Thật ngất ngây khi thấy Uỷ ban Nobel có một thay đổi đáng kính và đáng khen… Như thể sự ngự trị buồn tẻ lâu đời của những gì mờ nhạt, xoàng xĩnh, và tai hoạ vừa được ngắt bởi một tia sáng của nhân tài. Và đó là tia sáng của tài năng 88 tuổi, như thể những người Scandinavian
[1] cảm thấy có lỗi và chợt nhớ ra rằng họ đã để Nabokov và Borges chết (đúng,
chết) khi họ phân phát nhiều giải thưởng cho những tác giả có thâm niên (time-servers) và tác giả hạng hai. Nếu họ cũng để điều này xảy ra với Doris Lessing, sự xấu hổ mãi mãi sẽ chôn vùi họ. Harold Bloom có thể được cho là đúng (thật ra, nếu điều này quan trọng, tôi nghĩ rằng ông ta đúng) khi nói rằng những gì Lessing viết trong 15 năm qua không có mấy giá trị. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bà không xứng đáng được giải Nobels vinh danh 20 năm trước đây, nếu không muốn nói là sớm hơn nữa. (Hemingway là người đầu tiên gay gắt chỉ trích rằng các tác giả thường nhận giải thưởng lớn quá sớm hay quá trễ. Trong trường hợp của ông, ông so sánh nó với việc bơi vào bờ bằng chính sức lực của chính mình rồi bị chính chiếc phao cứu sinh giáng một cú vào đầu.)
Việc nhìn lại chiều sâu và phạm vi các tác phẩm của Lessing là để hàm ơn rằng một số nhà văn thật sự sống vì ngôn ngữ và dám liều mình vì ngôn ngữ. Ðiều đó cũng giúp chúng ta hiểu rằng có những mối quan hệ giữa những khát khao sự thật và việc tìm kiếm những ngôn từ sao cho đúng đắn. Cuộc vật lộn này rốt cuộc không thể định nghĩa và quyết định được, nhưng một người chắc chắn sẽ biết được khi người đó thấy nó.
Tôi có thể nhớ như in khi lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm thuở ban đầu của bà. Chuyện xảy ra ở vùng Rhodesia do người da trắng cai trị (nay là nước Zimbabwe), hơn ba thập niên trước. Hai trong số những truyện của bà –
Cỏ cây đang ca hát (The Grass is Singing) và
Đây là đất nước của ông chủ già (This Was the Old Chief’s Country) có sự buồn bã phảng phất của hoài niệm u sầu kết hợp với nhận thức rõ ràng rằng một sự bất công khủng khiếp đang đè lên những người dân “bản xứ” trên mảnh đất mà bà đã được bứng trồng (transplanted). Gần như cả đời, cuộc chiến chống lại sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân là điều quyết định nên cuộc sống của Lessing. Bà gia nhập Đảng Cộng sản và kết hôn với một người cộng sản lưu vong gốc Đức (người sau này bị giết khi làm đại diện cho Đông Đức tại Uganda, dưới thể chế đầy thù hận của Idi Amin) và nếu có khi nào bạn muốn đọc để biết cảm giác thực sự thế nào, và tôi muốn nói
cảm giác thật sự, trong việc tin tưởng vào một tương lai cộng sản với tất cả trái tim, bạn sẽ thấy những tiểu thuyết của bà trong giai đoạn đó thật đến mức nhức nhối.
Sau này - và giờ đây điều đó quá thông thường đến mức chúng ta coi như hiển nhiên, bà đã từ bỏ niềm tin nồng nhiệt này. Nhưng không phải bà không viết về nó theo lối mà bạn phải nín thở khi đọc. Truyện ngắn, “Ngày Stalin chết” (The Day Stalin Died) đáng được tái bản trong bất kỳ hợp tuyển văn xuôi nào của thế kỷ 20. Chỉ có hai lần tôi có được cảm giác khi đọc một truyện quá hay, và dường như truyện đó quá biết chính tôi có thể nghĩ gì, đến độ tôi gần như không dám đọc tiếp. Lần đầu tiên là khi tôi đọc tác phẩm của Katherine Mansfield, và lần thứ hai là khi đang cầm truyện ngắn “Sự cám dỗ của Jack Orkney” (The Temptation of Jack Orkney) của Lessing (một sự trùng hợp là cả hai truyện đều về sự khủng hoảng niềm tin). Hãy tìm đọc những tuyển tập in những truyện này. Chúng sẽ giúp bạn thấy được chuẩn mực quý giá của văn học hiện đại. Tôi phải nói một điều chắc chắn rằng chính sự tôn trọng dành cho ngôn ngữ, chứ không phải một chấn thương chính trị nhất thời, đã xua bà ra khỏi đảng cộng sản. (Có lần bà nói với tôi rằng bà đã từng một thời ở trong cái gọi là “hội nhà văn” của đảng; họ thường thảo luận về những “vấn đề” của những nhà văn “được uỷ nhiệm”, trước khi nhận ra rằng vấn đề chính trước hết là do bị ở trong hội nhà văn, đó là chưa kể đến đảng.)
Uỷ ban Nobel, như thường lệ, với nghĩa vụ nhàm chán là phải tỏ ra xứng đáng, đã tận tuỵ trích dẫn yếu tố “sử thi” trong những tác phẩm nữ quyền tiên phong của Lessing. Thật ra, không cần thiết phải có sự bất đồng ở đây. Nhưng bằng việc nhấn mạnh những khát khao sâu kín và những tham vọng của người phụ nữ, và bằng việc buộc độc giả của bà phải đối diện với những gì mà họ “đã biết”, bà hướng tới việc khẳng định điều một người đàn bà thực thụ mong muốn là một người đàn ông thực thụ. Việc xây dựng điểm cơ bản này đã làm bà mất đi một số độc giả cũng nhiều gần bằng những người ngưỡng mộ bà. Nhưng, một lần nữa, bà không thể đơn giản chỉ dùng khả năng văn chương và cảm xúc chỉ để cho mục đích tuyên truyền.
Tôi không muốn thánh hoá bà, cũng không muốn biến bà thành một mệnh phụ (grand dame). Cuốn sách chống cộng nhất của bà (
The Wind Blows Away Our Words – Trận gió cuốn đi từ ngữ của chúng ta) có phần nào đó quá lãng mạn cho một câu chuyện về phiến quân chiến đấu chống lại Hồng quân ở Afghanistan. Tôi không thấy những tiểu thuyết khoa học giả tưởng của bà hấp dẫn và bực mình khi bà cố gắng thu hút sự quan tâm của tôi tới tác phẩm của
Idries Shah, gã lang băm của
giáo phái Sufi bí hiểm (Gore Vidal có lần đã tóm tắt là “sách” của ông này “khó đọc hơn là viết nên chúng rất nhiều”). Tuy nhiên, điều thực sự đáng chú ý là bà sẵn sàng thử nghiệm rất nhiều thể loại viết, và thậm chí liều thử, dù có thể bị cho là dại dột, thay vì chỉ bó mình trong khuôn khổ, hay chấp nhận để mình ỳ ra như bình vôi, hay bị xếp vàomột kiểu mẫu nhất định nào đó.
Tôi thật sự xúc động và thích thú khi thấy Doris Lessing chụp ảnh tuần trước, bên ngoài dãy nhà trong khu phố có phần cũ kỹ và bình dân của Bắc London nơi bà đã sống qua nhiều thập niên. Là thiên thần báo thù của dục tình vào thời trẻ, bà không hề phiền lòng giờ đây trông mình hơi giống một bà lão ăn mày hay một bà già thu nuôi các loại mèo khi sắp bước sang tuổi 90. (Thật sự thì, bà đã có lần viết một cuốn sách khá hay về những con mèo.) Tấm ảnh đó cho thấy một cảnh thật thanh bình: một người vừa tình cờ nhận giải Nobel nhưng thật ra bà không cần một sự thừa nhận kiểu như vậy.
Bản tiếng Việt © 2007 talawas