trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Vốn xã há»™i
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
6.11.2007
Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Xuân Lộc
Mấy chữ “cư trần lạc đạo” và vấn đề hoà giải - hoà hợp dân tộc hiện nay
 
I. Bàn thêm về bốn chữ "cư trần lạc đạo" của Trần Nhân Tông

Vua Trần Nhân Tông nói bốn chữ trên, mà chị Thái Kim Lan trong bài “Vốn xã hội ở Việt Nam, nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy[1] cho rằng nó có thể là phương châm để gây "vốn xã hội" lâu dài cho đất nước Việt Nam hiện tại, với thần dân của một nước Đại Việt, trong đó triều đình chủ trương "đa nguyên văn hóa" và "khoan dung chính trị", các thành phần dân chúng với sắc tộc, tôn giáo và quyền lợi kinh tế khác nhau đã có một thỏa thuận nhất trí (consensus omnium) về vấn đề hòa giải - hòa hợp các mâu thuẫn xã hội.

Sau năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam, đã kinh qua bao nhiêu sai lầm và thất bại trong quá trình gọi là "hòa giải - hòa hợp" các thành phần dân tộc đối kháng để cùng nhau xây dựng lại đất nước, cho đến thập niên 90 thế kỷ trước, khi Liên Xô và khối XHCN Đông Âu lần lượt sụp đổ, thì bắt buộc phải đặt lại vấn đề hòa giải - hòa hợp với khối người Việt di tản hiện sống bên ngoài Tổ quốc cốt để nhận viện trợ và vay tiền khối G7, và nhất là nhận hàng tỷ đô-la kiều hối từ bên ngoài gửi về giúp gia đình.

Thế những trở ngại chính cho vấn đề hòa giải - hòa hợp dân tộc trong bối cảnh hiện tại của nước CHXHCN Việt Nam với nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN" là những cái gì? Chướng ngại vật cơ bản ở đây là tính "ngã chấp độc tôn - độc tài", vốn là khuynh hướng bảo thủ lì lợm luôn bám chặt vào cái “ngã” hẹp hòi và khép kín của "Đảng và phe phái" để cùng sở hữu toàn thể đất nước.

Bản chất của trở ngại này là loại trừ và độc chiếm, hoạt dụng của nó là phân ly chia rẽ thì làm gì nhìn ra được cốt lõi vấn đề là "bao dung - hòa giải" để tiến đến "hòa hợp dân tộc"?

"Ngã chấp độc tôn - độc tài" tất yếu sinh ra loại trừ, phân ly, chia rẽ đối lập để độc chiếm "mọi thứ của dân tộc" cho riêng mình, và là nguồn gốc bấy lâu nay của những xung đột, đau khổ và tội ác trong xã hội Việt Nam (như chị Kim Lan đã chỉ ra trong bài của mình kể từ giai đoạn "đổi mới", còn những giai đoạn trước thì khỏi nói vì... khó có thước đo nào thích hợp!).

Như thế rõ ràng là tham vọng "ngã chấp độc tôn độc tài - ngã sở dân tộc" là chướng ngại chứ không phải là biện pháp thực tế để thực hiện sự nghiệp hòa giải - hòa hợp dân tộc.

Vậy thì cái gì có thể coi như cái sẽ đưa các thành phần dân tộc Việt Nam đến hòa giải, hòa hợp?

Dân tộc là cái toàn thể nên không thể có một biên giới sắc tộc, tôn giáo hay đảng phái nào được quyền tạo nên những cản trở tiến hóa trong lòng của nó.

Sau khi thoát khỏi sự đô hộ từ phương Bắc, dân tộc Việt Nam đã tồn tại bao đời giữa hai hai nền văn minh lớn của nhân loại, Trung Quốc và Ấn Độ, chính nhờ hai đặc trưng "đa nguyên văn hóa" và "khoan dung chính trị" mà nó đã khám phá từ mười thế kỷ trước. Chính dựa trên nền tảng "văn hiến mới" này mà nước Đại Việt đã không bị thôn tính hay bị đồng hóa, đó là sức mạnh vô biên mà Nguyễn Trãi đã phát hiện ra khi nói: "Lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn!". Nhân nghĩa ở đây phải hiểu như kết năng của lòng dũng cảm đi đôi với thiện tâm, từ ái của dân tộc Việt Nam trên con đường tiến hóa và hòa nhập cùng nhân loại văn minh, mà không có một rào cản "độc tôn - độc sở" nào có thế ngăn cản được.

Xã hội nước ta đến được đó thì mỗi con người trong xã hội mới có thể nói đến bốn chữ "cư trần lạc đạo" chị Lan ạ !

Nguyễn Xuân Lộc


II. Lạm bàn về hòa giải - hòa hợp

Chị Thái Kim Lan chủ yếu bàn về phương châm thực hành hòa giải - hòa hợp dân tộc thông qua việc giải mã mấy chữ “cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông như một phương châm khôn ngoan mà ông vua nhân ái này sử dụng nhằm nâng cao “vốn xã hội” truyền thống của đất nước chúng ta dưới thời Trần. Đó là một cách bàn lý thuyết dựa vào chứng cứ lịch sử rất bóng bẩy, và cũng có nhiều điều lý thú, trong đó sự đối chiếu với nguy cơ hao mòn dẫn đến phá sản “vốn xã hội” giữa tình hình ngổn ngang của xã hội Việt Nam hiện đại, do bị những yếu tố “phi tự nhiên” và “sai quy luật” chi phối đời sống vật chất và tinh thần quá nặng - hay đúng hơn do một chủ trương cố hữu luôn luôn chính trị hóa mọi mối quan hệ xã hội vốn kết đọng từ nhiều thành tố tưởng như vô hình mà kỳ thực có gốc rễ sâu xa trong quá trình hình thành cộng đồng dân tộc: tình cảm (Người trong một nước phải thương nhau cùng), đạo đức, lương tri, tập tục, tín ngưỡng, phường hội, nghiệp đoàn, gia tộc, làng xã, xã tắc... khiến cho xã hội ngày nay càng trở nên phân rã hơn là cố kết một cách tự nhiên và bền chặt - là những ý kiến theo tôi rất sắc sảo, đáng được lưu tâm xem xét. Hòa bình an lạc là điều kiện tiên quyết cho một xã hội phát triển, đấy cũng là thâm ý “cư trần lạc đạo” của ông vua Trần mà vị nữ Giáo sư triết học muốn nhắc nhở.

Tuy vậy, đúng như anh Nguyễn Xuân Lộc nói, phải nhìn thẳng vào thực tế và chỉ ra bằng thực tế, rằng nhân tố mấu chốt cản trở sự hòa giải - hòa hợp dân tộc (tiền đề lớn nhất của hòa bình an lạc) ở đây là một trở lực xã hội, một quan niệm tư tưởng từ lâu đã được vật chất hóa: đó là đầu óc “duy ngã độc tôn” của những tổ chức nhân danh giai cấp và nhân dân để điều hành dân tộc - nhưng duy ngã độc tôn xét kỹ ra hình như cũng chỉ nhằm bảo vệ cho cái ghế cái lợi của phe phái (nói một cách mỹ miều là “các nhóm lợi ích”) cũng như cháu con (phe phái và cháu con thật ra là một), chứ đâu còn là vì lý tưởng chuyên chính vô sản viễn kiến của thời ông Marx - bước trước của nhà nước tự tiêu vong và con người thật sự tự do! Cho nên, chỗ cần quan tâm chưa phải là ở biện pháp triển khai khẩu hiệu hòa giải - hòa hợp như thế nào thì mới đạt được hiệu quả tối ưu: hòa bình an lạc, mà có lẽ trước hết, phải cố thuyết phục nhau cho ra lẽ về cái “khối quan niệm” đã trở nên một sức ỳ ghê gớm đó. Cứ khư khư ôm giữ độc tài toàn trị như chủ trương bất biến lâu nay - mà đằng sau là hai thế lực hùng hậu ngày càng được trang bị đến tận răng nhằm canh giữ cho chủ trương bất biến đó khỏi lay chuyển: công an và quân đội - thì tôi e không đời nào có hòa giải - hòa hợp dân tộc thực sự hết, muôn đời không. (Nhưng lại cũng phải nói, không “ôm giữ” thì còn gì là lập trường của người cộng sản? Thành ra chuyện này chung quy cũng chỉ là chuyện “con kiến mà leo cành đa” mà thôi!).

Còn nói “khoan dung” thì nên nói trong tư cách bình đẳng giữa ta với người (khoan dung với nhau), sao cứ phải nói trong tư thế của người chỉ biết đứng ở bậc trên, ở kẻ thắng, mà với tay xuống ban phát món quà độ lượng ấy (ta khoan dung cho ngươi)? Chẳng phải như thế là đã rơi vào “ngã chấp” ngay khi nói ra mấy chữ “khoan dung” rồi sao? Cứ tính sổ mà xem, tạm giới hạn trong vòng một năm nay thôi chúng ta đã thực hiện “khoan” và “dung” được như thế nào nào? Với các vụ án Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân... là chuyện của luật pháp, thôi không bàn làm gì, nhưng về những lời lẽ đánh giá ông Thích Quảng Độ - một Hòa thượng khác chính kiến - gọi việc ông ấy cứu trợ cho dân bị lũ lụt và dân oan từ 1994 đến nay là hành động “gây rối an ninh trật tự” của một “tên chủ mưu kích động”, một “kẻ lộ rõ bản chất chính trị phản động” [2] , đấy là khoan dung ư? Hoặc với ông Nguyễn Hữu Đang, một trí thức hoạt động cứu nước từ trước 1945, dốc sức lãnh đạo truyền bá Quốc ngữ và tổ chức dựng Kỳ đài Độc lập, cho đến khi ông nằm trong quan tài rồi mà đọc điếu văn vẫn không quên đay nghiến, thế là khoan dung sao? (Trường hợp Trung tướng Trần Độ trước đây mấy năm cũng thế, đã bị dư luận chê trách rất nhiều, nếu quả có thiện chí muốn thấu tỏ lòng dân sao không rút kinh nghiệm?) Thành tâm mà soát xét chứ không định kiến, có thể nói chưa thấy một hiện tượng nào chứng tỏ trên đất nước ta đã và đang thực thi cái chủ trương “khoan dung” cao đẹp kia làm cho ai nấy đều tâm phục. Vì thế, tôi là người tuy rất hồ hởi với hòa hợp hòa giải - mà ai lại không hồ hởi cơ chứ? Cứ thử xem không khí hòa hợp của những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, thiêng liêng biết ngần nào! - nhưng quả thật không dám đặt cược niềm tin vào cái cách hòa giải - hòa hợp mang tính... diễn đàn hiện tại. Phải gọi cho đúng đó là ngón võ sở trường (nói một cách mỹ miều hơn là một “chiến thuật”) rất có nghiệp vụ và dày kinh nghiệm từ ngót 100 năm nay của... "phe ta" đấy. Tài tình quá! Sống chung với nó từ hơn sáu mươi năm nay hẳn nhiều bậc thức giả phải biết tỏ tường.

Tất cả những gì đang thấy phô ra ở khắp mọi nơi như nhiều người đều thấy:
  1. Làng xóm tiêu điều. Tôi dùng chữ “tiêu điều” theo một nghĩa khác với nghĩa nhà tranh vách đất, nhà thì nhà ngói (tất nhiên cũng còn vô khối nhà tranh nhà lá), thậm chí nhiều nơi cơi nới đến hai, ba tầng, nhưng “cái hồn” của làng xóm lại đang tiêu điều. Hiện nay các làng nổi tiếng xung quanh Hà Nội kể đã từ hàng mấy trăm năm đều mang một bộ mặt lạ lẫm, hiện đại không ra hiện đại cổ truyền không ra cổ truyền, chẳng ra một kiểu cách gì hết (nên nhớ thời Tự lực Văn đoàn đã đề xuất kiểu nhà Ánh sáng cho nông thôn, giản dị vách nứa mái tranh nhưng hợp vệ sinh và khoa học; ngày nay có ai lưu tâm đến chuyện ấy trong đám người quyền chức?), và đặc biệt là môi trường thì đáng sợ, vào đến đầu làng đã ngửi thấy mùi hôi hám vì cống rãnh, chẳng hạn làng Phù Đổng;
  2. Thành phố - chỉ nói những thành phố tiêu biểu - quy hoạch mấy chục năm rồi mà nào có bỏ được đặc tính cố hữu là lộn xộn, bạ đâu hay đấy, chắp vá tủn mủn, đường ngõ chật ních, khuôn viên cây xanh bị bán bị xẻo, cũng giống hệt như những cái làng nới rộng;
  3. Hầu như mọi di tích đền miếu chùa chiền đều bị đập phá tan nát rồi lại sửa chữa vá víu hoặc làm lại, ít có cái nào còn ra dáng một di tích cổ (đập phá kể từ những năm 1948, trong thâm ý chắc cũng nhắm mục tiêu hạn chế truyền thống đa nguyên văn hóa, may sao tiềm thức dân tộc đã âm thầm cưỡng chống, và rốt cục cưỡng chống thắng lợi). Mới trước Tết ÂL 2007 đây thôi tôi về thăm di tích đền Gióng, quá sửng sốt khi có 3 bức cuốn thư rất đẹp, khắc 1 bài thơ của cụ Hồ, 1 bài thơ của Tố Hữu, 1 bài thơ của Ngô Chi Lan, đều bằng tiếng Việt, treo ngay tiền sảnh ngôi đền lớn khi ta vừa bước chân vào. Hỏi người dân địa phương thì ra đấy nguyên là loại cuốn thư cổ khắc chữ Hán, bị bào đi để “tân trang” Quốc ngữ. Và chẳng nói chi xa, cả một di tích Hoàng thành vô giá kia, người ta có muốn bảo tồn thực hay không?
  4. Những nét đẹp văn hóa ngàn đời thì hao mòn, thay vào đó là lối sống thực dụng ăn tục nói phét, kích động bạo hành, hãm hiếp giết người cướp của, lừa đảo bán trẻ con phụ nữ và đưa thiếu nữ đi “làm vợ” người già người tàn tật ở nước ngoài, những tiếng chửi thề như hát hay lúc nào cũng inh ỏi từ đầu phố đến cuối thôn (Xin cứ bình tâm nhớ lại xã hội Việt mấy chục năm về trước có thế hay không?);
  5. Giáo dục đang đứng trên hố thẳm, mà một trong những nguyên nhân không kém quan trọng là do các đợt “cải cách giáo dục” kể từ 1949 đến nay, mỗi lần “cải” lại luồn “sợi chỉ đỏ” vào một sâu hơn, làm mất tính năng động tự chủ của ngành giáo dục (cũng như ngành tòa án) và khiến các thế hệ học sinh từ khi vào lớp Một đến khi ra khỏi trường đại học đều buộc phải trở thành một mẫu hình “nói đúng như sách”, một thứ “con em” chưa phải là người lớn, điều đó chưa thấy học giả nào lên tiếng;
  6. Khoảng 60% - 70% nông dân lâm cảnh bần hàn, tệ hơn trước vì họ đã làm không đủ ăn lại sống trong một môi trường độc hại và ngày càng bị thu hẹp;
  7. Xây dựng đầu tư thì bớt xén và hư hỏng: cầu sập, nhà đổ, trường lún, khu công nghiệp Dung Quất làm mãi không xong tốn không biết bao nhiêu là tiền...;
  8. Giao thông ùn tắc và tỷ lệ tai nạn cao ngất ngưởng mỗi ngày, một phần do “con cái các cụ” được quyền nhập xe máy Trung Quốc kiếm lợi cách đây khoảng 10-15 năm (thời gian ấy tôi từng nghe dư luận rộ lên bởi lúc bấy giờ đã có lệnh cấm nhập, được một thời gian thì bãi lệnh);
  9. Cũng vậy, hẳn cũng là vì chiếu cố những “nhóm lợi ích” nào đấy, hàng loạt dây chuyền công nghệ sản xuất đường của Trung Quốc được bật đèn xanh nhập về từ 1995 dựa trên nghị quyết phát triển kinh tế Đại hội VIII của Đảng (mà lúc ấy nhiều người được học đều tỏ ý băn khoăn, trong đó có tôi), nay hậu quả đã thấy rõ và số lớn gần như phá sản [3] ... Đó là chưa nói tệ nạn tham nhũng ai cũng biết đã trở thành quốc nạn. Vân vân và vân vân.
Tất cả những hiện trạng trên do đâu gây ra và vì sao mà khó khắc phục? Hòa hợp - hòa giải trên một cơ sở “chưa êm” như vậy mà không được quyền phản biện cho nghiêm túc và đến nơi đến chốn liệu có HÒA được hay không? Hay là sẽ chui vào cái lồng êm ái với giấc mơ an lạc rất đẹp của mình, trong khi đó “chiếc đèn cù” thế sự vẫn cứ chạy vòng quanh...

Nguyễn Huệ Chi


© 2007 talawas



[1] Xem: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/von-xa-hoi-o-Viet-Nam
[2]VNTTX. In lại trên báo SGGP. Xem “Lật mặt những kẻ phản động kích động người khiếu kiện gây rối - Thích Quảng Độ là ai?”: http://www.sggp.org.vn/anninhtrattu/2007/8/117661/
[3]A. “Từ năm 2002, cả nước đã xây dựng 44 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế là 82.950 tấn mía/ngày. Tổng số vốn đầu tư, mở rộng, xây dựng mới các nhà máy lên tới 10.050 tỉ đồng, trong đó có hơn 6.677 tỉ đồng thiết bị và hơn 3.372 tỉ đồng xây lắp. Tổng sản lượng đường đạt trên một triệu tấn. Tuy nhiên đến thời điểm này, tình trạng tài chính của các nhà máy đường trên toàn quốc là hết sức thê thảm với số nợ khoảng trên 5.000 tỉ đồng và đa số mất khả năng chi trả. Trong số nợ này có tới khoảng 1.000 tỉ đồng vay nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp (DN) đã không trả được nợ nước ngoài. Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã phải đứng ra trả thay khoản nợ bảo lãnh và cho vay nhận nợ bắt buộc của 16 DN trên 17,4 triệu USD. Từ khi bắt đầu chương trình mía đường, đại đa số các DN lâm vào tình trạng thua lỗ triền miên. Đến hết năm 2002, lỗ lũy kế của 36 DN là trên 2.000 tỉ đồng. Rất nhiều nhà máy chỉ sau một vài năm hoạt động đã lỗ trên 50% vốn đầu tư, thậm chí có những nhà máy lỗ trên 100% vốn đầu tư. Nhà máy đường Quảng Bình lỗ 136,6 tỉ/141,1 tỉ đồng vốn. Nhà máy đường Kiên Giang lỗ 170,6 tỉ/161,1 tỉ đồng vốn đầu tư. Nhà máy đường Sơn Dương lỗ 119,6 tỉ/107,8 tỉ đồng vốn đầu tư. Trong số 42 nhà máy đường trên cả nước, chỉ có 29 nhà máy hoạt động trên 80% công suất thiết kế; 8/42 nhà máy đạt từ 50-80% công suất; có tới 5 nhà máy (Cam Ranh, Bình Thuận, Quảng Bình, Trị An, Quảng Nam) đạt dưới 50% công suất”;“Theo báo cáo của cơ quan chức năng thì, trong việc nhập thiết bị của Trung Quốc có sự thông đồng để nâng giá hàng triệu USD trên một dây chuyền. Những thiết bị này của Trung Quốc tuy mới nhưng đã lạc hậu về công nghệ dẫn tới tình trạng nhập nhưng phải bỏ vì không thể sử dụng được, gây lãng phí nghiêm trọng. Cùng thiết bị của Trung Quốc, cùng công suất (1.000 tấn mía/ngày) nhưng giá nhập chênh nhau hàng chục tỷ đồng: Nhà máy đường Sơn La 65 tỷ trong khi đó nhà máy ở tỉnh Kon Tum nhập 70 tỷ; Bình Thuận 75,2 tỷ và Trị An là 76 tỷ đồng...”.”(“Mía đường: Nợ đọng 5.000 tỷ đồng, mất khả năng chi trả”. VietNamNet.com.vn); “Nghiêm trọng nhất, có 3 nhà máy mua thiết bị... đã ngừng sản xuất nhiều năm của Trung Quốc (Nhà máy đường Tuyên Quang, Việt Trì và Đắc Lắc); sau đó phải mua bổ sung và sửa chữa nhiều chục tỷ đồng, hoạt động cầm chừng, thua lỗ triền miên, trong đó Nhà máy đường Việt Trì phải ngừng hoạt động” (“Quả đắng mía đường”. VnExpress.net). B. Theo thống kê của Chủ tịch Hội mía đường Việt Nam Lê Văn Tam tại Hội nghị doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO thì trong số 44 nhà máy mía đường trên toàn quốc có 2 nhà máy đã thanh lý dây chuyền sản xuất chuyển đổi sang kinh doanh sản xuất mặt hàng khác; 4 nhà máy đang làm thủ tục phá sản; 26 nhà máy đã cổ phần hoá đang chờ quyết định phá sản hoặc bán; số còn lại đang tiếp tục sản xuất trong đó có 6 nhà máy liên doanh và 100% vốn nước ngoài (Xem: http://www.isgmard.org.vn/Information%20Service/Special%20Events
/Plenary%20Meeting%202006/12-mia%20duong-v.pdf).