trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoàiTư tưởngVăn hoá và phát triển
2.6.2003
Thomas Pynchon
Ðường tới 1984
Dương Tường dịch và chú thích
 
Cuốn sách cuối cùng của George Orwell, 1984, cách nào đó, là một nạn nhân của thành công của Trại Súc Vật, mà phần đông ưng đọc như là một truyện ngụ ngôn thẳng thắn về số phận buồn thảm của cách mạng Nga. Ngay khi bộ ria của Anh Cả xuất hiện ở tiết đoạn thứ hai của 1984, nhiều độc giả, do nghĩ ngay đến Stalin, đã có xu hướng bệ luôn sang đây cái thói quen tương suy từng điểm một vốn tập nhiễm từ tác phẩm trước. Mặc dù mặt của Anh Cả chắc chắn là mặt Stalin, cũng như mặt của tên tà đảng Emmanuel Goldstein là mặt Trotsky, cả hai đều không hoàn toàn rập theo mẫu một cách sát sao như Napoléon và Bông Tuyết trong Trại Súc Vật. Ðiều đó không ngăn cuốn sách được tiếp thị ở Mỹ như là một thứ truyền đơn chống cộng. Xuất bản năm 1949, nó rơi vào thời McCarthy, khi mà "chủ nghĩa cộng sản" bị chính thức lên án như là một mối đe doạ thống nhất toàn cầu, và thật hoài công mà đi phân biệt Stalin với Trotsky, khác nào người chăn cừu dạy cừu những sắc thái tinh vi để nhận ra sói vậy.

Chẳng bao lâu sau, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53) cũng làm nổi bật cái lề lối cưỡng chế tư tưởng được cho là của cộng sản qua "tẩy não," nghe nói kỹ thuật này dựa trên công trình của I. P. Pavlov, người đã từng luyện cho chó nhỏ nước miếng đúng lúc có tín hiệu. Việc một cái gì đó rất giống tẩy não xảy ra trong 1984 với nhân vật chính Winston Smith, được mô tả dài dòng với những chi tiết kinh dị, không làm ngạc nhiên những độc giả vốn đã quyết tâm coi cuốn tiểu thuyết này đơn giản là một cáo trạng lên án sự tàn bạo của chế độ Stalin.

Ðó không phải đích xác ý đồ của Orwell. Mặc dầu 1984 đã mang lại trợ giúp và an ủi cho nhiều thế hệ các nhà tư tưởng chống cộng cũng có những vấn đề về phản ứng Pavlov của chính họ, quan điểm chính trị của Orwell không phải chỉ là cánh tả, mà là ở phía tả của cánh tả. Ông đã sang Tây Ban Nha năm 1937 để chiến đấu chống Franco và bè lũ phát-xít được bọn Nazi ủng hộ của y, và ở đó ông đã mau chóng hiểu ra sự khác nhau giữa chủ nghĩa chống phát-xít chân chính và giả mạo. "Cuộc chiến Tây Ban Nha và những sự kiện khác trong thời kỳ 1036-37," mười năm sau ông viết, "có ảnh hưởng quyết định và sau đó tôi biết mình đứng ở chỗ nào. Mỗi một dòng của những tác phẩm nghiêm túc tôi đã viết kể từ năm 1936, đều nhằm trực tiếp hay gián tiếp chống chủ nghĩa cực quyền và vì chủ nghĩa xã hội dân chủ theo quan niệm của tôi."

Orwell tự cho mình là một thành viên của "cánh tả bất đồng" để phân biệt với "cánh tả chính thức," về cơ bản nhằm chỉ Công Ðảng Anh, mà đại bộ phận của nó, ngay từ trước Thế Chiến II, ông đã coi là có khả năng trở thành, nếu không muốn nói là đã trở thành, phát-xít. Một cách ít nhiều có ý thức, ông thấy một sự tương đồng giữa Công Ðảng Anh và Ðảng Cộng Sản do Stalin cầm đầu - ông cảm thấy cả hai đều nói là đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản vì các giai cấp lao động, nhưng trên thực tế, chỉ quan tâm thiết lập và duy trì vĩnh viễn quyền lực của mình. Quần chúng chỉ hiện diện để bị lợi dụng vì đầu óc lý tưởng chủ nghĩa của họ, vì mối hận thù giai cấp của họ, vì họ sẵn sàng làm việc với đồng lương rẻ mạt, sẵn sàng để bị bán đi bán lại.

Những người có khuynh hướng phát-xít - hay chỉ đơn thuần là những người trong chúng ta vẫn rất sẵn sàng biện minh cho mọi hành động của chính phủ - sẽ lập tức chỉ ra rằng đó là lối tư duy trước chiến tranh, rằng khi mà bom địch bắt đầu dội xuống đất nước anh, làm phong cảnh biến đổi và gây thương vong trong bạn bè, xóm giềng của anh, thì cái kiểu nghĩ ấy quả thật trở nên không phù hợp, nếu không muốn nói là có tính chất phá hoại. Khi đất nước lâm nguy, sự lãnh đạo kiên cường và những biện pháp hữu hiệu trở nên thiết yếu, và nếu anh muốn gọi đó là phát-xít thì được lắm, thích gọi thế nào xin cứ việc, chắc chả ai nghe đâu, trừ phi là để các cuộc oanh kích kết thúc và còi báo yên vang lên. Nhưng sự không thích hợp của một lập luận - huống hồ một lời tiên tri - trong sự gay go của một tình trạng khẩn cấp, không nhất thiết khiến nó thành sai. Chắc chắn người ta có thể lập luận rằng Nội các chiến tranh của Churchill đôi khi đã ứng xử chẳng khác gì một chế độ phát-xít, kiểm duyệt tin tức, khống chế tiền lương và giá cả, hạn chế du lịch, xem các quyền tự do dân sự là thứ yếu so với nhu cầu tự đề ra của thời chiến.

Từ những thư và bài của Orwell vào thời kỳ ông viết 1984, có thể thấy rõ một điều: nỗi tuyệt vọng của ông về tình trạng hậu chiến của "chủ nghĩa xã hội." Ðiều mà vào thời Keir Hardie là một cuộc đấu tranh đáng kính trọng chống lại cách ứng xử rành rành là tội ác của chủ nghĩa tư bản đối với những người mà nó sử dụng để kiếm lợi nhuận, thì đến thời Orwell, đã trở nên mang tính thiết chế đáng xấu hổ, được đem ra mua, bán và trong quá nhiều trường hợp chỉ nhằm duy trì địa vị cầm quyền của nó.

Xem ra Orwell đặc biệt khó chịu với thái độ phục tùng chủ nghĩa Stalin có thể thấy phổ biến khắp cánh Tả, bất chấp những bằng chứng không thể chối cãi về bản chất xấu xa của chế độ. "Vì những lý do có phần phức tạp," ông viết hồi tháng 3 năm 1948 khi bắt tay vào sửa bản thảo đầu tiên của 1984, "gần như toàn bộ cánh Tả của Anh đã bị dồn đến chỗ phải chấp nhận chế độ của Nga là "xã hội chủ nghĩa" trong khi âm thầm công nhận rằng về mặt tinh thần cũng như thực hành, nó hoàn toàn xa lạ với bất kỳ ý nghĩa nào của "chủ nghĩa xã hội" ở nước đó. Do đó, nảy ra một cách tư duy theo dạng thần kinh phân lập, trong đó những từ như "dân chủ" có thể mang hai nghĩa không thể dung hoà, và những cái như trại tập trung hay lưu đầy hàng loạt có thể cùng một lúc vừa đúng vừa sai."

Chúng ta công nhận cái "cách tư duy theo dạng thần kinh phân lập" ấy là một nguồn gốc tạo nên một trong những thành tựu lớn của cuốn tiểu thuyết này, một thành tựu đã đi vào ngôn ngữ thường nhật của diễn từ chính trị - nhận dạng và phân tích lối tư-duy-nước-đôi. Như được mô tả trong " Lý Thuyết và Thực Hành của Chủ Nghĩa Tập Thể của Chính Thể Ðầu Sỏ" của Emmanuel Goldstein, một văn bản có tính chất phá hoại nguy hiểm bị cấm ở Oceania và chỉ được gọi là cuốn sách, tư-duy-nước-đôi là một hình thức kỷ luật tinh thần mà mục đích của nó, mọi đảng viên đều tối cần và mong muốn, đó là có thể đồng thời tin ở hai chân lý mâu thuẫn nhau. Ðiều này, dĩ nhiên chẳng có gì mới. Tất cả chúng ta đều làm thế. Trong tâm lý học xã hội, từ lâu điều đó đã được biết đến dưới tên gọi "nghịch nhĩ nhận thức." Có những người khác lại thích gọi là "phân khoảnh." Một số, trong đó có F. Scott Fitzgerald[1] trứ danh, coi đó là bằng chứng của thiên tài. Ðối với Walt Whitman[2] ("Tôi có tự mâu thuẫn không? Tốt lắm, tôi tự mâu thuẫn với mình"), đó nghĩa là rộng lớn và chứa đựng vô vàn, đối với nhà cách ngôn Mỹ Yogi Berra, đó là tới một ngã ba đường và chấp nhận nó, đối với con mèo của Schrödinger[3], đó là nghịch lý lượng tử của trạng thái cùng một lúc vừa sống vừa chết.

Ý tưởng đó dường như đã mang lại cho Orwell song đề của chính mình, một thứ siêu tư-duy-nước-đôi -nó làm ông kinh tởm với tiềm năng tác hại vô hạn độ của nó, đồng thời lại hấp dẫn ông vì nó hứa hẹn một cách vượt lên những đối nghịch - như thể một dạng kỳ dị nào đó của Phật giáo Thiền mà những công án cơ bản là ba khẩu hiệu của đảng "Chiến tranh là Hoà bình," "Tự do là Nô lệ," và "Ngu dốt là Sức mạnh", đang được áp dụng vào những mục đích xấu xa.

Hiện thân mỹ mãn của tư-duy-nuớc-đôi trong cuốn tiểu thuyết là O'Brien, cán bộ của Ðảng Nội Bộ, kẻ cám dỗ và phản bội Winston, người che chở và tiêu diệt ông ta. Y cực kỳ chân thành tin tưởng ở chế độ mà y phục vụ, song lại có thể nhập vai một cách hoàn hảo một người cách mạng nhiệt thành dốc lòng dốc sức lật đổ nó. Y tự hình dung mình chỉ đơn thuần là một tế bào của cơ thể lớn Nhà Nước, nhưng chúng ta rất nhớ cá tính tự mâu thuẫn và đầy sức hấp dẫn của y. Mặc dù là một phát ngôn nhân hùng hồn mà bình tĩnh cho tương lai của chính thể cực quyền, O'Brien dần dần bộc lộ một khía cạnh mất cân bằng, một sự tách khỏi thực tế, mà về sau thể hiện đầy đủ tính chất khó chịu của nó trong thời gian cải tạo Winston Smith, thay thế nỗi đau và tuyệt vọng được gọi là Bộ Tình Yêu

Tư-duy-nước-đôi còn ẩn đằng sau tên gọi cuả các siêu bộ điều hành mọi sự ở Oceania - Bộ Hoà Bình thì tiến hành chiến tranh, Bộ Chân lý chuyên nói dối, Bộ Tình Yêu chuyên tra tấn và, cuối cùng, hạ sát bất kỳ ai nó coi là một mối đe doạ. Nếu điều đó có vẻ quá đáng đến mức phi lý, thì xin nhớ rằng ở nước Mỹ hiện tại, ít ai bị mắc mớ gì với một bộ máy làm chiến tranh được đặt tên là "Bộ Quốc Phòng", chẳng mắc mớ gì hơn khi chúng ta nín cười mà nói "Bộ Công Lý," bất chấp nhiều bằng chứng về những hành động vi phạm của FBI, cánh tay khủng khiếp nhất của nó, đối với những quyền con người và quyền do hiến pháp quy định. Các phương tiện truyền thông, được tiếng là tự do, của chúng ta được yêu cầu đưa tin cho "cân bằng", nghĩa là mọi "sự thật" đều lập tức được trung hoà bởi một "sự thật" ngang bằng và đối nghịch. Hằng ngày, dư luận thành mục tiêu của lịch sử tân biên, của bệnh mất trí nhớ của chính quyền và của sự nói dối trắng trợn, tất cả đều được gọi bằng "spin[4]" như thể nó chẳng tác hại gì hơn một vòng đu quay vậy. Chúng ta biết rõ hơn những gì họ nói với chúng ta, tuy nhiên lại hy vọng điều ngược lại. Cùng một lúc, chúng ta vừa tin vừa ngờ - thường xuyên phân vân giữa ít nhất là hai ý kiến trên hầu hết các vấn đề, đó hình như là một trạng thái của tư duy chính trị trong một siêu quốc gia hiện đại. Khỏi phải nói, điều này có công dụng vô giá đối với những kẻ cầm quyền muốn mãi mãi nguyên vị.

Bên cạnh sự hỗn trộn tình cảm trái ngược trong cánh tả đối với thực tế Xô-viết, những cơ hội khác cho tư-duy-nước-đôi phát triển đã xuất hiện sau Thế Chiến II. Trong lúc hân hoan, phe thắng trận đã, theo quan điểm của Orwell, phạm những sai lầm cũng tai hại như Hiệp ước Versailles sau Thế Chiến I. Mặc dầu ý đồ là rất đáng trân trọng, trong thực hành việc chia chiến lợi phẩm giữa các nước đồng minh lại mang tiềm năng gây bất hoà tai hại. Thực tế, nỗi băn khoăn lo lắng của Orwell đối với "hoà bình" là một chủ đề tiềm ẩn của 1984.

"Ðiều nó thực sự nhằm tới," Orwell viết cho chủ nhà xuất bản vào hồi cuối năm 1948 - gần kề giai đoạn đầu duyệt lại cuốn tiểu thuyết - "là bàn về những hệ quả của việc chia thế giới thành những 'vùng ảnh hưởng' (năm 1944, tôi nghĩ đó là do kết quả Hội nghị Teheran)..."

Tất nhiên, cũng không nên tuyệt đối tin các tiểu thuyết gia về nguồn cảm hứng của họ. Song phương thức tưởng tượng thì đáng xem xét. Hội nghị Teheran là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên của phe Ðồng Minh trong Thế Chiến II, diễn ra vào cuối năm 1943, với sự tham dự của Roosevelt, Churchill và Stalin. Trong số những điều được đem ra bàn, có vấn đề là: sau khi đánh bại Ðức Quốc xã, Ðồng Minh sẽ chia nước này thành những vùng chiếm đóng như thế nào. Một vấn đề khác là: ai sẽ được bao nhiêu phần lãnh thổ Ba Lan. Khi tưởng tượng ra Oceania, Eurasia và Eastasia, Orwell dường như đã làm một bước nhảy về quy mô từ cuộc thương nghị Teheran, phóng chiếu việc chiếm đóng một nước thất trận sang việc chiếm đóng một thế giới thất trận.
Việc gộp Anh và Mỹ thành một khối duy nhất, xem như lời tiên tri, hoá ra là việc nước Anh chuẩn xác, nhìn xa trông rộng chống lại việc hội nhập với vùng đất rộng lớn Eurasia cũng như tiếp tục quỵ luỵ đối với lợi ích của người Yanki - chẳng hạn, đô-la là đơn vị tiền tệ của Oceania. Có thể nhận ra London vẫn là London của thời khắc khổ hậu chiến. Ngay từ đầu, với cách lạnh lùng nhảy tùm vào thẳng cái ngày tháng Tư ảm đạm đánh dấu bởi hành động bất phục tùng có tính chất quyết định của Winston Smith, những kết cấu của cuộc nhân sinh khốn khổ không ngớt phô ra - hệ thống ống nuớc không thông, những điếu thuốc lá cứ rụng sợi hoài, đồ ăn thức uống khủng khiếp - mặc dù đối với ai đã trải những thiếu thốn trong thời chiến, điều này có lẽ khỏi cần phải ráng sức tưởng tượng.

Tiên tri và tiên đoán không hẳn là một và sẽ thiệt thòi cho cả nhà văn lẫn độc giả nếu lẫn lộn chúng trong trường hợp của Orwell. Có một trò mà một số nhà phê bình thích chơi: liệt kê những gì Orwell "đoán đúng" và không đúng. Hãy nhìn quanh ta vào lúc này ở nước Mỹ, chẳng hạn, ta nhận thấy máy bay trực thăng được ưa chuộng như một phương cách "thi hành luật pháp" quen thuộc với chúng ta qua vô số "kịch hình sự" truyền hình, bản thân chúng cũng là những hình thức kiểm soát xã hội - và cũng như vậy, hãy nhìn xem sự có mặt khắp nơi của vô tuyến truyền hình. Màn ảnh tivi hai chiều khá giống với màn ảnh plasma phẳng gắn với hệ thống cáp "tương tác", vào khoảng năm 2003. Tin tức là những gì chính phủ bảo là thế, việc giám sát thường dân đã đi vào dòng chủ lưu của hoạt động cảnh sát, việc lục soát và bắt giữ ở mức vừa phải là trò đùa. Vân vân. "Chà, chính phủ đã biến thành Anh Cả, đúng như Orwell tiên đoán! Ra gì đấy chứ, hử?" "Theo kiểu Orwell, cha nội!"

Phải, đúng và không. Xét cho cùng, những tiên đoán cụ thể chỉ là chi tiết. Có lẽ điều quan trọng hơn, thực ra là cần thiết, đối với một nhà tiên tri tích cực, là khả năng nhìn sâu hơn phần lớn chúng ta vào tâm hồn người. Orwell, trong 1984, hiểu rằng mặc dầu phe Trục thất bại, ý chí thiết lập chủ nghĩa phát-xít chưa mất, rằng chẳng những nó chưa đến lúc tận số, mà có lẽ thậm chí còn chưa thành hình nữa kia: việc hủ hoá tinh thần, máu mê quyền lực khôn cưỡng nổi ở con người đã đâu vào đó từ lâu, tất cả những dáng vẻ ai nấy đều biết của Ðệ Tam Quốc Xã Ðức và Liên Xô của Stalin, thậm chí cả Công Ðảng Anh - giống như những phác thảo đầu tiên của một tương lai khủng khiếp. Ðiều gì có thể ngăn sự tình như vậy khỏi xẩy ra ở Anh và Mỹ? Sự ưu việt về đạo đức? Thiện ý? Sống trong sạch?

Cái mà từ đó đến nay vẫn ngày một cải tiến đều đặn, ngấm ngầm - cố nhiên là làm cho các cuộc tranh cãi có tính nhân văn trở nên gần như lạc lõng - là ngành kỹ thuật ứng dụng. Chúng ta không nên quá lãng đi bởi sự thô vụng của các phương tiện giám sát thông dụng vào thời Winston Smith. Xét cho cùng, vào năm 1984 "của chúng ta", con chip IC chưa đầy mười năm tuổi và gần như là nguyên thuỷ bên cạnh những điều kỳ diệu của kỹ thuật vi tính vào khoảng năm 2003, đặc biệt là Internet, một bước phát triển có thể cho phép kiểm soát xã hội trên một quy mô mà những bạo chúa của thế kỷ 20 với những bộ ria dị hợm chỉ có thể mơ tưởng mà thôi.

Mặt khác, Orwell không thấy trước những biến chuyển lạ thường như các cuộc chiến tranh tôn giáo mà chúng ta đã trở nên quá quen, dính líu đến cả một số thuyết chính thống khác nhau. Kể cũng lạ, trên thực tế, sự cuồng tín tôn giáo không hề có ở Oceania, ngoại trừ dưới hình thức tận trung với đảng. Chính thể của Anh Cả phô bày tất cả những yếu tố của chủ nghĩa phát-xít - duy nhất tên độc tài với ma lực thu hút quần chúng, mọi hành vi, ứng xử đều bị kiểm soát, cá nhân tuyệt đối phục tùng tập thể - trừ sự thù địch chủng tộc, đặc biệt là chủ nghĩa chống Do Thái, vốn là nét nổi bật của chủ nghĩa phát-xít như Orwell biết rõ. Ðiều này ắt làm cho độc giả hiện đại bối rối. Nhân vật Do Thái duy nhất trong tiểu thuyết là Emmanuel Goldstein và có lẽ chỉ vì nguyên mẫu của y, Leon Trotsky, cũng là Do Thái. Và y vẫn chỉ là một sự hiện diện hậu trường mà chức năng thực sự là đem đến một tiếng nói giải thích, với tư cách là tác giả của "Lý Thuyết và Thực Hành của Chủ Nghĩa Tập Thể của Chính Thể Ðầu Sỏ."

Gần đây, người ta bàn nhiều về thái độ của bản thân Orwell đối với người Do Thái, một số nhà bình luận thậm chí còn gọi đó là chống Do Thái. Nếu nhìn vào trước tác của ông thời kỳ ấy để làm chuẩn tham chiếu cho chủ đề này, ta sẽ chẳng tìm được mấy tí. Những vấn đề của người Do Thái dường như không thu hút sự chú ý của ông lắm. Những gì là bằng chứng được công bố chỉ rõ hoặc một nỗi bàng hoàng đến tê dại trước sự tàn khốc của những gì đã xẩy ra, hoặc phần nào không đánh giá được đầy đủ ý nghĩa của nó. Người ta cảm thấy có chút dè dặt như thể, do đang bận tâm về bao vấn đề sâu xa khác, Orwell những muốn thế giới không bị thêm nỗi phiền toái phải nghĩ nhiều đến cuộc Tàn Sát Do Thái. Cuốn tiểu thuyết thậm chí có thể là cách ông tái xác định một thế giới trong đó cuộc Tàn Sát Do Thái không xẩy ra.

Ðoạn 1984 tiến gần tới chỗ chống Do Thái là lúc cử hành nghi thức Hai Phút Căm Thù, đưa ra từ rất sớm, gần như một thủ pháp để giới thiệu hai nhân vật Julia và O'Brien. Nhưng sự phô bày lập trường chống Goldstein được mô tả ở đây một cách trực diện độc địa, không hề được khái quát hoá thành một cái gì mang màu sắc chủng tộc. "Cũng không hề có sự phân biệt chủng tộc," như chính Emmanuel Goldstein khẳng định trong cuốn sách - "người Do Thái, người da đen, người Nam Mỹ mang dòng máu Anhđiêng thuần chủng đều có thể ở những cấp cao nhất của Ðảng..." Có thể nói Orwell coi chủ nghĩa chống Do Thái là "một dị bản của cái căn bệnh lớn hiện đại là chủ nghĩa dân tộc" và riêng chủ nghĩa chống Do Thái của Anh là một dạng khác của sự ngu xuẩn Anh. Có thể ông tin rằng đến cái thời liên kết ba phái của thế giới mà ông mường tượng cho 1984, những thứ chủ nghĩa dân tộc của châu Âu quen thuộc với ông, cách nào đó sẽ không tồn tại nữa, có lẽ vì các quốc gia và do đó các dân tộc sẽ triệt tiêu và hội nhập vào những thực thể có tính tập thể hơn. Giữa cái bi quan chung bao trùm cuốn tiểu thuyết, điều này có thể khiến chúng ta (vốn đã biết những gì ngày nay trở nên tỏ tường với chúng ta) thấy như là một phân tích hoan hỉ vô căn cứ. Những hận thù mà Orwell cùng lắm chỉ thấy là lố bịch, đã quyết định lịch sử quá nhiều từ 1945 đến nay, nên đâu dễ bỏ qua đến thế.

Trong một bài điểm sách trên báo New Stateman từ năm 1938 về một cuốn tiểu thuyết của John Galsworthy, Orwell bình luận, gần như phớt qua: "Galsworthy là một nhà văn tồi và một nỗi giày vò nội tâm mài sắc tính nhạy cảm đã suýt biến ông thành một nhà văn hay; thế rồi nỗi bất bình của ông tự chữa lành và ông trở lại như cũ. Thật đáng dừng lại để tự hỏi xem điều đó xảy đến với bản thân mình dưới hình thức nào."

Orwell buồn cười thấy một số đồng nghiệp của mình thuộc cánh tả sống trong nỗi khiếp sợ bị gọi là đồ tư sản. Nhưng đâu đó trong những khiếp sợ của chính ông, có thể cũng lẩn quất cái khả năng là biết đâu một ngày kia, giống như Galsworthy, ông cũng đánh mất nỗi phẫn nộ chính trị của mình để, cuối cùng, trở thành một kẻ biện hộ nữa cho Thế Sự Là Thế. Sự phẫn nộ của ông - ta hãy mạnh dạn nói thẳng - là quý giá đối với ông. Ông đã sống theo cách của mình để thành người phẫn nộ - ở Miến Ðiện và Paris và Luân Ðôn và trên đường tới trụ cầu Wigan và ở Tây Ban Nha, bị bọn phát-xít nhằm bắn và cuối cùng, bị thương - ông đã đầu tư máu, khổ đau và lao động khổ sai để có được nỗi phẫn nộ đó và trở nên gắn bó với nó như bất kỳ nhà tư bản nào gắn bó với tư bản của mình. Có thể đó là một nỗi đau đặc trưng cho nhà văn hơn là cho những người làm nghề khác, cái nỗi sợ "bị" quá tiện nghi, bị mua chuộc. Khi người ta viết để kiếm sống, đó chắc chắn là một trong những nguy cơ, mặc dù không phải là một nguy cơ mà mọi nhà văn đều phản đối. Cái khả năng của kẻ cầm quyền có thể thu phục những kẻ bất đồng bao giờ cũng hiện diện như một mối hoạ - thực tế, chẳng khác cái quá trình mà qua đó, Ðảng trong 1984 bao giờ cũng có thể tự đối mới từ dưới lên trên.

Từng sống giữa những người lao động nghèo và thất nghiệp của thời kỳ suy thoái thập kỷ 1930 và trong quá trình đó, biết được giá trị bất diệt thực sự của họ, Orwell gán cho Winston Smith một niềm tin tương tự vào những người cùng vị thế với họ là lớp vô sản trong 1984, xem như là hy vọng duy nhất để giải thoát khỏi cái địa ngục lầm than của Oceania. Vào thời điểm đẹp nhất của cuốn tiểu thuyết - đẹp theo định nghĩa của Rilke,[5] dù khủng bố ập tới cũng chịu đựng được - Winston Smith và Julia, tưởng rằng mình an toàn, đứng bên cửa sổ nhìn người đàn bà đang hát ngoài sân và Winston ngắm trời xanh mà thấy một hình ảnh hầu như huyền bí, hình ảnh triệu triệu người sống dưới bầu trời, "những con người chưa bao giờ học suy nghĩ nhưng đang trữ trong tim, trong bụng, trong cơ bắp cái cường lực mà một ngày kia sẽ lật nhào thế giới. Nếu hy vọng là có thật thì nó nằm trong lớp người vô sản!" Ðó là thời điểm ngay trước khi ông và Julia bị bắt và cao trào ghê gớm, lạnh lùng của cuốn tiểu thuyết bắt đầu.

Trước chiến tranh, Orwell có những lúc khinh thường việc mô tả tỉ mỉ từng chi tiết những cảnh bạo lực trong thể loại hư cấu, đặc biệt những truyện hình sự dữ dằn của Mỹ trên các hoạ báo lá cải. Năm 1936, trong một bài điểm một cuốn tiểu thuyết trinh thám, ông trích một đoạn tả một cuộc tra tấn tàn bạo rất có phương pháp; kỳ lạ sao nó lại như báo trước những kinh qua của Winston Smith trong Bộ Tình Yêu. Ðiều gì đã xẩy ra? Có vẻ đó là Tây Ban Nha và Thế Chiến II. Những gì từng là "rác rưởi tởm lợm" vào một thời kỳ biệt lập hơn, đến thời hậu chiến đã trở thành bộ phận cấu thành thứ đặc ngữ của giáo dục chính trị và được thiết chế hoá ở Oceania vào năm 1984. Tuy nhiên Orwell không thể, như các nhà văn tầm trung bình viết báo lá cải, hưởng cái thú xa xỉ là lăng nhục một cách vô tư bất kỳ nhân vật nào về cả thể xác lẫn tinh thần. Ở một số chỗ, lời văn đâm khó chịu, như thể bản thân Orwell đang cảm thấy từng giây phút bước đoạn trường của Winston vậy.

Lợi ích của chế độ ở Oceania nằm ở việc thực hành quyền lực vì chính bản thân nó, trong cuộc chiến không ngơi nghỉ của nó với ký ức, dục vọng và ngôn ngữ với tính cách là phương tiện chuyển tải tư tưởng. Ký ức thì tương đối dễ đối phó, từ quan điểm cực quyền. Bao giờ cũng có một cơ quan nào đó như Bộ Chân Lý để chối bỏ những hồi ức của những người khác, để viết lại quá khứ. Vào khoảng năm 2003, đã trở thành cơm bữa việc các viên chức chính phủ được trả lương nhiều hơn đa số chúng ta để hằng ngày xuyên tạc lịch sử, dung tục hoá chân lý và xóa bỏ quá khứ. Những ai không học được gì về lịch sử thường phải sống lại nó, nhưng chỉ đến lúc những kẻ cầm quyền tìm ra được một cách thuyết phục tất cả mọi người, kể cả bản thân họ, rằng lịch sử chưa bao giờ xẩy ra hoặc chỉ xẩy ra theo một cách phục vụ tốt nhất cho những mục đích của họ - hoặc tốt hơn hết là dù thế nào nó cũng chẳng quan trọng gì, ngoại trừ dưới hình thức một bộ phim tài liệu ngu xuẩn làm vội làm vàng cho một giờ giải trí truyền hình.

Ðến lúc họ rời khỏi Bộ Tình Yêu, thì Winston và Julia đã mãi mãi lâm vào tình trạng tư-duy-nước-đôi, phòng chờ của huỷ diệt, không còn yêu nữa mà có thể cùng một lúc vừa căm thù vừa yêu Anh Cả. Một kết thúc đen tối hết mức có thể tưởng tượng. Nhưng lạ thay, đó không hẳn đã kết thúc. Chúng ta giở qua trang để thấy một phụ lục tựa như một thứ tiểu luận phê bình "Nguyên Lý của Ngôn Ngữ Mới." Nên nhớ rằng ngay từ đầu, đã có một chú thích nhắc chúng ta có thể tuỳ thích lật xuống cuối sách để đọc phụ lục đó trước. Một số độc giả đã làm thế, một số khác thì không - giờ đây, ta có thể coi đó như là một thí dụ sớm sủa của siêu văn bản. Vào năm 1948, cái phần cuối ấy xem ra đã làm khó Câu Lạc Bộ Sách Trong Tháng của Mỹ đến mức họ yêu cầu cắt bỏ nó cùng với những chương trích từ cuốn sách của Emmanuel Goldstein, xem như điều kiện chấp nhận của CLB. Mặc dù có thể mất ít nhất 40.000 bảng Anh tiền bán sách ở Mỹ, Orwell vẫn từ chối không chịu thay đổi và nói với người đại diện của mình: "Một cuốn sách được xây dựng như một cấu trúc cân bằng, ta không thể bỏ đi những mảng lớn ở chỗ này chỗ nọ trừ phi ta sẵn sàng cấu tạo lại toàn bộ... Tôi thực sự không thể cho phép người ta khuấy lộn tác phẩm của tôi quá một mức nhất định, và tôi không chắc rằng về lâu về dài, điều đó có lợi hay không." Ba tuần sau, CLBSTT nhượng bộ, song câu hỏi vẫn bảo lưu: tại sao lại đi kết thúc một cuốn tiểu thuyết cuồng nhiệt, dữ dội và âm u như thế bằng một cái phụ lục kinh viện?

Câu trả lời có thể nằm trong ngữ pháp đơn giản. Ngay từ câu đầu, "Nguyên Lý của Ngôn Ngữ Mới" đã được viết một cách nhất quán ở thì quá khứ, như để gợi tới một đoạn lịch sử sau này, hậu-1984, khi mà Ngôn Ngữ Mới đã thực sự trở thành chuyện quá khứ - như thể, cách nào đó, tác giả vô danh của phụ lục này ngay bây giờ đã có thể tự do phê phán một cách khách quan cái hệ thống chính trị lấy Ngôn Ngữ Mới, vào thời của nó, làm cốt tuỷ. Gia dĩ, chính thứ tiếng Anh "tiền-Ngôn Ngữ Mới" của chúng ta đã được dùng để viết tiểu luận này. Ngôn Ngữ Mới được giả định là sẽ trở nên phổ quát vào năm 2050, tuy nhiên xem ra nó không đậu được lâu đến thế, nói chi đến thống ngự và xem ra những cách tư duy nhân văn cổ vốn gắn bó cố hữu với tiếng Anh tiêu chuẩn vẫn bền bỉ tồn tại, vẫn sống vượt lên và cuối cùng đã thắng thế và thậm chí có lẽ cái trật tự xã hội và đạo đức mà nó phát ngôn, cách nào đó đã được phục hồi.

Năm 1946, trong một bài về cuốn Cách Mạng Quản Lý, một phân tích của tác giả Mỹ James Burham, xưa từng là Trốtxkít, Orwell viết: "Cái đế chế nô lệ đồ sộ, vô địch, trường tồn mà Burnham dường như mơ tưởng sẽ không được thiết lập, hoặc nếu có, cũng sẽ chẳng bền lâu bởi lẽ chế độ nô lệ không còn là một cơ sở ổn định cho xã hội người." Với những ám chỉ đến triển vọng phục hưng và cứu chuộc, có lẽ "Nguyên Lý của Ngôn Ngữ Mới" là một cách thắp sáng lên một cái kết mà nếu không nhờ vậy sẽ bi quan đến độ ảm đạm - đưa chúng ta trở về những đường phố lầm than của chính mình để huýt gió một điệu chút đỉnh vui tươi hơn là nếu chỉ có độc đoạn kết kia.

Có một tấm ảnh của Orwell và con trai nuôi, Richard Horatio Blair chụp ở Islington vào khoảng năm 1946. Ðứa bé, hồi ấy độ hai tuổi, coi bộ hớn hở, vui sướng một cách hồn nhiên. Orwell bế nó bằng cả hai tay, cũng mỉm cười, hài lòng nhưng không tự mãn - sự thể phức tạp hơn thế, như thể ông đã phát hiện ra điều gì đó đáng phản ứng mạnh mẽ hơn cả mức phẫn nộ - đầu hơi nghiêng, đôi mắt có một vẻ thận trọng khiến những người sành phim có thể nghĩ đến một nhân vật của Robert Duvall. Winston "chắc là mình sinh năm 1944 hay 1945..." Richard Blair sinh ngày 14 tháng 5 năm 1944. Chẳng khó gì để đoán ra rằng Orwell, trong 1984, đã hình dung một tương lai cho thế hệ của con trai ông, một thế giới mà ông muốn cảnh báo chúng hơn là cầu ước cho chúng. Ông nôn nóng với những tiên đoán về cái không-thể-tránh-khỏi, ông vẫn tin tưởng ở khả năng của những con người bình thường có thể thay đổi mọi sự nếu họ muốn. Dù sao đi nữa, ta hãy trở lại với nụ cười của đứa bé, trực tiếp và rạng rỡ, xuất phát từ một niềm tin không chút do dự rằng thế giới, đến cuối ngày, là tốt đẹp, rằng thuần phong mỹ tục của con người, như tình cha tình mẹ, bao giờ cũng có thể coi là đương nhiên - một niềm tin đáng trân trọng đến mức chúng ta hầu như có thể hình dung Orwell- và có lẽ cả chúng ta nữa - thề sẽ làm bất kỳ điều gì cần làm để giữ sao cho niềm tin đó không bao giờ bị phản bội.


Thomas Pynchon (1937), một trong những tác giả đặc biệt nhất của văn học Mỹ đương đại, nổi tiếng và ảnh hưởng lớn ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay, V. (1963), rồi lập tức mai danh ẩn tích. Ông cho xuất bản rất ít: The Crying of Lot 49 (1966), Gravity´s Rainbow (1973), Slow Learner (1984), và Vineland (1990), Mason & Dixon. Bản dịch trên đây trích từ lời giới thiệu cho tác phẩm 1984 của George Orwell do NXB Penguin US tái bản và vừa phát hành trong những ngày này, là tín hiệu duy nhất từ nhiều năm nay của Thomas Pynchon với thế giới ngoài vòng ẩn dật của ông.

(c) 2003 talawas


[1] Francis Scott Fitzgerald (1898-1940), nhà văn Mỹ nổi tiếng, tác giả các tiểu thuyết Mặt Trái Thiên Ðường, Gatsby Tuyệt Vời...
[2] Walt Whitman (1819-1892), thi hào Mỹ, tác giả tập thơ Lá Cỏ.
[3] Erwin Schrödinger (1887-1961), nhà vật lý học người Áo được giải Nobel vật lý (cùng với P. Dirac) năm 1933, tác giả của phương trình nổi tiếng mang tên ông về sau là công cụ cơ sở cho toàn bộ ngành vật lý lượng tử.
[4] Từ lóng báo chí chỉ một ẩn ý hàm chứa một quan điểm; còn có nghĩa một cuộc đi dạo bằng xe hơi.
[5] Rainer Maria Rilke (1875-1926), nhà thơ lớn của Áo,.