trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
29.10.2007
Nguyễn Tường Tâm
Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc
 
Bài “Ðạo đức trong nghiên cứu khoa học” của ông Trần Chung Ngọc khiến độc giả có thể đọc một mạch bởi vì cái tên khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được đề cập trong bài. Bà Dương Nguyệt Ánh trong thời gian vài năm qua nổi như cồn trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Mới đây bà lại được nhận giải thưởng cao quí, “Giải thưởng Bảo vệ An ninh Tổ quốc”, trong một buổi lễ do chính phủ Hoa Kỳ tổ chức dành riêng cho bà, mà khách tham dự toàn là những viên chức Hoa Kỳ cao cấp lớn tuổi, đầu bạc trắng. Thế nhưng bài viết của ông Trần Chung Ngọc lại chỉ trích riêng bà Dương Nguyệt Ánh cho nên độc giả muốn biết xem ông phê phán bà ấy vì lý do gì và luận điểm của ông ra sao. Ðọc một mạch tới cuối bài, tôi thấy ông Ngọc đả kích bà Ánh một cách hết sức nặng nề không phải vì tư thù cá nhân. Cũng không phải ông Ngọc chủ yếu đả kích công tác nghiên cứu khoa học của bà Ánh, mà ông đả kích quan điểm chống cộng mạnh mẽ của bà Ánh. Ðề tài có vẻ mang tính hàn lâm nhưng bài của ông Ngọc không phải là một bài nghiên cứu, càng không phải một bài viết về đề tài khoa học, mà thực chất đó là một bài bày tỏ quan điểm chính trị của một người đứng bên lằn ranh cộng sản công kích một người minh thị quan điểm chống cộng. Giữa hai người chỉ khác một điều, bà Ánh minh thị tuyên bố trong buổi đón nhận giải thưởng Bảo vệ An ninh Tổ quốc Hoa Kỳ rằng bà là một người chống cộng sản Việt Nam, trong khi ông Ngọc không minh thị tuyên bố rằng ông là một người ủng hộ cộng sản, mà ông mượn lập trường dân tộc để bênh vực cộng sản. Vì ý chính đó của bài viết ẩn dưới dạng một bài nghiên cứu cho nên bài viết thiếu những tiêu chuẩn cơ bản về phương diện hình thức, nội dung và phong cách trình bày (đạo đức của người cầm bút).


Hình thức

Về hình thức, trước tiên người viết phải để ý tới việc chọn chủ đề (được làm thành đề bài [title]). Nếu chủ đề đặt ra mà sai thì nghiên cứu cũng sẽ sai hay bài viết cũng sẽ lủng củng. Sau đó người viết phải trình bày thật rõ ràng ý chính mà mình định diễn tả (main ideas) trong phần nhập đề, để rồi sẽ biện minh cho ý kiến chính đó trong những đoạn hay phân đoạn theo sau được kết nối với nhau trong một bố cục (composition) chặt chẽ. Bài viết của ông Trần Chung Ngọc thiếu tất cả những điều cơ bản này. Nhan đề của bài cho biết rõ ông Ngọc chọn viết về vấn đề “Ðạo đức trong hoạt động khoa học”. Như vậy chủ đề rất là rõ ràng về nội dung (công tác nghiên cứu khoa học) và giới hạn (lãnh vực đạo đức). Nhưng trong bài viết ông Ngọc lại chỉ trình bày vấn đề trong một giới hạn hẹp hơn nhiều: lãnh vực nghiên cứu khoa học để chế tạo vũ khí. Ðáng lẽ, với nội dung trình bày của mình, ông Ngọc nên thu hẹp đề tài lại (narrowing the subject) cho chính xác hơn, ví dụ “Ðạo đức trong hoạt động khoa học nghiên cứu chế tạo vũ khí”.

Sau khi đã chọn và giới hạn đề tài rồi người viết bắt đầu phải quan tâm tới bố cục của bài (composition).

Ðoạn đầu tiên ai cũng biết là “Nhập đề”. Trong phần này, tác giả phải giới thiệu một cách rõ ràng (có thể minh thị hay không nhưng phải rõ ràng) ý tưởng chính của mình (main idea) và dự trù triển khai ý tưởng chính đó ra sao để độc giả dễ dàng theo dõi. Ý tưởng chính trong mỗi đoạn (paragraph) hay phân đoạn được phát biểu trong một câu gọi là “topic sentence”. Ðây là câu quan trọng nhất trong một đoạn văn. Nếu câu “topic sentence” này chi phối toàn bài thì có khi được gọi là “thesis statement”, nhằm trình bày đại ý của bài. Câu thesis statement này phải được trình bày trong đoạn văn thứ nhất, “nhập đề” (introduction). Ðoạn nhập đề dài 3 trang rưỡi (font chữ 12) của ông Ngọc thiếu vắng hẳn câu văn “thesis statement” quan trọng này khiến người đọc không hiểu được quan điểm của ông ra sao và ông định triển khai những ý tưởng phụ gì. Sau khi trình bày rất nhiều ý tưởng không liên quan tới chủ đề (đề bài =title), ở mãi giữa trang 3 ông Ngọc mới viết: “Ðây chính là điều tôi muốn viết về vấn đề đạo đức trong khoa học trong phần tiếp theo.” Nhưng rồi người ta cũng vẫn không tìm được đâu là quan điểm của ông (main idea). Cho mãi tới trang 10 trong 13 trang chữ (không kể trang hình), người đọc mới thấy cái ý chính của bài khi ông viết: “Phát minh ra những vũ khí để hủy diệt sinh mạng con người thì không thể phát xuất từ một tâm thiện”.

Với 3 trang còn lại, làm sao ông có đủ giấy để triển khai và biện minh cho luận điểm của mình, và rồi lại còn phần kết luận nữa. Tóm lại bài viết của ông Ngọc có một bố cục (composition) hết sức lộn xộn, bất cân xứng. Hay có thể nói chính xác hơn, đó là một bài viết không có bố cục.


Nội dung

Ngoài những cái thiếu cơ bản về hình thức vừa trình bày, bài viết của ông Ngọc thiếu hẳn nội dung, nhưng lại dài dòng. Thêm vào đó, cái thiếu khả năng biện luận khiến bài viết có rất nhiều điều tự mâu thuẫn.

Các khiếm khuyết về nội dung xuất phát từ việc tác giả không đưa ra định nghĩa và giới hạn cho hai khái niệm chính trong chủ đề của bài: Ý niệm đạo đức và ý niệm khoa học. Tác giả dùng hai chữ đạo đứckhoa học trong ý nghĩa quá rộng mà ông lại không phân tích kỹ hai ý niệm đó.

Nói tới vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học, người ta chỉ nên bàn tới các vấn đề đạo đức riêng biệt trong lãnh vực này chứ không nên bàn rộng ra những vấn đề đạo đức chung của con người. Trong lãnh vực nghiên cứu khoa học, có những tiêu chuẩn đạo đức riêng biệt (Ethics in Science) mà chỉ cần click vào website: http://www.chem.vt.edu/chem-ed/ethics/ người ta có thể thấy ngay một sơ đồ giản dị cho thấy các lãnh vực khác nhau, đó là: thiên lệch (bias), ngụy tạo (fraud), thẳng thắn trong công việc duyệt các công trình khảo cứu của các đồng nghiệp gửi đăng trong tập san chuyên ngành (peer review), ăn cắp công trình của người khác (plagiarism), tinh thần công tác (duty), sự thẳng thắn (honesty), hành vi sai trái (misconduct) và tinh thần trách nhiệm (responsibility). Cái “tâm thiện” cần thiết như ông Ngọc viết (“Phát minh ra những vũ khí để hủy diệt sinh mạng con người thì không thể phát xuất từ một tâm thiện”) không phải là yêu cầu đạo đức riêng biệt trong nghiên cứu khoa học được liệt kê ở trên mà đó là tiêu chuẩn đạo đức thông thường, đạo đức chung của con người. Ðã là con người thì ai cũng phải cố gắng để trở nên có tâm thiện. Sai lạc đầu tiên này khiến ông Ngọc trở nên viết dài dòng, luộm thuộm.

Chữ khoa học ông Ngọc dùng trong chủ đề cũng lại có tính cách quá chung chung, trong khi ông chỉ muốn viết về công tác chế tạo vũ khí. Trong khoa học có các ngành khoa học chính xác (toán học), khoa học xã hội (ví dụ triết học, xã hội học) và khoa học tự nhiên (ví dụ sinh vật, vật lý). Trong khoa học tự nhiên người ta cũng chia ra khoa học thuần túy lý thuyết và khoa học ứng dụng (Theoretical science & Applied sciences) ví dụ vật lý lý thuyết & vật lý ứng dụng. Khoa học ứng dụng thì có rất nhiều ngành, trong đó có ngành khoa học nghiên cứu chế tạo các máy móc, phương tiện không có khả năng gây tác hại hay gây thương vong cho con người như máy sấy tóc, máy pha cà-phê v.v…, và ngành chế tạo các máy móc, phương tiện có khả năng gây thương vong hay hủy diệt con người như dao, súng v.v… Các máy móc có khả năng gây thương vong cho con người nhưng không bị gọi là vũ khí nếu được con người dùng để mưu sinh, gia tăng kinh tế, tạo sự thịnh vượng cho xã hội, ví dụ cung tên, súng, thuốc nổ dùng để săn thú, đánh cá; dao dùng để cắt thực phẩm; nguyên tử dùng trong mục tiêu hoà bình (nhà máy điện nguyên tử). Các máy móc loại này nếu được / bị con người dùng để tiêu diệt đối phương thì bị gọi là vũ khí. Thiếu sự phân tích và giới hạn ý niệm khoa học cho bài viết, một lần nữa khiến ông Ngọc đi vào con đường viết dài dòng, luộm thuộm mà lại nông cạn, thiếu nội dung. Trong toàn bài, mặc dù dài tới 13 trang, người đọc chỉ thấy được có mỗi một quan điểm: Chế tạo vũ khí giết người là man rợ, vô nhân đạo.

Thực sự ra vấn đề đạo đức ở đây cần được xem xét tới cả trường hợp những chuyên gia khoa học kỹ thuật chế tạo các vũ khí để bảo vệ bộ tộc mình, tổ quốc mình hay để bảo vệ an ninh toàn cầu thì có bị lên án không? Lấy ví dụ Việt Nam, thế giới có thể lên án hay không việc làm của kỹ sư Trần Ðại Nghĩa, của những người sản xuất ra các hầm chông, của ông Cao Thắng trong việc sản xuất ra những vũ khí để tiêu diệt đối phương? Thậm chí việc Hoa Kỳ sản xuất và sử dụng 2 quả bom nguyên tử trên đất Nhật để kết thúc Thế chiến thứ Hai là đúng hay sai theo quan điểm nhân loại vẫn còn nhiều dị biệt. Ông Ngọc hoàn toàn không triển khai đề tài của ông cho nên bài ông viết quá nông cạn.

Nội dung đã nghèo nàn mà lại còn bị lạc đề. Lấy cớ bàn vấn đề đạo đức, ông Ngọc dành hầu như toàn bài để chỉ trích quan điểm chống cộng của bà Dương Nguyệt Ánh, và mở rộng ra ông chỉ trích mãnh liệt Hoa Kỳ; đặc biệt vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Như vậy về thực chất đây là một bài chính luận của một cán bộ cộng sản, hay ủng hộ cộng sản là ông Trần Chung Ngọc, chống đối quan điểm của một người lên án cộng sản là bà Dương Nguyệt Ánh chứ không phải là một bài nghiên cứu liên quan tới khoa học của một người nghiên cứu khoa học viết về ý kiến của một khoa học gia khác như ông Ngọc muốn cho thấy. Sự lạc đề còn đi xa hơn nữa khi ông ghép vào bài một đoạn dài chỉ trích Thiên Chúa giáo.

Sự rườm rà trong bài viết của ông Ngọc còn vì cái lối lập luận “phi lập luận” của ông trước một điều đã như là một chân lý hiển nhiên, đó là “con người thì phải có tâm thiện”. Ngoài ra ông Ngọc còn đưa ra những trích dẫn không cần thiết và không đúng chỗ; đó là những trích dẫn liên quan tới hai giáo sư khoa học Ricard và Trịnh Xuân Thuận. Người ta chỉ cần dùng những trích dẫn từ các chuyên gia để ủng hộ (support) cho những luận điểm do mình sáng tạo ra, không có tính cách phổ quát. Ðối với những điều quá thông thường, không phải của riêng mình, ai cũng biết, đúng một cách hiển nhiên như “con người cần có tâm thiện” thì không cần trích dẫn hay lập luận làm gì. Ví dụ ở bài này, khi trình bày “những tiêu chuẩn của một bài viết” tôi không cần phải trích dẫn cuốn sách nào hay tác giả nào, bởi vì đó là những điều cơ bản nằm trong giáo dục phổ thông từ lớp 6 tới hết đại học.

Lập luận ông Ngọc cũng cho thấy rất nhiều mâu thuẫn. Một mặt ông nhiều lần vạch ra từng chữ, từng nhóm chữ của bà Dương Nguyệt Ánh để chỉ trích rằng bà Ánh đã quá chủ quan khi gán ý kiến của cá nhân bà cho một số đông, cho tập thể, cho cộng đồng; nhưng ngay trong phần nhập đề ông lại cực kỳ chủ quan khi viết, “Trong bài này tôi xin bày tỏ vài ý kiến cá nhân về khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, và tôi tin rằng tuyệt đại đa số người dân Việt hiền hoà yêu chuộng hoà bình, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, sẽ đồng ý với tôi.”


Phong cách (Ðạo đức của người viết)

Ðối với một người cầm bút, cần phải có kỹ thuật, cần phải có kiến thức đã đành, mà còn cần phải có cái đạo đức của người viết, điều mà tôi thích dùng chữ nhẹ nhàng hơn, đó là phong cách. Trong bài viết ông Ngọc đã tỏ ra thiếu phong cách (đạo đức/ ethics) của một người viết bình thường chứ đừng nói là phong cách của một nhà khoa học. Ông Ngọc đã nhục mạ người ông không đồng ý chứ không phải ông muốn thảo luận với họ. Ông dùng chữ “mở mắt cho Dương Nguyệt Ánh” (“Sau đây là một vài con số thống kê để mở mắt Dương Nguyệt Ánh về cuộc chiến”); ông gọi bà Nguyệt Ánh một cách xách mé là “chính thị”, ông dịch chữ “she” sang tiếng Việt là “bà ta” thay vì nên dùng lịch sự là “bà ấy”, ông còn gọi tên người khác một cách trống không, một điều trong văn hóa Việt cho là vô lễ (ông viết trống không “Dương Nguyệt Ánh”, “hai chính quyền Diệm, Thiệu”). Ông hãy thử tưởng tượng đang đọc một bài viết mà người ta thoá mạ ông như gọi ông một cách trống không là “Ngọc” hoặc dùng những chữ như “ngu, dốt, kém cỏi” để mô tả về ông thì ông nghĩ sao?

Ông phạm thêm một tiêu chuẩn đạo đức trong nghề viết nữa là thiên lệch (bias). Ông mượn lời giáo sư Thuận khi giáo sư lên án tất cả mọi khoa học gia biết rõ là mình đang phát triển những dụng cụ giết người, để chỉ lên án bà Dương Nguyệt Ánh. Tại sao chỉ một mình bà Dương Nguyệt Ánh bị ông lấy ra lên án trong khi trên thế giới có biết bao nhiêu (có thể tới hàng vạn) khoa học gia đang chế tạo vũ khí để bảo vệ tổ quốc họ, tôn giáo họ, bộ tộc họ. Sự thiên lệch của ông quá lộ liễu. Một người viết, một nhà nghiên cứu không bao giờ được mắc phải sai phạm này.

Ông Ngọc lại mắc thêm một vi phạm đạo đức nữa là không thẳng thắn (honest). Ông trích dẫn hai giáo sư Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận cốt để khoe khoang kiến thức, làm mờ mắt người đọc chứ không nhằm minh chứng cho lập luận của mình. Hai vị giáo sư này, đặc biệt là giáo sư Trịnh Xuân Thuận là người giỏi trong chuyên môn khoa học của họ và các tác phẩm của họ chuyên nghiên cứu về khoa học và tôn giáo ở trình độ cao, trình độ hàn lâm (academic) chứ không nhằm viết cho quảng đại quần chúng. Vì thế rất ít người biết tiếng hay đọc tác phẩm của hai ông. Thế mà ông Ngọc lại dựng lên sự kiện “Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một khoa học gia nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại và cả ở trong nước.” Phải chăng khi viện dẫn tới hai giáo sư này ông Ngọc có thái độ “cáo mượn oai hùm”? Cuốn The Quantum and the Lotus của giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một cuốn sách được viết dưới dạng một cuộc đối thoại giữa hai người muốn áp dụng những khám phá mới về khoa học để lý giải giáo lý Phật giáo và cho thấy khoa học và Phật giáo xác nhận và bổ sung cho nhau (xem website http://www.randomhouse.com/catalog/display.pperl?isbn=9781400080793) Nếu quả thực ông Ngọc hiểu được giá trị của cuốn sách như ông khen ngợi xin ông liệt kê bằng một câu (sentence) hay một nhóm chữ (phrase) ngắn và gọn, cái điểm sáng tạo trong cuốn sách, mà ai cũng phải công nhận thì lúc đó người đọc mới coi ông là một người viết ngay thẳng (honest), viết ra điều mình biết và hiểu chứ không phải để hù doạ người đọc khiến người đọc ủng hộ quan điểm của mình một cách sai lạc.


*

Nếu quả thật ông Trần Chung Ngọc là một người nghiên cứu khoa học như ông tự giới thiệu và có những công trình nghiên cứu thực sự, hy vọng bài phân tích này sẽ phần nào giúp ông thêm nhiều thành công trong sự nghiên cứu cũng như trong việc viết các bài tường trình thành quả nghiên cứu của mình.

© 2007 talawas