trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Cho đến năm 1927 mà giới khoa học còn chưa biết Việt, Mã Lai, Cao Miên và Thái đồng chủng, chớ đừng nói biết họ đồng gốc Mã Lai mà ra. Và cả cho đến nay, cả những nhà bác học không theo dõi các cuộc nghiên cứu cũng không biết rằng Cao Miên, Mã Lai và Việt đồng chủng nữa.

Năm 1927, một câu chuyện ngộ nghĩnh xảy ra, làm ngẩn ngơ giới bác học Âu châu làm việc tại “Đông Dương”.

Số là người ta tìm thấy, dưới hầm sâu 2th20 của trung điện của ngôi đền Chau Sau Têvoda, thuộc Angkor, một bộ xương của một người đàn bà còn nguyên. Theo ông Parmentier thì người đàn bà ấy không thể sinh ra trước thế kỷ XII, vì ngôi đền chỉ cất vào thế kỷ XII mà thôi. Bà ta cũng không thể là người Cao Miên bởi người Cao Miên hoả táng, thì không thể còn bộ xương nguyên được.

Và theo ông Malleret thì người Thái đã cai trị vùng đó cho tới năm 1927.

Người ta tạm kết luận rằng đó là một người Thái thường dân đi ăn trộm vàng, bởi các tục của Cao Miên chôn vàng ở hầm trung đường, và chôn một cách vĩnh viễn. Kẻ trộm bị chết vì rủi ro nào đó không biết được.

Bà Genet-Varein nghiên cứu sọ của người ấy và thấy rằng người ấy thuộc chủng Mã Lai!!!

Giới bác học ngẩn ngơ vì vào năm đó, chủng Mã Lai được đo sọ rồi, còn việc đo sọ của dân Thái thì cho mãi đến năm 1931 mới biết được kết quả. Người ta tự hỏi làm thế nào mà một người Mã Lai xa xôi lại đơn độc vào một ngôi chùa tại một nước xa lạ được, hầu toan ăn trộm vàng, để phải chết vì tai nạn?

Chỉ sau 1931 thì ánh sáng mới rọi vào câu chuyện khó hiểu đó, vì người ta khám phá ra rằng sọ Mã Lai, sọ Việt và sọ Thái giống hệt nhau, và kẻ trộm, chỉ là người Thái, mặc dầu y có sọ Mã Lai.


*


Đây là đặc điểm về nhân thể tính của chủng Mã Lai, nó cắt nghĩa được vấn đề rất khó tiêu hoá cho một số người Việt Nam ta, là nguồn gốc Mã Lai của tổ tiên ta.

Ta cứ thấy những Mã Lai sậm màu da, theo văn minh Ấn Độ, có vẻ khác ta, nên khó nhận rằng tổ tiên ta là Mã Lai. Văn hoá biến đổi con người rất kỳ dị như đã nói ở một chương trước.

Khía cạnh nhơn thể tính và chủng tộc học kia mới đáng cho ta dùng làm chứng tích.

Dưới đây là định nghĩa của nhà nhân thể học, kiêm chủng tộc học H.V. Vallois, thường được trích dẫn ở Âu châu, ông ấy là tác giả quyển “Les races humaines” được xem là quyển sách có uy tín về khảo cứu các chủng tộc: “Chủng tộc Cổ Mã Lai tức Anh Đô Nê-diêng rất đặc biệt ở cái điểm này là những đặc tính vi tế làm cho chủng ấy khác với ba nhóm chủng lớn: đen, vàng và trắng, những đặc tính ấy biểu lộ ra rất mong manh”.

Nói nôm na ra thì chủng Mã Lai hơi vừa giống Tàu, lại hơi vừa giống Tây, mà cũng hơi vừa giống các thứ người đen. Nó ở lưng chừng giữa ba chủng kia, không khác biệt nhiều với cả ba chủng ấy như là ba chủng ấy khác biệt với nhau. Một chủng tộc như thế thì nói nó giống với ai cả cũng được cả.

Thế nên, các nhà chủng tộc học không ngạc nhiên chút nào mà thấy ở Bắc Sơn và Hoà Bình sọ người Cổ Mã Lai nằm chung với sọ da đen, với sọ người Mông Gô Lích, v.v. Chủng Mã Lai có khuynh hướng hợp chủng vì nó tự thấy nó không khác ai bao nhiêu.

Cứ xem con gái Việt Nam lấy chồng thì đủ biết: Tàu, Ấn Độ, Mã Lai, người đen Phi châu, người Á Rập, người Âu, người Mỹ gì họ cũng vui lòng kết hôn hết thảy, đó là không kể vô số những cuộc lấy nhau mà không kết hôn.

Theo ông G. Wiltoquet một nhà địa lý học thì hiện nay không còn chủng Mã Lai thuần chủng nữa vì cái khuynh hướng dễ hợp chủng của họ.

Các nhà chủng tộc học Huê Kỳ đếm được 70 mẫu người Mã Lai bị lai giống như vậy.

Đó là định nghĩa tổng quát, súc tích, dành cho các nhà bác học. Định nghĩa thông thường là chủng Mã Lai có:
  1. Tóc dợn sóng chớ không thẳng như tóc của Hoa chủng, cũng không quăn quíu như tóc của hắc chủng.

    Đó là tóc của dân da trắng rồi vậy.

  2. Mặc dầu vậy chủng Mã Lai cũng có tánh cách da vàng hơn là da trắng, nên chi khoa học mới sắp loại nó trong các chủng da vàng.

  3. Và nhứt là không có chủng nào biến thành chủng da trắng được hết mà sách Tàu đã nói và giáo sư Kim Định đã chép lại về một nhóm sang Tây làm tổ tiên da trắng một nhóm sang Đông làm tổ tiên da vàng.

  4. Quan niệm rằng nhân loại đồng gốc, nay đã thấy sai rồi, mỗi nhóm trắng, vàng, đen có những đặc điểm khác nhau và nhóm này không biến thành nhóm kia được.
Những nhóm lai căn trung gian cũng phải làm trắng hay làm đen tuỳ yếu tố. Thí dụ người Ấn Độ da thật đen nhưng vẫn được xem thuộc chủng da trắng vì các yếu tố trắng trong dân tộc Ấn quá nhiều, đè nặng lên yếu tố lai căn của Dravidien vốn là Mã Lai da vàng, lai với Mê-la-nê.

Trong khi đó thì Trung Hoa bị xem là da vàng vì yếu tố vàng của Mông Cổ lấn lướt yếu tố trắng của Nhục Chi. Mà như vậy cho đến muôn vạn kiếp, chớ Trung Hoa sẽ không có mũi cao và mắt đục như Nhục Chi được, mà Ấn Độ cũng không thể mất mũi cao và râu quai nón của họ được.

Màu da của Mã Lai thì vàng, chớ không đen. Nhưng trên thực tế thì họ lại hơi đen, vì khi mất địa bàn Trung Hoa, họ Nam thiên xuống quá gần xích đạo, màu da họ sậm lại. Nhưng vẫn không đen. Đó là cái màu mà Pháp gọi là gris cuivré.

Sau đời Hán thì các vua Trung Hoa luôn luôn tuyển cung phi mỹ nữ ở Hoa Nam, chính vì màu da trắng của chủng Mã Lai, nhứt là của chi Âu, tức chi Thái ngày nay. Nhiều nhóm Thái có má hồng tự nhiên và Dương Quý Phi có thể là một người con gái gốc Thái vì bà ấy ở huyện Dung trong địa bàn ngôn ngữ Thái ngày nay (zône linguistique).

Những chi Lạc của chủng Mã Lai cũng không đen, mà người con gái nổi danh nhứt là Tây Thi, nổi danh không kém Dương Quý Phi chút nào, danh lại thơm hơn nhiều. Tây Thi rất trắng.

Tầm vóc của họ kém Hoa chủng, nhưng vẫn cao lớn hơn tầm vóc của đa số hắc chủng Đông Nam Á, cao hơn chủng Mê-la-nê đến 0th20.

Dân ta có lai Mông Cổ cách đây 5 ngàn năm và có lai Tàu cách đây 1.930 năm, nên khác Mã Lai chánh hiệu ở điểm tóc ta thẳng. Tuy nhiên, vẫn có người Việt tóc dợn sóng, và người Bắc Việt vì ở xa xích đạo hơn người Nam Việt nên da trắng hơn.

Cũng nên nhắc rằng da của người Hoa Bắc rất sậm, gần giống như da của người Nam Kỳ làm nông nghiệp, trái lại da của người Hoa Nam mà dòng máu Mã Lai chiếm đến 60%, thì lại trắng.

Không ai còn biết người Mã Lai Hoa Bắc ra sao nữa cả nhưng bằng vào da của người Tàu Hoa Nam, ta đoán được rằng da của người Mã Lai Hoa Bắc trắng như thế đó. Da của Đại Hàn và Nhựt Bổn cũng trắng y như da người Tàu Hoa Nam. Da người Việt miền Bắc cũng không kém da người Nhựt Bổn bao nhiêu.

Nhưng các chủng da trắng sở dĩ được gọi là da trắng không vì màu da chút nào hết. Người Á Rập thuộc chủng da trắng đấy, nhưng dân Bắc Phi lại rất đen. Các chủng da trắng khác chủng da vàng không phải ở màu da mà ở tầm vóc, ở cái mũi và ở sự kiện có lông nhiều, và đôi khi ở màu mắt và ở màu tóc. Các chủng da vàng mắt và tóc luôn luôn đen.

Còn tại sao chi Khương (Khơ Me) không ở gần xích đạo như người Nam Dương mà cũng đen da, đã được ông G. Cocdès giải thích rồi, là khi họ Nam thiên họ hợp chủng lớn lao với người Mê-la-nê thổ trước, người đó, ở xứ họ, đã tiến tới tân thạch, tức văn minh bằng họ, nên cuộc hợp chủng lớn ấy hoá ra dễ dàng hơn ở Nhựt, ở Việt Nam và ở các nơi khác.

Về vóc dáng thì chưa chắc lắm bọn Mã Lai ở Hoa Bắc lại có tầm vóc nhỏ như người Việt Nam. Như đã nói, người Hoa Bắc cao lớn như Tây, mà họ cho rằng Cửu Lê và Khuyển Nhung quá dữ tợn thì Cửu Lê không thể bé nhỏ được.

Các nhà khảo tiền sử đã đào được sọ Cổ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm tại cánh đồng Chum. Thổ dân ở đó hiện nay kể rằng tổ tiên của họ truyền khẩu lại cho biết những cái chum đó, do người ông khổng lồ chế tạo ra.

Thổ dân hiện nay cao độ 1th50, tức không bé lắm đối với dân ta, thế mà họ gọi Lê có lưỡi rìu tay cầm là ông khổng lồ thì hẳn Cửu Lê phải to lớn lắm.

Nhưng tại sao Mã Lai ở Hoa Nam lại bé nhỏ và lôi kéo Hoa tộc bé nhỏ xuống, tại Hoa Nam?

Không làm sao trả lời được câu này nếu không dùng ức thuyết. Có lẽ cả hai, Hoa và Việt, đã hợp chủng với thổ dân nào đó vừa bé nhỏ lại vừa trắng da. Vâng, nên chú ý đến sự kiện Hoa Nam trắng hơn Hoa Bắc.

Ở Nhựt Bổn có một thứ dân thiểu số vừa bé nhỏ vừa thuộc bạch chủng. Đó là người Hà Di (Aino). Biết đâu ở Hoa Nam lại không có thứ người đó và chính phụ nữ của họ đã lôi kéo cả Mã Lai lẫn Trung Hoa bé nhỏ xuống.

Bằng chứng là người Thái đen và người Thái trắng ngôn ngữ giống hệt nhau, phong tục giống hệt nhau nhưng kẻ đen người trắng.

Bọn trắng có lẽ lai giống với bạch chủng Hà Di là thứ bạch chủng rất bé. Ở Nhựt có Hà Di thì không có lý nào mà ở Hoa Nam lại không có Hà Di, vào thời thượng cổ. Nhưng sách vở cổ của Tàu không nói đến Hà Di Trung Hoa chỉ vì họ không hề biết Hoa Nam vào thời thượng cổ.

Riêng Lạc ở Việt Nam thì lại còn bé nhỏ hơn người Tàu Hoa Nam nữa (nói một cách tổng quát). Tại sao vậy? Lại cũng phải dùng ức thuyết.

Có thể vì bị lai giống với Mê-la-nê, thứ thổ trước bé nhỏ, nên Lạc mới nhỏ xuống chăng?

Nếu không dùng ức thuyết ấy thì không làm sao mà cắt nghĩa được sự kiện kỳ dị:

Phúc Kiến = Lạc + Hoa Bắc

Việt Nam = Lạc + Hoa Nam

Nhưng sao Phúc Kiến lại to người hơn Việt Nam?

Ở hang Làng Cườm sọ Mã Lai lại giống với Mê-la-nê rất ít, tỉ số là 5/1. Nhưng đó là sự lai giống ban đầu. Có thể sau hàng ngàn năm sống chung, sự lai giống càng ngày càng tăng và Mê-la-nê đã lôi kéo Mã Lai Bắc Việt thấp bé xuống chăng?

Còn những người Việt Nam to lớn, cao từ 1th70 trở lên có lẽ dòng họ của họ không có lai với thổ trước Mê-la-nê.

Nhưng cũng chỉ là ức thuyết mà thôi.

Ta sẽ thấy những cổ Việt sống sót, cao đúng 1th70, ở một chương sau, chương Làng Cườm sống dậy, và ức thuyết trên đây có thể chấp nhận được.

Người Việt ở miền Nam, có tái hợp chủng với Mã Lai từ ba trăm năm nay (đó là một cuộc trở về nguồn chánh) nên có rất nhiều người tóc dợn sóng. Người Trung có lai Chàm, mà Chàm cũng là Mã Lai, tức người Trung cũng trở về nguồn, nên cũng có nhiều người tóc dợn sóng.

Các sử gia trào Nguyễn đều cho biết rằng người Mã Lai đã tới buôn bán đông đảo ở hai thành phố Nông Nại Đại Phố và Đề Ngạn, và họ có ở lại, có lấy vợ, đẻ con, nên ảnh hưởng văn hoá Mã Lai ở miền Nam rất lớn.

Người Việt ở miền Nam gọi Mã Lai bằng đến năm thứ danh xưng khác nhau: Mã Lai, Bà Lai, Bà Ba Kiến HổMiền Dưới. Kiến Hổ là tiếng nói đùa do người Tàu có sống ở các xứ Mã Lai và Nam Kỳ dùng, và người Việt miền Nam bắt chước. Nguyên chữ (Lai), ngày xưa viết với bộ Trùng, mà bộ Trùng có nghĩa là con hổ (kiến lớn). (Người Tàu thời cổ viết tên các dân tộc kém mở mang hơn họ, thường dùng những bộ Khuyển, bộ Trùng một cách ngạo mạn như vậy đó).

Sở dĩ người miền Nam gọi Mã Lai bằng lu bù thứ tên là vì hai dân tộc này có chung đụng mật thiết với nhau từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX tại Biên Hoà, Sài Gòn, Rạch Giá, v.v.

Ở Nam Kỳ người ta làm và ăn bánh Lai, người ta mặc áo Ba, người ta trồng cây Sầu riêng (Durian), người ta gọi cảnh sát là mã tà, một danh từ Mã Lai, ảnh hưởng Mã Lai du nhập vào quá dễ dàng khiến ta không khỏi ngạc nhiên nhưng ta sẽ hết ngạc nhiên khi thấy rằng tổ tiên ta là Mã Lai, và ta sẽ giải thích sự hấp thụ dễ dàng ảnh hưởng Mã Lai ở Nam Kỳ, nó có lý do tình cảm âm thầm bí mật giữa hai dân tộc đồng chủng với nhau.

Vị nào có máy thu thanh mạnh, đêm đêm cứ tìm các đài Nam Dương mà nghe. Quý vị sẽ thấy rằng nhạc điệu của họ giống hệt điệu hò mái nhì của ta.

Và ông Nguyễn Phụng, nguyên giám đốc Quốc Gia âm nhạc, cho chúng tôi biết rằng trên thế giới các nước sau đây có cây đàn độc huyền, ngoài ra, không ở đâu khác mà có cả: Việt Nam, Nam Dương, Nam Ấn, các đảo Polynésie.

Đó là dấu vết Mã Lai trong xã hội ta, đáng lý gì chỉ được trình bày ở chương dấu vết, nhưng chương ấy quá dài, thành thử chúng tôi phải bớt vài chi tiết nhỏ cho sang chương này.


*


Người Việt làm chủ đất ở Hoa Bắc xưa là Cổ Mã Lai, chớ không phải kim Mã Lai. Bằng vào sự kiện họ bị Trung Hoa lấn đất dễ dàng, ta đoán được rằng họ chưa văn minh bao nhiêu.

Nhưng người Việt chủ nước Ngô và nước U Việt thì chắc chắn là kim Mã Lai.

Người Cổ Mã Lai (Proto Malais) khác với người kim Mã Lai (Deutoro Malais) như thế nào?

Các nhà bác học châu Âu nói rằng hình ảnh trung thành của người Cổ Mã Lai là người Thượng ở Cao nguyên Việt Nam ngày nay. Người Thượng không thể sản xuất được một Tây Thi đâu.

Ta tạm an lòng với hình ảnh người Thượng là Cổ Mã Lai, còn người nước Anh Đô Nê-xia là Kim Mã Lai vậy.

Nhưng như đã nói, chúng tôi có tìm được một thứ người Việt tối cổ, nói tiếng Việt cổ hơn người thường và cao hơn đến 1th70 và tự xưng là Lạc, và da đỏ.

Đó là những ông chồng khổng lồ ở cánh đồng Chum, và đó là hình ảnh trung thành của Cửu Lê đã đương đầu với dân Hoa Bắc cao lớn như Tây.

Người Mường có lẽ chỉ là hình ảnh của người Đông Sơn, vì người Mường không cao 1th70, lại nói tiếng Việt không rõ lắm.

Tại sao một chủng tộc lại có Cổ có Kim cho rắc rối trí nhớ của thiên hạ?

Chủng tộc nào, hồi nguyên thỉ cũng khác ngày nay cả về văn hoá và về cả vóc dáng và nhân thể tính nữa. Nhưng các người cổ sơ của mọi chủng tộc đều biến mất cả rồi, chẳng hạn không còn làm sao mà thấy được một người cổ sơ Trung Hoa một người cổ sơ Anh, Pháp, Đức nữa.

Riêng chủng Mã Lai thì còn đủ cả hai thứ người của hai thời kỳ. Đặc thù của Mã Lai chủng có thể cắt nghĩa tổng quát được như thế này. Vào cổ thời cách đây nhiều ngàn năm, họ đang sống ở đâu đó, rồi bị một chủng tộc khác rất mạnh xua đuổi nên họ thiên di.

Bọn thiên di chia thành nhiều nhóm, nhiều đợt. Nhóm nào gặp đồng bằng và các điều kiện thuận lợi khác thì tiến lên được, còn nhóm nào gặp núi rừng sâu thì đứng yên ở trình độ cũ hoặc thoái hoá, trở lại thành người cổ Mã Lai, đó là trường hợp của người Thượng và người Dayak.

Trong nhân loại đã có bằng chứng có vài nhóm thoái hoá, không phải là một ức thuyết.

Người Chàm xưa kia đứng vào hàng cừ khôi về thuỷ vận, thế mà ngày nay họ không biết đóng một chiếc thuyền? Tại họ mất địa bàn bờ biển, chỉ còn làm nông nghiệp chớ không chuyên thuỷ vận được nữa.

Người Maya, ở Trung và Nam Mỹ vốn có một nền văn minh rực rỡ như Ai Cập nhưng ngày nay lại kém cỏi vô cùng, nếu họ không hợp tác với người da trắng.

Địa bàn phương Đông của chủng Mã Lai xưa kia, như đã thấy, là nước Tàu. Bị dân Trung Hoa lấn đất, họ Nam thiên. Tới các vùng đất mới, họ lại bị Tàu xâm lăng nữa, chẳng hạn như ở Cổ Việt thì họ lại bị nhà Hán chinh phục. Lần bị chiếm đất thứ nhì này, họ không còn đất để lánh thân nữa, nên một số ở lại chịu văn hóa Tàu còn số khác thì đành phải rút lên núi rừng, rồi vì khí hậu xấu và sự thiếu thốn nơi nó, nên họ lại thoái hóa. Thế nên ta mới thấy người Thượng ở Cao nguyên cứ còn là Cổ Mã Lai cho tới ngày nay, còn ta, kẻ ở lại đồng bằng thì đã khác xa vì điều kiện sống tốt giúp ta tiến lên được, hơn thế ta lại bị hợp chủng với dân xâm lược, phải thọ lãnh văn hóa mới nữa thì sự khác ấy lại càng rõ hơn.

Riêng ở Nam Dương quần đảo thì dân Mã Lai không có bị xâm lăng lần thứ nhì (không kể xâm lăng của Hòa Lan về sau) nhưng họ lại bị văn hóa Ấn Độ tràn ngập, thành thử cũng có người bất hợp tác với văn hóa đó, rút vào rừng và cũng thoái hóa, thành Cổ Mã Lai như dân Dayak chẳng hạn.

Những sự kiện trên, không hề có xảy ra cho chủng tộc nào khác hết vì không chủng tộc nào mà lại bị người Tàu đánh đuổi đến hai lần, lại may mắn có đất để mà thiên di hai lần, rồi có núi rừng không chủ để mà rút vào lần thứ ba. Họ bị diệt hết hoặc bị biến thái hết, không còn người Cổ người Kim như chủng Mã Lai được.

Ở đây, chúng tôi xin thương thảo với ông Phạm Việt Châu và các nhà khảo cứu khác để thống nhứt về danh xưng Cổ Mã Lai, hay Tiền Mã Lai, hay Cựu Mã Lai.

Các nhà dân tộc học Mỹ cho biết rằng ngày nay không còn Mã Lai thuần chủng nữa vì khuynh hướng hợp chủng của chủng ấy. Những người Mã Lai ở Anh Đô Nê-xia, ở Mã Lai Á, ai cũng ngỡ là thuần chủng, nhưng không.

Người Kim Mã Lai hay Hậu Mã Lai, hay Tân Mã Lai chủng có mặt từ hồi thế kỷ thứ VI đến thứ X với hai nền văn minh Mã Lai rực rỡ Shri-Vishaya và Madja Pahit, rồi thì từ ấy những nay, cái chủng đó đã biến dạng vì những cuộc hợp chủng hỗn loạn, mặc dầu sọ còn giống nhau, nhưng mẫu người đã khác, người nước Mã Lai Á có cái mẫu không giống với người nước Anh Đô Nê-xia. Như vậy thì kể như không có Hậu Mã Lai gì hết, và để đối lại, không nên dùng từ Tiền, và từ Cổ ổn hơn nhiều.

Và chúng tôi đề nghị dịch Indonésian hoặc Proto Malais ra là Cổ Mã Lai, chớ không phải Cựu Mã Lai, cũng không phải Tiền Mã Lai. Dân Mã Lai không có tánh cách Tân hay Hậu, mà chỉ có tánh cách hiện Kim mà thôi.

Và sau đây là câu hỏi có thể sẽ được đặt ra. Chúng tôi nói người Tàu vì quen với khí hậu lục địa nên rất sợ khí hậu nhiệt đới của Giao Chỉ.

Nhưng tại sao người Mã Lai, cũng ở khí hậu lục địa mà lại là thứ khí hậu lục địa tàn nhẫn hơn, là khí hậu Tây Tạng, lại di cư xuống các vùng nhiệt đới được?

Là tại họ ở trong cái thế phải di cư, bởi bị đánh đuổi. Buổi ban đầu chắc dân di cư ấy chết nhiều lắm vì bất phục thủy thổ, nhưng đó là cái thế chẳng được đừng, chết bao nhiêu họ cũng lao đầu vào chỗ chết, rồi thì mấy ngàn năm sau nó sẽ quen đi. Bọn sống sót là bọn chịu đựng được.

Ta thấy là ban đầu họ tràn sang Trung Hoa tức di cư tới một khí hậu tốt hơn đó chứ. Họ đã thành công, nhưng rồi bị đuổi đi, thành thử họ cứ chạy tới chứ không lùi về đất Hi-Malaya, khí hậu ác ôn, mà đất đai lại khô cằn, trong khi đó chủng tộc của họ lại đang đà phát triển mạnh, dân đông thêm lần lần, mà đất ở được thì rất là hạn chế, tại vùng Tây Tạng. Thế là họ đành phải tìm các vùng nhiệt đới vậy, khác hẳn với người Tàu, không có bị ai bắt buộc di cư cả, trừ một ông, đó là ông Lư Tổ Thượng; nhưng ông ta chọn cái chết xử trảm để thay cho việc phải đi Giao Chỉ làm quan đầu xứ.

Một điểm sử khác cũng sẽ được đặt thành câu hỏi, chúng tôi đã thử giải thích rồi nhưng cũng xin lặp lại.

Tại sao ở đất Chàm Mã Lai đợt II chiếm đa số, thế mà ở nước đó không có trống đồng là sản phẩm của Mã Lai đợt II như chương về người Mường sẽ cho thấy?

Chúng tôi hồ nghi đạo Hồi là một tôn giáo bất khoan dung đối với các tôn giáo khác. Ở Ấn Độ họ đã tàn phá hàng trăm ngàn đền thờ của đạo Bà La Môn, mà trống đồng là nhạc khí tôn giáo thì không sao mà họ tha được.

Ở Giao Chỉ, Mã Viện cũng có lấy trống đồng nhưng lấy để dùng chất đồng, hễ đủ dùng thì thôi chớ không cố diệt. Hơn thế ta lại chôn trống để giấu đi, còn ở Chiêm Thành thì chính người Chàm tự ý theo đạo Hồi, tự ý hủy diệt tôn giáo cũ của họ thì sự hủy diệt phải hữu hiệu hơn ở Giao Chỉ.

Nói thế có gượng ép quá chăng vì Nam Dương cũng theo đạo Hồi, nhưng lại còn trống. Chúng tôi nghĩ rằng không gượng ép, Nam Dương không ngoan đạo bằng Chiêm Thành.

Tuy nhiên,, cũng chỉ là ức thuyết. Thời gian sẽ trả lời vì Trung Việt ít bị đào bới hơn là Bắc Việt.

Các nhà khảo cứu Pháp ở Trung Việt, say mê đền đài Chiêm Thành trên mặt đất, bận tâm nghiên cứu đền đài ấy, còn ở Bắc Việt chẳng có gì ngoạn mục hết thành thử họ, rồi nhứt là ta, sau khi họ đi, nỗ lực đào bới rất dữ, một mô đất cao là có thể bị tình nghi, bị khai quật rồi, thành thử ở đó, những cổ vật phải được tìm thấy, không ẩn trốn được như ở Trung Việt mà ai cũng tha cho lòng đất sâu vì nghiên cứu đền đài trên mặt đất đã mệt lắm rồi.

Ở tất cả các địa bàn của Mã Lai đợt II đều có trống, trừ ở Trung Việt. Cả ở những địa bàn mà khoa khảo tiền sử không biết là Mã Lai đợt II đã đi qua, cũng có trống nữa, thí dụ Tây Bá Lợi Á, thế mà Chiêm Thành lại không, trong khi người Chàm là Mã Lai đợt II rõ rệt, vì họ còn sống sót và dùng ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, tức Mã Lai Nam Dương.

Tưởng cũng nên thêm vài dòng về trống đồng của dân Lạc. Ở chương Người Mường, chúng tôi sẽ trình chứng tích là bọn đợt II đã đưa trống đồng tới cho vua Hùng Vương dùng chớ vua Hùng Vương không phát minh trống đồng vì ông ấy thuộc đợt I.

Nhưng người ta tìm thấy trống đồng ở Tây Bá Lợi Á, rất gần nơi xuất phát di cư của bọn đợt I, thì phải hiểu sao đây?

Nhưng cũng nên nhớ rằng đến thế kỷ III sau Tây lịch thì Nhựt Bổn đã xâm lăng Đại Hàn rồi. Bọn xâm lăng là bọn đợt II đã lãnh đạo bọn đợt I ở Nhựt.

Chính bọn ấy đã đưa trống vào Đại Hàn, rồi từ đó nó phiêu lưu đi Tây Bá, tức trống Tây Bá là trống mới, về sau này.

Ở tất cả các địa bàn hỗn hợp, bọn II lãnh đạo bọn I, chỉ trừ ở Cổ Việt mà bọn đợt II bị lép vế. Có lẽ bọn I ở Cổ Việt là nhóm tài giỏi nhứt nên họ đã tự lực tiến lên cao, nên họ không bị bọn II văn minh, đàn áp họ như ở Nhựt, Chiêm Thành và Célèbes.

Riêng ở Phù Nam thì cũng chính bọn II là Phù Nam bị bọn I là Chân Lạp, y như ở Cổ Việt, nhưng mãi cho đến thế kỷ thứ VI sau Tây lịch mà nhờ Nhục Chi lãnh đạo, Cao Miên mới được như vậy, còn vua Hùng Vương thì thẳng ngay vào ngày đầu mà bọn đợt II đến nơi, tức trước khi Cao Miên diệt Phù Nam đến 11 thế kỷ, mà không có nhờ sức của ai cả.


Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
  • Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ, Hồng Kông
  • Nguyễn Bạt Tụy: Tựa Hành trình vào dân tộc học
  • Lê Chí Thiệp: Văn hóa nguyệt san Tự điển Từ Hải, Sài Gòn, 1959
  • R. A. Stein: Le Linyi, Pékin, 1947
  • Dr. Huand de Equipe: Etat actuel de la crâniologie indochinoise, Ha Noi, 1931
  • Mã Đoan Lâm: Etnographie des peuples é trangers à la Chine (Bản dịch của H. de St. Denys), Paris 1920
  • G. Moréchand: La Chamanisme Hmong, Paris 1968
  • Jonveau Dulereuil: Archéologie du sud de l’Inde, Paris, 1914
  • Histoire ancienne du Deccan Pondichéry, 1920
  • S. Levi: Histore ancienne de l’Inde, Paris, 1915
  • La Jonquière: Le Siam ancien, Paris, 1908
  • Aymonnier: Histoire de l’ancien Cambodge, Paris, 1920
  • Phayre: History of Burma, Londres, 1883
  • Murdoch et Yamata: History of Japan from the origin to the arrival of the Portugese, Yokohama, 1910
  • Raffles: History of Java, Londres, 1830
  • G. Villoquet: Histore de l’Incdonésie, Paris, 1964
  • R. A. Stein: Les tribus anciennes des marches sino-thibétaines, Paris, 1969
  • H.V. Vallois: Les races humaines, Paris, 1944
  • P. Leston, J. Millot: Les races humaines, Paris, 1936
  • O. Jansé: Archéology of the Philippine Istandes, Washington, 1917
  • Đài Loan N.T.N.S.
  • Chu Lễ: E. Biot, Paris, 1851
  • Tả Truyện: Bản dịch Legge, Paris, 1947
  • Mạnh Tử
  • Đại Việt quốc thư, Sài Gòn
  • Nguyễn Bá Trác: Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Sài Gòn
  • M.T.: Synchronisme chinois, Shanghai, 1905

Chương V

Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay

A. Trống đồng

Chúng tôi nói hơi dài ở chương IV nhưng vẫn phải là kiểm soát tiền sử học đúng. Nhưng những cái đã được nói ra, vẫn phải nói, và chỉ bắt đầu từ đây mới là kiểm soát.

Như đã nói, công việc khảo tiền sử trình ra ở trước, đã được giới khoa học thế giới kiểm soát rồi. Nhưng họ chỉ kiểm soát xem công việc làm có đúng phương pháp tiền sử học hay không.

Viết sử phải kiểm soát lại bằng cách khác. Trên nguyên tắc thì tất cả các chủng xưa còn để dấu vết tại đất Việt, đều phải được theo dõi, và chúng tôi đã theo dõi tất cả. Nhưng chỉ có sọ chủng Mã Lai là giống hệt sọ của người Việt Nam, còn sọ Mê-la-nê, sọ Négrito, sọ Miêu, sọ Trung Hoa đều khác, và sẽ trình ra sau, vì thế trong sách này chúng tôi cho de tất cả các chủng ấy mà chỉ theo dõi Mã Lai, vì các chủng đó không có để dấu vết trong xã hội ta, trong cơ thể ta. Cuộc theo dõi tất cả các chủng, chỉ làm để mà loại trừ, tốn công bao nhiêu, cũng không được phép viết vào đây, vì nó chẳng dính líu gì đến nguồn gốc dân tộc ta.

Viết sử, như đã nói, phải đo sọ của ta để đối chiếu với sọ của các cổ dân nằm trong lòng đất ta, phải học ngôn ngữ của họ mà để đối chiếu với ngôn ngữ của ta và nhiều việc phụ thuộc nữa, mà ở chương trước, chúng tôi đã xét đến một mớ chuyện phụ thuộc, đó là sử Tàu về dân Lạc, từ sông Bộc, di cư đi Triều Tiên, nó ăn khớp với tiền sử học.

Nhưng chưa lấy gì làm chắc là dân Lạc đó là ta, mặc dầu xâu chuỗi mà chúng tôi đưa ra rất vững:

Lê = Lạc bộ Trãi = Lại Di

Trong chương này, chương lớn nhứt của quyển sách, ta sẽ thấy những chứng tích mà không ai chối cãi được gì nữa hết: Cuộc đối chiếu sọ Việt với sọ của tất cả các dân tộc ở Á Đông, và cuộc đối chiếu ngôn ngữ Việt – Hoa – Mã.

Nếu ta nói tiếng Mã Lai thì tiền sử học và chúng tôi đúng. Bằng như ta nói tiếng Tàu thì sử gia Nguyễn Phương và giáo sư Lê Ngọc Trụ có lý. Còn như mà ta nói một thứ ngôn ngữ riêng biệt thì phải xem ông H. Maspéro và đệ tử của ông là thánh tổ vì các ông cho rằng ta là một chủng riêng biệt.

Xin nhớ. Chương này là tất cả quyển sách, và là chương quan trọng nhứt của tác phẩm, vì chứng minh không xong là đổ vỡ hết, và người khác sẽ lập ra một thuyết khác nữa, còn chúng tôi phải thủ phận đi học lại tất cả trong mười năm nữa, cũng như đã học trên 10 năm rồi để viết quyển sử này.

Hai ông Lê Văn Siêu và Nguyễn Phương đều tin mạnh rằng không còn dấu vết nào về xã hội Việt Nam cổ thời. Đồng quan điểm, nhưng hai ông lại có hai thái độ khác nhau.

Ông Lê Văn Siêu chủ trương “phi phương pháp”. Không ai hiểu ông Lê Văn Siêu sẽ làm việc thế nào khi ông cần viết một cuốn sử với quan niệm phi phương pháp đó. Cho tới nay, ông chỉ viết luận thuyết, muốn bàn rộng tán hẹp gì, tùy thích ông, chớ một khi ông viết sử mà bất kể chứng tích như ông chủ trương thì thử hỏi ông làm thế nào để biết cây Nỏ là phát minh của chủng Việt hay chủng Hoa, nếu không tưởng tượng và quả quyết theo chủ quan của ông.

Người Tàu có di cư quá nhiều vào Cổ Việt hay không, muốn biết, phải thấy bằng chứng giáo sư Nguyễn Phương đã thoáng thấy, mà còn sai, huống hồ gì là ông không cần thấy thì nó sẽ ra sao?

Giáo sư Nguyễn Phương lại có thái độ khác hơn ông Lê nữa. Ông chơi nghịch, thách đố tất cả giới khoa học tìm cho ta chứng tích. Ông viết: “Nếu cho rằng chủ nhân của văn hóa trống đồng là tổ tiên của dân Việt Nam, vậy sao ngày nay người Việt Nam không còn duy trì bất cứ gì của phong tục Lạc Việt, kể cả việc trọng kính trống đồng?”.

Đó là một câu đố bắt bí của một người lầm tưởng rằng bọn kia sẽ phải câm miệng, vì không còn chứng tích nào cả để mà cãi lại.

Nếu người Huê Kỳ chơi ác, hỏi người Pháp một câu na ná như thế: “Các anh nói tổ tiên các anh là người GÔ LOA, nhưng đâu là dấu vết GÔ LOA trong đời sống các anh? Chúng tôi chỉ thấy các anh là La Mã mà thôi”.

Người đố như vậy ngỡ mình ăn chắc một trăm phần trăm bởi bọn kia còn làm sao mà tìm ra được chứng tích nào kia chớ.

Nhưng rủi cho ông Nguyễn Phương là còn quá nhiều chứng tích. Ông Lê Văn Siêu không tìm tòi cho tới nơi nên mới tin là không có, riêng sử gia Nguyễn Phương thì còn chịu khó đọc cổ thư Trung Hoa, chớ ông Lê Văn Siêu thì không đọc, vì tin là Tàu bịa, đọc vô ích.

Dân Việt Nam còn duy trì phong tục Lạc Việt, Anh Đô Nê-diêng hay không, tưởng sử gia nên theo dõi các nghiên cứu của các nhà bác học mà chúng tôi đã ám chỉ trong nhiều chương, hơn là hỏi suông một cách quá tự tin như thế.

Riêng về trống đồng thì oái oăm thay, chính sử gia phản lại sử gia.

Quả thật thế, quyển V.N.T.K.S. ra đời năm 1965, nhưng từ năm 1963, sử gia cho xuất bản quyển Hải ngoại kỷ sự do chính sử gia dịch, đó là du ký đến viếng nước Đại Việt của chúa Nguyễn Phước Châu hồi thế kỷ XVII, tức chỉ mới đây thôi (đối với chuyện ngàn năm thì thế kỷ XVII rất là mới).

Thỉnh thoảng sử gia lại dịch: “Trống đồng nổi lịnh”.

À, nếu ta không còn dùng trống đồng, sao sư T.Đ.S. lại nói như thế? Bằng như họ cho rằng nhà sư ấy bịa láo thì sao sử gia còn dịch du ký của ông ấy làm gì?

Lạ lắm là hai năm trước, sử gia đã dịch như vậy, hai năm sau, sử gia lại hỏi thế kia là làm sao?

Tuy nhiên, ta có dùng trống đồng mà không có trọng kính trống đồng thì e sử gia không hài lòng. Vậy ta phải nỗ lực tìm dấu vết của sự kính trọng đó nữa, mặc dầu nội cái việc có dùng trống là đủ bác bỏ luận điệu của sử gia họ Nguyễn rồi.

Trong tác phẩm Kiến văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn đã viết như sau: Nước nhà, vua Thái Tông nhà Lý dựng miếu thờ Thần Đồng Cổ Sơn ở đằng sau chùa Thành Thọ. Hàng năm cứ đến ngày mồng bốn tháng Tư lập một đàn ở trước miếu này rồi dàn binh lính, đọc lời thề để quần thần cùng thề. Đến vua Nhân Tông thì hợp Quân nhân trong thiên hạ thề ở Long Trì. Vua Nhân Tông lại định lệ hàng năm cũng theo ngày mồng bốn tháng Tư. Sáng sớm hôm ấy đức vua ngự ra cửa bên điện Đại Minh, quần thần đề mặc binh phục tới lễ hai lễ rồi lui ra. Các quan đi đều có xe ngựa binh lính đi theo ra lối cửa Tây thành rồi đến hội thề ở miếu Đồng Cổ Thần. Quan kiểm chánh đọc lời thề rằng:

“Vi thần tận trung, vi quan thanh bạch”.

Thề xong quan tể tướng kiểm điểm từng người, nếu ai vắng mặt phải phạt năm quan tiền. Lễ này thời ấy cho là một lễ rất thịnh vậy.


*


Đại Nam nhất thống chí viết: Đền thờ Thần trống đồng, Đồng Cổ thần từ, ở trên núi Đan Nê thuộc huyện An Định (có tên gọi là núi Khả Lao).

Sợ e sử gia Nguyễn Phương không tin Lê Quý Đôn, không tin Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi xin cầu viện ông V. Goloubew, ông này hiện còn sống (1966).

Ông V. Goloubew rất đáng tin vì chính ông là người đã không nhận dân Đông Sơn Mã Lai là tổ tiên của chúng ta, y như sử gia Nguyễn Phương. Trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. vol XXXIII, 1933, ông V.G. kể những gì ông ta đã thấy: Làng Đan Nê, huyện An Định, phủ Thuận Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một vùng hoàn toàn Việt Nam, và gần đó không có dân Mường. Trong đền thờ trên đường Phủ Quảng, gần bến đò An Định đưa sang sông Mã, có trống đồng cùng loại trống Hòa Bình để ở Bảo tàng viện Hà Nội, mặt trống rộng 0,85 và cao 0,58th.

Trống này chỉ để thờ chớ không được đánh, bằng vào lớp bụi dày trên mặt trống.

Trong đền có bài vị gỗ khắc chữ Nho, và bản dịch của ông Trần Văn Giáp cho biết nội dung của bài vị như sau: “Phía Tây Thanh Hóa, làng Đan Nê, huyện Yên Định, có núi Đồng Cổ, núi có ba đỉnh hình ngôi sao nên cũng có tên là núi Tam Thai. Trong thung lũng gần núi, có đền cổ thờ thần núi rất linh thiêng”.

Câu chuyện trên đây, xác nhận Đ.N.N.T.C. và đại cương ăn khớp với truyền thuyết thứ nhứt về thần trống đồng trên núi Khả Lao ở vùng An Định, vị thần đã giúp vua Hùng Vương khi vua Hùng đi đánh Chàm, để thống nhứt Cửu Chân vào Cổ Việt, Cửu Chân là đất của dân Chàm đồng chủng với dân Lạc nhưng còn kém mở mang như chúng tôi sẽ chứng minh ở một chương sau. Có lẽ nhờ điều động binh sĩ có quy củ, và được như vậy là nhờ kẻ chỉ huy có trống đồng nên lịnh nghe xa được, mà vua Hùng thắng trận, rồi thì dân chúng bịa lần, câu chuyện hóa ra vua Hùng thắng trận, rồi thì dân chúng bịa lần, câu chuyện hóa ra vua Hùng thắng trận nhờ thần trống đồng trên núi Khả Lao.

Tuy nhiên, rồi vua Hùng vẫn cho lập đền thờ thật sự chiếc trống đồng ấy, đều lặp lại thung lũng gần núi, như bia cổ (cổ nhưng vẫn sau việc thờ trống hàng ngàn năm) đã ghi.

Nhưng xem ra thì cái đền mà ông V. Goloubew đã thấy thờ trống đồng, không phải là đền vua Hùng. Theo lời bịa thì là bia nói đến một cái đền khác. Nhưng ở đền mới này lại có trống thì là sao?

Nhưng lại có một truyền thuyết thứ nhì về chiếc trống đồng ấy. Tích rằng khi Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà xong, về ngang qua đền (đền thứ nhứt) bèn lấy trống đồng đưa về miền Trung. Sau, có người nhìn ra, bèn đưa trống trở về nguyên quán.

Có lẽ người đưa trống đã thừa một dịp loạn nào đó trong anh em Tây Sơn mà sử quên nói đến, và khi đưa về thì đền thờ cũ có lẽ bị hỏng không ai cất lại, nên cho vào cái đền thờ mới mà ông V. Goloubew đã viếng.

Dầu sao, năm 1933, một người Âu Châu cũng có thấy tận mắt một đền thờ trống đồng trong vùng lịch sử ấy, và thấy tận mắt một chiếc trống đồng đang được người đương thời thờ, chớ không phải là trống đồng đào được trong lòng đất và cất ở bảo tàng viện.

Những câu hỏi đố của sử gia Nguyễn Phương đã làm vất vả bao nhiêu người. Các ông Tây cũng đã phải khổ công lắm, nhứt là về kiến trúc. Về trống đồng thì người phải đổ mồ hôi là ông R. Mercier.

Ông R. Mercier đã làm một công việc khác người là không buồn tìm hiểu dân Đông Sơn như các ông Tây khác, mà lại đối chiếu cách chế tạo trống đồng của cái dân Đông Sơn đó và cách chế tạo đồ đồng của dân Việt Nam ngày nay ở Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hà Đông, Nam Định, và thấy cả hai dân tộc đều dùng một kỹ thuật y như nhau, dụng cụ thô sơ đến mức không còn thể nào mà thô sơ hơn được, mà trên thế giới không có dân tộc nào làm thế cả.

Ông R. Mercier đã tỉ mỉ đến mức này thì quý vị biết là ông có đi sâu vào cuộc đối chiếu hai kỹ thuật đó hay chăng.

Ông nghiên cứu chiếc trống lớn nhứt ở Bảo tàng viện L. Finot, mà ông không thèm biết là trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ hay trống gì, ông nói đó là trống đánh số D.8.214 – 36, nặng 86 kí lô.

Đó là một cái trống đúc nguyên khối, không có ráp mối. Ông quan sát ở hông trống và đếm được 280 cái vết đen hình vuông, một phân tây mỗi cạnh. Nhờ những dấu ấy mà ông biết được kỹ thuật của thợ Đông Sơn, họ làm hai cái khuôn, một lớn một nhỏ, cái nhỏ nằm trong cái lớn, hai cái cách nhau một khoảng trống lối ½ phân Tây, khoảng trống ấy được các khúc gỗ nêm.

Thế rồi các cụ Đông Sơn nhà ta nấu đồng pha, đổ vào khoảng trống ấy. Nêm gỗ bị cháy, nhưng vẫn còn để dấu vết lại trên hông trống.

(Có lẽ đó là cái trống độc nhứt được đúc nguyên khối, chớ cái trống ở Bảo tàng viện Sài Gòn mà chúng tôi nghiên cứu thì có ráp mối).

Ông R. Mercier nói rằng chỉ có dân Việt Nam ở các tỉnh trên mới đúc nguyên khố những vật quá to lớn bằng kỹ thuật và dụng cụ thô sơ như thế mà thôi.

(Thế nên ta rất có thể tin Hậu Hán thư khi sách viết: “Dân Lạc Việt có đúc thuyền bằng đồng”).

Như thế, không biết đã đủ cho sử gia Nguyễn Phương hay chưa về dấu vết trống đồng và tôn kính trống đồng?

Sử gia chỉ bắt bí về trống đồng vì sử gia ngỡ ta không dùng và không thờ trống đồng, còn những thứ khác, sử gia tránh không nói tên, như là tục nhuộm răng, tục búi tóc, tục chít khăn, tục thờ âm dương vật của chủng Nam Ấn anh em chú bác với Việt Nam, và cứ tồn tại đến nay từ Bắc Việt cho tới Nha Trang (theo nghiên cứu mới nhứt của ông Toan Ánh và ông Lê Quang Nghiêm) vì những câu hỏi ấy quá dễ bị lạc.

Nhưng trống đồng vẫn không bắt bí ai được hết, vì rủi ro có kẻ quá tò mò là ông V. Goloubew và ông R. Mercier.

Trống đồng là nhạc cụ, về nhạc thì trên thế giới, hiện nay chỉ có ba dân tộc là có cây Độc huyền cầm, đó là dân Việt Nam, dân Mã Lai ở Anh Đô Nê-xia, và dân Malayalam ở Nam Ấn.

Sự kiện đó cho thấy ba điều:
  1. Ta có gốc Mã Lai.

  2. Ta đồng chủng với Anh Đô Nê-xia, chi Lạc.

  3. Thuyết O.J. cho rằng dân Lạc Việt đã chạy xuống Phi Luật Tân khi đã bị Mã Viện săn đuổi, chưa bao giờ được chứng minh, mà cây Độc huyền cầm lại chứng minh khác vì ở Phi không có Độc huyền cầm.
Lại còn hai chứng minh khác nữa cho thấy người Mã Lai ở Indonésia và ở Madagascar (tức người Hovas ngày nay) là người Lạc Việt từ Việt Nam di cư tới đó, bằng vào một truyện cổ tích ở Anh Đô Nê-xia đối chiếu với một truyện cổ tích Hòa Bình, sẽ được nói rõ trong chương Người Mường, và bằng vào việc “vác Nước” của người Hovas. “Vác nước” là phương pháp lấy nước mà trên thế giới chỉ có hai dân tộc là có làm là dân Mường và dân Hovas, mà người Mường là cái gạch nối liền giữa dân Đông Sơn Lạc Việt và dân Việt Nam ngày nay, như ta sẽ thấy ở một chương sau.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.