trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 

Chương VII
Về cái họ của Trung Hoa và Việt Nam

Dân tộc lớn nào cũng thành hình theo lịch trình sau đây:

I. Cá nhân lang thang

II. Gia đình mẫu hệ

III. Gia đình phụ hệ

VI. Thị tộc (Clan)

V. Bộ lạc (Tribu)

VI. Quốc gia

Lối sắp loại như trên không tuyệt đối luôn luôn đúng y như vậy, vì có dân tộc không đi qua chế độ mẫu hệ lần nào cả, trái lại có nhiều dân tộc, như dân tộc Chàm chẳng hạn, đã lập quốc và cường thịnh suốt 13 thế kỷ, vậy mà không hề bước sang giai đoạn phụ hệ được.

Lại có những dân tộc đốt giai đoạn bộ lạc, tức từ gia đình tiến ngay lên đại bộ lạc (Peuplade).

Nơi nhiều quốc gia lớn, đã tiến đến chế độ dân chủ rồi, vậy mà hai thượng cổ sử, thị tộc và bộ lạc, vẫn tồn tại, dưới hình thức này hay hình thức nọ.

Trường hợp thượng cổ sử bộ lạc tồn tại là trường hợp những quốc gia đã sáp nhập nhiều chủng lại để làm ra một dân tộc nhân tạo, các chủng ấy xưa kia có vua, hoặc có tù trưởng và tinh thần quốc gia của họ mạnh, cứ còn sống hoài trong các cuộc thống nhứt gượng ép như thế.

Trung Hoa ngày nay cũng ở trong trường hợp này, nhưng họ có tài và có điều kiện, nên đã kịp đồng hóa những chủng lạ Hồi, Mãn, Mông, Việt, thành thử hình thức bộ lạc còn, nhưng rất yếu ở xứ họ. Người Mân không ưa người Đông Âu, nhưng không ghét ra mặt. Trong Thất Mân có nhóm Triều Châu không bao giờ gả con cho Phúc Kiến, vì một mối hận ngày xưa nào mà chính họ cũng đã quên mất rồi.

Trường hợp tổ chức thị tộc tồn tại thì rất nhiều trong bất cứ quốc gia nào đã có thời phong kiến rất mạnh và chỉ vừa ra khỏi đó mà thôi.

Có hai giai đoạn mà ta cần định nghĩa lại cho rõ, mặc dầu tự nó, đã rõ nghĩa rồi.

Thị tộc là một nhóm gia đình, nhiều ít cũng tùy, cùng chung tổ, cùng sống gần gũi nhau, binh vực lợi quyền chung cho nhau, trước khi có bộ lạc. Họ có thị tộc trưởng toàn quyền định đoạt trong thị tộc. Tiếng Pháp là Clan. Cổ thư Tàu nói đến những Hữu Hưng Thị, Hoa Thị, v.v. thì đó là thị tộc chớ không phải bộ lạc như nhiều sách đã viết. Cả nước Tàu thời đó, toàn thể cổ Hoa, chỉ là một bộ lạc độc nhứt chớ không phải gồm nhiều bộ lạc hợp thành vì: “Bộ lạc là một nhóm thị tộc đồng chủng, sống chung trên một lãnh thổ chưa lập quốc, chưa có vua, nhưng có tù trưởng. Trong bộ lạc, có nhiều thị tộc”.

Hậu của Trung Hoa cổ thời là thị tộc tức Clan, chớ không phải bộ lạc, hay chư hầu, như nhiều sách đã viết.

Ta thường ngộ nhận về danh từ bộ lạc, cứ tưởng rằng nó nhỏ như một làng, cả trong những quyển sử lớn cũng viết như thế. Trên đây chỉ định nghĩa bộ lạc của chúng tôi. Chúng tôi xin phối hợp định nghĩa bộ lạc của chúng tôi với định nghĩa của ba quyển tự điển Anh, Pháp, Đức như sau đây, và chúng ta sẽ thấy rằng nó không khác định nghĩa của chúng tôi bao nhiêu, nhưng khác hẳn ngộ nhận của đa số người mình.

“Bộ lạc là cuộc sinh tụ, dưới quyền lãnh đạo của một người, trên một địa bàn liên tục, của những người đồng gốc tổ, tuy chưa được tổ chức chu đáo, nhưng vẫn có tổ chức”.

Như vậy một bộ lạc có thể đông năm triệu người, chớ không phải chỉ đông có vài chục gia đình, mà địa bàn của họ có thể lớn bằng 10 nước Việt Nam ngày nay chớ không phải hạn chế trong một làng.

ĐÓ LÀ MỘT ĐƠN GIẢN TỔ CHỨC XÃ HỘI CHỚ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT VÙNG NHỎ NÀO HAY MỘT NHÓM NGƯỜI NHỎ NÀO. Thế nên định nghĩa mà chúng tôi phối hợp mới dùng lối nói “CUỘC SINH TỤ”, chớ không hề nói một xóm, một làng, một vùng bao giờ.

Như vậy, một bộ lạc, quá giống một quốc gia, chỉ có khác là nó chưa biết tổ chức như một quốc gia.

Thế nên khi một bộ lạc quá lớn, người ta không gọi nó là bộ lạc nữa, mà dùng một từ hơi giống dân tộc, đó là từ peuplade.

Danh từ peuplade cho biết rằng bộ lạc đó đông hàng triệu người nhưng chưa thành dân tộc (peuple) vì chưa biết tổ chức như một quốc gia. Nhưng lại không thể gọi nó là bộ lạc (tribu) vì sợ lầm lẫn với các bộ lạc còn quá nhỏ.

Người ta hiểu thêm rằng peuplade ngụ ý kém mở mang, nhưng đó chỉ là nghĩa phụ, nghĩa chính là: dân tộc chưa thành dân tộc, dĩ nhiên là vì nó kém mở mang nên nó chưa thành dân tộc, hai tánh cách đó đi đôi với nhau, nhưng gọi một cộng đồng, người ta bằng vào lượng chớ không bằng vào phẩm, mà sự hiểu thêm đó lại chỉ hàm ý phẩm, tức ý nghĩa phụ thuộc.

Dĩ nhiên là từ thời kỳ bộ lạc nhỏ (tribu) tiến tới bộ lạc lớn (peuplade) phải qua một thời gian mà bộ lạc nhỏ này còn độc lập đối với bộ lạc nhỏ khác, và để thống nhứt, thường có chủng tộc, nhưng không phải luôn luôn có.

Tại sao Trung Hoa cổ thời không có nhiều bộ lạc, mà các dân tộc khác thì có? Là vì địa bàn cổ thời của họ là một địa bàn vô cùng lợi thế, là đồng bằng mênh mông, không bị núi non hiểm trở chia thành nhiều ô như ở Trung Việt, ở Ấn Độ, dân ở nơi này liên lạc với dân khác quá dễ nên phong tục, ngôn ngữ không bị địa phương hóa, hơn thế, điều kiện chánh yếu có lẽ là khí hậu giống hệt nhau nên điều kiện sống của tất cả mọi người đều giống hệt nhau.

Đọc sử Tàu và truyện Tàu, có ai để ý đến sự kiện này chăng? Dưới đời Chu, thiên hạ đi xe, đánh giặc bằng xe. Nhưng tới đời Hán thì xe biến mất trong sử và trong truyện.

Đó là vì dưới đời Chu, người Tàu chỉ hoạt động ở đại bình nguyên Hoa Bắc, ở đó đất bằng phẳng, chưa biết làm đường vẫn dùng xe được. Nhưng tới đời nhà Hán thì họ hoạt động dưới sông Hoàng Hà, có quá nhiều núi non và sông ngòi, mà họ thì chưa có đường sá, cầu cống, thành thử xe phải dẹp luôn.

Họ không có bộ lạc chính là nhờ đại bình nguyên Hoa Bắc lớn như biển ấy nó diệt địa phương tính từ trong trứng nước.

Thế nên gia đình cứ nở lớn ra thành thị tộc, thị tộc nở lớn ra thành đại thị tộc (peuplade), địa phương tính quá yếu, bộ lạc xuất hiện không được.

Sự kiện Trung Hoa cổ thời không có nhiều bộ lạc, không được ai chú ý đến cả, kể cả các nhà bác học Trung Hoa về dân tộc học cũng không biết.

Về sau, cuối đời Chu khi các chư hầu cát cứ, biệt lập, tánh cách bộ lạc cũng không có vì đó là sự biệt lập giả tạo, biệt lập chánh trị mà dân thì đã giống nhau từ lâu đời rồi.

Trương Nghi, Tô Tần chạy từ nước này sang nước nọ để du thuyết, vẫn ăn nói lưu loát bất kỳ ở nước nào, và được họ coi như người của nước họ, sự kiện ấy cho thấy quá rõ là họ gần giống hệt nhau, người ở đâu cũng giống người ở đâu, chớ không như ở Ấn mà hai tiểu bang giáp ranh với nhau nói chuyện với nhau không được vì ngôn ngữ bất đồng.

Nếu không có Trương Nghị, Tô Tần như có người đã nói thì hẳn phải có các nhà du thuyết khác, và các nhà đó đều hoạt động được như Tô Tần, tức ở Triệu ăn nói cũng lưu loát mà sang Tần ăn nói cũng lưu loát.

Ta cứ xem Đào Duy Từ của ta thì hình dung ra được các nhà du thuyết Tàu thuở đó. Đào Duy Từ sở dĩ phục vụ chúa Nguyễn được ngay là nhờ ông đồng ngôn, đồng phong tục với chúa Nguyễn, có khác nhau đôi chút, cũng không vì thế mà thấy rằng khác nhau. Chúa Nguyễn dùng Đào Duy Từ được, nhưng chưa chắc đã dùng Dương Ngạn Địch được.

Dĩ nhiên là vẫn có chủng tộc giữa các thị tộc (hậu) để thống nhứt, như chủng tộc giữa các bộ lạc, ở các quốc gia khác, nhưng hậu này vẫn giống hậu kia, chớ không quá khác nhau như bộ lạc này khác bộ lạc kia.

Ấn Độ ngày nay còn hơn một trăm phương ngữ chính vì họ có qua giai đoạn bộ lạc, còn Tàu thì chỉ có phương âm (prononciation régionale) mà không có phương ngữ bao giờ. Các quốc gia gọi là man di bị thôn tính, đáng lý gì có phương ngữ, nhưng vẫn không có được vì nỗ lực đồng hóa và thống nhứt của các trào đại Trung Hoa quá thẳng tay và khe khắt, nên đã thành công.

Lợi thế đó, tưởng trên thế giới, chỉ có độc dân tộc Trung Hoa là được hưởng mà thôi.

Thời Chiến quốc bên Tàu chỉ diễn ra có mấy trăm năm là họ thống nhứt được xứ sở. Sách ta cứ than là cốt nhục tương tàn lâu quá, mà không dè rằng chính là quá nhanh, vì ở các quốc gia khác, nhỏ hơn nhiều mà muốn thống nhứt, phải tốn một ngàn năm, còn ở Ấn thì tốn 4.500 năm rồi mà vẫn chưa thống nhứt.

Chúng tôi sẽ chứng minh rằng Chàm là Việt, thế mà ta cũng mất một ngàn năm mới thống nhứt Lạc Chàm được, mặc dầu nước ta và nước Chàm chỉ nhỏ bằng bàn tay.

Không, dân tộc Trung Hoa không có qua chế độ bộ lạc ngày nào cả như các sử gia thường tưởng tượng, kể cả sử gia Tàu nữa.

Ta cứ thử hình dung ra tình hình xã hội Trung Hoa cổ thời thì rõ hết mọi việc, sự hình dung này không phải là tưởng tượng mà dựa vào các cổ thư của họ.

Họ sống dưới chế độ đại gia đình, sau khi qua khỏi tình trạng lang thang và gia đình nhỏ.

Đại gia đình ấy lớn đến đông hàng ngàn người. Đó là gia tộc, bốn năm thế hệ sống chung, lại có chế độ đa thê nữa thì biết là số người trong đó đông bao nhiêu.

Khi một gia tộc nở ra quá to, chiếm đất quá rộng thì nó phải có tên, có tổ chức, để tự vệ, và để phân biệt với các gia tộc khác.

Người ta bày ra cái Thị tức là cái tên của gia tộc lớn đó. Và Thị tộc là tên của gia tộc chớ không phải là danh từ chỉ cộng đồng, lớn hơn là gia tộc đâu như nhiều người hiểu lầm. Thị tộc cứ là gia tộc, nhưng bấy giờ nó đã có Thị, tức có tên riêng, Thị = Tên.

Thị tộc bị ta hiểu sai, ngỡ nó là Clan, chứ thật ra nó chỉ cứ là Famille, nhưng nó là famille ayant un nom. Ce nom est le Thị.

Thế thì đáng lý Thị tộc không thành danh từ để chỉ Clan. Clan phải được hiểu là Super-Famille. Còn Thị chỉ là tên của gia tộc lớn (Nom de la super-famille). Nhưng chính người Tàu cũng lầm lẫn xem Thị tộc là danh từ có nghĩa là Clan, thì ta cũng đành phải hiểu như họ.

Ta ngộ nhận về Thị tộc y như ngộ nhận về Quan Lang. Thị tộc không phải là danh từ chỉ một đơn vị lớn nhỏ nào cả, mà Thị có nghĩa là Tên. Thị tộc là tên của cái tộc.

Quan Lang cũng không phải là một chức vị, mà là nói tắt câu sau đây: Quan viên có trọng trách cai trị một lang.

Vị quan đó hẳn có tước hồi cổ thời, nhưng vì người Mường sống biệt lập, còn ta thì chế độ bị Tàu phá tan, thành thử không còn ai biết tên của cái tước đó nên mới dùng một đoạn câu (périphrase) để chỉ cái tước ấy, mà lại nói tắt nữa, khiến về sau ta ngỡ đó là tên của cái tước.

Đọc Đại Việt của Ngô Sĩ Liên, ta thấy Tàu kể chuyện Lữ Gia bị một quan Lang Việt bắt nạp cho Lộ Bác Đức, khi y chạy trốn. Rõ ràng là vì là ngoại nhân, nên Tàu không biết cái tước của ông ấy nên chỉ gọi là quan Lang thôi, y như đã gọi Hùng Vương là Lạc Vương.

Ta thì biết, nhưng chế độ bị diệt lâu đời quá, ta quên đi, nên ta dùng lối gọi y như người ngoại quốc, tức lối gọi của kẻ không biết sự thật.

(Danh từ quan mà ta dùng, chưa chắc là Hán Việt, vì tiếng Mã Lai nó là Tuan đấy. Có phải chăng quan Lang là Tuan T’lang bị đọc trại đi, chớ không chắc lắm là ta đã quên, và Tuan không có nghĩa là Quan mà có nghĩa là nhà lãnh đạo).

Và khi cái Thị tộc nở ra quá lớn thì được gọi là Hậu. Giờ thì Hậu mới đích thực là một danh từ, chỉ một gia đình khổng lồ, có tổ chức hẳn hòi để đánh giặc nữa, chớ không phải tổ chức luân lý, trật tự, kinh tế, tôn giáo mà thôi.

Hậu mới đích thực là Clan.

Còn Thị tộc phải được dịch ra là Nom de la grande famille (Tên riêng của một siêu gia đình) chớ không phải là Clan.

Đã bảo Thị tộc không phải là danh từ mà là một đoạn câu (périphrase) nó chỉ có thể dịch ra là Nom d’une grande famille thì nó không hề là một đơn vị, một tổ chức nào hết như Gia đình và Hậu.

Thế thì Thị đích thị là Họ chớ không có gì lạ. Thị tộcHọ của một gia tộc.

Xin tóm lược:

Gia Tộc = Famille
Hậu tức Siêu gia tộc = Clan
Thị hoặc Thị tộc = Nom du Clan

Hữu Hùng Thị là Siêu gia tộc, có cái Thị gọi là Hữu Hùng để phân biệt với Hoa Thị là Siêu gia tộc, có cái Thị là Hoa.

Tàng tích Thị tộc lớn, tức Hậu, cứ tồn tại hoài hoài trong xã hội Trung Hoa cho tới về sau này mà ta nghe nói đến những Trần gia trang, Lý gia trang, v.v.

Trang ở đây chỉ là trang trại, trong đó có thể có nhiều cá nhân khác tộc, nhưng thường thì đó là trang trại của một người giàu có, họ quy tụ tất cả bà con lại để giúp lẫn nhau, đông bằng hai ba trăm người, y hệt như tộc lớn tức hậu hồi cổ thời, chỉ có khác một chút xíu là họ chấp nhận luật của chánh phủ phần nào chớ không có độc lập như hồi họ còn là hậu.

Hình thức đại tộc ấy ở xứ ta không có kéo dài tại Cổ Việt nhưng lại được phục sinh tại đất Chàm dưới các trào đại Trần, Lê, mà các gia đình Việt Nam di cư xuống đó tự động lập làng, và lấy Họ của mình làm tên của làng, thí dụ Trương Xá, Vũ Xá, v.v. trong làng gồm toàn người một họ, y như các trang trại bên Tàu đời nhà Minh, đời Thanh và y như các hậu bên Tàu thời cổ.

Đại tộc Hữu Hùng thống nhứt các đại tộc khác rồi, dưới quyền lãnh đạo của Hiên Viên, mà dân Trung Hoa chưa thành dân tộc vì chỉ có Cộng chủ chớ chưa có vua.

Đó là một grand peuplade chớ chưa là một peuple, vì sự tổ chức chưa được chu đáo, chặt chặt chẽ.

Nếu thuở ấy, cạnh đó có một dân tộc khác thật văn minh, họ đã gọi Tàu là một peuplade chớ không gọi là dân tộc. Và chính người Tàu cũng biết vậy, nên họ chỉ tôn nhà lãnh đạo làm cộng chủ mà thôi, chớ chưa nghĩ ra chế độ vương quốc, mặc dầu họ đông đảo lắm, và khá rộng đất đai đủ khả năng về số lượng để lập vương quốc và xưng Vương.

Nhưng rồi không lâu sau đó, họ trở thành dân tộc một cách mau lẹ không tưởng tượng được và đặt chế độ vua chúa.

Sự biến chuyển quá nhanh chóng đó xảy ra được nhờ họ không có nhiều bộ lạc, không phải chiến tranh để diệt địa phương đồng chủng.

Chiến tranh với Xy Vưu chỉ là chiến trannh với ngoại chủng chớ không phải là nội chiến.

Biết những điều trên đây rồi, ta xét qua cái HỌ của người Tàu được, vì THỊ là HỌ chớ không có gì lạ.

Hồi thượng cổ, người Tàu đặt tên cho tộc như thế nào, tức lấy gì để chỉ cái Thị của tộc nào đó?

Không có sách nào nói thật rõ nét, các tự điển nói khác nhau nhưng đọc các sách rồi suy luận, ta biết thật rõ là họ đã làm cách nào.

Thoạt tiên, họ lấy tên đất để làm Thị, tức làm tên của dòng tộc. Một gia đình đi lập nghiệp ở đất Kỳ thì tự ban cho mình cái thị là Kỳ. Sáng kiến đó rất giản dị và hay nên thiên hạ đều làm như vậy, rồi sau nhà vua công nhận cái hay đó và bắt chước dân trong các việc kiến phong.

Vua phong cho một bề tôi ở đất Sài thì bề tôi ấy được và phải lấy họ Sài mặc dầu trước đó, ông ấy đã có họ rồi, họ Bi chẳng hạn.

Sau, nhà vua còn chế ra nhiều biến thể khác nữa, chẳng hạn chúa của chư hầu Tần, vì giỏi dinh điền và có công dinh điền nên được ban cho họ Dinh. Tên đất, tên sông, tên núi không còn giữ vai trò quan trọng trong việc dùng làm tên dòng tộc nữa.

Có một người giỏi tài nuôi bò cho nhà vua, được ban cho họ Ngưu thì nghĩa là dựa vào chuyên môn, chớ không phải chỉ căn cứ vào đất lập nghiệp nữa.

Tiên tổ của Mã Viện họ gì không ai biết, nhưng có một ông tổ dưới thời Chiến quốc làm tướng cho vua nước Triệu, nên được cho lấy họ Triệu. Triệu là tên của dòng tộc của chúa nước Triệu, công thần mới được mang tên dòng tộc Triệu để làm Họ, còn quan nhỏ và thường dân thì không.

Vậy ông tổ ấy tên họ là Triệu Xa.

Triệu Xa rất giỏi tài trị những con ngựa bất kham (ngựa chứng) của quân đội, thế nên rồi lại được phong chức là Mã Phục Quân.

Từ đó con cháu y lại lấy chữ Mã để làm cái họ, vì dòng họ ấy được hiển vinh nhờ ngựa (lại cũng vì lý do chuyên môn nữa).

Họ Mã, về sau không bao giờ thay đổi nữa, bởi vua đã hết đất để phong kiến rồi. Hàng vạn cái Thị ấy rồi sẽ diệt nhau để đi lần đến chế độ chư hầu to tát. Khi số hậu từ 10 ngàn, xuống còn có 800 thì số họ cũng sụt y như vậy, vì khi hậu này diệt hậu nọ, thì diệt hết cấp lãnh đạo, dân còn sống sót, tức bọn con cháu xa xôi của hậu trưởng, được thu nhận, và phải đổi họ theo cái tộc vừa thắng trận.

Nhưng nếu thế thì hóa ra dưới thời Chiến quốc chỉ còn có bảy họ thôi sao, vì chỉ còn có bảy chư hầu? Không, còn hàng trăm họ, vì những họ nhỏ sống riêng rẽ nên thoát được. Tại sao có những họ nhỏ sống riêng rẽ thì ta sẽ thấy ở một trang tới, khi nói về sự xuất hiện của danh từ tánh, thay cho danh từ Thị.

Bây giờ xin trở lại tiếp tục xét về lối lấy cái Thị của người Tàu cổ thời.

Vua Vũ sáng lập nhà Hạ, là hậu duệ của vua Xuyên Húc, nhưng lại lấy họ Tỷ vì trước khi lên làm vua, ông ấy lập nghiệp ở bờ sông Tỷ tại tỉnh Sơn Tây.

Lại còn nhiều cách lấy họ kỳ dị nữa. Có một ông họ Trùng, vốn làm thầy dạy con vua nhà Hạ học chữ. Ông ấy sanh ra sáu người con trai, đều ở với ông ấy tại trào, nhưng ông ấy cho sáu người con đó sáu họ khác nhau, tùy khả năng và đặc thù của mỗi con ông. Một ông lấy họ Kỹ, một ông lấy họ Đổng, một người lấy họ Bành, một lấy họ Mị, một ông lấy họ Vân, một người lấy họ Tào.

Lạ lùng nữa là chắt của ông họ Mị không là họ Mi. Con của ông ấy mang họ Mị thêm một thế hệ, rồi cháu nội của ông mang thêm một thế hệ nữa thì đời chắt lại cải ra là họ Hùng vì một lý do rất kỳ cục. Nguyên cha của ông họ Hùng tên họ là Mị Giục Hùng, ông ấy sanh con trai, lấy tên của mình làm họ cho con. Thật là kỳ dị. Ông mang họ Hùng đầu tiên ấy được phong làm chúa nước Sở.

Người Tàu cứ hãnh diện với cái họ mà họ ngỡ chỉ có một mình họ là có mà thôi, họ không dè rằng dân tộc nào cũng có cả, chỉ khác là tên thị tộc nơi các dân tộc khác biến thành họ, theo một lối khác hơn trong xã hội của Tàu.

Tuy nhiên, rợ Khương tức Khel (theo Quan Thoại) tức Khơ Me ngày nay, cũng lấy họ y hệt như họ Mị biến thành họ Hùng mà Tàu không biết rằng thuở xưa họ cũng đã làm như thế, nên gọi rợ Khương lấy họ kỳ dị.

Vua ta thuở cai trị người Cao Miên cứ bảo rằng họ không có họ và ban cho họ những cái họ Việt là Thạch, Sơn, Lâm, Danh, v.v. Đó là vì vua không thạo đời sống của dân tộc Khơ Me chớ họ vẫn có Họ.

Đã bảo Họ là tên của thị tộc mà Cao Miên đã tiến tới quốc gia rồi, làm thế nào không đi qua chế độ thị tộc, mà hễ có đi qua chế độ ấy thì họ phải lấy tên thị tộc của họ để làm Họ chớ.

Nhưng vua ta hiểu lầm vì dân Khơ Me, giống hệt thổ dân ở tỉnh Tây Khương ngày nay bên Tàu, đất tổ của dân Khơ Me, dân ấy biến cái Họ theo lối Trung Hoa đời nhà Chu.

Thí dụ họ thuộc thị tộc Dom Chúp Nhay nhưng con họ thì không là Dom Chúp Sang, hay Dom Chúp Ria, thế nên cái Họ ban đầu mất đi, vô phương nhận nhau, khác hẳn với các dân tộc khác như Hoa, Pháp.

Các nhà bác học Trung Hoa cho biết rằng ngày nay người Khương được đồng hóa hẳn với Tàu rồi, mà người Tây Khương cứ giữ tục lấy họ theo lối xưa ấy, chỉ có một số gia đình nhỏ mới chịu theo hẳn Trung Hoa mà thôi.

Họ cho rằng như vậy là dã man, là vô luân thường, bởi vì cái họ, sau một thế hệ đã biến mất và bà con có thể lấy nhau mà không hay biết, nhưng chính họ cũng dã man y hệt như vậy dưới đời nhà Chu, như trường hợp họ Trùng biến thành họ Mị, họ Mị biến thành họ Hùng trên đây đã cho thấy rõ.

Thế thì vào đời Chu, Trung Hoa vẫn không hơn và không khác Cao Miên ngày nay, hoặc dân của tỉnh Tây Khương ngày nay, con không mang họ cha, mà lấy tên cha làm họ.

(Lấy họ theo lối Trung Hoa Tây Chu và Cao Miên, Tây Khương ngày nay thì bà con cật ruột có thể lấy nhau, nếu có tai biến phá vỡ đại gia đình của họ).

Quả thật thế, ông Hùng họ đầu tiên là anh nhà chú nhà bác với con gái của ông họ Tào, vì ông họ Tào không có chơi cái trò kỳ cục của ông họ Mị và con gái của ông có thể cũng mang họ Tào. Nho giáo đã phôi thai từ thời đó và anh em đồng họ không được lấy nhau nữa. Nhưng cô họ Tào đâu còn là anh em đồng họ với ông Hùng, trên giấy tờ. Nhưng về huyết thống thì là đồng họ với nhau về phía bên nội.

Gia tộc của Hùng Dịch không bị tan vỡ nên tránh được cái nạn loạn luân ấy chớ có biết bao nhiêu là gia tộc tan vỡ vào cái thời mà hậu nuốt hậu, nhứt là với cái trò bắt tù binh lấy họ của kẻ thắng trận.

Những cuộc kết hôn nội tộc có loạn luân hay không thì còn tùy luân lý của mỗi dân tộc, nhưng về mặt y học thì thật là tai hại, vì những đứa con sanh ra dễ mắc bịnh máu lỏng và dễ tuyệt tự lắm.

Dầu sao cái họ của Trung Hoa, ban đầu có tiêu chuẩn là tên đất, tên sông, tên núi, tên nghề nghiệp, nhưng sau rồi thì biến đổi lung tung không theo nguyên tắc nào rõ rệt, ông Khúc Lương Ngột lại có con mang họ Khổng (Khổng Tử). Nhưng tới đời Tần thì hết thay đổi.

Có người nói rằng nhà Tần cấm thay đổi Họ vì lý do cảnh sát, nhưng sự thật thì cái Thị, tự nó đã bị tiêu diệt giữa thời Chiến quốc vì lý do thị tộc lớn nuốt thị tộc nhỏ.

Khi một chư hầu nhỏ bị một chư hầu lớn diệt, thì bao nhiêu họ hàng của chư hầu nhỏ đều bị giết hết.

Cả những dòng họ nông dân to tát, giàu có, tuy không có địa vị chánh trị vẫn bị diệt vì họ là một mối nguy, là những kẻ có điều kiện để khởi nghĩa.

Hễ một dân tộc muốn thống nhứt thì phải diệt tất cả mọi lực lượng chỉ chừa lại gia đình và cá nhân mà thôi, mà vào thời cổ, không có đảng phái thì lầm lẫn duy nhứt đáng sợ là các tộc lớn, từ nhà giàu địa phương, chủ trang trại, đến chúa của các hậu.

Nhà Tần chỉ cấm thay đổi Thị chớ không có ý tiêu diệt Thị, chính thời đại Chiến quốc mới là tiêu diệt Thị.

Nhưng cũng chính vào thời Chiến quốc, danh từ Tánh xuất hiện, đồng nghĩa với Thị, tức đó là tên của các dòng tộc, cái mà tiếng Việt gọi là Họ.

Cái Họ ấy, ngày nay Trung Hoa gọi nó là Tánh, nhưng xưa họ gọi là Thị. Danh từ Tánh chỉ mới xuất hiện lần đầu trong Xuân Thu của Khổng Tử mà thôi, chớ trước đó, thư tịch Trung Hoa chỉ có Thị chớ chưa có Tánh.

Tánh xuất hiện, nhưng Thị chưa mất, bằng chứng là còn Lã Thị Xuân Thu, của Lã Bất Vi, một nhơn vật có Tánh.

Tại sao cả hai đều đồng nghĩa, mà khi từ mới xuất hiện từ cũ không mất?

Là vì tuy đồng nghĩa, nhưng có khác nhau đôi chút.

Khi một Thị phát triển ra quá lớn thì hết đất, một số người tách rời đi kiếm ăn ở một địa bàn mới, không liên lạc với địa bàn cũ nữa, nên lấy tên của Thị khác đi, nhưng còn vọng tưởng Thị cũ, gọi tên nhóm mình là Tánh nhưng còn cho Thị một chỗ ngồi.

Nói rõ hơn là những nhóm tách rời thị tộc quá lớn để đi lập nghiệp riêng mang đến hai cái họ, cái Thị và cái Tánh. Thí dụ một nhóm của Thị tộc Uất tách ra đi lập nghiệp xa, lấy Thị khác là Đào, nhưng cứ giữ Uất. Thế nên cái HọUất Đào, chớ không phải là Uất mà cũng chẳng là Đào, gọn lỏn.

Nhưng không phải những gia đình tách rời đều luôn luôn vọng tưởng bằng cách lấy hai từ, mà có gia đình chỉ sáng tác một từ đơn giản, miễn khác với đại tộc cũ mà thôi.

Chính những thị tách rời mà không đèo bồng Thị cũ, đã thoát chết vì cái Tánh của họ chỉ là một tên tân tạo, không dính líu với Thị lớn nào cả để có thể bị diệt vì bị truy nguyên là mang dòng máu của cái Thị cần phải diệt. Họ được xem là một gia đình nhỏ, riêng biệt, không có gì đáng sợ mà phải giết chết họ. Diệt là diệt các dòng tộc lớn, chớ người ta phải tha gia đình riêng rẽ và cá nhân, như thế trong nước mới còn dân. Chúng tôi hẹn giải thích tại sao khi chỉ còn có 7 chư hầu mà cứ còn nhiều trăm họ, là như thế đó.

Hơn thế cái trò bắt tù binh đem về, cho lấy họ của kẻ thắng trận, không xảy ra nữa vì khi mà các hậu đông năm trăm người bị diệt hết rồi, tất cả đều biến thành chư hầu tương đối lớn, to hơn cả huyện thì không có vấn đề bắt hết kẻ sống sót nữa, cứ để họ ở yên chỗ cũ làm thần dân, và họ tự do giữ họ cũ của họ.

ThịTánh sống chung như vậy một thời gian khá dài và cứ có nghĩa là cái Họ.

Thật đúng ra thì Tánh có trước Khổng Tử nữa kia, chớ không phải chỉ vào thời Khổng Tử. Nhưng vào thời Khổng Tử thì Thị bắt đầu lui bước thật sự, để rốt cuộc còn Tánh không mà thôi.

Và có một thời, thời chuyển tiếp mà ThịTánh bị lẫn lộn với nhau, đó là cuối đời Chu. Thí dụ: Lã Thị (Xuân Thu), Thị, trong trường hợp đó là Tánh rõ ràng.

Ta cần tóm tắt lại những gì có vẻ hơi lộn xộn, vừa được trình bày.

1. Hậu là tổ hợp những gia đình đồng tông, lấy tên chung làm danh xưng và cái danh xưng ấy được chỉ bằng danh từ Thị. Thí dụ Thị tộc Dư. Danh xưng của nhóm đó là , Thị tộc là danh từ chỉ cái danh xưng của dòng tộc ấy.

2. Hậu chỉ là đại tộc có tầm vóc khác thường, to bằng cả một tổng của ta.

3. Gọi cả thảy các thứ ấy là bộ lạc thì tạm được nhưng bảo rằng Hậu là chư hầu là sai. Chư hầu của ai kia chớ? Vì chưa có vua.

4. Khi bao nhiêu Hậu tổ hợp lại mà chưa có quy củ như dưới thời Hiên Viên thì mặc dầu có thống nhứt, cũng chưa có nước, chưa có dân tộc. Đó là giai đoạn mà Tây phương gọi là Peuplade.

Cả Hoa Bắc thuở đó chỉ là một Peuplade, một bộ lạc khổng lồ gồm nhiều đại tộc.

5. Thị tộc không bao giờ là một Đơn Vị Người nào hết mà có nghĩa là tên của một tộc nào đó. Cái tên ấy đích thị là cái họ của cộng đồng đó. Vậy Thị tộc = Nom du Clan, chớ không phải là Clan.

Trở lại ThịTánh. Khi Thị quá lớn, thiếu đất thì một nhóm trong Thị tách riêng, tìm đất trống để khẩn hoang. Số phận của họ đã không còn dính líu với số phận của Thị gốc. Nhưng vì luyến tiếc nên mặc dầu tự xưng khác, lối tự xưng ấy là Tánh, nhưng cứ giữ Thị. Họ vừa mang Thị lại vừa mang Tánh trong một thời gian.

Và đến khi kia, có khuynh hướng diệt Thị thì họ bỏ Thị để khỏi lâm nguy, chỉ còn mang Tánh mà thôi.

Thị chỉ gốc tổ, Tánh là thị tân tạo. Cái gốc tổ đó quá lớn mới bị kẻ có quyền xem là mối nguy, tìm cách diệt, còn Tánh thì quá nhỏ, được để yên.

Nhưng Cố Viêm Vũ, cho rằng Tánh là Thị tộc, tức Clan, còn Thị mới là Họ. Về sau, Thị tộc mất lần, chỉ còn gia đình và bộ lạc, rồi bộ lạc biến thành quốc gia.

Rồi Cố Viêm Vũ đưa thí dụ:

Vua Viêm Đế, Thị (tức Họ) là Thần Nông, Tánh (tức Clan) là Khương, Cố Viêm Vũ lầm, Khương rõ ràng là một Họ Trung Hoa, không còn chối cãi được nữa, vậy nói TánhClan là không đúng.

Còn Thần Nông thì rõ ràng là một tộc quá lớn, biết trồng trọt trước các đại tộc khác trong đám người du mục lai Nhục Chi và Mông Cổ, tràn vào Hoa Bắc (xin xem chương Hoa chủng), chớ không phải là Họ.

Tưởng một lần nữa, nên dịch ra tiếng Pháp:

Gia tộc = Famille
Đại gia tộc = Clan
Hậu = Grand Clan
Thị tộc = Nom du Clan (giữa thị và tộc, không có gạch nối liền và nếu viết Thị Chi Tộc thì chắc sự ngộ nhận đã không xảy ra).

Không nên lầm lẫn Tánh Khương này với một dân tộc tự xưng là Khơ Me và được Tàu phiên âm là rợ Khương. Khương (Khơ Me) là một chi của Đại Chủng Mã Lai nó gồm bốn chi: Lê, Lạc, Khương, và Khuyển Nhung, tức Môn về sau này.

(Chính Cố Viêm Vũ đã lầm mà tưởng Thị tộc là danh từ chỉ một cộng đồng. Thị tộc là một đoạn câu có nghĩa là Nom du Clan, chớ không phải là Clan).

Thật ra thì ThịTánh chỉ là một, và tại sao Tánh ra đời, Thị biến mất thì chúng tôi đã vừa giải thích, cả hai đều có nghĩa là Họ.

Vua Thần Nông, đã thấy là huyền thoại, nó chỉ là một nhóm người chớ không phải một nhơn vật có thật, thì những gì phụ thuộc với cá nhân huyền hoặc ấy đều là chuyện bịa, có thể có Thần Nông thị, nhưng không có Tánh Khương. ThịTánh chỉ tồn tại song song nhau dưới đời Chu, chớ trước đời Chu, chưa có Tánh, bằng chứng thấy rõ trong Xuân Thu. Còn sau đời Chu thì đã hết Thị.

*

Sử Tàu chép rằng vào cổ thời họ có hàng vạn hậu, khiến không ai tin cả, kể cả người Tàu. Nhưng họ không tin vì họ hiểu lầm rằng hậu là chư hầu, chớ nếu họ biết hậu chỉ là Đại Tộc thì họ phải tin, vì một nước nhỏ hơn vẫn có hàng ngàn tộc kia mà.

Và hễ có bao nhiêu tộc là có bấy nhiêu Thị tộc, tức tên của bấy nhiêu tộc ấy. Và Thị là danh từ mà Việt Nam nói là Họ.

Và xin nhấn mạnh một lần nữa là Thị tộc không phải là Clan mà là Nom du Clan.

Cũng xin nhấn mạnh nữa về một vấn đề Việt Nam là Quan Lang không phải là tên một chức quan nào mà là cả một câu nói tắt (périphrase), có nghĩa là Viên quan cầm đầu một cái Lang. Cái Lang đó do T’lang mà ra và biến thành làng về sau trong xã hội Việt Nam. Ban đầu nó có nghĩa là thái ấp nhỏ tự trị.

*

Nhưng tại sao ngày nay ở Trung Hoa chỉ còn có mấy trăm họ mà thôi? (Chữ trong Bá tánh của Tàu, không phải luôn luôn có nghĩa là một trăm. Nó có thể ít hơn một trăm như Bách Việt, nó cũng có thể nhiều hơn một trăm như bá tánh).

Đây là một câu hỏi quan trọng và câu trả lời còn quan trọng hơn, nó cho ta biết ngay rằng ta không làm sao mà là người Tàu được hết.

Sở dĩ số họ giảm đi là vì sự kiện tuyệt tự của các họ.

Các Họ cứ kế tiếp nhau mà tàn lụn mà không ai cần sáng tác thêm Họ mới, bởi không còn cần thiết nữa vì ba lẽ:

1. Đất đai đã được khẩn hoang hết cả rồi, không còn nhóm nào có thể tách riêng ra được để lấy Tánh khác. Họ đành chen chúc với nhau ở vùng đất cũ với tánh cũ.

Hơn thế các thị trấn lớn đã bắt đầu thành hình dưới thời Chiến quốc khi mà các chư hầu lớn mạnh hơn, xây thành to. Ở đó sự chen chúc còn kinh khủng hơn là ở nông thôn nữa.

2. Nếu thay đổi họ vì lý do chánh trị, người ta cũng lấy họ sẵn có chớ không sáng tác, bởi lấy tên đất không được vì đã hết đất trồng rồi, mà lấy tên chuyên môn mới cũng không xong vì tên chuyên môn mới lạ, dễ bị tình nghi hơn là tên chuyên cũ là Mã của dòng Mã Viện chẳng hạn. Vả lại, xem đi xem lại thì cũng chẳng có nghề nào khác hơn là những nghề cũ.

3. Bài toán tránh kết hôn đồng tộc cũng càng ngày càng được giải quyết dễ dàng, trong làng không có con gái khác họ thì sang làng khác cưới vợ, làng khác không có thì sang huyện khác, tỉnh khác, sang tận Tân Gia Ga và Da Kạc Ta được quá dễ dàng thì vài trăm họ là đủ lắm rồi và một ngàn năm nữa chỉ sẽ còn cố vài mươi họ mà thôi.

*

Dân Lạc Việt có họ hay không?

Theo nghiên cứu của ông Chéon thì người Mường, đồng bào cổ sơ của ta, còn giữ được vài họ tối cổ là họ Ai, họ Kem, họ Khói, họ Sa, họ Xa, v.v. hoàn toàn không phải là họ Trung Hoa.

Chắc xưa kia phải có nhiều họ hơn, nhưng vì chịu ảnh hưởng Việt, nên đa số lấy họ Việt, mà họ Việt đích thị là họ của Tàu, vì chịu ảnh hưởng Tàu.

Cái họ Sa trên đây thấy rất thường trong xã hội Chàm và Mã Lai Nam Dương mà ta đã phiên âm khác, nhưng nó là Sa đấy. Thí dụ Sa Đẩu, châu Sa Lý, bãi Sa Hoànga là tiếng Mã Lai đợt II có nghĩa là Một, lại có nghĩa bóng là “Số Dzách”, “Năm Bờ Oanh”, Vang danh. Có lẽ đó là họ của cấp lãnh đạo của người Mường và của nhiều xã hội Mã Lai đợt II khác.

Nhưng ta là Mã Lai đợt I, chắc họ của ta phải khác, nhưng không còn dấu vết vì ta đã hợp tác với Tàu, toàn dân lấy họ Trung Hoa hết cả rồi, không như người Mường họ còn giữ được cái gì, bởi họ bất hợp tác, không chịu ảnh hưởng Tàu như ta.

Theo Tscheppe thì Phu Sai, Hạp Lư, Câu Tiễn, toàn là họ Việt phiên âm chớ không phải họ Tàu. Đó là Việt Mã Lai đợt II, đồng nhóm với họ Sa, họ Khói, vì như đã nói, ta là Mã Lai đợt I, ở Hoa Bắc, có thể mang họ khác hơn.

Nghiên cứu của ông Chéon, được bằng chứng này xác nhận là danh từ Họ của ta là danh từ Việt thuần túy, chớ không phải là danh từ Hán Việt. Nếu ta không có Họ, sao ta lại có danh từ ấy?

Và sự kiện Lạc Việt có Họ đính chánh mạnh mẽ sự xuyên tạc của sử Tàu cho rằng ta không có luân thường, đợi họ dạy cho mới biết. Nhưng thật ra là tại ta ngộ nhận chớ chưa chắc họ đã xuyên tạc. Họ chỉ không xem luân thường của ta là luân thường, còn ta thì hiểu lầm rằng ta hoàn toàn không có gì hết.

Với lại ta đọc sử Tàu không kỹ, Mã Viện có nói rõ ràng rằng pháp luật của ta khác với pháp luật của Tàu 10 điều (thành ngữ Tàu: khác 10 điều có nghĩa cái gì cũng khác hết). Câu đó phải cho ta hiểu rằng ta đã có pháp luật, mà một dân tộc đã có pháp luật là một dân tộc không còn man di nữa.

*

Trong “V.N.V.M.S.C.” ông Lê Văn Siêu viết rằng sau cuộc tàn sát của Mã Viện thì ở xứ ta không còn những họ Trưng, họ Thi, họ Chữ, họ Hùng, họ Thục.

Những cái mà ông Lê Văn Siêu gọi là Họ, thật ra không phải là Họ. Chử Đồng Tử có nghĩa là “Thằng bé ở bãi sông Chử”, chớ không phải là người ấy họ Chử.

Còn họ Thi thì sử gia Nguyễn Phương đã đưa tài liệu cổ chứng minh rằng cổ sử chép thiếu họ của ông ấy, và Thi chỉ là tên, còn Sách có nghĩa là cưới vợ. Vả lại họ Thi cũng chỉ là họ của Tàu. Bà vợ giữa của ông Khúc Lương Ngột mang họ Thi đấy, trước khi ông Khúc lấy mẹ của Khổng Tử mang họ Nhan. Còn họ Thục thì chỉ là lầm lẫn của sử gia ta (xin xem chương Cổ Thục), chớ không có họ Thục bao giờ.

Họ Hùng thì còn khả nghi hơn. Nếu quả có Hùng Vương thì đó là Vương hiệu. Trên đền Hùng, có bia đề “Đột ngột cao sơn cổ Việt Hùng thị”. Nhưng bia chữ nho nên khó hiểu cho rõ được cái gì. Nếu là Cổ Việt Hùng Thị nghĩa là Thị tộc Việt Hùng đời xưa. Bằng như là Cổ Việt Hùng Thị thì mới là Họ Hùng của nước Việt thời cổ. Không chắc gì hết về cái họ Hùng ấy, Hùng Vương chỉ có thể là Vương hiệu.

Còn họ Trưng? Có sách chép mẹ của Khổng Tử họ Nhan, có sách chép bà ấy họ Trưng. Dầu sao, chúng tôi cũng có thấy một người Tàu họ Trưng. Nhưng nếu Trưng Trắc mang họ Trung Hoa, cũng không có gì lạ. Trưng Trắc là con quan Lạc tướng một cấp cán bộ Lạc Việt đã hợp tác với Tàu từ thời Triệu Đà, thì rất có thể tổ tiên của bà chịu ảnh hưởng Trung Hoa, lấy họ Trung Hoa cho sang, cho vui vậy thôi.

Họ của ta nay, toàn là Họ của Trung Hoa, nhưng không biết ta tự ý theo phong tục của họ về phương diện lấy Họ, hay bị bắt ép. Có lẽ là bị bắt ép, nhưng chắc không phải vì nỗ lực đồng hóa của họ, mà vì muốn tiện lợi việc kiểm tra dân số mà Mã Viện đã thực hiện sau khi diệt hai bà Trưng. Người Tây Khương thành Tàu rồi mà còn được phép lấy họ theo phương pháp Cao Miên thì chắc là Tàu bắt ta lấy họ Trung Hoa vì mục đích khác hơn là mục đích đồng hóa. Đành rằng họ cũng có đồng hóa nhưng với các phương pháp khác.

Với người Cao Miên, vua chúa ta chỉ ngộ nhận, chớ cũng không phải muốn đồng hóa bằng phương pháp đó. Còn với người Chàm thì vua chúa ta có mục đích nào, thật khó mà biết.

Nỗ lực đồng hóa “man di” rất cần thiết dưới các trào Hạ, Thương, Chu nhưng lại bị chê dưới trào Hán. Xưa, dân số ít, mà các chư hầu cần người để thôn tính lẫn nhau thì họ mới ráng đồng hóa cho có người để dùng. Vả thuở ấy Trung Hoa chưa hơn “Man di” bao nhiêu về mặt văn minh.

Tới đời Hán, ta thấy Giả Quyên Chi tâu xin vua Hàn bỏ ý định chinh phục man di vì cái lẽ man di không xứng đáng làm người Tàu (?)

Dân họ đã đông rồi, họ lại thống nhứt rồi, không cần người cho lắm nữa. Hơn thế văn hóa họ đã lên quá cao, khiến họ ngao ngán cho sự cách biệt, khó lòng mà thành công trong sự đồng hóa.

Dưới đời Tự Đức, thấy có chiếu bãi bỏ sự bắt người Chàm lấy họ Việt, tức xưa kia đã có luật ấy, nhưng không rõ thâm ý của luật đó thế nào.

Nhưng có một sự thật này mà không ai biết là người Chàm đã tự động lấy họ Trung Hoa trước khi ta bị xâm lăng. Mà như thế thì cái họ Trung Hoa mà họ mang ngày nay, chưa chắc đã do vua chúa ta bắt ép.

Những họ Tàu mà người Chàm Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay đang mang, toàn là họ Tàu mà Việt Nam rất ít theo, như họ Từ, họ Đồng, họ Bá, họ Bảo, họ Đàng, v.v.

Ta cũng lấy họ Tàu, nhưng lấy những họ khác hơn. Đành rằng cũng có người Việt họ Từ, nhưng rất hiếm.

Về cái Họ của người Chàm, cũng cần biết thật rõ.

Vài nhà học giả ta và Tàu cho rằng những Phạm Văn, Phạm Dương Mại của Chàm buổi đầu mà họ còn lấy tên nước là Lâm Ấp thật ra không phải là Phạm, mà chỉ là Brahma của Ấn Độ phiên âm ra như vậy. Đó là một lối hiểu độc đáo để nghe cho có vẻ uy tín vì biết nhiều, nhưng không đúng. Phạn ngữ có ba danh từ như sau:

1. Brahman, có nghĩa là Thái Cực, Vô Vi, y hệt như của Tàu

2. Brahma, mà Tàu dịch là Phạm Thiên, tức là trời của Ấn

3. Brahmane, tức là người của giai cấp giáo sĩ Bà La Môn

Hai danh từ đầu thì loài người không được chạm đến. Danh từ thứ ba thì chỉ có giai cấp giáo sĩ đó mới được lấy, còn nhà vua (kể cả vua Ấn Độ) cũng không được lấy. Vua Ấn Độ chỉ thuộc giai cấp hạng nhì trong nước Ấn, là giai cấp Kshatriays mà thôi và vua Phù Nam, vua Lâm Ấp là vua học trò của họ mà làm gì trèo đèo lấy danh từ thứ ba đó để làm Vương hiệu?

Vả lại đọc cổ thạch bia của họ, cũng chỉ thấy họ tự xưng là Varman, chớ không hề có ông nào dám tự xưng là Brahma bao giờ hết, bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào, mà vua Ấn Độ cũng không có ông nào dám tự xưng là Brahma hết. Mà Varman thì không hề được Tàu phiên âm là Phạm.

Thế thì những họ Phạm ấy là họ Tàu thực sự, nhưng chính các ông Tàu lại giải thích rằng Phạm đó là Brahmane vì các ông không biết gì hết về cổ thời của Hoa Nam và của Chàm: dưới các đời Hán, Tần, người Tàu Hoa Nam vốn là Mã Lai đợt II, còn biết tiếng Mã Lai, và chính bọn ấy đưa văn hóa và các họ Tàu xuống hai nước Chiêm Thành và Phù Nam mà dân cũng nói tiếng Mã Lai đợt II.

Như đã nói, cho đến đời nhà Nguyên mà Hoa Bắc còn gọi Hoa Nam là man di, thì biết dưới các trào trước, Hoa Nam còn biết tiếng Mã Lai hay không.

Họ Phạm của Chàm là họ Phạm thật sự mượn của Tàu qua trung gian của tên gia nô Phạm Văn. Rồi Phù Nam, vì đồng chủng, đồng văn hóa với Chàm, cũng bắt chước theo, chớ Phù Nam không làm gì mà dám phạm thượng tự xưng như giai cấp Bà La Môn được.

Suy luận trên đây chỉ là suy luận, nhưng chúng tôi tin chắc rằng không ai mà bác nổi suy luận đó được hết.

Phải biết rằng Chàm là Mã Lai đợt II, mà vào đầu Tây lịch người Hoa Nam còn nguyên vẹn là Mã Lai đợt II chưa bị Hoa hóa. Giữa Chàm và Hoa Nam có sự liên lạc thường xuyên mật thiết, Mã Lai Hoa Nam, bị Hoa hóa, còn Chàm thì tự bắt chước theo là sự thường, không có gì là vô lý hết đâu vì họ đang kém, cần bắt chước một dân tộc văn minh.

Tài liệu chắc chắn là vào thế kỷ thứ III và IV của nước Chàm còn do dự giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ.

Rốt cuộc họ chọn văn hóa Ấn Độ, vì lẽ gì chúng tôi đã giải thích rồi.

Sử Tàu chép rằng tên gia nô Phạm Văn này là người Tô Châu, tức người Mã Lai Hoa Nam vừa bị Hoa hóa, nhưng chưa xong, vì là dân Hoa Nam, tức Mã Lai đợt II chưa bị Hoa hóa nên y mới làm cố vấn cho vua Chàm được, sử Tàu gọi y là gia nô, nhưng sự thật thì y là cố vấn.

Sư Thích Đại Sán trong quyển Hải ngoại kỷ sự có kể một câu chuyện xưa xảy ra ở Quảng Nam, câu chuyện một người phụ nữ Trung Hoa lấy chồng Chàm họ Từ.

Người ấy là chiến sĩ, đánh giặc với Việt Nam, tử trận trong một cuộc hải chiến.

Thế nghĩa là câu chuyện xảy ra thuở Quảng Nam còn là đất Đại Chiêm, tức mới lắm cũng vào khoảng năm 1000.

Hiện nay (1970 tại Bình Thuận và Ninh Thuận có rất đông người Chàm mang họ Từ. Ta cứ ngỡ là họ bắt chước ta, nhưng bằng vào câu chuyện của Thích Đại Sán thì họ đã lấy họ Từ từ thuở họ còn độc lập.

Lại còn Ông Ích Khiêm nữa. Ông Ích Khiêm là người Chàm phục vụ cho vua Lê chúa Trịnh. Nhưng họ ÔNG là một họ rất hiếm có của Tàu mà Việt Nam không có mượn. Thế nghĩa là dòng họ Ông Ích Khiêm đã mượn thẳng cái họ ÔNG của Tàu.

Thế thì mặc dầu chọn văn hóa Ấn Độ, họ vẫn lấy phần nào văn hóa Tàu.

Về cái Họ thì không chắc là họ chỉ vay mượn suông, mà có lẽ do hôn nhơn.

Câu chuyện của nhà sư Thích Đại Sán là câu chuyện hôn nhơn giữa một người đàn ông Chàm và một người đàn bà Tàu. Đây là một sự lạ, vì phụ nữ Trung Hoa chê ta man di, không lấy ta làm chồng, nhưng lại không chê đàn ông Chàm. Chuyện đó có thể đúng sự thật vì người Chàm theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ có nhiều quyền, thì họ lấy chồng Chàm vì quyền lợi.

Hơn thế trong xã hội Chàm có giai cấp mà giai cấp chiến sĩ là giai cấp hạng nhì, ngang hàng với giai cấp của nhà vua, chỉ kém giai cấp Bà La Môn có một bực. Thế thì lấy chồng chiến sĩ Chàm là lấy quý tộc Chàm vậy.

Và vì theo mẫu hệ, con cái lấy họ mẹ là họ Trung Hoa. Không có vay mượn ở toàn quốc vì còn người Chàm mang họ Chàm, nhưng vẫn có người mang họ Tàu là vì bà mẹ là người Tàu, sự kiện đó xảy ra trước khi họ bị ta xâm lăng.

Còn một lý do nữa khiến phụ nữ Tàu lấy chồng Chàm rất dễ, mà chúng tôi đã nói rồi, lại phải nói nữa ở đây, và sẽ nói nữa ở một chương khác. Đó là một sự kiện không ai biết cả: Họ đồng ngôn ngữ với nhau, vào thuở đó. Đây là một tiết lộ làm ngẩn ngơ người đọc sử vì ai cũng biết Chàm là Mã Lai, sao lại đồng ngôn với Tàu. Nhưng sự thật là thế.

Trước hết người đàn bà mà Thích Đại Sán nói đến là người Mân, mà người Mân là Lạc bộ Mã cho đến đời Tống, còn bị Hoa Bắc gọi là Man di.

Chính bọn Lạc bộ Mã là Mã Lai đợt II đấy và là Chàm đấy.

Thủy Kinh Chú của Lệ Đạo Nguyên, tả thổ trước Hải Nam giống hệt dân Nhựt Nam. Nay chúng tôi học ngôn ngữ của người Lê Hải Nam thì thấy họ nói giống hệt người Mân. Mặt khác, chúng tôi còn chứng minh rằng vào cổ thời Nhựt Nam tuy là đất của ta, nhưng dân thì khác, đó là dân Lạc Lồi, Mã Lai đợt II.

Vậy hồi cổ thời thì Thất Mân và Chàm đồng ngôn ngữ với nhau, và hẳn cuộc hợp chủng giữa Mân đang bị Hoa hóa và Chàm phải lớn lao lắm.

Danh từ Con người của Chàm và Mã Lai Nam Dương là Orang, và của Thất Mân là Nang, NángNàng, tùy theo nhóm Mân. Chịu ảnh hưởng Tàu, họ bỏ mất âm R và độc âm hóa danh từ Orang, và của Thất Mân là Nang, NángNàng. Nhưng chỉ mới đây thôi chớ xưa, họ vẫn nói Orang y hệt như Chàm.

Thế nên người Tàu di cư đi các xứ Mã Lai, đa số là người Phúc Kiến. Có thể nói Tân Gia Ba là một quốc gia Phúc Kiến.

Người Chàm tuy theo văn minh Ấn, nhưng lại thân thuộc với người Tàu hơn. Sử của họ và sử của ta đều chép rằng năm 981 một người Việt kiều ở đất Chàm tên là Lưu Kỳ Tông, nổi loạn cướp ngôi vua Chàm rồi cai trị rất hà khắc, vì thế mà có rất đông người Chàm bỏ nước di cư sang Quảng Đông và Hải Nam.

Đành rằng Quảng Đông gần hơn Ấn Độ, nhưng kẻ di cư đâu có ngán đường xa mà chỉ tìm sự gần gũi về tình cảm hoặc về thói ăn nếp ở mà thôi.

Chúng tôi nói Quảng Đông là Âu chớ không phải Lạc. Nhưng có một vùng Quảng Đông, vùng Hợp Phố, Đông Hưng, Móng Cái thì dân là Lạc Lê nói y như Hải Nam, tức y như Chàm. Thế thì Chàm chạy sang Quảng Đông và Hải Nam là chạy đúng đường.

Ngay trong huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Chiêm cũng đã có chuyện bà chúa tổ của họ, Pônưgar, lấy chồng Tàu có con với ông chồng ấy rồi, thì chuyện Ông Ích Khiêm và câu chuyện của Thích Đại Sán kể, là chuyện về sau, đã làm như vậy rồi từ hàng ngàn năm trước đó nữa.

Cái thứ Tàu mà huyền thoại Chàm nói đến là dân Hoa Nam tức Mã Lai đợt II bị đồng hóa chưa xong, chớ không phải là Tàu thật.

Vậy chiếu của vua Tự Đức, e là một sự ngộ nhận của nhà vua chăng, thấy người Chàm lấy cái Họ giống ta, ngỡ các tiên vương có bắt ép, chớ không dè rằng chính họ đã tự động làm như thế trước khi ta chiếm đất của họ, trước hàng ngàn năm.

Một nhà trí thức Chàm có cho chúng tôi biết rằng ông Ngô Đình Nhu đã bắt ép ông ấy lấy họ Việt. Chúng tôi tin nhà trí thức đó, nhưng không tin rằng đời xưa có sự bắt ép nói trên vì không ai thấy cái chiếu bắt ép bao giờ cả, chỉ thấy chiếu bãi bỏ. Mà đừng tưởng rằng chiếu bắt ép, vì lâu đời, nên không được ghi. Cái chiếu cấm đàn ông ta lấy vợ Chàm có từ đời nhà Trần mà còn được ghi chép kia mà.

Nhưng nếu quả tiên vương của Tự Đức có bắt ép thì ông tiên vương đó cũng làm một chuyện thừa, vì chính người Chàm đã tự động lấy họ Tàu hàng ngàn năm trước đó.

Và đây cũng là một vấn đề cần không ngộ nhận. Có chiếu cấm đàn ông Việt lấy vợ Chàm, nhưng không bao giờ có chiếu cấm đàn bà Việt lấy chồng Chàm.

Người Chàm theo mẫu hệ, hễ đàn ông ta lấy vợ Chàm là con cái mất họ luôn không tế tự tổ tiên được, mà đó là sự kiện đụng chạm mạnh vào tôn giáo chánh của ta. Còn đàn bà Việt lấy chồng Chàm thì không sao cả, nên không có chiếu cấm.

Thấy rõ là vua chúa ta xưa không đến nỗi làm việc vô lý lắm, cái nào cần mới phải săn sóc đến còn không thì thôi, chớ không có kỳ thị chủng tộc.

Và nội cái sự kiện đàn bà Việt được phép lấy chồng Chàm cũng đủ đưa họ Việt vào xã hội Chàm rồi, không cần phải có chiếu bắt ép lấy họ nào nữa cả.

Quả thật thế, dân Việt thuở ấy đang thủ vai thống trị thì lấy vợ Việt rất có lợi. Những cuộc hôn nhơn Việt Chàm hẳn phải xảy ra rất đông đảo không thể tưởng tượng được. Ta thừa gái còn họ thì không có tục đa thê vào thời cổ thì lấy chồng Chàm, phụ nữ ta cũng có lợi. Cả hai bên đều được lợi thì lẽ dĩ nhiên là họ Việt đi vào xã hội Chàm rất mạnh mẽ, vì con lai theo họ Việt.

Việc cấm đoán đàn ông Việt lấy vợ Chàm là có lý do tôn giáo chớ hoàn toàn không vì tinh thần kỳ thị chủng tộc, bằng chứng là phụ nữ ta được phép lấy chồng Chàm.

Có một điều này khiến ta bối rối lắm là tại sao đa số dân Việt Nam lại mang họ Nguyễn, Trần, Lê, Phan, Phạm, còn những người mang họ Nghiêm, họ Vi, họ Hạ, họ Cù, họ Tô, họ Ông, họ Hứa, họ Ung, v.v. thì quá ít?

Có người nói rằng năm họ trên vốn là họ vua, nên dân ta cải họ theo, vì cái lẽ thấy sang, bắt quàng làm họ. Nhưng họ Phan và họ Phạm có làm vua bao giờ đâu? Còn họ vua Nguyễn thì rất bị người Bắc Hà không ưa, thế mà ở Bắc cũng quá đông họ Nguyễn.

Có lẽ đó là năm họ của đa số bần cố nông Trung Hoa mà người Tàu đô hộ đã bố thí cho toàn dân Lạc Việt, còn những họ kia, gốc trưởng giả hay quý tộc nên họ không ban cho ta. Ai mang những họ trưởng giả hoặc quý tộc đó là Tàu lai hồi đời xưa chăng? Ức thuyết trên đây, chắc không làm mích lòng những ông mang họ Nguyễn, họ Trần đâu, bởi nếu ức thuyết ấy đúng thì chính họ mới là người Việt thuần chủng đấy, bị bắt ép lấy họ của nông nô Trung Hoa, nhưng nạn nhân của sự cưỡng bách đó, không phải là người hèn. Họ là dân Lạc Việt chính gốc, chỉ có thế thôi.

Giả thuyết trên đây không hoàn toàn vô căn cứ, quả người Tàu đã phân biệt giai cấp ngay trong xã hội. Sử ta chép rằng Lý Bôn có tướng tên là Tinh Thiều. Tinh Thiều là người Tàu, học rất giỏi đã thi đậu cao nhưng không được làm quan to (ở bên Tàu) vì họ Tinh là họ bần cố nông chưa hề làm trí thức Trung Hoa bao giờ. Vì thế mà Tinh Thiều bất mãn đi đầu Lý Bôn ở Giao Chỉ để nổi loạn chống Tàu. Quả thật thế, qua lịch sử Trung Hoa ta không hề thấy họ Tinh, Nguyễn, Trần, Phan, Phạm trở thành danh nhân của Tàu bao giờ như các họ khác: Lý Thái Bạch, Đỗ Phủ, Triệu Khuôn Dẫn, Hồng Tú Toàn, Tô Đông Pha, v.v.

Hiện nay, trong lãnh thổ Việt Nam, người mình mang gần hai trăm Họ. Họ nào cũng là họ của Trung Hoa cả. Tuy nhiên, những họ thường thấy thì không trên 20.

A. Những họ quá phổ cập:

Trần – Lê – Nguyễn

B. Những họ thường thấy:

Bùi, Chu (Châu), Cao, Dương, Đào, Đặng, Đình, Đỗ, Hà, Hồ, Huỳnh (Hoàng), Lý, Lưu, Lương, Lâm, Mai, Ngô, Phạm, Phan, Tạ, Tô, Thái, Trịnh, Triệu, Trương, Võ (Vũ).

C. Những họ ít thấy nhưng vẫn có trong xã hội ta:

An, Ấn, Âu, Bàng, Bành, Bì, Bồ, Cam, Cô, Cố, Cổ, Công, Cù, Cung, Chim, Du, Dư, Doãn, Diệp, Đái (Đói), Đàm, Đàn, Đan (Đơn), Đặng, Đình, Điền, Điều, Đường, Đồng, Đổng, Độ, Giang, Giảng, Giới, Hạ, Hàm, Hàn, Hồng, Hoa, Hứa, Hầu, Kha, Khổng, Khưu, Khúc, Khương, La, Lạc, Lai, Lại, Lao, Liêu, Liễu, Linh, Lư, Lữ, Lục, Lôi, Lỗ, Mã, Mạc, Mao, Mạch, Mạnh, Mịch, Mông, Nùng , Nhan, Nghiêm, Ngụy, Nhâm, Ông, Ôn, Phàn, Phó, Phụ, Phù, Phục, Phương, Quách, Quang, Quảng, Sa, Sài, Sái, Sầm, Sinh, Song, Sùng, Sơn, Tân, Tăng, Tôn, Tống, Từ, Tự, Thạch, Thẩm, Thân, Thì, Thôi, Thống, Thượng, Trang, Trầm, Trâu, Tri, Trịnh, Trinh, Trung, Ưng, Vương, Vi, Yên.

*

Và xin nhắc lại rằng sự kiện ta mang họ Trung Hoa không hề có nghĩa rằng ta là người Trung Hoa thuần chủng hoặc lai căn.

Ta cũng nên hiểu rõ hơn, câu sử của Tư Mã Thiên. Họ Tư Mã cho rằng dân nước Sở và dân nước Việt đều là dân Việt cả, chỉ khác là dân nước Việt họ Tự, dân nước Sở họ Mị.

Đó chỉ là một lối nói của người Tàu đời xưa mà thôi. Ý của soạn giả Sử Ký muốn nói rằng cấp lãnh đạo của họ, mang cái Họ đó, chớ không phải là toàn dân. Chúng tôi đã kể chuyện ông tổ của họ Hùng nước Sở, xưa kia mang họ Mị, ở đầu chương này. Nếu dân Việt ở Kinh Nam không có Họ mà chỉ theo họ của Trung Hoa vẫn không thể có việc cả toàn dân mấy chục triệu người đều chỉ vay mượn một họ độc nhứt, rồi làm sao mà kết hôn với nhau, với nền luân lý chặt chẽ của Tàu?

Hồi cổ thời thì quả có như thế trong một thái ấp nhỏ, thái ấp đó đặt ra chỉ là một Thị tộc được phát triển ra, và dĩ nhiên bao nhiêu người trong thái ấp đều lấy họ chung. Nhưng thái ấp chỉ đông tối đa là một ngàn người, còn nước Sở thì đông đến mười triệu, không thể toàn quốc đều mang một họ được.

*

Về cái chữ Thị mà giáo sư Kim Định bảo là tàng tích của Mẫu hệ và đó là đàn bà thì hoàn toàn sai. Ta chỉ mới dùng Thị để làm chữ lót đặt tên cho con gái về sau này mà thôi, chớ Tàu không có làm như vậy bao giờ, mà thuở xưa, hơn nhiều trăm năm bị Tàu đô hộ, ta cũng chưa làm thế bao giờ.

Thị của Tàu hồi xưa chỉ có nghĩa là TánhHọ, chớ không bao giờ chỉ đàn bà, không bao giờ là dấu hiệu của mẫu hệ.

Đọc sách Tàu xưa, ta thấy toàn những Muội Hỷ, những Tô Đắc Kỷ, những Phàn Lê Huê, những Lưu Kim Đính, chớ không bao giờ thấy Dư Thị Liên, Hứa Thị Nguyệt bao giờ.

Đã bảo Thị là tên của một tộc (nom du clan) thì mẫu hệ, phụ hệ gì cũng là thị cả, như Lã Thị Xuân Thu, đâu phải là sách của cô Lã thị mà là của ông họ Lã đấy chứ.

Theo văn hóa Trung Hoa rồi, lâu lắm, về sau thì chính riêng ta mới dùng chữ Thị để làm chữ lót cho phụ nữ, mà cũng chỉ trong các gia đình ít chữ nghĩa, hoặc tánh tình quá khiêm nhượng mà thôi, chớ phần đông đã cũng làm y hệt như Tàu.

Về phụ nữ thì cũng Lưu Lê Ngọc, Lý Vân Mộng, hoặc đặc biệt hơn nữa thì bao nhiêu con gái đều trùng tên cả, chỉ phân biệt nhau bằng chữ lót y hệt như Tàu.

Thí dụ ở Saigon có một gia đình Việt Hoa đẻ ba cô con gái mang tên như thế này:

Hà Kim Liên
Hà Bích Liên
Hà Phượng Liên

Về con trai thì ta có làm khác Tàu đôi chút. Ta lấy chữ lót để làm họ ghép, thí dụ họ Ngô Định chớ không phải họ Ngô, trong khi đó thì con trai của ông Tưởng Giới Thạch không mang tên họ là Tưởng Giới Quốc mà là Tưởng Kinh Quốc.

*

Ở Âu châu không có thời kỳ lãnh chúa khủng bố và tiêu diệt Thị tộc, nên cái họ của họ quá nhiều. Họ có hàng mười vạn họ trong một quốc gia nhỏ bé như nước Pháp chẳng hạn.

Vì thế mà họ mới lập ra cái luật hễ con không cha, thì không có họ nào hết vì ông ngoại đứa bé họ Dufresne không chấp nhận đứa bé ấy vào gia đình, vì họ của ông ta đặc biệt quá, nhận vào là người ta thấy ngay.

Bên ta, phía ngoại có muốn thế cũng không được bởi có hàng triệu người họ Nguyễn thì coi bộ người đời không làm sao kiểm soát được, thành thử luật chúng ta thì con không cha, phải mang họ mẹ.

Ở Âu châu, gái chửa hoang là cả một thảm kịch, vì đứa bé không có họ ấy lớn lên, bị xã hội khinh rẻ. Có những anh lính thủy chỉ tên là André mà thôi, không có họ gì cả.

Nhưng sau, có con, anh ta đặt tên là André Paul, xem tên anh như là cái họ. Nên ta mới thấy những nhà bác học tên là Maurice Jacques, tuy là có cha, có họ, nhưng cũng chỉ là hai tên ghép lại với nhau mà thôi.

Bên Tàu thì còn khác Tây và ta nữa. Người cha nhìn nhận hay không, bà mẹ cứ cho nó mang họ cha như thường, vì bên ấy không có bộ đời, ai muốn làm gì mặc ý.

*

Ta đã thấy là một họ không thể tồn tại mãi, vì cái nạn tuyệt tự. Vậy vài ngàn năm sau, thì một vấn đề lớn sẽ được đặt ra cho các nước theo họ Trung Hoa, khi mà số họ sụt xuống còn có vài chục, việc kết hôn hóa ra khó khăn. Tuy nhiên, riêng trong xã hội ta thì người ta xí xóa cho cả từ lâu rồi. Đọc báo ta thường thấy tin mừng cậu Lê Văn Hai kết duyên cùng cô Lê Thị Ba, v.v. mà dư luận và luật pháp không hề cho đó là trái đạo, vì thật sự họ chẳng có bà con gì với nhau hết, ít lắm cũng từ 20 thế hệ rồi. Chỉ có những họ quá hiếm hoi, mới thấy coi là không được và cố tránh né mà thôi, chẳng hạn cậu Cù Thanh Xuân không dám cưới cô Cù Tuyết Lan, còn các họ khác thì thả cửa.

Sách tham khảo riêng cho chương này

Trịnh Hoài Đức: Gia Định Thông chí
Dr. Huard Saurin, Nguyễn X. Huyên, Nguyễn Văn Đức : État actuel de la crâniologie Indochinoise, Hà Nội, 1931
M. Granet: La civilisation chinoise, P., 1920
H. Maspéro: La Chine antique, Paris, 1951
O. Jansé: Archaeological Rescarch in Indochina
P. Souron: Les noms de famille ou “Họ” chez les Annamites du delta Tonkinois, BEFEO, 1932
Phạm Việp: Hậu Hán Thư, Đài Loan
J. Cuisinier: Les Mương, géographie humaine et sociologie, Paris 1946
Nguyễn Bá Trác: Hoàng Việt Giáp Tý niên hiệu, Saigon
M.T.: Synchronisme chinois, Changhai, 1905
Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Bản dịch Nguyễn Phương
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.