trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
1.11.2003
Lê Đình Khoa
Văn chương của Borges biến thành "rap" nói ngọng?
 
Trước đây, vào ngày 21.7.2003, talawas có đăng bài viết của tôi Một bản dịch khiến độc giả kinh hãi, trong đó tôi nêu lên thái độ dịch cực kỳ tùy tiện, cẩu thả và xuyên tạc, cũng như thứ tiếng Việt đầy lỗi lầm của ông Thường Quán. Ngay sau đó, ông Thường Quán đáp lại bằng bài Thơ Rap Tân Hình Thức tặng bác Lê Ðình Khoa và độc giả talawas. Tôi không muốn bình luận gì thêm, vì thấy trong bài ấy ông Thường Quán đã không chịu thấy những cái sai của mình mà còn đóng một tuồng Xúy Vân giả dại, một màn Chí Phèo giả say cào mặt ăn vạ, nhằm chạy trốn vấn đề. Sau đó, ông Thường Quán lại đăng thêm bài Ráp và Dịch. Trong đó, ông cố gắng tự bào chữa cho lối dịch cực kỳ tùy tiện, cẩu thả và đầy xuyên tạc của ông. Ông cho rằng "muốn dịch Eminem thì phải nghe rap, hip-hop", nghĩa là phải dịch sao cho ra nhạc rap, nhạc hip-hop. Khổ thay, bản tin của Laura Peek chỉ là một bản tin chứ không phải một bản nhạc rap hay hip-hop. Và khổ thay, ngôn ngữ trong lời nhạc rap và hip-hop của Eminem là ngôn ngữ bình dân, đơn giản, thẳng thừng, chứ không hề có cái lối chữ nghĩa ngọng nghịu, khập khiễng, lòng thòng như thứ tiếng Việt của ông Thường Quán!

Ông tự bào chữa rằng ông dịch bản tin của Laura Peek theo kiểu nhạc "rap" vì có "một chữ ở đầu đề", chữ "Eminemently" ("Eminemently, Nobel praise for rap's Mr Nasty", mà ông nhỡ ghi sai ở cuối bài viết của ông thành ra "Eminemtly", và đến bây giờ vẫn khăng khăng giữ chữ ấy, bất chấp nguyên tác của Laura Peek!).

Chỉ vì một chữ ở đầu đề một bài báo bình thường, mà chữ ấy chẳng có gì là "rap" cả, ông Thường Quán ra tay biến bài báo thành một bản nhạc "rap". Thưa ông, lời nhạc "rap" của Eminem không có kiểu chơi chữ như "Eminemently" như của Laura Peek, cũng không lằng nhằng, rối rắm, ngọng nghịu như thứ tiếng Việt của ông. Nếu ông muốn dịch lời ca của Eminem, thì đây, tôi xin tặng ông một đoạn trong bài "Fuck Off" rất nổi danh của Eminem để ông nghiên cứu và dịch:

You act like the motherfucker's new at this shit
But I've been true to this shit given' my heart and soul
Been shinin' like a diamond but gettin' passed as coal
So Fuck Off
Yeah

Tôi đã quyết định không tranh cãi gì nữa trước thái độ thiếu phục thiện của ông Thường Quán, và tự nhủ rằng có lẽ ông chỉ cao hứng dịch ẩu một lần như thế thôi. Tôi tin rằng sự việc có lẽ đã quá rõ đối với độc giả, và tin rằng ông Thường Quán, vì tự ái, đã cố sức biện bạch lằng nhằng như thế, nhưng có thể ông đã âm thầm tự rút kinh nghiệm. Nhưng tôi nhầm... Gần đây, đọc Hợp Lưu số 73 (tháng 10 và 11 năm 2003), tôi lại thấy ông Thường Quán tiếp tục sử dụng lối dịch "rap" của ông, thứ tiếng Việt "rap" của ông để dịch một tác phẩm của Jorge Luis Borges. Có thể nói trong khi "rap" Borges, ông Thường Quán đã "rape" (hiếp dâm) Borges. Đó là bài "My last tiger" của Borges mà ông Thường Quán dịch thành "Mãnh cọp cuối cùng của tôi"!

Để độc giả tiện so sánh, tôi xin đăng lại nguyên văn bản tiếng Anh của bài "My last tiger" của Borges (chữ in thường), song song với bản dịch tiếng Việt của ông Thường Quán (chữ in đậm), kèm vài lời nhận xét của tôi, và bản tôi tạm dịch sát với nguyên bản (chữ in xiên). Xin nhấn mạnh: tôi không phải là dịch giả, cũng không phải là nhà văn, mà chỉ là một người Việt biết tiếng Anh. Do đó bản dịch của tôi chỉ để độc giả tiện đối chiếu ý nghĩa.

Jorge Luis Borges (JLB): My last tiger

Thường Quán (TQ): Mãnh cọp cuối cùng của tôi {Tiger là con cọp, chứ không phải là "mãnh cọp". Người ta dùng từ Hán-Việt "mãnh hổ" để chỉ con cọp mạnh mẽ (strong tiger, powerful tiger). Borges không hề nói đến "con cọp mạnh mẽ" nào cả. Vả lại, nếu TQ muốn tự ý thêm chữ "mãnh", ông nên nói "mãnh hổ", chứ "mãnh cọp" chẳng có nghĩa gì cả.}

Lê Đình Khoa (LĐK): Con cọp cuối cùng của tôi

*

JLB: In my life I always had tigers.

TQ: Trải suốt đời tôi ôi bao nhiêu cọp. {Cọp làm sao "trải suốt đời tôi"? Và thán từ "ôi" ở đâu thình lình nhảy ra vậy?}

LDK: Trong đời tôi, tôi đã luôn luôn có những con cọp.

*

JLB: So interwoven is reading with the other habits of my days that really I do not know if my first tiger was the tiger in a print or the one, now dead, whose stubborn come and go in its cage I followed as if in a spell on the other side of the iron bars.

TQ: Sự đọc cứ đan bện thít cứng vào toàn bộ thói nhà ngày ngày của một tôi khiến tôi thực sự không còn biết mãnh cọp đầu tiên của tôi có là mãnh cọp tôi thấy trong tranh in, hay là mãnh cọp dù nay đã không còn thì đã một lần rải bước lầm lầm trong chiếc chuồng riêng độc, trong khi tôi dõi nhìn làm như hào hứng sướng vui từ mặt kia của những chắn song sắt trụi. {Những chỗ tôi gạch dưới cho thấy thứ tiếng Việt rất lủng củng của TQ. Đây là một thứ tiếng Việt múa may rất vô vị và đầy những chỗ sai. "As if in a spell" là "như bị hớp hồn", "như bị thôi miên", nhưng TQ dịch là "làm như hào hứng sướng vui". Trong tiếng Việt, "làm như..." có nghĩa là "ra vẻ", "làm bộ". Phải chăng TQ cho rằng Borges thật ra chẳng vui sướng gì khi ngắm con cọp trong chuồng, mà ông chỉ "làm như hào hứng sướng vui"? "Mặt kia của những chấn song" lại là một cách nói rất lủng củng, gần như vô nghĩa. Người Việt nói "bên này những chấn song", "bên kia...", "bên ngoài...", "bên trong...", chứ chẳng ai nói "mặt kia của những chấn song", hay "mặt này của những chấn song"!}

LDK: Việc đọc sách và những thói quen thường nhật khác của tôi xen lẫn vào nhau đến mức tôi không biết con cọp đầu tiên của tôi là con cọp trong hình in hay con cọp, nay đã chết, mà những bước đi lòng vòng dai dẳng của nó đã khiến tôi theo dõi như bị thôi miên từ bên ngoài những song sắt.

*

JLB: My father enjoyed encyclopedias; I judged them, I am certain, by the images of tigers they offered me.

TQ: Cha tôi hâm mộ những bộ bách khoa từ điển, còn tôi xếp hạng những bộ sách ấy tùy thuộc vào những hình ảnh cọp ở trang trong, điều này thì tôi biết chắc. {"Judge" là đánh giá, chứ không phải "xếp hạng". TQ còn nhầm lẫn cách dùng cụm từ "tùy thuộc vào" và "tùy theo". Xếp hạng những cái gì đó "tùy theo"..., chứ không phải "tùy thuộc vào..."}

LDK: Cha tôi yêu thích những bộ bách khoa từ điển; còn tôi đánh giá chúng trên những hình cọp chúng cống hiến cho tôi, tôi chắc thế.

*

JLB: I call to mind those of Montaner y Simón (a white Siberian tiger and a Bengal tiger) and another, carefully drawn in pen and leaping, in which there was something of rivers.

TQ: Tôi lúc này đây đang nhớ lại những bức hình cọp trong bộ bách khoa từ điển của Montaner y Simón [một cọp Sibêria trắng và một cọp Băng-gan] và ở một sách khác một tranh vẽ bằng mực thận trọng họa tiết một mãnh cọp đang lưng trời nửa chừng một búng nhảy, có cái gì trong cọp này như một dãi sông. {"Hoạ tiết" nào? Một bức tranh cọp đâu có phải là "hoạ tiết" của một bức tranh cọp? Trong một bức tranh cọp, những chi tiết như cái đuôi, cái tai, cái vằn... thì mới có thể gọi là hoạ tiết. Lại tự ý thêm thắt lăng nhăng! Còn một điều nữa là trong tiếng Việt không ai nói "một cọp", "trong cọp", mà nói "một con cọp", "trong con cọp". Hơn thế nữa, trong bản Anh văn, "in which" nghĩa là trong hình vẽ con cọp, chứ không phải là trong con cọp.}

LDK: Tôi nhớ lại những bức hình cọp trong bộ bách khoa từ điển của Montaner y Simón (một con cọp Siberia màu trắng và một con cọp Bengal) và trong một bộ khác, được vẽ cẩn thận bằng bút và với dáng đang nhảy, trong đó có cái gì [uyển chuyển] của những dòng sông.

*

JLB: To these visual tigers were joined tigers made of words: Blake's famous flame ("Tyger, tyger, burning bright") and Chesterton's definition, "an emblem of terrible elegance."

TQ: Không lâu sau trong đội ngũ những cọp có ảnh có hình này có thêm những cọp hiện thành từ chữ: lửa trứ danh của Blake ("Cọp, Hổ, cháy sáng ngời ... " ), rồi định nghĩa của Chesterton, "một phù hiệu của thanh lịch dữ dội". {Trong tiếng Việt không có lối nói "không lâu sau", chỉ có "không lâu sau đó". Hơn thế nữa, trong bản Anh văn không có cụm từ này! TQ còn sáng chế chữ "đội ngũ". Cọp làm gì có "đội ngũ"? Tiếng Việt lủng củng: "từ chữ". Đã "từ" mà còn "chữ"? Lỗi này giống hệt như lỗi "Nghịch Ngược" trước đây. Quả là tre già khó uốn. Còn "lửa trứ danh" là thứ tiếng gì vậy? Và câu "một phù hiệu của thanh lịch dữ dội" thì nghe lủng củng như nói ngọng!}

LDK: Bên cạnh những con cọp bằng hình này còn có thêm những con cọp bằng chữ: ngọn lửa nổi danh của Blake ("Cọp, cọp, cháy sáng ngời"), và định nghĩa của Chesterton, "một biểu tượng của sự cao nhã khủng khiếp."

*

JLB: When I read, as a child, The Jungle Books, they did not stop me grieving that Shere Khan was the villain of the piece, not the hero's friend.

TQ: Ngày thơ ấu đọc The Jungle Books tôi cứ lấy làm tiếc cọp Shere Khan phải đóng vai phản diện thay vì là bạn thiết của nhân vật chính. {"Ngày thơ ấu" không phải là con người, nên không thể đọc. Đúng ra, phải viết là "Ngày thơ ấu, tôi đọc...", hoặc "Ngày thơ ấu, đọc The Jungle Books, tôi...". Nếu vế trước đã dùng động từ "đóng vai", thì vế sau phải dùng động từ "đóng vai", chứ không thể thình lình dùng động từ "là"}

LDK: Ngày còn thơ ấu, khi tôi đọc Những Cuốn Sách Rừng Thiêng, tôi không ngớt khổ tâm vì Shere Khan là một nhân vật phản diện, chứ không phải là bạn của nhân vật chính.

*

JLB: I would like to recall, and cannot, a sinuous tiger traced by the brush of a Chinese, who had never seen a tiger, but who had without doubt seen the archetype of the tiger.

TQ: Tôi muốn triệu gọi về, dù không cách chi làm được, một mãnh cọp uốn lượn vẽ bằng bút lông của một hoạ sĩ Trung Hoa người chưa hề thực thấy cọp ngoài đời, mặc dù ông ta chắc chắn đã thấy một cọp mẫu chính-khuôn-trang-khảo-cổ. {TQ lại tự ý thêm thắt lăng nhăng giống kiểu dịch bài báo về Eminem trước đây. Ông lại đẻ ra chữ "triệu gọi về". Đã "triệu" mà còn "gọi về"? Hơn thế nữa, "to recall" là nhớ lại, là hồi tưởng, chứ đâu phải là "triệu" hay "gọi về"! "Người chưa hề thực thấy" là thứ tiếng gì? "The archetype" sao dịch là "mẫu chính-khuôn-trang-khảo-cổ"? Khảo cổ gì ở đây? Rõ ràng TQ nhầm lẫn tiếp đầu ngữ "arche" với tiếp đầu ngữ "archaeo". Sao không chịu tra từ điển, mà cứ đoán bừa?}

LDK: Tôi muốn nhớ lại, và không thể nhớ nổi, một con cọp uốn lượn dưới ngọn bút lông của một người Trung Hoa, kẻ chưa từng thấy một con cọp, nhưng chắc chắn đã thấy hình mẫu của con cọp.

*

JLB: This Platonic tiger is to be found in a book by Anita Berry, Art for Children.

TQ: Mãnh cọp Platonic duy-tâm này có thể tìm thấy trong cuốn Art for Children của Anita Berry. {"This Platonic tiger" sao TQ lại dịch là "Mãnh cọp Platonic duy-tâm"? Chữ "duy-tâm" ở đâu ra?}

LDK: Con cọp lý tưởng này được tìm thấy trong một cuốn sách của Anita Berry, Nghệ Thuật cho Thiếu Nhi.

*

JLB: One will wonder quite reasonably why tigers and not leopards or jaguars?

TQ: Nếu có ai đó hỏi thì cũng là đúng: tại sao là cọp mà không là báo hay beo? {Kiểu nói "nếu có ai đó hỏi thì cũng là đúng" nghe như một thứ tiếng Việt rất lủng củng}

LDK: Người ta sẽ thắc mắc rất hợp lý tại sao là cọp mà không là báo hay beo?

*

JLB: I can only respond that spots displease me and not stripes.

TQ: Tôi chỉ có thể trả lời rằng những đốm lốm đa lốm đốm không được vui lòng đẹp mắt cho bằng được những suối vằn cong. {TQ lại thêm thắt lăng nhăng nữa rồi! Than ôi, tiếng Việt gì lạ thế này: "những đốm lốm đa lốm đốm", và "không được vui lòng đẹp mắt cho bằng được"? Nghe cứ như con trẻ nói ngọng. Còn "suối" và "cong" ở đâu nhảy vào đây? Những cái vằn của con cọp có dài lê thê đâu mà ông bảo là "suối"? Và chúng có "cong" đâu nào?}

LDK: Tôi chỉ có thể trả lời rằng những cái đốm không làm tôi thích thú bằng những cái vằn.

*

JLB: If I were to write leopard in place of tiger the reader would immediately intuit that I was lying.

TQ: Nếu giả như tôi viết xuống báo beo thay vì cọp thì bạn đọc sẽ tự khắc cảm ra tôi đang nói dối đấy thôi. {Đã "nếu" mà còn "giả như"? Và "cảm ra" là gì vậy? Có "cảm vào" không?}

LDK: Nếu tôi phải viết "con báo" thay vì "con cọp", độc giả sẽ lập tức cảm nhận rằng tôi đang nói dối.

*

JLB: To these tigers of sight and word I have joined another which was revealed to me by our friend Cuttini, in the curious zoological garden whose name is Animal World and which abstains from prisons.

TQ: Thêm vào cọp của ảnh hình và của chữ tôi góp đây thêm một cọp khác, cọp này tôi gặp được nhờ bạn Cuttini của chúng ta đã chỉ cho trong một sở thú lạ có tên là Thế Giới Loài Thú, một sở thú không có chuồng không có những chắn song. {Tại sao lại có chữ "thêm" từ đâu nhảy vào đây? Mà đã "thêm" một lần rồi, thì sao lại còn "tôi góp đây thêm"? Mớ chữ "tôi góp đây thêm" lại là thứ tiếng Việt nói ngọng. Và tại sao TQ lại dịch liều rằng ông Cuttini "đã chỉ cho"? TQ có biết ông Cuttini là ai và làm gì ở vườn bách thú ấy không? Để dịch, không phải chỉ hiểu những chữ cái là đã đủ, mà phải chịu khó tra cứu những thông tin cần thiết để làm sáng tỏ câu văn, thưa ông. Ôi, ông TQ lại dịch lòng thòng nữa rồi: "không có chuồng không có những chắn song"!}

LDK: Ngoài những con cọp bằng hình và bằng chữ, tôi cũng đã đến thăm một con cọp khác, nhờ ông bạn Cuttini của chúng tôi dẫn lối, trong một vườn bách thú lạ lùng gọi là Thế Giới Loài Thú và không có chuồng nhốt thú. {Ghi chú: Tôi vào thư viện thành phố London để tìm hiểu ông Cuttini là ai và vườn bách thú lạ lùng này ở đâu, thì mới biết rằng Borges nói đến vườn bách thú ở phía đông Buenos Aires, do Jorge Cuttini sáng lập năm 1980. Vườn bách thú này không có chuồng thú. Khách tham quan được Cuttini và các nhân viên dẫn theo những lối đi ngoằn ngoèo được thiết kế đặc biệt để tiện cho việc xem thú. Năm 1987, vườn bách thú này dời đến Ezeiza, sau khi một phụ nữ bị voi dậm chết. Năm 1988, vườn bị đóng cửa, vì một cậu bé bị con gấu cắn đứt một cánh tay.}

*

JLB: This last tiger is of flesh and blood.

TQ: Mãnh cọp cuối cùng này là cọp bằng xương bằng thịt, cọp máu me gân cốt. {Lại thêm thắt lòng thòng nữa rồi!}

LDK: Con cọp cuối cùng này thì bằng xương bằng thịt.

*

JLB: With evident and terrified happiness I neared this tiger, whose tongue licked my face, whose indifferent or affectionate mitt lingered on my head, and which, unlike its precursors, possessed smell and weight.

TQ: Chứng thực cho niềm hân hoan kinh hồn hoảng vía, tôi đã bước tới với cọp này. Lưỡi nó liếm lấy mặt tôi và những móng của nó lúc hững hờ khi mơn trớn đã ghé lại trên đầu tôi mà ngự. Khác với những cọp trước, cọp này có mùi và trọng lượng. {Chữ "evident" là tính từ, chứ đâu phải là động từ mà TQ dịch là "chứng thực cho..."? Lại dịch liều nữa rồi!}

LDK: Với niềm sung sướng hiển nhiên và rùng rợn, tôi đến gần con cọp này, lưỡi nó liếm mặt tôi, bàn tay vừa lãnh đạm vừa trìu mến của nó nấn ná trên đầu tôi, và, khác với những con cọp trước đây, nó có mùi và sức nặng.

*

JLB: I will not say this tiger that amazed me is more real than the others, since an oak is not more real than the shapes of a dream, but I would like to thank here our friend, this tiger of flesh and blood my senses perceived that morning and whose image comes back as those tigers come back in books.

TQ: Tôi không dám đồ quyết cọp này, cọp mà làm tôi táng đởm kinh hồn, thì thực hơn là những cọp khác, bởi vì một thân sồi thì không thực hơn những ảnh hình thể dạng trong một giấc mộng. Nhưng tôi muốn cảm ơn bạn Cuttini của chúng ta, cọp bằng xương thịt máu me mà cảm quan tôi cảm thấy một buổi sớm ngày, hình ảnh của nó đang trở về với tôi lúc này đây như những cọp trong sách vở. {Tôi xin miễn bàn đoạn này vì e quá dài dòng. Mời ông TQ và bạn đọc xem lại những chỗ tôi gạch dưới để thấy lối dịch khập khiễng và thứ tiếng Việt lòng thòng, ngọng nghịu của ông quả là xuyên suốt từ đầu đến cuối.}

LDK: Tôi không muốn nói con cọp làm tôi khoái trá sững sờ này thì thật hơn những con cọp trước kia, vì một cây sồi thì không thật hơn những hình dạng trong một giấc chiêm bao, nhưng ở đây tôi muốn cảm ơn người bạn của chúng ta, con cọp bằng xương bằng thịt mà sáng hôm ấy các giác quan của tôi đã cảm nhận, và hình ảnh của nó trở về với tôi như những con cọp trong sách trở về.

*


Kết luận:

Để tự biện hộ cho lối dịch "rap" vô vị và cẩu thả của mình, ông Thường Quán đã nhiều lần trưng dẫn lối dịch phóng khoáng, thơ mộng của nhà thơ Bùi Giáng như một tiêu chuẩn mà ông đang noi theo và tiếp nối. Tôi không ngần ngại cho rằng ông Thường Quán càng trưng dẫn Bùi Giáng chừng nào, thì càng xúc phạm đến nhà thơ quá cố của chúng ta chừng ấy. Tiếng Việt của Bùi Giáng là tiếng Việt của một bậc thầy, xin ông Thường Quán chớ đem ra để so sánh với thứ tiếng Việt khập khiễng, ngọng nghịu của ông. Một dịch giả văn học chỉ có thể đem đến lợi ích cho văn học và ngôn ngữ nếu anh ta chịu phục thiện để tiến bộ. Nếu không, anh ta chỉ tiếp tục làm những việc vô bổ và thậm chí tai hại. Bản dịch "Mãnh cọp cuối cùng của tôi" của ông Thường Quán là sự phản bội trắng trợn đối với văn phong sắc sảo và cao nhã của Borges. Hơn thế nữa, đó là cuộc triển lãm lộng lẫy của một thứ tiếng Việt ngọng nghịu khiến người Việt phải xấu hổ.

© 2003 talawas