trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
B. Kiến trúc

Ngôi nhà cổ Việt độc nhứt, tìm được ở bờ sông Mã năm 1927 do ông Tây đoan Pajot, nhân viên tài tử của Viện Bác Cổ Viễn Đông. Nhưng cuộc nghiên cứu kéo dài, và mãi cho tới 17 tháng giêng D.L. năm 1938, nhà khảo cổ V. Goloubew mới báo cáo trong một buổi thuyết trình, mà bản văn được đăng trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. số 14, 1938.

Sở dĩ việc nghiên cứu đòi hỏi lắm thì giờ như vậy là vì sự định tuổi rất khó khăn của vật liệu cổ dùng cất nhà.

Ông V. Goloubew định tuổi ngôi nhà ấy đồng thời với ngôi mộ gần đó.

Theo sự trình bày của nhà khảo cổ nói trên thì đó là một ngôi nhà sàn mà cột cái cao 4,50th, sàn cao 1 thước. Mái nhà dài xuống tới sàn, và vì thế mà cửa phải trổ ra ở vách hồi. Sàn bằng tre sặt, một loại tre giống tầm vông ở miền Nam, tre còn xem xét được nhờ vật liệu đó đã gần hóa thạch, còn cột thì bằng gỗ lim nên còn bền.

Sườn nhà không có trính, tức là đó là loại sườn nhà mà miền Nam gọi là nọc ngựa, miền Trung gọi là nhà chữ Đinh.

Ông V. Goloubew còn nói nhiều nữa, nhưng đó là điều mà ta đã biết như ông, rằng nếp nhà khai quật được giống nhà khắc trong trống đồng, và đó là lối kiến trúc của tất cả các nhóm dân Cổ Mã Lai và cả Kim Mã Lai nữa.

Ông V. Goloubew có cho biết rằng trong một chiếc gương đồng cổ của Nhựt, có khắc hình một nếp nhà như vậy. Ngày nay nông dân ở nhiều đảo của nước Anh Đô Nê-xia vẫn còn cất nhà như vậy, và người Chàm, cũng gốc Mã Lai, giữ lối kiến trúc đó cả đến trong những xây cất bằng gạch nữa, những xây cất này, ngày nay còn thấy với những cái cửa trổ ra ở bức hồi.

Loại nhà đó, người Chàm gọi là Thang giơ. Danh từ Thang giơ tiếng Mã Lai Nam Dương Tanga mà ra và có nghĩa là cái Thang. Dân Việt Nam cũng nói tiếng Mã Lai Nam Dương và biến như sau:

Tanga = Thang
Nhà Tanga = Nhà sàn

Người Chàm ngày nay không còn cất nhà như vậy nữa, nhưng khi nào cử hành một lễ tôn giáo là họ cất sơ sịa một cái nhà như thế để hành lễ trong đó, cho đúng cổ tục Mã Lai.

Đó là kiến trúc Cổ Mã Lai, Kim Mã Lai đã hết cho mái nhà xuống tới sàn và nhờ vậy mà trổ cửa ở dưới mái được, thôi trổ cửa ở bức hồi, nhưng còn giữ lối kiến trúc chữ Đinh, đặc thù của kiến trúc của họ mà Tàu tuyệt đối không biết.

Người Tàu cất nhà luôn luôn có chái, từ cổ chí kim đều như vậy. Tường hồi là do họ bắt chước kiến trúc của Mã Lai vào đời Đường, chớ trước kia thì họ không có, còn các nhóm Mã Lai thì bắt chước cái chái của Tàu, tùy theo thời điểm họ chịu ảnh hưởng Tàu.

Tóm lại tường hồi và lối trổ cửa ở tường hồi, với lại lối nhà chữ Đinh với cây cột giữa là đặc thù của kiến trúc Mã Lai mà cho đến đời Đường thì Tàu mới theo, mà cũng chỉ theo tường hồi mà thôi, còn lối chữ Đinh thì họ không bao giờ theo cả. Nhưng Việt Nam thì luôn luôn dùng lối chữ Đinh.

Chỉ có một điểm này mà ông V. Goloubew để cho ta đoán mà thôi vì ông không có bằng chứng, là đỉnh nóc nhà của tất cả mọi nhóm dân Mã Lai đều oằn, riêng nhóm Nhựt thì mô, còn nếp nhà ở Đông Sơn thì không thể biết là oằn hay mô bởi cây đòn dông (thượng đống) không còn nữa. Nhưng bằng vào hình nhà cửa khắc ở trống đồng thau thì đỉnh nóc nhà Đông Sơn phải oằn.

Hình nơi trống đồng thau lại còn cho thấy một điểm khác nữa mà ông V. Goloubew không có nói, nhưng các nhà khảo cổ khác như L. Bézacier thì có nói, đó là góc mái nhà cong quớt lên.

Đây là bài nghiên cứu đầu tiên về nhà cửa của người Đông Sơn. Về sau những ông L. Bézacier, J. Y. Claeys, H. Maspéro tiếp tục nghiên cứu thêm và khám phá được nhiều điều hay lạ.
  1. Kiến trúc Mã Lai giản dị hóa, tức không còn nóc oằn mái cong nhưng còn cái vỉ kèo là có cây cột giữa, ta gọi là nhà chữ Đinh hay Nọc ngựa. Tàu không bao giờ có lối kiến trúc này.

  2. Kiến trúc Trung Hoa với đặc điểm không có cây cột giữa, gọi là nhà chữ Hợp mà ta chỉ mới bắt chước chừng 500 năm nay đây thôi.

  3. Mái nhà Tàu các đời Thương, Chu, Tần, Hán, Tấn, ngay thẳng như nóc nhà Tây. Luôn luôn có chái. Chái là một mái độc nhứt, hình tam giác. Nhà Mã Lai không bao giờ có chái còn nhà Tàu thì không bao giờ có hồi.

  4. Nhà của Trung Hoa ngày nay, đã biến dạng, hình bánh ít của nóc nhà.

  5. Nhà Mã Lai ngày nay, biến dạng, tức lấy chái nhà của Tàu, nhưng cứ còn giữ một chút xíu đầu hồi của cổ thời, mái lại hình thang chớ không phải hình tam giác. So sánh với nhà số 4 để thấy hai lối biến dạng khác nhau.

  6. Rong của đồng bào Thượng và các nhóm Mã Lai Nam Dương, có tánh cách đình Việt Nam ở điểm:

    • Cấm đàn bà
    • Nơi họp việc làng
    • Nơi thờ thần làng

  7. Chính Xương Viện, ngôi nhà ngói cổ nhứt có nóc oằn, mái cong, còn sót lại đến ngày nay tại Nhựt Bổn, nhưng xây cất từ đời Đường.


1. Mái nhà

Trong quyển ‘Về vài món đồ đời Hán”, ông H. Maspéro cho thấy rằng nóc và mái nhà của người Trung Hoa bằng thẳng, y như nóc và mái nhà của người phương Tây. Hình nhà bằng sành xưa đào được trong các ngôi mộ nhà Hán nặn rất trung thành, một con cừu trong sân cũng được nặn kỹ lưỡng, thì không thể bảo rằng thợ cẩu thả làm không giống.

Không tìm thấy nhà sành đời Đường, nhưng nhà đời Đường có chạm trên nhiều bia đá ở Trung Quốc, có thay đổi chút ít về nóc và mái, tức nóc bắt đầu hơi oằn, mái bắt đầu hơi cong quớt lên.

Nhưng trong vài bức tranh đời Tống thì nóc đã oằn, mái đã cong lên hẳn, giống nóc và mái nhà của tất cả các nhóm Mã Lai hiện kim.

Một bài văn danh tiếng của Trung Hoa cũng cho biết mái nhà đời Tần Hán ra sao. Đó là bài phú “A phòng cung” của Đổ Mục: “… mái nhà cong như mỏ quạ” tức quặp xuống chớ không phải là cong quớt lên.

Yếu tố kiến trúc nóc oằn và mái cong như mái chùa, ai cũng ngỡ là của Trung Hoa, có dè đâu đó là của chủng Mã Lai Bách Việt và của Cổ Việt mà Tàu bắt chước.

Chỉ có người Nhựt gốc Mã Lai là đôi khi làm đỉnh nóc mô, vì xứ ấy có tuyết, làm nóc mô cho tuyết đổ, kẻo sập nhà, nhưng chính hình dạng mô ấy cũng là hình thức trái nghịch với hình dạng oằn của đỉnh nóc Mã Lai, hễ không oằn thì mô, chớ nhứt định không thẳng, tại mỹ quan của chủng Mã Lai về kiến trúc nóc đó như vậy.

Trong quyển “Archacological Research in Indochina” của ông O. Jansé, người cầm đầu phái đoàn khai quật Đông Sơn, do nhà in Bruges St. Catherine Press (Bỉ quốc) tái bản năm 1955 có in hình nhiều kiểu nhà ở và nhà mồ của đồng bào Thượng ở Việt Nam, nhà ấy giống nhà trong trống đồng thau và giống nếp nhà do ông V. Goloubew hồi phục bằng vào vật liệu khai quật được, và công cuộc khảo sát về dân tộc học, nhơn thể tính cho biết rằng người Thượng ở Cao nguyên cũng thuộc chủng Cổ Mã Lai (Anh Đô Nê-diêng).

Trong quyển “Introduction â l’étude de l’Annam et du Champa” (BAVH số một và hai, 1934) ông Claeys viết: “Nếu cần phải kết luận thì người ta có thể nói mà không cần dè dặt (on pourrait facilement déclarer) rằng nóc oằn, mái cong lên, ở bên Tàu là do bắt chước người Cổ Mã Lai, còn ở xứ Annam thì đó là cái gì còn sót lại của cổ tục bổn xứ”.

Nhưng người Tàu đã bắt chước của ai hồi đời Đường? Ta có một chứng tích khá rõ. Các nhóm Mã Lai đều cất nhà lợp lá. Biến nóc lá oằn và mái cong thành nóc ngói oằn mái cong là chuyện khó lắm, vì vật liệu khác, không ai biết sẽ làm được hay không thì Tàu hẳn không có thử làm.

Nhưng một nhóm Mã Lai kia đã thử làm, đúng vào đời Đường, họ gởi hàng ngàn sinh viên đi sang Tàu để học đủ thứ môn kể cả kiến trúc gỗ và công nghệ ngói gạch.

Về nước, họ bắt đầu cất nhà lợp ngói, nhưng vẫn giữ nguyên mọi biệt sắc Mã Lai cố hữu là nhà sàn, nóc oằn, mái cong quớt lên. Đó là Chính Xương Viện ở cố đô Nại Lương (có hình cạnh đây).

Chính Xương Viện là ngôi nhà ngói nhưng cất trên sàn, có nóc oằn và mái cong, cổ nhứt của nhơn loại, mà chính người Mã Lai Nhựt cất lên bằng cách dung hòa hai thứ kiến trúc: kỹ thuật bên trong học của Tàu, còn thì cái gì của Mã Lai đều được giữ nguyên vẹn.

Cũng nên nhớ rằng dưới đời nhà Đường, Nhựt đi học của Tàu, nhưng vẫn có trao đổi văn hóa qua lại với nhau và hẳn Tàu đã có bắt chước Nhựt ở vài điểm mà loại nóc oằn mái cong là một.

Thế là Mã Lai Nhựt đã thành công trong việc dung hòa kiến trúc ngộ nghĩnh và đẹp hơn kiến trúc Tàu nhiều lắm! Chắc chắn là Tàu đã bắt chước Chính Xương Viện, nhưng bỏ cái sàn, vì họ chỉ thích cái nóc và cái mái lạ và đẹp thôi, còn sàn thì không có gì đặc sắc cả.

Cũng nên nhớ rằng Chính Xương Viện chỉ được xây cất vào năm 743 S.K. còn bức tranh Tàu của Li Sseu Hiun (Lý Tư Hùng) trong đó lâu đài cung điện Trung Hoa lần đầu tiên có nóc oằn, mái cong quớt lên, hiện được tàng trữ tại Bảo tàng viện Museum of Fine Arts ở Boston thì được họa vào khoảng năm 700.

Như vậy cho rằng Tàu học của Nhựt có mâu thuẫn chăng? Xin thưa rằng không. Vì sao?

Nhựt đã phái chuyên viên đi học kỹ thuật của Tàu siêng cần nhứt là từ năm Đại Nghiệp dưới đời nhà Tùy (607 S.K.) và kể từ năm đó thì hai quốc gia ấy trao đổi văn hóa với nhau không ngớt.

Như thế Chính Xương Viện chỉ là ngôi nhà ngói nóc oằn và mái cong còn sót lại của Nhựt, chớ trước đó, tức trước bức tranh năm 700 của Li Sseu Hiun, Nhựt phải có nhiều ngôi nhà loại ấy, nghĩa là họ đã bắt đầu nhờ kỹ thuật Trung Hoa từ năm 657, và Trung Hoa cũng bắt đầu cóp nóc oằn mái cong của họ từ năm 607.

Nhà của bức tranh năm 700, không là chứng tích Tàu thình lình phát minh nóc oằn và mái cong trước Mã Lai Nhựt Bổn.


2. Hồi và chái

Ông Maspéro và ông L. Bézacier lại còn cho biết rằng người Tàu không hề biết vách hồi, từ cổ thời cho đến đời Tống, cũng cứ dựa vào những nhà bằng sứ nói trên, có ảnh đăng trong quyển L’Art de la Chine, nhà xuất bản Larousse, Paris. Bức hồi chỉ thấy nơi nhà của người Cổ Mã Lai và Kim Mã Lai thôi. Cũng tới đời Tống, Tàu mới bắt chước bức hồi của Mã Lai.

Trái lại, các nhóm Mã Lai thì không bao giờ biết cái chái nhà và chỉ bắt chước Trung Hoa tùy theo năm họ bị Trung Hoa cai trị, còn nhóm nào không hề chịu ảnh hưởng Trung Hoa thì mãi cho đến ngày nay vẫn không biết cái chái là gì.

Ông L. Bézacier đi sâu thêm, trong quyển L’art Vietnamien, và cho biết rằng nhóm Mã Lai Việt Nam, mặc dầu bắt chước chái nhà của Trung Hoa, vẫn còn để lại bức hồi. Quả thật vậy, chái nhà của Trung Hoa hình tam giác và chỉ gồm có một tấm nằm nghiêng từ trên xuống dưới, trong khi đó thì chái nhà Việt Nam gồm hai phần phân biệt, phần trên là đầu hồi hình tam giác, nhưng đứng chớ không nghiêng như chái nhà Tàu, rồi tới cái chái hình thang nghiêng, chớ không phải hình tam giác như của Tàu. Loại chái nhà của ta, cổ Trung Hoa không có. Đầu hồi của ta là cái gì còn sót lại của vách hồi thời Đông Sơn vậy.

Ông L. Bézacier nói rằng ngày nay Trung Hoa cũng bắt chước ta mà làm chái nhà hai phần như ta, nhưng vẫn không giống được, bởi đầu hồi của Việt Nam để trống trơn, còn đầu hồi của Trung Hoa thì luôn luôn bít kín (vì xứ họ lạnh).


3. Sườn nhà

Ông L. Bézacier, nguyên quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho đến năm 1945, rất thạo về kiến trúc. Ông cho biết rằng lối nhà Nọc ngựa của ta, Tàu không bao giờ có, còn ta thì chỉ bắt chước Tàu để cất nhà có trính về sau này thôi, và mãi cho đến ngày nay, ta vẫn còn tiếp tục cất nhà Nọc ngựa ở vài nơi, khi người cất nhà vì ít tiền nên phải tiết kiệm gỗ. Và hầu hết các Đình xưa của ta đều không có trính.

Ở đây, ta thấy rõ một hình thức tiêu cực đề kháng của tổ tiên ta rất là ngộ nghĩnh. Phàm khi một dân tộc bị trị mà bất khuất dưới một sức mạnh thống trị chưa có thể đương đầu nổi thì cuộc đề kháng rút vào vòng bí mật, hoặc dưới trăm ngàn hình thức tiêu cực nho nhỏ mà kẻ thống trị không thấy được.

Chúng tôi còn giữ được một kỷ niệm về câu chuyện sau đây xảy ra trong làng chúng tôi cách đây nửa thế kỷ, thuở chúng tôi còn bé dại.

Nhà giàu ta, hễ cất nhà thì có khuynh hướng cất có trính mà miền Nam gọi là Đâm trính, vì nhà có trính rộng hơn nhà Chữ Đinh mà miền Nam gọi là Nọc ngựa. Nhưng đàn ông các gia đình có nền nếp theo phong tục tổ tiên thì luôn luôn chống lại khuynh hướng đó. Xung đột thường xảy ra trong các gia đình bắt đầu mới có tiền chuẩn bị tậu nhà mới. Người đàn ông luôn luôn thua trận, bởi họ chỉ biết đưa ra một luận điệu có vẻ huyền bí là “Không nên”. Từ ngữ không nên ở miền Nam có nghĩa là chạm đến ma quỷ, thánh thần. Luận cứ đó không vững nên các bà luôn luôn thắng và những ngôi nhà cổ Nọc ngựa lần hồi biến mất hết, năm chúng tôi lên bảy thì nhà cửa trong làng hết 95 phần trăm là nhà trính mà các nhà kiến trúc Tàu gọi là nhà Chữ Hợp.

Chắc chắn là tổ tiên ta xưa, không biết làm thế nào để chống lại ảnh hưởng ngoại lai về kiến trúc đó nên mới bịa ra cái vụ “không nên” nói trên, dùng có hiệu quả trong nhiều ngàn năm, nhưng đến thời Tây tà thì không còn ai nghe nữa vì ta đã hết tin nhảm.

Sở dĩ toàn thể đàn bà theo khuynh hướng có trính vì họ không có nhiệm vụ tế lễ nên không hề hay biết có lời di chúc truyền miệng của tổ tiên. Còn đàn ông mà không biết là vì họ mồ côi quá sớm hoặc vốn là con nhà bần nông ở nhà tranh, trong gia đình người gia trưởng không có dịp nói lên lời di chúc ấy lần nào hết.

Câu chuyện này, chúng tôi tin chắc rằng cũng đã xảy ra ở Trung và Bắc Việt, nhưng không có ai nói ra, vì nhơn chứng không có viết lách gì, còn những người viết lách thì lại không thấy hoặc quên đi, hoặc không có quan sát thuở họ còn bé.


4. Ngói và nhà bếp

Theo ông L. Bézacier thì nhà bếp của Trung Hoa luôn luôn dính lại với nhà ở, còn nhà bếp Việt Nam thì luôn luôn cách xa nhà ở bằng một cái sân, lớn nhỏ, tùy khả năng tài chánh của chủ nhà và tùy nơi cất nhà có nhiều hay ít đất. Ngày nay ở các thành phố người ta cất nhà liên kế, rất hẹp, vậy mà nhà bếp cũng cách nhà ở bằng một cái sân bé tí teo.

Về ngói thì Trung Hoa luôn luôn dùng ngói ống. Ta chịu ảnh hưởng Trung Hoa rất nặng vậy mà ta lại chế tạo ngói dẹp để lợp nhà, những đình, chùa, đền cổ của ta chứng minh điều trên đây, và ngay cả ngói lợp nhà của thành Đại La, cái thành do người Trung Hoa xây cất, mà cũng đã dùng ngói dẹp rồi. Điều đó chứng tỏ rằng người Việt là người Việt, người Trung Hoa là người Trung Hoa, bởi từ bà Tây Thái Hậu về trước, Trung Hoa không hề chế tạo ngói dẹp, thì không có lý nào mà một nhóm Trung Hoa ở Giao Chỉ lại dùng ngói dẹp để xây cất Đại La.

Đành rằng đó là phát minh về sau của thợ Việt Nam, chớ vào thời Đông Sơn Lạc Việt tổ tiên ta chỉ lợp nhà bằng tranh, bằng cói, nhưng nó cũng chứng minh được rằng ta không phải là Trung Hoa.


5. Nhà rầm

Năm chúng tôi lên bảy, trong vùng chúng tôi sanh trưởng, mỗi làng còn được vài cái nhà rầm.

Các nhà khảo cứu Pháp, khi nói đến những ngôi đình ở Bắc Việt đã dùng từ ngữ sai là Edifice sur piloti. Trong ngôn ngữ của họ chỉ có từ ngữ đó thôi, họ không làm sao mà diễn tả hơn được, chớ thật ra Maison sur piloti là nhà sàn, nó khác nhà rầm ở điểm này là nhà sàn, khoảng trống bỏ không, từ mặt đất lên tới sàn, cao lắm, còn nhà rầm thì chỉ cao lối sáu tấc Tây là cùng.

Nhà rầm chỉ là một hình thức nhà sàn, không còn mục đích phòng thủ chống thú dữ như vào cổ thời, hoặc như nơi người Thượng trên núi rừng ngày nay nữa. Người Việt Nam biến nhà sàn ra nhà rầm vì mục đích vệ sinh, tránh đất ẩm ướt, mà nếu nền có lót gạch Tàu cũng không hết ẩm.

Nhưng cho đến năm 1925 thì tất cả những ngôi nhà rầm xưa trong vùng tôi đều mục nát hết và con cháu các chủ nhà đời xưa, dỡ bỏ, cất lại thì cất trệt, tức không rầm, vì bấy giờ họ đã tìm được một lối vệ sinh hơn là xây nền bằng đá rồi đổ cả mấy mươi thước khối cát trong thành đá ấy đoạn mới dựng nhà lên đó. Sự ẩm ướt, nhờ cát hút hết, mà không phải lo rác rến dưới rầm không thể quét dọn được vì rầm quá thấp, không làm sao để chui vào đó. Trên cát, họ lót gạch cho sạch sẽ.

Nhưng hiện nay thì tại Nhựt Bổn, cứ còn rầm như thường. Đất Nhựt Bổn không ẩm, nhưng họ có óc tồn cổ, và đó là di tích nhà sàn Mã Lai xưa chớ không có gì lạ. Nhiều du khách ta, không biết lẽ đó, ngỡ người Nhựt mới phát minh ra nhà rầm khi họ đã văn minh rồi, học đòi vệ sinh.

Chúng tôi tin chắc rằng, ở Bắc và Trung cách đây năm sáu mươi năm, cũng còn nhà rầm (không kể các ngôi đình), nhưng không thấy ai ghi chép gì, cũng cứ vì cái lẽ đã nói ở khoản nhà Nọc Ngựa, là tại không có một chú bé tò mò ở đó, hay có rất nhiều chú bé tò mò đã chứng kiến sự sống sót của nhà rầm và sự biến mất của nhà rầm, nhưng các chú không có viết lách như chúng tôi, chớ không có lý nào mà, cũng cứ như đã nói rồi, Nam Kỳ lại bảo hoảng hơn ông vua, giữ mãi nhà rầm, trong khi Trung Bắc đã bỏ từ nhiều trăm năm rồi, như các nhà khảo cổ Pháp đã nói sai riêng về vấn đề sur pileti Bắc Việt.

Người Pháp cai trị Trung, Bắc chỉ có 80 năm mà 40 năm đầu, họ chưa khảo sát kỹ đến chuyện xa vời như vậy đối với tư cách kẻ thống trị. Chừng họ bắt tay vào việc thì không còn nhà rầm nữa để cho họ thấy.

Sự kiện nhà rầm tồn tại ở Nam Kỳ cho tới năm 1925 là một sự thật do chúng tôi quan sát tại chỗ, và sự kiện Nam gần gốc Mã Lai hơn Trung, Bắc lại không thể có được, thì chỉ còn một lối kết luận là vào năm 1925 ở Trung, Bắc cũng còn chút đỉnh nhà rầm, chỉ có điều là những người thuở bé có quan sát thì ngày nay đã quy tiên rồi hoặc không viết lách.

Và ông L. Bézacier kết luận rằng chắc chắn đó là di tích Lạc Việt. Ông không hề dám kết luận Lạc Việt = Mã Lai vì ông không gom đủ được bằng chứng như chúng tôi, nhưng nội cái kết luận rằng Nọc Ngựa, bức hồi, mái cong, nhà rầm là di tích Lạc Việt cũng đã giúp cho thuyết của chúng tôi nhiều lắm.

Ông nói khi một dân tộc bị mất văn hóa, họ cố bám víu vào một vài điểm nào đó, trong trường hợp kiến trúc thì họ bám víu trong kiến trúc cất đình, vì đình là nơi thiêng liêng, giúp họ nhớ gốc tổ Lạc Việt, nếu không phải như vậy thì không sao cắt nghĩa được hiện tượng lạ lùng là ngôi đình của làng nào ở đất Bắc cũng cất theo lối nhà rầm hết, không hề có ngoại lệ bao giờ, trong khi cung điện, chùa, miếu thì không có rầm, là vì Phật giáo là tôn giáo ngoại quốc du nhập vào xứ ta do trung gian Trung Hoa, còn miếu mạo thì thường cũng thờ các vị thánh thần Trung Hoa; chỉ có đình là gốc chánh vì hiện nay người Sơ Đăng cũng còn đình, chỉ có khác là họ không thờ thần làng mà chỉ dùng làm việc buôn, y hệt như ở Bắc mà cái đình cũng dùng cho việc làng.


C. Cái đình

Tự trị thôn xã và thần làng

Hầu hết các sách khảo cứu đều cho rằng thôn xã ta chỉ mới được tự trị từ năm 1740, tức dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, còn trước đó thì vẫn bị trực trị do chánh quyền trung ương.

Sự quả quyết ấy bắt nguồn từ năm một nhà khảo cứu Việt Nam, viết sách bằng tiếng Pháp, gặp được tài liệu chúa Trịnh cho các xã thôn tự trị, ghi rõ trong Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục.

Tài liệu lịch sử ấy chỉ ghi sự kiện và ngày tháng trả tự do cho thôn xã, mà không có nói gì thêm hết, nhưng nhà học giả ấy lại suy luận giản dị rằng trước đó hẳn luôn luôn trực trị mà quên rằng từ thời Hùng Vương đến năm 1740, hai ngàn năm đã trải qua mà trào đại thăng trầm, không biết có bao nhiêu thay đổi trong khoảng thời gian quá dài đó.

Khi mà sử liệu thiếu, thì nhà nghiên cứu chỉ còn biết suy luận để tái tạo sự cố, nhưng suy luận cũng phải dựa vào dấu vết nào, chớ có đâu mà chỉ bằng vào một đạo luật vắn tắt vài dòng chữ.

Đó là đa số. Một vài học giả thì lại cho rằng làng là dấu vết các bộ lạc xưa.

Nhưng dựa vào sự phân biệt giữa bộ lạc và thị tộc của chúng tôi ở chương “Những cái họ Việt Nam” thì làng không thể là bộ lạc xưa được, mà chỉ là thị tộc cổ thời mà thôi.

Có sách lại cho rằng làng chỉ mới thành hình từ thời nhà Lý, tức là từ ngày nền độc lập của ta đã vững sau ngót một ngàn năm bị trị. Thế thì trước khi bị trị, cả nước Văn Lang không được chia thành từng đơn vị nhỏ à? Như vậy làm thế nào vua Hùng Vương trị nước thì thật là không thể biết.

Còn bảo rằng làng chỉ có từ đời Lý, bắt chước theo Tàu thì không đúng, vì làng của ta tổ chức không giống của Tàu, trước 1740 hay sau 1740 gì cũng đều không giống.

Cứ bằng vào tên gọi, chúng tôi thấy rằng làng đã có từ cổ thời. Danh từ Mã Lai là T’lang, mà T’lang thì tổ chức giống hệt một thái ấp của người Mường ngày nay, tức đó là một lãnh địa nho nhỏ của một lãnh chúa địa phương theo chế độ phong kiến mà T’lang với Làng hai danh từ đó quá giống nhau.

Thái ấp Mường có tên riêng nhưng không có danh từ để chỉ thái ấp. Nhưng người lãnh chúa lại được gọi là Quan Lang. Ta phải hiểu rằng Quan Lang là ông Quan cai trị một Lang mà một Lang là một T’lang vậy.

Chữ Quan mới được thêm sau, do ảnh hưởng Trung Hoa, qua trung gian người Việt Nam, chớ xưa có lẽ là Xà Lang hay gì gì Lang chớ không thể là Quan được, bởi Quan là tiếng Tàu, Xa, danh từ Mã Lai và Xả, danh từ Thái, cả hai danh từ đều đồng gốc Mã Lai, chỉ người lãnh chúa địa phương.

Xin nhấn mạnh về điểm này mà trí thức Việt Nam không chú ý đến. Quan Lang chỉ là lối nói tắt mấy tiếng Quan đầu Lang, Quan cai trị một lang, chớ không phải là một danh từ kép có nghĩa riêng là một chức vị. Không bao giờ có danh từ Quan Lang cả đâu.

Mà lối nói tắt đó, chỉ mới có về sau, chớ vào cổ thời, thuở mà ta chưa học danh từ Quan của Tàu, hẳn Mường và ta đã nói Xà Lang hay gì gì Lang đó.

Trong Việt lý tố nguyên, giáo sư Kim Định cho rằng tên nước Văn Lang có lẽ là Văn Làng.

Nhưng thuở ấy ảnh hưởng Tàu chưa tới thì không làm sao mà ta có danh từ Văn được? Vả lại cũng không thấy ai ghép nôm với nho, trong những việc quan trọng. Dân chúng có ghép, vì dốt chữ nghĩa, chớ tới cấp bực quan vua thì không còn ghép kỳ dị như vậy nữa.

Vả lại ta có bằng chứng đích xác rằng tiếng ta và tiếng Mường chỉ mới tách rời nhau từ thế kỷ XVII, tức là trước thế kỷ đó vẫn nói Lang, chớ chưa nói Làng, trong khi đó thì danh xưng Văn Lang đã có trước rồi, không phải có trong sách Tàu, mà có trong sách vở xưa của ta nữa.

Nhứt định là Văn Lang phải do cái gì khác mà ra chứ không thể nào mà do Văn Làng được, vì chính Lang biến thành Làng, chớ không phải Làng biến thành Lang, mà sự biến hóa ấy thì chỉ mới xảy ra vào thế kỷ XVII. Lẽ thứ nhì là ta không có chữ Văn, trước khi ta học chữ Nho.

Chúng tôi có thể giải thích nghĩa của quốc hiệu Văn Lang và giải thích tại sao, trước khi học chữ của người Tàu, vào các trào Hùng Vương, mà ta lại biết chữ Nho để đặt quốc hiệu đó là Văn Lang. Nhưng đó là một câu chuyện khác sẽ trình bày ở chương khác.

Chúng tôi sẽ trưng ra bằng chứng rằng đó là một Quốc Hiệu hoàn toàn Việt, được Hoa hóa về sau, khi mà dân chúng chịu ảnh hưởng Trung Hoa.

Lối Hoa hóa ấy cùng tánh cách với lối phiên âm các danh xưng “man di” của Tàu, nó có nghĩa, nhưng cái nghĩa đó là nghĩa cưỡng ép chỉ cốt giống danh xưng bổn xứ, còn hiểu theo chữ Nho thì không thấy được ý thật của danh xưng, thí dụ danh xưng Chân Lạp, Tàu họ phiên âm như vậy, có nghĩa lắm, nhưng nghĩa đó quá vô lý. Chân Lạp là sáp ong thứ thiệt chăng? Có hàng trăm nước có sáp ong tốt, sao chỉ gọi nước đó là Sáp ong thứ thật. Nhưng về Chân Lạp thì ta may mắn biết được sự thật nhờ người Cao Miên nhớ tên cũ của nước họ và cái nghĩa đúng của nó. Đó là Chanh Ra. Trường hợp Văn Lang thì quá cổ, không còn ai nhớ gì nữa hết.

Dầu sao, ta cũng thấy sự liên hệ rõ rệt giữa T’lang của Mã Lai, Lang của Mường và Làng của ta, về cơ cấu tổ chức, tức tự trị, chỉ có khác là làng của ta không còn phong kiến như T’lang và Lang của Mã và của Mường, đó là do toàn quốc Việt Nam đều thoát khỏi chế độ phong kiến thật sự lâu rồi, không như nơi xứ Mường chẳng hạn.

Dấu vết thứ hai của sự trì hoãn xã thôn cổ thời là tục riêng các làng, tồn tại cho đến năm 1945 ở Việt Nam. Đại khái họ đóng thuế, và chịu lịnh triều đình như nhau, các nhà lãnh đạo mang chức tước đồng đều với nhau, nhưng các làng không giống nhau, mà những cái lệ làng khác nhau ấy, xem ra không có vẻ gì là mới có từ năm 1740 cả.

Ta nên nhìn rõ cái năm 1740. Đó là một chuyện quá mới, đối với lịch sử. Mà lệ làng thì đã thâm căn cố đế, không thể bắt rễ quá sâu như vậy được từ thế kỷ 18 đến nay.

Cũng nên nhớ là năm mà Pháp bỏ Hội đồng kỳ dịch ở các làng, lập ra Hội đồng hương chính thì việc chống đối của dân và làng mạnh mẽ cho đến nổi họ phải lui bước sáu năm sau đó.

Một dân tộc bị trị, đã chịu đầu hàng rồi, các cuộc nổi loạn cứu vãn nền độc lập kể như đã chấm dứt, tức họ đã đi vào thái độ cầu an, vậy mà họ chống đối mạnh như thế thì chắc chắn không phải là vì những tục lệ mới có từ năm 1740.

Dấu vết đáng kể hơn hết là các thần làng. Những vị dâm thần, nhứt định không phải là chuyện mới bày năm bảy trăm năm mà là chuyện cũ hai ba ngàn năm. Nếu các làng không tự trị trước năm 1740 thì cả thần thánh cũng bị chánh phủ hóa hết rồi, không còn làm sao mà những dâm thần còn được dung thứ.

Chánh phủ can thiệp vào sự thờ thần đã được ông Nguyễn Văn Khoan dẫn chứng rõ ràng trong B.E.F.F.O. bài “Essai sur le Dinh et le culte du génie tutélaire des villages du TonKin”. Nhưng can thiệp vẫn không toàn thắng thì đủ biết cái quyền tự trị của xã thôn không phải chỉ mới có từ năm 1740. Vua chúa chỉ thành công trong việc ban chức tước cho các thần cũ mà vua chúa cho là xứng đáng vì công trạng hiển hách nào đó, như Thánh Gióng chẳng hạn, và phong thần cho quan của vua chúa vừa quá cố, phong cho các làng mới lập (sự kiện này vua chúa đã thành công một trăm phần trăm ở Nam Kỳ vì toàn thể các làng Nam Kỳ, không có làng nào được lập trước 1620 hết), còn các thần bậy bạ, vua chúa không nhìn nhận thì thôi chớ cũng không dám chạm tới họ.

Thế thì ta phải kết luận rằng xưa kia thôn xã của ta tự trị, y như các Lang của Mường và T’lang của Mã Lai, rồi thì trào đại nào đó không biết đã cướp mất nền tự trị ấy mà không còn để dấu vết. Dấu vết trả lại tự trị của Khâm Định tuy là dấu vết đúng, nhưng lại thiếu cái khoen giữa, hóa ra nó gạt gẫm người suy luận liều lĩnh.

Và các làng của ta xưa là các thị tộc chớ không phải là bộ lạc. Truyền thuyết Mường đã đưa con số quá chính xác là 1960 cái, không thể tin được, nhưng chắc không xa sự thật bao nhiêu.

Xin nghiền ngẫm lại định nghĩa của bộ lạc và thị tộc ở chương Cái Họ thì thấy rõ là bộ lạc to lắm, chính thị tộc mới là nhỏ, trái với tưởng tượng thông thường của phần đông.

Hễ nói tới làng Việt thì không sao quên được cái Đình và Thần Làng đã có nói sơ qua rồi trên kia, nhưng cần nói rõ hơn.


*


Toàn thể các học giả ta đều sai lầm khi gọi thần làng của ta là Thần Thành Hoàng.

Hai thứ thần ấy khác nhau quá xa, một đàng của ta, một đàng của Tàu, mà Tàu cũng chỉ mới có từ đời nhà Chu đây thôi thì không thể lầm lẫn với nhau được. Những học giả Việt viết bằng tiếng Pháp cũng đã lầm lẫn y như những học giả Việt viết bằng tiếng Việt.

Thần làng của ta là thần riêng của dân làng. Đó là điều nên nhớ vì đó là điều quan trọng nhứt, vì các làng Trung Hoa không bao giờ có thần riêng cả, từ thời cổ đến nay (Maspéro). Nếu vì thần ta mà chống xâm lăng đi nữa, tức là có công chung đối với toàn quốc như ông Thánh Gióng đã chống giặc Ân, tức giặc Tàu trào đại Thương cuối mùa, thì ông cũng cứ là thần riêng của làng sinh quán của ông. Toàn quốc sùng bái ông nhưng không có lập đền thờ cho ông như làng sinh quán của ông. (Về Thánh Gióng tưởng đâu là chuyện hoang đường, nhưng không. Sử Tàu có chép rằng nhà Ân quả đã có chiến tranh với một nước ở phương Nam tên là nước Quỹ Phương, nay không ai biết ở đâu hết, chỉ biết là ở Hoa Nam. Nhưng không lẽ Việt Nam lại chiến tranh được với nhà Thương vì giữa họ và ta còn quá nhiều nước trung gian? Nhưng nếu ta thấy rằng dân ta xưa làm chủ đất Trung Hoa, cả Hoa Bắc lẫn Hoa Nam, thì câu chuyện hóa ra hết hoang đường. Làng Gióng có lẽ là một làng ở Hoa Nam mà trào đại hay đa số dân trong làng di cư xuống đất ta ngày nay, rồi ở đó, họ thờ lại vị anh hùng cứu quốc cũ).

Nhưng phần lớn không phải là những bực chống xâm lăng mà cũng không phải là quan nữa, trước khi trào đình xía mũi vào.

Phần lớn chỉ là những nhơn vật làm cái gì thoát sáo, độc đáo hoặc giản dị hơn. Thần của làng ta chỉ là tượng trưng cho một quan niệm tôn giáo nào đó thôi, thí dụ các dâm thần.

Đó là tục của người Mã Lai mà hiện Nhựt Bổn và các đảo Mã Lai còn giữ.

Hai ông L. Bézacier và H. Maspéro cực lực binh vực quan niệm rằng đình và thần làng là đặc thù của Việt Nam, (tức của Mã Lai) mặc dầu sách Trung Hoa Ying tsao fa che (?) cho biết rằng họ có đình từ đời nhà Hán.

Đình của Trung Hoa không phải là nơi thờ phượng mà chỉ là cái nhà cất trên đường để bộ hành nghỉ ngơi, nam nữ đều vào được.

Đình của ta là nơi thờ thần làng và nơi hội họp của các nhà lãnh đạo trong làng và phụ nữ không được vào.

Sự trùng hợp của danh từ đình, có thể hoặc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là một cuộc vay mượn vì ảnh hưởng Trung Hoa về sau, ta đã vay mượn một cách không cần thiết một số danh từ mà ta đã có rồi.

Chẳng hạn cái Đình thì người Sơ Đăng, một thứ người nói tiếng Mã Lai y như Việt Nam, gọi nó là cái Rong. Có thể tổ tiên ta bỏ Rong vay mượn danh từ Đình. Rong là danh từ Mã Lai đợt I, còn danh từ Mã Lai đợt II là Bahala.

Ông Béacier dựa vào nghiên cứu của ông H. Maspéro trong quyển Les regliions chinoises, để chỉ sự khác biệt giữa thần làng của Mã Lai Việt và thần thành hoàng của Trung Hoa.

Các nhà học giả ta gọi thần làng của ta là thần thành hoàng là không đúng.

Thần thành hoàng của Trung Hoa chỉ mới xuất hiện vào đời nhà Chu, cùng một lượt với những thành quách của các nhà lãnh chúa lớn và chư hầu. Thành là bức tường bao quanh thành phố và Hoàng là cái hào bao quanh bức tường. Đó là thần của thành trì và thành phố.

Thần của ta là thần của làng xóm, chớ không phải là thần của thành phố. Nông thôn ở Trung Hoa có thần hay không? Có, nhưng lại khác hẳn thần của làng ta. Thần của ta là nhơn vật địa phương, còn thần các làng Tàu là thần đất đai. Ta có cất nhà, họ thì thờ lộ thiên. Thần của ta là của riêng mỗi dân làng. Thần của Tàu là của riêng của lãnh chúa mà dân nhiều làng phải cùng thờ với lãnh chúa. Khi mà một lãnh chúa lớn mạnh và nuốt rất nhiều đất của các lãnh chúa khác thì họ hóa ra ở quá xa các làng, và dân các làng không còn đi theo họ được để mà thờ vị thần đất đai đó, thế là thường dân Tàu không còn gì nữa để mà thờ cả, trong các làng. Thế nên cuối đời nhà Chu khi mà 10 ngàn chư hầu sụt xuống còn có 7 chư hầu thì các làng xóm không còn tôn giáo.

Trong khi đó thì thần thành hoàng mới xuất hiện, vì các thành quách lớn mới được xây cất, nhưng hai thứ thần đó cũng lại khác nhau, một đàng là thần đất đai của nông dân, một đàng là thần vách thành và hào của thị dân. Xem thế thì gọi thần của ta là Thần Thành Hoàng là sai. Ta không có thành phố vào cổ thời. Còn làng ta cũng không hề là thành quách lớn hay nhỏ bao giờ.

Ông L. Bézacier lại bác bỏ luận cứ của các học giả Việt cho rằng đình, nguyên xưa kia là hành cung. Ông bác bỏ vì vua ta chỉ mới bắt đầu có tục du hành từ thế kỷ thứ X, trong khi đình, dựa theo kiến trúc, thì phải có trước Tây lịch.

Vả lại xét ra, những đình cổ bốn trăm năm của ta cũng không có vẻ gì dùng ở được cho có một chút xíu tiện nghi nào cho người thường, chớ đừng nói chi nhà vua.

Ông L. Bézacier quả quyết rằng đình và thần làng của ta là cái gì tối cổ còn sót lại, và lối kiến trúc, cho thấy cái tối cổ đó có tánh cách Mã Lai.

Thần làng của ta xưa kia là anh hùng địa phương, danh nhân địa phương, giống hết Mã Lai, Nhựt Bổn, mà mỗi làng cũng có đình và cũng chỉ thờ anh hùng địa phương và danh nhân địa phương, chớ không bao giờ thờ thần đất đai hay thờ thần của TướngHào (Thành Hoàng) như Tàu.

Về cái đình thì ta rất giống Nhựt mà khác Tàu, lại giống các nhóm Mã Lai.

Chỉ về sau này, các vua ta mới bắt thờ quan ở các nơi khác chớ không luôn luôn thờ danh nhân địa phương nữa, nhưng vẫn không phải là thần đất đai hoặc thần Thành Hoàng như Tàu.

Hiện nay, trong các xã hội người Cổ Mã Lai, làng nào cũng có một ngôi nhà quan trọng nhứt như đình ở Bắc Việt, và đó là nơi hội họp của đàn ông để bàn việc công cộng của toàn làng y như ở Bắc Việt. Nơi một vài nhóm, cũng có thờ phượng y như trong các đình ta.

Tóm lại, kiến trúc Việt Nam là kiến trúc Đông Sơn, mà kiến trúc Đông Sơn là kiến trúc Mã Lai. Mã Lai, Đông Sơn và Việt Nam có ba biệt sắc về kiến trúc mà Tàu bắt chước đến hai:
  1. Nhà Nọc ngựa họ không bắt chước

  2. Bức hồi, được họ bắt chước

  3. Nóc oằn, góc mái cong, được họ bắt chước

D. Thờ mặt trời và âm dương vật

Có rất nhiều nhóm Mã Lai chi Lạc thờ mặt trời hoặc, ông trời, mà riêng về Mã Lai Việt Nam chúng tôi sẽ nói rõ ở chương Bắc Việt. Ở đây xin nhắc lại một lần nữa rằng Mã Lai Nhựt Bổn cũng thờ nữ thần Thái Dương. Tất cả đều ăn khớp với hình trống đồng.

Còn một tôn giáo nữa mà không ai dè là của Mã Lai, và hiện vẫn tồn tại trong xã hội ta.

Tục thờ dương vật và âm vật ở vài làng Bắc Việt (Báo Ngày Nay, tác phẩm của Toàn Ánh và của Lê Quang Nghiêm) khiến nhiều nhà khảo cứu Việt Nam kết luận rằng đó là những làng Chàm, nguyên là tù binh xưa được trả tự do, cho làm dân Việt và là người Chàm, họ theo văn minh Ấn Độ, nên mới có tôn giáo kỳ cục đó.

Nhưng các nhà khảo cứu ấy không biết rằng đạo thờ dương vật, âm vật không phải là của Ấn Độ, mà là của chủng Malayalam ở Ấn. Tôn giáo ấy gồm dâm thần Shiva, dương vật và âm vật mà tượng trưng sau cùng hết là cối và chày có ám chỉ đến trong quyển Ô Châu Cận Lục, tả dân Việt ở Ô Châu có phong tục dâm đãng, và con gái thường lấy cối để trêu con trai.

Đó là dấu vết Mã Lai của xã hội Mã Lai Lạc Việt cổ thời, chớ không hề là dấu vết Chàm.

Tôn giáo ấy không phải chỉ có ở Bắc Việt, mà có cả ở Trung Việt (tác phẩm của Lê Quang Nghiêm) cũng cứ trong các làng Việt Nam một trăm phần trăm, còn trong các làng Chàm thì lại không có. Mã Lai Chàm đã bị đạo Hồi thủ tiêu nguồn gốc rồi, nhưng Mã Lai Việt không có chịu cảnh đàn áp tôn giáo của đạo Hồi, nên còn giữ được.

Chúng tôi đã nói rằng người Thái cũng là người Mã Lai, và tục đánh Còn của họ đúng là biểu diễn âm vật và dương vật.

Trước hôn lễ, bà lãnh chúa phải đưa ra một cái vòng tròn bằng mây, bịt giấy mỏng. Ông mai ném trái Còn lọt được vào cái vòng đó, xé rách được tấm giấy mỏng đi thì hôn nhơn mới được cử hành, và sau đó trai gái dự hôn lễ tiếp tục diễn cái trò ấy, nhưng để chơi cho vui chớ không phải vì tánh cách tôn giáo nữa.

Tất cả các nhóm Mã Lai đều có những nghi lễ và tục lệ liên hệ đến dương vật và âm vật của tôn giáo của chủng Malayalam mà đạo Bà La Môn vay mượn.

Việt Nam, mặc dầu đã nhiễm Khổng Mạnh rất sâu đậm, lại cứ được thờ dâm thần mà vua chúa ta không cấm. Tại sao không cấm? Là vì đó là tôn giáo cố hữu của chủng tộc mà lễ giáo Khổng Mạnh không dám chạm tới.

Người Nhựt còn nhiễm Tàu mạnh hơn ta nữa, nhưng sự trai gái cởi truồng để tắm chung là thường ngày của họ. Dương vật và âm vật là hai thứ thiêng liêng mà tổ tiên họ thờ thì họ chỉ kính trọng chứ không nghĩ xằng.

Ở Trung Hoa chỉ có vua là được thờ Trời vì ông ta tự xưng là con của Trời, mà chỉ có con mới được quyền thờ cha.

Đến thời Đông Chu hễ chư hầu nào muốn quật cường là bắt đầu thờ Trời và tế Dao.

Vua chúa Việt Nam cũng bắt chước vua Tàu, tế Dao, nhưng không có ngăn cấm dân thờ Trời. Hồi tiền chiến, ở nông thôn Việt Nam, nhà nào lại không có bàn thờ ông Thiên?

Tại sao bắt chước Tàu mà vua chúa ta không bắt chước trọn vẹn? Vì đó là tôn giáo của chính dân chúng, vua không cấm được, còn ở bên Tàu thì nó là tôn giáo của ngoại chủng, mà vua Tàu vay mượn, nên lịnh cấm có hiệu quả, bởi dân Tàu đâu có theo tôn giáo của Việt. Chỉ có vua Tàu là theo để bịa ra huyền thoại con Trời.

Trong Nho giáo, Trần Trọng Kim nói rằng bên Tàu có đồng bóng là các bà Vu và các ông Hích. Nhưng họ Trần không biết đó là Tàu bắt chước Việt chớ không phải là của họ.

Đồng bóng là cán bộ, là một thứ mực sự của đạo thờ Trời của chủng Mã Lai Bách Việt, vì lên đồng tức là liên lạc với Thần Thánh mà nhứt là với Trời.

Dân thổ trước ở Mỹ Châu mà người ta gọi là dân da đỏ cũng thờ Trời và mặt trời, và ngày nay toàn thể các nhà chủng tộc học đều xác nhận rằng họ da vàng và từ Á Châu đến. Cứ xem các nghi lễ và các điệu vũ của thổ dân Đài Loan với lại y phục của thổ dân Đài Loan trong nghi lễ là thấy rõ hai bên giống hệt nhau, không khác một nét, một màu.

Mà thổ dân Đài Loan là Mã Lai có lưỡi rìu tay cầm đấy.

Và khả năng văn minh của người da đỏ cũng không kém khả năng của Dravidien tí nào hết. Đền đài, cung điện của Maya và Aztèques còn tráng lệ hơn là của hai thành phố chôn vùi Harappa và Mohanjo Daro của Mã Lai ở Ấn Độ nữa, và cái vật quan trọng nhứt của thổ dân Mỹ châu cũng cứ là cái mặt trời.

Chính vì cái mặt trời ấy mà trước năm 1945 các nhà khảo cổ lầm tưởng nền văn minh rực rỡ của thổ dân Mỹ Châu từ Ai Cập đến, bởi Ai Cập cũng thờ mặt trời. Nhưng rồi họ nghiên cứu dân đó về dân tộc học, chủng tộc học họ mới thấy rằng đó là dân da vàng từ Châu Á di cư tới nhưng chưa biết vào thời nào.

Một dân tộc đi bằng xuồng nhỏ từ Nam Dương đến Madagascar, vượt qua hết Ấn Độ Dương được thì dân tộc ấy cũng đã vượt Thái Bình Dương bằng xuồng nhỏ được dễ dàng phương chi ở Thái Bình Dương lại có những đảo dọc đường mà Ấn Độ Dương không có.

Xem ra thì chủng Mã Lai văn minh hơn cả Hoa chủng nữa, vì dân Maya và Aztèques đã giỏi thiên văn, toán học một ngàn năm trước Trung Hoa, mà họ giỏi thật sự, chớ không phải chỉ dùng thiên văn để bói như Tàu.

Người Mỹ thấy rằng ngày nay hậu duệ của Maya và Aztèques mặc dầu đã thoái hóa rất xa vẫn còn giỏi về thiên văn.


Đ. Đối chiếu chỉ số sọ

Qua nhiều chương rồi, những chứng tích mà chúng tôi trình ra, mặc dầu có chặt chẽ bao nhiêu, cũng không đầy đủ. Phải có thêm hai chứng tích không thể chối cãi là chứng tích thuộc chủng tộc học, mà từ xưa đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào sử dụng hết, và chứng tích ngôn ngữ.

Quý vị sẽ đối chiếu và sẽ thấy Việt, Thái, Cao Miên thuộc chủng Mã Lai chớ không thuộc Hoa chủng.

Phần lớn các dân tộc ở Á Đông và nhứt là Đông Nam Á từ cổ chí kim đều đã được đo sọ cả rồi, nhưng từ xưa đến nay các sử gia, các nhà học giả ta chưa ai sử dụng, vì có vị không hay biết rằng tài liệu này, có vị hay biết, nhưng đó là sách hiếm có nên tìm không được, có vị tìm được nhưng không biết rằng cái sọ là yếu tố căn bản để phân biệt các chủng tộc, thành thử chưa có sử gia nào khai thác chứng tích chủng tộc học cả.

Chúng tôi xin trích đăng tất cả các bản chỉ số sọ của tất cả các dân tộc ở Á Đông có thể liên quan đến ta để vị nào cần thì có tài liệu mà tham khảo, bởi không dễ gì tìm được quyển sách này đâu.

Những tài liệu này trích ở quyển Étal actuel de la crânologie indochinoise của các bác sĩ P. Huard, F. Saurin, Nguyễn Xuân Nguyên và Nguyễn Văn Đức, Hà Nội, 1938, tuy tên sách là thế, nhưng các tác giả trên có trích đăng trong sách, những con số về các dân tộc ở ngoài “Đông Dương” do các nhóm bác học khác nghiên cứu từ Tây Bá Lợi Á đến đảo Tân-ghi-nê.


Chỉ số sọ của người Việt

Tên nhà bác học đo sọ
Tên dân
Chỉ số
Trung bình




Breton
Người Bắc Việt Hà Nội
81,60
84,22
Madrolle
Người Bắc Việt Châu thổ
82,03

- -
Người Bắc Việt Châu thổ
83,00

Deniker
Người Bắc Việt tổng quát
82,70

Holbé
- -
83,17

Bonifacy
- -
83,20

Nhóm Huard
- -
80,02
82,49


Chúng tôi để người Việt miền Trung và miền Nam riêng, vì người Việt miền Bắc gần với người Việt nguyên thỉ hơn và mới là tiêu biểu cho chủng của ta, về phương diện chủng tộc học. Tuy nhiên, người Việt hai miền khác cũng có mặt, sau đây:

Tên nhà bác học đo sọ
Tên dân
Chỉ số
Trung bình




Holbé
Người Việt Quảng Trị
79,36

--
Huế
80,81

Madrolle
Nghệ An
84,62

Bernard
Người Trung Việt tổng quát
83,80

Madrolle
Miền Nam tổng quát
79,98

Mondrière
- -
83,33

Mondrière
Người miền Nam tổng quát
79,29

P. Neis
- -
81,50

Deniker
- -
82,80

Holbé
- -
84,40
81,76

Tổng trung bình: 82,13


Dung lượng sọ Việt

Nhóm B.S. Huard
Bắc Việt tổng quát
1.341,48


Chỉ số sọ người Thái

Tên nhà bác học
Tên nhóm được đo sọ
Chỉ số



Holbé
Xiêng Mai
81,84
Deniker
Hạ Lào
83,60
J. Harmand
Lào tổng quát
83,87
- -
Thai Phu
82,58
- -
Nam Nao
85,05
- -
- -
92,90
- -
Lào Pou Wa
82,09
Hamy
Lào Attopeu
83,13


Bác sĩ Haurd cho biết rằng người Thái Lan, người Lào và người Thái Bắc Việt đồng chủng với nhau, nên chúng tôi ghi tất cả vào đây để lấy con số trung bình (người Thái Bắc Việt chia ra làm nhiều nhóm, mang tên khác nhau như Thổ, Lô Lô, nhưng cũng thuộc độc một dòng máu Thái):

Tên nhà bác học
Tên nhóm được đo sọ
Chỉ số



Ginad
Thổ Lạng Sơn
80,51
Holbé
Thổ Lạng Sơn
81,82
Madrolle
Thổ Lạng Sơn
80,50
Madrolle
Thổ Phủ Quỹ
82,30
Harmand
Thái tổng quát
82,84
Legendre
Lô Lô tổng quát
80,20
Holthé
Nùng tổng quát
81,58

Trung bình: 82,25


Chỉ số sọ của các nhóm Mã Lai

Tên nhà bác học
Tên nhóm Mã Lai được đo sọ
Chỉ số



Tschepourkovsky
Mã Lai ở Mã Lai Á
81,00
Cole, Nanagas, Jenks
- - Phi Luật Tân
81,84
Bean, Montano
- -
81,84
Snell, Hagen, Garrett
Java
84,70
Hage, Mijsberg
- - Sumatra
82,80
Halden, Mc Dongall
- - Bornéo
80,60

Trung bình: 82,19


Chỉ số sọ Cao Miên

Tên nhà bác học
Tên nhóm người được đo sọ
Chỉ số



Bonifacy
Cao Miên tổng quát
80,00
Deniker
- -
83,60
Madrolle
- -
83,60
Mondière
- -
83,70
Holbé
Cao Miên tổng quát
84,10
Simon
- -
84,70

Trung bình: 83,28


Chỉ số sọ người Hẹ và người Thục

Tên nhà bác học
Tên dân
Chỉ số



Zaborowski
Hẹ Hoa Nam (gốc Thục)
76,66
Legendre
Trung Hoa Tứ Xuyên (gốc Thục)
79,30

Trung bình: 77,98


Chỉ số sọ của các thứ người Hoa

Tên nhà bác học đo sọ
Tên dân được đo
Chỉ số
Trung bình




Black
Người Cổ Trung Hoa tức Mông Cổ lai với da trắng Tây Vức (sọ Cam Túc)
75,70

Koganet
Người Hoa Bắc (Trung Mông Gô Lích)
80,20
78,30
Shirokogoreff
- -
81,70

Quatrefages
- -
75,97

Zaborowski
Một người ăn mày chết đường ở Bắc Kinh
66,66
79,04
Veisbaces
Người Hoa Nam (Trung Mông Gô Lích lai Việt ở châu Kinh và Dương)
79,50

Legendre
- -
79,50

Shirokogroff
- -
80,20

Hagen
- -
81,80

Patte
- -
76,97

Hamy
- -
77,22

Haberer
- -
78,80
79,14
Shirokogoroff
Hoa Đông Di tức Việt thuần chủng
81,70


Tổng trung bình: 78,27


Dung lượng sọ Hoa

Tên nhà bác học
Tên dân
Dung lượng



Flower
Trung Hoa tổng quát
1.424
Keicler
- -
1.456


Trung bình: 1.440


Chỉ số sọ những dân tộc gọi là Mông Gô Lích tức có lai giống với Trung Hoa hoặc Mông Cổ (Không có mặt các dân Đông Nam Á trừ Việt Nam)

Tên nhà bác học
Tên dân
Chỉ số
Trung bình




Đã có tên ở bản trước
Bắc Việt
82,49

Deniker
Nhựt (Mã Lai + Mông Cổ + Aino)
78,20

Matsumura
- -
80,80

Adachi
- -
78,30

Baelz
- -
80,30
79,40
Skirokogoroff
Mãn Châu (Mông Cổ + Tongouse)
83,52

Kabo
Đại Hàn
83,40

Ivanoski
- -
83,64

Deniker
- -
81,60
82,88

Trung bình: 81,21


Chỉ số sọ của những chủng đã hợp thành Hoa chủng

Tên nhà bác học
Tên chủng tộc
Chỉ số



Hrdhichka
Mông Cổ thuần chủng
81,40
Bacot
Tây Tạng
77,07
Jochelson
Tongouses (Mãn Châu thuần chủng)
79,0
Maliev
Thát Đát
79,0
Lygin
- -
80,80
Mainov
- -
81,40

Trung bình = 66,61

Chỉ số này giống hệt chỉ số 66,66 của một người ăn mày ở Bắc Kinh mà chúng tôi bỏ ra không cho vào số trung bình của người Tàu.


Chỉ số sọ người Mường


Tên nhà bác học
Tên dân
Chỉ số



Holbé
Mường (Tổng quát)
79,66
Madrolle
Mường (Bắc Việt)
79,60
Madrolle
Mường (Trung Việt)
80,68

Trung bình = 79,98

Trong bản chỉ số của ông Madrolle, thấy ghi là Anh Đô Nê-diêng Bắc Việt và Anh Đô Nê-diêng Trung Việt, và không ai biết nhóm nào mà được ông Madrolle gọi là Cổ Mã Lai như thế. Nhưng khi đọc những bài công kích ông Madrolle của người khác, mới biết ông Madrolle chỉ người Mường.

Nhóm bác sĩ Huard rất dè dặt, tránh trước mọi kết luận bằng lời, hoặc bằng cách đặt tên không có căn bản vững. Nếu nhóm của bác sĩ Haurd mà có đo người Mường thì nhóm ấy chỉ đề là: Người Mường, mà không cho họ thuộc vào chủng nào hết, khi chưa biết gì thêm về họ cho rõ ràng đích xác.

Ông Holbé, trong bản trên đây, đã làm việc theo tinh thần đó và dựa vào bài khích bác của ông L. Aurousseau, chúng tôi dịch lại Anh Đô Nê-diêng của ông Madrolle ra là Mường để trả chỉ số sọ lại đúng cho thứ dân được họ đo sọ.


Tổng đối chiếu

Tên dân tộc
Chỉ số trung bình
Dung lượng trung bình



Mã Lai
82,19

Thái
82,25

Việt (Bắc)
82,49
1.341,485
Cao Miên
83,28

Đại Hàn
82,88

Nhựt
79,40

Thục
77,98

Hoa Nam
79,14

T.B. của Trung Hoa hai miền
77,82
1.440


Nhận xét

Tất cả những dân tộc gốc Mã Lai đều có chỉ số sọ trên 80, trừ Nhựt, Mường và Thục, vì những lý do gì chúng tôi đã giải thích rồi và sẽ giải thích thêm. Chỉ số sọ Trung Hoa luôn luôn dưới 80. Chỉ số sọ Nhựt, gốc Lạc thì thấp nhứt trong đám Mã Lai Bách Việt vì họ bị lai giống với Tàu quá nhiều. Không bao giờ bị Tàu cai trị, họ cũng tự động rước chuyên viên Tàu về xứ họ, nhứt là vào đời Đường, và tất cả hậu duệ của Tần Thỉ Hoàng do con Phù Tô lãnh đạo đều chạy sang Nhựt, toàn dân của 127 huyện Tàu, tức là một cuộc di cư vĩ đại.

Thục vì đất quá tốt (xích thổ) lại có khí hậu hợp với Tàu nên khi họ bị diệt quốc rồi thì Tàu tràn tới như nước vỡ bờ.

Quý vị sẽ thấy ở chương Mường tất cả phụ nữ và bần dân Mường đều thuộc chủng Mê-la-nê, chỉ trừ đàn ông cấp lãnh đạo mới là Cổ Mã Lai, nên chỉ số trung bình của họ mới không giống Việt Nam, mặc dầu họ là Lạc Việt, thờ nai ở trống đồng.

Trong đám Mã Lai Bách Việt thì chỉ số Cao Miên lại cao nhứt, vì theo G. Coedès thì dân Môn và dân Khơ Me khi di cư tới địa bàn mới của họ thì gặp thổ trước Mê-la-nê ở địa phương đó, văn minh cao bằng họ, tức đã tiến đến tân thạch, vì thế mà cuộc hợp chủng Anh Đô Nê + Mê-la-nê nơi hai dân tộc đó lớn lao quá sức, khiến họ phải đen da, mặc dầu họ cũng ở xa xích đạo y hệt như Việt Nam.

Trong chỉ số sọ trung bình của Hoa chủng, chúng tôi loại nhóm Hoa Đông ra, vì họ gốc Việt, họ có chỉ số là 81,70 hơi gần chỉ số của Mã và Việt, vì như đã nói, họ gốc là rợ Đông Di mà yếu tố thổ trước còn mạnh hơn yếu tố thổ trước ở Hoa Nam nữa. Chỉ số sọ đó, đề vào sẽ làm sai con số trung bình nói trên, tại sao thì đã giải thích rồi.

Các vị trong nhóm Bs. Huard còn viết: “Cái sọ không phải chỉ có đặc sắc ở kích thước, mà các chi tiết về sinh vật hình thái (caractères morphologiques) rất có ý nghĩa quan trọng về mặt chủng tộc”.

Rồi các tác giả trên cho biết rằng hơn phân nửa người Việt Nam thuộc loại brachycéphales (54,36 phần trăm) và 30,85 phần trăm thuộc loại mésocéphales, trong khi đó thì đa số người Hoa thuộc loại mésocéphales.

Nhóm bác sĩ trên cho biết thêm ba điều sau đây:

  1. ánh cách brachycéphalie là biệt sắc của chủng Mã Lai.

  2. Người Việt ở miền Bắc nhiều tánh cách brachycéphalie hơn người Việt miền Nam.

  3. Chỉ số sọ Hoa Nam lớn hơn Hoa Bắc non ba đơn vị.

Chỉ số sọ Việt Nam lớn hơn Hoa Nam trên ba đơn vị.

Khoa chủng tộc học phân biệt Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích thành hai chủng vì cái non ba đơn vị đó thì, tiếp tục công việc của họ, ta có quyền phân biệt Nam Mông Gô Lích với chủng của ta mà ta đặt tên là Cực Nam Mông Gô Lích, cực Nam Mông Gô Lích vì cái già ba đơn vị xuất hiện giữa Việt và Hoa Nam.

Điểm thứ nhì trên đây có hơi lạ vì dân Việt miền Nam, cũng như người Việt miền Trung, có lai Chàm, tức là lai thêm với Mã Lai sau khi đồng gốc.

Nhưng xét cho kỹ thì thật quả đúng như vậy, vì người Việt Nam miền Nam có lai Tàu rất đông, kể từ thời Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch, thế nên họ bị lây tánh cách Mésocéphale của Tàu.

Chúng tôi không trích đăng hình dạy cách đo sọ, vì kỹ thuật rất là rắc rối, phải in trên ba tờ giấy mà hai tờ trên là giấy trong suốt và hình phải ăn khớp với hình của tờ giấy thứ ba là tờ giấy thường ở dưới, chỉ có những đại ấn quán cỡ Taupin ngày xưa mới in nổi mà thôi, nhưng những con số và những nhận xét trên đây cũng đã đủ lắm rồi.

Ta đã biết bốn điều quan trọng:

  1. Sọ ta khác với sọ Hoa Bắc và Hoa Nam rất nhiều về chỉ số và dung lượng.

  2. Sọ ta giống hệt sọ Mã Lai.

  3. Sọ ta có tánh cách brachycéphale của Mã Lai.

  4. Tất cả các dân mà tiền sử học nói là Mã Lai đều quả có sọ Mã Lai.

Chúng tôi chỉ dùng chỉ số sọ của người Việt miền Bắc để đối chiếu vì người Việt miền Nam không thuần chủng bằng người Việt miền Bắc.

Xin nhắc lại lời của giáo sư Lê Văn Hảo: “Chủng Nam Mông Gô Lích là chủng của các dân tộc ở Đông Nam Á”. Nhưng không có dân tộc Đông Nam Á nào có sọ Nam Mông Gô Lích cả. Các biểu chỉ số sọ trên đây cho thấy rõ như vậy.

Sử gia Nguyễn Phương cũng đã nói một điều vào năm 1965 mà O. Jansé đã nói rồi năm 1947 là các yếu tố trong máu của dân Việt Nam khác với dân Trung Hoa. Nhưng chỉ số sọ là bằng chứng quyết định hơn. Biểu đối chiếu cuối cùng sẽ làm nổi bật lên sự kiện khác chủng giữa Hoa và Việt.

Hoa trung bình: 77,82
Việt Bắc trung bình: 82,49

Sự khác biệt lên đến năm đơn vị.

Nhưng nếu lấy sọ Chàm Túc mà đối chiếu thì sự sai biệt lại càng to hơn.

Chỉ số sọ người Thục rất giống chỉ số sọ Trung Hoa, mặc dầu họ thuộc chủng Thái.

Nhưng cũng nên biết rằng người Thục ở Hoa Nam (Hakka) đã bị lai giống mạnh với Trung Hoa từ trên hai ngàn năm rồi. Còn người Thục Tứ Xuyên thì đã bị bốn đợt di cư lớn biến họ thành Hoa. Di cư do Tư Mã Thiên tổ chức dưới thời Chiến quốc, sau khi diệt Thục; di cư do Hàn Tín và Lưu Bang tổ chức, rồi do Khổng Minh, Lưu Bị tổ chức, di cư do Tưởng Giới Thạch tổ chức vào trận thế chiến thứ hai, cuộc di cư này còn quá mới, chưa thay đổi gì được nhưng cũng xin ghi vào cho đủ bộ.

Chỉ số sọ hơi thấp của người Việt miền Nam, thấp so với sọ miền Bắc chứng tỏ rằng người Việt miền Nam lai Tàu nhiều hơn người Việt miền Bắc.

Câu trên đây có vẻ mâu thuẫn với một khám phá lạ của chúng tôi và bọn lưu vong nhà Minh ở Bắc Việt 10 lần đông hơn ở Nam Kỳ.

Chỉ là có vẻ mâu thuẫn thôi, chớ thật ra thì không, vì khi Pháp chinh phục Nam Kỳ thì họ mở cửa Nam Kỳ cho Tàu di cư đến bao nhiêu tùy thích, khác hẳn ở Bắc Việt mà người Tàu, sau cuộc lánh nạn Mãn Thanh, chỉ di cư đến rất lưa thưa.

Hiện nay thì họ đã đông tới một triệu rồi và số con lai Tàu Việt vô số kể từ năm 1680 cho đến nay.

Lai giống nhiều nhất là người Triều Châu, vì người Triều Châu làm nông nghiệp, len lỏi vào sống trong nông thôn, lẫn lộn với dân chúng, chớ không phải là công nhân và thị dân như người Quảng Đông và Phúc Kiến.

Triều Châu tuy là Lạc bộ Mã, nhưng họ đã lai Tàu từ ngày Tần Thỉ Hoàng diệt Thất Mân ở Mân Việt, thành thử sọ của họ là sọ Hoa Nam.

Lời giải thích này, nếu đúng thì nó để lộ cho ta thấy rằng số người Tàu di cư vào Cổ Việt quá ít, chớ không như giáo sư Nguyễn Phương đã chủ trương. Vì quá ít nên từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau càng đi xuống, tánh chất Mã Lai càng ít đi, mà tánh cách Trung Hoa lại càng mạnh hơn.

Lại càng nên phân biệt người Việt gốc Hoa, tức Tàu lai với người Tàu thuần chủng. Thuyết của giáo sư Nguyễn Phương cho rằng ta là Tàu thuần chủng chớ không phải là Tàu lai.

Đó là người Tàu di cư sang Cổ Việt trá hình và tự xưng là Việt.

Ở chương Cái Họ, ta sẽ thấy rằng ở Nam Kỳ chỉ có Tàu lai là có thể làm Việt Nam, còn người Tàu thuần chủng thì tuyệt nhiên không hề làm Việt, cho dẫu sống ở đó mấy mươi đời họ vẫn cứ làm Tàu. Chúng tôi đã nói rằng họ giống người Do Thái lắm về mặt ấy, có bắt họ lấy quốc tịch Việt Nam, họ vẫn cứ làm Tàu như thường, và đa số lại không thèm học tiếng Việt nữa, chớ đừng nói là, tuy làm Tàu nhưng vẫn nỗ lực sơn một lớp sơn Việt lên người họ, để dễ làm ăn, hoặc dễ làm dân biểu.