trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
2.10.2007
Nam Đan
Phận bèo
 
Những năm gần đây, thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên vấn đề hôn nhân với người ngoại quốc. Những hình ảnh và các tít trên các tờ báo lớn trong nước như Thanh Niên, Tuổi Trẻ còn đăng hình các cô gái Việt đang ở xứ người đứng ngồi các kiểu trong tủ kính như những con ma-nơ-canh, chỉ khác là các con ma-nơ-canh còn được mặc quần áo, còn các phụ nữ Việt thì phải không mặc gì vì để các ông chồng tương lai dễ dàng chọn lựa. Hay báo in lại hình chụp bảng quảng cáo của một công ty môi giới hôn nhân ở Ðài Loan: “Dù bạn là người khuyết tật, bạn vẫn có thể lấy được cô dâu Việt.” Câu này có thể xem như là một công án Thiền, là dụ ngôn trong một loại kinh thánh nào đó, là thơ siêu thực, là một thứ sấm truyền... Nghĩa là người đọc muốn hiểu sao thì hiểu, tuỳ vào tâm thế, tuỳ vào cách lý giải của mình. Nhưng tựu chung có hai cách hiểu đơn giản nhất. Một là, hiểu theo tinh thần vô cùng lãng mạn: Với một tình yêu bao la không bờ bến, thậm chí còn cao vời vợi vượt qua trí tưởng tượng thông thường, người con gái Việt sẵn lòng thương yêu, chấp nhận gá nghĩa với bất cứ ai thiếu thốn tình cảm, kể cả những người tật nguyền bất hạnh.

Hai là, hiểu theo tinh thần thực dụng, nói theo kiểu bỗ bã là trần trụi và trơ tráo, thì: Cho dù bạn già nua đau ốm hay đui què mẻ sứt gì bạn vẫn có thể lấy được gái Việt, miễn là có tiền để chi trả cho dịch vụ môi giới hôn nhân này.

Nếu anh Hai, chú Sáu là người mang nặng tự ái dân tộc, thì đau đớn cho anh cho chú quá, làm sao mà chúng ta không thể không hiểu theo cách thứ hai? Chúng ta không thể bắt chước loài đà điểu để vùi đầu xuống cát mãi để né tránh thực trạng đau lòng.

Trong một vài vùng nghèo tôi đã có lần ghé qua, những ngôi nhà khang trang, mái ngói tường xây, phần lớn đều là của những gia đình có con gái lấy chồng nước ngoài, nhiều phần là Hàn Quốc, Ðài Loan, và sau này là cả Trung Quốc nữa. Có làng nhân chuyện con gái lấy chồng xuất ngoại này được gọi là “làng Ðài Loan”. Thân gái lênh đênh mười hai bến nước, một hôm ghé bến Ðài Loan, đục trong gì cũng chịu, miễn là có chút hi vọng gởi được tiền về cho gia đình, hay đơn giản chỉ là được xuất ngoại một chuyến xem sao. Thế mới là báo hiếu. Nhưng thực tế cho thấy ra đi như thế rủi bảy phần, may ba phần, mà chỉ một mình thân gái dặm trường gánh chịu. Bản thân các cô quyết định mù mờ vì đầu óc chưa trưởng thành đã đành, các bậc cha mẹ cũng phó mặc cho trời đất khi đứa con gái mình đã bảo bọc từng miếng ăn giấc ngủ, nay rời xa để đến những nơi mà trời có sập mình cũng chẳng biết.

Mang theo trách nhiệm “chữ hiếu” và ước vọng về cuộc đổi đời cho bản thân, cho cả gia đình, thậm chí cả họ hàng, người ta nghĩ rằng đổi như thế nào ắt cũng phải khá hơn đời sống hiện ở quê nhà. Các cô gái quê lên tỉnh, áo quần phấn son ngồi xếp hàng dài ra mắt những chàng đàn ông mà các cô chỉ có thể dựa vào bề ngoài, hoặc qua lời người mai mối để tin họ sẽ là những chàng rể sang trọng và hào hoa của xứ Ðài.

Phận nàng Kiều hiện đại được giải mã bằng phận nàng Kiều của người xưa:

Ðài (loan?) gương xem đến dấu bèo hay chăng...

Kẻ được chọn sẽ đi ăn nhà hàng với đấng chọn. Kẻ bị chối từ sẽ lau nước mắt, có khi khóc suốt đường về. Vì vốn dĩ những cô gái này đã mất tự tin, nay còn nặng nề và mất phương hướng hơn khi không được chọn. Thất bại vì tiền bạc bỏ ra làm lộ phí lên thành thị, xấu hổ với bản thân vì mình xấu hoặc bị khuyết tật gì đó, và làm thất vọng gia đình vì có mỗi việc vén áo kéo quần cho người ta xem mà cũng không vượt qua được. Hoá ra, Phận bèo bao quản nước sa... Mang cả mớ mặc cảm như vậy, không ít cô sẽ chọn ở lại thành thị để làm một thứ nghề mà ai cũng có thể đoán.

Ca dao Việt có câu: Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân. Nhưng giờ đây các chàng trai Hàn Quốc, Ðài Loan... lại chọn vợ theo kiểu giống như tiến trình của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) chọn đội bóng vô địch, nghĩa là các chàng cũng có đặt ra vòng loại, vòng bán kết, tứ kết, và chung kết. Hai mươi bốn cô gái từ quê theo chân bà mối, hay còn gọi là “cò tình”, khăn gói lên chốn ba quân ở Sài Gòn. Buổi sáng, ba chàng sồn sồn Hàn Quốc và hai tay cò gom quân để làm một màn tuyển trạch sơ khảo ở một phòng khách sạn. Cuộc sơ tuyển này loại ra mười bốn cô. Mười cô còn lại được mời đi uống nước. Sau khi uống nước, sáu cô khác bị loại. Bốn cô còn lại được mời đi ăn. Sau khi ăn, ba cô bị loại, còn một cô được mời ở lại khách sạn. Ðấy có phải là cô dâu tương lai sắp lên máy bay về quê chồng hay chưa? Thưa chưa, vẫn còn những cuộc thử thách gay go hơn chờ đón cô. Ðến bao giờ ba má dưới quê nhận được tiền rồi, thì mới tạm an tâm.


*

Tôi không phải là dân nghiên cứu chuyên môn, bài viết này chỉ là những suy nghĩ của một kẻ nóng ruột trước một hiện tượng đau lòng của chị em xứ mình.

Năm nay báo chí phát hiện tình hình khó khăn căng thẳng hơn trước, Các cô gái bị... khám cả ‘bên trong’!Tôi nghĩ, những chuyện như vậy ắt hẳn đã xảy ra rất lâu rồi mà bây giờ báo mới biết, hoặc bây giờ mới đưa ra. Nước ta hiện nay có được nhiều sản phẩm xuất khẩu qua các nước bạn, đó là một niềm vui, nhưng có phải nước ta cũng là một trong những nước đang đứng đầu về sản phẩm “cô dâu xuất khẩu”? Thực sự nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu?

Hôm 25-9-2007, báo Thanh Niên lại đăng trên trang nhất bài viết Ðừng để nhục quốc thểcủa tác giả Thanh Thảo. Tuy nhiên, bài báo này cũng chẳng khác những bài khác, lâu nay chỉ thấy những phê phán về hiện tượng này nhưng chưa thấy một nghiên cứu khả tín và sâu sát nào nói về các nguyên nhân chính yếu tạo ra nó và cách giải quyết thuyết phục. Thiển nghĩ điều này thật cần thiết. Nếu chưa nêu rõ ra nguyên nhân thì vẫn chưa, hay khó mà, giải quyết được vấn đề một cách có hiệu quả và rốt ráo.

Tôi thử nêu ra vài nguyên nhân mà mình nghĩ được sau đây, chắc hẳn không khỏi những thiếu sót hay sai lạc.
  1. Quan niệm sai lạc của chữ “hiếu”. Cha mẹ sanh con (gái) ra thì đứa con phải có bổn phận đền đáp lại công ơn này bằng mọi giá, kể cả cái giá bán mình như nàng Kiều trong Ðoạn trường tân thanh ngày xưa. Và có không ít các đấng cha mẹ đặt áp lực lên con trách nhiệm phải cải thiện tình trạng kinh tế của gia đình, thậm chí họ còn coi con như một món hàng đã đầu tư lâu dài và giờ là lúc gặt hái. Các cô gái vì dốt nát, lú lẫn mà cũng cho đó là điều chính đáng để hi sinh bản thân vì chữ hiếu sai lầm này. Hoặc một số ít cô lại dùng nó như một cái cớ để biện minh cho quyết định buông xuôi đầu hàng đời sống của mình.
  2. Tâm lý cho rằng “nghèo là nhục”. Tâm lý muốn đào thoát khỏi đời sống tối tăm ở nông thôn Việt Nam, đặc biệt là miền Tây và miền Ðông Nam bộ hiện nay, một đời sống nông nghiệp còn quá lạc hậu. Tâm lý “dù sao ở bển thì cũng vẫn hơn”, mặc kệ cái tương lai “ở bển” đó ra sao cũng không cần biết. Các cô gái nghèo sẵn sàng đánh cược số phận của mình cho một tương lai mơ hồ nào đó. Dù sao, để đổi đời, thì “lấy chồng” Ðài Loan, Hàn Quốc phương xa một cách công khai thì cũng khá hơn, chính đáng hơn, ít điều tiếng hơn, là lén lút đi “làm gái” bia ôm, mát-xa ở thành phố hay các tỉnh thành lân cận trong nước. Giữa các chọn lựa: lấy chồng Ðài, làm gái hay làm ô-sin trên thành phố, và lầm lụi lam lũ ở quê thì giải pháp lấy chồng Ðài có vẻ khả quan hơn cả.
  3. Tâm lý thất vọng chán ngán cánh đàn ông ở địa phương. Tình trạng vũ phu, thô lỗ, rượu chè, bài bạc, bệ rạc, thất học... của đàn ông Việt Nam là quá phổ biến ở nông thôn Việt Nam. Lấy một ông chồng như thế thì viễn cảnh một gia đình nheo nhóc, một đời sống tối tăm là điều hẳn nhiên. Do đó, thà dấn thân vào một cuộc phiêu lưu còn hơn sẽ phải chịu đựng một trong vô số kiếp sống tối tăm đang diễn ra trước mắt, họ nghĩ rằng thế nào đi nữa thì cuộc phiêu lưu sắp tới cũng khó mà tệ hại hơn thực tại. Và có cắn răng chịu cảnh tha phương, đau đớn, nhục nhằn ở nơi không ai biết cũng còn hơn bị bọn đàn ông vô lại làm cho đau nhục trên chính quê hương của mình. Vả lại, họ không đủ kiên nhẫn chờ đợi một cơ hội nào khác khi biết rằng tuổi thanh xuân là ngắn ngủi và sẽ trôi qua chóng vánh.
  4. Bị lôi kéo, quyến rũ bởi một nền công nghệ giải trí hào nhoáng giả tạo nhưng lại rất hiệu quả, được quảng cáo và phổ biến đại trà, như các loại phim Tàu, Hàn Quốc, Ðài Loan... và cả nền công nghệ giải trí hời hợt trong nước. Các hình ảnh trên màn ảnh, trên các tạp chí thời trang, điện ảnh, ca nhạc... cổ xuý cho một thứ văn hoá “sành điệu”, văn hoá “hàng hiệu”, đầy ngập những chương trình ca nhạc, chương trình hoa hậu, chương trình biểu diễn người mẫu, nhiều phần là viễn mơ và vô bổ; phô diễn một mức sống nhiều lần cao hơn mặt bằng mức sống trong xã hội Việt Nam thực tại. Chúng đã và đang tác động mạnh vào tâm lý khao khát được tiếp cận với đời sống tiện nghi đó. Sau một ngày cong lưng cày cuốc vất vả, tối về dán mắt vào các cảnh áo quần xe ngựa ở chốn phồn hoa hào nhoáng trên màn ảnh, thì chắc chắn chúng sẽ trở thành giấc mơ của các cô bé lọ lem, những giấc mơ không có thật trong đời sống con người nhưng không nguôi ám ảnh.
  5. Sự đổ vỡ của các giá trị tinh thần trước đời sống thực dụng. Có những nơi người ta còn tự hào về các thành quả kinh tế của gia đình do đồng tiền của con gái gởi về. Lấy chồng nước ngoài trở nên là điều bình thường, hơn thế nữa, niềm vinh dự.
  6. Sự chênh lệch quá xa về mức giàu nghèo, cũng như các điều kiện sinh hoạt căn bản của con người trong xã hội. Ðặc biệt là giữa tầng lớp nông dân ở vùng thôn quê và thị dân ở các thành phố lớn.
  7. Tâm lý tiểu nông, loại tâm lý của người nghèo luôn luôn kèn cựa, so sánh về tình trạng kinh tế của gia đình mình với hàng xóm láng giềng. Muốn gia đình mình cũng có nhà xây, xe mới, ti-vi, tủ lạnh, điện thoại di động... cho bằng với người ta.
  8. Tin vào, bám víu vào sự run rủi của số mệnh, loại tâm lý “giày dép còn có số” huống chi con người. Tuy rằng có thể họ đã biết những trường hợp tệ hại của các cô dâu khác khi sinh sống ở nước ngoài, nhưng họ vẫn có niềm tin rằng biết đâu định mệnh của mình sẽ may mắn hơn. Hoặc tin rằng đây chỉ là một cú thử thời vận, hay một quyết định tạm thời, một nấc thang bước thử. Nếu không xong thì về lại quê nhà tiếp tục đời sống cũ là cùng, thế thì cứ gì mà không nhắm mắt đưa chân.
  9. Kẽ hở trong chính sách hôn nhân và sự yếu kém của hệ thống luật pháp để cho một số kẻ bất lương mượn danh “dịch vụ môi giới hôn nhân” lợi dụng để trục lợi.
  10. Sự thờ ơ hay không đủ thấu đáo của các cơ quan chính quyền đặt ở nước ngoài, các lãnh sự, sứ quán Việt Nam, trong việc giúp đỡ và bảo vệ công dân của mình.
  11. Những hoàn cảnh riêng, bi kịch gia đình đổ vỡ.
  12. Tình trạng thiếu vắng, nghèo nàn về giáo dục và thông tin của các vùng sâu vùng xa.


*

Trở lại các bài viết đã nói trên, với các cô gái và các bậc phụ huynh ở những vùng quê này thì các từ ngữ như “quốc thể”, “tự ái dân tộc”, “sỉ nhục quốc gia” là những từ ngữ to tát nhưng trừu tượng, rỗng rang và mơ hồ. Chúng nhẹ cân, và thậm chí xa lạ hơn đồng tiền và những món lợi hay nhu cầu cấp thiết trước mắt. Và nhiều phần, họ cho rằng các điều đó không thuộc về trách nhiệm của họ. Họ không có vị thế trong xã hội, không đủ kiến thức căn bản, không có đời sống kinh tế ổn định, lại đứng trước áp lực cơm áo gạo tiền của đời sống nên không xem những quyết định cho con đi lấy chồng xa xứ, hay việc đem thân thể phô bày trước hàng chục con mắt là to đến mức “làm nhục quốc thể”. Có nhục nhưng chỉ thấy đó là cái nhục cho bản thân mình, nhục vì nghèo, nhục vì hèn, nhục vì thấp cổ bé miệng của phận bèo bọt, phận con ong cái kiến. Khái niệm “làm nhục quốc thể” đó xa quá, lớn quá, và loẻng xoẻng rỗng rang quá đối với họ. Mọi thứ dần dà trở nên bình thường, hơn nữa, như đã nói ở trên, nó còn là niềm hãnh diện là đằng khác khi gia đình có con sống ở nước ngoài gởi tiền về giúp đỡ. Nói cho cùng, các cô ấy cũng đã, và sẽ là một thành phần của cộng đồng Việt kiều, là khúc ruột nghìn dặm của tổ quốc. Vậy, họ khác biệt gì so với Việt kiều ở những nước phát triển khác? Ở túi tiền chăng? Ở vị trí trong xã hội chăng? Hay họ là những người góp phần vào mối “sỉ nhục dân tộc” như nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với toà soạn báo Thanh Niên trong bài viết của Thanh Thảo kể lại? Mà nỗi đau nhục ấy có phải là vì “sỉ nhục dân tộc”, vì “nỗi nhục quốc thể” thật không? Hay đó là tâm lý của con đực bị mất con cái mà nó ngỡ rằng con cái ấy thuộc quyền sở hữu của nó?

Giờ đây, với họ - những cô gái ấy - tất cả đơn giản chỉ là phương cách để mưu cầu cuộc sống khá hơn. Nếu rủi ro không được, thì hồn ai nấy giữ. Xem như hồng nhan bạc phận. Nếu có ai đem đạo đức ra trách móc hoặc khuyên giải các cô mà không đưa ra bất cứ giải pháp nào cho tương lai, vì lịch sự mà họ không hét ngay vào mặt người đó, thì lòng họ cũng âm thầm thét lên rằng,“Hãy cho tôi xem nếu không chọn con đường này, tôi nên chọn con đường nào đây, ai sẽ đưa tay ra cho chúng tôi?”

Tiếng thét âm u khốn cùng đó hẳn là đau đớn lắm!


*

Dân ta phận bèo. Dù bị đốc công nước ngoài đánh giày vào mặt ở nước mình [1] , hay đem thân làm dâu ở xứ người, chúng ta vẫn phải sống. Sống với mong ước có ngày được đi lên, được phát triển bằng với xứ người. Lúc ấy, nhớ về dĩ vãng, con cháu chúng ta khe khẽ thở dài như nhớ về một kỷ niệm buồn.

Buồn ơi đến bao giờ?

© 2007 talawas



[1]Những năm trước, báo đăng tin một công nhân Việt Nam bị đốc công nước ngoài đánh giày vào mặt vì phạm lỗi kỹ thuật.