trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
13.11.2007
Hồ Trường An
Lê Thị Thấm Vân phóng chiếu chân trời khoáng đạt vào tập thơ Yellow Light cùng chùm thơ tản mạn
 1   2 
 
Có một điều rất lý thú là cái tò mò, cái thắc mắc rất nhân bản, cái tinh thần khám phá rất triết lý của Lê Thị Thấm Vân: khám phá chính bản thân mình, khám phá cuộc đời mình lẫn cuộc đời xung quanh mình. Những cái dấu hỏi đặt lên trên những đối tượng vốn đã từng gợi biết bao bí ẩn kỳ ảo cho tác giả thì ở đây là một cuộc dọn đường để tác giả bước vào bầu tâm cảnh phức tạp, vào cái điều mà con người khao khát: đó là chân lý. Tác giả dù chưa nắm bắt chân lý, nhưng tâm hồn chị gặp nhiều thích thú lạ lẫm, nhân sinh quan thâm thuý và phồn thịnh.

Năm mười ba tuổi
lần đầu nhìn xuống thân thể mình
loang nhạt chút màu đỏ thắm tươi
cảm giác chới với
lẫn hoan hỉ
chợt ào ào tới
để rồi gần gũi với mình hơn.

Năm mười lăm tuổi
đứng ngắm mình trần truồng trong gương
đưa nhẹ hai tay
vuốt ve cổ vai bụng
ngực dậy thì con gái
đầu vú bất chợt nở bung
cảm giác chan hoà như ngửa mặt hứng nước mưa tuôn trào từ máng xối
để rồi thương mình hơn.

Năm mười bảy tuổi
trong đêm đen
lần đầu tiên
khám phá ra thân thể kỳ lạ của người đàn ông
sau nụ cười và giọt nước mắt
là khoảng cách
hun hút dài
thăm thẳm dài
chập chùng dài
.. .. ..
Ơi, em lạc mất em.

(“Bài học vỡ lòng”, các trang 17, 18)

Trước bài thơ “Bài học vỡ lòng” là bài thơ “Nơi em ở”, tác giả đã từng bỡ ngỡ hành trạng và nếp sống của những người trong nhà và của những người láng giềng. Ðối với tác giả, dường như họ có những nhục nhằn rất tội nghiệp, những bí mật đáng thương, những tâm sự riêng tư xót xa trôi theo sự đưa đẩy của mối oan khiên khiến cô bé gái Thấm Vân phải bùi ngùi, phải bắt đầu tra vấn cái nếp sống của họ. Trong cái bỡ ngỡ lạ lùng, cô cảm thấy nao nao thương cảm một cách mơ hồ mà không hiểu tại sao.

Ba bỏ báo sáu năm nay
Mỗi sáng ba rời nhà ba giờ
Sáu năm không bệnh không ngày lễ
Hơn hai trăm tờ nhật báo phải quẳng đúng hơn hai trăm căn nhà
Khuôn mặt ba quanh năm phờ phạc thiếu ngủ
Hơn hai trăm người trong căn nhà đọc báo
ngoại trừ ba.

Má em
Trung thành với xe bus từ ngày đầu đến Mỹ
Sáng tinh mơ má đi ra đầu ngõ đứng chờ
xe bus chở thẳng má tới
căn nhà người Nhật giàu sụ
để nấu ăn cho người ta
dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa người ta
tắm rửa con cái người ta
Má về đến nhà 8 giờ tối, ăn uống vội vã, nói qua loa vài câu vô nghĩa với chồng con, thắp hương trên bàn thờ ông bà, rồi dán mắt vào cuốn phim bộ dở dang đêm trước.

Anh trai 17 tuổi
một sáng em vào phòng hút bụi
thấy cuốn báo
giấu sâu dưới gầm giường
tò mò lật xem
hình ảnh những người đàn ông làm tình
đủ trò đủ kiểu đủ màu da

Chị gái
hai năm bỏ nhà đi và về cả thảy năm lần
mỗi lần chị về
ba má nhận rõ hơn sự bất lực
còn chị
là những cái mím môi toan tính cho chuyến đi tới.

(các trang 12, 13)

Ai đã từng đọc quyển tiểu thuyết tự truyện (le roman autobiographique) Blanche et Louise của nữ sĩ Régine Desforges (một trong những cây bút ăn khách nhất của văn chương nước Pháp trong 3 thập niên 70, 80 và 90), sẽ bắt gặp cái ngạc nhiên của tác giả khi bước vào tuổi hoa niên. Nữ sĩ viết cuộc sống xáo trộn của mình từ thuở ấu thơ cho tới tuổi hoa niên trong cái làng nhỏ vào thời mạt rệp của Ðức Quốc Xã, bên cạnh bà nội (bà Blanche) và bà ngoại (bà Louise). Cuộc sống có vài khía cạnh lạ lùng; hệ luỵ của hai bà làm cho nữ sĩ thắc mắc, tình hình và chiến cuộc làm cho nữ sĩ thắc mắc hơn với bao tang thương lẫn đau thương xảy đến. Rồi Ðức Quốc Xã đại bại. Những kẻ hợp tác với bọn Phát-xít bị dân chúng Pháp trừng trị. Những phụ nữ Pháp đã từng dan díu với lính Ðức và với các nhân viên trong các ngành khủng bố của Ðức quốc xã bị dân chúng sỉ nhục bằng cách bị cạo đầu gọt tóc. Và trên hết mọi ngạc nhiên, cô xuân nữ Régine lần đầu tiên khám phá cái dương vật của một tên đàn ông mà y ta bắt cô phải vầy vọc chọc lét nó cho tới lúc nó xuất tinh. Và đó cũng là lần đầu tiên cô hiểu rõ cái cảm ứng động tình của đối phương và của mình là thế nào.

Cũng như Régine Desforges, Lê Thị Thấm Vân, người viết văn, kẻ làm thơ, cả hai thường thắc mắc những vấn đề lạ lùng khi vừa biết quan sát cuộc đời để tra vấn những cái bí ẩn trên vận nước nổi trôi, trong bóng tối mập mờ của cuộc sống.

Ðề tài về cái tò mò và niềm yêu thích khám phá chính bản thân và cuộc sống mình, đồng thời cái tò mò khám phá cuộc sống chung quanh có vẻ tầm thường và nhỏ nhít, nên ít ai chịu rờ tới những sự tò mò ấy, nói chi tới chuyện khai thác chúng. Nhưng thật sự, nếu ai có tinh thần Phật giáo thì không thể coi thường một hạt bụi vì trong hạt bụi dưới cái nhìn giác ngộ có cả một vũ trụ ở bên trong. Vì rằng nhỏ đối với con người, nhưng chắc chắn khổng lồ đối với các con siêu vi trùng. Lê Thị Thấm Vân dựa vào một đề tài nhỏ và có vẻ tầm thường như trường hợp dựa vào những cái tò mò, những cái thắc mắc kia để khai phóng một xâu chuỗi quan niệm về đời đa dạng, để phóng chiếu cái bí ẩn nằm trong cuộc sống lên khung màn ảnh của tâm thức con người.


*


Thơ Lê Thị Thấm Vân có một đặc điểm nữa là gây va chạm chát chúa và gây phản ứng mạnh cho những ai quen thuộc với ân sủng tình yêu được diễn tả bằng tình ý cao khiết vào tao nhã. Chị nhìn ngắm tình yêu qua khía cạnh tình dục. Chị nói về cái sex của nam và của nữ, về cảm hứng động tình, về cuộc giao hợp một cách hồn nhiên, một cách tỉnh bơ. Nhưng mà lạ thay, cũng như Trần Vũ, cũng như Henry Miller hay như Tennessee Williams, chị không cố tình khiêu dâm. Vấn đề sex trong văn chương của chị nói chung, trong thi ca của chị nói riêng là một điều rất nhân bản như vấn đề tình dục của nhà văn kiêm điện ảnh gia Elia Kazan diễn tả trong cuốn The Arrangement. Ðó là hồng ân, là ân sủng, là một khuôn mặt riêng của hạnh phúc. Nhưng đôi lúc, nó là nguồn gốc của đam mê mù loà, của khai phóng những gốc rễ bi đát của con người.

Xin đọc “m” trong chùm thơ tản mạn:

“Màu mưa của ba thế kỷ trước là màu gì? Ðời ngổn ngang phức tạp nhưng sao ta ra sức mong nó cạn cợt. Giá như ta thả cái ta đang khăng khăng nắm giữ thì sẽ nhẹ nhàng biết bao! Dính mắc hay tham đắm phát sinh cháy bỏng lòng dạ. Ham muốn thân thể trần truồng và màu mắt tháng tám của Ngân quấn chặt trong tấm drap lụa mỏng. Sự mềm mại của làn da hay làn lụa cứ nóng dần lên như sự chờ đợi đòi hỏi phải được thoả mãn. Ngân là bi thảm lôi cuốn, quyến rũ chết người. Thông minh, nhạy cảm, tinh tế đong đưa... đong đưa... mạnh nữa... mạnh nữa... hai đùi dài khẳng khiu đong đưa... mạnh đi... mạnh nữa đi mà... Ngân nói, cứng cỏi trong từng chữ. Chữ là mệnh lệnh của nàng. Từng ngấn xương trong anh nở phồng rền vang, bầu ngực Ngân nhấp nhô dậy sóng. Anh rán sức thúc mạnh hơn. Màu da xanh xỉn dấp dáp mồ hôi. Tai anh bốc khói, hơi thở anh bốc khói. Anh thúc mạnh như là cái thúc cuối cùng. Phải thế không? Giọng ai đang lùng bùng trong tai anh? Không! Không thể là vợ anh. Cái dáng lủi thủi gà con nhai cơm tránh gây tiếng động. Cứ thế, anh thúc. Trước rồi sau. Vợ của anh và Ngân của anh. Trong miệng Ngân, cửa mình ngân, hậu môn ngân. Em đã từng bảo em thích thế phải không Ngân? Ðể cho em biết những cái lỗ trên người em nông hay sâu và dương vật anh dài hay ngắn. Kẻ tra tấn và người bị tra tấn. Anh có chuyển tải hết sức sống trong anh đang bùng vỡ hay không đây? Anh cứ thúc và thúc. Anh đang dấn cả thân anh trôi tuột vào trong nàng. Ồ, quan hệ tay ba. Choáng thật anh nhở! Nàng thường nói thế khi ngạc nhiên, mà nàng thì ngạc nhiên trước những thứ rất vớ vẩn. Anh yêu em anh yêu em anh yêu em. Anh nói với tấm lòng hào phóng. Anh mất mạng như bỡn. Chẳng sao. Anh bay bổng trong vòm trời sâu rộng không đáy, không bảng chỉ lối ra. Con đường độc đạo dẫn vào trong nàng, cửa mình rền vang.”

Ðoạn thơ trên giống như đoạn tuỳ bút, nhưng ngôn ngữ hoàn toàn là ngôn ngữ thi ca. Nhưng nói cho cùng, ngôn ngữ tuỳ bút của Nguyễn Tuân, của Xuân Diệu, của Hoàng Cầm (trong quyển Thoi mộng vào thời tiền chiến) rất gần với ngôn ngữ của thơ. Ðó là điều thích thú cho người đọc.

Hình như cái khoái cảm giảm thiểu đi dù chàng cứ thúc mạnh, dù Ngân cứ giục giã đòi hỏi gia tăng cường độ của động tác, dù độc giả không thể vào sâu được cảm giác trong thân xác ở đôi bên mà chỉ như con kiến bên ngoài nhìn vào chất mật ong đựng trong chai. Cũng bởi cuộc giao hợp ở đây đã được đôi bên nam nữ đặt ra những vấn đề siêu hình. Tôi nghĩ rằng bài thơ này chỉ mượn chuyện tình dục làm bàn đạp để tác giả đi vào vấn đề uyên thâm hơn: đó là cái bản thể của tình yêu và của hạnh phúc, kể luôn cả của khoái lạc nữa, chẳng biết có ai thật sự nắm bắt trọn vẹn được chúng hay không?

Con gái mẹ,
Yêu cái, con cứ fuck họ
Ghét ai, con cũng có thể fuck họ
Khinh ai, mẹ để tuỳ ý con.

Ai quý mến cưng chiều
Con luôn tử tế biết ơn họ
Nhưng không nhất thiết phải để họ fuck con.

.. .. ..

Bố con biết tự sướng thân, vác cặc đi đụ tứ phương thiên hạ
Còn lồn mẹ cứ ủ kín (dành) hiến dâng bố con trong đêm động phòng
Ðó là điều ngu nhất đời mẹ.

(“Trăn trối”)

Hai đoạn trên tác giả hoà nhập giữa tình yêu và khoái lạc của thú giao hợp. Thế có nghĩa là có giao hợp là có dịp bày tỏ tình yêu. Dưới cái nhìn tuyệt vời của tác giả, Yêu đương và giao hợp là một. Cho nên, tác giả khuyên con gái hễ yêu ai là cứ giao hợp với họ. Ghét ai thì cũng cứ giao hợp vì ghét là mặt trái của tình yêu, yêu và thét là hai bản mặt của một đồng tiền, tức là một. Nhưng còn khinh ai thì cô gái cũng có thể giao hợp với đương sự nếu cần hay thích giao hợp. Sự chọn lựa rất minh bạch, rất tự do và phóng khoáng. Cô gái phải biết làm chủ lấy thân xác mình, tức là làm chủ lấy cuộc đời mình. “Trăn trối” là một trong vài thi phẩm hiếm hoi biểu dương được tinh thần nữ quyền một cách triệt để trong lịch sử văn học Việt Nam. Tiếng fuck là tiếng tục của người Anh, người Mỹ, nhưng khi đưa vào thi ca Việt Nam, nó lại không trơ không chướng vì nó không khua vang cái ý nghĩa tục tĩu trong cái thói quen cảm nhận của dân tộc ta. Trái lại, nó bật lên một tia lửa đắm say, thắp sáng bản chất của ân sủng tình yêu, quyền làm người.

Riêng ở đoạn chót, tác giả sử dụng những ngôn từ quá trắng trợn, quá sống sượng, quá thách thức đến mức hỗn hào. Nhưng lạ thay nó không dâm dật mà biểu dương cái tức giận của một người cô phụ bị thiệt thòi trong cuộc sống lứa đôi và bị biết bao đau khổ xâu xé tâm can trong tình trường. Của bất công xã hội. Của thành kiến văn hoá. Nhưng tại sao chúng ta không tra vấn nguyên nhân nào khiến cho thị dân chúng ta huý kỵ những tiếng vào thời đại bình minh của nhân loại như những ngôn từ suồng sã và trâng tráo mà tác giả đã dùng. Có thể như thế này: Con người bị xua về đô thị càng đông, tiếp xúc với ánh sáng văn minh càng thường xuyên, học hành của thánh hiền càng nhiều nên họ chế tạo những tiếng bóng bảy văn chương như ngọc quản, hoa tâm, gây trận mây mưa v.v... hoặc dùng những ngôn từ khoa học như dương vật, âm hộ, giao cấu, giao hợp... để tỏ ra mình phong nhã, không như bọn nhà quê thô lỗ. Tuy nhiên chữ nghĩa dù thanh hay tục nhưng cái nguồn sinh sản và thú tìm khoái lạc chỉ có một gốc một thú mà thôi, chẳng vì những ngôn từ bóng bảy, chói sáng ánh văn minh mà chúng có thể thay đổi một phân hay một gam bản chất. Vào thập niên 40, 50, 60 nếu ai có dịp xuống miền Nam Kỳ Lục Tỉnh mà nói những ngôn từ văn chương hay những ngôn từ khoa học về sex thì dân quê làm sao hiểu? Và họ không bao giờ xem chuyện giao hợp hoặc xem cái sex khi đem ra cuộc bàn thảo hay có khi đưa vào cuộc tâm linh là khiêu dâm, là tục tằn thô bỉ. Có phải những tâm hồn đơn giản kia đã biến cái ý nghĩa những tiếng tục đó trở thành ấm áp thân quen trong câu chuyện vãn thường xuyên của họ?

Khi tìm khoái cảm trong lúc giao hợp, chẳng lẽ người dấn thân và người trong cuộc bàn chuyện triết lý hay sao? Người biết sống thì trong giây phút ấy phải đuổi Thượng Ðế, thần linh, hiền triết đi chỗ khác chơi, quăng hết ngôn từ triết học, văn chương nghệ thuật vào sọt rác. Càng nói nhảm nói tục, càng nói chuyện bẩn thỉu thì khoái lạc thêm tăng cường. Cho nên chàng Mellors khi ân ái với phu nhân Constance Chatterley (trong quyển L’Amant de Lady Chatterley/ Người tình của phu nhân Chatterley của nhà văn Anh là D.H. Lawrence) đã chỉ cái âm hộ và cái hậu môn của bà bảo, đạ khái như sau: “Cái nay em đái, cái nay em ỉa. Anh không thích những người đàn bà không biết ỉa không biết đái...”. Chúng ta đả kích tác giả D.H. Lawrence viết dâm dật, tục tĩu, bẩn thỉu, điên khùng thì đó là một hành động, một thái độ quá dễ dàng, quá thông thường. Nhưng biết cảm thông với những kẻ bật ra những lời vô nghĩa khi ân ái, biết chia sẻ những kẻ đánh mất sự thăng bằng vì say nhừ nhục cảm thì ở trong xã hội vốn ưa chuộng cái màu mè riêu cua này thử hỏi có mấy ai? Lại nữa, mấy ai biết rung động một sự thắm đượm thi vị như sau: sau khi ân ái với bà Constance Chatterley xong, chàng Mellors đặt trước âm hộ của bà một vài bông hoa lưu ly thảo (myosotis) xanh như da trời sau cơn mưa hoặc xanh màu lam ngọc. Hoa lưu ly thảo còn có cái tên “xin-đừng-quên-tôi” (“forget-me-not”) đã nói lên cái âu yếm tha thiết của người bạn gối chăn của bà quý tộc ấy là dường nào!

Thời buổi này, ở Nhật và ở Âu Mỹ, những văn nghệ phẩm tàn khốc, phóng túng về tình dục chẳng còn ai đặt lại vấn đề nữa. Nhớ thuở nào, vào thập niên 20 của thế kỷ 20 vừa qua, khi D.H Lawrence viết L’Amant de Lady Chatterley, dù quyển sách ca ngợi ân sủng của tình yêu qua khía cạnh tình dục, nhà văn vẫn bị các nhà đạo đức và đa số độc giả nguyền rủa và lên án. Tác giả bị đẩy ra toà án mấy lượt; sau cùng ông thắng kiện vì đây là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa, dù có lồng vài đoạn tả cảnh ái ân nồng đượm, nếu không nói là bỏng cháy. Còn nhà văn Pháp Victor Margueritte viết tiểu thuyết về một cô gái sống buông thả và phóng dật như con trai (quyển La garconne) cũng bị dư luận công kích và chà đạp kinh khủng. Trong cuộc Ðệ nhất thế chiến, Victor Margueritte nhập ngũ, tỏ ra một chiến sĩ can trường dũng cảm, được ban Bảo quốc huân chương. Nhưng xét qua quyển tiểu thuyết mà dân chúng cho là điếm nhục này, Bộ Quốc phòng thu hồi cái huân chương quý báu kia lại.

Lê Thị Thấm Vân trong văn chương nói chung hay trog thi ca nói riêng vẫn là một tác giả táo bạo, sống thực, thành khẩn và nghiêm túc, nhất là can đảm đứng trên đầu sóng ngọn gió. Chị cũng đã gặp nhiều trở ngại như hai nhà văn kia. Nhưng chị vẫn tự tin, vẫn sáng tác theo khuynh hướng mà chị đã chọn lựa.


*


Tiện đây, bút giả cũng xin đừng có ai cho rằng thơ Lê Thị Thấm Vân hoàn toàn phóng túng, đi lệch ra ngoài khuôn khổ của người đàn bà, không cần điểm tựa tinh thần qua hình ảnh mái ấm gia đình. Không đâu. Dù có được hay không được ân sủng trong thú hợp hôn, chị vẫn phấn khởi được làm mẹ như đa số phụ nữ có cái thiên chức ấy. Vậy mà, cái bất hạnh trong cuộc đời làm mẹ của chị được thể hiện qua bài thơ “kali”.

...
kali của mẹ
45 ngày
(45 ngày không kinh nguyệt)
...
bắt đầu ngày thứ nhất
con đã hiện hữu vĩnh viễn
trong đời mẹ.

tên con
bố đặt vào ngày thứ chín
(trang 64)

hòn máu lọt trong bồn cầu đêm qua
cùng những cơn đau buốt bụng trước đó vài ngày
là dấu hiệu mẹ biết được sự
khổ đau
tuyệt vọng
mất mát

ôi, mẹ thương bố
đứt ruột

hòn máu con
đã tan hoà trong nước
thấm ngược vào lòng đất.

con đã chọn ra với đời
từ tử cung của một người đàn bà khác
vì quá thương mẹ,
phải không kali?
(trang 66)

Chứng nghiệm niềm đau của mình, tác giả dễ cảm thông cái bất hạnh của tha nhân, chẳng hạn cái hoàn cảnh của gã lang thang không nhà trong lòng phố thị giữa đêm đông. Nhưng, cái đề tài phơi bày khía cạnh tiêu cực lầm than trong xã hội để gợi lòng trắc ẩn và lòng nhân đạo của tác giả chỉ giới hạn thơ chị trong chiếc lồng hiện thực nhỏ hẹp. Ðề tài này được các nhà văn xã hội như Trương Tửu, Nguyên Hồng thời tiền chiến, Nhật Tiến, Duyên Anh và Lê Tất Ðiều trước 1975 đã khai thác trong các truyện dài truyện ngắn của họ tả tơi rồi. Ðời nào một nhà thơ có ý thức cách tân thi ca Lê Thị Thấm Vân chịu ngừng ở đây. Chị lại so sánh hoàn cảnh không nhà của gã homeless và hoàn cảnh lưu vong của mình. Gã kia không nhà nhưng còn ở trong lòng đất nước của gã. Còn tác giả dù có nhà, nhưng đã mất quê hương. Thử hỏi hoàn cảnh nào đáng thương hơn?

tôi,
người đàn bà đam mê
trò chơi sắp xếp những con chữ.

những con chữ
cứ mủi lòng
xuôi về đại dương nào đây?

giữa ông và tôi
cách nhau bởi cái lề đường

lắm lúc tôi
kiệt quệ thể xác
rũ liệt tinh thần

sao chẳng đất nơi nào cho chân tôi bám?

bể trời lồng lộng
thế giới ngày càng thu nhỏ
nhưng
sao tôi
mãi rảo tìm
bới
nơi
chốn để thuộc
về?

(“homeless”, trang 68)


*


Lê Thị Thấm Vân không hoàn toàn làm thơ bi thảm. Trong thế giới thi ca, chị không hoàn toàn bi quan, chủ bại, chỉ biết đầu hàng cuộc sống, chịu đựng đau khổ, tai ương oan nghiệt. Không đúng như thế đâu. Ngay trong lúc nói về cái sex của người yêu, chị cất giọng hoan ca, làm cho không khí hâm hấp dục tình pha loãng đi để nhường cho ánh sáng tin yêu và hạnh phúc. Xin đọc bài “Căn phòng 202. âm thanh sóng”.

Khi anh cởi quần lót bên trong phòng tắm
bên ngoài này, em nằm gối đầu lên hai cánh tay mình, mắt ngó đỉnh trần

Khi anh bước chân vào bồn tắm,
mắt em vẫn ngó đỉnh trần

Khi toàn thân anh ướt đẫm nước vòi sen
Em đổi thế nằm, mắt dõi theo ánh nắng ngoài trời qua mảnh màn hé mở

Khi tay anh xoa xoa xà phòng lên tóc
nắng ngoài trời rực sáng

Khi tay anh xoa xoa xà phòng lên cổ-vai-bụng-ngực
nắng ngoài trời rực sáng thêm một chút

Khi tay anh xoa xoa xà phòng ở cu anh
nắng ngoài trời rực sáng thêm một chút nữa
cu anh giờ thì mềm xìu, bé tí, bình thường như
vành tai, chóp mũi, khuỷu tay, đầu gối, gót chân... như bất cứ phần nào trên thân thể anh

Trước đấy một giờ. Nó cương cứng, nóng hổi, hùng hổ trong miệng em, giữa rãnh ngực em, trên mông em... Nó cố đâm thấu-xuyên-sâu – qua bao lớp da thịt để được vào trong em.

độ nóng làm tim em chảy
độ cứng làm trí em mềm
độ sâu, rã tan thân xác em

Khi anh bước ra khỏi bồn tắm, lau vội làn da đẫm nước, bên ngoài này, em trở người quay mặt vào vách, ngó bức tranh treo trên tường: màu lam trời chiều, vòm lá sồi vươn lên từ phía sau nóc nhà ngói đỏ, khung cửa sổ rất rộng. “Ðể cho người đàn bà dễ leo.” Anh nói. “Không phải, để cả hai cùng dễ leo.” Em nói.

54 bức tranh treo trên tờng trong 54 căn phòng cùng chu vi cùng nhốt kính âm thanh sóng.

Thú ái ân ở trong thơ thuộc về quá khứ chỉ hiện lên qua cuộc hồi tưởng của người thiếu phụ. Cảnh người đàn ông tắm dưới vòi gương sen là cảnh hiện tại. Ánh nắng tuy thuộc về hiện tại, nhưng nó tái sinh cuộc làm tình, soi sáng cái ân sủng tình yêu qua cuộc giao hợp vừa qua. Không có nó, đố ai biết được cái nguồn hạnh phúc đang thắp sáng người thiếu phụ đang no nê khoái lạc như thế sao?

Chúng ta còn bắt gặp sự chia sẻ, cảm thông trong thơ Lê Thị Thấm Vân giữa bất hạnh, giữa ngang trái, mất mát qua bài “Di sản” mà tác giả kính tặng giáo sư Nguyễn Khắc Kham:

Truyền cho nhau
Niềm tin
Truyền cho nhau
Sức sống
Vét cạn
Truyền hết cho nhau

Nỗi tuyệt vọng
Âu lo nhọc nhằn bất an đoạ đày
Tủi nhục oan khiên

Truyền cho nhau
Trống rỗng
Phũ phàng
Tủi nhục

Truyền cho nhau
Máu lửa
Hận thù

Truyền cho nhau
Phỉnh lừa
Hèn yếu
Bất lực

Hãy trao nhau kinh nghiệm, yêu thương, độ lượng, tâm thành
Và hãy dấy lên niềm tin, thiết tha, nỗ lực, ước muốn

Giọt mồ hôi cũng là giọt nước mắt
Rửa sạch
Ngàn năm trước
Gửi ngàn năm sau
(các trang 53-54)

Có thể bảo các đoạn thơ này là những đoá hoa màu nhiệm thịnh phóng giữa tai ương, giữa cuộc sống địa ngục, giữa bầu tâm cảnh bão giông. Chúng tự bản chất có phải là tiếng hô hào gào thét hay không? Không đâu. Ðây là cái bản năng của kẻ thất bại, tuyệt vọng cần phải vươn lên tìm điểm tựa tinh thần, để hình thành một sức hợp quần đoàn kết. Thơ xôn xao thì có, còn hò hét thì không. Nhưng độc giả cảm thấy bài thơ này lạc loài giữa những bài thơ buồn bã khác vì nó hiện hữu một cách đơn độc, không có những bài thơ bạn bè trang lứa của mình cùng xuất hiện với mình.


*


Sau hết, trong Yellow Light còn có một bài thơ lạc loài về thể điệu với những bài thơ khác. Nó dàn trải gần hai trang giấy, đúng là tầm vóc của bài thơ. Nhưng mà đây là một truyện cực ngắn đúng hơn là một bài thơ vì cấu trúc và ngôn ngữ trong bài không phải là cấu trúc và ngôn ngữ của thơ. Ðó là bài “Những con vật và tôi”. Ðại ý như sau: trong gia đình nhân vật xưng tôi, giữa chồng và con đương sự có những con vật như sau: lũ ruồi muỗi tự tìm đến rồi tự rút lui êm ả như những cái bóng. Con chim nhốt trong lồng hót đôi khi làm vui nhà, nhưng đôi khi làm nữ chủ nhân bực mình. Một hôm nọ chim xổ lồng bay xa.

Những con cá vàng nuôi trong bồn bị nữ chủ nhân đập bể bồn trong cuộc cãi vã với chồng. Dù được cứu kịp thời nhưng chúng vẫn bị thiệt mạng.

Hai cặp chuột (hamster) biết chơi xích đu sinh 12 con. Nhưng bốn con bị bố chuột cắn chết, bốn con bị chết vì thiếu sữa. Ðứa con gái của bà chủ nhà không thích nuôi chúng nữa nên bà đem lồng chuột đến nhà láng giềng cho hết. Tác giả cho rằng bốn con chuột con bị cắn chết vì ông bố chuột tức giận bà mẹ chuột không chịu chiều chồng.

Con chim thoát ly vì con gái nữ chủ nhân bất cẩn không đóng kín cửa lồng, nhưng đã là chim thì vốn có tinh thần độc lập, nên theo cái bản tánh thiên nhiên mà nhà thánh triết Lão Tử gọi là cái Ðức; bởi đó nó chọn cuộc đời bao la khoáng đạt, tuân theo luật chim trời cá nước một cách hồn nhiên. Ruồi muỗi đến nhà là cốt tìm cái ăn, ruồi tìm các thức ăn hư vữa bị rơi rớt hay bị vứt bỏ, muỗi tìm cách hút máu các loài động vật. Chúng đến theo sự nhu cầu thúc bách của miếng ăn, chúng rút lui vì cơ hội kiếm ăn không thuận tiện. Chúng như đám di dân tìm đất sống. Ðất sống một khi không còn là đất hứa thì chúng mở cuộc di dân như mọi chúng sinh khác.

Cái chết của lũ cá vàng không phải tai nạn do chúng gây ra mà vì cơn giận của bà chủ nhà. Bà tượng trưng cho thiên tai gây thiệt mạng cho chúng cũng như Ðức Chúa Trời Jehovah trong Cựu Ước vì giận dân chúng hai thành phố Sodome và Gomorre nên dùng lửa sấm sét thủ tiêu họ.

Còn lũ chuột xích đu bị khai trừ vì con đực bày ra cảnh tàn sát những kẻ ruột rà của nó, dù theo bản năng hay dù theo ý thức mù mịt nào nhưng cũng có lẽ gây cho ái nữ của bà chủ nhà một chút chán ngán lan dần trong tâm tư. Những con cá vàng, những con hamster trong nhà nữ nhân vật xưng tôi biết đâu đã dội vào ý thức đương sự một vài ý niệm tấn bi kịch trong cuộc sống, dù tác giả không nói ra. Con chim lồng có thể làm sáng tỏ cho tác giả cái bản năng chuộng tự do và cái tinh thần độc lập. Ruồi muỗi chắc cũng phải làm tác giả liên tưởng tới cuộc tìm về miền đất sống của lớp di dân.

Xin mời đọc:

Giữa chồng và con thỉnh thoảng những con vật xuất hiện.

Một buổi sáng em trai mang đến tặng tôi hai con chim và cái lồng mây. Ðôi chim nhảy nhót, hót líu lo. Lắm lúc bực bội tôi bảo chúng câm mồm, chúng không hiểu. Nhưng cũng có lúc tiếng hót làm vui rộn cửa nhà. Ðược hơn bốn tháng, một bữa con gái tôi cho chim ăn, lơ đễnh quên đóng cửa, đôi chim sổ lồng bay xa.

Sinh nhật tôi 30, chồng mua tặng hồ cá nhỏ cùng bốn con cá vàng. Suốt ngày chúng lượn lờ tới lui vui mắt. Một buổi tối, trong lúc cãi vã với chồng, tôi tức giận hất tung hồ cá vỡ toang. Bốn con cá vàng giẫy giụa giữa sàn nhà bếp, giữa nước, rong rêu, sỏi đá, san hô. Tôi vội cúi xuống nhặt từng con bỏ vào chậu nước. Sáng hôm sau, bốn con cá vàng nằm phơi bụng trắng hếu.

Bạn đồng nghiệp tặng tôi cặp hamster màu trắng đốm đen. Bố con hí hửng dẫn nhau ra tiệm Petco mua chuồng, thức ăn, vòng chạy, ống đựng nước. Tôi không thích hamster, vì giống chuột, tôi rất sợ chuột. Hai tháng sau, hamster mẹ đẻ mười hai hamster con. Nhìn bầy hamster lúc nhúc tóc gáy tôi dựng đứng. Vài ngày sau, tám con bị hamster bố cắn chết vì mẹ mải lo cho con bú, chẳng chịu chiều chồng. Vài tháng sau, con tôi không thích nuôi nữa, tôi hăm hở bê nguyên chuồng qua cho con ông bà hàng xóm.

Một hôm lang thang ở phố Tàu, tôi nảy ý cua con rùa nhỏ. Nhỏ hơn hai bàn tay của con trai tôi bụm lại. Tôi thích màu rêu xanh phủ chút vàng úa trên cái vỏ đá cứng xù xì. Chồng tôi thấy, chậc lưỡi: “Rùa là biểu tưởng của sự chậm chạp.” Tôi bỏ con rùa vào chậu kiếng, đặt cạnh bồn cầu. Con rùa không hót, không lượn, không chơi vòng, hiếm hoi mới thấy thò đầu ra. Mỗi tuần tôi tắm rửa, cho rùa ăn một lần. Mỗi lần tắm rửa, cho rùa ăn, tôi tự nhủ: “ôi, chậm mà chắc!”

Con rùa có màu rêu xanh điểm chút vàng úa trên cái vỏ đá cứng xù xì sống với tôi trên hai năm. Lâu hơn tất cả những con vật từng hiện hữu trong nhà tôi.

(trang 49-50)

Con rùa không tài năng hót như chim, không biết bơi đẹp mắt như cá vàng, không biết quay vòng đu khéo như con hamster, lại còn chậm chạp nữa. Nhưng ngoài sự nhân xét “chậm mà chắc”, có phải tác giả muốn nói điều gì thêm nữa với độc giả không? Có phải ở con người lù đù không tài năng, nhưng có tiềm lực bền bỉ như lửa than cháy âm ỉ dưới lớp tro mỏng, nếu có ngày được khơi sáng sẽ bùng cháy lẫy lừng hay không? Lê Thị Thấm Vân muốn gửi thông điệp gì cho độc giả kiều bào chúng ta đây? Ước mong đây là câu hỏi tức là trả lời: một ngày nào đó, dù trong một tương lai xa xôi, kiều bào chúng ta sẽ như con rùa trong bài ngụ ngôn của thi sĩ La Fontaine nhờ tính kiên nhẫn và cần cù của mình, sẽ đi đến đích sớm hơn con thỏ ham rong chơi và có tánh tự phụ. Cái đích đó vẫn là mơ ước nồng nàn chung cho người Việt sau bức màn tre và người Việt tha hương, có phải?

Nhưng chúng ta có thể nghĩ thêm một lối ẩn dụ sâu sắc khác hay không? Trừ những loại côn trùng đến hay rút lui không gây một âm vang nào dội sâu trong lòng tác giả, nhưng những con khác đến gia đình tác giả bằng sự nghinh đón náo nhiệt nồng nàn để rồi tan biến đi một cách lặng lẽ âm thầm. Có phải chúng đã gieo cho chúng ta dư hưởng hai câu kinh của Hoả Giáo Ba Tư mà nhà văn Kim Dung nhắc lại trong pho Ỷ Thiên kiếm Ðồ long đao, rằng: “Lai như lưu thuỷ hề, thệ như phong/ Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung?” (“tới như nước chảy hề, tan như gió/ Chẳng biết đến từ đâu hề, về tới đâu?”) hay không?

Có nhiều cách suy nghĩ về cái ẩn dụ hay ngụ ngôn của bài thơ, nhưng cách suy nghĩ nào ngậm ngùi se sắt thì gần cõi thơ hơn và đượm nhuần chất thơ hơn?


*


Lê Thị Thấm Vân đưa thơ vào một thế giới mới lạ, không bị che khuất bởi những khu rừng thành kiến cổ hủ, những mặc cảm lỗi thời, những cấm kỵ khe khắt. Chị vạch cho thơ một chân trời khoáng đạt một cách hồn nhiên, không thách thức, không khiêu khích ai. Thơ của chị bung vỡ ra chất mật ngọt trong cuộc sống, không bị nhốt trong quy ước để khỏi trở thành mật đắng. Cuốn Yellow Light là bước khởi hành để chị dấn thân vào cuộc viễn trình, để mai sau có thể đi sâu trong cái thế giới hun hút khói sương của thi ca. Chị đã tạo cho mình một tiếng nói riêng. Một cuộc thám hiểm đặc sắc riêng, đầy sự mới lạ, độc đáo, và thi vị.

© 2007 talawas