trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
1.10.2007
Hà Minh
Tôtem sói cảnh báo về hiểm họa môi sinh đến từ con người
 
Tôtem sói là một “best-seller” trong năm 2004 ở Trung Quốc. Tôtem sói gây dư luận khá ồn ào ở Việt Nam, với nhiều bài bình luận trên các diễn đàn, báo chí, nhiều ý kiến phong phú, đa dạng, đôi khi mâu thuẫn. Đó là những lý do khiến tôi tìm đọc toàn bộ tác phẩm qua bản dịch của Trần Đình Hiến, dịch giả quen thuộc với các tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại nổi tiếng. Ta hãy thử phân tích một vài khía cạnh như nghệ thuật, tư tưởng và nội dung của Tôtem sói.


Về nghệ thuật: một cuốn tiểu thuyết bình thường

Có thể nói ngay rằng, Tôtem sói khá bình thường về mặt nghệ thuật, diễn biến tâm lý nhân vật rất tuyến tính đơn giản, không mâu thuẫn lớn, không đặc sắc, nghèo yếu tố “tiểu thuyết”, văn phong dáng dấp nghiệp dư, bút lực không thâm hậu, thiếu chiều sâu suy tư. Toàn bộ tác phẩm như một ghi chép mang tính nghiên cứu về hệ sinh thái thảo nguyên, về loài sói, về người dân du mục. Tác phẩm dàn trải đều đều đôi lúc gây sự nhàm chán. Chuyển thể điện ảnh sẽ là một thất bại có thể dự đoán trước.


Về tư tưởng: “Sói tính” nào quyết định yếu tố thành công?

Tác giả Khương Nhung luôn đưa ra những nhận định chủ quan hoặc những suy diễn về tính cách các dân tộc, sự phân loại “du mục” và “nông canh”; gán ghép những thành công về quân sự của người Mông Cổ trong quá khứ lịch sử với tính cách sói, và luôn thể “khái quát hóa” ra một quy luật về thành công trong xã hội đương đại, cho rằng nó phải gắn liền với sói tính, tức là hung dữ, mạnh mẽ, dũng cảm. Những nhận định đó có phần nào đúng, nhưng phần lớn là ngộ nhận, gán ghép thiếu biện chứng. Yếu tố thành công của các xã hội đương đại không phải ở chỗ hung dữ, can đảm, mưu trí như loài sói mà yếu tố chính là tinh thần tôn trọng tự do, thậm chí tôn trọng tự do tuyệt đối, không thoả hiệp của loài sói. Đó chính là yếu tố căn bản nhất của một xã hội bình đẳng, tự do phải là yếu tố căn bản trước khi mưu cầu mọi chuyện khác. Nếu không có tự do, sẽ không có bình đẳng, mọi chuyện sẽ lệ thuộc vào sự ban phát của kẻ khác. Đó là điểm khác biệt rất cơ bản giữa Sói và Chó. Sói xác định lãnh địa của mình song song tồn tại với người và các chủng loại động thực vật thảo nguyên, sói khước từ sự thỏa hiệp với người. Nếu lãnh địa sói bị xâm phạm, sói trả thù. Con người có thể đẩy sói đến bờ vực tuyệt diệt, để biến thảo nguyên hoang sơ thành nông trang, nhưng con người có thể mắc những sai lầm rất tai hại khi quyết định phá vỡ sự cân bằng sinh thái đã định hình hàng vạn năm. Trong đó sói là một bộ phận, bộ phận này sẽ kháng cự tới lúc bị lâm vào tuyệt diệt, quyết không bị “thuần hóa”. Điểm nhấn này Khương Nhung không nêu bật ra một cách trực tiếp nhưng gián tiếp thông qua hình ảnh sói con thà chết, bị kéo lê theo xe bò, dây da rằng xiết đứt cuống họng, móng bị mài cụt lủn, tóe máu, chứ nhất định không chịu khuất phục để bị con người dẫn dắt.


Về mặt nội dung: phong phú, chi tiết và có nhiều khám phá đặc sắc

Khương Nhung đã kiến tạo được những trang viết hết sức đặc sắc về thảo nguyên, từ những quan sát tỉ mỉ, những tư liệu chính xác thu lượm được trong thời gian lưu lại ở thảo nguyên Ơlôn: nhân vật Trần Trận, một thanh niên trí thức Bắc Kinh tình nguyện về vùng thảo nguyên Ơlôn của khu tự trị Nội Mông tham gia thực tế sản xuất với vai trò của một “dương quan” (người chăn dê). Cậu đã học hỏi và quan sát được rất nhiều điều về cuộc sống thảo nguyên và đặc biệt qua “già làng” Pilích người Mông Cổ với rất nhiều kinh nghiệm thảo nguyên. Trần Trận hiểu thêm về loài sói, một thứ linh vật (tôtem) của người du mục và về cân bằng sinh thái thảo nguyên, vai trò con người và sói trong sự cân bằng ấy. Dương Khắc, một thanh niên trí thức bạn tri kỷ của Trần Trận, là một người rất yêu thiên nhiên và căm ghét những vì kẻ hám lợi mà tàn phá thiên nhiên qua sự săn bắt và khai hoang quá mức (cậu đã khóc khi chứng kiến bầy thiên nga hoang dã bị tàn sát bằng cung tên). Ngoài ra, tiểu thuyết có phác họa một số nhân vật khá mờ nhạt như Caxưmai, phụ nữ Mông Cổ, (gái hai bẩy bẻ gẫy... đuôi sói) vợ của Batu con trai ông Pilích; Batu chàng chăn ngựa “mã quan” (một thứ cao-bồi Mông Cổ không có mũ rộng vành và không bắn súng hai tay! Dám mò vào hang sói khi mới lên mười); Trương Kế Nguyên thanh niên trí thức được tập sự chăn ngựa; Bao Thuận Quý, cán bộ phụ trách trung toàn mục trường (như chức chủ nhiệm hợp tác xã) đại diện cho giới lãnh đạo ngu dốt bảo thủ duy ý chí. Và vài nhân vật lẻ tẻ khác như lão Vương, kẻ chuyên săn trộm (poacher – “kẻ cắp rừng xanh”, kẻ phá tổ thiên nga và tàn sát rái cá thảo nguyên), Xasưleng, Lamutrắc, hai mã quan cùng tổ của Batu. Không thể không nói đến “lang vật” chính của tiểu thuyết là sói con, một con sói bị Trần Trận bắt về nuôi thực nghiệm, phần chính của tiểu thuyết là những quan sát của Trần Trận về chú sói con. Chú sói con đã làm Trần Trận và độc giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Đối lập với sói là chó nhà, loài vật được Khương Nhung mô tả tỷ mỉ, sinh động: những chú chó chăn cừu của người Mông Cổ như Balưa, Nhị Lang, Vàng với tính cách rất đặc trưng như trung thành, hung dữ, chiến đấu với sói rất quả cảm. Đôi khi “bản năng gốc” của chó nhà vẫn còn, như Nhị Lang thèm thịt cừu “tươi sống”. Chúng thể hiện tính phục tùng tuyệt đối với chủ, để đổi lại là sự ban phát “vật chất”. Nếu lũ chó nhà “trung thành” như Hồng Vệ binh gặp “minh chủ” như ông già Pilích, cuộc sống thảo nguyên sẽ duy trì như đã diễn ra hàng ngàn năm trước, ngược lại gặp người thiển cận như Bao Thuận Quý, sức phá hoại sẽ rất ghê gớm.

Câu chuyện bắt đầu từ những kinh nghiệm đầu tiên của Trần Trận khi gặp sói. Trần Trận được ông già Pilích dẫn đi theo dõi sói săn dê vàng. Cậu hết sức hồi hộp và cảm phục sự khôn ngoan, kiên trì của sói. Lần khác do thiếu kinh nghiệm đi thảo nguyên, Trần Trận sa vào “ổ phục kích” của bầy sói. May mắn sao, Trần Trận nhớ lời dặn của ông già Pilích, gõ mạnh hai chiếc bàn đạp vào nhau phát tiếng động chói tai, làm bầy sói nghi hoặc không dám tấn công, cậu thoát hiểm trong gang tấc. Trần Trận bắt đầu “mê” sói qua lời chỉ dạy của ông già Pilích, cậu là người Hán đầu tiên dám tự mình đi đào hang sói bắt sói con. Kỳ công của Trần Trận là chăm sóc “bú mớm” cho sói con và quan sát nó rất tỷ mỉ để phát hiện những bản năng gốc của sói: đào hang, ăn, ngủ, tập săn mồi (tưởng tượng), tập tru tiếng sói, (lắng nghe tiếng gọi nơi hoang dã) và chứng kiến sự kết thúc bi thảm của thực nghiệm nuôi sói, con sói chết vì không chịu khuất phục.

Tiểu thuyết có tả cảnh thu hoạch chiến lợi phẩm từ sói, trong đó ông già Pilích dẫn mục dân đi thu hoạch dê vàng rơi xuống hồ nước đóng băng. Khương Nhung tiếp tục dẫn dắt người đọc qua những diễn biến trên thảo nguyên như: con người gây hấn với sói (đi đào hang bắt sói con), bão tuyết, sói trả thù bằng cách tiêu diệt đàn ngựa. Điều đáng nhớ nhất là, ông già Pilích, người duy nhất nắm bắt quy luật của sói và chỉ huy cuộc “bố ráp” thành công nhưng cũng chính lại là người đau lòng nhất khi thấy sói bị tàn sát. Ngược lại, Bao Thuận Quý, đại diện cho sự quan liêu, duy ý chí, và thiển cận vì món lợi ngắn (da sói và đàn cừu) hạ lệnh dùng “hỏa công” diệt sói. Trần Trận đã tận mắt thấy sự thất bại của Bao Thuận Quý khi sói không chết mà hai chú bò đực thảo nguyên chết oan.

Tả cảnh đoàn người theo ông Pilích đi thám hiểm và phát hiện mục trường mới, ngây ngất trước cảnh đẹp hoang sơ nguyên thủy, Khương Nhung có những trang viết rất hứng khởi, tuyệt vời. Đây là những trang viết trong đó bút pháp Khương Nhung thật sự khởi sắc.


Quan niệm về hệ sinh thái và con người: cập nhật và tỉnh táo

“There is a sufficiency in the world for man's need but not for man's greed”
(M. K. Gandhi)

Thông qua hai nhân vật Trần Trận, Dương Khắc và cả ông già Pilích, Khương Nhung thể hiện rõ lòng tôn trọng thiên nhiên, ước vọng muốn bảo tồn thiên nhiên trong trạng thái hoang sơ của nó với quan niệm: Con người cũng bình đẳng như các loài động vật khác, có quyền khai thác thiên nhiên một cách hợp lý, nhưng không vì tính chất thượng đẳng (superiority) của mình mà trục lợi từ thiên nhiên một cách thái quá. Đây là điểm đáng quý nhất trong nhận thức của tác giả từ thời kỳ Cách mạng Văn hóa, khi tâm lý con người và suy nghĩ chung bị “mê muội” hóa bởi những giáo điều như “Đại nhảy vọt”, “Diệt chim sẻ”, v.v…
Đoạn đặc tả Bao Thuận Quý và các “tư lệnh” dùng xe com-măng-ca truy đuổi một con sói chạy đến đứt ruột mà chết rất ấn tượng. Nó thể hiện tính chất độc ác và “lưu manh”của những con “thú hai chân” khi cậy nhờ phương tiện hiện đại để bức tử một sinh vật làm trò tiêu khiển.


Bài học từ Tôtem sói: Mâu thuẫn giữa phát triển và môi trường
Nature provides a free lunch, but only if we control our appetites.
(William Ruckelshaus)
The earth we abuse and the living things we kill will, in the end, take their revenge; for in exploiting their presence we are diminishing our future.
(Marya Mannes)

Trái đất ngày càng bé lại, ngôi nhà chung của nhân loại ngày càng thu hẹp bởi sự gia tăng dân số. Con người về một mặt, đã đạt được những thành tựu khoa học kỹ thuật to lớn. Mặt khác, do sức ép dân số và phát triển kinh tế (dĩ nhiên để thỏa mãn nhu cầu vật chất cho chính con người), con người đã lạm dụng thiên nhiên, khai thác tài nguyên quá mức, dẫn đến những hậu quả nhãn tiền: ô nhiễm, khí thải, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, hiện tượng El Nino, hạn hán, cháy rừng, phá rừng, bão lụt,... có lẽ đó là cái giá phải con người đang trả khi lạm dụng thiên nhiên.
Tình hình chung ở các nước đã phát triển là: Đô thị tiếp tục lớn dần, khói bụi nhiều thêm, diện tích cây xanh giảm đi, thực phẩm nuôi trồng công nghiệp tăng năng suất, con người thiếu vận động, mắc bệnh béo phì và kéo theo đủ thứ bệnh. Còn các nước đang phát triển thì hố sâu phân cách giầu nghèo lớn dần lên, gia tăng đầu tư công nghiệp hóa, đô thị hóa vô tội vạ bằng vốn tự có hay vốn vay, thiếu sự quan tâm chín chắn về tác động tiêu cực đến môi trường. Người nghèo bươn chải trong môi trường hết sức độc hại như rác thải, nước nhiễm độc, nhiễm bẩn, ung thư, bệnh dịch. Người nghèo làm mọi thứ hiểm nguy để sinh tồn, như phá núi nung vôi, phá ruộng đào vàng, phá rừng khai thác gỗ lậu, săn bắt thú quý hiếm như ngà voi, sừng tê, cao hổ, ăn nhậu các loại thịt rừng, khai thác du lịch quá mức. Những đàn voi rừng điên cuồng giận dữ về phá ruộng nương, giết người, vì bị tước đoạt môi trường sống, không khác gì Sói Ơlôn bị truy bắt phải báo thù. Hổ báo tiếp tục bị buôn bán để nấu cao, gấu rừng bị nuôi lấy mật. Chúng ta có thói quen “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, nay cỗ quan tài ấy đã đang từ từ mở nắp: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có tỷ lệ giao thông tắc nghẽn và tai nạn cao nhất thế giới, nạn úng ngập do triều cường sẽ gia tăng và trở thành hiểm họa. Những dòng sông đang bị khai tử, những núi rác thải thiếu nơi xử lý… Cái giá phải trả cho “phát triển” chụp giựt sẽ vô cùng lớn.

Câu hỏi lớn về thế nào là cân bằng sinh thái, thế nào là khai hoang và tác dụng ngược của việc khai hoang, sa mạc hóa các thảo nguyên do chăn thả quá mức, chưa bao giờ được trả lời một cách nghiêm túc. Một nhóm nhỏ người ra sức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, bảo vệ rừng nguyên sinh trong khi đa số lại đang ra sức tận thu, lạm dụng môi trường. Đây quả là cuộc đối đầu không cân sức. Vấn đề môi trường đã trở nên bức bách, các quốc gia đang ngồi vào bàn thương lượng về chiến lược cho tương lai. Hãy hành động trước khi quá muộn.

© 2007 talawas