trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoàiTư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Ká»· niệm 100 năm ngày sinh George Orwell (25.6.1903-25.6.2003)
 1 
25.6.2003
Margret Atwood
Orwell và tôi
Vũ Ngọc Thăng dịch
 
Margret Atwood [1] khóc thảm thiết khi bà đọc Animal Farm [2] ở tuổi lên chín. Sau đó, tác giả quyển truyện đã trở thành nguồn ảnh hưởng lớn với bà. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của George Orwell sắp đến (25-6-1903) bà nói, ông hẳn có nhiều điều để nói về cái thế giới hậu-11/9.



Tôi lớn lên với George Orwell. Tôi sinh ra năm 1939, và Animal Farm xuất bản năm 1945. Cho nên, tôi có thể đọc nó ở tuổi lên 9. Ðó là những giây phút lăn ra quanh nhà, và tôi đã nhầm nó với một truyện thú vật nói, đại loại như Wind in the Willows. Tôi chẳng biết gì về khía cạnh chính trị của quyển sách - thế rồi, lối nhìn chính trị của một đứa trẻ, ngay sau chiến tranh, là dựa trên một ý niệm giản dị, Hitler thì xấu nhưng đã chết.

Thế là, tôi ngấu nghiến những cuộc mạo hiểm của Napoleon và Snowball - những con heo láu cá, hám ăn, cơ động trong việc leo trên ngồi trốc, của Squealer kẻ điềm chỉ - tay tổ thêu dệt, của Boxer - con ngựa cao thượng nhưng trí khôn thì đặc sệt, của những con cừu dễ xỏ mũi, luôn réo hò khẩu hiệu, mà không liên tưởng đến bất cứ một sự kiện lịch sử nào.

Cho rằng tôi bị quyển sách làm kinh sợ chỉ là một khẳng định nhẹ. Số phận những con vật trong trại quá là nhẫn tâm, những con heo hết sức ác ý, xuyên tạc và tráo trở, những con cừu thì quả là đần độn. Trẻ con có một chiều hướng công lí bén nhạy, và đây là điều làm tôi tức khí nhất: sự bất công của những con heo. Tôi đã khóc thảm thiết khi con ngựa Boxer gặp tai nạn và bị hất xuống xe làm thức ăn cho chó, thay vì được đem đến một góc đồng cỏ yên bình như đã hứa.

Ðối với tôi, toàn bộ kinh nghiệm là một nỗi xáo động sâu sắc, nhưng tôi biết ơn Orwell đã sớm cảnh báo tôi những ngọn cờ nguy hiểm để từ đó tôi tìm cách tránh xa. Trong thế giới của Animal Farm, hầu hết các cuộc diễn thuyết và ba hoa chích chòe nơi công chúng là những thứ vứt đi và là những âm mưu láo khoét, dù nhiều nhân vật có tâm địa tốt và tử tế, nhưng chúng có thể sợ hãi mà nhắm mắt làm ngơ trước những gì đang thực sự xẩy ra.

Những con heo nạt nộ những con khác với hệ ý thức, rồi vặn vẹo nó cho khớp với mục tiêu của chúng: nhưng các trò chơi ngôn ngữ của những con heo đối với tôi rõ là hiển nhiên, cả ở cái tuổi ấy. Như Orwell đã chỉ ra, không phải những nhãn hiệu - Thiên Chúa Giáo, Chủ Nghĩa Xã Hội, Hồi Giáo, Dân Chủ, Hai-Chân-Là-Tốt Bốn-Chân-Là-Xấu, những Công Cuộc - là có tính cách xác định, mà là những hành vi làm dưới những danh nghĩa ấy.

Tôi cũng vậy, có thể thấy là bằng cách nào mà những kẻ đã lật đổ một quyền lực áp bức lại dễ dàng sa vào cạm bẫy và thói quen của nó. Jean-Jacques Rousseau đã đúng khi cảnh cáo chúng ta rằng dân chủ là một hình thái cai trị khó duy trì nhất; Orwell thấm điều này đến xương tủy, bởi ông đã thấy nó vận hành.

Quả là nhanh để lời giáo huấn "Tất Cả Các Loài Thú Ðều Bình Ðẳng" chuyển thành "Tất Cả Các Loài Thú Ðều Bình Ðẳng, nhưng Có Những Loài Bình Ðẳng Hơn Những Loài Kia". Cái mà những con heo ngọt xớt quan tâm đến phúc lợi của những con khác lại chính là mối quan tâm nhằm che đậy sự rẻ rúng những kẻ chúng đang lợi dụng.

Biết bao sốt sắng chúng đã mặc vào người những bộ đồng phục, từng bị khinh rẻ, của những kẻ bạo chúa mà chúng đã lật đổ, và học cách sử dụng những cái roi của họ. Biết bao biện hộ cho những hành động mà chúng cho là đúng, hỗ trợ bởi những mạng lời lẽ thêu dệt của Squealer, viên chức báo chí có cái lưỡi dẻo quẹo của chúng, đến khi mọi quyền lực đều nắm gọn trong tay, thì cứ cho rằng các thứ ấy sẽ chẳng còn cần đến, và thế là chúng cai trị với sự cưỡng bức chẳng cần che đậy.

Một cuộc cách mạng thường chỉ mang nghĩa này: một cuộc xoay vần, một vòng quay của cái bánh xe may mắn, để từ đó những kẻ dưới đáy trở lên đỉnh, đảm nhận những cương vị chọn lựa, đạp xuống dưới những kẻ nắm quyền khi trước. Chúng ta cần ý thức về tất cả những kẻ đắp bồi phong cảnh bằng những chân dung to lớn của chính họ, như con heo hiểm ác, Napoleon.

Animal Farm là một trong những quyển truyện Hoàng-Ðế-Cởi-Truồng ngoạn mục nhất của thế kỉ 20, và nó khiến George Orwell chịu nhiều phiền phức. Những kẻ lội ngược dòng sự khôn ngoan phổ cập đương thời, vốn là những kẻ chỉ ra những sự thực lù lù chẳng chút thoải mái, hẳn phải ráng sức chịu đựng tiếng be be đồng thanh của bày cừu giận dữ dành cho họ. Tôi đã không hình dung ra tất cả những điều ấy ở tuổi lên 9, dĩ nhiên - nếu có chút nào thì cũng chẳng một cách có ý thức. Nhưng chúng ta học những mô thức chuyện kể trước khi học những hàm nghĩa của chúng, và Animal Farm mang một mô thức rất rõ ràng.

Tiếp đến là cuốn Nineteen Eighty-Four [3] , xuất bản năm 1949. Thế rồi, tôi đọc nó ở dạng sách bìa mềm vài ba năm sau đó, lúc đang học phổ thông. Sau đó, tôi đọc lần nữa, rồi lại lần nữa: nó được xếp ngay giữa những cuốn tôi ưa thích nhất, cùng với Wuthering Heights [4] .

Cùng lúc, tôi miệt mài với hai bạn đồng hành của nó, Darkness At Noon của Arthur Koestler và Brave New World của Aldous Huxley. Tôi thiết tha với cả ba, nhưng tôi hiểu Darkness At Noon là một bi kịch về những sự kiện đã xảy ra và Brave New World là một hài kịch châm biếm, với những sự kiện dường như không diễn ra đúng như thế. (Truy-Hoan-Cá-Mùi, đúng hơn).

Nineteen Eighty-Four gây ấn tượng mạnh cho tôi do tính cách hiện thực hơn của nó, có lẽ do Winston Smith giống tôi hơn - một người gầy gò, hay mệt, đối tượng cho việc luyện tập thể dục dưới những điều kiện buốt giá (đây là một đặc tính của trường tôi) - và là nguời mang sự xung đột thầm lặng với những ý tưởng và những cách sống đề xuất cho anh ta. (Ðiều này có thể là một trong những lí do khiến Nineteen Eighty-Four tốt nhất nên được đọc khi bạn ở tuổi đang lớn: phần lớn các bạn trẻ đang lớn cảm thấy thế).

Tôi có thiện cảm đặc biệt với ước vọng của Winston nhằm viết ra những suy tư trái cấm của mình, trong một phong thái cám dỗ ngọt ngào, trên một quyển sách trống thầm kín: tôi vẫn chưa bắt đầu viết, nhưng tôi có thể thấy sự hấp dẫn của nó. Tôi cũng thấy sự nguy hiểm của nó, bởi đây là những gì viết xoàng xĩnh và vội vã - cùng với tính dục trái phép, một tiết mục khác có sức thu hút lớn cho một đứa trẻ đang tuổi dậy thì ở những năm 50 - đã đưa Winston vào một thứ rối rắm hầm bà lằng.

Animal Farm vẽ ra biểu đồ sự tiến triển của một phong trào giải phóng lí tưởng hướng về một nền chuyên chế toàn trị do một bạo chúa cầm đầu; Nineteen Eighty-Four diễn tả thế nào là một cuộc sống trọn vẹn bên trong một hệ thống như thế. Nhân vật chính, Winston, chỉ có những kí ức rời rạc về cuộc sống trước khi cái thể chế hiện hành quái ác này ngự trị: anh ta là một kẻ mồ côi, một đứa con của tính tập thể. Cha anh ta chết trong chiến tranh, cuộc chiến dẫn đến sự đàn áp, và mẹ anh ta đã biến mất, chỉ để lại cho anh ta một cái nhìn oán trách khi anh ta phản bội bà cho một thỏi sô cô la - một sự phản bội thấp kém, vừa tác động như cái chìa khóa đi vào tính cách nhân vật Winston, vừa là một điềm báo trước cho nhiều sự phản bội khác trong quyển sách.

Chính quyền của Airstrip One, "xứ sở" của Winston, thì hung ác. Sự giám sát liên tục, việc không thể nói thẳng với bất cứ người nào, hình bóng Big Brother đáng sợ khắp nơi, nhu cầu của chế độ phải có những kẻ thù và những cuộc chiến tranh - dù cả hai đều có thể do tưởng tượng - làm khiếp đảm mọi người và thống nhất họ trong chán ghét. Những khẩu hiệu của những bộ óc trơ lì, những bóp méo ngôn ngữ, sự phá hủy những gì vốn đã thực sự xảy ra bằng cách nhồi nhét bất cứ một trữ liệu nào xuống cái Lỗ-Kí-Ức. Những điều ấy đã gây ấn tượng sâu trong tôi. Hãy để tôi khẳng định lại rằng: chúng khiến những nhồi nhét kinh hoàng bật ra khỏi tôi. Orwell viết một quyển sách châm biếm Liên Bang Xô Viết của Stalin, nơi tôi biết rất ít ở tuổi 14, nhưng ông đã thể hiện tốt đến mức tôi hình dung ra rằng những điều ấy có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào.

Không có quan tâm nào về tình yêu trong Animal Farm, nhưng trong Nineteen Eighty-Four thì có. Winston tìm được một quan hệ tâm đầu ý hợp ở Julia, bề ngoài là một kẻ tận tụy cuồng nhiệt vì Tổ-Chức, bề thầm kín lại là một cô gái ưa thích tính dục, sự hóa trang, và những thèm muốn suy đồi khác. Nhưng đôi tình nhân bị lộ, rồi Winston bị tra tấn về tội-tâm-tưởng, thái độ bất trung nội tâm đối với chế độ.

Anh ta cảm thấy rằng chỉ cần giữ được trong tim sự trung thành đối với Julia, thì tâm hồn anh ta sẽ được cứu vớt - một ý niệm lãng mạn, dù rằng đó là cái mà chúng ta có khuynh hướng tán thành. Nhưng, cũng như mọi chính thể chuyên chế và mọi tôn giáo, Tổ-Chức đòi hỏi bất cứ một sự trung thành nào có tính cách riêng tư đều phải hi sinh, để thế chỗ cho một sự trung thành tuyệt đối trước Big Brother.

Ðối diện trước nỗi khiếp sợ tồi tệ nhất trong Căn Buồng 101 chết chóc, nơi một công cụ quái ác mắc với một cái chuồng đầy chuột đói sẵn sàng ùa vào hốc mắt, Winston thổn thức: "Ðừng làm điều đó với tôi," anh van nài, "hãy làm điều đó với Julia." (Câu này đã trở nên câu tốc kí cửa miệng của chúng ta để thoái thác những trách nhiệm khó nhọc. Khổ thân Julia - nếu cô hiện hữu thực, hẳn chúng ta đã tạo cho đời cô biết bao khốn đốn. Cô phải có mặt trong rất nhiều buổi thuyết trình / thảo luận, chẳng hạn).

Sau sự phản bội Julia, Winston thuộc nhúm những kẻ ỉu mềm dễ bảo. Anh ta tin rằng hai cộng hai là năm, rằng anh ta yêu Big Brother. Nhận diện cuối cùng thoáng qua về anh ta của chúng ta chính là lúc anh ta đang u mê ngồi ở một quán cà phê ngoài trời, biết rằng mình là một kẻ có xác không hồn và biết rằng Julia cũng đã phản bội mình, trong khi lắng nghe một điệp khúc phổ cập: "Dưới tàng cây dẻ tỏa rộng / Tôi bán em và em bán tôi..."

Orwell từng bị buộc tội là cay đắng và bi quan - khi để lại cho chúng ta một cái nhìn về tương lai trong đó mỗi cá thể không có một cơ may nào, nơi mà gót giày tàn nhẫn, toàn trị của cái Tổ-Chức kiểm-soát-tất-cả đay nghiến mặt người, mãi mãi.

Nhưng cái nhìn này của Orwell lại mâu thuẫn với chương cuối của quyển sách, một tiểu luận trên cái Newspeak - thứ ngôn ngữ tư-duy-nước-đôi được chế độ bào chế. Bằng cách sàng lọc tất cả những từ có thể gây nhiễu loạn - "xấu" không còn được cho phép, nhưng trở thành "không tốt-cộng-gấp đôi" - và bằng cách làm những từ khác mang nghĩa ngược lại với cái chúng từng mang - nơi con người bị tra tấn là Bộ Tình Yêu, tòa nhà chỗ quá khứ bị tiêu hủy là Bộ Thông Tin - những kẻ cai quản Airstrip One ước muốn thực hiện đúng y cái việc khiến mọi người không thể suy nghĩ thẳng thắn. Tuy nhiên, tiểu luận về cái Newspeak được viết dưới một thứ tiếng Anh tiêu chuẩn, ở ngôi thứ ba, thì quá khứ, chỉ có nghĩa là chế độ đã sụp đổ, ngôn ngữ và tính cá thể còn tồn tại. Ðối với bất cứ ai đã viết tiểu luận về cái Newspeak, thế giới của Nineteen Eighty-Four là cái đã qua. Cho nên, tôi cho rằng Orwell đã đặt tin tưởng vào sự vững chãi của tâm hồn con người nhiều hơn là cái mà người ta thường phó cho ông.

Orwell trở nên một kiểu mẫu trực tiếp vào giai đoạn sau đó của đời tôi - ở năm 1984 thực thụ, năm mà tôi bắt đầu viết một kiểu truyện dystopia (xứ kinh hãi) khác, The Handmaid's Tale. Lúc này tôi được 44 tuổi, và tôi đã đủ hiểu về những thể chế độc tài thực sự - qua việc đọc lịch sử, qua những chuyến du hành, và dưới tư cách một thành viên của Amnesty International - cho nên tôi đã không chỉ dựa vào Orwell.

Phần lớn các dystopia - gồm cả cái của Orwell - là do đàn ông viết, và mang cái nhìn của nam giới. Ở chúng, khi phụ nữ xuất hiện, thì hoặc họ là những cỗ máy tự động phi tính dục, hoặc họ là những kẻ nổi loạn đã thách thức những qui tắc tính dục của chế độ. Họ tác động như những người đàn bà khêu gợi các nhân vật đàn ông, dù rằng sự cám dỗ này có được bản thân quí vị đàn ông chào đón với cung cách nào chăng nữa.

Thế là Julia; thế là kẻ quyến rũ truy-hoan-cá-mùi mặc bộ đồ lót liền mảnh của niềm Hoang Dại trong Brave New World; thế là những người đàn bà gây mê đắm chết người trong tác phẩm cổ điển năm 1924 đầy ảnh hưởng của Yevgeny Zamyatin, Chúng Tôi. Tôi muốn thử một dystopia từ điểm nhìn phụ nữ - thế giới theo Julia, như nó là. Thế nhưng, điều này không làm The Handmaid's Tale trở thành một "feminist dystopia", trừ cái sự thể là cho đến lúc người ta còn giao phó một tiếng nói và một đời sống nội tâm cho một người đàn bà thì điều đó sẽ luôn luôn được xem là có tính cách "nữ quyền" bởi những kẻ nghĩ rằng phụ nữ không cần phải có những thứ ấy.

Thế kỉ 20 có thể được xem như một cuộc đua giữa hai kịch bản khác nhau về một nỗi đọa-đày-nhân-tạo: chủ nghĩa nhà nước chuyên chế giày ủng Nineteen Eighty-Four của Orwell, và cái thiên đàng-thế-phẩm-khoái-lạc Brave New World, nơi tuyệt đối mọi sự là một món hàng tiêu thụ và con người được công-kĩ-hóa để có hạnh phúc. Với sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh năm 1989, trong một khoảng thời gian, dường như cái Brave New World đã thắng thế - từ giờ trở đi, sự kiểm soát nhà nước sẽ tối thiểu, và tất cả những gì chúng ta cần làm là đi mua sắm và mỉm cười thật nhiều, rồi đắm mình trong dục lạc, rồi nuốt ực một hoặc hai viên thuốc mỗi khi nỗi khắc khoải chán chường kéo đến.

Nhưng với 11/9, tất cả thay đổi. Giờ đây, chúng ta hình như đang đối diện với viễn cảnh của hai cái dystopia cùng lúc - thị-trường-mở, đầu-óc-đóng - bởi vì sự giám sát nhà nước lại trở lại lần nữa với một ý chí báo thù dữ dội. Căn Buồng 101 hãi hùng của kẻ tra tấn từng hiện hữu cùng chúng ta suốt thiên niên kỉ. Những Ngục Tối Thành Rome, Tòa Án Tôn Giáo, Hội Ðồng Cơ Mật, nhà tù Bastille, những cách tiến hành xử quyết của Tướng Pinochet và Hội Ðồng Tướng Lãnh ở Argentina - tất cả tùy thuộc vào sự bí hiểm và sự lạm dụng quyền lực. Nhiều nước có những ấn bản của mình - những phương cách riêng để làm bặt tiếng li khai phiền toái.

Những nền dân chủ truyền thống tự khẳng định chúng qua một số tính cách - như tính công khai và tính nguyên tắc pháp lí. Nhưng hiện nay, dường như ở Phương Tây, chúng ta đang im hơi lặng tiếng, hợp thức hóa những phương pháp dùng trong các thời kì quá khứ đen tối của con người, nâng cấp chúng về kĩ thuật và thần thánh hóa chúng cho những mục tiêu riêng của chúng ta, đương nhiên. Vì lợi ích của tự do, tự do phải được từ bỏ. Ðể tiến đến một thế giới tốt hơn - về cái utopia (xứ không tưởng) mà chúng ta được hứa hẹn - dystopia trước hết phải giữ chặt sự thống trị.

Ðây là một khái niệm xứng với tính tư-duy-nước-đôi. Trong cái trật tự của các sự kiện của nó, lạ thay nó cũng mang tính Mác-xít. Trước hết, nền chuyên chính của giai cấp vô sản, trong đó nhiều cái đầu phải lăn lóc; rồi một xã hội không giai cấp ngọt-ngào-tận-trời-xanh, đủ kì quặc để không bao giờ thực tế hóa được. Thay vào đó, chúng ta chỉ được những con heo và roi vọt.

Tôi thường tự hỏi: George Orwell hẳn có gì để nói về điều này nhỉ?

Rất nhiều điều.

(Trích biên từ tham luận của Margaret Atwood cho chương trình Twenty Minutes của đài BBC 3 trong sê-ri những tiểu luận về Orwell)

The Guardian, 16/06/2003


© 2003 talawas



[1]Margret Atwood (1939) đuợc coi là nhà văn nữ quan trọng nhất tại Canada đương đại. Bên cạnh sự nghiệp văn chương đồ sộ, bà còn là người tích cực tham gia các phong trào phụ nữ và nhân quyền.
[2]Tác phẩm nổi tiếng của George Orwell
[3]Xem thêm Thomas Pynchon, Đường tới 1984, talawas 02.6.2003
[4]Tác phẩm của Emily Bronte, bản dịch tiếng Việt của Dương Tường mang tên Đỉnh gió hú

Nguồn: The Guardian, 16/06/2003