trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
12.11.2007
Hồ Trường An
Lê Thị Thấm Vân phóng chiếu chân trời khoáng đạt vào tập thơ Yellow Light cùng chùm thơ tản mạn
 1   2 
 
Chúng ta đừng thấy thi tập độc nhất Yellow Light của Lê Thị Thấm Vân rồi vội cho rằng tập thơ này là một trò thử nghiệm. Và cũng đừng xem đây là cuộc nhàn hứng bốc đồng của chị trong chuyến hành trình vào lãnh vực thi ca. Chị làm thơ cũng như viết văn bằng một ý thức sáng trưng về cái đẹp và về đường lối cận đại và hiện đại của thi ca. Thi tập Yellow Light là một điểm đặc sắc trong sự nghiệp văn chương của Lê Thị Thấm Vân. Nó không phải là đứa con sinh non, cũng không phải là một hoạ phẩm bôi bác cẩu thả. Nó giúp chị giành một chỗ đứng vững chãi trong thi đàn Việt Nam ở hải ngoại.

“Yellow Light” được tác giả trích một đoạn ở trang 22 để in vào bìa sau của tập thơ, nói lên một ẩn số chưa được tìm ra, một bài toán nhân sinh không thể giải đáp, một chọn lựa không dứt khoát, một hệ luỵ của kiếp phù sinh đẩy đưa nhân loại trong cái vòng luẩn quẩn mịt mờ như nẻo vào mê cung mà không ai có thể tìm một lối ra.

Ðèn vàng;
nhấn gas: tới đâu tới...
đạp thắng: thôi thì dừng...
Này người bạn đường ngồi cạnh,
mẹ đẻ rớt trên đường đê-bờ ruộng-luống khoai-bãi sắn,
nhưng sao lại lớn lên trên freeway mười lanes ở Mỹ quốc?
Hỏi những trụ đèn,
sao không hai màu xanh, đỏ
có thêm chi màu vàng cảnh giác,
làm tôi phải băn khoăn
bứt rứt
đắn đo
khó nhọc.
....

Lại yellow light,
dừng hay chạy đây
hả bạn đường ngồi cạnh?

Trước những phiền toái oái oăm của cuộc sống, người làm văn chương không cần tìm ra ẩn số, không cần giải thích. Công việc đó dành cho các người nghiên cứu tâm linh, tôn giáo, các nhà khoa khọc nhân văn. Nhưng đã là nhân chứng mọi nghịch lý, mọi mâu thuẫn trong cuộc sống, người làm văn chương biết thắc mắc, biết đặt vấn đề, biết nhìn sâu vào yếu tố của nguồn gốc đau khổ của thế nhân, thế là đương sự cũng đã đào cho tác phẩm mình một chiều sâu khả quan rồi.

Cũng như bao tiếng thơ của những người đã thoát ly cộng sản và tìm sống trên đất nước tự do, Lê Thị Thấm Vân vẫn còn có chung với họ mối ám ảnh đen tối trong cuộc vượt biên. Xin đọc bài “Giá tự do” (trang 34):

Ðêm trước ngày vượt biển
mẹ thắp nhang lâm râm khấn vái:
“Lạy trời phù hộ cho con tôi
thoát công an
thoát tù tội
thoát bầy cá đói mồi
thoát bọn thú dữ mặt mày xạm đen, cằm bạnh, mắt trợn trắng dã, nước dãi ứ miệng đang chực chờ ngoài biển khơi.”

Nhưng trời che mặt, bịt tai, ngoảnh mặt.
con gái tuổi trăng rằm
của bà
ba lần bị
chín con vật đực xịt tới tấp tinh khí vào âm hộ-hậu môn-mắt mũi-miệng-tóc tai-bụng-đùi...

...

Thân xác thiếu nữ
là bữa cỗ ngon
cho bầy cá đói
dưới ánh trăng rằm.

Bài thơ dù thê thảm, dữ dằn, gớm ghiếc, nhưng ánh trăng rằm trong câu chót lại nâng bài thơ lên cao. Ánh trăng vốn thơ mộng, vậy mà gương trăng lại làm chứng nhân một cuộc tàn sát rùng rợn, trong đó nạn nhân là một thiếu nữ tuổi trăng rằm. Theo dòng suy nghĩ phong phú và sa đà, chúng ta có thể đặt nhiều câu hỏi. giữa cái thơ mộng bao la lại có một cuộc bạo hành kinh khiếp, để tạo cho mình nhiều tra vấn về mối oan nghiệt riêng của nạn nhân, về thiên lương của con người, về nhân sinh quan của từng người đọc. Cái bất lực nào mà chẳng thê thảm? Một câu thơ ngắn ngủi mà kéo dài dòng liên tưởng chúng ta như thế, có khác nào một thìa bột vanille có thể làm thơm ngát một tảng bánh tarte hay không?

Bài thơ “Người con gái Việt Nam thời bình” cũng trong dòng chảy ý thức, tinh thần xã hội rất cao.

“Chơi nhảy lò cò nghe Sáu!” Chị Tư rủ.
“Chơi ô làng không Sáu?” Con Thuận sát nhà qua rủ.
“Chơi thẻ với em nha chị Sáu.” Con Út rủ.
“Thôi tụi mình chơi bán hàng đi...” Em rủ.
Sao chúng cứ tái hiện trong giấc mơ em?

Giữa bị thịt
độ cứng căng như quả bóng
ợ ngất men chua
tóc em ông túm giật liên hồi
hàm răng em sao chỉ muốn nhai nát chùm khế đắng chát?

Giữa hai cánh tay, cặp đùi khẳng
khiu không cọng lông nhưng um khét mùi cỏ cháy ông quắp
lấy người em gọn bâng như
ông ngoại ẵm em đặt vào giường thuở em lên năm lên bảy mỗi
khi ham chơi ngủ quên ngoài sân trước. Em cố, và cố nhưng không thể buông được hơi thở hắt
của mình.

Giữa người đàn ông đến từ một nơi rất đỗi xa xăm.
Cát ở đó có trắng như màu da ông?
Mặt trăng ở đó có vàng như màu tóc ông?
Nước biển ở đó có xanh như màu mắt ông?
Nhưng sao tiếng rên ông giống như tất cả mọi người đàn ông khác khi phủ đè trên tấm thân em.

Hai tròng mắt em vẫn mở. “Trời chắc là sắp mưa...” Em nói thầm với tấm phên mỏng, thưa che chắn căn nhà thổ trên đất Phnom Penh.

Theo người viết được biết, tác giả rời nước vào năm 1975. Chị chưa kịp chứng kiến giai đoạn đầu của thảm kịch trên đất nước. Năm 1995, tức 20 năm sau, chị từ Hoa Kỳ về thăm Sài Gòn thì thấy vết thương lịch sử vẫn chưa khép miệng, đất nước đầy nhan nhản cảnh truỵ lạc lẫn cảnh lầm than.

Việt Nam ngày tôi trở về
người biến thành thây ma
lang thang, vất vưởng, bầy đàn
sống phô bày trọn vẹn bản năng tiền sử
thời gian dừng lại cả ngàn năm.

Ðàn ông
sau nhiều năm cầm súng
nay đất nước thanh bình
bỗng biến thành phỗng đá.

Thanh niên
sáng ngủ dậy súc miệng bằng beer
đêm dỗ giấc ngủ bằng rượu
ngày ngày tay cầm điếu thuốc thay bút mực.

Bà già tám mươi tư
cổ gắn thanh sắt, gang chân bọc đồng
đầu độ thúng
băng băng bốn phương tám hướng
đổi bữa ăn lưng dạ.

Cô gái mười sáu
màng trinh đã vá ba lần
lần thứ tư bị lộ
khách thương gia Ðài Loan chỉ trả nửa giá.

Bên lề đường,
đứa bé lên ba
ngồi phùng mang trợn mắt
ráng, ráng... rặn
cục cứt
với những hột gạo vẫn còn nguyên.

(“Việt Nam ngày tôi trở về” các trang 46, 47)

Vẫn là bài thơ hiện thực, nhưng tác giả chọn lọc những hoàn cảnh đặc biệt, những hoạt cảnh đặc sắc để chạm khắc vào cõi ấn tượng và cõi cảm nhận người đọc những vết xăm khó tẩy xoá. Hình ảnh bà lão đã vào tuổi 80 mà còn buôn thúng bán bưng vốn đã được các nhà thơ hiện thực khác khai thác bấy bày khi họ vẽ lại những cuộc sinh hoạt ở tổ quốc chúng ta dưới chính thể cộng sản, không có gì đặc sắc. Còn tất cả những hình ảnh và hoàn cảnh khác đều là “cái riêng” của Lê Thị Thấm Vân. Những “cái riêng” đó đâu phải ở cảnh giới nào khác mà ở ngay trên đất nước ta. Chỉ cần quan sát kỹ là chúng ta nắm bắt được chúng, sử dụng chúng thành chất liệu quý báu cho thơ. Cho nên bài thơ “Việt Nam, ngày tôi trở về” dù có bày tỏ nỗi nhục nhằn cơ cực của dân tộc, coi như cái mẫu số chung của loại thơ hiện thực, nhưng nó vẫn có vóc dáng riêng. “Cái riêng đó từ óc sáng tạo mà nở hoa.

Hình ảnh quê hương cố thổ được tác giả mô tả bằng vài nét phác thảo đơn sơ, nhưng rất thấm thía ý tình, có thể khua động trong niềm hoài hương của kiều bào nơi đất khách. Xin đọc bài “...” trong chùm thơ tản mạn:

(...)
(cho giấc mơ chung)

Anh bảo,
về đây với anh
anh sẽ đưa em đến (...)
nơi anh đã sống Ðời Thật
ấp ủ từng cơn mộng
mơ về sự Bất Tử suốt thời mới lớn.
(ôi, tưởng tượng ngày mai, một ngày mai...)

Tay trong tay
ta loanh quanh những con đường nhỏ
lá rạp
ngoằn ngoèo, chưa hằn dấu xe
những nóc nhà tranh bạc lá
những đống rạ luôn ẩm mùi đêm
đáy giếng sau nhà cất giữ những viên sỏi như lưu giữ thời gian
hộ anh
vòm cây cao che khuất bầu trời
bụi hoa dại tìm cách ẩn mình
những đứa bé hĩm/dái hồn nhiên trò chuyên cùng đất-đá-cỏ-cây-bùn
những người đàn bà luôn giấu mặt
những người đàn ông chân không cần giày
sấm sét tạt ngang cũng cố nén.

Anh bảo,
về đây với anh
anh sẽ đưa em đến (...)
nơi không có
xe cộ, người muôn phương nườm nượp dọc phố Cannery Row
Steinbeck của em ấp ủ dậy thì con gái
thủ thỉ kể anh nghe từng cục gạch (nơi đấy) vuông vức thế nào
những khung cửa sổ đổi màu phải có giấy phép
kẹo sô cô la em ngậm tan dần giữa kẽ răng, trên đầu lưỡi anh thèm mút chặt trong đêm để tự nuôi mình, tự dỗ dành sáng mai ta còn khả năng thức dậy
hoa dọc lề đường đổi thay theo mùa
biển ướp lạnh cánh tay trần em giơ cao bảo anh liếm sạch những giọt nước lăn chảy ở góc tối phi trường
(ôi, cùng nguồn thần linh tuôn từ khe lách của riêng em
giờ luân lưu trong thân thể anh
suốt dọc cuộc đời)

(...) của anh
chỉ mình em là khách
quý.

Quê hương nghèo khó trên một đất nước chậm tiến đã có nhiều người khai thác tơi bời hoa lá rồi. Hết 99% thơ của họ đều mang bộ đồng phục như học sinh trường công, như binh sĩ cùng một binh chủng. Do đó mà chúng ta chỉ đọc vài câu hoặc vài đoạn thơ là ngáp dã dượi, ngáp ủ ê. Nhưng thơ của Lê Thị Thấm Vân, nhờ óc quan sát tinh tế, nhờ săn tìm hình ảnh dội sâu vào ấn tượng chúng ta, nhờ cách kiến trúc và ngôn ngữ mới nên chị có thể dìu dắt độc giả đi sâu vào thơ của chị hơn.


*


Một phần then chốt của tập thơ là tập hợp khúc hoan ca tình yêu (l’hymne de l’amour), pha trộn những đoạn bi ca (poèmes satruniens). Ðó là tiếng thơ thời đại: loại thơ hiếm có hạnh phúc. Bất lực theo một nghiệp lực oan trái biến đổi chăng giữa hay chặng sau cuộc tình thành tấn thảm kịch hay bi kịch. Ðề tài tuy cũ, nhưng cuộc sống trong đề tài lại cập nhật, lại sống thực để tấm lòng ai hoài thành khẩn của tác giả được bộc lộ trọn vẹn. Ðôi lúc, trong thi tập Yellow Light, chúng ta bắt gặp những bài thơ có nhiều sào huyệt huyền bí, nhiều tuỵ đạo quanh co để những ý tình của tác giả thấp thoáng vào ra, ẩn ẩn hiện hiện như một bóng ma. Xin cùng đọc đoạn 5 và đoạn 6 trong bài “Cuộc tình” để cùng dò tìm ý tình của tác giả. Và dù không tìm ra cái ẩn mật sau những câu thơ, chúng ta vẫn có thể nắm bắt một điều: dù cuộc đời có nhiều phiền tạp và đầy bất trắc, tác giả vẫn một mình gồng gánh hệ luỵ theo tinh thần René Char trong thi tập Fureur et mystère (“Cuồng nộ và huyền bí”) qua câu thơ “Thi sĩ là người vững chãi đơn phương” (Le Poète est l’homme de la stabilite’ unilatèrale)

5.
Ðứt lìa một sớm bình minh
em thổi vòng tròn
vào một sớm bình minh
sầu bi
khác.

Ụ đất, tiếng dế nỉ non đứt đoạn trong đêm
âm u
Từng nốt nhạc
rời. Gợi nhớ
khoảng trống hiên nhà
tuổi thơ. Ðá đất, cỏ khô ngập tràn gió chướng cùng hai hố mắt
trũng ướt từng cơn mơ.

Nắng hè rờn rợn da.

6.
Anh,
em đang đua cùng máy bay
đến bên anh
tìm,
quên giờ khắc ngắn ngủi
thời con gái
sót lại.

Trên em là mây
dưới em là mây
nơi em tới
có là mây bát ngát?

Những đêm nén
tiếng trở mình, chùi nước mắt,
gõ cửa hỏi thầm định mệnh.

(các trang 82, 83)

Và bài “Mùi của riêng em”:

Con người trừu tượng như lịch sử
màng trinh hư ảo chẳng là em
anh mãi đi tìm.

Con cá hanh giẫy chết với cái bụng rỗng.
Sự vắng mặt của em đêm nay giữa những người bạn
bởi vắng mặt nên luôn là sự thèm khát,
và không hề mất.

Em, với nhiều quá khứ mà chính em cũng không thể nhặt nhạnh
nhớ hết được.
cánh chuồn chuồn rất mỏng
chiêm bao đã là thơ
Nhưng làm sao em điều khiển được sự bất hạnh thành điều tốt lành?

Trong giấc mơ, ngôn ngữ khắc trên da thịt em nằm trải dài nối hai đầu kinh giới.
ý nghĩa luôn đổi thay
lịch sử cũng thế
bởi giới hạn & chọn lựa
của quá nhiều người.

Trong giấc mơ,
mùi máu mùi nước mắt mùi hơi thở nồng nàn của em di chuyển không tiếng động theo đường gân trong thân thể anh.
Mộng dữ hay lành nằm ngoài tầm kiểm soát của ký ức
biến đổi liên tục
như lạ mùi và khác mùi
nhưng,
anh luôn nhận ra mùi của riêng em. Em yêu.

Ðây là một bài hoan ca tuyệt vời. Có lẽ tác giả dựa vào hai câu ca dao cũ rích: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia lia quen chậu vợ chồng quen hơi”. Ðề tài không xuất sắc gì, nhưng sự diễn tả của tác giả rất mới mẻ, rất thời đại, rất cập nhật theo phong trào cải tiến không ngưng nghỉ của thi ca. Tác giả đã cải cách ngôn ngữ của bài thơ thật đẹp, đào cho bài thơ một vài cái vực thăm thẳm, nêu lên những nhân sinh quan đượm đà hơi hướm triết học. Thế mới biết một điều cơ bản như sau: về văn chương, chọn đề tài không quan trọng bằng diễn tả một đề tài. Bài thơ “Mùi của riêng em” nêu lên những phù du, những ảo ảnh, những trái cựa, những hệ luỵ trong đời sống, đưa đẩy con người vào trùng trùng mê lộ nên không ai nhận diện một hiện hữu nào rõ rệt. Thế mà chàng đã nhận ra cái mùi riêng biệt của người yêu. Ðó có phải là cái sức hút của nam châm trong cuộc ái ân giao hợp giữa vợ chồng? Tôi không tin sự việc quá đơn giản giữa đối tượng (người có hơi hướm riêng) và chủ thể (người cảm nhận được hơi hướm ấy) như vậy. Ðây là do mãnh lực tình yêu màu nhiệm mà chàng cảm nhận được hơi hướm của nàng. Cái hơi hướm đó nghe chàng kể lại trong thơ cũng đã là một điều quyến rũ rồi, nhưng nếu ta nghĩ sâu thêm một chút nữa thì đây là một bí ẩn thiêng liêng, chỉ có nhờ tình yêu, chúng ta mới có thể làm cho nó hiện hữu và cũng chỉ nhờ có tình yêu chúng ta mới có thể khám phá ra nó, mới có thể mở toang đôi cánh cửa huyền bí đã từng đóng chặt nó.

Thơ tình yêu là loại thơ cũ mèm. Nhưng làm một bài thơi tình yêu có tầm vóc lớn thì dễ có mấy ai?

Tình yêu trong trong thơ Lê Thị Thấm Vân cũng đôi khi mặc khải chị để chị bước vào cái tâm cảnh sáng rực hồng ân và thăng hoa vào những nhân sinh quan kỳ diệu. Xin đọc những đoạn đầu của bài thơ “Mùa măng cụt & cơn mưa đá tháng tám”.

đời thì ngắn
người mà ta muốn yêu thì nhiều,
em biết và anh biết

em là điều thiết yếu trong giây phút bất chợt anh nhìn thấy mình đang từ từ gẫy đổ

em là cái phao anh nương náu nỗi hoang mang em là cái cột chống thần trí anh chao đảo em là cái đích điểm trong lúc anh không thể nhớ/biết mình-là-ai cứ cắm cổ lao vào
vũng trắng là
em xoá
nhoà khi hư khi thực dù chất chứa mầm bội phản
cùng sự quyến rũ.
không sở hữu không bất biến không vĩnh hằng
em là mùi măng cụt tươi cháy hết sức dễ chịu, em biết và anh biết

điều đáng yêu là em nhoẻn miệng cười đầu ngày cùng cái thở hắt mạnh, sâu, nhanh làm tan ánh mắt nâu sậm âu sầu cuối ngày
làn da mướt mịn không hề khước từ bất cứ cơn mê nào (muốn) bám đọng
đời ngắn ngủi vô thường, em biết và anh biết
mái tóc dài đen chảy thẳng là cái cầu tuột anh đứng ngó chòng chọc những múi ước mộng của mình rơi dần tuột dần tan dần

anh nhập vào, được nhập vào tận cùng sự huỷ hoại
để mặc
cứ để mặc, em nói trong hơi thở rên cùng hai ngón trỏ vừa lúng búng
vừa rà rà trên lưng anh trần
trụi không bờ rào hay bức tường nào che chắn nổi
anh loãng
tan vào không khí ngay lập tức

cửa hòm bật tung - sợi gân bật nở căng phồng
quấn quanh đầu lưỡi cong nhọn
nóng thiết tha thèm
trộn nhuộm màu sắc sợ hãi


*


Ðời sống luôn đòi hỏi người tỉnh thức tìm kiếm chân lý. Nhưng ai dám tự hào mình nắm bắt được chân lý? Cho nên trên con đường tìm kiếm nó, chúng ta chỉ bắt gặp được cái khái niệm về sự thật tương đối mà thôi: chân lý đối với người này chứ không phải chân lý đối với người kia, chân lý ở nơi này nhưng lại ảo tưởng phỉnh phờ ở nơi khác, chân lý hôm nay trở thành nguỵ tạo ở tương lai. Chẳng hạn như cái quá khứ dưới mắt các người mà tác giả Lê Thị Thấm Vân đã từng gặp gỡ trong bài “Kinh nghiệm”:

Sáng thứ hai
S bảo tôi
“Nhìn kiếng chiếu hậu để em đi tới, không phải thụt lùi.”
Tai mắt tim tôi đồng mở to
uống vào lòng giọng đầy niềm thông cảm
Nghĩ mình vừa gặp tri kỷ.

Trưa thứ tư
C bảo tôi
“Nhìn quá khứ để dự tính tương lai.”
Giọng bạn tưởng chừng vụt trưởng thành mười tuổi.
Kinh nghiệm chẳng khác tấm thảm Ấn Ðộ trải dài hành lang.

Chiều thứ năm
Bà thư ký bảo tôi,
“Chớ bao giờ sống với quá khứ. Cô nên nghe lời tôi, quẳng mẹ nó đi.”
“Dạ... dạ...” Tôi ấp úng.
Nghĩ bà là người lo lắng cho tôi nhất.

Tối thứ bảy
Ðọc câu thơ trên tờ báo Việt ngữ
“Chỉ có quá khứ là thật là đẹp nhất.”
Ngay lúc đó, tôi chỉ cần lọ thuốc an thần, há mồm trút trọn.

(“Kinh nghiệm”, trang 72)

Làm thơ không cần giải quyết vấn đề. Bài thơ ngừng ở đây là được rồi. Còn giải quyết vấn đề thì dành cho các nhà tâm lý học, cho các triết gia. Quá khứ làm tác giả điên cái đầu. Dầu nó chìm sâu trong đáy thẳm của thời gian, nhưng nó đâu có mất. Nó vẫn còn in trong tiềm thức chúng ta những vết hằn. Và theo tinh thần Phật giáo, màu nhiệm hơn nữa là nó trở thành cái kết tập những Nghiệp quả (Karma) sống mãi trong cõi Tàng thức (A-lợi-gia thức) của chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác. Tuy nhiên vì mỗi cá nhân có một quá khứ khác nhau, nên buông bỏ hay giữ gìn đâu cần đặt vấn đề. Ai thấy quá khứ tô hồng chuốc lục thân thế mình và làm thăng hoa cuộc sống mình thì cứ giữ lấy. Ai thấy quá khứ đầu độc cuộc sống của mình thì nên quên đi. Ðừng bắt chước ai. Và cũng đừng bắt ai cũng theo mình.

Người có thế giới của người
tôi có thế giới
của riêng tôi.

Thế giới tôi
kỳ diệu
quái đản
ẩn mật
và vô nghĩa cùng
những chiêm bao,
thơ mộng lẫn kinh hoàng
như những lớp sóng
lượn mãi không ngừng.

Là cái hang
tôi nghe tim đập như búa nện.
Là cái hố
toát mồ hôi hột nhiều lần suýt hụt chân
Là núi
thấy sự vô tận của đất trời
Là cái đèo
cần phải vượt qua
Là vực thẳm,
trực diện tôi chóng mặt nôn ọe
Là đại dương nước
Càng uống càng khát.

(“Thế giới của tôi”, trang 79)

Hành trạng bí ẩn của mỗi cá nhân thật quyến rũ khi được tác giả đưa vào thơ. Nhưng chị không mở toang những cánh cửa khép chặt những nỗi niềm được ủ kín ấy đâu. Bí mật mà bị bật mí thì đâu còn quyến rũ nữa, lại còn làm cho độc giả hết thắc mắc, hết tra vấn, hết liên tưởng hay mường tượng những vấn đề viễn thâm hơn những vấn đề mắt thấy tai nghe. Xin đọc bài thơ “Chiều 17/2 ở thư viện Moutain View”.

xám u sầu
những sách là sách
sách kề sách – như mộ địa
người sống
mãi tìm nhau.
Chiều đông.

Người đàn ông thứ nhất ôm vòng tròn
bình an, lửa phủ bờ môi ấm.
Người đàn ông thứ hai ôm vòng tròn,
sợ lửa tràn cửa, mãi hà hơi thổi.

Ðường bay còn ba tiếng.

Người đàn ông thứ ba
đạp bay vòng tròn, vả mộ cái vào mặt. Bốp.
đom đóm lửa bay tứ tán

Mỗi cuốn sách (sẽ) là mỗi ngôi mộ?

Người đàn bà đứng ôm mặt, chùi nước mắt
chần chừ trước
cửa
mộ Sylvia Plath & Hannah Arendt
“Fire is a great refiner.”

Mặt bàn lạnh.

Mỗi người ngồi trong thư viện Moutain View (giữa một nghĩa địa chôn hàng ngàn ngàn người đã khuất “mỗi cuốn sách (sẽ) là một ngôi mộ”) có một quá khứ riêng, một ám ảnh riêng, một vết thương riêng, nếu không thì đó là một vết sẹo thôi đau nhức nhưng cũng đã in sâu vào tâm khảm đương sự hình bóng những biến cố về cái vòng tròn lửa.

Thử đọc một bài thơ hình ảnh “Giơ tay” đầy tính chất khai phá, độc đáo, mới lạ của Lê Thị Thấm Vân trong chùm thơ tản mạn.

(cảm ơn nhả thơ Đỗ Kh.)

Tôi đã từng (phải) giơ tay
xin phép
điểm danh
đồng ý
đầu hàng
phản đối
trình bày ý kiến
cùng nhiều lý do khác nữa…

Ngay lúc này, tôi nằm
giơ tay chỉ để
lộ những sợi lông
nách mới mọc lún phún của tôi.
Thế thôi.




Lê Thị Thấm Vân lại còn đặt vấn đề trước những cặp đối nghịch của hiện hữu, nhưng chị cũng không giải đáp mà chỉ gửi cái thông điệp cho độc giả để họ suy ngẫm. Có lẽ chị thừa biết mỗi người có một căn cơ riêng, một chiều cảm riêng nên sự giải thích gần xa chân lý hoặc làm bật sáng chân lý còn tuỳ thuộc theo cái chứng nghiệm riêng. Xin đọc bài “Có không lời giải đáp?”

người đàn ông việt nam
ngày & đêm
thực & mộng
bên này & bên kia
quá khứ & hiện tại
bắc & nam
mỹ & việt
quốc gia & cộng sản
trước & sau
sống & chết
giữa hai thế giới
nhập nhằng
là một
...
có không, lời giải đáp?

Lời giải đáp này có Djalâl-ud-Din-Rumi thuộc giáo phái soufisme ở Trung Ðông giải thích:

Tất cả là một, đợt sóng và viên trân châu
Biển cả và đá

Không có điều gì hiện hữu trên thế giới này
Không ngoài anh
Hãy tìm ở nơi anh
Ðiều gì anh muốn bởi vì anh là tất cả

Lịch sử nguyên vẹn của thế giới say ngủ
Trong mỗi chúng ta.

Vâng, đúng vậy. “Lịch sử nguyên vẹn của thế giới trong mỗi chúng ta” (sic). Chỉ cần ta đánh thức nó dậy, thắp sáng nó thì có thể nhận diện ra nó. Nó không ở đâu xa, mà nó ở ngay chính nơi ta. Ðừng tìm kiếm nó ngoài ta mà hoài công vô ích. Riêng Phật Thích Ca thì cho rằng hai cái đối đãi nhau như trong và ngoài (như Rumi đã nói) là Một. Cũng vậy, dơ và sạch, đen và trắng, địa ngục và niết bàn (chúng ta có thể kể luôn cặp đối đãi trong bài thơ của Lê Thị Thấm Vân) là hai mặt của một đồng tiền nguyên vẹn, nếu bỏ đi một mặt thì không còn là đồng tiền nữa. Tất cả những cặp đối đãi đều là Một cả. Ðó là ông Thích Ca xét mọi hiện hữu qua tự tánh (tức là bản thể). Vì rằng bản thể của mỗi hiện hữu là KHÔNG. Cái này là KHÔNG, còn cái kia cũng là KHÔNG, thì cái này có khác gì cái kia, nói một cách khác cái này là cái kia. Có lẽ nhà thơ thánh triết Rumi cho rằng tất cả là Một cũng chỉ xét qua cái nhìn căn cứ trên bản thể thôi.

Nhà thơ nữ Lê Thị Thấm Vân của chúng ta đã tra vấn những cặp đối nghịch để chúng ta nhận ra trong cuộc sống này có biết cơ man nào là điều đối nghịch, có vẻ mâu thuẫn ngay từ khởi điểm và từ bản chất. Ðó là chị đã bắt đầu thắc mắc và tra vấn cái nghịch lý của cuộc sống. Và đây là cái bắt đầu của lộ trình giác ngộ. Nhưng chị vẫn chưa chứng ngộ. Là thế nào chị nắm bắt được cái KHÔNG của mọi hiện hữu. Chị dù biết ngày đêm chẳng khác nhau nếu xét về tự tánh. Nhưng chị vẫn thấy ngày vẫn là ngày có ánh sáng mặt trời chiếu rọi, vẫn thấy đêm vẫn là đêm bị bóng tối buông trùng để trăng sao mọc trên nền trời. Chị vẫn thấy Thực khác Mộng, Bắc khác Nam, Cộng sản khác Quốc gia. Giác ngộ là cái biết dựa trên khái niệm, còn chứng ngộ là đi vào thực tại cuối cùng. Cho nên, về cuộc sống, nhà thơ chỉ cần đặt vấn đề, hoặc đi xa hơn nữa là thắp sáng cái giác ngộ của mình. Ðương sự không cần nói đến chứng ngộ vì chứng ngộ là một điều huyền nhiệm bất khả tư nghi, mấy ai đạt được cái chứng ngộ? Mà khi đã đạt được nó rồi thì làm sao diễn tả nó được, bởi vì ngôn ngữ nhân loại làm sao có đủ khả năng?

Không thắc mắc là thụ động và cam chịu đau khổ, không có ý hướng vượt thoát. Còn biết thắc mắc là bắt đầu muốn thay đổi hoàn cảnh, dù hãy còn ở trong đau khổ. Khi đã giác ngộ thì chấp nhận đau khổ một cách thản nhiên. Nhưng chứng ngộ là bước vào sự giải thoát toàn vẹn.

Ta có thể nhận thấy một điều: Lê Thị Thấm Vân không làm cho tình ý trong thơ trơn nhẵn những vấn đề uyên thâm. Chị cố gắng đưa thơ của mình vượt lên mặt phẳng của cảm khái, của những rung động chính mình, nhưng không hề rời bỏ mặt phẳng đó. Thế có nghĩa là chị vẫn giữ cho thơ mình cái ngôn ngữ rất thơ, cái tình cảm rất thơ. Nhưng từ hai yếu tố đó, chị đưa thơ của mình thăng hoa lên một tầng cao sáng, lồng lộng hơn.

(còn 1 kì)

© 2007 talawas