Kỷ niệm 10 năm ngà y mất của Allen Ginsberg (1997-2007) và 50 năm phiên toà xét xỠbà i thơ Hú (1957-2007)
Thứ Bảy ngày 5 tháng 4 năm 1997, sau một thời gian ngắn kịch phát ung thư gan giai đoạn cuối và một cơn đột quị, Allen Ginsberg qua đời trong căn hộ bốn phòng giản dị của mình ở Làng Đông (East Village), khu Lower East Side của Manhattan, New York, giữa đám "bạn thân và người tình cũ". Tôi đã có dịp đến thăm hai lần căn hộ ấy ít năm sau khi chủ nhân của nó ra đi - nó được giữ lại như một kỷ vật của ông, với chiếc giường nhỏ và tấm
thanka treo trên tường để thiền quán. Lần thứ hai, vào năm 2005, căn hộ chỉ còn hai phòng nhỏ. Bob Rosenthal, người bạn cũ của thi sĩ và lãnh đạo của Quĩ Ủy thác Allen Ginsberg hiện nay, cho biết là ngân sách eo hẹp của Quĩ không cho phép giữ hết lại cả bốn phòng như trước. Hai phòng đã thuộc về một câu lạc bộ gì đó.
Irwin Allen Ginsberg sinh ngày 3 tháng 6 năm 1926 tại Newark, bang New Jersey, Hoa Kỳ, là con trai thứ hai của nhà thơ Louis Ginsberg; mẹ ông, Naomi, là một người Nga lưu vong. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa của người mẹ nuôi dưỡng tuổi trẻ ông và còn chảy trong nhiều tác phẩm ông viết sau này:
"America, lúc còn bé ta đã từng là một người cộng sản, ta không hối tiếc. ... Khi ta lên bảy mẹ đưa ta đến những cuộc họp chi bộ cộng sản, họ bán cho chúng ta hạt garbanzo mỗi vé một nắm giá một chinh còn diễn văn thì không mất tiền mọi người đều thiên thần và thương cảm thợ thuyền thuở ấy tất cả sao chân thành quá... " (
America).
Vừa tròn 17 tuổi, trên chiếc phà chở anh đi chơi New York, Allen Ginsberg quì xuống phát lời nguyền đầu tiên trong đời: dâng hiến đời mình cho giới cần lao bị áp bức. Để thực hiện tâm nguyện ấy, theo chân người anh trai là Eugene, anh vào khoa luật trường đại học Columbia. Nhưng tại đó, việc gặp gỡ Jack Kerouac và William Burroughs đã đánh dấu bước ngoặt tư tưởng của anh.
"Tôi nhận thức được rằng mình toàn nói qua một hộp sọ trống rỗng... Tôi đã không nghĩ những ý nghĩ của riêng mình, không nói những ý nghĩ của riêng mình" – nhà thơ kể lại trong một cuộc phỏng vấn.
Một sự kiện khác quyết định đường đi của anh vào năm 1948: Trong lúc đang nằm dài trên chiếc sofa trong căn hộ của mình ở khu Đông Harlem, A. Ginsberg trông thấy William Blake (nhà thơ Anh thế kỷ 19 có khuynh hướng tâm linh) đọc bài thơ "A, Hoa hướng dương", trong một "ảo ảnh ba chiều". Từ đó dường như đối với Ginsberg, thơ chính là con đường để đạt tới ảo giác, linh giác như thế, thậm chí với trợ lực của các chất gây nghiện đủ loại như cần sa, mescalin, LSD, ecstasy...
A.G. nổi danh như cồn từ vụ án
Hú năm 1956. Bài thơ dài
Hú mở đầu như sau:
"Tôi đã thấy những trí tuệ xuất sắc nhất của thế hệ mình bị huỷ diệt vì điên rồ, chết đói cuồng loạn trần truồng lê lết qua những phố da đen tìm một liều cuồng nộ lúc rạng đông... Những kẻ nghèo nàn rách rưới mắt trũng say đờ ngồi đơ hút thuốc trong bóng tối siêu nhiên của các căn hộ nước lạnh dập dềnh trôi ngang những đỉnh chóp các thành phố nghiền ngẫm nhạc jazz..." |
Bìa tác phẩm Hú và những bài thơ khác |
Bài thơ lần đầu tiên do chính tác giả đọc đã gây náo động trong đêm thơ ở Gallery Six, San Francisco, và sau đó nhà thơ Lawrence Ferlinghetti, chủ nhà xuất bản City Lights Book (Đèn thành phố) đã in cho ông một tập thơ mỏng khổ bỏ túi
Hú và những bài thơ khác. Cảnh sát San Fransisco tịch thu cuốn sách, và người xuất bản phải hầu toà vì tội công bố một "quyển sách dâm ô". Kết quả Ferlinghetti trắng án, còn tên tuổi và tác phẩm của Ginsberg trở nên lừng lẫy.
Đó là thời kỳ của nước Mỹ bảo thủ những năm 50, khi màn ảnh nhỏ khoe những cặp vợ chồng ngủ riêng giường. Điều thú vị là 40 năm sau, chương trình truyền hình cáp của nước này lại phát cảnh Ginsberg đọc
Hú cho lớp trẻ những năm 90 thưởng thức. Ngày nay hàng năm ở khu Lower East Side, Manhattan, New York đều diễn ra Festival
Hú, và năm 2006, kỷ niệm 50 năm tác phẩm được xuất bản, một festival quốc tế
Hú với các bản dịch khác nhau đã là một sự kiện văn học ở Đức. Tính đến nay,
Hú đã được xuất bản 55 lần với hàng triệu bản và dịch ra 23 thứ tiếng.
Hú là bài thơ tặng Carl Solomon, một người bệnh mà tác giả gặp trong một bệnh xá tâm lí trị liệu. Bản “anh hùng ca đen” này phơi bầy sự bế tắc cùng quẫn của một thế hệ bị hủy diệt bởi cỗ máy xã hội công nghiệp vô nhân, đồng thời tung ra một thi pháp đầy thách thức: câu thơ tuồn tuột tuôn ra bộc phát dài dặc – theo sát "hơi thở" rất dài của người viết như hơi kèn trompet tùy hứng của nhạc jazz; sự trở lại “tính xướng âm” như nhà thơ Kenneth Rexroth gọi hay khuynh hướng “đi từ tiếng nói đến tiếng trò chuyện, đến tiếng ngân nga, hay ngân nga với hơi thở dài, đến chiều hướng hát thơ theo lối thi sĩ trung đại, chiều hướng xuất thần” như chính tác giả nhận định
[1] ; ngôn ngữ trần trụi đời thường không hoa mĩ thậm chí tục tĩu, “bẩn”; hình ảnh siêu thực phi lý nhưng thực ra được cắt dán từ những chi tiết rất thực trong cuộc sống của tác giả và bè bạn.
Chính sự kiện
Hú đã tạo nên một Thế hệ Beat huyền thoại những năm 1950 và 1960 từ "một nhóm bạn ham mê văn chương nghệ thuật và yêu nhau" (Allen Ginsberg, Jack Kerouac, William Burroughs, Neal Cassady, Peter Orlovsky... “Beat” là danh từ đa nghĩa do Jack Kerouac sử dụng đầu tiên, có nghĩa là “sự vắt kiệt sức, sự toàn phúc, cảm hứng nhạc jazz)
[2] . Thế hệ vỡ mộng trước một xã hội trưởng giả và chủ nghĩa tuân phục, đã "đột phá", "đào bới" một văn hoá riêng cho mình, một trong những nhân tố sẽ dẫn đến cao trào “phản văn hoá” (counter-culture) ở Mỹ thập niên 1960. Mặt trái của thứ "văn hoá nhóm" (subculture) ấy là ma túy, buông thả tính dục. Mặt phải của nó là tinh thần tự do, nhân quyền, yêu hoà bình, yêu thiên nhiên, là tình người chân thực.
Hú cũng là cơ hội quyết định cho chàng trai phải kiếm sống bằng đủ mọi nghề tạm bợ từ rửa bát đến tìm hiểu thị trường để nuôi hồn thơ trở thành người sống chỉ để làm thơ và bằng thơ.
Cảm hứng và thi pháp của
Hú sẽ được Allen Ginsberg tiếp tục trong trường ca
Kinh Kaddish khóc thương người mẹ thân yêu của mình.
Năm 1991, trả lời phỏng vấn báo
The Associated Press - nơi 40 năm trước, chàng trai Ginsberg từng làm chân sai vặt trong toà soạn - nhà thơ nhắc lại những năm 50, thời kỳ của
"bệnh hoang tưởng, nghi ngờ, sợ hãi hoàn toàn, kẻ giầu cướp bóc người nghèo mà mồm lại than phiền về người nghèo...", thời kỳ của "những xúc động giả mạo bị thị trường hoá, cơ giới hoá". Ginsberg là một nhà hoạt động xã hội rất tích cực, bằng thơ và bằng những hoạt động thực tiễn. Ông luôn luôn "về phe" những kẻ yếu, những kẻ bên lề, những nhóm thiểu số. Ông đấu tranh cho các quyền của giới đồng tính ái mà ông là thành viên:
"Tôi làm thơ, bởi vì các tế bào di truyền và nhiễm sắc thể của tôi hướng đến các chàng trai chứ không phải đến các cô gái" [3] . Ông bảo vệ quyền sử dụng LSD và cần sa trong khi chống lại các công ty sản xuất thuốc lá, “thuốc kích thích chính thống” như ông gọi. Ông dẫn đầu đoàn biểu tình lớn chống chiến tranh Việt Nam ở California năm 1965 và bị bắt năm 1967 trong một cuộc xuống đường khác vì cùng mục đích. Ông viết và tổ chức nhiều cuộc biểu tình ngồi chống sản xuất vũ khí hạt nhân. Các tập thơ
Tin tức hành tinh (Planet News) và
Sự suy vong của nước Mỹ (The Fall of America) trong thập niên 60 ấy có nhiều bài phê phán chính sách của chính quyền Mỹ, đặc biệt là tính chất đế quốc và hiếu chiến cũng như chính sách “nhà nước cảnh sát” của nó. Năm 1965, giám đốc FBI (Edgar Hoover) xếp ông trong "danh sách nguy hiểm cho an ninh".
Allen Ginsberg trở thành "guru" (đạo sư) của phong trào "phản văn hoá" có ảnh hưởng trong thanh niên Mỹ một thời, ông sáng tạo thuật ngữ "quyền lực của hoa". Ông cũng là cầu nối Phong trào Beat thập kỷ 1950 và phong trào “hippy” thập kỷ 1960.
Trên con đường đi tìm các triết lý thần bí và tâm linh khác nhau để tự giải thoát khỏi ám ảnh của hư vô và sự đè nén của thực tế xã hội tàn bạo, Allen Ginsberg và các bạn mình đã gặp tư tưởng Phật giáo. Càng ngày, những bài thơ hướng về "thiền" càng chiếm vị trí quan trọng bên cạnh khuynh hướng "hiện sinh Beat" trong sáng tác của ông. Ông còn thực tập thiền định bằng thơ theo hướng dẫn của vị sư tăng Tây Tạng Tsulgrim Gyatso. Bài thơ ngắn sau đây viết ngày 20 tháng 8 năm 1991 bắt đầu bằng tình trạng mê loạn của đời sống luân hồi (samsara)
"vô lương những giao kèo, tivi, thịt, thị trường chứng khoán, tít lớn nhật báo, tình ái, đời sống thủ đô” và kết thúc là sự chứng ngộ cảnh giới an tịnh (dharma kaya):
"Sớm muộn cũng buông trôi yêu ghét khinh khi, đi dạo công viên nhìn trời, ngồi trên gối, đếm sao trong óc, trỗi dậy và ăn". Ông đã cùng thầy của mình là nhà sư Tây Tạng Chogyam Trungpa lập ra một viện nghiên cứu và tu tập Phật giáo đầu tiên ở phương Tây, mang tên Viện Naropa tại bang Colorado, trong đó có "Trường Thơ thoát xác" mang tên Jack Kerouac. Tại nhà riêng, ông mở đầu mỗi ngày bằng việc toạ thiền, sau đó là một ly trà chanh nóng. Bữa ăn sáng của ông là "cháo nấm tỏi tây bí đông trộn".
Chắc một tâm hồn nóng bỏng như A. Ginsberg khó lòng đạt đến cảnh giới an tịnh (bài thơ ngắn dẫn ở trên chỉ là "một bài tập thiền" mà thôi), vả lại, một khi đã đạt tới, thì ắt sẽ vô ngôn, làm gì còn thơ! Song làm thơ như một biện pháp tự thanh lọc để đạt đến giác ngộ, thì quả Allen Ginsberg là người đầy chân thành!
Chân thành là nguyên tắc đầu tiên và cuối cùng của ông.
"Làm thơ là viết lên giấy tất cả những gì đến trong đầu. Tất cả những gì đủ mạnh, đủ sống động để mình phải nhớ". "Cứ ngây thơ. Ngay thẳng. Chân thành. Công khai những gì trong đầu mình, tức là hiến cho đời sự thể hiện một tinh thần trung bình nhưng khác biệt hẳn với những thể hiện giả tạo bị các phương tiện truyền thông và chính phủ nhào nặn, khác biệt hẳn việc sản xuất hàng loạt những hình ảnh tạo ra thị hiếu giả mạo về tình cảm và về con người" (Trả lời phỏng vấn nhân dịp 70 tuổi).
Có thể nói toàn bộ thơ ông là nhật ký đời sống toàn diện của con người ông. Năm mươi năm sáng tác là tài liệu ghi lại con đường tâm linh của một cuộc đời tập trung thám hiểm những khả năng sáng tạo của ý thức. Vì thế thơ Allen Ginsberg rất phong phú về nội dung và giọng điệu. Từ chiêm nghiệm Phật giáo đến phiêu lưu tính dục, từ những đề tài siêu nghiệm đến chủ nghĩa hiện thực và bình luận chính trị, từ các bài ca (rag, ballad, blue) đến những suy nghĩ về thơ.
Trong các hoạt động thơ, Allen Ginsberg là một nhà trình diễn không biết mệt và đầy phấn khích. Một chị bạn Mỹ kể với tôi: hồi cô còn đi học, nhà thơ đã đến trường đại học của cô nói chuyện, đọc thơ, và... trong cơn hứng khởi, ông trút bỏ quần áo, giữa tiếng reo hò của sinh viên và bị các nhân viên bảo vệ lôi cổ tống ra ngoài! Năm 1965, ông qua Tiệp đọc thơ trong lễ hội phong "Vương, Hậu tháng Năm" truyền thống của Praha, và được 100.000 công dân Tiệp bầu làm "Vua tháng Năm" nhưng bị chính quyền trục xuất. Năm 1977 ông đi lưu diễn cùng nhóm Dylan's Rolling Thunder Revue và ứng tác những bài thơ khác. Ở tuổi lục tuần Allen Ginsberg còn biểu diễn và đọc thơ tại những câu lạc bộ đêm ở Manhattan. Hoạt động cuối cùng của ông là đọc bài thơ rock châm biếm chính trị "Ballad của những bộ xương" trên nền nhạc của Paul Mc Cartney và Philip Glass để thu đĩa (1996). Tính trình diễn của thơ Allen Ginsberg đã là một nguồn hứng quan trọng của khuynh hướng “thơ trình diễn” (performance poetry) rất thịnh hành ở Mỹ trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX.
Allen Ginsberg được coi là nhà thơ có ảnh hưởng nhất đối với thơ Mỹ sau Walt Whitman. Hơn thế, ông còn đóng góp nhiều vào việc tạo nên diện mạo nghệ thuật, âm nhạc và chính trị của nước Mỹ suốt 50 năm qua. Thơ ca cách tân và tinh thần xung kích của ông về giải phóng chính trị, tính dục và tâm linh đã tạo cảm hứng cho vô số nhà thơ, nhạc sĩ và nghệ sĩ tạo hình, nghệ sĩ biểu diễn ở nhiều châu lục, đóng góp vào việc hình thành cách nhìn thế giới của vài thế hệ Âu - Mỹ. Trong số các nhân vật lừng danh chịu ảnh hưởng của ông, có thể kể từ Tổng thống - nhà văn Vaclav Havel của Czech đến Yoko Ono (vợ John Lennon) và Bob Dylan, nhà thơ - ca sĩ nhạc đồng quê...
Allen Ginsbeng ra đi sau khi đã ở đỉnh cao của thành công. Ông được tặng giải National Book Award năm 1973 (cho cuốn thơ
Sự suy vong của nước Mỹ), được bầu vào Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ, được Bộ trưởng Văn hoá Pháp tặng huy chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật, và ngay trước khi ông mất, cả nước Mỹ và Tây Âu tưng bừng kỷ niệm thượng thọ ông cùng với sự hồi sinh các huyền thoại về Thế hệ Beat.
Thế hệ trẻ đô thị miền Nam Việt Nam trước 1975 đã biết đến Allen Ginsberg như một thần tượng Beat, như một chàng hipster phản chiến. Thơ ông được giới thiệu có lẽ lần đầu qua bản dịch của Hoàng Ngọc Biên trong một số đặc biệt của tập san
Trình Bày. Sau 1975, tôi đã giới thiệu và dịch Allen Ginsberg trên các tạp chí
Sông Hương, Kiến thức ngày nay, và cùng với Thanh Thảo, Nguyễn Đỗ, Ngân Xuyên trân trọng giới thiệu ông trên tạp chí
Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam nhân nhịp ông 70 tuổi. Gần đây, các trang mạng như Tiền vệ, talawas, eVăn cũng giới thiệu thơ ông qua các bản dịch của Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, và tôi.
|
Thư viết tay của Allen Ginsberg gửi Hoàng Hưng ngày 18.2.1997 |
Ngày 18 tháng 2 năm 1997, tức là chỉ ít lâu trước khi lâm trọng bệnh, Allen Ginsberg viết cho tôi một lá thư (handwritten letter) - trước đó ông liên lạc với tôi qua người trợ lý là Peter Hale. (Sau này khi tôi sang Mỹ và khoe với các bạn nhà thơ Mỹ bức thư ấy, các bạn rất bất ngờ và bảo đó là kỷ vật quí, vì không phải ai cũng được ông viết thư như thế. Tôi biết đó là thể hiện tình cảm của ông đối với Việt Nam). Ginsberg cảm ơn về số báo
Văn học nước ngoài với nhiều bài thơ của ông được dịch, và gửi tặng tôi một loạt tác phẩm mới nhất của ông, cả sách và đĩa đọc thơ. Ông hỏi thăm nhà thơ Vũ Hoàng Chương còn sống không, có khoẻ không? (Ông kể, tháng 5 năm 1963 ông tới Sài Gòn, đã gặp thi sĩ này, ông nhớ cả tên tập thơ của họ Vũ:
Nouveaux Poemes -
Tân thi, NXB Nam Chi"). Tôi xin phép ông xuất bản một tập thơ Allen Ginsberg tiếng Việt, ông bằng lòng và còn nhắc tôi dịch phần II của bài thơ dài
Wichita Vortex Sutra (
Wichita xoáy lốc kinh) phê phán chính quyền Mỹ về cuộc chiến Việt Nam... Sau nhiều lần trì hoãn bởi những lý do khách quan, tập thơ đang được gấp rút hoàn tất với sự cộng tác của nhà thơ Nguyễn Đỗ. Mong hương hồn ông phù hộ cho chúng tôi thực hiện được công việc khó khăn này...
4/1997 – 7/2007 © 2007 talawas
[1]Trò chuyện với James McKenzie năm 1982, trích trong sách
Big Sky Mind, Riverhead Books 1995, trang 122
[2]Mặc dù chính Allen Ginsberg và Jack Kerouac luôn luôn phủ nhận sự tồn tại của một nhóm/phong trào “beat” như giới báo chí và phê bình đặt để, và nhấn mạnh tính độc lập của từng cá nhân tác giả trong đó.
[3]“Ngẫu hứng Bắc Kinh”, 1984, Ngân Xuyên dịch, tạp chí
Văn học nước ngoài số 6/1996