trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Chương XI
Phụ lục và kết luận

A. Lạc Lê và Lạc Lồi

Phê bình giáo sư Kim Định, chúng tôi chỉ nói sơ đến Cửu Lê, không hơn gì ông bao nhiêu, tức không cho thấy rõ dân Lê là ai, Cửu Lê là 9 nhóm Mã Lai chớ không có gì lạ, và vì phiên âm sai nên Lai hóa thành Lê. Cổ sử Tàu không có chỉ rõ từng nhóm, nhưng chúng tôi phân biệt được hai chi trong Cửu Lê. Đó là chi Âu mà về sau ta gọi là Thái và chi Lạc. Chi Lạc gồm ba tiểu chi: Lạc bộ Trãi, Lạc bộ Chuy và Lạc bộ Mã.

Nhưng còn một nhóm nữa mà Tàu có nói đến, đó là nhóm Lạc Lê mà chúng tôi đoán rằng hai nhóm Mã Lai lại giống với nhau.

Nhóm Lạc Lê này mất hút trong thư tịch Trung Hoa, ta ngỡ nó nhỏ lắm nên tự tiêu diệt, nhưng nên nó tồn tại cho đến ngày nay.

Đó là cái thứ Mã Lai mà chúng ta gọi là Mã Lai đợt II, chủ đất Hoa Nam, chớ không có gì lạ.

Sở dĩ họ cũng có mặt ở Hoa Bắc vì họ là kẻ nhút nhát, 1.000 năm sau khi đại khối Lạc Lê di cư sang Hoa Nam, họ cứ ở lại đất tổ là chơn núi HiMalaya, nhưng rốt cuộc họ cũng tháp tùng với Lạc để di cư tới Hoa Bắc.

Toàn thể dân Việt ở Hoa Nam đời nhà Hạ, đều là người Lạc Lê này, nhưng Tàu không biết, gọi họ là Việt. Họ di cư sang Hoa Nam trước khi Cửu Lê sang Hoa Bắc đến một ngàn năm, tức đồng thời với thứ Mã Lai đi sang chiếm Ấn Độ của thổ trước da đen.

Chúng tôi có chứng tích gì hay không để nói như vậy? Có.
  1. Bằng vào những danh từ hiếm hoi lượm được trong sách đời Chu phiên âm ngôn ngữ của Việt Hoa Nam, ta thấy đó là danh từ của Mã Lai Nam Dương ngày nay.

  2. Danh từ của Mã Lai Nam Dương ngày nay giống hệt danh từ của thổ trước Hải Nam chưa bị Hoa hóa mà Tàu gọi là Lê.

  3. Vậy Lê Hải Nam và Mã Lai Nam Dương là Lê. Nhưng chưa chắc đã là Lê vì chúng tôi sẽ chứng minh rằng họ là Lạc Lê.
Muốn chứng minh rằng thứ dân mà Tàu gọi là Lê, đích thị là Lạc Lê, ta cần biết cổ sử Chiêm Thành đúng hơn sách mà các ông Tây đã viết.

Hai ông Bố Thuận và Nguyễn Khắc Ngữ đã viết Thượng cổ sử Chiêm Thành (Khảo cổ tập san, số 5, 1962).

Chúng tôi thấy là cổ sử Chiêm Thành mà còn chưa được viết đúng, tức những gì xảy ra từ năm 1 S.K. cho đến hai trăm năm về sau đó, ta còn chưa biết đích xác, thì làm thế nào để nói về thời thượng cổ ở đó được như ở cổ Việt Nam mà lưỡi rìu tay cầm đã tìm thấy nằm chung với bao nhiêu vật nhân chứng khác.

Cứ bằng vào danh từ Người của Chàm là ORANG ta phải hiểu rằng họ thuộc nhóm Mã Lai di cư đợt sau từ Hoa Nam, chớ không thuộc đợt Mã Lai đợt đầu di cư từ Hoa Bắc như dân Việt Nam. Người Nam Dương là Mã Lai đợt II, theo tiền sử học, và họ nói như vậy, tức nói Orang chớ không nói Người. Xét tổng quát về ngôn ngữ Chàm thì có 70 phần trăm danh từ đợt II và 30 phần trăm danh từ đợt I.

Như thế thì Chiêm Thành không có thượng cổ sử ở Đông Nam Á được vì Mã Lai đợt II chỉ mới di cư đến Đông Nam Á 500 năm trước Tây lịch mà thôi, khác hẳn với Mã Lai đợt I đã di cư đến Đông Nam Á cách đây 5.000 năm.

Họ không có thượng cổ sử ở Đông Nam Á, mà cổ sử của họ, được các ông Tây viết, thì rõ ra, không đúng. Khi những quyển sử Chiêm Thành được viết thì chưa có ai biết rằng có hai đợt Mã Lai di cư tới Đông Nam Á cách nhau 2.500 năm hết, mà cũng chưa ai dè rằng có Mã Lai đợt I, ngôn ngữ hơi khác Mã Lai đợt II, một đàng nói Chơn, một đàng nói Cẳng, một đàng nói Người, một đàng nói Orang.

Cổ sử Chàm ở giai đoạn này không được các sử gia Pháp, Việt diễn dịch quy nạp các sự kiện để viết cho thật đúng, nên còn mù mờ. Nhưng có thể viết đúng được nếu sử dụng tài liệu Tàu một cách khoa học, có dựa vào sách nhà Hán mới không sai lạc, chớ các sách Đường, Tống thì viết loạn hết, cho bất cứ nước nào.

Ta nên ghi những điều căn bản sau đây rồi không được nghe những sách viết tầm ruồng họ nói khác đi:

1. Người Chàm dựng lên nước Lâm Ấp ngay trong lòng thuộc địa Tàu, tại Tượng Lâm là cái huyện cuối cùng của Nhựt Nam thuở đó không phải là dân ta, như ai cũng tưởng, vì qua lịch sử của nhơn loại, không thế nào mà dân tộc A, dựng nước được trong đất mà dân tộc B là công dân. Chi tiết đó rất là quan trọng, nhưng không thấy cuốn sử nào chú ý đến, trái lại các sử gia cứ cho rằng dân của quân Nhựt Nam là dân ta. Một dân tộc có thể cướp hết cả nước của một dân tộc khác, bằng cách xua quân đi xâm lăng, những kẻ dựng nước Lâm Ấp chỉ dùng lực lượng bổn xứ là dân chúng, mà người Chàm thì không làm sao mà lãnh đạo người Việt được trong một cuộc phiêu lưu mạo hiểm như vậy, thế thì cái lực lượng đó phải là dân chúng người Chàm.

Tới đây thì vấn đề dân cư ở Nhựt Nam đã rõ, nó ngược hẳn với quan niệm của các sử gia Pháp, Việt từ xưa đến nay.

2. Vấn đề dân cư của Cửu Chân cũng sẽ được biết rõ, khi ta nhìn vào các sự kiện khác. Thật thế, sử Tàu chép rằng dân Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng, có dư thóc để bán cho Hợp Phố và Cửu Chân, dân Hợp Phố chỉ mò trai chứ không trồng trọt, còn dân Cửu Chân thì cứ săn hái, câu kéo. Nhưng ta phải hiểu sử Tàu khác đi một chút là dân Hợp Phố và Cửu Chân đã biết làm lúa rẫy. Lối hiểu này hoàn toàn do suy luận dựa theo điều mắt thấy tai nghe ngày nay: là dân săn hái không biết ăn cơm, không cần cơm, như thế nếu dân Cửu Chân là dân săn hái, họ không mua gạo của Giao Chỉ làm gì hết. Hiện nay các bộ lạc lạc hậu trên thế giới đều thế cả, dân săn hái không biết ăn thứ mễ cốc nào cả. Trái lại dân hỏa canh thì vì kém cỏi, sản xuất thiếu nên luôn luôn mua mễ cốc của dân định canh vào mùa giáp hạt, trên Cao nguyên hiện nay như thế đó. Lối hiểu của chúng tôi không có gượng ép chút nào hết, mặc dầu chỉ hiểu bằng suy luận chớ không phải nhờ tài liệu vì tài liệu Tàu nói khác. Nhưng tài liệu đó vô lý thì ta phải hiểu khác đi cho đúng sự thật, nó vô lý ở cái điểm dân săn hái lại biết ăn gạo, cần mua thóc.

Hiểu như vậy rồi ta thấy có một sự chênh lệch lớn lao, về văn hóa giữa Giao Chỉ và Cửu Chân. Mà không thế nào mà vua Hùng Vương lại để hai vùng của một nước chênh lệch nhau đến như thế, nếu dân Cửu Chân không phải là dân khác và đất không phải là đất của dân khác.

Ta có bằng chứng rằng đó là thuộc địa của vua Hùng Vương mà nhà vua chưa kịp khai hóa, rồi mất nước trong tay An Dương Vương, Triệu Đà, Lộ Bác Đức.

Truyền thuyết ta có kể chuyện vua Hùng Vương đi đánh giặc Chàm, thắng trận rồi, về ngang qua núi Khả Lao ở Thanh Hóa có xây đền thờ thần trống đồng cổ mà cái trống thờ đã được ông V. Goloubew bắt gặp tại bến đò An Định.

Cuộc chiến tranh của vua Hùng Vương còn một chứng tích nữa. Đó là danh xưng Cổ Chiến Loan trong đất Cửu Chân, do Mã Viện ghi lại, theo sự nghe thấy của họ Mã.

Đó là lần đầu tiên mà quân Tàu đi xuống khỏi Cư Phong, thì thử hỏi ai đánh với ai mà nơi đó được xem là cổ chiến trường, nếu không phải là Hùng Vương đánh với Chàm.

3. Thế thì ta biết chắc hai điều, dân ở hai nơi Nhựt Nam và Cửu Chân đều không phải là dân ta, và là thuộc địa mới của vua Hùng, ông vua cuối cùng hay ông nào chưa biết đích xác, nhưng không lâu đời lắm, vì ta chưa kịp khai hóa vùng đó thì bị mất nước. Điều thứ ba, ta cũng có thể biết chắc được là Cửu Chân và Nhựt Nam là một.

Đây cũng là một điểm sử đã bị ta hiểu sai. Toàn thể sử gia ta đều hiểu rằng hai nơi đó khác nhau.

Tập san Sử Địa số 19-20 có trích của Đào Duy Anh một số dư đồ và chua rằng (không biết chua theo họ Đào hay tự ý chua): “Nước Âu Lạc chỉ có hai quận: Giao Chỉ, Cửu Chân. Nhà Hán đã lấy thêm đất phía Nam để đặt thành quận Nhựt Nam”.

Sự thật thì Lộ Bác Đức không hề đánh lấy thêm đất nào cả. Ta nên nhớ điều này là sử Tàu chép rõ rằng Lộ Bác Đức sợ viêm nhiệt, không dám ra khỏi thành Phiên Ngung, thế mà khi thắng Triệu Đà rồi, lão ta không có đánh ai nữa hết mà bỗng dưng lão ta có thêm đất để đặt tên là quận Nhựt Nam.

Không có ai chú ý đến điều kỳ lạ đó cả. Và khi ta nhìn kỹ vào đó, ta sẽ biết rằng họ chỉ chia quận Cửu Chân quá dài ra thành hai quận mà thôi, chớ không có gì lạ.

4. Ta biết chắc rằng dân ở Cửu Chân, Nhựt Nam không phải là dân ta, nhưng họ là dân nào? Truyền thuyết ta đã bị kể sai. Danh xưng Chàm, mãi cho đến thế kỷ thứ IX sau Tây lịch mới xuất hiện, thì làm gì vua Hùng Vương lại đánh giặc Chàm được. Nhưng có người kể đúng. Họ kể rằng vua Hùng Vương đi đánh giặc LỒI. Danh xưng Lồi, được cố đạo L. Cadière bắt gặp trong một truyền thuyết thứ nhì ở Quảng Bình, truyền thuyết ấy kể rõ hơn nữa. Đó là giặc Lạc Lồi. Theo luật lười biếng, ta đã đánh mất tiếng Lạc trong danh xưng đó. Cửu Chân, Nhựt Nam gì cũng là của dân Lạc Lồi cả, mà Lạc Lồi là ai. Đó là danh xưng tối cổ của người Chàm. Tất cả các phế thành Chàm miền Trung đều được sách vở chữ nho ta gọi là Lỗi thành, dân chúng gọi là thành Lồi (chữ Lồi viết ra Hán không được nên các nhà nho biến nó thành Lỗi).

Dân miền Trung mắng con: “Mày ăn mặn như Lồi”. Dân miền Nam ở nông thôn, hà tiện xà bông, dùng cát Lồi, là cát mua của người Chàm Ninh Thuận, trong đó có chất bồ tạt. Vậy Lạc Lồi = Chàm.

Biên giới cực Bắc của Lạc Lồi là sông Mã, là sông có vàng.

Chàm = Mah
Thượng = Mah
Mã Lai = Êmas
= Vàng

Trên đây là bốn điểm sử lớn chưa bao giờ được viết rõ về Cửu Chân và Nhựt Nam. Nó thuộc vào cổ sử Chiêm Thành đấy vì Chàm là Lạc Lồi, tức Mã Lai đợt II.

5. Vậy Mã Lai đợt II di cư xuống, một nhóm ở trọ với vua Hùng Vương, nhóm đó là tổ tiên của người Mường. Nhóm khác chiếm đất ở ngoài Lạc Việt của vua Hùng Vương, từ sông Mã cho đến mũi Cà Mau và cho đến xứ Cao Miên nay, tổ quốc của dân Phù Nam vì Phù Nam cũng là Mã Lai đợt II, như ta sẽ thấy. Nhóm sau lập quốc riêng rẽ. Có đến hai nước: nước Tây Đồ ở Trung Việt và nước Phù Nam. Hoặc nhóm sau thật ra là hai nhóm riêng rẽ, mặc dầu cũng cùng đợt di cư với nhau. Nhưng ta nên kể như họ là hai nhóm, vì ta nghiên cứu cổ sử Chiêm Thành chớ không phải cổ sử Phù Nam.

Ở đây xin trở về các chương trước để xét lại coi Lạc Lê Hoa Bắc là thứ người ra sao mà chúng tôi chỉ nói mù mờ về họ mà thôi.

Chúng tôi biết được họ là ai, hiện tồn tại hay không, nhưng không thể nói ra ở các chương về cổ dân Hoa Bắc, sợ phải nói quá dài, làm loãng mất nội dung chánh của các chương đó, và đợi tới bây giờ mới nghiên cứu lại họ được vì đã đến lúc phải nói tới họ.

Đó là một nhóm Mã Lai lai căn lớn nhưng không phải là lai căn giữa hai chủng tộc khác nhau, mà lai căn nội bộ, y như ở Cao nguyên ngày nay mà nhóm Cổ Mã Lai này lai với nhóm Cổ Mã Lai khác mà chúng tôi đã ám chỉ ở chương I. Mà họ cũng không lai căn tại Hoa Bắc, mà lai căn tại đất tổ là HiMalaya.

Toàn thể dân Việt ở Hoa Nam đều là thứ dân đó, bằng vào ngôn ngữ của Việt Hoa Nam mà ta biết lõm bõm qua lối một trăm danh từ Mã Lai còn sống sót cho đến ngày nay ở Triết Giang, ở Phúc Kiến, ở Quảng Đông, và vài danh từ Việt Hoa Nam được Tàu phiên âm vào đời Chu, mà ta lượm lặt được trong sách vở.

Đó là tiếng Mã Lai ở Nam Dương ngày nay. Nhưng dân Mã Lai Nam Dương bị chúng tôi gọi là Mã Lai đợt II, còn Lạc Lê thì lại bị gọi là Mã Lai đợt I, vì chúng tôi gọi theo lịch trình di cư chớ không gọi theo dân tộc tính. Nhưng rốt cuộc phải nói rõ Lạc Lê là ai, khi mà chúng tôi biết được họ là ai.

Lạc Lê là nhóm lai căn đó. Họ đã di cư vào Hoa Nam, y hệt như Hoa chủng là một chủng lai căn, phải xâm lăng Hoa Bắc, vì chủng mẹ không đủ đất nuôi dân lai căn.

Họ di cư từ HiMalaya sang Hoa Nam có lẽ cùng lúc với bọn Dravidien di cư sang Ấn Độ, tức 1.000 năm trước khi Cửu Lê di cư đi Hoa Bắc. Nhưng họ không đi hết trong nhóm Cửu Lê Hoa Bắc, mới có một nhóm Lạc Lê nhỏ, đi sau nhóm đầu.

Bây giờ, chúng tôi xin nối kết Lạc Lê và Lạc Lồi. Lạc Lê là tiếng Tàu đọc theo nhà nho ta, còn Lạc Lồi là tiếng Việt thuần túy. Lạc Lê Quan Thoại đọc là Ló Lỉa, có lẽ chỉ là nhại giọng đọc của ta, chớ không có gì lạ. Nhưng đó chỉ là đoán mò. Phải có chứng tích cụ thể, rõ ràng mới đúng với Pháp làm việc của chúng tôi.

Và đây là dịp độc nhứt mà ta biết Lê là gì, Lạc Lê là gì, chớ cả giáo sư Kim Định, lẫn chúng tôi đều chỉ nói mơ hồ về Cửu Lê mà chưa ai cho thấy rõ họ là ai. Chúng tôi có trình diện thật đích xác hai nhóm trong Cửu Lê đó là Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Chuy. Nhưng Lê và Lạc Lê thì chưa được tiết lộ họ là ai.

Chúng tôi đã nói rằng Lê chỉ là phiên âm sai của (Mã) Lai vào buổi ban đầu, trong đó có Âu, có Lạc, có Khuyển Nhung. Nhưng chúng tôi biết không đủ 9 thứ, và xin trình diện thứ nào mà chúng tôi biết rõ. Và đây là nhóm Lê thứ ba trong Cửu Lê, nhóm Lạc Lê.

Thấy hai danh xưng hơi giống nhau rồi lôi kéo họ vào nhau là liều lĩnh nhưng chúng tôi nói Lạc Lê = Lạc Lồi, không phải vì thấy hai danh xưng ấy hơi giống nhau, mà bằng vào sử liệu và ngôn ngữ.

Quả thật thế, Hán thư gọi dân Hải Nam là dân Lạc Việt, y như gọi dân ta, còn người Tàu đời nay thì gọi dân Hải Nam còn ở trên núi, chưa bị Hoa hóa là dân Lê. Như vậy có phải chăng Lê = Lạc Việt? Không sao bác cái đẳng thức đó được hết, mặc dầu H. Maspéro bảo rằng dân Hải Nam là Thái đen. H. Maspéro đã nói càn. Chúng tôi có học ngôn ngữ của họ và thấy rằng họ nói tiếng Mã Lai Nam Dương. Như vậy họ không bao giờ là Thái đen cả.

Nhưng Hán thư cũng không đúng vì Lạc Việt nói một thứ tiếng mà trong đó chỉ có 30, hoặc 40 phần trăm Mã Lai Nam Dương chớ không phải 100 phần trăm như Lê Hải Nam. Như thế thì Lê Hải Nam chỉ có thể là Lạc Lê mà thôi, vì là Lạc Lê nên mới để bị Hán thư lầm là Lạc Việt.

Mặt khác, người Chàm, tức người Lạc Lồi, cũng ăn nói y hệt như người Hải Nam. Hơn thế trong Thủy Kinh Chú, Lệ Đạo Nguyên bảo rằng dân Hải Nam giống dân ở Nhựt Nam mà chúng tôi đã chứng minh rằng dân Nhựt Nam là Lạc Lồi chớ không phải Lạc Việt.

Như vậy thì dân Lê ở Hải Nam là dân Lạc Lê rõ rệt, mà cái dân Lạc Lê đó lại nói giống hệt dân Nam Dương thế thì Lạc Lồi là Mã Lai đợt II về mặt dân tộc tính. Chúng tôi nhấn mạnh về điểm dân tộc tính, để ta nhớ mà phân biệt rằng trong cuộc di cư đợt I cũng có Lạc Lê nữa, nên phải phân biệt Lạc Lê với dân khác bằng ngôn ngữ chớ không bằng các đợt di cư được.

Ta có thể nói rằng toàn thể dân Hoa Nam mà Tàu gọi là Việt, dân Sở, dân Ngô, dân U Việt, dân Mân Việt, đều là Lạc Lê, bằng vào ngôn ngữ và tiền sử học. Lạc Lê là Lạc bộ Mã. Tiền sử học cho biết rằng người Nam Dương là Mã Lai di cư từ Hoa Nam, còn ngôn ngữ Mân Việt, Hải Nam đều cho thấy là giống nhau hết thảy.

Mân Việt: Náng
Hải Nam: Nàng
Chàm: Orang
Nam Dương: Orang
= Người

Sở ngữ phiên âm: Nậu Ô Đồ
Quan Thoại đọc là: Nù Ú Tù
Nam Dương đọc là: Mâu Sú Sú

Cả ba đều có nghĩa là sữa cọp, vú cọp.

Bọn Lạc Lê Hoa Bắc là một nhóm lai căn nhỏ xíu, theo chơn Xy Vưu để di cư sang Hoa Bắc sau khối Lạc Lê lớn đã di cư sang Hoa Nam. Vì nhỏ xíu nên Lạc Lê Hoa Bắc bị chìm mất luôn.

Lạc Lê Hoa Nam mà ta gọi là Lạc Lồi di cư đến Trung Việt đánh đuổi bọn Mã Lai đợt I ở đó (Cổ vật Tam Tòa cho biết như vậy) để cướp đất. Bọn Mã Lai đợt I ở đó chạy lên Cao nguyên (cổ vật Darlac cho biết như vậy) qua ngã Trà My, Ngọc Lĩnh, qua ngã Ninh Hòa, Cheo Reo, và biến thành Thượng Việt ngày nay. Từ Quảng Nam trở xuống, đất tốt hơn, nên Lạc Lồi dựng nước trước, đó là nước Tây Đồ. Từ Thừa Thiên lên tới sông Mã, vì đất đai và khí hậu xấu, dân không tiến, mà cũng không bị bọn ở dưới thống nhứt vì đèo Hải Vân ngăn trở, nên bị vua Hùng Vương thống nhứt. Ông R. A. Stein đã đối chiếu lời mô tả của Thủy Kinh Chú với cảnh vật hiện nay, và thấy quận Tượng Lâm chỉ ăn khớp với Thừa Thiên mà không ăn khớp với bất kỳ nơi nào cả, và ta kết luận được rằng Tây Đồ ở khít ranh với Lâm Ấp phải là Quảng Nam, còn Lâm Ấp phải là Thừa Thiên.

Hiện nay người Chàm còn bị ta gọi là người Lồi, sau khi ta đánh mất tiếng Lạc.

Tóm lại, Lạc Lê = Việt Hoa Nam = Lê Hải N am = Lạc Lồi = Mã Lai Nam Dương

Cổ sử Chiêm Thành sẽ được chúng tôi viết kỹ hơn ở một nơi khác. Và họ không hề có thượng cổ sử ở Đông Nam Á.


B. Bí mật của Mã Viện

Trước khi nói đến bí mật của hai ngàn năm trước, ta nên xét lại một đoạn sử của ta, mà chúng tôi đã có nói qua rồi ở chương Lạc Lồi.

Đó là quận Nhựt Nam. Sử Tàu chép rằng nhà Hán gởi quân xuống diệt nước Nam Việt của Triệu Đà. Như ta đã thấy, nước Nam Việt gồm một phần của nước Tây Âu là quận Nam Hải tức tỉnh Quảng Đông nay và Âu Lạc tức Văn Lang. Những lầm lẫn về Tượng Quận, Tây Âu, Nam Việt, đã được giải rõ ở chương II và III.

Âu Lạc có một thuộc địa chưa lâu đời do vua Hùng Vương cướp của một thứ dân tên là Lạc Lồi. Khi lọt vào tay Triệu Đà thì họ Triệu chia hai Âu Lạc cho 2 điền sứ cai trị, một tại Giao Chỉ (Cổ Bắc Việt) và một tại Cửu Chân là nơi nào thì đã thấy. Đó là Cửu Chân + Nhựt Nam.

Lộ Bác Đức chỉ đánh chiếm đất của Triệu Đà mà thôi và không hề có đánh chiếm thêm đất nào nữa cả, thế mà bỗng dưng nhà Hán lại có thêm một quận thứ ba ở dưới Cửu Chân, đặt tên là quận Nhựt Nam.

Sau đó hai bà Trưng nổi loạn để thu hồi độc lập và Mã Viện được gởi xuống nước ta.

Họ Mã diệt hai bà ở Giao Chỉ rồi đuổi theo tàn quân của hai bà và diệt tàn quân đó tại huyện Cư Phong (Thanh Hóa). Thế là xong.

Nhưng Hậu Hán Thư lại có hai câu nữa rất là mâu thuẫn với nhau:
  1. Các nhóm rợ phía dưới nữa, tự nhiên tan rã.

  2. Mã Viện đã đưa quân xuống cực Nam của Nhựt Nam để dẹp loạn mà rợ Tây Đồ Di gây ra.
Rợ ở dưới tự nhiên tan rã, thế sao còn rợ Tây Đồ Di nào mà còn phải đi đánh dẹp nữa?

Thế thì ta phải hiểu rằng có hai thứ người nổi loạn, đó là dân ở cực Nam Nhựt Nam. Bọn tự nhiên tan rã là bọn đó. Nhưng bọn Tây Đồ Di thì không có nổi loạn gì hết, bởi không hề có sách nào nói Mã Viện thắng hay bại.

Nếu Mã Viện thắng thì Tàu không khỏi vui mừng, chụp lấy để phô trương oai đức của họ. Bằng như Mã Viện bại, thì y đã không về nước được đâu, vì nhiều trăm năm sau Mã Viện, mà tướng Tàu được đưa xuống đó đánh Lâm Ấp, tuy có thắng, cũng chết đường chết sá hết ráo.

Sử Tàu rất mù mờ ở nhiều điểm, mà người ta đành phải bỏ trôi luôn. Nhưng ở đây thì ta không bỏ trôi, vì ta biết được cái gì. Cái đó là một bí mật quốc gia của Trung Hoa, không dính líu đến sử ta, nên chúng tôi để vào phần phụ lục này.

Bí mật đó là cuộc tiếp xúc của Mã Viện với nước Tây Đồ Di, tiếp xúc chớ không có đánh nhau, một là vì dân đó không có nổi loạn, hai là vì lính Tàu không chinh chiến lâu ngày được ở vùng đó vì bất phục thủy thổ, có chiến thắng cũng không giữ được.

Ta nên nhớ rằng vào thời đó, nước Lâm Ấp chưa thành lập mà còn là một huyện của Tàu và Tây Đồ Di phải ở dưới huyện Lâm Ấp.

Ở Chương Lạc Lồi chúng tôi đã trình bày Tây Đồ Di là ai rồi. Có vài quyển sử Tàu đời sau, viết bướng rằng nước Tây Đồ Di là một tiểu quốc được thành lập do lính của Mã Viện để lại để giữ trụ đồng.

Ấy, thế là lại mâu thuẫn nữa. Nếu thế thì vào năm Mã Viện đến đó, phải chưa có nước Tây Đồ Di, thì Mã Viện đánh dẹp nước Tây Đồ Di nào kia chớ?

Nhưng đó là sử đời sau chuyên môn viết bậy bạ, ta cứ nên lấy Hậu Hán Thư làm căn bản, và nước Tây Đồ Di có thật, có trước Mã Viện, và chúng tôi đã cho biết họ là ai ở chương Lạc Lồi.

Lại cũng nên nhắc đến cực Nam của quận Nhựt Nam là ở đâu và nước Tây Đồ Di ở đâu.

Cực Nam của quận Nhựt Nam là huyện Tượng Lâm, nơi mà người Chàm lập ra nước thứ nhì (chớ không phải nước thứ nhứt) của họ và lấy tên là Lâm Ấp.

Nhưng ranh giới Tượng Lâm là ở đâu? Theo L. Aurousseau dựa theo các cuốn sử sai của đời sau, cho rằng là Phú Yên, còn theo R. A. Stein thì là Thừa Thiên, không kể cái thuyết huyền hoặc của nhà nho Nguyễn Siêu, ông ấy cho rằng Nhựt Nam là nước Phù Nam.

Chúng tôi tương đối tin R. A. Stein hơn hết. Trong một số tạp chí Hán Học, xuất bản tại Bắc Kinh năm 1947, dầy gần 500 trang mà chỉ đăng có một bài, bài ấy là của ông R. A. Stein, nghiên cứu về huyện Tượng Lâm đó.

Đó là một quyển sách đồ sộ rồi chớ không còn là một bài báo nữa và R. A. Stein đã làm việc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Tài liệu chủ lực của R. A. Stein là quyển Thủy Kinh Chú, mà ta cũng nên biết sơ qua về soạn giả để có thể tin được. Soạn giả Thủy Kinh Chú là Lệ Đạo Nguyên.

Lệ Đạo Nguyên không phải là một tay vừa. Ông ta là một viên Thái Thú Giao Chỉ đấy. Sở dĩ sử Tàu về Giao Chỉ không có nói đến ông ta vì vào thời ông ta cai trị, không có cuộc nổi loạn nào hết. Mọi việc đều trôi chảy.

Muốn biết rõ về địa lý của Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhựt Nam, không có sách nào bằng quyển Thủy Kinh Chú, và muốn biết những bí mật về những gì xảy ra ở vùng đó, cũng không có sách nào bằng Thủy Kinh Chú.

R. A. Stein nhận diện được các sông núi đầm lầy mà Lệ Đạo Nguyên tả, xưa mang tên khác nay, nhưng vật chưa đổi sao chưa dời, nhờ thế mà R. A. Stein biết được nơi Khu Liên nổi loạn dựng nước Lâm Ấp, nơi đó là Thừa Thiên.

Các sử gia ta cho là ở Quảng Bình, Quảng Trị thì sai, vì khung cảnh Quảng Bình, Quảng Trị không ăn khớp với lời tả của Thủy Kinh Chú, được R. A. Stein kiểm soát lại cũng không ăn khớp với vị trí Quảng Bình, Quảng Trị.

Nhưng các sử gia lầm vì về sau, quả cực Nam của Nhựt Nam là dãy núi Hoành Sơn, sự kiện ấy tương đối mới hơn nên được ghi chép kỹ nên dễ thấy.

Sự ngộ nhận ấy đã xảy ra vì, như đã nói, người Chàm Bắc tiến để chiếm lại đất cũ là Nhựt Nam và Cửu Chân và có thành công cho tới dãy Hoành Sơn mà họ làm chủ rất lâu trong thời cổ sử.

Không thế nào mà Chàm lại dựng nước ở Quảng Bình, Quảng Trị vì không ai lại dựng nước khít cạnh một địch thủ rất dữ. Quảng Bình, Quảng Trị chỉ là biên khu của nước Lâm Ấp chớ không là trung ương của Lâm Ấp. Nơi Khu Liên dựng nước phải ở dưới xa hơn nhiều.

Nhưng nãy giờ ta nói chuyện từ năm 192 S.K. trở về sau, chuyện dân Khu Liên, Mã Lai đợt II, dựng nước trong lòng đất của dân Lạc Lồi, Mã Lai đợt I.

Hai trăm năm sau Mã Viện, người Tàu đưa quân xuống Tượng Lâm để đánh Lâm Ấp, quân thắng trận trở về chết hết 2/3 còn tướng thì chết dọc đường cũng cứ vì sơn lam chướng khí. Vậy nếu không có gì quan trọng hẳn Mã Viện không dại mà tiến quân xuống nữa.

Mã Viện đã phải hành quân cực nhọc đến thế, nhưng Hậu Hán Thư chỉ bố thí cho cuộc viễn chinh đó có sáu tiếng ngắn. Đó lại là một bí mật nữa mà ta cần khám phá và chúng tôi sẽ khám phá xem tại sao Hậu Hán Thư lại nói úp mở về cuộc viễn chinh đó.

Các ông Tây, viết sử cho người Chàm bằng cách cóp sử Tàu nhưng chỉ cóp từ chuyện Lâm Ấp, mà bỏ sót chuyện 150 năm về trước là chuyện Mã Viện viễn chinh khó nhọc để dẹp một thứ giặc bí mật là Tây Đồ Di.

Ở đây, hình như không phải là các ông Tây không có đọc kỹ Hậu Hán Thư nhưng các ông bị sử Tàu các đời sau chuyên viết bậy bạ, đánh lạc hướng các ông.

Quả thật thế, các sử Tàu đời sau sáng tác rằng Tây Đồ Di là nước được dựng lên do lính Tàu mà Mã Viện để lại hầu giữ trụ đồng ở Nhựt Nam.

Đó là nói bá láp vì Mã Viện, nếu có để lính Tàu ở lại thì chỉ có thể để vào năm 42 S.K. năm chuyển quân xuống đó, còn trước đó, làm gì đã có Mã Viện, có lính Tàu nào do ai để lại mà lập ra nước Tây Đồ Di? Sao lại đi dẹp một tiểu bang Trung Hoa nào trong khi ông ta chưa đặt lính Tàu ở đó? Vả lại nếu tiểu vương quốc ấy do người Tàu lập ra thì sử Tàu đâu có gọi họ là “di”.


*


Nhưng chúng tôi đã nói rằng quận Nhựt Nam là đất Chàm, và nước Tây Đồ Di không có nằm trong đó mà dân cũng không phải là người Tàu. Đó là một cuộc gặp mặt thật sự giữa Tàu và Tây Đồ Di, chớ không phải là loạn trong quận Nhựt Nam đâu.

Hậu Hán Thư chép là Mã Viện bình định Tây Đồ Di, nhưng không nghe nói có chiếm nước họ, có đặt quan cai trị gì hết thì hẳn là chỉ đánh cho nước đó lui binh rồi thôi chăng? Không, không có đánh gì cả, và có một bí mật lớn thuộc bí mật đại sự của Trung Hoa ở giai đoạn này mà ta sẽ khám phá. Chỉ biết rằng sau khi nước Lâm Ấp dựng lên xong rồi thì không còn nghe đến Tây Đồ Di nữa.

Sử Tàu giả thuyết rằng Lâm Ấp kiêm tính Tây Đồ Di. Chắc chắn là như vậy. Họ phải thống nhứt chớ.

Tây Đồ Di văn minh hơn nhưng cấp lãnh đạo Lâm Ấp chính là dân tộc Khu Liên, người Tây Đồ Di, thì cuộc thống nhứt rất dễ dàng.

Hậu Hán Thư chỉ nói có sáu tiếng là: Bình định nước Tây Đồ Di.

Nhưng tại sao chỉ bố thí cho cuộc viễn chinh ấy có sáu tiếng trong khi đó là một cuộc viễn chinh khó nhọc hơn là việc đánh dẹp hai bà Trưng nữa? Quả thật thế, mấy trăm năm sau Mã Viện mà quân đội Trung Hoa xuống đó rồi thì binh sĩ chết vì sơn lam chướng khí đến 3 phần 4. Có lắm viên tướng chết dọc đường vì bịnh, không về được tới Giao Chỉ nữa chớ đừng nói là về Tàu.

Vậy mà Mã Viện đã đánh xuống, mặc dầu sử Tàu chép rằng loạn quân ở dưới tự nhiên tan rã sau khi hai bà Trưng bị diệt.

Việc giao phó trọng trách cho một viên đại tướng 70 tuổi để đánh hai người con gái man di, cũng có vẻ khó hiểu y như sự tiến quân xuống Tây Đồ Di của Mã Viện.

Trích dẫn Hậu Hán Thư, H. Maspéro có nói rằng Phạm Việp KHÔNG DÁM CHÉP cuộc tiến quân đó. Nhưng tại sao không dám chép thì H. Maspéro cũng chẳng biết. Nhưng ông H. Maspéro đã nói thế là ông có thoáng thấy bí ẩn gì trong vụ đó.

Nhưng chúng ta tìm biết.

Cũng nên nói sơ qua rằng các cuốn sử nhà nước Tàu chỉ nói chuyện bên Tàu, còn chuyện man di thì họ chỉ bố thí cho một vài chương, có lắm chuyện, họ lại không dám chép, như câu chuyện Mã Viện tiến quân xuống đó.

Những quyển sử như Sử Ký, Tiền Hậu Thư, Hậu Hán Thư, v.v. đều là sử nhà nước. Mặc dầu Tư Mã Thiên, Ban Cố, Phạm Việp không bắt buộc phải khô khan, họ chỉ được phép viết theo những gì có trên giấy tờ. Thành thử chính xác sử không phải là sử gia của nhà vua, mới là đầy đủ chi tiết hơn.

Vì vậy mà những ông L. Aurousseau, R. A. Stein và H. Maspéro viết về cổ sử nước ta, và nhứt là địa lý cổ thời nước ta, đã phải dựa vào hầu như độc một nguồn ngoại thư.

Các ông Tây biết sự kiện đó, nên họ đọc sử Tàu để khảo về Đông Nam Á, khác ta. Nhiều bản dịch sử nhà nước của Tàu, ta tự ý bỏ những đoạn quan trọng ấy, mà chỉ dịnh những gì nói về nước Tàu. Đó là một việc làm kỳ cục. Nhưng đã nói, những quyển sử nhà nước đó, không chứa đựng nhiều chi tiết về các nước ngoài, có dịch đầy đủ cũng chẳng thấy gì nhiều.

Các ông Tây đọc ngoại thư nhiều hơn, những cuốn sử nhà nước cũng được họ đọc kỹ hơn ta nữa, nhưng sự quan tâm của họ nặng về phía ngoại thư.

R. A. Stein lấy Thủy Kinh Chú để làm chủ lực tham khảo cũng chỉ vì Thủy Kinh Chú là ngoại thư, mà nhứt là vì tác giả của nó có sống ở vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhựt Nam.

Nhờ thế mà ông nhận diện được kinh đô Lâm Ấp là ở Huế, tại làng Nguyệt Biều.

Xin trở lại bí mật của Mã Viện, đó là sứ mạng khoa học thứ nhì mà chúng tôi đã nói đến khi trình bày về sứ mạng khoa học thứ nhứt ở một chương trước là đặt nhựt khuê.

Thường thì ngày xưa, các sách cổ của Trung Hoa hay viết: “Nhà Tần tham châu ngọc của…” hoặc “Triệu Đà tham vàng bạc của…”.

Sau này thì luận điệu lại khác: “Bọn thực dân Tàu tham đất của…”.

Thường thì không ai xét lại làm gì những quả quyết trên đây, bởi dầu sao cũng có sự thật trong đó phần nào, với lại hình như là người mình không tò mò lắm về những chuyện có vẻ như là ổn rồi.

Thế nên từ bao lâu nay, ta thường yên trí rằng Mã Viện viễn chinh phương Nam là chỉ đánh dẹp hai bà Trưng, bởi sử Tàu đã viết như vậy và khi họ Mã đuổi theo tàn quân của hai bà tới Cư Phong (Thanh Hóa) đánh tan đạo quân này thì họ chấm dứt chương ấy.

Ít có người chú ý đến sự kiện sau đây là các ngoại thư Trung Hoa tả tỉ mỉ cuộc tiến binh của họ Mã xuống cực Nam của quân Nhựt Nam, chớ không phải chỉ bố thí cho có sáu tiếng như Hậu Hán Thư.

Đó là điều mà Hậu Hán Thư KHÔNG DÁM NÓI (theo H. Maspéro), không dám nói, nhưng vẫn có nói đến bằng sáu tiếng là “đi dẹp loạn Tây Đồ Di”.

Có người cho rằng ngoại thư là bịa chuyện, không thể tin được nhưng thử hỏi họ bịa làm gì? Cuộc hành quân thứ nhì không đem lại cho Mã Viện và nước Tàu một chút xíu nào hết thì nghĩ rằng họ bịa chuyện, không ổn đâu.

Hơn thế, còn sáu chữ úp mở của Hậu Hán Thư, bỏ đi đâu đây chớ?

Nên nhớ rằng địa danh Cổ Chiến Loan ngày nay cũng còn, và nếu Mã Viện không có kéo quân xuống đó thì làm gì Mã Viện lại gặp được Cổ Chiến Loan, với lại gọi nó là Cổ?

Đó là lần đầu tiên mà Tàu đặt chơn tới nơi ấy, mà họ gọi nơi đó là Cổ, tức họ có biết chuyện gì xảy ra trước đó, chớ Triệu Đà hay Lộ Bác Đức đều không có đưa quân xuống đó lần nào cả (theo sử Tàu).

Trong tạp chí mà chúng tôi đã có nói đến, ông R. A. Stein có thể kiểm soát lại hành trình về phía Cực Nam của Mã Viện, kiểm soát về mặt địa lý, qua tài liệu (Thủy Kinh Chú) thì thấy rằng đúng cả. Lệ Đạo Nguyên, tác giả Thủy Kinh Chú, không thể bịa một câu chuyện mà hành trình, chẳng những đúng từng li từng tí mà còn giúp cho đời nay, nhờ tài liệu ấy mà biết được đích xác vùng đó.

H. Maspéro cũng viết trong bài “Nghiên cứu Việt sử” (1918): “Tuy nhiên, Phạm Việp (tác giả Hậu Hán Thư) mặc dầu KHÔNG DÁM CHÉP chuyện đó, vẫn có ám chỉ đến câu chuyện trong bài ca ngợi Mã Viện rằng ở phương Nam, Mã Viện đã bình định Giao Chỉ và Tây Đồ Di”.

Tại sao Phạm Việp lại KHÔNG DÁM NÓI? Vì đó là một cuộc hành quân bí mật, không có ghi trong các văn kiện chánh thức, mà Phạm Việp chỉ là một sử gia nhà nước (Ânnlistes).

Có thể họ Phạm có biết câu chuyện mà không dám nói, mà cũng có thể ông không biết bí mật quân sự, chánh trị của nhà vua. Đôi khi bí mật ấy không lớn lao gì, nhưng nhà vua không cho biết chỉ vì cái lẽ không cần cho biết.

Ở chương Những sai lầm, chúng tôi đã nói rằng Mã Viện có hai sứ mạng khoa học, và đã trình bày rồi một sứ mạng và hẹn sẽ trình bày sứ mạng thứ nhì ở chương này. Đây là lúc mà ta cần biết rồi đây.

Chúng tôi thắc mắc ở điểm bí mật đó, bí mật vì Phạm Việp KHÔNG DÁM VIẾT, và thắc mắc rồi tìm tòi, tìm mãi phải ra cái gì.

Chúng tôi đã bắt được một tài liệu lạ.

Đó là một lời chú thích của bác sĩ P. Huard khi ông nghiên cứu về sách y học của Trung Hoa qua các trào đại.

Bác sĩ P. Huard cho biết rằng có một luận án bằng tiếng Anh, nhan đề là The beginning of Alchemy trong đó người đệ trình luận án là ông Homer H. Bubs chủ trương rằng Trung Hoa đã biết bí thuật đó trước Tây lịch và người phát minh bí thuật đó là Tschéou Ven (?) gốc ở nước Sở, đồng thời với Khổng Tử, Lão Tử.

Bí thuật luyện kim đơn (Achêmi, Alchinil) là gì?

Đó là kỹ thuật của các nhà khoa học của thời Trung cổ Âu châu, họ có mộng biến chì ra vàng, nhưng phải khổ công luyện và phải giấu kín Pháp, vì đó là chìa khóa kho vàng.

Vào thời ấy, Âu châu tràn ngập các nhà khoa học không có bằng cấp và các ông sống một đời sống kỳ khôi, bí mật, khiến bị thiên hạ xem các ông là những tay phù thủy nguy hiểm.

Không có bằng chứng nào cho thấy có ông nào thành công nhưng điều chắc chắn là các ông đã phát kiến được nhiều mới lạ về hóa học và vật lý học.

Bí thuật của các ông là cha đẻ ra hóa học ngày nay, nhứt là cha đẻ của Hạch lý học, một ngành quan trọng của Vật lý học.

Bí thuật ấy phát tích ở đất Lưỡng Hà cách đây bốn ngàn năm rồi, và có lẽ được bọn da trắng Ấn Âu truyền sang Trung Hoa, do ngã Cam Túc vào đời nhà Chu, các thứ dân Ấn Âu ấy đến định cư và lập quốc ở Tây Vức, tỉnh Tân Cương ngày nay, và đã thành lập ở đó gần 40 quốc gia, tất cả đều bị Ban Siêu tiêu diệt về sau, dưới đời nhà Hán. Đó là dân Nhục Chi tổ tiên của Tàu.

Người Tàu ở Hoa Bắc vốn thực tế, và óc thực tế của họ gần thành một cái bệnh nên họ không hoan nghênh cái bí thuật không đem lại kết quả nào trông thấy. Nhưng người Trung Hoa ở nước Sở thì hoan nghinh bí thuật đó.

Thuở ấy toàn thể Hoa Nam là đất của dân Việt, chỉ trừ ở nước Sở mới có người Tàu lai Việt. Với tinh thần lãng mạn và hay tin nhảm của người ở xứ tương đối hơi nóng, ở xứ có vẻ huyền bí vì còn núi rừng (ở Hoa Bắc, thuở ấy đã không còn cái cây nào đứng được vì người Tàu Hoa Bắc lại mắc chứng bịnh thứ nhì là rất ghét rừng), người nước Sở thu nhận ngay bí thuật đó, và hơn thế lại còn đi xa hơn là hệ thống hóa nó và cho ra đời thuyết Ngũ hành tương dịch. Đạo Lão cũng bắt nguồn từ bí thuật này.

Chúng tôi có thử tìm trong thư tịch Trung Hoa của Tàu, và thư tịch Trung Hoa do người Pháp, người Anh làm, nhưng không tìm được tên của ông Tchéou Ven, có lẽ vì ông ấy không có để lại sách nào cả.

Tác giả luận án trên biết tên ông ấy có lẽ vì tên đó được nói đến trong cổ thư Trung Hoa nào mà chúng tôi chưa được biết. Dầu sao, người đệ trình luận án cũng không bao giờ dám bịa ra cái gì.

Hai tiếng không dám của ông H. Maspéro rất là có tánh cách gợi tò mò. Tại sao lại không dám? Thế mà từ 1921 đến nay, không có ai chú ý đến hai tiếng đó cả.

Có lẽ H. Maspéro cũng đã biết tài liệu Trung Hoa, y hệt như ông Homer H. Dubs, nhưng vì chưa có dịp nói, nên ông chưa giải thích, hoặc vì chưa tìm đủ tài liệu, nên ông chỉ diễn ra sự thoáng thấy của ông bằng hai tiếng không dám mà thôi.

Không dám, vì Mã Viện có dính líu vào bí mật luyện kim đơn mà vua nhà Hán âm thầm phú thác cho họ Mã.

Ngày nay thì người ta đã biến chì ra vàng được rồi và thuyết kim dịch (Transmutation des métaux) rõ ra là đúng. Nhưng thuở ấy, chỉ có một kết quả cụ thể được người đời biết đến mà thôi, đó là luyện đơn sa ra thủy ngân.

Thủy ngân là một loại kim chất lỏng, có sẵn trong thiên nhiên dưới hình thức cát đỏ (đơn sa), Pháp gọi là Cinabre. Y giới Tàu gọi là Châu sa, Thần sa, và vào thuở đó, Tàu đã biết dùng châu sa, thần sa để trị bịnh, mà đó cũng là trị liệu xuất phát từ nước Sở, chắc chắn là của Tschéou Ven bày ra, và Tschéou Ven có lẽ vừa là một y sĩ, một tín đồ Lão giáo, một tay phù thủy. (Có phải chăng Tschéou Ven là tên thật của Quỷ Cốc?).

Đến thế kỷ thứ V sau Tây lịch, nhà khoa học kim sử gia Hy Lạp Zosimus mới nói đến kim dịch, nhưng thuyết kim dịch rồi lại thất truyền.

Chính thuyết kim dịch cổ mà Trung Hoa còn giữ, được du nhập vào Âu châu hồi Trung cổ do trung gian Á Rập, họ bang giao rộng rãi vào thời Trung cổ ở Âu châu.

Một phát minh tại Cận đông đã phải đi vòng sang Tàu rồi lại sang Âu châu ngang qua Cận Đông, vào thời mà dân Lưỡng Hà đã suy vi về văn hóa rồi, thì nghĩ cuộc phiêu lưu của cái biết của con người thật là quá bất ngờ. Về chuyện Lưỡng Hà, ta chưa hết ngạc nhiên đâu, và ta đã thấy Lưỡng Hà đã ảnh hưởng đến Chàm rất nhiều.

Tới đây, ta cần sang qua tình hình nguyên liệu ở Viễn Đông vào thuở ấy. Không có nơi nào có đơn sa cả, chỉ trừ một nơi mà thôi. Đó là Giao Chỉ. Sử Tàu có chép rằng họ mua đơn sa ở Giao Chỉ.

Chắc quý vị đã thoáng thấy cái gì rồi. Cái nguồn tai họa cho dân ta chính là chất đơn sa vậy.

Nhà Chu loạn lạc mãi, nên người ta chỉ biết mua, chớ không ai nghĩ khác hơn. Nhưng nhà Tần lên thì đã khác rồi.

Sơn hà được thống nhứt, họ đi xâm lăng nước ngoài được, đem chiến tranh nội bộ của họ ra khỏi biên giới của họ. Nhưng họ cũng chỉ đánh được tới đất Lục Lương của nước Tây Âu mà thôi và gặp khí hậu nhiệt đới dưới lằn Bắc Hộ, họ không tiến tới nữa. Và rồi họ lại gặp nội loạn dưới trào Trần Nhị Tuế.

Rồi Triệu Đà phản loạn với chánh quốc của y và chuẩn bị đánh nước Âu Lạc của An Dương Vương là nước mà y tưởng là đang chứa mỏ đơn sa.

Y chinh phục được Âu Lạc, nhưng đơn sa thì không thấy đâu cả. Dân Giao Chỉ cứ có đơn sa hoài mà không bán cho Tàu, nhưng chuyên viên Tàu đi tìm mỏ không bao giờ gặp.

Người Tàu là dân thống trị, dám bắt cả bọn bán đơn sa để tra tấn, hầu biết mỏ ở đâu, nhưng họ lại không bao giờ làm thế, bởi họ biết nếu chẳng may kẻ bị tra tấn mà gan lì, không khai gì hết thì tức thì không còn ai dám bán đơn sa cho họ nữa.

Vậy Triệu Đà vẫn tiếp tục mua đơn sa với giá mắc.

Rồi Lộ Bác Đức diệt Triệu Đà, gồm luôn Âu Lạc, nhưng đơn sa vẫn không thấy đâu hết.

Thế rồi Mã Viện xuất hiện, nước Trung Hoa có nhiều danh tướng, sao lại phải sai một ông già bảy mươi đi vào chỗ rừng sâu nước độc? Ông ấy lại là danh tướng, mà bọn “man di” thì chưa giỏi đáng kể, ai lại phải dẹp Trưng Trắc bằng danh tướng?

Mã Viện chỉ đem có 20 ngàn quân để đánh Âu Lạc, trong khi Đồ Thư phải dùng 500 ngàn để đánh Tây Âu thì hẳn họ biết binh Âu Lạc kém, nhưng mà họ lại dùng thượng tướng! Nhưng ngoài tài đánh giặc, ông Phục Ba tướng quân số 2 lại còn là một bậc danh nho có trước tác, thông chuyện đông, tây, kim, cổ, đó là điều mà vua Tàu rất cần.

Mã Viện đánh giặc có hơi vô lý.

Y rượt theo tàn quân của hai bà Trưng, tận diệt họ tại Thanh Hóa ngày nay. Nhưng cớ sao ông ta không dừng quân mà cứ đánh xuống mãi, mặc dầu ở vùng Nhựt Nam, không có gì lộn xộn cả?

Hậu Hán Thư đã mâu thuẫn khi nói rằng Triệu Đà có tiến quân xuống để dẹp loạn Tây Đồ Di, lại vừa nói rằng man di ở phía dưới Cư Phong tự nhiên tan rã sau khi tàn quân của hai bà Trưng bị đánh tan tại Cư Phong.

Đây là mâu thuẫn nó để lộ sự bối rối của một sử gia biết sự bí mật mà không dám viết ra.

Họ Mã đã nhận chỉ thị mật, tìm cho ra mỏ đơn sa mới nghe cho. Nếu Giao Chỉ không có mỏ đơn sa thì nước lân bang của Giao Chỉ có. Đó là nước Tây Đồ Di.

Và họ Mã đã tìm được.

Có một sự kiện lạ lùng này mà các nhà học giả ta ít để ý tới, là Trung Hoa không bao giờ chiếm nước Chàm cả, mặc dầu họ thừa sức chiếm, và mặc dầu họ đã vào được kinh đô Chàm để tàn phá đến hai lần.

Mã Viện đã đánh xuống cực Nam Nhựt Nam, tức đã tiến đến biên giới Việt, Tây Đồ Di, nhưng y lại vẫn không chinh phục Tây Đồ Di mà chỉ dừng chơn tại biên giới thôi.

Đó là một sự kiện khó hiểu nữa mà cũng chẳng hề gây thắc mắc cho ai. Dưới cái biên giới đó, Chàm còn đất rất nhiều, từ Quảng Nam đến Bình Thuận, vậy mà Mã Viện lại chê, sau khi chịu lao lực quá sức con người.

Y không đánh nữa là vì y đã gặp mỏ đơn sa rồi.

Thật ra thì mỏ ấy ở trong đất Tây Đồ Di, chớ không phải trong quận Nhựt Nam, nhưng vì một lý do chánh trị, y không chiếm, chỉ tới nơi cho biết là đủ rồi.

Mỏ đơn sa nằm tại Cù Lao Chàm, ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, được khai thác cho đến đời nhà Tống mới cạn.

Mã Viện có sứ mạng mật đi tìm mỏ, chỉ vì thế mà trong các văn kiện chính thức không thấy có đề cập tới công tác đặc biệt đó, và các sử gia nhà nước, cho dẫu có biết, cũng không thể chép vào sử được.

Đánh hai bà Trưng, chắc không cần đến 25 ngàn quân như Mã Viện đã huy động (con số này thấy được trên tấu sớ của họ Mã) nếu không có việc dùng 12 ngàn để lại giữ an ninh tại Giao Chỉ và 12 ngàn dành cho cuộc hành quân đi Cù Lao Chàm. Mà tưởng không cần đến một ông già, giỏi chữ nghĩa nếu không phải tìm kiếm cái gì khác hơn là chỉ đánh giết.

Những lý do chánh trị xui Mã Viện không đánh chiếm mỏ đơn sa là lý do nào?

Mã Viện thừa biết Giao Chỉ quá xa thì sẽ thỉnh thoảng nổi loạn một lần, mà mỗi lần Giao Chỉ nổi loạn, là không mua được đơn sa, ít lắm cũng vài ba năm.

Vậy cứ để mỏ đơn sa cho Chàm. Khi nào bặt đường Giao Chỉ họ sẽ đi mua bằng thuyền. Mà có lẽ ngay sau đó, họ cũng đã đi mua đơn sa bằng thuyền để khỏi phải qua trung gian Giao Chỉ cho mắc tiền. Tên gia nô Phạm Văn, người Tô Châu, có phải chăng đã đến xứ Chàm bằng thương thuyền? Thế nghĩa là Tàu đã giao thông hẳn với Chàm trước Phạm Văn nữa, quen biết nhau lâu đời nên Phạm Văn mới được trọng dụng.

Sự kiện Mã Viện để lính lại hầu giữ cột đồng cũng đầy ý nghĩa đối với vấn đề đơn sa. Sử Tàu chép sự kiện trên đây và nói rõ là “để giữ trụ đồng”. (Bọn này đến đời nhà Tấn, nhờ lấy vợ bổn xứ sanh con đẻ cháu ra, đã đông được 4 động, tức 4 làng, Tấn thư, thiên chí chép như vậy).

Nhưng thử hỏi có đúng hay không? Người học rộng và thông minh như Mã Viện, có làm chuyện điên rồ như vậy hay không? Không có tư nhơn nào đủ sức ăn cắp trụ đồng cả. Còn một dân tộc mà muốn cướp trụ đồng thì mấy mươi tên lính quèn làm sao đủ sức đương cự?

Đó chỉ là những chuyên viên khai mỏ. Mã Viện sợ dân Chàm, kém kỹ thuật rồi lãng phí thứ kim loại quý ấy. Bọn Tàu ở lại, không cần dựa quyền thế nào, chứ xin làm công cho chủ mỏ người bổn xứ là đủ cho Mã Viện rồi.

(Về nơi chôn trụ đồng Mã Viện, có hàng trăm cổ thư nói đến, mỗi quyển mỗi nói khác nhau, ta đọc xong bao nhiêu quyển sách đó là gần hóa điên rồi. Nhưng chắc chắn là Mã Viện đã trồng trụ đồng ở đây, để kỷ niệm cái nơi cuối cùng mà y đi tới, không thể nào khác hơn được).

Còn huyền thoại của ta về câu dọa nạt mà Mã Viện khắc trên trụ đồng, thì là láo khoét: “Trụ đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ sẽ bị tiêu diệt”. Dân Giao Chỉ đâu có mặt tại Cực Nam Nhựt Nam, nơi mà hơn một trăm năm sau, người Chàm dựng nước Lâm Ấp? Nếu y có dọa nạt ai thì kẻ bị dọa nạt là người Chàm ấy chớ sao lại là ta được. Làm như là trụ đó trồng ở biên giới Việt Hoa vậy?

Sử Tàu không hề cắt nghĩa tại sao họ không thừa dịp đó để cướp luôn nước Tây Đồ Di. Họ thấy rằng để như vậy có lợi hơn là cướp, vì họ quá cần đơn sa, mà hễ cướp nước người ta, thì việc buôn bán có thể bị đình trệ vì những cuộc nổi loạn về sau.

Nhưng còn một điều này, cũng cần nói rõ ra, là 1932, ông J. Y. Claeys được Viện Viễn Đông bác cổ phái xuống Cù Lao Chàm để khảo cổ, ông không tìm thấy nơi đó có một vết tích Chàm nhỏ lớn nào cả, qua các thời đại cổ, trung cổ và cận kim (B.E.F.E.O, 1933).

Thế nghĩa là người Chàm chỉ ra đó lấy đơn sa về bán mà không có ở đó. Cắt nghĩa như vậy thì cũng ổn, nhưng tại sao cả Tàu lẫn ta đều đặt ra một địa danh như vậy: Cù Lao Chàm?

Đó là một điểm tối chưa có thể khai quang, nhưng chỉ nhỏ thôi, không thể gay sai lầm quan trọng nào.

Đến đời nhà Tần một vị quan tại kinh đô Tàu là Cát Hồng, đã xin đi làm tri huyện ở Nhựt Nam, khiến cả trào nhà Tần đều ngạc nhiên, tự hỏi tại sao ông quan tại trào ấy lại xin đi làm quan nhỏ đến thế ở một nơi rừng sâu nước độc mà cho đến những kẻ được gởi đi làm thứ sử cũng sợ hãi, không đi.

Cũng nên biết rằng Cát Hồng, cũng là một y sĩ danh tiếng, tác giả bộ Pháo Phác Tử, và ông ấy rất cần chất đơn sa để nghiên cứu vài trị liệu mới.

Ngồi tại Hoa Bắc mà mua đơn sa thì quá mắc tiền, không như làm tri huyện ở Nhựt Nam là một nơi rất gần gũi với Cù Lao Chàm.

Tây Đồ Di không có hưởng ứng theo hai bà Trưng, vì họ không bao giờ bị Tàu trị, thì họ nổi loạn với ai? Nhưng Mã Viện đã tới biên giới Tây Đồ Di và tìm được mỏ đơn sa mà dân Lạc Việt giấu nhẹm để làm trung gian kiếm lời. Họ Mã thương lượng việc mua bán với Tây Đồ Di, thế là xong, chớ không có loạn nào cả.

Mỏ đơn sa ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam đã được Cát Hồng và Thích Đại Sán xác nhận. Vậy nước Tây Đồ, quốc gia thứ nhứt của người Chàm phải ở Quảng Nam. Còn nước Lâm Ấp, quốc gia thứ nhì phải ở Thừa Thiên vì sử Tàu cho biết rằng Tây Đồ Di giáp ranh với huyện Tượng Lâm nơi mà dân Khu Liên lập ra nước Lâm Ấp.

Thế là sự tìm vị trí của Tượng Lâm của ông R. A. Stein là đúng.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.