trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
26.11.2007
Ngô Minh
Ai mua thơ ta bán thơ cho…
 
“Bán thơ", ở góc độ lãng tử là một từ đẹp, thậm chí rất đẹp. Tản Đà thi sĩ từng “gánh thơ lên bán Chợ Trời”; Hàn Mặc Tử thì rao: "Ai mua trăng ta bán trăng cho”. Bán thơ cũng như bán trăng, là bán cái trinh tuyết của tâm hồn. Bán là cách nói cho có vẻ đời thực, chứ thơ, cũng như trăng là thứ chỉ để ngắm, để tặng, để dâng hiến. Ngay cả chuyện ra tiệm sách mua một tập thơ của ai đó rồi về tặng người yêu, mượn thơ người khác trao gửi tình cảm của mình cũng là chuyện bất đắc dĩ lắm. Một lần cách đây đã nhiều năm, tôi bươn bả ra hiệu sách ở đường Trần Hưng Đạo, Huế, mua cuốn Thơ Targore kẻo sợ hết. Cô bán sách xinh đẹp nhìn tôi tủm tỉm cười rồi đột nhiên hỏi: "Anh mua thơ mần chi?”. Trời ơi, người đã đẹp lại hỏi “chết người” như rứa, mần răng mà trả lời! Tôi đoán chắc là sách hết, liền xuống giọng cầu khẩn và biến báo: "Ờ, ơ…, tôi mua thơ để tặng cô bạn gái, chị làm ơn…” Tôi chưa hết câu, người đẹp đã cười khanh khách và phán một câu xanh rờn: "Anh phải tự làm lấy thơ mà tặng người yêu, ai lại đi mua thơ người khác để tặng, kỳ chết!”. Dường như câu nói đó đã xui tôi làm thơ! Vâng, đó là một kỷ niệm thật đẹp về chuyện mua thơ. Còn chuyện bán thơ mà tôi đang “rao” đây lại hoàn toàn tục lụy trong chốn thị trường mồ hôi, nước mắt.

Đọc lại lịch sử văn học, điều rất thú vị là ở xứ ta chuyện bán thơ không phải đến thời kinh tế thị trường bây giờ mới có, mà đã có từ hồi tiền chiến. Thời đó các nhà thơ đều tự bỏ tiền ra in thơ và tự mang thơ mình đi bán. Nhà văn Quách Tấn kể rằng năm 1939, Hàn Mặc Tử năn nỉ xin tiền mẹ để in tập thơ đầu tay của mình. Bà mẹ rất thương con, nhưng quyền chi tiêu trong gia đình đã trót giao cho người em định đoạt. Để có tiền in thơ, Hàn Mặc Tử đã phải dùng “kế” giả đò hờn lẫy, đạp xô bàn ghế trong nhà, rồi đập đầu vào tường dọa chết, làm cả nhà phát hoảng. Ông em ruột “tay hòm chìa khóa” mới chịu nhả ra 200 đồng bạc, thời đó là khoản tiền có thể mua được ngôi nhà sang trọng, cho Hàn in tập thơ đầu tay Gái quê. Hàn tuyên bố với gia đình là mượn, bán thơ xong sẽ bù vốn lại. Ba tháng sau, sau chuyến đi Hà Nội về, Hàn Mạc Tử hớn hở cầm một xấp tiền giúi vào tay mẹ, khoe: "Tiền con bán thơ đấy!" Bà cụ cầm xấp tiền rưng rưng. Lần đầu tiên trong đời bà được biết thêm một điều rằng: Thơ ca không chỉ là thứ để ngâm ngợi, ru hời giải sầu, mà thơ còn là thứ có thể bán lấy tiền giống như mớ rau, con cá… Hỡi ôi, món tiền mà chàng thi sĩ tài hoa số một của chúng ta mang về cho mẹ hôm đó đếm lại chỉ có mười lăm đồng, lại toàn tiền lẻ. Để cho con trai được in một tập thơ người mẹ đã phải bỏ ra số tiền bằng cả một gia tài!

Nguyễn Bính trong chuyến hành phương Nam đầu những năm 40 cũng đã từng bán thơ ở Sài Gòn năm 1939, có lúc phải mà cả ngã giá bán từng câu thơ đăng báo để kiếm sống. Tiền thì ít nhưng “Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết / Ngày mai ra sao rồi hãy hay..." ("Hành phương Nam"). Tiền không có, nhưng vẫn trọng thơ hơn tiền, coi khinh bọn định giá văn chương. Theo Hoàng Tấn, ông chủ bút tờ Dân báo đặt Nguyễn Bính một bài thơ để đăng trên số đặc biệt Tết Giáp Thân (1944). Ông ta bắt Nguyễn Bính phải sửa đi sửa lại 2 câu cuối đến 3 lần. Khi báo in ra, Nguyễn Bính đến đòi nhuận bút. Ông chủ báo đưa 10 đồng, Nguyễn Bính chê ít, không nhận. Ông chủ báo nói: "Với các văn sĩ nổi tiếng khác, tôi trả cao lắm cũng chỉ 5 đồng...” Nguyễn Bính lập tức ném xấp tiền xuống đất rồi ra về. Ngay chiều hôm đó, tòa soạn phải cử người đến xin lỗi và đưa cho Nguyễn Bính 50 đồng! Túng tiền, Nguyễn Bính còn bò ra 5 ngày chép tay tập thơ Lỡ bước sang ngang với chữ ký của mình để bán đấu giá... Nhà thơ không chỉ bán cả tập thơ chép tay mà bán từng câu thơ cho một tay chủ báo để có tiền sống ở chốn phồn hoa Sài Gòn! Tay chủ báo cũng cò kè bớt một, thêm hai, cho tới khi ngã giá một câu hai đồng (tiền thời đó). Giá cả thoả thuận rồi thì cứ đếm câu mà lấy tiền.

Nhà thơ Việt Nam ta sướng nhất là giai đoạn bao cấp. Thời kỳ này, các nhà thơ không phải bỏ tiền ra in thơ, cũng không phải khổ sở mang thơ đi bán. Những nhà thơ “có thẻ bài” của nhà nước nhiều không kể hết. Họ được nhà nước in thơ theo chế độ bao cấp. Tùy theo chức vụ, tuổi tác, “cây đa” hay “cây đề” trong làng văn mà “xếp hàng” lần lượt. Có nhà thơ 60 tuổi rồi mà tính vòng quay xếp hàng thì phải 60 năm nữa may ra mình mới được in nửa tập thơ. Còn có nhà thơ thì cứ in sồn sồn mỗi năm một tập. Bù lại, các nhà thơ chẳng ai phải bận tâm hay xót xa về việc số vốn nhà nước bỏ ra in thơ cho mình có mang lại tác dụng gì cho người đọc hay không. Nhà nước bỏ tiền ra in thơ, rồi nhà nước lại bỏ tiền ra mua số thơ ấy bỏ vào năm bảy nghìn cái thư viện lớn nhỏ, như là các kho lưu trữ sách. Thật là tiện lợi và sang trọng. Chả thế mà cuốn thơ nào cũng có số lượng in tới năm, bảy nghìn bản, hoặc một vài vạn bản vẫn không đủ sách để “bán”. Có không ít người do vị trí công tác thuận lợi, được bao in tới gần chục tập thơ, tưởng đã nên lão trong làng, ai dè khi hỏi đến tên, người yêu thơ nào cũng bóp trán, lắc đầu “không biết ông này làm nghề gì”. Dẫu sao đó cũng là thời vương giả nhất của thơ ca, từ góc độ thơ là cái đẹp, phải được nâng niu, chiều chuộng.

Từ khi đất nước đổi mới đến nay, cuộc sống thơ ca sôi động hơn, thực chất hơn trước. Nhiều tập thơ của các nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến như Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Hồ Dzếnh... được tái bản. Hồi học phổ thông cơ sở ở làng biển Thượng Luật, Quảng Bình, tôi phải chép hàng trăm bài thơ tiền chiến từ sổ tay của ông anh yêu thơ của tôi. Mình mải học, có đứa bạn lấy trộm mất, lại phải gò cổ bên ngọn đèn dầu cá chép lại. Bây giờ thì ra hiệu sách mua một lúc cả chồng sách thơ. Các nhà thơ lại tự bỏ tiền ra in và tự mang thơ mình đi bán như hồi tiền chiến. Đó là một điềm lành. Thơ in ra nhiều sẽ kích thích sáng tạo. Sự kiểm chứng khắt khe của thị trường sẽ cảnh tỉnh biết bao người đang đi nhầm đường vào vương quốc thơ. Nó tiết kiệm cho nhà nước, xã hội và các gia đình biết bao công sức, giấy má, thời gian và tiền bạc. Nhà thơ quá cố Hải Bằng làm thơ từ năm 1948 trong chiến khu Ba Lòng, thế mà mãi đến năm 1980, khi ông 50 tuổi mới được in bao cấp nửa tập thơ. Từ 1988 đến 1998, nhờ phương châm "lấy thơ nuôi thơ", ông đã liên tục xuất bản được mười hai tập thơ. Mấy chục năm qua, nhờ cách tự bỏ vốn in, tự phát hành, hàng trăm nhà thơ trẻ trong cả nước đã sớm trình làng những tập thơ với thi pháp mới mẻ, được bạn đọc tán thưởng, nhờ đó mà sớm khẳng định tên tuổi trên thi đàn khi còn rất trẻ, chứ không như thời bao cấp, năm mươi tuổi đầu, có hai mươi năm năm làm thơ mà vẫn bị gọi là “nhà thơ trẻ”, chỉ vì một lý do duy nhất là chưa có tập thơ nào trình làng! Tuy nhiên việc tự bỏ vốn in thơ và tự bán thơ hôm nay cũng có quá nhiều điều cười ra nước mắt. Mỗi năm cả nước có tới 700 - 800 tập thơ được in ra, nghĩa là mỗi ngày bình quân hai, ba tập thơ được ấn hành. Tổng Công ty Phát hành Sách Việt Nam cũng như các công ty con ở các tỉnh lúc đầu có nhận phát hành chút ít cho các tác giả, về sau chỉ nhận ký gửi, vài năm lại đây thì ký gửi cũng bị từ chối với lý do thơ bán không được, lại chiếm mất chỗ của các ấn phẩm khác. Do không được phát hành rộng rãi nên thơ tác giả Huế thì Huế đọc, Hà Nội thì Hà Nội đọc, tỉnh lẻ thì tỉnh lẻ đọc. Từ đó dẫn đến sự bình giá thơ của các nhà phê bình cũng theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, chỉ thấy, chỉ đọc, chỉ phán về năm bảy tập thơ xung quanh mình.

Ngành phát hành sách không nhận bán, nên các tác giả phải tự đi bán thơ mình. Nhiều tác giả như Ngân Vịnh, Hoàng Minh Nhân ở Đà Nẵng phải tổ chức hàng chục buổi nói chuyện thơ ở các trường học, cơ quan để bán tập thơ mình vừa mới in. Bán thơ cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt. Có lần, nhà thơ Vĩnh Nguyên ở Huế, vào Nam đi rao bán tập thơ Tình yêu đâu có muộn màng vừa mới in của mình. Anh mang theo một ba-lô thơ như người bán thuốc dạo. Anh chọn QL20, tuyến xe đường dài Sài Gòn - Đà Lạt vì cho rằng đây là tuyến đường nên thơ nhất. Bán thơ rong là một lối du ca tài tử và thi vị. Nhà thơ vừa đọc thơ vừa rao bán. Có khoảng mươi lăm người rút hầu bao mua thơ. Tốt quá! Nhưng đến đoạn Phương Lâm (gần Bảo Lộc) bỗng có người vỗ vai nhà thơ rồi ghé tai bảo rằng, anh nên thôi bán thơ hoặc chuyển qua xe khác để nhường “đất” cho một người bán báo dạo đang rất cần tiền cho bữa cơm trưa xứ mộng! Vĩnh Nguyên ngừng bán, đưa mắt tìm người bạn cùng cảnh ngộ. Tưởng ai xa lạ, hóa ra là Trần Phá Nhạc, cũng một nhà thơ xứ Huế lưu lạc vào Nam từ chục năm trước. Năm 1988, nhà văn Hồng Nhu từ Nghệ An chuyển công tác về công tác ở Huế, hăng hái bỏ tiền in tập thơ Ngẫu hứng về chiều. Một công ty phát hành sách ở phía Nam thương nhà thơ, nhận phát hành giúp trăm cuốn (hoa hồng mười phần trăm số sách in), nhưng phải bằng cách “đổi thơ lấy tiểu thuyết”. Thế là thay bằng nhận tiền bán thơ, Hồng Nhu phấn khởi khuân về mấy chục cuốn tiểu thuyết thời thượng của Mỹ Latinh vừa mới dịch. Bán tiểu thuyết dẫu sao còn dễ hơn bán thơ, nhà phát hành sách bảo vậy. Nhưng hỡi ôi, khi ra tới Huế thì cuốn tiểu thuyết trên đã bão hòa trên các quầy sách, nhà thơ đạp xe đi bỏ khắp phố cũng chẳng ai nhận bán. Dẫu phải "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi", nhà thơ cũng không làm sao nhận được khoản tiền bán thơ khốn khổ của mình.

Có lần tôi ra Hà Nội, ghé Hội Nhà văn. Gặp nhau chưa kịp hỏi thăm sức khỏe, nhà thơ Nguyễn Hoa đã chào bán ngay tập thơ Mưa Thuận Thành của Hoàng Cầm. Tôi chưa kịp mừng vì mua được tập thơ ưng ý, đã nghe Nguyễn Hoa than: "Anh Hoàng Cầm phải gò lưng ký tặng vào từng cuốn một, bán vẫn khó chạy". Bán thơ là thế đấy! Ra văn mà bán chẳng ra tiền - Cái nghiệp văn chương nghĩ thật phiền! (Tản Đà)

Do thơ ế, nhiều tác giả chỉ in vài ba trăm bản mỗi tập, chỉ để tặng bạn bè, như là một cách chơi. Hoặc có người in cho có đầu sách để xin vào Hội Nhà văn, chẳng cần biết thơ mình có độc giả hay không. Chuyện in thơ để biếu này cũng không hiếm hoàn cảnh tội nghiệp. Một lần dự Đại hội Nhà văn, tôi thấy ở hành lang Hội trường Ba Đình để cả chồng cao tập thơ Hoa tự đặt tên của một tác giả. Tôi định mua một cuốn nhưng không thấy người bán. Hỏi mới biết muốn lấy bao nhiêu cuốn cũng được. Đây là tình cho không biếu không! Cho không như thế mà tôi thấy chẳng mấy người để ý.

Chục năm lại đây, các nhà thơ Việt Nam dường như đã phát hiện ra một phương thức bán thơ mới, hiệu quả hơn. Đó là cách mang thơ đến các doanh nghiệp, cơ quan, trường học… "bỏ mối” mỗi nơi mươi mười lăm cuốn, ép các thủ trưởng trả tiền. Thương các nhà thơ nghèo, chẳng thủ trưởng nào từ chối một vài trăm ngàn đồng tiền mua thơ. Vì nhà thơ cũng thường là nhà báo, nên phần "thương" thì ít mà phần "sợ" thì nhiều. Mỗi tỉnh nhỏ tính sơ sơ cũng tới vài ba trăm cơ quan, doanh nghiệp, một “thị trường” ngon lành cho thơ. Khổ nỗi thơ mua xong, thủ trưởng liền cho thơ vào tủ, không biết có đọc câu nào không?

Thấy tình cảnh thơ in ra nhiều, thơ ế phải bán ép, nhiều người, trong đó có không ít nhà thơ đã hoảng hốt kêu lên: "Đây là thời loạn thơ!” Theo thiển ý của tôi thì đây là thời thơ “trăm hoa đua nở” rất đáng khích lệ. Nếu các nhà biên tập ở các nhà xuất bản đọc thơ khắt khe hơn, hẳn sẽ bớt đi được nhiều tập thơ dở trên thị trường. Nhưng không sao, bạn đọc thơ còn khắt khe hơn cả nhà biên tập kia. Họ sẽ tự chọn lọc lấy cho mình những câu thơ, bài thơ hay, nhà thơ tâm đắc của mình. Tôi thường tự nhủ rằng, từ trong nguồn cội, thơ là thứ không phải để bán. Đối tượng của thơ thường rất hẹp. Vì đã là tiếng lòng thì bao giờ cũng thì thầm. Nhưng sinh ra nhà thơ, lại sinh ra những người đồng cảm. Thế là sinh chụyện in thơ để bán. Một người làm thơ có đươc vài ba trăm người yêu thơ mình, mua thơ mình đã là quí lắm. Đừng buồn chuyện thơ ế. Đừng nên sĩ diện chuyện ti-ra ít hay nhiều. Chỉ cần một bản thôi, thơ cũng có cách đến được với bạn tri âm tri kỷ nếu nó là thơ đích thực. Ngược lại, đem thơ rao bán chợ đời cũng không vì thế mà thơ, hay nhà thơ trở nên kém cỏi, nhếch nhác. Bởi thơ là thứ mở vô cùng mà cũng khép vô cùng. Thơ không bao giờ ế! Thơ là tình yêu vĩnh hằng! Chỉ những hư danh sống bám, sống dựa vào thơ mới là ế ẩm! Nào, ai mua thơ ta bán thơ cho…

© 2007 talawas