trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
25.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
C. Cái nhìn tổng quát và kết luận

Người ta trách Mạnh Tử hay bài xích kẻ khác. Mạnh Tử đáp: Ta có muốn bài xích đâu, chẳng qua là bất đắc dĩ đó thôi. (Dư khởi hiếu biện tai! Di bất đắc dĩ giã!).

Khi bác sĩ R. Joly nghiên cứu sách vở của y sĩ Hippocrate để lại, thì vị y sĩ thời nay ấy rất ngạc nhiên mà thấy giọng văn trong sách thuốc của Hippocrate mang nặng tánh cách bút chiến mà không thấy Hippocrate chỉ rõ ai.

Cái y học của Hippocrate ngày nay thì đã sai quá nhiều rồi với những phát minh mới, nhưng vào thời ấy chính nó lại là phát minh mới và vì có quá nhiều sách xưa hơn với lại toàn thể dân chúng xưa đều tin mạnh vào những cái cũ, sai hơn nhiều nên mặc dầu làm việc cho một ngành chuyên môn. Hippocrate vẫn có giọng bài xích như một chánh khách, hoặc một triết gia.

Chẳng qua là sự bất đắc dĩ cả. Muốn xóa tin tưởng sai lầm nào mà đã bắt rễ quá sâu thì chỉ có một cách là bài xích và nói đi nói lại mãi những quan điểm mới của ta.

Đó là khuyết điểm của quyển sách này mà chúng tôi thấy ngay từ trang đầu, nhưng không sửa đổi thái độ.


*


Hiện nay, nhiều dân tộc lớn trên thế giới cũng không biết về nguồn gốc của họ, thí dụ nước Trung Hoa “vĩ đại”. Nguồn gốc người Tàu, do người Âu tìm ra. Tất cả những cuộc đo sọ ở Hoa Bắc và Trung Hoa đều được Nga, Mỹ, Nhựt, Đức, Pháp thực hiện chớ không có ông Trung Hoa nào biết đo sọ của dân họ cả, vì họ không dè rằng chỉ có sự nghiên cứu cái sọ mới cho biết một dân tộc thuộc chủng nào.

Đo sọ xong, còn phải tìm dấu vết địa bàn của sọ đó, để biết dân được đo sọ từ đâu mà đến. Chừng ấy thì các sử gia mới làm việc được.

Người Pháp đã biết họ thuộc chủng nào, nhưng hoàn toàn mù tịt về nơi phát tích của cái chủng của họ và những bước phiêu linh của nhóm người quy tựu về nước Pháp để thành lập xứ Gaule.

La Mã chinh phục Pháp 95 năm trước khi Mã Viện chinh phục nước ta, và khi J. César kéo quân vào cổ Pháp thì họ gặp những sứ quân chớ không gặp nước Pháp thống nhứt, các sứ quân ấy lãnh đạo những nhóm Vénètes Rutenes, Arvernes, Eduens không biết từ đâu đến đó và đến vào thời nào và mãi cho đến ngày nay cũng không biết.

Trong khi đó thì Mã Viện đã gặp một quốc gia thống nhứt gồm ba nhóm Lạc mà ngày nay khoa học biết được họ từ đâu đến và riêng chúng tôi biết họ phát tích từ đâu nữa.

Tưởng dân tộc chúng ta là dân tộc hiếm hoi trên thế giới, biết quá rõ nguồn cội của mình, sau cuốn sách này người Nhựt cũng đồng chủng, đồng cảnh ngộ với ta vào thời thượng cổ, nhưng họ chưa biết quá khứ của họ rõ như vậy, và họ đang tìm tòi mặc dầu họ văn minh hơn ta và có nhiều phương tiện hơn ta.

Chúng tôi mong mỏi tác phẩm của chúng tôi được công nhận hoặc bác bỏ, vì cái sự thật về thượng cổ thời của ta phải được biết một cách dứt khoát. Nếu sách này được công nhận về đại cương, thì là kể như dứt khoát, bằng như có vị nào bác bỏ được, chúng tôi cũng rất hoan nghinh để mà đi tìm học lại, vì sự muốn biết của chúng tôi, chừng ấy sẽ trở lại hành hạ chúng tôi như thuở chúng tôi bắt đầu tìm tòi, tức cách đây hơn mười năm, và tìm tòi là một thú vị vô song.

Nhưng hiện giờ chúng tôi tạm tự tin và nhìn tổng quát, và kết luận theo chiều hướng của cái biết của chúng tôi cho đến ngày nay: Thượng cổ sử ta là thế, là thế, và dân tộc ta là thế, là thế.

Chúng tôi rất tiếc là ông G. Cocdès đã ra người thiên cổ để mà biết vua Hùng Vương và hai bà Trưng dùng ngôn ngữ nào. Hai Bà Trưng và vua Hùng Vương hẳn ăn nói như người “Khả Lá Vàng” “Tua rua lăn pchet aka, pchet tum” (Tua rua lặn, chết cá, chết tôm).

Tất cả Pháp của tác giả quyển sử Việt Nam thời Khai sinh, có lẽ nằm gọn trong câu sau đây, ở trang 288: “Chỉ những tài liệu lịch sử mới là những ngọn đuốc chiếu sáng cho chúng ta trên con đường đi về nguồn gốc”.

Sự đổ vỡ của thuyết Nguyễn Phương bắt nguồn ở cái nền móng bấp bênh đó. Tài liệu lịch sử? Nhưng tài liệu đó của ai viết ra? Của một dân tộc xuất hiện đồng lúc với ta, có văn minh hơn ta nhưng không thể biết hết được.

Hơn thế, và đây mới là cái then chốt. Không ai biết dân tộc Việt Nam thuộc chủng nào cả thì có hàng vạn quyển sử liệu về dân ta, cũng không thể biết nguồn gốc của ta được. Sử gia Nguyễn Phương có thử tìm biết chủng của dân ta, bằng NỬA TRANG SÁCH và kết luận ngay rằng ta thuộc chủng Mông Gô Lích, thế nên công phu lớn của sử gia mới nhào xuống hết.

Nếu ta thuộc chủng Mông Gô Lích, thì quá giản dị, tưởng không cần viết quyển sách nào cả. Đó là một phụ chi Mông Cổ đi xa nhất, chẳng có gì phải thắc mắc nữa.

Sử gia cẩu thả, không thèm kiểm soát ước đoán của mình, xem cái ước đoán đó là sự thật rồi cứ tiến sâu vào đó. Nhưng khoa chủng tộc học đã cho thấy rõ ta thuộc chủng Mã Lai với cái sọ Brachycéphale, còn Tàu và Mông Cổ thì sọ Mésocéphale.

Biết chắc điều đó rồi, mới dùng sử liệu được vì sử liệu gạt gẫm như một con cáo già, muốn chứng minh điều sai lầm nào, cũng sẽ có sử liệu cho ta dùng làm bằng chứng cả.

Sử gia đã viết tiểu ri về sử học, trước khi viết sử. Nhưng cái tiểu ri đó lại thiếu mất cái chương quan trọng nhứt: muốn rõ nguồn gốc một dân tộc, phải biết dân ấy thuộc chủng nào, mà cái biết thứ nhì, thì chỉ có khoa chủng tộc học mới là khoa độc nhứt đủ khả năng soi sáng sử gia.

Biết xong rồi thì đã đi được 8 phần mười của đoạn đường, bởi ta đã biết nẻo săn tài liệu, và biết loại tài liệu nào cần săn chớ chưa biết thì ta gặp gì vớ nấy, nó có vẻ ăn khớp với cảm giác của ta, nhưng cảm giác đã sai thì sự ăn khớp cũng phải lệch.

Có ai bác nổi chứng tích chủng tộc học mà chúng tôi đã dùng hay không? Bác được chứng tích ấy của chúng tôi rồi, thì mới lập thuyết được, chớ khi mà sọ của dân ta cứ là Brachycéphale không thể chối, thì xin đừng tìm tòi sang nẻo khác mà uổng công. Khoa chủng tộc học thì học không có khó lắm đâu.

Học nhảy dù, tức tự học, cũng có thể giỏi bằng nhà chuyên môn. Mà chỉ có tốn vài năm để đi thật sâu trong khoa đó. Nó không bí hiểm như triết vậy đâu, vì như đã nói, đó là một khoa học chính xác như toán, tức là cái gì cụ thể, rất là dễ học, chớ không xuôi ngược như khoa học nhân văn vậy đâu. Nó là 2 + 2 = 4.

Kế đó, khoa khảo tiền sử cũng là cây đuốc thứ nhì. Không có sọ Việt ở Hoa Bắc, thế mà giáo sư Kim Định lại nói đến một cuộc hợp chủng Hoa Việt tại Hoa Bắc, nói rằng Lệnh ông không bằng Cồng bà, và kết luận rằng ta tạo ra nền văn minh Tàu ở Hoa Bắc.

Tiểu ri rất cần, nên sử gia Nguyễn Phương mới viết tiểu ri trước. Nhưng phải là tiểu ri đúng kia, mà tiểu ri đúng đòi hỏi phải biết đích xác cái chủng của một dân tộc. Nó lại đòi hỏi phải biết đích xác cái địa bàn định cư của dân tộc đó chớ không phải muốn tưởng tượng rằng ta lập nền văn minh nào ở đâu cũng được, bằng một mớ sử liệu gạt gẫm, nó đã gạt gẫm, nó lại bị chính ta tự gạt gẫm ta, đưa nó về cái hướng mà ta cần đưa.

Mà muốn biết được địa bàn đích xác thì chỉ có tiền sử học với những cuộc đào bới để tìm dấu vết xưa của dân tộc mà ta theo dõi. Đào bới suốt 50 năm ở Hoa Bắc mà không gặp cái sọ Việt nào, xin tha cho thuyết “Lệnh ông không bằng cồng bà” ở Hoa Bắc.

Và nên cố mà hiểu Granet và Maspéro. Hai ông đó chỉ dựa vào truyền thuyết và huyền thoại đời Chu mà vào đời Chu thì quả có “Lệnh ông không bằng cồng bà”, nhưng câu chuyện chỉ xảy ra ở đất Kinh Cức, chớ không phải ở Hoa Bắc thời Hiên Viên. Mà nền văn minh Tàu thì đã thành lập trước đó lâu rồi.

Granet và Maspéro đã chợt biết sự thật, ông ta có nói ra, nhưng không ai chịu nghe đó thôi. Ông ta nói rằng cứ bằng vào Kinh Dịch, thì những chuyện trao đổi văn hóa giữa Tàu và các man di không lâu đời lắm, mà chỉ xảy ra vào cuối Thương đầu Chu mà thôi. Ông ta không nói thêm gì, nhưng phải hiểu rằng vào đời đó thì câu chuyện chỉ có thể xảy ra tại Kinh Cức vì ở Hoa Bắc thì man di đã mất hết cả từ khuya rồi chỉ còn rợ Đông Di ở Cực Đông và rợ Khuyển Nhung ở Cực Tây. Từ thời Hiên Viên đến thời đó Tàu đã làm cỏ man di ở Hoa Bắc, chớ không có hợp tác gì hết ráo.

Cho tới đây, qua nhiều trăm trang sách rồi, ta mới có được cái nhìn tổng quát, mà giáo sư Nguyễn Phương đòi hỏi, chớ trước kia ta làm gì có chỗ đứng để tầm mắt ta bao rộng đến thế.

Thuật ngữ Indonésien có nghĩa là Cổ Mã Lai chớ không có nghĩa là Mọi là Thượng Việt gì hết, cũng không có nghĩa là dân của xứ Nam Dương như danh từ thường là Indonésien.

Chính sự lầm lẫn hai nghĩa của độc một danh từ đã làm chậm trễ công việc tìm tòi về nguồn gốc của dân tộc ta.

Ta thuộc chủng Mã Lai mà không ai dè, kể chẳng các nhà khảo cứu về nền văn minh Đông Sơn.

Và Mã Lai chủng, cũng không ai dè, là phát tích ở HiMalaya và di cư từ Hoa Bắc, cứ ngỡ là họ phát tích tại Nam Dương.

Không dùng ba khoa học mà chúng tôi dùng, không làm sao mà biết sự thật đó được cả. Trước quyển sách này thiên hạ đã thoáng thấy sự thật rất đông đảo, nhưng không nối kết lại bao nhiêu sự thoáng thấy lại thành một hệ thống vững vàng được, nên không ai dám quả quyết cái gì cả.


*


Cũng như bao nhiêu nhà trí thức khác, giáo sư Trần Ngọc Ninh đã chê khoa khảo cổ hẹp hòi, không cho biết được đời sống tinh thần của cổ dân.

Giáo sư Trần Ngọc Ninh chỉ nói đúng có một phần mười.

Sự thật công cuộc đào bới ở Bắc Việt còn quá nghèo nàn, mặc dầu công việc ấy đã được bắt đầu từ đầu thế kỷ này.

Tại sao vậy? Là tại không có tiền. Chánh phủ Đông Dương cũ bố thí cho nó quá ít tiền, còn chánh quyền miền Bắc ngày nay tuy có nỗ lực bằng sự tận tâm của các nhà tiền sử học, chớ cũng không bằng tiền, trong khi chỉ có tiền mới làm việc được.

Thế thì không phải là khoa khảo tiền sử dở, mà chính là con người dùng khoa ấy chưa đúng mức.

Sự kiện xảy ra ở nước ta, khác quá xa ở Ai Cập, mà các nước giàu có đổ tiền ra để làm việc cho cái quốc gia tốt phúc đó. Thế nên họ thấy rõ cả lòng đất sâu của Ai Cập.

Quyển sách của chúng tôi chỉ là cái sườn, vì chúng tôi mù tịt về thời tân thạch của ta. Ta nhảy vọt từ cái lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài đến thời đại đồng pha, giữa hai giai đoạn ấy, hai ngàn năm lịch sử không được biết.

Nhưng cũng tại rủi ro của dân tộc phần nào. Cứ vài trăm năm thì Bắc Việt bị lụt to một lần, mà mỗi lần lụt to như vậy thì phù sa bồi thêm mặt đất một lớp dày có khi và có nơi đến bốn thước tây. Như vậy dấu vết của vua Hùng Vương thứ I, chắc phải là ở dưới một lớp đất sâu 70 thước, và chắc không bao giờ xuất hiện cả đâu.

Dân ta tới Cổ Việt với cái lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài rồi tiến ra sao, qua bao nhiêu lần đó đi đến lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha thì ta hoàn toàn bí, mà ta bí nhưng không phải vì khoa khảo tiền sử kém khả năng mà vì ngân sách không có tiền để nhờ một ê kíp khảo tiền sử lỗi lạc làm việc với đầy đủ của mọi phương tiện.

Ta chỉ biết có ngôi mộ Việt Khê với chiếc hòm (săng) bằng gỗ khoét ruột, nhưng trước đó ta chôn cất thế nào? Không như ở Ai Cập mà họ biết cả từng giai đoạn biến chuyển, ban đầu dân Ai Cập rào xác bằng rào cây đan, kế đó là hòm bằng đất sét, rồi hòm bằng đất nung, sau rốt mới tới hòm gỗ.

Vật tổ của ta, còn ở trong vòng tranh luận, và những gì chúng tôi viết ra ở chương vật tổ chỉ là tranh luận, chớ chưa chắc đã là sự thật. Nhưng ở Ai Cập thì người ta biết sự thật, bởi trước khi có hình khắc chạm, đã phải có hình thô sơ hơn bằng đá, bằng gỗ mà ta chưa tìm được nhưng các ông Tây đã tìm được ở Ai Cập những “dự thảo” thô sơ đó, xác nhận hình khắc chạm, không ai hiểu tầm ruồng được rằng vật tổ của ta là chim. Nhưng ta chưa tìm được con nai bằng đất nung, bằng gỗ cả.

Chắc phải đợi thái bình và một chánh phủ dám chi tiền với lại một lớp chuyên viên giỏi thật giỏi, ta mới biết hơn được, bằng thiếu ba điều kiện đó, thì ta chỉ có thể biết tới chừng này mà thôi, không mong biết hơn được, một cách chắc chắn và khoa học và cứ tiếp tục đoán mò.

Quả đúng rằng khoa khảo tiền sử chỉ biết đại cương. Nó chỉ là một bộ sườn. Nhưng đó là một bộ sườn bằng bê tông cốt sắt, vững chắc hơn bất kỳ suy luận nào cả. Thử hỏi nếu không tiền sử học và chủng tộc học, có suy luận nào đủ khả năng cho ta biết dân ta thuộc chủng nào và từ đâu đến hay không?

Cái hẹp hòi của khoa học, thật ra thì là rộng minh mông vì cái biết đó mới là cái biết lớn, cần hơn bất cứ cái biết nào khác. Giáo sư họ Trần đã thử tìm tòi qua ca dao để biết ta có lịch 10 tháng. Rất ngộ nghĩnh. Nhưng dầu sao nó cũng không căn bản như khoa học đã cho ta biết ta thuộc chủng Mã Lai, phát tích từ HiMalaya, và di cư từ Hoa Bắc đến Cổ Việt, cách đây 5.000 năm. Nhờ tiền sử học và chủng tộc học mà ta biết được cái nó làm cho ta khổ sở từ bao lâu nay, mà ta giống một đứa con rơi, không biết nguồn cội hay chỉ biết qua những lời đồn đãi của xóm giềng. Nghĩ cái biết đó vẫn hơn là biết những gì mà ta có thể suy luận bằng vào ngôn ngữ, ca dao, chẳng hạn lịch 10 tháng.

Ta có lịch 10 tháng hay không, ta có chế độ tĩnh điền hay không, ta có theo mẫu hệ vào cổ thời hay không, nếu biết được thì hay không biết bao nhiêu, nhưng tiền sử học và chủng tộc học cứ đỡ trên hết, mặc dầu sự hiểu biết của hai khoa đó chỉ có giới hạn. Một đứa con không biết cha thì đứa con đó có phát minh ra được phi thuyền liên hành tinh, nó cũng cứ nghe là thiếu cái gì mà cái đó nó thấy là quan trọng hơn là bí mật của vũ trụ nữa, bởi cái đó làm cho nó khổ sở hơn. Hơn thế, nó không vững tinh thần được để mà đi tới vì có người cứ bảo rằng nó là con của mọi, có người cứ bảo rằng nó là con của Tàu.

Không có khoa học nào đủ sức cho ta biết tất cả thì tiền sử học và chủng tộc học cũng thế. Tại ta ngộ nhận, đòi hỏi nơi nó nhiều quá, tưởng nó biết được tất cả, nhưng nó có tự phụ có cái tài ấy bao giờ đâu. Rồi ta không biết hết, chê là nó hẹp hòi thì quá oan cho nó, và còn gây ngộ nhận đối với những người ở ngoài giới khoa học họ tiếp tục tin những gì không đáng tin khi mà hai khoa đó đã bị chê.

Vậy ta nên quan niệm lại là hai khoa học nói trên có cái biết giới hạn. Nhưng sự giới hạn đó là cả một nền móng sắt đá, chở được những gì chồng chất lên đó về sau: lịch 10 tháng hay mẫu hệ, phụ hệ gì đó.

Đại khái, ta có thể ước lượng vua Hùng Vương 1 trị vì vào năm nào chớ không nói mò như thuyết Hồng Bàng với những ba bốn ngàn năm, cổ hơn cả sử Tàu nữa.

Biết năm Thục Phán diệt Hùng Vương 18 là năm 257 T.K. ta ước lượng được vua Hùng Vương 1 trị vì vào năm 617 T.K. bởi không thể có những con người sống hai ba trăm tuổi vào thời xưa, mà vài quyển sử đã cho nhiều cổ vương ta trị vì 150 năm, 180 năm. Trung bình thì cổ kim gì cũng chỉ có hai mươi năm là cùng, bởi có những vì vua chỉ trị có hai năm rồi thì tạ thế.

Còn nhập những trào đại ở Hoa Nam lại với các trào đại ở Việt là một sai lầm to, vì cái nước Văn Lang là nước của Lạc bộ Trãi gốc Hoa Bắc lập ra. Bọn đợt II quả có lập quốc ở Hoa Nam, nhưng những quốc gia ấy hoàn toàn không liên hệ đến nước Văn Lang, không phải là vua Văn Lang tiếp nối những quốc gia đó. Văn Lang chỉ đón nhận những đồng bào mất nước từ Hoa Nam chạy xuống thôi.

Như vậy thì cái “Bốn ngàn năm văn hiến” của ta, phải được sửa đổi lại là 2.587 năm văn hiến, nếu kể đến năm 1970, vì tiến tới chế độ vua chúa rồi, thì mới gọi là văn hiến được.

Cái tánh cách cổ sơ của dân ta quả không kém gì của dân Tàu:

2.000 năm cựu thạch ở HiMalaya
5 năm tân thạch ở Hoa Bắc
2.413 năm tân thạch ở Cổ Việt
2.587 năm kim khí ở Việt Nam

Tổng cộng: 7.005 năm

Nhưng không vì thế mà gọi là 7.005 năm văn hiến được đâu vì con người cựu thạch, tuy đã bắt đầu văn minh đó nhưng có là văn hiến cả đâu.

Con người tân thạch cũng không có văn hiến gì hết như hang Làng Cườm đã cho thấy họ nằm hỗn loạn, chẳng có mả mồ gì cả. Suốt thời gian 2.413 năm đó họ phải trải qua nhiều giai đoạn tiến hóa, hợp chủng, tranh chấp, mà ta hoàn toàn chưa biết được.

Đoán hiểu thì chắc chắn sẽ sai. Có một quyển tự điển của ta dám cho biết vương hiệu của cả 18 ông Hùng Vương. Viết sách đọc giải trí thì muốn phăng e di thế nào cũng được chớ viết sử và làm tự điển thì không nên thế, vì mách phải có chứng, vua Hùng Vương dùng ngôn ngữ nào, thì trước quyển sách này không ai biết cả, ông Viện trưởng Viện Viễn Đông bác cổ là ông G. Cocdès mà còn mơ ước muốn biết hai bà Trưng nói tiếng gì mà hai bà Trưng sống sau vua Hùng Vương thứ I đến 657 năm, tức gần ta hơn, thì làm thế nào để biết ông Hùng Vương này hiệu là Hùng Liệt Vương, ông nọ hiệu là Hùng Tuấn Vương, toàn là chữ nho không mà thôi vào cái thời mà ta chưa biết viết một tiếng Tàu nào hết. Nếu ta đã biết Tàu thì Tàu đã biết ta. Nhưng sự kiện không thể chối là họ mù tịt về ta trong trận Ngũ Lĩnh mà chỉ biết có Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu.

Thế thì bọn Mã Lai đợt II đến bổ sung cho đợt I, không lâu khi nước Văn Lang đã được dựng lên.

617 – 500 = 117 năm

500 năm là con số mà tiền sử đúng đã đưa ra chớ các nhà nghiên cứu trống đồng thì sai biệt nhau quá nhiều, có người ước lượng là 250 năm T.K. có người ước lượng là 800 T.K. và giữa đó có lu bù con số, năm trăm là số trung bình chấp nhận được. Và 117 là 5 đời vua Hùng, hoặc tối đa là 6 đời. Như vậy không còn gì là lạ nữa khi ngôn ngữ Việt Nam đầy dẫy danh từ Mã Lai đợt II, và ngôn ngữ Mường đầy dẫy danh từ đợt I, vì họ sống chung nhau đến 12 đời vua là ít, thêm vào đó, thời An Dương Vương, Triệu Đà, Lộ Bác Đức mà họ còn sống chung với nhau. Chúng tôi đã đẩy các trào vua của các quốc gia Việt ở Hoa Nam ra vì Văn Lang không tiếp nối các trào vua ấy.

Nhưng dân chúng, đám bổ sung thì không thể đẩy ra, bởi một là họ với ta đồng chủng, hai là cuộc sống chung suốt 12 đời vua đủ khả năng đúc thành khối cả hai dân tộc khác chủng nữa. Chỉ còn xem coi họ có cùng tâm hồn với ta hay không để cho sự chấp nhận họ vào cộng đồng Văn Lang có một chánh nghĩa nào.

Muốn biết điều đó không nên dựa vào người Mường vì họ đã sống chung với ta quá lâu đời, có thể ta bị ảnh hưởng. Vậy ta nhìn thử Mã Lai đợt II ở địa bàn khác xem sao. Chúng tôi xét ngôn ngữ của Mã Lai Nam Dương và thấy rằng họ và ta đồng tâm hồn với nhau.

Hai thứ Lạc đó, hay nói một cách khác hơn hai thứ Mã Lai đó họ và ta đều đồng ngôn ngữ với nhau, mặc dầu có thổ ngữ khác nhau, vì địa bàn Hoa Bắc và địa bàn Hoa Nam là hai địa bàn quá lớn cách xa nhau nhiều quá, không làm sao mà tránh được khỏi tình trạng ấy được. Tuy nhiên trông lối diễn ý thì họ diễn y hệt như nhau. Thí dụ đợt I nói Chơn trời thì đợt II nói Cẳng trời, tuy là khác danh từ nhưng đồng lối diễn ý, tức đồng tâm hồn, chớ các dân tộc khác thí dụ Pháp nói là Horizon thì chẳng dính lí gì đến ông Trời hoặc đến chơn cẳng hết.

Đợt I nói Sông con, đợt II nói Sông con nít, đợt I nói Cái mắt cá để chỉ cục xương ở trên bàn chân thì đợt II cũng nói y như vậy, chớ các dân tộc khác họ gọi đó là Xương Gu, chớ không là mắt của con gì hết, cho đến đỗi sau ba ngàn năm phân ly họ vẫn còn diễn ý y hệt như nhau. Thí dụ cái Bít tất. Đó là danh từ kép mà ta mượn của Tàu về sau. Tấtđầu gối. Bít tất là món che bít đầu gối.

Người Mã Lai Nam Dương không vay mượn ngôn ngữ của Tàu như ta, chỉ dùng Mã Lai ngữ nhưng cũng diễn ý y hệt như thế để chuyển món đồ vay mượn ấy. Họ gọi đó là Cái quần của cái cẳng tức là món che bít cái tất.

Ta nói Tay chân bộ hạ thì người Mã Lai Nam Dương tức Lạc đợt II nói Tay cẳng bộ hạ. Đúng là cùng tư tưởng cùng tâm hồn.

Đó là không kể những lối nói chung lúc ở chung, thí dụ ta có Bố cái đại vương thì họ cũng có, chỉ khác là họ dùng bốn tiếng đó để làm danh từ, chỉ nhà lãnh đạo, còn ta thì dùng như là nhân danh.

Trên thế giới không có dân tộc nào gọi vợ là Nhà hết, trừ Việt Nam và Mã Lai Nam Dương.

Các nhà ngôn ngữ học đã khám phá ra điều này là ngôn ngữ là sự pháp lộ của tư tưởng, mà tư tưởng của chủng này khác chủng nọ, nên đồng chủng thì lối nói y như nhau, còn khác chủng thì lối nói khác nhau, còn văn phạm chỉ là chuyện phụ về sau mới có.

Chính lối diễn ý y như nhau đó mới là quan trọng, chớ không phải sự giống nhau của danh từ hay của văn phạm.

Thế thì chấp nhận bọn bổ sung vào cộng đồng của ta được, chỉ cần biết rằng truyền thuyết về các quốc gia ở Hoa Nam là truyền thuyết riêng của nhóm bổ sung, không dính líu về nước Văn Lang hết.

Cuộc di cư cách đây 5.000 năm bằng đường biển, phải là một thiên anh hùng ca, nhưng truyền thuyết, huyền thoại và cổ tích ta, tiếc thay lại chẳng giữ được mảnh vụn nào cả.

Về thời mà hai dân tộc đồng chủng hợp tác với nhau, ta chỉ biết có một điều là trong ngôn ngữ Mã Lai Nam Dương có danh từ hái (Tuái) mà không có danh từ A và Liềm.

Lại có câu ca dao: “Một lưỡi A, bằng ba lưỡi hái”. Thế thì vua Hùng Vương hơn bọn bổ sung rõ rệt, nhờ thế mà ông cứ vững ngôi, không như ở Nhựt Bổn và Chiêm Thành mà bọn đợt II nuốt mất bọn đợt I.

Tuy nhiên tiền sử học, riêng ở Việt Nam không hoàn toàn mù tịt về đời sống tinh thần của tổ tiên ta. Ta đã biết có tôn giáo vật bái chỉ còn phải tranh luận với nhau về con chim hay về con nai nữa mà thôi.

Bốn người giao cấu quanh mặt trời ở bình đồng Đào Thịnh cũng đã cho chúng tôi nối kết được với đồng bóng, tăng lữ của tôn giáo thờ Trời (chớ không phải mặt trời, mặt trời chỉ là hình tượng chỉ ông trời mà thôi).

Khoa kiến trúc về cái đình hiện kim của ta cho ta nối kết cái Thần Xã của Mã Lai Nhựt Bổn và cái Rong của đồng bào Thượng và cái Kêramat của người Nam Dương, tức tôn giáo thờ thần làng (mà có người gọi lầm là thần thành hoàng).

Nhưng tưởng cất nhà, cần đào móng, dựng cột rồi mới đóng vách lợp ngói sau. Cái chủng là nền móng, những gì khác đều là vách mái. Đành rằng cái nhà phải toàn vẹn mới tốt đẹp, nhưng có nền móng vẫn hơn là nóc mái. Muôn ngàn nỗ lực để phanh phui ca dao, ngôn ngữ, cổ tích cũng không bao giờ cho ta biết nguồn gốc của dân tộc Việt Nam thật đúng.


Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
  • L. Deydier: Note sur I tambour de bronge à Batavia, B.S.E.I, 1949
  • Przyluski: Les Salva, J. A., 1929
  • H. Mansuy: La Prehistoire en Indochine, Paris, 1931
  • O. Jansé: V.N. Carrefour des peuples et des civilisations, F.A., 1950
  • E. Saurin: Station préhistorique de Han Gon, B.E.F.E.O.. 1963
  • E. Saurin: Un site archéologique à Dâu Giây, V.N.K.C.T.S., 1966
  • L. Malleret: Objets de bronze communs au Cambodge, à la Malasie et à l’Indonésie Artibus, Asia, 1956
  • Phạm Việp: Hậu Hán Thư, N.T.N.S.
  • Nguyễn Phương: Việt Nam thời khai sinh, Huế, 1965
  • Nguyễn Siêu: Phương Đinh Dư địa chí, Saigon
  • G. Coedès: Histoire anciene des états hindonésis d’Indochine, B.E.F.E.O., 1944
  • G. Coedès: Les peuples de la pémisute Indochinoise, Histore et civilisation, Paris, 1962
  • R.A. Stein: Le Linyi (Tạp chí Hán học), Bắc Kinh, 1947
  • Tấn Thư: N.T.N.S.
  • G. Gaspardone: The tomb of Xuân Lôc, J. Greater India Soc, 1937
  • A. Berfainge: L’Ancien royaume de Câmp dans l’Indochine, J. A., 1888
  • G. Oliver và H. Changoux: Anthropologie de Chanes, B.S.E.I., 1951
  • H. Maspéro: Le royame du Champa
  • L. Cadière: Le mur de Đông Hơi
  • P. Dupont: Tchenla et Penduranga, B.S.E.I., 1949
  • L. Malleret: Groupes ethniques de l’Indochine, Hà Nội, 1932
  • J. Boiselier.- Statuaire du Champa, Paris, 1963

Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.