trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Như ta đã thấy, người Chàm thờ hai vật tổ: Dừa và Cau. Dân họ chia làm hai phe đảng không thuận nhau bao nhiêu.

Ông R.A. Stein đã bác bỏ các thuyết sai lầm cho rằng phe Dừa là phe miền Bắc. Chính phe Cau là phe miền Bắc. Mà Chàm miền Bắc là Lạc Lồi, cật ruột nhứt với Lạc Việt. Lạc Lồi thờ Cau thì Lạc Việt cũng thờ Cau.

Ông R.A. Stein nói rằng đi từ Cà Mau lên tới Quảng Bình thì đã hết cây dừa rồi thì làm thế nào mà phe miền Bắc, tức Lâm Ấp ở Quảng Bình, Quảng Trị lại lấy cây dừa làm vật tổ. Cau phải là vật tổ của phe miền Bắc vì lẽ giản dị là dân Lâm Ấp xưa ít thấy cây dừa. Vật tổ là lục tối cổ của dân tộc thì hẳn họ thờ vật tổ ngay cả hồi họ mới dựng lên Lâm Ấp. Nam Chiêm Thành còn là đất lộn xộn chưa thống nhứt với Lâm Ấp.

Hơn thế, đất Nam Chiêm Thành nguyên là đất Phù Nam như sử Phù Nam đã chứng minh và bia Võ Cảnh ở Nha Trang đã ghi chép. Phù Nam bị Chiêm Thành cướp đất, nhưng dân Phù Nam không có bị diệt, họ biến thành Chàm và nếu họ có thờ họ thờ Dừa chớ không thờ Cau vì cái lẽ sau đây:

Cao Miên và Phù Nam thường có chung cổ tích mà cổ tích Cao Miên đã được ghi chép thành văn, luôn luôn nói đến bà chúa Lá Dừa.

Nam Chiêm Thành là quê hương của Dừa chớ không phải của Cau, và sở dĩ trong nước Chiêm Thành hai phe Cau, Dừa luôn luôn xung đột nhau, vì hai lẽ: dân Nam Chiêm Thành là dân Phù Nam biến thành Chàm, chớ không phải là dân Chàm chánh hiệu, mặc dầu họ cũng là Mã Lai đợt II với nhau cả, nhưng đã lập quốc riêng, có quyền lợi riêng, và khi bốn tỉnh ngày nay tương đương với xứ Panduranga thời xưa là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy của Phù Nam bị sáp nhập với Chiêm Thành thì dân thờ Dừa ở đó đã xem dân thờ Cau là xâm lăng, còn dân thờ Cau lại xem dân thờ Dừa là kẻ bại trận mà khinh khỉnh.

Cau Dừa không thuận nhau chỉ vì dị tộc, mặc dầu đồng chủng và cũng vì có kẻ xâm lăng và kẻ bị trị.

Sở dĩ có sự lầm lẫn của các nhà bác học Âu châu là vì khi họ nghiên cứu dân tộc Chàm thì chỉ còn có Chàm Ninh Thuận. Ở trong cộng đồng ấy có hai phe, nhưng còn làm thế nào để biết cho đúng phe nào từ phương Bắc tràn xuống, vì họ đã tràn xuống từ thế kỷ 9 S.K. tức đã một ngàn năm rồi.

Chỉ có suy luận như ông R.A. Stein mới truy nguyên được Cau ở đâu, Dừa ở đâu, chớ không thể dựa vào ký ức của một vài người Chàm được.

Lạc Lồi với Lạc Việt không xa nhau lắm đâu thì nếu Lạc Lồi thờ Cau thì Lạc Việt cũng thờ Cau.

Tin tưởng của chúng tôi rằng vật tổ thứ nhì của Lạc Việt là Cau, được những hình khắc trong đồ vật Đông Sơn xác nhận, những hình mà các ông Tây cứ cho là lông chim và chúng tôi đã bác bỏ, cho là tàu Cau.

Trong những nghi thức tôn giáo, những nghi lễ của dân ta, không bao giờ được thiếu hai món trầu cau. Huyền thoại, dân ca, tục ngữ, vào thơ xưa của ta cũng đầy dẫy chuyện cau, chuyện trầu, khác hơn nơi các thứ dân tộc ăn trầu khác, họ không ca tụng trầu cau nhiều như ta đến thế.

Hơn thế, vật tổ của Lạc Việt là một loại Cau đặc biệt, chớ không phải là cau thường. Đó là loại Cau mà dân miền Nam gọi là Cau sọc không biết miền Bắc gọi là Cau gì.

Cau sọc là Cau có sóc trắng trên nền xanh của trái Cau.

Chủ trương của chúng tôi, cắt nghĩa được hai tiếng Văn Lang, vì không có lý nào mà ta lại đặt tên nước bằng chữ Nho, khi vua Hùng Vương chưa thọ lãnh văn hóa Tàu. Quốc hiệu Văn Lang có nghĩa khác như ai cũng tưởng vì đó là chữ nho về sau, dùng để phiên âm Cau sọc.

Truyền thuyết ta cho rằng nước ta xưa tên là Xích Quỷ, Ngô Sĩ Liên chép lại, bị Nhượng Tống cứ cho rằng lẽ nào ta lại đặt tên nước xấu đến thế.

Nhưng chúng tôi sẽ trình diện một thứ những Cổ Mã Lai tự xưng là Lạc, nói tiếng Việt cổ, và mang màu da thổ chu.

Chúng tôi lại cũng cho biết rằng người Tàu có thói quen gọi những người dân mà họ không trọng bằng quỷ, một cách đùa cợt.

Mặt khác, chúng tôi cũng đã cho thấy rằng nước Xiêm đã tự xưng rằng nước Tù binh vì không hiểu Syâm nghĩa là tù binh, bị Cao Miên gọi thế, họ cứ nhận.

Thế là truyền thuyết của ta không ngốc lắm đâu. Xích Quỷ có thể là danh xưng mà Tàu gọi ta vào cổ thời, ta không hiểu, nhưng cứ nhận, y hệt như nước Xiêm.

Thế nên khi những ông L. Aurousseau và Nguyễn Phương bác bỏ rằng nước ta xưa tên là nước Văn Lang, bác bỏ chỉ vì sử Tàu không có chép, mà chỉ truyền thuyết của ta xưa là có kể, thì ta có quyền cãi lại hai vị đó là hai nhà trí thức bất kể truyền thuyết trong khi thế giới khoa học đều nghiêng mình xuống để nhìn sâu vào truyền thuyết.

Người Tàu biết rất nhiều vào thuở đó, nhưng họ không thể biết hết. Sở dĩ họ có biết một nước Lạc Việt tên là Đạo Minh ở Trung Lào chỉ nhờ một may mắn là Đạo Minh có thông sứ với họ, còn Văn Lang thì không.

Sự vắng mặt Văn Lang trong thư tịch Trung Hoa không hề có nghĩa là Văn Lang không có.

Ở Nam Kỳ có loại cau trái màu lục nhưng có sọc trắng. Vùng Đồng Môn sản xuất cau, cung cấp cho cả miền Nam và miền Trung. Các cụ ở đó thuở chúng tôi còn bé, biên sổ, chỉ loại cau sọc đó là Văn Lang đấy.

Nhưng thuở Văn Lang lập quốc, ta chưa biết chữ nho, thế sao ta lại gọi quốc hiệu ta bằng chữ Nho?

Có thể trong truyền khẩu, người ta chỉ nói được Nước Cau Sọc mà thôi. Nhưng tới đời Tấn thì các cụ đã thâm nho rồi và thấy nôm na là mách qué, gọi tên nước là Cau Sọc xấu lắm, như Nhượng Tống đã thấy Xích Quỷ là xấu lắm, nên khi kể chuyện xưa cho con cháu nghe, các cụ Hoa hóa Cau sọc thành ra Văn Lang.

Nhưng chưa hết rắc rối. Theo tự dạng hiện nay thì Văn Lang là Con trai xâm mình chớ không phải là Cau sọc.

Tại sao Cau sọc lại biến thành Con trai xâm mình?

Khi cụ nào đó cầm bút để ghi lời truyền khẩu được Hoa hóa, cụ ấy đã do dự không biết nên viết Văn Lang nào, và cũng cứ cái quan niệm xấu tốt của Nhượng Tống mà rồi cụ ấy lại viết là Con trai xâm mình, vì con trai xâm mình có vẻ oai hùng hơn là Cau sọc là chuyện thấp lè tè.

Đối với tai của Việt Nam thì Văn Lang nào cũng như Văn Lang nào, còn nghĩa thì nên viết sao cho nó oai hùng.

Cụ ấy viết thế cũng ổn, vì nó phù hợp với tục xâm mình của dân ta, lại thỏa mãn được thói quen thích mỹ hóa của cụ.

Trong quyển L’Art Vietnamien, ông L. Bézacier nhận xét rằng không có chùa chiền, miếu mạo nào của Việt Nam mà không có cây cối nơi sân và quanh đó, để làm tăng vẻ đẹp của công trình kiến trúc ấy.

Điều đó thì chính ta cũng biết. Nhưng kỳ lạ thay, để minh họa nhận xét trên, cả hai quyển L’Art VietnamienL’Art du VietNam, cả hai đều xuất bản ở Bá Lê, cho ta thấy một loại cây khác hơn là ta tưởng tượng. Ta cứ đinh ninh đó là cây đa, cây bồ đề. Nhưng không.

Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư: Cây cau
Chùa Thiên Phúc ở Sơn Tây: Cây cau
Tháp Bình Sơn ở Vĩnh Yên: Cây cau
Phù đồ của chùa Thiên Phúc Bắc Ninh: Cây cau
Chính ngôi chùa Thiên Phúc: Cây cau
Chùa Keo Thái Bình: Cây cau
Chùa một cột Hà Nội: Cây cau

Riêng ngôi chùa Keo được dùng làm ảnh bìa, cây cau lại là “nhơn vật” quan trọng của bức ảnh bìa đó, chớ không phải là ngôi chùa nữa.

Vấn đề vật tổ Cau sọc như đã nói, vô cùng quan trọng vì nó xác định được rằng thuở ấy ta đã dựng nước và nước ta đã có tên là nước Cau Sọc.

Vật tổ Cau sọc đánh ngã được hoài nghi của hai ông L. Aurousseau và H. Maspéro, hai ông ấy cho rằng thuở đó ta chưa có nước, còn Văn Lang thì chỉ do các nhà nho ta lầm tự dạng của Dạ Lang mà chép càn thôi.

Ông H. Maspéro và ông L. Aurousseau mắc bệnh tố cáo sự lầm tự dạng tưởng tượng của ta. Ai lầm đâu không thấy, chỉ thấy chính các ông đã lầm, và còn ngụy tạo nữa là khác.

Chúng tôi đã trình bày về cuộc ngụy tạo của hai ông ở chương về Tây Âu Lạc, giờ chúng tôi tố cáo lại một ông đã lầm khi viết tên chồng của bà Trưng. Ông ấy viết là Thi Tố vì chữ Tố khá giống chữ Sách (B.E.F.E.O. 1918).

Nói thế, không có ý chê bai hai ông đâu. Hai ông là người Pháp, ta dễ dãi cho được, vả lại SáchTố quá giống nhau thì họ lầm là chuyện có thể bỏ qua. Nhưng họ đừng tưởng ai cũng lầm. DạVăn là hai chữ nho đơn sơ ít nét, chớ không rắc rối như SáchTố, thì kẻ mới học, cũng không thể lầm chớ đừng nói là các nhà nho.

Một nhà nho Tây khác đã công kích hai ông L. Aurousseau và H. Maspéro về cái án lầm tự dạng này. Hễ mỗi lần hai ông bí là hai ông đổ cho ta và Tàu lầm tự dạng. Ông Tây thứ ba tên là R.A. Stein mà tài liệu được chúng tôi dùng rất nhiều trong quyển sách này.

Không đồng ý với ông R.A. Stein về nhiều điểm, chúng tôi vẫn khâm phục tài học của ông, không có sách Trung Hoa, La Mã, Hy Lạp, Ấn Độ, Cao Miên, Tây Tạng, Đại Hàn, Nhựt Bổn nào mà ông không đọc để tìm tòi cho vấn đề mà ông trình bày, kinh khủng nhứt là ông đọc cả ngoại thư Trung Hoa, cả sách thuốc, sách bói, sách thiên văn của họ nữa.

Ông có tinh thần khoa học, nhưng vẫn không thiếu cái phần nhân bản trong việc suy luận tìm tòi, thế nên ông giải thích được những chỗ bí hiểm của cổ thư mà óc duy lý cho là nên vứt đi, vì sách nói chuyện huyền hoặc.

Ông R.A. Stein viết: “Ông H. Maspéro đã chứng minh rằng cái quốc gia mà truyền thuyết Việt Nam nói đến, chẳng đáp ứng được một sự thật lịch sử bằng vào sự lẫn lộn tự dạng.

“Tôi thì tôi nghĩ rằng vấn đề rắc rối hơn nhiều. Ta không thể chối cãi rằng các nhà nho Việt Nam là những bậc thâm Nho. Sử địa cổ của họ đã chứng tỏ rằng họ biết sử dụng tài liệu Tàu”.

“Sự ráp nối của các sử gia Việt Nam có lẽ sai, nhưng đó là một sự kiện của tư tưởng (un fait de la pensée), một sai lầm cố ý (Confusion vonlue), đó là họ lập ức thuyết rằng nguồn gốc dân tộc họ xưa kia là ở Hoa Nam. Ta phải tự hỏi tại sao những người đã “bịa” ra nước Văn Lang lại ráp nối Dạ Lang và Văn Lang? Trước hết người ta không thể không bị hiện tượng Lang lưu ý, vì nó xuất hiện trong quá nhiều quốc gia đi từ Tứ Xuyên (Bách Lang) đến Quảng Tây (Dạ Lang) rồi đến Quảng Đông (Việt Lang) kế đến Việt Nam (Văn Lang). Hậu Hán Thư (sử nghiêm trang đấy) cũng có nói đến man di Dạ Lang ở biên giới Cửu Chân, Nhựt Nam. Truyền thuyết Việt Nam cũng có kể đến một người Việt Nam đã dựng lên một nước nhỏ tại bờ sông Mã lấy tên là Dạ Lang”.

Rồi ông R.A. Stein chứng minh được rằng dưới thời đô hộ của nhà Hán quả có sông Dạ Lang thật sự ở xứ ta, đó là sông Hằng Giang ở Quảng Trị ngày nay, chớ không phải các cụ ta lầm lẫn như sử gia Nguyễn Phương thường bắt chước H. Maspéro mà mắng các cụ.

Dân Trung Hoa, đến đời nhà Chu mới viết sử thật sự, nhưng họ nhờ được các tên của vua nhà Hạ một ngàn năm trước đó, thì tại sao dân tộc Việt Nam lại không nhớ tên nước là Cau sọc?

Cái luận cứ cho rằng hễ sử Tàu không có chép, là chuyện đó không có, luận cứ ấy sai từ văn bản sai ra. Tư Mã Thiên, sử gia lớn đầu tiên của Tàu mà cho cả đến những sử gia biên niên như Khổng Tử làm gì biết rõ chuyện nước Lạc Việt vào thuở ấy để mà ghi chép?

Như vậy Cau sọc, tên nước là đúng sự thật lịch sử khi chưa tìm thấy tài liệu nào chứng minh trái lại. Còn biên giới thì tuy sai, nhưng vẫn giải thích được bởi dân chúng lầm lẫn biên giới cổ với biên giới kim chớ không có gì lạ, mà biên giới cổ thì còn xa hơn Động Đình Hồ về phía Bắc nữa, như chúng tôi đã trình bày trước đây.

Dân chúng cũng đã ráp nối chuyện đánh giặc Ân của nước Quỹ Phương với lại chuyện vua Hùng Vương đánh giặc Ân, chỉ vì xưa kia, hồi còn ở Quỹ Phương, quả dân ta đã có đánh giặc Ân, như chúng tôi đã trình bày ở đoạn “Nước Quỹ Phương”.

Những lầm lẫn của các sử gia Tàu (nếu quả có) không liên hệ đến các sử gia ta, ta viết theo truyền thuyết chớ không phải biết theo sử liệu Tàu.

Truyền thuyết có nên vứt bỏ hay không thì cứ hỏi các nhà bác học ngày nay thì biết.

Ông R.A. Stein là một nhà khảo cổ, một nhà bác học. Ông làm việc bằng lý trí thuần túy của tinh thần Descartes. Nhưng ông không quên khía cạnh con người, giải thích được sự lầm lẫn cố ý, cố tình ráp nối địa bàn cũ với địa bàn mới. Thật là đáng phục khi một nhà bác học duy lý không quên phần nhân bản như thế.

Nên biết rằng R.A. Stein là một cố đạo, tức một con người không tin nhảm. Nhưng ông hăng say lao mình vào những chuyện huyền hoặc để moi ra sự thật thì đủ biết tinh thần duy lý không có quyền ngự trị trên tất cả mọi lãnh vực.

Vả lại tìm tòi trong huyền sử vẫn là duy lý đó chớ, ông R.A. Stein không hề nhắm mắt tin ngay, mà ông dùng tinh thần Descartes để phanh phui chuyện huyền thoại, tức ông duy lý hơn cả các nhà duy lý tập sự nữa.

Ai muốn làm việc có kết quả vững, cứ tìm các sách của R.A. Stein mà đọc thì tiêm nhiễm được Pháp dung hòa duy lý và nhân bản của ông, một Pháp rất là mềm dẻo và hữu hiệu, khác hẳn với các cố đạo khác, chỉ biết duy lý cứng ngắc một cách đáng thương hại.

Các nhà viết sách của ta xưa toàn là những bực danh Nho, mà chữ Dạ và chữ Văn khác nhau hơi xa, làm sao có sự lầm lẫn được, có dở chữ Tàu như chúng tôi, cũng không lầm lẫn thì các cụ đâu có lầm, R.A. Stein cũng nghĩ như vậy.

Các cụ Tàu thì lại càng không thể lầm hơn, bởi Dạ họ đọc là Yế, còn Văn họ đọc là Màl. Chưa chắc gì tác giả của Thông Điển đã lầm Dạ Lang ra Văn Lang như ông Nguyễn Phương nói, bởi không sao mà lầm lẫn Yế với Màl được cả.

Vậy tên nước ta, dưới đời Hùng Vương, chỉ là Nước Cau Sọc, vì ta chưa học chữ Nho, không thế nào dùng hai chữ Văn Lang được. Mà đặt tên nước như vậy là vì vật tổ của ta là Cau, hơn thế, là Cau sọc.

Quốc hiệu ấy được truyền miệng trong dân chúng nhiều năm mãi cho đến khi bị trị, ta học chữ Nho rồi thì các cụ mới ghi ra trên giấy cái tên Cau sọc đó. Nhưng vì tinh thần mỹ hóa, thay vì viết Văn LangCau sọc, các cụ viết Văn LangCon trai xâm mình, cho nó oai.

Chúng tôi đã nghiền ngẫm nhiều năm, khi nghiên cứu sổ sách buôn bán của các cụ trong vùng Đồng Môn, tỉnh Biên Hòa, các cụ biên rõ ràng là Văn Lang để chỉ loại Cau sọc mà các cụ bán ra khắp miền Nam.

So sánh hai chữ Văn Lang có nghĩa là cau sọc với hình khắc ở Đông Sơn, lại đối chiếu với vật tổ của Lạc Lồi, chúng tôi tin chắc rằng vật tổ của Lạc Việt là Cau sọc, bị biến thành Văn Lang, Con trai xâm mình, thay vì Văn Lang, Cau sọc, vì tinh thần mỹ hóa của các cụ nhà nho.

Giáo sư Kim Định cho rằng Văn Lang có thể bắt nguồn từ Văn Làng. Nhưng nếu đó là danh tự xưng tối cổ của ta thì không thể có chữ nho Văn trong đó được.

Và khi ta biết chữ Nho, ta biến cái gì ra Văn Lang thì ta phải biến cả hai chữ, chớ không sao lại ghép một chữ Nho và một chữ Nôm. Thí dụ Bố Cái thì hai từ đều là tiếng Mã Lai đã được giải thích là gì ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu.

Ta còn vật tổ nào khác nữa hay không, ngoài Cau sọcNai? Hẳn là phải còn.

Đã bảo Lạc Việt thuộc Cửu Lê, chủ nhơn Hoa Bắc thời Hiên Viên. Mà ở Hoa Bắc thì không hề có cây Cau. Thế thì cây Cau chỉ là vật tổ mới, được thờ tại địa bàn định cư mới là Bắc Việt, vật tổ thứ ba.

Vật tổ thứ nhì phải là cái gì khác hơn nữa kia. Và cái đó phải có mặt rất nhiều trong cổ vật Đông Sơn, không kém tàu cau và Nai chút nào hết.

Vật tổ thứ nhì, chúng tôi cho là con Giao Long.

Thật thế, trên tất cả các món đồ đồng đào được đều thấy có hình của những con vật thuộc loại bò sát, nhưng không giống con gì hết. Người nghệ sĩ Đông Sơn khắc hình rất khéo, thế sao họ lại khắc hình con vật ấy không giống con gì cả?

Rất là giản dị, vì không ai thấy rõ con Giao Long bao giờ cả.

Con vật đó có hình khắp nơi, ở những món không có hình chim, vẫn có con đó, khiến ta thấy sự quan trọng lớn lao của nó, lớn hơn chim nhiều lắm. Trên các lưỡi rìu, không hề có hình Chim, nhưng có hình nai và hình con vật đó, còn trên các trống, các bình thì con vật đó cũng có mặt, thí dụ bình đồng Đào Thịnh.

Con vật này có mặt ở nhiều cổ vật lạ, chẳng hạn như ở trong hộ tâm kinh (plaque peetorale) đào được ở Đông Sơn.

Con vật đó dính líu với con quái vật của hai địa bàn của dân Việt, địa bàn Động Đình Hồ và địa bàn Vịnh Hạ Long.

Con Giao Long ở Động Đình Hồ được Tô Đông Pha nói đến trong bài phú Tiền Xích Bích. Đó là loại bò sát tiền sử còn sống sót ở Hồ Động Đình (địa bàn cũ của dân Bộc Việt) và ở Vịnh Hạ Long nay, mà các sĩ quan hàng hải Pháp đã thường gặp và đặt tên là Serpent de mer.

Một dân tộc có địa bàn trùng hợp với địa bàn Giao Long hẳn phải thường có dịp khiếp sợ, tôn kính con vật đó và thờ nói làm vật tổ.

Chúng tôi có nghe ông Văn Tân đã bác thuyết của Đào Duy Anh và cho rằng vật tổ của dân ta là loại Rồng Rắn. Không được đọc ông Văn Tân, chúng tôi không biết ông quan niệm Rồng Rắn ra sao, có phải là giao long của chúng tôi hay không, và nhứt là không biết do đâu mà ông Văn Tân nghĩ đến Rồng Rắn.

Nhiều sách cổ của Tàu đã định nghĩa sai GiaoCá Sấu. Sự thật thì Giao là loại bò sát, một sinh vật tiền sử còn sống sót cho đến ngày nay, mà người ta đã thấy ở hồ Loc-Ness bên Anh quốc và hồi tiền chiến, các sĩ quan hàng hải Pháp đã thấy ở Vịnh Hạ Long.

Người Tàu cũng đã thấy con vật ấy ở Động Đình.

Đó là vật tổ của bọn Lạc bộ Mã gốc Hồ Động Đình.

Các nhà khảo cổ Âu Mỹ nghĩ cũng lạ. Trên nhiều lưỡi rìu, không bao giờ có hình chim. Ở nhiều đồ vật khác cũng thế. Nhưng ở đâu cũng có hình một loài bò sát không giống con gì cả, có khi có chơn, có khi không chơn. Thế mà các ông không nghĩ đến con vật ấy, mà cứ bị ám ảnh vì chim.


Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
  • G. Grossin: La province Mường de Hòa Bình, R. I., Hà Nội, 1925
  • Nguyễn Văn Ngọc: Người Mường Nam Phong, Hà Nội, 1925
  • (?): Người Mường Châu Ngọc Lặc, Thanh Nghị, 1943
  • G. Dumortier: Sorcellerie et divinisation, Hà Nội, 1903
  • J. Cuisinier: Les Mường, Géographie humaine et sociologie, Paris, 1949
  • L. Chéon: Tất cả các bài tạp chí của tác giả
  • A. Choeffner: Le Lithophone de Ndnt Lieng Krat, R. M., 1951
  • E. Patte: Le Kjokken modding néolithique de Bau à Tàm Tòa, BEFEO XXIV
  • E. Patte: Étude anthropologique du crâne de Minh Cầm, B.S.G., VII

Chương IX
Sông Bộc – Nhau rún thứ nhì của tổ tiên ta

Sử Tàu cho ta biết rằng Việt đánh diệt Cửu Lê của Xy Vưu để dựng nước Tàu.

Dân Lê hiện tồn tại ở Hoa Nam.

Thế thì chi Lạc không có mặt trong cuộc chiến đấu đó hay sao? Chắc chắn là phải có, vì sử Tàu đã cho biết có nhóm Lạc Lê và nhóm Lạc bị gộp trong Cửu Lê.

Nhưng thủ lãnh của chủng Lạc là Xy Vưu bị giết rồi toàn dân có bị tàn sát hay không, hay được tha để được làm dân Tàu?

Cho đến Tần Thỉ Hoàng, kẻ ác độc nhứt đã giết hết cả đàn bà và trẻ con của các thành phố kháng cự nhưng vẫn không tàn sát hết dân, vì cái lẽ giản dị là không thể làm được.

Nhưng theo sự đối chiếu chỉ số sọ thì sọ Hoa Bắc khác sọ Hoa Nam tức không có yếu tố Việt trong sọ Hoa Bắc. Mặt khác lại không hề có lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài ở Hoa Bắc.

Thế thì ta phải hiểu rằng toàn thể dân Việt, hoặc đại đa số dân Việt Hoa Bắc đều di cư xuống Hoa Nam bằng cách vượt sông Hoàng Hà, và đi xa hơn, bằng đường biển, trừ một nhóm Lạc rợ Đông Di, thì không chạy được, bởi tứ phía của họ đều là người Tàu.

Việt có mặt ở Hoa Bắc nhưng không có bị gọi bằng Việt. Danh xưng Việt chỉ xuất hiện vào đầu đời Hạ mà Tàu di cư xuống Kinh Cức và gặp dân Việt ở đó mà thôi.

Họ có biết Việt này là Lạc ở trên chăng? Ta sẽ có bằng chứng là họ biết. Nhưng tại sao họ không gọi bọn dưới như đã gọi bọn trên thì thật là khó đoán. Và Việt là gì thì chúng tôi đã có thử giải thích rồi bằng cách đối chiếu tự dạng Việt nguyên thỉ đời Thương với lưỡi rìu Quốc Oai: Việt chỉ là danh từ, danh từ đó là danh từ của dân Việt, có nghĩa là lưỡi rìu, Tàu đã mượn danh từ đó khi mượn món vũ khí đó.

Và họ đọc chữ Việt đó khác ta, vì các nhà Nho ta đọc sai tiếng Tàu mà có người cho rằng với mục đích mỹ hóa. Người Mường đọc gần đúng như Tàu mà không có học với Tàu bao giờ như ta. Thế thì phải hiểu rằng xưa kia cả ta lẫn Mường đều đọc đúng, và Tàu đã đọc theo ta và Mường thuở ta và Mường còn ở Hoa Nam

Người Mường đọc là Yịt

Người Tàu đọc là Yue.

Nhưng đến đời Xuân Thu thì họ viết sách, chỉ dân Việt ấy bằng một tự dạng tân tạo khác chữ Việt nguyên thỉ. Chữ Việt nguyên thỉ biến thành cái đuôi của chữ Việt Xuân Thu, ở trên thêm chữ Mễ nằm trong khung vuông.

Trong thư tịch Trung Hoa, chữ Việt thứ nhì này xuất hiện lần thứ nhì trong quyển Xuân Thu của Khổng Tử.

Lần thứ nhứt nó xuất hiện ngay ở đầu sách Kinh Thư, nhưng ta chỉ cần theo dõi Xuân Thu, có lợi cho sử của ta hơn.

Cái đuôi được người Tàu xem là cái bộ, khác với người Việt Nam. Ta thì ta xem chữ Mễ là cái bộ, nên ta gọi chữ đó là Việt bộ Mễ, còn Tàu thì gọi nó là Việt bộ Nguyệt, Nguyệt là cái đuôi ấy.

Không chắc là Khổng Tử đã sáng tác tự dạng ấy vì Khổng Tử dùng tự dạng để chép chuyện đời xưa chớ không phải chuyện đương thời, và có thể tự dạng đó đã có sẵn rồi, thuở mà cái đời xưa ấy đang xảy ra.

Dân Việt đời Chu đã tiến lên nông nghiệp thì không còn vấn đề chỉ họ bằng lưỡi rìu độc đáo của họ nữa, mà bằng chữ Mễ vì họ chuyện trồng lúa gạo. Nhưng cái hình lưỡi rìu còn được giữ, có lẽ chỉ để cho biết lối đọc tự dạng mới mà thôi, vì tự dạng ấy mới bày ra, phải dạy cho thiên hạ biết đọc bằng cách nào đó.

Trong thư tịch Trung Hoa, chữ Việt bộ Mễ xuất hiện vào năm 500 T.K., năm phỏng định về việc san định Kinh Thư và biên soạn Xuân Thu.

Nhưng trong Xuân Thu, Khổng Tử chép chuyện đời xưa, chớ không phải chép chuyện đương thời. Cái đời xưa về dân Việt đó là năm 1115 T.K. năm mà Hùng Dịch được phong ở Kinh Man với tước Tử.

Khổng Tử kể chuyện vua Chu Thành Vương phong cho Hùng Dịch ở đất Kinh Man cũng gọi là Kinh Việt, hoặc Châu Kinh và có thể kể như tự dạng Việt bộ Mễ xuất hiện vào năm 1115 T.K.

Chữ Việt bộ Mễ ấy chỉ chi Lạc hay chi Âu?

Ta có bằng chứng rằng nó chỉ chi Lạc, chỉ cái nhóm Mã Lai đợt II mà hiện nay là người Nam Dương, bằng cách đối chiếu ngôn ngữ của dân Sở ở Châu Kinh và ngôn ngữ của người Mã Lai Nam Dương ngày nay.

Thật là huyền diệu. Ngôn ngữ của người nước Sở, tưởng như không còn ai biết được nữa hết, nhưng vẫn có thể biết, có thể dùng để đối chiếu, và chúng tôi đã đối chiếu rồi ở chương Chủng Nam Mông Gô Lích.

Chữ Nho phiên âm Sở ngữ: Nậu ô đồ

Quan Thoại: Nậu ú tù

Mã Lai ngữ Nam Dương (hiện kim): Mâu sú sú

Xem ra thì sau 3 ngàn năm, tiếng Mã Lai Nam Dương không có thay đổi, bằng vào bản đối chiếu trên đây, mặc dầu đó là đối chiếu những từ phiên âm, tức có sai chút ít.

Nhiều nhà bác học Âu Mỹ cho rằng dân bản xứ của Sở là đủ thứ man di, nhưng chúng tôi đối chiếu ngôn ngữ thì biết chắc họ là chi Lạc, đợt II, không có man di nào khác nữa hết, hoặc có mà không phải dân chủ lực. Dân chủ lực phải là dân có ngôn ngữ được sử Tàu cho là ngôn ngữ chánh, mà ngôn ngữ ấy, ta có thể biết được nhờ sự phiên âm rất sát của các cổ thư Trung Hoa. Đó là tiếng Mã Lai Nam Dương, mà ta đã thấy rồi trong cái tên của một viên tướng Sở là Nậu Ô Đồ (của sách Tàu phiên âm) có nghĩa là Bú vú cọp. Tiếng Mã Lai Mâu sú sú cũng có nghĩa là Bú vú cọp. Mâu sú sú được Tàu phiên âm rất sát, chỉ tại các nhà Nho ta đọc sai là Nậu Ô Đồ, chớ Tàu thì đọc gần giống, Nù ú tù.

Cái thuyết cho rằng dân Sở gồm đủ thứ man di của Guy Moréchand hoàn toàn sai, vì Guy Moréchand lập thuyết không chứng tích. Khi chúng tôi đưa ra ba danh từ Sở, mà người Sở tạm dùng làm nhân danh, để đối chiếu thì nó lòi ra là chỉ có một thứ man di độc nhứt, đó là Mã Lai đợt II, tức là Mường, Chàm và bọn đi Nam Dương.

Cái nguy trong sự lập thuyết không có chứng tích là như thế đó.

Vậy ở Kinh Cức tức Hồ Bắc nay, vào đầu đời Chu, không có chi Âu tức Thái, mà toàn thể là Lạc đợt II, tức Mã Lai Nam Dương. Sở chỉ là tổ tiên trực tiếp của người Mường chớ không phải của ta. Nhưng thật ra thì ta vẫn có mặt nơi đó. Để rồi xem.

Thế rồi tịt ngòi. Hùng Dịch bị bỏ quên, y hệt như Vô Dư trước đó. Nhưng thình lình, chép về một câu chuyện đời xưa, ít xưa hơn, một câu chuyện xảy ra năm 672 T.K. tức sau câu chuyện trước đến 443 năm, Khổng Tử lại đổi tự dạng của chữ Việt.

Lần đầu tiên, chữ Việt thứ ba xuất hiện trong thư tịch Trung Hoa. Việt có nghĩa là Vượt qua.

Vào năm 672 T.K. đó, vua Sở Thành Vương lên ngôi và vua nhà Chu lại xuống chiếu phủ dụ: “Khanh hãy chế phục và bình định những rợ Nam man để cho lũ man di Việt đừng xâm phạm trung nguyên”.

Nên biết rằng Khổng Tử thận trọng từng chữ, vô địch thế giới về cách dùng danh từ, thì không phải người muốn viết sao thì viết đâu, mà hẳn có một biến cố gì xảy ra.

Biến cố ấy là đây.

Vào năm đó, nước Sở đã ăn lấn xuống Hồ Nam rồi, sau khi diệt nước Huyền ở Hồ Nam, và như vậy, họ phải trực tiếp chạm trán với một nhóm Việt khác hơn. Đó là nhóm Âu.

Té ra Âu chạy xuống Hồ Nam và Quý Âu. Nhưng ở hai nơi đó, Âu gặp đồng bào đang nằm sẵn ở nơi đó, hay gặp đất trống thì chắc trên đời này không ai có thể biết được.

Nhưng có một điều này là Âu tuy còn bị gọi là Âu, nhưng lại được gọi bằng danh xưng khác nữa là Âu Việt vì Tàu biết rằng Âu với Việt đồng chủng.

Và Âu Việt chỉ là người Thái ngày nay chớ không có ai đâu lạ, vì người Âu tồn tại và họ nói tiếng Thái.

Vậy họ tái ngộ lại với Âu Hoa Bắc và chợt thấy rằng Âu cũng giống Lạc, nên cũng gọi Âu là Việt, nhưng vì Âu có khác nhau chút ít với Lạc nên họ phải bày ra một tự dạng thứ ba để có hai tự dạng hầu chỉ hai thứ dân.

Nhưng có một sự kiện hơi kỳ dị là họ không dùng tự dạng bộ Mễ để chỉ Lạc nước Sở nữa mà dùng để chỉ dân Âu Việt đó, còn Việt nước Sở thì được chỉ bằng tự dạng mới là tự dạng thứ ba.

Mãi cho đến ngày nay, dân Quảng Đông cứ còn được chỉ bằng chữ Việt bộ Mễ.

Nhưng ta suy cho cặn kẽ, ta sẽ phải phục các ông Tàu đời xưa, họ làm việc ý thức kinh hồn. Trong cái mà ta ngỡ là rối reng, vô trật tự, lại có suy tính, có sắp đặt hẳn hòi, chớ không phải làm sao cho xong thì thôi đâu.

Cả hai thứ Việt đều trồng Mễ. Vậy chữ Việt nào bằng tự dạng bộ Mễ cũng đúng cả. Nhưng họ cần phân biệt, mà Âu thì không có biệt sắc nào hết, trái lại Lạc thì lại có. Lạc có chuyện lạ là Tàu biết đám đó có một phần đã VƯỢT Hoàng Hà, để nhập với Lạc nằm sẵn ở dưới Hoàng Hà, còn Âu thì chạy mất ngay sau khi thua Hiên Viên nên họ quên Âu này là Lê kia.

Thế nên Lạc ở Sở mới được chỉ bằng tự dạng mới, nói lên được cái biệt sắc VƯỢT Hoàng Hà.

Tự dạng thứ ba đó là một động từ mà họ đã có sẵn rồi, chớ không phải là tân tạo đâu. Động từ ấy có nghĩa là Vượt qua. Nhưng động từ ấy lại là đồng âm với Việt bộ Mễ.

Thế thì hay quá. Họ cứ biến động từ ấy thành danh xưng để chỉ Việt nước Sở là dân đã Vượt qua Hoàng Hà, một công mà hai việc, giữ được âm Việt, lại chỉ được một biệt sắc của một thứ dân mà họ muốn phân biệt với Âu.

Chữ Việt thứ ba ấy lại còn hay ở chỗ này là nó gồm chữ Tẩu là chạy trốn, ăn vào, với việc chạy trốn của Việt Hoa Bắc.


*


Không thể tin rằng vì lười mà họ bày ra tự dạng thứ ba. Họ đã bày ra quá nhiều chữ một ông quan thường cỡ ông Quận trưởng đời Tần, ông Vương đời Hán, suốt đời cũng chẳng dùng tới mà chỉ có các nhà bác học là có dùng mà thôi.

Như vậy là họ lấy động từ Việt để biến thành danh từ chỉ tên dân là họ có ý ngầm nói cái gì đó. Rồi ta sẽ thấy cái ý thức đó lộ rõ ra với chữ Việt thứ tư xuất hiện vào đời Hán, trong quyển Hoài Nam Tử của Lưu An.

(Cũng nên nhớ rằng Việt bộ Mễ dùng để chỉ riêng Âu tức Thái, là do Khổng Tử ghi vào sách từ năm soạn Xuân Thu kể câu chuyện trên, chớ không phải vì vua Quang Trung muốn đòi Lưỡng Quãng nên Tàu mới sửa lại vào thời Nguyễn Huệ để phi tang đâu, như có người tưởng và viết ra như vậy).

Cũng nên lưu ý quý vị rằng lại có một chữ Việt thứ tư nữa, chữ Việt này xuất hiện vào đời Hán, trong quyển Hoài Nam Tử của Lưu An.

Chữ Việt thứ tư hơi giống giống chữ Việt thứ ba, còn giữ chữ Tẩu là chạy trốn, nhưng chữ Tuất thì bị thay bằng chữ Thích giản dị hóa.

Chữ Thích là cái lưỡi rìu, viết rất rắc rối, nhưng giản dị hóa rồi thì nó chỉ còn có một bên phải, mà bên phải đó hơi giống bên phải của chữ Việt thứ ba, nhưng khác nghĩa, cố nhiên.

Bên phải ấy, cứ là chữ Qua là cây Giáo, nhưng trong chữ Thích giản dị hóa cái phết và cái chấm ở bên trái chữ Tuất được thay bằng một cái đá.

Tại sao Lưu An lại làm như vậy? Cũng cứ là có ý thức, có suy tính.

Lưu An nói chuyện Tần Thỉ Hoàng đánh Ngũ Lĩnh mà ở Ngũ Lĩnh thì người Tàu phải điên đầu với lu bù thứ Việt: Nước Đông Âu, nước Tây Âu, nước Mân Việt và hàng chục nhóm Việt nhỏ chưa lập quốc sống cài răng lược giữa hai ba quốc gia đó.

Không thể dùng chữ Việt thứ ba được nữa vì cớ bây giờ có Âu, có Lạc, mà lại có lu bù Lạc.

Tự dạng thứ tư đó, không biết có phải do chính Lưu An sáng tác hay không, nhưng nói lên cái ý niệm Bách Việt, cái ý niệm không còn phân biệt được nữa trong vùng hỗn loạn đó, mà hay nhất là nó trở lại với ý niệm lưỡi rìu thuở ban đầu với chữ Thích giản dị hóa.

Ngày nay thì tất cả các sách Việt có chua chữ Tàu đều dùng tự dạng thứ tư đó, chỉ trừ quyển Việt Nam Văn Học toàn thư của Hoàng Trọng Miên là dùng chữ Việt thứ ba.

Nhưng không phải các tác giả ta có thâm ý nào trong lối dùng tự dạng mà vì thợ đúc chữ ở Chợ Lớn chỉ đúc có chữ Việt thứ tư mà thôi, tức Tẩu + Thích, có ai muốn dùng tự dạng thứ ba cũng không được nữa.

Sách của ông Hoàng Trọng Miên, chữ Nho viết tay rồi làm bản kẽm, nên ông tha hồ muốn dùng chữ Việt nào tùy thích của ông, hay của ông cụ viết chữ Nho hộ ông.

Kể ra thì chữ Việt thứ tư của Lưu An là sai vì nó chỉ là chữ Việt dùng tạm bợ trong thời hỗn loạn không thể phân biệt Việt nào với Việt nào, chớ khi biết rõ Việt Nam là Lạc hai đợt thì phải dùng chữ Việt thứ ba mà Khổng Tử đã dùng để chỉ đích xác dân Lạc của cả hai đợt: bọn Tẩu + Tuất.

Thế thì toàn thể Việt ở trên Ngũ Lĩnh là một thứ giống nhau, Sở, Ngô, Việt gì cũng được chỉ bằng một tự dạng độc nhứt. Bách Việt là danh xưng dùng để chỉ Việt ở dưới Ngũ Lĩnh, còn bọn Việt ở trên, không bao giờ được gọi là Bách Việt cả đâu. Ta cũng không bao giờ được họ gọi là Bách Việt. Đã có bằng chứng như thế.

Hai chữ Việt, chữ thứ ba của Khổng Tử và chữ thứ tư của Lưu An, trông sơ, không khác nhau bao nhiêu, có thể tưởng như là không có thay đổi tự dạng, nhưng có thay đổi và thay đổi rất hay, vì nó được viết với chữ Thích giản dị hóa, tức trở lại ý nghĩa Việt nguyên thỉ là cái rìu, vừa nói lên được tình trạng hỗn loạn, lại vừa không bỏ mất ý niệm lưỡi rìu như chữ Việt thứ ba đã bỏ mất.

(Nhưng tự điển Đào Duy Anh lại viết chữ Việt thứ ba ấy với chữ Thú chớ không phải chữ Tuất).

Thật ra thì hai chữ đó quá giống nhau, chỉ có cái chấm là khác nhau mà thôi, và có lẽ thợ nhà in của Đào Duy Anh đã sắp lầm chăng?

Nhưng trong bản chánh thì không thấy có cải chính. Mà nếu là Thú thì là Tàu đã dùng tự dạng rất hay, vì bọn Việt thứ ba đó là bọn Việt Vượt Hà để Tẩu, nhưng có đồn thú lại sau khi Vượt Hà, chớ không chạy biệt dạng như bọn Âu.

Nhưng dầu sao, tự dạng thứ ba cũng chỉ là động từ thường mà Tàu đã có sẵn rồi, và chỉ được Khổng Tử mượn âm để làm tên dân hầu phân biệt hai thứ Việt mà họ chợt biết là có hai thứ khi Sở bành trướng xuống Hồ Nam, gặp Âu ở Quý Châu, chớ không có hàm ý nghĩa gì rõ rệt như Việt nguyên thỉ hay Việt bộ Mễ.

Chữ Việt thứ tư chỉ Việt Nam ngày nay, được toàn thể báo Tàu ở Chợ Lớn dùng, tuy sai, về nguyên tắc, nhưng lại đúng hơn Việt thứ ba, vì nó trở lại ý niệm lưỡi rìu.

Sự phân biệt hai chi bằng hai tự dạng xảy ra trễ lắm cũng vào năm 672 T.K. Có thể họ đã phân biệt trước đó nữa và tự dạng thứ ba đã có trước đó. Nhưng không còn dấu vết gì khi chúng ta chỉ biết xem thư tịch là mốc dấu độc nhứt và chắc chắn mà thôi.

Lại tịt ngòi trong 50 năm nữa, tức cho tới năm 613 T.K. thì dân Việt lại được đếm xỉa tới. Lần này kẻ điểm dân Việt là Tả Khâu Minh.

Thật ra thì Tả Khâu Minh viết Tả Truyện vào khoảng năm 560 T.K. và cũng nói chuyện đời xưa, nhưng chỉ xưa có 50 năm mà thôi, vì ông chép chuyện xảy ra năm 613 T.K. Cho đến năm 659 T.K. thì Khổng Tử, trong Xuân Thu, còn tiếp tục gọi đất đó là đất Kinh Việt nhưng không nói đến man di Việt nữa. Vào năm 659 đó thì họ Khổng bỏ địa danh Kinh Việt mà gọi nơi đó là nước Sở. Thế nghĩa là bọn di cư, dưới sự lãnh đạo đợt hai của Hùng Dịch đã tràn ngập dân Việt rồi, tự thấy họ đủ sức lập quốc nên mới dựng lên cái nước mà Khổng Tử vừa chỉ tên. Họ Khổng chuyên môn gói ghém tất cả các sự kiện chằng chịt vào một câu ngắn hai ba tiếng thì ta phải suy luận để mà hiểu cho đúng. Với tinh thần tôn quân và quý phái triệt để, Khổng Tử coi thường vua Sở, nhìn nhận nước Sở đã thành lập mà không nhìn nhận vua Sở và cứ tiếp tục gọi ông ấy là Sở Tử, cái tước hạng bét mà Chu Thành Vương đã ban cho Hùng Dịch. Khinh cả quý tộc Trung Hoa họ Hùng, dĩ nhiên Khổng Tử càng khinh man di Việt hơn và không hề bố thí cho bọn ấy lấy một tiếng.

Nhưng Tả Khâu Minh, người làm “phụ đề” cho Khổng Tử lại khách quan và khoa học và nhờ Tả Truyện mà ta biết rõ hơn về dân Việt.

Theo Tả Khâu Minh thì tiếm xưng Vương hiệu năm 613 T.K. rồi thì Hùng Cừ, cháu sáu đời của Hùng Dịch, bắt đầu nuốt các nước Việt. Thế nghĩa là Việt tộc đã đủ văn minh để mà lập quốc rồi vì đã có các nước Việt trước cả khi dòng họ Hùng ly khai lập quốc nữa, chớ không phải sau. Quả thật thế, về sau, sử đời Hán, nói rõ hơn, Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng chép rằng dòng họ Hùng đã bắt đầu nuốt một nước Việt, một nước hoàn toàn man di, vào năm 887 T.K. thuở mà Sở chưa có quy củ gì cả, chưa lập quốc, và cứ cai trị với tước Tử của Chu Thành Vương.

Người ta nói nuốt chủng Việt chỉ là sáng kiến của họ Hùng, chớ không phải của Trung Hoa. Nhưng nếu họ Hùng không làm, chánh quốc của y cũng sẽ ra lệnh cho y làm.

Lời dặn dò Hùng Dịch của Chu Thành Vương năm nhà Chu gởi y xuống đất Kinh Việt không phải là có giá trị vĩnh viễn mà chỉ là thái độ tùy nghi theo tình thế. Nhà Chu chưa đủ mạnh, còn dân Việt thì quá đông, chưa thể nuốt được vào trước 887 T.K.

Đến thời Hùng Cư thì mọi việc đã chín muồi, nhưng nhà Chu lại suy vong, còn đâu để ra lịnh nữa, thế nên họ Hùng mới tự động có sáng kiến, và sáng kiến đó chỉ là hoài bão âm thầm của Hoa chủng bởi Hùng Cừ thuộc Hoa chủng. Y làm ăn riêng cho y thật đó, nhưng trên thực tế thì là cho Trung Hoa.

Nhưng họ Hùng chỉ chiếm chơi vậy thôi để bắt nộp cống, chiếm xong rút về hết vì không đủ sức trực trị man di. Vấn đề không thể trực trị man di, về sau cũng tái diễn lại mãi cho đến dưới thời Triệu Đà và Lộ Bác Đức, họ cứ để cấp lãnh đạo của ta lại là cấp Lạc Tướng chỉ trị lỏng lẻo qua trung gian bọn hợp tác đó mà thôi.

Lại cứ theo Tả Khâu Minh thì năm 611 T.K. tức 176 năm sau Hùng Cừ, toàn thể dân Việt ở các nước rợ ở bờ Đông sông Hán, mà họ Hùng gọi là các rợ Hàn Đông, gồm có những nước sau đây: nước Ba (xin đừng lầm với nước Ba thứ nhì ở Tứ Xuyên), nước Đặng, nước Ưu, nước Giao, nước La, nước Viên, nước Nhị, nước Chẩn, nước Thân, nước Giang, nước Tùy, nước Huỳnh, nước Dung, nước Bộc, đều nổi lên đánh Sở.

Đây là một cuộc kết luận của các quốc gia Việt để chống một nước xưa kia cũng là rợ Việt nhưng đã được đồng hóa với Tàu rồi và tiếp tục con đường Nam tiến, cầm cờ tiên phong cho Trung Hoa.

Tả Khâu Minh cho biết Sở Trang Vương thấy địch quá đông, hốt hoảng định bỏ nước di cư toàn dân đi về hướng Tây, may nhờ các tướng sĩ trấn an và liều chết xông vào chiếm được nước Đặng và nhập luôn nước đó vào nước Sở, có lẽ vì bây giờ phong tục đôi bên gần nhau rồi, nên đã trực trị được rồi.

Nhờ thế mà man di các nước khác phải lui binh.

Man di Việt đã có ý thức quốc gia rồi, lại biết đoàn kết nữa, và không phải họ bỏ nước cho dân Trung Hoa mà không chiến đấu anh dũng như hồi họ còn ở Hoa Bắc.

Tả Truyện lại cho biết có vài chi tiết nữa rất là quan trọng đối với việc tìm tòi của ta: Nhóm Việt lãnh đạo liên minh đó tên là nhóm Bộc Việt vốn là dân Bách Bộc ở trên Hoàng Hà chạy xuống đó.

Xét tự dạng của tiếng Bộc thì như thế này. Chữ ấy viết y như là tên của con sông Bộc ở giữa tỉnh Hà Nam và Sơn Đông.

Theo Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ thì sông Bộc bắt nguồn trên Cao nguyên Sơn Đông rồi chảy qua Hà Bắc, Hà Nam, và tại Hà Nam nó đổ vào sông Hoàng Hà. Thế là một phụ lưu của sông Hoàng Hà vậy.

Theo tự điển Từ Hải thì sách Bạch Bộc Điền cho biết rằng Bách Bộc là chủng tộc danh, và theo Lệ sử dân thì Bộc thị tức Bách Bộc chi tộc.

Còn Nhỉ Nhả thì định nghĩa rợ Lạc định cư từ lưu vực sông Bộc ra đến biển Đông và lên đến cực Bắc Trung Hoa.

Vậy Bộc Việt chỉ là bọn Bách Bộc ở trên sông Hoàng Hà di cư xuống mà bọn Bách Bộc thì lại có địa bàn ăn khớp với địa bàn của dân Lạc Đình, tức Lạc bộ Trãi.

Thế thì ngay ở Hoa Bắc vào thời thượng cổ, ta đã là Bách rồi, nhưng không là Bách Việt mà là Bách Bộc. Danh xưng Bách Bộc chỉ là danh xưng mà Tàu đặt ra, lấy địa bàn làm ngữ nguyên, chớ không lấy chủng tộc, Lạc kia, mới có ngữ nguyên chủng tộc.

Vậy Cửu Lê = Bách Bộc = Lạc = Lai di

Sở dĩ cứ “Bách” mãi là vì chủng Mã Lai chưa thống nhứt, nhóm này khác nhóm kia chút ít và tự trị. Xy Vưu chỉ liên kết họ được để đánh Hiên Viên là kẻ thù chung chớ sự liên kết này không là một cuộc thống nhứt. Sông Lạc cũng ở vùng đó, nhưng cách sông Bộc lối 100 cây số, đó là chưa kể sông Lạc thứ nhì, mà thuở xưa Tàu viết với Các + Chuy, sông Lạc ấy thì chảy từ Thiểm Tây vào đất Thục và đó là địa bàn của rợ Khuyển Nhung. Nhưng cả hai sông Lạc ấy, ngày nay đều viết với bộ Thủy hết thì khó lòng mà biết Lạc thư ở vùng sông Lạc nào, dầu sao cũng không phải ở vùng đất của Bách Bộc, tổ tiên của Bộc Việt.

Té ra Tàu biết quá rõ về bọn Cửu Lê thời Xy Vưu, chuyện Hiên Viên diệt Xy Vưu không chép gì hết bọn Cửu Lê, nhưng các sách khác thì lại có chép, chỉ cần ráp nối lại là dò ra nguồn được. Cửu Lê tức Bách Bộc tan rã, nhóm Lạc bộ Trãi di cư sang Triều Tiên để biến thành rợ Tam Hàn (theo sách Tàu và theo khoa khảo tiền sử Âu châu). Nhóm khác vượt sông Hoàng Hà xuống dưới này để bị gọi là Bộc Việt, tức rợ Việt nhưng gốc là Bách Việt, chớ không phải là rợ Việt nằm sẵn tại chỗ.

Thế nghĩa là Bộc Việt là Mã Lai đợt I, loại không di cư bằng đường biển của khoa khảo tiền sử, mà là loại vượt Hoàng Hà mà khoa khảo tiền sử không biết là có.

Tiền sử học đã cho biết bọn di cư tới Cổ Việt là bọn đi bằng đường biển. Nhưng chúng tôi lại nghiên cứu bọn vượt Hà sẽ bị đồng hóa với Lạc bộ Mã chủ đất Hoa Nam, vì không có tài liệu nào về bọn đi biển cả, kể cả danh từ bé cũng là danh từ của Tàu mà ta vay mượn, kể cả một truyền thuyết nghèo nàn về cuộc di cư oanh liệt đó cũng vắng bóng thì ta tạm theo dõi bọn đi bộ vậy.

Bọn này vượt Hà từ thời Hiên Viên, chớ không phải vào thời Tả Khâu Minh đâu, và có lẽ từ đó đến đời Chu, họ đã bị đánh đuổi lần xuống đến sông Dương Tử thì Tả Khâu Minh gặp lại họ. Có lẽ vượt Hà rồi, họ định cư lại ngay, cho đến đời Hạ thì Tàu cũng vượt Hà tại ngả ba sông Vị rồi ở các nơi khác nữa, như ở cái chỗ mà bọn Bách Bộc vượt Hà thì người Tàu cũng vượt Hà để về sau lập nước Trịnh nằm “nửa Nam nửa Bắc”, tức nước Trịnh gồm đất của Bách Bộc ở bên trên Hoàng Hà và đất bên dưới Hoàng Hà của Bách Bộc vượt Hà.

Mã Lai đợt I đã gặp Mã Lai đợt II rồi, từ đời Hạ. Nhưng ai giỏi hơn ai?

Ngay từ thuở đó Mã Lai đợt I cũng đã lãnh đạo Mã Lai đợt II rồi, vì kẻ lãnh đạo là Bộc Việt.

Vậy là có bằng chứng rằng Tàu biết Việt ở dưới Hoàng Hà đích thị là Lạc ở trên Hoàng Hà. Họ gồm hai chi, một chi nằm sẵn ở dưới Hoàng Hà từ đời thuở nào không ai biết và một chi là bọn ở trên vượt Hà chạy xuống đó, không kể bọn di cư ra Triều Tiên mà Tàu cũng biết.

Tàu chỉ không biết có một việc là bọn di cư sang Triều Tiên ấy rồi lại di cư sang Nhựt, Đài Loan, Hải Nam, Việt Nam và Célèbes mà thôi.

Nhưng chính nhờ họ biết một giai đoạn Lạc Đông Bắc đi Triều Tiên mà ta giải thích được cái bí của khoa khảo tiền sử, khoa ấy không biết Mã Lai đợt I từ đâu mà di cư sang Triều Tiên.

Ta đã thấy địa bàn liên tục của Âu tức Thái, nhưng giờ thì ta mới thấy địa bàn liên tục của Lạc. Ta không thấy ngay vì họ bị Tàu đổi tên, tùy theo địa bàn.

Lạc là một nhóm trong Bách Bộc có địa bàn ở sông Bộc (Hoa Bắc). Vượt Hà xong, họ định cư ở Hà Nam, cái phần Hà Nam nằm ở dưới Hoàng Hà khác với phần chứa sông Bộc, nhưng cũng cứ trong tỉnh Hà Nam. Rồi từ Hà Nam đó, họ bị Vô Dư lấn xuống Hồ Bắc và định cư tại lưu vực Dương Tử, ở ranh giới Hồ Bắc và Hồ Nam, ở đó họ lập quốc, mà lập lu bù quốc rồi liên kết đánh Sở.

Tuy nhiên địa bàn Lạc vẫn có bị đứt đoạn ở Bắc Phúc Kiến mà Âu thọc ra biển và đường bộ, chớ không phải chỉ bằng đường biển như khoa khảo tiền sử đã cho biết.

Dĩ nhiên bọn chạy bằng đường biển phải tới trước, còn bọn chạy bằng đường bộ tới sau vì bận lập quốc dọc đường, tức tới sau đến 2.500 năm, tới đồng lúc với Mã Lai đợt II.

Dầu sao, cái gốc chánh cứ là Bách Bộc, một danh xưng mà có lẽ Tàu đặt cho họ, còn danh tự xưng của họ cứ là Lai (Mã Lai) mà Tàu đọc là Ló rồi các nhà nho ta đọc sai lại là Lạc.

Bọn chạy bộ đồng chung số phận với Mã Lai đợt II, với bọn nói Cẳng thay Chơn, và có lẽ tới nơi cùng lúc với nhau, và người Mường, bọn ở trọ có lẽ là bọn này, vì sự hỗn hợp ở động từ đã giúp họ quen biết nhau nên dễ xin ở trọ hơn là bọn Lạc nói Cẳng xa ta hơn bọn hỗn hợp.

Chúng tôi đã chứng minh rằng trống đồng là của bọn đợt II, nhưng nhà bác học Trung Hoa Lăng Thuần Thanh lại viết rằng bọn Bộc Việt này có trống đồng, thì thật không còn biết ai đã phát minh trống đồng nữa, vì Bộc Việt đến xứ ta cùng lúc với bọn II thì cả hai thứ Bộc Việt và đợt II đều có trống, nhưng ai đã phát minh ra trống? Có thể là của họ II mà Bộc Việt bắt chước, mà cũng có thể là của Bộc Việt mà đợt II bắt chước, dầu sao đó cũng là phát minh về sau, tại địa bàn Hoa Nam, chớ thuở rời địa bàn Hoa Bắc thì Mã Lai đợt I chưa biết kim khí.

Nhờ Tả Khâu Minh mà ta biết rõ đơn giản đích xác của từng nhóm Bộc. Theo họ Tả thì nước Bộc là nước chánh hiệu của nhóm Bộc Việt, nhưng không rõ nằm tại đâu. Nhưng nước Viên thì nằm tại đầm Mộng.

Cũng nên biết sơ qua về hai cái đầm danh tiếng ở vùng đó là đầm Vân và đầm Mộng, được Kinh Thư nói đến khá nhiều. Hai đầm lầy nằm khít nhau, một ở tả ngạn Dương Tử, một ở hữu ngạn Dương Tử. Nó giống như đồng Tháp Mười của ta là ở quá thấp và toàn là bùn lầy không dùng được. Nhưng đến đời Chu thì nó đã đầy lần, khô lần, vì thiên Vũ Cống cho rằng đất đã cày cấy được rồi nên nước Viên lập quốc ở đó là chuyện dĩ nhiên.

Nhà bác học Trung Hoa ngày nay, Lăng Thuần Thanh, gọi đó là hồ Vân Mộng còn các nhà học giả ta thì cho đó là tên thứ nhì của hồ Động Đình.

Nhưng chúng tôi kiểm soát thì không phải thế. Đọc quyển địa lý mới nhứt của Trung Hoa là quyển Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ, ta chỉ thấy bình nguyên Vân Mộng, chớ không có cái hồ nào tên là hồ Vân Mộng cả, mà bình nguyên ấy lại nằm cách xa hồ Động Đình đến một trăm cây số.

Hồ Động Đình chỉ có bốn tên mà chúng tôi đã ghi ra rồi ở chủng Nam Mông Gô Lích, còn hồ Vân Mộng, có lẽ hồi thượng cổ là hồ thật đó, nhưng đến đời Chu thì nó đã được bồi đắp thành bình nguyên rồi. Các học giả ta lẫn lộn hai tên, còn Lăng Thuần Thanh thì không lẫn lộn, nhưng có lẽ viết theo tài liệu thượng cổ mà cánh đồng ấy là con hồ.

Như đã nói, Tả Khâu Minh cho biết nước Viên ở đầm Mộng, còn Lăng Thuần Thanh thì cho biết nước Bộc nằm cạnh “hồ Vân”. Mặc dầu họ Lăng sai loại danh, nhưng nhờ họ Lăng mà ta đoán được rằng nước Bộc đối diện với nước Viên, Viên chiếm đầm Mộng, thì Bộc hẳn là phải chiếm đầm Vân ở tả ngạn Dương Tử.

Vị trí của hai nước Viên và Bộc đã được biết. Nước Dung cũng thế vì nó nằm sát bờ Đông sông Hán.

Từ bao lâu nay, Tây, Tàu, Nhật, Đại Hàn, Việt đều có thử vẽ dư đồ của nước Tàu từ thời Xuân Thu và thời Chiến quốc nhưng không ai vẽ đúng hết.

Nhưng tưởng không khó vẽ ra bức dư đồ ấy đâu, vì tài liệu có sẵn trong nhiều sách đời Chu.

Thí dụ họ cho rằng nước Trịnh nằm nửa trên nửa dưới sông Hoàng Hà tức là ở Hà Nam. Đó là ở chiều ngang, còn về chiều dọc thì nước Trịnh nằm ở giao lưu sông Bộc và sông Hoàng Hà (Hoa Bắc).

Đại khái là như thế còn biên giới chính xác của nước Trịnh thì cũng có thể biết được nhờ những sông núi nơi xảy ra các chiến trường nước Trịnh đánh với nước này nước nọ.

Bao nhiêu nước khác cũng thế, thí dụ nước Ngụy có lân bang phía Tây là Tần, phía Đông là Hàn, Triệu, còn Triệu thì ở Tây nước Tề.

Nước Ngụy đó nằm ở phía Bắc nước Sở và ở phía Nam nước Hàn, nước Yên, nước Triệu. Vậy Ngụy không ở Đông Triệu mà ở Đông Nam của Triệu Đà.

Kinh đô Ngụy là An Ấp, tức kinh đô của nhà Hạ, ở Tây Nam Sơn Tây, dư đồ ngày nay có vẽ rõ, còn kinh đô của Triệu là Hàm Đan, dư đồ ngày nay cũng có vẽ rõ.

Ngụy lại bỏ An Ấp, dời đô qua Đại Lương và xưng là nước Lương.

Vẽ xong dư đồ nước Ngụy rồi, nhờ những yếu tố đó, thì các nước khác quá dễ vẽ. Khi lấy Triệu làm cái mốc đánh dấu trên dư đồ ngày nay.

Trong cái ngỡ là hỗn loạn của các cổ thư Trung Hoa ta lặp lại được trật tự rõ ràng, minh bạch là cái hỗn loạn đó do sự làm việc thiếu Pháp của Tàu đời Chu, chớ không phải do sự dốt của họ.

Họ không dốt, họ nói đúng, thì họ nói lộn xộn thế nào rồi ta cũng biết được sự thật, vì họ không có mâu thuẫn ở chỗ nào hết nhờ họ không dốt.

Ngô và Việt khi đánh nhau ác liệt quá, cả hai đều sắp diệt lẫn nhau thì họ thương thuyết với nhau như thế này: “Hai nước ta có y phục, phong tục, kiếm, thuyền giống nhau thì nên thống nhứt lại là hơn”. Lời thương thuyết đó cho ta biết họ là Việt thuần chủng, còn các nước khác là Tàu, hoặc đã lai Tàu như Sở.

Nước La là nước nào? Ngày nay dân tộc mà ta gọi là Lô Lô, thì Tàu gọ là La La. Vậy nước La là nước của dân Lô Lô, mà ta sẽ chứng minh rằng Lô Lô cũng là Việt, thuộc chi Âu tức Thái.

Nước Giao cũng là một nước của dân Việt, cái nước mà cổ thư Trung Hoa cho biết là dân búi tóc, và ông Lê Chi Thiệp và ông Nguyễn Bạt Tụy cho rằng nước tổ của ta, vì danh xưng Giao và vì sự kiện búi tóc.

Nhưng chúng tôi đã cho thấy ở một chương khác rằng búi tóc là tục của một khối Việt lớn, cả Dravidien cũng búi tóc, chớ không riêng gì Giao. Và không tìm được dây liên hệ giữa Giao đó và Giao Chỉ, mà có liên hệ giữa Bộc Việt và Lạc Việt. Liên hệ ấy là Bộc Việt có trống đồng, y như Lạc Việt (Lăng Thuần Thanh). Lăng Thuần Thanh cho biết rằng chỉ có Bộc Việt là có trống đồng chớ không phải tất cả các nhóm Việt đều có. Giao không có trống đồng.

Ta thấy gì? Tả Khâu Minh kể chuyện Bộc Việt vào năm 611 T.K, tức chuyện xảy ra trước thời Chiến quốc.

Mà vào thời đó thì theo nhà bác học Lăng Thuần Thanh, dân Bộc Việt đã biết chế tạo trống đồng loại I rồi (xin đừng lầm trống đồng loại I với Mã Lai đợt I. Mã Lai đợt I chưa biết kim khí thuở di cư, xin nghiên cứu riêng lịch sử trống đồng).

Mà Bộc Việt đích thị là Lạc ở trên Hoàng Hà, di cư xuống đó sau biến cố Xy Vưu.

Họ đã có trống rồi năm 611 T.K. thì tức họ đã tiến lên thời đại đồng pha ít lắm cũng 500 năm trước đó. Thế là chủng Mã Lai đã tiến đến thời đại đồng pha đã ba ngàn năm rồi, tính theo con số tối thiểu về năm tháng.

Thế là ăn khớp với chuyện Tư Mã Thiên kể chuyện Tần Mục Công diệt được rợ Nhung năm 659 T.K. rồi thì vua nhà Chu ban thưởng cho Tần Mục Công một cái trống bằng kim khí.

Người Tàu không bao giờ có chế tạo trống bằng kim khí cả, và tặng trống là món quà rất xoàng đối với cái công lớn đó, nếu trống đó là trống của Tàu. Nhưng nếu là trống của Việt, thì đó là một thứ quà lạ, quý báu, vì Tàu không có.

(Ấy đó, Tần là Việt Khuyển Nhung của giáo sư Kim Định đó, thế sao Tần lại diệt Khuyển Nhung?).


*


Nhưng khoa khảo tiền sử lại không nói đến đồ đồng pha của Mã Lai đợt II, trong khi ở khắp các địa bàn Mã Lai đợt II đều có trống đồng và rìu đồng.

Có lẽ bọn di cư, lúc chạy đi, không thể lỉnh kỉnh với nhiều thứ vật dụng không cần thiết. Họ chỉ tái tạo trống đồng tại nơi định cư mà thôi.

Còn ở các địa bàn khác thì vì một rủi ro nào đó mà các nhà khảo tiền sử lại gặp trống một nơi, lưỡi rìu chữ nhựt ở một ngả, nên tả dụng cụ Mã Lai đợt II, họ không hề nói đến trống đồng.

Sự kiện trên đây không ăn khớp lắm với truyền thuyết của người Mường về trống đồng: là trống do người xâm nhập bằng đường biển đưa tới, và vua Hùng Vương bắt chước kiểu vì ông vốn thuộc đợt I, tuy cũng tự lực tiến đến đồng pha, nhưng không có chế tạo trống.

Nhưng cũng giải thích được cái u ám đó. Có lẽ bọn di cứ bằng đường bộ không mang lỉnh kỉnh đủ cả các vật theo, nhưng một nhóm kia, vốn đi bằng đường biển từ Triết Giang có thể mang theo một hoặc vài cái.

Như thế thì kết luận của nhà khai quật O. Jansé đã sai bét là tổ tiên ta chỉ biết dùng đồ đá mài thì Tàu tới nơi, dạy ta nghề kim khí, vào thời Chiến quốc.


*


Nhưng sau đó, trong thư tịch Trung Hoa, khối Bách Bộc, trong đó có Bộc Việt, biến mất. Vì lý do nào, và rồi họ đi đâu, hay bị diệt chủng?

Như đã thấy, nước Sở nuốt lần hồi các quốc gia man di ở bờ Đông sông Hán mà họ gọi là rợ Hán Đông. Nhưng Sở không thể nuốt hết vì họ không đủ sức. Khối Bách Bộc có cả một vùng đất rộng lớn sau lưng họ để mà lùi về đó.

Họ lùi về đó và lập quốc còn mạnh hơn nữa, nhờ hai ba quốc gia nho nhỏ thống nhứt lại với nhau, được như thế vì họ đồng chủng và đồng văn hóa.

Ta tự hỏi Bách Bộc vượt sông Hoàng Hà và được Tàu đổi tên là Việt, chỉ có họ không mà thôi, hay tại địa bàn mới vẫn có Việt nằm sẵn đó?

Hẳn là vẫn có Việt nằm sẵn đó. Đó là bọn cổ Mã Lai đợt II, có ngôn ngữ khác bọn Bách Bộc chút ít mà ta đã thấy ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu. Bách Bộc tức Mã Lai đợt I ở Hoa Bắc nói Chơn còn Việt, tức Mã Lai đợt II ở Hoa Nam, nói Cẳng.

Tức đã có sự hỗn hợp giữa hai đợt, ngay từ thời Hiên Viên rồi. Cuộc hỗn hợp ở Cổ Việt chỉ là cuộc hỗn hợp thứ ba, cuộc hỗn hợp thứ nhì xảy ra giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.

Trong cuộc hỗn hợp thứ nhì bị Hùng Cừ đánh diệt, có một thứ dân tên là Bộc Việt làm chủ nước Bộc. Việt là tên dân ở Kinh Man. Nhưng Bộc là tên dân ở Hoa Bắc, trong nhóm Bách Bộc Đông Di.

Vậy Bộc Việt là Mã Lai đợt I và Mã Lai đợt II đã hỗn hợp nhau tại nước Bộc ở bờ Đông sông Hán, và đã lãnh đạo tất cả mọi nước Việt liên kết.

Thế thì dân Bộc Việt này giống hệt dân Lạc Việt vừa nói Chơn lại vừa nói Cẳng, nếu tổ tiên ta không là con cháu của Bộc Việt này thì cũng giống hết Bộc Việt này. Nhưng ta sẽ thấy rằng rồi bọn này cũng sẽ chạy đi xuống phương Nam, tức dân ta gồm Bách Bộc đi đường biển và Bộc Việt đi đường bộ.

Và Bộc đường biển là Mã Lai đợt I, còn Bộc Việt là Mã Lai hỗn hợp hai đợt I và II.

Vào thuở đó, ở hướng Đông, sát bờ biển, thình lình một quốc gia mới, được thành lập. Đó là nước Ngô. Các sử gia Âu Mỹ và Trung Hoa cứ nói rằng nước Ngô được dựng lên do cán bộ Trung Hoa lãnh đạo man di Việt, y như trường hợp Sở.

Nhưng chúng tôi đã trích dẫn Khổng Tử và cho thấy rằng không phải thế và nước Ngô hoàn toàn Việt, Việt một trăm phần trăm. Không thể nào mà nghĩ rằng Khổng Tử bịa láo, vì Khổng Tử rất khinh Việt, quan niệm Hoa chủng là hơn tất cả mọi chủng tộc khác. Khi ông thánh ấy nói rằng Ngô là Việt thuần chủng là ta phải tin ông vậy.

Nước Ngô chắc chắn là nước của các quốc gia Bách Bộc chi Lạc lon con hợp thành, sau khi bị nước Sở đánh đuổi.

Ngô là danh tự xưng của Ngô, được Tàu phiên âm, và Ngô đó cũng được gọi là Việt, viết với tự dạng thứ ba, tức Việt Vượt, y hệt như U Việt ở Cối Kê và Lạc Việt.

Nhưng không rõ đích xác Ngô có nghĩa gì trong ngôn ngữ Lạc Việt cổ thời.

Nên nhớ rằng danh xưng Ngô mà ta vẫn thường gọi Tàu là danh xưng quá mới, danh xưng xuất hiện dưới thời Tam Quốc. Cả hai danh xưng đều viết y hệt như nhau, nhưng Ngô Tam Quốc là một quốc gia mà Tàu di cư xuống phương Nam đã lập ra tại trung tâm nước Ngô Chiến quốc và bấy giờ thì Ngô này ăn lấn xuống tới Giao Chỉ. Hai Ngô đó không có liên hệ gì với nhau hết về chủng tộc.

Liền sau đó, ở mạn Nam nước Ngô, một quốc gia thứ nhì được thành lập, đó là nước U Việt ở Cối Kê. Nước Việt này thì toàn thể người Trung Hoa đều xác nhận là man di một trăm phần trăm chớ không riêng gì Khổng Tử, chỉ có vua của nước U Việt là khoe láo rằng y là con cháu của vua nhà Hạ mà thôi.

Nước Ngô bị họ ghi là nhờ bọn di cư Trung Hoa lãnh đạo, có lẽ tại nước ấy không lấy tên là Việt, chỉ có thế thôi.

Đây là hai quốc gia lớn và hùng mạnh, chớ không phải nhược tiểu như những quốc gia Bộc đã kể tên khi nãy, vì với thời gian dân Việt đã tiến lên rất xa.

Nhưng tại sao các danh xưng Bách Bộc, Bộc Việt lại biến mất mà chỉ còn danh xưng Việt mà thôi?

Vì Trung Hoa cũng đã tiến lên, không về khoa học thì cũng về quan sát. Họ biết rằng Lê, Lạc, Bộc gì cũng đồng chủng, đồng văn với nhau hết mà cái chủng đó, bị họ đặt tên là chủng Việt, vì lẽ gì không rõ, chúng tôi có đưa ra một ức thuyết về lưỡi rìu Quốc Oai nhưng không có gì làm chắc.

Họ bỏ Lê, Lạc, Bách Bộc, Bộc Việt, mà lấy một danh xưng khác, là danh xưng Việt, trong đó họ sẽ phân biệt các nhóm, nhưng bằng cách khác.

Năm 334 T.K. nước Sở diệt nước U Việt, tức nước Việt của Câu Tiễn, sau khi U Việt diệt nước Ngô.

Bấy giờ thì Sở, Ngô Việt hợp thành một khối và bọn di cư Trung Hoa lại tràn đến Ngô và Việt, hai nơi đó dân chúng còn là Việt thuần chủng bắt đầu bị lai giống và đồng hóa, hoặc di cư. Đó là bọn lưỡi rìu hình chữ nhựt, di cư trong đợt II nhưng cũng có bọn Hoa Bắc là dân Bộc Việt lẫn lộn với họ, sau khi nước Bộc tan rã.

Năm 317 T.K, theo Xuân Thu của Khổng Tử, tức sau đó 17 năm, thì Ngô Khởi, một phản tướng của nước Ngụy xuống đầu Sở, làm tướng thực thi một chánh sách mới là ký hiệp ước thân hữu với các nước Bách Việt ở phía Nam nước Việt Cối Kê, ở ngoài Dương Việt.

Lần đầu tiên, danh xưng Bách Việt xuất hiện. Những quốc gia đó, chắc chắn là những nước Đông Âu, Mân ViệtTây Âu.

Các sử gia Việt và Tàu đời sau, bị Trịnh Triều đánh lạc hướng vì huyền thoại một câu của Tư Mã Thiên, viết về thời Chu công đán, phịa ra rằng nó xảy ra thời Vua Nghiêu, cho rằng Tàu đã biết ta từ thời vua Nghiêu. Theo sử Tàu thì Ngô Khởi, biết tên Vua và hoàng tộc của ba quốc gia nói trên mà hoàn toàn không biết gì về vua Lạc, kể cả vương hiệu cũng không biết, thì là Ngô Khởi chỉ ký hiệp ước với ba quốc gia mà Tàu đã biết rõ thôi.

Ta thấy rõ có hai thời kỳ mà Tàu chỉ hai thứ dân đó bằng tiếng “Bách”, mà bọn Mã Lai ấy còn là chủ nhơn của lưu vực sông Bộc thì họ được Tàu gọi là Bách Bộc.

Lần thứ nhì ở dưới Ngũ Lĩnh, vào đời Chiến quốc thì lại bị gọi là Bách Việt.

Nhưng lần này thì có phân biệt bằng nhiều tự dạng Việt, ba tự dạng Lạc và lu bù tên kép để trước chữ Việt, như Mân Việt, U Việt, v.v. và sau hết Lạc Việt.

Đến Lạc Việt là Tàu trở về nguồn, bởi biết rằng Việt đó là Lạc kia nên cho nhập tên thượng cổ là Lạc với tên đời Hạ là Việt lại để tạo một danh xưng mới, chính xác hơn, danh xưng Lạc Việt.

Hơn hai ngàn năm đã qua rồi, từ thời Hiên Viên, thế mà họ vẫn chưa quên Lạc Địch bị đánh đuổi đi Đại Hàn. Giáo sư Trần Kinh Hòa cho rằng Lạc chỉ là Nghạch viết lầm ra. Sự thật ra thì Nghạch Việt chỉ là một chữ viết sai của một quyển sách vô danh mà giáo sư lại dùng làm chứng tích, đó là quyển Đông Tây Dương Khảo.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.