trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
27.10.2007
Ngô Minh
Phùng Quán còn đây…
 
Nhân 13 năm ngày giỗ Phùng Quán (22-1-1995 – 22-1-2008) sắp tới, giữa tháng 10-2007, NXB Văn Nghệ đã phát hành một lúc 2 ấn phẩm văn học rất ấn tượng với bạn đọc: Phùng Quán còn đây! và Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào.
Phùng Quán còn đây ! là di cảo của Phùng Quán và những hồi ức, bài viết của các đồng nghiệp bạn bè về con người, tác phẩm Phùng Quán do chị Vũ Bội Trâm, vợ anh Quán, và tôi sưu tầm, biên soạn. Sách dày 360 trang, bìa cứng rất sang trọng. Để đáp ứng mong ước của nhiều bạn đọc mến mộ Phùng Quán, NXB Văn Nghệ còn tặng kèm theo sách một đĩa CD Phùng Quán đọc thơ, gồm 16 bài thơ hay nhất của Phùng Quán như “Chống tham ô lãng phí”, “Lời mẹ dặn”, “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”, “Say”… với giọng đọc cuốn hút thân quen của chính nhà thơ ở trên Chòi Ngắm Sóng. Cuốn băng thu trên Chòi Ngắm Sóng năm nào do Nguyễn Thanh Trà, một người Việt ở Cộng hoà Liên bang Đức cung cấp. Nghe lại giọng Phùng Quán đọc thơ sau 12 năm vắng tiếng anh, tôi đã khóc như một đứa trẻ. Tôi thầm cám ơn chị Thanh Trà lắm lắm.

Tôi đã thành nhà văn như thế nào là cuốn hồi ký xúc động của Phùng Quán viết trong những năm cuối đời, mà vợ nhà thơ đã tìm thấy trong di cảo anh để lại. Cuốn hồi ký chỉ mới kể về bước ngoặt cuộc đời, từ anh bộ đội kéo phông màn cho đoàn Văn công Quân Khu 4 đến những tháng ở ngôi nhà của Văn nghệ Quân đội số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, gặp nhà văn Vũ Tú Nam, trong một tháng đã viết tiểu thuyết Vượt Côn Đảo và trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo. Cuốn hồi ký Phùng Quán viết dở ấy kể chi tiết từng ngày, từng ý nghĩ gồm 14 chương, với 208 trang sách rất cuốn hút người đọc. Với cách kể chuyện tài hoa, dí dỏm, chân tình, cuốn sách lôi cuốn bạn đọc từ trang đầu đến trang cuối. Cuối sách còn có bài viết cảm động của chị Vũ Bội Trâm, vợ nhà thơ kể chuyện đã phát hiện ra tập bản thảo trong di cảo của chồng, rồi cặm cụi chép biên tập cuốn hồi ký như thế nào. Tôi biết để có hai cuốn sách quý này, chưa kể người biên soạn, sưu tầm, các biên tập viên NXB Văn Nghệ đã âm thầm đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để xác minh nguồn tư liệu gốc, đã bàn luận cùng các tác giả từng câu từng chữ để có những trang sách trung thực nhất gửi đến bạn đọc.

Trước hai tập sách này, năm năm qua, đã có 4 cuốn sách của Phùng Quán và viết về Phùng Quán được bạn đọc người Việt trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt: Thơ Phùng Quán, Phùng Quán - Ba phút sự thật, Trăng Hoàng cung, Nhớ Phùng Quán. Hai cuốn sách mới Phùng Quán còn đây!Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào cung cấp thêm cho bạn đọc những cảm xúc mới, những hình ảnh mới về cuộc đời và tác phẩm của Phùng Quán mà trước đó chưa phát hiện ra, làm cho bức chân dung Phùng Quán trong chúng ta càng lấp lánh hơn, sâu sắc hơn và gần gũi hơn.

Trong sách Phùng Quán còn đây!, trả lời phỏng vấn của báo Ấp Bắc trong chuyến đi Tiền Giang tháng 7-1988, nhà thơ Phùng Quán đã nói: ”Tất cả những gì đời tôi đã nếm trải để chất đầy một thế kỷ sống… Tôi tưởng chừng mình như không có tuổi thơ và không có cả tuổi thanh niên. Tuổi thơ tôi là một tuổi thơ nghiệt ngã. Và tuổi thanh niên lại càng nghiệt ngã hơn” (tr. 9-19). Trả lời câu hỏi “Nhân cách nhà thơ theo anh quan niệm”, Phùng Quán khẳng khái: “Không bao giờ được đổi giọng. Viết ngay và viết thẳng. Ngay thẳng thuỷ chung từ dòng đầu đến dòng cuối”. Đó là sự thật của tư cách, nhân cách văn chương Phùng Quán.

Trong phần Di cảo Phùng Quán, tác giả đã viết rất xúc động về Tào Mạt, Bùi Minh Quốc. Anh gọi nhà thơ Bùi Minh Quốc là “người lính xích hầu” của cách mạng (tức người lính đi đầu trong đoàn quân ra trận). “Sự tích anh hùng và bi tráng của vợ chồng anh và đứa con gái nhỏ đầu lòng của anh đã trở thành vinh danh cho tất cả các nhà thơ chúng tôi, đã thay mặt cho tất cả những người làm thơ trên đất nước này, báo cáo với Nhân Dân và Tổ Quốc mình rằng: Những nhà thơ chúng tôi không phải chỉ có biết làm thơ. Khi Tổ Quốc kêu gọi, chúng tôi sẵn sàng dâng hiến mạng sống của mình, hạnh phúc của gia đình mình, và tất cả những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống riêng tư cho sự sống còn và vận mệnh của Tổ Quốc” (tr. 26). Phần Di cảo… còn có những hồi ức, kỷ niệm của Phùng Quán về đồng chí, đồng nghiệp, những câu chuyện kể bên chiếu rượu được tập hợp chung trong cái tựa đề “Miên man nhớ lại”. Qua những câu chuyện về anh hùng Lâm Uý hết đạn, lao vào ôm tên lính Spahis của Pháp cao lớn lăn xuống sông Kiến Giang dìm chết hắn, chuyện chép thơ Hoàng Cầm vào báng súng, chuyện người anh kết nghĩa Thanh Tịnh... người đọc càng thấy rõ hơn tính cách Phùng Quán: luôn sống vì dân vì nước, sống có tình có nghĩa với bạn bè, đồng đội…

Phần “Chuyện Phùng Quán” gồm 58 hồi ức, bài viết về tác phẩm Phùng Quán và thơ tặng Phùng Quán của rất nhiều nhà văn, nhà thơ đạo diễn điện ảnh, nhà báo, cả tiến sĩ toán học…, như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huy Thành, Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Khải, Ngô Văn Phú, Lê Huy Quang, Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Quang Thân, Bùi Minh Quốc, tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Tấn... Đây là những bài viết xúc động thấm đẫm tình người, tình đời. Mỗi bài viết đều đóng góp một khía cạnh mới trong cách sống, cách ứng nhân xử thế của Phùng Quán. Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi Phùng Quán là “người không quên lời mẹ dặn”. Nhờ Hoàng Phủ mà ta biết được trong một chuyến thăm Vĩnh Linh, nơi địa đầu giới tuyến 17, khi đến ruộng dưa hấu, bổ trái dưa trên trảng cát cháy bỏng, Phùng Quán đã cúi rạp mình “lạy dưa” vì cảm khái trước sự cống hiến lớn lao cho con người” của một loài cây trái. Đọc hồi ức của Hà Nhật, bạn chí cốt của Phùng Quán, ta mới biết sau năm 1954, Phùng Quán đã từng đi thi Đại học Tổng hợp Văn, nhưng không đậu. Rồi những ngày sau vụ Nhân văn-Giai phẩm ấy, cái tên Phùng Quán làm ai cũng ngại tiếp xúc, nên đi ở trọ đâu anh cũng phải đổi tên. Thậm chí bà mẹ nuôi Tưởng Dơi ở Nghi Tam, cho đến khi chết vẫn không biết rằng đứa con nuôi rất đỗi yêu thương của mình chính là “tên” “Phùng Quán Nhân văn phản động”. Bà chỉ biết (cho đến khi nhắm mắt), thằng con nuôi ấy tên là Quân (tên Quân sau này có con trai Phùng Quán lấy đặt tên cho con trai là Phùng Quân). Đọc bài viết của Châu Diên ta mới hay, ngay năm 1955 đã có bài viết của một “nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục” đánh trực diện vào tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán. Ông cách mạng giáo dục ấy “phê bình” rằng, tác phẩm này của Phùng Quán có nội dung phiêu lưu, anh hùng cá nhân, rồi kết luận đó là một tác phẩm độc hại vì không có tính tư tưởng cao. Trong lúc đó Vượt Côn Đảo được toàn quân, toàn dân đón đọc và được Hội Nhà văn trao giải thưởng... Đọc những bài viết của bạn bè về Phùng Quán, ta mới hay, mỗi lần giỗ Phùng Quán, cả nước có tới năm bảy chỗ nấu giỗ. Đó là sức trường tồn của một tên tuổi.

Phùng Quán là một nhân cách, một tài năng được đặc biệt quý trọng và ngưỡng mộ nên, dù anh mất đã 12 năm rồi, nhưng ngày càng có nhiều thêm những hồi ức, những bài viết của mọi người về anh vẫn liên tục xuất hiện trên sách báo. Đó là sức sống, sức lan toả của con người Phùng Quán, điều mà không phải nhà văn nào cũng có được!

Hồi ký Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào hấp dẫn người đọc bởi câu chuyện hồn nhiên, rất lính. Phùng Quán kể rằng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào “vai” phóng viên về Sầm Sơn, vác cái máy ảnh “không chụp ảnh được” (anh gọi là cái tráp thợ cạo) xông vào cản trở các phóng viên nước ngoài, trong dịp trao trả tù binh sau chiến tranh ở Sầm Sơn, Phùng Quán được lệnh trên trở về đơn vị cũ ở Khu 4. Nhưng một bước ngoặt đã đến với đời anh: đó là cái cột cây số rêu phong trên QL1A chỉ đường về Hà Nội. ”Tôi vạch cỏ, nhổ một nắm lau sạch hàng chữ số bên dưới chữ Hà Nội là 157 km” (tr. 15) “Thế là ba lô lên vai, ruột tượng gạo ngang lưng, đáng lẽ đi về phía Nam thì tôi lại đi ngược ra phía Bắc. Chính cái rẽ ngoặt bạt mạng đột ngột vô kỷ luật này do cái cột số rêu phong xui khiến đã đưa tôi vào một hoàn cảnh đặc biệt mà trước đó ngay cả nằm mơ tôi cũng không thấy” (tr. 16): Trở thành nhà văn. Nhưng đọc những chương hồi ký, tôi lại nghiệm ra một điều tâm đắc: Phùng Quán trở thành nhà văn là do tình cảm của cô bé Như ở Hải Thôn, con của ông chủ nhà mà Phùng Quán trọ. Cô Như ấy chính là người đọc đầu tiên của tiểu thuyết Vượt Côn Đảo khi nó vừa mới khai sinh những dòng đầu tiên. Sau đó nhà văn Vũ Tú Nam ở Văn nghệ Quân đội mới đọc và cho xuất bản. Chính cô Như đã giấu mẹ những củ khoai nướng để khuyến khích Phùng Quán viết tiếp câu chuyện. Rồi chính “em Như” đã viết thư giục Phùng Quán: ”Có chiếc thuyền nào vượt đảo về được đất liền không anh? Anh làm em khóc suốt. Anh viết tiếp đi cho em đọc với. Bao giờ anh viết xong? Khoai lang nhà hết rồi . Mỗi trang viết em sẽ bồi dưỡng anh một bánh đúc kê”. Anh Nguyễn Đức Bình, giám đóc NXB Văn Nghệ cho tôi hay, câu chuyện về “mối tình đầu” của Phùng Quán, chuyện cô Như Hải Thôn - Sầm Sơn thưởng khoai nướng, thưởng bánh đúc kê giục Phùng Quán viết từng trang Vượt Côn Đảo là có thật, nhưng hẳn nhiên là tên khác. Cô gái ấy bây giờ đã thành bà cụ 71 tuổi, nhưng mọi chuyện cụ vẫn nhớ như in và kể lại đúng như Phùng Quán đã viết trong hồi ký Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào.

Ôi sự thật sao mà đẹp đến vậy!

Huế, 19-10-2007

© 2007 talawas