trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
15.12.2007
Lê Tuấn Huy
Hoàng Sa và Trường Sa - Trí thức lớn, các vị đang ở đâu?
 
1.

Ngày 09.12.2007. Buổi sáng, hai cuộc biểu tình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phản đối Trung Quốc hợp thức hóa chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Buổi tối, 10.01h, Thông tấn xã Việt Nam phát phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Ngay ở đoạn đầu của bản tin: Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc sáng 9/12, một số người đã tụ tập trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng khẳng định: “Đây là việc làm tự phát chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam. Khi các vụ việc trên xảy ra, các lực lượng bảo vệ của Việt Nam đã kịp thời có mặt, giải thích và yêu cầu bà con chấm dứt việc làm này”.

Ngày 11.12.2007, ý kiến của phía Trung Quốc được đưa ra từ Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao. Đoạn sau: Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại Việt Nam. Diễn biến đó sẽ gây phương hại cho quan hệ thân thiện giữa Trung quốc và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ có thái độ trách nhiệm cùng với những biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng này phát triển thêm, ngăn chặn việc các quan hệ song phương đang bị gây phương hại.

Chỉ cần một cái nhìn “tầm thường” nhất cũng có thể thấy ngay từ hai phát biểu này, rằng:
  • Phía Việt Nam cho thấy tính vô can của chính quyền trong sự việc và bày tỏ thái độ chính thức là “bà con chấm dứt việc làm này”.
  • Trung Quốc “yêu cầu” Việt Nam không để tái diễn việc biểu tình chống họ, ngược lại sẽ là vô trách nhiệm và có hậu quả xấu đến “các quan hệ” (kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao…).
  • Trong khi Việt Nam vội vã, lời lẽ nặng tính phân trần, và không hề có ý gì - dù chỉ bóng gió - về những hệ quả do hành động mà Trung Quốc khơi mào, thì phía Trung Quốc từ từ nhưng đỉnh đạc đi thẳng vào vấn đề với thái độ bề trên.
  • Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là vi hiến và gây… tức cười. Phát biểu từ người của phía Trung Quốc là “can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nước khác” và gây tức giận [1] .

2.

Cho dù lịch sử đương đại với những vết nhơ không thể gột rửa được của Cách mạng Văn hóa và Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc vẫn là một trong những chiếc nôi của nền văn minh, lịch sử văn hóa và tri thức của họ để lại dấu ấn khắp nơi trên thế giới, đáng để chúng ta tiếp thu như một phần tinh hoa của loài người. Việc bứt phá ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô để tiến hành cải cách rất sớm tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là điều đáng tôn vinh. Thành tựu vượt bậc của họ, đến độ gây choáng cho thế giới, là điều thật sự đáng ngưỡng mộ và học tập…

Với Việt Nam, cho dù có bị đô hộ 1.000 năm, cho dù có chuyện “tập đoàn Trung Nam Hải” đã nuôi dưỡng “bè lũ Pol Pot, Ieng Sary” gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977 và trực tiếp xua quân tràn sang Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 [2] , cho dù có sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988…, thì chung sống hòa bình và thân thiện với người bạn phía bắc vẫn luôn là một nguyện vọng.

Vào thời điểm Trung Quốc nổ súng chiếm một phần Trường Sa, giới quan sát cho rằng với hệ thống sân bay dọc suốt tuyến duyên hải được xây dựng từ chế độ cũ, hơn Trung Quốc cả về hậu cần lẫn lực lượng tại chỗ, không quân Việt Nam khó mà không có trận tập kích để lấy lại lãnh thổ vì nếu không, không những mất hẳn đảo mà còn chịu một lưỡi dao dài (từ Hoàng Sa đến Trường Sa) kê sát ngay bên sườn phía đông. Trận đánh đó đã không xảy ra.

Với ưu thế (có thể là giả định) như vậy, còn hiện diện cả Liên Xô và phe Đông Âu, nhưng giải pháp “ngoại giao” đã được lãnh đạo Việt Nam chọn lựa, thì nay, sau gần hai mươi năm, khoảng cách sức mạnh về mọi mặt giữa hai quốc gia đã nới rộng ra rất nhiều, ngoại giao - điều mà cả hai nước luôn nói đến, nếu có xảy ra tranh chấp - đương nhiên là phương cách đúng đắn!

Có lẽ chúng ta nghe đến thuộc những câu từ đại loại như: hai bên tăng cường đối thoại và đàm phán để tìm giải pháp “mà các bên đều có thể chấp nhận được”… Điều này cũng chính xác.

Thế nhưng vấn đề không phải là câu chữ ngoại giao mà là chiến lược ngoại giao và hiệu quả ngoại giao. Hiệu quả ra sao sẽ cho thấy chiến lược đó thực chất như thế nào.


3.

Trên biển, tôi cũng đồng ý rằng Việt Nam đã hoàn toàn phá sản trong chiến lược sử dụng ASEAN như một đối trọng kiềm chế Trung Quốc. Quy tắc Ứng xử biển Đông (2002) mà Trung Quốc là một bên tham gia, từng được tôn vinh như một trong những thành quả quan trọng nhất của đường lối đối ngoại Việt Nam sau bao năm kiên trì vận động, đã nhanh chóng đi đến chỗ vô hiệu.

Động thái chuyển hướng gần đây của Việt Nam nhằm tìm một đối trọng mới với Trung Quốc - đương nhiên không thể ai khác ngoài Hoa Kỳ - cũng chưa hề mang lại kết quả. Thậm chí, việc ngập ngừng hay cản trở nào đó trong quan hệ này, việc chưa lường hết vị thế của mình và của người, đang tiếp tục tạo những lỗ hổng hết sức nguy hiểm. Trong bối cảnh này, một mặt Việt Nam đang tạo điều kiện cho người khác và cho bản thân trong việc mê hoặc… chính mình về một sự phù hợp nào đó của đường lối nửa vời này, khi Bắc Kinh sẵn sàng cực kỳ thân thiện để Việt Nam an tâm mà không thân thiện hơn nữa với Hoa Kỳ. Mặt khác, nó cũng trao cho người bạn phương Bắc cơ hội để chớp lấy tức thì bất kỳ thời cơ khả dĩ nào cho những hành động mới trên biển. Chỉ một thời gian ngắn vừa qua thôi, ta đã thấy rõ rằng vào lúc cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều nói nhiều đến quan hệ chiến lược thì cũng lập tức quan hệ Việt - Trung trở nên hết sức nồng ấm, sóng yên biển lặng cho dù có thể nói qua nói lại (nhưng hoàn toàn dừng lại ở nói). Khi Việt Nam và Hoa Kỳ lạnh nhạt nhau - có lẽ đã gần đến mức thấp nhất kể từ khi các quan hệ mới được hai bên chú trọng - vì chuyện dân chủ và nhân quyền, thì cũng là lúc Trung Quốc liên tiếp tung ra những động thái leo thang mới: tập trận lớn tại Hoàng Sa bằng hạm đội mạnh nhất của họ, cơ quan hành chính cao nhất ra quyết định hợp thức hoá chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Liên minh quân sự với Hoa Kỳ để đối lập lại Trung Quốc là điều sai lầm, nhưng tiếp tục bài Hoa Kỳ về mặt lịch sử và văn hóa chính trị, đồng thời che giấu sự thật trong lịch sử đương đại của quan hệ Việt - Trung và tôn vinh văn hóa Khổng-cộng [3] (dưới danh nghĩa giá trị châu Á) thì lại càng sai lầm hơn.

Vả chăng thì Việt Nam cũng không hề có đường lối liên minh với bất kỳ ai chống Trung Quốc, mà khả dĩ chỉ muốn có một đối trọng. Nhưng chủ trương nước đôi, một mặt muốn có một đồng minh - hiểu theo nghĩa “mềm” nhất - có thể làm lá chắn phòng vệ (dù có thể là từ xa) cả trên bình diện quân sự và ngoại giao; mặt khác lại dùng ngay chính đối tượng cần phải phòng bị đó như một đồng minh thể chế, làm lá chắn chính trị và tư tưởng chống lại - giá như cũng chỉ “mềm” nhất - chính cái lá chắn quân sự và ngoại giao đó; đã khiến chiến lược này cũng trở nên bất khả thi.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà đại diện hải quân và thủy quân lục chiến của Mỹ tại Hà Nội Robert Lucius nói trước chuyến thăm đến Việt Nam của Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (12 - 13.12.2007), rằng Mỹ đã có đủ cơ sở trong vùng nên không có nhu cầu sử dụng cảng Cam Ranh, và “nguyên trạng” hiện nay trong vùng về hải quân phù hợp với tất cả các bên, đồng thời không bên nào có ý định thay đổi điều này.

Tất nhiên, ta hiểu rằng phát biểu này có thể chỉ là một chỉ dấu công khai để Việt Nam nhận thức lại vị thế thực của mình, nhưng xin mạn phép được nói ngoài lề, với một giả định hoàn toàn bất khả, là nếu tôi là người làm chiến lược tại Bắc Kinh, ngay sau “đèn xanh” vừa rồi bật lên, các động thái quân sự mới sẽ được triển khai tức thì! Cũng xin nói ngoài lề một ý nữa, phát biểu này chưa hẳn là sự thật 100% nhưng sự tự tin đó của người Mỹ là có cơ sở. Không kể những đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, xin các nhà chiến lược Việt Nam lưu ý rằng ngay chính tại Trường Sa đã có sự hiện diện không nhẹ ký của Đài Loan. Và chắc rằng chính quyền của vùng lãnh thổ này sẽ không từ chối yêu cầu liên minh quân sự - nếu có - từ phía đối tác vẫn bảo vệ cho họ nơi đường ranh mỏng manh của eo biển Đài Loan.

Như đã nói, không thể chủ trương nghiêng hẳn về Hoa Kỳ chống Trung Quốc, nhưng chiến lược đối trọng theo kiểu hiện nay, với việc triển khai đầy tính thiên vị cho một bên và thù nghịch cho bên kia về mặt văn hóa chính trị đã, đang và sẽ khiến đất nước này tiếp tục phải trả giá.

Xin phép đưa một so sánh cực kỳ thô thiển thôi. Cả đế quốc Pháp và Mỹ hơn trăm năm thi hành chính sách thực dân cũ và mới trên đất Việt Nam nhưng giờ đây họ có lấy đi được mẩu nào lãnh thổ của ta hay không, hay chỉ có người anh em ở phương Bắc, bằng những cuộc tấn công chớp nhoáng mà tổng thời lượng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với hai đế quốc kia, thì đã lấn đất tại phía Bắc, chiếm trọn Hoàng Sa, một phần Trường Sa, và nắn lại thềm lục địa? Đáng phải có thái độ thù ghét người Mỹ vì di chứng của chất độc da cam ư? Điều này người Mỹ phải có trách nhiệm, nhưng có ai đã từng tự hỏi di chứng của cuộc chiến Tây Nam và Campuchia mà Trung Quốc là một đồng tác giả, và cả chiến tranh biên giới phía Bắc chưa? Bao nhiêu người Việt đã mất “giò” tại biên giới và trên đất Campuchia vì mìn, và hệ quả kinh tế, xã hội của việc này đến đâu, và có hay không hệ quả của việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến phía Bắc từ phía Trung Quốc mà thời đó phía Việt Nam có nói đến? Đó là còn chưa kể di chứng thù hằn dân tộc đã gia tăng rất nhiều từ phía người Campuchia dành cho người Việt, sau cuộc đưa quân chẳng đặng đừng vào xứ này để triệt hạ chính quyền diệt chủng do Bắc Kinh đỡ đầu.

Nếu chúng ta đặt sang một bên quá khứ và hướng tới tương lai - điều hoàn toàn đúng - thì hãy nên cư xử một cách bình đẳng với tất cả các đối tượng lịch sử. Chớ nên vô tình hay cố ý biến thành kiến ý thức hệ trong hành xử với lịch sử - một tư duy hoàn toàn lỗi thời - quay ngược lại thành vũ khí trang bị cho một phía và làm rào cản ngăn chặn một phía khác, trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.


4.

Đã có quá nhiều thông tin được đưa ra từ nhiều nguồn về những hiệp định biên giới trên bộ và trên biển gây thiệt thòi cho Việt Nam, bất chấp cả sự hiển nhiên của thực địa lịch sử. Giả định đã có sự thiệt hại đó lãnh thổ, thì với vị thế yếu kém và hoàn toàn bơ vơ trong một thế giới của sức mạnh và các liên minh, người dân Việt, khi bị đặt vào thế đã rồi, hẳn cũng có thể tạm chấp nhận điều đó, nhưng thiết nghĩ chỉ với điều kiện sự thiệt hại này không thể cứ tiếp diễn và tiếp diễn…

Cả hai nước đều thống nhất cư xử ngoại giao đối với các tranh chấp lãnh thổ, nhưng trong khi Việt Nam áp dụng đường lối “ngoại giao người phát ngôn” đầy thụ động và bất lực, đi sau các sự kiện [4] , thì Trung Quốc lại dùng chính sách “ngoại giao nổ súng” và “ngoại giao hành động”, chủ động tạo sự kiện một cách đầy uy lực, để rồi sau đó cả hai cùng đi đến những giải pháp “chấp nhận được”. Ai cũng đã rõ sự thành công của chiến lược “vết dầu loang”, và như vậy “chấp nhận được” ở đây đã gần như đồng nghĩa với việc hợp thức hóa về mặt ngoại giao cho một bước đi về lãnh thổ của Trung Quốc, vì từ trước đến nay ta chưa từng được chứng kiến một hành động lấn tới nào đó của Trung Quốc được chỉnh lý lùi về lại như ban đầu.

Với việc Trung Quốc liên tiếp có những động thái mạnh mẽ và dứt khoát, trong điều kiện vị thế riêng của hai nước như hiện nay, cùng với những hệ quả về lãnh thổ cho đến lúc này, chiến lược ngoại giao nào và hiệu quả của nó ra sao là điều đặt ra gay gắt đối với lãnh đạo Việt Nam từ phía người dân, từ chính bên trong nội bộ những người có trách nhiệm.

Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không thể mãi cứ khẳng định chung chung về việc dùng ngoại giao làm phương cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mà đã đến lúc cần có sự minh định rõ ràng bằng những luận điểm, luận cứ và luận chứng cho một chiến lược cụ thể.

Chiến lược ngoại giao nào trong tương quan giữa các thế lực trên biển Đông và bàn cờ địa-chính trị; mặt mạnh và yếu của chiến lược đó trong tương quan với những chiến lược khả dĩ thay thế khác; hiện trạng lãnh thổ theo các hiệp định và phân định đã có với Trung Quốc; chiến lược biển mà Hội nghị Trung ương 4 đưa ra có bao hàm vấn đề chính trị và quân sự không, có như thế nào và triển khai ra sao; chính sách ngoại và đàm phán là đúng nhưng có phải là duy nhất đúng không, hay cần phải kiên trì ngoại giao nhưng sẵn sàng có thái độ cứng rắn hơn khi cần thiết [5] , nếu không thì vì sao không thể sẵn sàng… Và bao trùm lên hết, là chiến lược như hiện nay có phải là đúng hoặc hoàn toàn đúng không, có cần chuyển hướng chiến lược không, và nếu có thì chuyển hay thay đổi những mặt nào đó như thế nào. Đó là những điều nằm trong số các vấn đề cần có câu trả lời hợp lý lẽ và mang tính thực tiễn, trong quan hệ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.


5.

Trong việc luận chứng cho một chiến lược như vậy, đến nay, trí thức Việt Nam trong và ngoài nước chỉ có thể đóng vai trò hoặc là tán tụng “đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng ta” hoặc là những ý kiến “bên lề”, mà không có tác dụng trước sự “nhất quán” đã có.

Thực tế thì việc Trung Quốc có tập trận tại Hoàng Sa hay phần đảo mà họ đã chiếm tại Trường Sa, việc họ có “giao” hai quần đảo này cho Quảng Đông hay Hải Nam cũng không làm thay đổi hiện trạng lúc này. Nhưng vấn đề là các nhà chiến lược Trung Quốc không thể làm những việc thừa, chúng có thể là những bước đệm cho những động thái nào đó tiếp theo, là những gì sẽ phụ thuộc không ít vào phản ứng của Việt Nam cũng như bối cảnh bên trong và bên ngoài Việt Nam. Do vậy, trí thức Việt Nam không thể cứ đứng mãi bên ngoài vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Họ, cũng nhhư toàn dân, phải được - và phải chủ động - tham gia vào tiến trình đưa ra quyết định.

Người dân, học sinh, sinh viên Việt Nam đã phần nào nói lên nhu cầu đó và thể hiện nó trong hai cuộc biểu tình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi. Vậy còn các trí thức lớn của đất nước, các vị còn đang ở đâu?

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến các nhà “trí thức lớn”, những người mà tiếng tăm và danh vọng đã khiến mỗi lời nói ra là chuẩn mực kiến thức, suy nghĩ và hành động cho nhiều người và cho giới trẻ, những người mà nếu chịu lên tiếng sẽ có tác động lớn đến dư luận và có thể với cả chính quyền. Tôi hoàn toàn không thể, không dám và không có quyền ám chỉ cụ thể đến những ai, chỉ muốn nói rằng nếu bộ phận những người được xem là tinh hoa của tinh hoa ấy cứ mãi chỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hay các sân khấu tri thức với những đề tài dễ chịu và né tránh những vấn đề gai góc nhất, hoặc dành cho mình vai trò im lặng của một bổn phận “cao cả” hơn và đứng sau cánh gà “gà” cho đám “ngựa non háu đá”, thì có lẽ sẽ đến lúc tác dụng đánh bóng tên tuổi lấn át tác dụng tác động cho tiến bộ xã hội.

Có thể ta sẽ cảm thấy yên ổn hơn nếu nghĩ rằng sau những ồn ào hiện nay rồi đâu cũng sẽ vào đấy, Hoàng Sa và một phần Trường Sa đã là của Trung Quốc, dù có sôi sục đến đâu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cần có sự tỉnh táo để nhận định rằng chiều sâu của nó là vấn đề chiến lược đối ngoại và ngoại giao trên thực tế chứ không phải chỉ là việc bày tỏ cảm xúc yêu nước, dù việc bày tỏ đó hoàn toàn là chính đáng và hoàn toàn có quyền.

Người trí thức Việt Nam nói chung và giới “trí thức lớn” nói riêng có dám tạo một áp lực tri thức lên giới lãnh đạo trong vấn đề này không, bằng cách chính thức và công khai đặt vấn đề về chiến lược đối ngoại và lãnh thổ?

Đây đó vẫn có những bài viết này, thư ngỏ nọ nhưng nào có hiệu quả gì đáng kể nếu người trí thức không biết dùng đến sức mạnh xã hội, sức mạnh tập thể của mình! Hết kiến nghị online này đến thỉnh nguyện thư nọ trên mạng, với cả ngàn, chục ngàn người ký cũng không có hiệu quả và hiệu ứng xã hội bằng chỉ khoảng 50 - 100 người (con số ước chừng tối thiểu nhất) cùng tuần hành bằng chân (không bằng việc lướt net), do các nhà trí thức có tên tuổi trên mọi lĩnh vực dẫn đầu, đến Văn phòng Trung ương Đảng hay Quốc hội, trao tận tay các vị ở đây một kiến nghị có các chữ ký bằng bút (không bằng chuột vi tính) về những vấn đề liên quan.

Ngay trên talawas này - diễn đàn đã khẳng định là uy tín nhất của giới trí thức Việt trong và ngoài nước, nơi mà ai nói ra cũng tâm huyết với nước nhà - liệu có tập hợp được 50 - 100 vị tên tuổi lớn sẵn sàng làm việc này? [6] .

Hỡi các “trí thức lớn”, các vị đang ở đâu? Nếu đến lúc này mà các vị vẫn còn im tiếng, chiến lược đối ngoại chung và đối ngoại trên biển không được điều chỉnh thích hợp, thì với việc đối đáp giữa hai người phát ngôn bộ ngoại giao như đã thấy, tôi (và có lẽ rất nhiều người khác) tin rằng viễn cảnh của một nước “thực dân cộng sản” ở phương Bắc và một chư hầu ở phía Nam sẽ không là điều tưởng tượng trong tương lai.

© 2007 talawas




[1]Chúng ta đợi xem Trung Quốc sẽ lên tiếng phản đối như thế nào với Mỹ, Pháp…, hay bất cứ nước nào khác mà công dân gốc Việt tiến hành biểu tình chống lại họ.
[2]Những diễn đạt kiểu như thế là chính từ ngữ mà phía Việt Nam dùng vào thời đó.
[3]Từ này nghe có vẻ hơi chói tai nhưng đó chỉ là diễn đạt ngắn gọn của hàm ý về một thể phức hợp giữa Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản.
[4]Ngay mới đây thôi, cũng phải đợi đến khi Trung Quốc tập trận xong ở Hoàng Sa (16 - 23.11.2007) thì Người phát ngôn Bộ ngoại giao mới lên tiếng. Dễ hiểu là nếu lên tiếng trong thời gian họ còn tập trận thì càng chứng tỏ sự bất lực vì không thể có bất kỳ một biện pháp hay hành động thực tế nào có thể tác động vào sự kiện.
[5]Có câu “yếu nhưng không hèn”, vậy ta “yếu” nhưng có chấp nhận gắn nó với “hèn”? Trong chính trị, nhiều khi hèn không phải là hèn, nhưng vấn đề là có đáng hèn hay không, và bối cảnh có lối thoát khác mà ta không cần phải hèn hay không?
[6]Xin đừng căn vặn lại rằng tôi nói ra sao không thực hiện trước. Kiến nghị đó cần có thống nhất ý kiến của một tập thể, và bản thân tôi chưa từng bao giờ ảo tưởng rằng “uy tín” của mình đủ để bảo đảm là một tên tuổi lớn (mà thực tế cũng vậy). Nếu tôi một mình đưa ra thỉnh nguyện thư nào đó, không lẽ chữ ký chung với tôi sẽ là nick của các blogger tại blog của tôi, mà tôi biết có lẽ sẽ không ít? Điều giả định đó có hiệu quả không? Xin nói thẳng: đương nhiên là không, vì dù tấm lòng của họ là đáng trân trọng, thì với những cái nick đặt vào “ký”, tính “chính thống” của một văn bản đã mất đi ngay từ đầu rồi.