trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Vốn xã há»™i
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
26.11.2007
Nguyễn Huệ Chi
Vài lời phân trần
 
Ngày 6 tháng 11 vừa qua, nhân đọc bài báo viết về mấy chữ “Cư trần lạc đạo” của Giáo sư Thái Kim Lan, hai chúng tôi - Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Huệ Chi - cùng có một bài viết ký tên chung đăng trên talawas, nhân câu chuyện lo toan gây “vốn xã hội” của ông vua thời Trần có tầm mắt xa rộng, thật sự yêu nước thương dân, mà bàn thẳng vào vấn đề “hòa giải - hòa hợp” hiện nay trong cộng đồng người Việt chúng ta. Tuy đã thỏa thuận với talawas cho dành hẳn một tuần từ khi gửi đến khi đăng để có thời gian cân nhắc chỉnh sửa, vậy mà bài lên mạng rồi đọc lại, chúng tôi vẫn cảm thấy tiếc vì nhiều chỗ mình bàn chưa tới. Nhất là đối chiếu với thực tế đang diễn ra rất nóng trên đất nước thì những hiện tượng độc tài độc trị chúng tôi đề cập thật ra còn quá sơ sài. Sự hoành hành của một số đại diện tai to mặt lớn ở đủ mọi cấp ngày càng ngang ngược không còn biết điểm dừng là gì. Chỉ nói đến chuyện bán các không gian xanh của thành phố Hà Nội thôi, hết Công viên Thống Nhất “ký tắt” với các doanh nghiệp làm điểm vui chơi bị phanh phui phải tạm hoãn nhưng vẫn tỏ ra loanh quanh [1] , lại đến Công viên Thủ Lệ vừa hứa với dân cưỡng chế phá dỡ những công trình cho thuê mặt bằng trái phép sau khi ngài Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đi “vi hành”, thì đùng một cái, lệnh phá dỡ tạm ngưng, các quán xá vẫn ung dung đâu vào đấy [2] và trơ tráo hơn nữa, chỉ mới hôm qua đây, Nhà hàng Chiều Quê do Công ty TNHH Hòa Bình quản lý, rộng hàng trăm mét vuông, án ngữ trên 10m mặt tiền đường Bưởi, ngay sát tổ hợp giải trí Patin vốn đầy tai tiếng vì bịt mặt Vườn thú, lại rập rình khai trương, trong khi các loại quan chức như Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, địa phương nơi có Vườn thú đóng, “thật bụng” phân trần: “không hề hay biết”, và ông Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước - một thành viên Vườn thú Hà Nội - thì “không thể nào trao đổi” với báo chí được “vì bận”. Còn thú nuôi trong vườn, như cũng muốn bày tỏ thái độ nản lòng với các vị, đã... chết luôn một lúc 3 con vào loại quý hiếm trong vòng có 5 ngày (một cọp, một sư tử, một báo) [3] . Chưa hết, Công viên Yên Sở có hồ Yên Sở mênh mông chỉ đứng sau hồ Tây, những tưởng sẽ trở thành một khu công viên sinh thái cho người dân Hà Nội đang thiếu không khí trầm trọng có thêm chút không gian để thở, hóa ra, theo nhiều nguồn tin, chính quyền thành phố, không cần tham khảo ý kiến của ai, đã tự mình ký kết với nhà đầu tư Malaysia để biến nơi này thành một trung tâm thương mại bao gồm khách sạn, văn phòng, nhà nghỉ, nhà cho thuê... từ sớm. Riêng phần dành cho thương mại đã chiếm trọn 324 ha, còn lại khoảng 100 ha được gọi là “công viên cây xanh” thì chẳng ai biết trong đó có những hạng mục gì hay lại cũng bao hàm nhiều loại công trình... dịch vụ? [4] Rõ ràng, mới giới hạn ở một góc nhìn rất hẹp như thế mà đã hé thấy phía sau bao nhiêu là tự tiện: “gật đầu”, “ký kết”, “bút phê” của các đấng trời con! Thì suy ra, trong các lĩnh vực khác, những gì liên quan đến khối tài sản ngầm hoặc ngân sách lớn mà người dân khó nhìn thấy, sự hoành hành của quyền lực làm cho thất thoát và vô hiệu quả [5] còn ghê gớm đến thế nào.

Còn chuyện di tích Hoàng thành thì mới càng đáng buồn. Các ông ấy tự coi là mình đang xây dựng một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” (đã mấy năm nay mấy chữ này cứ được lặp đi lặp lại trên mọi cửa miệng và trên vô số diễn văn, bài báo khiến hễ nghe đến là đã muốn chết giấc). Ấy thế mà một cái di tích khảo cổ đáng xếp vào hạng có giá trị văn hóa bậc nhất, họ lại có thể thản nhiên tán thành phá đi để xây một ngôi nhà Quốc hội lên trên. Dẫu quyết định cuối cùng là chỉ xây nguyên trong phạm vi diện tích Hội trường Ba Đình nhưng thử hỏi, bao nhiêu máy móc cơ giới hạng nặng, bao nhiêu sắt thép, bê tông sẽ tập kết đến đây cày nát cả một khu vực rộng lớn, bao nhiêu sự rung chuyển địa tầng vì việc đào móng đóng cọc đặt cơ sở hạ tầng cho ngôi nhà Quốc hội, liệu di tích Hoàng thành làm sao còn giữ nguyên hiện trạng cho nổi (trong khi, một di tích vào loại quý giá như thế ở một nước văn minh ắt đã phải có biển cấm xe tải nặng chạy cách hàng trăm mét)? Hậu quả sờ sờ của việc đập phá, đào bới và xây dựng sát bên Hoàng thành đến trẻ con cũng có thể đoán biết thế mà cả một Quốc hội (khóa XI) nhắm mắt làm ngơ giơ tay thông qua sau khi Bộ Chính trị Đảng đã thông qua, chẳng biết lương tri của những “Ông dân” ấy để đâu? Nếu trong Quốc hội có dăm ba trí thức, không biết phẩm cách trung thực của người trí thức trong họ có còn không? Đến nỗi, sau mấy lá thư và bài viết đầy tâm huyết của hai bậc công thần Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp gần đây, cũng có thấy kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII ròng rã ngót một tháng mới vừa kết thúc cách đây vài ngày có một phiên bàn thảo, cứu xét gì kiến nghị của họ đâu.

Điều trớ trêu hơn nữa là nghe nói chuyện cố thủ xây Nhà Quốc hội ở khu vực nay là Hội trường Ba Đình liên quan đến một lời đồn đoán rằng đó là “long mạch” của các đời vua Việt trong ngót nghìn năm, nếu dời đi chắc chắn sẽ mất Đảng. Ôi! Một đảng tiên phong của thế kỷ XXI, “vũ trang” tư tưởng duy vật đầy mình, lẽ nào lại nông nổi tin theo mấy ông thầy phong thủy. Không có thế! Đấy không đời nào lại là sự thật! Phải chăng người sáng tác giai thoại vô tình nhầm lẫn với thời của những ông vua “Quỷ” vua “Lợn”, thời xuống dốc không phanh kế sau triều đại được coi là hoàng kim của Thánh Tông Hoàng đế, cái thời mạt vận khiến một phe nhóm hoàng tộc phải lo tìm một anh “Chúa Chổm” lạc loài để bảo tồn dòng họ và chuẩn bị công cuộc “trung hưng”!

Chính vì những nỗi bức xúc nói trên, mong sao ý kiến của mình thấu được đến tai một vài nhân vật chức quyền còn đủ sự tỉnh táo, chúng tôi đã bảo nhau chỉnh sửa lại bài viết, dĩ nhiên cũng chỉ chỉnh sửa lại chút ít, và vì không thể đăng trên trang mạng talawas một lần nữa, chúng tôi đã thống nhất với nhau xin công bố trên trang mạng Gió-o, coi như là bài viết “tái bản có bổ sung”. Chủ nhiệm trang mạng này, nhà văn Lê Thị Huệ cũng đã hồ hởi nhận lời giúp chúng tôi. Sau khi Gió-o đưa bài lên, có thêm nhiều bạn bè phản hồi, trong đó có người tỏ ý băn khoăn, không hiểu có phải vì talawas cắt bớt hay không mà người viết phải đăng bài đầy đủ trên một trang mạng khác. Xin thưa: không, hoàn toàn không. Trước nay, với chúng tôi - mà chắc với mọi cộng tác viên đều vậy - talawas đều dành cho cái quyền tự do tư tưởng cao nhất. Sự sửa chữa là do chúng tôi chủ động. Bởi thế, xin có mầy lời trần tình cùng quý độc giả của talawas.

Hà Nội ngày 22 tháng 11 năm 2007

© 2007 talawas



[1]Trong công bố tạm hoãn lần này, con số tổng diện tích Công viên chính thức kê khai chỉ còn 48, 2 ha trong khi diện tích do các nhà chuyên môn trước đây đưa ra và “chính Tổng Giám đốc Công ty TNHHNN, một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội, từng nghiên cứu và công bố là 53 - 54 ha”. Khoảng 6 ha “giấu nhẹm” ấy đã đủ để dựng lên một nhà hàng, nhà giải trí hoành tráng với vô khối là tiền lót tay cho ai đấy. Xin xem: “Dự án công viên Thống Nhất: tạm khất các nhà đầu tư” (VietNamNet). Trước đó, trong ngày 19 tháng 8 năm 2007, Tintuconline có bài: “Công viên Thống Nhất sẽ chỉ là nơi nghỉ ngơi, thư giãn”, tôi đã có “phản hồi” và được đăng, như sau: “Lời hứa chỉ mới là lời hứa. Chuyện công viên Thống Nhất có khả năng biến thành nơi vui chơi giải trí thu tiền theo kiểu vườn Disney bên Mỹ động đến lương tri của tất cả mọi người Việt và cả người nước ngoài yêu Hà Nội, có kỷ niệm sâu sắc với khu vườn yên tĩnh lịch sử này, có cả sự hiểu biết khoa học về cung cách xây dựng một thành phố hiện đại. Tiếng nói đồng thanh của đông đảo dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng trong hai tuần nay là một chứng minh hùng hồn rằng đi trái lòng dân là đi ngược lại chiều hướng lịch sử. Nhưng lời hứa của vị đại diện UBND thành phố đã có đủ sức nặng để chúng ta tin chưa? Hãy chờ đấy! Hiện tượng Công viên Thủ Lệ trở thành nham nhở, bị lấn chiếm, biến thành quán karaoke, làm mất đi sự toàn vẹn của một cảnh quan lẽ ra rất đẹp, còn chưa được chính quyền quyết tâm giải tỏa, vẫn là điều nhức nhối đập vào mắt mọi người. Vì thế, trước một lời hứa, vẫn cần phải tỉnh táo. Thời buổi thị trường này, đồng tiền có thể làm mờ mọi lý trí. 10% xây dựng vẫn là một mối đe dọa, và tại sao lại cứ nhất thiết phải xây dựng ở nơi chỉ cần không gian tĩnh lặng mà không cần có thêm một khối bê tông nào nữa?”.
[2]Xin xem: “Nghiêm lệnh ban rồi vườn thú Hà Nội vẫn... y nguyên” (VietNamNet). Và: “Vườn thú Hà Nội: Đã không cưỡng chế như tuyên bố!” (Tintuconline). Ngay khi đọc bài này, tôi đã gửi một “phản hồi” và được đăng, như sau: “Một quyết định khiến người dân Hà Nội khấp khởi nhưng vẫn nơm nớp đợi chờ. Tin tức UBND quận Ba Đình sắp sửa cho phá dỡ các công trình trái phép mọc lên từ lâu trên khuôn viên Vườn thú quốc gia Thủ Lệ khiến người dân Hà Nội chúng tôi tạm cất được một gánh nặng trong lòng đã từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, mọi sự vẫn còn ở phía trước, phải chờ xem người thực thi và người giám sát công việc tháo dỡ thực hiện việc đó thành khẩn và triệt để đến mức nào, bởi tình trạng vườn thú lạ đời ở Việt Nam - vườn nhếch nhác, để cho các loại người kinh doanh tự do biến thành nơi làm tiền đủ kiểu, còn thú thì đói xo, gầy rộc, xấu mã và hôi thối - tự nó đã nói lên rất nhiều điều về các vị lãnh đạo vườn thú này, một vườn thú lẽ ra phải được chăm chút để trở thành một cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ và là nơi nuôi thú kiểu mẫu ở Việt Nam, khi chúng ta đang muốn học các nước văn minh về nhiều mặt trong đó có việc xây dựng cảnh quan văn hóa sao cho chuẩn mực; mặt khác phải là một nơi vui chơi hết sức thoải mái cho trẻ em và thanh niên Thủ đô, để giảm thiểu đi những áp lực không đáng có đối với con em mình khi phải tìm kiếm các chỗ giải trí không lành mạnh khác. Cho nên, để một vườn thú lụp xụp tồi tàn đến như thế, xem ra trách nhiệm không phải chỉ riêng Ban quản lý Vườn thú Quốc gia nữa rồi. Nhìn rộng ra nữa, sau khi giải quyết xong tình trạng Vườn thú Thủ Lệ này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng nên tiếp tục công khai trình cho dân rõ phương án xây dựng tôn tạo đối với nhiều công viên khác, chẳng hạn Công viên Yên Sở, đừng để đến khi mọi sự đã rồi”.
[3]Xin xem: “Nhà hàng bịt Vườn thú HN: Chưa dỡ cũ, đã mở mới” (VietNameNet).
[4]Xin xem các bài: “Khu thương mại Công viên Yên Sở” (dothi.net) “Nước ngoài xin đầu tư vào 2 công viên của Hà Nội” (VietNamNet); và: “Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể Công viên Yên Sở” (VietNamNet).
[5] Chẳng biết với bao nhiêu tiền của lấy từ thuế của dân để xây một Nhà máy lọc dầu Dung Quất tốn kém đến như kia, sau khi xây xong, lại phải mua dầu thô của nước ngoài vận chuyển đường biển rất nhiêu khê về lọc (chứ lượng sản xuất dầu thô của nước mình làm gì đủ công suất cho nhà máy, mà những dự kiến về việc khai thác dầu ở Trường Sa... chắc còn hoãn chán chứ chưa phải trong ngày một ngày hai) thì nguồn lợi bán dầu ra đến đời nào mới bù được với cái lỗ trước mắt?