy ra danh tự xưng ấy được.

  2. Tây Âu không dính líu gì tới Cổ Việt Nam cả, dân Thái không phải là dân Lạc Việt, mặc dầu đồng tông với nhau.

  3. Không hề có sự sáp nhập đất đai của Tây Âu và Lạc Việt, để tạo ra một nước Tây Âu Lạc. Sau Lộ Bác Đức thì có sự sáp nhập đó, dưới cái tên Giao Chỉ, nhưng chỉ sáp nhập hành chánh mà thôi, nhưng rồi nhà Hán cũng tách ra ngay thành hai phần: Giao Châu và Quảng Châu.

  4. Tần Thỉ Hoàng chỉ chiếm được Tây Âu mà không bao giờ chiếm được Cổ Việt Nam cả.

  5. Vào đầu Tây lịch, Thượng du Bắc Việt là đất gần như là bỏ không, không có người Thái sinh sống ở đó.

  6. Người Thái dưới thời Chiến Quốc được Tàu gọi là người Âu, nhưng dưới thời Hiên Viên được gọi là Cửu Lê, nhưng Lê cổ thời ấy lại cùng với Lạc họp thành một khối duy nhứt, trước khi tách hai ra để Lạc di cư đi Nhựt Bổn, Việt Nam, Nam Dương và Mỹ Châu.
Còn Thái thì ta sẽ thấy sau là họ không bao giờ di cư bằng đường biển hết vì địa bàn của họ không ở gần biển. Họ vượt sông Hoàng Hà, rồi cũng lập quốc cạnh Lạc ở bình nguyên Vân Mộng, rồi bị Tàu đẩy họ xuống Hồ Nam rồi xuống Tây Âu.

Thái đã có mặt ở Tây Âu vào thời Hiên Viên chưa, cũng như Lạc đã có mặt ở Phúc Kiến vào thời Hiên Viên chưa, không ai biết cả, chỉ biết rằng khi Bách Việt bị đẩy khỏi địa bàn Dương Tử thì nước Tây Âu đã có rồi, và bao nhiêu Thái đều đổ dồn vào đó, kể cả Thái Ba Thục bị mất nước hàng trăm năm trước đó cũng đổ dồn về Tây Âu, thành thử Tây Âu lớn mạnh vô cùng và đa số binh sĩ của Tần Thỉ Hoàng, đông nửa triệu người, chỉ chúi mũi vào Tây Âu mà thôi (Hoài Nam Tử).

Qua lịch sử, Âu luôn luôn chiếm địa bàn núi rừng, còn Lạc luôn luôn chiếm địa bàn sông biển. Thế nên chúng tôi mới tin chắc truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân bắt nguồn ở cái tình trạng đó, và Tiên Rồng chỉ là chuyện người đời thêm thắt vào cho hoa mỹ vậy thôi.

Chủng Mã Lai gồm có 4 chi, chớ không phải 2, nhưng chỉ có truyền thuyết cho 2 chi Âu và Lạc, vì hai chi kia có địa bàn không dính với Âu và Lạc.

Hai chi kia là chi Khơ Me mà Tàu phiên âm là Khương và chi Môn mà có lần Tàu cũng gọi bằng Lạc (nhưng với bộ Chuy) mà chi đó được gọi là Khuyển Nhung thường hơn.

Cũng xin thêm rằng danh xưng Lê hiện nay cứ còn được dùng tại Hoa Nam. Ở đó, trừ Miêu tộc ra thì những người Việt chưa biến thành Tàu được gọi bằng lu bù thứ tên, nhưng có một nhóm cứ được gọi bằng Lê, và người Lê đồng nhứt là ở Hải Nam chớ không phải ở Lưỡng Quảng, mà đó là nhóm Lạc-Lê chớ không phải Thái hoặc Lạc.

Nhưng dầu gọi bằng Bạch Di, La La, Thổ, Tài gì, họ cũng chỉ là một, tức Thái trắng và Thái đen.

Chúng tôi có quen thân với một người Tàu ở Đông Hưng di cư sang đây. Đông Hưng là cái làng đối diện với Móng Cái của Việt Nam. Đó là người Hợp Phố của các đời Chu, Tần, Hán.

Ông ấy nói tiếng Tàu, nhưng không sai giọng như người Quảng Đông, mà lại sai y hệt như người Hải Nam. Thế nghĩa là dân Hợp Phố là dân Lạc-Lê chính cống.

Sử Tàu chép rằng quận Hợp Phố là quận lập ra bằng cách cắt đất của Nam Hải (Quảng Đông) và Giao Chỉ. Nhưng cái phần đất Giao Chỉ ấy thì dân lại là dân Lạc-Lê chớ không phải là dân Lạc. Thế nghĩa là vua Hùng Vương đã có thuộc địa rồi, vào thuở tiền Triệu Đà, thuộc địa đó là một phần đất Hợp Phố của chi Lạc-Lê, đó là chưa kể Cửu Chơn và Nhựt Nam cũng là thuộc địa mà chúng tôi sẽ chứng minh rằng là của một thứ dân kia tên là Lạc-Lê, một phụ chi của chi Lạc Việt.

Ta có thể nói rằng Thái chỉ là quan trọng của Mã Lai, nhưng chỉ quan trọng về số lượng mà thôi, còn văn hoá thì không có gì rõ rệt, trong khi đó thì văn hoá Lạc-Lê rất là rõ. Kiến trúc của Lạc-Lê, mãi cho đến ngày nay vẫn còn giống hệt kiến trúc Mã Lai, còn Thái không được như thế, lại dễ bị ngoại lai (Tàu, Ấn Độ) thu hút, còn Lạc-Lê thì nhứt định bám níu vào dân tộc tính Lê cổ thời (Bon sanh Lê còn sống sót hàng triệu).


Sách tham khảo riêng cho chương này:
  • Tả Khâu Minh: Tả Truyện, Bản dịch
  • Tư Mã Thiên: Sử Ký, Bản dịch
  • P. K. Benedict: Thái, Kadai and Indonésian in new alingment in Southeastern Asia.
  • Ethnolinguistico groups of Mainland Southeastern Asia Human Relations Area Fules.
  • P. Daulin: Un japonais la cour des Tiang, BSEI 1965

Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.