trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
16.11.2007
Vũ Trâm
Về Chuyến xe thơ của Hội đồng Anh - Trả lời bài viết của Lý Đợi
 
Đọc bài “Chuyến xe thơ 47 và 12 giờ không nghệ thuật” của tác giả Lý Đợi, trong đó có đề cập tới Chuyến xe thơ của Hội đồng Anh, tôi thấy có một số điều cần đính chính (bởi rất có thể sẽ có nhiều độc giả đọc bài viết này và sẽ dẫn đến việc hiểu sai về hoạt động này cũng như mục đích của Hội đồng Anh), nên mạn phép trao đổi (với tư cách là một người trong ban tổ chức) với tác giả Lý Đợi như sau.

Việc Nxb Giấy Vụn và nhóm Mở Miệng cùng các nghệ sĩ khách mời tổ chức một chuyến xe với các hoạt động nghệ thuật đa mô hình đi từ Sài Gòn ra Vũng Tàu rồi quay về trong 12 giờ với ý tưởng được lấy từ “sự thất bại của Hội đồng Anh trong việc tổ chức chuyến xe thơ” đi dọc Bắc Nam là một hoạt động rất đáng trân trọng, tôi đã vô cùng vui mừng vì điều mà Hội đồng Anh chưa làm được đã được các nghệ sĩ Sài Gòn thực hiện.

Tuy nhiên, tôi không hiểu sao, để nói về “Chuyến xe thơ 47 và 12 giờ không nghệ thuật” mà tác giả Lý Đợi lại phải nói kỹ về những cái gọi là “thất bại” và “nhược điểm” trong khâu tổ chức Chuyến xe thơ của Hội đồng Anh đến thế.

Ngay trong phần mở đầu, Lý Đợi đã đưa vào bài viết bản lịch trình sơ bộ về Chuyến xe thơ mà Hội đồng Anh gửi cho các nhà thơ tham khảo, và có đặt câu hỏi: “Theo chỉ dẫn và quy định của ban tổ chức thì ‘mỗi nhà thơ sẽ có từ 5 đến 10 phút để trình bày phần của mình’. Như vậy thì họ sẽ trình bày được những gì?”

Tôi xin trả lời như sau:

Chương trình Café văn học của Hội đồng Anh được thực hiện từ tháng 1 năm 2007, hàng tháng tại Hà Nội và cứ 2 tháng một lần tại TPHCM, với mục đích khuyến khích văn hoá đọc, tạo cơ hội cho người yêu văn học trò chuyện về các chủ đề văn học khác nhau như: Văn học đương đại Anh và Việt Nam, các tác phẩm văn học dịch nổi tiếng, các tác phẩm mới của nhà văn, nhà thơ Việt Nam, trình diễn thơ…

Mỗi buổi Café văn học như vậy thường có độ dài khoảng 2 đến 2 tiếng rưỡi với một phần không thể thiếu được là phần giao lưu với khán giả.

Chuyến xe thơ là chương trình thứ 7 của Hội đồng Anh trong năm nay.

Việc mỗi nhà thơ sẽ có từ 5 đến 10 phút để trình bày phần của mình là dựa theo khung thời gian của chương trình. Vì mọi chương trình sẽ có từ 5 đến 6 nhà thơ cùng tham gia trình diễn, và bao giờ cũng có một phần trình diễn chung (ứng tác tại chỗ). Chương trình thơ tại mỗi địa điểm dự tính là 60 phút cho các nhà thơ (Anh và Việt Nam), cộng với 10 phút ứng tác của tất cả trên sân khấu và phần hỏi đáp/giao lưu với khán giả khoảng 60 phút. Hơn thế, thực chất đây chỉ là khung sơ bộ của chương trình, còn thời gian thực tế của buổi trình diễn rất linh hoạt, tuỳ thuộc hoàn toàn vào quá trình thảo luận giữa các nhà thơ trước buổi diễn, ban tổ chức chưa bao giờ và không hề có ý định can thiệp vào. Tất cả các nhà thơ đều biết về việc này và không một ai có ý kiến phản hồi gì.

Lý Đợi còn bình luận:“Và chuyến xe trình diễn này, phải chăng là một mô hình để hợp thức hoá tiểu sử của những người làm nghệ thuật chỉ thiên về bề mặt, chỉ để kiếm danh? Hay là một mô hình để hợp thức hoá các nguồn kinh phí mà Hội đồng Anh có được tại Việt Nam?”

Tôi xin làm rõ, Hội đồng Anh là cơ quan văn hoá – giáo dục chính thức của Chính phủ Anh tại Việt Nam. Toàn bộ kinh phí cho hoạt động văn hoá của tổ chức này do chính phủ Anh mà đại diện là Bộ Ngoại giao Anh tài trợ, ngân sách thu được từ giảng dạy tiếng Anh (với số lượng lớp học rất hạn chế) được dùng để trang trải các hoạt động hành chính như lương nhân viên, tiền thuê văn phòng và các chi phí điều hành khác tại Việt Nam. Vậy Hội đồng Anh có nhất thiết phải thực hiện mô hình này để hợp thức hoá các nguồn kinh phí có được tại Việt Nam hay không?

Ngoài ra, mọi hoạt động văn hoá của Hội đồng Anh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực văn học, đều được thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các văn nghệ sĩ Việt Nam.

Tuy là cơ quan văn hoá của Anh và nhiệm vụ chính là giới thiệu văn hoá Anh tới Việt Nam, nhưng Ban Nghệ thuật của Hội đồng Anh luôn đặt ra tiêu chí, là bằng cách này hay cách khác, cố gắng mang lại được chút gì có ích cho nghệ thuật Việt Nam, cho nghệ sĩ Việt Nam. Do đó, không thể nói là với chuyến xe trình diễn này, chúng tôi làm vì mục đích hợp thức hoá tiểu sử của bất kỳ ai.

Một bình luận nữa của Lý Đợi: “Dù là vì lý do gì, nhưng rõ ràng, trong chuyến xe kéo dài 10 ngày này, chuyện thảo luận, ăn ngủ và tiêu xài là dễ thấy nhất. Có lẽ nên gọi đây là: ‘Chuyến xe của những nhà thơ trình diễn việc thảo luận và tiêu xài xuyên Việt Nam’. Và điều này, hiển nhiên là không đến từ chính yêu cầu của những nhà thơ tham gia như Francesca Beard, Vi Thuỳ Linh, Trương Quế Chi, Văn Cầm Hải… mà là đến từ chính những người tổ chức. Đó là chưa nói, trong lịch trình này ban tổ chức cũng cố tình lờ đi tên những nhà thơ khác mà tôi được biết sẽ tham gia là Lê Vĩnh Tài (khu vực TP HCM), Trần Tuấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Đoàn Minh Châu (Hội An)…, và một vài người khác. Việc nhắc tên những nhà thơ này trong lịch trình chẳng lẽ tốn kém vậy sao?”

Thật đáng tiếc, chỉ dựa trên một bản lịch trình sơ bộ gửi cho các nhà thơ, mà tác giả Lý Đơi đã kết luận thật nhanh chóng như vậy!

Chuyến xe thơ này được thiết kế với mục đích chính để các nhà thơ ba miền cùng nhà thơ Anh gặp gỡ và giao lưu. Và nhà thơ Anh tham gia chuyến xe thơ lần này là người rất nổi tiếng về trình diễn thơ (xin xem tiểu sử nhà thơ Francesca Beard), do đó, việc gặp gỡ và thảo luận giữa các nhà thơ với nhau cũng có tầm quan trọng như các buổi trình diễn. Và dĩ nhiên, trong bất cứ một lịch trình cơ bản nào, dù đơn giản nhất, thì vẫn phải nêu rõ thời gian thảo luận, ăn uống và nghỉ ngơi để các nhà thơ được biết.

Tôi thật không hiểu sao một ý định đơn giản như vậy của Ban tổ chức đã bị hiểu sai lệch đến thế!

Tôi không rõ là tác giả Lý Đợi có được bản lịch trình này từ đâu, vì khi gửi bản lịch trình sơ bộ này cho từng nhà thơ, ban tổ chức đã thông báo rất rõ là những nhà thơ nào sẽ tham gia, tham gia ở chương trình nào và ở đâu. Tất cả các nhà thơ tham gia đều biết rõ điều này.

Không có lý do gì khiến Hội đồng Anh phải cố tình lờ đi tên của các nhà thơ khác, khi chúng tôi đã gửi trực tiếp gửi thư mời họ tham gia vào chương trình này. Nếu đã đọc bài “Chuyến xe nguy hiểm” của nhà báo Hoàng Hưng, hẳn tác giả Lý Đợi cũng nên để ý rằng trong bài có bản scanned của tờ rơi mà Hội đồng Anh đã in với đầy đủ nội dung, thời gian, địa điểm và tên của tất cả các nhà thơ tham gia.

Tôi cũng xin nói là vì lý do chuyến xe không được phép diễn ra, hàng nghìn tờ rơi, áp phích cũng như băng rôn của chúng tôi in ra đã không được dùng đến. Toàn bộ thông tin về chuyến xe thơ đều không được báo chí trong nước đưa tin (!).

Lý Đợi viết thêm: “Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, dù chuyến xe thơ trình diễn của Hội đồng Anh (nhìn trên kế hoạch – vì chưa diễn ra) có tổ chức luộm thuộm thế nào đi nữa, thì việc nghiêm cấm từ phía chính quyền (?), hay việc tự ‘sụp đổ’ (?)… cũng phản ánh được một phần về sự bảo thủ, thiếu dân chủ, thiếu khoa học về sự tổ chức và cả sự dư thừa về tính hèn nhát từ nhiều phía. Tóm lại, có thể gọi đây là một sự thất bại từ nhiều góc độ: chính quyền Việt Nam, Hội đồng Anh và đương nhiên, phía các nhà thơ.”

Tôi rất ngạc nhiên, khi thấy Lý Đợi, một nhà thơ, nhà báo vốn rất điềm đạm và tinh tường lại có nhận xét hồ đồ như vậy khi anh hoàn toàn không tham gia vào hoạt động này của chúng tôi, không hề biết chút gì về khâu tổ chức của sự kiện này cũng như những gì đã xảy ra trong thời điểm đó.

Các hoạt động của Hội đồng Anh, cho dù lớn hay nhỏ đều được chuẩn bị và thực hiện một cách chuyên nghiệp. Điều này các khán giả tham gia các hoạt động của chúng tôi có thể thấy rõ. Tuy nhiên, việc tổ chức tốt chưa đủ, ai cũng biết, ở Việt Nam mọi việc đều có thể xảy ra ngoài ý muốn.

Vì nhiều lý do, tôi không thể nói về những gì đã xảy ra trong quá trình chuẩn bị và thực hiện chuyến xe thơ, nhưng tôi tin chắc rằng các nghệ sĩ tham gia chương trình đều hiểu cho những khó khăn này của chúng tôi.

Và thất bại của Hội đồng Anh trong chuyến xe thơ này chính là việc chúng tôi đã không lường trước được, rằng một chuyến xe thơ lại làm cho nhiều người e ngại đến thế.

Hơn thế nữa, nếu bài viết của tác giả Lý Đợi có thể được coi như những gì dư luận của cộng đồng nghệ sĩ Sài Gòn đang nghĩ, thì đây lại là một thất bại nữa của chính Hội đồng Anh trong việc đóng góp cho nghệ thuật Việt Nam vì dường như những đóng góp này không hề được ghi nhận!

Tôi thực sự mong rằng, khi viết về những hoạt động như trên, các tác giả để ý hơn nữa khi đưa ra những nhận định, đánh giá để tránh việc nói và viết thiếu chính xác. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, để nghệ thuật Việt Nam sống và phát triển một cách thực sự, ủng hộ và tôn trọng việc giao lưu với nghệ sĩ trong và ngoài nước là điều vô cùng cần thiết.

© 2007 talawas