trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Chúng ta thử dựng lên một bộ ngữ vựng cổ Việt trước khi Mã Viện tới để xem sao, coi nó là Trung Hoa hay Mã Lai. (Chúng tôi không nói tới Triệu Đà và Lộ Bác Đức, hai ông đó không có trực trị ta mà chỉ kiểm soát lỏng lẻo thôi. Nếu ta vay mượn của Tàu, thì chỉ vay mượn kể từ Mã Viện mà thôi).

Ngữ vựng này chúng tôi đã làm, không những thế, chúng tôi còn biến nó thành các biểu đối chiếu với Hoa ngữ và Mã ngữ ở hai loại bản đối chiếu khác nhau. Hơn thế cột Hoa ngữ của chúng tôi, lại chia thành nhiều cột nhỏ vì người Tàu, tuy là đều nói tiếng Tàu ở khắp nơi trên lãnh thổ Trung Hoa, nhưng giọng của mỗi vùng có khác nhau đôi chút. Những cột nhỏ ấy để dành cho một số giọng địa phương có thể đưa ảnh hưởng tới Việt Nam.

Thí dụ tiếng Nước của ta. Hán Việt là Thủy, tiếng Trung Hoa chính gốc là Xùi, nhưng biết đâu ta lại không phải là người Trung Hoa chánh gốc mà chỉ là người Mân Việt biến thành Việt Nam thành thử giọng Mân Việt Chúi cũng phải được đưa ra để đối chiếu.

Biểu đối chiếu dưới đây trích ở những tập học các giọng Trung Hoa của chúng tôi, trích theo một kế hoạch, tức không phải biết cái gì chép cái ấy, mà đã loại bỏ rất nhiều, không phải chỉ bỏ đi những món đồ mà riêng văn minh Trung Hoa thuở ấy mới chắc có như Lầu, Các, Hài, mà cũng bỏ cả những danh từ rất là thông thường.

Những thứ coi thì như là rất tầm thường, nhưng thật ra đó là những món đồ của một xã hội văn minh cao, chẳng hạn như tiếng Canh (canh để ăn cơm) chúng tôi cũng không ghi vào đây, vì quả thật ta đã vay mượn thức ăn đó của Tàu và vay mượn luôn cả danh từ nữa. (Nên biết rằng mãi cho đến ngày nay mà dân tộc Ấn Độ, văn minh cao là thế, lại chưa biết món canh thì cái thứ ngỡ hèn mọn ấy là dấu hiệu văn minh cao đấy). Trừ nhiều đến thế, trừ cả những tiếng mà ai cũng ngỡ là tiếng Việt thông thường, vẫn còn hàng vạn danh từ Việt gốc, không do Trung Hoa mà ra, và hàng vạn tiếng ấy đủ để làm một ngôn ngữ giúp một dân tộc diễn những ý thường trong một đời sống không cao, nhưng cũng chẳng dã man.

Biết bao nhiêu chữ Tàu để đọc được thơ Đường mà không cần tự điển? Hai ngàn chữ là đủ rồi. Mà đó là thơ, tức chuyện khó. Ta còn lối 10 ngàn danh từ thuần Việt thì hẳn cũng đã khá giàu, không thể nói rằng không có một dân tộc khi 10 ngàn danh từ của dân tộc ấy có.

Cũng không thể nói rằng người Tàu khi ly khai với Trung Hoa đã vay mượn của “Mọi” 10 ngàn danh từ đó để làm ngôn ngữ bởi đó là những danh từ mà họ đã có rồi và họ tin là hay thì còn vay mượn làm gì nữa?

Và tưởng cũng nên trình bày cặn kẽ về ngộ nhận của ta về Hoa ngữ mà nhiều người chỉ có một ý niệm rất mơ hồ.

Từ xưa tới nay, ta hay có thói quen cho rằng có tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến, tiếng Hồ Nam, v.v. nhưng thật ra thì không và chỉ có tiếng Tàu. Các địa phương Trung Hoa có đọc sai chút ít nhưng vẫn cứ những danh từ đó, là vì sự nỗ lực đồng hóa các thuộc địa cổ, liên ranh giới của người Tàu, đã thành công cả về mặt ngôn ngữ từ hai ngàn năm nay rồi.

Ngôn ngữ Trung Hoa là một cái gì rất mơ hồ, chẳng những đối với các nước khác, mà cho đến cả với giới trí thức Trung Hoa, họ cũng ngộ nhận nữa, cả trong những sách vở đúng đắn, là sách giáo khoa của họ.

Ngôn ngữ Trung Hoa chỉ có một, trái hẳn với sự hiểu biết của người Âu châu, họ thường viết: “Dialecte de Canton (Phương ngữ Quảng Đông), Dialecte de Foukien (Phương ngữ Phúc Kiến), v.v. Thậm chí có nhà học giả Âu châu viết: Dialecte de Pékin (phương ngữ Bắc Kinh). Nếu quả đúng như thế thì không kể có Hoa ngữ hay sao, vì nơi nào cũng dùng toàn là ngôn ngữ địa phương, kể cả kinh đô của họ?

Từ Lớn, Quan Thoại tức Trung Hoa chánh gốc, Trung Hoa kinh đô, nói Ta, Quảng Đông nói Tài, Mân Việt nói Tòa, Việt Nam nói Đại, là tại đọc sai chớ không phải là khác ngôn ngữ.

Hôm nay, Quan Thoại nói Chính Thiên (Chíl thél), còn Quảng Đông nói Kim nhựt (Cắm dạch) là cũng nói tiếng Tàu chớ không phải là tiếng của chủng tộc nào khác. Nhựt là trời về phương diện vật chất (mặt trời) còn Thiên là Trời về mặt tôn giáo, vì người Tàu xưa trọng ý niệm Thiên hơn là Nhựt.

Vả lại Quan Thoại ngày nay cũng đã nói Khém dứa y như Quảng Đông.

Buồn cười nhứt là chánh sách vở chánh thức, sách giáo khoa của Trung Hoa cũng gọi những “cái đó” là phương ngữ, họ phân biệt tới 9 phương ngữ và một ngôn ngữ trung ương gọi là Trung nguyên ngữ. Thật ra thì có 10 giọng chớ không hề có 10 ngôn ngữ bao giờ hết.

Đó là 9 phương âm, tức thổ âm (Prononciation régionale) chớ không hề là 9 phương ngữ, tức thổ ngữ (Dialecte) và một trung ương âm (Prononciation de base), chỉ có thế thôi.

Nhưng chúng tôi cũng gọi những giọng ấy là ngữ, theo sách của Tàu, vì đây là trích sách, thay đổi sẽ gây lộn xộn phiền phức lắm, xin quý vị hiểu rằng ngữ dưới đây, chỉ có nghĩa là giọng đọc mà thôi.

Sách giáo khoa Tàu phân biệt như sau đây:

Tần ngữ: Giọng Tần ngữ ở tỉnh Thiểm Tây và đó là cái giọng có thể gọi là Tiền trung ương, Tiền Quan Thoại, tức lơ lớ Quan Thoại, lơ lớ Tây Nhung, lơ lớ Mông Cổ. Đó là đất của các chư hầu mạnh đã thay phiên nhau lãnh đạo người Tàu về mặt quân sự và chánh trị, thí dụ chư hầu Chu đã diệt vua Trụ lập ra nhà Chu, chư hầu Tần đã diệt Chu lập ra nhà Tần.

Thục ngữ: Giọng này nằm gọn trong tỉnh Tứ Xuyên và đó là Tần ngữ đọc theo giọng Thái cổ. Nước Thái cổ là nước Thục bị chư hầu Tàu chinh phục và đưa giọng đọc của họ vào đó. Thục ngữ còn thấy dấu vết trong ngôn ngữ của người Tàu, mà dân Sài Gòn gọi là người Hẹ. Chính chư hầu Tàu đã diệt nước Thục và làm chủ nước Thục trước khi thống nhứt Trung Hoa.

Dân Thục, như đã nói là dân Âu phía Tây Trung Hoa, chi Âu xưa của Mã Lai chủng, nay được gọi là chi Thái, và Thục ngữ chỉ là tiếng Tàu bị người Thái ở Tứ Xuyên đọc sai (xin xem chương chủng Âu). Chúng tôi học cổ ngữ Ba Thục với người Ba Thục di cư tức người Khách Gia, tức Hakka, tức Hẹ. Nhóm Âu này còn giữ được nhiều danh từ Mã Lai hơn nhóm Tây Âu (Quảng Đông, Quảng Tây).

Yên Tề ngữ: Đây là đất của rợ Đông Di gồm Sơn Đông. và một phần Hà Bắc. Giọng ở đó là giọng Tàu của người Đông Di bị lai giống hoặc bị đồng hóa.

Sở ngữ: Giọng này được nói ở Hồ Bắc và Hồ Nam. Đó là giọng Tàu của rợ Việt ở đất Kinh Man bị lai giống và bị đồng hóa với người Tàu. Cả ba giọng Yên, Tề, TầnSở ngày nay đều khá giống Quan Thoại vì họ ở gần Trung nguyên, tức là trung tâm văn hóa của Trung Hoa. Tuy nhiên, hồi đầu Tây lịch thì Yên Tề ngữSở ngữ lại giống tiếng Việt Nam vì như đã và sẽ nói rợ Đông Di và rợ Kinh Man đích thực là Lạc Việt bộ Trãi và bộ Mã.

Giọng Sở ngữ lại còn có một tên nữa mà dân chúng dùng thường hơn, đó là giọng Hồ Quảng. Hồ Quảng là tên xưa của hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.

Ngày nay tuy giọng Sở ngữ không hẳn là giọng của trung ương, nhưng vùng Hồ Quảng lại được xem là trung tâm văn hóa của Trung Hoa chớ trung tâm không phải cái vùng đất mà người ta gọi là Trung nguyên nữa.

Trung tâm văn hóa bị xê dịch là chuyện thường xảy ra trong một quốc gia, nhưng giọng nói không đi theo bước xê dịch đó, hoặc đi theo trễ và có thể vài trăm năm nữa thì giọng Sở ngữ sẽ giống hệt Trung Nguyên vì Hồ Quảng đã già dặn trong vai trò trung tâm văn hóa rồi.

Mân ngữ: Đó là giọng Phúc Kiến, tức giọng của “man di” Mân Việt bị lai giống và đồng hóa với Tàu. Đó là dân Lạc bộ Mã.

Việt ngữ: Đó là giọng Quảng Đông và Quảng Tây, tức giọng của “man di” Tây Âu gốc Thái bị lai giống và đồng hóa với Tàu. Việt này viết với bộ Nguyệt mà ta gọi là bộ Mễ.

Giang Hoài ngữ: Ở giữa sông Hoài và sông Dương Tử, là giọng của nước Ngô thời Chiến quốc, cũng thuộc chủng Việt (Bắc Giang Tô).

Ngô Việt ngữ: Giọng này được nói ở Nam Giang Tô và Triết Giang, là giọng của nước U Việt thời Chiến quốc, cũng thuộc chủng Việt.

Ở đây có một thắc mắc cho nhiều người. Danh từ Ngô Việt ngữ khiến người ta cứ tưởng địa bàn của Ngô và Việt ở đó còn địa bàn Giang Hoài là của ai khác chưa biết.

Nhưng thật sự, cứ theo sử Tàu thì Ngô và Việt đánh nhau tại Thái Hồ, tức nước Ngô phải ở phía Bắc Giang Tô, và nếu chỉ có Bắc Giang Tô thì quá nhỏ để nước Ngô hùng cường được trong một thời, nên nước Ngô phải kiêm luôn cả vùng Giang Hoài.

Danh từ Ngô Việt ngữ là danh từ cố ý sai, nó chỉ là Việt ngữ mà thôi, nhưng người sắp loại sợ lẫn lộn với Việt ngữ Quảng Đông nên phải thêm tiếng Ngô vào vậy. Hai chữ Việt ấy viết khác nhau.

Điền Kiềm ngữ: Giọng Tàu của người Thái làm chủ đất vùng Vân Nam và phụ cận.

Và sau rốt:

Trung nguyên ngữ: Đây là Hoa ngữ chánh thống mà cái giọng đọc cũng được gọi giọng Quan Thoại được nói ở Đông Thiểm Tây, Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây, từ 5.000 năm chớ không phải là Quan Thoại mới xuất hiện năm 1911 như nhiều người Việt cứ tưởng.

Thấy rõ là sách giáo khoa của Tàu còn thiếu sót, họ thiếu mất một giọng quan trọng, giọng Hải Nam, vì đảo Hải Nam to hơn cả Bắc Việt nữa.

Nhưng tuyệt nhiên Hải Nam ngữ không được kể đến trong sách giáo khoa của họ.

Chúng tôi học Hải Nam ngữ (mà phải hiểu Ngữ đó chỉ là giọng đọc chớ không phải ngôn ngữ) thì thấy như thế này: Họ cũng nói tiếng Tàu, nhưng đọc sai chút ít, y như bất kỳ man di nào, Mân Việt, Tây Âu, v.v.

Thí dụ Nước, Trung Hoa chánh gốc nói là Xùi, Quảng Đông nói là Xủi, Mân Việt nói là Chúi, nhưng Hải Nam nói là Tùi. Nhưng những tiếng Mã Lai mà họ còn giữ được thì lại giống hệt Mân Việt, giống hệt Chàm, và giống hệt người Đông Hưng trong tỉnh Quảng Đông, tức người Hợp Phố xưa. Đó là người Lạc Lê.

Thế nên Lệ Đạo Nguyên, tác giả Thủy Kinh Chú mới nói rằng thổ dân Hải Nam giống hệt thổ dân Nhựt Nam và Victor Goloubew mới nói thổ dân Hải Nam giống hệt người Đông Sơn.

Người Hải Nam có cái đặc điểm này là ở sạch nhứt trong các nhóm Trung Hoa, và ở sạch là biệt sắc của chủng Mã, và nhóm nổi danh ở sạch nhứt thế giới là Mã Lai Nhựt Bổn và Mã Lai Mayar ở Mỹ Châu.

Người Trung Hoa phát tích ở ngoài tỉnh Cam Túc rồi xâm nhập vào nước Tàu ngày nay, do ngõ Cam Túc, rồi văn minh lên ở Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây.

Khi một dân tộc văn minh rồi thì ngôn ngữ mới định và ngôn ngữ Trung Hoa có quy củ là ngôn ngữ Đông Thiểm Tây, Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây đó. Đó là vùng Trung nguyên của họ.

Ta cứ nhìn sơ qua lịch sử nước Tàu thì biết địa bàn của Trung nguyên ngữ, từ Nghiêu Thuấn đến cuối đời Đường, nằm tại đâu.

Nghiêu
đóng đô tại
Bình Dương (Nam Sơn Tây)
Thuấn
- -
Bồ Bản (Nam Sơn Tây)
Hạ
- -
An Ấp (Nam Sơn Tây)
Thương
- -
Hào Kinh (Bắc Hà Nam)
Thương
- -
Triều Ca (Bắc Hà Nam)
Tây Chu
- -
Cảo Kinh (Đông Thiểm Tây)
Đông Chu
- -
Lạc Dương (Bắc Hà Nam)
Tần
- -
Hàm Dương (Đông Thiểm Tây)
Tiền Hán
- -
Trường An (Đông Thiểm Tây) Trường An tức Cảo đời Chu
Hậu Hán
- -
Lạc Dương (Bắc Hà Nam)
Tấn
- -
Lạc Dương (Bắc Hà Nam)
Tùy
- -
Tràng An (Đông Thiểm Tây)
Đường
- -
Tràng An (Đông Thiểm Tây)

Quay qua lộn lại thì suốt ba ngàn năm họ không ra khỏi khu tam giác Bình Dương – Tràng An – Lạc Dương.

Đời Tống dời đô sang Đông Bắc Hà Nam là Khai Phong, nhưng vẫn không cách xa Lạc Dương bao nhiêu. Chỉ về sau thì rợ Mông Cổ rồi rợ Mãn Châu mới đóng đô tại Bắc Kinh, ở ngoài khu vực Trung nguyên ngữ mà thôi. Tuy nhiên, giọng Quan Thoại vẫn đi theo trào đình ngoại tộc để đến Bắc Kinh.

Nhưng cái Quan Thoại Bắc Kinh là Quan Thoại lơ lớ Mãn Châu và Mông Cổ, thế nên từ ngày Mao Trạch Đông lên cầm quyền thì Quan Thoại được sửa đổi lại chút ít, gọi là TÂN ÂM.

Nhưng cái Tân âm của họ Mao, thật ra là Cựu âm vì Quan Thoại ngày nay trở lùi về với giọng đọc của khu tam giác nói trên, vì giọng đó mới thật đúng là giọng Trung Hoa chánh gốc, không bị nói lơ lớ như giọng Bắc Kinh.

Cũng như ở xứ ta, khi trào Nguyễn cầm quyền thì xem giọng Huế là giọng chánh, nhưng thật ra giọng chánh gốc của dân tộc ta là giọng Hà Nội, vì người Hà Nội không bị lai Chàm như người Huế.

Quanh Kinh Đô và ngoài trào đình, dân chúng vẫn nói giọng Trung nguyên tức giọng Quan Thoại vì đó là tiếng Tàu chánh hiệu, chớ không phải riêng trong thành vua.

Nhưng những vùng đất xa hơn các kinh đô kể trên chừng vài trăm cây số là đất Mọi. Thí dụ ở Đông Thiểm Tây, tại đất Cảo, tức Tràng An và Hàm Dương người ta nói Quan Thoại, nhưng ở Tây Thiểm Tây, thì người Tàu lai giống với rợ Khuyển Nhung và nói giọng khác gọi là giọng Tần ngữ.

Những vùng đất quanh vùng Trung Nguyên đều là đất của các dân tộc khác mà người Trung Hoa gọi là rợ. Những vùng đất đó mãi cho đến đời Chiến quốc, vẫn còn đang được chinh phục, ở phương Đông, còn ở phương Nam thì công việc ấy mãi cho đến nhà Hán mới xong. Những nước nho nhỏ đó bị chiếm thì dân, lớp bị đồng hóa, lớp bị lai giống với người Tàu, phải nói tiếng Tàu, giọng Trung Nguyên, nhưng không nói y hệt được như người Tàu, họ nói khác không phải vì ở gần hay ở xa Trung Nguyên như có người tưởng, mà vì họ khác chủng. (Lẽ dĩ nhiên là ngày nay các nơi ấy nói gần giống Trung Nguyên hơn xưa bởi ảnh hưởng Trung Nguyên như nhiều đợt sóng liên tiếp, cứ lan lần ra).

Các dân tộc bị lai giống và bị đồng hóa, nói tiếng Tàu lơ lớ, chớ không phải là dùng một ngôn ngữ khác nào hết.

Mặc dầu vậy, nhóm man di nào cũng còn giữ được lối một trăm danh từ Mã Lai như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hakkas gì cũng còn nói tiếng Mã Lai hết. Chính một trăm danh từ đó khiến thiên hạ hiểu lầm, ngỡ họ nói một ngôn ngữ khác. Nhưng khác làm sao được khi chỉ còn sót có một trăm danh từ?

Trong các biểu đối chiếu, chúng tôi sẽ cho thấy rằng Quảng Đông, Phúc Kiến vẫn còn nói tiếng Mã Lai, vì họ là Mã Lai đợt II, bọn Austronésien không kịp di cư, ở lại biến thành Tàu.

Dân Trung Hoa rất lớn, nhưng đặc biệt hơn là dân Ấn Độ, là họ chỉ có một bộ lạc độc nhứt, nên họ không bao giờ có phương ngữ như Ấn Độ đã có hằng mấy trăm phương ngữ. Cái ngôn ngữ độc nhứt đó là Trung Nguyên ngữ, tức Quan Thoại. Những giọng khác, quanh khu tam giác đó, không phải là phương ngữ Hoa tộc mà là giọng sai của ngoại chủng bị đồng hóa.

Và công việc đồng hóa của họ hữu hiệu đến nỗi man di nào cũng chỉ giữ được tối đa là một trăm danh từ chớ không hơn. Ta không có bị đồng hóa ở Tây Âu, tức Quảng Đông, nên ta còn giữ gần đủ những danh từ Mã Lai.

Việc đồng hóa bằng cách thống nhứt giọng đọc được thực hiện mãnh liệt nhứt, dưới đời nhà Tần.

Dưới đời nhà Tần, các địa phương phải gởi kẻ sĩ về Hàm Dương để đọc giọng Quan Thoại và học lối viết thống nhứt do Lý Tư bày ra. Trở về quê cũ, họ có phận sự dạy lại từ quan đến dân giọng ấy và lối viết ấy. Nhưng vì là dị chủng nên dân địa phương đọc không giống lắm được theo ý muốn của Tần Thỉ Hoàng. Tuy nhiên, chiến dịch ấy cũng làm cho họ mất luôn ngôn ngữ của họ.

Họ bị mất ngôn ngữ, nhưng không mất hết, còn dấu vết và nhờ thế mà ta biết được vùng nào thuộc “man di” cổ thời nào.

Thí dụ người Quảng Đông có từ ngữ Chẩy nả, có nghĩa là Mẹ con. Chẩy là tiếng Tàu Tử, còn Nả là tiếng Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã.

Chàm: Ina
Việt: Nạ (Nạ dong)
Mã Lai Nam Dương: Inang

Vì là “man di” nên họ ghép tiếng Tàu Tử với tiếng Mã Lai Nỏ, chớ Tàu thật thì không mắc chứng gì mà học tiếng Nả khi họ đã có rồi tiếng Mẫu mà họ rất trọng.

Và vì là “man di” nên cổ Tây Âu mới bất kể luân lý Khổng Mạnh, để con đứng trước Mẹ.

Đó là sự đề kháng tiêu cực của các man di xưa, nhưng đề kháng tới mức nào, cũng không đương đầu được với chiến dịch thống nhứt ngôn ngữ của Tần Thỉ Hoàng, hóa ra toàn cõi Trung Hoa đều nói một thứ tiếng với nhau, tuy có đọc sai chút ít ở các địa phương.

Tóm lại, Hoa ngữ chỉ có Một, chớ không có nhiều phương ngữ như chính họ cũng lầm tưởng. Sở dĩ được như vậy là nhờ:
  1. Ưu thế ban đầu. Ở địa bàn cổ sơ của họ chỉ có độc một bộ lạc chớ không có nhiều bộ lạc như chính họ cũng đã lầm tưởng (Xin xem chương Cái Họ của Trung Hoa và Việt Nam).

  2. Các chiến dịch làm mất ngôn ngữ “man di” ở các thuộc địa, mà chiến dịch hữu hiệu nhứt là chiến dịch Tần Thỉ Hoàng.
Sự đọc sai chút ít là phương âm, chớ không phải là phương ngữ như ai cũng tưởng. Và sự sống sót của lối một trăm danh từ trong mỗi nhóm man di biến thành Tàu, không thể gọi là phương ngữ được vì nó quá ít.

Không kể giọng Trung Nguyên tức giọng Quan Thoại, tức giọng Trung Hoa trung ương, chín giọng kia giúp cho ta truy ra các nhóm “ngoại di” bị xâm lăng, bị lai giống và bị đồng hóa với Trung Hoa. Mỗi nhóm “man di” đọc sai tiếng Tàu một cách khác nhau rõ rệt. Chúng tôi lấy tỉnh Giang Tây làm thí dụ. Trong khi các tỉnh khác có một giọng rất thuần nhứt thì giọng của tỉnh Giang Tây lại không thuần nhứt, thành thử biên giới “Man di” ở đó coi vậy mà rất dễ truy tầm, hễ huyện nào đọc giọng Phúc Kiến thì mảnh đất của tỉnh Giang Tây đó hồi cổ thời thuộc “man di” Mân, huyện nào đọc giọng Quảng Đông thì mảnh đất Giang Tây nơi đó thuở xưa thuộc nước Tây Âu.

Đó là những “man di” quan trọng, đã lập quốc rồi, chớ giữa các thứ man di ấy, còn vô số “man di” khác, ngày nay vẫn tồn tại ở Trung Hoa, nhưng họ quá kém không hợp tác được nên rút lên rừng núi, không nói tiếng Tàu nên không có giọng Tàu riêng, thí dụ người Mèo.

Người Tàu thuần chủng Tàu, may mắn hơn người Ấn Độ, và giống Việt Nam vì họ không có những bộ lạc nói khác nhau quá nhiều như Ấn Độ cổ thời, mà chỉ có độc một bộ lạc bành trướng mãi ra, như ta sẽ thấy ở một chương sau.

Chủng Mã Lai cũng may mắn như vậy, nhưng họ lại rủi ro mất địa bàn liên tục ở Trung Hoa, chạy bậy chạy bạ rồi lai giống lung tung với thổ trước, hóa ra tiếng Mã Lai không còn được thuần nhứt lắm như tiếng Tàu. Chỉ có những nhóm Mã Lai nho nhỏ như Việt Nam mới là thuần nhứt với nhau mà thôi. Mã Lai Java cũng thuần nhứt nhưng chỉ trong đảo Java, v.v.


*


Chúng tôi đã nói rằng Quan Thoại Bắc Kinh đã bị Mao Trạch Đông sửa lại và gọi là Tân Âm, vì cái Quan Thoại trước họ Mao không đúng giọng chánh gốc.

Nhưng cái Quan Thoại của Tần Thỉ Hoàng cũng chẳng đúng gì hơn.

Ta cứ xem lại khu tam giác nói trên, nhau rún của Quan Thoại. Đó là Lạc Dương, An Ấp và Tràng An.

Hàm Dương, kinh đô của Tần Thỉ Hoàng, không nằm trong khu tam giác đó, nó ở dịch về phía Bắc của Tràng An lối 100 cây số.

Tuy nhiên, 100 cây số cũng không xa và Quan Thoại của Tần Thỉ Hoàng gần với giọng chánh gốc hơn là Quan Thoại Bắc Kinh, chính vì sự kiện nó không quá xa nhau rún của dân Tàu như Bắc Kinh, và cũng vì sự kiện không có “rợ” tại Hàm Dương, như đã có “rợ” quanh Bắc Kinh.

Dầu sao, Quan Thoại Hàm Dương vẫn không phải là Quan Thoại chánh gốc 100%, y như ở Bắc Việt, Hà Nội nói Con gà trống thì các tỉnh ven biển nói Con sống.

Các thuộc địa “man di” nói không đúng Quan Thoại lắm, vì họ là ngoại chủng, mà cũng vì giọng Hàm Dương không đúng là giọng chánh.

Nhưng mà cuộc thống nhứt giọng thì quả đã được thực hiện tới một mức đáng kể, mà danh từ Xùi của Quan Thoại đã cho thấy:

Quan Thoại: Xùi
Quảng Đông: Xủi
Mân Việt: Chúi
Hải Nam: Tùi.

Trong các bản đối chiếu, chúng tôi lấy giọng Quan Thoại làm căn bản, những giọng địa phương Trung Hoa, và cả giọng Hán Việt của ta chỉ là giọng nhơn chứng (prononciation témoin). Nhưng các giọng khác, không phải là có đủ mặt. Người Hồ Quảng, người Yên Tề không bao giờ để chơn tới xứ ta, thì ta không cần biết họ làm gì.

Xem ra thì chỉ có ba giọng là có vào đất cổ Việt, đó là giọng Quan Thoại của sĩ quan, của lính và của quan văn mà trung ương Trung Hoa đã gởi tới trong dịp đánh dẹp hai bà Trưng. Kế đó là giọng Việt Nam Hải, tức giọng Quảng Đông, và giọng Mân Việt vì dân hai địa phương đó có tới lui buôn bán với ta, hoặc di cư đến để tìm sinh kế, từ cổ đến nay cũng y hệt như vậy. Chót hết là giọng Ba Thục của người Hakkas và giọng Lạc Lê của người Hải Nam.

Trước khi trình bản đối chiếu chúng tôi xin nói thêm đến ba ngộ nhận nữa về ngôn ngữ Trung Hoa.

Trong Việt Nam Văn Học toàn thư, quyển I, tác giả Hoàng Trọng Miên viết: “Chữ viết và tiếng nói của Tàu là hai ngữ thể khác nhau, ta học văn của họ chứ không theo ngôn ngữ họ”.

Ngộ nhận thứ nhứt nằm ở đoạn thứ nhì của câu trên đây, là ngộ nhận chung của toàn quốc chớ không riêng gì của ông Hoàng Trọng Miên.

Thử hỏi có một đế quốc nào bắt dân bị trị học tiếng của họ mà không cần bắt họ theo đúng ngôn hay không? Đối với một đế quốc, chính cái việc theo ngôn mới là việc cần thiết để lịnh của họ được hiểu, được tuân mau lẹ, và để phổ biến ngôn ngữ của họ, việc phổ biến đó có lợi cho họ, chớ còn học chữ, học văn, học triết, là chuyện xa vời, ta cố sức học, họ cũng cho ta học nhưng họ không cố sức dạy mà chỉ nỗ lực ở mặt ngôn mà thôi, vì lý do chánh trị và kinh tế.

Không có tài liệu nào về vấn đề này cả, nhưng ta cứ suy luận thì đủ rõ sự thật. Một ông thầy từ trung ương Trung Hoa đến dạy ta học tiếng Tàu, sau khi Mã Viện tổ chức xong hành chánh. Ông ấy ra một câu:

Wò txửa fál

Nếu cậu học trò Việt Nam, thay vì lặp lại y theo ông thầy, lại nói:

Ngã thực phạn

thì hẳn không có ông thầy nào trên thế giới này mà chấp nhận cả vì cái lẽ không thể chấp nhận được, bởi ông ấy không biết ta lặp lại lời ông ấy dạy ta hay là ta chưởi ông ấy.

Sự thật thì ta đã phải theo ngôn ngữ của họ y như dưới thời Pháp thuộc, không khác một nét, nghĩa là người được học phải học đúng giọng đọc của ngôn ngữ của kẻ thống trị, chỉ có bình dân mới nói tiếng Tàu ba trợn, nhưng vì không ai dạy, chớ không phải là không theo ngôn của họ.

Nhưng câu văn của Hoàng Trọng Miên loại bỏ bình dân ra, vì có vấn đề học văn (ý tác giả muốn nói học chữ, học tự dạng), như vậy thì ngộ nhận càng lớn hơn bởi bọn có học, không thể nào mà không theo, và cứ đọc ba trợn như bình dân mà yên thân với các ông thầy Tàu.

Sở dĩ sau rồi fál biến thành phạn chỉ vì Tàu mất chủ quyền ở xứ ta, dưới trào Đinh Bộ Lĩnh; sự kiện đó xảy ra y hệt như vậy tại Sài Gòn năm 1954 mà Pháp triệt thối toàn diện, và thiên hạ bắt đầu đọc sai tiếng Pháp một cách buồn cười, kể cả vài kẻ có học.

Ngộ nhận trên đây kéo theo ngộ nhận thứ nhì là chủ trương rằng ta biến tiếng Tàu thành tiếng Hán Việt để mỹ hóa những danh từ vay mượn với cái giọng đọc không hay của Tàu.

Có ai chứng minh được rằng Hương Cảng hay hơn, đẹp hơn Hướng Cỏn hay chăng? Và nếu quả Hương Cảng đẹp thì tại sao, về sau ta lại bỏ Hương Cảng mà đọc là Hồng Kông? Hồng Kông đẹp hơn Hương CảngHướng Cỏn ở chỗ nào?

Địa danh Tức Mặc mà ta mượn của Tàu để đặt tên cho một nơi của ta ở Bắc Việt, cũng hẳn là không đẹp hơn là Tục Ma nguyên thỉ bởi TứcMặc gợi cái ý tức mìnhmặc kệ thì hơn gì Tục Ma?

Ta chỉ đọc sai mà thôi, chớ không hề mỹ hóa để làm gì cả, bằng chứng là có những danh từ Trung Hoa, Quan Thoại đọc thế nào thì Hán Việt cũng đọc thế ấy, không hề được biến dạng mà cũng không phải vì nó đẹp mà ta giữ nguyên, ta không mỹ hóa, mà vì nó rất dễ đọc.

Không ai chứng minh được rằng Chít xão xấu hơn Chiên xào ở chỗ nào, Điếm đẹp hơn Tiệm ở chỗ nào, thì quan niệm mỹ hóa không đứng vững được.

Có nhiều học giả còn thử đưa bằng chứng mỹ hóa này nữa. Thí dụ câu thơ:

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Họ nói nếu đọc theo Tàu Quan Thoại là:

Dỉt mél thảo wá chál quál hụng

thì ta chẳng nghe sao hết. Đọc theo Quảng Đông cũng thế. Còn đọc theo mỹ hóa của Hán Việt thì nó thấm thía tận đáy lòng ta, đi vào tận tế bào ta.

À, luận cứ trên đây thật là kỳ. Đọc theo Quan Thoại và theo Quảng Đông thì ta hiểu sao được để mà đi vào tận tế bào ta kia chớ?

Đây là vấn đề hiểu và không hiểu, chớ không hề là vấn đề thuận tai và nghịch tai. Dân ta không hiểu Dỉt mél, nhưng đã hiểu Nhân diện từ hai ngàn năm nay, mặc dầu Nhân diện cũng chỉ là tiếng Tàu (đọc sai).

Chắc chắn là cho tới năm Đinh Bộ Lĩnh thu hồi độc lập, dân ta vẫn phải ngâm thơ theo Tàu là:

Dỉt mél thảo wá chál quál hụng

vì người thống trị còn đó để không cho phép ta đọc là:

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Và hồi thời ấy ta đọc thơ theo Quan Thoại, ta vẫn nghe nó đi vào tế bào ta được, y hệt như ta đọc bài thơ Milly ou la terre natale của Pháp bằng tiếng Pháp, không có mỹ hóa gì hết. Tiếng Pháp không hề thuận lợi tai của ta hơn tiếng Tàu. Đây chỉ là hiểu hay không mà thôi, và chỉ là đọc sai bậy bạ vì dân thống trị đã đi mất, chớ không hề có việc mỹ hóa bao giờ.

Viết tới đây, một câu chuyện vặt nhưng rất ngộ nghĩnh và quan trọng xảy ra tại nhà tôi. Một người bạn đi Đài Loan về, mang biếu tôi một phiến đá nhỏ, trên đó có khắc một bài thơ Tàu, theo lối chữ thảo mà có hơn mười chữ tôi đọc không trôi.

Sau khi người bạn tặng quà đi rồi thì nhiều bạn khác đến, trong đó có một bạn Trung Hoa, một nhà nho và vài sinh viên Văn Khoa, cũng có học chữ nho chút ít.

Tôi yêu cầu người bạn Trung Hoa ngâm bài thơ ấy nghe chơi. Anh bạn ngâm rằng:

Chọt dìa xứng cưới, chợt dìa phúng
Hòa lầu xấy phùng quậy thoòng tùng
Tsần mà xổi phùng xướng phi dực
Dì dậu lìl xì dách tỉm túng.

Ngâm xong, anh bạn kêu lên: Hà! Cái lầy hay quá mà! Nhưng chúng tôi không ai nghe hay cả. Tôi lại yêu cầu ông bạn nhà nho ngâm theo lối mà thiên hạ gọi là mỹ hóa tiếng Tàu. Ông bạn già đó ngâm:

Tạc dạ tinh cư, tạc dạ phong
Hoa lâu Tây bạn quế đường Đông
Thân mà vô phượng, song phi dực
Như hữu linh tê nhứt điểm thông.

Hai anh bạn sinh viên bật cười, vì hai anh ấy chẳng thấy bài thơ ấy hay chỗ nào cả, mặc dầu bao nhiêu tiếng Tàu trong đó đã được “mỹ hóa” hết cả, nó cũng không đi vào tế bào của các bạn không tinh thông chữ nho ấy được.

Vấn đề là hiểu hay không, chớ không phải là sự êm tai. Những tiếng Tàu gọi là được mỹ hóa mà không được phổ biến thì ta nghe y hệt như tiếng Á Rập. Thí dụ không thể chối cãi là hai anh bạn sinh viên ấy hiểu “Tạc dạ” như là Tạc dạ ghi xương. Nhưng Tạc dạ ở đây có nghĩa là Đêm hôm trước.

Tóm lại, sự thuận-tai-tưởng-tượng không làm cho ta cảm khái chút nào hết thì không hề có vấn đề mỹ hóa cho thuận tai. Chỉ là đọc sai, chớ không có việc cố ý mỹ hóa.

Sở dĩ câu:

Nhận diện đào hoa tương ánh hồng

mà đi vào tận tế bào của ta, chỉ vì đó là những tiếng Tàu đã được phổ biến từ lâu, được ta hiểu y như ta hiểu tiếng Việt, còn cả bốn câu thơ Đường được trích trên đây không cảm ta được vì có người không hiểu nó, bởi trong ấy có nhiều danh từ chưa được phổ biến, nhứt là nhiều danh từ đồng âm dị nghĩa với danh từ khác, làm rối loạn hết cả, phải thấy những chữ Tàu đó mới hiểu được.

Nhưng ngộ nhận quan trọng nhứt là ở đoạn đầu câu của Hoàng Trọng Miên. Đó là sự kiện “Chữ viết và tiếng nói của Tàu là hai ngữ thể khác nhau”.

Sự thật thì họ nói sao, viết vậy, hồi cổ thời, đến đời nhà Hán, nhà Tần cũng còn như vậy.

Dân Trung Hoa chánh gốc, tức người Hoa chưa vượt sông Hoàng Hà để tràn vào đất Việt lập ra nước Sở, dân đó là một thứ người rất ít nói, cả đến ngày nay cũng thế, và họ ưa nói tắt. Đó là đặc tánh của các thứ dân ở xứ lạnh và xứ khô cằn. Lòng dạ họ khô khan, họ không có gì cho nhiều để nói ra. Họ văn minh rồi, họ cũng chỉ nói chuyện thực tế, theo lý trí, mà những loại chuyện đó không tràng giang đại hải được, và trái lại nữa, càng nói ít, càng nói ngắn, càng hay.

Tràn xuống phương Nam vào đất Việt ở Hồ Quảng, gặp khí hậu ấm áp, phong cảnh tốt tươi và đất đai màu mỡ ở đó, lòng họ phong phú hơn, tánh họ yêu đời hơn, họ nói nhiều hơn và nhứt là thấy rằng nói vắn tắt không ổn nữa, đã diễn không hết ý, lại gây hiểu lầm.

Chính cái sự kiện diễn ý bằng nhiều tiếng hơn xưa này có khiến cho văn không còn đi chung với lời nữa, văn viết theo cổ quá vắn tắt người dân diễn ý thì lại bắt đầu dài dòng.

Nhưng tình trạng ấy chỉ mới xảy ra từ đời nhà Hán, còn trước kia thì Tàu nói sao viết vậy, không ít hay nhiều hơn một từ nào cả, không bao giờ có vấn đề hai ngữ thể khác nhau, cho đến đời nhà Hán.

Nhưng từ đời nhà Hán thì họ đã lớn mạnh ở phương Nam và chính người Tàu phương Nam mới bắt đầu nói khác văn viết. Như vậy là quả có hai ngữ thể khác nhau, mà cũng chỉ có trong một giai đoạn từ Hán đến Tống mà thôi, chớ không phải luôn luôn có. Nhưng câu văn của Hoàng Trọng Miên lại làm cho ai cũng hiểu là luôn luôn có. Nhưng không phải đó là lầm lẫn riêng của Hoàng Trọng Miên mà đa số người mình đều tưởng như vậy.

Nhưng xét ra thì ngôn ngữ của nước nào cũng thế cả, không riêng gì của Tàu. Nhưng thiên hạ chỉ ngộ nhận đối với trường hợp Tàu là vì nơi các dân tộc khác người ta dùng chữ tượng âm, hễ ngôn ngữ biến thì văn cũng biến theo, còn ở Trung Hoa thì văn không cần biến theo cùng lúc, người đọc chữ cũng hiểu được cổ văn, nhờ nó là chữ tượng hình, thành thử chính quyền không buồn cho văn biến theo ngôn vội.

Nhưng đến đời nhà Tống thì dân chúng tự động biến bằng cách tạo ra Bạch thoại.

Ở đây lại xảy ra ngộ nhận nữa. Rất đông người Việt ngỡ Quan Thoại là Bạch thoại. Nhưng không phải thế, Quan Thoại chỉ là giọng đọc (Prononciation), còn Bạch thoại là lối hành văn (Style).

Bạch thoại là hễ nói dài thì cũng viết dài y như nói, chớ không viết tắt như đã nói tắt hồi cổ thời, nhưng đọc thì cứ đọc y hệt như xưa.

Một câu văn viết theo hành văn Bạch thoại có thể đọc bằng giọng Quan Thoại, bằng giọng Quảng Đông, bằng giọng Phúc Kiến, bằng giọng Hán Việt, y hệt như một câu cổ văn.

Nhưng đừng tưởng là cổ văn đã biến mất, vì có nhiều lối nói cổ thời vẫn được dân Tàu giữ nguyên, không biến khác, thành thử trong hành văn Bạch thoại có nhiều đoạn y hệt như cổ văn, chớ không phải hoàn toàn khác 100% đâu.

Cứ lật một tờ báo ở Chợ Lớn ra đọc thử, ta thấy ngay là cổ kim lẫn lộn, nhiều đoạn văn giống hệt như Sử KýHậu Hán thư. Nhưng một cái tin xe cán chó tại cầu chữ Y thì bắt buộc là phải viết theo hành văn mới. Tàu xưa làm gì có danh từ cầu chữ Y, làm gì có ô-tô, có chó bị cán.

Nhưng khi quân đội Việt Mỹ dàn trải ra để chận tại Mõ Vẹt chẳng hạn thì họ cũng viết như xưa, bởi xưa nay gì cũng chẳng nói khác nhau về chuyện ấy cả.

Đó là nói về hành văn, nhưng tự dạng thì cứ vậy, trừ một cuộc cải cách mới đây của Mao Trạch Đông là bớt nét cho những chữ quá rườm rà và bỏ những bộ Khuyển, bộ Trãi, bộ Thỉ, trước tên các dân tộc, nhưng chuyện vặt ấy cũng chẳng dính líu gì đến Bạch thoại vốn đã có rồi từ đời nhà Tống.


*


Hán Việt không được dùng để nói, không hề thành ngôn ngữ vì nó không phải là ngôn ngữ của dân Lạc Việt (đó là bằng chứng dân này cứ còn có mặt mãi mãi trên lãnh thổ của họ) với lại vì nó quá khó, các nhà đại trí thức cũng không biết cho hết các danh từ Hán Việt. Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sĩ, một bậc danh nho của ta mà còn phải thú nhận rằng không biết cây Am la là cây gì. Nhưng nếu nói cây Muỗm hoặc cây Xoài thì toàn thể dân Lạc Việt tức dân Việt Nam đều hiểu ngay tức khắc.

Hàng vạn tiếng Hán Việt đã thành hình, đủ nhiều để làm một ngôn ngữ, nhưng không bao giờ thành ngôn ngữ cả, vì không ai mà nói chuyện với nhau bằng loại tiếng đó, các quan đại thần, các nhà nho nói chuyện với nhau cũng nói bảo vệ tiếng Việt, và chắc chắn là trong Hội nghị Diên Hồng chẳng hạn, người ta nói với nhau bằng tiếng Việt.

Một yếu nhân Việt Nam nói rằng TIẾNG VIỆT do tiếng Quảng Đông mà ra. Đó là sai lầm cùng loại với sai lầm của sử gia Nguyễn Phương nhưng có thêm một chi tiết cố ý muốn xác thực hơn, là định rõ nguồn gốc tiếng ta là phương ngữ Quảng Đông.

Mặc dầu có thêm chi tiết ấy, sự sai lầm vẫn không giảm phần nào.

Đã bảo không bao giờ có tiếng Quảng Đông thì làm thế nào mà tiếng Việt do tiếng Quảng Đông mà ra?

Xin nhắc rằng dân của nước ta xưa là dân Thái. Dân đó bị đồng hóa thành người Tàu Quảng Đông. Và họ nói tiếng Tàu sai giọng chút ít. Không hề có tiếng Quảng Đông.

Nếu nói có tiếng Tây Âu, tiếng Thái, thì được, nhưng nói có tiếng Quảng Đông thì sai.

Còn một ngộ nhận nữa, và đây là ngộ nhận của toàn thể người Việt, chớ không phải của riêng ai, nên ta cần xét lại kỹ hơn nhiều lắm.

Người ta bảo rằng tiếng Hán Việt do tiếng Quảng Đông gây ra. Ở đây lại còn xác thực hơn trên kia nữa là Hán Việt chớ không phải Việt ngữ.

Họ nói thế là vì họ thấy quả, để chỉ nước, Quảng Đông nói Xủi, Hán Việt nói Thủy. Để chỉ con bò, Quảng Đông nói Ngầu, Hán Việt nói Ngưu.

Nhưng khi ta tìm hiểu về thời Tần, Hán thì sự sai lầm lộ rõ ra liền. Xủi hay Ngầu gì cũng chỉ là Quan Thoại đọc sai. Nhưng sở dĩ ta sai rất gần lối sai của Quảng Đông là vì Quảng Đông là người Tây Âu, tức Thái, tức Cửu Lê, bị Tàu đồng hóa. Họ đồng chủng với ta và sống giáp ranh thì hai thứ dân ấy đọc Quan Thoại phải sai gần như nhau là một chuyện dĩ nhiên, chớ không phải là Hán Việt do Quảng Đông mà ra.

Nhưng những người ngộ nhận như trên lại có một quan niệm sử sai lầm. Họ tưởng Quảng Đông là Tàu mà là Tàu đã khai hóa ta.

Ở một chương trước, ta đã thấy rằng Tây Âu bị chinh phục trước ta có một trăm năm. Vào năm Mã Viện đến đặt nền trực trị tại Cổ Việt Nam thì dân Tây Âu đang bị đồng hóa, học chưa thuộc tiếng Tàu, thì làm thế nào đủ khả năng đi khai hóa ta?

Chúng tôi sẽ trình ra một bản đối chiếu trong đó chỉ có ba thứ tiếng: Hán Việt, Quảng Đông và Quan Thoại, thì ta thấy ngay là Hán Việt giống Quan Thoại hơn là Quảng Đông.

Cuộc suy luận trên kia, có thể còn hồ nghi, nhưng bản đối chiếu thì không thể cãi lại được vì nó là chứng tích cụ thể và rõ ràng.

Nhưng quả có lối một trăm danh từ Quảng Đông và Thuần Việt hoặc Hán Việt giống hệt nhau, nhưng đó không phải là tiếng Tàu, mà là tiếng Mã Lai mà cả hai nhóm Mã Lai Tây Âu, tức Thái, và Lạc Việt đều giữ được nhớ tinh thần đề kháng. Viết chữ thì họ viết y hệt như Tàu, nhưng đọc thì họ lại đọc y hệt như Mã Lai.

Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Wài của Quảng Đông và Vân của Hán Việt. Ai cũng ngỡ đó là tiếng Tàu. Nhưng không phải.

Tiếng Tàu, Mây họ nói là Diển, mà Diển không là sao mà biến thành Wál được cả.

Đó là tiếng Mã Lai Awan có nghĩa là Mây, mà cả Tây Âu lẫn Lạc Việt vẫn cố bám níu, mặc dầu họ viết chữ y hệt như Tàu.

Họ bám níu vào hàng vạn danh từ như vậy, nhưng Quảng Đông bị trực trị và bị đồng hóa mạnh, nên đành phải bỏ rơi gần hết, chỉ còn giữ được có lối 100 danh từ, còn Việt Nam không có chịu cái cảnh đó nên giữ được gần hết danh từ Mã Lai.

Awan là danh từ của Mã Lai đợt II, còn Mây là danh từ của Mã Lai đợt I. Ta dùng cả hai vì Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp, nhưng trong trường hợp Mây, ta dùng tiếng Mây để làm quốc ngữ và tiếng Awan để đọc cái chữ Điền của Tàu, khác với các trường hợp khác, thí dụ trường hợp ChơnCẳng. Chơn, danh từ Mã Lai đợt I, Cẳng, danh từ Mã Lai đợt II, đều được ta dùng làm quốc ngữ, còn Túc thì ta đọc theo Tàu với sự sai giọng chút ít.

Nhưng mà chỉ có Hán Việt thì mới gần giống Tàu Quảng Đông chớ thuần Việt thì khác Quảng Đông như đen với trắng. Chỉ có những danh từ cổ Tây Âu mà Quảng Đông còn giữ được, mới giống thuần Việt mà thôi, chớ Quảng Đông Tàu, tức Quảng Đông ngày nay, thì tuyệt nhiên không giông.

Có thể nói cổ ngữ Tây ÂuViệt Nam kim ngữ giống nhau vài ngàn tiếng, chỉ có thế thôi, hoặc nói một cách khác, Cổ ngữ Tây Âu và kim ngữ Việt Nam là một.

Sự sống sót của mấy mươi danh từ Tây Âu cổ đó là sự tiêu cực đề kháng một cách tuyệt vọng của dòng Mã Lai Bách Việt, họ gồm hai nhánh lớn nhứt là nhánh Âu tức Thái, như đã chứng minh, và nhánh Lạc.

Thí dụ: Hai, Trung Hoa chánh gốc nói Ơl, đọc như Ơn miền Bắc Việt, nhưng vì bị đồng hóa, dân Tây Âu để kháng lại, và tiếp tục nói Dzi. Đó là tiếng Mã Lai gốc Tây Tạng mà tất cả các nhóm Mã Lai từ xưa đến nay đều dùng. Riêng Việt Nam thì dùng của hai tiếng Mã Lai là HaiNhị. Và Nhị không bao giờ là tiếng Hán Việt như ai cũng ngỡ. Ta cũng đề kháng tiêu cực y như Tây Âu khi ta học tiếng Tàu, và cả hai, Giao Chỉ và Tây Âu, đều không nói Ơn, Tây Âu chỉ dùng có một tiếng Mã Lai là Dzi còn Lạc Việt thì dùng cả hai là HaiNhị.

Việt Nam: Hai, Nhị
Cổ ngữ Tây Âu: Dzi
Cổ ngữ Ba Thục: Nhi
Bà Na: Ngôi Hai
Cao Miên: Pi
Khả Lá Vàng: Bơ
Miến Điện: Ngi
Tây Tạng: Ngi

Trung Hoa không bao giờ có Nhi, Pi mà Ơn của họ cũng không thể biến hóa thành Nhi, Pi được.

(Người Mân Việt, Tây Âu và Ba Thục, ngày nay thành Tàu hẳn rồi, nhưng vẫn còn giữ Dzi, Nhi, Ni tức Nó).

Thí dụ: Khi Trung Hoa chánh gốc viết chữ và đọc là Chiều là cái Cổ thì các nhóm Mã Lai Bách Việt lại không chịu đọc theo, sai chút ít như các danh từ khác, mà cứ đọc chữ ấy bằng ngôn ngữ của họ và ngôn ngữ của họ chỉ có một, nghe hơi khác, nhưng vẫn cứ đồng gốc Mã Lai.

Tàu Quan Thoại: Chiều
Mân Việt: Kẹ
Cổ Tây Âu (Quảng Đông): Kẻng
Thái ngày nay: Kủ
Việt Nam: Cổ
Cao Miên và các nhóm Thượng: Cổ, Co, Ko.

Tuy nhiên, người Tây Âu, người Mân Việt, người Ba Thục chỉ giữ được có non trăm tiếng vì họ đã thành Tàu Quảng Đông, Tàu Phúc Kiến, Tàu Tứ Xuyên tức Hakka, trong khi đó thì ta giữ được cả vạn danh từ.

Thế thì vài tiếng Hán Việt hoặc thuần Việt có giống Quảng Đông, không hề có nghĩa là tiếng Việt do tiếng Quảng Đông mà ra.

Sử gia Nguyễn Phương hỏi khó: “Dựa vào đâu để chứng minh rằng tiếng Việt ngày nay là tiếng Việt của người Lạc Việt?”.

Ông hỏi rất nghiệt, vì ông đinh ninh rằng không ai trả lời được. Nếu ai cắt cớ hỏi dựa vào đâu để chứng minh rằng tiếng Tàu ngày nay là tiếng Tàu đời nhà Hạ thì chắc người Trung Hoa phải đầu hàng.

Nhưng rủi cho sử gia là có những người chịu khó học cổ ngữ Tàu và cổ ngữ Việt, trả lời được.

Về ngoại ngữ Quan Thoại thì đã có sách Tây rồi, còn về cổ ngữ Việt, xin lấy thí dụ sau đây. Ta có câu ca dao:

Tua Rua lặn, chết cá chết tôm.

Danh từ Tua Rua hiện ra trong nhiều câu ca dao tối cổ của ta, ta không hiểu ngỡ đó là một danh từ riêng chỉ một vì sao, nhưng thật ra thì không phải. Đó là hai tiếng riêng ra. Tua là danh từ tối cổ của bọn Mã Lai lưỡi rìu chữ nhựt.

Rua kia, mới là danh từ riêng chỉ con sao Mang mà Tàu gọi là sao Mão.

Theo Việt Nam thì câu ấy như thế đó.

Còn theo Mường thì:

Sao Mang lặn, chêt ka, chêt tum,

Theo Khả Lá Vàng thì:

Tua Rua lăn kêt aka, kêt tum

Có nhiều cái khoen nối kết cho thấy rằng tiếng Việt ngày nay với tiếng Lạc Việt cổ sơ là một, giáo sư ạ!

Sử Tàu không có ghi chép vì về chuyện họ dạy ta học tiếng, nhưng có ghi chép về những ông thái thú đầu như Tích Quang, Nhâm Diên, dạy ta học lễ.

Nhưng không ai thử đặt ra câu hỏi này bao giờ: Họ dùng ngôn ngữ nào để làm thừa ngữ (lannge véhicule)? Một nước thống trị dạy dân bị trị, hẳn không dùng ngôn ngữ của dân bị trị để làm thừa ngữ bao giờ, trừ trường hợp độc nhứt Mông Cổ và Mãn Châu vì họ là rợ, nên họ học và nói tiếng Tàu, mà đó là vì tình thế kém cỏi của họ bắt buộc như vậy. Tình thế của Tàu trị ta thì khác.

Họ không dùng Việt ngữ vì họ không muốn dùng, mà cũng vì không thể dùng, bởi họ đâu có buồn học làm gì. Hiện nay ở Chợ Lớn có đến 60 phần trăm người Việt gốc Hoa, không biết tiếng Việt thì vào thời Mã Viện hẳn không có chú nào biết hết.

Trong trường hợp này thì tiên học văn hậu học lễ vậy. Nhưng ta học với ai? Quảng Đông không có cán bộ vì cái lẽ dễ hiểu rằng họ chỉ bị trị trước ta có một trăm năm, họ học chưa xong, sức mấy mà họ làm thầy ta được.

Nhưng nếu Quảng Đông đã giỏi rồi, ta cũng không học với Quảng Đông vì nếu Tàu cần gởi cán bộ họ không ngại tốn tiền xe đâu, bởi cán bộ vùng nào, tới xứ Giao Chỉ cũng đi bằng chơn, không tốn tiền xe pháo gì hết thì họ phải gởi người của kinh đô của họ, tức của thành Lạc Dương, bởi Quảng Đông đã nói tiếng Tàu sai bét rồi như đã nói.

Nhứt định là ta học văn, học ngôn với cán bộ trung ương, hay ít ra cũng với những cán bộ quê ở các vùng khác, nhưng được trung ương luyện giọng, việc luyện giọng theo chương trình của Tần Thỉ Hoàng. Và vì vậy mà ta phải học tiếng Tàu, nhưng giọng Quan Thoại, Quan Thoại xin nhắc lại là một giọng đọc, chớ không phải là một ngôn ngữ, và nó đã có từ năm ngàn năm chớ không phải mới có năm 1911.

Bản đối chiếu nhỏ dưới đây cho thấy thật rõ là Hán Việt do giọng Quan Thoại mà ra, chớ không phải giọng Quảng Đông.

Hán Việt Quảng Đông Quan Thoại

Thú
Xâu

Chinh
Chil
Chíl
Khách
Hẹc
Khớ
Huy (Chỉ huy)
Fấy
Húy
Chủ
Chuỷa
Chủa
Khảo
Hảo
Khào
Thủ
Thầu
Thủ
Quý (Báu)
Quây
Quý
Đùi
Thủi
Thùi
Hà (Sông)
Hổi
Hài
Giá
Ca
Chá
Chi (Phí)
Chía
Chi
Bỉnh (Bành)
Bẻng
Bing

Thế là rõ. Ta đã học với thầy trung ương Tàu, chớ không phải học với Quảng Đông. Và rõ hơn nữa là không có vấn đề mỹ hóa gì hết ráo. Quy của Quan Thoại vẫn được ta đọc là Quy từ cổ chí kim. Còn Hài bị đổi thành Hà, không hề vì đẹp hơn Hài bao giờ, mà vì tại ta đọc bậy, sau khi Tàu mất chủ quyền.

Trở lại với lời khẳng định của sử gia Nguyễn Phương, xin đưa ra một bản đối chiếu vài mươi danh từ Việt và Hoa, những danh từ này thì chắc chắn là bà Trưng Trắc đã có rồi, bởi nếu không, ta chẳng hiểu bà làm sao mà sanh hoạt được cũng như kêu gọi đồng bào của bà đứng lên chống xâm lăng.

Tiếng Việt Nam thuần túy
Tiếng Hán Việt
Giọng Mân Việt Phúc Kiến
Giọng Việt Nam Hải Quảng Đông
Giọng Quan Thoại
 
Trời
Thiên
Thi-i
Thil
Thél
Đất
Địa
Tuô ôi
Tẩy
Ti-i
Người
Nhơn
Náng
Dzành
Dỉl
Ăn
Thực
Lim
Xực
Txửa
Uống
Ẩm
Lim
Dẩm
Dil
Nhà
Ốc

Úc
Úa
Cửa
Môn
Mửn
Mùi
Mổl
Ao (Chuôm)
Từ (Đường)
Tì (Tứng)
Xi (Thòon)
Sửu (Thản)
Rào, Dậu
Li
Lỳ
Lỳ
Lỷ
Ghe
Thuyền
Tsùng
Xùi
Tsoal, tsoải
Sông

Hở
Hỏi
Hài
Ruộng
Điền
Txil
Thil
Thẹl
Mưa



Dia
Nắng
(Xem chú thích sau biểu Đ.C)



Gió
Phong
Hon
Fung
Fứng
Mây
Vân
Cuổm
Wàl
Diển
Núi
San
Xoa
Xál
Xál
Nước
Thủy
Chúi
Xủi
Xùi
Lửa
Hỏa
Huổi
Phổ
Khỏ
Đá
Thạch
Chiu
Xẹc
Xửa
Cây
Mộc
Pát
Mục
Mục
Rừng
Lâm
Lím
Lầm
Lỉl
Con chó
Cẩu
Cào
Cẩu

Con heo
Trư

Chuyá
Chứa
Con bò
Ngưu
Củ
Ngầu
Liểu
Con ngựa

Bếc
Mạ
Mả
Con mèo
Miêu
Ni-eo
Méo
Máo
Con gà

Cu-ê
Cấy
Chía
Con vịt
Ấp
À
Ạp

Con cá
Ngư
Hi-ỉ

Día
Con chim
Điểu
Chéo
Niêu
Ni èo
Một
Nhứt
Chi-ít
Dzách
Ý-i
Hai
Nhị;Lưỡng

Lượng; Dzi
Léng; ơl
Ba
Tam
Xa
Xám
Xái
Bốn
Tứ

Xi
Xứa
Năm
Ngũ
Ngóồ
Ưng
Wủ
Sáu
Lục
Lác
Lục
Líu
Bảy
Thất
Sic
Xách
Tsiá
Tám
Bát
Bội
Pạt

Chín
Cửu
Cáo
Cẩu
Chiều
Mười
Thập
Cháp
Xập
Xửa






Chú thích:

1. Ở cái ô tiếng Nắng của ta, không có các danh từ Trung Hoa tương đương vì dân Trung Hoa không có tiếng ấy. Để diễn cái ý niệm Nắng của ta, họ nói là Hong. Thí dụ: “Hôm nay nắng tốt”, họ nói “Hôm nay Hong áo thì tốt”.

Họ có tiếng Hải mà ta biến ra thành HạnHanh nhưng không có nghĩa là Nắng. Hạn là không mưa. Hanh cũng không có nghĩa là Nắng. Về sau họ có tiếng Thử, đúng là Nắng. Nhưng họ đã quen nói Hong, nên tiếp tục không dùng Thử trong lời nói.

Hong của Việt Nam, Quan Thoại nói là Txai, Quảng Đông đọc là Txao, Mân Việt đọc là Xọa, Hán Việt là Sái.

2. Cột tiếng Mân Việt không bảo đảm là thật đúng, không phải vì chúng tôi không cẩn thận mà vì lẽ sau đây: Hiện người Mân Việt sanh sống tại tỉnh Phúc Kiến, tại một số huyện ở tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Triết Giang. Họ gồm đến 7 nhóm (Thất Mân) giọng nói hơi khác nhau chút ít, chẳng hạn có các nhóm Dầu Phếl, Pháo Lết, Tìa Ía, v.v. rất khó biết là giọng nói của vùng nào là thuần Mân, thành thử chúng tôi chỉ ghi vào đây một giọng mà thôi, giọng của thành phố Phúc Châu.

Nhưng nếu có sai, chỉ sai như giọng Nam Việt đối với giọng Bắc Việt chớ không khác hẳn. Vả lại sai đối với cái gì? Làm sao biết giọng nào thuần Mân hơn giọng nào?

Nên nhớ rằng nhà Hán đã vét sạch dân Mân Việt, đầy đi Triết Giang, còn đất thì bỏ không. Sau bọn bị đầy được trở về, nhưng đã rối loạn hết cả rồi, không còn biết Mân nào chánh gốc Mân nữa.

3. Chúng tôi chủ trương rằng không hề có phương ngữ Trung Hoa, mà chỉ có đọc một thứ tiếng Tàu đọc sai chút ít tùy vùng. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng cho biết có cuộc đề kháng tiêu cực của các quốc gia “man di” cũ, nhưng rốt cuộc họ chỉ cứu vãn được mỗi địa phương có mấy mươi danh từ và động từ thôi.

Thế nên trong biểu đối chiếu này quý vị đừng ngạc nhiên mà thấy ở cột Mân Việt những danh từ và động từ Ăn, Uống, Nhã, Gió, Mưa, Mây, Đá, Cây, Bò, Ngựa, Cá, v.v. của họ không giống Quan Thoại một cách xa gần gì hết.

Cột Việt Nam Hải cũng thế, những danh từ, động từ Gà, Vịt, Hai, Năm của họ cũng không giống gần hay xa gì với Quan Thoại hết.

Đó là những danh từ, động từ cổ Tây Âu, cổ Mân Việt, gốc Mã Lai, như chúng tôi sẽ chứng minh ở các biểu đối chiếu Việt, Mã Lai ngữ.

4. Danh từ Đất của ta, Trung Hoa đọc là Tì-i, có vẻ do Trung Hoa mà ra lắm, nhưng các nhóm cổ Mã Lai đều nói:

Bà Na: Tẻ
Giarai: Tơ nả
Mường: Tất
Thái: P’tét
Cao Miên: Dây
Sơ Đăng: Tơ nẻ
Kơ Yong: Tơ nả
Mã Lai: Tanản

Hơn thế không lẽ dân Bách Việt Mã Lai phải đợi biết Trung Hoa mới vay mượn một danh từ để chỉ một món mà dân cổ sơ nào cũng đã có tiếng để chỉ, ngay lúc họ còn ăn lông ở lỗ?

Ta nhận thấy rằng âm Đ của ta do âm T của Hoa và của Mã Lai mà ra thì không thể quyết đoán một chiều mà chọn Trung Hoa, bởi các nhóm Cổ Mã Lai trên đây không hề thấy mặt người Tàu bao giờ, trừ Thái, Cao Miên và Mã Lai.

Xem lại thật kỹ:

Trung Hoa: Tì-i
Việt Nam: Đất
Cao Miên: Đây
Mã Lai: Tnả

Không có bằng chứng gì để lôi kéo Đất vào Ti-i mà hữu lý hơn là vào Tnả. Trái lại trong các nhóm Mã Lai có Đây (Cao Miên) Tất (Mường) P’lét (Thái) Tẻ (Bà Na) có vẻ là Đất hơn Ti-i rất nhiều.

Nếu quý vị lại còn cho rằng sự biến dạng trình bày như trên, không rõ rệt lắm, thì xin nhắc lại rằng các nhà bác học ngôn ngữ đã tìm thấy những cái luật biến dạng từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác, chẳng hạn như âm H biến thành âm Ph rồi Ph biến thành BC.

Thí dụ dễ thấy nhứt là giữa ngôn ngữ Bà Na, Sơ Đăng và Việt có sự biến âm này: tất cả các âm DĐ của họ biến thành NN vào âm Rađê, rồi biến thành âm N vào âm Việt:

ĐĐỏ (Bà Na) = Nổ (Việt Nam)
ĐĐã (Sơ Đăng) = Nẻ (Việt Nam)
ĐĐẮK (Bà Na, Sơ Đăng) = Nước (Việt Nam)

Mà cả nơi người Mường, được xem là nói tiếng Việt Nam, Nước cũng còn ở dưới hình thức Đak (chỉ còn có một chữ Đ mà thôi).

Ngay trong Việt ngữ ta mà Trời còn biến thành Giời.

Năm ngày còn biến thành Dăm ngày

Hai mươi nămHai mươi lăm

hai mươi lămHăm lăm

phương chi là giữa hai ngôn ngữ của hai dân tộc.

Như vậy kết luận rằng Đất do Đây, Tất, Tnả mà ra, ít gượng gạo hơn là do Ti-i của Trung Hoa mà ra.

5. Qua biểu đối chiếu hạn chế trên đây, ta không thấy tiếng Việt nào do tiếng Tàu trung ương chánh gốc, tức Quan Thoại, hoặc Mân ngữ, hoặc Quảng Đông mà ra cả.

Ta chỉ thấy trong bản liệt kê trên, có một tiếng Việt độc nhứt là hơi giống tiếng Trung Hoa mà thôi, đó là tiếng Mèo. Nhưng MÁO hay MÈO của Trung Hoa đều là tiếng nhại giọng (ONMATOPÉE), mà nhại giọng thì dân tộc nào cũng nhại gần giống nhau thì Mèo của ta, có giống MÈO của Trung Hoa, chẳng qua là sự trùng phùng trong việc nhại những tiếng động làm thiên nhiên, những tiếng kêu của cầm thú.

Còn một tiếng nữa, đó là tiếng Hai. Sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên, mặc dầu không chủ trương như sử gia Nguyễn Phương, vẫn ghi rằng HAI là tiếng Trung Hoa. Nhưng có lẽ sử gia họ Phạm đã nghe không rõ giọng trong khi tìm tài liệu, chớ Trung Hoa trung ương (Quan Thoại) hay địa phương, không ai nói HAI cả (Xin xem lại biểu đối chiếu. Vả lại dân Lạc Việt có số 1, số 3 đến số 10, lẽ nào lại không có số 2?).

Cho đến tiếng Nhị mà ai cũng ngỡ là của Trung Hoa cũng không phải là của Trung Hoa, mà đích thị là của Bách Việt. Trong Hoa chỉ có ỚtLèng tức Lưỡng, Dzi, Nhị đều là Bách Việt Mã Lai chánh gốc Tây Tạng, Tây Tạng đọc là Gui như đã trình bày.

Những danh từ Việt Nam Hải: Dzi Ạp, những danh từ Mân Việt À, Cuổm, Cu ê, Hi ỉ, Lím không giống tiếng Trung Hoa chánh gốc thật đó, nhưng đó là mấy mươi danh từ hiếm hoi mà Mã Lai, Bách Việt Mân (tức Phúc Kiến) và Mã Lai Bách Việt Tây Âu (tức Quảng Đông) còn giữ được, nhưng nó quá hiếm hoi, chớ không như ngôn ngữ của ta (xin xem chi tiết về những trường hợp vài mươi danh từ Bắc Việt Mã Lai còn sót lại ở ngôn ngữ Trung Hoa tại Hoa Nam, từ Hồ Bắc xuống tới Quảng Đông tỉnh lỵ ở những trang sắp tới đây.

Trên đây là những tiếng chỉ những gì thường thấy, đến như những gì ít khi thấy, ta cũng có danh từ thuần Việt của ta. Thí dụ Bão tố. Quan Thoại nói: Tá Fứng, Quảng Đông nói Tài Fúng. Mân Việt nói Toa Hon, Hán Việt nói Đại Phong, nhưng Việt thì nói Bão tố hoặc Gió lớn hoặc Biển động mạnh, hoặc gì gì khác, nhưng không hề mượn của Trung Hoa. Cho đến Pháp cũng vay mượn của Tàu và nói Typhon, nhưng ta thì không.

Chúng tôi cứ nhìn mãi vào bản đối chiếu riêng rất dài của chúng tôi, để thử xem sử gia Nguyễn Phương có tìm được dấu vết cũ nào khác binh vực cho hay không.

Có, chúng tôi có tìm được lối 10 tiếng rất có vẻ Việt cổ nhưng truy ra thì đó là tiếng Tàu. Chẳng hạn tiếng ĐÙI. Quan Thoại, tức Kinh đô Trung Hoa đọc là THÙI, Hán Việt đọc là THÔI. Ai cũng cứ ngỡ ĐÙI là cổ Việt ấy chớ. Cuộc khám phá nho nhỏ này làm cho những vị tin theo chủ thuyết Nguyễn Phương mừng lắm. Nhưng xin chớ vội mừng. Quả thật Đùi là tiếng Trung Hoa. Nhưng cổ Việt có một tiếng tương đương. Tiếng ấy thuần Việt. Đó là danh từ Bắp vế.

ĐÙI được dùng song song với BẮP VẾ, tiếng Lạc Việt giàu thêm một danh từ mới, nhưng họ vẫn có sẵn danh từ căn bản ấy rồi.

Chúng tôi lại tìm được vài ba tiếng nữa mà chúng tôi không giải thích được dễ dàng như trên kia, nhưng có vài ba danh từ trong bao nhiêu ngàn danh từ thì làm sao binh vực cho thuyết Nguyễn Phương được? Thí dụ tiếng BẾN (Bến sông) Quan Thoại đọc là Pin. Chúng tôi không tìm được một danh từ thuần Việt có nghĩa tương đương với Bến.

Nhưng như thế, cũng không thể bảo rằng tiếng Việt do tiếng Tàu mà ra, vì cái lẽ là dân Lạc Việt đã giỏi chèo thuyền, đã di cư bằng thuyền biển trên một lộ trình 10 ngàn cây số, đã biết làm ruộng dựa các bờ sông thì lẽ nào lại không có một danh từ chỉ cái BẾN là danh từ sơ đẳng?

Bạn hữu của chúng tôi cho rằng đó là một sự trùng phùng hai động từ khác nhau, không hề tiếp xúc nhau, có thể có vài danh từ giống hệt nhau. Nhưng tôi không dám nói như vậy, mặc dầu kiến giải đó rất đúng và thú nhận rằng mấy danh từ thuộc loại BẾN là một bí mật cần được các nhà ngôn ngữ học khám phá ra.

Chúng tôi đã nỗ lực suốt mấy tháng để tìm nguồn gốc kỳ lạ của tiếng BẾN và đã tìm được.

Cái bến, tiếng Mã Lai là Păngka cũng có thể lôi kéo vào Bến, nhưng Bến lại giống Pin của Tàu hơn, nên chúng tôi lương thiện không lôi kéo liều lĩnh. Dân Mã Lai ở Johore nói là Pang thì còn gần hơn là Păngka nữa. Người Cao Miên nói là Kampong, người Thái nói là Pong, tất cả đều có thể lôi kéo vào Bến, nhưng Pin của Quan Thoại vẫn cứ giống Bến hơn là Pang, Pong, Pung.

Ở đây, sự lương thiện rất cần thiết. Thí dụ danh từ Hộp:

Việt Nam: Hộp
Giarai: Hip
Chàm: Hop
Mã Lai: Brhop

Ta có thể lôi kéo Hộp vào Brhop được, nhưng chúng tôi cứ cho là Mã Lai vay mượn của Tàu, y như ta, và vay mượn tại Nam Dương chớ không phải hồi còn là Bách Việt Hoa Nam, và tất cả đều vay mượn Hap của Trung Hoa, bởi trong hàng ngàn món đồ bằng đồng pha Đông Sơn không có cái hộp nào cả, mà chỉ có bình có nắp đậy, thì chắc chắn ta chưa biết chế tạo cái hộp trước khi Mã Viện đến.

Thoạt tiên, chúng tôi lập ra cái giả thuyết rằng người Trung Hoa cưỡng bách chúng ta nói tiếng Tàu. Khi ta độc lập rồi, ta bỏ tiếng họ, nói tiếng ta, nhưng quên loại một mớ danh từ. Nhưng rồi chúng tôi thấy rằng giả thuyết của chúng tôi đứng không vững. Nếu có sự cưỡng bách nói trên, thì sau hơn một ngàn năm, không thể còn tiếng Việt được đâu. Họ có bắt ta nói tiếng Tàu phải giống Tàu, nhưng không hề có bắt ta chỉ được phép nói tiếng Tàu.

Kỳ lạ nhứt là khi chúng tôi nhờ người Tàu viết chữ Bến bằng tiếng Tàu, thì luôn luôn họ viết cái chữ mà các nhà nho ta đọc là Tân.

Họ đọc là n, nhưng sao trí thức đời xưa của ta lại đọc sai quá xa, đọc là Tân, còn chính dân chúng lại đọc gần đúng là Bến?

Thế nên chúng tôi rất bận bịu với PăngkaPang của Mã Lai nhiều lắm, và rất khổ mà không nối kết được Pang = Bến.

Nhưng vài thí dụ khác lại làm cho chúng tôi không dám nối kết liều với Mã Lai.

Cái Tủ, Quan Thoại viết và đọc là Tu, dân chúng nhại gần đúng, nói là Tủ. Nhưng các nhà nho lại đọc sai quá xa là Độc.

Thế thì Tân có thể cũng ở trong trường hợp đó và quả dân chúng đã mượn Pín, chỉ tại các nhà nho đọc bậy bạ thôi.

Chúng tôi tạm lập ra ức thuyết này là những tiếng Tu, Pín, phạm húy trào đại đầu của ta sau thời đô hộ, chẳng hạn mẹ của Đinh Bộ Lĩnh tên là Bín hay Bính gì đó chăng và em của Đinh Bộ Lĩnh tên là Tu?

Mà xin đừng tưởng rằng các nhà nho đọc theo Quan Thoại xưa, còn dân chúng đọc theo Quan Thoại nay. Không. Quan Thoại xưa đã có biến, nhưng người ta đều biết rõ nó biến ra sao và dân ta theo dõi Tàu bén gót. Khi Quan Thoại biến Vút ra thì ta cũng biến Bụt ra Phật.

Riêng cái danh từ Độc này thì bằng chứng lại rất chắc chắn hơn, là dưới trào Hán, mà Mã Viện chinh phục ta, Tàu đọc là Tu thật sự.

Quả thật thế, vào thời ấy họ vừa biết được nước Ấn Độ. Nước ấy tự xưng là Hanh Đu, và họ phiên âm gần đúng là Tsân Tu, chỉ các nhà nho ta là đọc sai là Thân Độc. Nhưng cái sai đó, chỉ mới xảy ra vào thời Đinh Bộ Lĩnh, nếu thuyết của chúng tôi mà đúng, còn trước đó ta vẫn đọc là Hanh Tu, để cho đúng với giọng Tàu vì kẻ thống trị bị bắt buộc như vậy.

(Có một người bạn nói rằng danh từ Bến của ta do danh từ Bạn của Hán Việt mà ra. Như thế thì rất ổn. Nhưng khi tôi yêu cầu nhiều người Trung Hoa viết tên BẾN ra chữ Hán thì luôn luôn họ viết chữ TÂN, không bao giờ có chú nào viết chữ Bạn hết).

Người bạn ấy cũng tiếp tục luận điệu đó và nói Chợ do Thị mà ra. Đành vậy. Nhưng danh từ CHỢ không thể dùng làm tài liệu căn bản được, như đã giải thích rồi. Lúc tiếp xúc với Tàu, ta chưa biết Chợ là gì thì ta phải mượn danh từ ấy của họ. Chỉ có những danh từ gọi là Vietnamese Basic mới có giá trị khảo cứu trong vấn đề này. Ta có hay không có những danh từ chỉ những thứ nằm chung quanh ta, trước khi Trung Hoa xâm lăng ta? Những danh từ chỉ những món mà văn hóa Trung Hoa đưa tới không được phép kể vào đây. Và những tiếng sơ đẳng tìm thấy được, có đủ nhiều để thành một ngôn ngữ hay không? Ngôn ngữ gốc của dân tộc là như thế đó, chớ không phải những tiếng vay mượn về sau.

Cũng như bao nhiêu học giả khác, sử gia Nguyễn Phương đã lẫn lộn tiếng Hán Việt và tiếng Việt thuần túy. Hoa là tiếng Hán Việt do tiếng Quan Thoại mà ra. Quả là tiếng Hán Việt do tiếng Quan Thoại Quò mà ra. Nhưng tiếng Việt thuần túy là BÔNGTRÁI ấy chớ. Mà Bông là do danh từ Mã Lai Bônga mà ra đấy. Người Chàm được các ông Tây cho là gốc Mã Lai chánh hiệu, nhưng thật ra thì họ ít chánh hiệu hơn ta vì danh từ Mã Lai Bôn ga này được người Chàm đọc là Bngư thì tức là đọc sai hơn Việt Nam quá nhiều.

Theo thuyết Nguyễn Phương thì ta, tức Tàu thuần chủng vì lai Chàm, nên ngôn ngữ hơi khác Tàu. Nếu quả đúng như vậy sao ta lại không gọi HoaBngư như kẻ lai giống với ta, mà là đọc gần đúng với một kẻ ở rất xa là Mã Lai?

Chỉ có người Việt mê Tàu mới dùng Hán Việt, còn người thường thì họ nói tiếng Việt thuần túy. Họ nói: đâm bông kết trái, thay vì nói đâm hoa kết quả.

Nếu phân biệt minh bạch Hán Việt và thuần Việt thì không còn chủ trương tiếng Việt là tiếng Tàu được nữa, vì người Tàu không có lý do để vay mượn hai danh từ BôngTrái của “Mọi” như giáo sư Nguyễn Phương đã tưởng.

Chỉ có tiếng Hán Việt mới do tiếng Tàu mà ra, vậy có Việt ngữ thuần túy không? Nhưng tiếng Hán Việt đâu có phải là ngôn ngữ mà dân Việt Nam dùng để nói. Họ nói bằng tiếng Nôm, tức bằng một ngôn ngữ khác, hoàn toàn không phải là ngôn ngữ Trung Hoa biến dạng.

Nhưng chúng tôi dám quả quyết rằng ta mới chỉ sính tiếng Hán Việt về sau đây mà thôi, còn trước thì không.

Trong Việt Nam văn học sử yếu, trang 188, cụ Dương Quảng Hàm cho rằng có “vài tiếng ngoài Bắc dùng mà trong Nam ít dùng hay không biết hẳn, thí dụ hoa, quả, thuyền…”.

Sự thật thì không phải là người trong Nam không biết đâu. Chỉ tại họ không dùng đó thôi. Mà tại sao vậy?

Giải thích được tại sao người miền Nam không nói Hoa, Quả, Thuyền thì ta sẽ chứng minh được rằng hồi xưa cả người miền Bắc cũng không nói Hoa, Quả, Thuyền kể cả trong thời Bắc Việt bị Tàu đô hộ, mà vẫn nói Bông, Trái, Ghe y như miền Nam.

Ta có thể hiểu rằng vào thời đó Bắc Bố Chính và miền Bắc cũng đều nói Bông, TráiGhe, chớ chưa nói Hoa, QuảThuyền, bằng chứng là trong ngôn ngữ miền Nam, lắm danh từ cổ, gốc Bắc rõ rệt, mặc dầu thuở ấy dân của chúa Trịnh không có di cư vào. Thí dụ: Họ nói Chỉ, nhưng lại nói ngón tay trỏ, họ nói hàng rào, nhưng cũng nói rào giậu, họ nói con heo, nhưng họ chế tạo một thứ bánh tên là bánh da lợn, họ nói Cây, nhưng đặt tên một thị trấn nhỏ kia là Bến Gỗ, họ nói khoai mì, khoai bàng, nhưng đặt tên một làng quan trọng kia là làng Bến Sắn, họ nói làm mướn, nhưng cũng lại nói làm thuê.

Ta làm sao cắt nghĩa được hiện tượng đó? Chỉ có một lối giải thích là vào năm 1668, người Bắc Bố Chính ăn nói y hệt như Bắc Việt, còn Nam Kỳ thì nói hệt theo Bắc Bố Chính.

Nhưng Bắc Việt thay đổi, mà lưu dân miền Nam không hay biết, cứ tiếp tục nói như vào năm 1668, chớ quả thật chính họ không hề phát minh ra hai danh từ Bông, TráiGhe. Ba danh từ đó, cổ Giao Chỉ đã có, và đó là danh từ Mã Lai.

Một nhà học giả miền Nam cho rằng những kẻ càng đi xa, càng giữ gốc (cụ Vương Hồng Sển, trong một bài diễn văn), nhưng cụ Vương không cắt nghĩa được tại sao mà như vậy.

Sự thật thì không phải họ là công dân tốt, quyết tồn cổ, thích bảo vệ dân tộc tính đâu, mà vì họ không hề hay biết gì về những biến đổi xảy ra ở đất tổ

Chúng tôi đã tìm được dấu vết làm bằng chứng trong quyển Thi văn đời Trần của hai vị giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toãn. Ta sẽ thấy rằng vào đời Trần, người Bắc Việt nói Bông thay vì Hoa. Ở trang 11, có hai câu ca dao:

Bao giờ đến tháng Giêng Hai
Trồng bông, trồng đậu, trồng khoai kịp thì.

Hai câu trên đây, sách nào cũng có, nhưng chúng tôi chỉ trích ở sách trên vì hai vị giáo sư ấy rất cẩn thận trong việc trích lục, ta không lo người trích lục tự ý sửa đổi theo thời trang, theo địa phương hiện đại. (Các sách khác đã tự ý sửa Bông ra Hoa).

Ở hai câu ca dao trên đây, không thể bảo rằng những ông tác giả vô danh đã phải dùng chữ bông để giải quyết một vấn đề bằng trắc, bởi bông hay hoa gì cũng là vần bằng cả.

Còn nhiều bằng chứng nữa. Đọc quyển sách Sổ sang chép các việc của cố đạo P. Bỉnh ghi ký năm 1822 tại Bồ Đào Nha, cố đạo là người Hải Dương, tức người miền Bắc, ta thấy cố đạo viết Bông, Trái thay cho Hoa, Quả, viết , thay cho ô, viết muỗng thay thìa, y hệt như người miền Nam, mà cố đạo thì không có đi giảng đạo ở miền Nam bao giờ cả.

Vậy đã có bằng chứng rằng miền Bắc chỉ dùng Hán Việt thay cho thuần Việt mới đây thôi. Nhưng vì lý do nào, và từ năm nào thì ta cũng biết được.

Ông L. Bézacier, trong quyển “L’Art Vietnamien” đã cho thấy và giải thích hiện tượng kỳ dị đó. Ông ấy là quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho tới năm 1945, chuyên nghiên cứu và bảo trì các đền, đình, cung, tự cổ của ta và nhận thấy rằng những kiến trúc đó, càng cổ, càng mang biệt sắc Việt, càng kim, càng mang biệt sắc Hoa, và kiến trúc Trần, Lê ở đất Bắc rất Việt, còn kiến trúc Nguyễn ở miền trung thì rất Hoa, vì kiến trúc Nguyễn được xây cất sau cùng hết.

Ông ấy giải thích rằng sự xâm nhập văn hóa Tàu đi ngược chiều với tinh thần chống ngoại xâm. Khi vững chủ quyền, ta càng tiêm nhiễm văn hóa Trung Hoa vì ta cần kiện toàn văn hóa của ta bằng sự vay mượn, và ta không ngại vay mượn, bởi mối nguy xâm lăng đã bị đẩy lùi đi xa rồi. Tất cả kiến trúc của trào Nguyễn sau 1700 đều rập y khuôn Trung Hoa, không khác một nét, còn kiến trúc Lý, Lê, Trần thì là Việt Nam hơn nhiều.

Sự rập khuôn này ắt không do áp lực của kẻ thống trị bởi ta đã độc lập từ lâu (không kể 14 năm của nhà Minh), mà do sự thán phục nó kéo theo sự bắt chước, và phải mất ngót 800 năm, bắt chước mới y hệt được (về kiến trúc) và sự bắt chước văn hóa Trung Hoa mạnh nhứt bắt đầu từ thời xây cất Văn Miếu ở Hà Nội, đến thời tôn sùng các ông Nghè vào triều Lê, những ông Nghè mà Nguyễn Huệ khi ra đất Bắc đã mỉa mai rằng: “Xứ này chỉ có ông Nghè là quý nhứt”.

Đành rằng ông Nghè không dùng được vào việc gì hết nhưng đó là sự tượng trưng cho nền văn hóa mà vua chúa ta xưa khâm phục.

Ngôn ngữ cũng chạy theo cái đà bắt chước đó, từ năm 1668, trước kia vào thời Lê Đại Hành, Đinh Bộ Lĩnh, dân ta ở đất Bắc cũng nói Bông, trái, ghe.

Đó chỉ là một lối giải thích của ông L. Bézacier, nghe thì rất hữu lý nhưng chúng tôi cần tài liệu cụ thể để khỏi sai lầm. Chúng tôi tìm tòi và tìm được bằng chứng, chớ không phải là suy luận như ông L. Bézacier nữa.

Sự kiện ngôn ngữ Việt chạy theo Hoa ngữ, chỉ mới xảy ra đây thôi, vào năm Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa.

Bản dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục của giáo sư đại học Sài Gòn, ông Langlet đã cho ta biết nguyên do thay đổi kỳ dị ấy.

Khi Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa thì bọn lưu vong nhà Minh tràn sang Bắc Việt 10 lần đông hơn ở Nam Kỳ mà dân ta không hay biết. Ở Nam chỉ có ba ngàn quân của bọn Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch mà sách vở ta cứ nói đến mãi không thôi, trong khi ấy thì Bắc Việt bị xâm nhập đến 50 ngàn.

Khâm Địch cho biết rằng chúa Trịnh đã lo lắng nhiều, thi hành nhiều biện pháp để chặn đứng ảnh hưởng bọn ấy, họ chi phối cả ngôn ngữ của ta nữa.

Đó là một điều vô cùng mới lạ mà bản dịch Langlet cho biết và hoa, quả, thuyền, thìa đi vào Việt ngữ là vì vậy, và chỉ mới đây mà thôi, và chỉ tại ở đất Bắc mà thôi.

Chúng tôi cho rằng giáo sư Nguyễn Phương lẫn lộn Hán Việt và thuần Việt nên mới chủ trương như vậy. Chúng tôi tưởng là thế vì giáo sư chỉ khẳng định mà không có đưa ra thí dụ nào, hoặc bản đối chiếu nào hết để giúp ta biết giáo sư muốn nói đến tiếng Hán Việt hay thuần Việt.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.