trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
16.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Chương VI
Chủng Cực Nam Mông Gô lích của dân ta

Chúng ta đã thấy, qua các chương trước, hễ khi chỉ số sọ khác nhau trên hai đơn vị là khoa chủng tộc học xem là một chủng khác rồi, hay nói cho thật đúng xem là một phụ chủng thứ X, nếu các yếu tố khác còn ràng buộc chủng mới đó với cái chủng cũ.

Danh xưng Chủng Cực Nam Mông Gô Lích không có trong sách nào hết, và chỉ là danh từ do chúng tôi đặt ra, căn cứ theo luật trên đây.

Khi các nhà bác học Âu châu còn đang nghiên cứu về cái chủng của dân Việt Nam thì nhiều biến cố chánh trị và quân sự đã xảy ra (1943) khiến công việc bị ngưng trệ.

Ta có phận sự tiếp tục công trình của họ, cứ với tinh thần làm việc của họ, vì thế mà sau khi đối chiếu sọ người Hoa Nam với sọ người Việt Nam, chúng tôi mới đặt tên cho chủng của ta như trên.

Chỉ số sọ của ta y hệt như chỉ số sọ của Mã Lai, nhưng chúng tôi lại cho ta là một phụ chủng Mông Gô Lích chớ không nói là chủng Mã Lai, vì tóc ta đã thẳng, tức có một yếu tố ràng buộc ta với chủng Nam Mông Gô Lích.

Đây là sự nhượng bộ cực cùng của chúng tôi chớ tánh cách thẳng của tóc chỉ là dấu hiệu bề ngoài, chỉ số sọ, tánh cách Brachycéphale và máu mới là yếu tố chánh, mà máu và sọ của ta là sọ và máu của Mã Lai.

Nhưng ta đã trót giống Tàu hơn giống Mã Lai, vì tác dụng của văn hóa nên chúng tôi không muốn bắt đồng bào phải chịu đựng quá nhiều ngẩn ngơ, bỡ ngỡ, chỉ nói ta có nguồn gốc Mã Lai đã làm điên đầu thiên hạ rồi, còn về chủng thì xin cứ tránh cho đồng bào đỡ phải choáng váng, và chỉ gọi chủng của ta là chủng Cực Nam Mông Gô Lích, chớ đáng lý gì phải gọi là Cực Bắc Mã Lai. Đáng lý gì phải gọi thế.

Quý vị đã thấy biểu chỉ số sọ của dân Việt Nam hiện nay ở một chương trước, chúng tôi không lặp lại ở đây.

Như Wallois đã nói thì chủng Mã Lai ở lưng chừng giữa ba chủng lớn: đen, trắng và vàng, thế nên khi họ sắp loại họ phải thận trọng lắm và họ thể theo mức độ nghiêng ngả của Mã Lai về hướng nào để quyết định, và họ thấy chủng Mã Lai nghiêng hẳn về hướng da vàng.

Vì tánh cách da vàng này mà người Trung Hoa mới dễ đồng hóa và hợp chủng với “man di” ở Hoa Nam.

Chủng Mông Gô Lích chỉ đưa được vào chủng Mã Lai Việt có một yếu tố độc nhứt mà thôi, đó là tánh cách “thẳng” của tóc chớ còn màu da thì hoàn toàn không, vì người Hoa Bắc ngâm ngâm đen y như một người Việt miền Nam, trong khi đó thì người Hoa Nam lại rất trắng.

Màu da vàng đen của người Hoa Bắc biến thành trắng, chính nhờ màu da của một chi Mã Lai là chi Thái trắng Hoa Nam.

Ta tự hỏi câu này: Việt Hoa có hợp chủng trước khi ta bị họ xâm lăng quân sự (Triệu Đà, Lộ Bác Đức, Mã Viện) hay không? Câu hỏi trên đây, tưởng như là thừa, nhưng lại cần được đặt ra.

Xin nhắc lại rằng khoa khảo tiền sử cho biết rằng cách đây 2.500 năm chủng cổ Mã Lai đợt II đã từ Hoa Nam di cư đến Cổ Việt thì thuần chủng Mã Lai không có chịu ảnh hưởng, không có lai Tàu.

Còn xưa hơn, cách đây 5.000 năm thì bọn cổ Mã Lai đợt I di cư đến Cổ Việt thì lại có lai với một chủng Mông Gô Lích mà toàn thể giới bác học đều ngộ nhận, cho là với Tàu, nhưng chúng ta đã bác bỏ và quả quyết rằng chỉ lai với Mông Cổ mà thôi, vì cái lẽ quá rõ rệt là Cửu Lê không có để dấu vết lại ở Hoa Bắc, tức họ không có ở lại hợp tác và chạy đi hết khi chạm trán với Tàu và bại trận. Cũng không hề có sọ Hoa Việt tại Hoa Bắc.

Hơn thế sự lai giống với Mông Cổ ở hoặc chỉ có hơn hai phần mười vì hang Làng Cườm cho thấy trong sáu cái sọ Mã Lai chỉ có một cái là có lai với Mông Gô Lích còn năm cái khác thì thuần chủng Mã Lai.

Nếu nhận luận cứ của chúng tôi là đúng thì chỉ còn phải kiểm soát lại về đợt II mà thôi. Phải kiểm soát lại vì bộ sách đồ sộ của ông O. Jansé nói khác khoa khảo tiền sử.

Câu hỏi trên đây rất dễ trả lời vì ông L. Bézacier đã quả quyết: “Không hề có một Trung Hoa trước thời Hậu Hán tại Cổ Việt”.

Nhưng ông O. Jansé đã kết luận liều lĩnh bộ sách của ông:

“Bọn phiêu lưu tiên phong Trung Hoa đến nơi vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch, rồi thì dân Đông Sơn, vốn đang sống vào thời tân thạch khí, bèn học hỏi với bọn ấy là bọn tài giỏi, rất được các thủ lãnh địa phương thích gả con gái cho. Thế rồi họ mới biết dùng dụng cụ và khí giới bằng đồng và bằng sắt, và hấp thụ rất nhiều yếu tố văn hóa khác của Trung Hoa.

Ông O. Jansé không biết rằng dân Việt ở châu Kinh và châu Dương đã tự lực tiến tới văn minh đồng thau vào đầu đời nhà Chu như nhiều cổ thư Trung Hoa đã xác nhận, nên mới nói dân Lạc Việt học nghề đồng với bọn phiêu lưu tiên phong Trung Hoa vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch, tại gia công. Đó là một lời kết luận hàm hồ của một nhà khảo cổ tập sự. Ông O. Jansé chỉ đúng khi nào ta không thuộc dòng Việt mà thôi, nhưng nếu thế thì tại sao người Tàu gọi là Việt? Và chúng tôi đã chứng minh được rằng ta là Việt?

Ta cũng là một trong các nhóm Việt, mà Việt thì đã biết đúc trống đồng vào thời Tây Chu mà Tàu không có đúc. Không phải là họ kém hơn Bách Việt, nhưng tại vậy, không phải dân tộc nào cũng phát minh nhạc khí giống nhau. Họ không kém hơn Bách Việt nhưng họ không hề chế tạo ra trống đồng, đó là một sự kiện lịch sử.

Ông viết tiếp: “Người Tàu đưa thợ và lái buôn tới. Ở Cổ Việt người Tàu rất được các thủ lãnh địa phương hoan nghinh khi họ muốn làm rể. Cuộc xâm lăng âm thầm ấy lần hồi bành trướng ra và đem kết quả đến vào đầu Tây lịch là sự thành hình của quốc gia Annam”.

Ông O. Jansé không biết rằng khi bà Lữ Hậu muốn đánh Nam Việt của Triệu Đà, một phần đất của Tàu, thì quân đội Trung Hoa không biết đường đi. Nhờ chùa của xứ Vân Nam là Đường Mông mách cho việc sử dụng con sông Tường Kha, sông ấy, đổ từ xứ Thục xuống tới Nam Việt, bà Lữ Hậu mới hành quân được. Thế thì trước đó, hẳn người Tàu không có đi ở rể ở Cổ Việt đông đến nỗi lấy gái Việt, đẻ con ra đủ số hầu thành quốc gia Annam.

Nếu “quốc gia Annam” thành hình bằng yếu tố Tàu lai thì làm thế nào có được những Lạc tướng mà cả An Dương Vương lẫn Triệu Đà, đến Lộ Bác Đức đều giữ lại để mà dùng? Những Lạc tướng này đều là Việt 100 phần trăm.

Ông O. Jansé là một nhà khoa học chuyên môn nói không bằng chứng, 7 điều trong 10 điều, và khoa khảo tiền sử về cả Á Đông, đã đính chánh ông quá chát chúa: đợt I chỉ lai giống với Mông Cổ có một phần mười, đợt II thuần chủng Mã Lai, và đã biết trống đồng trước khi di cư chớ không hề phải học với các chú rể Tàu nào hết, sau khi di cư.

Chúng tôi đã chứng minh rằng đợt I, đợt Hùng Vương cũng đã tự lực biết chế tạo trống đồng pha trước khi đợt sau tới. Tóm lại không ai cần các chú rể Tàu ấy để biết kim khí cả.

Ông O. Jansé kết luận như vậy vì ông thấy trong các ngôi cổ mộ Đông Sơn có đồ đá lẫn với đồ đồng.

Nhưng một nhà khảo cổ phải biết rằng thay đổi thạch kim hợp dụng kéo dài có khi đến sáu bảy trăm năm là thường vì kỹ thuật tìm mỏ thuở xưa kém lắm. Không phải hễ biết đồng là bỏ đá được ngay, bởi vì đồng rất hiếm, món nào cần thiết lắm, như vũ khí và các vật dụng của tù trưởng, của trại chủ, của chúa, của vua, mới được đúc bằng đồng, còn thì các thứ khác như dụng cụ câu kéo, cuốc, xuổng, kể cả vài lưỡi rìu không cần thiết cho việc quân, cũng cứ còn được tiếp tục chế tạo bằng đá rất lâu, trong nhiều trăm năm.

Tất cả những gì O. Jansé viết đều vô bằng, mà trái lại còn ngược với bằng chứng mà ta có.

Sự kiện ở các di chỉ Đông Sơn có dụng cụ đá mài lẫn lộn với dụng cụ đồng thau, không hề có nghĩa rằng ta còn sống dưới thời đại tân thạch và chỉ mới tiến đến nền văn minh đồng thau, nhờ ảnh hưởng mới của các chú rể Tàu.

Ở Ai Cập, người ta bắt được đồ sắt nằm chung với lưỡi rìu đá lửa. Đó là đồ thờ cúng cổ nhơn.

Mỏ đồng ở Bắc Việt không quan trọng và đồng là kim khí rất quý đối với dân Lạc Việt vào thuở ấy.

Cũng nên biết rằng chính ngay tại Trung Hoa mà cũng chỉ có Hồ Quảng (tên cũ của hai tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc) tức tại nước Sở, tại Kinh Việt, tại đất tổ của ta, mới giàu khoáng sản, nhứt là đồng, thì không phải hễ biết chế tạo đồ đồng là tha hồ mà chế.

Nhìn vào bất kỳ bản dư đồ khoáng sản nào của Trung Hoa, ta cũng thấy được có hai nơi tại Trung Hoa lục địa có đồng, Cổ Sở và Vân Nam Sảnh.

Thế nên hiện nay, Vân Nam mới giàu cổ vật đồng thau, và thế nên xưa kia dân Kinh Việt mới tiến đến được nền văn minh đồng khí.

Ông O. Jansé đã đi từ mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác. Ông đã nói rằng dân Lạc Việt bỏ đất lại cho Trung Hoa để chạy đi dựng nghiệp lại ở hải ngoại mà chúng tôi đã trình nguyên văn ở một chương khác, khiến sử gia Nguyễn Phương đã phải lầm mà lập ra một thuyết động trời, giờ, ông lại nói đến một cuộc hợp chủng. Thế là thế nào?

Ở lại để hợp chủng, hay bỏ nước chạy đi, hở ông O. Jansé?

Hẳn là không có bỏ nước chạy đi, vì ông bảo là dân Việt rất khoái gả con gái cho bọn phiêu lưu Tàu.

Nhưng về hợp chủng, ông cũng cho nó xảy ra vào cái thời mà không hề có một tài liệu nào cho biết rằng Tàu và ta đã có qua lại với nhau. Quả thật cổ vật trong ngôi mộ ở Việt Khê cho thấy có đồ Tàu đời Đông Chu. Nhưng ta có thể mua đồ vật ấy qua trung gian của ba nước ở trên ta là Tây Âu, Mân Việt và Đông Âu, ba nước ấy chưa hợp chủng với Tàu, sao ta ở dưới họ, lại đã hợp chủng với Tàu?

Tàu đã biết ta vào thời nào?

Một lần nữa xin nhắc to rằng khoa khảo tiền sử cho khắp Á châu mà ông G. Cocdès đã tóm lược, có nói rõ rằng đợt Mã Lai I, tức đợt Xy Vưu, có lai giống với một chủng Mông Gô Lích, chớ không bao giờ lai với Tàu, mà ta đã thấy cái chủng tộc đó như sau, nó gồm rất nhiều thứ, mà khoa khảo tiền sử lại có cho biết rằng Cửu Lê không có để dấu vết lại ở Hoa Bắc, tức không có hợp chủng với Tàu.

Danh xưng Nam Giao trong thiên Nghiêu Điển mà các sách đời sau tự ý cãi ra là Giao Chỉ không nên xem là quả thật đó là Giao Chỉ. Nam Giao có nghĩa là đất ở phương Nam mà cái phương Nam đó không có biên giới rõ rệt, và chắc chắn là dưới thời Nghiêu Thuấn thì Trung Hoa chưa biết ta.

Các nhà bác học ở Viện Viễn Đông bác cổ đã phân chất đồng thau ở cổ vật Đông Sơn rồi so sánh với thành phần đồng thau đời Chu bên Tàu. Hai hợp kim ấy, khác nhau quá xa, không hề chứng minh thợ Tàu đã dạy dân Việt nghề đúc đồng.

(Từ bao lâu nay, nghiên cứu cổ thư Trung Hoa, các sử gia ta chỉ chú trọng đến những sách danh tiếng, thí dụ như Sử Ký của Tư Mã Thiên, mà kinh nghiệm đọc sách Tàu, với lại nhận xét của nhà bác học R. A. Stein cho chúng tôi biết rằng không mong tìm gì trong những sách danh tiếng ấy đâu, chẳng hạn muốn biết kỹ thuật canh nông đời Chu, phải tìm đọc các ngoại thư tăm tối, như quyển Thủy Kinh Chú chẳng hạn, chớ Khổng Mạnh đâu có buồn nghiêng mình xuống đời sống dân chúng, Tư Mã Thiên cũng vậy.

Ngày nay sĩ phu Trung Hoa tố cáo Tả TruyệnChu Lễ là sách đã bị Lưu Hàm, Lưu Hướng đời Hán ngụy tạo. Sau trận đốt sách của Tần Thỉ Hoàng, hai ông ấy tìm được bản chánh thoát khỏi hỏa tai vì nó nằm ở nhà dân, nhưng hai ông ấy sửa lại để tư tưởng của hai ông được lưu truyền nhờ uy tín người cổ.

Nhưng chúng tôi lại nghiên cứu Tả TruyệnChu Lễ vì nếu quả Lưu Hàm, Lưu Hướng có ngụy tạo, họ cũng chỉ ngụy tạo phần triết và chánh trị mà thôi, còn phần kỹ thuật của dân chúng thì không, mà trong hai sách đó thì cho đến kỹ thuật đúc đồng thau (Bronze) cần bao nhiêu cân lượng đồng nguyên chất, bao nhiêu cân lượng kẽm, cũng được ghi chép, và hẳn họ không hơi sức đâu mà ngụy tạo những chi tiết tầm ruồng không dính líu đến chánh trị và triết học, hai món mà quyết phá rối).

                                                                                                       *

Vả lại chính sử Tàu mà ông Đào Duy Anh đã tìm được hằng lô quyển, lại thú nhận rằng trống đồng thau là phát minh của chủng Việt hồi họ còn ở bên Tàu. Những sách Tàu đó, ông O. Jansé không hề biết, không hề được đọc.

Tánh cách trang trí trên cổ vật thì theo ông O. Jansé lại là tánh cách Tây phương (mà vài ông Tây đã liều lĩnh cho rằng dân Halstatt ở Hắc Hải đến hợp chủng với Đông Sơn và khai hóa Đông Sơn). Có một điểm chắc chắn là có một vài tánh cách sông Hoài mà các ông Tây cho là của Tàu Hoa Nam. Họ không biết rằng sông Hoài là địa bàn của nước Ngô, tức của một nước của “man di” Việt thuần chủng (Khổng Tử).

Những cái sọ người thuộc chủng Mông Gô Lích tìm thấy trong nền văn minh Bắc Sơn cũng không chứng tỏ được gì. Đó là sự hợp chủng của Cửu Lê với Mông Cổ như đã nói rồi.

Dầu sao cũng có một hợp chủng Việt Hoa, chỉ có điều là ông O. Jansé đã cho nó xảy ra sớm đến 444 năm mà không có bằng chứng nào.

Việt Hoa đã hợp chủng rất lớn lao, nhưng bọn lai giống ấy ở lại bên Tàu hết cả để biến thành người Hoa Nam, còn bọn di cư thì không có hợp chủng bao giờ.

Tại sao bọn Mã Lai đợt II lại di cư? Vì thua trận, mất đất, và chính vì không muốn ở lại hợp tác. Mà không muốn là vì họ không có mang giọt máu Tàu nào cả, văn hóa Tàu làm cho họ bỡ ngỡ, lạc hướng.

Nhưng tưởng cãi lắm lời cũng bằng thừa vì khoa khảo tiền sử đã cho ta biết lúc di cư Bách Việt, tức Mã Lai đợt II, thuần Mã Lai

Cái điều mà O. Jansé nói, vẫn cứ còn ám ảnh ta, là rồi khi định cư ở Cổ Việt, bọn phiêu lưu Tàu có đi theo họ để làm rể hay không?

Điều đó thì chúng tôi đã nói rồi ở chương Những sai lầm, là Tàu rất sợ khí hậu bán nhiệt đới ở lưu vực sông Hồng, mà cho đến thế kỷ thứ X sau Kitô kỷ nguyên mà Lư Tổ Thượng còn chọn chết chém hơn là chọn đi làm quan đầu xứ ở Giao Chỉ thì ba bốn trăm năm trước Kitô kỷ nguyên, hẳn không có chú Tàu nào dám phiêu lưu đi Giao Chỉ cả đâu.

Rể của các tù trưởng Lạc phải là những nhơn vật quan trọng, và nếu có họ, họ đã có để mộ lại, mộ đó không kém gì mộ của quan Tàu cả, và người ta đã lầm với mộ của quan Tàu. Nhưng không hề có mộ của quan Tàu, trước đời Hậu Hán.

Mãi cho đến đời Lộ Bác Đức, mà Tàu cũng chỉ gởi sang xứ ta có hai viên quan điền sứ để kiểm soát các Lạc tướng, chế độ mà Triệu Đà đã bày ra, thì hẳn không có phiêu lưu Tàu nào đến Cổ Việt cả, trước Mã Viện, trừ hai viên điền sứ ấy với lại vài chục tùy viên của y.

Đó là chế độ bảo hộ thứ thật, chớ không phải là thứ trá hình chế độ bảo hộ của Pháp mà cho đến tỉnh trưởng, ông Tây Đoan cũng là người Pháp, bằng chứng là các Lạc tướng cứ còn nguyên vẹn cho đến ngày hai bà Trưng dấy quân.

Nếu có ảnh hưởng của Tàu thì trên trống đồng Đông Sơn đã có chữ Tàu, bằng chứng là người ta đã đào được trống đồng đời Hậu Hán có chữ Tàu. Nhưng trống đồng và hàng ngàn cổ vật thời Đông Sơn, tuyệt đối không có mang chữ nghĩa nào cả, mà hình trang trí cũng lạ lùng cho đến đổi các ông Tây cho là do ảnh hưởng Âu châu, chớ cũng không phải là hình ảnh Tàu nào hết.

Như vậy ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm rằng không hề có hợp chủng Hoa Việt tại Cổ Việt, trước Mã Viện, mà sau Mã Viện thì cũng chỉ là hợp chủng với lính thú Trung Hoa chớ không phải với thợ giỏi đi ở rể nào hết, vì, như đã chứng minh ở chương II, lính bị bắt buộc phải và phải ở lại, còn dân thì rất sợ khí hậu Giao Chỉ, không ai bắt buộc thì họ không đi, và không ở để mà kết hôn với người bản xứ.

Pháp đã trực trị ta một trăm năm, mà ta thì đã biết cách ngừa sốt rét, nhưng thử hỏi từ năm ta bị Pháp cai trị cho đến năm họ triệt thối, có bao nhiêu người Việt lai Thượng tại Cao Nguyên? Theo chỗ chúng tôi ước lượng thì không tới 20 người, quanh các thị trấn Kontum, Pleiku, v.v.

Nếu không kể quân đội, thì thường dân Việt lên đó định cư cũng chẳng đáng kể, trừ ở Kontum có một số định cư trước cả khi Pháp trực trị nữa vì vấn đề cấm đạo ở đất Việt.

Tàu không có cấm đạo vào đời Hán, nhưng những lần loạn lạc cũng có quý tộc Tàu sang Giao Chỉ lánh thân, chớ không kết hôn với Lạc Việt, y như những người bên giáo lánh nạn lên Kontum, họ cũng chỉ kết hôn với nhau chớ không có lấy người Thượng.

Nhà Hán lên thì hậu duệ của Thái Tử nhà Tần đã kéo hết dân của 127 huyện chạy sang Nhựt Bổn. Một huyện của Tàu là cái gì to lớn quá nên đến nỗi dân Khu Liên lập ra được ở huyện Tượng Lâm cả một quốc gia Lâm Ấp. Thế thì 127 huyện dân đông như kiến!

Thế mà ngày nay sọ người Nhựt vẫn còn yếu tố Mã Lai, và họ còn giữ được đến 35 phần trăm ngôn ngữ Mã Lai, có lẽ còn nhiều hơn, nhưng vì ta học tiếng Nhựt trong sách, viết theo văn chương, dùng nhiều tiếng Tàu, chứ dân chúng Nhựt, ở ngoài đời, có lẽ dùng đến 60 phần trăm tiếng Mã Lai.

Ở Cổ Việt không có lấy một huyện Tàu sang đây toàn bộ như thế, thì làm sao sọ ta là sọ Tàu, tiếng ta là tiếng Tàu được như sử gia Nguyễn Phương đã nói, và làm sao mà quốc gia Annam là một quốc gia Tàu lai được như ông O. Jansé đã nói.

Trong ba cuộc hợp chủng Việt Hoa trước ở Kinh, Dương, rồi ở Ngũ Lĩnh, tổ tiên ta là Bộc Việt đã thoát được.

Nhưng sau Mã Viện thì đành phải chịu hợp chủng vậy.

Đây là cuộc hợp chủng Việt Nam thứ tư trong số lượng Việt Hoa, nhưng thật ra, nó chỉ là cuộc hợp chủng thứ nhứt giữa người Trung Hoa và tổ tiên trực tiếp của ta là người Lạc Việt gốc Bộc Việt.

Không có tài liệu trực tiếp nào về cuộc hợp chủng này cả nhưng ta cũng có thể biết, chính bằng sự kiểm soát lại thuyết trồng người và di cư vĩ đại của Trung Hoa sang Cổ Việt của sử gia Nguyễn Phương, và bằng cách nghiên cứu một cuộc hợp chủng mà ta thấy được, xảy ra tại Nam Kỳ, giống hết cuộc hợp chủng tại Giao Chỉ vì số người Trung Hoa di cư sang, cũng xấp xỉ như nhau, ở Giao Chỉ có 4.000 quân trú đóng thì ở Nam Kỳ có 3.000 quân tị nạn chánh trị, còn thường dân Trung Hoa tới Cổ Việt thì chỉ rải rác tới sau đó mà thôi, mà cũng không hề có sử liệu cho biết rằng có nhiều di dân.

Bao nhiêu chứng tích mà sử gia Nguyễn Phương đưa ra đều là chứng tích di cư, và những tiếng hợp chủng không hề được sử gia thốt ra lần nào.

Chứng tích hợp chủng của ông O. Jansé trước đời Tần, thì lại chỉ là một lời khẳng định suông, không được chứng minh, hay được chứng minh không khoa học vì ông O. Jansé cho rằng ta hợp chủng do trung gian người Thái lai căn trước ta tức dân Tây Âu của Trạch Hu Tống, mà không đưa ra được bằng chứng nào hết.

Cuộc hợp chủng thứ tư mà là thứ nhứt, cuộc hợp chủng ở Giao Chỉ, không hề đưa ra yếu tố Hoa vào chủng Việt một cách đáng kể, và sau đây là những chứng minh cho công trình của chúng tôi, những chứng minh này bác bỏ toàn loạt công trình của tất cả O. Jansé, Nguyễn Phương và vài vị khác.

Có người hỏi sao nếu ít hợp chủng với Tàu mà dân Đông Sơn Lạc Việt lại biến dạng được? Thứ nhứt, họ không có biến dạng nhiều lắm đâu. Cái anh thổi kèn Việt Khê, trông không khác gì người nông dân Việt Nam ở thôn quê ngày nay. Đó là con người cổ mà hình dáng rõ nhứt trong bao nhiêu con người khác, nên chúng tôi mới lấy anh để làm đối tượng so sánh (người thổi kèn đơn độc chớ không phải là người thổi kèn được cõng đâu, hình người được cõng thì không rõ lắm).

Màu da của dân Việt Nam ngày nay cũng không sáng bằng màu da của người Hoa Nam. Tầm vóc của ta lại bé nhỏ hơn tầm vóc của người Hoa Nam một cách rõ rệt.

Ai có thấy người Mường, mới biết được rằng dân Lạc Việt không có biến dạng đáng kể. Người Mường chỉ sậm màu da hơn dân Hà Nội thôi, chớ không khác dân Hà Nội chút nào hết. Nhưng sự kiện sậm màu da ấy không phải một tánh cách nhân thể, mà chỉ là việc dạn nắng dày gió mà thôi. Thứ nữa, dân Việt Nam đã qua hai ngàn năm rồi kể từ lần hợp chủng thứ tư đó, và cái vốn ba bốn ngàn người Trung Hoa lai của buổi đầu, lai đi lai lại mãi, thì dầu ít, nó cũng đi vào chủng Việt, nhờ tánh cách lâu đời ấy.

Không có tài liệu nào hết về cuộc hợp chủng ở Giao Chỉ, nên ta sẽ lấy cuộc hợp chủng Nam Kỳ năm 1680 để làm chứng tích và ta cũng sẽ thấy rằng người Tàu cứ là thiểu số không đáng kể.

Cuộc hợp chủng năm 1680 là hình ảnh rất trung thành của cuộc hợp chủng ở Giao Chỉ và mặc dầu không biết chuyện xưa ta vẫn phục hồi chuyện xưa ấy lại được một cách huyền diệu.

Chúng tôi nói Việt Hoa mà không nói Hoa Việt không phải vì tự tôn mặc cảm, mà vì yếu tố Hoa quá ít, danh xưng Hoa phải ngồi ở hàng ghế thứ nhì vậy.

Chúng tôi đã theo dõi cuộc hợp chủng này vào thế hệ thứ 10, tức vào năm 1931 (theo dõi vì tò mò chớ không phải để ngày sau viết sách này).

Cuộc tị nạn chánh trị của hai tướng Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch thì ai cũng đã biết rồi cả, không phải nhắc lại làm gì. Cuộc xin sáp nhập của Mạc Cửu thì không đáng kể về mặt hợp chủng, bởi người Tàu ở Hà Tiên quá ít.

Chỉ cần nói thêm chi tiết này là ba ngàn người lưu vong ấy gồm các nhóm sau đây: Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Quảng Đông.

Trong chúng ta, không có ai là nhân chứng của những gì xảy ra vào năm 1680 ở Nam Kỳ cũng không có tài liệu nào về cuộc hợp chủng ấy, nhưng ta vẫn biết rằng họ đông suýt soát với người Tàu ở Giao Chỉ thời Đông Hán. Họ là ba ngàn, còn quân trú đóng đời Hán là bốn ngàn, nhưng chỉ kể là hai ngàn thôi, bởi quân lính nhà Hán chỉ ở vài năm rồi được thay thế. Hai ngàn cộng với một ngàn dân cư phỏng đoán vào thuở ấy là ba.

Chúng tôi được thấy, được quen với con cháu 10 đời của những người lưu vong nhà Minh. Chúng tôi xin theo dõi bốn họ, cả bốn đều sinh sống trong tỉnh Biên Hòa nơi độc nhứt mà bọn lưu vong nhà Minh còn để lại nhiều dấu vết hơn hết. Đó là nơi họ thành công nhứt với một thành phố lớn xây bằng đá và ba công nghệ quan trọng mà đến nay vẫn còn: công nghệ đồ gốm, công nghệ tạc đá, và công nghệ đúc lưỡi cày, trong đó hai công nghệ: đồ gốm và tạc đá vẫn còn ở trong tay họ cho đến ngày nay.

Họ thứ nhứt là họ Trầm (không phải Trần). Ông Trầm mà chúng tôi biết, tuyệt tự và qua đời năm 1931. Ông nói rằng tổ ông lấy vợ, năm cụ ấy 45 tuổi, hồi cụ ấy sang đây cụ mới 20 tuổi. Đó là một người đàn bà Tàu mà cụ nhờ đưa từ Phúc Kiến sang.

Suốt 10 đời liên tiếp tức từ đời lưu vong đến đời ông lão mà chúng tôi biết, trong họ đó không có ai lấy vợ Việt hết, vì họ đó thành công lớn, có tiền nhiều để dám xài cái xa xỉ phẩm là rước phụ nữ bên Tàu sang đây, vào cái thuở đường sá, tàu bè khó khăn.

Ông lão nói tiếng Việt rất thạo, vì ông là người thổ sanh, nhưng cứ còn “ắc xăng” (accent) Phúc Kiến y hệt như một người Phúc Kiến mới sang lối 20 năm. Ông giữ phong tục Tàu y hệt như người Tàu sang đây làm ăn không lâu, và không có một dấu hiệu nào cho thấy ông bị đồng hóa đôi phần với người Việt.

Họ Trầm chỉ khác các họ giàu có khác là không có đưa hài cốt tổ tiên về Tàu, một thói quen mà người Tàu có của luôn luôn làm, vì mến yêu đất tổ.

Năm chúng tôi biết ông lão thì ông lão không còn giàu nữa, từ đời ông cố, chỉ đủ ăn mà thôi, nhưng ông lão không có mộng làm người Việt chút nào, mặc dầu ông lão sống lẫn lộn với người mình ở một làng xa thành phố.

Theo dõi họ Trầm, không ai tin được rằng trong dân tộc Việt lại có người Trung Hoa thuần chủng. Họ yêu nước, họ lại hãnh diện là dân văn minh hơn dân ta. Họ của chú Hỏa, nhập Pháp tịch từ bốn đời rồi, vẫn không làm Pháp, mặc dầu văn minh của Pháp cao lắm. Tuy nhiên, sự hãnh diện chỉ góp phần nhỏ mà thôi. Họ cố giữ phong tục và tâm hồn Trung Hoa, không biết vì lẽ gì, nhưng đó là một sự kiện chắc chắn.

250 năm là 10 thế hệ người thì hơn 1.000 năm ta bị trị là bao nhiêu thế hệ người? Bốn lần nhiều hơn, tức 40 đời người. Mười đời thì vậy chưa chắc 40 đời lại khác. Vả lại không thể có 40 đời. Họ Trầm mà chúng tôi biết, có lẽ là một trong những họ hiếm có truyền được 10 đời.

Sử chép các đời vua Trung Hoa truyền 800 năm, 600 năm, 400 năm, nhưng các nhà chép sử không biết, hoặc lờ đi những cuộc lập tự (nuôi con nuôi) của những ông vua không có con. Người cháu của Khổng Tử ngày nay cũng chỉ là dòng con nuôi thôi, vì họ ấy đã lập tự nhiều lần như vậy trải qua lịch sử.

Sự tuyệt tự trong dân tộc Việt Nam diễn tiến như thế này. Một họ bỗng dưng hiếm hoi, chỉ sanh được một trai mà thôi, trong lối bốn thế hệ như vậy, rồi đến thế hệ thứ tư thì mới dứt, luôn luôn có một sự báo động trước, chớ không có trường hợp một người sanh ra ba hoặc năm trai mà cả ba hay cả năm đều không con. Trong dân tộc Trung Hoa cũng thế.

Một dòng họ có thể truyền hai, ba, bốn, năm, sáu trăm năm, nhưng nên nhớ rằng những người Tàu sang đây, đã là thế hệ thứ bảy trăm không chừng của một dòng họ bên Tàu, chớ họ không phải là ông tổ ban đầu của một thị tộc.

Thế nên mới có những họ ngày nay không còn nữa, chẳng hạn họ Tư Mã: Tư Mã Thác (đời Tần), Tư Mã Thiên (Hán), Tư Mã Ý (Tần), Tư Mã Trinh, Tư Mã Quang (Tống). Người Tàu không nghe nói ai còn mang họ ấy nữa cả.

Bằng chứng hùng biện hơn hết là Mạc Cửu, một nhơn vật danh tiếng trong lịch sử miền Nam, chỉ truyền được có tám đời rồi thì tuyệt tự.

Quả hiện nay ở miền Nam có nhiều người Việt gốc Hoa con cháu của lưu vong nhà Minh. Nhưng họ đã hợp chủng với ta hơn 10 đời rồi và chính sự pha trộn dòng máu đã cứu vãn được cái họa tuyệt tự chớ nếu họ cứ là Hoa thuần chủng thì họ không có thể còn được.

Theo khoa học thì sự hợp chủng làm trẻ lại dòng máu lâu đời và tránh tuyệt tự. Tuy nhiên, Mạc Cửu đã lấy vợ Việt, nhưng vẫn không tránh được cái họa đó.

Nếu không chứng minh được một cách đích xác, bằng sử liệu không thể chối cãi rằng có những đợt di cư liên tiếp trải qua lịch sử, thì không thể nào mà có người Tàu thuần chủng trong xã hội ta cả. Bốn trăm ngàn người Tàu và người Việt gốc Hoa ở Saigon ngày nay, toàn là con cháu của những người di cư sang đây lối năm 1900, những đợt di cư trước, không còn kẻ thừa tự nào hết.

Những người di cư trước 1880, không còn con cháu vì tuyệt tự chớ không phải là con cháu họ đã biến làm dân Việt đâu. Nếu họ không tuyệt tự thì họ cứ làm Trung Hoa mà không làm Việt Nam. Con cháu của lưu vong nhà Minh mà còn, thì đều là người Minh hương, thoát khỏi họa tuyệt tự nhờ sự lai giống, chớ không hề là người Tàu thuần chủng.

Người Trung Hoa giống hệt người Do Thái ở cái điểm không dễ bị đồng hóa. Có những người Do Thái nhập Pháp tịch 40 đời rồi mà còn cứ nhứt định giữ tâm hồn Do Thái, mặc dầu cũng làm phận sự công dân Pháp như ai.

Sử chép rằng ông tổ 4 đời của vua nhà Trần ta gốc người Mân Việt tức Phúc Kiến, sang đây làm ăn, nhưng sử không hề ghi chép chi tiết về hôn nhơn trong họ đó. Họ gốc là người Phúc Kiến, nhưng họ có lấy vợ Tàu suốt mấy đời liền như ông cụ họ Trầm trên đây hay là không? Nếu đã có hôn nhơn Hoa – Việt trong họ đó, thì đã khác rồi, vì người lai căn có thể làm người Việt được, như ta sẽ thấy lát nữa đây, còn người thuần Hoa thì không.

Chỉ từ ngày đạo luật bắt người Hoa thổ sanh nhập Việt tịch của ông Ngô Đình Diệm ra đời, mới có người Việt gốc Hoa thuần chủng, còn trước đó thì không bao giờ có.

Nhưng đạo luật ấy chỉ thành công về mặt hành chánh mà thôi, chớ không mong những đồng bào Việt ấy làm Việt đúng với ý nghĩa một công dân hoàn toàn. Họ vẫn làm phận sự công dân Việt nhưng luôn luôn nghĩ rằng họ là người Tàu và nhứt định không bỏ tâm hồn Tàu.

Lúc ra đạo luật, không phải ông Diệm nuôi ảo tưởng nào, nhưng khi một ngoại kiều không được chánh quốc của họ nhận lãnh, cả Trung Cộng lẫn Đài Loan đều không nhận, mỗi lần họ phạm tội bị trục xuất, thì cái quốc gia đãi khách đã phải làm thế nào? Chỉ có đạo luật ấy mới giúp hành chánh dễ dàng làm việc mà không gây phiền phức cho tư pháp, hành pháp và ngoại giao.

Hoa Kiều lấy vợ Hoa thì như vậy còn Hoa Kiều lấy vợ Việt thì sao? Xin theo dõi họ TỪ.

Nên nhớ rằng cộng đồng lưu vong nhà Minh tới đây trong mấy mươi năm đầu, ai cũng chỉ có hai bàn tay trắng và đều lấy vợ Việt cả, trừ vài người ở vậy như cụ Trầm nói trên kia, bởi một là lấy vợ Tàu là một xa xỉ phẩm rất tốn tiền, hai là họ chưa kịp bắt liên lạc trở lại với cái chánh quốc mà họ đã rời bỏ. (Ông cụ họ Trầm mà truyện tích vừa được kể ra trên đây, ở vậy cho tới 20 năm sau mới lấy vợ Tàu được).

Ông tổ họ từ lúc mới sang, buôn bán nho nhỏ (một tiệm tạp hóa con con). Ông lấy vợ Việt ngay, nhưng rồi ông khá lên rất mau, đổi nghề, đi khai thác lâm sản, nói là phó lâm sản thì đúng hơn, ông mua rẽ trái lừ ư mà tiều phu ta lượm trên rừng để xuất cảng về Tàu. Đó là một thứ trái rừng người miền Nam ăn chơi, nhưng người Tàu rất cần và rất quý vì họ xếp loại nó vào y dược hay, để trị bịnh tả lỵ.

Ông Từ giàu to. Con ông lai giống, nhưng được giáo dục để làm một người Trung Hoa chánh hiệu, vợ ông phải học tiếng Tàu để trong gia đình nói với nhau toàn bằng tiếng Tàu.

Ông cưới vợ Trung Hoa cho con ông. Họ giàu có luôn bốn đời, mà ba đời đều cưới vợ Tàu. Dòng máu Việt có lẽ đã biến mất. Nhưng họ suy lần đến đời thứ năm thì nghèo và lấy vợ Việt cho đến thời thứ 10 mà chúng tôi biết.

Đời thứ 5 nghèo, lấy vợ Việt, nhưng cứ giáo dục con cái làm Tàu. Đời thứ 6 quá nghèo và có lẽ nản lòng về ý chí làm Tàu nên theo Việt luôn, nhưng đời thứ 10 còn nhớ tổ của họ là người Tàu và nhớ những lần hưng vong của gia đình họ.

Họ thứ ba là họ HỨA. Ông tổ họ Hứa không thành công. Nghe lại thì ông ấy nghèo ngay trong những năm đầu sang đây vì ông làm thợ đẽo đá thì không sao mà khá được.

Ông lấy vợ Việt, sanh ra ba trai và mười năm sau, ông qua đời. Con cháu ông về sau đều lấy vợ Việt, và cái ông mà chúng tôi biết, là người Việt một trăm phần trăm. Các đời sau đều khá, và phú quý sanh lễ nghĩa, họ ăn học, họ tìm biết tổ tiên nên mới nhận ra rằng tổ họ là người Tàu.

Ở Giao Chỉ, Cửu Châu, Nhựt Nam xưa, chắc đa số những người Lạc Việt lai giống, cũng chỉ lai có một lần thôi, các đời sau, vì là con cháu của lính, quá nghèo nên mới làm người Việt. Nhưng rồi đám con lai có thể kết hôn với nhau, và chủng Hoa đi vào chủng Việt lần hồi như vậy đó.

Họ thứ tư là họ TẤN. Họ này, cả 10 đời đều làm thầy thuốc Bắc. Ông tổ có lẽ là quan văn nho nhỏ của Trần Thắng Tài chớ không phải lính. Họ này cũng tuyệt tự vào đời mà chúng tôi biết. Ông tổ lấy vợ Việt. Ông ấy có nhiều con trai và một con gái. Cô gái mê trai Việt mà bị ông ngăn, nên cô ấy cuốn gói theo trai và bị bỏ luôn.

Họ này cũng giống họ Từ và qua các đời, khi thì lấy vợ Việt, khi lấy vợ Tàu, tùy khả năng tài chánh, nhưng thế hệ lấy vợ Tàu nhiều hơn thế hệ lấy vợ Việt.

Họ này cũng tuyệt tự vào đời thứ 10.

Rất khó mà rút từ các cuộc theo dõi trên, những khoản luật chắc chắn về cuộc hợp chủng Việt Hoa, nhưng xin thử nhận xét:

I. Chủng Hoa đi vào chủng Việt có một lần nhưng ở phía ngoại, như trường hợp của cô con gái ông thầy thuốc Bắc họ Tấn.

II. Chủng Hoa đi vào chủng Việt có một lần, ở phía nội, như trường hợp ông thợ đẽo đá họ Hứa.

III. Những Hoa kiều thuần chủng, hoặc chỉ Tàu nửa chừng vì trong 10 đời mà có 4, 5 đời lấy vợ Tàu, đều tuyệt tự, không như những gia đình Hoa Việt cứ lai giống luôn luôn. Nhận xét này phù hợp với một thuyết chủng tộc cho rằng một dân tộc quá lâu đời, phải suy về văn hóa, rồi lại phải tuyệt chủng. Chính nhờ hôn nhơn dị chủng mới đổi mới dòng máu cằn cỗi của họ, họ mới tránh được cái họa diệt vong.

Hiện nay trên thế giới, dân tộc Trung Hoa lâu đời nhứt, nhưng họ không suy về văn hóa, không bị diệt chủng là nhờ những cuộc hợp chủng với Mãn, Mông, Tạng và nhứt là với “Nam Man di Bách Việt” mà họ đã bỏ quên trong sách vở của họ.

                                                                                                        *

Nếu không bị tuyệt tự thì Hoa kiều ở Nam Kỳ cũng bị tai trời ách nước tàn phá họ. Hai thí dụ điển hình là Tây Sơn đã tàn sát hết hai phần ba dân của thành Nông Nại Đại Phố ở Biên Hòa và thành Đề Ngạn tức Chợ Lớn, cả hai thành phố ấy đều gồm toàn người Tàu nhà Minh lưu vong, và quân Nam Chiếu đã tàn sát toàn thể dân thành Đại La trước khi Cao Biền đến. Dân thành Đại La chắc chắn là người Tàu chớ không phải người bổn xứ.

Những cuộc tàn sát như vậy không diệt chủng được một dân tộc vì nông dân quanh đó còn nguyên vẹn. Nhưng đối với một cộng đồng di cư chuyên làm thị dân thì đó là một thiệt hại quá to tát, vì sự bổ sung khó làm được, bằng chứng là thành Nông Nại Đại Phố được Trịnh Hoài Đức tả là phồn thịnh hơn Hội An, lại tiêu luôn sau cuộc tàn sát ấy.

Thành phố xưa nào của Trung Hoa cũng thiếu vệ sinh thì qua 7, 8 năm lịch sử đô hộ, thế nào ở Luy Lâu, Tống Bình, Đại La, v.v. cũng đã xảy ra nhiều dịch lớn như dịch thổ tả, dịch hạch chuột, v.v. thì thử hỏi còn gì các nhóm thị dân di cư?

IV. Không có cuộc theo dõi những kết hôn giữa người lai giống với nhau, vì không thể theo dõi được, thường họ là những người nghèo khó họ chìm mất trong đám đông. Nhưng chắc chắn là có. Và cũng chắc chắn là ít. Họ không có thể đi tìm nhau mà kết hôn. Ngày xưa, đi lại khó khăn, khó kết hôn xa, mà trong một làng, không phải luôn luôn có đồng số gái trai lai căn với nhau, một cô gái lai căn mà dư thì phải lấy chồng Việt vậy (không kể các gia đình giàu có họ tìm nhau được mặc dầu xa cách bao nhiêu, nhưng họ là số ít).

V. Có người Việt gốc Hoa mang hai dòngg máu trong xã hội Việt Nam. Nhưng họ chỉ là thiểu số, chớ không phải là yếu tố duy nhứt. Dân tộc Việt Nam cứ còn là một nhóm Mã Lai, chớ không phải là một chủng lai căn như dân tộc Trung Hoa = Nhục Chi + Mông Cổ. Một chủng lai căn hoàn toàn quả đang có mặt trên quả địa cầu. Đó là chủng trắng đen ở các quốc gia Nam Mỹ. Nhưng ta không ở trong trường hợp đó. Chủng trắng đen Nam Mỹ là cái gì đang có thật, xảy ra trước mắt ta, nói ra ai cũng tin ngay, còn Hoa chủng là Nhục Chi + Mông Cổ, xưa 6 ngàn năm có người không tin, nên chúng tôi lấy ví dụ Nam Mỹ.

Nhưng chửng lai căn Nam Mỹ cho ta thấy rõ rằng ngôn ngữ cứ là ngôn ngữ của chủng thống trị chớ không phải ngôn ngữ của chủng bị trị, Mỹ châu ở Nam Mỹ, kẻ thống trị bị thiểu số rất lớn, lớn đến tỷ lệ 1/10.

Ở Giao Chỉ, theo sử gia Nguyễn Phương thì kẻ thống trị lại tràn ngập kẻ bị trị. Thế mà sao ngôn ngữ lại là ngôn ngữ Mã Lai?

Chứng tích ngôn ngữ bị chúng tôi đẩy xuống hàng ghế thứ ba, ở đây lại hóa ra chứng tích quan trọng bực nhứt, khi ta so sánh xã hội ta và xã hội Nam Mỹ ngày nay.

Không, không thể chấp nhận rằng người Việt là người Tàu, mà không chứng minh như chúng tôi đã làm trong bốn trăm trang. Nói cái việc so sánh xã hội Việt và các xã hội Nam Mỹ đã cho thấy quá rõ sự thật.

Đa số người Việt không là người Tàu thuần chủng như sử gia Nguyễn Phương đã viết, mà họ cũng không là người lai căn, bằng chứng là nếu họ lai căn thì họ phải dùng ngôn ngữ của dân thống trị như ở Nam Mỹ ngày nay. Nhưng họ lại dùng ngôn ngữ Lạc Việt, tức ngôn ngữ của hai đợt Mã Lai I và II.

Làm người Tàu không có gì xấu xa hết, trái lại còn hãnh diện nữa, vì người Tàu quả là một dân tộc giỏi. Nhưng chúng tôi phủ nhận sự kiện ta là người Tàu, chỉ vì sự thật mà thôi.

Không phải nhờ màu da mà các xã hội Nam Mỹ cho ta biết sự thật mà nhờ nó còn mới ràng ràng, ai cũng biết lịch sử hợp chủng trắng đen ở đó cả, trắng thiểu số, đen đa số nhưng ngôn ngữ lại là ngôn ngữ của người da trắng.

Sử gia Nguyễn Phương đã sai lầm vì không sử dụng ba chứng tích chủ lực của chúng tôi, hai chứng tích đầu ông biết rất sơ sài, chứng tích ngôn ngữ, ông lại lầm lẫn rằng tiếng Việt hiện nay là tiếng Tàu.

Xã hội Việt không phải là xã hội Việt Hoa, thì chủ trương đó là xã hội thuần Hoa, còn sai lầm to hơn nhiều quá.

Nhượng Tống cho rằng có nhiều người nghĩ rằng ta là Tàu lai. Nhưng nghĩ rằng ta là Tàu thuần chủng, không cải biến thì tưởng chỉ có một người độc nhứt là sử gia Nguyễn Phương.

Nhưng cũng nhờ thuyết Nguyễn Phương mà ta phải phanh phui mọi sự kiện từ đời nhà Hạ đến nay, và ta mới thấy được sự thật rằng sự hợp chủng không hề cải biến người Lạc Việt, tức sự hợp chủng ấy quá nhỏ.

Từ năm nhận xét trên, ta có thể kết luận rằng yếu tố Hoa rất ít trong dân tộc ta, những gì thấy trong năm 1931, không khác với những gì xảy ra dưới đời Đông Hán sau Mã Viện.

Khi người Trung Hoa là Trịnh Chiếu giở trò úm ba la để leo lên ngai vàng nước Xiêm xong thì ông ấy vội đưa ngay người Trung Hoa di cư sang nước đó, ồ ạt hàng triệu người, nhưng hai trăm năm đã qua rồi mà đám di cư ấy cứ còn là người Tàu, không có dấu hiệu nào cho thấy họ biến thành một thứ người khác Tàu, hoặc bị đồng hóa với dân tộc Thái ở đó, mặc dầu toàn thể cộng đồng Tàu ở Thái Lan đều phải lấy quốc tịch Thái Lan, phải học tiếng Thái Lan mà không được học tiếng Tàu như ở Saigon.

Đám con lai giống của họ, đều làm Tàu hoặc làm Thái, đâu ra đó cả, chớ không hề có chủng thứ ba xen vào giữa hai chủng ấy, thì tại sao ở xứ ta lại có chủng Việt Nam xen giữa chủng Lạc Việt và chủng Trung Hoa.

Đành rằng 300 năm thì non hơn 1.000 năm, nhưng ít ra cũng có dấu hiệu tiên phong của một thứ người thứ ba ở Thái Lan chớ? Nhưng tuyệt nhiên không.

Trong một cuộc hợp chủng giữa hai dân tộc, một mạnh, một yếu, một văn minh giỏi giang, một kém cỏi, thì người lai luôn đi theo dân tộc mạnh.

Thí dụ cụ thể rõ ràng nhứt là trong 10 ngàn người Việt lai Pháp, chỉ có vài người là làm Việt Nam, mà trường hợp điển hình nhứt là ông chủ cái quán điểm tâm nhỏ bé ở đường Võ Tánh, Saigon, mà ai cũng biết. Đó là một ông già. Vào thời của ông, ông muốn làm Pháp, quá dễ dàng để cho đến nỗi người Việt thuần chủng mà chỉ nhờ một anh Tây nhìn nhận làm con là được làm Pháp ngay, huống chi ông ấy lại là Pháp lai trông thấy.

Từ những năm 1943, mới có những người Việt lai Pháp làm Việt, mà đó là vì lý do an ninh. Người Nhựt tàn sát người Pháp, rồi sau đó ta khởi nghĩa, ta cũng chèn ép người Pháp lai, có đôi nơi vài phần tử quá khích còn giết họ nữa, nên kể từ đó mới có cộng đồng đầm lai, Tây lai làm dân Việt mà ta thấy hiện nay, nhưng họ toàn là những người chưa quá 30 tuổi vào năm 1970.

Đó là cái luật, luật đi theo kẻ mạnh, như vậy những người Việt lai Tàu ở Giao Chỉ, không có lý do để không làm Tàu lại làm Giao Chỉ rồi trá hình tự xưng là Việt Nam. Họ vẫn có thể ly khai với Tàu về mặt chánh trị, như Tân Gia Ba, nhưng nhứt định làm Tàu, cũng y như Tân Gia Ba.

Chắc chắn là sử gia Nguyễn Phương không có sống mật thiết trong một gia đình Tàu ngày nào hết nên ông mới quan niệm rằng ta quá giống Tàu, bằng vào sắc diện bên ngoài.

Ông cứ sống chung thử xem, và nên chọn những gia đình không hề chịu ảnh hưởng Tây phương thì ông sẽ rõ. Nên nhớ là cần chọn những gia đình đó, vì các gia đình Tàu có chịu ảnh hưởng Tây phương thì có thể hơi giống ta được.

Nói ta là những đứa con rơi của lính Tàu không được nhìn nhận? Rất có thể. Nhưng không nhìn nhận là các ông bố của họ, chớ chính quyền Trung Hoa vẫn nhìn nhận nếu ta biết tiếng Tàu. Mà biết tiếng Tàu là một chuyện quá dễ đối với dân Giao Chỉ thuần chủng, phương chi là đối với người lai.

Thuở xưa không có sổ quốc tịch gì hết, ai muốn làm Tàu cứ làm, và cộng đồng Tàu ở Giao Chỉ sẽ không đẩy họ ra nếu quả họ biết tiếng Tàu và có vẻ Tàu. Người Tàu chánh hiệu vẫn phân biệt được người Giao Chỉ thuần chủng với người Tàu lai, thì không cần có giấy tờ, cộng đồng Tàu vẫn nhìn nhận người Tàu lai đó.

Chúng tôi không phủ nhận có người lai, bằng chứng là chúng tôi nhìn nhận có một chủng, chủng Cực Nam Mông Gô Lích mà các nhà chủng tộc học Âu Mỹ chưa kịp xác nhận thì chiến tranh đã xảy ra. Nhưng đó là sự lai đi lai lại của một nhóm lai căn ban đầu, nhóm đó phải làm Việt mà không làm Tàu từ ngày Lý Bí, Lê Đại Hành, v.v. khởi nghĩa mà người Tàu bị đánh đuổi. Bằng chứng minh bạch là cái sọ của Patte, cái sọ ấy cho thấy hai sự kiện:

1. Đến đời Đinh Bộ Lĩnh chủng Cực Nam Mông Gô Lích mới thành hình hẳn.

2. Chủng ấy thành hình hẳn, nhưng chủng Mã Lai Việt có tồn tại vì quanh sọ đó, bao nhiêu sọ khác đều là sọ Anh Đô Nê.

Bọn lai căn có khuynh hướng theo kẻ mạnh. Nhưng ở Giao Chỉ, bọn ấy phải lọt vào tay xã hội Việt, chính vì Việt là đa số, còn họ thiểu số, bằng như trái lại, thì cho dẫu ta độc lập, ta vẫn cứ là một xã hội Tàu lai, theo phong tục Tàu và nói tiếng Tàu, tuy không giống Tàu một trăm phần trăm, cũng giống 70 phần trăm về thói quen, về phản ứng sinh lý.

Nhưng trên thực tế thói quen và phản ứng của ta khác Tàu đến mười điều (nói theo văn phạm Tàu).

1. Chủng Cực Nam Mông Gô Lích thành hình dưới thời Đinh Bộ Lĩnh, tức sau cuộc đánh đuổi của Lý Bí, Lê Đại Hành, Ngô Quyền.

2. Nhưng chủng Lạc Việt thì cũng cứ tồn tại vào thời đó, bằng vào việc còn thờ kính trống đồng ở các đời sau, Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Trước đó những người lai làm Tàu toàn loạt và có lẽ đã chạy về Tàu cả, hoặc bị tàn sát cả, kể từ đời Lý Bí.

Bằng chứng lai đi lai lại ấy, thấy quá rõ khi ta so sánh người Quảng Đông, Phúc Kiến với người Việt Nam.

Họ gốc Tây Âu tức Thái và gốc Mân Việt, nên họ nhỏ bé hơn người Hoa Bắc.

Trong khi đó thì họ lại cao lớn hơn người Việt Nam là tại làm sao? Vì họ cứ bị lai hoài với Tàu, từ đời Tần Thỉ Hoàng đến ngày nay, vẫn chưa thôi còn ta thì chỉ lai có một lần rồi lai đi lai lại với người Việt, chớ không với người Tàu nữa.

Yếu tố Hoa trong dân tộc Việt Nam rất là yếu. Vì thế mà ta mới là Việt Nam được, chớ không như Tây Âu và Mân Việt.

Cái sọ của Patte đính chánh mạnh cái thuyết hàm hồ của O. Jansé.

Phải mất một ngàn năm, chủng Cực Nam Mông Gô Lích mới thành hình được với cái sọ Mã Lai và vài yếu tố Mông Gô Lích. Như thế thì thế gian 400 năm mà ông O. Jansé đã đưa ra để cho rằng “quốc gia Annam” thành hình sau một cuộc hợp chủng ngắn hạn như vậy là không đúng sự thật.

Đó là không kể cho đến thời Mã Viện mà hai bà Trưng và các Lạc tướng đều cứ còn là Lạc Việt một trăm phần trăm mà sử Tàu đã xác nhận.

Và không kể sự kiện quanh cái sọ Patte tuy đã thành hình Hoa Việt, các cái sọ khác cứ còn là sọ Mã Lai Lạc Việt, tức một ngàn năm vẫn chưa đủ để cho một chủng lai căn thành hình một cách xong xuôi.

Tại sao hiện trong xã hội Việt Nam ngày nay còn nhiều người tóc dợn sóng? Là vì họ là Mã Lai Lạc Việt không hề lai Tàu bao giờ cả. Câu ca dao:

Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi quăn vẫn còn quăn.

cho thấy quá rõ sự thật. Đó là câu hát mà bọn lai căn có tóc thẳng dùng để chế giễu bọn Lạc Việt thuần chủng thích có tóc thẳng, mà không được toại nguyện.

Mà câu hát đó thì không lâu đời lắm đâu bởi dưới thời Đinh Bộ Lĩnh, thì bọn tóc thẳng còn quá ít đâu dám chế giễu bọn tóc dợn sóng mà ta lầm với tóc quăn.

Tân Gia Ba giống hệt như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Đài Loan mà người Tàu là dân đa số, nếu họ hợp chủng với thổ dân thì thổ dân cũng bị chìm mất, vì chìm luôn ngôn ngữ, phong tục, tâm hồn. Ngay như Ba Thục là một chủng tộc rất văn minh và rất đông đời nhà Chu, văn minh và đông hơn ta nhiều, vào thuở ấy, thế mà nay họ cũng thành Hoa một trăm phần trăm, không còn gì là Ba Thục nữa hết, vì có chánh sách di dân sang đó của Tần Thỉ Hoàng, mà nhứt là với Hàn Tín, Lưu Bị, Khổng Minh. Hàn Tín và Khổng Minh đã lén bắt hoặc dụ dân Tàu đi theo họ rất đông, để làm nòng cốt hầu về sau đánh trở ra.

Cuộc hợp chủng Việt Hoa ở Việt Nam không sâu đậm nên người Lạc Việt còn là cái vốn chánh của dân tộc, đặt ảnh hưởng của mình lên cuộc hợp chủng đó chớ không bị nó biến khác đi quá xa.

Trong một bàn tiệc 12 người, đặt một người Quảng Đông và một người Mân ngồi chung với 10 người Việt Nam, cả 12 đều cao và bé hay gầy bằng nhau, ăn mặc giống nhau và đều làm thinh cả, chúng tôi sẽ chỉ đúng người Hoa gốc Tây Âu, người Hoa gốc Mân không thể sai chạy.

Những đứa con lai giống ở đất Giao Chỉ ngày xưa thường là những đứa con vô thừa nhận của lính Tàu, y như đám con lính Nhựt, lính pháp, lính Mỹ ngày nay. Những đứa con ấy lớn lên là làm Tàu luôn, hoặc thành người Việt luôn, rồi không bao giờ trở lại với chủng Hoa nữa. Có thể hai đứa con lai kết hôn với nhau, nhưng cũng ít thôi, nhưng rồi cũng thành Việt.

Bọn quan lại chạy sang Giao Chỉ lánh nạn chánh trị vào những dịp hưng phế bên Tàu toàn là quý tộc Trung Hoa, mà quý tộc thì kết hôn y như bọn nhà giàu năm 1680, tức con cháu họ kết hôn với nhau chớ không lấy người bổn xứ.

Trường hợp người Tàu thuần chủng ở xứ ta, đổi phong tục chút ít vì muốn tự lập thì không thấy có. Phong tục của ta trước năm 1680 đã mang một lớp sơn bên ngoài khá dầy rồi, thế mà họ còn nhứt định không theo, sau 10 đời sống ở đây, thì khó mà tưởng tượng rằng ngày xưa họ đã thay đổi cho khác người Trung Hoa chánh gốc để biến ra một dân tộc mới, trá hình là dân tộc Việt Nam như sử gia Nguyễn Phương cố chứng minh.

Trường hợp tuyệt tự thì thường thấy và đó là bằng chứng quyết định không có người Tàu thuần chủng trong dân tộc ta nếu không có những cuộc di cư vĩ đại và liên tục. Mà quả không có những cuộc di cư vĩ đại liên tiếp.

Hồ Quý Ly đã nói láo khi ông ấy tự xưng là hậu duệ của vua Thuấn.

Ông ấy tiếm vị năm 1400, mà vua Thuấn thì, theo sử Tàu, trị vì lối năm 2255 T.K. Sử Tàu có sai, chắc cũng sai chỉ lối 255 năm mà thôi, tức vua Thuấn trị vì năm 2000 T.K, tức cách Hồ Quý Ly đến 3.400 năm.

Không thể có một dòng họ truyền lâu như vậy bao giờ. Sử Tàu và sử ta xưa, cứ quên cái điểm tuyệt tự nên mới thường nói đến những dòng họ quá lâu đời, làm như đó là chuyện có thể có được.

Sử của nước Sở chép rằng vào đời thứ 38 (hay 39?) thì con cháu của họ Hùng, người Tàu đến làm vua Kinh Nam, đã bị tuyệt tự, và một hoặc hai đời vua chót không phải là con chánh trực tiếp của họ Hùng, mà là con đánh tráo.

Mà họ Hùng thì đã có nhờ hợp chủng (cưới gái Việt làm vợ) nhiều lần, mà còn bị tuyệt tự như thế đó, một họ khác không hợp chủng, không thể tồn tại hai ngàn năm được.

Ta đã thấy rằng chủng Trung Mông Gô Lích tức Hoa thị (ở Hoa Bắc) phải để ra ba ngàn năm với những cuộc di cư ồ ạt mới tạo ra được một chủng mới là chủng Nam Mông Gô Lích ở Hoa Nam được khoa học nhìn nhận là một chủng, còn chủng Trung Mông Gô Lích để cai trị ta có một ngàn năm mà không di cư đáng kể như chúng tôi đã chứng minh ở chương “Những sai lầm” thì cái chủng Cực Nam Mông Gô Lích mà chúng tôi nói đến chỉ là một chủng trung gian, mà yếu tố chánh cứ là Mã Lai Bách Việt, chớ không phải là Hoa như biểu đối chiếu chung kết chỉ số sọ đã cho thấy ở một chương trước.

Trong đám con cháu của lưu vong nhà Minh, có một người trở thành danh nhân Việt Nam, đó là Trịnh Hoài Đức, nhưng Trịnh Hoài Đức là người lai căn, ít lắm là một đời.

Thuở Tây Sơn tàn phá thành phố Nông Nại ở Biên Hòa, thành phố lớn đầu tiên ở miền Nam, thì họ Trịnh mới có 10 tuổi. Vì người Tàu ở đó bị tàn sát, trong đó có cả thân phụ của tác giả Gia Định thống chí, nên Trịnh Hoài Đức mới chạy theo mẹ về làng Hòa Hưng thuộc hướng Tây Bắc Saigon.

Hiện người ta biết chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

Nhưng tất cả người Tàu ở Biên Hòa đều chạy về hướng Tây Nam Saigon để lập ra một thành phố mới là thành phố Đề Ngạn, thế mà bà cụ ấy lại chạy riêng, bỏ cộng đồng của mình thì có phải chăng bà là người Việt?

Và Trịnh Hoài Đức đã thi đỗ được dưới trào Gia Long thì cứ phải chăng họ Trịnh đã học với thầy Việt, bởi chế độ thi cử của ta dầu sao cũng khác của Tàu, mà một bậc danh nho Tàu không thể sang đây thi mà đổ đạt được. Và như vậy có phải chăng vì là người lai nên ông mới sống và học với người Việt. Lúc Trịnh Hoài Đức sanh ra thì người Tàu đến đây mới được có 105 năm, mà đã có người Tàu thành Việt rồi, nhưng mà họ thành một cách khác hơn sử gia Nguyễn Phương ngộ nhận. Họ lai Việt chớ không là Hoa thuần chủng, không hề có sự “dời chuyển người dân”.

Xem đó thì sự kiện ta hơi giống Tàu, không còn gì là khó hiểu nữa, và nhứt là không nên cưỡng ép chứng minh rằng ta đích thị là Tàu.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.