trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
17.12.2007
Đinh Bá Anh
Hơn 1000 người biểu tình ở Hà Nội
(Tường thuật từ Hà Nội)
 

Hà Nội, Chủ nhật 16.12.2007, 9h10’. Đường Hoàng Diệu, đoạn có Đại sứ quán Trung Quốc, bị chặn hai đầu. Lực lượng công an bao gồm công an áo xanh, cảnh sát cơ động áo đen và cảnh sát chìm mặc thường phục rất đông. Họ đứng chặn từ các ngã tư Nguyễn Thái Học – Cao Bá Quát, Nguyễn Thái Học – Văn Miếu và ngăn những người biểu tình từ xa. Khi nhóm chúng tôi đến gần ngã tư Hoàng Diệu - Trần Phú, một anh cảnh sát băng qua ngã tư và chặn lại, hỏi: “Các anh đi đâu?”. Một người nói: “Chúng tôi đi biểu tình”. Anh cảnh sát nói: “Chúng tôi biết các bạn rất bức xúc, nhưng các bạn hãy về đi. Việc này Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đàm phán ôn hòa.” Một người nói: “Chúng tôi nghe nhiều rồi. Chúng tôi cần sự minh bạch!”. Anh cảnh sát nói: “Các bạn về đi. Thông cảm cho chúng tôi.” Ngôn từ của người cảnh sát nói chung là nhã nhặn.

Lúc này tôi nhìn quanh thì chỉ thấy mấy đám nhỏ lẻ. Bên kia đường, mấy bạn sinh viên cố giương cao một tấm biểu ngữ nhưng cứ mỗi lần muốn giương lên lại bị cảnh sát quây lại. Giằng co như thế khoảng 10 phút.

Không đi tiếp được, nhóm chúng tôi quay lại. Đang đi thì gặp một người bạn. Anh ta nói: “Biểu tình tan rồi. Bị quây khiếp quá. Tất cả các nhóm bị xé lẻ hết.”

Một người nói: “Phải tập hợp lại! Các nhóm kia đâu hết rồi?”

Đang lúc không biết phải làm gì, chúng tôi chợt nghe tiếng hô vang từ ngã tư Văn Miếu - Nguyễn Thái Học: “Việt Nam! Việt Nam!”, “Hoàng Sa! Trường Sa!”. Chúng tôi vội băng qua đường và nhập vào đoàn biểu tình. Hóa ra các nhóm đã kịp tập hợp lại ở góc kia Văn Miếu, đoạn ngã tư Cát Linh – Tôn Đức Thắng.



Xem chùm ảnh về cuộc biểu tình ngày 16.12.2007 tại Hà Nội » (ảnh: Đinh Bá Anh)

Lúc ấy là khoảng 9h40 phút. Đoàn biểu tình tập hợp lại khoảng 400 - 500 người, bắt đầu cuộc diễu hành xung quanh Văn Miếu. Những người biểu tình mang cờ và các biểu ngữ phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và cảnh báo về nguy cơ bành trướng của Trung Quốc. Bên cạnh những biểu ngữ tiếng Việt, nhiều biểu ngữ được viết bằng tiếng Anh: “Hoang Sa, Truong Sa belong to Vietnam!”, “China hegemony jeopardizes Asia!”. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt bằng chữ Hán được in trên hàng chục tấm biểu ngữ hình chữ nhật hai mặt (mặt kia là hình các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bồng súng). Nhiều người còn ghi nguyên cả câu “Việc chính phủ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền làm quan hại đến quan hệ hữu hảo giữa hai nước Việt – Trung” lên biểu ngữ, hẳn lại nhại lại tuyên bố của ông Tần Cương.

Khi đi ngược lên ngã tư Văn Miếu – Cát Linh, đoàn biểu tình đã lên đến khoảng 700-800 người. Không khí biểu tình có thể nói là hòa bình. Những người biểu tình nhắc nhau đi lên vỉa hè để không gây ách tắc giao thông. Cảnh sát khoảng 100 người mặc quân phục luôn đi sát đoàn biểu tình (lực lượng cảnh sát chìm đi lẫn vào đoàn biểu tình là bao nhiêu thì không rõ). Gần như không có xô xát hoặc lời qua tiếng lại gay gắt giữa hai bên. Một số người biểu tình trèo lên tường Văn Miếu để vẫy cờ và hô khẩu hiệu. Lập tức cảnh sát can thiệp.

Hàng trăm người trong đoàn biểu tình mang theo máy ảnh, camera. Tôi có nhìn thấy một số phóng viên nước ngoài. Họ thường chạy lên trước đoàn biểu tình để chụp ảnh.

10h30’. Đoàn biểu tình đã lên đến hơn 1000 người đi vào đường Cát Linh. Nhiều người dân ở hai bên phố cũng nhập vào đoàn biểu tình. Tôi chứng kiến một bác đang đi xe máy dừng lại hỏi một cô sinh viên: “Chuyện gì thế?”. Cô sinh viên nói: “Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa rồi bác ơi. Mất đất rồi!”. Không rõ là vì hiếu kì hay bị lời nói của cô gái gây tác động, tôi thấy bác cho xe đi chậm lại cùng đoàn biểu tình. Nhiều người đi xe máy cũng dừng lại. Giao thông tắc nghẽn một đoạn dài. Tôi nhìn kĩ thì thấy rằng đoàn biểu tình không chỉ có thanh niên. Nhiều người đứng tuổi. Một số người còn dắt theo trẻ em.

Khoảng 10h50, đoàn biểu tình đi đến đường Giảng Võ. Lúc này là cao trào. Đoàn biểu tình hát vang những bài ca cách mạng: “Tiến quân ca”, “Lên đàng”, “Nối vòng tay lớn”, “Dậy mà đi”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…

Lúc này cảnh sát đã được tăng cường. Khi tôi tách ra khỏi đám đông thì thấy, không biết từ bao giờ, hàng trăm cảnh sát 113 mặc quân phục áo đen cầm dùi cui đi bọc sát đoàn biểu tình. Tôi cảm thấy là họ sắp can thiệp mạnh hơn.

Đoàn biểu tình nhắc nhau giữ trật tự, không gây xô xát. Tuy nhiên, không khí căng lên hẳn. Nhiều người giơ camera chụp cảnh sát.

Đoàn biểu tình tiếp tục đi. Lực lượng 113 càng ngày càng đông hơn. Họ bắt đầu lặng lẽ tách đoàn biểu tình thành từng nhóm, bằng cách ngắt dần từng người lẻ một. Tôi vội đi vào giữa đoàn để không bị ngắt.

Đến ngã ba rẽ vào Khu tập thể Giảng Võ, một nhóm biểu tình vượt qua đường định đi tiếp về hướng Đại sứ quán Mỹ, một nhóm khác bị lực lượng 113 dày đặc chắn thành bức tường, ép rẽ. Chen lấn, xô đẩy. Đoàn biểu tình vỡ làm hai nhóm.

Nhóm vượt qua đường bị cảnh sát xé nhỏ, gần như lập tức tan rã. Nhóm rẽ đi tiếp một đoạn đến Hồ Giảng Võ, trước toà nhà Ngân hàng Nam Á thì bị chặn lại. Tôi nghe có tiếng ra lệnh: “Chia nhỏ ra! Thu hết các khẩu hiệu đi!”.

Những người biểu tình bị lực lượng cảnh sát dày đặc sáp lại giật các biểu ngữ. Lời qua tiếng lại, nhưng gần như không có sự kháng cự nào đáng kể.

11h15’. Cuộc biểu tình tan rã. Nhiều người biểu tình hô to: “Chủ nhật tuần sau!”

Sau cuộc biểu tình, nhiều người còn tụ lại thành từng nhóm bàn tán. Tôi nghe nói, còn có một nhóm 200-300 người biểu tình khác bị chặn ở phía các phố Phan Đình Phùng, Trần Phú. Nhóm này sau đó diễu hành quanh các phố Đinh Tiền Hoàng, Lý Thái Tổ, nhưng cũng sớm bị giải tán.

Tôi cũng nghe nói có vài người bị cảnh sát bắt đưa lên xe.


© 2007 talawas