trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
17.10.2007
Kiệt Tấn
Sự đời
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 


Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

Nghĩ lai rai - Mười chín

1.Ngu si hưởng thái bình”. Hoàn toàn đồng ý! Bởi lẽ sáng suốt quá thì khó lòng mà hưởng thái bình được với chính mình. Đó là chưa kể mấy thằng xung quanh nó sẵn sàng đục cho mình phù mỏ vì cái tật cứ bắt tụi nó xét lại vấn đề.

2. Giả thử như bần tăng có quyền cao chức trọng. Và giả thử rủi thời có đứa nào đưa hối lộ 10 ngàn đô trả cash thì bần tăng sẽ đuổi ra và kêu lính bắt. Nếu may mắn có một đứa khác đề nghị đưa hối lộ 10 triệu đô chuyển thẳng vào trương mục của bần tăng ở Thụy sĩ thì bần tăng sẽ tạm giam đó để mà suy nghĩ lại. Và nhứt là để rút vào thư phòng mà tham khảo ý kiến... bà xã và nhận chỉ thị từ thượng cấp: “Dạy rằng con lạy mẹ đây / Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”.

3. Khi nghe thằng nào hứa hẹn Thiên đàng thì cả thằng nhớn lẫn thằng bé của bần tăng đều toát mồ hôi lạnh. Thường thường muốn đi vào cõi ấy thì trước hết người ta phải nín thở để tránh gây tiếng động. Khi vào được rồi thì nín thở luôn để được ở lại Thiên đàng vĩnh viễn.

Hơn nữa, Thiên đàng là cõi tột cùng nghiêm chỉnh nên... cấm cười. Buồn chết luôn! Buồn thúi ruột! Buồn tàn canh gió lạnh. Buồn mút mùa ... lệ thuỷ. Mặc cho bất cứ thằng nào nó có cù đến mỏi cả tay cũng... chả chịu cười! Nhất định quạu đeo và nghiêm chỉnh dài dài, dài dài... Bất tận.

4. Chuyện nước Pháp. Tại một làng nhỏ nọ, đêm động phòng hoa chúc, nửa đêm cô dâu mới cắt chỉ cất tiếng kêu cứu ba mình om sòm: “Papa! Papa! Papa!...” rồi sau đó, tiếng kêu cứu được phổ nhạc theo điệu Marseillaise, quốc thiều của nước Đại Pháp: “pàpàpàpa... pàpapapá... papà... pápápapà... pá... papàpa... ” khiến cho ông già lên ruột có nùi, không biết đường nào mà lần!

5. Thử xét xem cái gì làm vận hành guồng máy nam-nữ trên cái trái đất tròn vo này. Đại để: Người nữ thì thích làm đẹp, thích ăn sung mặc suớng, thích được chìu chuộng, thích được cung phụng. Thằng nam thì thích ôm ấp, thích rờ rẫm, thích hưởng thụ cái thân thể nàng, và do đó tìm cách cung phụng để mà chiêu dụ người nữ. Khi được cung phụng, người nữ có phương tiện để làm đẹp thêm để mà thu hút thằng nam tham dâm. Bởi trót ham mê cái sắc dục, thằng nam lại càng cố gắng cày cục để cung phụng cho nàng. Và cứ thế, lòng vòng...

Bên cạnh phần tiện lợi, cái ham thích của người nữ và cái tham dâm của người nam, nhiều điều bất tiện cũng đồng thời được tạo ra. Thế nhưng, nếu nói hết ra thì sẽ rất dài dòng. Tuy nhiên, nếu không có cái ham thích đó, nếu không có cái đam mê sắc dục đó thì guồng máy nam-nữ sẽ kẹt cứng và ngưng vận hành. Và tiếp đến là nam-nữ sẽ mất hết cái lý do và mất hết cái lẽ sống để mà tiếp tục làm chuyện... lẩm cẩm. Lẩm cẩm ba cái trò cũ rích. Và đẻ thêm ra hàng tá con nít để mà tiếp tục làm chuyện lẩm cẩm, ngõ hầu tiếp tục duy trì truyền thống dân tộc, quốc hồn quốc tuý của con người. “Thì làm chơi cho dui dậy mà! Em Hai!"

6. Ca dao cập nhựt: “Một mai thiếp có xa chàng / Xú chiêng thiếp trả, hột xoàn thiếp bưng”

7. Dưới mắt các em bé hậu phương thì đàn ông khó lòng mà có được một cách hành xử đúng đắn. Hồ hởi nhiều thì bị mắng là đồ tham dâm. Hồ hởi ít thì bị chê là đồ lấp đít. Hồ hởi vừa thì bị chê là cù lần và sẽ bị cắm sừng đá đít. Bởi các lẽ ấy: “Ta thà sống vì hồ hởi nhiều chớ không thèm chết vì hồ hởi ít.”

8. Ông Ễnh-Tai là cha đẻ của thuyết Tương đối. Thuyết này giải thích được mọi hiện tượng ở cấp lớn trong vũ trụ. Bận nọ, khi được hỏi: “Vũ trụ là gì?”, ông Ễnh-Tai bèn cầm phấn viết lên bảng đen một phương trình dài ngoằng với nhiều ký hiệu toán học bí hiểm. Được yêu cầu giải thích, ông Ễnh-Tai lắc đầu: “Tôi không thể nói gì khác hơn được”.

Mới biết ngôn ngữ của con người rất là giới hạn. Ngoài cõi thông thường có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ, còn có những cõi vô ngôn. Xin nói rõ cái cõi vô ngôn này nó không ăn nhập gì tới cái nín khe của Em Nhỏ làm nũng: “Sao em không nói một lời gì / Dù chỉ một lời không đáng chi / Cũng đủ cõi lòng anh ấm lại...” Nhưng khổ thay, khi Em Nhỏ chịu cất giọng oanh vàng rồi thì là nghe không hết! Nghe mệt nghỉ!

9. Cái nhức răng của ta bao giờ cũng đau hơn là cái mụt ung thư của kẻ khác.

10. Bận nọ, khi được hỏi kiếp sau ngài muốn đầu thai làm con gì, Đức Đạt lai Lạt ma đáp: “Muốn làm con cào cào”. Hỏi tiếp “Tại sao?” Đáp: “Tại vì con cào cào không có tôn giáo”. Xin nhắc lại là trong thời điểm của cuộc phỏng vấn này, chiến tranh tôn giáo dai dẳng và âm ỉ giữa loài người đang có chầu bùng nổ lớn khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo, giữa một bên là khối Mỹ, Do Thái, Tây phương và bên kia là khối Á Rập, Pakistan, Indonesia...

Vả lại cái chuyện Hồi giáo và Công giáo cắt cổ mổ bụng nhau cũng chỉ là cái bổn cũ soạn lại từ hơn ngàn năm nay, kể từ lúc các tôn giáo lớn được hình thành. Chỉ có vũ khí là khác nhau (thời bi giờ lại có thêm vũ khí nguyên tử), chớ lòng người thì trước sau vẫn như một: vẫn tham lam, vẫn hiếu chiến và vẫn xuẩn ngốc!

Lật lại lịch sử trái đất, chưa hề thấy có cuộc chiến tranh tôn giáo nào giữa loài cào cào, loài dơi, loài chuột, thằn lằn, rắn mối, cù lần, panda, hay bất cứ một con giáp nào hết. Duy chỉ có giống người là không giống một con giáp nào hết nên mới có chiến tranh tôn giáo triền miên. “Đầu thai làm con cào cào sướng hơn!” Hoan hô Đức Đạt lai Lạt ma!


Nghĩ lai rai – Hai mươi

1. Tôn giáo phát xuất từ một nhu cầu tâm lý của con người: nhu cầu an ninh. Đưa ra mọi chứng minh siêu hình, mọi lập luận thiêng liêng, hay bất cứ chứng cớ siêu việt nào khác để ngợi ca tôn giáo vi vút, nghĩ cho cùng, khi tìm đến tôn giáo, con người chung cuộc cũng chỉ là để đi tìm an ninh cho chính bản thân mình: An ninh trong đời sống, an ninh khi hấp hối, an ninh sau khi chết. Một loại “đóng bảo hiểm toàn diện”. Lúc nào cũng ôm cứng cái bặp dừa... cho chắc ăn. Bảo đảm an toàn trên xa lộ!

2. Thượng đế là một liều thuốc an thần vô cùng hiệu quả. Thử đặt hết niềm tin và luôn cả thân xác mình vào vòng tay Thượng đế đi, ắt sẽ biết liền! Bảo đảm sẽ không bao giờ vác mặt tới phòng mạch bác sĩ tâm lý nữa.

3. Thượng đế đôi khi được sử dụng như cái thùng rác cho tâm lý và trí tuệ con người: cái gì không giải thích được thì liệng vào đó, coi như là một cách giải thích thiêng liêng, hiển nhiên và ổn thoả. Cho được yên tâm để mà ngáy ngủ tiếp tục. Khò... khò... khò...

4. Cách hiểu nào cũng chỉ là một cách hiểu. Giải thích nào cũng chỉ là một giải thích. Từ xưa đến nay, có thiếu gì cách hiểu, thiếu gì cách giải thích, nhưng đâu có cách nào nhứt định là đúng nhứt, đúng hoài. Có đúng đi chăng nữa thì cũng chỉ là đúng tạm thời, đúng ở thời điểm đó, vậy thôi. Cho tới khi tìm ra được một cách giải thích khác, một cách hiểu khác xét ra hợp lý hơn để thay thế. Rồi sau đó lại có một cách khác hơn để mà hiểu, để mà giải thích, vân vân... Cứ thế mà nàm!

5. Ai cũng có cái lý của mình, nhưng không phải vì vậy mà mình có lý - cái lý siêu việt, cái lý tuyệt đối để nhân danh nó mà ép buộc mọi người phải tùng phục, bằng võ lực, nếu cần. Rồi từ đó sanh ra giặc giã triền miên. “Tôi nghĩ như vậy” không có nghĩa là tôi đúng. Và anh nghĩ giống tôi cũng không có nghĩa là chúng ta đều đúng. Có khi cả hai chúng ta đều trật tuốt luốt... như nhau.

6. Trong công viên, trên băng gỗ có hai người, một già một trẻ, tai đeo ống nghe nhạc, còn hai tay kia thì cứ đưa lên trời mà giựt giựt. Ông già tưởng anh trẻ nghe nhạc Beatles bèn quay sang hỏi: “You, Beatles?” Anh trẻ: “No! me Rolling Stones” Ngó sang thấy ông già cũng giựt giựt dữ quá, anh trẻ bèn tò mò: “And you, Michael Jackson?” Ông già hai tay vẫn giựt còn đầu thì lắc nguầy nguậy: “No! me Parkinson!”

7. Đàn bà là cả một thế giới bí mật. Càng nhỏ càng bí mật. Lớn lên, các nàng cũng vẫn bí mật như thường, nhưng mà là bí mật theo một kiểu khác. Khiến cho bọn đực rựa lại càng muốn tìm hiểu các nàng sâu xa hơn. Càng lúc càng sâu và càng lúc càng xa hơn... “Là giết đời nhau đấy biết không?”

8.To be or not to be, that’s the question”. Thiên hạ phục lăn câu phán trứ danh này của Shakespeare. Trộm nghĩ, khi nêu ra câu hỏi đó thì ta đã “to be” mất rồi. Bây giờ có tự thắt cổ hay mổ bụng để chọn lựa “not to be” thì cũng là làm chuyện vớt vát mà thôi, và nó cũng chẳng thực sự giải quyết được vấn đề nêu ra. Nó chỉ xoá bỏ hoặc lẩn trốn mà thôi.

Còn nếu như đã là “not to be” ngay từ đầu thì đâu còn gì để mà nêu vấn đề lẩm cẩm nữa. “That’s not the question”?

9. Một tối nọ, trong tiệm khiêu vũ, bần tăng đã hơi xỉn xỉn. Chợt có một em ca ve sexy ngoe nguẩy cái “bàn ngồi” đi ngang. Bần tăng phát bị dị ứng, bèn đưa tay vỗ đít em một phát. Em quay mặt lại chỉnh liền: “Bộ của chùa hay sao mà vỗ khơi khơi vậy cha nội?” Bần tăng sượng trân. Chiêm nghiệm: “Ăn bánh thì phải trả tiền”, đó là cái luật muôn thuở của nền kinh tế thị trường. Đừng có tưởng bở bây giờ toàn cầu hoá rồi thì cái gì cũng thuộc về mình hết.

Cũng may mà bần tăng chỉ vỗ nhầm em ca ve. Chứ nếu vỗ nhầm một bà nữ quyền thì số mạng của bần tăng ắt hẳn sẽ rất là... phiêu lưu văn nghệ!

10. Ở đời muôn sự của chung / Thương nhau thì dắt vô mùng mà thôi.

© 2007 talawas