trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Vốn xã há»™i
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
10.12.2007
Bùi Tín
Câu chuyện trao đổi về vốn xã hội
 
Tôi may mắn đọc được trên mạng bài của Giáo sư Thái Kim Lan về vấn đề vốn xã hội, định nghĩa của khái niệm vốn xã hội; nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy của vốn xã hội ở nước ta; vốn xã hội theo lăng kính người xưa với quan niệm ''cư trần lạc đạo'' do Trần Nhân Tông đề xướng cũng như theo quan sát cuộc sống hiện tại, từ năm 1975 đến nay trong thời đổi mới. Giáo sư Thái Kim Lan cũng trao đổi với hai tác giả Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Xuân Lộc về bài viết của hai ông bàn về ''vốn xã hội'' ứng dụng vào đời sống chính trị nước ta dưới lăng kính thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc trong cộng đồng cũng như vào việc xây dựng một xã hội đa nguyên văn hóa và khoan dung chính trị.

Bài viết của Giáo sư Thái Kim Lan thật lý thú trên nhiều góc cạnh. Về mở rộng kiến thức trên một số khái niệm, như ''vốn xã hội'', quan hệ xã hội, tăng vốn hay hụt vốn, phá sản hay phát huy, hòa bình xã hội, mạng lưới xã hội, ''cư trần lạc đạo'', ''an lạc cộng đồng''. Giáo sư Lan tỏ ra khá uyên thâm khi dẫn giải John Harris, Pierre Bourdieu và Robert Putman, bàn về vốn xã hội nói chung cũng như vốn xã hội trong thời toàn cầu hóa.

Một điều thú vị nữa là Giáo sư Lan không chỉ bàn về lý thuyết, xác định nội hàm của những khái niệm để định nghĩa những danh từ xã hội học, mà còn từ lý luận soi vào thực tế cuộc sống xã hội nước ta, đề cập đến nhiều sự kiện sinh động, từ vụ PMU18 đến nạn tham nhũng tràn lan, từ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em qua dịch vụ ''cô dâu'', ''đỡ đầu'', ''kiếm việc'' đến nạn nhiễm HIV, phạm pháp, tai nạn giao thông. Tôi rất cảm động khi nhà nữ triết học nhắc đến thảm cảnh làn sóng di tản sau tháng 4-1975, do chính sách giáo điều cố chấp ''loại trừ '' theo kiểu ''yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội'' (không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước), làm cho hòa bình xã hội bị phủ bóng đen. Bà không từ thực tế mà ấy mà mất niềm tin, bà cho rằng vẫn còn có triển vọng phát huy vốn dân tộc nếu như toàn xã hội tỉnh dậy và hành động chung theo hướng thiện.

Câu chuyện của Giáo sư Thái Kim Lan còn thú vị, hấp dẫn ở mặt văn học sử, khi bà dẫn ra ''Cư trần lạc đạo phú'' của vua Trần Nhân Tông, một mô hình thực tế của người xưa gợi ý cho người hôm nay tỉnh dậy, chung sức đi tìm lại ''hòa bình xã hội'' như một kho báu chung để chung hưởng. Ước gì được đọc lại toàn văn của bài phú quý giá ấy, kèm theo một bài giảng văn kỹ lưỡng về những từ ngữ của tiếng Việt cổ để người thời nay nắm cho hết ý của người xưa, được vậy thì quý hóa vô cùng. Tôi vẫn chưa hiểu hết các chữ Việt cổ của người xưa, như những khái niệm: sạch giới lòng, dồi giới tướng, đi đổ mới, áng tú tài, rần thanh sắt, lọ chi, đức Cồ, tích nhân nghì, chỉn thực, tướng kim cương, làu lòng, dựng cầu đò, sự tướng, lồng nhân nghĩa, mày ngang mũi dọc, cách nhân, vàn vàn... Lại còn: mựa phải, cầm giới hạnh, nhược chỉn, miễn cốc, mọi hoặc, chuyển tam độc, chứng tam thân, đoạn lục căn, trừ lục tặc, mựa lạc tà đạo, xá ướm hỏi, đòi cơ Mã tổ, quả bồ đề, hoa ưu đàm, xá tua, đồ công... Tôi cũng võ vẽ đôi ba chữ Nho, Hán tự, nhưng không hiểu thấu đáo những chữ Việt cổ như trên, nên ước mong được Giáo sư Thái Kim Lan và các bạn học rộng chỉ giáo cho, làm một bài giảng văn trên mạng talawas là thuận tiện nhất. Bài phú này là một viên ngọc quý hiếm rất đẹp trong nền văn hóa dân tộc cần phổ cập rộng.


Bàn thêm về vốn xã hội

Xin được nhân đây trao đổi thêm với Giáo sư Thái Kim Lan và các bạn về vốn xã hội, theo hiểu biết hạn hẹp và chắp vá của tôi. Trong sách báo nước ngoài, vốn xã hội là khái niệm vừa cũ, vừa mới, nội hàm không ngừng mở rộng theo phát triển của kinh tế học, xã hội học và trào lưu toàn cầu hóa.

Capital social, ressource humaine, ressource sociale, relation sociale, richesse sociale, propriété sociale, patrimoine sociale... đều là những khái niệm liên quan đến vốn xã hội. Vốn xã hội có nghĩa rất rộng, về nhiều mặt: vật chất, tài nguyên tự nhiên, nổi và chìm, tài sản qua lao động tay chân, trí óc, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, truyền thống, tài sản chung và riêng, qua nhiều thế hệ, kỹ năng, phát minh, đặc sản, tinh hoa, nhân tài, chế độ chính trị, nền luật pháp... của một đất nước đều có thể coi là vốn xã hội của nước ấy.

Có hai vấn đề thiết thực thường được chú ý, đó là vấn đề kể ra, thống kê, làm inventaire tất cả những gì có thể coi là vốn xã hội, tài sản xã hội của một đất nước, và đánh giá cho hết định lượng tiềm năng của những tài sản ấy; và tiếp sau đó là vấn đề làm thế nào để phát huy cao nhất những vốn xã hội ấy vì lợi ích của toàn cộng đồng. Vấn đề làm thế nào ấy là cả một loạt câu hỏi và giải pháp nhiều mặt, trong đó các lực lượng chính trị, các nhà tri thức, các viện nghiên cứu chính sách, các think tank - các kho túi khôn - , các trí khôn vạn năng của thời đại phải chung sức vào cuộc. Đây là cuộc kinh doanh lý thú, để từ vốn xã hội xác định mà có thể 1 vốn 4 lời, tránh xa lỗ vốn, càng chạy khỏi nguy cơ phá sản, vỡ nợ, xã hội tan hoang, như Giáo sư Thái Kim Lan có ý cảnh báo ngay từ trên đầu đề.


Tissu social, mạng lưới xã hội hay tấm thảm xã hội

Trong một số sách viết về xã hội ở nước ngoài, tôi thường bắt gặp khái niệm tissu social, hình như chưa có khái niệm tương đương trong tiếng Việt. Tôi cũng chưa thật rõ, chỉ mò mẫm tìm hiểu với vài nhà báo Pháp. Tấm thảm cho ta hình ảnh mối quan hệ dệt chặt chẽ sợi nọ gắn chặt sợi kia, lại sợi dọc gắn với sợ ngang, ràng buộc với nhau thành một tấm vải bền chắc không dễ rách, không dễ thủng.

Một xã hội tốt đẹp, hài hòa, hưng thịnh, hòa bình, phát triển bền vững, có đạo lý, tình nghĩa là một xã hội như được dệt nên bởi những sợi tơ có chất lượng cao, qua tay nghề tinh xảo, tạo thành tấm lụa hảo hạng, bền lâu trong mọi thử thách. Trong xã hội như thế, quan hệ người với người là anh chị em ruột thịt, chị ngã em nâng, áo lành đùm áo rách, bầu ơi thương lấy bí cùng, nhiễu điều phủ lấy giá gương, đầy tình thương và sự sẻ chia, làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, trong gia đình kính trên nhường dưới, vợ chồng tin cậy yêu thương, xã hội trọng nghĩa hơn trọng tiền, cả xã hội chan hòa đạo nghĩa, không có chỗ cho gian dâm đạo tặc, vườn không hàng rào, nhà không đóng cổng, cửa ngỏ ban đêm, khắp hang cùng ngỏ hẻm không lời than vãn, không tiếng thở dài.

Một xã hội mà như một tấm vải thô kệch, rách nát, vá víu, xộc xệch, nhúng nước đã rã rời, ấy là xã hội người với người là dã thú; thù hận được nuôi dưỡng; tôn giáo bị coi là thuốc phiện; bạo lực là động lực; nông thôn nhà gạch mái ngói mà hết tình làng nghĩa xóm; học trò ôm cô giáo trong nhà thổ, thày giáo gặp học trò trong bia ôm; đô-la là chúa tể; nghề buôn người, buôn gái điếm, buôn cô dâu, buôn ''ấu trinh'', buôn thuốc phiện, làm bằng giả, làm dấu giả đều thịnh hành, phát đạt, hầu hết có hùn vốn, bảo kê chia lời của ngành an ninh và cảnh sát; ấy là dấu hiệu của một xã hội hào nhoáng, người thấp về tính người thì ở trên cao, người yêu nước thương dân thì bị đè bẹp xuống đáy, một xã hội trên đà băng hoại. Nhìn xa tưởng là gấm hoa, nhìn kỹ là vải dỏm.

Cho nên vốn xã hội xét cho cùng là chất lượng mối quan hệ giữa người với người được kết hợp, đan xen, dệt ngang kết dọc trên dưới, xa gần ra sao, trên nền tảng nào, thành lụa quý hay thành vải thô, gấm dỏm.

Anh Nguyễn Huệ Chi qua bài viết thêm lên tiếng cảnh báo về mối quan hệ xã hội đang có nguy cơ sa sút như thế, khi cả Công viên Thủ Lệ chung của thủ đô bị bọn tham quan địa phương độc chiếm và tàn phá ngang nhiên ra sao, đúng vào lúc những người cầm đầu chế độ ngang nhiên hùng hổ tàn phá di tích cực kỳ quý hiếm của Hoàng thành Thăng Long cổ, khinh thị bỏ ngoài tai mọi can ngăn của những nhân vật vốn là bậc thày của những kẻ đương quyền ấy, như Cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt, cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, cựu trung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tướng 4 sao Võ Nguyên Giáp, chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Phan Huy Lê...


Trở về với bài phú ''Cư trần lạc đạo''

Giáo sư Thái Kim Lan thật thâm thúy đưa chúng ta, những người đương thời trở lại với bài phú cổ ''Cư trần lạc đạo''.

Có những nếp sống đẹp ngày xưa vẫn có nguyên giá trị gợi ý cho cuộc sống hôm nay, để cùng nhau dệt một tấm lụa mới trong quan hệ anh chị em người Việt chúng ta với nhau. Ông vua Trần Nhân Tông sao mà có tấm lòng đẹp đến thế. Cuộc sống trên trần này, trên đời này ngắn ngủi lắm. Hãy sống cho ra sống, sống nhẹ nhàng với đồng bào mình, với thiên nhiên nước mình, không ham hố, sân si, bon chen, nặng lòng vì những cám dỗ ảo ảnh nhất thời, thế là dại dột, đèo bòng hưởng thụ là vô cùng, không sao thỏa mãn, chỉ chuốc khổ. Để cho cả xã hội sống vui trên đời này, hãy tự mình ''phá trừ nhân ngã''.

Có gì nguy hiểm, tệ hại hơn là ''sở ngã dân tộc, duy ngã độc tôn''. ''Đảng ta là dân tộc, dân tộc là Đảng ta''. ''Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội kiểu mác-xít''. ''Không yêu chủ nghĩa Mác là không yêu nước, là phản động, là bán nước, là phải bị loại trừ.''

''Duy ngã độc tôn'' nên ta là chân lý, Đảng ta là chân lý. Ta cầm quyền có nghĩa là ta giỏi nhất, tài nhất, ta biết hết, một lời ta nói là vàng ngọc, là chân lý, là luật pháp. Ta không bao giờ sai, ngay cả khi sai ta cũng đúng, ta vẫn hơn mọi người, ta tự biết sửa, vì ta còn hơn thánh hơn thần. ''Chấp ngã'', đến mức gây đau khổ, chết chóc, đầy đọa, cho hàng triệu còn người, gây nên nạn thuyền nhân bi thảm, với hàng chục vạn sinh mạng vùi thây trên biển cả mà vẫn kể công ơn, vênh mặt là quá ư nhân đạo, không thể thốt ra một lời ''xin lỗi'' hay ''đáng tiếc'', vì làm thế là mất tiếng tăm, mất oai phong, mất thớ, là không vững lập trường, để còn ra oai, ra lệnh phá các bia lưu niệm nạn nhân, nhằm phá sạch dấu tích của tội ác của chính mình, của Đảng ta.

Dù cho làm như thế là thiệt thòi cho dân, cho nước, bỏ mất trắng thời cơ có một không hai để hòa hợp và hòa giải dân tộc, thống nhất và bình đẳng Bắc Nam, để ôm nhau chan hòa trong yêu thương, không bên nào thua không bên nào thắng, mọi người Việt ta đều thắng.

Rõ ràng chỉ vì cố chấp, không chịu ''phá trừ nhân ngã'', một mực ''duy ngã độc tôn'' thiển cận, ích kỷ, mà tấm lụa quý quan hệ xã hội cha ông ta để lại thế hệ con cháu là chúng ta đã không biết giữ gìn, nâng niu, bảo vệ, lại còn để cho rách bươm, rách nát, tả tơi, chỉ có một thiểu số vài trăm ngàn người quyền cao chức trọng thành đạt do vận may chứ không phải do thực tài, còn hơn 80 triệu dân vẫn thèm khát cháy bỏng tự do và niềm vui sống, thèm khát cháy bỏng ''cư trần lạc đạo'' mà vẫn chưa thấy bóng dáng ở đâu.


Con đường văn học - văn hóa

Chúng ta quả thật là những con cháu hư của tiền nhân. Càng đi xa trên con đường Nam tiến, càng đi sâu về thời gian sang thế kỷ 17, 18... đến thế kỷ 20, 21 lẽ ra chúng ta phải giữ gìn ''túi khôn'' của tiền nhân, làm giàu có thêm lên thì chúng ta vì mù quáng, ích kỷ, để cho phe đảng ngự trị trên Quốc gia, Dân tộc và Nhân dân, nên mới ra nông nỗi này.

Con đường đấu tranh chính trị có vẻ trầy trật, nhích lên từng bước. Cứ theo đà này, những thứ bậc ô nhục (như thứ 164/186 về tự do báo chí, thứ 171/184 về tự do chính trị, thứ 138/178 về tính minh bạch, thứ 146 về thu nhập bình quân đầu người) sẽ còn đeo đẳng dài dài, leo lên trụt xuống, không có khả năng mỗi năm leo được vài chục bậc.

Hãy huy động mọi tiềm năng đấu tranh, những biện pháp đấu tranh, những con đường đấu tranh kết hợp. Giáo sư Thái Kim Lan cùng anh chị em có tâm huyết và tri thức trong ngành văn hóa giáo dục hãy qua con đường văn học - văn hóa, khơi dậy những suy tư và trách nhiệm, những triết lý về lối sống, về cung cách cầm quyền, về an dân và thư dân, qua kinh nghiệm người xưa cho đến người nay... để thức tỉnh và cảm hóa toàn xã hội.

Đất nước này là của chung.

Gánh nặng, đường dài,

Cần nhiều tâm huyết, nhiều trí tuệ

Tìm đường và mở đường: Con đường ''cư trần, lạc đạo '' của dân tộc Việt ta hôm nay và ngày mai.

Paris tháng 12-2007

© 2007 talawas