trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
30.10.2007
Ngô Thế Vinh
Mây bão
Tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7 
 
CHƯƠNG BỐN

Chiếc băng ca vừa đặt xuống, trước mắt Vũ là một người lính bị thương nằm dài; nét mặt rất xanh xao vì mất nhiều máu nhưng vẫn giữ được vẻ tỉnh táo khác thường. Cả một khoảng bụng dưới vỡ bung và nát bấy. Qua mảnh áo và quần rách, Vũ chỉ còn thấy một đám trắng đỏ bầy nhầy. Người bệnh thao láo mở mắt nhìn Vũ như chờ đợi một phán xét đem lại chút hy vọng cuối cùng; Vũ cố giữ bình tĩnh đặt tay lên trán hắn nói:

“Về được tới đây, anh yên tâm, không có làm sao đâu.”

Chừng linh cảm nỗi thất vọng trong ánh mắt người thầy thuốc, hắn khép mắt lại nhếch mép thì thào:

“Không sao đâu Trung uý, em sống mà...”

Câu nói của hắn càng làm Vũ thêm bối rối; chàng có cảm tưởng chính hắn là người đang an ủi chàng. Chỉ một phút sau, cổ hắn ngoẹo đi, môi mấp máy như đang muốn nói gì thêm; âm thanh cuối cùng mà hắn thốt ra bằng hơi thở là một tiếng kêu:

“Má ơi...”

Đứng trước một cái chết như thế Vũ thấy mình bất lực và trơ trẽn. Vũ đưa tay vuốt mắt người chết, bên cạnh là một quân nhân khác đang giơ tay làm dấu và vẫn đứng im như thế mãi. Út đã chết. Mới hôm qua theo tiểu đội thám sát trở về hắn còn cười nói huyên thuyên thuật lại trường hợp bắt được tên trinh sát địch với quả mìn hơn năm ký. Giọng Út hồn nhiên đến dửng dưng khi kể lại:

“Bắt được nó rồi với đủ tang chứng, hỏi nhẹ không xong, đánh đau mấy nó cũng không khai, mà đường về căn cứ thì quá xa và khó đi, Trung sĩ tiểu đội trưởng mới biểu em buộc hắn vào gốc cây với quả mìn của hắn; một lát sau quay trở lại, hà hà... em không còn thấy cả thân cây đâu nữa.”

Sau vụ đó cả tiểu đội Út bị bộ chỉ huy khiển trách. Rồi đến trưa nay, Út chạm phải mìn khi vừa ngã xấp xuống.

Cuộc hành quân tảo thanh nhưng lại không rõ mục tiêu, bước sang ngày thứ mười khổ sở và đói khát. Kết qủa là chỉ bắt được hai tên lính không chính quy. Lạc lõng trong rừng già nhiệt đới, không khí ẩm độc, thiếu thực phẩm và nước uống, đa số binh lính bắt đầu mỏi mệt đến kiệt quệ, Vũ chán nản hỏi Đại:

“Anh tính sao chứ tôi thấy tình trạng binh sĩ xuống lắm rồi. Thực phẩm thiếu đã đành, đến nước uống cũng không có nữa, nhiều người đã bị đi kiết mà thuốc men thì không đủ, tôi cũng không biết xoay làm sao nữa. Trước lúc đi anh bảo cuộc hành quân dài nhất là năm hôm mà cho đến hôm nay đã là ngày thứ mười.”

Đại hỏi Vũ:

“Út chết rồi hả chú, không cứu được hắn sao? Hắn mới đổi tới trẻ trung và vui tính nhất...”

Ánh mắt Đại tối xuống, kiên nhẫn dịu giọng bảo Vũ:

“Nhưng làm sao được khi bộ tư lệnh quân khu quyết định cho lệnh hạ trại tại chỗ. Họ hứa ngày mai sẽ có máy bay tiếp tế thực phẩm đạn dược và bắt ở lại chờ lệnh mới.”

Vũ chua chát:

“Như thế chả cần gặp địch quân, mấy hôm nữa trở về chúng mình vẫn mang đủ hình ảnh của một đoàn quân chiến bại.”

Vũ nghĩ đến cái vô lý của cuộc chiến tranh mà kẻ thù luôn luôn không có mặt. Kẻ thù chính là những cạm bẫy của mỗi bước chân đi, những hầm chông, những quả mìn và lựu đạn đã gài từ bao giờ.

Bỗng Vũ quay sang hỏi Đại:

“Anh tính sao nếu bây giờ đơn vị bất ngờ bị tấn công?”

“Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó nhưng chưa dám nói ra. Hơn nữa theo báo cáo mật trưa nay đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ sự điều động của địch quân. Chú hỏi tính làm sao ư? Chiến đấu đến cùng nếu không muốn ở lại đây tất cả.”

Vũ rẽ vào lều bệnh xá thiết lập tạm, thăm nom các thương binh và người ốm. Họ la liệt nằm dài, Vũ cố trấn tĩnh làm việc giữa những tiếng kêu rên. Bản thân chàng cũng cảm thấy đói và mệt; quá nửa đêm Vũ ngủ thiếp đi.

Vũ thấy mình quờ quạng trong đêm tối lạnh ngắt, toàn thân tê dại nhưng chàng vẫn cố len lỏi trong những bụi cây rậm và thấp. Tiếng đạn nổ ran từng loạt khi gần khi xa, xen vài tiếng nổ ì ầm của những cỗ đại bác. Cạnh chàng, Út đã ngã gục tự lúc nào tay còn ôm chắc khẩu súng; cạnh đó tiếng rên rỉ và quằn quại của người lính truyền tin vừa trúng đạn nghe thảm thiết và lớn quá. Những tiếng đạn nổ nghe gần hơn. “Choang”, Vũ ngã vật xuống, hoa đom đóm mắt và lịm đi trong cảm giác đau đớn. Trong nỗi chết, bao nhiêu mỏi mệt như vơi nhẹ đi, chàng nằm yên cố lắng nghe hướng đạn tới tấp bắn tới, người chàng ướt vã mồ hôi, đầu nặng trĩu nhức nhối, nóng như lên một cơn sốt cao... Nằm im tỉnh táo dần, Vũ cố bò lê ra lề đường, chàng thu hết sức ép súng vào ngực, rạp người và cắm đầu chạy băng qua lộ. Một tia lửa loé trong ánh mắt, tiếp theo những tiếng nổ dài, chàng quỵ xuống đập mặt xuống đường, tai ù đi. Còn lại là sự yên tĩnh hoàn toàn, mấy ngón tay lạnh ngắt quờ quạng xuống mặt cỏ ướt; hình ảnh dĩ vãng thời thơ ấu hiện ra và mờ đi trong niềm ân hận hối tiếc...


CHƯƠNG NĂM

Buổi chiều Huyền đang ngồi khâu và sửa soạn những thứ cần thiết để xếp vào lẵng. Cảnh nhà vắng người, một căn buồng nhỏ cũng gây cho Huyền cảm giác trống trải và cô đơn. Nhìn bóng mình trên cánh cửa tủ gương, bụng to cao vượt lên, Huyền nghĩ tới mấy hôm nữa đây... bất giác nàng bật khóc. Huyền vẫn đi lại làm việc mặc cho nước mắt dàn dụa xuống má, xuống môi. Huyền biết mình khóc không vì khổ sở hay hối hận nhưng nếu cứ để thế thì người nàng sẽ nhẹ và đỡ khổ đi nhiều. Nghe như có tiếng động ngoài sân, Huyền vội vã đến vén màn cửa sổ, trông ra: một con gà trống đậu trên nóc cổng vỗ cánh phành phạch như sắp cất tiếng gáy; ngoài ngõ đôi gà tây mào tái cụp đuôi buồn rầu trong những bước đi lạc lõng lơ đãng của một đời sống thiếu quê hương. Trông con gà mẹ xù lông cùng cục dẫn một đàn con đông đảo trên bãi cỏ, bước lên luống rau mới trồng và bới tung toé, Huyền trở lại ý nghĩ vui vui, bước vào nàng thấy ngờ ngợ một thứ tình cảm chờ đợi, háo hức không rõ rệt - chờ đợi cái gì đây, chính Huyền cũng không biết nữa. Huyền muốn bước đi nhanh nhẹn để tránh mọi nghĩ ngợi không đâu, nhưng bước đi vẫn nặng nhọc, chiếc bụng nặng muốn kéo nàng về phía trước, mỗi bước chân đi chỉ làm Huyền thấy đau nhói. Nàng đứng lại hai tay đặt lên bụng như nghe ngóng, cơn đau không dứt vẫn cứ ngăm ngăm, thỉnh thoảng lại nhói lên. Huyền lúc này mới thấy một cảm giác sờ sợ, nàng nhét nốt mấy thứ cồng kềnh vào lẵng, ra chum vác chậu nước lạnh vào rửa mặt. Chậu men trắng, nước trong veo, Huyền gục mặt vào chậu nước thấy mát rượi. Kệ cho những giọt nước dính trên mặt trên tóc nhỏ giọt, Huyền bước ra khoá cửa, gửi chìa khoá sang nhà bên rồi gọi xe đến nhà thương. Dọc đường cơn đau bụng phát lên dữ dội, chưa lúc nào Huyền thấy mình mất tự chủ đến thế. Huyền nghiến răng cắn chặt môi dưới, tay níu chắc thành xe nhưng không sao tránh được cơn đau vật vã. Người phu xe cuống cuồng đạp, nói hỏi hay phân trần rối rít Huyền cũng không còn nghe rõ nữa. Huyền cảm tưởng có một sức nặng ép mãi dưới bụng và muốn vỡ tung ra. Nàng có ý nghĩ mình sẽ đẻ ngay trên xe trước khi tới nhà thương. Huyền co người quằn quại, đạp chân giày cả vào lẵng chứa đầy quần áo; trời sẩm tối Huyền mặc kệ, vẫn ngồi vẹo trên xe như thế và thấy lại im im. Tới đầu phố chính, chiếc cổng nhà thương quen thuộc hiện ra đằng xa, Huyền thấy yên tâm và biết rằng ban nãy mình đã hơi quá lo, nàng biết mình chưa đẻ được ngay lúc này. Xuống xe Huyền chệnh choạng vào phòng trực, gặp Trâm ở đó vồn vã:

“Ủa chị Huyền, trông chị sao xanh thế.”

Huyền buông mình ngồi xuống ghế, vuốt tóc dính trên trán đẫm mồ hôi, nói trong hơi thở không đều:

“Dọc đường đau quá... tưởng ngất trên xe.”

Trâm đặt tay lên vai Huyền gịong đầy thân ái:

“Chị đợi đây để em đi gọi anh Mai đưa chị lên phòng sanh thôi.”

Đi rồi Trâm còn ngoái cổ lại dặn:

“Rồi em quay lại ngay chị nghe...”

Trâm không kém tuổi Huyền nhưng trông còn nguyên vẻ ngây thơ và hiền dịu. Nàng mến Trâm từ khi mới gặp, cô gái Trung nói tiếng Huế giọng hơi pha nghe nhẹ và dễ yêu. Huyền nghĩ tới Trâm với tiếng cười hắt ra trong veo, ngân dài như còn vương trên ánh mắt đôi môi.

Mai trở lại, dáng cao lớn, chiếc blouse trắng ngắn còn dính vệt máu tươi, chiếc mũ vải đội chụp xuống cũng không che được vầng trán cao. Khuôn mặt Mai vuông, cằm tròn hơi đưa ra, cặp kính trắng không viền trong veo làm tăng thêm vẻ đạo mạo hiền từ. Mai bước nhanh, Trâm phải vội vã chạy theo sau, hỏi vói lên:

“Cầu thang máy hỏng làm sao đưa chị ấy lên?”

Mai như sực nhớ ra quay lại:

“Cô đi gọi ngay hai y công trực, đem băng ca tới đây khiêng cô ấy lên chứ làm sao bây giờ.”

Huyền mệt mỏi ngả lưng dựa vào tường, mắt đè trĩu xuống như muốn ngủ. Mai chôn chân đứng cạnh lúc nào nàng cũng không hay biết. Mai một tay chống nạnh một tay để trong túi áo blouse dứng yên lặng bặm môi suy nghĩ và chờ đợi.

Đặt mình trên băng ca, Huyền nhắm nghiền mắt yên lặng thở mạnh và không đều. Người ta đưa thẳng Huyền vào phòng sanh. Căn phòng rộng sáng sủa và trắng toát, từng dãy giường thấp kê nối tiếp; phía góc tường mấy bình chứa dưỡng khí màu xám đen đứng trơ trẽn và lạc lõng. Mấy sản phụ khác cũng đang trần truồng nằm trơ ra đấy chờ sanh. Tiếng rên la lăn lộn xen lẫn câu chửi rủa, một lúc chán rồi lại im đi.

Những cảnh này đối với Huyền quá quen thuộc từ khi còn đi học thực tập, nhưng lúc này Huyền thấy khổ sở và mệt mỏi quá sức, nàng thiếp đi trong giấc ngủ ngắn và chập chờn. Huyền tỉnh dậy lúc có tiếng khóc oe oe của đứa trẻ, người đàn bà kế bên vừa sanh xong. Người sinh viên gác lênh chênh một tay nắm hai chân đứa bé, một tay đỡ đầu nó dốc xuống, đem ra tắm và đem cân. Giọng nói lạ từ buồng bên đưa sang:

“Con trai thứ chín mà cũng được ngót bốn cân khá quá!”

Xen vào giọng nói trong veo của Trâm:

“Đẻ dễ như đi chợ mà cũng rên la như đẻ con so không bằng.”

Người đàn bà chừng như đã kiệt sức không phải vì đẻ mà vì đã rên la quá mệt, nằm kềnh ra nét mặt thản nhiên dáng tư lự. Sau khi thăm thai lần cuối cho Huyền, Mai rút chiếc găng cao su nơi tay bỏ lại vào hộp sắt trên bàn, chàng quay ra bảo Trâm:

“Chưa đâu, ít ra là nửa đêm nay chị ấy mới sinh, cô quanh quẩn ở đây cho chị ấy đỡ buồn.”

Có người y công vội vã vào mời Mai xuống phòng trực, Mai bỏ đi. Trâm đăm đăm nhìn Mai bước theo người y công ra khỏi cửa, mắt chớp chớp khi Mai vừa đi khuất; rồi nàng quay vào nói chuyện với Huyền những câu bâng quơ với đầu óc xôn xao những ý nghĩ, trong khi Huyền mệt ngủ thiếp đi lúc nào Trâm cũng không hay biết.

Đến giữa đêm sau một cơn đau dữ dội Huyền trở dạ đẻ - đẻ con so, thai nằm ngược đưa vai ra bên. Đúng như Mai dự đoán Huyền đẻ rất khó phải đưa vào phòng lạnh với bình dưỡng khí. Trâm phải phụ Mai trong thủ thuật và dùng forceps mới lôi được đứa con ra, lúc đó khoảng hai giờ sáng. Huyền mất khá nhiều máu yếu sức nhưng được cả hai đều mẹ tròn con vuông. Mai thức cho tới sáng chăm sóc Huyền không thấy mệt. Lúc rời phòng lạnh buổi sáng, đứa trẻ còn yên ngủ, Huyền sắc mặt tái, giấc ngủ có vẻ mệt nhưng yên tĩnh. Mai bước qua một dãy hành lang đầy ánh nắng, rẽ vào buồng riêng nằm kềnh trên giường ngủ quên thay áo và cả ăn sáng cho đến lúc Trâm gõ cửa đưa vào lẵng thức ăn mà Mai vẫn không hay biết.


*

Huyền tỉnh dậy nhìn xuống bụng xẹp hẳn khiến nàng tưởng sau cơn đau dữ dội nàng gầy sút hẳn đi. Đứa con đỏ hau nằm bên, trong tấm tã trắng còn nguyên mùi vải mới, đầu tóc mềm mướt dịu và lơ thơ. Huyền khẽ nghiêng mình cho khỏi động đến con, cúi xuống nhìn nó yên lặng. Nàng đinh ninh đứa con giống hệt bố nó; cảm giác sung sướng tràn ngập lòng người mẹ. Niềm sung sướng quá mạnh so với sức chịu đựng yếu ớt của nàng lúc này, Huyền bật lên khóc, bấy lâu nay sao Huyền thấy mình mềm yếu. Một cơn khóc tự nhiên không đâu hay tại nỗi sung sướng mạnh mẽ làm Huyền thấy mọi đè nén như vơi nhẹ hẳn đi. Mai đứng cạnh nơi đầu giường nhìn Huyền và đứa con dáng tư lự và trìu mến.

Sau lưng Mai, Trâm vừa bưng vội khay bông và dao kéo đi qua. Sang đến phòng bên nàng đặt mạnh chiếc khay xuống mặt bàn đá men trắng, nét mặt phụng phịu như hờn rỗi - các dao kéo nhẩy lên chạm vào nhau loảng xoảng. Trâm lo sợ có người biết rõ ý mình, đưa mắt ra sau; tuy không ai thấy Trâm vẫn phân vân, cúi xuống chăm chú xếp các dụng cụ vào thùng hấp và tự thấy cử chỉ của mình vừa rồi là nhỏ nhen và vô lý.

Huyền giơ tay đặt nhẹ lên tóc con mơn man; cổ tay gầy, một mấu xương hơi nhô ra, nước da trắng xanh. Có tiếng ồn ào từ phía mấy giường đầu phòng khiến Huyền chú ý. Thì ra là mấy bà Phụng sự Xã hội to béo phúc hậu đang ôm những chồng áo và quà đem cho các sản phụ và trẻ sơ sinh. Nét mặt mỗi bà mẹ lúc nhận được túi quà sáng lên rạng rỡ, Huyền thấy ở họ niềm sung sướng và cảm động chân thật. Khi tới giường nàng, một bà to béo dừng lại, vẻ phúc hậu trông từ xa lúc nãy không còn nữa, cách đánh phấn như trát và cặp mắt nhìn soi mói chỉ làm Huyền khó chịu. Bà ta cúi xuống nhìn đứa bé cười nựng rồi trao cho nàng một gói quà buộc dây gọn ghẽ:

“Cô cầm lấy để chút nữa mặc cho cháu.”

Huyền mặt nóng bừng như bốc cơn giận và cảm thấy bị xúc phạm tàn nhẫn. Nàng thấy mình không đủ lạnh lùng và can đảm từ chối nên chỉ quay đi. Cả một quá khứ buồn tủi và nước mắt lại dồn dập hiện về, nàng thấy căm phẫn đến nghẹn thở. Khi người đàn bà qua đi sang dãy bên kia, Huyền quay lại nhìn gói quà từ thiện, nhìn đứa con yếu ớt ngây thơ, cảm tưởng chua chát về dĩ vãng khiến Huyền can đảm với ý nghĩ hy sinh cho hạnh phúc đứa con. Trên giường bên, người đàn bà đứng tuổi vẻ nghèo nàn hiện lên mặt, nằm cạnh đứa con nhỏ gầy nhom, tay đang thận trọng mân mê những nút lạt đỏ buộc quanh gói giấy, rồi lại đặt túi quà lên ngực ôm khư khư lấy, mắt mơ màng nhìn lên trần và đang tưởng tượng sung sướng. Huyền cầm gói giấy đưa sang, nói khẽ yếu ớt:

“Biếu lại bà, tôi không cần.”

Người đàn bà lúc đầu ngạc nhiên nhưng cũng vươn người sang với lấy, rồi cẩn thận cất dấu gói quà của mình xuống dưới gối nơi đầu giường, xong mới chậm rãi mở nút lạt của gói quà mới được cho thêm kia. Người đàn bà như quên cả xung quanh, ngồi nhỏm dậy, giở bộ quần áo trẻ con bằng vải trắng thô bé tí teo ra mặc cho con, vuốt ve và ngắm nghía xong lại nằm xuống yên tĩnh, tay ôm con, tay cầm miếng xà bong thơm nội hoá nhỏ xíu đưa lên mũi hin hít. Huyền tưởng tượng đến hương thơm lưng chừng và hôi mùi dầu của miếng xà bong, cảm giác dâng lên đến buồn nôn. Vừa lúc ấy Mai đi lại phía Huyền:

“Chốc nữa tôi thu xếp đưa chị và cháu xuống phòng dưới kia vắng và dễ chịu hơn: ban nãy là một “cas” ở Bà Rịa đưa lên muộn và nguy cấp quá cần lấy phòng lạnh nên phải tạm đưa chị ra đây.”

Mai yên lặng nhìn Huyền, giọng êm và dỗ dành:

“Thôi chị chịu khó một chốc nữa, hai mẹ con xuống dưới đó tha hồ mà tĩnh dưỡng, chị còn đang yếu lắm... phải tẩm bổ nhiều mới được.”

Mai hiểu hết nỗi khổ tâm của Huyền lúc này dù Vũ không nói rõ. Mai biết người con gái lúc nào cũng bị một dĩ vãng ám ảnh, một dĩ vãng mà Mai biết trước đã ngăn cản chàng đến gần Huyền cho đến ngày nay.

Đổi xuống phòng mới được ít hôm, Mai vẫn đến săn sóc hai mẹ con Huyền đều đặn và vồn vã. Khi Huyền dọn về nhà, Mai vẫn phải tới thuốc thang cho Huyền, vì sau khi ở cữ lần đầu lại sanh khó, nàng đang còn yếu lắm. Mai chịu khó mua những thuốc quý mà nhà thương không có đưa tới cho Huyền và vẫn nói dối là thuốc có sẵn; sự có mặt của đứa con là cái cớ để Mai gần Huyền trong một trường hợp tự nhiên hơn. Với Huyền thì sự có mặt của Trâm, người yêu của Mai, của đứa con là một bấu víu tránh cho nàng một sa ngã.


CHƯƠNG SÁU

Dòng dã suốt hai mươi hôm từ khi nhận được bức thư cuối của Vũ, Ngân được tin báo Vũ mất tích. Suốt mấy hôm nay Ngân thấy ruột nóng như lửa đốt không chịu ăn uống gì. Nàng chết lặng người đi khi biết chắc câu chuyện đã có thật. Cô Thuận nói với Ngân giọng cảm động qua nước mắt:

“Ngồi xuống đây cháu, chiều qua một sĩ quan ở bộ chỉ huy hậu cứ đến báo là trong một trận phục kích, đơn vị bị tan rã và thằng Vũ mất tích sau khi đó...”

Cô lấy mùi xoa chấm nước mắt nước mũi đang chảy xuống, nhìn Ngân với con mắt thương hại:

“Sao cô thấy cháu xanh và yếu đi thế. Câu chuyện đã đáng buồn rồi cháu phải lo giữ sức khoẻ mới được. Chắc từ sáng tới giờ cháu chưa ăn gì, để cô vào lễ tạ rồi lấy xôi vò và chè mới cúng khi sáng cho ăn...”

Ngân nức nở ngồi bên góc giường khóc, nước mắt ướt cả chiếc khăn lụa nhỏ trên tay. Nàng chiều cô Thuận cố đưa từng thìa xôi nhỏ vào miệng nhai trệu trạo như nhai gỗ. Chưa ăn hết một góc đĩa Ngân đã đặt thìa xuống; cô Thuận giọng thương cảm mắng:

“Cô đã buồn chuyện thằng Vũ, nay cháu cũng thế nữa thì chỉ làm cô buồn thêm. Gắng ăn mà lấy sức sống đợi nó về chứ!”

“Đợi nó về” ba tiếng đó chính cô cũng biết mình vừa nói dối. Trên cấp chỉ huy cũng dè dặt chỉ báo tin bằng miệng mà không cho một chút giấy tờ gì. Nhưng cô cũng nghe nói nếu gặp địch nó cũng khó sống, còn như nếu bị lạc vào khu rừng chỗ nó đóng toàn tre với nứa thì cũng chỉ đến chết đói chứ không làm sao mà thoát ra được.

Ngân nghe cô nói cảm động khóc hưng hức, đưa thêm một thìa xôi vào miệng mếu máo như trẻ con:

“Hức hức... cháu không ăn hết nữa đâu...”

Cô Thuận cầm chiếc ảnh đặt trước mặt Ngân nói như dỗ:

“Đây cô cho cháu bức ảnh mới nhất mà nó gửi về, cháu giữ lấy. Xa nó cô nhớ quá, nghe chuyện này ruột gan cô cứ như điên... Thôi cô nghĩ chẳng qua là cái số cả chứ cô thấy nó tử tế khôn ngoan. Nếu có mệnh hệ nào thì chỉ tại giời không cho nó sống thôi...”

Nói xong cảm động cô lại khóc sụt sùi. Tùng đứa con trai út của cô mới đi học về chạy bổ vào nhà, thấy thế cũng mếu máo hỏi:

“Mẹ ơi, làm gì cả mẹ và cô Ngân đều khóc thế ? Hu hu, con không chịu mẹ buồn thế đâu.”

Cô Thuận kéo con vào lòng ôm chặt, vỗ mạnh vào mông nó nói như ru, mắt cô mờ lệ nhìn ra ngoài, trời nắng gắt chói loà và im gió. Cô chép miệng lắc đầu như tự than vãn:

“Khổ nó còn trẻ quá đã sống được chút gì...”


*

Thế rồi thời gian có công hiệu xoá nhoà niềm thương nhớ. Thỉnh thoảng nghĩ tới Ngân cũng buồn, tất cả kỷ niệm hình ảnh Vũ đối với Ngân như là một quá vãng quá tươi đẹp và cũng quá xa xôi mà chính nàng sẽ cố giữ mãi. Ngân thấy lòng yêu thương Vũ cũng vơi dần. Ngân biết rõ tất cả sự vun sới dĩ vãng có ý nghĩa như một đoạn đời hạnh phúc đẹp đẽ mà nàng đã được sống, nàng có bổn phận gìn giữ để mỗi lúc nhớ lại nàng thấy đời mình là tươi vui và đáng sống. Giữa Ngân và Vũ sự quen biết đã có từ lâu, Ngân nghĩ rằng Vũ yêu mình nhưng chàng chưa bao giờ thốt ra bằng câu nói. Nàng cũng thấy mình sung sướng rung động khi sống cạnh Vũ. Tuy hơn Vũ đến mấy tuổi, Ngân vẫn thấy ở Vũ hình ảnh phóng khoáng pha chút kiêu hãnh thầm kín. Nàng tìm thấy ở Vũ một sức sống mạnh như lôi cuốn nàng theo. Tình cảm và ý nghĩ của Vũ như một thế giới mung lung nhiều màu sắc mà cho đến bây giờ nàng cũng chưa hiểu rõ rệt. Ngân cũng biết tuổi của nàng không còn đủ non dại để yêu đương một cách bồng bột ngây thơ; và cho đến bây giờ Ngân vẫn chưa thấy được những ràng buộc giữa đời sống hai người. Vũ mất đi nàng cũng buồn như hồi mất Ngà. Ngân thấy mình không có một dự định rõ rệt cho những năm sắp tới. Nàng sẽ sống cô độc mãi suốt đời ! Vô lý, nàng không hề nghĩ đến chuyện đó. Ngân sẽ vội vã lấy chồng, vì bình thường tuổi của nàng không phải là ít và quá sớm. Ngân thấy mình không thiết tha với tất cả. Sắc đẹp và hoàn cảnh làm nàng thêm tự tin. Nàng muốn sống bình thản và yên lặng trong một thời gian cho tất cả đều lắng xuống và nàng sẽ hành động tuỳ theo ý thích lúc đó. Ngân xin nghỉ đi làm, cả ngày chỉ quanh quẩn trong căn phòng trên gác, lúc đọc sách, đọc sách chán lại nằm nghĩ ngợi vẩn vơ. Lắm lúc nhớ đến Vũ nàng thấy tình cảm lại nao nức. Ngân có cảm tưởng Vũ có thể làm cho đời sống linh hoạt say sưa, nàng tưởng tượng đời sống hai người với một thứ tình cảm thú vị. Có lúc buồn, đứng cửa sổ nhìn xuống đường, mọi cảnh sinh hoạt vẫn bình thản tiếp diễn. Sáng chiều tối, mỗi lúc một sắc thái với những tiếng động riêng biệt. Ngân chỉ thấy sự liên tục lẩn quẩn của một thứ đời sống đáng chán, nắng lao xao trên ngọn cây cao vào buổi sáng, tiếng kêu rối rít của đàn chim buổi về chiều, cái mà các nhà văn đều cho là khêu gợi những vẻ đẹp, Ngân thấy đều tầm thường nhạt nhẽo. Qua khung cửa, bầu trời luôn luôn trong xanh với những đám mây trôi qua và đùn lên liên tiếp. Ngân thấy chỉ những đám mây thay đổi liên tục là diễn tả được những ý nghĩ ngổn ngang của nàng. Có những đêm mưa gió từ cửa kính mờ nước, Ngân nhìn xuống con đường vắng vẻ đứt đoạn giữa các khoảng sáng tối, các ngọn đèn điện rung rinh toả ra một thứ ánh sáng vàng vọt yếu đuối, cả một bầu trời chuyển động ầm ầm, có lúc những tia chớp loè ra rất gần, tất cả vẫn là yên lặng, gió lùa vào lá cây đổ xuống ào ào, mưa rơi từng cơn nặng hạt. Những lúc ấy Ngân thấy mình cô đơn và yếu đuối. Nàng tưởng tượng một thân xác đã kiệt sức ngã gục trong cơn mưa bão, bị phủ kín lá rừng và rữa nát chết thê thảm giữa một đống sâu bọ nhơ nhớp. Nụ cười trong sáng của Vũ, thấp thoáng bên chiếc sọ trắng hếu với hai ổ mắt sâu hoắm thăm thẳm như không đáy và hàm răng trắng hếu xít vào ghê rợn...

Rồi một hôm tình cờ Ngân được đọc một truyện ngắn diễn tả tâm trạng của người con gái sau khi người yêu bị mất. Ngân thấy những xúc động đó giống như ý nghĩ của nàng. Rồi một thứ tình cảm bực bội tiếp tới, Ngân thấy mình cũng đang sống một cách tầm thường cái mà người con gái đó đã sống và nghĩ. Nỗi giận hờn thoáng đến vô cớ và nàng thấy mình không còn yêu mến Vũ nữa. Chính Ngân cũng không hiểu tại sao. Dù chính nàng vẫn đang sống một đời sống tầm thường không khác gì thiên hạ nhưng Ngân vẫn muốn mình là riêng biệt không giống với các người con gái khác.


CHƯƠNG BẢY

Sau một chuyến đi chơi xa cảm nghĩ của Ngân đã đổi khác rõ rệt. Nàng lại thích đi lại giao thiệp với các bạn. Huệ bạn cùng lớp với Vũ dạo này thường lui tới nhà nàng. Ngân thừa biết Huệ đã chú ý đến mình từ lâu nhưng Huệ ngần ngại khi thấy Ngân vẫn bình thản lãnh đạm. Huệ cũng được biết Vũ là người được cảm tình của Ngân từ trước.Từ ngày được tin Vũ mất, Huệ có ý định đi lại và gây cảm tình với nàng. Chính Ngân cũng không hề thắc mắc đến chuyện này. Ngân tự nhủ, kể ra hắn cũng không có vẻ gì tỏ ra đáng ghét. Huệ đặc biệt có vẻ mặt xương xương, hai gò má cao, hàm răng trên hơi vổ ra, dáng người Huệ mảnh khảnh nước da xanh xao. Dáng đi Huệ có vẻ lật đật vội vã, đầu chúi xuống và lưng hơi cong về phía trước. Mới trông, Ngân cho Huệ có vẻ quê và ngớ ngẩn, nhưng lúc nói chuyện hắn lém lỉnh và mồm mép. Hắn tâng bốc và vuốt ve Ngân rõ rệt. Lúc đầu Ngân thấy hắn giả dối nhạt nhẽo nhưng sau đó nàng thấy ở Huệ vài nét hóm hỉnh vui vui. Một hôm ông Hào, ba Ngân gọi con vào nghiêm nghị bảo:

“Bác Thám muốn hỏi con cho thằng Huệ, chả là chỗ quen biết thân nên ba cũng hứa hẹn nhận lời và ba chắc con cũng vừa ý. Thằng Huệ thì con đã biết, chả gì nó cũng đã ra trường thuốc, lại con nhà tử tế, lấy nó chắc con được toại ý...”

Ngân nghe cha nói tin đó mà lòng vẫn bình thản, nàng không có ý phản đối mà cũng chẳng có ý muốn thiết tha. Rồi đến lượt Huệ ngỏ ý riêng với nàng. Huệ cầu khẩn Ngân chấp thuận, hắn tỏ ý van xin nàng một câu nói, Ngân cũng chỉ mỉm cười yên lặng. Chừng chưa vững bụng, Huệ hỏi một câu ngớ ngẩn: “Ngân yên lặng, vậy là ưng thuận...” Ngân lại cười khẽ gật đầu, coi đó như một thái độ đùa cợt với ý nghĩ: “Ừ thì lấy hắn cho xong đi!”

Rồi Ngân trở thành vợ chính thức của Huệ. Hai vợ chồng rời về Đà Lạt. Kỷ niệm mà Ngân nhớ mãi hôm cưới là bàn tay gầy guộc xương xương của Huệ run run cầm tay nàng. Một năm sau đứa con gái đầu lòng ra đời với nhiều đen tối của hạnh phúc. Ngân tìm thấy ở chồng thêm nhiều tật xấu và thái độ đôi lúc có vẻ ươn hèn. Huệ độ này cũng ít say sưa không khí gia đình như trước. Hôm Ngân mới ở cữ con Ly được ít ngày, nàng chứng kiến tận mắt cảnh Huệ khoác tay say sưa với một cô gái khác. Nàng giận dữ dằn vặt chồng. Ngân đánh giây thép về nhà xin phép ly dị, chẳng phải thiết tha gì với Huệ mà hành động đó Ngân thấy là cần thiết để xoa dịu những phẫn uất đè nén từ lâu. Thà rằng Huệ thấy thế hắt hủi và tàn nhẫn với Ngân, nàng thấy chồng mình là người đàn ông còn có thể yêu được và sống với. Đằng này Huệ hèn hạ thiết tha van xin nàng, cử chỉ yếu đuối cầu khẩn của chồng làm Ngân càng chán nản thất vọng. Ngân thấy khó có thể sống với một người chồng mà nàng khinh bỉ.

Đối với Huệ, Ngân là người vợ quá với điều mong ước của hắn.

Ngân nhớ rõ mùng ba Tết, Huệ cay cú đỏ đen thua sạch túi. Hắn trở về nhà để moi nốt số tiền của vợ. Ngân cố giữ bộ mặt tươi tỉnh ngày Tết, trao nốt số tiền còn lại cho chồng không chút kỳ kèo. Huệ trở lại sòng bài để cúng nốt số tiền vừa lấy. Mùng ba Tết, buổi tối khuya hắn lủi thủi lê bước trở về nhà. Hắn ngạc nhiên thấy trên sàn vương vãi đầy những mảnh sứ vỡ nát. Hắn giật mình nhìn lên tường và thấy rõ sự tan vỡ. Chiếc đĩa sứ mang rất nhiều kỷ niệm có in hình Huệ và Ngân ngày mới cưới nay không còn nữa. Ngân ngồi trên giường lạnh lùng nhìn chồng, cái vẻ lạnh nhạt cứng rắn mà chưa bao giờ Huệ thấy nơi vợ:

“Anh là một thằng không ra gì; bao lần khuyên anh bỏ cờ bạc say sưa bao lần anh không nghe rồi khốn nạn đến nỗi Tết nhất về moi bằng được hết tiền của vợ con. Anh nghĩ coi có đáng không. Trước đây nếu biết vậy tôi thà lấy thằng đạp xích lô còn hơn lấy một thằng tồi như anh.”

Huệ nghĩ tới sự khó khăn để lấy được Ngân về làm vợ. Hắn thấy không chút giận vợ đã nặng lời với mình. Huệ nghĩ dầu sao Ngân cũng yêu thương hắn. Hắn cũng thấy mình hèn hạ không chút xứng đáng. Huệ tiến lại phía Ngân tay run run, mắt đỏ ngầu, không phải vì giận dữ mà vì cảm động hối hận:

“Ngân, anh van xin em tha thứ cho anh. Dẫu em có nghĩ sao đi nữa anh vẫn cho rằng đời hai đứa ta đã gắn bó. Anh không thể can đảm sống thiếu em. Anh chắc em cũng nghĩ thế... Hơn nữa càng ngày anh càng hiểu và quý em hơn... Ngân em...”

Huệ lại giường ngồi xát bên vợ, gục đầu vào hai bàn tay Ngân. Hắn cảm thấy sự rộng lượng và tha thứ mênh mông. Cảm động Ngân nức lên khóc. Khóc vì hạnh phúc không mất. Khóc vì quá thương hại Huệ. Ngân cũng tự cảm thấy mình tầm thường ngã người vào lòng chồng, níu cổ Huệ xuống khẽ nói thầm:

“Anh, Ngân sắp có con.”

Huệ sung sướng cúi mặt xát xuống hôn nhẹ trên tóc Ngân, tay đặt lên bụng tròn và hơi căng của vợ nói như mơ:

“Con, hạnh phúc hai ta...”

Ngân quay mặt chấm giọt nước mắt bên gối với ý nghĩ về một hạnh phúc giả tạo...

Rồi cho đến bây giò Ngân vẫn phải sống với một người chồng mà nàng khinh bỉ, với đứa con gái mà Ngân không hề tha thiết yêu thương. Huệ vẫn là hình ảnh của sự dễ quên yếu đuối. Đứa con gái lớn dần càng làm cho Ngân thất vọng chán nản. Còn gì xấu bằng đứa con gái lại giống bố nó từ con mắt đến đôi môi. Ngân đau khổ khi nghĩ rằng người mẹ không thương được đứa con mà chính nàng đã phải chịu bao đau đớn sinh ra. Ngân có cảm tưởng muốn sống xa chồng xa con, hình ảnh của một cuộc nhân duyên đáng tiếc.


*

Dạo này Ngân trở nên ít nói, nàng cố ý tránh mặt Huệ. Các bữa cơm nàng thường kiếm cớ bận ăn trước, rồi để phần riêng cho Huệ một mâm. Nhiều khi ngồi trước mặt Huệ nàng thường vớ cuốn sách hay tờ báo cúi xuống đọc, lúc đó Ngân chỉ thấy một tờ giấy trắng với những hàng chữ đen nghịt trước mắt, ý nghĩ lan man.

Đã hai tuần nay Ngân cũng chưa gần chồng, buổi tối khi Huệ đi chơi nàng hay đi ngủ sớm. Lúc Huệ về nhà, vào đến phòng bật đèn, nằm đặt mình cạnh nàng, Ngân còn thức mà vẫn giả vờ như im ngủ. Tối nào Huệ ở nhà hay ngủ sớm, Ngân kiếm cớ bật đèn ngồi đọc sách cho đến khuya chờ lúc Huệ ngủ say nàng mới bước vào giường. Thấy vợ đổi khác Huệ cũng chỉ ngạc nhiên đôi chút và giữ thái độ im lặng. Cái im lặng đó nhiều khi có công dụng chọc tức nàng, Ngân cảm tưởng Huệ cố tình giót dầu vào lửa, nàng lại càng tỏ vẻ khắt khe hơn.

Hôm nay Đà Lạt có vẻ trở lạnh, buổi chiều trời đã nặng trĩu và xẩm tối. Gió thổi mạnh lật ngược những lá cây phía dưới. Mưa lác đác và nhẹ hạt. Buổi tối còn sớm, bên ngoài đã tối đen như mực, mưa trở nên nặng hạt. Đứng trong nhà nhìn ra vườn, Ngân chỉ thấy những hạt mưa trắng đục rơi liên tiếp qua các vùng sáng của chiếc đèn điện ngoài cổng. Nàng đưa tay mở cánh cửa kính, gió lạnh bên ngoài ùa vào làm nàng rùng mình, Ngân vội khép chặt cánh cửa quay trở vào. Ngân nhớ lại hồi còn làm ở phi cảng, gió về đêm cũng lạnh nhưng dễ chịu hơn nhiều. Các bóng đèn điện sắp thành dãy dài sáng rực, ở phía xa xa, nàng trông rõ những con muỗi đêm hay thiêu thân bay kín quanh các ngọn đèn như một đám bụi trắng đục và linh động. Đời sống lúc đó sinh động trước những quang cảnh chia ly đoàn tụ và đón đưa. Ngân hình dung lại vẻ mặt tươi cười của Vũ hôm tiễn Bách đi Pháp. Đêm khuya khoảng hai giờ sáng phi cảng đã vãn dần, Ngân hỏi đùa Vũ:

“Bao giờ đến lượt anh đi để Ngân đưa tiễn.”

Ngân thấy chữ anh lúc đó như một âm thanh reo vui; Ngân biết Vũ còn trẻ hơn nàng nhưng chính Ngân cũng thấy thinh thích khi gọi Vũ như thế.

Vũ đưa tay lên cằm nhìn Ngân, nói giọng đầy cảm mến:

“Bao giờ Ngân không còn là cô Ngân nữa thì lúc đó tôi ra đi...”

Ngân lắc đầu tư lự. Đúng thế bây giờ Ngân không còn là Ngân trước kia nữa và Vũ cũng đã ra đi thực sự và không còn bao giờ thấy lại. Ngân vào giường nằm kéo chăn đắp kín ngực, nhìn lên trần suy nghĩ. Chiếc đồng hồ quả lắc thong thả gõ mười tiếng trầm buồn. Một lúc sau đó có tiếng giày của Huệ đi về. Ngân vội vàng xoay mình giả vờ nhắm mắt ngủ. Nằm yên nghe tiếng động, Ngân biết Huệ đang thay quần áo. Tiếng máy nước chảy trong nhà tắm, tiếng bật đèn, Ngân nghe tiếng dép tiến lại gần, Huệ dằng hắng hỏi:

“Ngân, em ngủ chưa?”

Nàng vẫn nhắm mắt yên lặng. Huệ lên giường nằm ngay bên cạnh Ngân, tiếng tờ giấy loạt xoạt, ánh đèn sáng chiếu qua mi mắt lim dim. Ngân biết Huệ đang đọc báo. Huệ đặt tờ báo xuống bàn ngủ quay lại phía Ngân yên lặng ngắm nghía. Đêm nay Ngân thấy mi mắt mình như rão ra, muốn mở thao láo. Cố nhắm mắt mãi chừng đã mỏi, nàng xoay người mở mắt nhìn thẳng lên trần. Huệ thấy Ngân tỉnh giấc thì mỉm cười. Không nhìn xem Huệ cười, Ngân cũng thấy rõ một hàm răng trên hơi vàng vẩu ra và để hở cả một đống lợi thâm thâm đáng ghét. Từ nhỏ Ngân vẫn ghét những người cười hở lợi như thế, mà Ngân tự hỏi tại sao nàng lại có thể lấy Huệ cơ chứ. Ngân nghĩ mọi sự thật trớ trêu, cứ ghét gì thì sẽ gặp lại cái đó. Huệ nhỏm dậy đưa tay vuốt mấy sợi tóc trên trán vợ và nói khẽ:

“Con ngủ rồi em!”

Không đợi Ngân trả lời, Huệ cúi xuống đè nhè nhẹ lên người vợ, Ngân quay mặt đi chỗ khác lắc đầu chán nản:

“Hôm nay em mệt.”

Như không nghe lời Ngân nói, Huệ nghiêng người ra ngoài tắt phụt chiếc đèn lớn. Cả phòng chỉ còn lại một thứ ánh sáng đỏ dịu của chiếc đèn ngủ đầu giường. Trong bóng tối Ngân tưởng tượng hai con mắt sâu thẳm của chiếc sọ người. Nghĩ đến Huệ, Ngân thấy lúc này hắn có vẻ thèm khát dữ tợn, hai mắt với lòng trắng đục có những tia máu, và tròng đen màu nâu như vỏ hạt dẻ... Huệ nằm nghiêng gối đầu lên tay Ngân và gác chân lên đùi nàng. Ngân nằm yên như thế không chống cự, mệt mỏi chán nản với cảm giác nặng trĩu. Yên lặng một lúc, Huệ lại cựa quậy, đưa vòng tay kéo xát Ngân vào người. Ngân lạnh lùng gỡ tay chồng quay mặt vào bóng tối Huệ lại xích gần vào người nàng, bàn tay mơn trớn từ vai xuống ngực, Huệ yên lặng mân mê gỡ từng chiếc khuy áo của vợ. Hiểu ý chồng, Ngân uể oải, lạnh nhạt cởi áo...

Bên ngoài trời có lẽ vẫn mưa và có sét, Ngân thấy bao nghị lực chống đỡ như tiêu tan. Con người nàng trở nên quá yếu đuối, mệt mỏi và buông thả tất cả.

Sáng hôm sau Ngân tỉnh dậy sớm, nhìn Huệ đang nằm co quắp ngủ, cánh tay trái mà Huệ gối đêm qua bây giờ nàng vẫn cảm thấy tê mỏi. Huệ ngủ mê mệt và ngáy đều đều, vẻ mặt dúm dó, nước miếng chảy dài bên mép đã khô thành một vệt trắng, yết hầu Huệ lộ hẳn ra mà ngày thường Ngân không để ý. Hai bàn chân Huệ để lộ ra khỏi chăn gầy guộc xanh xao. Ngân lên tưởng tới những xác chết được chùm chiếu chỉ để lộ ra hai bàn chân trắng nhợt nhạt trông giống thế. Nàng cúi xuống kéo chăn đắp kín hai chân cho chồng và thắc mắc tự hỏi là nàng sợ chồng lạnh hay nàng muốn tránh những ý nghĩ ghê sợ...

Ngân bước vào phòng tắm, trời buổi sáng càng lạnh. Nàng vặn vòi nước cho chảy gần đầy bồn tắm. Thường ngày Ngân quen tắm nước thật nóng và có tật ngâm mình trong nước một cách thích thú. Sáng nay Ngân chỉ pha nước vừa tan giá, nàng mạnh bạo bước vào, nước lạnh làm người nàng co lại, Ngân có cảm tưởng mình đang ao ước làm một cái gì thật là nguy biến khó khăn đến liều lĩnh để thoát khỏi cái mức sống mà nàng thấy quá chán ngán... Qua cửa sổ, sương bên ngoài còn dày đặc trắng xoá, các bụi cây trước nhà chỉ thấy mờ mờ xám, chuông nhà thờ đổ rộn rã liên hồi...


CHƯƠNG TÁM

Đại đang thiu thiu ngủ, mê man trong những ý nghĩ chập chờn. Căn phòng nhỏ thoáng và thừa thãi ánh sáng. Phía cửa sổ trông ra ngoài vườn là bãi cỏ xanh thoai thoải chạy dài. Cơn gió nhẹ đưa đẩy một cành cây khẳng khiu – lá đỏ và dài, vào phía trong cửa sổ như rục rã kêu gọi, từng chùm lá năm chiếc vỗ nhẹ phần phật theo cơn gió như những ngón tay uốn éo. Đại mở mắt nằm yên lặng tưởng tượng cảnh đẹp bên ngoài. Từ lưng đồi dốc thoải xuống theo một con đường mòn đất đỏ còn đẫm sương đưa tới một rừng thông với những bóng cây cao. Dưới một gốc cây thẳng vút, phía sau bụi cây thấp, thấp thoáng bóng một người con gái áo trắng rất quen. Người con trai ghé vào tai cô gái nói một câu rất khẽ, tiếp theo là một chuỗi cười trong veo như thuỷ tinh. Đại mường tượng như có tiếng thác nước đổ vào những tảng đá từ trên cao nghe như rất gần rồi thoảng xa ngân nga không dứt; tiếng thông reo qua kẽ lá theo gió trườn lên lưng đồi thoai thoải mang theo những hương thơm hắc của các bông hoa dại, thổi lùa vào buồng, khiến Đại thấy hơi lạnh và khoan khoái. Một cảm giác khao khát không đâu lại trỗi dậy, cành cây và chùm lá đỏ vẫn lấp ló phía góc cửa sổ bên ngoài như khêu gợi niềm háo hức rạo rực. Đại nheo mắt nhìn qua cửa sổ, khung trời xanh cao, những đám mây trắng mỏng và sáng nắng lững lờ trôi; qua khung sáng bên ngoài, Đại trông rõ từng sợi gân trắng hồng của mỗi chiếc lá, mặt dưới có phủ một lớp lông trắng như bụi phấn. Gió nhẹ và đều đặn làm tròng trành những chiếc lá, từng mảng đỏ dài chợt hiện ra rồi mất đi. Màu đỏ như chảy ra lớn dần khiến mặt Đại nóng và đỏ gay lên. Mọi thớ thịt trên mặt đang căng như thũng lại, các đường nét đau cau lên rồi chảy xuống với ý nghĩ về máu me và thương tích mà chàng phải gánh chịu. Một niềm thất vọng và ngao ngán không đâu xâm nhập tâm trí Đại với những nguyên nhân không rõ rệt, đó có thể là sự đều đặn buồn nản thường nhật cũng có thể là nguyên nhân của một chờ đợi khắc khoải bâng quơ.

Quả đấm phía cửa ra vào lách cách xoay đi nửa vòng, cánh cửa hé mở Huyền xẽ lách mình bước vào đem theo một khay thức ăn sáng với một nụ cười hiền hậu và rất tươi. Huyền cúi đặt cốc sữa lớn có đậy nắp trên chiếc bàn sắt con đầu giường, một chai nước lọc đầy còn nóng và một gói những thuốc viên.

“Đêm qua anh ngủ yên chứ?”

Đại cảm động về sự chăm sóc ân cần của Huyền đối với mình, chàng đăm đăm nhìn Huyền đẹp lộng lẫy và đơn giản với tất cả tươi sáng tượng trưng cho hy vọng của cuộc đời hiện tại. Biết Đại nhìn mình, Huyền vẫn lấy vẻ tự nhiên và trên môi chúm chím một nụ cười. Đại không muốn gây một tiếng động lúc này, dù chỉ là một câu êm ái. Chàng có cảm tưởng những ý nghĩ khó khăn thất vọng và chán nản vừa qua không còn lý do để tồn tại nữa, tất cả đều bắt nguồn từ một chờ đợi mòn mỏi nay đã được như ý muốn.

Huyền đặt khay xuống ghế, đưa tay sửa mái tóc và đi ra phía cửa sổ, bóng dáng Huyền đẹp đều đặn nổi bật trên khung cửa sổ, sống mũi cao trông nghiêng hơi hếch lên, đuôi mắt dài đen và hơi nheo lại vì ánh nắng bên ngoài để lại vài nếp nhăn gợn lên đáng yêu. Màu trắng của chiếc mũ nhỏ trên mái tóc hanh vàng, màu trắng của chiếc áo cũng sáng lên không sao lẫn được với nước da trắng của cánh tay để trần qua tay áo ngắn. Huyền không quay lại nói một mình:

“Dưới đồi mát và thông reo vui quá...”

Huyền đang nghĩ tới đứa con nhỏ chốc nữa tan học về sẽ đi tắt qua con đường ngoằn ngoèo giữa các rặng thông, leo những từng cấp thoải ngang trên đồi để về nhà. Huyền tự nhủ: “Chốc nữa rẽ qua thăm chú bé xem sao”.

Lúc Huyền quay lại, Đại vội ngoặt đầu đi và lim dim ngủ. Đại ý thức được một niềm vui êm ả. Hình ảnh đẹp của Huyền đang thấm dần và lắng xuống. Khi Huyền quay bước ra thì Đại gọi giật lại:

“Cô Huyền, trưa nhờ cô vào viết hộ một lá thư...”

Huyền đứng giữa phòng, mắt long lanh nhìn Đại lắc đầu thương hại:

“Trông anh còn yếu lắm, cố tĩnh dưỡng nữa đi cho khá hơn cái đã...”

Trước khi quay ra khép cửa Huyền còn cười nói với:

“Chốc nữa xong việc mấy phòng kia, Huyền quay lại viết thư cho anh.”

Cánh cửa vừa đóng Đại nhỏm đầu dậy muốn gọi Huyền nhưng kìm hãm kịp nên lại thôi. Cách đây ba tuần Đại được máy bay trực thăng chở về y viện vì thương tích quá nặng. Tính mạng Đại trong những ngày đầu hiển nhiên bị đe doạ. Hỏi Mai, Huyền được biết Đại bị thương trong một vụ tấn công khi đơn vị đang hành quân. Huyền lại chạnh nghĩ tới Vũ trong một hoàn cảnh tương tự, chỉ có khác là Vũ bị mất tích – có thể Vũ cũng bị thương nặng như Đại nhưng bị bỏ rơi lại và đã chết hoặc còn sống nhưng bị bắt làm tù binh. Đối với trường hợp mất tích, Bộ chỉ huy rất dè dặt và không cho nàng biết thêm gì hơn.

Gần đây sức khoẻ của Đại đã khá hơn; đe doạ về cái chết cũng qua đi, nhưng Đại lúc nào cũng như có những ý nghĩ khó khăn. Huyền tưởng tượng Đại hẳn phải có một dĩ vãng bi đát ám ảnh cuộc đời chàng nên lúc nào Đại cũng có vẻ không vui. Rồi Huyền tự cho Đại là người cùng cảnh ngộ với nàng. Huyền có ý tưởng táo bạo là có thể lấy Đại với thân thể tàn phế hiện tại nếu nàng không bị ràng buộc về một quá khứ chưa xa...

Huyền lại đẩy chiếc bàn lăn nhẹ trên nền nhà phẳng của một hành lang dài hun hút và vắng ngắt. Vẫn những công việc thường nhật mỗi sáng: lấy nhiệt độ, tiêm thuốc phát thuốc, thay băng gần ba chục giường bệnh phải coi sóc, lúc đầu Huyền thấy mệt nhọc sau dần cũng dễ dãi và quen đi. Mai đang đứng trong buồng của một nạn nhân mới vào sáng nay; đứng cạnh là một y sĩ nữa mà Huyền không quen, hai người đang tranh luận bàn bạc, Mai cũng không để ý thấy Huyền đẩy xe đi qua.

Huyền đang nghĩ tới một tình trạng bấy lâu kéo dài vẫn chưa đi tới đâu: ở cữ xong đứa con, ít lâu sau khi về nhà, Mai xin cho Huyền đổi lên làm trong một y viện mà chàng tới phục vụ. Chính Huyền cũng muốn xa hẳn khung cảnh sống cũ mà nàng chẳng thấy vui gì. Câu chuyện Huyền đổi tới chỗ làm của Mai là điều mà chính gia đình Mai ngăn cản và tỏ rõ thái độ chống đối. Chắc Trâm cũng hiểu nhầm nàng và mang mối oán hận đau đớn. Còn Mai yêu Huyền, ý nghĩ đó cũng không sai. Sự nghiêm nghị hay rụt rè làm Mai không dám thổ lộ tình yêu với người con gái; hay vì tự trọng một lời hứa và lòng tin cậy của một người bạn làm Mai phải do dự. Với Huyền, nếu Mai hỏi thẳng và tỏ rõ tình yêu thì Huyền có đủ can đảm để từ chối. Huyền lại do dự trước trí tượng tượng quá xa của mình. Hay chỉ vì lòng tốt mà Mai muốn giúp mẹ con nàng ? Huyền sẽ ân hận nếu lầm lẫn gán cho Mai về sự trông đợi một tình yêu mà chính Mai không có. Nàng có cảm tưởng mình đang mang nặng những ý nghĩ bội bạc về một ân nhân...

Đi hết vòng giường bệnh, lúc quay lại đẩy bàn về phía phòng trực, có tiếng Mai gọi giật Huyền lại:

“Chị Huyền!”

Huyền đang miên man trong ý nghĩ, ngơ ngác quay lại, Mai đứng đó dáng không vui nhưng cũng cố nhếch mép mỉm cười. Huyền bước vội lại chỗ Mai đứng, rồi như mọi lần trong công việc Mai thản nhiên gọi nàng bằng cô:

“Cô cho nước nóng vào bình cao su đem lại đây, rồi cô chịu khó đưa từng thìa cháo lỏng vào miệng bắt đầu cho ông ấy ăn một chút chứ...”

Theo vẻ đăm chiêu trên ánh mắt Mai, Huyền nhìn người bệnh gầy xọp và nằm dẹp xuống, da mặt khô, mắt trũng sâu, tóc dài quá mang tai trông càng thiểu não, hai mắt người đàn ông vẫn mở to nhưng dại đi. Những con kiến đen bò thản nhiên trên lồng ngực để trần giơ những chiếc xương bọc da khô.

Huyền ngước mắt nhìn Mai dạ một tiếng khẽ rồi quay đi. Mai cũng theo Huyền bước ra; đến ngoài hành lang Mai vừa đi vừa giảng:

“Hắn lạc vào rừng hàng tháng nay, ăn uống bậy bạ, mưa gió lại bị kiết lỵ bấy lâu không thuốc men, lúc khiêng về đây thì bệnh hắn đã nguy kịch quá rồi, vẫn đi ngoài như tháo cống, người rạc đi, cho thuốc đấy mà đã chuyển gì đâu.”

Huyền yên lặng, Mai giọng thấp xuống tiếp:

“Chắc chả hy vọng gì, vả lại...”

Mai ngưng lại quay sang hỏi Huyền:

“Cô có thấy kiến đen vẫn bò đầy trên người hắn không?”

Huyền khẽ gật đầu và tưởng tượng đến một xác chết đã để lâu, nàng cố tránh một liên tưởng đến tình cảnh của Vũ; Mai lại tiếp:

“Hồi còn đi học ở nhà thương tôi đã gặp mấy ca như thế: kiến bò trên mặt trên người mà không thèm xua đuổi là điềm sắp chết. Còn nước còn tát nhưng theo kinh nghiệm tôi linh cảm hắn khó qua khỏi đêm nay...”

Mai theo Huyền vào buồng trực biên toa thuốc và công thức nước truyền với đôi lời dặn dò rồi bước ra ngay. Huyền làm theo lời Mai dặn, tiếp nước muối tĩnh mạch, truyền túi nóng trên bụng và bắt đầu thử cho ăn. Chăm sóc người bệnh mà Huyền có cảm tưởng như đang mân mê một xác chết. Công việc làm xong, giao ca, Huyền về phòng thay áo để ra trường đón con.

Buổi trưa sau khi đọc báo thấy mục cáo phó nơi trang tư đăng tin ông Vượng chết. Huyền có ý định trở về ngay chiều hôm đó. Nàng vội vã sang báo tin cho Mai và xin phép nghỉ. Mai ngỏ ý muốn đưa Huyền về nhân tiện như chuyến nghỉ phép đi chơi xa. Huyền tỏ ý chần chừ e ngại, Mai hiểu ý và thôi ngay. Mai ra tận bến xe tiễn đưa hai mẹ con Huyền và cho biết có lẽ cũng về Sài gòn vào ngày hôm sau.

Huyền nao nức muốn mau chóng tới nơi nhưng dọc đường lại một chặng bị phá hỏng phải chờ đến tối mới sửa chữa xong... Huyền biết mình chỉ là kết quả của một mối tình lén lút và bất chính. Cha Huyền trước kia là một nhân vật tai mắt, địa vị không cho phép người cha nhận đứa con gái là con mình. Đối với người mẹ thì đó chỉ là kết qủa của một thời khắc buông trôi lầm lỡ mà bà muốn thực sự quên đi. Mẹ Huyền dứt khoát từ bỏ hẳn nàng để lấy người chồng thứ hai năm nàng bốn tuổi. Huyền được bỏ vào ký nhi viện cho các bà sơ chăm sóc, sống chung với những đứa bé mồ côi khác và mang họ mẹ. Đứa con gái trong đời nó chỉ thấy được mặt người cha vài lần không chính thức. Nếu trước đó có ai chỉ vào một người đàn ông khác mà bảo rằng đó là cha nàng thì người con gái cũng không làm sao biết nữa. Cho đến lúc người mẹ ra đi người cha bị thất thế, lúc đó tất cả thiếu thời người con gái được ghi dấu bằng những đau xót lắng dần xuống, chìm sâu vào cõi tiềm thức tối tăm... Ý nghĩ Huyền miên man, đó chắc chắn không phải nỗi buồn của người con gái trở về để vĩnh biệt một người cha thân yêu. Tin ông Vượng chết nàng không thực sự cảm xúc và cho đó như là một chuyện tất nhiên. Từ ít lâu sau ngày ông bị thất thế, ông bị đau yếu luôn nhất là chứng đau gan nó hành hạ ông. Đó là hậu quả của những năm thành đạt với tiệc tùng rượu chè. Huyền cũng ra đời trong khoảng thời gian đó. Các con ông hiện giờ bên nhà chẳng còn ai. Họ được ông gửi gấm đi Anh đi Pháp từ lúc còn bé, trừ một người con gái lớn lấy chồng và sống ở ngoài Trung. Nghe tin ông Vượng chết chắc cũng chả một đứa nào tính chuyện trở về, về làm gì khi mà cái chết của ông được coi như là hết, trong khi đó chúng nó có cả một tương lai sung sướng cần được trông nom và gìn giữ. Còn đối với bà vợ ông hiện tại thì cái sự thể ông chết cũng chả làm đời sống bà có gì thay đổi. Bà đã có một ý nghĩ khác thường từ lâu mà chưa dám nói ra: đối với bà thì ông coi như đã chết từ khi ông xuống dốc về nhà và nhất là từ khi ông bị bệnh sơ gan đau ốm. Hạnh phúc của bà bây giờ là trên cặp chiếu với con bài con bạc lê la. Cả một đời ông xoay sở và mưu toan cho vợ con, cuối cùng ông chết trong ý nghĩa bị bỏ rơi và cô độc. Chỉ còn một đứa con gái mà trước kia ông muốn trốn tránh vì thể diện, đến nỗi đã phải bỏ rơi nó trong âm thầm cay đắng không thương xót, thì hôm nay nó trở về để chia sẻ với ông sự bất hạnh và niềm cô đơn. Chính Huyền cũng không ý thức được ý nghĩa của một chuyến về như thế. Vì hiếu đễ hay ràng buộc của một nền luân lý lỏng lẻo và không còn đứng vững, chắc chắn không phải thế. Hay chỉ vì lòng thương hại, nếu thế thì người con gái còn nhiều chua chát và kiêu ngạo quá. Nhưng có lẽ là tất cả. Vì chính nàng cũng không phân tích và nghĩ như thế. Khi về đến nơi thì người ta đã liệm và đậy ván thiên. Nàng thấy tiếc không được tự tay vuốt mắt người cha trong ý nghĩa một vĩnh biệt cuối cùng. Đám tang cử hành trong ồn ào náo nhiệt giả tạo lúc đầu, rồi vắng lặng và trơ trẽn sau đó. Huyền thấy rõ vẻ không thực buồn rầu của những kẻ không thực lòng thương yêu nhau. Rồi tất cả cũng đi vào êm thấm. Lúc Huyền sắp sửa ra đi, vì nơi đây từ nay không còn một ràng buộc nào với nàng nữa, thì người vợ cha nàng hỏi gạn:

“Trông cháu ngoan quá, thế anh ấy đâu mà không về cùng?”

Nàng biết trước ý nghĩa của sự châm chọc hèn hạ nên cố giữ vẻ bình tĩnh. Huyền nghĩ trong cuộc sống nếu đã không gây được cho nhau những hình ảnh êm đẹp thì cũng chẳng nên gây đổ vỡ làm gì:

“Nhà con bận công tác theo sư đoàn nên không về được...”

Bà làm bộ buồn rầu bảo Huyền:

“Thôi thầy mất đi rồi, các anh chị thì đi xa cả, cô với cháu ở lại đây cho gia đình đoàn tụ ấm cúng...”

Giọng bà làm như cảm động thật sự:

“Thật cứ nghĩ đến cô là tôi lại nhắc nhở hỏi han, mà thầy thì... thì...”

Bà Vượng đang nói một điều mà biết chắc người con gái sẽ từ chối, như thế ít ra bà cũng được cái tiếng rộng rãi bao dung. Bà nghĩ: ví như mà nó có nhận lời đi nữa cũng chả thiệt hại gì, lại có đứa trông nom nhà cửa giúp đỡ.

Huyền cố giữ giọng dịu nhẹ:

“Con đang phải đi làm, chỉ được phép nghỉ mấy hôm thành ra sắp phải trở lên lại...”

Huyền ngước mắt lơ đãng nhìn lên bàn thờ chỗ đặt bài vị ông Vượng hình ảnh thời còn phương phi cốt cách; qua khói hương toả mờ, nàng có cảm tưởng ông đang nhìn xuống cười chua chát.

Bà Vượng vẫn vẻ nài nỉ khách sáo:

“Thôi cô nói sao tôi cũng biết vậy ! Nhưng cứ nghĩ rằng thầy mất đi rồi thì có dịp hãy về mà xum họp cho vui...”

Huyền vẫn cố chống đỡ hàn gắn để tránh một tan vỡ cuối cùng và nàng quyết định sẽ dắt con ra đi vào ngày mai.
Nguồn: Mây bão, tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề trình bày. Sông Mã xuất bản. Sài Gòn 1963. (Giấy phép xuất bản số 2355 HĐKDTƯ-PI-XB ngày 5-11-63). Bản Ä‘iện tá»­ do tác giả cung cấp.