trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
24.12.2007
Thái Lãng
Nhật ký của người chứng
 1   2   3   4 
 
Tôi được biệt phái sang làm thông dịch viên cho Phòng Cố vấn Mỹ Tiểu khu. Tôi thấy bối rối nhiều với công việc này. Từ trước đến giờ, người Mỹ vẫn xa lạ với tôi. Họ đã có mặt trên miền đất này quá lâu rồi, mà sao tôi vẫn thấy xa lạ. Họ làm việc, chơi đùa, ăn nghỉ ở một khu riêng biệt, sang trọng. Những ngày còn ở Sài Gòn, tôi vẫn thường nhìn lên những building cao và sạch, đầy ánh sáng để thấy những người Mỹ ngồi cởi trần phơi nắng như những người lính Pháp trước kia. Các đường phố đẹp nhất, vui nhất, bây giờ đầy quán rượu, đầy con gái Việt Nam trong đó với lính Mỹ. Chỉ có lính Mỹ thôi, người Việt không dám vào. Tại sao? Tôi không biết. Ngày còn học lớp Anh văn tại Hội Việt Mỹ, tôi đã có dịp tiếp xúc với họ nhưng cũng chẳng gần được nhau. Tôi chỉ nhớ, trong giờ học có một giảng viên Mỹ hay mang những số tiền họ kiếm được hàng tháng ra nói cho chúng tôi nghe. Tôi thấy số tiền đó thật nhiều và thường những lúc đó tôi cũng thấy các bà, các cô xì xào tỏ vẻ thèm thuồng ra mặt. Bây giờ, tôi sẽ làm việc ngay cạnh họ. Biệt phái từ Trung đoàn sang Tiểu khu và từ Tiểu khu sang Phòng Cố vấn Mỹ.

Khi tôi vào trình diện vị Trung tá Cố vấn Trưởng Tiểu khu, ông ta không có mặt trong phòng việc và đang ngồi nghe radio tại Câu lạc bộ cùng với mấy sĩ quan Mỹ khác. (Ở đây, người Mỹ làm việc ngay tại cư xá của họ, cần gì họ điện thoại sang văn phòng Tiểu khu). Viên Trung tá Mỹ to lớn dềnh dàng, sau khi nghe tôi trình bày về sự biệt phái này, ông ta đứng ngay dậy, vỗ vai tôi nói:

“Good, good boy”.

Tôi ngạc nhiên vì được gọi là “Boy” khi không còn nhỏ và cũng mang cấp bậc quân đội Việt Nam đàng hoàng. Ông ta nói cho tôi biết công việc hàng ngày và giờ giấc ra sao. (Ở đây họ vẫn dùng một thứ thời khóa biểu riêng từ bên chính quốc).

Tôi sẽ theo các Cố vấn Mỹ đi thăm các quận, để sửa soạn cho một chương trình sắp tới, là thiết lập Ban Cố vấn Quận. Tôi nghe lơ đãng, để ý nhìn xung quanh và cảm thấy mình lạc lõng, xa lạ với tất cả những gì ở đây. Nơi của người Mỹ.


*

Tôi đi cùng một Đại úy Mỹ xuống thăm quận K.M. Ông Quận trưởng ra đón chúng tôi tận bãi hạ trực thăng. Hai người bắt tay nhau nói chuyện vui vẻ, tôi giữ việc thông ngôn. Viên Đại úy Cố vấn muốn đi quan sát các đồn dân vệ. Ông Quận kêu bận không thể cùng đi và cử một sĩ quan Bảo an hướng dẫn chúng tôi: các đồn bót sơ sài chẳng có gì, vợ con binh sĩ sống ngay trong đó, hỗn độn bẩn thỉu, tối om. Đại úy Mỹ phàn nàn nhiều lần về sự thiếu an ninh xung quanh và súng chùi không kỹ. Mỗi lần như thế viên sĩ quan đi cùng chúng tôi lại nêu ra các lý do giải thích, rồi ông quay sang khuyến dụ binh sĩ bằng những lời không mấy dịu dàng tử tế, nghĩa là đầy tiếng quát và chửi tục. Viên Cố vấn Mỹ không hiểu những câu nói đó, nhưng nhìn dáng điệu của gã sĩ quan, ông ta tỏ vẻ bằng lòng và nói riêng với tôi là vị sĩ quan này được việc.

Lúc trở về quận, chúng tôi vào gặp ông Quận tại văn phòng của ông. Anh dân vệ gác cửa thấy Cố vấn Mỹ vội vã chào rồi mở cửa ngay không kịp báo trước. Ông Quận đang đọc sách thấy chúng tôi thì vội gấp lại ngay, úp mặt bìa xuống bàn. Tôi nhìn vào cái gáy dày cộm của cuốn sách ông vừa đọc và thấy tên một truyện kiếm hiệp Tàu. Dáng điệu ông Quận tỏ ra mệt mỏi, ông đặt một tay lên chồng hồ sơ dày ngay trước mặt. Ông hỏi chúng tôi về việc quan sát những đồn bót vừa qua. Viên Cố vấn Mỹ rút sổ tay đọc lại những điều đã ghi, hai bên tỏ vẻ dễ chịu với nhau. Sau đó Đại úy Mỹ nói với ông Quận về việc sẽ thiết lập ban Cố vấn tại đây.

“Thưa Đại úy Quận trưởng, ông đã biết rằng sẽ có một ban Cố vấn Mỹ về đây làm việc bên cạnh văn phòng quận chưa?”

“Tôi biết rồi và đã sửa soạn tất cả”.

“Đại úy định cho chúng tôi lập nhà riêng tại đâu?”

“Tôi đã cho chúng nó dọn dẹp khu đất kế bên nhà này và khi nào các ông muốn xây cũng được”.

“Chúng tôi sẽ có những nhà tiền chế mang xuống đây lắp lại là xong. Còn về an ninh Đại úy có thể cho biết rõ được không?”

“An ninh quận lỵ thì rất khá, còn các xã cũng tạm yên. Nếu Ban Cố vấn về đây, sẽ ở trong khu văn phòng quận rất an ninh bảo đảm”.

“Chúng tôi về đây là để dễ dàng trong sự giúp đỡ quận và dân chúng các xã. Chúng tôi dần dần sẽ xây cất trường học, nhà hộ sinh, v.v. cho đồng bào”.

“Chúng tôi rất mừng, và rất mong quý ông sớm về đây cùng chúng tôi”.

Ông Quận cũng ngỏ lời cám ơn những ý kiến của viên Đại úy Mỹ về đồn bót nhưng ông than thiếu vật liệu và phương tiện, thiếu đủ thứ, ông bảo nếu có đầy đủ ông sẽ làm thật hoàn hảo. Sau cùng hai bên đều nói “sẽ hết sức giúp đỡ lẫn nhau trong giới hạn của mình”. Họ chia tay nhau vui vẻ, họ bắt tay nhau thật chặt. Ra đến cửa, Đại úy Mỹ hỏi tôi rằng cuốn sách mà ông Quận đang đọc lúc nãy có phải là Binh thư không? Tôi yên lặng. Ông ta lại tiếp bằng một giọng đầy tin tưởng:

“Tôi nghĩ ông Quận này khá, ông ấy bận rộn suốt ngày và chịu khó nghiên cứu Binh thư. Kỳ trước tôi đến phòng ông ta cũng thấy ông ta đọc những sách dày như thế, một Thông dịch viên đã nói đó là Binh thư. Thật khá, ông ta sẽ giết nhiều Việt Cộng”.

Lúc về đến Tiểu khu, viên Đại úy vội vã báo cáo ngay những gì đã ghi được và cũng bày tỏ ngay những cảm nghĩ tốt đẹp đối với ông Quận và vị sĩ quan Bảo an kia.


Chúng tôi đến thăm quận B.T. vào lúc ông Quận trưởng được sĩ quan tình báo cho biết có rất nhiều Việt Cộng đang đóng quân tại một tọa độ cách quận lỵ vài cây số về phía nam. Ông Quận có vẻ lo ngại, ra lệnh gọi về Tiểu khu xin máy bay quan sát. Đại úy Mỹ đi cùng với tôi cũng gọi máy về Cố vấn Mỹ Tiểu khu để thúc hối thêm. Nếu thực có Việt Cộng phải xin oanh tạc ngay. Một lúc sau, chiếc phi cơ quan sát L.19 bay sát nóc quận. Chúng tôi vào cả phòng truyền tin để liên lạc với chiếc L.19 trên ấy có hai quan sát viên trên chiếc L.19 biết vùng khả nghi có địch. Lát sau tôi thấy một giọng Việt Nam vang ra từ máy truyền tin.

“Theo sự quan sát của tôi, đây không phải là V.C. mà là những người dân đang gặt lúa. Họ mặc quần áo đen, đội nón lá và sinh hoạt không có gì khả nghi”.

Tiếng viên sĩ quan tình báo quận nói vào máy:

“Đã quan sát kỹ chưa? Phải bay thấp xuống, chúng nó ngụy trang hay lắm, bay thấp xuống, xem kỹ các lùm cây”.

“Nó” không chịu bay thấp nữa, khu vực này ít cây”.

“Có thuyền không?”

“Có, có mấy cái ghe chở lúa nằm dọc theo kinh”.

Tôi dịch lại tất cả cho viên Đại úy Mỹ nghe. Ông ta đòi liên lạc với quan sát viên Mỹ đồng thời cũng là phi công trên đó. Họ nói với nhau.

“Thế nào, anh thấy có khả nghi không?”

“Nhiều lắm, nhiều lắm, rất nhiều V.C. đang tập họp và sửa soạn di chuyển, chúng mang y phục đen”.

“Họ trang bị vũ khí gì?”

“Tôi không nhận được chính xác. Hình như vũ khí nhẹ họ cầm tay còn vũ khí nặng họ chuyển bằng ghe được ngụy trang toàn bằng rơm, rạ ở phía trên”.

“Vậy cho biết ý kiến”.

“Xin oanh tạc ngay nếu không lực lượng này có thể tấn công quận đêm nay!”

“Để tôi hỏi ý kiến ông Quận trưởng”.

Ông Quận cho biết đấy chưa chắc đã là V.C. mà có thể là dân làm ruộng. Ông sai người đi lấy báo cáo của các Trưởng xã xem vùng đó đã gặt hết chưa. Không có báo cáo nào chứng tỏ khu vực ấy đã gặt xong mùa gặt. Viên Đại úy Mỹ lại nói:

“Nếu ông Quận nghĩ rằng đó không phải là V.C. cũng được, nhưng tôi nghĩ chiếc L.19 do một Đại úy Mỹ lái và quan sát thì không thể lầm được vì ông ta ở ngay trên đầu bọn chúng và quan sát rất kỹ, hơn chúng ta ở đây. Nếu không xin oanh tạc ngay, đêm nay chúng tấn công sợ rằng lúc đó gọi máy bay quá trễ”.

Ông Quận còn đang phân vân, viên sĩ quan tình báo đã xen vào:

“Đại úy (ông Quận) xin oanh tạc liền giờ đi, tiện có Cố vấn Mỹ đây, họ xin được lẹ. Rủi tới…”

“Thôi anh bảo nó quan sát lại một lần nữa coi”.

Tiếng máy lại vọng ra, quan sát viên Việt Nam chửi thề ầm ĩ rằng viên phi công Mỹ không chịu lái thấp nên không thể quả quyết được. Còn lão Đại úy Mỹ trên đó vẫn nhất định cho rằng đầy V.C., rất nhiều V.C., phải oanh tạc ngay. Tôi phải dịch tất cả. Cuối cùng ông Quận nói với viên sĩ quan tình báo:

“Thôi được, xin đi!”

Tiếng máy truyền tin vẫn vọng ra rè rè:

“Mang Vi Xi OK… O… K…”

Không bao lâu, đoàn phi cơ oanh tạc đến. Tôi thấy khói mù mịt một phương. Tôi nghĩ đến những người đang chết, họ là Vi Xi hay dân làm ruộng. Tôi không biết.



Tôi đi cùng một Trung sĩ y tá Mỹ đem thuốc về quận A.V. phát cho đồng bào các xã. Hắn nói với tôi là thuốc hôm nay thiếu rất nhiều nhưng cần theo đúng chương trình nên vẫn phải đi. Chúng tôi dùng thuyền đến một xã không xa quận lắm. Một cái bàn được đặt giữa sân trụ sở Hội đồng Xã. Máy phóng thanh kêu gọi đồng bào hãy mau mau đến khai bệnh, lấy thuốc do phái đoàn Y tế Việt Mỹ đến phát. Anh binh nhì Phòng Tâm lý chiến còn thêm vào một câu khôi hài “ngàn năm một thuở, bỏ qua rất uổng, mau mau kẻo trễ”. Hai cô y tá cau có bên cạnh bàn thuốc, viên Trung sĩ Mỹ đứng cạnh tỏ ra xấu tính làm tôi nóng mặt. Những cụ già gầy ốm, những bà mẹ bồng con nhỏ xanh xao, những đứa trẻ gầy gò đủ thứ bệnh ghẻ lở, bụng to, thối tai, đau mắt. Tất cả đều xanh xao vàng vọt, tất cả đều nghèo khổ đến cái độ không thể ngờ được. Viên Cố vấn Mỹ luôn luôn bảo mấy anh dân vệ bắt dân xin thuốc phải xếp hàng. Hai cô y tá vụng về, luống cuống nhưng lại hay làm điệu và cau có. Một bà lão già chống gậy đến xin thuốc ho, cô y tá gắt không có. Viên Trung sĩ Mỹ hỏi tôi chuyện gì? Tôi trình bày lại cho ông ta nghe. Nghĩ ngợi một lúc, hắn cầm lọ Multi vitamin dốc ra mấy viên đưa cho bà lão, rồi còn bảo tôi giảng cho bà cụ cách uống và nói thêm rằng đấy là thuốc tốt, mai sẽ khỏi liền. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

“Đấy đâu phải là thuốc ho?”

“Thuốc bổ uống vô hại lại tốt”.

“Nhưng anh lừa gạt họ”.

“Lừa gạt cái gì? Nó đâu biết thuốc đó uống không chết, tao không muốn họ về không. Tụi V.C. có thể tuyên truyền là Cố vấn Mỹ ít thuốc hay không tốt với dân…”

“Tôi hiểu”.

Từ đó chẳng một ai đến xin thuốc lại bị về không. Họ trở lại nhà vui vẻ, với những viên thuốc đỏ chữ vàng. Nhưng nếu họ mang ra khoe với nhau, thì chắc sẽ ngạc nhiên vì thấy nhiều thứ bệnh ho, suyễn, đau xương, đau ngực, đau gan, mệt mỏi… đều cũng uống một thứ thuốc. Thuốc Mỹ chữa bách bệnh mà. Tôi thấy chán nản và tủi hổ cho dân mình. Nếu những người dân quê ngu dốt thất học bị đánh lừa bằng những viên thuốc, thì có thể những người không phải là quê, không ngu dốt thất học cũng sẽ bị đánh lừa bằng những cái to lớn hơn viên thuốc.


*

Buổi chiều, tôi ngồi lại câu lạc bộ của họ nghe mấy người Mỹ xung quanh nói chuyện. Họ nói đến nhiều thứ trong cô gái điếm, tiền lương, vụ oanh tạc Bắc Việt, lời tuyên bố mới đây của Tổng thống xứ họ. Họ cũng nói rất nhiều đến sĩ quan Việt Nam. Họ văng tục chửi thề, họ bảo người Việt là dốt, là lười, là bẩn, là “ban ngày thì ngủ, để ban đêm tạo ra con nít”. Ông Trung tá Mỹ to lớn dềnh dàng, ông vẫn gọi tôi là “boy”, ông hỏi:

“Mày có sung sướng khi chúng tao ném bom Bắc Việt không?”

“Tôi không biết”.

“Tại sao?”

“Những vùng đó, ruộng đó, dân đó ngày trước đã bị người Pháp ném bom nhiều rồi…”

“Bây giờ người Mỹ khác, chúng tao không chiếm đất, không lấy gạo, không làm xếp trong văn phòng, không làm chỉ huy trong quân đội. Nước mày nghèo và đang bị xâm lăng, chúng tao giúp, thế thôi”.

Tôi không nói gì thêm, ông ta là Cố vấn trưởng, ông ta có thể cho tôi sang an ninh dễ dàng nếu tôi không cùng một ý. Tôi chỉ nghĩ trong đầu đến vụ oanh tạc quận B.T hôm nọ, đến những thuốc bổ chữa bá bệnh, đến bảng hiệu mà ông ta đang đeo ở tay mới đổi từ M.A.A.G. [1] sang M.A.C.V. [2] . Tôi thấy nản và nhục. Tôi yếu đuối nên chỉ có thể phản ứng theo cách yếu đuối của tôi, là xin trở về đơn vị cũ, người Việt với người Việt.


*

Tôi lên gặp Trung tá Tiểu khu trưởng để xin trở về đơn vị cũ. Trung tá còn đang bận, tôi chờ ngoài. Một lúc sau, cửa mở, Trung tá tiễn khách ra tận ngoài, khách là một tay chuyên làm áp phe có quen biết tôi, hắn đứng lại bắt tay tôi và cười thỏa mãn, hắn hỏi tôi lăng nhăng rồi đi. Tôi theo Trung tá vào phòng, ông người to béo trắng hồng, sáng nay ông có vẻ vui như mới gặp một chuyện may nào đó. Ông mời thuốc Salem và hỏi tôi rất ân cần:

“Có điều chi đây?”

“Tôi xin Trung tá về đơn vị cũ”.

Ông ta có vẻ ngạc nhiên, ông ngả lưng vào thành ghế, thở khói rồi hỏi tôi:

“Sao kỳ vậy?”

“Xin Trung tá giúp tôi”.

“Anh làm bên đó sướng thấy cha, không trực gác, không hành quân, không sợ chết mà lại được xài đồ Mỹ, hút thuốc Mỹ. Sướng thấy cha rồi còn về đơn vị cũ làm chi”.

Tôi định trình bày những cái đã nghĩ, nhưng lại thôi vì thấy khó mà nói được hết ra lắm. Tôi chỉ nói:

“Tôi không kham nổi công việc mới này”.

“Thiếu khả năng thì cứ làm đại đi chứ, nói riết rồi cũng quen”.

“Không phải thế, mong Trung tá giúp tôi, cho tôi về đơn vị cũ”.

“Tôi nói thiệt nghe, tôi không có quyền gì về anh hết. Cố vấn Mỹ xài anh thì quyền ở họ, để tôi hỏi Cố vấn trưởng xem sao. Nhưng đừng có khùng, làm bên đó sướng thấy cha còn muốn gì”.

Tôi chào ông với sự chán nản của mình, tại sao ông phải hỏi Cố vấn Mỹ. Tại sao ông lại không có quyền với tôi. Thật, tôi không biết.


*

Dĩ nhiên là Cố vấn Mỹ không chịu trả tôi về đơn vị cũ rồi, vì họ đang cần người và ít khi nào họ muốn người đang thuộc về họ lại không thuộc về họ nữa. Tôi lại làm việc trong sự chán nản của mình, bên cạnh những tên người Việt luôn luôn xoắn xuýt nịnh bợ để áp phe buôn bán. Tôi nản, nhưng phải chịu.


*

Theo chương trình của người Mỹ tại Việt Nam, họ bắt đầu thiết lập ban Cố vấn Quận tại các tỉnh. Ban này gồm năm người có bổn phận chỉ bảo giúp đỡ và kiểm soát những gì thuộc về quận. Tôi được gửi đi làm bên cạnh Cố vấn Mỹ tại quận T.B. Chuyến đi trực thăng đầu tiên trong ngày đáp xuống sân banh, nơi đây có nhiều người đứng đợi, không phải họ ra đón ban Cố vấn mà đợi đi nhờ trực thăng. Phần nhiều họ đều có công vụ phải ra tỉnh lấy thuốc, xin đạn hay thực phẩm. Từ quận này ra tỉnh chỉ có phương tiện độc nhất là trực thăng, còn đường bộ và đường thủy đều bị cắt đứt và V.C. kiểm soát. Máy bay đáp xuống, Đại úy Mỹ Cố vấn, Quận trưởng, cả hai cùng cười vui vẻ. Mấy quân nhân đi công tác chen nhau lên chiếm chỗ trực thăng, nhưng ông Quận đã ngăn lại:

“Đi chuyến sau”.

Ông giơ tay vẫy mấy người ở xa lại, có hai đàn bà và ba đứa trẻ, thêm hai anh dân vệ xách giỏ không. Ông Quận giải thích nhỏ:

“Để mấy đứa nó lên tỉnh mua đồ đãi khách tối nay, lát chiêu về theo trực thăng luôn”.

Máy bay lên thẳng, mấy quân nhân đi công vụ lại vào nhà mát đợi, không biết họ nghĩ gì trong đầu.

Ông Quận hướng dẫn chúng tôi tới chỗ ở và làm việc của Ban Cố vấn Mỹ. Nhà kiểu tiền chế và mang từ Saigon xuống) và có thể cũng từ Mỹ quốc sang). Tất cả những tiện nghi tối thiểu cho một người Mỹ như tủ lạnh, bếp hơi, quạt, máy phát điện, giường nệm, tủ sắt, bàn viết, v.v. còn rất nhiều thứ nhỏ bé khác đều được trang bị đầy đủ, Đại úy Quận trưởng đưa chúng tôi vào tận phòng, ông nói nhỏ với một sĩ quan Bảo an đi cạnh:

“Đ.m. tụi nó sướng thiệt”.

Viên sĩ quan dạ dạ rồi cả hai cười sặc, ông Quận nói một câu tiếng Anh “gút gút”. Đại úy Cố vấn quận ngỏ lời cám ơn và ông Quận ngỏ ý muốn được yên một mình để xếp đồ đạc rồi ông sẽ lên thăm sau. Ông Quận ngỏ lời mời Ban Cố vấn tối nay dự tiệc. Cố vấn Mỹ cám ơn, nhận rồi đưa ông Quận ra khóa cửa lại. Họ nói với tôi:

“Tao sợ chúng nó lấy cắp những đồ vặt của mình”.

“Đúng thế, bên Đại Hàn cũng vậy”.

“Á châu này, tao đi nhiều nên tao hiểu chúng nó lắm”.

Họ còn nói nhiều nhưng tôi không nghe được nữa, tôi mở cửa ra ngoài. Đau đớn vô cùng, xa lạ quá. Mấy anh dân vệ đang ghé mắt nhìn vào, thấy tôi ra xúm lại hỏi những chuyện lăng nhăng, xin thuốc lá Mỹ, tôi nói không có và không biết gì hết.

Buổi tối, ông Quận thết tiệc. Bởi vì hôm nay có nhiều chuyến trực thăng từ tỉnh vào nên bà Quận đị chợ tỉnh về kịp, món ăn ngon và rất thịnh soạn. Tôi ngồi giữa ông Quận và ông Cố vấn Quận trưởng. Họ vừa ăn vừa trao đổi câu chuyện thật hòa nhã vui vẻ. Ông Quận nói nhiều câu khen tặng Mỹ và Cố vấn Mỹ luôn luôn khen đồ ăn ngon. Tôi giữ việc thông ngôn, tôi thấy khổ sở và quá thừa ở đây. Thỉnh thoảng ông Quận cũng quay sang nói với các sĩ quan Việt những câu chê người Mỹ như không lịch sự, không biết ăn ngon, không rộng rãi bằng tụi Pháp ngày trước. Còn mấy người Mỹ thì bàn nhau về đồ ăn và mấy cô gái được mời dự tiệc. Họ nói:

“Đồ ăn tụi nó ngon nhưng chắc là không sạch”.

“Đúng thế”.

“Có thể đau bụng ngày mai”.

“Ăn nhiều ỉa chảy mất”.

“Cô gái ngồi cạnh bà Quận là ai?”

“Em bà ta”.

“Đẹp nhưng cũng phải tắm sạch trước khi cho vào giường”.

“Với năm đô la?”

“Cứt, ở Sài Gòn cũng chỉ năm đô la thôi”.

“Nhưng cô này tử tế”.

“Nó tử tế nhưng mình có nhiều tiền. Dân Việt Nam cứ tiền là xong hết”.

Họ cười sặc, viên Trung úy Mỹ nói câu cuối cùng quay sang phía ông Quận:

“Ông Quận ở đây có cần mua thứ gì trong hợp tác Mỹ không. Khi nào về tỉnh chúng tôi sẽ mua giúp”.

“Tốt, cám ơn, cám ơn, gút gút”.

“Thuốc lá Whisky, radio, v.v.?”

“Ồ tốt quá, gút gút”.

“Tôi sẽ mua giúp ông Quận và nếu ở đây có tôi sẽ mua tặng bà nhà và cô em gái một ít nước hoa Intimate và xà phòng Dove”.

Tôi dịch hết câu thì tất cả đều cười vui vẻ, ông Quận quay sang nói với mấy sĩ quan Việt Nam:

“Tụi nó kẹo nhưng cũng tử tế”.

Tôi chỉ biết ngồi yên, khổ sở nhiều. Tiệc tan, họ bắt tay nhau thật chặt, cám ơn và khen nhau nhiều lần.


*

(Kiểm duyệt, bỏ 2 trang)

Tôi đang cùng Đại úy Cố vấn quận và ông Quận ngồi nói chuyện tại phòng làm việc của ông, có người vào báo cáo:

“Thưa Đại úy, cái tàu chở quân dịch sáng nay khi ra tới sông lớn thì có bốn đứa nhảy xuống”.

“Hồi nào?”

“Ngay tức thì, dạ đang liên lạc với tàu đây”.

Chúng tôi xuống cả phòng truyền tin. Tiếng máy vọng ra rè rè.

“Dạ thưa Đại úy, tụi nó nhảy ra bốn đứa, tụi nó lặn mất tiêu”.

“Hồi nào?”

“Dạ tức thì, em gọi về liền”.

“Chết cha mày rồi, có thấy tụi nó lội không?”

“Dạ không”.

Ông quay sang phía chúng tôi, trình bày tất cả và hỏi ý kiến. Viên Đại úy Mỹ rất tinh nhanh, ông ta xem bản đồ, hỏi chỗ xảy ra. Ông ta đề nghị là phải liên lạc ngay với quận kế bên để họ lấy xuồng máy đi tìm mấy người trốn.

“Mấy người trốn đó nguy hiểm lắm, nếu chúng thoát chúng sẽ theo V.C. Tôi đề nghị, nếu bắt lại được thì hay, còn không phải bắn vào mấy nơi khả nghi chúng ẩn nấp. Nguy hiểm làm chúng sẽ theo V.C.”

Đại úy Mỹ nói xong về phòng ngay. Ông Quận vẫn còn lại để theo dõi. Tôi ra khỏi phòng truyền tin mà tiếng rè rè của máy và tiếng oang oang lạnh lùng của Viên Đại úy Mỹ cứ xoáy mãi trong tai.

Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi còn được ông Quận báo tin cho ban Cố vấn là quận kế bên vừa điện cho hay “Có hai thanh niên bơi phạm vào vùng gài mìn bị giựt chết, trong người không có giấy tờ nên không biết có phải mấy người trốn quân dịch hồi chiều không”. Tôi nghe mà thấy lạnh cả người, còn Đại úy Mỹ tỏ ra hài lòng. Ông nói:

“Quận bên đó khá, họ có an ninh cẩn mật”.


*

Ông Quận cho người gọi tôi vào đây lúc 4 giờ sáng. Có lệnh hành quân gấp, phải thông báo cho Ban Cố vấn Mỹ. Người tôi còn bải hoải với giấc mơ đêm qua, cảnh một chiếc bè sang sông nước chảy cuồn cuộn và những tràng liên thanh Tây bắt từ trên đè xuống như điên. Máu và người chết. Tôi cùng ông Quận và hai sĩ quan trực thuộc bên phòng Cố vấn Mỹ. Họ còn ngủ. Anh dân vệ có bổn phận canh phòng Cố vấn Mỹ thấy bóng người từ xa đến thì hô đứng lại và chiếu đèn pin về phía chúng tôi. Đại úy Quận trưởng trả lời bằng một câu chửi tục, đèn tắt ngay và người gác đứng nép sang một bên. Ông Quận lại chửi tục một câu nữa rồi mới gõ thật nhẹ lên mặt cửa. Hai ba lần vẫn như không.

“Thưa, Đại úy đập mạnh một chút, tụi nó ngủ kỹ lắm”.

“Đ.m. câm họng mày lại”.

Bên trong đèn bật sáng, một anh Trung sĩ già ra mở cửa. Hắn mặc quần cụt, cởi trần, lông lá cùng người.

“Có chuyện chi đó Đại úy?”

“Hành quân, hành quân gấp”.

“Goddamnit (Tiên sư nó)”.

Chúng tôi vào cả trong. Đại úy Cố vấn trưởng cũng đã dậy, ông cởi trần, mặc quần cụt vươn vai ngáp dài và hỏi:

“Có chuyện chi đó Đại úy?”

“Hành quân, hành quân gấp”.

“Sao chúng tôi chưa nhận được tin gì từ MAC. V Tiểu khu. Đại úy nhận được lệnh hồi nào?”

“Vừa mới đây”.

“Tôi không hiểu luôn luôn chúng tôi nhận lệnh từ MAC. V Tiểu khu rất sớm. Đại úy cho chúng tôi một phút để hỏi lại trên đó xem sao”.

Trong khi Đại úy Mỹ dùng hệ thống truyền tin riêng của họ để liên lạc với Tiểu khu, thì lão Trung sĩ già mang café, sữa, bánh mì và bơ ra mời chúng tôi. Ông Quận và các sĩ quan ăn uống vui vẻ, thật tình. Họ lại tấm tắc khen sự đầy đủ của người lính Mỹ. Ông Quận nói:

“Đ.m. Đánh giặc như dzậy, tao đánh suốt đời được”.

Viên sĩ quan tham mưu cũng thêm vào một câu:

“Tụi nó sống thiệt ngon, Đại úy”.

Đại úy Mỹ đã trở lại bàn chúng tôi ngồi, ông ngỏ ý xin lỗi và cho biết vì một nhầm lẫn mà MAC. V Tiểu khu lại thông báo tin hành quân này cho một quận khác, nên bị trễ. Rồi ông hỏi ông Quận:

“Bây giờ, Đại úy cho biết kế hoạch của quận ra sao”.

“Được, được, tôi đến đây để trình bày và bàn kế hoạch với Đại úy”.

Đại úy Quận trưởng trải cái bản đồ bọc nhựa ra trước mặt. Viên Đại úy Mỹ cũng trải một cái bản đồ bọc nhựa khác ra mặt bàn. Tôi nhìn theo cái ngón tay đen và mập của ông Quận đang chạy trên các đường xanh đỏ trong bản đồ. Ông vừa nói vừa chỉ những điểm cần thiết, giờ ra quân, xuất phát tuyến, nơi tập trung, lộ trình, mục tiêu, phương tiện, chướng ngại vật, v.v. Đây là một cuộc hành quân phối hợp với hai quận bên và Tỉnh đoàn Địa phương quân. Quân ta chỉ có nhiệm vụ chặn địch khi chúng bị các lực lượng kia truy kích. Ông Quận ngừng lại để tôi dịch. Viên Trung úy tham mưu ngồi cạnh nói nhẹ vào tai:

“Anh biểu tụi nó khỏi đi cũng được, không có chi đâu. Đ.m., tụi mày mà đi, mình cực thêm”.

Tôi dịch tất cả câu trên. Đại úy Mỹ có vẻ không hiểu, nhưng tôi mặc. Trong khi những người Mỹ khác sửa soạn quân trang, thì Đại úy Mỹ đề nghị với ông Quận một điều:

“Tôi nghĩ, chúng ta nên nhân cuộc hành quân này mà kiểm soát những thanh niên đến tuổi quân dịch”.

“Tôi sợ không kịp giờ”.

“Nếu lúc đi không kịp thì lúc về chúng ta sẽ vào các làng đi qua để kiểm soát. Tôi thấy quận mình có lẽ chưa cung ứng nổi số quân dịch hạn định và hình như ông Quận cũng ít để ý đến việc đó”.

“Được, được, tôi sẽ làm mà”.

“Ông Quận nhớ điều này, nếu ta không bắt họ thì họ sẽ bị địch dùng, như thế có hại”.

“Được mà, được mà”.

“Tốt lắm, bây giờ xin hẹn nhau vào giờ khởi hành ở trước cửa quận”.

“Ô kê, gút gút”.

Tôi ở lại Phòng Cố vấn Mỹ. Ông Quận và hai sĩ quan trở ra sân, sau khi mỗi người uống thêm một ly café sữa và cầm theo một miếng bánh mì bơ.

Đại úy Mỹ lại kêu máy về MAC. V Tiểu khu để tường trình mọi sự. Rồi họ sửa soạn cạo râu, rửa mặt và ăn uống. Trong khi ăn viên Trung sĩ già nói với Đại úy Mỹ:

“Theo nguyên tắc thì mình phải lên phòng hội của họ để bàn mọi sự. Nhưng tôi không hiểu tại sao ông Quận này lại tốt đến cái độ mang cả bộ tham mưu xuống đây để trình bày”.

Đại úy không nói gì, nhưng một viên Trung sĩ nhất Mỹ to béo dềnh dàng khác lại chen vô:

“Anh không biết, ngày trước đã có tụi Pháp ở xứ này rồi sao?”


*

Chúng tôi đi qua những con đường đất, những bờ ruộng khô và những căn nhà tiều tụy. Đàn bà, trẻ con thấy người Mỹ đi qua đều xòe tay xin kẹo, viên Trung sĩ béo ném những viên kẹo mua ở chợ quận xuống mặt đường cho trẻ con xúm lại giành nhau. Đến 9 giờ, nắng đã lên cao, tên Hạ sĩ đeo máy truyền tin kêu mệt, ông Quận bèn hét một anh nghĩa quân đến vác máy giùm.

Trước khi đến mục tiêu, chúng tôi phải vượt qua một con sông nhỏ chỉ có một cây cầu khỉ bắc ngang. Những người lính địa phương đã qua được dễ dàng, ông Quận, Đại úy Mỹ và tôi cũng thế. Chỉ có tên Trung sĩ béo là nhất định không dám bước lên cầu, hắn sợ cầu gãy và rung rinh. Mỗi khi hắn thử đặt chân lên cầu với dáng vẻ đầy sợ hãi, chúng tôi ở bên này cầu lại cười rộ lên. Đột nhiên, tôi thấy cái to béo dềnh dàng của hắn thật lố bịch, khôi hài và vô dụng, tôi cũng thấy cái vẻ mà hắn cứ vứt kẹo mua ở chợ quận xuống mặt đường cho trẻ con xúm vào tranh nhau là lố bịch, lố bịch đến cái độ không chịu được. Gã Trung sĩ Mỹ béo cứ làm trò cười mãi đến gần mười phút, sau cùng ông Quận phải sai lính vào nhà gần đó mượn một cái thuyền gỗ để hắn qua sông. Nhưng cái thuyền quá nhỏ và cũng rất chòng chành làm cho gã Trung sĩ béo phải run lên và hốt hoảng đến suýt té xuống sông. Tôi thấy hắn vô dụng. Sau khi lên bờ, anh chàng còn nói khoác để chữa thẹn. Hắn bô bô kể lại những ngày tác chiến ở Đại Hàn. Tôi vẫn thấy cái to béo của hắn thật vô dụng, ít nhất cũng ở đây, xứ này.

Chúng tôi đến vị trí đã định trễ mất 20 phút. Đại úy Mỹ báo cáo về Tiểu khu rằng ở dọc đường có quá nhiều chướng ngại vật, ông ta không nói gì đến gã Trung sĩ béo khi phải vượt sông. Ông Quận ra lệnh dùng văn phòng hội đồng xã làm bộ chỉ huy. Ông phân phối công việc cho các sĩ quan đâu vào đấy. Viên Chủ tịch Hội đồng xã cũng đến chào trình diện, ông Quận hỏi qua loa về tình hình trong xã rồi cuối cùng sai đi làm cơm cho toàn bộ chỉ huy ăn trưa.

“Đ.m., bữa nay có mấy ông Cố vấn Mỹ đi, kiếm cái chi cho tụi nó nhậu nữa đó”.

“Dạ, dạ tụi em sẽ lo”.

Khi viên Chủ tịch xã đã nói chuyện xong với ông Quận, Đại úy Mỹ hỏi tôi đấy có phải là ông xã trưởng không, tôi nói phải, Đại úy Mỹ ngỏ ý muốn hỏi truyện ông xã trưởng đôi câu và nhờ tôi dịch lại. Ông xã trưởng hai tay chắp phía trước, dáng đứng rụt rè, không dám ngồi. Đại úy Mỹ hỏi:

“Tình hình ở đây ra sao?”

“Dạ, cũng yên lắm”.

“Tại sao những xã khác không yên, mà xã ông lại được yên. Phải chăng ông có cách gì để ngăn ngừa Việt Cộng”.

“Dạ, cũng không yên lắm, cũng lộn xộn đôi chút, nhưng, dạ… yên”.

Đại úy Mỹ quay sang phía viên Trung sĩ béo lúc đó đang nhai kẹo cao su nhồm nhoàm, ông nói:

“Tôi không hiểu”.

Tên Trung sĩ béo bĩu môi nhổ viên kẹo uống đất, hắn nói với Đại úy:

“Đù má nó (fuckle it), tụi này phải tiếp xúc, đóng thuế và nuôi Việt Cộng chúng mới được yên”.

Tôi thấy khó chịu khi tên Mỹ béo đó cứ chửi thề, văng tục luôn miệng. Trong quân đội Việt Nam chỉ có cấp trên được chửi thề, văng tục với cấp dưới mà thôi. Còn trong quân đội Mỹ họ bình đẳng hơn, cả trên lẫn dưới đều tha hồ chửi thề, văng tục tùm lum. Đại úy Mỹ lại nói:

“Tao không nghĩ thế”.

“Đại úy mới qua đây, ông chưa hiểu, còn tôi, tôi đã ở đây được tám tháng rồi, tôi biết rõ. Mấy tháng trước chưa có Cố vấn quận, tôi đi theo Cố vấn Tiểu đoàn, tôi đã vào rất nhiều xã nên tôi biết rõ. Tiên sư tụi nó đều thế cả, tụi nó nuôi Việt Cộng, tiếp tế cho Việt Cộng, đóng thuế cho Việt Cộng. Khi hành quân tới có khi tụi nó còn giấu Việt Cộng nữa. Tiên sư nó (goddamn it) mỗi nhà đều có cờ Việt Nam và dán những khẩu hiệu hoan hô Chính phủ, nhưng nhà nào cũng có tụi Việt Cộng ở trong. Tôi vào nhiều gia đình chỉ thấy toàn đàn bà, con nít hỏi chồng đâu, bố đâu, chúng nó đều nói đi làm trên tỉnh. Đ.m., chúng nó không đi làm đâu hết, Đại úy tin đi, cứ cuộc hành quân qua hay ban đêm là tụi nó mò về đủ cả. Không tin được tụi này, không bao giờ nên tin tụi này cả”.

“Bây giờ phải làm sao?”

“Làm sao à, Đại úy cứ hỏi Hoa Thịnh Đốn”.

Trả lời xong, viên Trung sĩ béo cười sặc sụa. Đại úy Mỹ có vẻ bực nhưng ông làm thinh, ông lại quay sang hỏi viên xã trưởng:

“Ở đây dân chúng sống bằng nghề gì?”

“Dạ làm ruộng và làm chài”.

“Xã ông có được bao nhiêu gia đình?”

“Dạ, tới mấy trăm”.

“Mấy trăm ông có thể cho tôi con số đích xác được không”.

“Dạ được, để tôi về lấy sổ”.

“Thôi cám ơn, cái đó tôi sẽ hỏi ông Quận sau. Còn thanh niên trong xã ông có bao nhiêu người đã thi hành quân dịch?”

“Dạ, thanh niên xã tui không có đi quân dịch, tụi nó đều tình nguyện vô nghĩa quân ở lại coi làng luôn”.

Viên Trung sĩ Mỹ xen vào:

“Đ.m. nghĩa quân, phát súng cho tụi này, có ngày nó bắn lại tụi mình. Tao không tin”.

Đại úy Mỹ hỏi tiếp ông xã trưởng:

“Xã ông có mấy trường học?”

“Dạ, một cái cho tụi nhỏ”.

“Mấy nhà thương?”

“Dạ, chỉ có một trạm cứu tế”.

“Này ông xã trưởng, hôm nay chúng tôi đi hành quân nên vội vã không kịp soạn thuốc men và sách vở cho đồng bào ở đây, vậy để lần sau tôi sẽ đến thăm lại”.

“Dạ, dạ cám ơn ngài”.

“Thôi, cám ơn ông, bây giờ ông có thể trở về làm việc được rồi”.

Viên Trung sĩ béo lại nói với Đại úy Mỹ:

“Cho thuốc, cho gạo, cho tiền, cho quần áo tụi này thật uổng, rồi chúng nó sẽ nuôi tụi Việt Công. Chúng nó không thù Việt Công như mấy bọn ở quận hay tỉnh vẫn nói với mình đâu”.

“Dù sao cũng khó”.

“Khó cái gì”.

“Khó để chúng nó thực sự thù nhau, vì cùng một giống dân, cùng một địa phương, cùng một làng có khi cùng một gia đình nữa”.

“Đại úy biết đấy, như thế nên tôi chán. Đ.m., tôi thiệt là chán cái xứ này. Nếu qua đây mà không có phụ cấp lớn thì tôi chuồn từ lâu rồi. Chó đẻ thiệt, mụ vợ tôi nó ưa mua một cái nhà mới”.

“Như thế, anh không nghĩ đến chuyện chống Cộng sản à?”

“Chống Cộng sản, cái đó để cho Hoa Thịnh Đốn”.

Hắn lại cười sặc sụa. Đại úy Mỹ có vẻ không hài lòng, ông lấy thuốc ra hút và không quên mời ông Quận một điếu.

Đến bữa cơm, chỉ có Đại úy Mỹ và tên Hạ sĩ Mỹ cùng ăn với chúng tôi, còn tên Trung sĩ béo nhất định không chịu ăn. Hắn ăn đồ hộp do tên Hạ sĩ bỏ trong túi máy truyền tin. Bữa cơm quá thịnh soạn. Có gần mười người mà không biết bao nhiêu đồ ăn gà vịt, thịt heo, cá, đủ thứ. Với bữa cơm này, thật có thể nuôi một gia đình nhỏ trong cả tháng. Không biết ông xã trưởng đã làm cách nào để có bữa ăn như thế trong một thôn quá nghèo, quá xơ xác này. Nhưng ông Quận chưa hài lòng, ông bắt đi kiếm lade và bánh mì cho hai người Mỹ. Tôi muốn đỡ cho ông xã nên hỏi hai người Mỹ có cần ăn bánh mì không, họ đều trả lời không và nói ăn cơm được rồi, tuy nhiên ông Quận vẫn hét đi kiếm lade.

Sau bữa ăn, ông Quận hỏi lại các sĩ quan về tình hình các thứ. Rồi ông bảo ông xã kiếm cho một chỗ ngủ trưa. Đại úy Mỹ nhờ tôi hỏi ông Quận về an ninh của làng, ông Quận trả lời.

“An ninh lắm, tụi nó mới lục soát mà”.

“Tôi muốn đi thăm dân cư trong làng. Đại úy có thể đi với chúng tôi không?”

“Ồ, thôi để ông xã trưởng đi với Đại úy, còn tôi phải ở lại đây để lo công chuyện”.

Nói xong ông ngáp dài, quay sang ông xã:

“Biểu tụi nó kiếm cho tôi chỗ ngủ, rồi đưa ông Đại úy đây đi vòng trong xã coi. Đừng có nói chi lộn xộn nghe không”.

Người ta nói mà tôi không hiểu, tôi mới đi lính, mới sống cuộc sống này nên có thể tôi khó mà hiểu được.


*

Viên Đại úy Mỹ là người còn trẻ, ông muốn xem, muốn biết nhiều thứ. Trước hết ông xã trưởng dẫn chúng tôi đến trạm y tế ở sát ngay văn phòng hội đồng xã. Căn nhà như bỏ hoang đã lâu, bàn ghế đầy bụi và có hơi mốc của đất. Đại úy Mỹ hỏi:

“Hình như hôm nay không làm việc?”

“Dạ, họ nghỉ… trưa”.

“Ông xã có mấy y tá cho trạm y tế này?”

“Dạ hai người”.

“Họ đều làm việc đấy chứ?”

“Dạ, có hai người do trên quận gởi tới nhưng một ông mới bị gọi quân dịch, còn một ông cũng xin được về làm trên tỉnh rồi”.

“Như thế không có ai hết?”

“Dạ”.

“Tình trạng không có người này đã lâu chưa?”

“Dạ, mới đây”.

“Bao lâu?”

“Dạ, chừng gần một năm”.

“Thế, cái trạm y tế này lập ra được bao lâu rồi?”

“Dạ, năm ngoái”.

“Tôi không hiểu, trạm y tế này có được một năm, mà không có y tá gần năm nay, vậy… tôi không hiểu. Ông xã thử nói rõ tôi coi”.

“Dạ, hồi đầu có một ban y tế trên quận mang thuốc xuống đây phát cho đồng bào, rồi ông Quận cho luôn xã chúng tôi một số thuốc và ít lâu sau cử thêm hai người y tá xuống đây. Họ ở đây được ít ngày rồi đi luôn”.

“Như thế, mỗi khi có ai đau ốm hay bị thương nhẹ thì làm sao?”

“Chúng tôi chở lên quận”.

“Tôi không hiểu, thế còn thuốc men?”

“Dạ, thuốc men tôi mang về nhà tất cả, ít lắm Đại úy, có mấy lọ thuốc gì đâu không à”.

“Tôi không hiểu, tôi phải hỏi lại lên trên xem sao. Tôi sẽ cố gắng giúp ông về vụ y tá”.

“Dạ, cám ơn Đại úy”.

Rồi ông xã trưởng dẫn chúng tôi đến thăm trường học. Trường cũng như trạm y tế đều vắng ngắt, đầy bụi và hơi mốc, mấy chiếc bàn chiếc ghế vứt ngổn ngang.

“Sao lại thế này?” – Đại úy Mỹ hỏi.

“Dạ cũng vậy, Đại úy. Xã chúng tôi có khá nhiều tụi nhỏ nhưng trường học lại không có ông thầy”.

“Tôi cũng hiểu”.

“Dạ, có một ông do Quận chỉ định về, rồi ít lâu cũng đi luôn. Về sau lại có một cô giáo khác nhưng được chừng hai ngày cô ấy cũng sợ mà bỏ đi luôn”.

“Sao lại sợ, sợ cái gì?”

“Dạ, tôi không hiểu, nhưng chắc cô sợ vì thấy xa nhà, ở đây có một mình”.

“Tôi sẽ phải bàn lại với ông Quận xem sao, xã này tương đối an ninh nhất quận mà trường học cũng như nhà thương đều không hoạt động được thì những xã khác ra sao. Chúng tôi lúc nào cũng muốn giúp dân Việt Nam nâng cao đời sống để chống Cộng sản nhưng chúng tôi sẽ không thể làm gì được khi đời sống ở đây cứ thế này mãi. Các ông hãy hiểu đó cũng là lý do tại sao chúng tôi lại thiết lập ban Cố vấn quận, mục đích không đâu khác là tìm đủ cách để giúp dân quê Việt Nam nâng cao đời sống mà chống Cộng sản”.

Tôi không biết câu vừa rồi, Đại úy nói riêng với ông xã trưởng hay nói cả với tôi. Tôi nghĩ chắc ông chỉ dùng những lời đó để nói với những người như viên xã trưởng, còn tôi, tôi đã đọc rõ chương trình cùng kế hoạch và mục đích của Cố vấn quận rồi nên tôi rõ lắm. Không phải thế đâu, không phải chỉ có thế thôi đâu. Tôi cũng nghĩ có lẽ Đại úy Mỹ trẻ này thuộc một gia đình giàu có bên Mỹ, nên ông rất hay nhấn mạnh đến việc chống Cộng sản một điều mà những người dân quê Việt Nam biết rất ít. Sau cùng ông xã trưởng dẫn chúng tôi đi thăm nhà cửa, chợ và những sinh hoạt trong làng. Dân cư ở đây sống “nhà-hai-lớp”. Họ phải đào hầm ngay trong nhà và đêm tối không ngủ được trên giường. Vợ chồng, con cái, cha mẹ đều phải chui cả xuống cái hầm mấy thước vuông, họ phải sống như thế để tránh bom đạn, tránh pháo binh bắn từ quận tới, tránh nhiều thứ. Tất cả mọi nhà đều phải có hầm. Họ sống như loài chuột, họ chui rúc và khổ sở. Ban ngày đánh cá, làm ruộng, phơi nắng ngoài đồng, ban đêm chui vào hầm tối. Những đứa trẻ được thả rông, những người bệnh phải chịu vậy. Những cái hầm này khi mùa nước lớn thì sao, họ vẫn phải chui xuống đó và ngụp lặn trong nước để tránh những quả đạn lạc. Tôi thấy không còn gì vô lý và tàn nhẫn hơn những quả đạn lạc.

Hồi Việt Minh đánh Tây, tôi cũng sống ở nhà quê, nhưng không đến nỗi khổ thế này. Người dân vẫn còn được hít khí trời và đi xem hội. Cuộc chiến bây giờ thật khác, nó khác bởi người ta.



[1]Phái bộ Cố vấn quân sự Mỹ
[2]Bộ chỉ huy yểm trợ Quân sự Việt Nam
Nguồn: Nhật ký của người chứng. Tác giả Thái Lãng, Hình bìa của Thái Lãng. Tủ sách "Văn nghệ xám". Thái Độ xuất bản, Giấy phép số 331 BTT/NHK/PHNT ngày 20-01-69. In tại nhà in Há»’NG LAM, 32 Nguyá»…n Bỉnh Khiêm, Sài Gòn. ĐT: 22782. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.