trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Vốn xã há»™i
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
18.12.2007
Nguyễn Hoàng Văn
Thế là tiên sinh tại đào!
 
Nhà thơ Bùi Minh Quốc làm tôi nhớ đến đoạn kết ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn một câu, trong câu chuyện xưa của người Trung Quốc.

Đại khái vua Tề thích nghe thổi sáo, tuyển vào cung điện ban nhạc hàng trăm người và “tiên sinh” nọ, tuy chẳng biết thổi sáo, đã bằng cách nào đó lọt vào ban nhạc hoàng cung để rồi ngày ngày bộ tịch chu môi phùng má bên cây sáo kiếm cơm. Nhưng ngày kia vua Tề bất chợt nổi hứng, muốn nghe tiếng sáo của từng người nên tiên sinh hết đường xoay xở và, tới đây, câu chuyện kết thúc:

Thế là tiên sinh tại đào!

Nhà thơ Bùi Minh Quốc thắc mắc tại sao ông Hữu Thỉnh và các nhà văn do ông quản lý vẫn chưa lên tiếng trong vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa.

Hẳn nhà thơ Bùi Minh Quốc còn nhớ Hội Nhà văn của cái thời sôi nổi năm 1999 khi khối NATO oanh tạc Belgrad để buộc Serbia phải rút quân ra khỏi Kosovo. Lúc đó, dưới sự chỉ huy của cây sáo trưởng Ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, hội phản đối rất nhịp nhàng, rất bài bản lớp lang và rất quyết liệt, quyết liệt đến độ có nhiều hội viên đòi thành lập đoàn chí nguyện quân cho họ góp máu với Serbia. Trong số đó, “tiên sinh” thổi hăng nhất, tôi nhớ không lầm, là nhà thơ Nguyễn Duy.

Hôm nay thì khác. Bản hợp xướng “Hướng về Hoàng Sa – Trường Sa” không dấy lên từ những cây sáo trưởng ở những ban bệ thiên đình mà từ những nhà thơ, nhà văn, những nhà báo tự do đơn độc “ở ngoài xã hội”. [1]

Yêu nhân loại theo chỉ thị của hệ thống chính trị cầm quyền khác với yêu nước bằng trái tim đơn độc của mình nên, tới đây, có thể mượn đoạn kết một câu trong chuyện người thổi sáo:

Thế là các tiên sinh tại đào!


*

Ông Lê Tuấn Huy đặt câu hỏi: “Các trí thức lớn đi đâu hết rồi?”.

Chỉ cần lật các tờ báo lớn nhỏ ra, ông Lê Tuấn Huy sẽ thấy rằng hầu như toàn bộ các tên tuổi trí thức lớn – tạm gọi là như thế - đều tất bật lo toan với những chuyện lớn, những “thái bình sách” tân thời. Cứ như là một mốt thời trang, lật bất cứ tờ báo hay tạp chí nào cũng thấy một mục trang trọng để những tên tuổi tiếng tăm nào đó trong giới học thuật hay quản lý thảo luận, phân tích những khái niệm như “nguồn lực xã hội” và những biện pháp cải cách như “xã hội hoá”.

Nghe qua thì tưởng là mới mẻ nhưng, thực chất, đấy chẳng qua là một cách “trưởng giả hoá” hay “học thuật hoá” cái cái khẩu hiệu thực dụng mà ông Võ Văn Kiệt đề xướng trong thập niên 80 đầy tuyệt vọng: “Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương và trung ương cùng làm”.

Nghe qua thì sang thật nhưng, thực chất, điểm cốt yếu của vấn đề, theo tôi, chỉ là đùn đẩy trách nhiệm, là bắt dân gánh vác, đặc biệt là trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Hệ thống chính trị cầm quyền không kham nổi gánh nặng thì phải “xã hội hoá” cái gánh nặng ấy, phải bắt người dân chìa vai gách đỡ. [2]

Từ lâu trí thức Việt Nam đã có tiếng là phò chính thống và, do đó, trọng trách của họ là sang hoá và học thuật hoá những biện pháp tuyệt vọng và bất lực của hệ thống cầm quyền.

Cuộc biểu tình ngày 9.12.2007 ở Hà Nội và Sài Gòn là biểu lộ sinh động nhất của “nguồn lực xã hội”, và nếu hệ thống chính trị cầm quyền đang lúng túng, đang bất lực trước vấn đề chủ quyền lãnh thổ, tại sao nó lại ngoảnh mặt trước “nguồn lực” này?

“Nguồn lực” ấy là ý thức quốc gia, là lòng yêu nước chân thành, xuất phát từ trái tim của mỗi người chứ không đơn giản như một tình cảm nuôi dưỡng theo nghị quyết hay những sản phẩm hàng hoá hay tiền bạc dễ quản lý. Đó là con dao hai lưỡi, có thể dẫn đến những hệ lụy chính trị nguy hại cho sự bền vững của hệ thống chính trị.

Mà khi hệ thống chính trị cầm quyền không muốn chơi dao hai lưỡi thì các “tiên sinh” trí thức biết làm gì hơn? Tới đây, đành phải mượn lại đoạn kết một câu:

Thế là các tiên sinh tại đào!


*

Đã nói thì nên nói cho hết ý và tôi muốn nhắc đến ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc về cô bé bị bắt làm nô lệ ở ngay giữa thủ đô Hà Nội suốt 11 năm trời (Tuổi Trẻ - 9.11.2007).

“... theo tôi, có một khía cạnh thậm chí còn đáng sợ hơn tất cả tội ác cụ thể đã được tiết lộ. Đấy là sự tê liệt hầu như hoàn toàn của cái cộng đồng xã hội ở quanh đó trước tội ác trắng trợn và tày đình kia. Mà là tội ác của ai? Chỉ của một cặp vợ chồng như hai con dã thú, nhơn nhơn sống và “ăn thịt người” ngay giữa Hà Nội! Mọi người xa gần quanh đó đều biết, biết suốt 14 năm, biết khá tường tận, đến tổ dân phố, tổ phụ nữ, và chắc chắn còn bao nhiêu tổ chức được gọi là các tổ chức chính trị trong hệ thống hùng mạnh của chúng ta, có thể cả chính quyền, công an nữa, cũng đều biết. […] Tôi cho rằng đây là một vụ báo động đỏ về lương tâm xã hội, trăm ngàn lần còn nghiêm trọng hơn là chuyện lương tâm của đôi ba con người cụ thể nào đó.”

Tôi đồng ý với những gì nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ nhưng cảm thấy đôi điều lấn cấn, và điều này rất quan trọng. Nhà văn Nguyên Ngọc nhắc đến “các tổ chức chính trị trong hệ thống hùng mạnh của chúng ta”, thế nhưng khi đề cập đến trách nhiệm, ông lại bàn rộng ra “lương tâm xã hội”. [3]

Vậy còn lương tâm của cái “hệ thống chính trị hùng mạnh” ấy thì sao?

Chẳng lẽ hệ thống chính trị ấy không có lương tâm để cho người ta chất vấn?

Vấn đề, tôi nghĩ, cũng là chuyện “tận dụng nguồn lực xã hội”.

Cái hệ thống chính trị ấy không kham nổi sức nặng lương tâm của câu chuyện nên mới “xã hội hoá nó”, bắt người dân gánh vác nó. [4]

Phần “tiên sinh”, nếu có thể gọi chung cái hệ thống chính trị cầm quyền ấy bằng một danh từ như thế, hễ nói đến trách nhiệm thì, vẫn, cứ như là “tiên sinh” thổi sáo:

Thế là tiên sinh tại đào! [5]

© 2007 talawas



[1]Thỉnh thoảng, đọc các báo Công an, Tiền phong v.v... tôi gặp những tin như: “Lê Văn A là nhân viên của Bưu điện Quận 5 nhưng lại câu kết với những đối tượng vô nghề nghiệp ở ngoài xã hội...” Cứ theo lối viết này thì hiện tại xã hội Việt Nam có hai thành phần: những người làm việc trong các cơ quan nhà nước là ở “trong xã hội”, còn lại là sống ở “ngoài xã hội”!
[2]“Tiền đi học không phải chỉ là học phí, lệ phí, mà còn ít nhất là 21 khoản tiền một học sinh trong bậc phổ cập phải đóng thêm cho nhà trường hoặc chi thêm.”
Xem: http://www.baotructuyen.com/C5/A432472/
[3]Bà bí thư phường Nhân Chính, nơi diễn ra vụ “ăn thịt người”, khẳng định rằng hệ thống chính trị của phường từ trên xuống dưới rất “chặt chẽ”.
[4]Quả nhiên, bí thư, chủ tịch phường chỉ bị kiểm điểm, phê bình, chỉ có tổ trưởng dân phố – một chức vụ không lương - bị cách chức. Một biện pháp kỷ luật cực kỳ... “xã hội hoá”.
[5]Mất muà là tại thiên tai / Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta